Các trường hợp thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
12/12/2023 08:28 AM

Cho tôi hỏi các trường hợp nào sẽ thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính theo quy định mới nhất? - Thế Thành (Kiên Giang)

Các trường hợp thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính mới nhất

Các trường hợp thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính mới nhất

Theo khoản 1.1 Điều 17 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT thì việc chỉnh lý bản đồ địa chính thực hiện trong các trường hợp sau:

- Xuất hiện thửa đất và các đối tượng chiếm đất mới (trừ các đối tượng là công trình, xây dựng và tài sản trên đất);

- Thay đổi ranh giới thửa đất và các đối tượng chiếm đất (trừ các đối tượng là công trình xây dựng và tài sản trên đất);

- Thay đổi diện tích thửa đất;

- Thay đổi mục đích sử dụng đất;

- Thay đổi thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất;

- Thay đổi về mốc giới và đường địa giới hành chính các cấp;

- Thay đổi về điểm tọa độ địa chính và điểm tọa độ Quốc gia;

- Thay đổi về mốc giới và hành lang an toàn công trình;

- Thay đổi về địa danh và các ghi chú trên bản đồ.

2. Cơ sở để quyết định thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính

Cơ sở để quyết định thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính theo khoản 1.2 Điều 17 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT như sau:

- Các thay đổi về ranh giới thửa đất, diện tích thửa đất, mục đích sử dụng đất được thực hiện trong các trường hợp: có quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất của cấp có thẩm quyền; quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp, bản án của Tòa án nhân dân các cấp về việc giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả cấp, chỉnh lý Giấy chứng nhận trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế có liên quan đến thay đổi ranh giới, mục đích sử dụng đất; quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; có thay đổi ranh giới thửa đất do sạt lở, sụt đất tự nhiên; người sử dụng đất, cơ quan quản lý đất đai các cấp phát hiện có sai sót trong đo vẽ bản đồ địa chính;

- Mốc giới, đường địa giới hành chính trên bản đồ được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp có quyết định thay đổi địa giới hành chính, lập đơn vị hành chính mới, đã lập hồ sơ địa giới, cắm mốc địa giới trên thực địa;

- Mốc tọa độ, mốc quy hoạch, hành lang an toàn công trình trên bản đồ được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp mốc giới mới được cắm trên thực địa và có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Việc chỉnh lý, bổ sung thông tin về địa danh, địa vật định hướng và các thông tin thuộc tính khác do cơ quan quản lý đất đai các cấp tự quyết định khi phát hiện có thay đổi.

3. Ký hiệu bản đồ địa chính

Ký hiệu bản đồ địa chính theo Điều 19 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT được quy định như sau:

- Ký hiệu bản đồ địa chính quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT được sử dụng chung để thể hiện các yếu tố nội dung bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 và 1:10000 dạng số và dạng giấy. Những trường hợp đặc biệt chỉ áp dụng cho bản đồ số hoặc bản đồ giấy hoặc một loại nội dung bản đồ hay một loại tỷ lệ bản đồ sẽ có quy định riêng trong ký hiệu và giải thích ký hiệu.

Phụ lục số 01

- Ký hiệu chia làm 3 loại:

+ Ký hiệu vẽ theo tỷ lệ: vẽ đúng theo hình dạng, kích thước của địa vật tính theo tỷ lệ bản đồ.

+ Ký hiệu vẽ nửa theo tỷ lệ: ký hiệu có một chiều tỷ lệ với kích thước thực của địa vật, chiều kia biểu thị quy ước không theo tỷ lệ bản đồ.

+ Ký hiệu không theo tỷ lệ là ký hiệu vẽ quy ước, không theo đúng tỷ lệ kích thước của địa vật, các ký hiệu này dùng trong trường hợp địa vật không vẽ được theo tỷ lệ bản đồ và một số trường hợp địa vật vẽ được theo tỷ lệ nhưng cần sử dụng thêm ký hiệu quy ước đặt vào vị trí quy định để tăng thêm khả năng đọc, khả năng định hướng của bản đồ.

- Tâm của ký hiệu không theo tỷ lệ bản đồ được bố trí trùng với tâm của đối tượng bản đồ.

+ Ký hiệu có dạng hình học: hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật... thì tâm của hình hình học là tâm của ký hiệu.

+ Ký hiệu tượng hình có chân là vòng tròn ở chân: trường học, trạm biến thế... thì tâm của vòng tròn là tâm của ký hiệu.

+ Ký hiệu tượng hình có chân dạng đường đáy: đình, chùa, tháp, đài phun nước... thì điểm giữa của đường đáy là tâm của ký hiệu.

- Ghi chú gồm ghi chú định danh thể hiện địa danh, tên các đối tượng bản đồ và ghi chú thuyết minh thể hiện thông tin thuộc tính của địa vật.

+ Ghi chú được thể hiện bằng tiếng Việt; địa danh bằng tiếng dân tộc ít người phải được phiên âm sang tiếng Việt.

+ Chỉ được sử dụng ký hiệu, phông chữ, chữ số đúng với quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTNMT để thể hiện nội dung ghi chú.

+ Ghi chú được sắp xếp song song với khung phía Nam của mảnh bản đồ địa chính, trừ ghi chú địa vật hình tuyến và ghi chú thửa đất hẹp thi sắp xếp ghi chú theo hướng địa vật, đầu các ghi chú hướng lên phía khung Bắc.

- Khi thể hiện các công trình xây dựng bằng ký hiệu tượng trưng và ghi chú mà đối tượng đó nằm gọn trong ranh giới thửa đất thì phải thể hiện đầy đủ thông tin của thửa đất chứa đối tượng đó.

Các công trình xây dựng có kích thước nhỏ, hẹp tại các khu vực thửa nhỏ và dày đặc, khi thể hiện có thể gây khó đọc và rối nội dung bản đồ thì được phép chỉ chọn lọc một số công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và ý nghĩa định hướng cao để thể thể hiện.

- Các đối tượng bản đồ có ý nghĩa định hướng cao mà không ghi chú được vào bên trong đối tượng thì ghi chú ra ngoài và đánh mũi tên chỉ vào đối tượng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,090

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn