CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM, ĐẢM BẢO AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM VÀ
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH.
Trong những năm gần đây, công tác quản lý giết mổ
gia súc, gia cầm đã được các ngành, các cấp có liên quan đã quan tâm triển khai
thực hiện nghiêm túc. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 19 lò giết mổ gia súc,
gia cầm tập trung và hầu hết các lò giết mổ, các điểm giết mổ đều có cán bộ thú
y thực hiện kiểm soát giết mổ. Điều này, đã góp phần cung cấp thực phẩm có
nguồn gốc động vật an toàn, đảm bảo vệ sinh cho tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc quy hoạch xây dựng các cơ sở giết
mổ động vật tập trung tại một số huyện vẫn chưa được quan tâm thực hiện, đa số
các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động có chiều hướng xuống cấp ngày
càng nghiêm trọng, do thiếu đầu tư, bảo dưỡng, nâng cấp. Các cơ sở giết mổ hầu
hết còn giết mổ thủ công, giết mổ trên bệ, trên nền, chưa được trang bị hệ
thống mổ treo; một số địa phương vẫn còn tình trạng giết mổ tùy tiện, không
đúng quy định, không đảm bảo vệ sinh thú y; trong khi đó, chiều hướng các loại
dịch bệnh nguy hiểm ngày càng phát sinh và lây lan, ảnh hưởng đến sự phát triển
của đàn gia súc, gia cầm và đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng.
Do đó, để tăng cường công tác quản lý giết mổ
gia súc, gia cầm theo quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hạn chế
phát sinh dịch bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố
tập trung chỉ đạo thực hiện triệt để một số nội dung sau:
a) Quản lý hoạt động kinh doanh giết mổ gia súc,
gia cầm đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định của Pháp lệnh Thú y,
Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Pháp lệnh Thú y, Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg ngày 26/9/2005
của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc,
gia cầm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và các Thông tư hướng dẫn của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết
mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật, phát hiện kịp thời và
xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết loại bỏ việc buôn bán gia cầm
sống, cắt tiết, giết mổ gia cầm tại các chợ.
c) Tiếp tục lập Quy hoạch và có kế hoạch đầu tư
xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các khu mua bán gia súc,
gia cầm sống tại khu vực các lò giết mổ tập trung, các khu mua bán sản phẩm gia
súc, gia cầm ở các chợ; trước hết là ở các vùng đông dân cư, thị trấn có mua
bán, giết mổ, tiêu thụ nhiều gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.
Trong năm 2012, UBND các huyện, thị xã, thành phố
phải đôn đốc, tạo điều kiện đầu tư nâng cấp các cơ sở giết mổ hiện có đạt các
điều kiện về hoạt động giết mổ theo Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện vệ sinh thú y
đối với cơ sở giết mổ lợn phương thức thủ công hoặc bán tự động và Thông tư số
61/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia cầm theo phương thức
thủ công hoặc bán tự động. Và phải hoàn tất hệ thống giết mổ treo bán công
nghiệp tại các lò giết mổ heo.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 tập trung giảm
các điểm giết mổ nhỏ, lẻ dưới 10 gia súc và dưới 100 gia cầm mỗi ngày, theo quy
mô cho từng huyện, thị, thành phố như sau:
- Thành phố Long Xuyên: 01 lò mổ.
- Thị xã Châu Đốc: 02 lò mổ.
- Các huyện, thị xã còn lại: Mỗi huyện không quá
02 lò mổ, 02 điểm giết mổ.
d) Việc lập quy hoạch, xây dựng các cơ sở giết
mổ gia súc, gia cầm tập trung phải đảm bảo định hướng lâu dài, đáp ứng các yêu
cầu về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch
bệnh cho người và động vật. UBND cấp huyện phải hỗ trợ quỹ đất để xây dựng cơ
sở giết mổ đúng quy hoạch và chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra xử lý tình
trạng giết mổ gia súc, gia cầm không đúng nơi quy định; thông báo công khai
danh sách các cơ sở giết mổ đủ điều kiện và không đủ điều kiện vệ sinh thú y,
đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
e) Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các
thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, tổ chức và quản lý hoạt động kinh
doanh giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật tập trung trên địa bàn, bảo
đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, ngăn chặn sự phát sinh, lây
lan dịch bệnh. Tùy điều kiện, UBND các huyện, thị xã, thành phố có chính sách
ưu đãi, hỗ trợ hợp lý với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ
tập trung.
2. Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu
tư, Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn các
huyện, thị xã, thành phố trong việc lập quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ tập
trung; tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kiểm soát giết mổ, đảm
bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường
cho người và động vật.
b) Nghiên cứu đề xuất với UBND tỉnh cơ chế hỗ
trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thực hiện tốt
các quy định về bảo đảm vệ sinh thú y.
c) Thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên các
cơ sở giết mổ theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất
kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Đối với các cơ sở
thực hiện tốt các quy định giết mổ xếp loại A kiểm tra định kỳ mỗi năm một lần;
đối với các cơ sở vi phạm nhỏ xếp loại B kiểm tra 6 tháng một lần; đối với các
cơ sở vi phạm nhiều xếp loại C nếu không khắc phục vi phạm theo thời gian quy
định thì buộc phải đóng cửa.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể
các chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với việc đầu tư xây dựng mới, mở rộng
cơ sở giết mổ đang có hiệu lực để nhà đầu tư biết và tham gia vào lĩnh vực này.
Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào xây dựng cơ sở
giết mổ tập trung, công nghiệp.
4. Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi
nhánh tỉnh An Giang hướng dẫn các bước thủ tục hồ sơ vay cho các nhà đầu tư có
dự án đủ điều kiện.
5. Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn
việc hỗ trợ ứng dụng thiết bị công nghệ mới vào sản xuất như thực hiện dây
chuyền giết mổ treo gia súc, gia cầm đối với các lò mổ lớn.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các
cơ sở giết mổ thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính về môi trường và hệ thống
xử lý nước thải thích hợp đối với công suất của cơ sở giết mổ và có kế hoạch hỗ
trợ kinh phí từ Quỹ bảo vệ môi trường cho các cơ sở giết mổ. Đồng thời hướng dẫn
các cơ sở thực hiện các thủ tục để tìm nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ bảo vệ môi trường
tỉnh.
7. Sở Công Thương kết hợp với UBND huyện,
thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của cấp huyện, phường, xã, thị
trấn và Ban quản lý chợ các huyện, thị, thành sắp xếp lại hệ thống chợ có bán sản
phẩm gia súc, gia cầm tương ứng với hệ thống cơ sở giết mổ tạo thuận lợi cho
việc phân phối đến nhiều chợ; sắp xếp lại khu vực bán sản phẩm gia súc, gia cầm
trong mỗi chợ đảm bảo thuận lợi cho việc kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực
phẩm và cảnh quan môi trường của chợ.
Kiểm tra, giám sát việc kinh doanh sản phẩm gia cầm
trong tủ bảo ôn, tiến tới quy định tại các chợ trung tâm thành phố, thị xã các
sản phẩm động vật đã qua giết mổ phải được bày bán trong tủ bảo ôn.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo An Giang,
Đài Phát thanh Truyền hình An Giang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Y tế có kế hoạch tổ chức tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm trong
chăn nuôi, giết mổ, chế biến, lưu thông và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc gia
súc, gia cầm; phòng chống các bệnh nguy hiểm từ động vật lây sang người qua con
đường tiêu thụ thực phẩm.
9. Giao Cục Thuế hướng dẫn chủ trương
miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở giết mổ xây dựng mới theo quy
định của các Nghị định, Thông tư liên quan lĩnh vực này khi cơ sở giết mổ đi
vào hoạt động.
10. UBND cấp huyện phải xử lý trách nhiệm
đối với Chủ tịch UBND cấp xã nếu xã đó để xảy ra giết mổ lậu trên địa bàn; và nếu
huyện nào có từ 3 xã trở lên để xảy ra giết mổ lậu thuộc địa bàn quản lý thì Chủ
tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
11. Giao
cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi tình hình thực
hiện và tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban,
ngành có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển
khai thực hiện nghiêm túc tinh thần Chỉ thị này.
Chỉ thị có hiệu lực sau 10 ngày kể
từ ngày ký./.