Quy định về di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp của NLĐ nước ngoài

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
07/01/2023 14:05 PM

Hiện hành, quy định về di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp của người lao động nước ngoài được hướng dẫn thế nào? – Tấn Lộc (Bình Dương)

Quy định về di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp của NLĐ nước ngoài

Quy định về di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp của NLĐ nước ngoài (Hình từ internet)

Quy định về di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp của NLĐ nước ngoài

Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là một trong những hình thức mà lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP giải thích:

Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục. Trong đó:

- Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức.

- Giám đốc điều hành là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

- Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

+ Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

+ Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Lao động kỹ thuật là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

+ Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải) thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Hình thức người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

Theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (sau đây viết tắt là người lao động nước ngoài) theo các hình thức sau đây:

- Thực hiện hợp đồng lao động;

- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;

- Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;

- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;

Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng là người lao động nước ngoài làm việc ít nhất 02 năm (24 tháng) trong một doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam và phải đáp ứng quy định đối với chuyên gia tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

- Chào bán dịch vụ;

Người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức chào bán dịch vụ là người lao động nước ngoài không sống tại Việt Nam và không nhận thù lao từ bất cứ nguồn nào tại Việt Nam, tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ để đàm phán tiêu thụ dịch vụ của nhà cung cấp đó, với điều kiện không được bán trực tiếp dịch vụ đó cho công chúng và không trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ.

- Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Tình nguyện viên;

Tình nguyện viên là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức tự nguyện và không hưởng lương để thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;

Hiện diện thương mại bao gồm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

- Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;

- Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;

- Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Căn cứ: Nghị định 152/2020/NĐ-CP; Nghị định 70/2023/NĐ-CP

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 74,018

Bài viết về

Giấy phép lao động

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn