Con không cấp dưỡng cho cha mẹ có được không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
02/09/2022 17:29 PM

Nghĩa vụ của con đối với cha mẹ hiện nay được quy định như thế nào? Con không thực hiện cấp dưỡng cho cha mẹ thì có được không? - Mai Ngọc (TP. HCM)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là cấp dưỡng?

Theo khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Con không cấp dưỡng cho cha mẹ có được không?

Con không cấp dưỡng cho cha mẹ có được không? (Hình từ Internet)

2. Trường hợp nào con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ?

Theo Điều 111 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

*Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng

Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:

- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về phương thức cấp dưỡng thì việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

*Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng

Căn cứ Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ có thể chấm dứt trong các trường hợp:

- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;

- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;

- Trường hợp khác theo quy định của luật.

3. Hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ của con bị xử lý thế nào?

3.1 Xử phạt hành chính

Điểm b khoản 1 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

Người nào có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cha, mẹ sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

3.2 Xử lý hình sự

Theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì:

Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với cha, mẹ theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho cha, mẹ lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi nêu trên mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (Tội không chấp hành án), thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,174

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn