Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (Hình từ internet)
Ngày 12/02/2025, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 39/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Cụ thể, Thủ tướng nêu mục tiêu phấn đấu hoàn thành đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm, đề nghị xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ phải làm cho từng năm, thời gian hoàn thành, với tinh thần chỉ đạo quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, “làm việc nào, dứt việc đấy”, “làm việc có trọng tâm, trọng điểm”; phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ sản phẩm để kiểm tra, giám sát, bảo đảm triển khai nhanh nhất.
Trên cơ sở đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương rà soát, lập kế hoạch chi tiết các công việc cần triển khai (kế hoạch cần rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm,...), khẩn trương gửi Bộ Công Thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp, trình Ban Chỉ đạo thông qua tại Phiên họp thứ 2 (dự kiến vào trung tuần tháng 02 năm 2025).
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ cụ thể như sau:
* Bộ Công Thương
- Khẩn trương hoàn thiện bổ sung điện hạt nhân Ninh Thuận, bao gồm các đường dây đấu nối đồng bộ và các dự án điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII trước ngày 28 tháng 02 năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9600/VPCP-CN ngày 26 tháng 12 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Điện lực (sửa đổi)..., đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách để tổ chức triển khai được dự án (như cơ chế chỉ định thầu, cơ chế chọn thầu, cơ chế ưu đãi tín dụng, thuế, đất đai, thu hút nguồn nhân lực...). Trường hợp cần thiết, báo cáo, trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai dự án bảo đảm tiến độ đề ra.
* Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Khẩn trương rà soát, huy động lại các nhân lực đã được đào tạo để có phương án sử dụng, đồng thời đề xuất xây dựng Kế hoạch đào tạo bổ sung nguồn nhân lực cần thiết (số lượng, trình độ và chuyên môn) cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Thành lập tổ chức chuyên trách đảm nhiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đồng thời tiếp tục nghiên cứu thêm địa điểm để xây dựng các dự án mới theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “không cầu toàn, không nóng vội”.
* Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
- Chịu trách nhiệm khẩn trương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ phát triển dự án điện hạt nhân (như điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục...), tận dụng lợi thế động lực của dự án nhà máy điện hạt nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó có thu hút đầu tư xây dựng sân bay Ninh Thuận.
- Chịu trách nhiệm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư để đảm bảo đáp ứng tiến độ chung của dự án; cần thiết đề xuất chính sách thực hiện giải phóng mặt bằng cho người dân.
* Văn phòng Chính phủ
- Rà soát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa đường băng sân bay Ninh Thuận ra khỏi danh mục tài sản đặc biệt tại Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2018, giao cho tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư và chủ động kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư để thực hiện ngay.
- Khẩn trương rà soát sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, cơ quan, bảo đảm rõ người, rõ việc, các cơ quan trình phải chủ động lấy ý kiến để tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không được né tránh, đùn đẩy, ngại việc, “ai sợ trách nhiệm đứng sang một bên”. Văn phòng Chính phủ không có trách nhiệm lấy ý kiến các bộ, cơ quan, tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc để thúc đẩy triển khai nhanh các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Xem thêm tại Thông báo 39/TB-VPCP ngày 12/02/2025.
Theo Điều 1 Quyết định 72/QĐ-TTg năm 2025, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, liên quan đến công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Danh sách thành viên của Ban Chỉ đạo gồm có:
(1) Trưởng ban: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
(2) Phó Trưởng ban Thường trực: Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn.
(3) Phó Trưởng ban: Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương.
(4) Các thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan:
- Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương;
- Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Ông Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Ông Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an;
- Ông Phạm Minh Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng;
- Ông Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Bộ Tài chính;
- Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;
- Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp;
- Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
- Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội;
- Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận;
- Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Căn cứ nhu cầu, nhiệm vụ trong quá trình hoạt động, Trưởng Ban quyết định việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, sau khi thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của trung ương, có trách nhiệm thông báo cho Bộ Công Thương về sự thay đổi thành viên tham gia Ban Chỉ đạo. Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo sau khi các bộ được sát nhập, hợp nhất.