Tải App trên Android

Xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
14/04/2022 16:11 PM

Ngày 13/4/2022, Thủ tướng có Quyết định 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 trong đó có yêu cầu xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch.

Xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch

Xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch (Ảnh minh họa)

Cụ thể, đề ra một số giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị.

- Lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh, đặc biệt chú trọng các đô thị lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí.

- Đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm quan trắc không khí tự động ở các đô thị lớn; thường xuyên cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn (MRT), hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn. Tăng cường xây dựng, mở rộng diện tích công viên, cây xanh, giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn trong các đô thị và khu dân cư.

- Tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, rà soát, hoàn thiện và ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; từng bước nâng cao tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu.

- Thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường (xe đạp, xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo); xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

- Kiểm soát, ngăn chặn các vi phạm trong quản lý, hoàn thiện tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng xăng dầu, chú trọng tiêu chuẩn dầu diesel; phát triển và ứng dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

- Kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng đô thị; kiểm soát việc đốt phụ phẩm cây trồng ngoài đồng ruộng ở các vùng ven đô.

- Xây dựng lộ trình, tiến tới loại bỏ việc sử dụng bếp than trong sinh hoạt ở các đô thị. Xây dựng và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường không khí trong nhà.

- Tăng cường kiểm soát các cơ sở công nghiệp có nguồn khí thải lớn như nhiệt điện, xi măng, thép, hóa chất...; khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng.

Song song với việc xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch như xe chạy bằng xăng, dầu diesel hoặc các nhiên liệu hóa thạch khác thì Chính phủ sẽ thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện, xe dùng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo. Hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn được đẩy nhanh tiến độ. Các phương tiện giao thông cá nhân ở đô thị sẽ bị hạn chế.

Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát khí thải xe cơ giới; hoàn thiện và ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu được nâng cao; phát triển và ứng dụng rộng nhiên liệu sinh học, sạch, thân thiện môi trường.

Cùng với đó, các đô thị lớn mở rộng diện tích công viên, cây xanh; giảm ô nhiễm tiếng ồn; cải thiện chất lượng không khí. Việc đốt phụ phẩm cây trồng ngoài đồng ruộng ven đô sẽ bị kiểm soát và loại bỏ bếp than tổ ong dùng trong sinh hoạt ở đô thị. Chính phủ khuyến khích các địa phương, đặc biệt Hà Nội, TP HCM áp dụng quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt hơn quy chuẩn môi trường quốc gia…

Trước đó, vào tháng 01/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.

Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ cũng đã yêu cầu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng; xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc tự nhiên như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên... được hình thành qua hàng triệu năm. Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để giải phóng năng lượng đồng thời thải ra khí CO2 và các chất ô nhiễm khác vào không khí, dẫn đến tác động tiêu cực cho bầu khí quyển, tạo ra hiệu ứng nhà kính và hiệu ứng nóng lên toàn cầu.

Để thúc đẩy tiến độ của lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch, người dân cần ý thức được tầm quan trọng và đề ra các phương pháp sử dụng các phương tiện tránh gây ùn tắc khi tham gia giao thông, bảo vệ môi trường.

Văn Thông

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,808

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]