Tổng mức đầu tư xây dựng và 04 điều cần biết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
17/10/2022 09:31 AM

Tổng mức đầu tư xây dựng là gì? Nội dung của tổng mức đầu tư xây dựng được quy định như thế nào? - Kim Anh (Tiền Giang)

Tổng mức đầu tư xây dựng và 04 điều cần biết

Tổng mức đầu tư xây dựng và 04 điều cần biết

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tổng mức đầu tư xây dựng là gì?

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 10/2021/NĐ-CP thì tổng mức đầu tư xây dựng là toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định phù hợp với thiết kế cơ sở và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

2. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 10/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP) quy định về nội dung tổng mức đầu tư xây dựng, gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác; chi phí dự phòng và được quy định cụ thể như sau:

- Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm:

+ Chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, các tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định;

+ Các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất;

+ Chi phí tái định cư; chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí sử dụng đất, thuê đất tính trong thời gian xây dựng và các khoản chi phí khác liên quan đến việc sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất, tài nguyên nước, tài nguyên biển theo quy định của pháp luật (nếu có);

+ Chi phí di dời, hoàn trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng phục vụ giải phóng mặt bằng (nếu có) và các chi phí có liên quan khác.

- Chi phí xây dựng gồm: 

+ Chi phí xây dựng các công trình, hạng mục công trình của dự án;

+ Công trình, hạng mục công trình xây dựng tạm, phụ trợ phục vụ thi công; 

+ Chi phí phá dỡ các công trình xây dựng không thuộc phạm vi của công tác phá dỡ giải phóng mặt bằng đã được xác định trong chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

- Chi phí thiết bị gồm: 

+ Chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ;

+ Chi phí quản lý mua sắm thiết bị (nếu có);

+ Chi phí mua bản quyền phần mềm sử dụng cho thiết bị công trình, thiết bị công nghệ (nếu có); 

+ Chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có); 

+ Chi phí gia công, chế tạo thiết bị cần gia công, chế tạo (nếu có); 

+ Chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh; 

+ Chi phí chạy thử thiết bị theo yêu cầu kỹ thuật (nếu có); 

+ Chi phí vận chuyển;

+ Bảo hiểm; 

+ Thuế và các loại phí; 

+ Chi phí liên quan khác.

- Chi phí quản lý dự án là chi phí cần thiết để tổ chức quản lý việc thực hiện và thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng, được quy định chi tiết tại Điều 30 Nghị định 10/2021/NĐ-CP;

- Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là chi phí cần thiết để thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng, được quy định chi tiết tại Điều 31 Nghị định 10/2021/NĐ-CP;

- Chi phí khác gồm các chi phí cần thiết để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, gồm: 

+ Chi phí rà phá bom mìn, vật nổ;

+ Chi phí di chuyển máy, thiết bị thi công đặc chủng đến và ra khỏi công trường; 

+ Chi phí đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công; 

+ Chi phí hoàn trả hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công xây dựng;

+ Chi phí kho bãi chứa vật liệu; 

+ Chi phí xây dựng nhà bao che cho máy, nền móng máy, hệ thống cấp điện, khí nén, hệ thống cấp nước tại hiện trường, lắp đặt, tháo dỡ một số loại máy;

+ Chi phí bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng;

+ Đăng kiểm chất lượng quốc tế, quan trắc biến dạng công trình;

+ Kiểm toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư;

+ Kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng và khi nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc hội đồng do Thủ tướng Chính phủ thành lập; 

+ Nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng, sử dụng vật liệu mới liên quan đến dự án;

+ Vốn lưu động ban đầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhằm mục đích kinh doanh, lãi vay trong thời gian xây dựng;

+ Chi phí cho quá trình chạy thử không tải và có tải dây chuyền công nghệ, sản xuất theo quy trình trước khi bàn giao (trừ giá trị sản phẩm thu hồi được);

+ Chi phí thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;

+ Các khoản thuế tài nguyên, phí và lệ phí theo quy định và các chi phí cần thiết khác để thực hiện dự án đầu tư xây dựng không thuộc quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 5 Nghị định 10/2021/NĐ-CP;

- Chi phí dự phòng gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án.

3. Các phương pháp xác định tổng mức đầu tư

Các phương pháp xác định tổng mức đầu tư theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 10/2021/NĐ-CP bao gồm:

- Phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở và các yêu cầu cần thiết khác của dự án;

- Phương pháp xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng;

- Phương pháp xác định từ dữ liệu về chi phí của các dự án, công trình tương tự đã thực hiện;

- Kết hợp 3 phương pháp trên.

4. Điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng quy định tại Điều 9 Nghị định 10/2021/NĐ-CP như sau:

- Tổng mức đầu tư xây dựng đã phê duyệt được điều chỉnh theo quy định tại khoản 5 Điều 134 Luật Xây dựng và điểm đ khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng:

+ Tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt của dự án sử dụng vốn nhà nước chỉ được điều chỉnh khi điều chỉnh dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng. Đối với dự án sử dụng vốn khác, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định.

+ Khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án.

- Tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh gồm phần tổng mức đầu tư không điều chỉnh và phần tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Các nội dung liên quan đến phần tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh phải được thẩm định theo quy định tại Điều 7 Nghị định 10/2021/NĐ-CP

Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

>>> Xem thêm: Dự án đầu tư công là gì? Phân loại dự án đầu tư công

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 65,306

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn