VKSNDTC giải đáp vướng mắc tranh chấp quyền sử dụng đất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
18/02/2023 11:20 AM

Có quy định nào về việc giải đáp vướng mắc tranh chấp quyền sử dụng đất trong nghiệp vụ việc kiểm sát không? - Thiên Thanh (TPHCM)

VKSNDTC giải đáp vướng mắc tranh chấp quyền sử dụng đất

VKSNDTC giải đáp vướng mắc tranh chấp quyền sử dụng đất

Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn 443/VKSTC-V9 ngày 15/02/2023 giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình

1. Về án phí trong vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất

Trong vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 30m2 đất do bị đơn lấn chiếm của nguyên đơn.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành định giá tài sản theo yêu cầu của nguyên đơn.

Viện kiểm sát cho rằng: vụ án này Tòa án không cần thiết phải định giá tài sản vì đương sự chỉ tranh chấp về quyền sử dụng đất mà không liên quan đến giá trị đất nên chỉ tính án phí dân sự không có giá ngạch theo khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Tuy nhiên, Toà án lại căn cứ vào việc Tòa án có tiến hành định giá tài sản nên được coi là "Tòa án phải xác định giá trị tài sản" theo điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 để buộc đương sự chịu án phí có giá ngạch. Vậy quan điểm nào là đúng?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

- Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;

- Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng”.

Đối với vụ án trên, Tòa án đã tiến hành định giá tài sản theo yêu cầu của nguyên đơn, thì đương sự đã phải chịu chi phí định giá theo quy định của pháp luật. Khoản chi phí này không liên quan đến án phí.

Trong giải quyết vụ án, việc Tòa án tiến hành định giá tài sản không phải là căn cứ để xác định đương sự phải chịu án phí có giá ngạch hay không có giá ngạch.

Trong vụ án trên, nếu Tòa án phải sử dụng kết quả định giá để xác định quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.

Nếu Tòa án chỉ xác định quyền sử dụng đất thuộc về ai, không phải sử dụng kết quả định giá để xác định nghĩa vụ hoàn trả giá trị quyền sử dụng đất hay hoàn trả giá trị tài sản trên đất thì đương sự chỉ chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.

Nếu cho rằng Tòa án có tiến hành định giá tài sản tức là "Tòa án phải xác định giá trị tài sản" theo điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 để buộc đương sự chịu án phí có giá ngạch là không đúng vì trong mọi tranh chấp liên quan đến tài sản, Tòa án phải xác định giá trị tài sản từ trước khi thụ lý vụ án để làm cơ sở tính mức tạm ứng án phí.

2. Về nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất

Vợ chồng ông A và bà B là nguyên đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Tòa án cấp sơ thẩm thông báo ông A và bà B nộp tạm ứng án phí sơ thẩm là 300.000 đồng. Bản án sơ thẩm xử bác đơn khởi kiện của ông A và bà B, buộc ông A và bà B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, cả ông A và bà B cùng kháng cáo về một nội dung, Tòa án yêu cầu ông A và bà B mỗi người phải nộp tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng.

Bản án phúc thẩm quyết định bác đơn kháng cáo của ông A và bà B, xác định ông A và bà B mỗi người phải chịu án phí phúc thẩm là 300.000 đồng.

Tòa án xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí phúc thẩm và nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm của ông A và bà B như trên có đúng không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định “Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo,…”.

Pháp luật không có quy định việc tính án phí phúc thẩm trong trường hợp có nhiều người kháng cáo về cùng một nội dung.

Theo quy định trên thì nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm được tính riêng cho từng người kháng cáo, không phân biệt họ kháng cáo cùng nội dung hay khác nội dung.

Do đó, Tòa án xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí phúc thẩm và nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm của từng người như trường hợp nêu trên là đúng.

3. Về tính chi phí xem xét, thẩm định vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất tại chỗ

Trong vụ án "Tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất", nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả lại 85m2 đất.

Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại diện tích 45m2, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với diện tích 40m2 do phần diện tích đất này nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của bị đơn.

Toà án căn cứ khoản 1 Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 "Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Toà án chấp nhận", buộc bị đơn phải chịu toàn bộ chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và đo đạc bằng máy là 7.000.000 đồng.

Hiện có 02 quan điểm đối với vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Toà án chấp nhận (dù có một phần yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nhưng vẫn cùng trong một yêu cầu về tranh chấp quyền sử dụng đất và cùng một dạng quan hệ pháp luật tranh chấp) nên bị đơn phải chịu toàn bộ chi phí thẩm định, đo đạc.

Quan điểm thứ hai: Nguyên đơn phải chịu một phần chi phí thẩm định, đo đạc đối với phần yêu cầu không được Toà án chấp nhận.

Quan điểm nào là đúng?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định “Đương sự phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận”.

Hiện nay pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể trường hợp Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ của đương sự được xác định như thế nào.

VKSND tối cao ghi nhận để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn.

Tuy nhiên, tham khảo quy định về nghĩa vụ chịu chi phí giám định theo Khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:

“Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là không có căn cứ.

Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu của họ chỉ có căn cứ một phần, thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ.

Người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự khác trong vụ án phải nộp chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người yêu cầu trưng cầu giám định là có căn cứ.

Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu trưng cầu giám định chỉ có căn cứ một phần, thì người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định tương ứng với phần yêu cầu đã được chứng minh là có căn cứ”.

Đồng thời, tham khảo quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm tại các khoản 1 và 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì:

“1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận...”;

“4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận”.

Từ đó có thể rút ra nguyên tắc xác định trách nhiệm chịu án phí, chi phí tố tụng của các đương sự trong vụ án mà yêu cầu của họ chỉ được chấp nhận một phần. Đối với trường hợp cụ thể được hỏi nêu trên, nguyên đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ đối với diện tích 40m2 đất không được chấp nhận (47% x 7.000.000 đồng), bị đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ đối với diện tích 45m2 đất nguyên đơn được chấp nhận (53% x 7.000.000 đồng).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 30,748

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]