Quy định về đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
20/07/2024 08:25 AM

Sau đây là quy định về đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang theo quy định hiện hành.

Quy định về đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang

Quy định về đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang (Hình từ Internet)

1. Cơ quan nào được ra thông cáo về Lễ Quốc tang?

Theo Điều 6 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, các cơ quan sau đây cùng đứng tên ra thông cáo về Lễ Quốc tang:

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Quy định về đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang

Cụ thể tại Điều 9 Nghị định 105/2012/NĐ-CP quy định về đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang như sau:

(1) Đưa tin buồn

Khi chưa có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang, các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần. Sau khi thành lập Ban Tổ chức Lễ tang và việc tổ chức Lễ tang được chính thức công bố, các phương tiện thông tin đại chúng mới được đưa tin buồn, đăng bài viết giới thiệu về người từ trần.

(2) Đăng tin trên các phương tiện thông tin

- Báo Nhân dân và các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đưa tin về Lễ Quốc tang, gồm: Thông cáo, danh sách Ban Lễ tang Nhà nước, Ban Tổ chức Lễ tang; tiểu sử, ảnh người từ trần; nghi thức cả nước để tang; thông báo về Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng, lời cảm ơn của Ban Lễ tang Nhà nước;

- Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương quay phim tư liệu Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tường thuật và truyền hình trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí

Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.

Trong đó, báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;

- Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

- Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

- Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

- Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

- Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

(Điều 4 Luật Báo chí 2016)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,311

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]