Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm phát triển quỹ đất từ 01/8/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
05/08/2024 18:30 PM

Quy định về chức năng, nhiệm vụ, nguồn thu của trung tâm phát triển quỹ đất được quy định tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP.

Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm phát triển quỹ đất từ 01/8/2024

Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm phát triển quỹ đất từ 01/8/2024 (Hình từ Internet)

Vị trí, chức năng của Trung tâm phát triển quỹ đất

Theo khoản 1  Điều 14 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, Trung tâm phát triển quỹ đất là tổ chức phát triển quỹ đất, là đơn vị sự nghiệp công lập do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trung tâm phát triển quỹ đất có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức, bộ máy, cơ chế tự chủ của Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhiệm vụ của Trung tâm phát triển quỹ đất

Căn cứ khoản 2 Điều 14 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, Trung tâm phát triển quỹ đất có các nhiệm vụ sau đây:

- Quản lý quỹ đất quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Đất đai 2024;

- Lập và thực hiện dự án tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất;

- Lập, tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; lập dự án tạo quỹ đất để giao đất thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng bảng giá đất; xác định giá đất cụ thể theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng tạo lập và phát triển quỹ đất tái định cư để phục vụ Nhà nước thu hồi đất và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

- Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;

- Lập danh mục và tổ chức cho thuê ngắn hạn các khu đất, thửa đất được giao quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất;

- Thực hiện các dịch vụ trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và các dịch vụ khác trong lĩnh vực quản lý đất đai;

- Liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức kinh tế, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật khác có liên quan;

- Ký hợp đồng thuê các tổ chức, cá nhân làm tư vấn hoặc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật;

- Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định về các lĩnh vực công tác được giao.

Nguồn thu tài chính của Trung tâm phát triển quỹ đất

Theo khoản 4 Điều 14 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, nguồn thu tài chính của Trung tâm phát triển quỹ đất bao gồm:

- Kinh phí từ ngân sách nhà nước phân bổ theo quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, gồm:

+ Kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và kinh phí quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

+ Kinh phí quản lý và khai thác quỹ đất đã thu hồi, tạo lập, phát triển; kinh phí quản lý và khai thác quỹ nhà, đất đã xây dựng phục vụ tái định cư theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

+ Tiền bán hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất, kinh phí tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thu được theo quy định của pháp luật và quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

+ Lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết; lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng.

+ Các khoản thu từ thực hiện hoạt động dịch vụ theo hợp đồng ký kết và theo quy định của pháp luật.

+ Các nguồn thu từ cho thuê quỹ đất ngắn hạn.

+ Các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp khác theo quy định của pháp luật;

- Nguồn vốn được phân bổ từ ngân sách nhà nước, ứng từ Quỹ phát triển đất hoặc Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác để thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng;

- Nguồn vốn từ liên doanh, liên kết để thực hiện các chương trình, phương án, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Nguồn viện trợ, tài trợ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,520

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn