Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 07/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý

Số hiệu: 07/2007/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 12/01/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số : 07/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.

Điều 2. Người được trợ giúp pháp lý

1. Người nghèo được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật.

2. Người có công với cách mạng được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945;

b) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

c) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động;

d) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

đ) Bệnh binh;

e) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;

g) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

h) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

i) Người có công giúp đỡ cách mạng;

k) Cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

3. Người già được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý là người từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi nương tựa.

4. Người tàn tật được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn hoặc là người bị nhiễm chất độc hoá học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa.

5. Trẻ em được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý là người dưới 16 tuổi không nơi nương tựa.

6. Người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý theo khoản 4 Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý là người thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

7. Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 3. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý là Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Trung tâm) và các Chi nhánh của Trung tâm.

2. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Văn phòng luật sư, Công ty luật theo quy định của pháp luật về luật sư;

b) Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật.

Điều 4. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các cơ quan thông tin đại chúng trong trợ giúp pháp lý

1. Các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian làm việc để cán bộ, công chức, viên chức tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là cộng tác viên); phối hợp triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý theo đề nghị của Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm; tạo điều kiện cung cấp thông tin tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý; trả lời kiến nghị về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật.

2. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm thường xuyên thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện hỗ trợ và phối hợp thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của Trung tâm, Chi nhánh.

Điều 5. Khuyến khích Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia công tác trợ giúp pháp lý

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi hoạt động của tổ chức mình tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý; khuyến khích các thành viên, hội viên tham gia làm cộng tác viên; tạo điều kiện, phối hợp, cộng tác và hỗ trợ Trung tâm, các Chi nhánh của Trung tâm thực hiện công tác trợ giúp pháp lý có hiệu quả.

Điều 6. Thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ trợ giúp pháp lý

1. Quỹ trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là Quỹ) được thành lập dựa trên sự đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện làm việc cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương có khó khăn về kinh tế, bao gồm các tỉnh thuộc diện ngân sách trung ương phải hỗ trợ, các địa phương có khó khăn đột xuất và một số trường hợp đặc biệt khác.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ trợ giúp pháp lý. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tài chính; chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý hoạt động của Quỹ.

Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng. Quỹ có Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán và bộ phận giúp việc. Giám đốc Quỹ là người đại diện theo pháp luật của Quỹ, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

3. Mọi hoạt động thu, chi về tài chính của Quỹ phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Chương 2:

TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 7. Vị trí pháp lý của Trung tâm

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quyết định thành lập Trung tâm theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp. Tên gọi của Trung tâm là "Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước'' kèm theo tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.

2. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp. Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trung tâm thực hiện việc xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý dài hạn và hàng năm ở địa phương trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đó.

2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Thực hiện tư vấn pháp luật, cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người được trợ giúp pháp lý theo các lĩnh vực trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 34 Nghị định này;

b) Thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và các hoạt động trợ giúp pháp lý khác quy định tại các Điều 35, 36, 37, 40 và Điều 41 Nghị định này; chịu trách nhiệm và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho nhân dân;

c) Quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Chi nhánh; hướng dẫn hoạt động đối với Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý khác;

d) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh; hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

đ) Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh;

e) Quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và các cán bộ khác của Trung tâm và Chi nhánh theo thẩm quyền.

3. Đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý; thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý; phối hợp với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác để xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh.

5. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.

6. Giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp về trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền.

7. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật theo quy định tại Điều 41 Nghị định này.

8. Thực hiện sơ kết, tổng kết chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương với cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.

9. Đề xuất việc khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương.

10. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp và quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 9. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm

1. Trung tâm có các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc và các Trợ giúp viên pháp lý. Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm phải là Trợ giúp viên pháp lý.

2. Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm và là người đại diện theo pháp luật của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm.

Phó Giám đốc Trung tâm là người giúp việc Giám đốc, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc Trung tâm phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về kết quả công tác được giao. Phó Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm.

3. Trung tâm có các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định số lượng và tên gọi các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ trực thuộc Trung tâm.

Điều 10. Tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Trung tâm

1. Trợ giúp viên pháp lý có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được đề nghị bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm:

a) Có năm năm làm công tác pháp luật, trong đó có ít nhất ba năm làm công tác trợ giúp pháp lý;

b) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực quản lý.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Trung tâm theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

3. Giám đốc Trung tâm bị miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

b) Chuyển làm công tác khác hoặc nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động;

c) Vì lý do sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do chính đáng khác mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành công việc được giao.

4. Giám đốc Trung tâm bị cách chức khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có một trong các hành vi quy định tại Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý mà xét thấy không còn đủ điều kiện để đảm nhiệm chức vụ;

b) Vi phạm nghiêm trọng quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý;

c) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức chức vụ quản lý đang đảm nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Điều 11. Vị trí pháp lý, tên gọi và nhiệm vụ của Chi nhánh

1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) và chịu sự quản lý của Trung tâm. Trung tâm chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh. Chi nhánh có con dấu để giao dịch, sử dụng cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

2. Tên Chi nhánh của Trung tâm được đặt theo số thứ tự thành lập nhưng phải thể hiện rõ tên của Trung tâm chủ quản của Chi nhánh.

3. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý, quy định của Nghị định này và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và theo phân công của Giám đốc Trung tâm.

Điều 12. Căn cứ và thủ tục thành lập Chi nhánh

1. Căn cứ vào nhu cầu, tỷ lệ người được trợ giúp pháp lý, điều kiện thực tế ở địa phương, để tạo thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý, Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Chi nhánh của Trung tâm.

Hồ sơ thành lập Chi nhánh bao gồm tờ trình về việc thành lập Chi nhánh kèm theo dự thảo Quyết định thành lập Chi nhánh. Tờ trình phải nêu rõ sự cần thiết thành lập Chi nhánh, dự kiến về trụ sở làm việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động, phạm vi trợ giúp pháp lý và kế hoạch tổ chức thực hiện.

2. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập Chi nhánh và có kế hoạch chỉ đạo các Sở, ban ngành triển khai thực hiện trong thực tế.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thành lập Chi nhánh của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm Trưởng Chi nhánh và đăng báo địa phương trong ba số liên tiếp về các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở, số điện thoại của Chi nhánh;

b) Ngày ra quyết định thành lập và ngày bắt đầu hoạt động của Chi nhánh;

c) Họ và tên Trưởng Chi nhánh;

d) Phạm vi, hình thức trợ giúp pháp lý của Chi nhánh.

Điều 13. Cơ cấu tổ chức của Chi nhánh

1. Chi nhánh có Trưởng Chi nhánh và Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách. Trưởng Chi nhánh phải là Trợ giúp viên pháp lý.

2. Trưởng Chi nhánh là người đứng đầu Chi nhánh, thực hiện các nhiệm vụ của Chi nhánh theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trưởng Chi nhánh do Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm.

3. Trưởng Chi nhánh được phân công Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên thuộc phạm vi quản lý của Chi nhánh thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác.

Điều 14. Biên chế, cơ sở vật chất của Trung tâm và Chi nhánh

1. Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số biên chế cho Trung tâm và Chi nhánh; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc từ ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác cho Trung tâm và Chi nhánh.

2. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức của Trung tâm thực hiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

3. Trung tâm và Chi nhánh được sử dụng kinh phí nghiệp vụ để phục vụ việc thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 8 Nghị định này theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm và Chi nhánh, Giám đốc Trung tâm lập dự toán kinh phí của Trung tâm và Chi nhánh bao gồm kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên, kinh phí chi không thường xuyên và dự trù kinh phí nghiệp vụ trợ giúp pháp lý trong tổng dự toán kinh phí hoạt động hàng năm, báo cáo Giám đốc Sở Tư pháp, đồng thời gửi Sở Tài chính để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động của Trung tâm và Chi nhánh được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Chương 3:

THAM GIA TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CỦA VĂN PHÒNG LUẬT SƯ, CÔNG TY LUẬT VÀ TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Điều 15. Thủ tục đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý

1. Văn phòng luật sư, Công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý phải đăng ký với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động. Hồ sơ đăng ký bao gồm: đơn đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý; danh sách Luật sư, Tư vấn viên pháp luật; bản sao Giấy đăng ký hoạt động.

Đơn đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý có các nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở, số điện thoại của tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý;

b) Dự kiến diện người được trợ giúp pháp lý, hình thức, phạm vi, lĩnh vực đăng ký trợ giúp pháp lý.

2. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cho tổ chức đã đề nghị và thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để phối hợp hoạt động. Trong trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, tổ chức được cấp Giấy đăng ký thực hiện công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về các nội dung của Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý được tính từ khi đã thực hiện việc công bố công khai Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

Việc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý không phải trả lệ phí.

Điều 16. Thay đổi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý

1. Khi có thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, Văn phòng luật sư, Công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật gửi đơn đề nghị thay đổi kèm theo Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý đã cấp đến Sở Tư pháp nơi đã đăng ký.

2. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Sở Tư pháp cấp mới Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản.

Việc cấp mới Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý không phải trả lệ phí.

Điều 17. Thu hồi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý

1. Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bị thu hồi khi tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thuộc trường hợp không được tiếp tục tham gia trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Trợ giúp pháp lý.

2. Việc thu hồi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định và được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để nhân dân biết.

3. Khi bị thu hồi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, Văn phòng luật sư, Công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý và không được cấp lại Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Các vụ việc trợ giúp pháp lý đang thực hiện phải được chuyển giao cho Trung tâm ở địa phương nơi đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

Điều 18. Quyền lợi và trách nhiệm của Văn phòng luật sư, Công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật khi tham gia trợ giúp pháp lý

1. Được thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Chi nhánh của Trung tâm để thực hiện có hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.

2. Được đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý để phục vụ thực hiện trợ giúp pháp lý.

3. Được giới thiệu người có yêu cầu trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Chi nhánh của Trung tâm để được trợ giúp pháp lý; từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong những trường hợp quy định tại Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý.

4. Được Nhà nước hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người tham gia trợ giúp pháp lý.

5. Được kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật phát sinh trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý.

6. Giải quyết tranh chấp trong trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích trong hoạt động trợ giúp pháp lý hoặc có đóng góp, hỗ trợ tích cực cho việc mở rộng và phát triển công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương.

8. Bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý và các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi người của tổ chức mình tham gia trợ giúp pháp lý.

9. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Luật sư, Tư vấn viên pháp luật thuộc quyền quản lý của mình và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.

10. Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về trợ giúp pháp lý cho Sở Tư pháp nơi đăng ký.

Chương 4:

TRỢ GIÚP VIÊN PHÁP LÝ VÀ CỘNG TÁC VIÊN

MỤC 1: TRỢ GIÚP VIÊN PHÁP LÝ

Điều 19. Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý

1. Người có bằng cử nhân luật, đang làm việc trong Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nếu có nguyện vọng trở thành Trợ giúp viên pháp lý thì được Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cử tham dự khoá bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Người đã từng là luật sư, người đã tốt nghiệp khoá đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn khoá đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư được Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý nếu đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định nội dung chương trình, thời gian khoá bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; ban hành Quy chế kiểm tra nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và tổ chức kiểm tra việc thực hiện khoá bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Điều 20. Bổ nhiệm, miễn nhiệm Trợ giúp viên pháp lý

1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý thì được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.

Thời gian làm công tác pháp luật quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý là thời gian mà họ đã từng đảm nhận công tác pháp luật ở các chức danh pháp lý chuyên trách trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

2. Trợ giúp viên pháp lý bị miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý;

b) Chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động;

c) Vì lý do sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do chính đáng khác mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành công việc được giao;

d) Có một trong các hành vi quy định tại Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý mà xét thấy không còn đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Trợ giúp viên pháp lý theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

Điều 21. Thủ tục bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý

1. Giám đốc Trung tâm lựa chọn những người làm việc ở Trung tâm, Chi nhánh có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.

Hồ sơ bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý bao gồm:

a) Công văn đề nghị bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý của Giám đốc Sở Tư pháp, kèm theo văn bản đề nghị của Giám đốc Trung tâm;

b) Lý lịch trích ngang của người được đề nghị bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý kèm hai ảnh mầu chân dung cỡ 2cm x 3cm;

c) Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

d) Dự thảo Quyết định bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý kèm theo phôi thẻ Trợ giúp viên pháp lý.

2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét ký quyết định bổ nhiệm và ký thẻ Trợ giúp viên pháp lý.

Điều 22. Sử dụng thẻ Trợ giúp viên pháp lý

1. Thẻ Trợ giúp viên pháp lý xác định tư cách pháp lý để Trợ giúp viên pháp lý thực thi quyền hạn và trách nhiệm của mình. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho Trợ giúp viên pháp lý thực hiện quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Trong giờ làm việc và khi thực hiện trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý phải mang theo thẻ Trợ giúp viên pháp lý và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

3. Trợ giúp viên pháp lý có trách nhiệm bảo quản thẻ. Nghiêm cấm Trợ giúp viên pháp lý lợi dụng thẻ vì mục đích cá nhân hoặc mục đích tư lợi; khi mất thẻ Trợ giúp viên pháp lý thì phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất và Giám đốc Trung tâm nơi mình công tác.

4. Trợ giúp viên pháp lý vi phạm các quy định về việc sử dụng thẻ Trợ giúp viên pháp lý thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Mẫu thẻ, việc cấp phát, thay đổi và thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Điều 23. Thủ tục miễn nhiệm Trợ giúp viên pháp lý

1. Khi Trợ giúp viên pháp lý thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này thì Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ miễn nhiệm Trợ giúp viên pháp lý trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Hồ sơ miễn nhiệm Trợ giúp viên pháp lý bao gồm:

a) Văn bản đề nghị miễn nhiệm Trợ giúp viên pháp lý của Giám đốc Sở Tư pháp, kèm theo văn bản đề nghị của Giám đốc Trung tâm;

b) Các văn bản, giấy tờ chứng minh Trợ giúp viên pháp lý thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này;

c) Dự thảo Quyết định miễn nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.

2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét ký quyết định miễn nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.

Điều 24. Quyền hạn và trách nhiệm của Trợ giúp viên pháp lý

1. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý.

2. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của Giám đốc Trung tâm, của Trưởng Chi nhánh. Trợ giúp viên pháp lý chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong trường hợp làm việc tại Chi nhánh của Trung tâm thì còn phải chịu trách nhiệm trước Trưởng Chi nhánh.

3. Trong trường hợp Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý mà gây thiệt hại thì Trung tâm nơi người đó công tác phải có trách nhiệm bồi thường. Trợ giúp viên pháp lý đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Trung tâm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Điều 25. Ngạch Trợ giúp viên pháp lý

1. Trợ giúp viên pháp lý có các ngạch tương đương với ngạch chuyên viên.

2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành mã số các ngạch, tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch Trợ giúp viên pháp lý.

Điều 26. Thang bảng lương, chế độ chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý

1. Trợ giúp viên pháp lý được xếp lương và trả lương theo thang bảng lương tương đương ngạch chuyên viên trong các cơ quan nhà nước.

2. Các chức danh lãnh đạo của Trung tâm được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định chung đối với cán bộ, công chức nhà nước.

3. Trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp vượt khung (nếu có). Khi tham gia tố tụng, thực hiện đại diện ngoài tố tụng, hoà giải trong trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp vụ việc bằng 10% mức bồi dưỡng áp dụng đối với cộng tác viên.

4. Trong trường hợp Trợ giúp viên pháp lý đi công tác phục vụ việc xác minh các tình tiết của vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc phục vụ cho yêu cầu của hoạt động trợ giúp pháp lý thì được thanh toán chi phí tàu xe, tiền lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.

5. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định cụ thể về phụ cấp đối với Trợ giúp viên pháp lý, phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Trung tâm.

MỤC 2: CỘNG TÁC VIÊN

Điều 27. Thủ tục công nhận và cấp thẻ cộng tác viên

1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý, nếu tự nguyện làm cộng tác viên thì gửi hồ sơ đến Trung tâm ở địa phương nơi mình cư trú hoặc công tác.

Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu;

b) Bản sao bằng cử nhân luật; bằng đại học khác hoặc bằng trung cấp luật và giấy xác nhận thời gian làm công tác pháp luật của cơ quan, tổ chức nơi người đó đã hoặc đang công tác;

c) Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc của cơ quan nơi người đề nghị công tác làm việc kèm hai ảnh mầu chân dung cỡ 2cm x 3cm.

Trong trường hợp người đề nghị làm cộng tác viên thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi mà có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng thì trong hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên ngoài các giấy tờ tài liệu quy định tại điểm a, c nêu trên thì trong hồ sơ phải có ý kiến của cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi người đó cư trú.

2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Giám đốc Trung tâm kiểm tra tính đầy đủ và đúng đắn của hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì trình Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho người đề nghị làm cộng tác viên và thông báo rõ lý do bằng văn bản.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Giám đốc Trung tâm trình, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, ký quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Trong trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người đề nghị làm cộng tác viên. Người bị từ chối có quyền khiếu nại đối với việc từ chối công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Điều 28. Hợp đồng cộng tác

1. Người được công nhận và cấp thẻ cộng tác viên thì được ký hợp đồng cộng tác với Trung tâm. Trung tâm có trách nhiệm ký kết hợp đồng cộng tác với cộng tác viên. Cộng tác viên được thực hiện trợ giúp pháp lý kể từ thời điểm ký hợp đồng cộng tác.

2. Hợp đồng cộng tác được ký kết giữa Trung tâm với cộng tác viên là cơ sở để xác định trách nhiệm và quyền hạn của các bên trong quan hệ cộng tác.

Hợp đồng cộng tác phải có những nội dung chính sau đây:

a) Họ tên, địa chỉ của các bên tham gia hợp đồng cộng tác;

b) Hình thức trợ giúp pháp lý, lĩnh vực trợ giúp pháp lý mà cộng tác viên dự kiến sẽ thực hiện phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý;

c) Quyền hạn và trách nhiệm của các bên trong quan hệ cộng tác;

d) Vấn đề chấm dứt hợp đồng cộng tác và việc giải quyết tranh chấp hợp đồng cộng tác.

Điều 29. Sử dụng thẻ cộng tác viên

1. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng tác viên phải mang theo thẻ cộng tác viên và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

2. Cộng tác viên có trách nhiệm bảo quản thẻ cộng tác viên. Nghiêm cấm việc dùng thẻ cộng tác viên vào mục đích tư lợi hoặc vào việc riêng. Cộng tác viên không được dùng thẻ cộng tác viên thay giấy giới thiệu, giấy chứng minh nhân dân hoặc các loại giấy tờ tuỳ thân khác; không được cho người khác mượn thẻ cộng tác viên; khi mất thẻ cộng tác viên thì phải báo ngay cho Giám đốc Trung tâm nơi mình cộng tác.

3. Cộng tác viên vi phạm các quy định về việc sử dụng thẻ cộng tác viên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị chấm dứt hợp đồng cộng tác, bị thu hồi thẻ, bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4. Mẫu thẻ, việc cấp phát, thay đổi và thu hồi thẻ cộng tác viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Điều 30. Thu hồi thẻ cộng tác viên

1. Thẻ cộng tác viên bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cộng tác viên không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày được cấp thẻ cộng tác viên, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

b) Cộng tác viên có một trong các hành vi quy định tại Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý;

c) Cộng tác viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý;

d) Cộng tác viên chấm dứt hợp đồng cộng tác với Trung tâm hoặc không tiến hành ký hợp đồng cộng tác với Trung tâm trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày được cấp thẻ.

2. Khi cộng tác viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Giám đốc Trung tâm ra quyết định chấm dứt hợp đồng cộng tác với cộng tác viên và đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp thu hồi thẻ cộng tác viên.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Giám đốc Trung tâm, Giám đốc Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi thẻ cộng tác viên. Người bị thu hồi thẻ cộng tác viên thì không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý.

Điều 31. Phương thức hoạt động của cộng tác viên

Cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý theo các phương thức sau đây:

1. Nhận vụ việc trợ giúp pháp lý do người được trợ giúp pháp lý trực tiếp yêu cầu hoặc theo phân công của Giám đốc Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh.

2. Cộng tác viên hoạt động với tư cách cá nhân hoặc được tổ chức thành Tổ cộng tác viên.

3. Cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hợp đồng cộng tác được ký kết giữa Trung tâm với cộng tác viên.

Điều 32. Quyền lợi và trách nhiệm của cộng tác viên

1. Khi tham gia trợ giúp pháp lý, cộng tác viên có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý, có quyền lợi, trách nhiệm sau đây:

a) Được nhận bồi dưỡng và các chi phí hành chính hợp lý theo quy định của pháp luật theo vụ việc cụ thể;

b) Được đề xuất, kiến nghị về việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm;

c) Được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích trong công tác trợ giúp pháp lý;

d) Sử dụng thẻ cộng tác viên theo quy định tại Điều 29 Nghị định này; nộp lại thẻ cộng tác viên khi bị thu hồi theo quy định tại Điều 30 Nghị định này;

đ) Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của mình. Trong trường hợp làm việc tại Chi nhánh thì còn phải chịu trách nhiệm trước Trưởng Chi nhánh;

e) Trong trường hợp cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý mà gây thiệt hại thì Trung tâm nơi người đó cộng tác có trách nhiệm bồi thường. Cộng tác viên đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Trung tâm theo quy định của pháp luật về dân sự;

g) Báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Trung tâm; kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý và đề xuất biện pháp giải quyết với lãnh đạo Trung tâm.

Điều 33. Chế độ bồi dưỡng và chi phí hành chính khi cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Khi tham gia trợ giúp pháp lý, cộng tác viên được hưởng chế độ bồi dưỡng và chi phí hành chính hợp lý.

2. Cộng tác viên được hưởng chế độ bồi dưỡng theo vụ việc trợ giúp pháp lý đã thực hiện căn cứ vào số giờ tư vấn pháp luật và các hình thức trợ giúp pháp lý khác. Chế độ bồi dưỡng theo ngày làm việc được áp dụng đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý do cộng tác viên thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Mức bồi dưỡng theo vụ việc trợ giúp pháp lý cho cộng tác viên được xây dựng căn cứ vào chất lượng nội dung trợ giúp pháp lý, thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý, tính chất phức tạp của vụ việc trợ giúp pháp lý, hình thức thể hiện kết quả trợ giúp pháp lý, hình thức trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng thì mức bồi dưỡng tương đương với mức thù lao quy định đối với luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc và chuẩn bị tài liệu phục vụ cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý, thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý hoặc thân nhân của họ, thời gian xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý, thời gian làm việc tại các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý. Căn cứ để xác định thời gian làm việc của cộng tác viên là thời gian làm việc có xác nhận của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

3. Cộng tác viên được hưởng chi phí hành chính hợp lý khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bao gồm các khoản phí phải nộp theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chi phí sao chụp tài liệu, chi phí liên lạc với người được trợ giúp pháp lý hoặc thân nhân của họ và các khoản chi phí hợp lý khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý. Căn cứ để xác định chi phí hợp lý là biên lai thu phí, lệ phí hoặc giấy biên nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Trong trường hợp cộng tác viên đi công tác phục vụ cho việc giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý thì được thanh toán tiền công tác phí như cán bộ, công chức đi công tác.

4. Trung tâm có trách nhiệm thanh toán theo đúng quy định của Nhà nước về mức bồi dưỡng và các khoản chi phí hành chính hợp lý nêu tại khoản 2 và 3 Điều này. Nguồn kinh phí chi trả được dự toán trong ngân sách hàng năm của Trung tâm.

5. Ngoài khoản bồi dưỡng và chi phí do Trung tâm thanh toán, cộng tác viên không được đòi thêm bất cứ khoản tiền nào từ người được trợ giúp pháp lý hoặc thân nhân của họ.

6. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ bồi dưỡng và chi phí hành chính hợp lý đối với cộng tác viên khi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Chương 5:
HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 34. Các lĩnh vực trợ giúp pháp lý

Các lĩnh vực trợ giúp pháp lý bao gồm:

1. Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.

2. Pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự.

3. Pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em.

4. Pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính.

5. Pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng.

6. Pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm.

7. Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội khác.

8. Các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Điều 35. Trợ giúp pháp lý lưu động

1. Trợ giúp pháp lý lưu động được thực hiện căn cứ vào nhu cầu hoặc tại những địa điểm xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Kế hoạch trợ giúp pháp lý lưu động được Trung tâm, Chi nhánh xây dựng căn cứ vào kết quả khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý hoặc yêu cầu của nhiệm vụ chính trị - xã hội ở địa phương theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc theo yêu cầu của cơ sở.

3. Trung tâm trực tiếp hoặc thông qua Chi nhánh tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm, Chi nhánh được huy động đại diện các cơ quan, ban ngành có liên quan ở cơ sở tham gia theo hình thức trưng tập làm việc. Người tham gia trợ giúp pháp lý lưu động được hưởng chế độ, chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức đi công tác.

4. Các cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm, Chi nhánh trong việc tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động và huy động cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý.

5. Việc tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động phải được thông báo trước bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân nơi dự kiến tổ chức. Sau mỗi đợt trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm, Chi nhánh lập biên bản và thông báo kết quả trợ giúp pháp lý lưu động cho Ủy ban nhân dân nơi đã tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, các cơ quan, ban ngành có liên quan.

Biên bản trợ giúp pháp lý lưu động ghi rõ những vấn đề đã được giải quyết, những vấn đề cần phải giải quyết thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, ban ngành, của Ủy ban nhân dân, những vụ việc sẽ được đưa về Trung tâm, Chi nhánh để tiếp tục thực hiện và những đề xuất, kiến nghị về việc thi hành pháp luật ở địa phương. Trung tâm, Chi nhánh có trách nhiệm báo cáo kết quả với Giám đốc Sở Tư pháp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tiến hành trợ giúp pháp lý lưu động, trường hợp đặc biệt, có những vấn đề bức xúc thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thực hiện pháp luật ở cơ sở và kiến nghị các biện pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động công vụ ở địa phương.

Điều 36. Sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý

1. Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý là một hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý cộng đồng, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý ở địa phương tham gia sinh hoạt, trao đổi vướng mắc pháp luật của họ với nhau nhằm tăng cường khả năng tự giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết vướng mắc thông qua tư vấn pháp luật, giúp đỡ kiến thức pháp luật để hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý ở địa phương.

2. Người được trợ giúp pháp lý đang sinh sống, làm việc tại địa bàn cấp xã đều được tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trên cơ sở Điều lệ hoạt động của Câu lạc bộ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý do Ban Tư pháp cấp xã trực tiếp điều hành. Hàng tháng, Ban Tư pháp tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý về các nội dung pháp luật theo hướng dẫn của Trung tâm hoặc Chi nhánh. Chi phí sinh hoạt của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý bao gồm chi phí cho việc sao chụp tài liệu và một số khoản chi hợp lý khác do Trung tâm chịu trách nhiệm. Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ, tạo điều kiện về địa điểm và nước uống.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập và phê duyệt Điều lệ của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trên cơ sở Điều lệ mẫu về Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

Điều 37. Sinh hoạt chuyên đề pháp luật

1. Sinh hoạt chuyên đề pháp luật là việc Trung tâm và Chi nhánh tổ chức nói chuyện, trao đổi theo chủ đề về các vấn đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại cơ sở mà người dân thường có nhiều vướng mắc và được nhiều người quan tâm.

Sinh hoạt chuyên đề pháp luật được tổ chức kết hợp trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hoặc được tổ chức độc lập theo yêu cầu của địa phương tại những địa bàn dân cư.

2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý do Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm cử tham gia sinh hoạt chuyên đề pháp luật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức đi công tác.

3. Cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật.

Điều 38. Tham gia tố tụng

1. Theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Giám đốc Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 29 và Điều 39 Luật Trợ giúp pháp lý.

2. Trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cử người tham gia tố tụng, Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh phải gửi quyết định đến cơ quan tiến hành tố tụng, người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý.

3. Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cử người tham gia tố tụng, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

4. Trung tâm, Chi nhánh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để theo dõi, quản lý quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư là cộng tác viên do Trung tâm, Chi nhánh cử, bảo đảm hoạt động của họ có chất lượng, hiệu quả, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Trong trường hợp phải thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm hoặc Chi nhánh có trách nhiệm cử người đủ tiêu chuẩn để tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

Điều 39. Đại diện ngoài tố tụng

1. Theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư là cộng tác viên thực hiện đại diện ngoài tố tụng theo quy định tại Điều 30 và Điều 40 Luật Trợ giúp pháp lý.

2. Trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cử người thực hiện đại diện ngoài tố tụng, Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh phải gửi quyết định cho người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc yêu cầu đại diện.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc đại diện có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện và cộng tác với người được cử đại diện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

3. Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cử người thực hiện đại diện ngoài tố tụng, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

4. Trung tâm, Chi nhánh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc đại diện để theo dõi, quản lý quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư là cộng tác viên do mình cử, bảo đảm hoạt động của họ có chất lượng, hiệu quả, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Trong trường hợp phải thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm hoặc Chi nhánh có trách nhiệm cử người đủ tiêu chuẩn để tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

Điều 40. Hoà giải trong trợ giúp pháp lý

1. Khi có yêu cầu hoặc được sự đồng ý của một hoặc các bên, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý làm trung gian để phân tích các tình tiết của vụ việc, giải thích quy định của pháp luật, hướng dẫn để các bên tự thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc mà không phải đưa vụ việc ra Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện rút đơn kiện, tự giải quyết các tranh chấp và tự nguyện chấp hành kết quả giải quyết vụ việc.

2. Việc hoà giải cũng được tiến hành trong trường hợp cần thiết để giữ gìn đoàn kết cộng đồng, duy trì trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, trừ trường hợp pháp luật quy định không được hoà giải.

3. Việc hoà giải phải được lập thành biên bản. Biên bản hoà giải phải thể hiện đầy đủ kết quả của quá trình hoà giải, ý kiến của người thực hiện trợ giúp pháp lý và của các bên về nội dung vụ việc, có chữ ký của các bên tham gia để họ tự nguyện thi hành kết quả hoà giải. Biên bản hoà giải phải được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.

Điều 41. Kiến nghị về việc thi hành pháp luật

1. Khi có đủ căn cứ cho rằng kết quả giải quyết vụ việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý kiến nghị với cơ quan nhà nước đó xem xét giải quyết lại vụ việc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Khi kiến nghị, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải nêu rõ nội dung vụ việc, căn cứ pháp luật được áp dụng và hướng giải quyết vụ việc và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của kiến nghị.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc khi nhận được văn bản kiến nghị của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá bốn mươi lăm ngày, trừ trường hợp pháp luật có quy định về thời hạn trả lời. Trong trường hợp quá thời hạn nói trên mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc không trả lời thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được kiến nghị với lãnh đạo cấp trên trực tiếp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó để có biện pháp chỉ đạo, xử lý.

3. Khi giải quyết vụ việc, nếu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phát hiện cán bộ, công chức nhà nước cố tình làm sai, vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý thì kiến nghị cơ quan quản lý trực tiếp xem xét, giải quyết về việc thi hành pháp luật của cán bộ, công chức đó. Kiến nghị phải nêu rõ các căn cứ, các tình tiết, nội dung sự việc và phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của kiến nghị đó.

4. Khi giải quyết vụ việc, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn thì kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đó. Trong kiến nghị cần nêu rõ quy định cần sửa đổi, bổ sung, được đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung và các giải pháp để bảo đảm thực hiện pháp luật có hiệu quả.

Điều 42. Các hình thức trợ giúp pháp lý khác

1. Trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý không thể tự mình thực hiện được các công việc có liên quan đến thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thì Trung tâm, Chi nhánh cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư là cộng tác viên giúp đỡ họ thực hiện.

2. Để thực hiện việc giúp đỡ pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý trong quá trình khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, Trung tâm, Chi nhánh cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc cộng tác viên là luật sư tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại.

3. Cung cấp thông tin pháp luật, tờ gấp, sách bỏ túi, cẩm nang pháp luật, các ấn phẩm tài liệu pháp luật khác qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, sinh hoạt chuyên đề pháp luật; cung cấp bản sao các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, cung cấp địa chỉ làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà pháp luật quy định có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Điều 43. Tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

1. Tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý là căn cứ để kiểm tra, đánh giá lại quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, việc tuân thủ quy tắc nghề nghiệp và việc áp dụng pháp luật của người thực hiện trợ giúp pháp lý; tạo cơ sở để xác định trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý đối với vụ việc trợ giúp pháp lý và mức bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.

2. Tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được xây dựng căn cứ vào các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý bảo đảm tính hợp pháp, không trái đạo đức xã hội, khách quan, trung thực, toàn diện và hướng tới bảo vệ tốt nhất các quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý;

b) Sự tuân thủ pháp luật, đạo đức xã hội và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý;

c) Các hình thức văn bản thể hiện quá trình trợ giúp pháp lý bao gồm Phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý, văn bản tư vấn pháp luật, bản bào chữa, bản bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý, bản báo cáo về những công việc đã thực hiện trong phạm vi đại diện ngoài tố tụng, biên bản về việc thực hiện trợ giúp pháp lý, biên bản hoà giải hoặc các văn bản khác;

d) Thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý, bao gồm thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, thu thập, xác minh các tình tiết có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý hoặc thân nhân của họ, thời gian làm việc tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và thời gian nghiên cứu các quy định của pháp luật phục vụ cho việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý;

đ) Sự hài lòng của người được trợ giúp pháp lý về kết quả vụ việc trợ giúp pháp lý, về thái độ phục vụ của người thực hiện vụ việc; sự phản hồi từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và hậu quả pháp lý phát sinh từ nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Chương 6:

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Điều 44. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý

1. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn, tổ chức và theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý; nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển trợ giúp pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện;

b) Ban hành các quy định hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, quy chế cộng tác viên, nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;

c) Quản lý, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm, của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; xây dựng các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý;

d) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; quy định mẫu Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, mẫu thẻ Trợ giúp viên pháp lý, mẫu thẻ cộng tác viên, mẫu đơn đề nghị làm cộng tác viên, mẫu hợp đồng cộng tác; mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, mẫu phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý và các biểu mẫu, giấy tờ khác; ấn hành các tài liệu về trợ giúp pháp lý;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về trợ giúp pháp lý;

e) Chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng và thực hiện quản lý Quỹ trợ giúp pháp lý;

g) Thanh tra, kiểm tra tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý; trong các trường hợp cần thiết tổ chức kiểm tra, đánh giá lại chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm trong hoạt động trợ giúp pháp lý;

h) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý;

i) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên.

Điều 45. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý trong phạm vi lĩnh vực được phân công phụ trách.

2. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý.

3. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc phối hợp giải quyết dứt điểm các kiến nghị về việc thi hành pháp luật.

Điều 46. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý; hướng dẫn, tổ chức và theo dõi việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý ở địa phương;

b) Quyết định thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm trên cơ sở quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành;

c) Quản lý về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh, hoạt động tham gia trợ giúp pháp lý của các Văn phòng luật sư, Công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật ở địa phương;

d) Quản lý người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt biên chế của Trung tâm và Chi nhánh; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương;

đ) Chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và quy định của Nghị định này; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân, cơ quan tư pháp cấp dưới phối hợp với Trung tâm và Chi nhánh trong công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương;

e) Lập kế hoạch xây dựng nguồn cán bộ, bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, trang thiết bị, phương tiện làm việc của Trung tâm và Chi nhánh ở địa phương;

g) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;

h) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, chế độ sơ kết, tổng kết về tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương.

2. Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và là đầu mối trong việc phối hợp với các Sở, ban ngành thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở địa phương.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 47. Điều khoản chuyển tiếp

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực pháp luật, các tổ chức, cá nhân dưới đây phải thực hiện như sau:

1. Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước được thành lập theo Quyết định số 734/TTg ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ được chuyển sang hoạt động theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và quy định của Nghị định này.

2. Các Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã được Sở Tư pháp ra quyết định thành lập được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập lại theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định này.

3. Trung tâm trợ giúp pháp lý, Văn phòng trợ giúp pháp lý và tổ chức trợ giúp pháp lý khác thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thành lập và hoạt động thí điểm theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp nếu tự nguyện tiếp tục tham gia trợ giúp pháp lý thì tổ chức chủ quản ra quyết định chuyển đổi thành Trung tâm tư vấn pháp luật, thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp theo quy định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật và đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định này.

4. Đối với các tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý khác không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này thì phải giải thể hoặc chuyển sang hoạt động với hình thức Tổ cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

5. Chuyên viên trợ giúp pháp lý làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước đã đạt yêu cầu kỳ sát hạch bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý do Bộ Tư pháp tổ chức trước ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật thì được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

6. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước rà soát lại tiêu chuẩn của cộng tác viên. Những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý thì tiếp tục cộng tác và sử dụng thẻ cộng tác viên đã được cấp. Trong trường hợp người đã được công nhận là cộng tác viên nhưng không có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý thì ra quyết định chấm dứt hợp đồng cộng tác và đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp thu hồi thẻ cộng tác viên.

7. Mọi hành vi vi phạm các quy định về trợ giúp pháp lý phải được xem xét xử lý theo Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 48. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Những quy định trước đây trái với Nghị định này bị bãi bỏ.

Điều 49. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, XDPL (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 07/2007/ND-CP

Hanoi, January 12, 2007

 

DECREE

DETAILING AND GUIDING THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON LEGAL AID

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the June 29, 2006 Law on Legal Aid;
At the proposal of the Justice Minister,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Governing scope

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2.- Legal aid beneficiaries

1. Poor people entitled to legal aid defined in Clause 1, Article 10 of the Legal Aid Law are people living below the poverty line prescribed by law.

2. People with meritorious services to the revolution entitled to legal aid defined in Clause 2, Article 10 of the Law on Legal Aid include:

a/ Revolutionary activists before the August 19, 1945 General Uprising;

b/ Vietnamese Heroic Mothers;

c/ Heroes of the People's Armed Forces; Labor Heroes;

d/ War invalids and people entitled to policies like war invalids;

e/ Diseased soldiers;

f/ Resistance war activists infected with chemical toxins;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



h/ Activists in the resistance wars for national liberalization, Fatherland salvation or performance of international duties;

i/ People with meritorious services to the revolution;

j/ Parents and spouses of fallen heroes, fallen heroes' children aged under 18; those who had nurtured fallen heroes.

3. Elderly people entitled to legal aid defined in Clause 3, Article 10 of the Legal Aid Law are people who are aged full 60 or more and live alone or helplessly.

4. Disabled people entitled to legal aid defined in Clause 3, Article 10 of the Legal Aid Law are those who suffer from defects in one or many body parts or functions expressed in different types of infirmity and reduced operation capacity, and, therefore, meet labor, daily-life and study difficulties or those who are infected with chemical toxins, HIV/AIDS or other diseases which deprive them of their civil act capacity and live helplessly.

5. Children entitled to legal aid defined in Clause 3, Article 10 of the Legal Aid Law are those who are aged under 16 and live helplessly.

6. Ethnic minority people entitled to legal aid defined in Clause 4, Article 10 of the Legal Aid Law are those who permanently reside in areas with exceptionally difficult socio-economic conditions prescribed by law.

7. Other people entitled to legal aid according to treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

Article 3.- Legal aid-providing organizations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Legal aid-participating organizations defined in Clause 2, Article 13 of the Legal Aid Law include:

a/ Lawyer's offices and law firms as provided for by the law on lawyers;

b/ Legal counseling organizations of socio-political organizations, socio-political-professional organizations, and socio-professional organizations according to regulations of the Government on legal counseling organizations and activities.

Article 4.- Responsibilities of state agencies and mass media agencies for legal aid services

1. State agencies shall, within the scope of their tasks and powers, encourage and create conditions in terms of working time for their cadres, civil servants and employees to act as legal aid collaborators (hereinafter referred to as collaborators for short); coordinate in providing legal aid services at the request of centers or their branches; supply information and documents related to legal aid cases; and give replies to recommendations on matters related to law enforcement.

2. Mass media agencies shall regularly provide information on the provision of legal aid services, create conditions for and coordinate with centers and their branches in settling legal aid cases.

Article 5.- Encouragement of the Vietnam Fatherland Front and its member organizations to participate in legal aid services

The State encourages and creates conditions for the Vietnam Fatherland Front and its member organizations to, within the scope of their operation, participate in, make contributions to, and support legal aid services and mobilize people to implement the law on legal aid; to encourage their members to act as collaborators; and to create conditions for, coordinate and collaborate with and support centers and branches to provide legal aid services in an effective manner.

Article 6.- Establishment, management and use of the Legal Aid Fund

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Prime Minister shall decide to set up the Legal Aid Fund. The Justice Minister shall promulgate the Regulation on organization and operation of the Fund after reaching agreement with the Finance Minister and take responsibility before the Government for the management of the operation of the Fund.

The Fund has the legal persons status, its own seal and may open accounts at state treasuries and banks. The Fund has a director, a deputy director, an accountant and an assisting body. The director of the Fund is its representative at law and is appointed, removed from office or dismissed by the Justice Minister.

3. All financial revenues and expenditures of the Fund comply with the law on finance and accounting and the Regulation on the organization and operation of the Fund.

Chapter II

STATE LEGAL AID CENTERS

Article 7.- Legal position of centers

1. People's Committees of provinces and centrally run cities (hereinafter collectively referred to as provincial-level People's Committees) shall decide to set up centers at the request of directors of provincial/municipal Justice Services. The name of a center is "the State legal aid center" followed by the name of its province or centrally run city. The center has the legal person status and its own working office, seal and accounts.

2. The center is a non-business unit attached to the provincial/municipal Justice Service. It is subject to the state management of the provincial/municipal Justice Service and provincial-level People's Committee and submits to the professional management, direction, guidance and inspection by the Justice Ministry.

Article 8.- Tasks and powers of centers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To perform legal aid tasks and conduct legal aid operations, including:

a/ Providing legal counseling, appointing persons to participate in legal proceedings, extra judicial representation and providing legal aid in other forms to legal aid beneficiaries in the legal aid domains specified in Article 34 of this Decree.

b/ Organizing itinerant legal aid services and other legal aid activities specified in Articles 35, 36, 37, 40 and 41 of this Decree; assuming responsibility for, and coordinating with agencies, organizations and individuals in, organizing communication on legal aid among the people;

c/ Managing, and providing professional legal aid guidance and skills to, their branches, and giving operation guidance to legal aid clubs and other legal aid activities;

d/ Organizing training courses for legal aid professionals and collaborators of the center and its branches in order to improve their qualifications and knowledge on professional rules of legal aid services; and supporting legal aid-participating organizations in professional training;

e/ Organizing researches, surveys, seminars, workshops and exchange of experience on legal aid for legal aid professionals and collaborators of the center and its branch;

f/ Managing, supervising and inspecting according to its competence legal aid services provided by legal aid professionals, collaborators and other staffs of the center and its branches.

3. To request concerned agencies and organizations to coordinate in settling and supply information and documents on legal aid cases; to provide according to regulations allowances for collaborators engaged in legal aid services; to coordinate with other legal aid-providing organizations in verifying legal aid cases.

4. To be answerable before law for the provision of legal aid by legal aid professionals and collaborators of the center and its branches.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To settle complaints in accordance with the Legal Aid Law and the law on complaints and denunciations; to settle disputes over legal aid according to its competence.

7. To make recommendations to competent state agencies on matters related to law enforcement as prescribed in Article 41 of this Decree.

8. To organize preliminary and final reviews and make reports and statistics on legal aid services in locality to state management agencies in charge of legal aid.

9. To propose rewards for collectives and individuals that record outstanding achievements in legal aid services in its locality.

10. To have other tasks and powers prescribed by law for non-business units and by the provincial-level People's Committee.

Article 9.- Organizational structure of centers

1. The center has a director, a deputy director and legal aid professionals. The director and the deputy director must be legal aid professionals.

2. The director of the center is its head and representative at law who is answerable before law and the director of the concerned provincial/municipal Justice Service for all tasks and powers of the center.

The deputy director of the center assists the director in one or several working domains assigned by the director and is accountable to the latter for the results of the assigned tasks. The deputy director is appointed, removed from office and dismissed by the director of the provincial/municipal Justice Service at the request of the director of the center.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 10.- Criteria and procedures for appointment, removal from office and dismissal of directors of centers

1. A legal aid professional who fully meets the following criteria may be proposed for appointment as director of a center:

a/ Having been involved in legal work for five years, including at least three years of being involved in legal aid services;

b/ Having full civil act capacity, good ethics and managerial capacity.

2. The president of the provincial-level People's Committee shall decide to appoint, remove from office or dismiss the director of the center at the request of the director of the provincial-level Justice Service.

3. The director of a center shall be removed from office in one of the following cases:

a/ He/she no longer satisfies criteria specified at Point b, Clause 1 of this Article;

b/ He/she changes to a new job, retires or ceases working due to loss of his/her working capacity;

c/ He/she is considered unable to fulfill his/her assigned tasks due to his/her health conditions, family circumstances or other plausible reasons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ He/she commits one of the acts defined in Article 9 of the Legal Aid Law and is considered ineligible for continuing his/her post;

b/ He/she seriously violates professional rules of legal aid services;

c/ He/she is disciplined in the form of dismissal from the current managerial post in accordance with the law on cadres and civil servants.

Article 11.- Legal position, names and tasks of branches

1. Branches of a center are its dependent units located in districts, towns or provincial cities (hereinafter referred to as districts) and subject to the management of the center. The center is answerable for all activities of its branches. Each branch has its own seal for transactions and legal aid services.

2. A branch of a center is named according to the serial number of its establishment and its name must show the name of its managing center.

3. Branches of a center shall provide legal aid in the forms prescribed in Article 27 of the Legal Aid Law and in this Decree and have other tasks and powers specified in the Regulation on organization and operation of their center promulgated by the president of the provincial-level People's Committee, and assigned by the director of the center.

Article 12.- Bases and procedures for establishment of branches

1. In order to create convenience for legal aid beneficiaries, the director of the provincial-level Justice Service shall base himself/herself on the demand for legal aid, the percentage of legal aid beneficiaries and the practical conditions of his/her locality to compile and submit dossiers on the establishment of branches of the center to the president of the provincial-level People's Committee for decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Within 30 days after receiving the dossier, the president of the provincial-level People's Committee shall consider and decide to establish the branch and direct its departments and services to organize the implementation.

3. Within seven working days after receiving the decision on the establishment of the branch, issued by the president of provincial-level People's Committee, the director of the provincial/municipal Justice Service shall appoint the head of the branch and publish the following contents on three consecutive issues of a local newspaper:

a/ The name, address and telephone number of the branch;

b/ The date of issue of the establishment decision and the date of commencement of operation of the branch;

c/ The full name of the head of the branch;

d/ The scope and form of legal aid services provided by the branch.

Article 13.- Organizational structure of branches

1. A branch has a head and several legal aid professionals working on a full-time basis. The head of the branch must be a legal aid professional.

2. The head of a branch leads the branch and performs its tasks in accordance with the Regulation on organization and operation of the managing center and is answerable for his/her assigned tasks and powers before the center's director. The head of the branch shall be appointed, removed from office or dismissed by the director of the provincial/municipal Justice Service at the request of the director of the center.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 14.- Payroll and material foundations of centers and branches

1. The provincial-level People's Committee shall base itself on the volume, nature and characteristics of professional operations and requirements of legal aid services to decide on the payrolls of the center and its branches and ensure funds, material foundations, equipment and facilities for the operation of the center and its branches from the local budget and other lawful sources.

2. The recruitment, use and management of cadres and civil servants of centers comply with the Government's regulations on recruitment, use and management of cadres and civil servants in state administrative agencies.

3. Centers and their branches may use non-business funds for the performance of legal aid tasks and operations specified in Article 8 of this Decree in accordance with law.

Annually, the director of a center shall base himself/herself on the tasks and powers of the center and its branches to estimate funds for their operation, including funds for regular operation, irregular expenses and funds for legal aid services, and report these estimates to the director of the provincial/municipal Justice Service and send them to the Finance Service for submission to the provincial-level People's Committee for decision.

The estimation, management, use and finalization of funds for operation of centers and their branches comply with the Law on the State Budget and guiding documents.

Chapter III

PARTICIPATION IN LEGAL AID SERVICES BY LAWYERS' OFFICES, LAW FIRMS AND LEGAL COUNSELING CENTERS

Article 15.- Procedures for registration for participation in legal aid services

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



An application for registration for participation in legal aid services contains the following principal contents:

a/ The name, address and telephone number of the organization registering for participation in legal aid services;

b/ Expected legal aid beneficiaries, forms, scope and domains of legal aid.

2. Within seven working days after receiving a registration dossier, the provincial/municipal Justice Service shall grant a certificate of registration for participation in legal aid services to the applying organization and notify the grant to the concerned state legal aid center for coordination. In case of refusal, the provincial/municipal Justice Service shall notify the reason in writing.

3. Within seven working days after being granted a certificate of registration for participation in legal aid services, the organization which is granted the certificate shall publicize on local mass media the contents of its certificate. The provision of legal aid services is considered to start from the time of publicization of the certificate.

The registration for participation in legal aid is made free of charge.

Article 16.- Change of certificates of registration for participation in legal aid services

1. When there arise changes in the contents of its certificate of registration for participation in legal aid services, the lawyer's office, law firm or legal counseling center shall send an application for renewal of the certificate, together with the granted certificate to the provincial/municipal Justice Service which has granted the certificate.

2. Within seven working days after receiving the application, the provincial/municipal Justice Service shall grant a new certificate of registration for participation in legal aid services. In case of refusal, its shall notify the reason in writing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 17.- Withdrawal of certificates of registration for participation in legal aid services

1. The certificate of registration for participation in legal aid services shall be withdrawn when the legal aid-participating organization is disallowed to participate in providing legal aid services as prescribed in Clause 2, Article 48 of the Legal Aid Law.

2. The withdrawal of a certificate of registration for participation in legal aid services shall be decided by the director of the provincial/municipal Justice Service and be publicized on local mass media.

3. The lawyer's office, law firm or legal counseling center which has its certificate of registration for participation in legal aid services withdrawn may not further provide legal aid services and is not re-granted a certificate. It shall transfer legal aid cases it is processing to the center where it has registered for participation in legal aid services.

Article 18.- Rights and responsibilities of lawyer's offices, law firms and legal counseling centers participating in legal aid services

1. To provide legal aid within the scope of the certificate of registration for participation in legal aid services; to coordinate with the state legal aid center or its branches in order to effectively handle legal aid cases.

2. To request concerned agencies and organizations to supply information and documents related to legal aid cases for the provision of legal aid.

3. To introduce legal aid requestors to a state legal aid center or its branch to receive legal aid; to refuse or discontinue the provision of legal aid in the cases defined in Article 45 of the Legal Aid Law.

4. To be supported by the State in the training of legal aid-providing persons in legal aid knowledge and skills.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To settle disputes over legal aid in accordance with the Legal Aid Law and relevant provisions of law.

7. To be commended and rewarded when recording outstanding achievements in providing legal aid services or making active contributions or support to the expansion and development of legal aid services in localities.

8. To abide by the principles of legal aid services and the provisions of law on legal aid when their members participate in legal aid services.

9. To be answerable before law for the provision of legal aid by lawyers and legal counselors under their management and compensate for damage caused by their faults during the process of providing legal aid to legal aid beneficiaries.

10. To be subject to the management of competent state agencies; to send reports and statistics on legal aid services according to regulations to provincial/municipal Justice Services with which they have registered.

Chapter IV

LEGAL AID PROFESSIONALS AND COLLABORATORS

Section 1. LEGAL AID PROCESSIONALS

Article 19.- Professional training on legal aid services and grant of certificates of professional training in legal aid services

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Legal Aid Department, the Justice Ministry, shall grant certificates of professional training in legal aid services to those who used to work as lawyers and those who have completed a legal profession-training course or are exempted from taking a legal profession-training course as prescribed by the Law on Lawyers, if these persons pass exams on professional legal aid activities.

3. The Justice Minister shall provide for the program and duration of a course of professional training in legal aid services; promulgate the Regulation on exams on professional legal aid activities and inspect the organization of courses of professional training in legal aid services.

Article 20.- Appointment as and removal from office of legal aid professionals

1. Those who meet all conditions specified in Clause 1, Article 21 of the Legal Aid Law and do not fall into one of the cases defined in Clause 3, Article 20 of the Legal Aid Law may be appointed as legal aid professionals.

The time of being involved in legal work prescribed at Point d, Clause 1, Article 21 of the Legal Aid Law means the time these persons worked as full-time cadres in charge of legal affairs in agencies, organizations or enterprises.

2. A legal aid professionals shall be removed from office in one of the following cases:

a/ He/she no longer satisfies criteria specified in Clause 1, Article 21 of the Legal Aid Law or falls into one of the cases defined in Clause 3, Article 20 of the Legal Aid Law;

b/ He/she changes to a new job, retires or ceases working due to loss of his/her working capacity;

c/ He/she is considered unable to fulfill his/her assigned tasks due to his/her health conditions, family circumstances or other plausible reasons;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Presidents of provincial-level People's Committees shall decide on the appointment or removal from office of legal aid professionals at the proposal of directors of provincial/municipal Justice Services.

Article 21.- Procedures for appointment as legal aid professionals

1. The director of a center shall select among persons working in the center and its branches those who satisfy all conditions defined in Clause 1, Article 20 of this Decree and propose the director of the provincial/municipal Justice Service and compile and submit their dossiers to the president of the provincial-level People's Committee to appoint them as legal aid professionals.

A dossier of appointment as legal aid professional consists of:

a/ An official letter proposing the appointment as a legal aid professional, made by the director of the provincial/municipal Justice Service, enclosed with the written request of the director of the center;

b/ A CV of the person proposed for appointment as a legal aid professional, together with two color portrait photos of 2 cm x 3 cm;

c/ The certificate of professional training in legal aid services;

d/ The draft decision on the appointment as a the legal aid professional, enclosed with a blank legal aid professional's card.

2. Within 15 working days after receiving the dossier, the director of the provincial-level People's Committee shall consider and sign the appointment decision and the legal aid professional's card.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Legal aid professional's cards certify the legal capacity of legal aid professionals to exercise their powers and responsibilities. Agencies, organizations and individuals shall create favorable conditions for legal aid professionals to exercise their powers and responsibilities in accordance with law.

2. During working hours and while providing legal aid, legal aid professionals shall carry and produce legal aid professional's cards upon request of competent agencies, organizations and individuals.

3. Legal aid professionals shall preserve their cards. They may not use their cards for personal or self-seeking purposes; when a legal aid professional loses his/her legal aid professional's card, he/she shall immediately notify the loss to the nearest police office and the director of his/her center.

4. Legal aid professionals who violate regulations on the use of legal aid professional's cards shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability in accordance with law.

5. The form of legal aid professional's cards as well as the grant, renewal and withdrawal of those cards shall be prescribed by the Justice Minister.

Article 23.- Procedures for removal from office of legal aid professionals

1. Where a legal aid professional falls into one of the cases defined in Clause 2, Article 20 of this Decree, the director of the provincial/municipal Justice Service shall compile and submit a dossier to the president of the provincial-level People's Committee for consideration and decision.

A dossier of removal from office of a legal aid professional consists of:

a/ A written request for removal from office of the legal aid professional, made by the director of the provincial/municipal Justice Service, enclosed with the written request of the director of the center;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The draft decision on removal from office of the legal aid professional.

2. Within 15 days after receiving the dossier, the president of the provincial-level People's Committee shall consider and sign the decision to remove the legal aid professional from office.

Article 24.- Powers and responsibilities of legal aid professionals

1. While providing legal aid, legal aid professionals have rights and obligations as prescribed in Article 25 of the Legal Aid Law.

2. Legal aid professionals shall provide legal aid under the assignment of the director of their center or the head of their branch. Legal aid professionals shall be answerable before the director of their center and law for the performance of their tasks and the exercise of their powers. Those who work in a branch shall also be answerable before the branch's head.

3. When a legal aid professional causes damage while providing legal aid, the center where that person works shall pay compensation. The legal aid professional shall refund the compensated sum to the center in accordance with the law on cadres and civil servants.

Article 25.- Legal aid professional's ranks

1. Legal aid professional's ranks are similar to expert's ranks.

2. The Home Affairs Minister shall promulgate codes and professional criteria of legal aid professional's ranks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Legal aid professionals have their salaries paid according to the salary scale applicable to experts in state agencies.

2. Leaders of a center are entitled to leadership allowances according to general regulations applicable to state cadres and servants.

3. Legal aid professionals are entitled to a professional responsibility-based allowance equal to 25% of their current salary and an extra-seniority allowance (if any). When participating in legal proceedings, extrajudicial representation or reconciliation in legal aid, legal aid professionals are entitled to a case-based allowance equal to 10% of the remuneration level applicable to collaborators.

4. Where legal aid professionals take working trips to verify details of legal aid cases or to meet requirements of legal aid services, their travel and accommodation expenses shall be refunded in accordance with regulations on working-trip expenses applicable to state cadres and servants on domestic working trips.

5. The Ministry of Home Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance and the Ministry of Justice in, issuing specific regulations on allowances for legal aid professionals and leadership allowances for leaders of the centers.

Section 2. COLLABORATORS

Article 27.- Procedures for recognition as collaborators and grant of collaborator's cards

1. Those who meet all conditions defined in Clause 1, Article 22 of the Legal Aid Law, do not fall into one of the cases defined in Clause 3, Article 20 of the Legal Aid Law and wish to act as collaborators shall send dossiers to the center in the locality where they reside or work.

A dossier of application for working as a collaborator consists of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ A copy of the bachelor's degree in law, the bachelor's degree in another major or the intermediate degree in law and the written certification of the time of being involved in legal work, issued by the agency or organization in which the applicant used to work or is working.

c/ A CV certified by the People's Committee of commune, ward or township where the applicant resides or by the agency in which the applicant works, together with two color portrait photos of 2 cm x 3 cm.

For an applicant who resides in an area with exceptional socio-economic difficulties, an ethnic minority or mountainous region and has legal knowledge and prestige in his/her community, apart from the documents prescribed at Points a and c above, the dossier of application must also consist of the written opinion of the officer in charge of legal affairs in the commune, ward or township (hereinafter collectively referred to as commune) where the applicant resides.

2. Within 15 days after receiving the dossier, the director of the center shall check the adequacy and validity of the dossier; if the dossier is valid, he/she shall submit it to the director of the provincial/municipal Justice Service for consideration, recognition and grant of a collaborator's card. Where the dossier is invalid, he/she shall return the dossier to the applicant and clearly notify the reason in writing.

3. Within seven working days after receiving the dossier submitted by the director of the center, the director of the provincial/municipal Justice Service shall consider and sign a recognition decision and grant a collaborator's card. In case of refusal, he/she shall notify the applicant of the reason in writing. The applicant may lodge a complaint about the refusal to recognize him/her as a collaborator and the grant of a collaborator's card. Such a complaint shall be settled in accordance with the law on complaints.

Article 28.- Collaboration contracts

1. Those who are recognized as collaborators and granted collaborator's cards are entitled to sign collaboration contracts with the center. The center has the responsibility to sign collaboration contracts with their collaborators. Collaborators may provide legal aid after signing collaboration contracts.

2. A collaboration contract signed between the center and a collaborator serves as a basis for identifying their responsibilities and powers in collaboration relations.

A collaboration contract must have the following principal contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Expected forms and domains of legal aid services to be provided by the collaborator in compliance with the provisions of Clause 2, Article 22 of the Legal Aid Law;

c/ Powers and responsibilities of the parties in their collaboration relations;

d/ Termination of the collaboration contract and settlement of disputes over the collaboration contract.

Article 29.- Use of collaborator's cards

1. When providing legal aid services, collaborators must carry and produce collaborator's cards at the request of competent agencies, organizations or individuals.

2. Collaborators shall preserve their collaborator's cards. They may not use their collaborator's cards for self-seeking or personal purposes. Collaborators may not use collaborator's cards in replacement of letters of introduction, people's identity cards or other personal papers; may not lend their collaborator's cards to others; and shall immediately notify the loss of their collaborator's cards to the director of the center of which they are collaborators.

3. Collaborators who violate regulations on the use of collaborator's cards shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be subjected to termination of collaboration contract or withdrawal of collaborator's card, discipline, administrative sanction or examination for penal liability in accordance with law.

4. The form of collaborator's cards as well as the grant, renewal and withdrawal of those cards shall be prescribed by the Justice Minister.

Article 30.- Withdrawal of collaborator's cards

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The collaborator fails to provide legal aid services within six months after being granted the collaborator's card, unless he/she has a plausible reason;

b/ The collaborator commits one of the acts defined in Article 9 of the Legal Aid Law;

c/ The collaborator falls into one of the cases defined in Clause 3, Article 20 of the Legal Aid Law;

d/ The collaborator terminates the collaboration contract signed with the center or fails to sign a collaboration contract with the center within 30 days after being granted the collaborator's card.

2. When a collaborator falls into one of the cases defined in Clause 1 of this Article, the director of the center shall issue a decision to terminate the collaboration contract signed with the collaborator and propose the director of the provincial/municipal Justice Service to withdraw the collaborator's card.

3. Within seven working days after receiving the proposal of the director of the center, the director of the provincial/municipal Justice Service shall issue a decision to withdraw the collaborator's card. The collaborator who has his/her collaborator's card withdrawn may not further provide legal aid.

Article 31.- Modes of operation of collaborators

Collaborators shall participate in legal aid services through:

1. Handling legal aid cases at the direct request of legal aid beneficiaries or under the assignment of the director of the center or the head of the branch.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Providing legal aid within the scope of the collaboration contract signed with the center.

Article 32.- Benefits and responsibilities of collaborators

1. When participating in legal aid services, collaborators have the rights and obligations prescribed in Article 25 of the Legal Aid Law, and the following benefits and responsibilities:

a/ To receive remuneration and reasonable administrative sums in each specific cases in accordance with law;

b/ To make suggestions and proposals on the expansion or raising of efficiency of the operation of the center;

c/ To be commended or rewarded when recording outstanding achievements in legal aid services;

d/ To use collaborator's cards in accordance with Article 29 of this Decree; to turn in collaborator's cards when these cards are withdrawn in accordance with Article 30 of this Decree;

e/ To be answerable before the director of the center and law for the settlement of legal aid cases. Those who are working in a branch shall also be answerable before the head of the branch.

f/ When a collaborator causes damage while providing legal aid, the center in which the collaborator works shall pay compensation. The collaborator shall refund the compensated sum to the center in accordance with the civil law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 33.- Remuneration and administrative sums which collaborators are entitled to when providing legal aid

1. When participating in legal aid services, collaborators are entitled to remuneration and reasonable administrative sums.

2. Collaborators enjoy remuneration for each legal aid case on the basis of the number of hours of providing legal counseling and other legal aid services. Workday-based remuneration is paid to collaborators who provide legal aid through participating in legal proceedings or extrajudicial representation.

The level of remuneration for collaborators in each legal aid case is set on the basis of the quality of legal aid provided, the time of providing legal aid, the complexity of the legal aid case, the result and form of legal aid. In case of providing legal aid in the form of participation in legal proceedings, the remuneration level is equal to that applicable to lawyers who participate in legal proceedings at the request of legal proceeding-conducting agencies.

The time of providing legal aid covers the time of studying the dossier of the case and preparing documents in service of the provision of legal aid, the time of meeting legal aid beneficiaries or their relatives, the time of verifying the legal aid case and the time of working at agencies and organizations related to the legal aid case. The working time of a collaborator is the working time certified by concerned individuals, agencies and organizations.

3. When settling a legal aid case, a collaborator is entitled to reasonable administrative sums to cover charges paid in accordance with the law on charges and fees, expenses for copying documents, expenses for communication with legal aid beneficiaries or their relatives and other reasonable expenses in direct service of the provision of legal aid. Reasonable administrative sums are determined based on charge or fee receipts or receipts issued by competent agencies, organizations and individuals.

A collaborator who takes working trips to settle a legal aid case is entitled to working-trip allowances like cadres and civil servants on working trips.

4. The center shall pay remuneration and reasonable administrative sums defined in Clauses 2 and 3 of this Article in accordance with state regulations. Funds for payment are included in the centers' annual budget.

5. Apart from remuneration and sums paid by centers, collaborators may not ask for any sum of money from legal aid beneficiaries or their relatives.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter V

LEGAL AID SERVICES

Article 34.- Domains of legal aid

1. Penal law, criminal proceedings law and enforcement of penal judgments.

2. Civil law, civil proceedings law and enforcement of civil judgments.

3. Law on marriage, family and children.

4. Administrative law, law on complaints, denunciations and administrative proceedings.

5. Law on land, dwelling houses, environment and protection of consumers.

6. Law on labor, employment and insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. Other domains of law related to national target programs on hunger eradication, poverty alleviation or directly related to fundamental rights and obligations of citizens.

Article 35.- Itinerant legal aid services

1. Itinerant legal aid services are provided as requested or in places far from centers, remote, deep-lying areas and areas with exceptional socio-economic difficulties.

2. Plans on provision of itinerant legal aid services are elaborated by centers or branches based on the findings of surveys on legal aid beneficiaries' demand for legal aid services, the requirements of socio-economic tasks in localities under the direction of provincial-level People's Committees or their own requirements.

3. Centers shall provide itinerant legal aid services directly or through their branches. When providing itinerant legal aid services, centers and their branches may mobilize representatives of concerned agencies and departments in localities. Those who participate in itinerant legal aid services are entitled to benefits and policies like cadres and civil servants on working trips.

4. Agencies, organizations and district- and commune-level People's Committees shall coordinate with and create favorable conditions for centers and their branches to provide itinerant legal aid services and mobilize collaborators to participate in legal aid services.

5. The organization of itinerant legal aid services must be notified in advance in writing to the People's Committees of localities where itinerant legal aid services are to be organized. After each drive of itinerant legal aid services, centers and branches shall make reports and notify the results of itinerant legal aid services to the People's Committees of localities where itinerant legal aid services have been organized and to concerned agencies and departments.

A report on itinerant legal aid services must clearly state matters already solved, matters to be solved by agencies, departments and People's Committees according to their responsibilities and powers, cases to be further settled by the center or branch and suggestions and proposals on law enforcement in the concerned locality. The center or branch shall report results of itinerant legal aid services to the director of the provincial/municipal Justice Service and the president of the People's Committee of the district where itinerant legal aid services have been organized. In special cases where there are burning issues, it shall also report to the president of the provincial-level People's Committee on the enforcement of law at the grassroots level and propose measures to raise the effectiveness of the performance of public duties in the locality.

Article 36.- Activities of legal aid clubs

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Legal aid beneficiaries currently residing and working in communes may join legal aid clubs in accordance with the clubs' operation charters already approved by a competent state agency.

3. A legal aid club is directly run by the commune-level Justice Board. Monthly, the Justice Board shall organize the legal aid club's law-related activities under the guidance of the center or branch. Expenses for activities of a legal aid club, including expenses for copying documents and some other reasonable expenses, are covered by the center. The commune-level People's Committee shall support and create favorable conditions in terms of venue and drinks.

4. Presidents of commune-level People's Committees shall decide to establish and approve the charters of, legal aid clubs on the basis of the model charter issued by the Justice Minister.

Article 37.- Law-specialized activities

1. Law-specialized activities means talks and meetings organized by centers or branches on specialized legal subjects directly related to fundamental civic rights and obligations at grassroots level which are often problematic to the people and of interest to many.

2. Law-specialized activities are organized in combination with itinerant legal aid services and activities of legal aid clubs or organized independently in residential areas at the request of local authorities.

3. Legal aid-providing persons who are designated by centers or branches to participate in law-specialized activities are entitled to benefits and policies prescribed for cadres and civil servants on working trips.

4. Agencies, organizations and local administrations shall coordinate with and create favorable conditions for centers or branches to organize law-specialized activities.

Article 38.- Participation in legal proceedings

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Within three working days after issuing decisions on the designation of persons to participate in legal proceedings, directors of centers or heads of branches shall send the decisions to legal proceeding-conducting agencies, legal aid beneficiaries and legal aid-providing persons.

3. Directors of centers and heads of branches shall be answerable before law for the designation of persons to participate in legal proceedings, ensuring their eligibility as required by the law on legal aid.

4. Centers and branches shall coordinate with legal proceeding-conducting agencies in supervising and managing the process of providing legal aid in legal proceedings by legal aid professionals or lawyers being collaborators who are designated by centers or branches so as to ensure the quality and effectiveness of their operation and the observance of the principles of legal aid services and other relevant provisions of law.

5. In case of changing legal aid-providing persons, centers or branches shall designate other qualified persons to continue handling legal aid cases.

Article 39.- Extrajudicial representation

1. At the request of legal aid beneficiaries or their lawful representatives, directors of centers or heads of branches shall issue decisions to designate legal aid professionals or lawyers being collaborators to act as extrajudicial representatives in accordance with Articles 30 and 40 of the Legal Aid Law.

2. Within three working days after issuing decisions on the designation of extrajudicial representatives, directors of centers or heads of branches shall send these decisions to legal aid beneficiaries, legal aid-providing persons and agencies, organizations and individuals related to the cases for which representation is required.

3. Agencies, organizations and individuals related to the cases for which representation is required shall coordinate with and create favorable conditions for those who are designated as representatives to exercise their rights and powers in accordance with law.

4. Directors of centers and heads of branches shall be answerable before law for the designation of extrajudicial representatives, ensuring their eligibility as required by the law on legal aid.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. In cases of changing legal aid-providing persons, centers and branches shall designate other qualified persons to continue handling legal aid cases.

Article 40.- Reconciliation in legal aid

1. As requested or agreed by one or several parties, the legal aid-providing organization shall appoint a legal aid-providing person to act as an intermediary to analyze details of the case, explain legal provisions and guide the involved parties to negotiate and agree on the method of settling the case without bringing the case to the court or competent agency, to voluntarily withdraw their petitions, settle disputes by themselves and abide by the results of settlement of the case.

2. Reconciliation is also conducted when it is necessary to preserve community solidarity, maintain social order and safety, and protect legitimate rights and interests of involved parties, except for cases where reconciliation is not permitted by law.

3. Reconciliation must be recorded in writing. A written reconciliation record must clearly state the result of the reconciliation process, opinions of the legal aid-providing person and involved parties on the case and signatures of the parties to indicate that they will voluntarily implement the reconciliation result. Written reconciliation records shall be kept in the dossiers of legal aid cases.

Article 41.- Recommendations on law enforcement

1. When there are enough grounds to believe that the ways of settlement of cases by competent state agencies are incompliant with the provisions of law, causing damage to legal aid beneficiaries, legal aid-providing persons shall propose these state agencies to reconsider and resettle the cases in order to protect legitimate rights and interests of legal aid beneficiaries. In their recommendations, legal aid-providing organizations shall clearly state the contents of the cases, applicable legal grounds and directions for settling the cases, and they are answerable for the correctness of their recommendations.

2. When receiving written recommendations of legal aid-providing organizations, state agencies competent to settle the cases shall consider and settle the recommendations and gives written replies within 30 days after receiving such recommendations. If there are plausible reasons, the above time limit may be extended but must not exceed 45 days, except for cases where the time limit for giving replies is prescribed by law. Past the above time limit, if state agencies competent to settle the cases fail to give their replies, legal aid-providing organizations may forward their recommendations to leaders of superior agencies of these competent state agencies for the latter to take directing and handling measures.

3. When settling the cases, if legal aid-providing organizations detect that state cadres and civil servants deliberately commit wrongdoings or infractions, causing damage to legal aid beneficiaries, they shall propose agencies that directly manage these persons to consider and settle the enforcement of law by these persons. In their recommendations, legal aid-providing organizations shall clearly state the grounds, details and contents of the cases, and they are answerable for the correctness of their recommendations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 42.- Other forms of legal aid services

1. When legal aid beneficiaries cannot carry out by themselves administrative procedures during the process of exercising fundamental civic rights and obligations, centers or branches shall designate legal aid professionals or lawyers being collaborators to help them.

2. In order to provide legal assistance to legal aid beneficiaries during the process of lodging complaints in accordance with the law on complaints, centers and branches shall designate legal aid professionals or collaborators being lawyers to participate in the process of settling complaints.

3. To supply legal information, leaflets, booklets, law handbooks and other law publications and documents through itinerant legal aid services, legal aid clubs and law-specialized activities; to supply copies of legal documents with articles and clauses related to legal aid cases, and addresses of agencies, organizations and individuals that are competent to settle the cases as prescribed by law.

Article 43.- Criteria for evaluating the quality of legal aid cases

1. Criteria for evaluating the quality of legal aid cases are grounds for the inspection and re-evaluation of the process of providing legal aid, the observance of professional rules and the application of law by legal aid-providing persons; and serve as a basis for identifying the responsibilities of legal aid-providing persons for legal aid cases and the levels of remuneration for legal aid-providing persons;

2. Criteria for evaluating the quality of legal aid cases are formulated based on the following principal contents:

a. The lawfulness, conformity with social ethics, objectiveness, truthfulness and comprehensiveness of legal aid cases, striving to best protect legitimate rights and interests of legal aid beneficiaries;

b. The observance of law, social ethics and professional rules of legal aid services by legal aid-providing persons;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d. Time of providing legal aid, including the time of studying dossiers and documents related to the legal aid case, collecting and verifying facts related to the legal aid case and meeting legal aid beneficiaries or their relatives, the time of working at agencies and organizations or with individuals related to the legal aid case, and the time of studying legal provisions in service of the settlement of legal aid cases.

e. The satisfaction of legal aid beneficiaries about the result of the legal aid case and the service attitude of legal aid-providing persons; feedbacks from relevant agencies, organizations and individuals, and legal consequences arising from the legal aid case.

3. The Justice Minister shall promulgate a set of criteria for evaluating the quality of legal aid cases.

Chapter VI

RESPONSIBILITIES OF STATE MANAGEMENT AGENCIES FOR LEGAL AID SERVICES

Article 44.- Responsibilities of the Justice Ministry in performing state management of legal aid

1. The Justice Ministry is answerable before the Government for the performance of the state management over legal aid and has the following tasks and powers:

a. To elaborate and promulgate according to its competence or propose competent state agencies to promulgate, guide and organize and supervise the implementation of legal documents on legal aid services; to study and elaborate strategies, plans and plannings on the development of legal aid services and organize the implementation of these strategies, plans and plannings;

b. To promulgate regulations on professional guidance on and rules of legal aid services; the model charter on organization and operation of a state legal aid center, regulations on collaborators, internal rules of legal aid-providing venues, and a set of criteria for evaluation of the quality of legal aid cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d. To organize professional training and re-training for legal aid-providing persons and grant certificates of professional training in legal aid services; to issue the forms of the certificate of registration for participation in legal aid services, legal aid professional's and collaborator's card, application for working as a collaborator, request for legal aid, legal aid-provision slip and other papers; and to print documents on legal aid;

e. To make reports and statistics on legal aid services according to regulations;

f. To direct, guide, set up and manage the Legal Aid Fund;

g. To examine and inspect legal aid-providing organizations and legal aid activities; in case of necessity, to re-inspect and re-evaluate the quality of legal aid cases; to settle complaints and denunciations related to legal aid in accordance with law; to perform commendation and disciplinary work and handle violations in legal aid;

h. To implement international cooperation in legal aid;

i. To perform other tasks in accordance with law.

2. The Legal Aid Department under the Justice Ministry is the agency which performs the state management and line management of legal aid and has the function of assisting the Justice Minister in performing the above tasks and powers.

Article 45.- Responsibilities of ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies in performing the state management of legal aid

Ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies shall, within the scope of their functions, tasks and powers, coordinate with the Justice Ministry in performing the state management of legal aid and have the following tasks and powers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To guide, urge and inspect their attached agencies and units in the implementation of the law on legal aid.

3. To direct their attached units to coordinate in thoroughly settling recommendations on the law enforcement.

Article 46.- Responsibilities of provincial-level People's Committees in performing the state management of legal aid

1. Provincial-level People's Committees shall, within the scope of their tasks and powers, perform the state management of legal aid in their localities and have the following tasks and powers:

a. To promulgate according to their competence or propose the People's Councils of the same level to promulgate legal documents on legal aid; to guide, organize and supervise the enforcement of the law on legal aid in localities;

b. To decide to set up state legal aid centers and promulgate regulations on the organization and operation of these centers on the basis of the model Regulation on organization and operation of a legal aid center, issued by the Justice Minister.

c. To manage the provision of legal aid services by centers and their branches and the participation in legal aid services by lawyer's offices, law firms and legal counseling centers in localities;

d. To manage legal aid-providing persons in localities; to propose the People's Councils of the same level to approve payrolls of centers and their branches; to organize professional training courses for legal-aid providing persons in localities;

e. To direct provincial/municipal Justice Services to perform their tasks and powers in accordance with the Legal Aid Law and this Decree; to direct specialized agencies under their management and lower-level People's Committees and justice agencies to coordinate with centers and their branches in providing legal aid services in localities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



g. To inspect, examine and settle complaints and denunciations, perform commendation work and handle violations of the law on legal aid in accordance with law;

h. To make reports and statistics and organize preliminary and final reviews on legal aid services in localities according to regulations.

2. Provincial/municipal Justice Services shall assist provincial-level People's Committees in performing tasks and powers defined in Clause 1 of this Article and take charge of coordinating with other provincial-level services and departments in performing the state management of legal aid in localities.

Chapter VII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 47.- Transition provisions

From January 1, 2007, when the Law on Legal Aid took legal effect:

1. State legal aid centers set up under the Prime Minister's Decision No. 734/TTg of September 6, 1997, shall switch to operate under the provisions of the Legal Aid Law and this Decree.

2. For branches of state legal aid centers which have been set up under decisions of provincial/municipal Justice Services, presidents of provincial-level People's Committees shall consider and decide on their re-establishment in accordance with the provisions of the Legal Aid Law and this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Other legal aid-providing organizations which do not fall into cases defined in Clauses 2 and 3 of this Decree shall be dissolved or transformed into collaborators' groups of state legal aid centers.

5. Legal aid experts working in state legal aid centers who already passed the exams on professional operations of legal aid services organized by the Justice Ministry, and are eligible for working as legal aid professionals before the effective date of this Decree will be granted certificates of professional training on legal aid services.

6. Directors of state legal aid centers shall scrutinize the eligibility of their collaborators. Those who satisfy all criteria defined in Article 22 of the Legal Aid Law may continue working and use their collaborator's cards already granted. For those who have been recognized as collaborators no longer satisfy the criteria defined in Article 22 of the Legal Aid Law, the directors shall issue decisions to terminate their collaboration contracts and propose directors of provincial/municipal Justice Services to withdraw their collaborator's cards.

7. All acts of violating regulations on legal aid shall be examined and handled in accordance with the Legal Aid Law and relevant legal documents.

Article 48.- Implementation effect

This Decree takes effect 15 days after its publication in "CONG BAO."

All previous regulations contrary to this Decree are hereby annulled.

Article 49.- Implementation effect

Ministers, heads of ministerial-level agencies and Government-attached agencies, presidents of provincial/municipal People's Committees shall implement this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 Hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


27.883

DMCA.com Protection Status
IP: 3.22.130.105
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!