ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2643/KH-UBND
|
Quảng Bình, ngày
20 tháng 12 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NHẰM TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH
ĐỘNG VẬT VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM CÓ NGUỒN GỐC ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
QUẢNG BÌNH, GIAI ĐOẠN 2023 - 2030
Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ
trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo
đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030”; Công văn số
5370/BNN-TY ngày 07/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ
chức triển khai Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ,
UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm
tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực
phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2023 - 2030,
cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật
tại các địa phương nhằm phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh theo hướng bền vững,
phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.
- Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong
chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm
động vật.
- Kiểm soát thuốc thú y, vắc xin thú y bảo đảm chất
lượng, an toàn, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, an
toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc trong chăn nuôi.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản
lý chuyên ngành thú y các cấp, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
2. Mục tiêu cụ thể
- Hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi đã được
cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận tiếp tục duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh,
trong đó có 01 xã an toàn với bệnh Dịch tả lợn cổ điển; 01 xã an toàn với bệnh
Dại động vật và 33 trang trại chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh xây dựng
được 10 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và có 50 trang trại chăn nuôi được chứng
nhận an toàn dịch bệnh động vật.
- Nâng cấp, sửa chữa các cơ sở giết mổ động vật tập
trung hiện có và tiếp tục xây dựng các cơ sở mới; phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh
có ít nhất 10 cơ sở giết mổ động vật tập trung đảm bảo công suất, yêu cầu kỹ
thuật theo quy định.
- Hàng năm, kiểm soát được trên 90% động vật, sản
phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh.
- Hàng năm, kiểm soát được 90% động vật được giết mổ
tại các cơ sở giết mổ tập trung và 60% tại các cơ sở nhỏ lẻ; phấn đấu đến năm
2030, kiểm soát được 100% động vật được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung
và trên 80% tại các cơ sở nhỏ lẻ.
- 100% các chương trình giám sát an toàn thực phẩm
của Trung ương, địa phương đối với thịt lợn, thịt gia cầm, trứng và sản phẩm trứng,
sữa tươi nguyên liệu, mật ong và sản phẩm mật ong, tổ yến được tổ chức triển
khai thực hiện.
- Hằng năm, có ít nhất 10% thuốc thú y lưu hành
trên thị trường được giám sát chất lượng; phấn đấu đến năm 2030, trên 70% các
cơ sở buôn bán thuốc thú y (trên cạn và thủy sản) được kiểm tra, giám sát.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám
sát, báo cáo dịch bệnh động vật; kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực
phẩm, quản lý thuốc thú y trên địa bàn tỉnh. Cập nhật, báo cáo vào kho dữ liệu
(Data warehouse) số dùng chung của ngành thú y và của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tăng cường năng lực quản lý,
kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ
trương, chính sách trong công tác phòng, chống dịch; nguy cơ, tác hại của dịch
bệnh đối với gia súc, gia cầm và thủy sản; cơ chế hỗ trợ khôi phục sản xuất khi
thiên tai, dịch bệnh động vật xảy ra; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có
hiệu quả để người dân biết và thực hiện.
- Định kỳ hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn, hội
thảo để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thú y cơ sở trong giám sát dịch
bệnh, kỹ thuật lấy mẫu phát hiện bệnh, kỹ thuật tiêm phòng, tiêu độc khử trùng
và báo cáo dịch bệnh theo quy định.
- Công tác giám sát dịch bệnh được tiến hành thường
xuyên, liên tục đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản. Khi
nghi ngờ động vật mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cơ quan thú y
thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm xác định mầm bệnh và triển khai các
biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Kịp thời trao đổi thông tin, kết
quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm khi có ổ dịch bệnh động vật có khả năng lây sang
người như bệnh Cúm gia cầm, bệnh Dại động vật... nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng
của người dân, cộng đồng.
- Thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động định kỳ tại
các vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ nhằm xác định sự lưu hành, biến chủng của các
loại mầm bệnh... từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý,
xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh phù hợp, có hiệu quả.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc duy trì điều
kiện an toàn dịch bệnh đối với các vùng, cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận trên
địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi cấp xã, cấp trang trại thực hiện xây dựng
an toàn dịch bệnh.
Hỗ trợ kết nối việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giữa
các cơ sở đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh với các tổ chức, cá nhân trên địa
bàn tỉnh và các tỉnh khác.
- Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình
phòng, chống dịch bệnh động vật được UBND tỉnh phê duyệt như: Quyết định số
1389/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn
2020-2026; Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 13/1/2021 về ban hành Chương trình
phòng chống bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025; Quyết định số
663/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 về ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại giai đoạn
2022-2030; Kế hoạch số 2032/KH-UBND ngày 09/11/2020 về phòng, chống bệnh Dịch tả
lợn Châu Phi giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 29/KH-UBND tỉnh về phòng; chống bệnh
Viêm da nổi cục trâu bò giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 1213/KH-UBND ngày
12/7/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản
nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030...
- Tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý
chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y; Nghị định số
35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính
phủ; Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt
Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp
giai đoạn 2021-2030”; kế hoạch số 1211/KH-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh nhằm
đảm bảo lực lượng thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật tại địa
phương.
2. Tăng cường năng lực quản lý,
kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực
phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật
- Ban hành và triển khai thực hiện xây dựng mạng lưới
giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2023-2030.
Xây dựng phương án đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ ở các cơ sở tập
trung; quản lý, kiểm soát tốt hoạt động giết mổ động vật. Kiểm tra, hướng dẫn
cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật,
thực hiện ký cam kết đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định ở những
địa phương chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng
cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật tập trung gắn với vùng chăn
nuôi nhằm giúp người dân chủ động đầu ra cho hoạt động sản xuất.
- Hằng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện
kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm với những đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Hướng dẫn hồ sơ, quy trình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm
cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển
khai thực hiện giám sát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ
động vật như kiểm tra vi sinh vật, tồn dư hóa chất, thuốc thú y, chất cấm trong
chăn nuôi...
- Thực hiện công tác kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận
kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn tỉnh theo quy
định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về mục
đích, yêu cầu và ý nghĩa của vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong hoạt động
chăn nuôi, thu gom, vận chuyển, giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật cho
các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người
tiêu dùng về lựa chọn, sử dụng các sản phẩm động vật; không nên sử dụng các sản
phẩm có nguồn gốc động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an
toàn thực phẩm và chưa được cơ quan thú y kiểm soát theo quy định.
- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao
năng lực trong công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y
cho đội ngũ cán bộ thú y các cấp.
3. Nâng cao năng lực quản lý việc
buôn bán, sử dụng thuốc thú y
- Hàng năm, tổ chức tập huấn, hội thảo phổ biến các
văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn chuyên ngành về bảo quản, buôn bán, sử dụng
thuốc thú y cho cán bộ thú y các cấp, các cơ sở buôn bán thuốc, cơ sở chăn nuôi
và nuôi trồng thủy sản. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở buôn bán thuốc thú y
thực hiện các điều kiện, yêu cầu về thực hành tốt nhà thuốc (GPP).
- Tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm về việc chấp
hành các quy định trong buôn bán, sử dụng thuốc thú y ở địa phương. Kịp thời
phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Hướng dẫn, khuyến cáo người dân lựa chọn, sử dụng
thuốc thú y thuộc Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt là sử dụng
vắc xin phòng được chủng gây bệnh tại địa phương theo khuyến cáo của Cục Thú y.
Tuyên truyền, phổ biến cho người dân nên sử dụng thuốc thú y theo hướng dẫn của
cán bộ thú y cơ sở hoặc người được cấp phép hành nghề hoạt động thú y nhằm nâng
cao hiệu quả trong phòng, điều trị bệnh trên đàn vật nuôi, đồng thời hạn chế
nguy cơ kháng kháng sinh, tồn dư thuốc thú y trong sản phẩm động vật.
4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y
- Cập nhật thủ tục hành chính trong lĩnh vực thú y
lên cổng Dịch vụ công quốc gia; phối hợp với đơn vị truyền thông hoàn thiện quy
trình dịch vụ công trực tuyến nhằm giúp cá nhân, tổ chức trong việc nộp, theo
dõi tiến trình xử lý hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính được tiện lợi, hiệu
quả.
- Thường xuyên cập nhật các văn bản, tài liệu pháp
lý về lĩnh vực thú y trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý chuyên
ngành thú y cấp tỉnh; thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh động vật trên cả nước,
trên địa bàn tỉnh để người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch.
- Thực hiện kết nối với kho dữ liệu dùng chung của
ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về phòng chống dịch bệnh; chẩn đoán,
xét nghiệm bệnh động vật; kiểm dịch vận chuyển trong nước; giết mổ động vật, vệ
sinh thú y, an toàn thực phẩm; quản lý thuốc thú y; thống kê và báo cáo số liệu
thống kê ngành... sau khi hệ thống dữ liệu chuyên ngành thú y (Data Warehouse)
đưa vào sử dụng.
- Cập nhật, báo cáo số liệu về lĩnh vực thú y lên Hệ
thống Quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (viết tắt là VAHIS) theo
quy định. Hướng dẫn cơ quan quản lý thú y cấp huyện thực hiện nhập thông tin, số
liệu lên hệ thống VAHIS như cập nhật dịch bệnh động vật, kết quả phòng chống bệnh
Dại động vật... trên cơ sở giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp
tỉnh.
- Tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực áp dụng
công nghệ thông tin cho cán bộ thú y; rà soát, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ
tầng nhằm đảm bảo hệ thống thông tin về thú y hoạt động liên tục, đảm bảo hoạt
động 24/24h.
III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí địa phương
Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho các hoạt
động tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm
tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật; quản lý thuốc thú
y; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thú y... cấp địa phương.
2. Kinh phí do người dân, doanh nghiệp tự đảm bảo
Tổ chức, cá nhân tự đảm bảo kinh phí các hoạt động
liên quan đến công tác chăn nuôi, tiêm phòng, kiểm dịch, vệ sinh thú y, an toàn
dịch bệnh, an toàn thực phẩm tại cơ sở chăn nuôi, thu gom, sơ chế, giết mổ động
vật, cơ sở buôn bán thuốc thú y.
3. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác: Kinh
phí từ các tổ chức, nhà tài trợ, xã hội hóa và từ các nguồn vốn hợp pháp khác
theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
1.1. Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch
bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người
- Hàng năm, tham mưu UBND tỉnh xây dựng, tổ chức
triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật; kế hoạch tiêm phòng các loại
vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; kế hoạch giám sát chủ động một số loại dịch bệnh
nguy hiểm trên vật nuôi, thủy sản nuôi, đặc biệt đối với một số dịch bệnh thường
hay xảy ra ở địa phương hoặc một số vùng có nguy cơ cao với dịch bệnh động vật.
- Tham mưu UBND tỉnh/HĐND tỉnh ban hành cơ chế,
chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, phấn đấu đạt
mục tiêu đề ra. Chỉ đạo cơ quan thú y cấp tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng, giám sát an toàn sinh học đế
làm cơ sở thẩm định, cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho vùng, cơ sở chăn
nuôi.
- Chỉ đạo cơ quan thú y cấp tỉnh phối hợp với chính
quyền địa phương tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra,
vào vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát giết mổ động vật, vệ sinh thú y trong
vùng an toàn dịch bệnh đảm bảo không để dịch bệnh xâm nhiễm từ ngoài vào.
- Phối hợp với Sở Y tế triển khai các biện pháp
phòng, chống bệnh truyền lây từ động vật sang người theo quy định tại Thông tư
số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và
PTNT; Quyết định số 1389/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 và Quyết định số 663/QĐ-UBND ngày
15/3/2022 của UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh
kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý
chuyên ngành thú y các cấp đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng,
quy định của Luật Thú y, văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa
phương.
1.2. Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động
vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động
vật, sản phẩm động vật
- Chỉ đạo cơ quan quản lý thú y tỉnh thực hiện
nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa
bàn tỉnh và các khu cách ly kiểm dịch; hướng dẫn địa phương tăng cường quản lý
hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật, sản
phẩm động vật theo quy định; nghiên cứu, đề xuất mức thu phí kiểm soát giết mổ
động vật tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được quy định tại Thông tư số
101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu,
nộp, quản lý phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y nhằm tiến tới đưa giết mổ nhỏ lẻ
vào các cơ sở tập trung.
- Hằng năm, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện
kế hoạch kiểm tra, lấy mẫu giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với động
vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.
1.3. Về nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y đảm bảo
chất lượng, an toàn, hiệu quả
Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch lấy
mẫu giám sát chất lượng thuốc thú y trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là đối với
nhóm kháng sinh quan trọng, rất quan trọng theo quy định tại Thông tư số
12/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
giám sát tình trạng kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Định
kỳ hằng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện buôn bán thuốc thú y của các
cơ sở kinh doanh; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kê đơn, bán và sử dụng thuốc
thú y theo đơn; giám sát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng
thủy sản. Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý thuốc thú y
cho cán bộ thú y cấp tỉnh, cấp huyện.
1.4. Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển
đổi số trong công tác thú y
- Chỉ đạo xây dựng, hoàn thành cơ sở dữ liệu ngành
thú y đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh và kết nối
có hiệu quả với hệ thống Trung ương.
- Xây dựng, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông
tin; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thú y.
Sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin ngành thú y do Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Cục Thú y quản lý.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng
hệ thống trực tuyến phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm
soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; quản lý thuốc thú y;
quản lý thông tin thống kê và công tác chỉ đạo điều hành của ngành thú y.
1.5. Phối hợp với Sở Tài chính hằng năm xây dựng dự
toán kinh phí thực hiện các nội dung của Kế hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã và Sở Tài chính báo cáo, đề xuất UBND
tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh động vật. Rà
soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ trong
công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với các quy định
hiện hành và thực tiễn của địa phương.
1.6. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tăng
cường tổ chức thông tin tuyên truyền, xây dựng tài liệu, in ấn, phổ biến, hướng
dẫn các cơ quan, ban ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan triển
khai thực hiện nội dung của Kế hoạch. Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương; tham mưu, báo cáo kết quả thực hiện
cho UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
2. Sở Y tế
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai có
hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh từ động vật
sang người hoặc sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đẩy mạnh công tác thông tin
tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, biện pháp phòng, chống một số loại dịch bệnh
lây truyền từ động vật sang người. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn hoạt động
kinh doanh, buôn bán kháng sinh trong y tế để sử dụng trong nông nghiệp; xây dựng
và triển khai kế hoạch phòng chống kháng thuốc tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm theo
quy định.
- Phối hợp, chia sẻ thông tin với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về dịch bệnh trên người có nguồn gốc từ động vật; kháng
thuốc trong y tế và quản lý an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm có
nguồn gốc động vật.
3. Sở Tài chính căn cứ khả
năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn
vị để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch theo phân cấp ngân sách hiện
hành, quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND
tỉnh phân bổ nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Đầu tư
công và các văn bản có liên quan.
5. Sở Công Thương phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý an toàn
thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
6. Cục Quản lý thị trường
phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường;
xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật
chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị
trường.
7. Sở Thông tin và Truyền
thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị, ban ngành liên quan tổ
chức triển khai các nội dung kế hoạch bảo đảm phù hợp, đáp ứng mục tiêu, giải
pháp phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số
giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 698/KH-UBND ngày
28/4/2022 của UBND tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến
năm 2030 để thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng
bộ tỉnh Quảng Bình.
8. UBND các huyện, thành phố,
thị xã
Căn cứ nội dung Kế hoạch của UBND tỉnh để xây dựng
kế hoạch của địa phương; chủ động bố trí kinh phí, nguồn lực để triển khai thực
hiện, đảm bảo đạt các mục tiêu đề ra. Cụ thể:
8.1. Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh
động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện, chính quyền
cấp xã tăng cường công tác kiểm soát, giám sát dịch bệnh động vật, đặc biệt một
số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi,
có khả năng lây truyền sang người. Trường hợp phát hiện ổ dịch bệnh động vật, cần
tập trung nguồn lực để triển khai các biện pháp khống chế, không để dịch bệnh
lây lan.
- Có cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở chăn nuôi xây
dựng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện
các mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi.
- Kiện toàn, củng cố hệ thống thú y cấp huyện, cấp
xã đảm bảo đủ số lượng, năng lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh
động vật.
8.2. Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật,
kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật,
sản phẩm động vật
- Tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động vận chuyển,
buôn bán, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại địa phương.
- Chủ động có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ
thống mạng lưới giết mổ động vật tập trung như quỹ đất, cơ sở hạ tầng, hệ thống
cung cấp điện, đường giao thông nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư
thực hiện.
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất xây
dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung đúng với yêu cầu và điều kiện thực tiễn;
ban hành kế hoạch, lộ trình xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo phù hợp với mục tiêu
UBND tỉnh giao.
- Bố trí lực lượng thú y thực hiện kiểm soát giết mổ
theo đúng quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ đạo Ban/Tổ quản lý các chợ trên địa
bàn bố trí khu vực kinh doanh sản phẩm động vật riêng, việc kinh doanh sản phẩm
động vật phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và đã được kiểm soát giết
mổ.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm
tra, giám sát việc buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; quản lý chặt
chẽ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
được phân cấp quản lý.
8.3. Nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y, vắc xin
thú y đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả
- Hàng năm, phối hợp với các đơn vị, ban ngành tổ
chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc thú y,
vắc xin thú y; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về điều
kiện kinh doanh, chất lượng thuốc thú y... theo quy định.
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi,
nuôi trồng thủy sản sử dụng thuốc thú y có trong Danh mục thuốc thú y được phép
lưu hành tại Việt Nam; liều lượng, cách thức sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ
thú y cơ sở, của nhà sản xuất; ghi chép, lưu giữ hồ sơ về sử dụng thuốc thú y tại
cơ sở.
- Phối hợp với các đơn vị, ban ngành kiểm tra việc
kê đơn, buôn bán và sử dụng thuốc thú y theo đơn; giám sát việc sử dụng kháng
sinh và thuốc sát trùng, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc thú y trong chăn
nuôi, nuôi trồng thủy sản gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người
tiêu dùng.
8.4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển
đổi số trong công tác thú y
- Ứng dụng và triển khai ứng dụng công nghệ thông
tin trong việc giám sát, báo cáo, cập nhật số liệu thú y của địa phương vào hệ
thống quản lý chung của Trung ương, của tỉnh.
- Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ; hỗ trợ
nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối,
khai thác dữ liệu trong hệ thống của ngành nông nghiệp.
9. Các tổ chức, cá nhân có liên
quan đến hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm
động vật; hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc thú y
- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công
tác thú y trong phòng chống dịch bệnh động vật. Định kỳ hàng năm, thực hiện kê
khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương, chủ động triển khai các biện
pháp phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt là các biện pháp chăn nuôi an
toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
- Đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở giết mổ động
vật tập trung theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của địa phương. Chỉ thực
hiện hoạt động giết mổ động vật tại cơ sở đủ điều kiện về phòng chống dịch bệnh,
an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
- Chấp hành các quy định về buôn bán thuốc thú y, vắc
xin thú y; thực hiện kê đơn, bán thuốc theo đơn, lưu hồ sơ; tư vấn, hoạt động dịch
vụ thú y sau khi được cơ quan quản lý chuyên ngành cấp giấy phép hành nghề.
- Chi trả chi phí thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh
cho động vật; chi phí trong trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh,
vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; buôn bán, sử dụng
thuốc thú y theo quy định.
Yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố, thị xã và tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, địa phương có tên ở mục IV;
- VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CVNN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đoàn Ngọc Lâm
|