Đã có dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
11/07/2024 11:15 AM

Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết 65/NQ-CP năm 2024.

Đã có dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP)

Đã có dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP) (Hình từ Internet)

Đã có dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP)

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết 65/NQ-CP năm 2024.

Dự thảo

Cụ thể, dự thảo Nghị định này quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam. Tuy nhiên các quy định trong dự thảo Nghị định không áp dụng đối với trường hợp nhập khẩu xăng dầu để pha chế, chạy thử, không kinh doanh thương mại, với số lượng không quá 500 lít hoặc kg/tháng.

Đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị định

- Thương nhân kinh doanh xăng dầu theo quy định của Luật Thương mại 2005.

- Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới về việc điều chỉnh giá bán xăng dầu.

Cụ thể, tại Điều 33 dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu thì việc điều chỉnh giá bán xăng dầu phải tuân thủ các nguyên tắc như sau:

(1) Giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu quyết định không cao hơn giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại Điều 34 dự thảo Nghị định.

(2) Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2% so với giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại Điều 34 dự thảo Nghị định.

Địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là địa bàn được quy định tại khoản 1 mục III Điều 1 Quyết định 1162/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định này (nếu có).

(3) Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sau khi thương nhân công bố giá bán xăng dầu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục quản lý thị trường tại địa phương nơi thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi thương nhân công bố giá bán lẻ xăng dầu.

(4) Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Giá 2023, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá 2023.

(5) Giá mua bán nhiên liệu hàng không do các thương nhân tự thỏa thuận với các đối tác theo cơ chế thị trường, không phải thực hiện quy định tại (1), (2), (3), (4) và Điều 34, 35 dự thảo Nghị định.

Dự kiến dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới này sẽ thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP.

Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu hiện hành (Quy định hiện hành)

(i) Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

(ii) Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp.

(ii) Thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm  m lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên Đán), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.

Trường hợp thời gian điều hành giá trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu ngày thứ Năm trung vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

(iv) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.

(v) Các mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá cơ sở là những mặt hàng xăng dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường.

(Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 95/2021/NĐ-CPNghị định 80/2023/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,096

Bài viết về

lĩnh vực Xăng dầu

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]