Tiền lương, giờ làm và các quy định khác về làm việc ban đêm theo Bộ luật Lao động 2019

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thùy Liên
26/10/2020 10:12 AM

Bài viết tổng hợp các quy định về làm việc ban đêm mà NLĐ cần biết như tiền lương, giờ làm việc được áp dụng theo Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cụ thể:

Làm việc ban đêm

NLĐ cần chú ý một số quy định về làm việc ban đêm áp dụng từ ngày 01/01/2021 (Ảnh minh hoạ).

(1) Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

- NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

+ Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

+ Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

+ Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

- NLĐ làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

- NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định về tiền lương làm thêm giờ và tiền lương làm ban đêm nêu trên, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

(Theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019).

(2) Giờ làm việc ban đêm

Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

(Theo Điều 106 Bộ luật Lao động 2019).

(3) NLĐ làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

(Theo Điều 109 Bộ luật Lao động 2019).

(4) Các trường hợp NSDLĐ hạn chế; cấm sử dụng NLĐ làm việc vào ban đêm

NSDLĐ không được sử dụng NLĐ làm việc ban đêm, làm thêm giờ vào ban đêm các trong trường hợp sau đây:

- Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

- NLĐ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được NLĐ đồng ý (hiện hành chỉ cấm sử dụng NLĐ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc vào ban đêm và cấm trong mọi trường hợp).

- NLĐ là người chưa đủ 15 tuổi không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

- NLĐ người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

- NLĐ là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp NLĐ là người khuyết tật đồng ý.

(Hiện hành chỉ quy định cấm sử dụng NLĐ là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm).

(Theo Điều 137, Điều 146, Điều 160 Bộ luật Lao động 2019; Điều 155, Điều 163, Điều 178 Bộ luật Lao động 2012).

Trường hợp NSDLĐ có hành vi vi phạm về tiền lương trả cho NLĐ làm việc vào ban đêm quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì áp dụng mức phạt vi phạm hành chính như sau:

- Phạt tiền đối với NSDLĐ có một trong các hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm cho NLĐ, cụ thể:

+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ;

+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ;

+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ;

+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ;

+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.

- Ngoài mức tiền phạt trên, cá nhân vi phạm còn buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho NLĐ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm

- Tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

(Khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Thùy Liên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24,382

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn