Kính gửi:
|
- Các Vụ: Tổ chức cán bộ, Tài chính, Vận tải, Kết
cấu hạ tầng giao thông, Khoa học - Công nghệ và Môi trường;
- Các Cục thuộc Bộ;
- Văn phòng Bộ; Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Các trường đào tạo, Học viện thuộc Bộ;
- Các Viện nghiên cứu thuộc Bộ;
- Thanh tra Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin;
- Báo Giao thông; Tạp chí Giao thông vận tải;
- Các Tổng công ty: Đường sắt Việt Nam; Bảo đảm ATHH miền Bắc; Bảo đảm ATHH
miền Nam;
- Công ty Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam;
- Các Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải và Xây dựng) nhận kinh phí
ủy quyền quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
|
Để đảm bảo thời gian triển khai
thực hiện việc phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo
đúng thời gian quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông vận tải
(GTVT) yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ hướng dẫn tại Nghị định số
163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Ngân sách nhà nước, Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan, chủ động
triển khai:
I. Rà soát,
trình phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước
Căn cứ nội dung xây dựng dự
toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 của các đơn vị; trên cơ sở số đã thực hiện
năm 2023 (tính đến tháng 11 và ước thực hiện cả năm) cũng như các văn bản hướng
dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các
nhiệm vụ được giao. Các đơn vị thực hiện rà soát, trình hồ sơ đề nghị phân bổ
và giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 (phần chi thường xuyên) cho đơn
vị mình và các đơn vị trực thuộc (kèm theo các tài liệu thuyết minh cơ sở phân
bổ, giao dự toán theo mẫu biểu số 36 đến mẫu biểu số 47 phụ lục 1 ban hành kèm
theo Thông tư số 342/2016/TT-BTC), trong đó lưu ý:
1. Chi sự
nghiệp kinh tế
Các cơ quan, đơn vị căn cứ kế
hoạch nhu cầu kinh phí đã được Bộ GTVT chấp thuận khi xây dựng dự toán chi ngân
sách năm 2024, khả năng bố trí ngân sách năm 2023, dự kiến khả năng cân đối
ngân sách năm 2024[1], chủ động hoàn chỉnh kế hoạch
bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và các kế hoạch khác có liên quan sử dụng
nguồn chi sự nghiệp kinh tế (như: kế hoạch chi đảm bảo trật tự an toàn giao
thông; chi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, phòng, chống khủng bố ...), làm
cơ sở cho việc giao dự toán chi ngân sách năm 2024 trước ngày 31/12/2023 theo
quy định.
Căn cứ khối lượng nhiệm vụ được
cấp có thẩm quyền giao và chế độ, định mức chi, giá đặt hàng (nếu có); các đơn
vị trình hồ sơ đề nghị phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024,
báo cáo chi tiết theo từng nội dung chi, thuyết minh rõ cơ sở tính toán, tính cấp
thiết, sự cần thiết, thứ tự ưu tiên, gửi kèm các hồ sơ, tài liệu thuyết minh số
đề nghị phân bổ, giao dự toán chi ngân sách năm 2024 theo quy định.
2. Chi
quản lý hành chính
- Đối với kinh phí thực hiện tự
chủ, cần thuyết minh rõ các nội dung:
+ Số biên chế năm 2024 được cơ
quan có thẩm quyền giao, trong đó số biên chế thực có mặt đến thời điểm rà
soát, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu được duyệt (nếu có); mức phân bổ dự
toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo Quyết định số 2294/QĐ-BGTVT ngày
31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
+ Quỹ tiền lương, phụ cấp theo
mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng, bao gồm: Quỹ tiền lương, phụ cấp tính
theo số biên chế được duyệt, tính theo thực có mặt tính đến thời điểm rà soát
(xác định trên cơ sở mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương và các
khoản đóng góp theo chế độ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế,
kinh phí công đoàn); cung cấp kèm theo bảng lương tháng 11/2023; quỹ tiền
lương, phụ cấp của số biên chế được duyệt nhưng chưa tuyển (hệ số lương 2,34/
biên chế).
- Đối với kinh phí không tự chủ:
Báo cáo chi tiết theo từng nội dung chi, thuyết minh tính cần thiết, thứ tự ưu
tiên, gửi kèm theo các hồ sơ, tài liệu, thuyết minh cơ sở đề xuất giao dự toán
các khoản chi đặc thù, chi không tự chủ (nếu có).
3. Chi sự
nghiệp đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, môi trường
- Chi thường xuyên tự chủ: Căn
cứ vào dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và các yếu tố biến động do thay
đổi chính sách, chế độ của Nhà nước làm thay đổi dự toán thu, chi của đơn vị (lộ
trình tăng học phí, lộ trình tăng tính tự chủ trong đảm bảo chi hoạt động thường
xuyên[2], lộ trình cải cách tiền lương…), các đơn
vị sự nghiệp nhóm 3 và nhóm 4 khẩn trương xác định dự toán chi thường xuyên
giao tự chủ năm 2024 đề nghị ngân sách nhà nước cấp theo quy định.
- Chi thường xuyên không tự chủ:
Các cơ quan, đơn vị rà soát, báo cáo chi tiết theo từng nội dung chi, trong đó
sắp xếp ưu tiên cho các nhiệm vụ thực hiện chính sách của Nhà nước (như: đào tạo
lại, miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số… nhiệm vụ khoa học và
công nghệ, môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…); thuyết minh
tính cần thiết, cơ sở pháp lý, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, gửi kèm
theo các hồ sơ, tài liệu và thuyết minh (nếu có).
II. Rà soát,
trình phân bổ dự toán thu, chi phí, lệ phí
- Các cơ quan, đơn vị đánh giá
khả năng thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2023; bám sát dự toán ngân sách
năm 2024 đã lập, báo cáo, đề nghị giao dự toán thu cụ thể theo từng loại phí, lệ
phí (chi tiết số thu, số được để lại chi theo chế độ, số nộp ngân sách nhà nước)[3].
- Chi từ nguồn thu phí được để
lại: Căn cứ vào các quy định cụ thể về mức được để lại chi của từng loại phí, các
đơn vị rà soát dự toán chi được để lại cho phù hợp và chi tiết cho từng loại
phí (chi thường xuyên giao tự chủ/ chi thường xuyên không giao tự chủ), trình
cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt các nội dung chi (nếu có), làm cơ sở cho
việc trình, phân bổ, giao hết dự toán chi cho số phí được để lại trước ngày
31/12/2023 theo quy định.
III. Các nội
dung khác
1. Ngoài các nội dung nêu trên,
các cơ quan, đơn vị khi rà soát dự toán chi (ngân sách, phí được để lại) cần
lưu ý một số nội dung sau:
- Kinh phí thực hiện các nhiệm
vụ không thường xuyên phục vụ hoạt động sự nghiệp theo các chương trình, dự án
được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được
cấp có thẩm quyền giao: Ưu tiên bố trí dự toán cho các chương trình, dự án đang
thực hiện dở dang theo tiến độ phải hoàn thành trong năm 2024; các chương
trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo cần ưu tiên tổ chức thực hiện.
- Đối với kinh phí để thực hiện
mua sắm, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất, cần chú ý: Hồ sơ, tài liệu gửi kèm đảm
bảo đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/07/2021 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán
kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Thẩm quyền phê duyệt phải đảm bảo
theo đúng quy định của Luật Quản lý tài sản công và các văn bản hướng dẫn.
2. Về chương trình mục tiêu và
các đề xuất chi khác (nếu có)
Trong thời gian qua, một số cơ
quan, đơn vị có đề xuất nội dung chi chương trình mục tiêu, chương trình mục
tiêu quốc gia[4], đề án[5]…
tuy nhiên hồ sơ đề xuất của đơn vị gửi trực tiếp qua các Bộ chủ quản chương
trình (như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…) gây khó khăn
cho công tác tổng hợp và giao dự toán theo quy định. Để thực hiện việc phân bổ
và giao dự toán chi ngân sách năm 2024, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị căn cứ nội
dung đã đề xuất với Bộ chủ quản chương trình, gửi hồ sơ đề nghị phân bổ dự toán
(kèm theo hồ sơ chương trình, đề án nếu có) về Bộ GTVT để có cơ sở xem xét, triển
khai phân bổ và giao dự toán chi cho đơn vị theo quy định.
IV. Tổ chức
thực hiện
Để đảm bảo thời gian triển khai
thực hiện việc phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 trước
ngày 31/12/2023 theo quy định, Bộ GTVT yêu cầu:
- Các cơ quan, đơn vị có trách
nhiệm rà soát, trình phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 (bao
gồm các hồ sơ, tài liệu theo quy định kèm theo), báo cáo Bộ GTVT trước ngày
05/12/2023, trong đó:
+ Các doanh nghiệp quản lý kết
cấu hạ tầng giao thông có trách nhiệm phối hợp với các Cục quản lý nhà nước
chuyên ngành để rà soát, trình phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm
2024 đúng thời hạn yêu cầu.
+ Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước[6], các Sở GTVT (Sở GTVT và Xây dựng) được ủy quyền
quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam,
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình Bộ GTVT hồ sơ đề nghị phân bổ và giao dự
toán chi cho việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền quản lý, bảo trì kết cấu hạ
tầng giao thông năm 2024.
- Đối với một số nhiệm vụ cần
phê duyệt kế hoạch để triển khai thực hiện như: Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng
giao thông; kế hoạch nhiệm vụ, tuyển chọn hoặc xét chọn nội dung và kinh phí
cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, môi trường; kế hoạch đào tạo bồi dưỡng
cán bộ công chức; kế hoạch thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống
giáo dục quốc dân; kế hoạch tinh giản biên chế….: Giao các Vụ: Tổ chức cán bộ,
Kết cấu hạ tầng giao thông, Vận tải, Khoa học – Công nghệ và Môi trường… theo
chức năng nhiệm vụ chủ động tham mưu, chỉ đạo các cơ quan đơn vị để hoàn thành
việc phê duyệt kế hoạch (nếu có), làm cơ sở cho các đơn vị rà soát, trình phân
bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024, báo cáo Bộ GTVT trước ngày
05/12/2023.
- Giao Vụ Tài chính chủ động
triển khai thông báo số dự toán năm 2024 của Bộ GTVT khi được Bộ Tài chính giao
dự toán chi ngân sách.
- Trên cơ sở hồ sơ trình phân bổ
dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 của các đơn vị và các tài liệu có
liên quan, Vụ Tài chính tham mưu việc phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân
sách nhà nước năm 2024 trước ngày 31/12/2023 theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước.
- Thủ trưởng đơn vị chịu trách
nhiệm trước Bộ trưởng trong việc trình hoặc làm ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ
và giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước.
Yêu cầu các cơ quan đơn vị, khẩn
trương thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Thứ trưởng (để c/đ);
- Lưu VT, TC (Bổng)
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Thắng
|
[1] Bộ GTVT xây dựng
dự toán chi sự nghiệp kinh tế năm 2024 phương án tính đủ là 56.892.176 triệu đồng;
phương án tối thiểu là 28.268.071 triệu đồng, Bộ Tài chính thông báo số kiểm
tra dự kiến chi thường xuyê ngân sách nhà nước là 10.061.040 triệu đồng.
[2] Theo quy định
tại điểm c, khoản 4 Điều 19, Thông tư số 51/2023/TT-BTC ngày 17/07/2023 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế
hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026.
[3] Lưu ý: Không
đưa vào dự toán thu, chi phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước các khoản thu
mang tính chất giá dịch vụ (kể cả các khoản trước đây là phí nhưng nay đã chuyển
thành giá dịch vụ).
[4] Chương trình mục
tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững;
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
[5] Đề án hỗ trợ
thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo…
[6] “Trường hợp
cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngân sách cấp trên ủy quyền cho cơ quan quản lý
nhà nước thuộc ngân sách cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình thì cơ quan ủy
quyền thực hiện phân bổ, giao dự toán cho cơ quan được ủy quyền như đối với các
đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc của mình chi tiết theo từng nhiệm vụ được ủy
quyền”