Điều 3.
Thuê nhà ở giữa cá nhân với cá nhân
1. Trong trường hợp thời hạn
thuê nhà ở theo hợp đồng đã hết trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, thì bên
cho thuê và bên thuê có thể thoả thuận tiếp tục việc thuê; nếu thoả thuận được
thì các bên phải ký kết hợp đồng thuê nhà ở theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Trong trường
hợp thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng đã hết trước ngày Nghị quyết này có hiệu
lực mà các bên không thoả thuận được về việc tiếp tục thuê, thì bên cho thuê được
lấy lại nhà ở theo quy định sau đây:
a) Trong trường hợp bên thuê đã
có chỗ ở khác, thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở, nhưng phải thông báo bằng
văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là ba tháng;
b) Trong trường hợp bên thuê có
điều kiện tạo lập chỗ ở khác hoặc bên cho thuê đã tự nguyện tạo điều kiện cho
bên thuê có chỗ ở khác, thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở, nhưng phải thông
báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là sáu tháng;
c) Trong trường hợp bên cho thuê
không có chỗ ở và không có điều kiện tạo lập chỗ ở khác, thì tuỳ từng trường hợp
mà bên cho thuê được lấy lại một phần hoặc toàn bộ nhà ở, nhưng phải thông báo
bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là ba tháng;
d) Trong trường hợp bên cho thuê
tuy có nhà ở nhưng có khó khăn về đời sống hoặc có diện tích ở dưới mức bình
quân 6m2/người và bên thuê không có chỗ ở khác hoặc không có điều kiện tạo lập
chỗ ở khác, thì tuỳ từng trường hợp mà bên cho thuê được lấy lại một phần nhà
cho thuê, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là
sáu tháng;
đ) Trong trường hợp bên cho thuê
chưa được lấy lại nhà ở theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều
này, thì được lấy lại nhà ở kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2005, nhưng phải thông báo
bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là ba tháng.
3. Trong trường
hợp đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực mà thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng vẫn
còn, nhưng kết thúc trước ngày 1 tháng 7 năm 2005, nếu các bên không có thoả
thuận khác, thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2005,
nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là ba tháng;
nếu bên thuê nhà được tiếp tục ở nhà thuê sau khi đã hết thời hạn hợp đồng cho
đến trước ngày 1 tháng 7 năm 2005 mà phát sinh các trường hợp quy định tại các
điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này, thì thực hiện theo quy định tại các điểm
đó.
4. Trong trường hợp thời hạn
thuê nhà ở theo hợp đồng vẫn còn sau ngày 1 tháng 7 năm 2005, nếu các bên không
có thoả thuận khác, thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở kể từ ngày hết thời hạn
thuê.
5. Trong trường hợp thời hạn
thuê nhà ở không được xác định trong hợp đồng và các bên không có thoả thuận
khác, thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2005, nhưng
phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất là ba tháng; nếu đến
trước ngày 1 tháng 7 năm 2005 mà phát sinh các trường hợp quy định tại các điểm
a, b, c và d khoản 2 Điều này, thì thực hiện theo quy định tại các điểm đó.
6. Trong trường hợp bên cho thuê
lấy lại nhà ở để cho thuê hoặc bán nhà đang cho thuê, thì bên thuê được ưu tiên
ký hợp đồng thuê tiếp hoặc được quyền ưu tiên mua nhà đang thuê theo quy định của
Bộ luật dân sự.
7. Trong thời gian bên thuê được
tiếp tục ở nhà thuê, thì các bên phải thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của
mình phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự. Giá thuê nhà ở trong trường hợp
này do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì theo bảng giá do Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo khung giá do
Chính phủ quy định tương ứng với từng thời kỳ.
8. Hợp đồng thuê nhà ở mà toàn bộ
hoặc một phần nội dung vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội theo quy định
của Bộ luật dân sự thì bị vô hiệu toàn bộ hoặc một phần và hậu quả pháp lý được
giải quyết theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật dân sự.
Điều 4.
Cho mượn, cho ở nhờ nhà ở giữa cá nhân với cá nhân
1. Trong trường hợp thời hạn cho
mượn, cho ở nhờ nhà ở theo hợp đồng đã hết trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực,
thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ được lấy lại nhà ở, nếu các bên không có thoả
thuận khác, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ biết trước
ít nhất là ba tháng.
2. Trong trường hợp đến ngày Nghị
quyết này có hiệu lực mà thời hạn cho mượn, cho ở nhờ nhà ở theo hợp đồng vẫn
còn, thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ được lấy lại nhà ở kể từ khi hết hạn hợp đồng,
trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, nhưng phải thông báo bằng văn bản
cho bên mượn, bên ở nhờ biết trước ít nhất là ba tháng.
3. Trong trường
hợp thời hạn cho mượn, cho ở nhờ nhà ở không được xác định trong hợp đồng, thì
bên cho mượn, bên cho ở nhờ được lấy lại nhà ở, nếu các bên không có thoả thuận
khác, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ biết trước ít
nhất là sáu tháng. Trong trường hợp bên mượn, bên ở nhờ không có chỗ ở khác hoặc
không có điều kiện tạo lập chỗ ở khác, thì tuỳ từng trường hợp mà được tiếp tục
sử dụng một phần hoặc toàn bộ nhà ở đang mượn, đang ở nhờ cho đến ngày 1 tháng
7 năm 2005 và các bên phải ký kết hợp đồng thuê nhà ở theo quy định của Bộ luật
dân sự; giá thuê nhà ở được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 3 của Nghị
quyết này; nếu bên mượn, bên ở nhờ không chịu ký kết hợp đồng thì phải trả lại
nhà; nếu bên cho mượn, bên cho ở nhờ không chịu ký kết hợp đồng thì bên mượn,
bên ở nhờ được tiếp tục ở nhà đang mượn, đang ở nhờ cho đến ngày 1 tháng 7 năm
2005.
Điều 5.
Mua bán nhà ở giữa cá nhân với cá nhân
1. Trong trường hợp không có
tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa hoàn tất,
thì bên mua phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
2. Trong trường
hợp có tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa
hoàn tất, thì giải quyết như sau:
a) Nếu hình thức của hợp đồng
phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng, thì hợp đồng
được công nhận, các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và phải làm thủ tục
chuyển quyền sở hữu;
b) Nếu hình thức của hợp đồng
không phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng, thì
giải quyết như sau:
- Nếu các bên chưa thực hiện
nghĩa vụ theo hợp đồng, thì hợp đồng bị huỷ bỏ;
- Nếu bên mua đã trả đủ hoặc một
phần tiền mua nhà mà bên bán chưa giao nhà hoặc bên bán đã giao toàn bộ hoặc một
phần nhà mà bên mua chưa trả đủ tiền, thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo
hợp đồng và phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Nếu bên mua chưa trả đủ tiền,
thì phải trả cho bên bán khoản tiền còn thiếu tính theo giá trị của nhà ở đó
theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Bên không thực hiện nghĩa vụ theo
hợp đồng mà có lỗi và gây thiệt hại, thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định
của Bộ luật dân sự.
3. Trong trường hợp thủ tục chuyển
quyền sở hữu để thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở đã được hoàn tất, nhưng bên
bán chưa giao nhà hoặc bên mua chưa trả đủ tiền, thì các bên phải thực hiện
nghĩa vụ theo hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác; nếu bên mua
chưa trả đủ tiền, thì phải trả cho bên bán khoản tiền còn thiếu tính theo giá
trị của nhà ở đó theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Bên không thực
hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà có lỗi và gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt
hại theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Trong trường hợp hợp đồng mua
bán nhà ở có điều kiện mà điều kiện đó đã xảy ra hoặc đã được thực hiện, thì hợp
đồng mua bán nhà ở đó được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều
này.
5. Hợp đồng mua bán nhà ở mà
toàn bộ hoặc một phần nội dung vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội theo
quy định của Bộ luật dân sự thì bị vô hiệu toàn bộ hoặc một phần và hậu quả
pháp lý được giải quyết theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật
dân sự.
Điều 6.
Đổi nhà ở giữa cá nhân với cá nhân
1. Trong trường hợp không có
tranh chấp về hợp đồng đổi nhà ở và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa hoàn tất,
thì các bên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
2. Trong trường
hợp có tranh chấp về hợp đồng đổi nhà ở và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa
hoàn tất, thì giải quyết như sau:
a) Nếu các bên đã giao nhà ở cho
nhau, thì các bên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu ;
b) Nếu một bên đã giao nhà ở mà
bên kia chưa giao, thì bên chưa giao nhà ở phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;
c) Nếu các bên mới giao một phần
nhà ở cho nhau, thì mỗi bên phải giao nốt phần còn lại cho bên kia;
d) Nếu các bên đã giao nhà ở cho
nhau mà có chênh lệch về giá trị và bên có nghĩa vụ thanh toán chưa trả đủ tiền,
thì phải trả cho bên kia khoản tiền còn thiếu theo giá thị trường tại thời điểm
thanh toán. Bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà có lỗi và gây thiệt hại,
thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự;
đ) Nếu các bên chưa giao nhà ở
cho nhau, thì hợp đồng bị huỷ bỏ.
3. Trong trường hợp thủ tục chuyển
quyền sở hữu để thực hiện hợp đồng đổi nhà ở đã được hoàn tất mà các bên chưa
giao nhà ở cho nhau hoặc một bên chưa giao nhà ở cho bên kia, thì các bên phải
thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
4. Trong trường
hợp các bên chỉ đổi cho nhau quyền sử dụng nhà ở mà không chuyển quyền sở hữu
nhà ở, nếu xảy ra tranh chấp, thì giải quyết như sau:
a) Nếu một bên đã giao nhà ở mà
bên kia chưa giao, thì bên chưa giao phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Bên
không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà có lỗi và gây thiệt hại, thì phải bồi
thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự;
b) Nếu hợp đồng có thời hạn, thì
khi thời hạn đó đã hết, các bên phải trở lại tình trạng ban đầu trong thời hạn
một tháng kể từ ngày hết hạn, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác; nếu hợp
đồng không xác định thời hạn, thì một trong các bên có quyền yêu cầu trở lại
tình trạng ban đầu, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết trước ít
nhất là ba tháng.
5. Hợp đồng đổi nhà ở mà toàn bộ
hoặc một phần nội dung vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội theo quy định
của Bộ luật dân sự thì bị vô hiệu toàn bộ hoặc một phần và hậu quả pháp lý được
giải quyết theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật dân sự.
Điều 7.
Tặng cho nhà ở giữa cá nhân với cá nhân
1. Trong trường hợp không có
tranh chấp về hợp đồng tặng cho nhà ở và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa hoàn
tất, thì bên được tặng cho phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
2. Trong trường hợp có tranh chấp
về hợp đồng tặng cho nhà ở và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa hoàn tất, thì giải
quyết như sau:
a) Nếu bên
được tặng cho đã nhận nhà ở, thì nhà ở đó thuộc quyền sở hữu của bên được tặng
cho và bên được tặng cho phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu;
b) Nếu bên được tặng cho chưa nhận
nhà ở, thì hợp đồng tặng cho nhà ở bị huỷ bỏ, trừ trường hợp các bên có thoả
thuận khác.
3. Trong trường hợp thủ tục chuyển
quyền sở hữu để thực hiện hợp đồng tặng cho nhà ở đã hoàn tất mà nhà ở chưa được
giao cho bên được tặng cho, thì bên tặng cho phải giao nhà ở đó cho bên được tặng
cho trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày bên được tặng cho có yêu cầu bằng văn bản,
trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp hợp đồng tặng
cho nhà ở có điều kiện mà điều kiện đó đã xảy ra hoặc đã được thực hiện, thì hợp
đồng tặng cho nhà ở đó được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều
này.
5. Hợp đồng tặng cho nhà ở mà
toàn bộ hoặc một phần nội dung vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội theo
quy định của Bộ luật dân sự thì bị vô hiệu toàn bộ hoặc một phần và hậu quả
pháp lý được giải quyết theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật
dân sự.
Điều 8.
Thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà ở
Thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà ở
đối với các trường hợp quy định tại các Điều 5, 6 và 7 của Nghị quyết này được
thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 9.
Thừa kế nhà ở giữa cá nhân với cá nhân
Đối với trường hợp thừa kế nhà ở
được mở trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 mà di sản thừa kế chưa được chia, nếu có
yêu cầu chia, thì giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Điều 10.
Quản lý nhà ở vắng chủ giữa cá nhân với cá nhân
1. Trong trường hợp trước khi đi
vắng, chủ sở hữu nhà ở đã có uỷ quyền quản lý hợp pháp và cho đến ngày 1 tháng
7 năm 1996 (ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực) chưa hết thời hạn uỷ quyền hoặc
tuy có uỷ quyền hợp pháp nhưng không xác định thời hạn uỷ quyền, thì việc thực
hiện nội dung uỷ quyền theo quy định của Bộ luật dân sự; nếu chủ sở hữu nhà ở
đó đã chết, thì việc uỷ quyền chấm dứt và việc thừa kế nhà ở đó được giải quyết
theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Trong trường hợp trước khi đi
vắng, chủ sở hữu nhà ở đã có uỷ quyền quản lý hợp pháp và thời hạn uỷ quyền đã
hết trước ngày 1 tháng 7 năm 1996, thì giải quyết như sau:
a) Nếu chủ
sở hữu có yêu cầu lấy lại nhà trước ngày 1 tháng 7 năm 1996, thì nhà ở đó được
trả lại cho chủ sở hữu; nếu chủ sở hữu đã chết, thì công nhận quyền sở hữu cho
những người thừa kế;
b) Nếu chủ
sở hữu không có yêu cầu lấy lại nhà trước ngày 1 tháng 7 năm 1996 hoặc đã chết
và trước khi chết không có yêu cầu lấy lại nhà, thì công nhận quyền sở hữu cho
bố, mẹ, vợ, chồng, con của người đó đang quản lý, sử dụng nhà ở đó;
c) Nếu
không có những người được quy định tại điểm a và điểm b khoản này, thì công nhận
quyền sở hữu nhà ở đó cho người đang quản lý, sử dụng liên tục nhà ở đó từ 30
năm trở lên, kể từ ngày bắt đầu quản lý, sử dụng đến ngày Nghị quyết này có hiệu
lực. Trong trường hợp đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực cũng không có người
đang quản lý, sử dụng nói trên, thì nhà ở đó thuộc Nhà nước và người đang quản
lý, sử dụng được thuê hoặc được quyền ưu tiên mua.
3. Trong
trường hợp trước khi đi vắng, nếu chủ sở hữu nhà ở không có uỷ quyền quản lý hợp
pháp thì công nhận quyền sở hữu cho bố, mẹ, vợ, chồng, con của người đó đang quản
lý, sử dụng nhà ở đó; nếu không có những người nói trên, thì công nhận quyền sở
hữu nhà ở đó cho người đang quản lý, sử dụng liên tục nhà ở đó từ 30 năm trở
lên, kể từ ngày bắt đầu quản lý, sử dụng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực.
Trong trường hợp đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực cũng không có người đang
quản lý, sử dụng nói trên, thì nhà ở đó thuộc Nhà nước và người đang quản lý, sử
dụng được thuê hoặc được quyền ưu tiên mua.
4. Trong trường hợp nhà ở vắng
chủ vì chủ sở hữu đi hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến, thì nhà ở đó được
trả lại cho chủ sở hữu. Nếu chủ sở hữu đã chết, thì nhà ở đó thuộc sở hữu của
những người thừa kế. Trong trường hợp không có người thừa kế, thì công nhận quyền
sở hữu nhà ở đó cho người đang quản lý, sử dụng liên tục nhà ở đó từ 30 năm trở
lên, kể từ ngày bắt đầu quản lý, sử dụng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực.
Trong trường hợp đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực cũng không có người đang
quản lý, sử dụng nói trên, thì nhà ở đó thuộc Nhà nước và người đang quản lý, sử
dụng được thuê hoặc được quyền ưu tiên mua.
5. Trong trường hợp người đang
trực tiếp quản lý, sử dụng nhà ở vắng chủ được quy định tại các khoản 1, 2, 3
và 4 Điều này không được công nhận là chủ sở hữu nhà ở đó, thì có quyền yêu cầu
người được công nhận là chủ sở hữu phải đền bù một khoản chi phí hợp lý do đã
trông nom, bảo quản nhà ở đó.
Điều 11.
Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, làm thêm diện tích, xây dựng
nhà ở mới
1. Đối với nhà ở cho thuê, cho
mượn, cho ở nhờ giữa cá nhân với cá nhân mà đã được bên thuê, bên mượn, bên ở
nhờ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, làm thêm diện tích hoặc xây dựng nhà ở mới
trong khuôn viên nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, thì việc lấy lại nhà ở đó
được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Đối với trường hợp nhà ở đã
được sửa chữa, thì khi lấy lại nhà, bên cho thuê, bên cho mượn, bên cho ở nhờ
phải thanh toán cho bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ giá trị đầu tư sửa chữa còn lại
theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp các bên có thoả
thuận khác;
b) Đối với trường hợp nhà ở đã
được cải tạo, nâng cấp mà không có sự phản đối của bên cho thuê, bên cho mượn,
bên cho ở nhờ, thì khi lấy lại nhà, bên cho thuê, bên cho mượn, bên cho ở nhờ
phải thanh toán cho bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ giá trị đầu tư cải tạo, nâng
cấp còn lại theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp các
bên có thoả thuận khác;
Trong trường hợp đã có sự phản đối
của bên cho thuê, bên cho mượn, bên cho ở nhờ, thì khi lấy lại nhà, bên cho
thuê, bên cho mượn, bên cho ở nhờ phải thanh toán một phần giá trị đầu tư cải tạo,
nâng cấp còn lại theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp
các bên có thoả thuận khác;
c) Đối với trường hợp bên thuê,
bên mượn, bên ở nhờ nhà ở đã làm thêm diện tích hoặc xây dựng nhà ở mới trong
khuôn viên nhà thuê, mượn, ở nhờ, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì giải
quyết như sau:
- Trong trường hợp bên cho thuê,
bên cho mượn, bên cho ở nhờ đã đồng ý bằng văn bản hoặc đến trước ngày 1 tháng
7 năm 1996 không khiếu kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc làm thêm
diện tích, xây dựng nhà ở mới và nếu diện tích làm thêm hoặc nhà ở mới có thể sử
dụng để ở một cách riêng biệt với nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, thì diện
tích làm thêm, nhà ở mới đó thuộc quyền sở hữu của bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ
và họ phải thanh toán cho bên cho thuê, bên cho mượn, bên cho ở nhờ giá trị quyền
sử dụng đất theo bảng giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương ban hành theo khung giá do Chính phủ quy định, trừ trường hợp các bên có
thoả thuận khác;
- Trong trường hợp bên cho thuê,
bên cho mượn, bên cho ở nhờ tuy đã đồng ý bằng văn bản hoặc đến trước ngày 1
tháng 7 năm 1996 không khiếu kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc
làm thêm diện tích, xây dựng nhà ở mới, nhưng nếu diện tích làm thêm hoặc nhà ở
mới không thể sử dụng để ở một cách riêng biệt với nhà cho thuê, cho mượn, cho ở
nhờ, thì diện tích làm thêm, nhà ở mới đó thuộc quyền sở hữu của bên cho thuê,
bên cho mượn, bên cho ở nhờ và họ phải thanh toán cho bên thuê, bên mượn, bên ở
nhờ giá trị đầu tư xây dựng còn lại của phần diện tích làm thêm, nhà ở mới theo
giá thị trường tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp các bên có thoả thuận
khác;
- Trong trường hợp không được
bên cho thuê, bên cho mượn, bên cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản hoặc đến trước
ngày 1 tháng 7 năm 1996 đã có khiếu kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về
việc làm thêm diện tích, xây dựng nhà ở mới, thì diện tích làm thêm, nhà ở mới
đó thuộc quyền sở hữu của bên cho thuê, bên cho mượn, bên cho ở nhờ và họ phải
thanh toán cho bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ một phần giá trị đầu tư xây dựng
còn lại của phần diện tích làm thêm, nhà ở mới theo giá thị trường tại thời điểm
thanh toán, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
- Trong trường hợp nhà cho thuê,
cho mượn, cho ở nhờ bị phá dỡ và bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ đã xây dựng nhà ở
mới thay thế, nếu việc phá dỡ có sự đồng ý bằng văn bản của bên cho thuê, bên
cho mượn, bên cho ở nhờ hoặc đến trước ngày 1 tháng 7 năm 1996 mà bên cho thuê,
bên cho mượn, bên cho ở nhờ không khiếu kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền,
thì nhà ở mới đó thuộc quyền sở hữu của bên cho thuê, bên cho mượn, bên cho ở
nhờ và họ phải thanh toán cho bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ giá trị đầu tư xây
dựng còn lại của nhà ở mới theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán, trừ
trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu không được bên cho thuê, bên cho mượn,
bên cho ở nhờ đồng ý hoặc đến trước ngày 1 tháng 7 năm 1996 đã có khiếu kiện,
thì bên cho thuê, bên cho mượn, bên cho ở nhờ chỉ phải thanh toán cho bên thuê,
bên mượn, bên ở nhờ một phần giá trị đầu tư xây dựng còn lại của nhà ở mới theo
giá thị trường tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp các bên có thoả thuận
khác;
Trong trường hợp các bên có thoả
thuận nhà ở mới đó thuộc quyền sở hữu của bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ, thì
bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ phải thanh toán cho bên cho thuê, bên cho mượn,
bên cho ở nhờ giá trị quyền sử dụng đất theo bảng giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo khung giá do Chính phủ quy định,
trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
2. Đối với trường hợp quản lý
nhà ở vắng chủ giữa cá nhân với cá nhân mà người đang quản lý, sử dụng đã sửa
chữa, cải tạo, nâng cấp, làm thêm diện tích hoặc xây dựng nhà ở mới, thì giải
quyết như sau:
a) Đối với trường hợp nhà ở đã
được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, thì khi lấy lại nhà người được công nhận là
chủ sở hữu nhà ở đó phải thanh toán cho bên đã sửa chữa, cải tạo, nâng cấp giá
trị đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp còn lại theo giá thị trường tại thời điểm
thanh toán, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
b) Đối với trường hợp làm thêm
diện tích hoặc xây dựng nhà ở mới trong khuôn viên nhà vắng chủ, thì giải quyết
như sau:
- Trong trường hợp diện tích làm
thêm hoặc nhà ở mới có thể sử dụng một cách riêng biệt với nhà vắng chủ, thì diện
tích làm thêm hoặc nhà ở mới đó thuộc quyền sở hữu của người làm thêm diện tích
hoặc xây dựng nhà ở mới và họ phải thanh toán cho người được công nhận là chủ sở
hữu nhà vắng chủ giá trị quyền sử dụng đất theo bảng giá do Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo khung giá do Chính phủ quy định, trừ
trường hợp các bên có thoả thuận khác;
- Trong trường hợp diện tích làm
thêm hoặc nhà ở mới không thể sử dụng để ở một cách riêng biệt với nhà vắng chủ,
thì diện tích làm thêm, nhà ở mới đó thuộc quyền sở hữu của người được công nhận
là chủ sở hữu nhà vắng chủ, nhưng chủ sở hữu nhà vắng chủ phải thanh toán cho
người làm thêm diện tích hoặc xây dựng nhà ở mới giá trị đầu tư xây dựng còn lại
của phần diện tích làm thêm hoặc nhà ở mới theo giá thị trường tại thời điểm
thanh toán, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
- Trong trường hợp người đang quản
lý, sử dụng đã phá dỡ nhà vắng chủ và xây dựng nhà ở mới thay thế, thì người được
công nhận là chủ sở hữu nhà vắng chủ được quyền sở hữu nhà ở mới đó và phải
thanh toán cho người đã xây dựng nhà ở mới giá trị đầu tư xây dựng còn lại của
nhà ở mới theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp các bên
có thoả thuận khác;
- Trong trường hợp nhà vắng chủ
không còn vì lý do bất khả kháng và người đang quản lý, sử dụng đã xây dựng nhà
ở mới thay thế, thì công nhận quyền sở hữu nhà ở mới đó cho người quản lý, sử dụng
đã xây dựng nhà ở mới thay thế và họ phải thanh toán cho người được công nhận
là chủ sở hữu nhà vắng chủ giá trị quyền sử dụng đất theo bảng giá do Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo khung giá do Chính
phủ quy định, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Điều 12.
Cơ quan, tổ chức thuê nhà ở của cá nhân
1. Đối với hợp đồng thuê nhà ở mà
nhà đó đang được sử dụng để ở, thì giải quyết như sau:
a) Trong trường hợp nhà thuê
đang được sử dụng cho cá nhân ở mà thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng đã hết trước
ngày Nghị quyết này có hiệu lực hoặc thời hạn thuê nhà ở không được xác định
trong hợp đồng, thì bên thuê là cơ quan, tổ chức đang quản lý nhà ở đó phải trả
lại nhà cho bên cho thuê, kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2005, trừ trường hợp các bên
có thoả thuận khác;
Trong trường hợp bên thuê là cơ
quan, tổ chức đã chấm dứt hoạt động mà không có cơ quan, tổ chức nào quản lý
nhà ở đó, thì cá nhân đang trực tiếp sử dụng nhà ở đó thoả thuận với bên cho
thuê để giải quyết; nếu không thoả thuận được, thì bên cho thuê được lấy lại
nhà, kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2005, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên
thuê biết trước ít nhất là ba tháng;
b) Trong trường hợp nhà thuê
đang được sử dụng cho cá nhân ở và cho đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực mà
thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng vẫn còn, nếu thời hạn thuê kết thúc trước
ngày 1 tháng 7 năm 2005, thì bên thuê là cơ quan, tổ chức đang quản lý nhà ở đó
phải trả lại nhà cho bên cho thuê kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2005; nếu thời hạn
thuê kết thúc sau ngày 1 tháng 7 năm 2005, thì bên cho thuê được lấy lại nhà
theo quy định của Bộ luật dân sự, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
Trong trường hợp bên thuê là cơ
quan, tổ chức đã chấm dứt hoạt động mà không có cơ quan, tổ chức nào quản lý
nhà ở đó và thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng kết thúc trước ngày 1 tháng 7 năm
2005, thì cá nhân trực tiếp sử dụng nhà ở đó thoả thuận với bên cho thuê để giải
quyết; nếu không thoả thuận được, thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở kể từ
ngày 1 tháng 7 năm 2005, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết
trước ít nhất là ba tháng; nếu thời hạn thuê kết thúc sau ngày 1 tháng 7 năm
2005, thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở theo quy định của Bộ luật dân sự;
c) Trong trường hợp cá nhân được
tiếp tục ở nhà thuê theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà phát sinh
các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết
này, thì thực hiện theo quy định tại các điểm đó.
2. Đối với hợp đồng thuê nhà ở
mà nhà đó đang được sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh,
công trình công cộng, thì giải quyết như sau:
a) Trong trường hợp thời hạn
thuê nhà ở theo hợp đồng đã hết trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực hoặc thời
hạn thuê nhà ở không được xác định trong hợp đồng, thì các bên thoả thuận để giải
quyết; nếu không thoả thuận được, thì cơ quan, tổ chức đang quản lý, sử dụng
nhà ở đó phải trả lại nhà cho bên cho thuê, kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2002;
b) Trong trường hợp cho đến ngày
Nghị quyết này có hiệu lực mà thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng vẫn còn, nhưng
kết thúc trước ngày 1 tháng 7 năm 2002, thì các bên thoả thuận để giải quyết; nếu
không thoả thuận được, thì cơ quan, tổ chức đang quản lý, sử dụng nhà ở đó phải
trả lại nhà cho bên cho thuê kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2002; nếu thời hạn thuê
nhà ở kết thúc sau ngày 1 tháng 7 năm 2002, thì được giải quyết theo quy định của
Bộ luật dân sự.
3. Các quy định tại các khoản 6,
7 và 8 Điều 3 của Nghị quyết này cũng được áp dụng để giải quyết hợp đồng thuê
nhà ở giữa cá nhân với cơ quan, tổ chức.
Điều 13.
Cơ quan, tổ chức mượn nhà ở của cá nhân
1. Trong trường hợp nhà mượn
đang được sử dụng cho cá nhân ở, thì việc giải quyết được áp dụng theo quy định
tại Điều 4 của Nghị quyết này.
Trong trường hợp nhà mượn đã được
cơ quan, tổ chức bán hoặc cho thuê, thì hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê bị vô
hiệu và hậu quả pháp lý được giải quyết theo quy định tại Điều
146 của Bộ luật dân sự.
2. Trong trường hợp nhà mượn
đang được sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình
công cộng, thì việc giải quyết được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của
Nghị quyết này.
Điều 14.
Phương thức trả nhà ở
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức
phải trả nhà ở cho bên cho thuê, bên cho mượn, thì tuỳ từng trường hợp việc trả
có thể được thực hiện theo những phương thức sau đây:
1. Trả lại nhà mà cơ quan, tổ chức
đang quản lý, sử dụng;
2. Trả bằng
nhà khác ;
3. Trả bằng tiền ;
4. Nhà nước giao đất ở không phải
trả tiền sử dụng đất.
Điều 15.
Mua bán nhà ở, đổi nhà ở, tặng cho nhà ở, thừa kế nhà ở
giữa cá nhân với cơ quan, tổ chức
1. Việc giải quyết hợp đồng mua
bán nhà ở được áp dụng theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết này.
2. Việc giải quyết hợp đồng đổi
nhà ở được áp dụng theo quy định tại Điều 6 của Nghị quyết này.
3. Việc giải quyết hợp đồng tặng
cho nhà ở được áp dụng theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này.
4. Việc giải quyết thừa kế nhà ở
được áp dụng theo quy định tại Điều 9 của Nghị quyết này.
Điều 16.
Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, làm thêm diện tích, xây dựng
nhà ở mới
Việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp,
làm thêm diện tích, xây dựng nhà ở mới được giải quyết như sau:
1. Trong trường hợp nhà đó đang
được sử dụng để ở, thì việc giải quyết được áp dụng theo quy định tại Điều 11 của
Nghị quyết này;
2. Trong trường hợp nhà đó đang
được sử dụng để làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc, công trình công
cộng, thì việc giải quyết do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được, thì
việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được giải quyết theo quy định tại khoản 1 và
khoản 2 Điều 11 của Nghị quyết này, còn diện tích làm thêm, nhà ở mới được công
nhận quyền sở hữu cho bên cho thuê, cho mượn nhưng họ phải thanh toán cho bên
thuê, bên mượn giá trị đầu tư xây dựng còn lại của phần diện tích làm thêm, nhà
ở mới đó theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán.