ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 71/2010/QĐ-UBND
|
TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 9 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG XE THÔ SƠ, XE GẮN MÁY, XE MÔ TÔ HAI BÁNH, XE MÔ TÔ BA BÁNH VÀ
CÁC LOẠI XE TƯƠNG TỰ ĐỂ VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Giao thông
vận tải hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô
tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Công văn số 5050/SGTVT-VTCN
ngày 26 tháng 8 năm 2010 và Công văn số 4157/SGTVT-VTCN ngày 21 tháng 7 năm
2010); Ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp (Công văn số 2790/STP-VB ngày 12 tháng 8
năm 2010),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết
định này Quy định về quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh,
xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa
trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau
10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân
dân thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an thành phố, Thủ
trưởng các sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thành Tài
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
XE THÔ SƠ, XE GẮN MÁY, XE MÔ TÔ HAI BÁNH, XE MÔ TÔ BA BÁNH VÀ CÁC LOẠI XE TƯƠNG
TỰ ĐỂ VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 71/2010/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban
nhân dân thành phố)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Quy định này quy định về quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe
gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để tham
gia vận chuyển hành khách, hàng hóa có thu tiền trên địa bàn thành phố Hồ Chí
Minh.
Điều 2. Đối tượng áp
dụng
Quy định này áp dụng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân
liên quan đến hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa có thu tiền bằng xe thô
sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự
trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 3. Giải thích từ
ngữ
1. Xe thô sơ gồm: xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe
đạp máy), xe xích lô và các loại xe tương tự.
2. Xe gắn máy là xe hai bánh chạy bằng động cơ, có
dung tích xi lanh dưới 50 cm3 được thiết kế để chở người (trừ xe có động cơ
điện).
3. Xe mô tô hai bánh là xe hai bánh chạy bằng động
cơ, có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên được thiết kế để chở người.
4. Xe mô tô ba bánh là xe ba bánh chạy bằng động
cơ, có dung tích làm việc từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn
hơn 50 km/h, có trọng lượng xe tối đa là 400 kg.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ PHƯƠNG
TIỆN, NGƯỜI HÀNH NGHỀ VẬN CHUYỂN VÀ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN
Điều 4. Phương tiện vận chuyển
1. Xe thô sơ đúng kiểu loại, đã được cấp giấy đăng ký và
gắn biển số do Sở Giao thông vận tải cấp (đối với xe xích lô), được phép tham
gia giao thông phải bảo đảm về chất lượng, an toàn kỹ thuật quy định sau đây:
a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;
b) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;
c) Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận
hành ổn định.
2. Xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh đúng
kiểu loại đã được cấp giấy đăng ký và gắn biển số do cơ quan Công an có thẩm
quyền cấp, được phép tham gia giao thông phải bảo đảm về chất lượng, an toàn kỹ
thuật quy định sau đây:
a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;
b) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;
c) Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn
báo hãm, đèn tín hiệu;
d) Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật
của từng loại xe;
đ) Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác
bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;
e) Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;
g) Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị,
thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;
h) Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận
hành ổn định.
Điều 5. Người hành nghề vận chuyển
1. Người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng
xe thô sơ:
a) Phải đủ 16 tuổi trở lên, có sức khỏe bảo đảm điều
khiển xe an toàn;
b) Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ;
c) Đăng ký với Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn để
được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển);
d) Khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ
sau:
- Giấy đăng ký xe;
- Giấy chứng minh nhân dân.
2. Người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng
xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh:
a) Phải đủ độ tuổi quy định tại điểm a, điểm b của khoản
1, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ ngày 26 tháng 11 năm 2008;
b) Phải đủ sức khỏe quy định tại khoản 2, Điều 60 Luật
Giao thông đường bộ ngày 26 tháng 11 năm 2008;
c) Phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép
điều khiển do Sở Giao thông vận tải có thẩm quyền cấp (đối với người điều khiển
xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh);
d) Đăng ký với Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn để
được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển);
đ) Trang bị mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng
theo quy định của pháp luật cho hành khách đi xe;
e) Khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ
sau:
- Giấy đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe (nếu điều khiển xe mô tô hai bánh, xe
mô tô ba bánh);
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường (nếu điều khiển xe mô tô ba bánh);
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe
cơ giới còn hiệu lực;
- Giấy chứng minh nhân dân.
3. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011, người hành nghề vận
chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe
mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải
mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị
trí ngực áo bên trái.
4. Khuyến khích các cá nhân hành nghề vận chuyển hành
khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh
và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải tham gia vào
các tổ, đội, nghiệp đoàn.
Điều 6. Hoạt động vận chuyển
1. Các hoạt động dừng, đỗ, đón, trả hành khách và hàng
hóa phải bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hàng hóa xếp trên xe
phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của
người điều khiển.
2. Phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe mô tô ba bánh được
quy định tại Quyết định số 37/2009/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2009 và Quyết
định số 94/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố
về việc cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông
trong khu vực nội đô và trên các quốc lộ thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Chương III
CƠ QUAN CẤP BIỂN HIỆU
VÀ THỦ TỤC CẤP BIỂN HIỆU HOẠT ĐỘNG
Điều 7. Thẩm quyền cấp biển hiệu hoạt
động
Ủy ban nhân dân cấp phường - xã, thị trấn cấp biển hiệu
hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô
hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự (thẻ hoạt động vận chuyển)
trên địa bàn mình quản lý.
Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp và tái cấp
biển hiệu hoạt động
1. Hồ sơ đề nghị cấp biển hiệu hoạt động:
a) Đơn đăng ký (theo mẫu quy định tại phụ lục 1);
b) Bản chụp giấy phép lái xe phù hợp (nếu đăng ký hành
nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh);
c) Bản chụp chứng minh nhân dân;
d) Bản chụp sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú KT3).
2. Thời gian hiệu lực của biển hiệu hoạt động là 05 năm
kể từ ngày cấp.
Điều 9. Trình tự và thời gian giải
quyết hồ sơ
1. Các cá nhân hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa
bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe
tương tự nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn nơi mình
đăng ký hoạt động. Sau khi nhận đủ các loại giấy tờ quy định tại Điều 8, Chương
II Quy định này, Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn cấp Biên nhận hồ sơ và
vào sổ tiếp nhận hồ sơ.
2. Thời gian cấp và tái cấp biển hiệu hoạt động là 03
ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Nếu từ chối cấp phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ
lý do từ chối cho người nộp hồ sơ.
4. Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn có trách nhiệm
thu hồi, hủy bỏ biển hiệu không sử dụng trước khi cấp biển hiệu mới.
Điều 10. Thu hồi biển
hiệu hoạt động
1. Cơ quan cấp biển hiệu có trách nhiệm thu hồi biển hiệu
hoạt động do mình cấp khi cá nhân hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa
bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe
tương tự vi phạm các quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cá nhân hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng
xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương
tự bị thu hồi biển hiệu hoạt động khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
a) Sử dụng biển hiệu không đúng quy định hoặc cố ý làm
sai lệch các thông tin đã được ghi trên biển hiệu đã cấp;
b) Không chấp hành đúng quy định trong quá trình tham gia
hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Điều 11. In ấn biển
hiệu hoạt động
1. Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn định kỳ hàng quý
trước ngày 05 của tháng cuối quý, có văn bản đăng ký số lượng biển hiệu cần
thiết để cấp cho quý tiếp theo gửi về Sở Giao thông vận tải.
2. Trên cơ sở số lượng biển hiệu đăng ký của các Ủy ban
nhân dân phường - xã, thị trấn, Sở Giao thông vận tải tiến hành in ấn biển hiệu
(theo mẫu quy định tại phụ lục 2), cấp phát cho Ủy
ban nhân dân phường - xã, thị trấn trước ngày 01 của tháng đầu tiên quý sau.
3. Kinh phí in ấn biển hiệu được lấy từ nguồn thu xử phạt
vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trích để lại cho Ban An toàn
giao thông thành phố.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm
và quyền hạn
1. Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức tuyên truyền,
phổ biến Quy định này đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển hành
khách, hàng hóa bằng xe thô sơ xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh
và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải phối hợp với Giám đốc
Công an thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân phường - xã, thị trấn và các Sở - ban - ngành có liên quan tổ chức triển
khai Quy định này đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận chuyển
hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba
bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện:
a) Quy định các điểm đỗ, điểm đón trả khách và hàng hóa
trên địa bàn mình quản lý, đảm bảo an toàn giao thông và phù hợp với quy định
tại Quyết định số 37/2009/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2009 và Quyết định số
94/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố;
b) Định kỳ hàng quý trước ngày 25 của tháng đầu tiên quý
sau, tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa có
thu tiền bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các
loại xe tương tự về Sở Giao thông vận tải.
4. Ủy ban nhân dân cấp phường - xã, thị trấn:
a) Quản lý, cấp biển hiệu hoạt động vận chuyển hành
khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh
và các loại xe tương tự trên địa bàn mình quản lý;
b) Quản lý các cá nhân, tổ, đội, nghiệp đoàn hoạt động
vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh,
xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn mình quản lý;
c) Tiếp nhận, hướng dẫn và thành lập các tổ, đội hoạt
động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai
bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn mình quản lý;
d) Tổ chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết công tác
cấp và tái cấp biển hiệu hoạt động thuận lợi và nhanh chóng;
đ) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện công bố
điểm đỗ, điểm chờ đón khách trên địa bàn mình quản lý;
e) Định kỳ hàng quý trước ngày 15 của tháng đầu tiên quý
sau, báo cáo thống kê tình hình hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa có
thu tiền bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các
loại xe tương tự về Ủy ban nhân dân quận - huyện.
5. Tổ, đội, nghiệp đoàn:
a) Tiếp nhận các cá nhân có nhu cầu tham gia hoạt động
vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh,
xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự vào tổ, đội, nghiệp đoàn của mình;
b) Hướng dẫn tổ viên, đội viên, thành viên của mình đăng
ký với Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động
vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh,
xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự;
c) Xây dựng quy chế hoạt động của tổ, đội, nghiệp đoàn;
d) Tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật
liên quan đến Luật Giao thông đường bộ ngày 26 tháng 11 năm 2008, Nghị định số
34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ và Quy định này đến các tổ
chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ xe gắn
máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn
thành phố Hồ Chí Minh;
đ) Định kỳ hàng quý trước ngày 05 của tháng đầu tiên quý
sau, báo cáo về Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn nơi đơn vị đăng ký hoạt
động.
6. Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông
đường bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm theo thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong lĩnh vực giao thông đường
bộ hiện hành.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Điều khoản
thi hành
Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc
phát sinh, các Sở - ban - ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện,
phường - xã, thị trấn, cá nhân, tổ chức có liên quan kịp thời báo cáo về Sở
Giao thông vận tải để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.