Chi phí tố tụng gồm các loại chi phí nào theo Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 (Hình từ Internet)
Ngày 11/12/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024.
Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 thì Chi phí tố tụng bao gồm:
- Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí xem xét tại chỗ;
- Chi phí định giá tài sản;
- Chi phí giám định;
- Chi phí cho Hội thẩm;
- Chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân;
- Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến;
- Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật;
- Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài;
- Chi phí tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc, vụ án.
Lưu ý: Chi phí tố tụng là khoản tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện hoạt động tố tụng do cơ quan có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan. (Theo khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024)
Theo đó, thẩm quyền quyết định miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính được quy định cụ thể tại Điều 10 Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024, bao gồm:
- Đối với vụ án dân sự, vụ án hành chính, thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định được thực hiện như sau:
+ Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị và quyết định việc miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.
Trường hợp chấp nhận đề nghị miễn, giảm của đương sự thì Tòa án ra thông báo bằng văn bản nêu rõ số tiền được miễn, giảm. Trường hợp không chấp nhận thì trong thông báo phải nêu rõ lý do. Thông báo này phải được gửi cho người đề nghị, cơ quan, tổ chức thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra thông báo;
+ Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền xét đơn đề nghị và quyết định việc miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí. Trường hợp chấp nhận đề nghị miễn, giảm của đương sự thì Tòa án ra thông báo bằng văn bản nêu rõ số tiền được miễn, giảm.
Trường hợp không chấp nhận thì trong thông báo phải nêu rõ lý do. Thông báo của Hội đồng xét xử được công bố tại phiên tòa và được gửi cho người đề nghị, cơ quan, tổ chức thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra thông báo.
- Đối với việc dân sự, Thẩm phán được phân công giải quyết có thẩm quyền xét đơn đề nghị và quyết định việc miễn, giảm tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị. Trường hợp chấp nhận đề nghị miễn, giảm của đương sự thì Tòa án ra thông báo bằng văn bản nêu rõ số tiền được miễn, giảm. Trường hợp không chấp nhận thì trong thông báo phải nêu rõ lý do.
Thông báo này phải được gửi cho người đề nghị, cơ quan, tổ chức thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ, giám định trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra thông báo.
Xem thêm tại Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 có hiệu lực từ 01/7/2025.