Cải cách tiền lương, lương hưu có thay đổi không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
13/11/2023 10:00 AM

Xin cho tôi hỏi trong thời gian sắp tới, khi thực hiện cải cách tiền lương thì lương hưu có thay đổi không? - Bích Phượng (Đồng Tháp)

Cải cách tiền lương, lương hưu có thay đổi không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cải cách tiền lương, lương hưu có thay đổi không?

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý khi cải cách tiền lương cũng cần phải xem xét đến lương cho người nghỉ hưu và đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo đó, hiện nay, lương hưu được chi theo mức lương cơ sở, mà tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 nêu rõ, một trong những yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới, trong đó có bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị, cải cách tiền lương khu vực công phải đi đôi với cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp và điều chỉnh một cách phù hợp tiền lương của người nghỉ hưu và các đối tượng xã hội khác. 

Cách tính lương hưu được áp dụng theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:

Lương hưu hằng tháng = Tỉ lệ hưởng hằng tháng x mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội có thể sẽ tăng khi cải cách tiền lương bởi việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Theo đó, vì tiền lương hưu được tính dựa vào tỉ lệ hưởng và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội nên nếu khi cải cách tiền lương dự kiến từ ngày 1.7.2024, quy định pháp luật không có gì thay đổi thì cách tính lương hưu vẫn sẽ được áp dụng như hiện nay là dựa vào mức bình quân tiền tháng đóng bảo hiểm xã hội nhân với tỉ lệ hưởng lương hưu.

2. Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường hiện nay là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 được quy định cụ thể như sau:

- Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

- Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định nêu trên được thực hiện theo bảng dưới đây:

Lao động nam

Lao động nữ

Năm nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu

Năm nghỉ hưu

Tuổi nghỉ hưu

2021

60 tuổi 3 tháng

2021

55 tuổi 4 tháng

2022

60 tuổi 6 tháng

2022

55 tuổi 8 tháng

2023

60 tuổi 9 tháng

2023

56 tuổi

2024

61 tuổi

2024

56 tuổi 4 tháng

2025

61 tuổi 3 tháng

2025

56 tuổi 8 tháng

2026

61 tuổi 6 tháng

2026

57 tuổi

2027

61 tuổi 9 tháng

2027

57 tuổi 4 tháng

Từ năm 2028 trở đi

62 tuổi

2028

57 tuổi 8 tháng

   

2029

58 tuổi

   

2030

58 tuổi 4 tháng

   

2031

58 tuổi 8 tháng

   

2032

59 tuổi

   

2033

59 tuổi 4 tháng

   

2034

59 tuổi 8 tháng

   

Từ năm 2035 trở đi

60 tuổi

Như vậy năm 2023, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là:

- Lao động nam: đủ 60 tuổi 9 tháng.

- Lao động nữ: đủ 56 tuổi.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,400

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]