Nguyên tắc huy động, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong thời gian tới

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
21/08/2024 15:30 PM

Bài viết sau có nội dung về các nguyên tắc huy động, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong thời gian tới được quy định trong Công văn 5558/VPCP-QHQT năm 2024.

Nguyên tắc huy động, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong thời gian tới

Nguyên tắc huy động, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong thời gian tới (Hình từ Internet)

Ngày 05/8/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 5558/VPCP-QHQT về Điều kiện vay các đối tác phát triển.

Nguyên tắc huy động, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong thời gian tới

Theo nội dung trong Công văn 5558/VPCP-QHQT năm 2024 thì về định hướng, nguyên tắc huy động, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thời gian tới như sau:

- Tiếp tục thực hiện huy động, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài theo định hướng, nguyên tắc tại Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2109/QĐ-TTg năm 2021.

- Vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài được huy động, sử dụng bổ sung cho phần còn thiếu của các nguồn vốn trong nước để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển; giúp thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế... và nâng cao vị thế của Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế; giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận vốn, nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ hiện đại và từng bước tham gia vào các chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu.

- Việc tiếp cận, huy động và sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ; chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển và cho lĩnh vực, dự án mà vốn đầu tư công trong nước và khu vực tư nhân không đáp ứng đủ hoặc không có động lực, khả năng đầu tư.

- Định hướng đối với các đối tác phát triển là tranh thủ, tận dụng vốn ODA; sử dụng vốn vay ưu đãi với điều kiện vay phù hợp của Nhóm 6 ngân hàng phát triển nhằm bổ sung vốn đầu tư cho các chương trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng có quy mô lớn (giao thông, thủy lợi, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị...), trong đó có đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, chuyển đổi năng lượng...

- Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu kỹ, nắm chắc chính sách, điều kiện vay và quy trình, thủ tục, yêu cầu của đối tác phát triển để đề xuất, xây dựng, chuẩn bị dự án mới sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho phù hợp.

Ngoài ra: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo, kiến nghị, việc tổng hợp, giải trình ý kiến các cơ quan liên quan tại văn bản nêu trên theo đúng quy định pháp luật.

Về đề nghị xây dựng phương án trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết đặc thù giúp đơn giản hóa quy trình, thủ tục và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuẩn bị, phê duyệt và triển khai dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Việt Nam cho giai đoạn 2026-2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các đối tác phát triển nghiên cứu, xây dựng phương án báo cáo, trong đó giải trình, làm rõ những nội dung đặc thù cụ thể, sự cần thiết ban hành Nghị quyết đặc thù, cơ sở pháp lý và thẩm quyền, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 30/8/2024.

Xem thêm Công văn 5558/VPCP-QHQT ban hành ngày 05/8/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 640

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn