Kỷ phần thừa kế là gì? Người nhận kỷ phần thừa kế do người khác nhường có phải chịu án phí không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
17/09/2024 15:01 PM

Trong quan hệ thừa kế, đôi xuất hiện cụm từ “kỷ phần thừa kế”. Vậy kỷ phần thừa kế là gì? Người nhận kỷ phần thừa kế do người khác nhường có phải chịu án phí không?

Kỷ phần thừa kế là gì?

Kỷ phần thừa kế là một cụm từ khá xa lạ, bởi các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cũng không nhắc đến cụm từ này.

Tuy nhiên, trong đời sống, đôi khi chúng ta vẫn bắt gặp một số văn bản do người dân tự lập (nhất là thời gian trước năm 1990) như “Văn bản phân chia kỷ phần thừa kế”, “Đơn kiện đòi kỷ phần thừa kế”,…

Có thể hiểu đơn giản, kỷ phần thừa kế là phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, mà theo quy định của pháp luật.

Người nhận kỷ phần thừa kế do người khác nhường có phải chịu án phí không?

Người nhận kỷ phần thừa kế do người khác nhường có phải chịu án phí không? (Hình từ internet)

Người nhận kỷ phần thừa kế do người khác nhường có phải chịu án phí không?

Mới đây, trong hướng dẫn của Viện Kiểm sát tối cao (Công văn 3854/VKSTC-V9 năm 2024 giải đáp vướng mắc về kiểm sát việc giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình) có nhắc đến nội dung liên quan kỷ phần thừa kế.

Cụ thể, tại câu hỏi số 7 có nội dung như sau:

Công văn 1083/VKSTC-V9 ngày 26/3/2024 của VKSND tối cao giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Câu 30) có nêu: “Người được nhận kỷ phần thừa kế do người khác nhường phải chịu án phí dân sự có giá ngạch trên cơ sở giá trị kỷ phần được nhận từ người khác, trừ trường hợp họ được miễn án phí theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH”.

Giải đáp này chưa thống nhất với Thông báo rút kinh nghiệm 63/TB-VC1-V2 ngày 15/9/2023 của VKSND cấp cao tại Hà Nội: Theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì đương sự phải chịu án phí sơ thẩm theo mức tương đương với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng trong khối di sản thừa kế, trường hợp người được hưởng phần di sản thừa kế mà tặng phần di sản mình được hưởng cho người khác thì họ vẫn phải chịu án phí; còn người được nhận kỷ phần thừa kế do người khác nhường thì không phải chịu án phí (VKSND tỉnh Quảng Ninh).

Về vướng mắc này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời như sau:

Điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định:

“Đối với vụ án liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

a) Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế...”.

Như vậy, trường hợp bản án đã tuyên rõ B là người được nhận kỷ phần thừa kế của A do A nhường (tặng cho) thì cần hiểu B mới là người được hưởng tài sản trong khối di sản thừa kế (và trên thực tế B là người được nhận phần này).

Quyền và nghĩa vụ của B được thực hiện theo bản án của Toà án nên xác định B phải nộp án phí đối với kỷ phần được người khác nhường (tặng cho) là phù hợp về pháp luật và thực tế, công bằng với người đã nhường (tặng cho) phần của mình cho người khác.

Quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Cụ thể, Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

- Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

+ Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

+ Con thành niên mà không có khả năng lao động.

- Quy định trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.

Để hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc cần đáp ứng những điều kiện:

- Thuộc hàng thừa kế thứ nhất là con chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động, cha, mẹ, vợ, chồng.

- Người lập di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba của một suất nếu di sản được chia theo pháp luật.

- Không thuộc trường hợp từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015.

- Không thuộc trường hợp những người không có quyền hưởng di sản (Theo khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015):

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

+ Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

+ Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,956

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]