Thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
22/07/2021 10:15 AM

Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức cần chú ý một số vấn đề về xác định thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, cụ thể:

Thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế

Thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế (Ảnh minh họa)

- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Việc xác định thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định di sản của người chết để lại, xác định người được hưởng thừa kế, thời hiệu khởi kiện và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp về thừa kế...

- Theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015:

Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án.

Trường hợp thời hiệu khởi kiện không còn nhưng không có đương sự nào yêu cầu áp dụng thời hiệu hoặc đưa ra yêu cầu không phù hợp quy định của pháp luật thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án.

Trường hợp đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu đúng quy định thì cần làm rõ thời điểm mở thừa kế (thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện) và ngày khởi kiện để xác định còn thời hiệu khởi kiện hay đã hết.

Khi xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế, cần lưu ý các quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện (trường hợp sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan), quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án trong BLDS.

- Để xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế cần nắm vững quy định về thời hiệu khởi kiện tại Điều 184 BLTTDS, Điều 149 và Điều 623 BLDS 2015, Điều 4 Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ số 26/2018/AL của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và tham khảo mục 1, 2 Phần III Giải đáp vướng mắc số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 và Phần I Giải đáp vướng mắc 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao.

Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế được tính từ ngày 10/9/1990.

Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 10/9/1990 đến trước ngày 01/01/2017 (ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực), thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản được tính từ thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết 58/1998).

Theo đó thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 (ngày Nghị quyết 58/1998 có hiệu lực), không tính vào thời hiệu khởi kiện (khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 58/1998).

Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết 1037/2006).

Theo đó, thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 (ngày Nghị quyết 1037/2006 có hiệu lực) không tính vào thời hiệu khởi kiện (khoản 2 Điều 39 Nghị quyết 1037/2006).

Căn cứ: Hướng dẫn 24/HD-VKSTC ngày 12/5/2021 về nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế.

>>> Xem thêm: Con dâu có thuộc hàng thừa kế của bố mẹ chồng không? Những trường hợp nào được thừa kế theo pháp luật quy định?

Giải quyết như thế nào khi một người đồng thừa kế không ký vào văn bản phân chia di sản thừa kế theo pháp luật quy định?

Chồng đi lấy vợ mới, nay vợ cũ chết thì người chồng có được hưởng tài sản thừa kế từ vợ cũ không và cha đẻ của người vợ cũ có được hưởng thừa kế không?

 

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 132,910

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn