THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 749/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 06 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GIAI ĐOẠN 2015 - 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày
29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án đổi mới
công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 với những nội dung sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng
quát
Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý
(TGPL) theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng
vùng, miền, khu vực tiến tới sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư hành
nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL
kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường;
chuyển các Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) theo hướng từ việc chủ yếu cung
cấp dịch vụ TGPL hiện nay thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL,
tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính
trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước.
2. Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ
giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực
- Duy trì các Trung tâm theo hướng
tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó
khăn và đặc biệt khó khăn đội ngũ luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu TGPL thì
tăng cường năng lực cho các Trợ giúp viên pháp lý bảo đảm đủ trình độ, kỹ năng
tham gia tố tụng; bố trí đủ kinh phí cho hoạt động TGPL, trong đó tập trung vào
thực hiện vụ việc TGPL đặc biệt là tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình. Trung
tâm chỉ thực hiện việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động
TGPL; không thành lập mới Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh), Câu lạc bộ TGPL,
thực hiện rà soát Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL để có giải pháp sáp nhập, giải thể.
- Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương còn lại, tăng cường xã hội hóa công tác TGPL bằng việc thu hút sự
tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có uy tín, kinh nghiệm thực
hiện TGPL, thẩm định chất lượng theo hợp đồng thường xuyên hoặc theo vụ việc gắn
với việc tăng cường kiểm tra chất lượng cung cấp dịch vụ TGPL, bảo đảm những
người được TGPL được hưởng dịch vụ TGPL có chất lượng tương đương với dịch vụ của
luật sư cung cấp trên thị trường.
- Nghiên cứu, xây dựng Luật Trợ giúp
pháp lý (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa tiến tới ở giai đoạn sau năm
2025 chỉ có luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ TGPL, có lộ trình chuyển các
Trung tâm từ trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL thành cơ quan thực hiện quản lý
nhà nước về TGPL; thực hiện việc tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế của
Trung tâm trước năm 2025; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp
cận dịch vụ TGPL của Nhà nước.
b) Giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp
pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025
- Triển khai có hiệu quả Luật Trợ
giúp pháp lý (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua. Tiếp tục duy trì Trung
tâm ở các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như
giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực và có
lộ trình chuyển các Trung tâm thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL
vào năm 2025. Đối với Trung tâm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có
điều kiện xã hội hóa thực hiện việc chuyển thành cơ quan thực hiện quản lý nhà
nước về TGPL theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
- Ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt
động TGPL được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Từ sau năm 2025, thực hiện đầy đủ
các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), xã hội hóa hoàn toàn công tác
TGPL của Nhà nước, Nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý, điều phối nguồn lực bảo đảm
cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được hưởng dịch vụ TGPL kịp thời, có chất
lượng tương đương với dịch vụ của luật sư cung cấp trên thị trường, đáp ứng tốt
nhu cầu TGPL của người được TGPL trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hôn
nhân và gia đình, hành chính; việc chi tiêu ngân sách nhà nước đạt hiệu quả
cao.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
1. Nhiệm vụ
a) Nhiệm vụ giai đoạn từ năm 2015 đến
khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực
- Về hoạt động TGPL:
Nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, tập
trung thực hiện vụ việc TGPL trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, đặc
biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình, các vụ việc đại
diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng.
Chỉ thực hiện việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động TGPL.
- Về tổ chức TGPL nhà nước: Duy trì tổ
chức thực hiện TGPL của Nhà nước trên cơ sở sắp xếp tổ chức các Trung tâm theo
hướng tinh gọn, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, giảm bớt chi phí bộ máy
hành chính, tập trung nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng TGPL, bảo đảm hiệu
quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu TGPL, nguồn nhân lực cung
cấp dịch vụ TGPL của từng địa phương và huy động các tổ chức xã hội tham gia thực
hiện TGPL.
+ Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở
Nội vụ, Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Đề án sắp xếp
vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp với
chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn bảo đảm Trung tâm có 02 bộ phận gồm:
(1) Bộ phận trực tiếp thực hiện TGPL là các Trợ giúp viên pháp lý; (2) Bộ phận
quản lý nghiệp vụ tạo tiền đề để chuyển các Trung tâm từ trực tiếp cung cấp dịch
vụ TGPL thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL và dịch vụ TGPL do tổ
chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện TGPL ở giai đoạn sau.
Việc sắp xếp lại tổ chức các Trung
tâm theo nguyên tắc:
. Đối với Trung tâm ở các tỉnh có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nguồn lực xã hội chưa thể
bảo đảm đáp ứng nhu cầu TGPL của người được TGPL thì củng cố, tăng cường hợp lý
số lượng Trợ giúp viên pháp lý, đồng thời tinh giản và nâng cao năng lực bộ phận
quản lý nghiệp vụ.
. Đối với Trung tâm ở các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương còn lại, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa
phương, nhu cầu TGPL, số lượng luật sư trên địa bàn thì thực hiện theo hướng
thu hút mạnh mẽ sự tham gia thực hiện TGPL của luật sư; đồng thời với việc nâng
cao năng lực, tính chuyên nghiệp của các Trợ giúp viên pháp lý trong tham gia tố
tụng, tư vấn tiền tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, đồng thời tinh giản biên chế,
nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc của bộ
phận quản lý nghiệp vụ.
Số biên chế dôi dư của Trung tâm chuyển
đổi sang các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính của Sở Tư pháp, tổ chức pháp
chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp
huyện, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Biên chế này nằm ngoài số biên chế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho Sở
Tư pháp, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân
cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, bảo đảm tổng số biên chế của các
Trung tâm trong toàn quốc giảm 15% so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án.
+ Đối với Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL:
. Đối với Chi nhánh: Về cơ bản, không
thành lập mới Chi nhánh. Trường hợp cần thiết phải thành lập Chi nhánh thì Giám
đốc Sở Tư pháp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho ý kiến trước khi trình Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Trường
hợp Chi nhánh được thành lập không đúng quy định, không căn cứ vào nhu cầu
TGPL, không có Trợ giúp viên pháp lý hoặc hoạt động không hiệu quả thì chấm dứt
hoạt động.
. Đối với Câu lạc bộ TGPL: Không
thành lập mới Câu lạc bộ TGPL. Đối với các Câu lạc bộ TGPL đang tồn tại nhưng
hoạt động không hiệu quả thì Sở Tư pháp có phương án giải thể hoặc sáp nhập với
các Câu lạc bộ khác ở địa phương để tăng cường hiệu quả hoạt động.
- Về xã hội hóa hoạt động TGPL: Huy động
luật sư có kinh nghiệm, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp; các tổ chức hành nghề
luật sư có uy tín tham gia thực hiện TGPL để người dân có quyền tiếp cận hoạt động
TGPL với chất lượng cao.
+ Nhà nước chi trả tiền bồi dưỡng
theo vụ việc tố tụng cho luật sư thực hiện TGPL theo yêu cầu của Nhà nước (trừ
luật sư thực hiện TGPL miễn phí theo nghĩa vụ được quy định trong Luật Luật sư)
hoặc ký hợp đồng theo cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ công với các luật sư, tổ
chức hành nghề luật sư. Tăng mức bồi dưỡng 01 buổi làm việc theo vụ việc lên mức
tối thiểu tương đương mức trần bồi dưỡng cho báo cáo viên pháp luật là chuyên
viên cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm
2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ
ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hoặc
khoán chi theo vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 tháng lương cơ sở và mức tối
đa là 10 tháng lương cơ sở tùy tính chất, nội dung vụ việc.
+ Cơ quan quản lý nhà nước về TGPL
công bố rộng rãi danh sách các Trợ giúp viên pháp lý, các luật sư và các tổ chức
hành nghề luật sư được Nhà nước ký hợp đồng cung cấp dịch vụ công để người được
TGPL lựa chọn khi có nhu cầu TGPL. Các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư không
bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của Nhà nước thì không được tiếp tục ký hợp đồng
và hỗ trợ kinh phí để thực hiện TGPL, thẩm định chất lượng TGPL.
+ Nhà nước có chính sách khuyến
khích, tạo điều kiện để luật sư tham gia TGPL nhằm thu hút nhiều luật sư có
kinh nghiệm, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp thực hiện TGPL.
- Về đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý:
+ Rà soát đội ngũ Trợ giúp viên pháp
lý hiện có, trên cơ sở điều kiện thực tế, nhu cầu TGPL của từng địa phương để
xác định số lượng Trợ giúp viên pháp lý cần thiết; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
với các hình thức phù hợp theo hướng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên
môn, kỹ năng tranh tụng. Nâng cao chất lượng tham gia tố tụng của các Trợ giúp
viên pháp lý thông qua việc giao chỉ tiêu tham gia tố tụng hàng năm cho mỗi Trợ
giúp viên pháp lý và tăng mức bồi dưỡng vụ việc tố tụng bằng 40% mức chi trả tiền
bồi dưỡng theo vụ việc đối với các luật sư.
+ Đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên
viên pháp lý hiện có thành Trợ giúp viên pháp lý ở các tỉnh có điều kiện kinh tế
- xã hội khó khăn, nơi khó huy động các luật sư hành nghề tham gia TGPL.
+ Xây dựng cơ chế chuyển đổi các Trợ
giúp viên pháp lý đã tham gia tố tụng đạt chỉ tiêu vụ việc được giao hàng năm
và bảo đảm chất lượng thành luật sư (nếu có nguyện vọng) và các luật sư này sẽ
được Nhà nước ưu tiên ký hợp đồng để thực hiện TGPL.
- Về mô hình quản lý TGPL: Bộ Tư pháp
thực hiện hỗ trợ, điều phối nguồn lực đối với các vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố
tụng.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường
năng lực của cơ quan làm công tác quản lý nhà nước về TGPL ở Trung ương, bảo đảm
đủ năng lực để thực hiện điều phối cho công tác TGPL; biên chế được kiện toàn
trong số biên chế TGPL dôi dư, kiểm tra, thanh tra, giám sát về chất lượng vụ
việc TGPL, đánh giá, chứng nhận chất lượng TGPL đối với các tổ chức, cá nhân thực
hiện TGPL trong toàn quốc; tạm dừng tổ chức và hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp
lý Việt Nam cho đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực, Bộ Tư pháp
sắp xếp, giải quyết đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại
Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy
định của pháp luật.
Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý) hỗ
trợ bằng nguồn ngân sách trung ương đối với các vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố
tụng tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách theo pháp luật về ngân
sách nhà nước thông qua việc ký hợp đồng với các Trung tâm tại các địa phương
này và với các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia TGPL; ngân sách
trung ương hỗ trợ cho các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư thực hiện vụ việc
TGPL trong trường hợp ngân sách địa phương không có điều kiện chi trả; thực hiện
việc tạm ứng kinh phí bảo đảm các tổ chức thực hiện TGPL chủ động có nguồn kinh
phí để thực hiện vụ việc. Thông qua cơ chế này thực hiện việc điều phối về nguồn
nhân lực giữa các địa phương trong toàn quốc.
Đối với các tỉnh, thành phố có các
huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của
Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện
nghèo (Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP); xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn
theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng
giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 (Nghị quyết số 80/NQ-CP)
thì ngoài việc được hỗ trợ đối với các vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố tụng còn
được hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm tham gia khóa đào tạo nghề luật
sư theo mức học phí của Học viện Tư pháp và hỗ trợ đối với các hoạt động truyền
thông trực tiếp về TGPL để cho người dân biết về hệ thống tổ chức thực hiện
TGPL sẵn có của nhà nước, về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL bảo đảm việc
thực hiện hiệu quả, tiết kiệm thông qua các hình thức sau: (1) Thiết lập đường
dây nóng về TGPL, truyền thông về TGPL; (2) Thu và sao băng cát - xét, đĩa CD bằng
tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số về TGPL; (3) Đặt Bảng thông tin, Hộp tin về
TGPL tại Ủy ban nhân dân, Trung tâm bưu điện, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn
hóa, Đồn biên phòng trên địa bàn xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Định mức
chi cho các hoạt động này ít nhất bằng với định mức đã quy định trong Quyết định
số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính
sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người
nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết
định số 52/2010/QĐ-TTg), Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2012
của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc
thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 (Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg).
- Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng
vụ việc TGPL:
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin
và sử dụng cơ sở dữ liệu để thực hiện quản lý chất lượng vụ việc TGPL sát sao
(thời gian thụ lý vụ việc, người được TGPL, người thực hiện TGPL, lĩnh vực
TGPL, thời gian thực hiện, tình trạng, kết quả vụ việc). Thực hiện chi thẩm định
vụ việc tham gia tố tụng tương đương mức chi lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc
lập theo Khoản 9 Điều 4 Thông tư liên tịch số
92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư
pháp và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (Thông tư liên tịch số
92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP); thực hiện chi đánh giá chất lượng vụ việc tham gia
tố tụng tương đương mức lấy ý kiến tham luận bằng văn bản theo Điểm
a Khoản 7 Điều 4 Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP.
- Về kinh phí:
+ Ở Trung ương: Bảo đảm nguồn ngân
sách hàng năm ở Trung ương và kinh phí để thực hiện các hoạt động TGPL tại các
huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo các chính sách về TGPL
quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 80/NQ-CP (kinh phí
theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg , Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg được tích hợp)
để thực hiện hỗ trợ cho các vụ việc tố tụng và các nhiệm vụ khác. Chi thực hiện
việc nghiên cứu, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu và tin học hóa để kết nối
theo dõi vụ việc trên toàn quốc, quản lý hệ thống, tập huấn, thực hiện truyền
thông và các mục chi khác được dự toán theo quy định hiện hành.
+ Ở địa phương: Ngân sách địa phương
có trách nhiệm bảo đảm kinh phí chi lương, chi hành chính, cơ sở vật chất,
trang thiết bị làm việc cho Trung tâm và các hoạt động TGPL ngoài nguồn hỗ trợ
từ Trung ương và chi cho vụ việc TGPL ít nhất bằng 50% tổng kinh phí nghiệp vụ
TGPL do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp hàng năm.
- Nghiên cứu, xây dựng Luật Trợ giúp
pháp lý (sửa đổi) theo hướng:
+ Về hoạt động: Thực hiện vụ việc
TGPL trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính;
cung cấp dịch vụ đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp
luật tiền tố tụng; mở rộng đối tượng được TGPL.
+ Về tổ chức TGPL nhà nước: Có lộ
trình chuyển Trung tâm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ việc trực
tiếp cung cấp dịch vụ TGPL thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL; dịch
vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện. Nhà nước thực hiện
vai trò quản lý, điều phối nguồn lực bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được
TGPL được hưởng dịch vụ TGPL, giám sát và kiểm soát chất lượng dịch vụ TGPL.
+ Về người thực hiện TGPL: Trợ giúp
viên pháp lý thực hiện với sự tham gia tích cực của đội ngũ luật sư. Nhà nước
ký hợp đồng thường xuyên với luật sư (luật sư công thực hiện TGPL) hoặc ký hợp
đồng vụ việc với luật sư, tiến tới chỉ có luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ
TGPL ở giai đoạn sau 2025; Nghiên cứu bổ sung vào Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
quy định cho phép Trợ giúp viên pháp lý đã tham gia tố tụng đạt chỉ tiêu vụ việc
được giao hàng năm và bảo đảm chất lượng được chuyển đổi sang luật sư (nếu có
nguyện vọng) mà không phải qua đào tạo và tập sự hành nghề luật sư.
+ Về xã hội hóa hoạt động TGPL: Thực
hiện xã hội hóa hoạt động TGPL một cách mạnh mẽ, thu hút các tổ chức hành nghề
luật sư có uy tín, các luật sư có kinh nghiệm để cung cấp dịch vụ TGPL, thẩm định
chất lượng vụ việc TGPL.
b) Nhiệm vụ giai đoạn từ khi Luật Trợ
giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025
- Về hoạt động TGPL:
Thực hiện vụ việc TGPL trong lĩnh vực
tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính; cung cấp dịch vụ đại
diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng.
- Về mô hình, tổ chức TGPL nhà nước:
Là giai đoạn chuyển tiếp các Trung tâm từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL
thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL; thực hiện giảm tiếp 50% trong
tổng số biên chế sự nghiệp tại các Trung tâm; dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề
luật sư và luật sư thực hiện.
+ Ở Trung ương: Cơ quan quản lý TGPL ở
Trung ương tiếp tục được kiện toàn về mặt tổ chức và chức năng, nhiệm vụ để đáp
ứng yêu cầu quản lý nhà nước, điều phối, phân bổ nguồn lực, giám sát và kiểm
soát chất lượng TGPL.
+ Ở địa phương:
. Đối với các tỉnh có điều kiện kinh
tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, đội ngũ luật sư hành nghề trên địa
bàn chưa đáp ứng nhu cầu TGPL thì vẫn duy trì Trung tâm, tăng cường năng lực
cho các Trợ giúp viên pháp lý bảo đảm đủ trình độ, kỹ năng tham gia tố tụng; bố
trí đủ kinh phí cho hoạt động TGPL, đồng thời có lộ trình chuyển Trung tâm
thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL, dịch vụ TGPL do tổ chức hành
nghề luật sư và luật sư thực hiện vào năm 2025 theo quy định của Luật Trợ giúp
pháp lý (sửa đổi).
. Đối với các tỉnh, thành phố còn lại
thì sớm có lộ trình chuyển Trung tâm từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL
thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL, dịch vụ TGPL do tổ chức hành
nghề luật sư và luật sư thực hiện; sắp xếp số biên chế dôi dư của Trung tâm
tăng cường cho các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính của Sở Tư pháp, tổ chức
pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp
cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL.
Cơ quan quản lý nhà nước về TGPL thực
hiện các chức năng, nhiệm vụ sau: (1) Kiểm tra thụ lý vụ việc TGPL; (2) Lựa chọn,
cử luật sư thực hiện vụ việc TGPL; (3) Thẩm định chất lượng vụ việc TGPL, đề xuất
kinh phí, chi trả kịp thời; (4) Ký hợp đồng vụ việc với luật sư thực hiện TGPL
hoặc thẩm định chất lượng vụ việc; (5) Ký hợp đồng lao động thường xuyên với luật
sư (luật sư công thực hiện TGPL) thực hiện vụ việc hoặc thẩm định chất lượng vụ
việc; (6) Thực hiện chi trả kinh phí cho các vụ án bắt buộc có người bào chữa.
- Về người thực hiện TGPL: Trước năm
2025: Người thực hiện TGPL là Trợ giúp viên pháp lý và luật sư. Sau năm 2025:
Người thực hiện TGPL là luật sư (đã hoàn tất quá trình chuyển đổi Trợ giúp viên
pháp lý thành luật sư). Nhà nước ký hợp đồng thường xuyên với luật sư (luật sư
công thực hiện TGPL) hoặc hợp đồng vụ việc với luật sư hành nghề cung cấp dịch
vụ TGPL.
- Về đối tượng được TGPL: Mở rộng đối
tượng là người thuộc hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; nạn nhân bạo lực gia đình,
trẻ em dưới 18 tuổi, những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa.
- Về kinh phí: Ngân sách nhà nước đầu
tư cho hoạt động TGPL được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách
nhà nước. Nhà nước tập trung quản lý, điều phối nguồn nhân lực và tài chính, bảo
đảm cho hoạt động TGPL của Nhà nước hiệu quả, bền vững.
2. Giải pháp
a) Về hoàn thiện thể chế
- Xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa
đổi).
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp,
+ Cơ quan phối hợp: Bộ Nội vụ; Bộ Tài
chính; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015-2016.
- Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số
07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó có quy định về
khuyến khích luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và Trung tâm tư vấn pháp luật
thực hiện TGPL của Nhà nước theo chính sách xã hội hóa.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp.
+ Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015-2016.
- Ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay
thế Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg , Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg với nội dung
tích hợp nguồn kinh phí này để Bộ Tư pháp điều phối vụ việc và hỗ trợ cho các
hoạt động TGPL được quy định trong Quyết định phê duyệt Đề án đổi mới công tác
TGPL giai đoạn 2015 - 2025.
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
+ Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015.
- Sửa đổi Thông tư liên tịch số
209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng
dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ
quan, tổ chức TGPL nhà nước theo hướng tăng mức bồi dưỡng và đơn giản hóa thủ tục
hành chính.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015.
Sửa đổi Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05 tháng 01
năm 2013 của Bộ Tư pháp ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc
TGPL.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2017.
- Ban hành Quy chế phối hợp, kết nối trong hoạt động
TGPL của Nhà nước và việc thực hiện nghĩa vụ TGPL của luật sư.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt
Nam, Hội Luật gia Việt Nam.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015-2017.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách chuyển đổi
đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thành luật sư.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp, Liên đoàn luật sư
Việt Nam.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2017-2018.
- Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đề xuất bổ
sung vào dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) các nội dung sau: Đưa chức
danh Trợ giúp viên pháp lý là người tham gia tố tụng với tư cách là người bào
chữa. Chỉ định người bào chữa đối với người thuộc diện được TGPL. Bổ sung vào nội
dung Lệnh bắt khẩn cấp, Lệnh bắt để tạm giam nội dung về quyền có người bào chữa,
quyền được TGPL đối với người thuộc diện TGPL; bổ sung vào dự thảo Luật Tạm giữ,
tạm giam theo hướng bổ sung trách nhiệm của Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà
tạm giữ trong việc giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam biết về quyền và
nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng, quyền được TGPL; rà soát các văn bản
quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nội dung Đề
án.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có
liên quan.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015-2016.
- Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch
triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp.
+ Cơ quan phối hợp: Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Tòa án
nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội; các Bộ, ngành có liên quan.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2017.
- Xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp
lý (sửa đổi) bảo đảm việc triển khai, thi hành có hiệu quả.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp.
+ Cơ quan phối hợp: các Bộ, ngành, đơn vị có liên
quan.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2017 và các năm tiếp
theo.
- Xây dựng Chiến lược phát triển TGPL (sửa đổi)
trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp.
+ Cơ quan phối hợp: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các
Bộ, ngành có liên quan.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2018 - 2020.
b) Về kiện toàn tổ chức TGPL nhà nước
Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Chi nhánh,
Câu lạc bộ TGPL. Chấm dứt hoạt động đối với Chi nhánh thành lập không đúng quy
định, không căn cứ vào nhu cầu TGPL, không có Trợ giúp viên pháp lý hoặc hoạt động
không hiệu quả. Giải thể các Câu lạc bộ TGPL hoạt động không hiệu quả hoặc sáp
nhập các Câu lạc bộ đang hoạt động với Câu lạc bộ khác ở địa phương.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp (Trung ương); Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp xã; Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (địa phương).
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015 - 2016.
c) Về quản lý hoạt động TGPL
- Xây dựng các Đề án:
+ Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức,
hoạt động TGPL, quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
. Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp.
. Thời gian thực hiện: Năm 2015 -2016.
+ Đề án đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của
Cục Trợ giúp pháp lý thành cơ quan đủ năng lực quản lý, điều phối nguồn lực
TGPL ở Trung ương.
. Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp.
. Thời gian thực hiện: Năm 2015 -2016.
- Xây dựng Đề án sắp xếp vị trí, việc làm của các
công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong
từng giai đoạn bảo đảm số biên chế chuyên viên pháp lý dôi dư của Trung tâm
chuyển đổi sang các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính cho Sở Tư pháp, tổ chức
pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp
cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL.
+ Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Trung
tâm TGPL tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015-2016.
- Ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ
giúp viên pháp lý và tiêu chí thi đua xếp hạng cho các Trung tâm, Trợ giúp viên
pháp lý.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015.
- Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp
luật về TGPL, về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, về hệ thống tổ chức thực
hiện TGPL sẵn có để nâng cao nhận thức của cán bộ Trung ương, địa phương, người
dân và các đối tượng được TGPL về vai trò của TGPL.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ban, ngành, phương tiện thông tin có liên quan ở Trung ương; Sở Tư pháp
(Trung tâm) chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, phương tiện thông tin có
liên quan ở địa phương.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015-2017.
- Tăng cường việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra,
thanh tra chuyên ngành về triển khai công tác TGPL và thực hiện vụ việc TGPL.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành, tổ chức liên quan; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015 - 2017.
- Xây dựng cơ chế để khuyến khích tổ chức hành nghề
luật sư, luật sư có đủ điều kiện tham gia thực hiện TGPL. Thực hiện công bố
danh sách Trợ giúp viên pháp lý, luật sư trên trang thông tin điện tử ở Trung
ương và địa phương, đồng thời niêm yết tại trụ sở của cơ quan tiến hành tố tụng
để người được TGPL có thể lựa chọn Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp, Trung
tâm TGPL tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan tiến hành tố tụng tại
địa phương.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015 -2017.
- Xây dựng cơ chế lựa chọn tổ chức hành nghề luật
sư, luật sư, chuyên gia để thực hiện việc kiểm soát, đánh giá chất lượng vụ việc
TGPL.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan,
tổ chức có liên quan.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2016-2017.
d) Nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện
TGPL
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ Trợ
giúp viên pháp lý với các hình thức phù hợp để nâng cao trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ, kiến thức quản lý, trình độ chính trị và tăng cường bồi dưỡng nghiệp
vụ, kỹ năng TGPL đặc biệt là kỹ năng tranh tụng tại Tòa và bồi dưỡng về ngôn ngữ,
tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng có nhiều đồng bào dân tộc
thiểu số.
Đào tạo, bồi dưỡng một số chuyên viên hiện có thành
Trợ giúp viên pháp lý theo yêu cầu của các địa phương có điều kiện kinh tế - xã
hội khó khăn, đội ngũ luật sư hành nghề trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu TGPL.
+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2015 -2017.
III. KINH PHÍ
1. Giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp
lý (sửa đổi) có hiệu lực
Hàng năm, Bộ Tư pháp lập dự toán kinh phí theo các hoạt
động, nhiệm vụ nêu trong Đề án gửi Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí cho việc triển
khai Đề án trong đó có kinh phí để thực hiện các hoạt động TGPL tại các huyện
nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo các chính sách về TGPL quy định
tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 80/NQ-CP (kinh phí theo Quyết
định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg). Kinh phí cuối năm
không sử dụng hết được chuyển sang năm sau để sử dụng theo nội dung quy định
trong Đề án.
2. Giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
có hiệu lực đến năm 2025
Bộ Tư pháp thực hiện việc hỗ trợ, điều phối đối với
các vụ việc TGPL cho tổ chức TGPL nhà nước và xã hội, kinh phí được lập dự toán
hàng năm căn cứ vào nhu cầu của đối tượng TGPL. Ngân sách cho hoạt động TGPL thực
hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm Bộ Tư pháp
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính,
các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án.
- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nội dung của Đề
án; chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Đề án; định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Thủ
tướng Chính phủ việc triển khai thực hiện Đề án.
- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xử
lý tồn dư của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam để thực hiện Đề án.
2. Trách nhiệm Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các
Bộ, ngành có liên quan bố trí kinh phí hàng năm ở Trung ương để thực hiện hỗ trợ
cho vụ việc TGPL và các nhiệm vụ khác để triển khai thực hiện Đề án từ năm
2015. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tài chính để sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp với nội dung Đề án.
3. Trách nhiệm các Bộ, ban, ngành có liên quan
- Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền
thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc
căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc triển
khai thực hiện Đề án.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát
nhân dân tối cao chỉ đạo trong ngành tích cực phối hợp với các cơ quan liên
quan trong công tác TGPL.
4. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương
Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, định
kỳ hàng năm đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Bộ Tư pháp (Cục Trợ
giúp pháp lý); chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên
quan xây dựng Đề án sắp xếp vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong
Trung tâm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; chỉ đạo Sở
Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ngành có liên quan bố trí đủ kinh
phí cho công tác TGPL của Trung tâm tại địa phương.
5. Đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia
Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc triển khai, thực hiện Đề án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Tạm dừng
thực hiện các mục tiêu thành lập Chi nhánh, thành lập Câu lạc bộ TGPL, phát triển
đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên TGPL được quy định tại Quyết định
số 678/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến
lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tạm dừng
tổ chức và hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam cho đến khi Luật Trợ
giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
-Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
- Hội Luật gia Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, PL (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|