Chính sách mới >> Tài chính 08/03/2024 15:30 PM

Thị trường trái phiếu Việt Nam lớn cỡ nào? Quy định về giao dịch trái phiếu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/03/2024 15:30 PM

Cho tôi thị trường trái phiếu Việt Nam lớn cỡ nào? Giao dịch trái phiếu Việt Nam được quy định thế nào? – Hà Anh (Thái Nguyên)

Thị trường trái phiếu Việt Nam lớn cỡ nào? Quy định về giao dịch trái phiếu

Thị trường trái phiếu Việt Nam lớn cỡ nào? Quy định về giao dịch trái phiếu (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Thị trường trái phiếu Việt Nam lớn cỡ nào?

Thị trường trái phiếu Việt Nam tính đến cuối tháng 9/2023 có quy mô khoảng 35.77% GDP năm 2022; trong đó, thị trường trái phiếu chính phủ đạt 22.76% GDP và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 12.6% GDP.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam tính chung cả năm 2023, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 287,164 tỷ đồng, giá trị phát hành ra công chúng là 37,070 tỷ đồng. Tỷ trọng phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2023 tăng vọt lên 11.43%, cao hơn 7.3 điểm % so với 2022 và là mức cao nhất kể từ 2015.

Còn với trái phiếu Chính phủ, trong tháng 2/2024, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 12 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu là 29,500 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu là 95.5%.

Tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành thông qua đấu thầu trong 2 tháng đầu năm 2024 là 47,679 tỷ đồng, tương đương gần 12% kế hoạch cả năm (400,000 tỷ đồng) và đạt gần 37.5% kế hoạch quý 1/2024 (127,000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành bình quân tháng 2 năm 2024 là 11.7 năm, lãi suất phát hành bình quân là 2.2%/năm. Trong tháng 1 và 2 không có phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh.

Quy định giao dịch trái phiếu Chính phủ

Theo Điều 19 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về giao dịch trái phiếu Chính phủ như sau:

- Trái phiếu Chính phủ được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy chế giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

- Trái phiếu Chính phủ được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo các loại hình sau:

+ Mua bán thông thường;

+ Mua bán lại và bán kết hợp mua lại;

+ Các loại hình giao dịch khác theo quy định của pháp luật chứng khoán.

- Giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại trái phiếu Chính phủ được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

+ Kỳ hạn của giao dịch tối đa không quá 01 năm;

+ Bên mua và bên bán tự thỏa thuận và ký hợp đồng giao dịch bao gồm các nội dung cơ bản sau: khối lượng; lãi suất (hoặc giá trái phiếu); kỳ hạn; tài sản bảo đảm; tỷ lệ phòng ngừa rủi ro; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan- xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp các bên không thực hiện thanh toán theo thỏa thuận.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng khi thực hiện các giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán theo quy định tại Nghị định 95/2018/NĐ-CP và pháp luật chứng khoán.

Quy định giao dịch trái phiếu doanh nghiệp

Căn cứ khoản 1,2,3 Điều 16 Nghị định 153/NĐ-CP/2020 sửa đổi bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp như sau:

- Doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trái phiếu đã phát hành trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán. Việc đăng ký giao dịch trái phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều 16 Nghị định 153/NĐ-CP/2020 sửa đổi bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP không hàm ý Sở giao dịch chứng khoán xác nhận và đảm bảo cho tính hợp pháp của đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp và việc thanh toán đầy đủ lãi, gốc của trái phiếu.

- Việc giao dịch trái phiếu phải được thực hiện thông qua thành viên giao dịch và đảm bảo tuân thủ các quy định:

+ Trái phiếu chỉ được phép giao dịch giữa các đối tượng nhà đầu tư nêu tại phương án phát hành trái phiếu, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

+ Trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 Luật Chứng khoán 2019. Sau thời gian bị hạn chế chuyển nhượng, việc giao dịch trái phiếu thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 153/NĐ-CP/2020 sửa đổi bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

- Trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán bao gồm:

+ Doanh nghiệp thực hiện đăng ký giao dịch trái phiếu chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

+ Tổ chức phát hành gửi hồ sơ đăng ký giao dịch cho Sở giao dịch chứng khoán bằng hình thức điện tử theo Quy chế của Sở giao dịch chứng khoán. Hồ sơ đăng ký giao dịch bao gồm:

++ Đơn đề nghị đăng ký giao dịch trái phiếu theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP;

++ Giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

++ Giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

++ Quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu;

++ Văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có);

++ Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc loại trái phiếu phát hành (nếu có);

+ Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán ra thông báo về việc trái phiếu đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán, đồng thời thực hiện công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán. Trường hợp từ chối, Sở giao dịch chứng khoán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

+ Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán ra thông báo về việc trái phiếu đã đăng ký giao dịch, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đưa trái phiếu vào giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,890

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn