Đã có dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
02/12/2024 14:56 PM

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã công bố và lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, dưới đây là một số nội dung chú ý.

Đã có dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp

Đã có dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp (Hình từ internet)

Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp

Theo đó, dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp được đề xuất ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Đồng thời tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; các biện pháp chuẩn bị ứng phó với tình trạng khẩn cấp; các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do tình trạng khẩn cấp; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tình trạng khẩn cấp.

Trong đó, dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, đã đề xuất quy định khái niệm về tình trạng cấp như sau:

Tình trạng khẩn cấp là khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn đe dọa hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của Nhân dân, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì cấp có thẩm quyền ban bố, công bố các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn; hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.

Thảm hoạ lớn là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên diện rộng hoặc do con người, hậu quả chiến tranh gây ra đe dọa hoặc làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục của chính quyền.

Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là hàng hóa, dịch vụ quan trọng đối với đời sống người dân, cộng đồng mà Nhà nước phải bảo đảm duy trì và thực hiện vì lợi ích cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp.

Bên cạnh đó, cũng đề xuất các quy định mới sẽ áp dụng trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp như sau:

* Thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

- Căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

- Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

- Nghị quyết ban bố của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Lệnh công bố của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp phải được công bố ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai để người dân biết, thực hiện.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ra Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp.

- Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ra Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp.

- Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp do thảm họa lớn; trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không họp ngay được thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ra Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp.

- Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng; trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ra Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp.

* Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn

Trong địa bàn đã công bố tình trạng khẩn cấp khi có thảm hoạ lớn, các biện pháp được áp dung bao gồm:

(1) Các biện pháp quản lý đặc biệt đối với chất cháy, chất nổ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức và cá nhân;

(2) Buộc những người có thể gây ra thảm họa, sự cố rời khỏi địa bàn có tình trạng khẩn cấp hoặc không được rời khỏi nơi thường trú hoặc một khu vực nhất định khác;

(3) Huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để phục vụ cho việc thi hành Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp cần thiết thì trưng dụng phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

(4) Thực hiện giới nghiêm theo quy định pháp luật;

(5) Thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn và hoạt động bình thường của các cơ sở công cộng như giao thông, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước, cung cấp điện, y tế, phát thanh truyền hình;

(6) Kịp thời phát các khuyến nghị và cảnh báo về các biện pháp cụ thể để tránh hoặc giảm thiểu nguy hại cho xã hội;

(7) Áp dụng biện pháp quy định tại Điều 25 dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp.

(8) Các biện pháp do Ủy ban Thường vụ quốc hội quy định để áp dụng trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp khi các biện pháp quy định tại dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp và các luật khác có liên quan không thể ứng phó hiệu quả với sự cố, thảm họa.

Xem thêm nội dung khác tại dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, dự kiến bãi bỏ Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp năm 2000 nếu được ban hành.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 423

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]