Công điện 85 hướng dẫn thực hiện cải cách tiền lương 2025 thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
07/09/2024 07:47 AM

Thủ tướng có Công điện 85 về điều hành dự toán ngân sách, trong đó có hướng dẫn nội dung về thực hiện cải cách tiền lương 2025, như tập trung nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo,…

Nội dung được đề cập tại Công điện 85/CĐ-TTg ngày 02/9/2024 về điều hành dự toán ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tại Công điện 85/CĐ-TTg yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp liên quan đến thực hiện cải cách tiền lương 2025 có thể kể đến như sau:

Phấn đấu vượt dự toán thu 2025 để đảm bảo nguồn lực, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương 2025

Đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thu, nhất là thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài, triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là dịch vụ ăn uống...

Trên cơ sở đó, phấn đấu thu NSNN năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, thu NSNN năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024 để đảm bảo nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.

Công điện 85 hướng dẫn thực hiện cải cách tiền lương 2025

Công điện 85 hướng dẫn thực hiện cải cách tiền lương 2025 (Hình từ internet)

Tập trung nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương 2025 như thế nào?

Công điện 85/CĐ-TTg 2024 cũng yêu cầu tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tiết kiệm chi NSNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN:

- Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 119/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ.

Đối với năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp rà soát, cơ cấu, sắp xếp các nhiệm vụ chi, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (sau khi loại trừ các khoản chi tương tự như năm 2024 đã được quy định tại Nghị quyết 119/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ) để dành nguồn giảm bội chi NSNN hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của từng Bộ, cơ quan, địa phương hoặc bổ sung cho chi đầu tư phát triển.

- Thực hiện chi ngân sách theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; cắt giảm dự toán chi thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương nhưng đến hết ngày 30/6/2024 chưa phân bổ cho các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép) theo Nghị quyết 82/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ.

- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. Phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí thất thoát tài sản công.

- Khẩn trương thực hiện các quy định tại Nghị quyết 104/2023/QH15, Nghị quyết 142/2024/QH15 của Quốc hội, rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12/2024.

Trong quá trình thực hiện việc sửa đổi, bãi bỏ cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, các Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm đảm bảo duy trì hoạt động của cơ quan, đơn vị theo chế độ chung do Nhà nước quy định.

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn thực hiện cải cách tiền lương 2025 được đề cập tại Công điện 85/CĐ-TTg 2024.

Xem thêm một số nội dung về thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới:

>> Nội dung Kế hoạch thực hiện cải cách tiền lương theo Quyết định 918

>> Nghị quyết 94: Hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm, thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27

>> Tổng hợp: Văn bản hướng dẫn cải cách tiền lương công chức viên chức mới nhất

>> Thông tin mới về chế độ phụ cấp, chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,331

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn