Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản quy định về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới nhất

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là trách nhiệm pháp lý của Nhà nước khi người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi quyền lực công.

1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là gì?

Theo quy định tại Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

- Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017;

- Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017;

- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Theo đó, căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:

- Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Tổng hợp văn bản quy định về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới nhất (Hình từ Internet)

2. Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước

Căn cứ Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, cụ thể như sau:

- Việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

- Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

- Người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 52 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

- Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

- Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường

Căn cứ Điều 16 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường:

- Giả mạo tài liệu, giấy tờ hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật trong hồ sơ yêu cầu bồi thường và trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường.

- Thông đồng giữa người yêu cầu bồi thường với người giải quyết bồi thường, người có liên quan để trục lợi.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả và xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại.

- Không giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc giải quyết yêu cầu bồi thường trái pháp luật.

- Không thực hiện việc xác định trách nhiệm hoàn trả hoặc không xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại.

- Sách nhiễu, cản trở hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường.

4. Tổng hợp văn bản quy định về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới nhất 2024

1

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 số 10/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Trong đó, Chương II của Luật này quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Chương III quy định về thiệt hại được bồi thường, và Chương VI quy định về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả.

2

Nghị định 68/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Nghị định 68/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 quy định chi tiết một số Điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về thiệt hại được bồi thường, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại và một số biện pháp tổ chức thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về thiệt hại được bồi thường tại Chương II, quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Chương III, và quy định về trách nhiệm hoàn trả tại Chương IV.

3

Thông tư 04/2018/TT-BTP về biểu mẫu trong công tác bồi thường nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 04/2018/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 01/07/2018, Thông tư này ban hành một số biểu mẫu trong công tác giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, phục hồi danh dự, chi trả tiền bồi thường và việc hoàn trả.

4

Thông tư 08/2019/TT-BTP quy định về biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 08/2019/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 25/01/2020 quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án đối với một số nhiệm vụ như là: hướng dẫn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước, giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; theo dõi công tác bồi thường nhà nước; đôn đốc công tác bồi thường nhà nước; kiểm tra công tác bồi thường nhà nước; báo cáo thống kê việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước,...

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường Nhà nước với một số nội dung đáng chú ý như là:

- Mục 2 quy định về theo dõi công tác bồi thường nhà nước;

- Mục 3 quy định về đôn đốc công tác bồi thường nhà nước;

- Mục 6 quy định về kiến nghị người có thẩm quyền thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong một số trường hợp cụ thể.

5

Thông tư 09/2019/TT-BTP quy định về biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 09/2019/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 25/01/2020 quy định nội dung, trách nhiệm và cách thức thực hiện công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước.

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về nội dung và trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường Nhà nước, Chương III quy định về cách thức hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường Nhà nước.

6

Thông tư 02/2023/TT-TANDTC hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Thông tư 02/2023/TT-TANDTC có hiệu lực từ ngày 20/10/2023, Thông tư này hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Điều 3, quy định về xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại Điều 5, và quy định về xác định thiệt hại được bồi thường tại Điều 6.

7

Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính do Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có hiệu lực từ ngày 12/11/2012, hông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với người bị thiệt hại về vật chất hoặc bị tổn hại về tinh thần do hành vi trái pháp luật của những người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án (sau đây gọi chung là người đã tiến hành tố tụng) gây ra khi tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Trong đó, Chương II của Thông tư liên tịch này quy định về xác định thiệt hại được bồi thường, Chương III quy định về thủ tục giải quyết bồi thường, Chương IV quy định về thủ tục thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người đã tiến hành tố tụng.

8

Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 17/12/2012, Thông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với người bị thiệt hại về vật chất hoặc bị tổn hại về tinh thần do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư liên tịch này là quy định về các trường hợp được bồi thường thiệt hại tại Điều 2, các trường hợp không được bồi thường thiệt hại tại Điều 3, quy định về xác định thiệt hại được bồi thường tại Chương II, và quy định về thủ tục giải quyết bồi thường tại Chương III.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.220.160.76
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!