1. Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Những đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi bao gồm: Người có công với cách mạng; thân nhân của người có công với cách mạng; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Thứ nhất, Người có công với cách mạng bao gồm:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
- Liệt sỹ;
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
- Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
- Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
- Bệnh binh;
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
- Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
- Người có công giúp đỡ cách mạng.
Thứ hai, Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sỹ.
Danh sách các văn bản hướng dẫn người có công với cách mạng mới nhất (Hình từ Internet)
2. Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu như sau:
- Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần;
- Các chế độ ưu đãi khác bao gồm:
+ Bảo hiểm y tế;
+ Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;
+ Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên;
+ Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm;
+ Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
+ Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;
+ Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;
+ Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;
+ Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh;
+ Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.
3. Danh sách các văn bản hướng dẫn Người có công với cách mạng
1
Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng
Nghị định 75/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/09/2021 quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
2
Nghị định 56/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"
Nghị định 56/2013/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/07/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn về đối tượng, chế độ ưu đãi, hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
3
Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
Nghị định 131/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/02/2022 quy định chi tiết về việc công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và các biện pháp thi hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ưu đãi người có công với cách mạng.
4
Nghị định 55/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Nghị định 55/2023/NĐ-CP có hiệu lực ngày 05/09/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Chúng ta có thể lưu ý sửa về Điều 12 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ và các chế độ ưu đãi khác của người có công với cách mạng tại Điều 13.
5
Nghị định 77/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi theo Nghị định 55/2023/NĐ-CP
Nghị định 77/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/07/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ.
6
Thông tư 14/2023/TT-BCA hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Công an
Thông tư 14/2023/TT-BCA có hiệu lực ngày 05/06/2023 hướng dẫn về quy trình công nhận người có công với cách mạng (sau đây viết tắt là người có công); quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi người có công thuộc trách nhiệm của Bộ Công an quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
8
Thông tư 55/2022/TT-BQP hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
Thông tư 55/2022/TT-BQP có hiệu lực ngày 15/09/2022 hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
9
Thông tư 44/2022/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 44/2022/TT-BTC có hiệu lực ngày 05/09/2022 quy định về quản lý và sử dụng kinh phí thường xuyên thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào, người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a.
10
Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có số hiệu 02/2020/UBTVQH14 có hiệu lực ngày 01/07/2021 quy định về phạm vi, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; công trình ghi công liệt sỹ, mộ liệt sỹ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
11
Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" năm 1994
Pháp lệnh 36-L/CTN năm 1994 có hiệu lực ngày 01/12/1994 quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" để tặng hoặc truy tặng những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Lưu ý tại Điều 2 của Pháp lệnh quy định những điều kiện được tặng hoặc truy tặng là "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".