Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2146/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 01/12/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2146/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG THƯƠNG PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Tờ trình số 9457/TTr-BCT ngày 25 tháng 9 năm 2014 về Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG

1. Quan điểm

a) Tái cơ cấu ngành công thương là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước;

b) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức cơ cấu bộ máy hợp thông qua các cơ chế, chính sách, phân định rõ vai trò, chức năng của nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, các biện pháp can thiệp hành chính, tạo động lực khuyến khích, chuyển dịch, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường nhằm thúc đẩy phát triển ngành;

c) Thực hiện tái cơ cấu ngành công thương vừa phải thực hiện theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; thực hiện chuyển mạnh từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và giá trị gia tăng của ngành, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về xã hội;

d) Thực hiện tái cơ cấu ngành công thương hướng đến xây dựng cơ cấu hợp lý trong các ngành công nghiệp, thương mại với sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung; gắn phát triển ngành công thương với bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, ổn định và bền vững;

đ) Gắn nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp với tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; tập trung phát triển mạnh một số ngành sản xuất ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ để cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển một số ngành có khả năng lan tỏa, nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển;

e) Tiếp tục mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; thu hút sự tham gia tích cực của người dân và các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân trong nước và ngoài nước để huy động tối đa và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội;

g) Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần phải được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng chương trình hành động để thực hiện và một hệ thống giám sát, đánh giá, tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Tái cơ cấu ngành công thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành. Nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động của ngành, xây dựng mô hình quản lý nhà nước về năng lượng hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Phát triển công nghiệp với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ; khai thác triệt để các lợi thế sẵn có và chủ động tạo ra lợi thế trong nước và các cơ hội quốc tế; tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất công nghiệp khu vực và thế giới để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phấn đấu đến năm 2030, chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) của Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực;

- Phát triển công nghiệp trên cơ sở huy động hiệu quả nhất mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế; chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp;

- Phát triển nguồn năng lượng hợp lý, theo cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đẩy mạnh đánh giá trữ lượng tài nguyên, thăm dò, đầu tư mua mỏ ở nước ngoài; tiến tới thực hiện đấu thầu trong các hoạt động khai thác tài nguyên;

- Tiếp tục phát triển thị trường ngoài nước để tăng nhanh xuất khẩu; xây dựng và củng cố các đối tác hợp tác chiến lược để phát triển thị trường bền vững; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh lệ thuộc vào một thị trường nhập khẩu; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát hợp lý nhập khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu lớn;

- Coi trọng và phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng nền thương mại trong nước phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia đa dạng của các loại hình tổ chức và các thành phần kinh tế; khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp lớn thông qua quá trình tích tụ và tập trung; phát huy vai trò và vị trí của thương mại trong nước trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, định hướng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân; đặc biệt quan tâm phát triển thị trường ở vùng biên giới, miền núi, hải đảo;

- Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tiếp tục nâng cao vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế; chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới thực sự mang lại lợi ích quốc gia; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế gắn kết chặt chẽ với yêu cầu giữ vững độc lập tự chủ và phát triển bền vững;

- Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải vào những lĩnh vực ngành nghề không thuộc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính, không hiệu quả, đẩy nhanh việc thoái vốn so với lộ trình tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 6,5 - 7,0%, giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7,5 - 8,0%;

- Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu kinh tế (%/GDP) đến năm 2020 chiếm 42 - 43% và đến năm 2030 chiếm 43 - 45%;

- Giảm điện năng dùng để truyền tải và phân phối điện tới năm 2015 khoảng 8%, năm 2020 xuống dưới 8%;

- Hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2015 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1,0 và đến năm 2030 đạt < 1,0;

- Phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác hầm lò đến năm 2020 xuống 25% và sau năm 2020 dưới 25%, khai thác lộ thiên đến năm 2020 xuống 5% và sau năm 2020 dưới 5%; đến năm 2020, tăng hệ số thu hồi trong sàng tuyển chế biến than lên 90%;

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 15%/năm; kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 5% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020; thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030;

- Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào GDP của cả nền kinh tế: đến năm 2015 chiếm khoảng 14%, tới năm 2020 chiếm tỷ trọng khoảng 14,5 - 15%, tới năm 2030 khoảng 15,5 - 16%.

3. Định hướng

- Tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi, cung cấp thông tin có chất lượng, tháo gỡ các khó khăn, rào cản cho phát triển của doanh nghiệp, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành;

- Nâng cao hiệu quả, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành thông qua việc xác định lại nhiệm vụ chính, củng cố, sắp xếp lại tổ chức hoạt động, cơ cấu lại vốn chủ sở hữu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, cơ chế quản lý, quản trị nguồn nhân lực, gắn cơ cấu tập đoàn, tổng công ty với tái cơ cấu ngành và tái cấu trúc nền kinh tế.

- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất thử nghiệm sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, dịch vụ khoa học và công nghệ phục vụ đổi mới, hoàn thiện công nghệ, hoàn thiện sản phẩm, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa trong chế tạo các hệ thống thiết bị đồng bộ; nâng cao tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp. Hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình hoạt động của các Viện nghiên cứu thuộc ngành;

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nâng cao năng lực hoạch định chính sách, tổ chức quản lý ngành; phát triển sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc ngành; huy động các trường, các cơ sở đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân tham gia đào tạo mới và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành;

- Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, các tiêu chuẩn môi trường thuộc ngành hoặc tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển ngành. Kiên quyết không chấp thuận các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, sử dụng tài nguyên và năng lượng không hiệu quả, ô nhiễm môi trường;

- Rà soát các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và chương trình đã được phê duyệt; chỉ được quyết định đầu tư khi dự án đã được lựa chọn theo đúng quy trình và thứ tự ưu tiên, đã xác định nguồn vốn và khả năng cân đối, bố trí đủ vốn hoàn thành dự án đầu tư. Tăng cường thẩm quyền và năng lực của hệ thống giám sát đối với đầu tư công, tăng cường chấp hành pháp luật, cơ chế chính sách, nâng cao trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát trong đầu tư công.

II. NỘI DUNG TÁI CƠ CẤU THEO TỪNG LĨNH VỰC

1. Lĩnh vực công nghiệp

Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên hướng đến tập trung phát triển một số ngành công nghiệp: sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao; giá trị xuất khẩu lớn; tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển; sử dụng công nghệ cao; tạo nhiều việc làm đòi hỏi trình độ cao; giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn.

a) Ngành công nghiệp nặng

Chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm chuyển dịch cơ cấu sản phẩm ở các ngành: cơ khí - luyện kim, hóa chất, cao su. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, cơ khí. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển cơ khí trọng điểm. Khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư tập trung, quy mô lớn trong các ngành: thép, kim loại màu, khai thác khoáng sản, hóa chất.

- Ngành cơ khí

+ Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế chế tạo sản phẩm mới và chuyển giao công nghệ, đầu tư một số trung tâm đúc, tạo phôi hiện đại, đồng thời để tập trung phát triển trong giai đoạn đến năm 2020 các sản phẩm: máy móc nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ô tô, đóng tàu biển... Lựa chọn các dự án điển hình trong các ngành hàng ưu tiên phát triển để thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng. Lựa chọn và tập trung đầu tư có trọng điểm cho một số đơn vị nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực tổng thiết kế các chương trình thiết bị đồng bộ và chế tạo sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đầu tư xây dựng các Trung tâm trình diễn cơ khí hóa nông nghiệp;

+ Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, trong đó chọn lọc và ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho công nghiệp ô tô; đóng tàu; cơ khí giao thông vận tải; máy động lực; máy và thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến; xử lý và tráng phủ kim loại sử dụng công nghệ hiện đại; gia công, chế tạo các chi tiết cơ khí có độ chính xác cao; các sản phẩm có tính trao đổi cao, sản lượng lớn… nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu, tăng giá trị tăng thêm của ngành, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia.

- Ngành hóa chất

+ Phát triển sản xuất dựa trên việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên, tích cực tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới để phát triển; ứng dụng công nghệ hiện đại để chuyển dịch cơ cấu, nhằm gia tăng giá trị tăng thêm của ngành, sản xuất các mặt hàng thiết yếu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm như: phân bón, sản phẩm cao su, hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa chất tinh khiết, hóa dược, hóa chất tiêu dùng;

+ Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, tạo nên sự phát triển cân đối, hợp lý trong ngành công nghiệp hóa chất; hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn. Hạn chế tối đa việc hình thành các cơ sở sản xuất, chế biến hóa chất quy mô nhỏ. Xây dựng kế hoạch di dời, tập trung các nhà máy sản xuất hóa chất vào khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung.

- Ngành điện tử, công nghệ thông tin

+ Xây dựng định hướng phát triển và tìm một số khâu đột phá để tập trung đầu tư sản xuất, ưu tiên thu hút các công nghệ hiện đại, sản xuất một số linh phụ kiện chủ chốt nhằm đẩy mạnh hơn nữa trong chuyển dịch cơ cấu, đóng góp lớn hơn vào giá trị tăng thêm của ngành. Xây dựng ngành sản xuất linh, phụ kiện điện tử theo hướng gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế. Sản xuất một số sản phẩm điện tử - tin học chất lượng cao (không nhất thiết là sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng) để tham gia vào thị trường quốc tế. Khuyến khích phát triển các phần mềm, đặc biệt là phần mềm nhúng trong các thiết bị phần cứng, điện tử, viễn thông, đáp ứng nhu cầu nội địa. Phát triển các lĩnh vực mang tính lưỡng dụng phục vụ quốc phòng như: điện tử điều khiển tên lửa hành trình, điện tử viễn thông do thám, tìm kiếm; điện tử trong các thiết bị bay không người lái;

+ Đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, bao gồm các lĩnh vực phần cứng - điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin; tập trung đào tạo phát triển đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao; đầu tư xây dựng hình thành mạng lưới các khu công nghệ thông tin tập trung để thu hút đầu tư của các tập đoàn hàng đầu thế giới; ưu tiên mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm phần cứng - điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin mang thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng cao.

- Ngành thép

+ Chuyển dịch cơ cấu sản xuất sản phẩm từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế; ưu tiên phát triển các sản phẩm thép hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được; chuyển từ quy mô nhỏ, phân tán sang quy mô trung bình và lớn, tập trung phát triển một số doanh nghiệp thép trong nước đạt sản lượng 2 - 3 triệu tấn/năm, có trình độ công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường;

+ Quản lý chặt chẽ nguồn quặng sắt theo quy định của Luật Khoáng sản và quy hoạch được duyệt và nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất gang, thép; xây dựng lộ trình loại bỏ dần các nhà máy gang, luyện thép và cán thép quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sử dụng tài nguyên và năng lượng không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường;

+ Xây dựng hệ thống phân phối thép phù hợp với mô hình xã hội hóa lưu thông, cơ chế thị trường và phù hợp với Luật doanh nghiệp hiện hành.

- Khai thác khoáng sản

+ Đẩy mạnh, tập trung vốn nhà nước và khuyến khích doanh nghiệp tự bỏ vốn điều tra cơ bản địa chất tìm kiếm, thăm dò đánh giá tài nguyên trữ lượng trên đất liền và thềm lục địa biển Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản 1/50.000 trên đất liền và ven biển ở độ sâu 30 m nước;

+ Đẩy mạnh phát triển dự án khai thác, chế biến sâu khoáng sản theo hướng tập trung với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Hình thành các cụm công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung: bôxit-alumin-nhôm, titan, apatit, đá hoa trắng, đồng, gang thép;

+ Đẩy mạnh hợp tác đầu tư nước ngoài một số dự án gồm: đầu tư đồng bộ tổ hợp nhà máy điện - nhà máy điện phân nhôm tại Việt Nam; đầu tư nhà máy điện phân nhôm tại nước ngoài (nơi có nguồn điện và giá hợp lý) sử dụng alumin sản xuất tại Việt Nam; đầu tư chế biến sâu quặng titan (pigment, titan kim loại) tại Việt Nam; đầu tư tuyển quặng apatit loại 2 có hàm lượng 15% ≤ P2O5 ≤ 28% và loại 4 có hàm lượng P2O5 < 15% để đạt tinh quặng có hàm lượng P2O5 ≥ 32% cung cấp nguyên liệu cho sản xuất phân bón và hóa chất; đầu tư khai thác, chế biến đất hiếm Lai Châu;

+ Tăng cường việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản và quản lý môi trường. Tiến tới đấu thầu quyền khai thác mỏ, hoạt động khai thác mỏ hoặc một số hoạt động khai thác mỏ.

b) Ngành công nghiệp nhẹ

Chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm chuyển dịch cơ cấu sản phẩm ở các ngành: dệt may, da giày, nhựa, đồ uống, thuốc lá, giấy, dầu thực vật...; quy hoạch các khu cụm công nghiệp tập trung có xử lý nước thải đảm bảo môi trường và tập trung phát triển nguyên phụ liệu trong các ngành dệt may, da giày; tập trung và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vùng nguyên liệu cho các ngành: sữa, thuốc lá, giấy.

- Ngành dệt may

+ Nhanh chóng hình thành các cụm dệt may, tạo mạng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong ngành, phát triển chuỗi giá trị của ngành; hình thành các liên minh và các tổ chức hợp tác giữa các công ty dọc theo chuỗi cung ứng từ cung ứng nguyên liệu đến phân phối sản phẩm may mặc;

+ Khuyến khích đầu tư xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung; khuyến khích, thu hút đầu tư sản xuất vải, sản phẩm dệt, kỹ thuật, y tế và phụ liệu phục vụ ngành may; các sản phẩm từ hóa dầu (xơ, sợi, hóa chất, thuốc nhuộm,…); ưu tiên đầu tư cho dự án sản xuất bông có tưới; nghiên cứu khả năng sản xuất các sản phẩm hóa dầu phục vụ cho dệt may;

+ Xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn để cung ứng kịp thời cho các doanh nghiệp trong ngành;

+ Xây dựng kế hoạch đào tạo lao động ngành dệt may theo hướng hình thành cụm; củng cố và phát triển hệ thống đào tạo chuyên ngành dệt may. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho các Viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo cho ngành dệt may;

+ Phát triển vùng trồng nguyên liệu bông có tưới; nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng quy hoạch phục vụ cho cây nguyên liệu. Đầu tư vào thiết kế và thời trang; tập trung phát triển thị trường nội địa.

- Ngành da giày

Phát triển mạnh sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ ngành da nhằm tạo giá trị tăng thêm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành. Khẩn trương xây dựng khu công nghiệp tập trung cho thuộc da. Nâng cao năng lực tự thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới. Ưu tiên sản xuất giày thể thao và giày vải trong sản xuất và xuất khẩu; sản xuất giày dép da thời trang và cặp túi ví chất lượng cao phục vụ thị trường mới, thị trường cao cấp và thị trường nội địa. Xây dựng các khoa hoặc các bộ môn về da giày tại các trường đào tạo nghề, các Viện nghiên cứu nhằm bổ sung nhân lực cho ngành.

- Ngành thuốc lá

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá chất lượng cao phù hợp với quy hoạch đảm bảo cung cấp ổn định nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu;

+ Thu hút các nguồn vốn đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến sợi thuốc lá nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thuốc lá theo hướng tăng tỷ lệ sản phẩm trung và cao cấp, giảm Tar, Nicotine và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm thuốc lá xuất khẩu; quản lý chặt chẽ năng lực sản xuất sản phẩm trong nước và nhập khẩu thuốc lá nhằm đảm bảo nguồn cung hợp pháp, phù hợp với nhu cầu, thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá;

+ Quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối, kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc lá; liên kết giữa các ngành hóa dầu, nhựa, giấy... để sản xuất phụ liệu thuốc lá thay thế nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm trong nước và xuất khẩu;

+ Tổ chức, sắp xếp các đơn vị sản xuất sản phẩm thuốc lá theo hướng tập trung đầu mối, thực hiện cổ phần hóa các đơn vị theo đúng lộ trình đã phê duyệt.

- Ngành bia, rượu, nước giải khát

+ Đối với nước giải khát: Đẩy mạnh các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất nước giải khát với quy mô lớn, thiết bị công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu trong nước kết hợp với xây dựng vùng nguyên liệu, trong đó ưu tiên sản xuất nước giải khát từ hoa quả và các nước giải khát bổ dưỡng;

+ Đối với rượu: Khuyến khích phát triển sản xuất rượu quy mô công nghiệp chất lượng cao, giảm dần rượu nấu thủ công quy mô gia đình. Chú trọng phát triển rượu vang từ các loại hoa quả tươi gắn với phát triển các vùng nguyên liệu ở các địa phương;

+ Đối với bia: Kiểm soát chặt quy hoạch phát triển phù hợp cung cầu thị trường. Đặc biệt, không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án quy mô quá nhỏ (bia với công suất dưới 50 triệu lít/năm; rượu với công suất dưới 5 triệu lít/năm) và các dự án áp dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các dự án không đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp;

+ Đối với công nghiệp hỗ trợ của rượu, bia, nước giải khát: Đầu tư thêm hoặc mở rộng các nhà máy thủy tinh đã có để có thể nâng công suất. Giảm tỷ lệ nhập khẩu Malt và kêu gọi đầu tư sản xuất Malt trong nước, nhằm chủ động nguyên liệu sản xuất.

- Ngành dầu thực vật

Phát triển vùng nguyên liệu là ưu thế của Việt Nam như cám gạo, đậu tương, mè. Nâng cấp chất lượng sản phẩm, sản xuất dầu thực vật chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ trung cấp lên cao cấp. Đẩy mạnh phát triển thương hiệu. Nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu thông qua quy chuẩn sản phẩm để kiểm soát sản phẩm nhập khẩu.

- Ngành giấy

Phát triển ngành công nghiệp giấy theo các khu vực tập trung với quy mô đủ lớn: ưu tiên, khuyến khích các nhà máy giấy, các nhà máy bột giấy có công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên. Ưu tiên đầu tư sản xuất các loại giấy bao bì công nghiệp chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng trong công nghiệp sản xuất bột giấy và giấy, trong việc xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn, tái sử dụng nước, khép kín dây chuyền sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bố trí phát triển vùng nguyên liệu giấy phù hợp với quy hoạch chung của ngành nông nghiệp, gắn liền với quy hoạch giống cây trồng. Nâng cao hiệu quả thu gom và tái chế giấy loại (OCC và DIP).

- Ngành sữa

+ Tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu. Tập trung phát triển năng lực sản xuất sữa thanh trùng và tiệt trùng, sữa bột và sữa chua, kem cao cấp và các sản phẩm mới từ sữa;

+ Phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ nguyên liệu sữa bột nhập ngoại. Phát triển công nghiệp chế biến sữa gắn chặt với việc phát triển vùng chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp và tăng nhanh tổng đàn bò sữa trong nước;

+ Không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án sản xuất sữa không đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa; các dự án áp dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các dự án không đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và chất thải chăn nuôi.

- Ngành nhựa

Chuyển đổi cơ cấu các nhóm sản phẩm theo hướng giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật. Đẩy mạnh đầu tư giải quyết nhu cầu về nguyên liệu, kết hợp với ngành hóa dầu để sớm hoàn thành các dự án cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, xây dựng nhà máy xử lý, tái chế phế liệu. Tìm kiếm các thị trường nhập khẩu có tính ổn định và thuận lợi về vận chuyển (các quốc gia ASEAN). Nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu thông qua quy chuẩn kỹ thuật để kiểm soát sản phẩm nhựa nhập khẩu.

2. Lĩnh vực năng lượng

Tìm kiếm, đa dạng hóa trong huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành năng lượng. Phân bổ nguồn vốn đầu tư hợp lý, đầu tư trong và ngoài nước đảm bảo hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh, tập trung vốn nhà nước và khuyến khích doanh nghiệp tự bỏ vốn điều tra cơ bản địa chất tìm kiếm, thăm dò đánh giá tài nguyên trữ lượng trên đất liền và thềm lục địa biển Việt Nam làm cơ sở để kêu gọi đầu tư và đấu thầu các hoạt động khai thác mỏ. Đẩy mạnh khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, phân phối, dịch vụ dầu khí trong và ngoài nước; gia tăng trữ lượng, đầu tư mua mỏ ở nước ngoài.

Xây dựng Đề án thành lập cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng. Phân định rõ giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh trong ngành Dầu khí. Cơ cấu lại mô hình hoạt động của các tổng công ty phát điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, các tổng công ty điện lực, Công ty Mua bán điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phấn đấu hệ số đàn hồi năng lượng tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực.

a) Ngành điện

- Hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ đồng bộ với việc hình thành thị trường năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí...) tại Việt Nam;

- Thực hiện tái cơ cấu ngành điện nhằm đáp ứng các điều kiện hình thành các cấp độ thị trường điện lực;

- Kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường theo quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

b) Ngành than

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình mỏ thông qua việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư để phát huy tối đa mọi nguồn lực, đồng thời phải đảm bảo quyền sở hữu chi phối của nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư và đáp ứng nhu cầu sản lượng theo quy hoạch;

- Đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong công tác thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng than xác minh và nâng cấp trữ lượng than hiện có trong nước bằng các phương pháp đánh giá, tính toán theo tiêu chuẩn trong nước kết hợp với quốc tế, nhằm nâng cao độ tin cậy; đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác than ở nước ngoài;

- Đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường, nguồn than nhập khẩu; đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ chế biến than để tạo ra chủng loại than phù hợp đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện;

- Khẩn trương làm việc với các đối tác nước ngoài, lựa chọn địa điểm phù hợp để thực hiện dự án thử nghiệm khí hóa than ngầm kết hợp với thu hồi và lưu trữ carbon tại bể than Đồng bằng Sông Hồng;

- Quy hoạch, thiết kế xây dựng mới, cải tạo mở rộng các mỏ hiện có theo hướng tập trung, công suất lớn với dây chuyền công nghệ đồng bộ và hiện đại; tối ưu hóa sản lượng để đảm bảo khai thác ổn định lâu dài;

- Giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác hầm lò và khai thác lộ thiên; tăng hệ số thu hồi than. Tiến tới thực hiện đấu thầu trong hoạt động khai thác mỏ hoặc một số hoạt động khai thác mỏ, quyền khai thác mỏ;

- Rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho lao động ngành mỏ, đặc biệt đối với thợ lò phù hợp với thực tế để hỗ trợ và thu hút lao động cho ngành.

c) Ngành dầu khí

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho ngành dầu khí và các hoạt động của ngành dầu khí, phù hợp với bản chất doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch theo cơ chế thị trường. Hoàn thiện cơ chế chính sách cho việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, cho việc mua mỏ ở nước ngoài, các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn theo hướng tạo môi trường bình đẳng để thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dầu khí;

- Phát triển cân đối ngành dầu khí từ hạ nguồn đến thượng nguồn. Khuyến khích và đẩy nhanh công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí. Ưu tiên phát triển, khai thác và sử dụng khí thiên nhiên. Khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư thăm dò và khai thác các mỏ khí, đặc biệt là các mỏ nhỏ, các mỏ có trữ lượng giới hạn biên. Hoàn thành mô hình ngành công nghiệp khí và giá khí theo cơ chế thị trường;

- Xây dựng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, lọc - hóa dầu, dịch vụ dầu khí chất lượng cao; áp dụng phương thức quản trị hiện đại.

3. Lĩnh vực thương mại

a) Phát triển xuất khẩu

Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch của ngành công thương triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

- Phát triển ngành hàng xuất khẩu

+ Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: không xuất khẩu đối với khoáng sản quan trọng kể cả dưới dạng tinh quặng;

+ Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến;

+ Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo: phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước;

+ Nhóm hàng mới: rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu.

- Phát triển thị trường xuất khẩu

+ Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống (Nga, Đông Âu); tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng như (Ấn Độ, các nước Nam Á khác, Châu Phi và Trung Đông, Mỹ La-tinh; ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu - EU, ASEAN, Úc). Tập trung xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới cho các mặt hàng nông sản, rau quả của Việt Nam;

+ Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký các thỏa thuận thương mại tự do (FTA/EPA/CEP);

+ Kịp thời thông báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

b) Quản lý nhập khẩu

Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn. Chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, đáp ứng yêu cầu. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu.

c) Thị trường trong nước

- Nghiên cứu, xây dựng chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để xác định đường hướng cơ bản cho phát triển thị trường nội địa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam;

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách, luật pháp về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối theo hướng minh bạch và nhất quán; nghiên cứu đề xuất chính sách nhằm củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại quan tâm phát triển hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tạo điều kiện cho nhân dân trên khắp các vùng miền có điều kiện tiếp cận nguồn hàng Việt Nam có chất lượng và giá thành hợp lý; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất, người nông dân và doanh nghiệp phân phối trong tiêu thụ sản phẩm;

- Hiện đại hóa một bước cơ bản về kết cấu hạ tầng thương mại: Đến năm 2020, tất cả các xã đều có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ đầu mối nông sản, chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; 80% số thị trấn có hình thức tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa. Đến năm 2020, 70% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có mô hình chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Rà soát các quy định có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp;

- Chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại. Phấn đấu tăng tỷ trọng bán lẻ của các loại hình thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới cửa hàng tiện lợi...) trong tổng mức bán lẻ đến năm 2020 đạt 40%. Hình thành 01 sở giao dịch gạo tại Cần Thơ, 01 sở giao dịch cà phê tại Đắk Lắk và một số trung tâm đấu giá hàng nông sản;

- Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại khác, như sàn giao dịch hàng hóa, trung tâm đấu giá, nhượng quyền kinh doanh, thương mại điện tử, hoạt động mua bán hàng hóa tương lai... nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các hoạt động này phát triển;

- Hình thành và phát triển một số tập đoàn thương mại mạnh, kinh doanh hàng hóa chuyên ngành hoặc tổng hợp, có thực lực để cạnh tranh và hợp tác hiệu quả với các tập đoàn phân phối nước ngoài đã và sẽ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam;

- Bảo đảm hoạt động thương mại phát triển lành mạnh và bền vững; nâng cao khả năng tự điều chỉnh của thị trường trước sự tác động của thị trường thế giới; góp phần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng;

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dự báo và giám sát thị trường. Xây dựng mô hình tổ chức bộ máy quản lý thị trường đủ mạnh giúp cho việc quản lý thống nhất, chuyên sâu đối với các hoạt động thương mại, các hoạt động của thị trường;

- Tích cực triển khai quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu... Thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

4. Hội nhập kinh tế quốc tế

a) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế

- Hoàn thiện khuôn khổ chính sách để khai thác các cơ hội và hạn chế thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế;

- Xây dựng các lộ trình tiếp cận, gia nhập các thiết chế quốc tế đa phương mà Việt Nam có lợi ích. Chủ động phòng ngừa, giải quyết tốt các tranh chấp thương mại quốc tế và cảnh báo sớm các vi phạm cam kết quốc tế ở Việt Nam và ở nước ngoài.

b) Hoàn thiện thể chế chỉ đạo, điều phối, thực thi và giám sát thực hiện các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế

- Cải thiện về cơ bản sự phối hợp giữa các chủ thể tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước;

- Tăng cường hoạt động đánh giá, thông tin dự báo để chủ động và linh hoạt hơn trong điều hành, quản lý. Thiết lập, củng cố các cơ chế minh bạch thông tin, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các cơ quan, doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia của các bên có liên quan vào tiến trình hội nhập thông qua kênh tham vấn các cấp; tổ chức thường xuyên, định kỳ hoặc các công cụ truyền thông, điện tử để thu thập ý kiến người dân đối với các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.

c) Thúc đẩy đàm phán, thực thi các thỏa thuận thương mại quốc tế

- Đẩy mạnh đàm phán các thỏa thuận có tác động ổn định hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa. Thúc đẩy các nước đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam;

- Tăng cường khả năng vận dụng tối đa các quy định linh hoạt của các điều ước quốc tế (nhất là các quy định linh hoạt, các ngoại lệ trong pháp luật của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO và trong các hiệp định kinh tế quốc tế khác) để xây dựng những quy định pháp lý, bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất trong nước như: các biện pháp về hàng rào kỹ thuật, biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, các ngoại lệ về quyền sở hữu trí tuệ.

III. GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU

1. Đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển

a) Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa;

b) Ban hành kịp thời các chính sách thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, bao gồm các ưu đãi về thuế, các biện pháp hỗ trợ kinh doanh;

c) Xây dựng Luật Ngoại thương và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp;

d) Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân.

2. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, gắn chiến lược với xây dựng quy hoạch, kế hoạch, quản lý giám sát nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch

a) Tiến hành rà soát, hệ thống hóa các chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu thuộc ngành công nghiệp, thương mại đã được lập và được cấpthẩm quyền phê duyệt để có những sửa đổi, bổ sung và lập mới;

b) Đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch để đưa ra định hướng thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương/lãnh thổ;

c) Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện công khai, minh bạch đối với các loại quy hoạch.

3. Nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp

a) Thực hiện chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm: tập trung đầu tư nguồn vốn vào các dự án trọng điểm theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 05 năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch hàng năm đã được các tập đoàn, tổng công ty xây dựng; chỉ khởi công các công trình, dự án đã đảm bảo đủ các điều kiện như mặt bằng, nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực để triển khai;

b) Điều chỉnh, xây dựng mô hình chiến lược phát triển, cơ cấu lại vốn và tài sản, đổi mới quy trình sản xuất, đa dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; đổi mới tổ chức quản lý, đổi mới và tăng cường hiệu lực quản lý nội bộ phù hợp với từng tập đoàn, tổng công ty; không để tình trạng các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính;

c) Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, cân đối, phân bổ nguồn vốn hợp lý nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty. Chú trọng đến đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm;

d) Tăng cường năng lực và thực hiện có hiệu quả giám sát của các đơn vị thuộc Bộ, của chủ đầu tư về quản lý đầu tư xây dựng công trình bảo đảm dự án đầu tư được chấp thuận đáp ứng đầy đủ tiêu chí, thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả kinh tế - xã hội; tăng cường công khai hóa thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và chủ đầu tư về các công trình đầu tư, đặc biệt các công trình trọng điểm.

4. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp

a) Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; tiến hành rà soát, phân loại, bổ sung phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014 - 2015, xây dựng phương án sắp xếp cho giai đoạn sau; thực hiện đa dạng hóa sở hữu, kiên quyết thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực, ngành không liên quan tới lĩnh vực kinh doanh chính, hiệu quả đầu tư thấp và không có khả năng tăng trưởng về quy mô tại các tập đoàn, tổng công ty. Triển khai quyết liệt các đề án tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt;

b) Nghiên cứu hình thức tổ chức phù hợp cho các doanh nghiệp nhà nước, các Viện nghiên cứu đã và sẽ được chuyển đổi mô hình trong thời gian tới.

5. Phát triển nguồn nhân lực

a) Xác định nhu cầu nhân lực của các ngành làm căn cứ để các cơ sở đào tạo chủ động lập kế hoạch đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu và đào tạo quản trị doanh nghiệp;

b) Triển khai thực hiện việc sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc Bộ theo cụm, vùng. Thực hiện chương trình hành động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình, đầu tư cho phương tiện giảng dạy - học tập, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu, mục tiêu, địa chỉ... gắn đào tạo nghề với các ngành. Khuyến khích, tạo thuận lợi để các cơ sở đào tạo hợp tác, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ năng lao động cho doanh nghiệp;

c) Xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý nhân lực của ngành, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc Bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý; xây dựng hệ thống văn bản điều hành liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của ngành phù hợp với điều kiện thực tế theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc Bộ.

6. Phát triển khoa học công nghệ

a) Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của các cơ quan nghiên cứu, tư vấn dịch vụ khoa học công nghệ theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; chuyển đổi, hình thành và phát triển các mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ;

b) Đẩy mạnh thực hiện các nội dung đã được phê duyệt tại “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương thực hiện;

c) Đầu tư phát triển mới có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm, cải tạo, bổ sung trang thiết bị, chống xuống cấp và nâng cấp các phòng thí nghiệm chuyên ngành với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội thực hiện Đề án;

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện xây dựng đề án tái cơ cấu trong từng lĩnh vực cụ thể trình Bộ phê duyệt; điều phối, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Đề án;

- Xây dựng Kế hoạch hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc và địa phương triển khai thực hiện;

- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ thực hiện các đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Hàng năm tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện; chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện;

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, cơ quan hữu quan chủ trì triển khai hội nhập kinh tế quốc tế theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương và triển khai vận động chính trị, ngoại giao phục vụ đàm phán, thực thi các thỏa thuận quốc tế.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách phát triển các vùng kinh tế trọng điểm theo hướng nâng cao hiệu quả của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm;

- Nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao theo hướng mở rộng thu hút các nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Nghị định này, đặc biệt là đầu tư vào vùng biên giới, miền núi, hải đảo... trình Chính phủ xem xét ban hành;

- Xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư làm cơ sở giám sát quá trình thực hiện đầu tư đồng thời làm công cụ đánh giá hiệu quả đầu tư;

- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các Luật: Đầu tư, Đầu tư công, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Hợp tác xã.

3. Bộ Tài chính

- Nghiên cứu đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách tài chính phục vụ việc thực hiện Đề án;

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất nhập khẩu của Nhà nước theo hướng bổ sung dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại; dự án đầu tư đầu tư xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung và những mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng vào danh mục được vay vốn ưu đãi... trình Chính phủ xem xét ban hành;

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; ưu tiên cân đối bố trí ngân sách hàng năm thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế;

- Nghiên cứu điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu phù hợp đối với phụ tùng linh kiện nhằm bảo hộ hợp pháp và khuyến khích sản xuất trong nước.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình, đề án khoa học và công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giao Bộ Công Thương quản lý theo tinh thần đổi mới của Luật khoa học và công nghệ;

- Phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thành việc chuyển đổi và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 và hình thành, phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về Doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), thực hiện Globalgap, tiêu chuẩn nông sản, thủy sản xuất khẩu tạo nguồn hàng ổn định cho xuất khẩu;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến như: giấy, dầu thực vật, sữa, ngành chăn nuôi.

6. Bộ Y tế

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình triển khai Luật an toàn thực phẩm.

7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn phục vụ phát triển công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ khí trọng điểm.

8. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công Thương trong việc sắp xếp các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Công Thương;

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công Thương rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho lao động ngành mỏ, đặc biệt đối với thợ lò phù hợp với thực tế.

9. Bộ Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin;

- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1290/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

- Chủ trì thực hiện các nội dung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020 theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Căn cứ Đề án, tổ chức rà soát xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn và tổ chức thực hiện;

- Tạo điều kiện bố trí quỹ đất cho các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy thuộc lĩnh vực: hóa chất, dệt, nhuộm, thuộc da... ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển thương mại trên địa bàn;

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư phát triển chợ, xây dựng mô hình chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

11. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

THE PRIME MINISTER
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
----------------

No. 2146/QD-TTg

Hanoi, December 1, 2014

 

DECISION

APPROVING THE PLAN ON RESTRUCTURING THE INDUSTRY AND TRADE SECTOR TO SERVE THE CAUSE OF NATIONAL INDUSTRIALIZATION, MODERNIZATION AND SUSTAINABLE DEVELOPMENT THROUGH 2020, WITH A VISION TOWARD 2030

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the Resolution of the third Plenum of the Party Central Committee, XIth tenure;

Pursuant to the Government’s Resolution No. 10/NQ-CP of April 24, 2012, promulgating the Government’s plan of action to implement the 2011-2020 socio-economic development strategy and the national development orientations and tasks for the five years 2011-2015;

Pursuant to the Prime Minister’s Decision No. 339/QD-TTg of February 19, 2013, approving the master plan on economic restructuring in association with change of the growth model for higher quality, effectiveness and competitiveness in the 2013-2020 period;

At the proposal of the Minister of Industry and Trade in Report No. 9457/TTr-BCT of September 25, 2014, on the Plan on restructuring the industry and trade sector to serve the cause of national industrialization, modernization and sustainable development through 2020,

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. To approve the Plan on restructuring the industry and trade sector to serve the cause of national industrialization, modernization and sustainable development through 2020, with a vision toward 2030 (below referred to as the Plan), with the following principal contents:

I. VIEWPOINTS, OBJECTIVES AND ORIENTATIONS

1. Viewpoints

a/ Restructuring the industry and trade sector is a component of the overall restructuring of the national economy in conformity with the national socio-economic development strategy and plan;

b/ To enhance state management capacity and organize a rational structure for the apparatus by means of mechanisms and policies, clearly determine the roles and functions of the State and the market in the direction of minimizing barriers and measures of administrative interference, create a momentum for shifting and distributing resources in response to market signals with a view to promoting the sector’s development;

c/ Restructuring the industry and trade sector must both follow the market mechanism and ensure harmonious interests of the State, people and enterprises; to vigorously change from extensive growth to intensive development to raise the quality, labor productivity and added value of the sector while meeting the social requirements;

d/ Restructuring the industry and trade sector is geared to building a rational structure in industries and trade with the participation of all economic sectors, and connecting industrial development with planning consolidated raw-material zones; to associate the sector’s development with environmental protection and proactive response to climate change and sea level rise; to economically and efficiently use energy according to the goal of green, stable and sustainable economic growth;

dd/ To combine raising the production and business capacity and effectiveness of enterprises with restructuring the sector and fields; to focus on strongly developing a number of prioritized manufacturing industries and supporting industries in order to improve and upgrade the development levels of a number of industries that are likely to have spillover effects for promoting and facilitating the development of other sectors;

e/ To continue with the door-open policy and active and proactive international integration; to attract the active involvement of the people and all economic sectors, particularly the private sector at home and abroad, so as to mobilize to the utmost and utilize more effectively resources for socio- economic development;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Objectives

a/ Overall objectives:

Restructuring the industry and trade sector aims to promote the restructuring of the whole economy, and increase the growth quality, labor productivity and competitiveness of the sector. To study and renew the model of operational organization of the sector and create a rational model of state administration of energy to meet the country’s socio-economic development requirements and serve the cause of national industrialization and modernization.

b/ Specific objectives:

- To develop industry with a rational industry- and territory-based structure; to thoroughly exploit available advantages and proactively create domestic advantages and international opportunities; to deeply participate in the regional and global industrial production networks so that by 2020 Vietnam will basically become a modernity-oriented industrial country; to endeavor to achieve the target that by 2030, Vietnam’s competitive industrial performance (CIP) index will be among those of the top countries in the region;

- To develop industry on the basis of mobilizing with the highest effectiveness all resources from various economic sectors; to attach importance to developing prioritized industries and industrial products that serve as the foundation for agricultural and rural modernization; to vigorously promote the development of industries and industrial products with high added value and large export value; to connect manufacturing with developing industrial services;

- To rationally develop energy sources under the market mechanism to meet the country’s socio-economic development requirements; to step up the assessment of natural resource deposits; exploration and purchase of overseas mines; to proceed to organizing bidding in natural resource exploitation activities;

- To further develop overseas markets for quickly increasing export; to build and strengthen strategic partnerships in order to develop sustainable markets; to diversify import and export markets, avoiding reliance on any single import market; to take the initiative in adjusting the growth rate of goods import, rationally control imports, and reduce trade deficits with the markets with which Vietnam has large trade deficits;

- To attach importance to and strongly develop the domestic market; to build a civilized and modern domestic commerce developing sustainably based on a rational structure of distribution systems and channels with the participation of various types of organizations and economic sectors; to encourage and promote the formation of large enterprises through accumulation and concentration; to uphold the role and position of domestic trade in guiding and promoting production development, directing and meeting more and more diverse domestic consumption demands of the people; to pay special attention to developing markets in border and mountainous areas and on islands;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To strongly renew, reorganize, and raise the performance effectiveness of, state enterprises in the sector, increase the use efficiency of state capital invested in these state enterprises, put an end to scattered and thinned-out investment in business lines and fields outside their major production and business tasks or ineffective ones, speed up the divestment of state economic groups and corporations;

- To endeavor to increase the average growth rate in industrial added value to 6.5-7% during 2016-2020 and 7.5 - 8% during 2020-2030;

- To increase the proportion of industry and construction in the economic structure (% of GDP) to 42-43% by 2020 and 43-45% by 2030;

- To reduce power wastage in electricity transmission and distribution to 8% by 2015 and below 8% by 2020;

- The energy plasticity/GDP ratio will be 1.5 by 2015, 1 by 2020, and below 1 by 2030;

- To strive to cut the loss rate of coal exploited from pit mines to 25% by 2020 and below 25% after 2020 and the loss rate of coal exploited from open-cast mines to 5% by 2020 and below 5% after 2020; to increase the recovery rate in coal screening and processing to 90%;

- To strive to increase the annual average growth rate of goods export in the 2016-2020 period to about 15%; to control trade deficit at below 5% of export value by 2015, and proceed to achieving trade balance by 2020 and trade surplus during 2021-2030;

- To strive to increase the contribution of domestic trade to the economy’s GDP to about 14% by 2015, 14.5-15% by 2020 and about 15.5-16% by 2030.

3. Orientations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To increase the effectiveness and improve the production and business capacity and competitiveness of enterprises in the sector through re-defining their major tasks, strengthening and rearranging their operational organization, restructuring their equity capital, reorganizing their production and business and improving their governance and human resource management mechanisms, combining restructuring groups and corporations with restructuring the sector and the economy.

- To strongly apply modern technologies to production and business. To step up research and development (R&D) activities, trial production of products based on research outcomes, science and technology services to serve technology renovation and improvement as well as product improvement, increase the localization rate in the manufacture of complete equipment systems; to increase the contribution rate of science and technology to the added value of industrial products. To finish the renewal of the operational models of research institutes within the sector;

- To train and develop high-quality human resources, attaching importance to raising policymaking and management organization capabilities of the sector; to develop and reorganize training institutions of the sector; to mobilize schools and other training institutions in the national education system to train and retrain human resources to meet the sector’s development requirements;

- To develop the sector’s own standards and technical regulations, quality standards and environmental standards and apply them or international standards in the development of the sector. To resolutely reject investment projects using obsolete technologies, inefficiently using natural resources and energy or causing environmental pollution;

- To review investment projects under the sector’s management; to closely control the scope and size of every investment project according to the approved objectives, field and program; to make investment decisions only when projects have been selected according to prescribed procedures and order of priority, their funding sources have been identified and it is possible to balance and arrange sufficient funds for their completion. To increase the competence and capacity of the supervisory system for public investment, to enhance observance of law, mechanisms and policies, and heighten the responsibility for examination, inspection and supervision of public investment.

II. RESTRUCTURING CONTENTS BY FIELD

1. Industry field

To develop prioritized industries with a focus on developing industries that manufacture products with high added value and large export value; to find markets for supporting industries to develop; to use high technologies; to create many jobs requiring high qualifications; to incrementally reduce industries using a lot of natural resources, minerals and manual labor.

a/ Heavy industry

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Mechanical engineering

+ To prioritize investment in research, design and manufacture of new products and technology transfer, and investment in a number of modern casting centers, at the same time to concentrate on developing through 2020 such products as farm machinery, automobile parts and spare parts, seagoing ships, etc. To select typical projects engaged in the prioritized commodity lines for implementing the credit support policy. To select and concentrate investment on a number of research units with a view to enhancing the overall capacity of designing synchronous equipment programs and manufacturing key mechanical products. To invest in building agricultural mechanization demonstration centers.

+ To develop supporting industries for mechanical engineering, including selecting and prioritizing development of the manufacture of mechanical products to serve the automobile industry; shipbuilding; transport mechanics; engines; machinery and equipment to serve mechanization in agriculture, forestry, fishery and processing industry; metal treatment and coating with modern technologies; processing and manufacture of high- precision mechanical details; products of high exchangeability and great output…, in order to promote the rapid restructuring and increase of added value of the sector, and participation in the global value chains of multinational groups.

- Chemical industry

+ To develop production based on rational and economical utilization of natural resources, actively explore new natural resources for development; to apply modern technologies to restructuring the industry and increasing its added value, produce essential goods to better meet domestic demands and step up the export of such products as fertilizers, rubber products, base chemicals, petrochemicals, pure chemicals, pharmaceutical chemicals and consumer chemicals;

+ To rationally distribute the production force by industry and territory to create balanced and rational development in the chemical industry; to form and bring into play industrial parks and clusters as well as large-scale chemical production complexes. To minimize the formation of small-scale chemical production and processing facilities. To plan the relocation of chemical factories into industrial clusters and parks for centralized management.

- Electronics and information technology

+ To elaborate development orientations and identify a number of breakthrough stages for concentrating investment on production, giving priority to the attraction of cutting-edge technologies, manufacture of some key components and accessories in order to further promote restructuring, making greater contributions to the added value of the industry. To build an electronic components and accessories manufacturing industry connected to international production and supply chains. To manufacture a number of high-quality electronic and information technology products (not necessarily final finished products) for the international market. To encourage the development of software applications, especially embedded software in hardware, electronic and telecommunications equipment, to meet domestic demand. To develop dual-use fields serving national defense such as cruise missile control electronics, reconnaissance and search telecommunications electronics; electronics in unmanned aerial vehicles;

+ To strongly develop the information technology industry, including hardware-electronics, software, digital content and information technology services; to focus on training and developing highly qualified human resources for information technology; to invest in building a network of information technology parks to attract investment from leading global groups; to prioritize market expansion and trade promotion for hardware- electronic products, software, digital content and information technology services bearing Vietnamese brand names and having high added value.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ To restructure the manufacture of products from quantitative development to quality raising up to international standards; to prioritize the development of steel products that cannot be manufactured yet in Vietnam; to shift from small-scale and scattered to medium-scale and -large manufacture, concentrating on developing some domestic steel enterprises to be able to manufacture 2-3 million tons/year, with advanced technological level, high competitiveness and environmental friendliness;

+ To closely manage iron ores under the Mineral Law and approved master plan in order to create raw-material sources for the manufacture of pig iron and steel; to set a roadmap for gradual elimination of small pig iron and steel refining and rolling factories that use obsolete technologies and inefficiently use natural resources and energy, causing environmental pollution;

+ To create a steel distribution system suitable to the model of socialized circulation, market mechanism and conformable to the current Enterprise Law.

- Mining industry

+ To promote and concentrate state capital and encourage enterprises to invest their own capital in conducting geological base surveys to prospect, explore and assess natural resource deposits on the mainland and continental shelf of Vietnam, striving to complete the 1:50.000 geological mapping and mineral survey on the mainland and in coastal areas at a depth of 30 m under water by 2020;

+ To promote and develop large-scale mineral exploitation and deep processing projects with modern technology, causing less environmental pollution and conserving natural resources and energy. To form concentrated mineral processing industrial clusters: bauxite-alumina-aluminum, titanium, apatite, white ashlar, copper, pig iron and steel;

+ To promote foreign cooperation and investment in a number of projects including comprehensive investment in an electricity plant - aluminum electrolysis plant in Vietnam; investment in aluminum electrolysis plants overseas (in countries where power sources are available and costs are reasonable) which use alumina produced in Vietnam; investment in the deep processing of titanium ore (titanium pigment and metal) in Vietnam; investment in the screening of grade-2 apatite ore with a P2O5 content of between 15% and 28% and of grade-4 apatite ore with P2O5 content of under 15% in order to obtain refined ore with P2O5 content of at least 32% for use as material for fertilizer and chemical production; and investment in rare earth exploitation and processing in Lai Chau province;

+ To step up examination and supervision of mineral exploitation, processing and export and environmental management. To hold bidding for the mining right, mining activities or some of mining activities.

b/ Light industries

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Textiles and garments

+ To quickly form textiles and garments clusters, create a linked production network of enterprises and develop the value chain of the industry; to form unions and cooperation organizations of companies vertically in the supply chain from the supply of materials to the distribution of garment products;

+ To encourage investment in building textile and dyeing industrial parks; to encourage and attract investment in the production of fabric, technical and medical textile products and auxiliary materials for the garment industry; petrochemical products (fiber, yarn, chemicals, dyes, etc.); to give priority to investment in irrigated cotton production projects; to study the possibility of producing petrochemical products for the textile and garment industry;

+ To build material and auxiliary material supply centers in Hanoi, Ho Chi Minh City and major cities for timely supply to enterprises in the industry;

+ To plan the training of laborers for the textile and garment industry in industrial clusters; to strengthen and develop the specialized textile and garment training system. The State shall provide partial support from the budget for research and training activities and construction of physical and technical foundations for research institutes and training institutions in the industry;

+ To develop irrigated cotton material growing areas; the State shall support investment in infrastructure in planned raw-material areas. To invest in design and fashion; to center on developing the domestic market.

- Leather and footwear

To strongly develop the production of materials and auxiliary materials and the supporting industry for the leather industry in order to create added value and promote its restructuring. To expeditiously build an industrial park for leather tanning. To build the capacity of designing patterns for and developing new products. To prioritize the production and export of sports and canvass shoes; to produce fashionable leather footwear and high-quality hand bags and wallets for new markets, high-class markets and domestic markets. To open leather and footwear faculties or disciplines in vocational training schools and research institutes in order to supply more human resources for the industry.

- Tobacco

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ To attract investment in renewing tobacco shred processing technologies in order to improve the quality of tobacco products toward increasing the rates of medium- and high-quality products, reducing tar and nicotine contents and increasing the added value of exported cigarette products; to strictly manage the domestic production output and import in order to ensure lawful supply sources to meet demand and implement the national strategy for prevention and control of tobacco harms;

+ To strictly manage the cigarette distribution, wholesale and retail systems; to link petrochemical, plastic, paper and other industries to produce cigarette auxiliary materials for import substitution and higher added value in the value chain of domestic products and exports;

+ To organize and arrange cigarette production units toward concentration and equitization according to the approved roadmap.

- Beverage

+ Soft drinks: To promote investment by all economic sectors in large- scale soft drink production with modern technology and equipment, ensuring food hygiene and safety, environmental protection, use of domestic materials in combination with building raw-material areas, giving priority to the production of fruit and nutritious drinks.

+ Alcohol: To encourage the development of industrial-scale and high- quality alcohol production and gradually reduce family-based manual alcohol distillation. To attach importance to production of wines from fresh fruits in combination with development of raw-material areas;

+ Beer: To strictly control the development planning in conformity with the market demand. Particularly, not to grant investment certificates to too small projects (with a capacity of under 50 million liters of beer/year or under 5 million liters of liquor/year) and projects applying obsolete technologies and equipment, failing to ensure food hygiene and safety, or projects without industrial wastewater treatment systems;

+ For the supporting industry for the beverage industry: To make additional or expanded investment in glass factories for higher output. To reduce the import of malt and call for investment in domestic malt production to ensure proactive supply of production materials.

- Vegetable oil

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Paper

To develop the paper industry in consolidated large areas; to give priority and incentives to paper and pulp mills with an output of at least 100,000 tons a year. To prioritize investment in the production of high-quality industrial packaging paper. To apply advanced technologies to save materials, fuel and energy in the production of pulp and paper and in the treatment of wastewater, exhaust gas and solid wastes, recycle water and create closed production lines to reduce environmental pollution. To arrange and develop paper material areas in conformity with the agriculture as well as plant variety planning. To increase the effectiveness of the collection and recycling of waste paper (OCC and DIP).

- Milk

+ To further invest in building new and expanding existing production facilities in order to meet domestic consumption demand and for export. To concentrate on developing the capacity of production of pasteurized and sterilized milk, powdered milk, yoghurt and high-grade ice cream and new dairy products;

+ To develop the dairy processing industry toward incrementally increasing the use of domestic fresh milk materials and reducing imported powered milk materials. To develop the dairy processing industry in close association with developing industrial-scale milch cow raising areas and quickly increasing local milch cow herds;

+ Not to grant investment certificates for milk production projects without investment in milch cow raising development; projects using obsolete technologies and equipment, failing to ensure food hygiene and safety or projects without investment in industrial wastewater and animal raising waste treatment systems.

- Plastic

To restructure product groups toward reducing the groups of packaging plastic products and consumer plastic products and incrementally increasing the group of plastic products for use as building materials and technical plastic products. To promote investment to meet the demand for materials and cooperate with the petrochemical industry to early complete projects to supply materials for manufacturing plants and build scrap treatment and recycling plants. To seek stable import markets with favorable transport conditions (ASEAN countries). To study and create technical barriers to control the quality of imports by means of technical specification regulations to control imported plastic products.

2. Energy field

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To work out a plan on the establishment of a state management agency in charge of energy. To clearly define the functions of state management and production and business management in the oil and gas industry. To restructure the operational model of power generation corporations, the National Power System Regulation Center, power corporations and electric power trading companies of Electricity of Vietnam.

To implement energy conservation and efficiency programs, striving to bring the energy elasticity coefficient close to those of advanced regional countries.

a/ Power

- To form and develop different levels of the power market in Vietnam determined in the Prime Minister’s Decision No. 63/2013/QD-TTg of November 8, 2013, in synchrony with forming primary power markets (for coal, oil, gas…) in Vietnam;

- To restructure the power industry in order to meet the conditions for forming different levels of the power market;

- To persistently implement the power price adjustment roadmap according to the market mechanism under the Prime Minister’s Decision No. 69/2013/QD-TTg of November 19, 2013, on the mechanism for adjustment of average power retail prices.

b/ Coal

- To speed up investment in mine works through diversifying forms of investment in order to make the most use of all resources while still ensuring the controlling state ownership, increasing investment efficiency and meeting the production demand as planned;

- To strongly renew exploration technologies in order to increase verified coal deposits and upgrade current coal reserves in the country by assessment and computing methods according to combined domestic and international standards for higher reliability; to invest in overseas coal exploration and exploitation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To expeditiously work with foreign partners and select suitable sites for implementing an experimental project on underground coal gasification in combination with carbon recovery and storage in the Red River delta coal basin;

- To plan, design and construct new or renovate existing mines to be concentrated and have high output with complete and modern technology lines; to optimize production to ensure stable and long-term exploitation;

- To reduce the loss of coal exploited from pit and opencast mines; to increase the coal recovery coefficient. To proceed to holding bidding for mining activities or some mining activities and the mining right;

- To review, amend and supplement special mechanisms and policies applicable to mining workers, especially miners, to conform to realities for supporting and attracting laborers in the industry.

c/ Oil and gas

- To complete the system of legal documents for the oil and gas industry and its activities as suitable to the autonomous and transparent operations of self-responsible oil and gas enterprises according to the market mechanism. To improve mechanisms and policies for offshore oil and gas investment, the purchase of offshore mines and midstream and downstream activities toward creating a fair environment to attract foreign investment and petrol and oil product trading enterprises;

- To develop a balanced oil and gas industry from downstream to upstream activities. To encourage and accelerate oil and gas prospection and exploration. To prioritize the development, exploitation and use of natural gas. To encourage and give incentives to investors in the prospection and exploitation of gas fields, especially small fields and fields with limited margin deposits. To complete the model for the oil and gas industry and gas prices according to the market mechanism;

- To draw up a strategy for development of Vietnam’s oil and gas industry in the 2016-2025 period, with orientations toward 2035, concentrating on five core business fields: oil and gas prospecting, exploration and exploitation; gas industry; power, petrochemical and refinery industry; high-quality oil and gas services; and application of modern administration methods.

3. Trade field

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To further the implementation of the sector’s plan on implementation of the program of action to materialize the goods import and export strategy in the 2011-2020 period, with orientations toward 2030.

- To develop exports

+ Fuel and mineral commodities: Not to export crucial minerals, even in the form of refined ore;

+ Agricultural, forest and aquatic products: To increase the output, quality and added value; to restructure export goods toward strongly promoting deep processing and developing exports that apply scientific and technological advances;

+ Processed and manufactured industrial goods: To develop products with high technological and grey-matter contents; to develop supporting industries for raising the local value rate;

+ New goods items: To review new goods items with still low export value but showing high growth potential in the coming time so as to adopt policies to promote their development, creating an export breakthrough.

- To develop the export market

+ To continue diversifying the export markets; to consolidate and expand the Vietnamese goods market share in the traditional markets (Russia and Eastern Europe); to create breakthroughs in the expansion of new potential export markets such as India, other southern Asian countries, Africa, Middle East and Latin America; to prioritize the exploitation and make the most use of opportunities from key and strategic export markets (the U.S., Japan, China, the EU, ASEAN and Australia). To focus on trade promotion so as to seek new markets for Vietnam’s farm and vegetable products;

+ To make good use of market-opening opportunities created by foreign countries and the tariff reduction roadmaps to boost export and increase the effectiveness of Vietnam’s exports to the markets that have signed free trade agreements with Vietnam (FTA/EPA/CEP);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Import management

To diversify the import markets, especially those for production materials and auxiliary materials, in order to avoid reliance on any single market; to step by step narrow trade deficits with foreign markets. To proactively adjust the import growth rate to meet requirements. To increase the quality control of imports and use technical barriers to limit import.

c/ Domestic market

- To study and draw up an overall strategy for development of the domestic market through 2025, with a vision toward 2035, for identifying major orientations for the development of local markets in conformity with Vietnam’s socio-economic development conditions;

- To further improve policies and laws on opening the distribution service market toward transparency and consistency; to study and propose policies to consolidate and expand the distribution system and build civilized and modern distribution channels, paying attention to developing distribution networks in rural, deep-lying, remote, border and island areas so as to create conditions for people in all regions to access Vietnamese quality goods at affordable prices; to study and propose mechanisms and policies to support and facilitate the formation of sustainable links among producers, farmers and distributors in product consumption;

- To substantially modernize trade infrastructure: By 2020, all communes will have marketplaces up to the new-countryside criteria; to complete the renovation, upgrading and construction of farm product wholesale markets, border markets, border-gate markets and markets in border-gate economic zones; 80% of townships will have small- and medium-sized distribution organizations. By 2020, 70% of provinces and centrally run cities will have market models ensuring food hygiene and safety. To appropriately revise and supplement relevant regulations on infrastructure development;

- To attach importance to building and developing modern trade infrastructure facilities. To strive to increase the retail proportion of modern trade facilities (trade centers, supermarkets, convenience stores, etc.,) in the total retail sales to 40% by 2020. To form a rice exchange in Can Tho, a coffee exchange in Dak Lak and a number of auction centers for farm products;

- To develop other modern forms and methods of trade like commodity exchanges, auction centers, franchising, e-commerce, futures trading, etc., to study and create mechanisms and policies to facilitate the development of these activities;

- To form and develop some strong trading groups dealing in specialized or general goods, with real capacity to effectively compete and cooperate with foreign distribution groups that are currently operating or going to invest and trade in Vietnam;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To increase the quality and effectiveness of market examination and control, especially of speculation and price hiking acts. To further raise the quality and effectiveness of market forecast and surveillance work. To build an organizational model for the market control apparatus which is strong enough to perform uniform and intensive management of commercial and market activities;

- To actively implement the master plan on development of production and distribution systems for essential goods… To effectively implement the campaign “Vietnamese people prioritize the use of Vietnamese goods.”

4. International economic integration

a/ To further develop and improve laws and policies in order to increase the effectiveness of international economic integration

- To improve the policy framework to exploit opportunities and limit challenges in the course of international economic integration;

- To draw up roadmaps for approach and accession to multilateral international institutions in which Vietnam has benefits. To proactively prevent and settle international trade disputes and issue early warnings about international commitment breaches in Vietnam and abroad.

b/ To improve institutions that direct, coordinate, implement and supervise international economic integration activities

- To substantially improve the coordination among players in the process of international economic integration, especially coordination among state agencies;

- To promote assessment, information and forecast activities to permit higher proactiveness and flexibility in administration and management work. To establish and strengthen information transparency mechanisms, disseminate knowledge about international economic integration for agencies and enterprises, enhance the participation of stakeholders in the integration process through consultation channels at different levels; to organize regular and periodical consultations or through communication and electronic media to collect public feedback on international economic integration activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To promote negotiations on agreements that help stabilize the legal framework and facilitate export of goods. To urge major partners like the U.S. and the EU to recognize the market economy status for Vietnam;

- To apply to the utmost flexible regulations of treaties (especially flexible regulations and exceptions in the rules of the World Trade Organization (WTO) and other international economic agreements) in order to make laws and regulations to protect consumers and domestic production, such as technical barriers, anti-dumping and anti-subsidy measures, and exceptions related to intellectual property rights.

III. MAJOR SOLUTIONS, MECHANISMS AND POLICIES

1. Renewing mechanisms and policies and stepping up reform of administrative procedures to meet development requirements

a/ To continue reviewing, amending, supplementing and completing supporting mechanisms and policies as leverage for developing industrial production and trade in conformity with international economic integration commitments and the orientations of a socialist market economy;

b/ To promptly introduce policies to promote supporting industries, including tax incentives and business support measures;

c/ To draft a law on foreign trade and amend and supplement other relevant legal documents in order to facilitate operation of enterprises;

d/ To step up administrative reform, especially reforming administrative procedures, simplifying processes and procedures, strongly cutting down time and cost for carrying out administrative procedures; to raise the quality of public administrative services and create every favorable condition for activities of enterprises and people.

2. Increasing the quality of planning work, associating strategies with master plans and plans, management and supervision to raise the effectiveness of state management of planning work

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ To evaluate the implementation of investment projects under master plans in order to set foreign investment attraction orientations in line with the development orientations of sectors, fields and localities/territories;

c/ To intensify examination and supervision of the implementation of master plans, especially the combination between regional master plans and sectoral master plans or socio-economic development master plans; to make public and transparent all types of master plans.

3. Raising the investment, production and business effectiveness at enterprises

a/ To implement the policy on focused and prioritized investment: To concentrate investment on key projects under five-year production and business and investment plans already approved by the Prime Minister and annual plans drawn up by groups and corporations; to commence construction of works and projects only when all implementation conditions, such as ground area, investment capital sources and human resources, are fully met;

b/ To adjust and make development strategy models, restructure capital and assets, renew production processes, diversify and differentiate products, build and develop product brands; to renew the management organization, renew and improve the effectiveness of internal management suitable to each group or corporation; not to let groups and corporations invest in non-core production and business lines;

c/ To diversify investment capital sources, balance and allocate rationally capital sources to ensure core production and business activities of groups and corporations. To attach importance to renewing production technologies and equipment, applying advanced production management technologies and models to raise the use efficiency of energy and input resources, and increase the output, quality and competitiveness of products;

d/ To build supervision capacity for units of the Ministry and project owners to effectively supervise the management of investment and construction activities, making sure that approved investment projects fully meet the set criteria, are implemented on schedule and bring about socio- economic benefits; to increase information publicity and accountability of management agencies and project owners for invested works, particularly key works.

4. Accelerating the equitization of enterprises

a/ To speed up the equitization of state enterprises; to review, classify and supplement plans on reorganization of state enterprises in 2014 and 2015, draw up a reorganization plan for the subsequent period; for groups and corporations, to diversify ownership and resolutely divest capital from non- core business lines and business lines with low investment effectiveness and unable to grow. To drastically implement approved restructuring plans of groups and corporations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Developing human resources

a/ To identify human resources needs of the industries as a basis for training institutions to proactively make training, retraining, intensive training and business administration training plans;

b/ To arrange training institutions of the Ministry by cluster and region. To implement the action program to substantially and comprehensively renew tertiary education with regard to training institutions of the Ministry through renewing teaching methodologies and textbooks, purchasing teaching and learning equipment, promoting training according to needs, objectives and target groups…, associating vocational training with the industries. To encourage and create favorable conditions for training institutions to cooperate, align with and support one another in providing job skills training and improvement for employees of enterprises;

c/ To build a database for the management of human resources of the sector, apply information technology to the management of education and training institutions of the Ministry in order to raise the management effectiveness; to build a system of administrative documents related to the development of the sector’s human resources suitable to practical conditions by assigning the autonomy and self-responsibility to these institutions.

6. Developing science and technology

a/ To continue improving the organizational models of scientific and technological research, consultancy and service agencies toward autonomy and self-responsibility; to transform, establish and develop different types of science and technology enterprises under the Government’s Decree No. 80/2007/ND-CP of May 19, 2007, on science and technology enterprises;

b/ To step up the implementation of the contents of the approved strategy for development of science and technology of the industry and trade sector in the 2011-2020 period. To further implement effectively national programs and projects assigned by the Prime Minister to the Ministry of Industry and Trade;

c/ To invest in developing with focuses and priorities some laboratories, renovating and adding equipment, prevent the degrade of, and upgrade specialized laboratories with modern physical foundations and equipment to meet research demand, especially in the fields of designing and manufacturing new products, analysis, examination and certification of regulation and standard conformity.

IV. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries, sectors and localities in, implementing the Plan; to study and propose mechanisms and policies to mobilize social resources for the Plan implementation;

- To direct its attached units to make restructuring plans for each specific field and submit them to the Ministry for approval; to coordinate, examine and supervise the implementation of the Plan;

- To make action plans and assign specific tasks to each agency and unit of the Ministry and to localities for performance;

- To direct, examine, urge and supervise state groups and corporations under the Ministry’s management to implement restructuring plans already approved by the Prime Minister;

- To annually review and assess the implementation of the Plan; to proactively study and propose mechanisms and policies that need to be revised and supplemented in the course of implementation;

- To closely coordinate with the Ministry of Foreign Affairs and concerned agencies in charge of international economic integration under the Party Central Committee’s Resolution No. 22-NQ/TW of April 10, 2013, and conduct political and diplomatic lobby campaigns to negotiate and implement international agreements.

2. The Ministry of Planning and Investment

- To assume the prime responsibility for, and coordinate with other related ministries and sectors in, studying policies on development of key economic regions toward raising the operation effectiveness of the Organization for Coordination of the Development of Key Economic Regions;

- To study and amend the Government’s Decree No. 108/2009/ND-CP of November 27, 2009, on investment in the forms of Build-Operate-Transfer contract, Build-Transfer-Operate contract and Build-Transfer contract toward expanding the groups of investors eligible for investment incentives under this Decree, especially those making investment in border, mountainous and island areas, and submit it to the Government for consideration and promulgation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To draft legal documents guiding the Investment Law, Public Investment Law, Enterprise Law, Bidding Law and Cooperative Law.

3. The Ministry of Finance

- To study and propose for promulgation financial mechanisms and policies to serve the implementation of the Plan;

- To study, amend and supplement the Government’s Decree No. 75/2011/ND-CP of August 30, 2011, on investment credit and import and export credit of the State toward adding investment projects on construction of trade infrastructure; investment projects on construction of information technology parks and potential exports to the list of exports eligible for soft loans, and submit it to the Government for consideration and promulgation;

- To continue improving the financial management mechanism for the effective implementation of the national trade promotion program; to prioritize the allocation of annual budget funds for the implementation of this program and for government delegations to hold negotiations on international economic and trade issues;

- To study and adjust the import and export tariffs suitable to components and accessories in order to lawfully protect and encourage domestic production.

4. The Ministry of Science and Technology

- To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Industry and Trade in, formulating, managing and organizing the performance of national science and technological tasks already approved by the Prime Minister and assigned to the Ministry of Industry and Trade for management in the spirit of the Science and Technology Law;

- To coordinate with the Ministry of Industry and Trade in completing the transformation and implementation of the autonomy and self- responsibility mechanism applicable to public science and technology organizations under the Government’s Decree No. 115/2005/ND-CP of September 5, 2005, and the formation and development of science and technology enterprises under the Government’s Decree No. 80/2007/ND-CP of May 19, 2007, on science and technology enterprises.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Science and Technology in, formulating, and organizing the implementation of, national good agricultural practices (VietGAP), implementing GlobalGAP, and applying standards to agricultural and aquatic products for export to ensure stable supply of goods for export;

- To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Industry and Trade in, reviewing the master plans on development of raw-material areas to serve processing industries like paper, vegetable oil, milk and animal raising.

6. The Ministry of Health shall closely coordinate with the Ministry of Industry and Trade in implementing the Law on Food Safety.

7. The State Bank of Vietnam shall direct credit institutions to prioritize credit capital for industrial development, especially in the development of supporting industry and key mechanical engineering.

8. The Ministry of Education and Training, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall coordinate with the Ministry of Industry and Trade in arranging training institutions attached to the Ministry of Industry and Trade;

The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall coordinate with the Ministry of Industry and Trade in revising and supplementing special mechanisms and policies for mining workers, especially miners, as suitable to reality.

9. The Ministry of Information and Communications

- To assume the prime responsibility for, and coordinate with other related ministries and sectors in, implementing the contents of development of information technology industry and services;

- To assume the prime responsibility for implementing the Prime Minister’s Decision No. 1290/QD-TTg of August 1, 2014, approving the plan of action to implement the electronics industry in implementation of Vietnam’s industrialization strategy within the Vietnam-Japan cooperation framework through 2020, with a vision toward 2030;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10. Provincial-level People’s Committees

- To base themselves on the Plan to review and draw up local industrial and trade development strategies and master plans and organize the implementation thereof;

- To arrange land for investors to build factories in the fields of chemical, textile, dyeing, leather tanning, etc., and give priority to arranging land for building infrastructure facilities for trade development in their localities;

- To study and formulate specific mechanisms and policies to promote investment in marketplace development and create market models that en sure food hygiene and safety in their localities.

11. Ministries, sectors and provincial-level People’s Committees shall coordinate with the Ministry of Industry and Trade in organizing the implementation of the Plan.

Article 2. Implementation provisions

1. This Decision takes effect on the date of its signing.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government- attached agencies and chairpersons of provincial-level People’s Committees shall implement this Decision.-

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2146/QĐ-TTg ngày 01/12/2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.112

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.250.72
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!