Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2270/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Hồ Quang Bửu
Ngày ban hành: 20/10/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2270/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 20 tháng 10 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 611/QĐ-TTG NGÀY 01/6/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN SÂM VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 3493/QĐ-BNN-LN ngày 18/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ- TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam tại Tờ trình số 243/TTr-SNNPTNT ngày 11/10/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

(Có Đề án kèm theo)

Điều 2. Các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan căn cứ theo nội dung Đề án để xây dựng dự án/kế hoạch hàng năm và trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện Đề án hiệu quả và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My và các địa phương liên quan; Chủ tịch Hội sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu

ĐỀ ÁN

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 611/QĐ-TTG NGÀY 01/6/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN SÂM VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Kèm theo Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2023 của UBND tỉnh Quảng Nam

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) là loại Sâm quý thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae), còn gọi là Sâm Việt Nam, Sâm Khu 5 (K5), củ Ngải rợm, hay cây Thuốc giấu…Cây Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm Quốc gia, là “Quốc bảo” của Việt Nam. Qua phân tích, phần thân rễ của cây Sâm Ngọc Linh chứa 52 hợp chất saponin, trong đó 26 hợp chất saponin không có trong các loại Sâm khác. Qua kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm và dược lý lâm sàng, chứng minh Sâm Ngọc Linh chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan; cải thiện, gia tăng sức đề kháng,…Tuy giá trị cây Sâm Ngọc Linh đem lại rất cao, nhưng hiên nay việc phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh còn rất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết trong công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nên chưa phát huy được giá trị, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng tại địa phương.

Với định hướng phát triển cây Sâm Ngọc Linh theo hướng liên kết sản xuất, hình thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, cần phải triển khai một cách đồng bộ từ việc tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Để đạt được các mục tiêu đề ra, việc xây dựng và triển khai đồng bộ Đề án: “Triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” trên địa bàn tỉnh là cần thiết.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017;

- Luật Trồng trọt số 31/2018/QH 14 ngày 19/11/2018;

- Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;

- Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về Chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu;

- Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

- Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp;

- Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp;

- Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030;

- Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Văn bản số 7168/VPCP-KGVX ngày 11/9/2015 của Chính phủ về thống nhất thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đến năm 2030;

- Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 05/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về công nhận Sâm Việt Nam là sản phẩm quốc giá;

- Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2030;

- Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045;

- Quyết định số 3493/QĐ-BNN-LN ngày 18/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ;

- Quyết định số 2465/QĐ-SHTT ngày 30/7/2018 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc thay đổi giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sâm củ Ngọc Linh;

- Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 01/9/2011 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH TW Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân nông thôn gắn với việc thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

- Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019/2020 ngày 17/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phảm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

- Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ năm, khóa XXII về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030;

- Quyết định số 522/QĐ-UBND tỉnh ngày 25/02/2021 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

- Quyết định 2801/QĐ-UBND ngày 04/10/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển tại Quảng Nam.

Phần II

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÂY SÂM NGỌC LINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

1. Tình hình sản xuất, phát triển Sâm Ngọc Linh

1.1. Về quy hoạch, bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh

- Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh: Diện tích quy hoạch để phát triển trồng sâm là 15.567 ha, trong đó khu vực có độ từ 1.200

- 2.000 m là 13.329 ha, trên 2.000 m là 2.238 ha. Tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh là 848,2 ha, trong đó: Hộ gia đình, cá nhân: 483,7 ha; tổ chức doanh nghiệp: 364,5ha.

- Nguồn cung cấp cây giống:

+ Đối với cây sâm nhân từ hạt: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nguồn cây giống Sâm Ngọc Linh cung cấp cho việc trồng mới đã được cải thiện, trong đó nguồn giống cung cấp chủ yếu từ 02 đơn vị do Nhà nước quản lý là Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam với diện tích trồng Sâm là 15 ha (lũy kế hiện có tại Trạm Dược liệu Trà Linh là: 262.756 cây (từ 02 năm tuổi trở lên) và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My (trước đây là Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My) với diện tích 3,5 ha (với số lượng cây Sâm Ngọc Linh hiện có khoảng 18.373 cây, từ 02 - 07 năm tuổi). Ngoài ra, lượng cây giống trong nhân dân (tại các chốt trồng sâm) và doanh nghiệp hằng năm sản xuất được từ 500.000 - 1.000.000 cây giống.

- Về cấp giấy chứng nhận trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 3957/QĐ-UBND ngày 09/11/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam và Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian qua, có 07 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, với số lượng 65.205 cây.

- Đã đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam & hình” cho các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đã được bảo độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam (theo Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319665 cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319942 cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số GCN 319943 cho các sản phẩm từ sâm; Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319944 cho các sản phẩm từ Sâm.

- Một số dự án đầu tư bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh đã triển khai thực hiện như:

+ Các Dự án đầu tư bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh.

+ Dự án trồng phục hồi rừng trên khu vực phát triển vùng Sâm (huyện Nam Trà My), gồm: Trồng mới 572,52 ha, nuôi dưỡng làm giàu rừng 112,69 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 140,24 ha.

+ Dự án Đường giao thông vào vùng phát triển Sâm Ngọc Linh, đã triển khai thực hiện thi công 3 tuyến đường: Tuyến Tắc Pong - Tắc Ngo: 8,022 km, tuyến UBND xã Trà Linh đi Măng Lùng: 11,608 km, tuyến Măng Lùng - Đắc G’Lây: 14,4 km.

+ Đang tiển hành triển khai thực hiện 02 dự án thuộc Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2030.

2. Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây Sâm Ngọc Linh

Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây Sâm Ngọc Linh được tỉnh rất quan tâm. Nhờ đó, đã kêu gọi và phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, cụ thể:

- Phối hợp với Trường Đại học Nông lâm - Huế thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nhân giống hữu tính nhằm nâng cao tỷ lệ chất lượng cây giống Sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”.

- Phối hợp với Viện di truyền, Viện nghiên cứu Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và xây dựng nguồn giống gốc cây Sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”.

- Phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình và ứng dụng Hệ thống Internet vạn vật để quảng bá và giám sát hiệu quả khu bảo tồn giống cây sâm gốc Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” và một số đề tài khác như:

+ Nghiên cứu ứng dụng biện pháp sinh học để quản lý sâu bệnh hại đến cây Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam.

+ Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và phát triển vùng trồng Sâm Ngọc Linh theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

+ Nghiên cứu bào chế và đánh giá tính an toàn, hiệu quả của viên nang mềm Sâm Ngọc Linh.

+ Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về nhân giống hữu tính nhằm nâng cao tỷ lệ nhân giống và chất lượng cây Sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

+ Nghiên cứu hiệu quả sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma phân lập tại vùng trồng sâm Ngọc Linh và vi sinh vật chức năng FBP đến sinh trưởng - phát triển và phòng trừ bệnh hại Sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

- Hiện nay đang đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Xây dựng hệ dữ liệu chuyên gia và các nền tảng thông minh hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia Sâm Ngọc Linh”.

Ngoài ra, trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiên cứu biện pháp canh tác và quản lý dịch hại hợp lý nhằm phát triển cây Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam” Sở Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt trong công tác gieo ươm, sản xuất cây sâm giống. Qua đó đã nâng cao được tỷ lệ cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn/số hạt gieo một cách đáng kể, từ 18,5% năm 2015 tăng lên 53,48% năm 2020 và năm 2022 là 61%. Hơn nữa, đến nay, các đơn vị này cơ bản đã làm chủ được kỹ thuật gieo ươm, chăm sóc cây giống trước những điều kiện bất lợi, khó khăn. Về cơ bản, nguồn cây giống cơ bản đáp ứng nhu cầu cho phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.

3. Công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn trồng Sâm Ngọc Linh

- Ban hành các văn bản hướng dẫn[1] về xác nhận nguồn gốc giống Sâm Ngọc Linh, quản lý giống Sâm Ngọc Linh và dược liệu, từ đó góp phần ngăn hặn các trường hợp dẫn nhập, lai tạp các giống sâm bên ngoài vào khu vực bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh.

- Ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh theo biện pháp bền vững[2] và xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho cây Sâm Ngọc Linh. Đây là những cơ sở kỹ thuật và pháp lý quan trọng để trồng và phát triển Sâm Ngọc Linh trong thời gian tới.

- Đã tổ chức cấp giấy chứng nhận trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 3957/QĐ-UBND ngày 09/11/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý ”Ngọc Linh” cho sản phẩm Sâm củ của tỉnh Quảng Nam và Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý ”Ngọc Linh” cho sản phẩm Sâm củ của tỉnh Quảng Nam.

- Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho sản phẩm Sâm Ngọc Linh (Quyết định số 3235/QĐ-SHTT ngày 16/8/2016 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ).

- Công tác tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền bảo vệ, bảo tồn và phát triển trồng Sâm Ngọc Linh luôn được quan tâm triển khai thực hiện.

4. Tình hình chế biến Sâm Ngọc Linh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến Sâm Ngọc Linh, trong đó có một số đơn vị tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam, Công ty TNHH Sâm Sâm, Công ty TNHH dược Phaco, Công ty TNHH MTV Sâm Bách Sanh, Công ty Cổ phần Phát triển Dược liệu Quảng Nam... tham gia vào việc thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh. Trong đó, các doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh gồm: Trà túi lọc Sâm Ngọc Linh, nước uống Sâm Ngọc Linh, mật ong Sâm Ngọc Linh, rượu Diệp linh sâm, dung dịch uống Sâm Ngọc Linh, viên ngậm Sâm Ngọc Linh...với lượng nguyên liệu tiêu thụ khoảng 50 - 60 kg/năm (Công ty Cổ phần Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam). Nhìn chung, các doanh nghiệp, cơ sở tham gia chế biến các sản phẩm từ cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh còn rất ít và sản phẩm chưa phong phú. Do vậy, thời gian tới cần tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn và đầu tư sản xuất kết hợp với chế biến sâu và đa dạng sản phẩm từ cây dược liệu quý này.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình phát triển Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam; xây dựng các nội dung công việc, thời gian thực hiện, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan để tổ chức triển khai Chương trình.

b) Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao theo Kế hoạch nhằm nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; gắn kết giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với các Sở, Ban, ngành và các địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện Chương trình; quy hoạch, phát triển thành vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng phục vụ cho chế biến, tạo ra sản phẩm hàng hóa; xây dựng và phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

2. Yêu cầu

a) Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phải đảm bảo đầy đủ nội dung được giao; các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan có sự thống nhất, phối hợp và quyết tâm triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

b) Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan xây dựng Kế hoạch chi tiết và chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả theo các nhiệm vụ được phân công.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển sản xuất và chế biến Sâm Ngọc Linh trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi; gắn việc sản xuất Sâm Ngọc Linh với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại địa phương, phát huy bản sắc, văn hóa bản địa tại địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2025

- Xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in-situ) và vườn sưu tập (ex-situ) nguồn gen cây Sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình có phân bố tự nhiên. Phát triển sản xuất giống cây Sâm Ngọc Linh đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất.

- Hoàn thành việc rà soát, đánh giá quỹ đất, loại rừng phù hợp để trồng Sâm Ngọc Linh đảm bảo theo các quy định, tích hợp vùng trồng vào Quy hoạch của tỉnh. Xây dựng và phát triển vùng sản xuất Sâm Ngọc Linh theo hướng công nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

- Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến Sâm Ngọc Linh, là sản phẩm chủ lực để phát triển Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam.

- Huy động nhiều nguồn lực đầu tư (đặc biệt là đầu tư/xã hội hóa) để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm Sâm Ngọc Linh. Thu hút ít nhất 05 doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình Du lịch sâm gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng tại vùng sâm Ngọc Linh.

- Xây dựng, ban hành Quy chế, hệ thống phần mềm quản lý hoạt động trồng, sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh để đảm bảo an ninh sâm và thương hiệu.

- Xây dựng bộ nhận diện (logo) Sâm Ngọc Linh chính hiệu để phát hành rộng rãi cho toàn dân.

- Tổ chức ít nhất 02 Hội thảo khoa học, 02 Hội thảo thương mại tầm quốc gia, quốc tế về Sâm Ngọc Linh.

- Đề nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương thống nhất chọn “Ngày dùng sâm Việt Nam” để tôn vinh giá trị Sâm Ngọc Linh.

- Xây dựng các tuyến du lịch kết nối các địa phương từ vùng thành phố, đồng bằng đến vùng trồng, chế biến Sâm Ngọc Linh nhằm phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh vùng trồng Sâm.

b) Mục tiêu đến năm 2030

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp 02 khu vực bảo tồn nguồn giống gốc Sâm Ngọc Linh tại Trạm Dược liệu Trà Linh - thuộc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu và Trại sâm Tắk-Ngo - thuộc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My để sản xuất, cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định. Quy mô sản xuất đạt 500.000 cây giống/năm vào năm 2030.

- Hỗ trợ đầu tư, hình thành khoảng 50 - 100 vườn Sâm Ngọc Linh có quy mô lớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp; hằng năm sản xuất được 10 - 20 triệu cây giống Sâm Ngọc Linh 01 năm tuổi/năm, kể cả cây giống do 02 đơn vị bảo tồn sản xuất (theo Phụ lục II).

- Hoàn thiện 01 bộ quy trình hướng dẫn về sản xuất cây giống; quy trình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế và bảo quản cây Sâm Ngọc Linh theo tiêu chuẩn của GACP - WHO[3] phù hợp với địa phương trên cơ sở Bộ Tiêu chuẩn quốc gia; cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm Sâm củ; thẩm định, cấp mã số vùng trồng/mã số cơ sở trồng; lập hồ sơ quản lý cấp mã số vùng trồng/mã số cơ sở trồng đối với diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện để quản lý, truy suất nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm theo quy định.

- Phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh với diện tích đạt 8.400 ha (theo Phụ lục III), phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tổng sản lượng Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn Sâm củ từ 05 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm). Phấn đấu 100% diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP - WHO (khoảng 15 - 30% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO). Xây dựng, phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của các nước xuất khẩu; đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ Sâm Ngọc Linh tại các nước dự kiến xuất khẩu và từng bước đưa sản phẩm Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế.

- Thu hút từ 100 - 150 tổ chức đầu tư: Phát triển sản xuất Sâm giống; trồng phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh, trong đó có 50% cơ sở sản xuất sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn GMP - WHO[4] .

- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc tạo điều kiện cho việc liên kết phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh.

- Xây dựng bảo tàng Sâm Việt Nam tại xã Trà Linh nhằm giúp du khách thăm quan, tìm hiểu về Sâm Ngọc Linh.

- Hằng năm, phát động cuộc thi “Sáng tác văn học, nghệ thuật, âm nhạc về sâm” mang tầm quốc gia để quảng bá thương hiệu Sâm Ngọc Linh.

- Hằng năm, tổ chức giới thiệu “Văn hóa Sâm” tại quận Hamyang - Hàn Quốc. Đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh đi trưng bày tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu với du khách quốc tế.

b) Đến năm 2045

- Tiếp tục duy trì, phát triển diện tích trồng Sâm Ngọc Linh, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho công tác chế biến và cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu.

- Quảng Nam trở thành Trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh; ổn định vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh, tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP - WHO (khoảng 50% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP - WHO). Phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho người dân.

III. ĐỊA ĐIỂM, THỜI GIAN

1. Địa điểm

Huyện Nam Trà My và các huyện có điều kiện sinh thái phù hợp, trồng được cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

2. Thời gian thực hiện

Theo khung thời gian của Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ và được cụ thể qua các giai đoạn:

a) Giai đoạn I: Từ năm 2023 đến hết năm 2025.

b) Giai đoạn II: Từ năm 2026 đến hết năm 2030.

c) Giai đoạn III: Từ năm 2031 - 2045, được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện ở giai đoạn I và II.

IV. NHIỆM VỤ

1. Bảo tồn Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh)

- Xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in-situ) và vườn sưu tập (ex-situ) nguồn gen cây Sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình có phân bố tự nhiên:

+ Bảo tồn nguyên vị: Xây dựng 02 vườn Sâm Ngọc Linh giống nhiều năm tuổi tại Trạm Dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu và Trại Sâm Tắc Ngo thuộc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My thành khu bảo tồn nguyên vị đảm bảo đúng quy định pháp luật.

+ Vườn sưu tập: Lựa chọn một số tổ chức, doanh nghiệp đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng các vườn sưu tập Sâm Ngọc Linh (ngoài nhà nước).

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn giống Sâm Ngọc Linh.

2. Nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống Sâm Ngọc Linh

- Nâng cao chất lượng nguồn giống Sâm Ngọc Linh thông qua việc nghiên cứu, chọn tạo; bình tuyển cây giống Sâm Ngọc Linh có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và tình hình dịch hại.

- Xây dựng nguồn giống và năng lực sản xuất giống: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các vườn bảo tồn, vườn sưu tập nhằm mục đích vừa bảo tồn vừa kết hợp sản xuất, cung ứng cây giống Sâm Ngọc Linh tại Trạm Dược liệu Trà Linh, Trại Sâm Tắk-Ngo và tại các cơ sở sản xuất cây giống Sâm Ngọc Linh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu cung ứng cây giống cho phát triển vùng nguyên liệu bình quân khoảng 15.000.000 cây/năm.

- Hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống; quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, bảo quản Sâm Ngọc Linh phù hợp với thực tiễn sản xuất tại địa phương, phục vụ gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất.

- Phối hợp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; quản lý, thanh tra, kiểm tra nguồn giống Sâm Ngọc Linh đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng và các quy định về sản xuất, kinh doanh.

- Quản lý, kiểm định chất lượng Sâm Ngọc Linh đối với sản phẩm Sâm củ và kể cả các sản phẩm đã qua chế biến.

- Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình phát triển Sâm Việt Nam trong việc liên kết phát triển sản xuất cây giống Sâm Ngọc Linh.

- Xử lý nghiêm các trường hợp du nhập, đưa cây giống Sâm giả (hình thái giống Sâm Ngọc Linh) vào sản xuất tại các khu vực trồng Sâm Ngọc Linh.

3. Phát triển vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh tập trung

- Phát triển vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh với diện tích 8.400 ha (trong đó, diện tích trồng dưới tán rừng phòng hộ là 7.740 ha và diện tích trồng dưới tán rừng sản xuất là 660 ha).

- Quản lý, bảo vệ chặt chẽ tài nguyên rừng tại khu vực sản xuất; quản lý mã số vùng trồng/mã số cơ sở trồng được cấp theo quy định; kiểm tra, đánh giá cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho các tổ chức, cá nhân trồng Sâm Ngọc Linh, tạo ra sản phẩm Sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

- Tiếp tục theo dõi, đánh giá các mô hình thí điểm di thực cây Sâm Ngọc Linh tại các địa phương có điều kiện sinh thái tương đồng với vùng trồng Sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My; làm cơ sở mở rộng phát triển diện tích sản xuất.

- Đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông; hệ thống điện; hệ thống thông tin liên lạc, kết nối từ Trung tâm huyện đến các vùng trồng Sâm Ngọc Linh.

4. Thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm Sâm Ngọc Linh bền vững theo chuỗi giá trị; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Sâm Ngọc Linh

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các nhà máy, cơ sở chế biến theo hướng hiện đại; phát triển, đa dạng hóa sản phẩm theo chuỗi giá trị.

- Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư, phát triển Sâm Ngọc Linh theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.

5. Xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại

- Xây dựng, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm Sâm Ngọc Linh, đáp ứng các quy định pháp lý về xuất khẩu; tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế; kết nối dữ liệu với hệ thống bán hàng trực tuyến của các doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân trồng, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

- Đầu tư xây dựng Làng du lịch cộng đồng; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tổ chức các Hội chợ, Lễ hội Sâm Ngọc Linh,...; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cây Sâm Ngọc Linh đến với người dân trong và ngoài nước.

6. Phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm Ngọc Linh gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống điện và hệ thống thông tin liên lạc tại vùng trồng Sâm Ngọc Linh tập trung và ở các cơ sở chế biến, phục vụ cho công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch cộng đồng.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về khoa học, công nghệ

- Điều tra, đánh giá xác định vùng bảo tồn Sâm Ngọc Linh làm cơ sở xây dựng hệ thống dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen.

- Trên cơ sở bộ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng; đồng thời, qua việc nghiên cứu, triển khai dự án khoa học và công nghệ sản phẩm quốc gia “Sâm Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống; quy trình trồng, chăm sóc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, bảo quản Sâm Ngọc Linh phù hợp với thực tiễn sản xuất tại địa phương; tổ chức triển khai rộng rãi cho doanh nghiệp, người dân để áp dụng vào sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP-WHO.

- Nghiên cứu, đầu tư các cơ sở sản xuất cây giống quy mô hiện đại, đảm bảo được số lượng, đạt chất lượng cao, cung ứng cho phát triển sản xuất vùng nguyên liệu.

- Ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

- Xây dựng mô hình trình diễn theo hướng chuỗi giá trị giúp người dân có điều kiện để tham quan học tập, có thêm những thông tin, kinh nghiệm và áp dụng hiệu quả vào sản xuất.

- Lập kế hoạch xây dựng Phòng/cơ sở kiểm định chất lượng Sâm Ngọc Linh đảm bảo theo quy định, quản lý tốt chất lượng sản phẩm.

2. Về tổ chức sản xuất, quản lý Sâm Ngọc Linh

a) Sản xuất cây giống Sâm Ngọc Linh

- Đối với 02 vườn bảo tồn Sâm Ngọc Linh ở Trạm Dược liệu Trà Linh và Trại Sâm Tắk Ngo: Rà soát hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để xác lập vườn bảo tồn nguyên vị (in-situ) theo đúng quy định; tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nâng cấp hệ thống vườn đảm bảo cho công tác bảo tồn và sản xuất cây giống. Ngoài ra, đầu tư hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất cây giống để phục vụ cho sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh tập trung trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Cục Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng vườn Sâm Ngọc Linh đầu dòng phục vụ cho việc sản xuất cây giống.

- Phối hợp với Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Cục Trồng trọt kiểm soát tốt nguồn cây giống Sâm Ngọc Linh đúng theo quy định của pháp luật; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác sản xuất, buôn bán cây giống Sâm Ngọc Linh trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp du nhập, đưa cây giống Sâm giả (hình thái giống Sâm Ngọc Linh) vào sản xuất.

b) Xây dựng vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh tập trung

- Phối hợp với Cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, đánh giá Sâm Ngọc Linh phân bố rừng tự nhiên để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen, xác định vùng trồng thích hợp.

- Phối hợp với Cục Lâm nghiệp, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất, loại rừng phù hợp để trồng Sâm Ngọc Linh, tích hợp vùng trồng vào Quy hoạch của tỉnh làm cơ sở để triển khai thực hiện Chương trình.

- Tiếp tục khảo sát, đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông trên tuyến quốc lộ 40B (nối huyện Bắc Trà My với Nam Trà My) và các tuyến đường kết nối Trung tâm huyện với các vùng trồng Sâm,…từng bước hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn phục vụ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ Sâm Ngọc Linh, gắn với quy hoạch phát triển các cụm dân cư và phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

- Đầu tư hệ thống điện; hệ thống công nghệ thông tin, kết nối đến các xã, các thôn trồng Sâm Ngọc Linh tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu khác và loại máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh.

- Tiếp tục theo dõi, đánh giá các mô hình thí điểm di thực Sâm Ngọc Linh làm cơ sở để định hướng mở rộng, phát triển sản xuất ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh có điều kiện sinh thái phù hợp.

- Tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá, cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; cấp mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân trồng Sâm Ngọc Linh. Đối với các tổ chức, cơ sở thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh (tự nhiên) đăng ký mã số cơ sở trồng theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ.

- Hỗ trợ, thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trồng Sâm Ngọc Linh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cầu nối giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực (Theo Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 06/5/2022 của Văn phòng Chính phủ) góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu; xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh.

c) Quản lý, kiểm soát sản xuất, kinh doanh cây giống; chất lượng Sâm Ngọc Linh

- Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất cây giống; cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ Sâm Ngọc Linh thực hiện đảm bảo theo đúng quy định. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn giúp cho các tổ chức, cá nhân từng bước sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP - WHO, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

- Xây dựng Phòng/cơ sở kiểm định chất lượng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; đầu tư trang thiết bị, máy móc; đào tạo nguồn nhận lực,...đảm bảo các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ kiểm định đúng theo quy định.

3. Xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại; phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng văn hóa truyền thống canh tác và sử dụng Sâm Ngọc Linh

- Xây dựng, đăng ký thương hiệu chứng nhận cho các sản phẩm Sâm Ngọc Linh, nghiên cứu, triển khai các giải pháp để đảm bảo điều kiện xuất khẩu theo quy định; khảo sát, tìm hiểu thị trường tiêu thụ, tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh để người tiêu dùng trong và ngoài nước có đầy đủ thông tin về Sâm Ngọc Linh; từng bước kết nối, hình thành thị trường xuất khẩu.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trồng, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh xây dựng mô hình thương mại điện tử, liên kết với sàn thương mại điện tử uy tín trên toàn quốc.

- Tiếp tục tổ chức Hội chợ, Lễ hội Sâm Ngọc Linh với quy mô 03 năm/lần (Lễ hội tầm Quốc gia), 01 năm/lần (cấp tỉnh) và các hoạt động văn hóa hàng tháng gắn với giới thiệu các sản phẩm; phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; thu hút các tổ chức, cá nhân đến nghiên cứu, mua sắm và tham quan du lịch.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp, tôn tạo các điểm đến du lịch tại vùng Sâm (tập trung các địa điểm dự kiến trong Đề án phát triển du lịch của huyện Nam Trà My: Làng Văn hóa Bằng La tại thôn 1, xã Trà Leng; thác Năm Tầng tại thôn 1, xã Trà Mai; Điểm săn mây làng Tắk Pổ tại thôn 1, xã Trà Tập; Làng Văn hóa truyền thống Cheng Tong tại thôn 1, xã Trà Cang; Làng trồng Sâm Tắk Ngo, Đền thờ Sâm Ngọc Linh tại thôn 2 và Làng Tắk Lang tại thôn 3, xã Trà Linh…) để phục vụ du khách đến tham quan và lưu trú; kết nối với các tuyến du lịch: Đà Nẵng, Thánh địa Mỹ sơn, Phố cổ Hội An và các điểm du lịch tại huyện Bắc Trà My, Tiên Phước,... đến tham quan, khám phá vùng Sâm Ngọc Linh và nền văn hóa truyền thống bản địa.

- Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch như: Nhà nghỉ, khách sạn, các điểm vui chơi, giải trí; đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện mô hình lưu trú tại nhà người dân (homestay) để thu hút khách du lịch.

- Tổ chức các hội thi sáng tác nghệ thuật (sáng tác ca khúc, tác phẩm văn học, xây dựng phóng sự, tranh ảnh nghệ thuật,…) để tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng hình ảnh cây Sâm Ngọc Linh đến người dân trong và ngoài nước.

4. Về cơ chế, chính sách

- Tổ chức triển khai, lồng ghép thực hiện với các cơ chế, chính sách đã ban hành, bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Chương trình nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình khoa học công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia,…và các cơ chế, chính sách liên quan được tỉnh ban hành.

- Phối hợp với Cục Lâm nghiệp và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương theo hướng khuyến khích liên kết sản xuất, tích tụ đất đai để hình thành vùng trồng thâm canh cây Sâm Ngọc Linh theo hướng tập trung.

- Rà soát, tổng hợp lại các cơ chế chính sách tỉnh đã ban hành, qua đó nghiên cứu tổng hợp xây dựng, hoàn thiện lại cơ chế nhằm tạo động lực, thúc đẩy việc liên kết sản xuất Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát và tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững Sâm Ngọc Linh theo quy mô diện tích và định hướng vùng trồng; đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng, năng lực đầu tư, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường và nhu cầu thị trường; phát triển theo chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.

5. Về hợp tác quốc tế

- Tiếp tục duy trì, hợp tác và phát huy các nguồn lực hiện có cho việc nghiên cứu, ứng dụng phát triển cây Sâm Ngọc Linh; đồng thời, xây dựng các Chương trình hợp tác trong và ngoài nước để thu hút các nguồn lực, chuyên gia hướng vào các mục tiêu ưu tiên như: Phát triển bền vững vùng trồng Sâm, bảo vệ môi trường rừng, cải thiện sinh kế cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa bản địa...

- Tăng cường hợp tác với các nước trồng và chế biến các sản phẩm từ Sâm như: Hàn Quốc, Mỹ,...trong việc nghiên cứu, trao đổi về kỹ thuật sản xuất cũng như công nghệ bảo quản, chế biến cây Sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, hợp tác phát triển, quảng bá xây dựng hình ảnh, đưa thương hiệu Sâm Ngọc Linh ra quốc tế. Mở Trung tâm giao dịch Sâm Ngọc Linh tại Hàn Quốc.

VI. NGUỒN KINH PHÍ

Các Sở, Ban, Ngành, địa phương liên quan vận dụng một số cơ chế chính sách (tham khảo theo Phụ lục V) để lập kế hoạch, đề xuất nguồn kinh phí hằng năm và trung hạn hỗ trợ từ các Bộ, Ban, ngành Trung ương và tự cân đối, đề xuất, bố trí nguồn ngân sách phù hợp để thực hiện Đề án theo nhiệm vụ được phân công; lồng ghép kinh phí từ các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan; huy động các nguồn lực xã hội, các nguồn lực từ doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện Đề án.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các địa phương liên quan triển khai Đề án thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đạt hiệu quả.

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen; kiểm soát tốt nguồn cây giống Sâm Ngọc Linh theo đúng quy định của pháp luật; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng vườn cây đầu dòng phục vụ cho việc sản xuất cây giống.

- Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo tồn vườn Sâm Ngọc Linh giống gốc; tổ chức sản xuất, cung ứng cây giống cho các tổ chức, cá nhân để phát triển sản xuất.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác sản xuất, buôn bán giống cây giống Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng giống không đảm bảo chất lượng.

- Chủ trì, phối hợp với Cục Lâm nghiệp, Cục Trồng trọt và các tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng Sâm Ngọc Linh đảm bảo theo các quy định, tích hợp vùng trồng vào Quy hoạch của tỉnh để triển khai thực hiện Đề án.

- Nghiên cứu, hoàn thiện bộ quy trình hướng dẫn về sản xuất cây giống; quy trình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế và bảo quản cây Sâm Ngọc Linh theo tiêu chuẩn GACP-WHO phù hợp với địa phương trên cơ sở bộ tiêu chuẩn quốc gia.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ cấp mã số vùng trồng/mã số cơ sở trồng theo đúng quy định đối với diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện để quản lý, truy suất nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

- Tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ; theo dõi, đánh giá các mô hình thí điểm di thực Sâm Ngọc Linh.

- Phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện, các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh; tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến các tổ chức, cá nhân để áp dụng hiệu quả vào sản xuất.

- Tham mưu xây dựng cơ chế chính sách theo hướng khuyến khích liên kết sản xuất, hình thành vùng trồng Sâm Ngọc Linh tập trung, làm cơ sở để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án; kịp thời tổng hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc về UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

2. Sở Y tế

- Chủ trì, định hướng việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh như: Thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh,...đưa các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh vào phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế; xác định giá trị dược lý đối với Sâm Ngọc Linh, nghiên cứu xây dựng các bài thuốc cổ truyền từ Sâm Ngọc Linh.

- Phối hợp xây dựng triển khai đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam nhằm thúc đẩy việc sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ cây dược liệu khác.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, nguyên liệu và các sản phẩm khác được sản xuất, chế biến có nguồn gốc từ Sâm Ngọc Linh theo đúng tiêu chuẩn đăng ký chất lượng.

- Hỗ trợ các địa phương trong việc thu hút, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến Sâm Ngọc Linh hiện đại, đạt tiêu chuẩn GMP-WHO hoặc tương đương.

- Rà soát, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương trong việc phát triển công nghiệp dược liệu, trong đó các sản phẩm chủ lực được chế biến từ Sâm Ngọc Linh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành, địa phương liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh đề xuất các hạng mục, dự án ưu tiên và kinh phí thực hiện Đề án hàng năm và trung hạn trình HĐND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan để xem xét, quyết định.

- Ban hành quy định điều kiện đầu tư đối với các dự án đầu tư, phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; rà soát, nghiên cứu, đề xuất tham mưu các cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc kêu gọi thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào trồng, chế biến Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm Sâm Ngọc Linh.

- Nghiên cứu, cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch hàng năm và trung hạn, đề xuất bố trí kinh phí; huy động nguồn kinh phí hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện Đề án.

4. Sở Tài chính

- Cân đối nguồn ngân sách, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kinh phí thực hiện Đề án hàng năm và trung hạn, cấp nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.

- Tham mưu, theo dõi các địa phương, đơn vị sử dụng kinh phí, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo đúng quy định của pháp luật.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn địa phương, các tổ chức, cá nhân,… thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hướng dẫn thủ tục, công tác bảo vệ môi trường trong việc thực hiện Đề án theo đúng quy định.

- Phối hợp các địa phương trồng Sâm Ngọc Linh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan giải quyết các trường hợp tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về đất đai theo thẩm quyền.

- Huy động, đề xuất nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất; công tác bảo vệ môi trường để thực hiện Đề án.

6. Sở Công Thương

- Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh Sâm Ngọc Linh; xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Sâm Ngọc Linh và hướng đến xuất khẩu.

- Phối hợp kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ Sâm Ngọc Linh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín, thương hiệu Sâm Ngọc Linh.

- Chủ động/huy động nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ quảng bá sản phẩm Sâm Ngọc Linh trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình thương hiệu quốc gia.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

- Hỗ trợ trong việc xây dựng đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; thẩm định, cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.

- Phối hợp theo dõi, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ sản phẩm quốc gia Sâm Việt Nam thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.

- Tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây Sâm Ngọc Linh.

- Phối hợp, tham mưu UBND tỉnh thành lập Phòng/cơ sở kiểm định chất lượng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

- Giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thôn hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng về thông tin liên lạc tại các vùng trồng Sâm Ngọc Linh sử dụng quỹ viễn thông công ích đối với các khu vực đảm bảo điều kiện.

- Chỉ đạo các Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đặt Bộ nhận diện (Logo) Sâm Ngọc Linh trên giao diện chính Cổng/Trang để quảng bá thương hiệu; tuyên truyền, quảng bá giá trị, sản phẩm Sâm Ngọc Linh trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế;

- Thông tin, tuyên truyền về chủ trương, các cơ chế chính sách thu hút, hỗ trợ phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; ý nghĩa của việc cấp Chứng nhận chỉ dẫn đại lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ; đặc điểm nhận biết Sâm thật - giả Sâm Ngọc Linh nhằm giúp người tiêu dùng tránh mua nhầm các sản phẩm giả Sâm trên thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần xây dựng thương hiệu; tuyên truyền, quảng bá giá trị, sản phẩm Sâm Ngọc Linh trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.

- Chủ động/huy động nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng về thông tin liên lạc và các nhiệm vụ liên quan về công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh ra thị trường trong và ngoài nước. Đặt hàng sản xuất các clip quảng bá về Sâm Ngọc Linh để chiếu trên các bảng Thông tin điện tử công cộng (màn Led) của tỉnh và các địa phương.

9. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và địa phương lồng ghép, giới thiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh tại các chương trình, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, hội chợ du lịch trong và ngoài nước; phát hành các tài liệu, video clip quảng bá đa ngôn ngữ về sâm Ngọc Linh và làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam để đưa lên tàu bay phục vụ hành khách, mở rộng việc quảng bá thương hiệu Sâm Ngọc Linh.

- Xây dựng các điểm/tour du lịch/lễ hội liên quan đến cây Sâm Ngọc Linh; đăng tin sản phẩm Sâm Ngọc Linh trên các trang mạng của ngành Du lịch Quảng Nam và phần mềm du lịch thông minh của tỉnh.

- Đề xuất các nhiệm vụ phát triển du lịch vùng Sâm; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, văn hóa Sâm Ngọc Linh.

- Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng cho người dân tại các làng du lịch vùng Sâm Ngọc Linh; tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, Hội thảo/Hội nghị nhằm kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với vùng Sâm Ngọc Linh, tham vấn ý kiến phát triển du lịch cộng đồng.

- Chủ động/huy động nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ xây dựng bản sắc văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng tại vùng Sâm Ngọc Linh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh.

10. Ban Dân tộc tỉnh:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành hướng dẫn các địa phương lồng ghép các nội dung có liên quan tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để thực hiện Đề án đạt hiệu quả.

- Phối hợp trong việc xây dựng, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa người đồng bào tại vùng Sâm Ngọc Linh.

- Chủ động/huy động nguồn kinh phí để phối hợp thực hiện các dự án liên quan đến việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị Sâm Ngọc Linh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

11. Hội sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My

- Đẩy mạnh công tác hỗ trợ hội viên, tổ chức, cá nhân trồng, chế biến và kinh doanh Sâm Ngọc Linh; khai thác, sử dụng các nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh

- Quảng Nam & hình” cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh đã được bảo hộ độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam.

- Phối hợp trong việc quản lý, cấp phát, kiểm soát tem, nhãn mác, bao bì mang tên “Ngọc Linh” cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh gắn với thực hiện truy xuất nguồn gốc.

- Phối hợp nghiên cứu các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về truy xuất nguồn gốc để tiến hành đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam” cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh tại các nước dự kiến xuất khẩu.

- Tham gia tuyên truyền, phổ biến các quy định, cơ chế, chính sách, chưong trình, kế hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh; các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh.

12. UBND huyện Nam Trà My và các huyện có khả năng trồng Sâm Ngọc Linh

a) UBND huyện Nam Trà My

- Hàng năm, lập kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ chính như sau:

+ Bảo tồn, phát triển vườn Sâm Ngọc Linh giống gốc; tổ chức sản xuất, cung ứng cây giống.

+ Đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông; hệ thống điện, thông tin liên lạc và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ cho việc phát triển vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh và phục vụ cho du lịch cộng đồng.

+ Kêu gọi, thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các điểm du lịch tiêu biểu tại vùng Sâm, kết nối với các khu du lịch tại các địa phương khác.

+ Hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn để xây dựng, phát triển vùng sản xuất Sâm Ngọc Linh tập trung, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.

+ Tổ chức, tham gia Hội chợ, Lễ hội văn hóa Sâm Ngọc Linh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

- Chỉ đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nam Trà My phối hợp với các ngành chuyên môn, UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh đảm bảo theo quy định.

- Thường xuyên phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện các nội dung trong Đề án đạt hiệu quả, đúng theo quy định; tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hằng năm về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo).

b) Các huyện có khả năng trồng Sâm Ngọc Linh

Tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, đánh giá các mô hình thử nghiệm di thực cây Sâm Ngọc Linh. Trên cơ sở đó, đánh giá mức độ phù hợp, khả năng mở rộng sản xuất; lập kế hoạch đề xuất các nội dung triển khai thực hiện Đề án.

13. Các Sở, Ngành, địa phương có liên quan:

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan để tham gia triển khai thực hiện các nội dung của Đề án thuộc lĩnh vực quản lý.

- Hằng năm, căn cứ theo nội dung Đề án để xây dựng các Dự án ưu tiên (gợi ý theo Phụ lục IV); kế hoạch, các cơ chế chính sách... trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) trước ngày 20/12 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo.

PHỤ LỤC I

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 611/QĐ-TTG NGÀY 01/6/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam)

TT

Nội dung nhiệm vụ

Cơ quan/ đơn vị chủ trì

Cơ quan/ đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Kết quả

1

Bảo tồn nguồn gen, xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in situ) và vườn sưu tập (ex situ); tổ chức sản xuất cây giống Sâm Ngọc Linh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Khoa học và Công nghệ; UBND huyện Nam Trà My và các đơn vị, tổ chức, cá nhân và địa phương liên quan

2023 - 2030

Bảo tồn nguồn gen Sâm Ngọc Linh; sản xuất cây giống đảm bảo số lượng và các tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ cho việc phát triển sản xuất

-

Bảo tồn nguồn gen, xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in situ) và vườn sưu tập (ex situ)

2023 - 2025

-

Tổ chức sản xuất cây giống Sâm Ngọc Linh

Các tổ chức, cá nhân,...có sản xuất, cung ứng cây giống, hạt giống Sâm Ngọc Linh

Hằng năm

Đạt được kế hoạch tại Phụ lục II

2

Rà soát, đánh giá quỹ đất, loại rừng phù hợp để trồng Sâm Ngọc Linh đảm bảo theo các quy định, tích hợp vùng trồng vào Quy hoạch của tỉnh làm cơ sở để xây dựng và thực hiện Chương trình, dự án, kế hoạch phát triển bền vững cây Sâm Ngọc Linh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; UBND huyện Nam Trà My và các đơn vị, địa phương có liên quan

2023 - 2025

Xác định, quy hoạch được vùng trồng Sâm Ngọc Linh với diện tích 8.400 ha (trong đó, diện tích trồng dưới tán rừng phòng hộ là 7.740 ha và diện tích trồng dưới tán rừng sản xuất là 660 ha).

3

Xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tích tụ đất đai; thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, hình thành vùng trồng Sâm Ngọc Linh tập trung; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương; các đơn vị, địa phương có liên quan

2023 - 2025

Hình thành vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh tập trung, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhiều doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất và chế biến sâu, gắn thị trường tiêu thụ sản phẩm

4

Quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, kinh doanh buôn bán cây giống Sâm Ngọc Linh; phát triển sản xuất vùng nguyên liệu

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các cơ quan chức năng, địa phương liên quan

Hằng năm

Cây giống đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn quy định; tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP-WHO, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

5

Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng/mã số cơ sở trồng đối với diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện để quản lý, truy suất nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm theo quy định.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Cơ quan chuyên môn liên quan thuộc Bộ NN&PTNT; Cơ quản thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam; Sở Khoa học và Công nghệ; UBND huyện Nam Trà My và các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan

2023 - 2030

Cấp mã số vùng trồng/ mã số cơ sở trồng cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh theo quy định

6

Tuyên truyền các cơ chế chính sách hỗ trợ; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh

Sở Nông nghiệp và PTNT

Phối hợp các cơ quan, đơn vị chuyên môn; các địa phương liên quan

Hằng năm

Các tổ chức, cá nhân nắm được các cơ chế; tiếp cận và áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

7

Xây dựng Phòng/cơ sở kiểm định chất lượng Sâm Ngọc Linh

Sở Khoa học và Công nghệ

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT; Tài chính, các đơn vị và địa phương liên quan

2024 - 2025

Hình thành cơ sở kiểm định chất lượng Sâm Ngọc Linh

8

Hỗ trợ trong việc xây dựng đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; thẩm định, cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.

Sở Khoa học và Công nghệ

Các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Công Thương, Hội sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My, các tổ chức, doanh nghiệp và địa phương liên quan

2024 - 2030

- Có quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhẵn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh - Cấp chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh

9

Đề xuất các hạng mục, dự án ưu tiên trong Chương trình phát triển Sâm Việt Nam (hạ tầng vùng phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh; dự án hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trồng, chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh;...)

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; UBND huyện Nam Trà My và các địa phương có khả năng phát triển Sâm Ngọc Linh

2023 - 2030

Đề xuất, xây dựng các hạng mục, dự án ưu tiên để triển khai thực hiện Chương trình phát triển Sâm Việt Nam

10

Đề xuất hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng về thông tin liên lạc tại các vùng trồng Sâm Ngọc Linh

Sở Thông tin và Truyền thông

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, UBND huyện Nam Trà My và các địa phương có khả năng phát triển Sâm Ngọc Linh

2023 - 2030

Đề xuất, xây dựng đảm bảo cơ sở hạ tầng về thông tin liên lạc phục vụ cho công tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh

11

Xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại; quản lý chất lượng sản phẩm có nguồn gốc Sâm Ngọc Linh

Sở Công Thương

Các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Hội sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My, các tổ chức, doanh nghiệp và địa phương có liên quan

2023 - 2030

Mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng và phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh; hình thành chuỗi liên kết sản xuất; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc Sâm Ngọc Linh, ngăn chặn việc sử dụng Sâm giả, Sâm không đảm bảo chất lượng trong sản xuất, kinh doanh

PHỤ LỤC II

KẾ HOẠCH SẢN XUẤT CÂY GIỐNG SÂM NGỌC LINH 01 NĂM TUỔI

ĐVT: 1.000 cây

TT

Đơn vị/tổ chức, cá nhân

Tổng số lượng cây giống 01 năm tuổi

Sản xuất qua các năm

2023

2024

2025

2026

2027

2028

2029

2030

1

Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và DL Quảng Nam

1.935

100

120

145

200

250

325

400

475

2

Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My

134

11

12

13

15

17

19

22

25

3

Doanh nghiệp, hộ gia đình

114.000

7.500

9.000

11.000

13.500

15.000

17.000

19.000

22.000

Tổng cộng

116.069

7.611

9.132

11.158

13.715

15.267

17.344

19.422

22.500

PHỤ LỤC III

DIỆN TÍCH DỰ KIẾN TRỒNG, PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU SÂM NGỌC LINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

TT

Huyện

Diện tích (ha)

Diện tích dự kiến trồng Sâm Ngọc Linh

Rừng phòng hộ

Rừng sản xuất

1

Nam Trà My

8.000

7.500

500

2

Bắc Trà My

30

30

3

Nam Giang

90

40

50

4

Đông Giang

70

40

30

5

Phước Sơn

110

60

50

6

Núi Thành

30

30

7

Tây Giang

70

40

30

Tổng diện tích (ha)

8.400

7.740

660

PHỤ LỤC IV

CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Theo Báo cáo số 93/BC-UBND ngày 20/5/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phát triển Sâm Ngọc Linh thời gian qua và đề xuất Chương trình phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045)

1. Dự án hỗ trợ bảo tồn và phát triển giống Sâm Ngọc Linh.

2. Dự án phát triển ổn định an ninh Sâm.

3. Dự án phát triển du lịch vùng Sâm Ngọc Linh.

4. Dự án phát triển khoa học và công nghệ.

5. Dự án thành lập trung tâm kiểm định chất lượng Sâm.

6. Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trồng và chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh.

7. Dự án hạ tầng vùng Sâm.

8. Dự án truyền thông về Sâm Ngọc Linh.

PHỤ LỤC V

VẬN DỤNG CÁC CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN CỦA TRUNG ƯƠNG, TỈNH ĐỂ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN VÀ CHẾ BIẾN SÂM NGỌC LINH

- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu đối với dự án thực hiện ở địa bàn kinh tế, xã hội khó khăn; hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách.

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

- Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP .

- Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

- Quyết định 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

- Thông tư số 10/2021/TT-BNNPTNT ngày 19/8/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ “Phát triển sản xuất giống” theo Quyết định số 703/QĐ-TTg .

- Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

- Nghị quyết số 17/2019/2020 ngày 17/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

- Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 về Quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

- Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 về Quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

- Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019/2020 ngày 17/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

- Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25/02/2021 Ban hành Quy định về triển khai Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

- Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 17/5/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Ngoài ra, các Sở, Ban, Ngành, địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và các cơ chế chính sách liên quan của Trung ương, tỉnh để vận dụng vào việc xây dựng kế hoạch, đề xuất nguồn kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện Đề án.



[1] Công văn số 361/SNN&PTNT-CCKL ngày 02/3/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn lập và nộp Hồ sơ đề nghị xác nhận nguồn gốc sâm Ngọc Linh được gây trồng nhân tạo; Công văn 145/SNN&PTNT-TT&BVTV ngày 18/01/2021 về hướng dẫn sản xuất, buôn bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Công văn số 1188/SNN&PTNT-CCKL ngày 31/5/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc trồng và sử dụng môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh; Công văn số 1668/SNN&PTNT-TT&BVTV ngày 22/7/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong trồng, chăm sóc Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; Quyết định số 421/QĐ- SNN&PTNT ngày 23/8/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

[2] Quyết định số 421/QĐ-SNN&PTNT ngày 23/8/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

[3] Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

[4] Hệ thống các tiêu chí để đảm bảo các sản phẩm được sản xuất và kiểm soát một cách nhất quán theo các tiêu chuẩn chất lượng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2270/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 về Đề án thực hiện Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


106

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.97.235
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!