ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH
LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 722/QĐ-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 26 tháng 4 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN “TUYỂN CHỌN, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TÀI NĂNG THỂ THAO VÀ NHÂN LỰC THỂ
THAO THÀNH TÍCH CAO ĐẾN NĂM 2035 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
22/11/2019;
Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29
tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể
thao ngày 14 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 22
tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo,
bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”;
Căn cứ Quyết định số 1752/QĐ-TTg ngày 30
tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cơ sở vật
chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 11
tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam
đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể
thao thành tích cao đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Bộ VHTTDL (B/c);
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh (B/c) ;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- LĐ VP.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX4.
|
CHỦ TỊCH
Trần
Văn Hiệp
|
ĐỀ ÁN
TUYỂN
CHỌN, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TÀI NĂNG THỂ THAO VÀ NHÂN LỰC THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO
ĐẾN NĂM 2035 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm
theo Quyết định số 722/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Lâm Đồng)
PHẦN I:
CƠ
SỞ THỰC TIỄN VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. CƠ SỞ THỰC TIỄN.
1. Những thành
tích đạt được
- Trong những năm qua, được sự quan tâm
chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự phối hợp chỉ đạo của Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính
quyền, cùng sự quyết tâm, đoàn kết của cán bộ và nhân dân; UBND tỉnh đã tập
trung chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện
chính sách phát triển thể thao thành tích cao (sau đây viết tắt là TTTTC) trên
địa bàn tỉnh; cùng với sự nỗ lực phấn đấu, cố gắng trong tập luyện và tham gia
thi đấu của đội ngũ huấn luyện viên (sau đây viết tắt là HLV), vận động viên
(sau đây viết tắt là VĐV); sự đoàn kết, trách nhiệm, hết lòng vì sự nghiệp phát
triển thể thao của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành thể thao
tỉnh, từ đó TTTTC của tỉnh đã đạt nhiều thành tích cao tại các giải khu vực, quốc
gia và quốc tế.
- TTTTC Lâm Đồng luôn duy trì và phát
triển. Hàng năm, TDTT Lâm Đồng tham gia từ 50 - 55 giải thể thao khu vực, quốc
gia và quốc tế (từ 10 - 15 môn với hơn 500 VĐV tham gia); số huy chương đạt được
tại các giải khu vực, quốc gia và quốc tế luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng
số huy chương đạt được tại các giải khu vực, quốc gia và quốc tế (giai đoạn
2016 - 2021) là: 1.199 huy chương (330 HCV, 336 HCB, 533 HCĐ); trong đó, 18 huy
chương quốc tế: 08 HCV, 17 HCB, 06 HCĐ). Bình quân mỗi năm, tỉnh Lâm Đồng đăng
cai tổ chức từ 5 - 7 hoạt động thể thao quốc gia, khu vực.
- Hệ thống tuyển chọn, đào tạo lực lượng
HLV, VĐV luôn được quan tâm, chú trọng ở tất cả các tuyến, đặc biệt là lực lượng
VĐV trẻ, năng khiếu. Lâm Đồng đang tập trung đào tạo 14 bộ môn thể thao: Bóng
bàn, Thể dục Thể hình, Cầu lông, Cờ
vua, Khiêu vũ thể thao,
Điền kinh, Võ cổ truyền, Judo, Taekwondo, Boxing, Kickboxing, Bóng đá, Cử tạ và
Vật với 182 vận động viên (thuộc 03 nhóm: đội tuyển, trẻ, năng khiếu). Lực lượng
VĐV ngày một tăng về số lượng lẫn chất lượng, thành tích từng bước được nâng
cao trong khu vực và quốc gia. Nhiều vận động viên của tỉnh Lâm Đồng được gọi
vào đội tuyển quốc gia tham gia các giải quốc tế ở các môn: Võ cổ truyền, cầu
lông, Bóng bàn, Cờ vua, Kickboxing ...
- Đội ngũ cán bộ ngành Thể dục Thể thao
ngày càng trưởng thành, có ý chí vượt qua mọi khó khăn, năng động, sáng tạo;
trình độ kiến thức và năng
lực hoạt động thực tiễn (năng lực quản lý TDTT) ngày càng được nâng cao dân khẳng định vai trò trong
việc phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.
- Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ
TTTTC: Trong những năm qua cơ sở vật chất phục vụ thể thao thành tích cao đã được
đầu tư và từng bước hoàn thiện phục vụ công tác tập luyện, huấn luyện và thi đấu,
gồm: 01 Khu liên hợp thể thao gồm 01 nhà thi đấu đa năng 800 chỗ, 01 sân bóng
đá 11 người cỏ nhân tạo để phục vụ các hoạt động
thể thao; Khu Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh đang được tiến hành xây dựng,
đang hoàn thiện sân vận động, sân bóng đá 20.000 chỗ ngồi và các phòng, khu chức
năng.
- Kinh phí đầu tư cho thể thao nói chung
và thể thao thành tích cao nói riêng ngày càng được quan tâm và phát huy hiệu
quả.
- Hệ thống các quy định về chế độ, chính
sách đối với HLV, VĐV thể thao của tỉnh từng bước nâng lên, các nghị quyết và
quyết định của tỉnh về chế độ, chính sách đối với HLV, VĐV đã được ban hành và
đang áp dụng như: Quyết định số 34/2008/QĐ-UBND ngày 07/8/2008 của UBND tỉnh
Lâm Đồng về việc quy định khen thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt
giải tại các cuộc thi đấu thể thao; Nghị quyết số 122/2019/NQ-HĐND ngày
03/6/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí
thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với HLV, VĐV thể thao có thành tích cao thuộc tỉnh
Lâm Đồng quản lý; Nghị quyết số 55/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù cho các huấn luyện viên, vận động
viên thể thao khác đang tập trung tập huấn, thi đấu của tỉnh Lâm Đồng; Nghị quyết
số 19/2021/NQ-HĐND ngày 04/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức thưởng
đối với vận động viên, các đội thi đấu thể thao đạt thành tích tại các giải thi
đấu thể thao của tỉnh.
2. Những tồn tại,
hạn chế
Bên cạnh thành tích đạt được nêu trên,
hoạt động thể thao thành tích cao còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:
- Đội ngũ huấn luyện viên TTTTC chưa đồng
đều, số HLV giỏi chưa nhiều. Số lượng huy chương tăng lên qua từng năm nhưng chủ
yếu ở các giải trẻ và cúp các câu lạc bộ. Chất lượng VĐV TTTTC ở các giải vô địch
quốc gia chưa cao. Số VĐV, HLV tham
gia đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia còn hạn chế.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ
công tác đào tạo, chăm sóc VĐV chưa đảm bảo. Đơn vị huấn luyện thể thao thành
tích cao đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị hiện đại
cho VĐV luyện tập, tổ chức thi đấu. Trang thiết bị, dụng cụ phục vụ tập luyện
thể lực bổ trợ VĐV vừa thiếu vừa lạc hậu, chưa có hệ thống phòng tập thể lực,
khu hồi phục chức năng...; sân bãi, dụng cụ tập luyện đại đa phần đã xuống cấp,
nhiều môn thể thao các VĐV phải tập trên mô hình, tập “chay” vì vậy ảnh hưởng rất lớn tới thành tích tập
luyện.
- Công tác tuyển chọn, huấn luyện, ứng dụng
khoa học công nghệ và giáo dục, công tác kiểm tra giám sát VĐV còn khiếm khuyết, lạc hậu. Việc
tuyển chọn VĐV phần lớn dựa vào kinh nghiệm của HLV, chưa áp dụng các phương tiện
máy móc hiện đại hoặc công nghệ tuyển chọn tiên tiến nên hiệu quả tuyển chọn
chưa cao...
- Hệ thống đào tạo VĐV trẻ chưa có khâu
đột phá, chưa có chính sách thu hút nhân tài thể thao. Sau khi tuyển chọn được
VĐV có tiềm năng các tố chất chuyên môn các môn thể thao đưa vào để đào tạo, huấn
luyện lại chưa có chính sách đặc thù phù hợp nên nhiều em không tiếp tục tập
luyện, con em những gia đình có năng khiếu không hứng thú với việc tập luyện và
theo ngành thể thao.
- Vận động viên ít được thi đấu trong nước
và ở nước ngoài, nên kinh nghiệm thi đấu ít, không được tích lũy, không dày dạn
nên khi gặp đối thủ VĐV thường bị choáng ngợp, ảnh hưởng tới tâm lý nên thành
tích thấp.
- Hoạt động của một số Liên đoàn, Hội thể
thao của tỉnh còn bị động, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.
- HLV ít được học tập, bồi dưỡng chuyên môn
nghiệp vụ một cách bài bản, chuyên nghiệp nên không thường xuyên cập nhật được
kiến thức mới hiện đại về khoa học huấn luyện. Huấn luyện chủ yếu dựa vào kinh
nghiệm đã tích lũy được trong quá trình là VĐV, vì vậy thành tích của VĐV được
huấn luyện thấp, không hiệu quả.
- Chế độ, chính sách cho VĐV, HLV chưa
đáp ứng tình hình thực tế.
3. Nguyên nhân
3.1. Nguyên nhân khách quan
- Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước
và cộng đồng xã hội cho phát triển thể thao thành tích cao còn thấp; cơ sở vật
chất kỹ thuật, trang thiết bị thể thao còn thiếu thốn, lạc hậu; chưa chú trọng
đầu tư cho khoa học, công nghệ và y học thể thao. Tỷ trọng đầu tư của Nhà nước
và xã hội trong những năm qua tuy có xu hướng tăng, song mức độ đầu tư hiện nay
vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển thể thao trong bối cảnh cạnh tranh ngày
càng gay gắt về thành tích thi đấu giữa các quốc gia trong khu vực, châu lục và
thế giới.
- Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm
đầu tư ngân sách về xây dựng cơ sở vật chất, làm tăng các công trình TDTT, thay
đổi cơ bản cơ sở hạ tầng TDTT, nhưng đầu tư ngân sách cho phát triển sự nghiệp
thể dục thể thao chung (trong đó có thể thao thành tích cao), chế độ dinh dưỡng,
tiền công VĐV còn khó khăn so với yêu cầu và tiềm năng phát triển TDTT Lâm Đồng
và các tỉnh thành trong cả nước.
- Nhận thức của người dân về TTTTC chưa
cao, ham thích tập luyện thể thao, nhưng chỉ xem thể thao là để giải trí, nâng
cao sức khỏe chứ không quan niệm thể thao là định hướng nghề nghiệp. Vì vậy,
tính chuyên nghiệp trong TTTTC không được xem là hướng đi, là con đường phát
triển bền vững đối với nhận thức của người dân. Đây là một khó khăn của ngành
Thể dục Thể thao Lâm Đồng trong việc vận động thanh, thiếu niên có năng khiếu đến
với thể thao để đào tạo chuyên sâu trở thành vận động viên chuyên nghiệp phục vụ
cho tỉnh, quốc gia.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Công tác chỉ đạo, điều hành của cơ
quan quản lý thể dục, thể thao các cấp đối với hoạt động thể thao thành tích
cao chưa thường xuyên và thiếu sâu sát; còn thiếu các kế hoạch trung hạn và dài
hạn, các chương trình, dự án phát triển TTTTC, thể thao chuyên nghiệp.
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ về
vai trò của công tác phát triển thể dục, thể thao quần chúng ở xã, phường, thị
trấn chưa đúng và đủ. Việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tham gia
vào các hoạt động thể dục, thể thao còn mang tính hình thức, thiếu gắn bó với
thực tiễn đời sống và phong tục, tập quán của đồng bào địa phương.
- Chưa có chuyển biến mạnh mẽ trong nhận
thức và quản lý trong công tác phát triển TTTTC, thể thao chuyên nghiệp; công
tác chuyển giao một số hoạt động tác nghiệp trong hoạt động TTTTC cho các tổ chức
xã hội còn chậm.
- Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức
nghề nghiệp đối với HLV, VĐV, trọng tài... chưa được quan tâm đúng mức. Công
tác quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, trọng tài đẳng cấp quốc gia... chưa đáp ứng
nhu cầu, nhiệm vụ phát triển ngành.
- Cơ sở vật chất phục vụ việc ăn, ở của
VĐV xuống cấp, chất lượng thấp, chế độ đãi ngộ và giải quyết nghề nghiệp cho
VĐV khi hết tuổi chưa phù hợp, dẫn đến bản thân VĐV, gia đình và dư luận xã hội
chưa yên tâm và chưa xem TDTT là một nghề nghiệp.
- Chưa huy động tối đa các nguồn lực xã
hội tham gia phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh nhà.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ SỰ
CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Căn cứ pháp lý
- Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
- Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng
11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao
ngày 14 tháng 6 năm 2018;
- Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm
2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật
viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
- Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 22 tháng
02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài
năng thể thao và nhân lực
thể thao thành tích cao đến năm 2035”;
- Quyết định số 1752/QĐ-TTg ngày 30
tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ
thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
- Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 11
tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển
thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”;
- Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26
tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Thể dục, thể thao;
Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể
thao;
- Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07
tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên,
vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu;
- Thông tư số 86/2020/TT-BTC ngày 26
tháng 10 năm 2020 của Bộ Tài chính về quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc
thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao
thành tích cao.
- Nghị quyết số 55/2021/NQ-HĐND ngày
08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù cho
các huấn luyện viên, vận động viên thể thao khác đang tập trung tập huấn, thi đấu
của tỉnh Lâm Đồng.
- Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND ngày
04/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức thưởng đối với vận động viên,
các đội thi đấu thể thao đạt thành tích tại các giải thi đấu thể thao của tỉnh.
2. Sự cần thiết phải xây dựng đề án
2.1. Xu hướng, định hướng phát triển thể
thao của quốc gia, của tỉnh
Thành tích của Thể thao Việt Nam tại các
Đại hội thể thao khu vực từng bước khẳng định vị trí 1 trong 3 quốc gia có nền
thể thao mạnh ở Đông Nam Á và đứng trong tốp các quốc gia có nền thể thao phát
triển mạnh ở châu Á. Ngoài những môn thế mạnh, nhiều lần giành thứ hạng cao tại
các giải vô địch thế giới như Wushu, Pencak Silat, Taekwondo, Cầu mây, Cờ vua,... các
môn đạt vị trí cao tại khu vực và châu lục như: Karate, Cờ tướng, Thể dục Thể
hình, Xe đạp thì nay đã xuất hiện thêm một số môn như: Cử tạ, Vật, Điền Kinh,
Thể dục dụng cụ, Billiards-Snooker, Thể thao điện tử cũng đang từng bước khẳng
định vị trí trên đấu trường thể thao tầm cỡ thế giới. Những thành tích đó của
Thể thao Việt Nam đã được minh chứng cụ thể bằng số lượng huy chương mà các VĐV
Việt Nam đã giành được tại các đấu trường thể thao lớn như: Olympic, Asiad,
SeaGames.
Trong phát triển thể thao đỉnh cao, các
quốc gia có xu hướng điều chỉnh thu hẹp số môn thể thao chủ đạo, số lượng vận động
viên thể thao có tiềm năng giành huy chương để đầu tư có trọng điểm nhằm mục
tiêu giành huy chương vàng Olympic và ưu tiên môn thể thao nhiều lần giành huy
chương vàng Olympic. Có sự thay đổi quan niệm trong huấn luyện thể thao truyền
thống như tối ưu hóa phương thức huấn luyện, nâng cao trình độ thi đấu của vận
động viên trong thời gian ngắn. Xu thế phổ biến hiện nay trên thế giới là các
quốc gia đều đặc biệt quan tâm tới cải thiện thứ hạng, thành tích thể thao tại
các kỳ đại hội, sự kiện thể thao quan trọng, từ đó có sự đầu tư mạnh về đào tạo
vận động viên, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao nhằm nâng cao thành
tích thi đấu của các đội tuyển thể thao.
Cùng với sự phát triển của thể thao Việt
Nam, TTTTC của tỉnh nhà cũng đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, từng
bước khẳng định vị thế trên toàn quốc; số huy chương đạt được tại các giải khu vực, quốc
gia và quốc tế luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là việc đạt được
huy chương tại đấu trường quốc tế, đóng góp vận động viên cho các đội tuyển thể
thao quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trong thời
kỳ hội nhập. Nhằm duy trì và phát triển bền vững thể thao thành tích cao, cần
phải quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên một
cách hệ thống. Xây dựng cơ chế chính sách để thu hút nhân tài, không những các
vận động viên đã đạt đỉnh cao mà cả đối với những vận động viên năng khiếu có
tiềm năng phát triển. Đảm bảo tốt quan hệ giữa phát triển thể thao thành tích
cao với thể thao quần chúng và thể thao trường học. Thể thao thành tích cao vừa
là động lực, vừa là hạt nhân góp phần phát triển thể thao quần chúng và thể
thao trường học. Thể thao quần chúng và thể thao trường học là cơ sở để phát
triển thể thao thành tích cao.
2.2. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Tuy nhiên, để phát triển TTTTC một cách
toàn diện, đáp ứng được các yêu cầu trong giai đoạn mới, khắc phục được các tồn
tại, hạn chế như đã nêu trên thì việc xây dựng Đề án Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài
năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là
yêu cầu tất yếu để thể thao phát triển đúng hướng, mạnh mẽ và đột phá hơn, đồng
thời tạo ra bước đi hợp lý, khai thác mọi nguồn lực của xã hội, tiềm năng đóng góp
vào sự nghiệp thể dục, thể thao của tỉnh, thúc đẩy phát triển thể thao quần
chúng để xây dựng, phát triển thể chất con người Lâm Đồng toàn diện đáp ứng yêu
cầu phát triển bền vững của tỉnh, phát triển thể thao thành tích cao xứng tầm
trong tình hình mới.
Xây dựng Đề án Tuyển chọn, đào tạo, bồi
dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035 trên địa
bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm đảm bảo môi trường thuận lợi để thu hút, khuyến khích
các tài năng thể thao, tạo thuận lợi để các huấn luyện viên, vận động viên phát
huy hết khả năng trong tập luyện và thi đấu đạt được những thành tích vượt bậc,
khẳng định vị thế của thể thao Lâm Đồng đối với các tỉnh, thành phố trong cả nước,
đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trong thời kỳ hội nhập.
PHẦN II:
NỘI
DUNG ĐỀ ÁN TUYỂN CHỌN, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TÀI NĂNG THỂ THAO VÀ NHÂN LỰC THỂ
THAO THÀNH TÍCH CAO ĐẾN NĂM 2035 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
I. ĐỐI TƯỢNG
1. Vận động viên (VĐV): Là những trẻ em
có năng khiếu thể thao đặc biệt; học sinh, VĐV đang theo học tại các trường
trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; VĐV đang tập luyện, thi đấu tại các Trung tâm Văn
hóa, thông tin và Thể thao các huyện, thành phố; các Liên đoàn, Hiệp hội thể
thao cấp tỉnh; VĐV là người Lâm Đồng đang sinh sống, học tập, công tác ở ngoài
tỉnh và VĐV các địa phương khác.
2. Huấn luyện viên (HLV): Là các vận động
viên đỉnh cao hết khả năng thi đấu; các vận động viên xuất sắc, đam mê nghề
nghiệp, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong tập luyện, thi đấu, có phẩm chất
nhân cách, đạo đức tốt, có khả năng trong học tập, rèn luyện, đào tạo trở thành
HLV cấp cao.
3. HLV, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể
thao thành tích cao (TTTTC): Là sinh viên của các trường đại học thể dục, thể
thao trong nước đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt; các vận động viên xuất sắc,
có nguyện vọng đi học để trở thành huấn luyện viên, kỹ thuật viên; công chức,
viên chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thể thao
trong tỉnh được cử đi học nâng cao trình độ về TTTTC
II. QUAN ĐIỂM
1. Chăm lo phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng
và phát triển các tài năng thể thao của tỉnh là trách nhiệm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh,
của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó ngành
Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nòng cốt; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tính độc
lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của các tài năng thể thao.
2. Xác định đúng đối tượng cần được tuyển
chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện gắn với các môn thể thao trọng điểm, các nội
dung trọng điểm nhằm tạo bước đột phá trong đào tạo tài năng TTTTC.
3. Việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng
tài năng thể thao, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý TTTTC phải trên cơ sở khoa học,
đáp ứng nhu cầu cấp thiết; áp dụng các mô hình tiên tiến trong nước và thế giới
phù hợp với thực tiễn những môn thể thao thế mạnh của Lâm Đồng, bảo đảm hiệu quả,
chất lượng đào tạo các VĐV tài năng đạt thành tích thi đấu cao ở trong và ngoài
nước, trình độ huấn luyện chuyên môn cao ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
4. Hệ thống tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng
tài năng, nhân lực TTTTC cần được đổi mới, hoàn thiện, thống nhất quản lý theo
hướng tiên tiến, chuyên nghiệp, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất của VĐV
và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
1.1. Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi
dưỡng VĐV tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn TTTTC, thế mạnh của Lâm
Đồng đạt trình độ và dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu quốc gia, khu vực,
châu lục và thế giới; các HLV tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh
nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện VĐV
thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế.
1.2. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ HLV, kỹ
thuật viên, cán bộ quản lý TTTTC có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của
quy trình tuyển chọn, đào tạo VĐV, HLV tài năng để phấn đấu đưa tỉnh Lâm Đồng đến
năm 2035 trở thành tỉnh có phong trào TTTTC phát triển mạnh.
1.3. Thông qua công tác tuyển chọn và đào
tạo VĐV, thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng phát triển sâu rộng ở các địa
phương, góp phần quan trọng phát triển toàn diện sự nghiệp thể dục, thể thao của
tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đào tạo, huấn luyện tài năng thể
thao thành tích cao: Phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn và đào tạo,
huấn luyện VĐV tài năng; đào tạo, bồi dưỡng HLV tài năng, kỹ thuật viên... của
các môn thể thao được xác định theo Đề án, cụ thể như sau:
- Tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng
350 VĐV thuộc các đội tuyển tỉnh; trong đó: 120 VĐV đội tuyển tỉnh, 80 VĐV đạt
thành tích tại các giải Vô địch quốc gia và quốc tế, cụ thể:
STT
|
Thời gian
|
Số VĐV đào tạo/năm
|
Số VĐV đội
tuyển tỉnh/năm
|
Số VĐV đạt
thành tích tại các giải Vô địch quốc gia và quốc tế/năm
|
01
|
Đến năm 2025
|
250
|
80
|
40
|
02
|
Đến năm 2030
|
300
|
100
|
60
|
03
|
Đến năm 2035
|
350
|
120
|
80
|
- Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng
50 HLV tài năng, trong đó khoảng 10 HLV chính, 03 HLV cao cấp, cụ thể:
STT
|
Thời gian
|
Số HLV
|
HLV chính
|
HLV cao cấp
|
01
|
Đến năm 2025
|
30
|
6
|
01
|
02
|
Đến năm 2030
|
40
|
8
|
02
|
03
|
Đến năm 2035
|
50
|
10
|
03
|
- Tuyển chọn 02 - 03 kỹ thuật viên thể
thao có trình độ cử nhân, thạc sĩ.
- Hàng năm, 100% HLV, hướng dẫn viên, kỹ
thuật viên thể thao của tỉnh được tham gia bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, dài hạn
do Tổng cục Thể dục thể thao, các Liên đoàn Thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức.
2.2. Chỉ tiêu huy chương:
- Huy chương quốc gia, khu vực:
STT
|
Huy chương
|
Đến năm 2025
|
Đến năm 2030
|
Đến năm 2035
|
01
|
Vàng
|
70
|
85
|
100
|
02
|
Bạc
|
80
|
100
|
120
|
03
|
Đồng
|
100
|
115
|
130
|
04
|
Tổng
|
250
|
300
|
350
|
- Huy chương quốc tế:
STT
|
Huy chương
|
Đến năm 2025
|
Đến năm 2030
|
Đến năm 2035
|
01
|
Vàng
|
3
|
4
|
5
|
02
|
Bạc
|
5
|
6
|
8
|
03
|
Đồng
|
10
|
12
|
14
|
04
|
Tổng
|
18
|
22
|
27
|
IV. NỘI DUNG
1. Các bộ môn, ngành đào tạo, huấn luyện,
tập huấn
1.1. Các bộ môn đào tạo, tập huấn vận động
viên, huấn luyện viên
- Căn cứ lựa chọn các môn thể thao ưu
tiên đào tạo, huấn luyện:
+ Các môn thể thao thường xuyên có thành
tích tốt, có huy chương tại các giải thể thao quốc gia, quốc tế;
+ Các môn thể thao trong chương trình
thi đấu của các đại hội thể thao toàn quốc, khu vực và châu lục;
+ Các môn thể thao thực hiện nhiệm vụ
chính trị của tỉnh và có sức lan tỏa rộng khắp.
- Cụ thể, Đề án lựa chọn các môn thể
thao gồm: Điền kinh, Taekwondo, Cầu lông, Dance Sport, Cử tạ, Thể hình, Boxing,
Võ cổ truyền, Bóng đá, Bóng bàn, cờ vua, Vật. Số lượng các môn thể thao do Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét điều chỉnh, bổ sung định kỳ 2 năm một lần
hoặc tùy thuộc vào tình hình thực tế.
1.2. Các ngành đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng
HLV, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao
Tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhân
lực TTTTC ở 03 ngành: Y sinh học thể thao, Quản lý thể thao và Huấn luyện thể
thao.
2. Phương thức đào tạo, huấn luyện,
tập huấn
2.1. Đối với vận động viên:
- Xây dựng một hệ thống tuyển chọn, đào
tạo, huấn luyện VĐV khoa học, chuyên môn hóa cao, có khả năng đạt thành tích
cao tại các giải Quốc gia, khu vực và Quốc tế. Xây dựng hệ thống tuyển chọn gồm
04 tuyến, cụ thể:
+ Xây dựng các CLB thể thao cho trẻ em,
học sinh tập luyện sơ bộ ban đầu ở xã, phường, thị trấn, các trường phổ thông
và hình thành VĐV tuyến IV.
+ Tuyến đội tuyển năng khiếu (Tuyến
III): Vận động các em đăng ký thông qua các nhà trường, tổ chức thi tuyển tại
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố trong tỉnh và các
địa phương khác, theo các chỉ tiêu chuyên môn quy định.
+ Tuyến đội tuyển trẻ (Tuyến II):
Thông qua kết quả đào tạo các VĐV được
đánh giá khả năng phát triển ở tuyến III.
Theo các quy định chuyên môn của Trung
tâm Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Lâm Đồng.
Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Lâm
Đồng xây dựng các chỉ số chuyên môn để đánh giá năng lực từ đó xem xét các VĐV
được đào tạo ở tuyến III có khả năng phát triển đáp ứng các yêu cầu chuyên môn
chuyển lên tuyến II, I đào tạo.
+ Tuyến đội tuyển (Tuyến I):
Thông qua kết quả đào tạo các VĐV được
đánh giá khả năng phát triển ở tuyến II và III; hàng năm, đánh giá khả năng
phát triển của VĐV để xây dựng phương án thải loại, bổ sung VĐV cho các tuyến hợp
lý.
- Đào tạo, huấn luyện tập trung, dài hạn
ở trong tỉnh, có thời gian huấn luyện ở các Trung tâm thể thao quốc gia, quốc tế
hoặc đào tạo, huấn luyện dài hạn toàn thời gian các Trung tâm thể thao quốc
gia.
- Mời chuyên gia của các Trung tâm huấn
luyện quốc gia và các tỉnh, thành, cơ sở đào tạo, tổ chức, câu lạc bộ thể thao
có uy tín ở trong nước và nước ngoài tham gia tuyển chọn, huấn luyện VĐV của tỉnh.
2.2. Đối với huấn luyện viên, kỹ thuật
viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao:
- Tuyển chọn các vận động viên đỉnh cao
trong và ngoài tỉnh hết khả năng thi đấu; các vận động viên xuất sắc, đam mê nghề
nghiệp, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong tập luyện, thi đấu, có phẩm chất
nhân cách, đạo đức tốt, có khả năng trong học tập, rèn luyện, đào tạo trở thành
HLV cấp cao.
- Tuyển chọn sinh viên của các trường đại
học thể dục, thể thao trong nước đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt; các vận động
viên xuất sắc, có nguyện vọng đi học để trở thành huấn luyện viên, kỹ thuật
viên; công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh
vực thể thao trong tỉnh được cử đi học nâng cao trình độ về TTTTC.
- Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc dài hạn
ở trong nước; có thời gian bồi dưỡng, tập huấn ở nước ngoài.
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nhóm giải
pháp về cơ chế, chính
sách:
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, chính
quyền và toàn thể các cấp đối với phong trào TDTT tỉnh nhà, đặc biệt là TTTTC.
- Nghiên cứu, xây dựng, trình cơ quan có
thẩm quyền quy định đặc thù về thu hút, sử dụng vận động viên sau khi nghỉ thi
đấu; chính sách ưu đãi đối với huấn luyện viên, chuyên gia tham gia đào tạo, bồi
dưỡng, huấn luyện tài năng thể thao thành tích cao; chế độ ưu đãi đối với vận động
viên, huấn luyện viên tài năng thể thao thành tích cao trong quá trình học tập,
đào tạo, tham gia thi đấu ở trong và ngoài nước.
- Đề xuất chính sách khuyến khích các
doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân tham gia đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp
vào các hoạt động đào tạo vận động viên; hỗ trợ phát triển các hoạt động thể
thao, đào tạo vận động viên trẻ trong các trường học để tạo nguồn tuyển chọn vận
động viên tài năng thể thao.
- Khen thưởng động viên các tổ chức, cá
nhân có những đóng góp xuất sắc trong hoạt động TDTT. Đảm bảo chăm sóc sức khỏe,
bảo hiểm y tế, dinh dưỡng và hồi phục cho đội ngũ làm công tác đào tạo huấn luyện
và tập luyện.
2. Nhóm giải
pháp về tổ chức quản lý:
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình
đào tạo - huấn luyện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đầu tư rà soát,
xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện lực lượng HLV, VĐV thành tích cao từ
nay đến 2035. Rà soát, đánh giá toàn diện về đội ngũ HLV, VĐV.
- Đổi mới căn bản về quản lý nhà nước
trong đào tạo nhân lực TTTTC. Bảo đảm đầu tư của nhà nước giữ vai trò chủ đạo
trong phát triển TTTTC. Đồng thời chuyển dần việc tổ chức các hoạt động thi đấu
từ cơ quan nhà nước sang các Liên đoàn thể thao. Tỉnh hỗ trợ về cơ chế, chính
sách và các điều kiện cần thiết khác cho các Liên đoàn thực hiện nhiệm vụ này.
- Đổi mới công tác quản lý hoạt động của
các đơn vị sự nghiệp thể dục, thể thao; tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi
hoạt động của các cơ sở thể dục, thể thao công lập sang phương thức cung ứng dịch
vụ công. Thực hiện tác nghiệp chuyên môn về TTTTC do cơ quan Nhà nước về thể dục
thể thao chuyển giao, ủy quyền.
- Xây dựng phong trào TDTT quần chúng,
nhất là TDTT trong học đường phát triển vững chắc, làm nền tảng cho sự phát triển
TTTTC. Căn cứ theo thế mạnh của từng địa phương, chỉ đạo mỗi Trung tâm Văn hóa,
Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố đầu tư nâng cao một số môn thể thao
mũi nhọn. Sự tập hợp nhiều tài năng từ các nơi sẽ tạo sự tranh đua, cọ sát lành
mạnh trong lúc tập luyện, giúp nâng cao nhanh chóng trình độ tập luyện của VĐV.
- Xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra Đề
án từng năm từng phân kỳ để đánh giá rà soát, điều chỉnh thực hiện Đề án hiệu
quả và phù hợp.
3. Nhóm giải
pháp về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác huấn luyện đào tạo:
- Sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng khu
Văn hóa - Thể thao tỉnh, đặc biệt là sân vận động tỉnh; quy hoạch, xây dựng Nhà
thi đấu thể thao hiện đại; khu vực tập luyện, khu ở tập trung cho các VĐV; nâng
cấp Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Lâm Đồng đủ điều kiện về nghiên cứu
khoa học và cơ sở vật chất, để huấn luyện nâng cao cho các VĐV đội tuyển tỉnh tham gia
thi đấu các giải TTTTC trong nước và quốc tế.
- Từng bước phối hợp tận dụng các cơ sở
vật chất trên diện rộng phục vụ công tác huấn luyện trên địa bàn toàn tỉnh một
cách đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển của các huyện, thành phố. Chỉ
đạo các địa phương, sở, ngành sử dụng các cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu huấn
luyện và tập luyện.
- Trang bị đồng bộ trang thiết bị các dụng
cụ đào tạo - huấn luyện hiện đại, thiết thực cho công tác tuyển chọn, đào tạo
huấn luyện VĐV một cách khoa học và bài bản, để đáp ứng cho việc ứng dụng khoa
học công nghệ trong lĩnh vực đào tạo - huấn luyện tài năng thể thao. Cải tiến
các phương tiện tập luyện phục vụ cho công tác huấn luyện chuyên môn.
- Nâng cấp Trung tâm Văn hóa, Thông tin
và Thể thao thành phố Bảo Lộc thành trung tâm Thể thao vùng để đảm nhiệm việc đào tạo
và cung cấp VĐV cho tuyến trên.
- Có kế hoạch từng bước đầu tư và tăng
cường xã hội hóa nhằm thu hút
các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các công trình thể thao.
4. Nhóm giải pháp về
đào tạo huấn luyện:
4.1. Về lực lượng huấn
luyện viên, vận động viên
a) Xây dựng đội ngũ huấn luyện viên:
- Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung
phương pháp đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Quy hoạch,
đào tạo HLV đẳng cấp phù hợp
với tình hình phát triển TDTT trong giai đoạn mới mang tính ổn định lâu dài. Tổ
chức bồi dưỡng nâng cao, đưa đi đào tạo kể cả nước ngoài những HLV giỏi có tâm
huyết với ngành. Ngoài ra, có kế hoạch mời chuyên gia, HLV đảm trách huấn luyện các môn thể thao trọng điểm trong chương
trình đào tạo, đỉnh điểm huấn luyện phục vụ cho thi
đấu đạt thành tích cao ở kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, các giải quốc gia, khu vực
và quốc tế.
- Tiêu chuẩn hóa HLV đạt trình độ quốc
gia, quốc tế. Cập nhật và ứng dụng các kiến thức từ các tài liệu huấn luyện hiện
đại, xây dựng kế hoạch huấn luyện dài hạn, từng năm cho các đội tuyển. Đào tạo
HLV trẻ nhiệt huyết đáp ứng sự phát triển và yêu cầu công tác huấn luyện nâng
cao thành tích thể thao.
b) Xây dựng đội ngũ vận động viên:
- Thực hiện hệ thống tổ chức tuyển chọn
VĐV, xây dựng chương trình đào tạo dài hạn; hệ thống thi đấu phù hợp trong việc
nâng cao thành tích thể thao. Trên cơ sở dự báo thành tích của các VĐV kể cả
VĐV ở ngoài tỉnh, xác định những môn thể thao trọng điểm phải đầu tư, đầu tư có
chiến lược và có kế hoạch dài hơi, chất lượng cao cụ thể từng môn, từng nội
dung, từng hạng cân, từng VĐV.
- Xây dựng chương trình đào tạo dài hạn
theo hướng hiện đại, hệ thống thi đấu phù hợp cho việc nâng cao thành tích thể
thao. Chuẩn hóa các tiêu chí
tuyển chọn, đánh giá tăng trưởng VĐV trong quy trình đào tạo huấn luyện, tuyển
chọn bổ sung, thay thế sắp xếp VĐV các tuyến trên nguyên tắc các VĐV thực sự
tài năng, có triển vọng phát triển.
- Mở rộng phạm vi tuyển chọn, có cơ chế
chính sách nhằm thu hút, khuyến khích những tài năng thể thao từ nước ngoài tỉnh
tham gia vào công tác tuyển chọn, huấn luyện và thi đấu cho thể thao tỉnh nhà.
- Hoàn thiện hệ thống đào tạo và huấn
luyện VĐV thể thao thành tích cao theo 4 tuyến của tỉnh.
- Phát triển giáo dục thể chất và Thể
thao trong nhà trường, qua đó phát hiện tài năng bằng cách theo dõi một số môn
thể thao đặc trưng năng khiếu dễ nhận thấy trong một số môn thể thao cơ bản, từ
đó định hướng hoặc đầu tư đúng đắn. Tăng cường liên kết với các Liên đoàn - Hội
Thể thao của tỉnh và quốc gia; tổ chức các giải thể thao để tuyển chọn tài
năng từ các đơn vị huyện, thành phố, ban, ngành trong tỉnh; đầu tư có trọng điểm
đối với VĐV, HLV có khả năng tranh chấp huy chương.
- Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận
thức về các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với
công tác TDTT trong thời kỳ mới, chống tiêu cực trong ngành kết hợp làm tốt
công tác giáo dục đạo đức tác phong cho HLV, VĐV gắn với việc thực hiện cuộc vận
động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
4.2. Phân nhóm trọng tâm đầu tư các môn
thể thao:
- Để đạt được các mục tiêu đề ra, căn cứ vào thành
tích đạt được và tiềm năng, truyền thống phát triển của các môn thể thao trong
tỉnh, phân loại nhóm môn để tập trung đầu tư, cụ thể như sau:
+ Nhóm 1: là những môn có khả năng đạt
huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc, các giải quốc gia và quốc tế gồm các môn
sau: Cử tạ, Võ cổ truyền, Cờ vua, Bóng bàn, Cầu lông, Thể dục thể hình, Kickboxing, Điền
kinh, Taekwondo, Vật, Khiêu vũ thể thao
....
+ Nhóm 2: là những môn thể thao có phong
trào mạnh tại địa phương đang trong quá trình xây dựng lại để phát triển trong
tương lai: Boxing, Karate, Quần vợt, Judo, Silat...
- Ngoài các môn thể thao đang phát triển
mạnh của tỉnh , cần quan tâm thêm các môn thể thao có lợi thế về độ cao và địa
hình, các môn thể thao mạo hiểm để phát triển thành môn chủ lực của tỉnh nhà.
- Tập trung đầu tư cho VĐV các môn thể
thao trọng điểm, đặc biệt là các VĐV ưu tú có khả năng giành huy chương vàng đại
hội thể thao toàn quốc, đại hội thể thao Đông Nam Á, đại hội thể thao Châu Á.
Các VĐV được đầu tư với chế độ chính sách đặc thù chuyên biệt (đãi ngộ, dinh dưỡng,
tập huấn, thi đấu quốc tế, mời chuyên
gia huấn luyện, chăm sóc y học và chữa trị chấn thương).
5. Nhóm giải pháp xã hội
hóa:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động
và ban hành các chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước
đầu tư vào lĩnh vực TDTT. Đảm bảo thực hiện các chính sách ưu đãi đối với hoạt
động TDTT, ưu tiên giải quyết đất xây dựng các cơ sở TDTT miễn giảm thuế đất tiền
sử dụng đất...
- Vận động khuyến khích cho các tổ chức,
cá nhân trong việc tham gia hỗ trợ việc phát triển nguồn nhân lực TDTT, tạo điều
kiện để phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ TDTT.
- Đẩy mạnh các hoạt động tài trợ, quảng
cáo trong lĩnh vực TDTT. Huy động nguồn tài chính của xã hội đầu tư cho TTTTC.
- Phát huy vai trò của các Liên đoàn, Hội,
các tổ chức xã hội về thể thao trong việc tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao:
Phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội, các tổ chức xã hội về thể thao tổ chức
các hoạt động thi đấu cấp tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế; Huy động các Liên
đoàn, Hiệp hội, các tổ chức xã hội về thể thao tham gia hoạt động tuyển chọn,
đào tạo tài năng TTTTC; Đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển một số môn TTTTC theo
hướng chuyên nghiệp.
6. Nhóm giải pháp ứng dụng
khoa học, công nghệ trong các hoạt động TDTT:
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin trong đào tạo, huấn luyện và quản lý dữ liệu của VĐV trình độ cao và VĐV trẻ.
Ưu tiên ứng dụng nghiên cứu khoa học, y học thể thao phục vụ nâng cao hiệu quả
huấn luyện các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn, các VĐV trọng điểm.
- Thực hiện chữa trị chấn thương; hồi phục
sức khỏe, thể lực; chăm sóc dinh dưỡng cho các VĐV thể thao thành tích cao;
thành lập bộ phận y học TDTT được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ
thuật, dụng cụ cần thiết.
- Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ
trong đào tạo, huấn luyện, thi đấu và nâng cao trình độ cho các cán bộ chuyên
trách về lĩnh vực y học TDTT.
Đẩy mạnh hợp tác với Viện Khoa học TDTT,
các trường đại học TDTT, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các bệnh
viện trong và ngoài tỉnh.
7. Nhóm giải pháp hợp
tác trong nước và quốc tế phát triển TDTT:
- Tăng cường liên kết đào tạo với các
Trung tâm huấn luyện quốc gia và các tỉnh, thành khác có điều kiện cơ sở vật chất
tốt như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để giao lưu học tập trao đổi kinh nghiệm và
tạo điều kiện thuận lợi cho các HLV, VĐV tham gia tập huấn, thi đấu, nâng cao
trình độ thể thao; học tập nâng cao trình độ cho HLV, giáo viên, cán bộ quản lý
thể thao.
- Tăng cường quan hệ hợp tác với các nước
có nền thể thao phát triển trong khối ASEAN, ở Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc,
Trung Quốc).
- Phối hợp, tạo mối quan hệ giữa cán bộ
quản lý, HLV, VĐV của địa phương với các Liên đoàn thể thao quốc gia và các bộ
môn của Tổng cục TDTT trong công tác đào tạo huấn luyện thể thao. Tăng cường hợp
tác, tranh thủ sự giúp đỡ của Viện khoa học TDTT, các Trung tâm huấn luyện thể
thao quốc gia, các trường Đại học thể thao... trong công tác đào tạo, huấn luyện.
VI. KINH PHÍ VÀ LỘ
TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Đề án:
Nguồn kinh phí triển khai thực hiện Đề
án được huy động từ nhiều nguồn bao gồm: ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ,
huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Kinh phí từ các nguồn tài trợ, huy động
hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để tham gia thực hiện
nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao tài năng trong số các môn thể thao được
xác định của Đề án.
Kinh phí triển khai Đề án từ năm 2022 đến
năm 2035 từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo quy định của Luật Ngân
sách nhà nước và trên cơ sở dự toán của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chi đầu
tư từ ngân sách nhà nước thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư
công.
Ngân sách nhà nước bố trí thực hiện những
nhiệm vụ như sau:
1.1. Xây dựng chương trình, biên soạn
giáo trình đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng
tài năng TTTTC;
1.2. Mua tài liệu, biên dịch các tài liệu
của nước ngoài phục vụ tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng tài năng TTTTC;
1.3. Tổ chức nhiệm vụ nghiên cứu khoa học
và triển khai thực hiện các đề tài, đề án, dự án, chương trình chuyển giao ứng
dụng khoa học - công nghệ phục vụ: Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể
thao, thi đấu thể thao; giám định khoa học huấn luyện thể thao; đào tạo VĐV; hoạt
động tác nghiệp HLV và nhà khoa học thể thao;
1.4. Bồi dưỡng, tập huấn, chuẩn hóa đội
ngũ HLV, cán bộ quản lý và nhân lực có liên quan tham gia tuyển chọn, đào tạo,
huấn luyện tài năng thể thao ở trong và ngoài tỉnh;
1.5. Mời chuyên gia của các trung tâm huấn
luyện, cơ sở đào tạo, tổ chức, câu lạc bộ thể thao có uy tín ở trong nước và nước
ngoài tham gia tuyển chọn, huấn luyện;
1.6. Đầu tư, tăng cường, nâng cấp, bổ
sung, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, bảo đảm các tiêu chuẩn phục
vụ công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tài năng thể thao, thi đấu
thể thao; giám định khoa học huấn luyện thể thao, đào tạo VĐV, hoạt động tác
nghiệp HLV và nhà khoa học thể thao;
1.7. Chi phí ứng dụng nghiên cứu khoa học,
y học thể thao phục vụ nâng cao hiệu quả huấn luyện các môn thể thao trọng điểm,
mũi nhọn, các VĐV trọng điểm. Thực hiện chữa trị chấn thương; hồi phục sức khỏe,
thể lực; chăm sóc dinh dưỡng cho các VĐV thể thao thành tích cao. Nghiên cứu ứng
dụng khoa học công nghệ trong đào tạo, huấn luyện, thi đấu và nâng cao trình độ
cho các cán bộ chuyên trách về lĩnh vực y học TDTT.
1.8. Chi phí tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng
tài năng thể thao ở trong tỉnh, bao gồm: các chi phí thực hiện kiểm tra (test),
tổ chức tuyển sinh, đào tạo, học phí, học bổng, chính sách ưu đãi cho VĐV, HLV,
chi phí đi lại, ăn, ở, lương, bảo hiểm, chi phí hỗ trợ cho VĐV, HLV tài năng
trong quá trình đào tạo, huấn luyện, tập huấn và thi đấu và các chi phí khác
theo quy định hiện hành trong suốt quá trình đào tạo, huấn luyện và thi đấu; thực
hiện các chế độ đãi ngộ, ưu đãi cho người dạy và người học;
1.9. Chi phí các khóa huấn luyện, tập huấn,
bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn ở trong nước hoặc nước ngoài;
1.10. Chi phí tổ chức hoặc tham gia các
cuộc thi kiểm tra, thi đấu giao hữu, thi đấu các giải thể thao ở trong nước và
nước ngoài để đánh giá chất lượng, kết quả tuyển chọn, đào tạo tài năng; chi
phí thực hiện khen thưởng cho HLV, VĐV tài năng đạt huy chương, giải thưởng,
thành tích cao trong các giải đấu.
2. Lộ trình triển khai:
2.1. Giai đoạn 2022 - 2025, giao Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn triển khai, tập trung triển khai thực hiện
những nhiệm vụ chính sau đây:
- Lựa chọn các cơ sở tham gia tuyển chọn,
đào tạo, bồi dưỡng tài năng, nhân lực TTTTC theo Đề án (bao gồm các Trung
tâm huấn luyện quốc gia và các tỉnh, thành khác có điều kiện cơ sở vật chất tốt; đội ngũ HLV
giỏi, giàu kinh nghiệm);
- Xây dựng hệ thống tiêu chí và kế hoạch
tuyển chọn, đào tạo tài năng;
- Xây dựng chương trình, biên soạn giáo
trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn;
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ
HLV, cán bộ quản lý và nhân lực có liên quan tham gia Đề án;
- Đầu tư, tăng cường, nâng cấp, bổ sung,
hoàn thiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm tiêu
chuẩn phục vụ công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tài năng thể thao,
thi đấu thể thao; giám định
khoa học huấn luyện thể thao, đào tạo VĐV, hoạt động tác nghiệp HLV và nhà khoa
học thể thao;
- Liên kết, hợp tác đào tạo với các
trung tâm huấn luyện và các Trung tâm huấn luyện quốc gia và các tỉnh, thành
khác có điều kiện cơ sở vật chất tốt để cử tài năng và nhân lực thể thao thành
tích cao đi đào tạo, huấn luyện, tập huấn dài hạn và ngắn hạn ở trong và ngoài
nước theo nội dung của Đề án;
- Triển khai tuyển chọn, đào tạo tài
năng và nhân lực thể thao thành tích cao ở trong và ngoài tỉnh theo nội dung của
Đề án;
- Cử VĐV xuất sắc tham gia các giải thể
thao quốc gia, khu vực và quốc tế; tổ chức các cuộc thi kiểm tra, thi đấu giao
hữu, thi đấu các giải thể thao chính thức trong hệ thống quốc gia và quốc tế ở
trong nước.
2.2. Giai đoạn 2026 - 2030, tập trung
triển khai thực hiện những nhiệm vụ chính sau đây:
- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chính
của giai đoạn 2022 - 2025; xem xét, điều chỉnh những chỉ tiêu cụ thể phù hợp với
tình hình thực tiễn;
- Tăng cường đầu tư, tăng cường, nâng cấp,
bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm
tiêu chuẩn phục vụ công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tài năng
thể thao, thi đấu thể thao; giám định khoa học huấn luyện thể thao, đào tạo
VĐV, hoạt động tác nghiệp HLV và nhà khoa học thể thao;
- Cử VĐV xuất sắc tham gia các giải thể
thao quốc gia, khu vực và quốc tế; tổ chức các cuộc thi kiểm tra, thi đấu giao
hữu, thi đấu các giải thể thao chính thức trong hệ thống quốc gia và quốc tế ở
trong nước;
- Sơ kết, đánh giá kết quả việc triển
khai Đề án.
2.3. Giai đoạn 2031 - 2035, tập trung
triển khai thực hiện những nhiệm vụ chính sau đây:
- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chính
của giai đoạn 2030 - 2035; xem xét, điều chỉnh những chỉ tiêu cụ thể phù hợp với
tình hình thực tiễn;
- Cử VĐV xuất sắc tham gia các giải thể
thao quốc gia, khu vực và quốc tế; tổ chức các cuộc thi kiểm tra, thi đấu giao
hữu, thi đấu các giải thể thao chính thức trong hệ thống quốc gia và quốc tế ở
trong nước;
- Sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả việc
triển khai Đề án.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN
1. Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch
- Là cơ quan đầu mối tổ chức xây dựng,
thực hiện kế hoạch tổng thể và hằng năm triển khai Đề án;
- Lập kế hoạch chi tiết triển khai, thực
hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các ban, sở, ngành,
đơn vị có liên quan, các huyện, thành phố thường xuyên củng cố và kiện toàn đội
ngũ cán bộ làm công tác TDTT.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, đơn vị có liên quan xây dựng các chế độ chính sách cho HLV, VĐV, trọng
tài, hướng dẫn viên, giáo viên TDTT các cấp, chính sách khuyến khích xã hội hóa
và kinh doanh dịch vụ TDTT.
- Tổ chức báo cáo sơ kết, tổng kết thực
hiện đề án.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư:
Tham mưu, tổng hợp các mục tiêu của Đề
án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công hàng năm và 5
năm của tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất bố trí nguồn kinh phí thực
hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định.
3. Sở Tài
chính:
Căn cứ vào khả năng cân đối của ngân
sách tỉnh, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan
tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí đối với những nhiệm vụ không thường
xuyên phát sinh khi thực hiện Đề án theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước
và các văn bản hướng dẫn thi hành; kiểm tra việc sử dụng kinh phí theo quy định
hiện hành.
4. Sở Giáo dục
và Đào tạo:
- Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất
và các hoạt động thể thao trường học, tổ chức thi đấu TDTT trường học, Hội khỏe
Phù đổng các cấp.
- Tổ chức xây dựng các trường, lớp, các
CLB năng khiếu TDTT trong hệ thống giáo dục phổ thông để tuyển chọn học sinh có
năng khiếu cho TTTTC.
- Nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính
sách hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập văn
hóa của VĐV.
5. Sở Nội vụ:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị đào tạo,
huấn luyện học sinh năng khiếu, VĐV thể thao xây dựng đề án vị trí việc làm, cơ
cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và số lượng người làm việc, thẩm định,
trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
- Kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng,
nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo trong hệ thống đào tạo VĐV 4 tuyến của tỉnh.
- Phối hợp xây dựng chế độ, chính sách đối
với cán bộ, HLV, VĐV, trọng tài, giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT,
trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện.
6. Sở Khoa học
và Công nghệ:
Hàng năm, cân đối nguồn kinh phí để thực
hiện một số nhiệm vụ khoa học công nghệ về nghiên cứu ứng dụng khoa học công
nghệ trong các hoạt động TDTT, đáp ứng yêu cầu phát triển TDTT Lâm Đồng đến năm
2035.
7. Các sở,
ngành có liên quan:
Y tế, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường,
Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh, Công an tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch
chi tiết để triển khai, thực hiện đề án.
8. Đề nghị Ban Tuyên
giáo Tỉnh ủy:
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí,
truyền thông và thông qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền, phổ biến về Đề
án, đồng thời tham gia chỉ đạo, thực hiện Đề án.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tính và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội:
Phối hợp xây dựng các chương trình, kế
hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tại Đề án được duyệt; thực hiện lồng ghép các mục
tiêu phát triển TDTT với các chương trình, kế hoạch phát triển của từng tổ chức,
đoàn thể đạt hiệu quả thiết thực.
10. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố:
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng, nhân lực
trong lĩnh vực thể thao thành tích cao; có cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng,
đãi ngộ các tài năng, nhân lực thể thao thành tích cao sau khi được đào tạo trở
về phục vụ địa phương;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch và các ngành, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện có hiệu quả
các dự án, chương trình của đề án, phục vụ nhu cầu phát triển TDTT trên địa
bàn./.