QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Nghị quyết số:
205/2025/QH15
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 6 năm 2025
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
VIỆC THÍ ĐIỂM VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN DÂN
SỰ CỦA CÁC CHỦ THỂ LÀ NHÓM DỄ BỊ TỔN THƯƠNG HOẶC BẢO VỆ LỢI ÍCH CÔNG
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã
được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14 và Luật số
62/2025/QH15;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
số 64/2025/QH15.
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Nghị quyết này quy định việc thí điểm Viện kiểm
sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là
nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công khi không có người khởi kiện
(sau đây gọi là vụ án dân sự công ích).
2. Nghị quyết này áp dụng đối với Viện kiểm sát
nhân dân (sau đây gọi là Viện kiểm sát), Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa
án), cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc khởi kiện, giải quyết vụ
án dân sự công ích.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện
1. Việc khởi kiện và giải quyết vụ án dân sự công
ích được thực hiện theo Nghị quyết này; trường hợp Nghị quyết này không quy định
thì áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và quy định khác của pháp luật
có liên quan.
2. Viện kiểm sát chỉ khởi kiện khi đã thông báo, kiến
nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy
định của pháp luật nhưng không có người khởi kiện.
3. Vụ án dân sự do Viện kiểm sát khởi kiện để bảo vệ
lợi ích công thì không được hòa giải và bị đơn không được đưa ra yêu cầu phản tố.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách
nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát và Tòa án khi Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị quyết này và quy định khác của pháp luật
có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Nhóm dễ bị tổn thương gồm:
a) Trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em;
b) Người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao
tuổi;
c) Người khuyết tật theo quy định của Luật Người
khuyết tật;
d) Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36
tháng tuổi;
đ) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành
vi và người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự;
e) Người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
2. Lợi ích công gồm lợi ích công cộng, lợi ích của
Nhà nước thuộc các lĩnh vực sau đây:
a) Đầu tư công;
b) Đất đai, tài nguyên, tài sản công khác;
c) Môi trường, hệ sinh thái;
d) Di sản văn hóa;
đ) An toàn thực phẩm, dược phẩm;
e) Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
3. Trường hợp không có người khởi kiện gồm:
a) Pháp luật chưa quy định cơ quan, tổ chức, cá
nhân nào có quyền, trách nhiệm khởi kiện;
b) Pháp luật đã quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân
có quyền, trách nhiệm khởi kiện nhưng cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không khởi
kiện.
4. Quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương gồm
quyền nhân thân và quyền tài sản.
Điều 4. Trường hợp Viện kiểm
sát khởi kiện
1. Qua tiếp nhận thông tin từ các nguồn quy định tại
các khoản 1, 2 và 4 Điều 10 của Nghị quyết này, Viện kiểm
sát tiến hành kiểm tra, xác minh và xác định có vi phạm gây thiệt hại đến quyền
dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công, sau khi thông
báo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện
theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị quyết này nhưng
không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát khởi kiện.
2. Trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, Viện
kiểm sát phát hiện có vi phạm gây thiệt hại đến quyền dân sự của chủ thể thuộc
nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công nhưng không thể giải quyết trong cùng vụ
án, vụ việc đó, sau khi thông báo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có
quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của
Nghị quyết này nhưng không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát khởi kiện.
Điều 5. Thẩm quyền giải quyết vụ
án dân sự công ích
1. Tòa án khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ
tục sơ thẩm vụ án dân sự công ích. Thẩm quyền của Tòa án được xác định theo thứ
tự sau đây:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là
cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức. Nếu bị đơn cư
trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì Viện kiểm sát có thể yêu cầu
Tòa án ở một trong các nơi đó giải quyết. Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động
của chi nhánh tổ chức thì Viện kiểm sát có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ
sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
b) Tòa án nơi xảy ra hành vi vi phạm;
c) Tòa án nơi xảy ra hậu quả thiệt hại.
2. Trường hợp đối tượng bị thiệt hại là bất động sản
thì chỉ Tòa án khu vực nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục
sơ thẩm. Nếu bất động sản có ở nhiều nơi khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền giải
quyết theo thủ tục sơ thẩm là Tòa án khu vực nơi có một trong các bất động sản
đó.
3. Trường hợp vụ án dân sự công ích do Viện kiểm
sát khởi kiện qua giải quyết vụ án, vụ việc khác quy định tại khoản
3 Điều 10 của Nghị quyết này thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục
sơ thẩm là Tòa án khu vực đã hoặc đang giải quyết vụ án, vụ việc đó. Trường hợp
Viện kiểm sát phát hiện qua giải quyết vụ án, vụ việc ở cấp tỉnh hoặc cấp trung
ương thì thẩm quyền giải quyết theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 6. Thẩm quyền khởi kiện vụ
án dân sự công ích
1. Viện kiểm sát khu vực tương ứng với Tòa án khu vực
có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án dân sự công ích có quyền khởi
kiện vụ án.
2. Trường hợp vụ án phức tạp, giá trị thiệt hại lớn
hoặc xảy ra trên địa bàn nhiều khu vực hoặc có yếu tố nước ngoài hoặc khi xét
thấy cần thiết thì Viện kiểm sát cấp tỉnh có thể khởi kiện hoặc tiến hành kiểm
tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, sau đó phân công cho Viện kiểm sát
khu vực khởi kiện vụ án.
3. Trường hợp vụ án rất phức tạp, giá trị thiệt hại
rất lớn hoặc xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố hoặc có ảnh hưởng đến an
ninh, đối ngoại hoặc khi xét thấy cần thiết thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao
có thể khởi kiện hoặc tiến hành kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ,
sau đó phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới khởi kiện vụ án.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Viện kiểm sát
1. Tiếp nhận, xử lý thông tin về việc xâm phạm quyền
dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công.
2. Kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu,
chứng cứ.
3. Yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
để bảo vệ quyền dân sự, tài sản, bảo đảm thu thập, bảo vệ chứng cứ, bảo đảm cho
việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chấm dứt vi phạm
và áp dụng biện pháp để ngăn chặn, khắc phục hậu quả.
5. Đình chỉ, phục hồi việc kiểm tra, xác minh.
6. Thông báo, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá
nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định của pháp luật; hỗ trợ việc
khởi kiện.
7. Khởi kiện vụ án dân sự công ích và thực hiện quyền,
nghĩa vụ của người khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án.
8. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết
vụ án, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật
tố tụng dân sự.
Điều 8. Các biện pháp kiểm tra,
xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ
1. Kiểm tra, xác minh, thu thập hoặc ủy thác kiểm
tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, dữ Liệu điện tử, vật chứng.
2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông
tin, tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý.
3. Trưng cầu giám định; định giá tài sản; trưng cầu
ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn.
4. Lấy lời khai; đối chất.
5. Xem xét, thẩm định tại chỗ.
6. Kiểm tra, đánh giá hiện trường để phát hiện dấu
vết của vi phạm, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ.
7. Biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi
xâm phạm quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công
có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm
khởi kiện hoặc Viện kiểm sát.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý thông
tin, tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp theo yêu cầu của Viện kiểm sát
trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp
được thì trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định,
yêu cầu định giá, trưng cầu ý kiến chuyên môn hoặc được yêu cầu phối hợp có
trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát.
Chương II
XÁC MINH, THU THẬP THÔNG
TIN, TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ
Điều 10. Nguồn thông tin về vụ
án dân sự công ích
1. Thông tin do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến
Viện kiểm sát.
2. Thông tin từ phương tiện truyền thông hoặc dư luận
xã hội.
3. Thông tin do Viện kiểm sát phát hiện qua giải
quyết vụ án, vụ việc khác.
4. Nguồn thông tin hợp pháp khác.
Điều 11. Tiếp nhận thông tin,
thụ lý, kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ
1. Khi tiếp nhận thông tin về vụ án dân sự công
ích, nếu thấy có căn cứ thì Viện kiểm sát thụ lý, tiến hành các biện pháp kiểm
tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để đánh giá tính xác thực của sự việc,
tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả thiệt hại và xác định cơ quan, tổ chức, cá
nhân có hành vi vi phạm.
2. Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh, thu thập
thông tin, tài liệu, chứng cứ, Viện kiểm sát thông báo, kiến nghị với cơ quan,
tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định của pháp luật hoặc
đình chỉ việc kiểm tra, xác minh.
Điều 12. Đình chỉ, phục hồi việc
kiểm tra, xác minh
1. Viện kiểm sát quyết định đình chỉ việc kiểm tra,
xác minh trong các trường hợp sau đây:
a) Không có hành vi xâm phạm quyền dân sự của chủ
thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công;
b) Hành vi xâm phạm quyền dân sự của chủ thể thuộc
nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công đã chấm dứt và hậu quả đã được khắc phục;
c) Đã có người khởi kiện vụ án;
d) Chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương bị xâm phạm
quyền dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đề nghị không khởi kiện;
đ) Cá nhân vi phạm đã chết mà không có người thừa kế
quyền, nghĩa vụ của họ; cơ quan, tổ chức vi phạm đã chấm dứt hoạt động mà không
có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra
quyết định đình chỉ việc kiểm tra, xác minh, Viện kiểm sát gửi quyết định cho
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Trường hợp đình chỉ việc kiểm tra, xác minh theo
quy định tại điểm d khoản 1 Điều này mà sau đó có căn cứ xác định việc không đề
nghị Viện kiểm sát khởi kiện là do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc nhầm lẫn
thì Viện kiểm sát quyết định phục hồi việc kiểm tra, xác minh.
Điều 13. Yêu cầu chấm dứt vi
phạm; thông báo, kiến nghị, hỗ trợ khởi kiện
1. Khi xác định có hành vi xâm phạm quyền dân sự của
chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công, Viện kiểm sát yêu cầu cơ
quan, tổ chức, cá nhân chấm dứt ngay vi phạm, áp dụng các biện pháp để ngăn chặn,
khắc phục hậu quả.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có kết quả kiểm
tra, xác minh xác định quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc
lợi ích công bị xâm phạm, Viện kiểm sát tiến hành các hoạt động sau đây:
a) Thông báo cho chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn
thương hoặc người đại diện hợp pháp của họ thực hiện việc khởi kiện;
b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền,
trách nhiệm khởi kiện thực hiện việc khởi kiện, đồng thời gửi kiến nghị cho cơ
quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được
thông báo, kiến nghị của Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản cho Viện kiểm sát về việc thực hiện quyền, trách nhiệm khởi
kiện.
4. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện
và có đề nghị Viện kiểm sát hỗ trợ thì Viện kiểm sát hỗ trợ việc khởi kiện.
Chương III
KHỞI KIỆN, THỤ LÝ, GIẢI
QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ CÔNG ÍCH
Điều 14. Khởi kiện vụ án dân sự
công ích
1. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày hết thời hạn
quy định tại khoản 3 Điều 13 của Nghị quyết này mà không có
người khởi kiện hoặc Viện kiểm sát không nhận được văn bản trả lời của cơ quan,
tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện thì Viện kiểm sát xem xét, quyết
định:
a) Khởi kiện vụ án để bảo vệ lợi ích công;
b) Khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền dân sự của chủ
thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương khi người bị xâm phạm quyền dân sự hoặc người đại
diện hợp pháp của họ không thể tự mình khởi kiện và đề nghị Viện kiểm sát khởi
kiện; trường hợp có căn cứ xác định việc họ không đề nghị khởi kiện là do bị lừa
dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc nhầm lẫn thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc
khởi kiện.
2. Quyết định khởi kiện vụ án dân sự công ích có
các nội dung chính sau đây:
a) Tên Viện kiểm sát khởi kiện;
b) Tên, địa chỉ của bị đơn;
c) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân được
bảo vệ;
d) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan, người làm chứng;
đ) Quyền, lợi ích bị xâm phạm;
e) Yêu cầu khởi kiện và lý do khởi kiện.
3 . Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban
hành, Viện kiểm sát gửi quyết định khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ đến
Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án.
4. Khi khởi kiện, Viện kiểm sát không phải nộp tạm ứng
án phí, không phải chịu án phí. Viện kiểm sát yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp
tạm thời không phải thực hiện biện pháp bảo đảm; trường hợp áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định
của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Điều 15. Trách nhiệm thụ lý vụ
án của Tòa án
Tòa án có trách nhiệm thụ lý vụ án dân sự công ích
do Viện kiểm sát khởi kiện. Trường hợp cần làm rõ nội dung quyết định khởi kiện
thì Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung.
Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Kiểm sát viên tại phiên tòa
1. Kiểm sát viên được phân công có nhiệm vụ tham
gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.
2. Khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên có nhiệm vụ,
quyền hạn sau:
a) Công bố quyết định khởi kiện;
b) Trình bày, giải thích chứng cứ đã được Viện kiểm
sát thu thập, kiểm tra, xác minh;
c) Tranh luận tại phiên tòa;
d) Thay đổi, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi
kiện;
đ) Tiến hành các hoạt động tố tụng khác để thực hiện
quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện;
e) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết
vụ án.
Điều 17. Thi hành bản án, quyết
định của Tòa án về bảo vệ lợi ích công
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra
quyết định thi hành đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa
án về vụ án dân sự bảo vệ lợi ích công. Trình tự, thủ tục thi hành án được thực
hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án
nhân dân tối cao và cơ quan, tổ chức có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền
hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này.
2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp
với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thi hành Nghị
quyết này.
3. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp
với Tòa án nhân dân tối cao và cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo Quốc hội về
kết quả thực hiện Nghị quyết trong báo cáo công tác hằng năm và kết quả tổng kết
khi kết thúc việc thực hiện Nghị quyết.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các
Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân
dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trực
thuộc, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị
quyết này.
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 01 năm 2026 và được thực hiện trong 03 năm tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội,
Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh và Đắk Lắk.
2. Tại thời điểm Nghị quyết này hết hiệu lực thi
hành mà vụ án dân sự công ích được giải quyết theo quy định của Nghị quyết này
chưa kết thúc thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi bản án, quyết định của
Tòa án được thi hành xong.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2025.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Trần Thanh Mẫn
|