Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 13 Thông tư 22/2014/TT-BTTTT quy định về số dịch vụ mạng viễn thông cố định mặt đất như sau:
- 112 là số dịch vụ gọi tìm kiếm, cứu nạn;
- 113 là số dịch vụ gọi Công an;
- 114 là số dịch vụ gọi Cứu hoả;
- 115 là số dịch vụ gọi Cấp cứu y tế;
Ngoài ra, số dịch vụ mạng viễn thông 111 là số tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em.
Gọi 113, 114, 115 để gây rối, đe doạ, bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau nhằm mục đích quấy rối, đe dọa, xúc phạm, bao gồm:
- Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115;
- Gọi điện thoại đến đường dây nóng của các cơ quan, tổ chức.
Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi nêu trên được áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự sẽ chịu mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Như vậy, khi có hành vi gọi điện quấy rối đường dây nóng 111, 113, 114, 115, cá nhân vi phạm sẽ chịu mức phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Còn đối với tổ chức, mức phạt này có thể lên đến tối đa 6 triệu đồng.
Theo Điều 5 Thông tư 02/2020/TT-BTTTT quy định mức phí dịch vụ viễn thông công ích khẩn cấp như sau:
- Đối với người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định mặt đất hoặc thông tin di động mặt đất gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp thì mức phí là 0 đồng/phút.
- Đối với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ điện thoại cố định mặt đất nội hạt khởi phát cuộc gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp thì mức phí là 200 đồng/phút.
- Đối với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất khởi phát cuộc gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp bằng với giá cước kết nối.
(Tại Điều 3 Thông tư 05/2020/TT-BTTTT quy định giá cước kết nối là 270 đồng/phút.)
Ngọc Nhi