ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 681/QĐ-UBND
|
Cần Thơ, ngày 15
tháng 3 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN “THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN
2021 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 21/11/20219;
Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của
Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của
Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn
đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2020 của
Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày
11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển
thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2026;
Căn cứ Nghị định số 103/2018/NĐ-CP ngày
07/8/2018 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính,
ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ;
Căn cứ Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022
của Chính phủ về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế;
Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01/12/2014
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 11476/QĐ-BCT ngày 18/12/2014
của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kế hoạch hành động của ngành Công Thương
thực hiện đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2030;
Căn cứ Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015
của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm
logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 4051/QĐ-BCT ngày 10/10/2016
của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch địa điểm kho hàng hóa phục vụ
ngành công nghiệp chế biến vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long đến
năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;
Căn cứ Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25/5/2018 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn
2018 - 2020, có xét đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20/7/2020
của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Cần Thơ
thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020
của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông
Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 287/QĐ/QĐ-TTg ngày
28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến 2050;
Căn cứ Quyết định số 1647/QĐ-UBND ngày 02/8/2021
của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt Đề cương và dự toán
kinh phí thực hiện đề án “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thành phố Cần
Thơ giai đoạn 2021 -2025, tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số 4139/QĐ-UBND ngày
07/12/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc thành lập Hội đồng
đánh giá nghiệm thu đề án “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thành phố Cần
Thơ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” ;
Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội
tại Tờ trình số 51/TTr-VKTXH ngày 03/3/2023 về việc phê duyệt Đề án “Thu hút đầu
tư vào lĩnh vực công nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến
năm 2030”, Báo cáo số 50/BC-VKTXH ngày 01/3/2022 của Viện Kinh tế - Xã hội báo
cáo kết quả nghiệm thu “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thành phố Cần
Thơ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp
thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (kèm theo Đề
án) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Sự cần thiết, tính cấp
bách và ý nghĩa thực tiễn
Công nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển
kinh tế của thành phố Cần Thơ (TPCT) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trong hơn 15 năm qua, tỷ trọng của khu vực II luôn duy trì ớ mức trên 30% trong
tổng cơ cấu GRDP, năm 2020 là 32,71%. Trong đó, riêng nhóm ngành công nghiệp chế
biến chế tạo chiếm đến 25,07% tổng cơ cấu GRDP, cao nhất trong nền kinh tế và
giữ khoảng cách khá xa so với nhóm ngành ở vị trí thứ hai là ngành bán buôn,
bán lẻ và sửa chữa (16,42%). Ngành công nghiệp chế biến nông - thủy sản đóng
góp cho 70% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố và là một mắt xích quan
trọng trong chuỗi cung ứng các mặt hàng nông - thủy sản chủ lực của vùng ĐBSCL.
Chất lượng tăng trưởng của khu vực II đạt cao hơn chất lượng tăng trưởng của cả
nền kinh tế, với đóng góp của TFP lên đến 40,88% giai đoạn 2013 -2018, trong
khi TFP của cả nền kinh tế là 20,06%. Hiện tại, TPCT đang có GRDP khu vực II đứng
thứ 2 ĐBSCL (sau Long An).
Tuy nhiên, TPCT chưa thực sự trở thành trung tâm
công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của vùng ĐBSCL; tỷ trọng đóng góp của
ngành công nghiệp thành phố cho vùng chưa cao, công nghiệp hỗ trợ còn chiếm tỷ
lệ thấp; tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao còn thấp;
việc thu hút nguyên liệu từ các tỉnh lân cận để chế biến thành sản phẩm tinh, tạo
sức lan tỏa của công nghiệp thành phố đối với các tỉnh trong vùng chưa nhiều.
Việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) còn gặp nhiều
khó khăn về đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp quy mô lớn;
các KCN hoạt động theo hướng đa ngành nghề; thành phố hiện chưa có khu công
nghiệp chuyên ngành và khu công nghiệp công nghệ cao. Quy mô doanh nghiệp trong
lĩnh vực công nghiệp của TPCT có đến 96% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ,
trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ là 57%. Ngoài ra, TPCT có số dự án FDI thấp so với
các thành phố trực thuộc Trung ương.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, Đề án thu hút đầu
tư vào lĩnh vực công nghiệp của TPCT giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 nhằm
đánh giá lại hiện trạng và xác định các vấn đề trọng tâm cho phát triển công
nghiệp giai đoạn tới với vai trò trung tâm động lực phát triển của ĐBSCL, bao gồm
ngành chủ lực, hỗ trợ, bố trí không gian và kết cấu hạ tầng. Qua đó, đề xuất
danh mục thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và chính sách có liên quan. Kết
quả của Đề án sẽ đóng góp vào nhiệm vụ lập quy hoạch TPCT thời kỳ 2021 - 2030,
tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp và các kế hoạch
trong phát triển thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm công nghiệp của vùng
ĐBSCL, để công nghiệp tiếp tục là khu vực quan trọng trong phát triển thành phố,
hình thành những CCN có giá trị gia tăng cao của công nghiệp chế biến, chế tạo;
khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng sạch, bền vững và hiệu
quả, đóng góp tích cực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài ra, kết quả của Đề án còn nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi để thu
hút đầu tư từ xu hướng dịch chuyển đầu tư của thế giới và thiết lập chuỗi cung ứng
toàn cầu mới mà Việt Nam đang có nhiều cơ hội; khai thác hiệu quả các hiệp định
thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA thông qua các biện pháp gia tăng giá trị
gia tăng trong sản phẩm công nghiệp của thành phố.
2. Quan điểm, định hướng, mục
tiêu
a) Quan điểm phát triển
Quan điểm phát triển ngành công nghiệp của thành phố
Cần Thơ là chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp theo hướng tăng dần
cơ cấu công nghiệp công nghệ cao, sắp xếp các nhóm ngành công nghiệp theo mức độ
ưu tiên để phân bổ hợp lý các nguồn lực theo thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực
và địa phương1. Cụ thể:
- Phát triển thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm
công nghiệp của vùng ĐBSCL.
- Phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, năng suất,
chất lượng và hiệu quả; tăng dần cơ cấu các ngành công nghiệp ưu tiên và ngành
công nghiệp đem lại giá trị gia tăng cao nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu
công nghiệp theo hướng hiện đại, làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp và
công nghiệp chế biến của các địa phương khác theo phân khu chức năng của vùng.
- Chuyển dịch cơ cấu các ngành sản xuất công nghiệp
theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nâng cao hàm lượng chế biến,
chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp.
- Thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng đối với các
dự án có công nghệ tiên tiến, quy mô lớn, có tiềm lực tài chính, sản phẩm có
tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp lớn cho ngân
sách, an sinh xã hội; dự án có tính lan tỏa cao trong phát triển kinh tế - xã hội
của thành phố Cần Thơ.
b) Định hướng phát triển
Định hướng chung liên quan đến phát triển ngành
công nghiệp thành phố Cần Thơ bao gồm:
- Thứ nhất, phát triển công nghiệp thành phố Cần
Thơ phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với phát triển kinh tế của thành phố,
phù hợp với sự phát triển công nghiệp chung của cả nước và vùng ĐBSCL, tương xứng
với vai trò đầu tàu đối với vùng ĐBSCL và là động lực để xây dựng Cần Thơ cơ bản
trở thành một thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại.
- Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công
nghiệp thành phố theo hướng tăng dần cơ cấu công nghiệp công nghệ cao, trên cơ
sở sắp xếp các nhóm ngành công nghiệp theo mức độ ưu tiên để phân bổ các nguồn
lực hợp lý và phù hợp với thế mạnh của từng ngành/lĩnh vực và địa phương.
- Thứ ba, chú trọng đẩy mạnh phát triển các ngành,
sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao; tập trung vào công nghiệp chế biến
theo hướng tinh chế nhằm nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu gắn với thị trường
tiêu thụ; ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại,
thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả về năng suất, chất lượng và sức cạnh
tranh trên thị trường trong quá trình hội nhập.
- Thứ tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đầu
tư từ Trung ương và các địa phương bên ngoài để xây dựng hệ thống hạ tầng công
nghiệp đồng bộ, hướng doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, CCN đã quy hoạch.
- Thứ năm, phát triển và ứng dụng KHCN hiện đại
trong các ngành sản xuất công nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản
xuất công nghiệp; từng bước nâng cao năng lực quản lý điều hành, năng lực hội
nhập kinh tế quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN.
- Thứ sáu, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các
doanh nghiệp công nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tham gia sâu
vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế,
hợp tác liên tỉnh, liên vùng trong đầu tư phát triển công nghiệp; tích cực phối
hợp, liên doanh liên kết với các tổng công ty, tập đoàn kinh tế chuyên ngành của
cả nước để tận dụng khả năng về đầu tư vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng
cao năng lực, trình độ quản lý.
- Thứ bảy, phát triển công nghiệp trên cơ sở hài
hòa với các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ; chú trọng
phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bên cạnh phát triển mạnh công
nghiệp nông thôn để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông
thôn; phát triển công nghiệp đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái,
giữ vững quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội.
c) Mục tiêu cụ thể và lộ trình phát triển
Mục tiêu của Đề án là thu hút đầu tư trong các
ngành công nghiệp nhằm phát triển các ngành công nghiệp, sản phẩm công nghiệp
chủ lực (chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản; sản xuất hóa chất (dược
phẩm, phân bón, cao su, nhựa); công nghiệp công nghệ cao (điện tử, viễn thông,
công nghệ thông tin...); cơ khí chế tạo, vật liệu mới; năng lượng mới và năng
lượng tái tạo và nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể:
- Giai đoạn 2021-2025: tập trung phát triển
công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này là 75.000 - 80.000
tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư bao gồm:
+ Vốn ngân sách: 13.500 - 17.600 tỷ đồng.
+ Vốn từ doanh nghiệp tư nhân và dân cư: 11.250 -
14.400 tỷ đồng.
+ Vốn tín dụng, đầu tư: 11.250 -16.000 tỷ đồng.
+ Vốn hợp tác bên ngoài (doanh nghiệp nhà nước,
doanh nghiệp ngoài nhà nước, FDI): 33.750 - 44.000 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2026-2030: tiếp tục phát triển các
ngành công nghiệp chủ lực và ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp
hiện đại, chuyên môn hóa cạo. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này là 90.000 -
100.000 tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư bao gồm:
+ Vốn ngân sách: 13.500 - 20.000 tỷ đồng.
+ Vốn từ doanh nghiệp tư nhân và dân cư: 16.200 -
20.000 tỷ đồng.
+ Vốn tín dụng, đầu tư: 13.500 - 20.000 tỷ đồng.
+ Vốn hợp tác bên ngoài (doanh nghiệp nhà nước,
doanh nghiệp ngoài nhà nước, FDI): 40.500 - 55.000 tỷ đồng.
3. Tổ chức thực hiện
a) Viện Kinh tế - Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ban
ngành có liên quan và UBND quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện nội dung của
Đề án “Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021
- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo đúng quan điểm, mục tiêu và định hướng đã đề
ra.
b) Sở Công Thương
- Tiếp tục tham mưu UBND thành phố bổ sung giải
pháp, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp trên địa bàn các địa phương sát
với thực tế.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và các quận huyện rà soát, xây dựng kế hoạch kết hợp chặt chẽ trong
phát triển của ba khu vực kinh tế KVI, KVII và KVIII.
- Xây dựng cơ chế ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo
tại các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp.
c) Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực
hiện các công việc liên quan đến thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp
thành phố thuộc trách nhiệm của đơn vị mình; đồng thời phối hợp với Sở Công
Thương xử lý các vấn đề liên quan theo đề xuất của Sở Công Thương.
d) UBND quận, huyện
- Cụ thể hoá và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát
triển ngành công nghiệp và các đề án, kế hoạch liên quan khác trên địa bàn theo
định hướng, mục tiêu tái thu hút ngành công nghiệp theo Đề án này.
- Cập nhật nội dung Đề án vào kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội và các ban ngành liên quan hàng năm, 05 năm của từng địa
phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc sở, Thủ
trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và
các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, PCT UBND TP (1AE);
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Sở Công Thương;
- Sở Khoa học và Công nghệ;
- UBND quận; huyện;
- Cổng TTĐT TPCT;
- VP UBND TP (3B)
- Lưu: VT. NNQ
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hồng
|
1 Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 12/3/2021
của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt Đề án tái cơ cấu sản xuất công
nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng hiện đại.