ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM, ĐẠO
ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA ĐỘI NGŨ LÁI XE ÔTÔ.
I. Đặt vấn đề.
Hiện nay, trong cả nước có trên một triệu người
có giấy phép lái xe kinh doanh dịch vụ vận tải. So với dân số hiện nay thì con
số này không lớn, nhưng cùng với khoảng gần 700.000 xe ôtô đang được phép lưu
hành lại đang là vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Nhìn nhận người lái xe từ
góc độ nghề nghiệp thì đây là nghề luôn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro trong quá
trình lao động. Người lái xe phải lao động bằng chính nghề lái xe kinh doanh vận
chuyển hành khách, hàng hoá của mình, đa số phải thực hiện trên đường dài hoặc
trong nội thành, nội thị. Phải tự mình quyết định và xử lý mọi tình huống trên
đường một cách chính xác, nhanh nhậy và phải đúng pháp luật. Thường xuyên tiếp
xúc, va chạm với nhiều đối tượng khác nhau trong phạm vi cả nước. Và cũng chính
từ đó, người lái xe ôtô phải chịu tác động trực tiếp từ các đối tượng (hành
khách, cơ quan quản lý, cơ quan kiểm tra, kiểm soát...). Chịu tác động của sự cạnh
tranh về vận chuyển giữa các cá nhân: doanh nghiệp, thậm chí với cả ngay đồng
nghiệp trong cùng đơn vị kinh doanh. Chịu áp lực bởi cuộc sống gia đình, bạn bè
và cả những người xung quanh, chịu tác động của người và phương tiện tham gia
giao thông khác, của cơ sở hạ tầng, môi trường, thời tiết...... Tất cả các yếu
tố trên đã tác động đến người lái xe từ nhiều phía, mọi lúc, mọi nơi và làm ảnh
hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tâm lý người lái xe. ảnh hưởng đó không chỉ trong
quá trình lao động mà ngay cả những thời gian không hoạt động lái xe.
Đa số lái xe vận tải hàng hoá, hành khách và các
lái xe khác hiện nay luôn tích cực rèn luyện đạo đức, tay nghề, chấp hành
nghiêm Luật giao thông đường bộ, cố gắng hết mình vì sự an toàn, vì sự bình yên
cho mọi người, mọi nhà, có thái độ văn minh, lịch sự trong hoạt động nghề nghiệp.
Tuy nhiên vẫn còn không ít lái xe có các hành vi vi phạm pháp luật như chưa chấp
hành nghiêm Luật giao thông đường bộ, thiếu lịch sự trong phục vận hành khách,
phóng nhanh, vượt ẩu, xếp khách, xếp hàng hoá quá nhiều so với quy định, coi
thường tính mạng hành khách, đề cao lợi nhuận, tìm mọi biện pháp nhằm trốn
tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền, thậm chí có lái xe ôtô
còn cố tình chống đối người thi hành công vụ... Qua phân tích tai nạn giao
thông đường bộ thì đối tượng gây ra do ôtô chiếm 22%, tuy nhỏ hơn nhiều so với
người điều khiển xe mô tô, nhưng các tai nạn do ôtô gây ra có rất nhiều vụ gây
hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, tai nạn giao thông đường bộ trong thời gian qua
đang là vấn đề nhức nhối, và mối lo ngại không chỉ của các cơ quan có thẩm quyền
mà là của toàn xã hội.
Chính vì thế công tác tuyên truyền, giáo dục
nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe ôtô phải được coi là
trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng, của doanh nghiệp quản lý trực tiếp
người lái xe, của gia đình và toàn xã hội. Trách nhiệm này đòi hỏi rất lớn ở sự
tự thân rèn luyện của mỗi người điều khiển phương tiện xe cơ giới đường bộ và đặc
biệt là người lái xe ôtô.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách
nhiệm, đạo đức người lái xe thực sự là công việc khó khăn, đòi hỏi phải được thực
hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ, bằng nhiều biện pháp. Công tác này có
vai trò quan trọng cùng các giải pháp khác đã và đang góp phần vào giảm thiểu
các vi phạm pháp luật giao thông đường bộ của đội ngũ lái xe, giảm thiểu các
tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Đặc biệt góp phần vào sự phát triển vững
chắc của nền kinh tế đất nước.
Để từng bước nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề
nghiệp của người lái xe; tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành
nghiêm Luật giao thông đường bộ, cần xác định thực chất các nguyên nhân vi phạm
pháp luật giao thông đường bộ của lái xe hiện nay để có các giải pháp tuyên
truyền giáo dục một cách thiết thực, khả thi. Do đó việc xây dựng đề án và tổ
chức thực hiện là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của các cơ
quan, đơn vị được giao phối hợp thực hiện.
II. Cơ sở pháp lý.
2.1. Luật giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6
năm 2001.
2.2. Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng
11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần
tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
2.3. Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng
12 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực
giao thông đường bộ.
2.4. Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 2 năm
2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm
trật tự an toàn giao thông.
2.5. Thông tư số 12/2004/TT-BGTVT ngày 01 tháng
7 năm 2004 của Bộ Giao thông vận tải hướng đẫn thanh tra giao thông thực hiện
chỉ thị số 01/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động vận tải
khách liên tỉnh bằng ôtô.
2.6. Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16
tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về quản
lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt.
III. Mục tiêu của đề án.
3.1. Mục tiêu ngắn hạn:
3.1.1. Đề án nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo
dục nâng cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của người lái xe.
3.1.2. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật
lệ giao thông đường bộ của đội ngũ lái xe ôtô, nâng cao trách nhiệm của các cơ
quan quản lý trực tiếp người lái xe ôtô.
3.2. Mục tiêu dài hạn:
3.2.1. Hình thành nếp sống văn minh, lịch sự, tạo
thói quen chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ của đội ngũ lái xe
ôtô.
3.2.2. Góp phần hạn chế và tiến tới giảm dần ùn
tắc giao thông, tai nạn giao thông.
3.2.3. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên
quan trong đào tạo, quản lý, kiểm tra, kiểm soát.
IV. Thực trạng đội ngũ lái xe ôtô hiện nay,
các lỗi vi phạm và nguyên nhân.
4.1. Thực trạng đội ngũ lái xe ôtô:
4.1.1. Trong năm 2006 các cơ sở đào tạo trên cả
nước đã đào tạo và được cấp 219.560 giấy phép lái xe tô và 1.961.576 giấy phép
lái xe mô tô. Nếu tính chung trong cả nước, đến hết 31 tháng 12 năm 2006 đã cấp
được 19.083.981 GPLX hạng mô tô và 1.404.564 GPLX ôtô.
4.1.2. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam,
hiện nay trên cả nước có 919.974 ôtô và 17.216.708 mô tô. Số lượng ôtô đang lưu
hành khoảng 700.000.
4.1.3. Đội ngũ lái xe hiện nay rất đa dạng: Lái
xe gia đình, lái xe thuộc các cơ quan doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư
nhân, lái xe thuộc hợp tác xã. Người lái xe có thể là giáo sư, bác sĩ, giáo
viên... với trình độ văn hoá, học thức, địa vị cao, không sống bằng nghề lái
xe. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều lái xe có trình độ văn hoá thấp, đặc biệt là
những người sống bằng nghề lái xe.
4.1.4. Việc vi phạm pháp luật giao thông đường bộ
của lái xe ôtô diễn ra ở các mức độ khác nhau và khá phổ biến, nhất là chạy quá
tốc độ cho phép. Gần đây nhiều người lái xe tải, xe khách đường dài, xe buýt
trong thành phố đã có những vi phạm gây bức xúc và tạo thành dư luận trong xã hội.
4.2. Các lỗi vi phạm thường gặp của lái xe hiện
nay:
4.2.1. Chạy quá tốc độ ở những đoạn đường không
có cảnh sát giao thông kiểm soát.
4.2.2. Tránh xe, vượt xe không đúng quy định (xe
xin vượt khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định nhưng vẫn vượt,
xe phía trước không giảm tốc độ nhường đường, cho xe xin vượt, thậm chí còn gây
trở ngại đối với xe xin vượt...).
4.2.3. Chở quá trọng tải cho phép.
4.2.4. Thiếu chú ý quan sát các báo hiệu đường bộ,
chủ quan hoặc không lường trước được với các tình huống bất ngờ.
4.2.5. Đi không đúng phần đường quy định.
4.2.6. Say rượu, bia trong khi điều khiển phương
tiện.
4.2.7. Lái phụ xe vận chuyển hành khách thiếu lịch
sự, văn minh khi tiếp xúc với hành khách. Thiếu tôn trọng hành khách trong quá
trình vận chuyển, nhất là xe khách đường dài.
4.2.8. Xe buýt chạy ẩu, ép người đi dường, bấm
còi ầm ĩ gây ô nhiễm môi trường.
4.2.9. Xe taxi, xe con luồn lách đi dàn hàng gây
cản trở giao thông trên đường phố. Đỗ, dừng không đúng vị trí quy định.
4.3. Một số nguyên nhân chủ yếu.
4.3.1. Nguyên nhân trực tiếp:
4.3.1.1. Do áp lực của lợi nhuận kinh doanh nên
lái xe chạy xe với tốc độ nhanh để tăng chuyến, nhồi nhét khách; thiếu quan tâm
và không thực hiện đúng các quy định về bảo quản, bảo dưỡng xe giữa hai kỳ kiểm
định.
4.3.1.2. Các cơ quan, doanh nghiệp chưa thường
xuyên giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho lái xe. ý thức của
người lái xe khi tham gia giao thông còn hạn chế, chưa tạo được cho mình thói
quen chấp hành Luật giao thông đường bộ.
4.3.1.3. Khâu quản lý giấy phép lái xe còn lỏng
dẫn đến hiện tượng có lái xe có 2 đến 3 giấy phép lái xe cùng hạng nhằm đối phó
với việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông. Hiện tượng trên
tuy không nhiều nhưng yêu cầu phải có sự thay đổi trong quản lý giấy phép lái
xe hiện nay.
4.3.1.4. Không nhận thức được đầy đủ những hậu
quả có thể xảy ra khi có các hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao
thông.
4.3.1.5. Chủ quan trong quá trình điều khiển
phương tiện khi tham gia giao thông.
4.3.1.6. Một số lái xe nghiện ma tuý, uống rượu,
bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông.
4.3.1.7. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát mỏng,
không thực hiện kiểm tra thường xuyên, liên tục, đồng bộ.
4.3.2. Nguyên nhân gián tiếp.
4.3.2.1. Chưa chú trọng đến việc xây dựng và
hoàn thiện cơ chế quản lý, giáo dục người lái xe trong suốt quá trình hoạt động
của họ.
4.3.2.2. Các chế tài xử phạt tại Nghị định số
152/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm
hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa đủ mạnh để răn đe, giáo dục
đội ngũ lái xe.
4.3.2.3. Chưa có biện pháp phối hợp quản lý chặt
chẽ người lái xe của các cơ quan quản lý và các cơ quan liên quan sau khi sát hạch
cấp giấy phép lái xe.
4.3.2.4. Một số tiêu cực trong lực lượng kiểm
tra, kiểm soát đã tạo nên mầm mống của vi phạm pháp luật giao thông đường bộ của
đội ngũ lái xe.
4.3.2.5. Cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế so
với sự phát triển của phương tiện giao thông.
V. Thực trạng công tác tuyên
truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp người lái xe ôtô
5.1. Những ưu điểm chính:
5.1.1. Sau khi Luật giao thông đường bộ có hiệu
lực, một loạt các quyết định, quy chế, hướng dẫn đã được các cơ quan chức năng
ban hành và được điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với sự phát triển về kinh tế,
xã hội từng thời kỳ.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền về trật
tự an toàn giao thông đường bộ đã được triển khai đến từng người lái xe thông
qua chương trình đào tạo, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Công
tác tuyên truyền này không chỉ đối với đội ngũ lái xe mà còn được đưa đến tận
người dân. UBATGT Quốc gia đã có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú về trật
tự an toàn giao thông; đã chỉ đạo Ban ATGT các địa phương phối hợp với cấp uỷ
và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục
về trật tự an toàn giao thông.
5.1.2. UBATGTQG đã phối hợp với các cơ quan
thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình Trung ương và các địa phương) mở các
chuyên mục và thường xuyên có tin, bài về tình hình trật tự an toàn giao thông;
xây dựng được đội ngũ cộng tác viên chuyên mục ATGT với nhiều hình thức và nội
dung tuyên truyền phù hợp, sinh động, cụ thể, thiết thực. Các biện pháp tuyên
truyền, giáo dục đã được triển khai nhằm không chỉ phổ biến cho người lái xe hiểu
thêm các quy định khi tham gia giao thông đường bộ mà còn răn đe các hành vi vi
phạm, tạo thói quen cho đội ngũ lái xe ôtô và người điều khiển các phương tiện
tham gia giao thông khác có hành vi xử sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, kết quả về trật tự an toàn giao thông
vẫn chưa được cải thiện đáng kể, tình trạng tham gia giao thông của người dân vẫn
chưa đi vào nề nếp theo quy định của pháp luật. Người tham gia giao thông vẫn
chưa nhận thức hết ý nghĩa của việc chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường
bộ. Tính mạng của người tham gia giao thông khác xem ra vẫn còn bị coi thường;
đội ngũ lái xe tải, xe khách đường dài còn biểu hiện nhiều hành vi vi phạm pháp
luật.
5.2. Những hạn chế cơ bản:
5.2.1. Trong chương trình đào tạo nghề lái xe cơ
giới đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 4170/2001/QĐ ngày 07/12/2001 của
Bộ trưởng Bộ GTVT đã quy định môn học đạo đức người lái xe, nhưng lãnh đạo các
cơ sở đào tạo và học viên cũng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của môn học
này.
5.2.2. Các doanh nghiệp và chủ xe vẫn còn nặng về
kinh doanh, chưa thường xuyên huấn luyện, tập dượt, kiểm tra giáo dục để người
lái xe hình thành một thói quen chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ.
5.2.3. Chưa đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ
quan quản lý trực tiếp người lái xe, chưa xây dựng quy chế xử lý đối với cơ
quan quản lý khi có lái xe vi phạm Luật giao thông đường bộ (có thể bị phạt tiền,
dừng hoạt động kinh doanh vận tải, rút giấy phép kinh doanh...).
5.2.4. Các chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan
tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ lái xe; chưa đi sâu vào tâm
tư, tình cảm để nhanh chóng phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người lái
xe trước mỗi ca làm việc. Đây thực sự là điểm yếu của các doanh nghiệp.
5.2.5. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường
xuyên giữa các cơ quan liên quan trong giáo dục ý thức chấp hành các quy định của
pháp luật giao thông đường bộ cho người lái xe.
5.2.6. Chưa tạo được dư luận xã hội lên án đấu
tranh mạnh mẽ với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và
coi đây là hành vi vi phạm đạo đức xã hội.
5.2.7. Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thực
sự quyết liệt, chưa thường xuyên liên tục; chưa có sự tham gia tích cực của các
cơ quan, đoàn thể và nhân dân; quan niệm về công tác giáo dục lương tâm nghề
nghiệp, chấp hành Luật giao thông đường bộ đối với đội ngũ lái xe chưa được coi
trọng đúng mức.
5.2.8. Các vụ tai nạn giao thông đường bộ chưa
được điều tra, xét xử kịp thời, chưa đưa vụ án xét xử trực tiếp nào lên phương
tiện truyền thông đại chúng để tuyên truyền giáo dục chung không chỉ cho đội
ngũ lái xe ôtô mà cho toàn xã hội.
5.2.9. Chưa phát huy được vai trò của Hiệp hội vận
tải ôtô Việt Nam.
VI. Các biện pháp triển khai
và tổ chức thực hiện
6.1. Khảo sát toàn diện đội ngũ lái xe.
6.1.1. Mục đích:
- Trên cơ sở khảo sát toàn diện đội ngũ lái nhằm
nghiên cứu áp dụng tin học để quản lý đến từng người lái xe, cơ quan, doanh
nghiệp quản lý; bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý người lái xe trong suốt quá
trình hoạt động lái xe của họ. Nghiên cứu để có quy định bắt buộc người lái xe
phải học lại môn luật giao thông đường bộ và môn đạo đức người lái xe khi có số
lần vi phạm vượt quá quy định hoặc vi phạm nghiêm trọng trật tự an toàn giao
thông.
- Nghiên cứu ban hành quy định tiêu chuẩn người
lái xe vận chuyển hành khách theo hướng nâng cao hơn nữa về trình độ văn hoá, đạo
đức, sức khỏe. Xem xét kỹ quá trình lái xe trước khi được phép bổ túc nâng cấp
lên hạng lái xe vận chuyển hành khách.
6.1.2. Phạm vi và đối tượng khảo sát:
- Số lượng GPLX lái xe tô từ hạng B2 trở lên.
- Điều kiện người lái xe vận chuyển hành khách (Lý
lịch người lái xe, hợp đồng lao động, giấy khám sức khỏe, trang phục cho người
lái xe, giấy chứng nhận tập huấn...).
- Sự am hiểu pháp luật giao thông đường bộ.
- Trình độ văn hoá đội ngũ lái xe.
Chủ trì thực hiện: Cục Đường bộ Việt Nam
Phối hợp thực hiện: Vụ TCCB, Vụ Vận tải, Cục
Đăng kiểm Việt Nam, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, Các Sở GTVT, GTCC.
Thời gian thực hiện: Hết tháng 9 năm 2007.
6.2. Hoàn thiện thể chế và và nâng cao trách nhiệm
của các cơ quan chức năng:
6.2.1. Ban hành quy định trách nhiệm và xử lý vi
phạm trong công tác quản lý đội ngũ lái xe ôtô, chủ sở hữu phương tiện. Dừng có
thời hạn, thu hồi giấy phép kinh doanh khi lái xe thuộc phạm vi doanh nghiệp quản
lý vi phạm Luật giao thông đường bộ với số lần quy định.
Chủ trì thực hiện: Vụ vận tải.
Phối hợp thực hiện: C26, Vụ Pháp chế, Cục Đường
bộ Việt Nam, Vụ TCCB.
Hoàn thành: Cuối tháng 8 năm 2007.
6.2.2. Sửa đổi, bổ sung Quyết định số
4170/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về
việc ban hành Chương trình đào tạo nghề lái xe cơ giới đường bộ theo hướng tăng
thêm số giờ môn học đạo đức người lái xe, số giờ môn Luật giao thông đường bộ.
Lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp vào chương trình đào
tạo và trong quá trình giảng dạy.
Chủ trì thực hiện: Cục Đường bộ Việt Nam.
Phối hợp thực hiện: Vụ TCCB, TCDN, Vụ Vận tải.
Hoàn thành: Cuối tháng 10 năm 2007.
6.2.3. Nghiên cứu bổ sung chương trình, điều kiện
bổ túc nâng hạng GPLX phù hợp với kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch,
cấp GPLX.
Chủ trì thực hiện: Cục Đường bộ Việt Nan.
Phối hợp thực hiện: Vụ TCCB, TCDN.
Hoàn thành: Cuối tháng 9 năm 2007.
6.2.4. Nâng cao ý thức trách nhiệm của lực lượng
kiểm tra, kiểm soát giao thông đường bộ, tăng cường lực lượng để tăng số giờ kiểm
tra, kiểm soát trong ngày; xử phạt nghiêm minh các lỗi vi phạm Luật giao thông
đường bộ và gửi thông báo đến từng cơ quan, đoàn thể, địa phương, chủ doanh
nghiệp, gia đình của lái xe vi phạm.....
Nghiên cứu việc quy định và bồi dưỡng kiến thức
thường xuyên về phong cách và thái độ ứng xử của đội ngũ cảnh sát giao thông trực
tiếp tiếp xúc với lái xe ôtô ngoài hiện trường, bảo đảm đúng mức, thân thiện, cởi
mở, xử lý đúng pháp luật khi người điều khiển ôtô vi phạm hành chính trong lĩnh
vực giao thông vận tải, tránh gây tâm lý ức chế, mặc cảm ảnh hưởng đến hoạt động
giao thông đường bộ.
Xử lý nghiêm minh khi phát hiện người làm công
tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có biểu hiện tiêu cực bao che cho người
vi phạm, xử lý các cán bộ cảnh sát giao thông vi phạm trong việc xử lý trái quy
định hoặc không xử phạt đối vi lái xe vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Nghiên cứu lắp đặt CAMERA theo dõi tình hình hoạt
động của các xe ôtô trên đường bộ (trước mắt là trên các quốc lộ chính, ngoài
khu vực các trạm kiểm soát để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vi phạm Luật
GTĐB.
Chủ trì thực hiện: C26 - Bộ Công an
Phối hợp thực hiện: Cục Đường bộ Việt Nam, Viện
UBATGTQG, Vụ TCCB.
Thời gian thực hiện: Ngay sau khi đề án được phê
duyệt.
6.2.5. Đề nghị Bộ Y tế chấn chỉnh công tác khám
sức khỏe cho người lái xe khi đổi giấy phép lái xe; quản lý tốt giấy khám sức
khoẻ khi phát hành.
Chủ trì thực hiện: Vụ Tổ chức cán bộ.
Phối hợp thực hiện: Cục Đường bộ Việt Nam.
Thời gian thực hiện: Ngay sau khi đề án được phê
duyệt.
6.2.6. Xây dựng một đơn vị vận tải mẫu, điển
hình tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự,
chấp hành đúng pháp luật khi tham gia giao thông.
Chủ trì thực hiện: Cục Đường bộ Việt Nam.
Phối hợp thực hiện: Hiệp hội vận tải ôtô Việt
Nam, Vụ TCCB, các doanh nghiệp vận tải, các Sở GTVT, GTCC.
Thời gian thực hiện: Trong tháng 6 năm 2007.
6.2.7. Tổ chức phong trào thi đua lái xe an toàn
và Hội thi lái xe giỏi, an toàn, văn minh, lịch sự 2 năm một lần trong phạm vi
toàn quốc (tổ chức luân phiên: Xe khách đường dài, xe taxi, xe buýt, xe tải),
nhằm tôn vinh người lái xe giỏi, an toàn; động viên, cổ vũ, tạo phong trào thi
đua rộng khắp trong đội ngũ lái xe.
Chủ trì thực hiện: Cục Đường bộ Việt Nam.
Phối hợp thực hiện: Hiệp hội vận tải ôtô Việt
Nam, Vụ TCCB, công đoàn GTVT Việt Nam, TCDN, các doanh nghiệp vận tải, các Sở
GTVT, GTCC.
Hoàn thành: Cuối tháng 11 của năm tổ chức hội
thi.
6.2.8. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
giao thông đường bộ một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao
ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của đội ngũ lái xe ôtô,
có thái độ văn minh, lịch sự trong giao tiếp. Nhất là lái, phụ xe vận chuyển
khách (xe khách đường dài, xe buýt, taxi, các hình thức vận chuyển khác).
Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu thời
điểm, thời lượng phát sóng chương trình an toàn giao thông trên các phương tiện
thông tin đại chúng bảo đảm các chương trình đến được nhiều người dân nhất.
Theo dõi, tổng hợp, xử lý các thông tin về trật tự an toàn giao thông trên các
phương tiện thông tin đại chúng.
Phối hợp các cơ quan trong công tác điều tra, giải
quyết các vụ tai nạn giao thông kịp thời; các phiên toà xét xử về các hành vi
phạm tội trong lĩnh vực giao thông đường bộ cần được đưa lên phương tiện thông
tin truyền thông đại chúng.
Chủ trì thực hiện: VPTT UBATGTQG.
Phối hợp thực hiện: C26, Hiệp hội vận tải ôtô Việt
Nam, các tổ chức chính trị xã hội, Ban an toàn giao thông các tỉnh, các phương
tiện thông tin đại chúng, UBND, Toà án nhân dân các cấp.
Thời gian thực hiện: Thường xuyên, liên tục.
6.2.9. Nối mạng thông tin giữa Cục Đường bộ Việt
Nam với Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, giữa các Sở GTVT - GTCC với
Sở Công an các địa phương để quản lý, theo dõi các lỗi vi phạm của người lái xe
trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Chủ trì thực hiện: Cục Đường bộ Việt Nam.
Phối hợp thực hiện: C26, UBATGTQG, Vụ TCCB.
Hoàn thành: Cuối tháng 11 năm 2007.
6.2.10. Kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác
đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Kết hợp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ
công tác quản lý, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe.
Chủ trì thực hiện: Vụ TCCB.
Phối hợp thực hiện: Cục Đường bộ Việt Nam, TCDN,
các Sở GTVT, GTCC, Sở LĐTBXH.
Thời gian thực hiện: Thường xuyên theo quy định,
đột xuất.
VII. Kinh phí thực hiện:
7.1. Nguồn trích từ kinh phí an toàn giao thông.
7.2. Kinh phí do nguồn để lại của công tác đào tạo,
sát hạch cấp giấy phép lái xe của các địa phương.
7.3. Từ các hỗ trợ hoặc vốn vay ngân hàng thế giới
(WB).
7.4. Kinh phí vận động từ các nguồn tài trợ
khác.
Giao Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ
quan chức năng lập dự toán và trình Bộ trưởng phê duyệt kinh phí thực hiện.
VIII. Công tác triển khai thực
hiện, sơ kết, tổng kết:
8.1. Cục Đường bộ Việt Nam lập dự toán thực hiện,
thời gian 20 ngày sau khi dự án được phê duyệt.
8.2. Căn cứ thời gian được quy định trong nội
dung các biện pháp triển khai và tổ chức thực hiện, các cơ quan đơn vị được
giao chủ trì, báo cáo kế hoạch triển khai ngay sau khi đề án được duyệt.
8.3. Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện báo
cáo cụ thể công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người
lái xe theo nội dung của dự án này 6 tháng một lần. Thông qua quá trình thực hiện,
đề xuất các biện pháp thiết thực hiệu quả. Báo cáo gửi về Bộ Giao thông vận tải
thông qua Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp.
8.4. Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Uỷ ban An
toàn Giao thông Quốc gia đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan
được giao chủ trì thực hiện các nội dung của dự án; tổng hợp báo cáo Bộ trưởng
công tác triển khai, thực hiện dự án.
IX. Kết luận
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, đạo
đức nghề nghiệp người lái xe ôtô là việc làm thường xuyên, liên tục. Để đạt được
mục tiêu của tuyên truyền và giáo dục đề ra, đòi hỏi phải thực hiện một cách đồng
bộ các giải pháp nêu trên, có sự tham gia đầy đủ, kiên quyết của các cơ quan chức
năng và sự đồng tình hưởng ứng của toàn xã hội. Đây là công việc khó khăn không
thể nóng vội giải quyết ngay được mà cần làm thường xuyên, kiên trì, liên tục.
Ngoài các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, việc
nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, kết quả của công tác
này còn phụ thuộc rất nhiều vào sự tự giác thực hiện theo pháp luật của chính đội
ngũ lái xe ôtô, sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội trong việc tuyên truyền
giáo dục chung về văn hoá, xã hội.
Căn cứ phạm vi trách nhiệm được phân công, các
đơn vị liên quan phối hợp triển khai, thực hiện đề án này.