Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có phải tham gia BHXH không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
26/01/2024 15:00 PM

Xin cho tôi hỏi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có phải tham gia BHXH không? - Đức Trọng (Đồng Nai)

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có phải tham gia BHXH không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có phải tham gia BHXH không?

Theo Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng về BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:

- Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

- Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

+ Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 Bộ luật Lao động 2019.

- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

- Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.

Như vậy, người lao động nước ngoài phải tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu người lao động nước ngoài thuộc trường hợp di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp và đủ tuổi nghỉ hưu thì không phải tham gia BHXH bắt buộc.

2. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo những hình thức nào?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau đây:

- Thực hiện hợp đồng lao động;

- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;

- Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;

- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;

- Chào bán dịch vụ;

- Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Tình nguyện viên;

- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;

- Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;

- Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;

- Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,909

Bài viết về

Giấy phép lao động

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]