Quy định về tiêu chuẩn, định mức xe ô tô cứu thương từ 23/12/2024 (Hình từ Internet)
Ngày 07/11/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 31/2024/TT-BYT quy định về xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 31/2024/TT-BYT thì tiêu chuẩn, định mức xe ô tô cứu thương như sau:
- Tiêu chuẩn xe ô tô cứu thương: Tiêu chuẩn xe ô tô cứu thương xác định theo quy định tại Điều 2 Thông tư 27/2017/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương.
”Điều 2. Tiêu chuẩn của xe ô tô cứu thương
Xe ô tô cứu thương phải là xe ô tô đáp ứng yêu cầu tại mục 3.1.2 của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7271:2003 về phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng và chỉ được sử dụng khi đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
1. Tiêu chuẩn đối với trang thiết bị bên ngoài xe ô tô cứu thương phải được gắn cố định, bao gồm:
a) Có thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, gồm đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, còi phát tín hiệu ưu tiên. Việc cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ;
b) Có bảng thông tin về đơn vị sử dụng được thể hiện ở hai bên cánh cửa lái chính và cửa lái phụ của xe ô tô cứu thương có kích cỡ tối thiểu (chiều cao: 45cm, chiều rộng: 50cm), trong đó đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về thông tin sau đây:
- Logo đơn vị sử dụng xe (nếu có): Kích cỡ tối thiểu (chiều cao: 18cm, chiều rộng: 18cm).
- Tên, địa chỉ và số diện thoại liên hệ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này.
- Số Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Bố cục của bảng thông tin về đơn vị sử dụng được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Tiêu chuẩn đối với trang thiết bị bên trong xe ô tô cứu thương:
a) Cáng chính: Loại trượt, có dây đai an toàn, có bánh xe;
b) Ghế cho nhân viên y tế;
c) Tấm nhựa lót sàn xe: Chống trơn trượt, dễ vệ sinh, tẩy rửa, khử trùng;
d) Đèn chiếu sáng trong xe (phục vụ cấp cứu người bệnh);
đ) Móc treo dịch truyền;”
- Định mức xe ô tô cứu thương:
+ Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, định mức xe ô tô cứu thương được xác định theo quy mô giường bệnh đã được cấp có thẩm quyền cấp phép. Cụ thể như sau:
++ Dưới 50 giường bệnh: Tối đa 01 xe;
++ Từ 50 giường bệnh đến dưới 100 giường bệnh: Tối đa 02 xe;
++ Từ 100 giường bệnh đến dưới 200 giường bệnh: Tối đa 03 xe;
++ Từ 200 giường bệnh đến dưới 300 giường bệnh: Tối đa 04 xe;
++ Từ 300 giường bệnh trở lên, nếu cứ tăng thêm 150 giường bệnh thì được bổ sung định mức 01 xe.
+ Đối với cá nhân, cơ quan, đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh: Việc xác định định mức sử dụng xe ô tô cứu thương căn cứ vào nhu cầu, quy mô dân số, vị trí địa lý làm cơ sở báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 72/2024/NĐ-CP phê duyệt, bảo đảm phù hợp với nhu cầu và hiệu quả đầu tư, sử dụng xe ô tô.
“Điều 17. Thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng
1. Đối với xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này, căn cứ vào quy định chi tiết hướng dẫn của Bộ Y tế:
a) Các bộ, cơ quan trung ương ban hành tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, trừ đơn vị quy định tại điểm c khoản này.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi xin ý kiến của các cơ quan liên quan theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thành ủy) ban hành tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ đơn vị quy định tại điểm c khoản này.
c) Hội đồng quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trong trường hợp đơn vị sự nghiệp không có Hội đồng quản lý) ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng tại đơn vị.
d) Đối với các đơn vị không hoạt động trong lĩnh vực y tế nhưng có yêu cầu phải sử dụng xe ô tô cứu thương, thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô cứu thương được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản này.”
+ Đối với cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, các đơn vị cung cấp dịch vụ tiêm chủng vắc xin: Tối đa 01 xe.
+ Đối với cơ quan, đơn vị không hoạt động trong lĩnh vực y tế nhưng có yêu cầu phải sử dụng xe ô tô cứu thương: Tối đa 01 xe.
Xem thêm Thông tư 31/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 23/12/2024.
Thông tư 07/2020/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết hướng dẫn về xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư 31/2024/TT-BYT có hiệu lực.