ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 153/BC-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh,
ngày 04 tháng 9 năm 2014
|
BÁO CÁO
KẾT
QUẢ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO NĂM 2014
(Từ
ngày 15 tháng 8 năm 2013 đến ngày 15 tháng 8 năm 2014)
Thực hiện Văn bản số 1571/TTCP-KHTCTH
ngày 08 tháng 7 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ về việc đề nghị Ủy ban nhân
dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
năm 2014; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xin báo cáo như sau:
I. KHÁI QUÁT TÌNH
HÌNH:
Năm 2014, trước tình hình kinh tế thế
giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến kinh tế Thành phố,
bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp,
phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Trước
những khó khăn trên, Lãnh đạo Thành phố đã chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời
chỉ đạo, điều hành giải quyết các khó khăn, vướng mắc; từ đó, các
chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố vân tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hợp
lý. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ có mức tăng hợp lý; xuất khẩu
đạt kết quả khả quan, nhập khẩu có xu hướng giảm. Quy mô sản xuất công nghiệp
tiếp tục được mở rộng; cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng
nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. Tổng huy động vốn tiếp tục tăng trưởng
và dư nợ cho vay đạt khá. Thu ngân sách nhà nước có sự chuyển biến tích cực, hầu
hết các chỉ tiêu đều đạt khá so với dự toán và tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Chương trình kích cầu, bình ổn thị trường được triển khai hiệu quả, các chính
sách an sinh xã hội được triển khai chặt chẽ, chu đáo; công tác đào tạo nghề,
giải quyết việc làm, chăm lo cho đối tượng chính sách có công, người nghèo, trẻ
em được thực hiện tốt; công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường, hoạt động
y tế, giáo dục được quan tâm chăm lo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong
thời gian qua, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo kịp
thời của Lãnh đạo Thành phố, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, hoạt động
thu hút khách du lịch vẫn ổn định, đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng mạnh. Các
hoạt động của Thành phố đã triển khai chặt chẽ, kịp thời, được các doanh nghiệp
và nhân dân đánh giá cao, đã ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của các
doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan; giúp các
tầng lớp nhân
dân hiểu rõ các chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển, đã ngăn chặn
kịp thời các thế lực thù địch gây rối, phá hoại, xử lý nghiêm theo quy định của
pháp luật.
Tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa
bàn Thành phố năm 2014 (từ ngày 15 tháng 8 năm 2013 đến ngày 15 tháng 8 năm
2014) diễn ra ở mức độ bình thường, không gay gắt. Số lượng đơn, thư khiếu nại,
tố cáo giảm so với cùng kỳ. Nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn tập
trung vào lĩnh vực bồi thường, thu hồi đất, tái định cư tại các dự án; khiếu nại
về xử phạt vi phạm hành chính. Nội dung đơn tố cáo chủ yếu về hành vi của cán
bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC
TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO:
1. Công tác tiếp công
dân:
a) Kết quả tiếp công dân:
Toàn Thành phố đã tổ chức tiếp công
dân: 38.324 lượt công dân (gồm: tiếp thường xuyên: 31.012 lượt, lãnh đạo tiếp:
7.312 lượt) đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh (giảm 9.856 lượt so với cùng kỳ,
giảm 20%, cùng kỳ 48.180 lượt), gồm:
- Cấp Thành phố tiếp công dân: Văn
phòng Tiếp công dân Thành phố đã tiếp 2.889 lượt công dân trực tiếp đến khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị, phản ảnh; lãnh đạo Văn phòng tiếp 46 buổi/337 lượt.
* Lãnh đạo Thành phố tiếp công dân: tiếp
30 buổi/28 lượt công dân, gồm:
+ Thường trực Thành ủy tiếp công dân:
11 buổi/11 lượt.
+ Thường trực Hội đồng nhân dân Thành
phố và các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố tiếp công dân: 09 buổi/08 lượt.
+ Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố
tiếp công dân: 10 buổi/09 lượt.
- Cấp Sở - ban - ngành Thành phố tiếp
công dân: 2.003
lượt (tiếp thường xuyên: 1.917 lượt, lãnh đạo tiếp: 86 lượt).
- Cấp quận - huyện tiếp công dân:
27.601 lượt (tiếp thường xuyên: 22.484 lượt, lãnh đạo tiếp: 5117 lượt).
- Cấp xã - phường - thị trấn tiếp công
dân: 5.801 lượt (tiếp thường xuyên: 3.722 lượt, lãnh đạo tiếp: 2.079 lượt).
* Tiếp công dân đoàn đông người: trên
địa bàn Thành phố tiếp 69 đoàn (gồm: tiếp thường xuyên: 55 đoàn, lãnh đạo tiếp:
14 đoàn), tăng 08 đoàn so với cùng kỳ, tăng 13% (cùng kỳ 61 đoàn), gồm:
cấp Thành phố tiếp: 36 đoàn; cấp Sở - ban - ngành Thành phố tiếp: 03 đoàn; cấp
quận - huyện tiếp 27 đoàn; cấp xã - phường tiếp: 03 đoàn.
b) Nội dung tiếp công dân:
Qua công tác tiếp công dân cho thấy, nội
dung khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm 92%; trong đó khiếu nại
trong lĩnh vực đất đai có tỷ lệ cao.
2. Tiếp nhận,
phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo:
- Tiếp nhận, phân loại đơn: Tổng số
đơn khiếu nại, tố cáo là 5.992 đơn, giảm 10 đơn, giảm 0,1% so với cùng kỳ (cùng
kỳ 6.002 đơn).
- Đã xử lý 5.989/5.992 đơn, đạt tỷ lệ
99,9%, chuyển kỳ sau 03 đơn, trong đó: xử lý chuyển trả lưu: 1.755
đơn; để lại giải quyết 4.237 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (gồm: khiếu
nại: 3.772 đơn, tố cáo: 462 đơn); trong đó:
+ Cấp Thành phố: khiếu nại: 982 đơn, tố
cáo: 220 đơn.
+ Cấp Sở - ngành: khiếu nại: 657 đơn,
tố cáo: 63 đơn.
+ Cấp quận - huyện: khiếu nại: 2007
đơn, tố cáo: 154 đơn.
+ Cấp xã - phường - thị trấn: khiếu nại:
126 đơn, tố cáo: 25 đơn.
Qua công tác phân loại, xử lý đơn cho
thấy, nội dung đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu trong lĩnh vực hành chính (chiếm
92 %); trong đó đơn khiếu nại trong lĩnh vực đất đai có tỷ lệ cao (trên 82%).
3. Kết quả giải
quyết đơn khiếu nại, tố cáo:
a) Kết quả giải
quyết khiếu nại:
- Tổng số đơn khiếu nại đã giải quyết
trên tổng số đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền: 2.821/3.772 đơn, đạt tỷ lệ 75%
(trong đó cấp Thành phố: 829/982 đơn, đạt tỷ lệ 84%).
- Phân tích tính chất khiếu nại đúng,
sai cho thấy: đơn khiếu nại đúng là: 8%, khiếu nại sai là 75%, khiếu nại có
đúng có sai: 17%.
b) Kết quả giải quyết tố cáo:
- Tổng số đơn tố cáo đã giải quyết
trên tổng số đơn tố cáo thuộc thẩm quyền: 385/462 đơn, đạt tỷ lệ 84%.
- Phân tích tính chất tố cáo đúng, sai
cho thấy: tố cáo đúng: 6%, tố cáo sai: 76%, tố cáo có đúng có sai: 18%.
4. Về tổ chức
thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại của Ủy ban nhân dân Thành phố và
Trung ương đã có hiệu lực pháp luật:
Tổng số quyết định giải quyết khiếu nại
được ban hành: 657/829 quyết định; trong đó:
- Đã tổ chức thực hiện xong: 398/657
quyết định, đạt 61%.
- Số quyết định còn tồn: 259 quyết định
(gồm: 116 quyết định tiếp tục thực hiện; 143 quyết định đang chờ các cơ quan chức
năng, Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc cơ quan Trung ương xem xét lại, quyết định
đang bị khởi kiện tại Tòa án; đang chờ ý kiến kết luận của các Đoàn công tác của
Bộ, ngành Trung ương...).
5. Một số nội
dung khác:
a) Về triển khai
thực hiện Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 07 tháng 2 năm 2013 của Thủ tướng Chính
phủ:
Ngày 12 tháng 4 năm 2013, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 1809/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế
hoạch thực hiện Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 07 tháng 2 năm 2013 của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23
tháng 11 năm 2012 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực
hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối
với quyết định hành chính về đất đai. Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo Thủ
trưởng các Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện trên địa bàn
Thành phố kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch, chủ động giải quyết theo
thẩm quyền các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, phối hợp các đơn vị có
liên quan giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, làm tốt công tác đối thoại
với người khiếu nại, tố cáo, thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định.
b) Về thực hiện
Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ:
Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18
tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 04 tháng 12 năm 2012, Ủy ban nhân dân
Thành phố đã có báo cáo số 184/BC-UBND về việc sơ kết việc triển khai thực
hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về
chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo. Kết quả đạt được
như sau: Ủy ban nhân dân Thành phố đã khẩn trương quán triệt và triển khai thực
hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-TTg , góp phần làm cho công tác tiếp công dân
và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều
chuyển biến tích cực; việc tiếp công dân được lãnh đạo Thành phố, Thủ trưởng
các Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện quan tâm và thực hiện
thường xuyên hơn; các cơ quan, đơn vị đều bố trí lịch tiếp công dân của lãnh đạo
nhằm trực tiếp chỉ đạo, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, kịp thời giải đáp
những thắc mắc, kiến nghị của người dân. Các tổ chức chính trị - xã hội cùng
tham gia công tác giải quyết khiếu nại, công tác hòa giải tại các địa phương,
đã góp phần không nhỏ trong việc thuyết phục công dân tự thỏa thuận, giải quyết
tranh chấp tại cơ sở, tự nguyện chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại của
Ủy ban nhân dân Thành phố, hạn chế số lượng đơn khiếu nại vượt cấp, đông người,
góp phần an dân, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội
trên địa bàn Thành phố.
c) Về kết quả giải
quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài:
- Ngày 19 tháng 9 năm 2013, Thanh tra
Chính phủ ban hành Kế hoạch số 2100/KH-TTCP về tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải
quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng. Triển khai thực hiện, Ủy
ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 631/KH-UBND ngày 13 tháng 02
năm 2014 về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp,
tồn đọng kéo dài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đề ra các biện
pháp, phương hướng cụ thể để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo
phức tạp, tồn đọng kéo dài. Theo Kế hoạch số 631/KH-UBND ngày 13 tháng 02 năm
2014, toàn Thành phố có 52 vụ tồn đọng kéo dài phải tập trung giải quyết, cụ thể:
+ Có 19/52 vụ việc đã được cơ bản giải
quyết xong, đủ điều kiện để rà soát và ban hành thông báo chấm dứt, gồm: 15 vụ
việc đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét kết luận (các cơ quan đang tổ chức thực
hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ: 12 vụ việc; đã tổ chức thực hiện xong Kết
luận của Thủ tướng Chính phủ: 03 vụ việc); 03 vụ việc đã được giải quyết dứt điểm,
người dân không còn khiếu nại hoặc công dân đã khởi kiện ra Tòa án; 01 vụ việc
Thủ tướng Chính phủ đang xem xét kết luận về phương án giải quyết.
+ Có 33/52 vụ việc các cơ quan đang giải
quyết hoặc cần rà soát lại, gồm: 02 vụ việc, Bộ, ngành Trung ương đang
xem xét, giải quyết; 08 vụ việc đang được các cơ quan thuộc Thành phố giải quyết
theo thẩm quyền (Ủy ban nhân dân Thành phố đang xem xét và chỉ đạo Thanh tra
Thành phố 02 vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường 02 vụ, Sở Xây dựng 01 vụ, Ban Tôn
giáo Thành phố 01 vụ, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh giải quyết 01 vụ, Ủy ban
nhân dân quận Tân Bình 01 vụ), 23 vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền
theo quy định của pháp luật nhưng công dân chưa đồng tình và tiếp tục khiếu nại
(Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan tiến hành rà
soát lại để đề xuất phương án khả thi nhằm giải quyết dứt điểm: 10 vụ việc; có
13 vụ việc giao các Sở, ngành rà soát lại)
- Ngoài ra, đối với 37 vụ việc khiếu nại,
tố cáo thuộc Kế hoạch số 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ: có 31/37 vụ việc
đã được cơ bản giải quyết xong, trong đó: có 05 vụ việc đang thực hiện Kết luận
của Thủ tướng Chính phủ; 23 vụ việc đã và đang tổ chức thực hiện phương án giải
quyết (xong 02/23 vụ việc; chưa xong 21/23 vụ việc); 02 vụ đang xin ý kiến của
Thủ tướng Chính phủ; 01 vụ việc Bộ, ngành Trung ương đang xem xét để thống nhất
phương án giải quyết báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Có 05 vụ việc Bộ, ngành Trung
ương đang thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ (Thanh tra Chính
phủ: 04 vụ việc khiếu nại, gồm: ông Nguyễn Phi Thường, ông Vũ Mai, bà Lê Thị
Kim Phụng, ông Quách Tài; Bộ Tài chính: Công ty cổ phần Cơ khí Bình Phát). Có
01 vụ việc đang chờ chủ trương chung của Thành phố (bà Phạm Thị Phúc).
d) Kết quả thực hiện Quyết định số
858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đổi mới công
tác tiếp công dân:
Thực hiện Quyết định số 858/QĐ-TTg
ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đổi mới
công tác tiếp công dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch
tổ chức thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh và ban hành Quyết định số 4830/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2012 về Kiện
toàn tổ chức, hoạt động của cơ quan tiếp công dân các cấp trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh. Theo đó, nội dung thực hiện việc kiện toàn tổ chức, hoạt động của
cơ quan tiếp công dân các cấp được quy định rõ như: về mô hình tổ chức, biên chế,
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ phối hợp của các cơ quan tiếp dân tại
Thành phố, Sở - ngành và quận - huyện. Văn phòng Tiếp công dân Thành phố đã triển
khai đến các Sở - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn và tổ chức kiểm
tra một số đơn vị; đến nay, đa số các quận - huyện đã thực hiện việc kiện toàn
bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân ở các
cấp trên địa bàn Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số
3115/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2012 về Kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ tiếp
công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố năm 2012 -
2013. Văn phòng Tiếp
công dân Thành phố đã phối hợp với Trường Cán bộ Thành phố tổ chức các lớp tập huấn công
tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn Thành phố, kết quả
như sau:
- Năm 2012: có 1.189 học viên được
phân bổ thành 21 lớp; trong đó: 03 lớp dành cho cán bộ các Sở - ngành, 14 lớp
dành cho cán bộ các quận - huyện và 04 lớp dành cho cán bộ các phường - xã - thị
trấn. Tổng số học viên được cấp giấy chứng nhận: 709 học viên (đạt 60%).
- Năm 2013: có 596 học viên được phân
bổ thành 10 lớp; trong đó số học viên được cấp giấy chứng nhận: 474 học viên (đạt
79,5 %).
đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra trách
nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo:
Nhằm tăng cường công tác thanh tra
trách nhiệm Thủ trưởng cơ quan đơn vị trên địa bàn Thành phố trong việc thi
hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, ngành Thanh tra Thành phố đã tổ chức
triển khai 36 Đoàn thanh, kiểm tra trách nhiệm tại 187 đơn vị; đã kết thúc 36 Đoàn
thanh, kiểm tra trách nhiệm tại 187 đơn vị. Qua thanh tra đã giúp cho lãnh đạo
các Sở - ngành, quận - huyện kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, bất cập,
nâng cao được nhận thức, vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị
trong việc chấp hành và thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
e) Kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế
và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo:
Thành phố luôn xem công tác xây dựng
thể chế là việc làm hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả
hoạt động của Ủy ban nhân dân Thành phố. Trong 06 tháng đầu năm 2014, Thành phố
đã góp ý, cho ý kiến đối với nhiều văn bản dưới luật; Nghị định hướng dẫn thi
hành Luật Đất đai; ban hành Quyết định số 60/2013/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm
2013 về ban hành Quy định về giá các loại đất trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh; Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2014 về ban hành
Quy trình giải quyết khiếu nại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định
số 12/2014/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2014 về ban hành Quy trình giải quyết tố
cáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Thành phố đã chỉ
đạo các cơ quan tham mưu xây dựng, trình Thành phố Chỉ thị và Quy trình Tiếp
công dân trên địa bàn Thành phố ngay khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi
hành ngày 01 tháng 7 năm 2014.
g) Về công tác tập
huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo:
Để triển khai công tác tuyên truyền,
phổ biến pháp luật thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả trên địa bàn Thành phố,
góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật,
đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của đất nước,
Hàng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố đều xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến
pháp luật trên địa bàn Thành phố. Kết quả tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo năm 2014: đã tổ chức 310 lớp tập huấn cho
hơn 25.406 người là cán bộ, công chức và nhân dân của các xã, phường, thị trấn
trên địa bàn Thành phố; mở các lớp tập huấn kỹ năng cho Ban Thanh tra nhân dân ở:
xã, phường, thị trấn; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp
nhà nước; hướng dẫn sử dụng các biểu mẫu nghiệp vụ về tiếp công dân, xử lý đơn,
giải quyết khiếu nại, tố cáo.
III. ĐÁNH GIÁ VÀ DỰ
BÁO TÌNH HÌNH KHIẾU NẠI, TỐ CÁO:
1. Đánh giá:
1.1. Nguyên nhân dẫn
đến tình trạng khiếu nại, tố cáo:
a) Nguyên nhân khách
quan:
- Chính sách pháp luật về bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư thường xuyên thay đổi, việc hiểu và áp dụng các chính sách trong
lĩnh vực bồi thường, tranh chấp đất đai còn khác nhau, nên dẫn đến khó khăn
trong việc đề xuất hướng giải quyết khiếu nại cho phù hợp với quy định.
- Số lượng đơn khiếu nại tố cáo thuộc
thẩm quyền và đơn “tái khiếu, tái tố” phát sinh khá nhiều, nhất là tại những địa
bàn quận, huyện có nhiều dự án, trong khi số lượng cán bộ làm công tác tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không đủ để đáp ứng với yêu cầu
công việc nên dẫn đến một số hồ sơ giải quyết quá hạn.
- Về phía người khiếu nại, tố cáo: nhiều vụ việc
đã được các cấp hành chính xem xét giải quyết nhiều lần, đúng pháp luật, hợp lý,
hợp tình nhưng vẫn
tiếp tục khiếu nại, tố cáo.
b) Nguyên nhân chủ quan:
- Công tác tuyên truyền các chủ
trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nói chung, về tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng chưa đi vào chiều sâu,
đặc biệt là tại các khu dân cư, tổ dân phố.
- Nhận thức của của người dân về chính
sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế,
một số trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố
tình không chấp hành quyết định đã giải quyết đúng pháp luật.
- Công tác phối hợp giữa các đơn vị
chưa được thống nhất, việc thông tin về giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên
quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ
quan Trung ương và địa phương dẫn đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu
nhất quán dẫn đến việc giải quyết thiếu thống nhất và kéo dài.
- Nhân sự phục vụ cho công tác giải
quyết khiếu nại, tố cáo tại nhiều đơn vị còn thiếu, chưa đáp ứng được
khối lượng công
việc cần phải thực hiện, thêm vào đó do áp lực công việc ngày càng cao nên dễ dẫn
đến sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
1.2. Đánh giá ưu điểm,
tồn tại, hạn chế,
khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư và
giải quyết khiếu nại, tố cáo:
a) Những mặt làm được:
- Ủy ban nhân dân Thành phố đã triển
khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính
phủ và Ban Thường vụ Thành ủy liên quan đến công tác thi hành Luật Khiếu nại,
Luật Tố cáo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Thủ trưởng các Sở - ngành Thành
phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện tăng cường công tác tiếp công dân,
công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, chỉ đạo sâu sát các ngành,
các cấp trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm túc và đúng các quy trình tiếp
công dân, giải quyết đơn thư; kết hợp thường xuyên với tuyên truyền, tập huấn
nâng cao hiểu biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong cán bộ công chức và
nhân dân, thể hiện qua kết quả công tác tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo mới
giảm, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các Sở - ngành, quận - huyện trên địa
bàn Thành phố năm 2014, đạt 75% (trong đó cấp thành phố đạt 84%).
- Trong năm 2014, Lãnh đạo Thành phố
đã quan tâm dành thời gian cho công tác tiếp công dân, trong đó đã trực tiếp tiếp
30 buổi/28 vụ việc, qua đó đã lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của công dân
và quan trọng hơn là xem xét thấu đáo và lựa chọn các biện pháp giải quyết các
vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có nhiều vụ bức xúc của công
dân được lãnh đạo Thành phố giải quyết.
- Đội ngũ làm công tác tiếp công dân,
xử lý đơn của các đơn vị trên địa bàn Thành phố từng bước được chuẩn hóa, việc
tập huấn kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn được các cơ quan chuyên môn của Thành
phố thực hiện thường xuyên, việc trao đổi nghiệp vụ, trao đổi thông tin, ứng dụng
công nghệ thông tin quản lý hồ sơ tiếp công dân, xử lý đơn từng bước đáp ứng được
nhu cầu thực tế của Thành phố.
- Ủy ban nhân dân Thành phố đã lãnh đạo,
chỉ đạo sâu sát đến
chính quyền các cấp trên địa bàn Thành phố về công tác tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo bằng việc ban hành Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 02 năm 2014
về ban hành Quy trình giải quyết khiếu nại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và
Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2014 về ban hành Quy trình giải
quyết tố cáo
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, công tác giải quyết khiếu nại,
tố cáo được tăng cường và thực tế cho thấy ý thức trách nhiệm trong công tác tiếp công
dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố
được nâng lên. Nhiều quận, huyện không phát sinh mới các vụ việc phức tạp, đông
người; phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh đã được tập trung
giải quyết. Các vụ việc khiếu nại đông người được tập trung chỉ đạo xử lý và tạo
được sự ổn định, góp
phần an dân, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của
Thành phố.
- Việc kiểm tra rà soát, giải quyết
các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được các Sở - ngành, quận - huyện thực
hiện nghiêm túc; các đơn vị đều có xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, qua đó,
nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài của công dân đã được giải quyết,
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Được sự quan tâm phối hợp đồng bộ giữa
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên với chính
quyền các cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, đặc biệt là công tác hòa giải
tại các địa phương, cơ sở.
- Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của
Thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc chấp hành và thực hiện các quy định Luật
Khiếu nại, Luật Tố cáo được quan tâm, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn
chế, thiếu sót góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ
quan hành chính nhà nước.
- Trong thời gian qua, ngay khi xảy ra
việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa của
Việt Nam, được sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Thành phố về tình hình giải quyết
khiếu nại, tố cáo của công dân, Lãnh đạo
các ngành, các cấp đã tập trung chỉ đạo, triển khai và nghiêm túc tổ chức thực
hiện các chỉ đạo của Thành phố, đồng thời cập nhật đầy đủ thông tin
liên quan và kịp thời phối hợp xử lý các trường hợp khiếu nại và khiếu nại đông người; lãnh đạo
tại các quận - huyện đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với công dân; các cơ
quan liên quan trong hệ thống chính trị của Thành phố cùng tham gia phối hợp để
giải thích pháp luật, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người dân thực hiện quyền
khiếu nại, tố cáo theo quy định. Tình hình khiếu kiện đông người đã từng
bước được kiểm soát, không phát sinh “điểm nóng”, không phức tạp làm ảnh hưởng
đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của Thành phố.
Đạt được kết quả trên là do Thường trực
Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân
Thành phố và các Sở - ngành, quận - huyện đã quan tâm thường xuyên chỉ đạo, sắp
xếp thời gian để tiếp công dân, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc
biệt là các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài trên địa bàn Thành phố, xem
đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa
phương.
b) Những hạn chế, tồn tại, vướng mắc:
- Khiếu kiện đông người trên địa bàn
Thành phố hiện nay đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn
còn có những diễn biến phức tạp, nhất là các khiếu nại bồi thường tại
các dự án (như dự án Khu Trung tâm Thương mại, phường Cô Giang, quận 1, dự án
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Sing - Việt,
huyện Bình Chánh)... Số lượng đơn
thuộc thẩm quyền giải quyết tại một số địa phương còn nhiều, nhất là tại các địa
bàn có nhiều dự án; việc thụ lý giải quyết một số vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền
tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn để kéo dài quá thời gian quy định.
- Việc tổ chức thực hiện quyết định giải
quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật còn một số quận, huyện thực hiện chưa
đúng trình tự thủ tục, vẫn còn một số quyết định chậm thực hiện, giải quyết
không dứt điểm dẫn đến khiếu
nại kéo dài.
- Công tác tuyên truyền pháp luật về
khiếu nại, tố cáo tuy đạt được những kết quả bước đầu khả quan
nhưng chủ yếu vẫn nặng về
hình thức tuyên truyền miệng thông qua báo cáo viên nên chưa thật sự thu hút, hấp
dẫn người dân tham gia.
- Công tác hòa giải ở cấp cơ sở chưa
được quan tâm đúng mức, một số địa phương bố trí cán bộ chưa đủ năng lực, kinh
nghiệm phụ trách công việc này nên việc hòa giải tại cơ sở đôi khi đạt hiệu quả
chưa cao.
- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương
chưa thực sự quan tâm đến việc bổ sung bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ
công chức có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài, không đảm bảo thời
gian theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
c) Đánh giá vai
trò của cơ quan thanh tra trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác
phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo và các nội
dung khác có liên quan:
Ngành Thanh tra Thành phố với vai trò
tham mưu giúp cho chính quyền các cấp trong công tác quản lý nhà nước về giải
quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ hết sức phức tạp và quan trọng,
luôn được chính quyền Thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong năm 2014, ngành Thanh tra Thành phố tiếp nhận hơn 3.000 đơn khiếu nại, tố
cáo, trong đó phần lớn là các đơn khiếu nại liên quan đến lĩnh vực nhà, đất, đền
bù giải tỏa thực hiện các dự án nhằm chỉnh trang đô thị.
Toàn ngành Thanh tra Thành phố tập
trung tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp giải quyết trên 85% đơn khiếu nại, tố
cáo của công dân, qua đó đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đặc
biệt là không để phát sinh các điểm nóng, phức tạp ảnh hưởng đến an ninh chính
trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Mối quan hệ phối hợp giữa Thanh tra
Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng... với các cơ quan của
Thành phố được gắn bó chặt chẽ, giúp Thành phố thực hiện tốt hơn về công tác quản
lý nhà nước trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là đã tạo cơ chế chủ động
phối hợp giữa Trung ương và địa phương cùng giải quyết vụ việc khiếu nại và khiếu
nại đông người phức tạp tại cơ sở, góp phần hạn chế tình trạng công dân khiếu
kiện vượt cấp lên Trung ương.
2. Dự báo:
- Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của Tổ
công tác 2522 (thành lập theo Quyết định số 2522/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm
2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo đông
người phức tạp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh), dự báo tình hình khiếu nại
đông người, trên địa bàn Thành phố trong năm 2014 (từ ngày 15 tháng 8 năm 2013
đến ngày 15 tháng 8 tháng 2014): có 09 vụ việc khiếu nại đông người, tại các quận:
quận 1, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh.
- Các quận - huyện đã và đang xem xét
giải quyết theo thẩm quyền các vụ việc khiếu nại đông người nói trên, hiện nay
người dân không còn tụ tập khiếu nại đông người. Đáng chú ý nổi lên có 03 công
dân: “Nguyễn Xuân Ngữ thuộc dự án Khu Công nghệ cao quận 9; Lê Văn Lung và Nguyễn
Thị Kim Phượng thuộc dự án Khu Đô Thị mới Thủ Thiêm quận 2” ở Thành phố Hồ Chí
Minh ra Hà Nội móc nối, vận động thành lập “Hiệp hội dân oan”.
- Các quận - huyện cũng dự báo sẽ phát
sinh khoảng 17 vụ khiếu nại đông người ở 7 quận, huyện, gồm:
+ Quận 1: 01 vụ việc (Dự án Tòa nhà Hữu
nghị số 31 Lê Duẩn).
+ Quận 8: 01 vụ (Dự án Trung tâm lưu
thông hàng hóa - Khu E Nam Thành phố tại phường 7, quận 8).
+ Quận 12: 01 vụ (các hộ dân tại Dự án
khu nhà ở phường Hiệp Thành).
+ Quận Bình Tân: 01 vụ việc (Dự án
Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước
Lên).
+ Quận Bình Thạnh: 06 vụ việc (Dự án
lô 13-14 giai đoạn I và II phường 22, quận Bình Thạnh; Dự án xây dựng mới cầu
kinh Thanh Đa; Dự án chống sạt lở Kênh Thanh Đa; Dự án xây dựng đầu tư xây dựng
mới lô VI, lô VI cư xá Thanh Đa, phường 27; dự án đầu tư cải tạo hệ thống thoát
nước rạch Phan Văn Hân, phường 17).
+ Quận Tân Bình: 03 vụ (dự án mở rộng
đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; dự án cải tạo tuyến mương Nhật
Bản; Dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch).
+ Huyện Bình Chánh: 01 vụ (Dự án Xây dựng
đường cao tốc Bến Lức - Long Thành).
Hầu hết các vụ dự báo có khiếu nại
đông người tại các quận - huyện có nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung
vào chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án đang và sẽ triển
khai trong năm 2014. Các quận, huyện đã chủ động nắm tình hình
theo dõi và xử lý tích cực theo thẩm quyền để tránh phát sinh “Điểm nóng” về khiếu nại
đông người.
- Về tình hình khiếu nại đông người của công dân
các tỉnh tại Thành phố Hồ Chí Minh: tình hình khiếu nại đông người của công dân các tỉnh
tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm về số lượt đoàn, tăng về số lượt người cho thấy
vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên trong
tháng 3 năm 2014, có 150 người dân khiếu kiện liên quan dự án Hồ chứa nước Thủy
điện Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai); Ủy
ban nhân dân Thành phố đã xử lý và kịp thời có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính
phủ, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để xử lý tiếp.
Ngày 11 tháng 5 năm 2014, có 13 công
dân khiếu kiện các tỉnh tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Một số
vụ việc khiếu nại đông người có sự kích động, tài trợ của một số đối tượng chống đối chính trị tổ
chức tụ tập phản đối chính quyền.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI:
- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW
ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Chỉ thị số
21-CT/TU ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường
lãnh đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn
Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tiếp tục quán triệt, thực hiện Thông
báo số 130-TB/TW ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu
nại, tố cáo và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng
Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo; Chỉ thị số 14/2012/CT-UBND ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban
nhân dân Thành phố về chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ
quan hành chính Nhà nước trong công tác kiểm tra, đôn đốc hoặc tổ chức thực hiện
các quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại có hiệu lực pháp luật, các văn
bản giải quyết tố cáo và các kết luận thanh tra kinh tế-xã hội của Bộ, ngành
Trung ương hoặc ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ; các Chỉ thị, văn bản
chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Tăng cường công tác tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo; nắm chắc tình hình khiếu nại đông người để có kế
hoạch giải quyết kịp thời ngay tại cấp cơ sở; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức
đối thoại và tái đối thoại với công dân trong quá trình giải quyết; đảm bảo
công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật, hạn chế tối đa
tình trạng đơn giải quyết tồn đọng kéo dài, quá hạn và vượt cấp lên Trung ương;
xử lý kiên quyết các đối
tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động người dân có hành vi vi phạm
pháp luật.
- Lãnh đạo các Sở - ngành, quận - huyện
phải chủ động và tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc tiếp
công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đúng thời hạn quy định;
giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng trách nhiệm của mình, công tâm, không phát
sinh tiêu cực, giúp ổn định tình hình.
- Thực hiện công khai, minh bạch các
quy trình, thủ tục, văn bản pháp luật, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực đất đai,
đầu tư, xây dựng cơ bản; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, quy chế
dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm lãnh đạo tập
trung, thống nhất, phát huy được tính chủ động sáng tạo của các cấp, các ngành
trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo.
- Tăng cường công tác thanh tra trách
nhiệm Thủ trưởng trong việc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; thanh tra
trách nhiệm trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, đặc biệt là việc thực
hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đối với Thủ
trưởng các Sở - ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, nâng
cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo; tập trung tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tranh
chấp, quyết định
xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn Thành phố.
- Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu
nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc theo đúng tiến độ đã đề ra tại Kế
hoạch số 631/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Kế hoạch số
2100/KH-TTCP ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân đặc biệt là tại các
phường, xã, thị trấn. Tăng cường công tác hòa giải tại cơ sở, gắn với phát
huy vai trò các đoàn thể tại địa phương trong công tác giải quyết các mâu thuẫn,
tranh chấp trong nhân dân, hạn chế thấp nhất số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo
gửi đến nhiều nơi; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ
chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư
và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, các cơ quan thông tin, báo chí của
Thành phố cần thường
xuyên tham gia tuyên truyền công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo của Lãnh đạo Thành phố, của các cấp, các ngành Thành phố, để người dân Thành
phố nhận thức và định hướng thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước nói chung và của Đảng bộ, chính quyền Thành phố nói riêng.
- Các đơn vị trên địa bàn Thành phố
tăng cường chỉ đạo, điều hành, xây dựng hoàn thiện thể chế của từng đơn vị; kiện
toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng đơn vị; thực hiện tốt công
tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện sơ kết, tổng kết từng lĩnh vực công tác để kịp thời rút
kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ công chức, đồng thời phát động
phong trào thi đua thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra.
- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin
báo cáo về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư giải quyết khiếu nại, tố cáo
theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số
03/2013/TT-TTCP ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ
báo cáo công tác thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và
phòng, chống tham nhũng và Văn bản số 4033/UBND-PCNC ngày 06 tháng 8 năm 2013 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện chế độ chế độ báo cáo công
tác thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng
trên địa bàn Thành phố.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
xin báo cáo đến Thanh tra Chính phủ về kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố
cáo năm 2014./.
Nơi nhận:
-
Thủ tướng Chính phủ;
-
Văn
phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Cục III Thanh tra Chính
phủ;
- Văn phòng Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Ủy ban MTTQVN thành phố;
- Các Sở- ngành Thành phố;
- Ủy ban nhân dân quận, huyện;
- VPUB: CPVP;
- Phòng: PCNC (2b), ĐTMT, THKH;
- Lưu: VT, (PC/L) (Kèm phụ lục)
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tất Thành Cang
|