ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2348/QĐ-UBND
|
Phú Thọ, ngày 17
tháng 8 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI
CHÍNH QUYỀN SỐ TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số
47/2019/QH14 ngày 22/11/2019, Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày
29/6/2006, Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005, Luật
An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19/11/2015;
Căn cứ Nghị quyết số
52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động
tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 942/QĐ-TTg
ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính
phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến
năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 55-NQ/TU ngày
13/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về Đề án phát triển Chính quyền điện
tử, hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến
2030;
Căn cứ Quyết định số
467/QĐ-UBND ngày 02/3/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền
điện tử tỉnh Phú Thọ, phiên bản 2.0;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 33/TTr-STTTT ngày 19/8/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển Chính quyền điện tử hướng tới
Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Điều 2. Sở
Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp với các
sở, ban, ngành, Đảng, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị của tỉnh tổ chức triển
khai thực hiện Đề án đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các
các sở, ban, ngành, Đảng, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các
tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- CVP, Các PCVP;
- CV NCTH;
- Lưu VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Bùi Văn Quang
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH QUYỀN SỐ TỈNH
PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2348/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)
MỤC
LỤC
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ
I. SỰ CẦN THIẾT
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Phần thứ hai
HIỆN TRẠNG XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN
ĐIỆN TỬ
I. HIỆN TRẠNG
1. Cấp tỉnh
1.1. Công tác chỉ đạo, điều
hành
1.2. CQĐT phục vụ người dân và
doanh nghiệp
1.2.1. Cung cấp dịch vụ công
trực tuyến
1.2.2. Hồ sơ thủ tục hành chính
được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến
1.2.3. Cung cấp thông tin phục
vụ người dân, doanh nghiệp qua môi trường điện tử
1.3. Triển khai CQĐT trong các
cơ quan nhà nước
1.3.1. Hệ thống ứng dụng
dùng chung phục vụ công tác quản lý, điều hành trong toàn tỉnh:
1.3.2. Hạ tầng công nghệ
thông tin
1.3.3. Nguồn nhân lực
1.3.4. Công tác đảm bảo an
toàn thông tin mạng
1.3.5. Hệ thống thông tin,
cơ sở dữ liệu
2. Cấp huyện
2.1. Công tác chỉ đạo , điều
hành
2.2. CQĐT phục vụ người dân và
doanh nghiệp
2.3. Triển khai CQĐT trong cơ
quan nhà nước
3. Cấp xã
3.1. CQĐT phục vụ người dân và
doanh nghiệp
3.2. Triển khai CQĐT cấp xã
4. Triển khai Đô thị thông minh
5. Tác động của xây dựng CQĐT đối
với việc nâng cao chất lượng các chỉ số PCI, PAPI, PARINDEX
5.1. Chỉ số PCI
5.2. Chỉ số PAPI
5.3. Chỉ số PAR INDEX
5.4. Xếp hạng CQĐT
5.5. Tác động CQĐT tới các chỉ
số xếp hạng
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Kết quả đạt được
2. Tồn tại hạn chế
3. Nguyên nhân
Phần thứ ba
PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ
HƯỚNG TỚI CHÍNH QUYỀN SỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 , ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 20 30
I. QUAN ĐIỂM
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
3. Định hướng đến năm 2030
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Một số nhiệm vụ trọng tâm
1.1. Phát triển CQĐT phục vụ
người dân, doanh nghiệp
1.2. Phát triển các hệ thống phục
vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị
1.3. Xây dựng cơ sở dữ liệu, nền
tảng hệ thống, hạ tầng số hướng tới CQS
1.4. Xây dựng đô thị thông minh
1.5. Đảm bảo an toàn, an ninh
thông tin
1.6. Nâng cao kết quả chỉ số
thành phần liên quan CQĐT tác động đến xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PARINDEX
2.Các giải pháp chủ yếu
2.1. Công tác chỉ đạo, điều
hành
2.2. Triển khai các giải pháp
công nghệ
2.3. Huy động và sử dụng hiệu
quả các nguồn lực
2.4. Phát triển nguồn nhân lực
2.5. Thông tin, tuyên truyền
nâng cao nhận thức
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Phần thứ tư
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh
Phú Thọ
2. Sở Thông tin và Truyền thông
3. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
4. Sở Nội vụ
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
6. Sở Tài chính
7. Sở Khoa học và Công nghệ
8. Các Sở, ban, ngành; UBND các
huyện, thành, thị
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ
I. SỰ CẦN
THIẾT
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi
quốc gia, tổ chức và cá nhân. Nhiều quốc gia đang phát triển đã phát huy tính
tích cực của cuộc cách mạng này để thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực của đời sống
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Đối với nước ta, Đảng và Chính
phủ đã chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động tham gia cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư, trong đó, chuyển đổi số quốc gia được xác định là giải pháp đột
phá, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Thực hiện chuyển đổi số quốc gia,
phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm. Chú trọng phát triển hạ tầng thông
tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh
tế số, xã hội số là một trong những nội dung đột phá chiến lược, cần tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Ngày 17/3/2019, Chính phủ ban
hành Nghị quyết số 17/NQ-CP Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển
Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; ngày 03/6/2020,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình
Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó yêu cầu
các địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện Chính quyền điện tử (CQĐT) hướng tới
Chính quyền số (CQS), kết nối các nền tảng quốc gia để đổi mới căn bản, toàn diện
hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ.
Trong thời gian qua, hoạt động
xây dựng CQĐT trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, lãnh đạo,
chỉ đạo. Các kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực,
hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong các cơ quan nhà nước các cấp; phục vụ
người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Việc ứng dụng và phát triển công
nghệ thông tin (CNTT) được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, bám sát
chỉ đạo, định hướng của Chính phủ. Hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng
hoàn thiện, khoa học giúp cho quá trình trao đổi thông tin, xử lý công việc được
nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo,
lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước được nâng lên. Người dân và doanh
nghiệp dễ dàng giao tiếp, thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước,
đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến được thực hiện mọi lúc, mọi nơi qua nhiều
phương tiện đã tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt
được, quá trình hoàn thiện CQĐT hướng tới CQS còn tồn tại một số hạn chế. Các hệ
thống thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành, phục vụ người dân mới được
khai thác, sử dụng ở mức độ cơ bản. Giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với
các tổ chức, công dân còn ở mức độ thấp. Nhiều nội dung, dự án quan trọng triển
khai còn chậm, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ và thực tế đặt
ra. Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng ở một số cơ quan, đơn vị chưa được
quan tâm đúng mức.
Nguyên nhân của những tồn tại,
bất cập trên là do nhận thức và quyết tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành chưa
đồng bộ, dẫn đến việc chỉ đạo, điều hành xây dựng hoàn thiện CQĐT còn chậm, thiếu
thống nhất. Nguồn lực dành cho hoạt động CNTT còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng
yêu cầu thực tế, thiếu cả về số lượng và chất lượng. Công tác phối hợp giữa các
cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ. Hệ thống thông tin được xây dựng thiếu đồng bộ,
liên thông giữa các cơ quan nhà nước.
Tiếp tục phát triển CQĐT, xây dựng
nền tảng hướng tới CQS là xu thế tất yếu nhằm hiện đại hóa nền hành chính theo
yêu cầu của Chính phủ. Đây là cơ sở quan trọng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp,
người dân tiếp cận, giao dịch với các cơ quan Nhà nước được thuận lợi, nhanh
chóng; góp phần thực hiện thành công khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường
đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trên cơ sở đó, tạo
ra sự phát triển bứt phá về kinh tế, xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng Phú Thọ
là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc theo tinh thần
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Vì vậy, việc ban hành và thực
hiện có hiệu quả Đề án phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số
tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là yêu cầu hết sức
cần thiết đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
II. CƠ SỞ
PHÁP LÝ
- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng;
- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày
17/3/2019 của Chính phủ Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển
Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày
27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia
cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
- Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày
17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Nghị quyết số 52-NQ/TW;
- Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày
01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông
minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày
03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc
gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
- Quyết định số 942/QĐ-TTG ngày
15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ
điện tử hướng Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
- Quyết định số 2276/QĐ-UBND
ngày 12/9/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án xây dựng Chính quyền điện tử
tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025;
- Quyết định số 467/QĐ-UBND
ngày 02/3/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh
Phú Thọ, phiên bản 2.0;
- Kế hoạch số 526/KH-UBND ngày
08/02/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Tỉnh ủy.
Phần thứ hai
HIỆN TRẠNG XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ I. HIỆN TRẠNG
Trong thời gian qua, đặc biệt là
giai đoạn từ năm 2017 đến nay, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm, đẩy mạnh xây dựng CQĐT
theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần quan
trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
1. Cấp tỉnh
1.1. Công tác chỉ đạo, điều
hành
Trong giai đoạn 2015 - 2021, Tỉnh
ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 02 Đề án, 03 Kế hoạch hành động thực hiện
Nghị quyết của Chính phủ, 10 Quyết định, 07 Kế hoạch, tạo hành lang pháp lý triển
khai CQĐT trên địa bàn tỉnh (Chi tiết phụ lục 01 kèm theo).
1.2. CQĐT phục vụ người dân
và doanh nghiệp
1.2.1. Cung cấp dịch vụ
công trực tuyến
- Trung tâm Phục vụ hành chính
công của tỉnh được thành lập từ tháng 10 năm 2018. Sau một thời gian đi vào hoạt
động, kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm cụ thể như sau:
+ Cung cấp trực tuyến mức độ 3:
Năm 2018 đạt 46,03% (852 thủ tục hành chính (TTHC)); năm 2019 đạt 50,84% (941
TTHC); năm 2020 đạt 50,3% (967 TTHC).
+ Cung cấp trực tuyến mức độ 4:
Năm 2018 đạt 0,32% (06 TTHC); năm 2019 đạt 0,38% (07 TTHC); năm 2020 đạt 28,15%
(541 TTHC).
+ Năm 2021: Tính đến tháng
7/2021, Trung tâm đang cung cấp 1.431 TTHC (1.381 TTHC của 16 sở, ban, ngành;
25 TTHC của Bảo hiểm xã hội; 25 TTHC của Công an tỉnh). Cung cấp trực tuyến mức
độ 3 là: 754 TTHC (đạt 52,69%), mức độ 4 là: 486 TTHC (đạt 33,96%). 626 TTHC được
đồng bộ trạng thái xử lý kết quả với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
1.2.2. Hồ sơ TTHC được tiếp
nhận và giải quyết trực tuyến
- Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận,
giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC tiếp nhận tại Trung tâm: Năm 2018
đạt 5%; năm 2019 đạt 12%; năm 2020 đạt 59,22%.
- Trong 6 tháng đầu năm 2021,
có 164.791 hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành
chính công của tỉnh, cụ thể:
+ Tiếp nhận và giải quyết trực
tuyến 135.702 hồ sơ TTHC, đạt 82,35% (tăng 40,68 % so với cùng kỳ năm 2020).
Trong đó, số lượng hồ sơ TTHC của 16 sở, ban, ngành là 8,22%; Bảo hiểm xã hội
chiếm 74,13%.
+ Các sở, ban, ngành của tỉnh:
Tiếp nhận và giải quyết 34.889 hồ sơ TTHC, trong đó số lượng hồ sơ TTHC tiếp nhận
và giải quyết trực tuyến là 13.044, đạt 37,38%.
+ Bảo hiểm xã hội: Tiếp nhận và
giải quyết 129.902 hồ sơ TTHC, trong đó số lượng hồ sơ TTHC tiếp nhận và giải
quyết trực tuyến là 122.658 hồ sơ TTHC, đạt 94,42%.
- Tình hình tiếp nhận và giải
quyết hồ sơ TTHC theo hình thức trực tuyến:
+ Có 238 TTHC (16,63%) thường
xuyên phát sinh hồ sơ trực tuyến. Các ngành Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu
tư, Tài nguyên và Môi trường có số lượng hồ sơ TTHC nhiều; tuy nhiên, tỷ lệ
TTHC được giải quyết trực tuyến còn thấp. Trong khi đó, một số ngành số lượng
TTHC ít nhưng tỷ lệ TTHC được giải quyết trực tuyến cao: Giáo dục và Đào tạo,
Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải
quyết trực tuyến của một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cải thiện môi trường
đầu tư, kinh doanh của tỉnh chưa cao (đất đai 37,92%, môi trường 55,45%, đầu tư
kinh doanh 47,37%, phòng cháy chữa cháy 11,71%...). Quy trình, thủ tục hầu hết
được thực hiện trên văn bản, giấy tờ truyền thống, chưa đáp ứng yêu cầu làm việc
trên môi trường điện tử (Lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường khi giải quyết
TTHC cần có xác thực trực tiếp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ, tài
liệu đánh giá tác động môi trường…). Công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp giải
quyết hồ sơ TTHC liên thông giữa các cấp, các ngành chưa thường xuyên, liên tục.
(Chi
tiết tại Phụ lục 02 kèm theo).
1.2.3. Cung cấp thông tin
phục vụ người dân, doanh nghiệp qua môi trường điện tử
- Hoạt động của Cổng Thông tin
điện tử tỉnh cơ bản đáp ứng các quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày
13/6/2011 của Chính phủ, Luật Tiếp cận thông tin và các quy định khác của pháp
luật. Thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều
hành của chính quyền các cấp và nhu cầu tìm kiếm thông tin của các tổ chức, cá
nhân. Tuy nhiên, một số thông tin về quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hằng năm của
ngành, địa phương chưa được cập nhật đầy đủ; thông tin phản hồi về việc xử lý
các ý kiến kiến nghị của tổ chức, cá nhân còn hạn chế.
- Các sở, ban, ngành đã có
Trang/Cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin đến người dân và doanh nghiệp.
Thông tin về công tác chỉ đạo, lãnh đạo của UBND tỉnh, hoạt động của cơ quan,
đơn vị cơ bản được cập nhật hằng tuần. Tuy nhiên, hầu hết các trang thông tin
cung cấp thông tin về quy hoạch, chiến lược, chương trình, dự án theo quy định
còn hạn chế, phần lớn chỉ đăng tải một số văn bản hoặc nêu tên các dự án; một số
trang có mục nhưng không có thông tin.
- Các sở, ban, ngành từng bước
triển khai có hiệu quả các kênh thông tin khác nhau như mạng xã hội (Facebook,
Zalo), thư điện tử, ứng dụng phần mềm… nhằm tương tác với người dân và doanh
nghiệp; hỗ trợ công dân, tổ chức theo dõi tình trạng xử lý phản ánh, kiến nghị
trên môi trường mạng thông qua các thiết bị điện tử.
(Chi
tiết tại Phụ lục 03 kèm theo)
1.3. Triển khai CQĐT trong
các cơ quan nhà nước
1.3.1. Hệ thống ứng dụng
dùng chung phục vụ công tác quản lý, điều hành trong toàn tỉnh:
- Hệ thống quản lý văn bản
và điều hành: 100% các cơ quan nhà nước thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử
tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Hằng tháng, các cơ quan nhà
nước cấp tỉnh gửi, nhận trên 22.700 văn bản điện tử tích hợp chữ ký số; có 650
chữ ký số chuyên dùng đã được cấp cho các cá nhân, tổ chức (548 chữ ký số cho
cá nhân, 102 chữ ký số cho tổ chức). Việc gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ
ký số thay thế văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đã tiết kiệm
trên 3,79 tỷ đồng/năm.
- Hệ thống hội nghị truyền
hình trực tuyến: 34,6% (09/26) các sở, ban, ngành, có hệ thống họp trực tuyến
chất lượng cao; 65,4% (15/26) các sở, ban, ngành chưa được đầu tư trang thiết bị
họp trực tuyến đảm bảo tiêu chuẩn.
- Trung tâm Giám sát, điều
hành thông minh (IOC) của tỉnh: Được thiết lập, triển khai với 12 phân hệ.
Các phân hệ có chức năng phân tích, tổng hợp nhanh, chính xác dữ liệu từ nhiều
nguồn khác nhau, theo từng lĩnh vực cụ thể để đưa ra các thông tin mới nhằm hỗ
trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, đơn vị được kịp
thời, chính xác.
- Hệ thống thông tin báo cáo
của tỉnh, Chính phủ: được triển khai đồng bộ đến 100% các cơ quan, đơn vị từ
cấp tỉnh đến huyện, xã. Đến nay, việc cập nhật số liệu đã đáp ứng yêu cầu của tỉnh
và Chính phủ.
(Chi
tiết tại Phụ lục 04 kèm theo)
1.3.2. Hạ tầng công nghệ
thông tin
- Trung tâm tích hợp dữ liệu số
hoạt động ổn định 24/24 giờ, thực hiện lưu trữ, chia sẻ thông tin giữa các cơ
quan nhà nước. Hệ thống từng bước được đầu tư, nâng cấp đảm bảo các điều kiện về
hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ triển khai các ứng dụng theo yêu cầu phát triển
CQĐT.
- Hệ thống nền tảng tích hợp,
chia sẻ dữ liệu của tỉnh đã kết nối, liên thông một số hệ thống thông tin của tỉnh
với các hệ thống thông tin đủ điều kiện chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Trung
ương, hệ thống thông tin Quốc gia.
- Mạng diện rộng của tỉnh đã được
thiết lập, kết nối các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện,
xã; bao gồm 256 kênh, đảm bảo truyền dẫn an toàn, tránh xâm nhập, thu thập
thông tin từ bên ngoài.
- 100% các sở, ban, ngành có mạng
nội bộ kết nối Internet cáp quang tốc độ cao. 100% cán bộ công chức (CBCC) cấp
tỉnh được trang bị máy tính đáp ứng nhu cầu làm việc. Tỷ lệ đơn vị cấp tỉnh có
mạng nội bộ đạt chuẩn (kết nối máy chủ/máy trạm) đạt 70% (14/26 đơn vị).
(Chi
tiết tại Phụ lục 05 kèm theo)
1.3.3. Nguồn nhân lực
Đến nay, 100% CBCC cấp tỉnh sử
dụng thành thạo máy tính phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ. 100% các sở,
ban, ngành đã bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT. CBCC tại các sở, ban, ngành
thường xuyên được đào tạo, hướng dẫn, khai thác và sử dụng các hệ thống phần mềm
dùng chung; đào tạo các chuẩn kỹ năng về CNTT; đào tạo tập huấn nâng cao trình
độ về an ninh, an toàn thông tin mạng.
(Chi
tiết tại Phụ lục 06 kèm theo)
1.3.4. Công tác đảm bảo
an toàn thông tin mạng
- Trung tâm Giám sát an toàn,
an ninh mạng của tỉnh đã được triển khai. Hệ thống thực hiện giám sát, cảnh
báo, theo dõi các nguy cơ tấn công vào các hệ thống thông tin trọng yếu như:
Trung tâm tích hợp dữ liệu số, Trung tâm điều hành thông minh, Hệ thống cung cấp
dịch vụ công, Cổng Thông tin điện tử tỉnh…
- 100% các hệ thống thông tin
dùng chung của tỉnh được đánh giá, xác định cấp độ và xây dựng hồ sơ đề xuất cấp
độ đảm bảo an toàn thông tin. Hệ thống thông tin tại một số cơ quan được trang
bị các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cơ bản như: Hệ thống tường lửa, bảo
mật không dây, trang bị phần mềm diệt virus…
(Chi
tiết tại Phụ lục 07 kèm theo)
1.3.5. Hệ thống thông
tin, cơ sở dữ liệu
- Việc triển khai Cơ sở dữ liệu
Quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Đề án của Quốc gia. Kết
quả: Đã thu thập 1.629.176 hồ sơ; trong đó:
1.625.831 hồ sơ đã được kiểm
tra, đối chiếu, chuẩn hóa, đạt 99,7%. Toàn tỉnh thu nhận 1.002.390 hồ sơ căn cước
công dân, đạt 97,81% chỉ tiêu Bộ Công an giao. Trong thời gian tiếp theo sẽ tiếp
tục hoàn thiện, đảm bảo mục tiêu đưa vào sử dụng theo quy định.
- Các cơ sở dữ liệu chuyên
ngành được triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương tại Cục Thuế tỉnh,
Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội… đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt
động của các đơn vị, hỗ trợ công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh
chóng các TTHC qua môi trường mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được
các sở, ngành triển khai gồm: Công báo điện tử; cán bộ công chức; khám chữa bệnh;
quản lý đầu tư; tài nguyên, môi trường; thông tin và truyền thông; an sinh xã hội;
quản lý ngân sách và kho bạc… Các cơ sở dữ liệu này được CBCC thường xuyên truy
cập, khai thác, sử dụng rút ngắn thời gian lưu trữ, tìm kiếm thông tin phục vụ
công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
(Chi
tiết tại Phụ lục 08 kèm theo)
2. Cấp
huyện
2.1. Công tác chỉ đạo, điều
hành
Các huyện, thành, thị đã thành
lập Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT cấp huyện. Hằng năm, ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT,
Quy chế khai thác sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung, văn bản chỉ đạo,
đôn đốc triển khai xây dựng CQĐT tại địa phương…
2.2. CQĐT phục vụ người dân
và doanh nghiệp
Ứng dụng hệ thống một cửa điện
tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ tại Bộ phận tiếp
nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC cấp huyện từ tháng 10 năm 2020.
Đến nay, Hệ thống cung cấp 125
TTHC mức độ 2 (đạt 43.25%), 111 TTHC mức độ 3 (đạt 38,41%), 53 TTHC mức độ 4 (đạt
18,34%).
Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực
tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC tiếp nhận và giải quyết năm 2020 đạt 1,11% (1.528
hồ sơ).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ
lệ trung bình hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ
sơ TTHC tiếp nhận cấp huyện đạt 13,59% (12.917 hồ sơ).
Một số huyện có tỷ lệ hồ sơ
TTHC tiếp nhận, giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC tiếp nhận cao
như: Tân Sơn, Hạ Hòa. Một số đơn vị tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết
trực tuyến còn hạn chế như: Lâm Thao, Phù Ninh, Việt Trì, Yên Lập (Chi tiết
Phụ lục 02 kèm theo).
Tuy nhiên, sau khi triển khai đồng
bộ các giải pháp hỗ trợ giải quyết TTHC trực tuyến tại cấp huyện: Thanh toán
không dùng tiền mặt, biên lai điện tử, chứng thực điện tử, thu hộ phí giao dịch
qua dịch vụ bưu chính công ích, trong tháng 6/2021, tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận,
giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC tiếp nhận cấp huyện đã tăng lên,
đạt 36,92%. Một số huyện tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến cao như: Thanh
Ba 89,1%, Tân Sơn 86,79%, Hạ Hòa 77,58%.
- UBND các huyện, thành, thị có
Cổng/Trang thông tin điện tử ở mức cơ bản. Các thông tin chỉ đạo điều hành,
thông tin tuyên truyền hoạt động của huyện được cập nhật hằng ngày. Thông tin
phục vụ nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin của người dân và doanh nghiệp được
cung cấp đầy đủ theo các chuyên mục khác nhau.
2.3. Triển khai CQĐT trong
cơ quan nhà nước
- 13/13 huyện, thành, thị thực
hiện gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy. Hằng
tháng, UBND các huyện, thành, thị có trên 15.300 văn bản được gửi nhận điện tử.
Tổng số 2.305 chữ ký số chuyên dùng đã được cấp (1.957 chữ ký số cá nhân, 348
chữ ký số cho các tổ chức). Việc triển khai gửi nhận văn bản điện tử tích hợp
chữ ký số tại cấp huyện đã tiết kiệm trên 2,57 tỷ đồng/năm.
- Các huyện, thành, thị đã có hệ
thống họp trực tuyến đảm bảo chất lượng được kết nối tới cấp xã. Nhiều huyện đã
họp trực tuyến với các xã định kỳ hằng tháng.
- Hệ thống thông tin báo cáo
theo yêu cầu của Chính phủ, của tỉnh được UBND các huyện, thành, thị thực hiện
cập nhật số liệu theo quy định.
- 100% các huyện, thành, thị có
mạng nội bộ kết nối Internet cáp quang tốc độ cao. 100% CBCC cấp huyện được
trang bị máy tính đáp ứng nhu cầu làm việc. 46% các huyện, thành, thị có mạng nội
bộ đạt chuẩn (kết nối máy chủ/máy trạm). Tỷ lệ máy tính được trang bị phần mềm
diệt virus đạt 60%.
- Tỷ lệ CBCC cấp huyện sử dụng
thành thạo máy tính phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ đạt 100%. Các huyện,
thành, thị đã bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT. Hằng năm, UBND các huyện,
thành, thị phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp đào tạo, tập
huấn nâng cao trình độ CNTT, hướng dẫn khai thác và sử dụng các hệ thống dùng
chung của tỉnh cho đội ngũ CBCC tại địa phương.
3. Cấp xã
3.1. CQĐT phục vụ người dân
và doanh nghiệp
- Toàn bộ các xã, phường, thị
trấn triển khai ứng dụng hệ thống một cửa điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả
kết quả cấp xã. Từ năm 2021, cấp xã bước đầu triển khai dịch vụ công mức 3, 4.
Tính đến tháng 6/2021, hệ thống cung cấp 70 TTHC mức độ 2 (đạt 44.03%), 65 TTHC
mức độ 3 (đạt 40,88%), 24 TTHC mức độ 4 (đạt 15,09%).
- Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết
trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC được tiếp nhận giải quyết năm 2020 đạt 0,33%
(461 TTHC).
- Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ
lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận giải quyết trực tuyến cấp xã đạt 7,78%. Riêng
tháng 6, sau khi đảm bảo các điều kiện triển khai thanh toán trực tuyến, tỷ lệ
hồ sơ TTHC được tiếp nhận giải quyết trực tuyến cấp xã đạt 17,47%.
- 97/225 (đạt 43%) xã, phường,
thị trấn thuộc các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy, Đoan Hùng, Cẩm Khê đã
có Trang thông tin điện tử hoặc chuyên trang trực thuộc Cổng/Trang thông tin cấp
huyện cung cấp thông tin về các hoạt động của địa phương tới người dân và doanh
nghiệp.
3.2. Triển khai CQĐT cấp xã
- Toàn bộ các xã, phường, thị
trấn thực hiện gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy.
Trung bình hằng tháng, UBND các xã, phường, thị trấn có trên 33.600 văn bản được
gửi nhận điện tử. Tổng số 1.370 chữ ký số chuyên dùng đã được cấp (1.145 chữ ký
số cá nhân, 225 chữ ký số cho các tổ chức). Việc triển khai gửi nhận văn bản điện
tử tích hợp chữ ký số đã tiết kiệm trên 5,65 tỷ đồng/năm.
- 100% các xã có: Hệ thống họp
trực tuyến ở mức cơ bản, đảm bảo các điều kiện để thực hiện các cuộc họp 4 cấp,
từ Trung ương đến xã; mạng nội bộ kết nối ngang hàng nhưng chưa đạt chuẩn kỹ
thuật; đã cập nhật số liệu cấp xã trên hệ thống thông tin báo cáo theo yêu cầu
của Chính phủ, của tỉnh.
- Tỷ lệ CBCC cấp xã được trang
bị máy tính đạt 70%. Tỷ lệ máy tính được trang bị phần mềm diệt virus đạt 40%
(phần lớn trang bị phần mềm diệt virus miễn phí).
4. Triển
khai Đô thị thông minh
- Năm 2017, thành phố Việt Trì
phối hợp với Viettel Phú Thọ triển khai thí điểm một số hạng mục đô thị thông
minh. Đến nay, Viettel Phú Thọ đã hoàn thành triển khai giai đoạn 1 gồm Trung
tâm điều hành và một số phân hệ ứng dụng. Bước đầu khai thác hệ thống camera
giám sát an ninh - môi trường - đô thị và hệ thống giám sát phát hiện vi phạm
trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ giai đoạn
2018 - 2022. Hệ thống camera giám sát an ninh - đô thị trên địa bàn thành phố
Việt Trì gồm 200 camera trên 91 điểm lắp đặt, trong đó có 04 camera thông minh.
- Tính đến hết năm 2020, hệ thống
camera đã hỗ trợ phát hiện 2.265 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, gửi
2.265 thông báo vi phạm đến Cục Đăng kiểm. Công an Thành phố đã ra quyết định xử
phạt 328 trường hợp với số tiền nộp phạt vào kho bạc là 1,334 tỷ đồng.
5. Tác động
của xây dựng CQĐT đối với việc nâng cao chất lượng các chỉ số PCI, PAPI, PAR
INDEX
5.1. Chỉ số PCI
- Có 04 chỉ tiêu thành phần
trong PCI được phản ánh trực tiếp thông qua mức độ CQĐT, chiếm tổng số 4,3 điểm
trên thang 100 điểm của PCI.
+ Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký
kinh doanh qua phương thức trực tuyến, TTHC, bưu điện: Năm 2017 đạt 9%, xếp hạng
38/63; năm 2018 đạt 0%, xếp hạng 63/63; năm 2019 đạt 46%, xếp hạng 25/63; năm
2020 đạt 56%, xếp hạng 34/63.
+ Thủ tục (thay đổi) đăng ký
kinh doanh: Ứng dụng CNTT tốt: Năm 2017 đạt 58%, xếp hạng 35/63; năm 2018 đạt
36%, xếp hạng 33/63; năm 2019 đạt 26%, xếp hạng 46/63; năm 2020 đạt 71%, xếp hạng
4/63.
+ Điểm số về độ mở và chất lượng
trang web của tỉnh: Năm 2017 đạt 31%, xếp hạng 44/53; năm 2018 đạt 31%, xếp hạng
48/63; năm 2019 đạt 34%, xếp hạng 42/63; năm 2020 đạt 35%, xếp hạng 27/63.
+ Tỷ lệ doanh nghiệp truy cập
vào website của tỉnh: Năm 2017 đạt 71%, xếp hạng 35/63; năm 2018 đạt 52%, xếp hạng
62/63; năm 2019 đạt 81%, xếp hạng 54/63; năm 2020 đạt 50% xếp hạng 41/63.
5.2. Chỉ số PAPI
- Chỉ số nội dung “Quản trị điện
tử” được đưa vào sử dụng lần đầu năm 2018 với 02 chỉ số thành phần “Sử dụng cổng
thông tin điện tử của chính quyền địa phương” và “Tiếp cận và sử dụng Internet
tại địa phương”. Đến năm 2019, chỉ số này được bổ sung chỉ số thành phần “Phúc
đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử”. Chỉ số nội dung này chiếm 10
điểm trên tổng số 80 điểm trong PAPI.
- Chỉ số nội dung “Quản trị điện
tử” năm 2018 đạt 2,85 điểm, xếp hạng 43/63; năm 2019 đạt 2,55 điểm, xếp hạng
54/63; năm 2020 đạt 2,64 điểm, xếp hạng 37/63.
5.3. Chỉ số PAR INDEX
- Chỉ số “Hiện đại hóa nền hành
chính” trong PAR INDEX có 04 chỉ số thành phần liên quan đến CQĐT: Ứng dụng
công nghệ thông tin của tỉnh; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Thực hiện tiếp
nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; Tác động
của cải cách đến Hiện đại hóa nền hành chính.
- Tổng 04 chỉ số thành phần
liên quan đến CQĐT trong chỉ số “Hiện đại hóa nền hành chính” của Phú Thọ năm
2017 đạt 73,36% điểm tối đa (9,17/12.5); năm 2018 đạt 74,0% điểm tối đa
(8,14/11); năm 2019 đạt 81,54% điểm tối đa (8,97/11); năm 2020 đạt 90,69% điểm
tối đa (11,79/13).
5.4. Xếp hạng CQĐT
- Đánh giá CQĐT bao gồm các 06
chỉ số thành phần: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan
nhà nước; Cổng/Trang thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế,
chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT; Nhân lực cho ứng dụng CNTT.
- Công tác triển khai xây dựng
CQĐT của tỉnh đạt được các kết quả tích cực, đặc biệt giai đoạn 2017 - 2020, thể
hiện qua Kết quả xếp hạng về CQĐT của tỉnh liên tục tăng trong các năm gần đây.
Năm 2017 xếp thứ 19, năm 2018 xếp thứ 12, năm 2019 xếp thứ 11 trên 63 tỉnh,
thành phố trong cả nước.
5.5. Tác động CQĐT tới các
chỉ số xếp hạng
- Xây dựng CQĐT của tỉnh đã có
chuyển biến rõ dệt, ảnh hưởng tích cực tới hoạt động, phương thức làm việc của
các cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Đối với các cơ quan nhà nước,
nền hành chính được hiện đại hóa giúp quá trình trao đổi, thực thi công vụ được
nhanh chóng, chính xác, hiệu lực, hiệu quả hơn. Người dân và doanh nghiệp thực
hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước được nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc,
mọi nơi, tiết kiệm thời gian và chi phí. Qua đó, tác động mạnh mẽ tới việc nâng
cao Chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp
tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.
- Các chỉ số thành phần về CQĐT
liên quan đến các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX có xu hướng tăng trong những năm
vừa qua. Năm 2020, chỉ số thành phần “Thủ tục (thay đổi) đăng ký kinh doanh: Ứng
dụng CNTT tốt” của PCI xếp thứ 4/63. Chỉ số “Hiện đại hóa nền hành chính” của
PAR INDEX đạt 90,69% điểm tối đa, đóng góp vào thành tích chung của tỉnh năm
2020 xếp hạng 10/63 tỉnh thành.
- Mặc dù các chỉ số đều có xu
hướng tăng điểm, trong đó có một số chỉ số thay đổi tích cực nhưng vẫn còn nhiều
chỉ số ở mức trung bình, chưa có nhiều chỉ số có sự bứt phá rõ rệt.
II. ĐÁNH
GIÁ CHUNG
1. Kết quả
đạt được
- Công tác xây dựng CQĐT được sự
quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; được các ngành, các cấp
và chính quyền các địa phương triển khai nhanh chóng, tích cực, kịp thời. Hạ tầng
kỹ thuật, các nền tảng cơ bản, các ứng dụng được trang bị đồng bộ, liên thông
thống nhất 3 cấp chính quyền trong toàn tỉnh đã tạo tiền đề quan trọng để chuyển
đổi ban đầu phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước từ môi trường truyền
thống sang môi trường điện tử. Giao dịch của người dân, doanh nghiệp đối với
các cơ quan nhà nước chuyển dần từ trực tiếp sang trực tuyến đã nâng cao năng lực,
hiệu quả trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân,
doanh nghiệp trong đời sống và sản xuất, kinh doanh.
- Xây dựng CQĐT của tỉnh cơ bản
đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về cả nội dung và tiến độ. Các mục tiêu, chỉ tiêu
theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 17/3/2019 của Chính phủ, Quyết định số
749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Quyết định số 942/QĐ-TTG ngày 15/6/2021 của Thủ tướng
Chính phủ đã được tỉnh lựa chọn, tổ chức thực hiện theo sát chỉ đạo của Trung
ương và đáp ứng nhiệm vụ của địa phương, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
- Xây dựng CQĐT đã góp phần đưa
các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX của tỉnh đều tăng điểm trong các năm gần đây.
Trong đó, các chỉ số liên quan đến CQĐT phần lớn đều thay đổi tích cực. Chỉ số
PAR INDEX lần đầu tiên vào tốp 10 của cả nước.
2. Tồn tại
hạn chế
- Triển khai và thực hiện dịch
vụ công trực tuyến còn hạn chế ở một số huyện và phần lớn cấp xã. Số lượng TTHC
được kết nối, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn ít. Việc khai thác, sử
dụng hệ thống hội nghị trực tuyến chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục tại
cấp huyện, cấp xã.
- Chưa hình thành các nền tảng
để phát triển CQS. Các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai còn riêng
lẻ, chưa liên thông, chia sẻ dữ liệu; chưa hình thành kho dữ liệu dùng chung của
tỉnh. Nền tảng phân tích, tổng hợp dữ liệu dùng chung của tỉnh chưa được triển
khai.
- Hạ tầng CNTT trong các cơ
quan nhà nước của tỉnh được đầu tư mức cơ bản; trang thiết bị CNTT tại một số cơ
quan, đơn vị, đặc biệt là cấp xã còn thiếu hoặc xuống cấp, chưa được trang bị
các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng đến cấp huyện, cấp xã.
3. Nguyên
nhân
- Hệ thống văn bản của Trung ương
về triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đầy đủ như: Nghị định hướng dẫn triển
khai xác thực điện tử, định danh điện tử, quản lý dữ liệu điện tử… chưa được
ban hành; việc đơn giản hóa, chuẩn hóa các dịch vụ công trực tuyến chưa đi vào
thực chất.
- Một số đơn vị, địa phương
chưa quyết liệt trong tổ chức, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Các điều kiện triển khai thanh toán trực tuyến đáp ứng dịch vụ công mức độ 4 mới
được triển khai. Đa số người dân và doanh nghiệp còn thiếu kỹ năng sử dụng và
chưa thay đổi thói quen thực hiện các TTHC trực tiếp, một bộ phận người dân
chưa có trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện dịch vụ
công trực tuyến.
- Hệ thống thông tin, cơ sở dữ
liệu một số bộ, ngành Trung ương chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện kỹ thuật kết
nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của địa phương. Cơ sở dữ liệu của các sở, ngành
mới triển khai, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, liên thông, chia sẻ dữ liệu.
- Vai trò của một số sở, ngành,
địa phương chưa thật rõ nét khi triển khai CQĐT để có tác động tích cực đến các
chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX…
- Nguồn lực triển khai xây dựng
CQĐT của tỉnh đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của
Chính phủ và nhu cầu thực tế phát triển của địa phương. Một số cơ quan, đơn vị
chưa chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Phần thứ ba
PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH QUYỀN SỐ
GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
I. QUAN ĐIỂM
1. Phát triển Chính quyền điện
tử hướng tới Chính quyền số nhằm chuyển đổi hoạt động quản lý điều hành của
chính quyền dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số; tạo cơ sở xây dựng nền hành
chính hiện đại theo hướng: Khoa học, chính xác, kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm
thời gian và nguồn lực trong quản lý, điều hành.
2. Đổi mới phương thức phục vụ,
lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức
là thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; bảo
đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng số với cải cách hành chính, phương thức
làm việc, xác định ứng dụng số là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách
hành chính.
3. Phát triển Chính quyền điện
tử hướng tới Chính quyền số, dẫn dắt chuyển đổi số của địa phương; là động lực
quan trọng để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số.
4. Phát huy sức mạnh của cả hệ
thống chính trị để triển khai, tổ chức thực hiện; phát huy trách nhiệm người đứng
đầu trong cơ quan nhà nước để tập trung chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử,
Chính quyền số tỉnh Phú Thọ.
5. Huy động và sử dụng có hiệu
quả mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
II. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Chuyển đổi cơ bản hoạt động của
chính quyền lên môi trường điện tử, môi trường số, tạo bước đột phá trong hoạt
động lãnh đạo, quản lý điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các
cơ quan nhà nước; cải thiện chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính,
đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần
cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của tỉnh; tạo động lực cho sự phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tập trung phát triển Chính quyền
điện tử, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin, xây dựng các hệ thống cơ sở
dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu dùng chung của tỉnh làm nền tảng cho xây dựng
Chính quyền số; đồng thời quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số tạo
sự hài hòa, thống nhất trong quá trình chuyển đổi số.
Triển khai đồng bộ, thống nhất
các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số trên địa
bàn tỉnh Phú Thọ, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ và thực tế phát triển kinh
tế, xã hội tại địa phương; mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ đắc lực công
tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp; góp phần nâng cao các chỉ số xếp
hạng PCI, PAPI, PAR INDEX… của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm
2025
2.1. Các chỉ tiêu chủ yếu
- 100% TTHC đủ điều kiện theo
quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức
độ 4.
- 80% hồ sơ TTHC được tiếp nhận
và giải quyết trực tuyến.
- 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh,
cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ
hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
- 100% công tác báo cáo được thực
hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Quốc gia.
- 100% các cơ quan nhà nước triển
khai có hiệu quả hệ thống điện tử lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát công
việc.
- Xây dựng, kết nối, chia sẻ
các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính,
Bảo hiểm; cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và
Môi trường, Tư pháp, Văn hóa - Thể thao và Du lịch…
2.2 Một số chỉ tiêu khác (Chi
tiết tại Phụ lục 09 kèm theo)
3. Định hướng đến năm 2030
- Hoàn thành xây dựng CQĐT tỉnh
Phú Thọ, đảm bảo đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu của Chính phủ. Các hệ thống
thông tin chất lượng cao được triển khai đồng bộ, thống nhất, tạo lập môi trường
làm việc điện tử trong các cơ quan nhà nước.
- Từng bước xây dựng CQS tỉnh
Phú Thọ trên nền tảng ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn kết hợp các ứng dụng
phân tích, tổng hợp thông tin theo thời gian thực, đáp ứng yêu cầu ra quyết định
của các cơ quan nhà nước trên cơ sở dữ liệu.
- Triển khai các dịch vụ đô thị
thông minh tại các khu vực đông dân cư, thiết lập môi trường sống chất lượng
cao, phát triển theo hướng bền vững; đảm bảo an toàn, an ninh; tiết kiệm chi
phí vận hành và cung cấp các dịch vụ cho người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế
- xã hội.
III. NHIỆM
VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Một số
nhiệm vụ trọng tâm
1.1. Phát
triển CQĐT phục vụ người dân, doanh nghiệp
- Nâng cấp và tích hợp hệ thống
Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử với các hệ thống nghiệp vụ chuyên
ngành, tăng cường cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong toàn tỉnh,
đặc biệt tại cấp xã. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 hoàn toàn trên
môi trường mạng.
- Ứng dụng CNTT hiệu quả phục vụ
việc rà soát, cắt giảm, chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình giải quyết đối với
các TTHC mức 3, 4 nhất là các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, cấp
phép đầu tư, triển khai các dự án trên địa bàn… giúp người dân và doanh nghiệp
thuận tiện trong giao dịch theo hình thức trực tuyến. Hỗ trợ, khuyến khích người
dân và doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện các TTHC.
- Chuẩn hóa Cổng/Trang thông
tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đảm
bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin để phục vụ nhu cầu của người dân,
doanh nghiệp.
- Các cơ quan nhà nước triển
khai các kênh giao tiếp để tương tác trực tuyến với người dân, tiếp thu, phản hồi
ý kiến của người dân và doanh nghiệp… khi thực thi, xây dựng cơ chế, chính sách
và ra quyết định.
- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ
thống trang thiết bị tin học tại các cơ quan nhà nước cấp huyện, cấp xã đảm bảo
hạ tầng để triển khai cung cấp dịch vụ công theo hình thức trực tuyến mức độ 3,
4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.
1.2. Phát
triển các hệ thống phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống
chính trị
- Triển khai hệ thống quản lý văn
bản và lãnh đạo, điều hành trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
chính trị xã hội.
- Duy trì, nâng cấp và đẩy mạnh
khai thác, phát huy hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh đã được triển
khai: Cổng dịch vụ công, văn bản điện tử tích hợp chữ ký số, hệ thống họp trực
tuyến, hệ thống báo cáo Quốc gia. Đảm bảo các ứng dụng có chất lượng tốt, được
khai thác thường xuyên, liên tục, phục vụ hiệu quả cho quá trình lãnh đạo, chỉ
đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
- Triển khai, nâng cấp, hoàn
thiện hệ thống điện tử lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát công việc trong
toàn tỉnh làm cơ sở áp dụng công nghệ số. Đôn đốc, đánh giá chất lượng công việc
của cán bộ, công chức nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi công vụ trong
các cơ quan nhà nước.
- Triển khai hệ thống thông tin
báo cáo của tỉnh kết nối với hệ thống của Chính phủ. Từng bước tự động hóa công
tác báo cáo, thống kê, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính
quyền các cấp.
- Triển khai hệ thống quản lý
tài liệu điện tử để số hóa, tổ chức, sắp xếp tài liệu theo quy định của Chính
phủ; hỗ trợ cán bộ, công chức khai thác thông tin, tài liệu nhanh chóng, chính
xác, nâng cao hiệu quả công việc.
- Triển khai hệ thống thông tin
phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ nhằm tiết giảm thời gian, chi phí
tổ chức hội họp, nâng cao hiệu quả, chất lượng chỉ đạo, điều hành.
- Duy trì mạng diện rộng của tỉnh
trên nền tảng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Các thông tin, dữ liệu trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện trên hệ
thống riêng, bảo mật, đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
1.3. Xây
dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng hệ thống, hạ tầng số hướng tới CQS
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống
cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo
hiểm đồng bộ, thống nhất với Trung ương. Triển khai cơ sở dữ liệu chuyên ngành
về Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Văn hóa - Thể
thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội… phục vụ phát triển kinh tế -
xã hội và đáp ứng các dịch vụ cơ bản, thiết yếu đến người dân và doanh nghiệp.
- Xây dựng kho dữ liệu và Cổng
chuyển đổi số của tỉnh để lưu trữ, phân tích, tổng hợp, xử lý dữ liệu về kinh tế,
xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền; cung cấp
dữ liệu mở và tiếp nhận thông tin phản hồi, đáp ứng nhu cầu của người dân và
doanh nghiệp.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống
nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh để kết nối với nền tảng tích hợp
chia sẻ dữ liệu Quốc gia. Kết nối, trao đổi các cơ sở dữ liệu cơ bản và cơ sở dữ
liệu chuyên ngành của tỉnh với các cơ sở dữ liệu của Chính phủ và Trung ương .
- Tiếp tục hoàn thiện Trung tâm
Giám sát, điều hành thông minh. Khai thác hiệu quả ứng dụng hiện có, xây dựng
các ứng dụng mới, phù hợp với yêu cầu phát triển, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều
hành và phát triển của CQĐT, CQS.
- Số hóa các quy trình nghiệp vụ
trong các cơ quan nhà nước. Hỗ trợ cán bộ, công chức phối hợp thực hiện các nhiệm
vụ hoàn toàn trên môi trường mạng. Điện tử từng phần, tiến tới chuyển đổi hoàn
toàn sang môi trường số các quy trình nghiệp vụ.
- Triển khai Hệ thống quản lý
thông tin trên báo chí và mạng Internet nhằm giúp các cơ quan nhà nước nắm bắt kịp
thời thông tin về tỉnh và các địa phương trên môi trường mạng. Đánh giá ảnh hưởng,
tác động của thông tin để các cấp, ngành chủ động tuyên truyền, ổn định an ninh
trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Triển khai Hệ thống thông tin
nguồn cấp tỉnh, thống nhất với hệ thống thông tin nguồn Quốc gia; quản lý, cung
cấp thông tin tập trung, kịp thời, thống nhất đối với hệ thống thông tin, truyền
thông của tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở.
- Triển khai xây dựng các hệ thống
thông tin hỗ trợ ra quyết định. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, tổng hợp
dữ liệu lớn nhanh chóng, chính xác, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo,
điều hành của lãnh đạo các cấp.
- Nâng cấp Trung tâm dữ liệu số
của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ, là hạ tầng để triển khai các ứng dụng
dùng chung và lưu trữ dữ liệu của tỉnh.
- Hỗ trợ triển khai các giải
pháp thương mại điện tử để kết nối người tiêu dùng, các nhà sản xuất và nhà
phân phối; triển khai mã bưu chính điện tử làm nền tảng cho thương mại điện tử,
giao dịch điện tử.
- Triển khai các ứng dụng
chuyên ngành thuộc các lĩnh vực: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào
tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường… nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các
cơ quan nhà nước, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, nâng cao đời sống của người dân.
- Triển khai mạng 5G tại các
khu công nghiệp, khu đô thị; tăng tốc độ truy cập và xử lý thông tin là hạ tầng
kỹ thuật quan trọng phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
1.4. Xây
dựng đô thị thông minh
- Thí điểm triển khai các dịch
vụ đô thị thông minh tại thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ. Gắn việc phát
triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống CQĐT.
- Thí điểm các dịch vụ của đô
thị thông minh về trật tự, an toàn giao thông, đô thị, quản lý năng lượng chiếu
sáng; cung cấp các dịch vụ về giáo dục thông minh, y tế thông minh, nông nghiệp
thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt… tại các trung tâm đô thị, thị trấn
và xã nông thôn mới kiểu mẫu.
1.5. Đảm
bảo an toàn, an ninh thông tin
- Nâng cấp và đẩy mạnh khai
thác Trung tâm điều hành giám sát an ninh mạng để cảnh báo sớm về nguy cơ an
ninh mạng nhằm bảo đảm an toàn thông tin phục vụ hoạt động CQĐT, CQS.
- Tăng cường sử dụng chữ ký số,
chứng thực số trong các giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước; giữa các
cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp.
- Triển khai giải pháp bảo đảm
an toàn thông tin cho các hệ thống nền tảng, hệ thống phục vụ phát triển CQĐT tỉnh
Phú Thọ theo mô hình 4 lớp, kết nối, chia sẻ với Trung tâm Giám sát an toàn
không gian mạng Quốc gia; đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn
thông tin theo quy định của Chính phủ.
- Thành lập Đội ứng cứu sự cố
an toàn thông tin mạng để bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
dùng chung của tỉnh phục vụ chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của cơ quan nhà nước
các cấp trên địa bàn tỉnh.
1.6. Nâng
cao kết quả chỉ số thành phần liên quan CQĐT tác động đến xếp hạng các chỉ số
PCI, PAPI, PAR INDEX
- Triển khai nhiệm vụ xây dựng,
hoàn thiện CQĐT; ưu tiên triển khai các chương trình, nhiệm vụ của CQĐT tác động
đến xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX như cung cấp thông tin cho người
dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.
- Ứng dụng giải pháp công nghệ
số để theo dõi, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến
xếp hạng CQĐT, PCI, PAR INDEX và các chỉ số quan trọng khác của tỉnh.
2. Các giải
pháp chủ yếu
2.1. Công
tác chỉ đạo, điều hành
- Phát huy sức mạnh của hệ thống
chính trị và chính quyền các cấp để phát triển CQĐT, triển khai CQS.
- Thường xuyên rà soát, kiểm
tra, ban hành kịp thời các quy chế, quy định quản lý CQĐT theo chỉ đạo của
Chính phủ và yêu cầu của tỉnh. Ban hành các các quy định khuyến khích người
dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ CQĐT, CQS.
- Phát huy vai trò trách nhiệm
của Trưởng ban chỉ đạo xây dựng CQĐT các cấp. Người đứng đầu các địa phương, cơ
quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả
phát triển CQĐT. Đưa kết quả thực hiện phát triển CQĐT là một trong những tiêu
chí quan trọng để đánh giá, xếp loại hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa
phương.
- Tăng cường sự phối hợp giữa
các cấp, các ngành trong tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Thường
xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng
mắc để đẩy mạnh hoạt động của CQĐT, CQS.
- Rà soát, đơn giản hoá các
TTHC, quy trình nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước để từng bước ứng dụng công
nghệ số. Từng bước thực hiện đo lường tự động tới các hệ thống và dịch vụ hành
chính công của CQĐT, CQS.
- Xác định rõ mục tiêu, trách
nhiệm các cơ quan nhà nước trong thực hiện duy trì, nâng cao từng chỉ số thành
phần ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xếp hạng PCI, PAPI, PAR INDEX và các chỉ số
khác của tỉnh. Tổng hợp, báo cáo kết quả hằng tháng để UBND tỉnh kịp thời đôn đốc,
chỉ đạo.
- Khuyến khích các doanh nghiệp,
các nhà đầu tư triển khai các giải pháp công nghệ số, đầu tư hạ tầng phục vụ
phát triển CQĐT, CQS.
2.2. Triển
khai các giải pháp công nghệ
- Phát triển CQĐT theo hướng tập
trung, liên thông, thống nhất 4 cấp. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ dựa trên
nền tảng điện toán đám mây; kết hợp giữa đầu tư xây dựng các nền tảng ứng dụng
với thuê dịch vụ CNTT.
- Xây dựng, vận hành, khai thác
các nền tảng của CQĐT, CQS dùng chung cho toàn tỉnh. Đảm bảo kết nối, liên
thông, chia sẻ dữ liệu, rút ngắn quá trình triển khai, tiết kiệm kinh phí, tăng
hiệu quả đầu tư.
- Ứng dụng công nghệ trí tuệ
nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong việc triển khai xây dựng
kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh, hỗ trợ công tác thu thập, lưu trữ dữ
liệu, phân tích, xử lý thông tin, ra quyết định của các cấp lãnh đạo đối với
các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ứng dụng
mã QR (QR-Code), mã hóa chuỗi khối (Blockchain) trong việc truy xuất nguồn gốc
sản phẩm, hàng hóa; lưu trữ, quản lý thông tin; tự động hóa dịch vụ công; thanh
toán trực tuyến; xác thực bảo mật thông tin…
Thuê dịch vụ CNTT nhằm tận dụng
năng lực và hạ tầng của các doanh nghiệp trong triển khai các hệ thống nền tảng
đáp ứng yêu cầu xây dựng CQĐT, CQS như: Hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ
liệu, Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử, Hệ thống mạng diện rộng, Hệ
thống hội nghị trực tuyến, Hệ thống thông tin báo cáo…
2.3. Huy
động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực
- Nghiên cứu, ban hành các cơ
chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ xây dựng
CQĐT, CQS. Khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai các giải
pháp công nghệ, nhất là công nghệ số, đầu tư hạ tầng phục vụ xây dựng CQĐT,
CQS.
- Các cấp, các ngành bố trí
ngân sách đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng CQĐT, tạo nền tảng phát triển
CQS; lồng ghép chương trình mục tiêu để phát triển CQĐT, nhất là đối với cấp
huyện, cấp xã.
2.4. Phát
triển nguồn nhân lực
- Triển khai các chương trình
đào tạo, bồi dưỡng để hướng dẫn việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ phát
triển CQĐT, CQS cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan,
đơn vị.
- Đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập
thường xuyên cho CBCC, viên chức của tỉnh về sử dụng, khai thác các hệ thống
thông tin dùng chung, chuyên ngành. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng
phân tích và xử lý dữ liệu cho công chức, viên chức để sẵn sàng chuyển đổi sang
môi trường số.
- Đổi mới nội dung, hình thức
trong đào tạo nguồn nhân lực. Đảm bảo cán bộ, công chức có đầy đủ kỹ năng đáp ứng
yêu cầu triển khai các nhiệm vụ trong quá trình xây dựng CQĐT, CQS. Tăng cường
hình thức đào tạo thông qua hình thức trực tuyến, cho phép CBCC, viên chức vừa
học vừa làm, kịp thời hỗ trợ, bổ sung các kỹ năng theo yêu cầu.
- Cung cấp kỹ năng, hỗ trợ người
dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các ứng dụng CNTT trong giao tiếp với các
cơ quan hành chính nhà nước qua môi trường điện tử.
2.5.
Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức
- Phát huy hiệu quả các phương
tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, mạng xã
hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về các nội dung và quá trình triển
khai, kết quả thực hiện Đề án.
- Tăng cường và đổi mới nội
dung, phương thức tuyên truyền; phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về
CQĐT, CQS cho CBCC, viên chức, người dân và doanh nghiệp.
- Ứng dụng triệt để, hiệu quả
công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động tuyên truyền. Sử dụng các công
cụ thông minh, hiện đại để phân tích, đánh giá mức độ tiếp nhận thông tin của
người dân nhằm tăng hiệu quả truyền thông.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng
dẫn để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4;
thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong các giao dịch điện tử. Nâng cao nhận
thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong
xây dựng CQĐT, CQS.
- Phổ biến các kỹ năng cơ bản tới
người dân như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh
toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
IV. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
- Tổng kinh phí thực hiện Đề
án: 275 tỷ đồng, trong đó:
+ Cân đối ngân sách: 222 tỷ đồng.
+ Xã hội hóa: 53 tỷ đồng.
- Cân đối ngân sách: 222 tỷ đồng,
trong đó:
+ Ngân sách cấp tỉnh: 190 tỷ đồng.
+ Ngân sách cấp huyện: 14 tỷ đồng.
+ Ngân sách cấp xã : 18 tỷ đồng.
(Chi tiết danh mục nhiệm vụ,
dự án dự kiến triển khai tại Phụ lục 10 kèm theo).
Phần thứ tư
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban
Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh Phú Thọ
- Chỉ đạo triển khai, đánh giá
việc thực hiện Đề án trong toàn tỉnh. Thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thực
hiện theo từng giai đoạn của Đề án.
- Thành viên Ban Chỉ đạo có
trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai Đề án tại cơ quan, đơn vị, địa
phương được phân công phụ trách. Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu
khi thực hiện phát triển CQĐT các cấp.
2. Sở
Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển
khai thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Đề án hằng
năm; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí
thực hiện; theo dõi đôn đốc, kiểm tra công tác triển khai, vận hành các chương
trình dự án đảm bảo tiến độ hiệu quả.
- Căn cứ vào các nhiệm vụ được
giao, rà soát các chương trình, dự án đã đầu tư và nhu cầu nhiệm vụ để xác định
lộ trình cụ thể trong việc triển khai các dự án thành phần đảm bảo đúng tiến độ,
hiệu quả.
- Tham mưu cho UBND tỉnh ban
hành các quy định, quy chế quản lý và vận hành, khai thác các hệ thống trang
thiết bị, công nghệ, cơ sở dữ liệu, ứng dụng của các hệ thống thông tin trong
phạm vi Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong
quá trình thực hiện các nội dung của Đề án theo quy định của pháp luật; chủ trì
tổ chức thuê dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin phục vụ CQS của tỉnh.
- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra
các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai xây dựng CQS tỉnh Phú
Thọ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng các cơ sở dữ liệu Quốc gia, cơ sở
dữ liệu chuyên ngành bảo đảm tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ
quan nhà nước, với Chính phủ và Trung ương.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan báo chí tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp,
các ngành, người dân và doanh nghiệp chủ động tham gia các nhiệm vụ của Đề án,
nhất là thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư nghiên cứu, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích
các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai các giải pháp công nghệ, đầu tư hạ
tầng phục vụ xây dựng CQĐT, CQS.
- Làm đầu mối, giúp UBND tỉnh tổng
hợp kết quả thực hiện Đề án, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ và tham mưu công
tác tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá nhân rộng các mô hình đã triển khai để định
hướng triển khai trong phạm vi cả tỉnh.
3. Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
- Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông tham mưu giúp UBND tỉnh đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong công tác
triển khai thực hiện Đề án.
- Chỉ đạo Trung tâm Phục vụ
hành chính công tỉnh chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thành, thị đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ dịch vụ công
trực tuyến để đạt mục tiêu đã đề ra.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan tổ chức, triển khai rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các
TTHC và thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án theo đúng tiến độ đề ra.
4. Sở Nội
vụ
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tham mưu tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
CBCC, viên chức trong cơ quan nhà nước để triển khai, vận hành CQĐT, CQS của tỉnh.
Đào tạo các kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu để sẵn sàng chuyển đổi
sang môi trường số.
- Tham mưu các giải pháp tăng
cường và gắn công tác cải cách hành chính với các nội dung xây dựng CQĐT, CQS
trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Gắn kết quả xây dựng CQĐT với xếp loại
các cơ quan, đơn vị hằng năm.
- Sử dụng mức độ hoàn thành các
nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu được giao nhằm nâng cao các chỉ số CQĐT, PCI,
PAPI, PAR INDEX của các cơ quan đơn vị là một tiêu chí xét thi đua, đánh giá mức
độ hoàn thành công việc, cải cách hành chính, xếp hạng hằng năm.
5. Sở Kế
hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu nguồn vốn đầu tư, ưu tiên bố trí
kinh phí để thực hiện đầu tư các nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Tập trung nguồn
lực ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư, phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng,
nền tảng, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng CQĐT, CQS của tỉnh.
- Chủ trì nghiên cứu, tham mưu
ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà
đầu tư triển khai các giải pháp công nghệ, đầu tư hạ tầng phục vụ xây dựng
CQĐT, CQS.
6. Sở Tài
chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu hằng năm đề xuất nguồn vốn sự
nghiệp, ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.
Tập trung nguồn lực ưu tiên thực hiện các nội dung về ứng dụng, dịch vụ, hạ tầng
kỹ thuật dùng chung, đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của các cơ
quan nhà nước.
7. Sở Khoa
học và Công nghệ
Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông lồng ghép, bố trí kinh phí từ các đề tài khoa học cấp bộ, tỉnh thực
hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng CQS, đô thị thông minh với Kế hoạch triển
khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số
chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
8. Các Sở,
ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị
- Căn cứ Đề án của UBND tỉnh,
các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị xây dựng Kế hoạch triển khai thực
hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Định kỳ 6
tháng, 1 năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền
thông); báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
- Chủ trì, phối hợp với Sở
Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất giải pháp triển khai tạo lập, số
hóa, chuyển đổi, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào hệ thống cơ sở dữ
liệu dùng chung của tỉnh.
- Chủ trì, chỉ đạo các nội dung
phát triển CQĐT, hướng tới CQS tại cơ quan, đơn vị; tăng cường thực hiện quản
lý, điều hành thông qua môi trường điện tử; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực
tuyến và các hoạt động giao dịch điện tử với người dân và doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở
Thông tin và Truyền thông đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT; nâng cấp hoàn
thiện, chuẩn hóa Cổng/Trang thông tin điện tử; chỉ đạo triển khai các biện pháp
bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong cơ quan, đơn vị; thực hiện tích hợp,
chia sẻ thông tin giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu theo ngành dọc từ
Trung ương với tỉnh Phú Thọ.
Trên đây là Đề án Phát triển
Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 -
2025, định hướng đến năm 2030, các sở, ban, ngành, Đảng, đoàn thể của tỉnh;
UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ nội dung
triển khai thực hiện./.
PHỤ LỤC 01
MỘT SỐ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH
PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
STT
|
Văn bản, cơ chế chính sách về CNTT, xây dựng CQĐT
|
1.
|
Kế hoạch hành động số
3065/KH-UBND ngày 28/7/2015 của UBND tỉnh Phú Thọ về thực hiện Nghị quyết
36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển
công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế
|
2.
|
Kế hoạch hành động số
638/KH-UBND ngày 29/02/2016 của UBND tỉnh về việc Thực hiện Nghị quyết số
36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử
|
3.
|
Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày
21/01/2016 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của
các cơ quan Nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2016.
|
4.
|
Kế hoạch số 1406/KH-UBND ngày
15/4/2016 của UBND tỉnh về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước và
đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020
|
5.
|
Quyết định số 2786/QĐ-UBND
ngày 28/10/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án phát triển công nghệ
thông tin tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
|
6.
|
Quyết định số 1702/QĐ-UBND
ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh về việc Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng
mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ
|
7.
|
Kế hoạch số 5386/KH-UBND ngày
21/11/2016 của UBND tỉnh Ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn
thông tin mạng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2017
|
8.
|
Quyết định số 808/QĐ-UBND
ngày 13/4/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử
tỉnh Phú Thọ
|
9.
|
Quyết định số 848/QĐ-UBND
ngày 18/4/2017 về việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo
CNTT tỉnh Phú Thọ
|
10.
|
Quyết định số 1000/QĐ-UBND
ngày 08/5/2017 về việc Ban hành Quy chế Quản lý, sử dụng Hệ thống Một cửa điện
tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Phú Thọ
|
11.
|
Kế hoạch số 4879/KH-UBND ngày
27/10/2017 của UBND tỉnh về Ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn
thông tin mạng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2018
|
12.
|
Quyết định số 1609/QĐ-UBND
ngày 05/7/2018 của UBND tỉnh về việc Ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp đánh
giá mức độ Chính quyền điện tử cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ
|
13.
|
Kế hoạch số 3251/KH-UBND ngày
25/7/2018 của UBND tỉnh về việc Thực hiện Chương trình mục tiêu công nghệ
thông tin giai đoạn 2019 - 2020
|
14.
|
Kế hoạch số 6051/KH-UBND ngày
28/12/2018 của UBND tỉnh về ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin mạng
trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2019
|
15.
|
Quyết định số 580/QĐ-UBND
ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về việc bàn bàn Quy chế gửi, nhận, quản lý, lưu
trữ văn bản điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước của tỉnh
|
16.
|
Quyết định số 1017/QĐ-UBND
ngày 10/5/2019 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền
điện tử tỉnh Phú Thọ
|
17.
|
Quyết định số 2276/QĐ-UBND
ngày 12/9/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án xây dựng Chính quyền điện
tử tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
|
18.
|
Kế hoạch hành động số
5654/KH-UBND ngày 04/12/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số
17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng năm 2025
|
19.
|
Quyết định số 663/QĐ-UBND
ngày 26/3/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chữ ký
số, chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ
|
20.
|
Kế hoạch số 5979/KH-UBND ngày
25/12/2019 của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn
thông tin mạng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2020
|
21.
|
Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND
ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế hoạt động của Cổng dịch
vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Phú Thọ
|
22.
|
Quyết định số 467/QĐ-UBND
ngày 02/3/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử
tỉnh Phú Thọ, phiên bản 2.0
|
PHỤ LỤC 02
TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN GIẢI QUYẾT HỒ SƠ TTHC TRONG CƠ
QUAN NHÀ NƯỚC CỦA TỈNH NĂM 2020 - 2021
STT
|
Cơ quan, đơn vị
|
Tháng 6/2020
|
Tháng 1-6/2021
|
Tháng 6/2021
|
|
Tổng cộng
|
Một cửa
|
Trực tuyến
|
Tỷ lệ trực tuyến
|
Tổng cộng
|
Một cửa
|
Trực tuyến
|
Tỷ lệ trực tuyến
|
Tổng cộng
|
Một cửa
|
Trực tuyến
|
Tỷ lệ trực tuyến
|
I
|
Trung tâm phục vụ hành chính công
|
13.448
|
7.096
|
6.352
|
47,23%
|
164.823
|
29.104
|
135.719
|
82,34%
|
32.868
|
3.317
|
29.551
|
89,91%
|
1
|
Sở
Công Thương
|
430
|
118
|
312
|
72,56%
|
5.135
|
335
|
4.800
|
93,48%
|
1.052
|
48
|
1.004
|
95,44%
|
2
|
Sở
Y tế
|
303
|
303
|
0
|
0,00%
|
1.305
|
375
|
930
|
71,26%
|
258
|
78
|
180
|
69,77%
|
3
|
Sở
Kế hoạch và Đầu tư
|
559
|
331
|
228
|
40,79%
|
2.572
|
1.351
|
1.221
|
47,47%
|
547
|
263
|
284
|
51,92%
|
4
|
Sở
Xây dựng
|
67
|
67
|
0
|
0,00%
|
589
|
262
|
327
|
55,52%
|
143
|
40
|
103
|
72,03%
|
5
|
Sở
Nông nghiệp và PTNT
|
46
|
31
|
15
|
32,61%
|
319
|
30
|
289
|
90,60%
|
52
|
7
|
45
|
86,54%
|
6
|
Sở
Giao thông vận tải
|
4.229
|
4.144
|
85
|
2,01%
|
16.326
|
16.036
|
290
|
1,78%
|
923
|
857
|
66
|
7,15%
|
7
|
Sở
Giáo dục và Đào tạo
|
64
|
5
|
59
|
92,19%
|
238
|
0
|
238
|
100,00%
|
46
|
0
|
46
|
100,00%
|
8
|
Sở
Thông tin và Truyền thông
|
21
|
1
|
20
|
95,24%
|
98
|
4
|
94
|
95,92%
|
15
|
1
|
14
|
93,33%
|
9
|
Sở
Văn hóa - Thể thao và Du lịch
|
25
|
1
|
24
|
96,00%
|
112
|
35
|
77
|
68,75%
|
21
|
5
|
16
|
76,19%
|
10
|
Sở
Tư pháp
|
850
|
339
|
511
|
60,12%
|
3.754
|
1.283
|
2.471
|
65,82%
|
461
|
175
|
286
|
62,04%
|
11
|
Sở
Ngoại vụ
|
1
|
1
|
0
|
0,00%
|
10
|
4
|
6
|
60,00%
|
2
|
2
|
0
|
0,00%
|
12
|
Sở
Nội vụ
|
3
|
3
|
0
|
0,00%
|
157
|
151
|
6
|
3,82%
|
4
|
4
|
0
|
0,00%
|
13
|
Sở
Khoa học và Công nghệ
|
13
|
13
|
0
|
0,00%
|
50
|
37
|
13
|
26,00%
|
10
|
7
|
3
|
30,00%
|
14
|
Sở
Tài nguyên và Môi trường
|
465
|
465
|
0
|
0,00%
|
1.682
|
960
|
722
|
42,93%
|
460
|
349
|
111
|
24,13%
|
15
|
Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội
|
214
|
91
|
123
|
57,48%
|
1.629
|
355
|
1.274
|
78,21%
|
344
|
98
|
246
|
71,51%
|
16
|
Công
an tỉnh
|
57
|
57
|
0
|
0,00%
|
619
|
509
|
110
|
17,77%
|
146
|
71
|
75
|
51,37%
|
17
|
Ban
Quản lý các KCN Phú Thọ
|
61
|
61
|
0
|
0,00%
|
326
|
133
|
193
|
59,20%
|
65
|
29
|
36
|
55,38%
|
18
|
Bảo
hiểm xã hội tỉnh
|
6.040
|
1.065
|
4.975
|
82,37%
|
129.902
|
7.244
|
122.658
|
94,42%
|
28.319
|
1.283
|
27.036
|
95,47%
|
II
|
UBND các huyện, thành, thị
|
12.983
|
12.977
|
6
|
0,05%
|
95.075
|
82.158
|
12.917
|
13,59%
|
15.221
|
9.602
|
5.619
|
36,92%
|
1
|
UBND
Huyện Tân Sơn
|
588
|
588
|
0
|
0,00%
|
3.080
|
399
|
2.681
|
87,05%
|
492
|
65
|
427
|
86,79%
|
2
|
UBND
Huyện Hạ Hòa
|
1.092
|
1.088
|
4
|
0,37%
|
5.854
|
3.463
|
2.391
|
40,84%
|
1.035
|
232
|
803
|
77,58%
|
3
|
UBND
Huyện Đoan Hùng
|
885
|
885
|
0
|
0,00%
|
3.577
|
2.564
|
1.013
|
28,32%
|
543
|
183
|
360
|
66,30%
|
4
|
UBND
Huyện Thanh Ba
|
1.841
|
1.839
|
2
|
0,11%
|
9.871
|
7.635
|
2.236
|
22,65%
|
1.541
|
168
|
1.373
|
89,10%
|
5
|
UBND
Huyện Thanh Thủy
|
275
|
275
|
0
|
0,00%
|
4.949
|
3.908
|
1.041
|
21,03%
|
938
|
387
|
551
|
58,74%
|
6
|
UBND
Huyện Cẩm Khê
|
1.021
|
1.021
|
0
|
0,00%
|
7.426
|
5.960
|
1.466
|
19,74%
|
1.376
|
653
|
723
|
52,54%
|
7
|
UBND
Huyện Tam Nông
|
610
|
610
|
0
|
0,00%
|
4.287
|
3.677
|
610
|
14,23%
|
715
|
274
|
441
|
61,68%
|
8
|
UBND
Huyện Thanh Sơn
|
642
|
642
|
0
|
0,00%
|
5.185
|
4.774
|
411
|
7,93%
|
868
|
518
|
350
|
40,32%
|
9
|
UBND
Thị xã Phú Thọ
|
659
|
659
|
0
|
0,00%
|
6.752
|
6.408
|
344
|
5,09%
|
818
|
569
|
249
|
30,44%
|
10
|
UBND
Huyện Yên Lập
|
1.132
|
1.132
|
0
|
0,00%
|
4.750
|
4.624
|
126
|
2,65%
|
754
|
707
|
47
|
6,23%
|
11
|
UBND
Thành phố Việt Trì
|
3.437
|
3.437
|
0
|
0,00%
|
23.072
|
22.575
|
497
|
2,15%
|
3.408
|
3.185
|
223
|
6,54%
|
12
|
UBND
Huyện Phù Ninh
|
0
|
0
|
0
|
0,00%
|
9.589
|
9.489
|
100
|
1,04%
|
1.455
|
1.384
|
71
|
4,88%
|
13
|
UBND
Huyện Lâm Thao
|
801
|
801
|
0
|
0,00%
|
6.683
|
6.682
|
1
|
0,01%
|
1.278
|
1.277
|
1
|
0,08%
|
PHỤ LỤC 03
KẾT QUẢ THỰC HIỆN XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN
2016 - 020; DỰ KIẾN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(CQĐT phục vụ người dân và doanh nghiệp)
STT
|
NỘI DUNG/CHỈ TIÊU
|
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI
|
DỰ KIẾN GIAI ĐOẠN 2021- 2025
|
DỰ KIẾN NĂM 2030
|
2016
|
2017
|
2018
|
2019
|
2020
|
1
|
Cổng dịch vụ công và Hệ thống
một cửa điện tử
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Tổng số dịch vụ công trực tuyến
mức 2
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
1.2
|
Tổng số dịch vụ công trực tuyến
mức 3
|
12%
|
24%
|
46.03%
|
50.84%
|
50,3%
|
100%
|
100%
|
1.3
|
Tổng số dịch vụ công trực tuyến
mức 4
|
0.0%
|
0.0%
|
0.3%
|
0.4%
|
28.15%
|
100%
|
100%
|
1.4
|
Tỷ lệ hồ sơ, TTHC được giải
quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ
|
5%
|
8%
|
12%
|
15%
|
30.4%
|
70%
|
80%
|
1.4.1
|
Tỷ lệ hồ sơ, TTHC được giải
quyết trực tuyến cấp tỉnh
|
5%
|
15%
|
30%
|
40%
|
59.2%
|
80%
|
90%
|
1.4.2
|
Tỷ lệ hồ sơ, TTHC được giải
quyết trực tuyến cấp huyện
|
0%
|
0%
|
0%
|
0.5%
|
0.7%
|
70%
|
80%
|
1.4.3
|
Tỷ lệ hồ sơ, TTHC được giải
quyết trực tuyến cấp xã
|
0%
|
0%
|
0%
|
0%
|
0.3%
|
60%
|
70%
|
1.5
|
Tổng số lượng đơn vị cấp xã triển
khai ứng dụng hệ thống một cửa
|
0
|
0
|
0
|
0
|
225
|
225
|
225
|
1.6
|
Tổng số đơn vị cấp huyện triển
khai ứng dụng hệ thống một cửa
|
4
|
7
|
10
|
11
|
13
|
13
|
13
|
1.7
|
Tổng số đơn vị cấp sở triển
khai ứng dụng hệ thống một cửa
|
5
|
15
|
19
|
19
|
19
|
19
|
19
|
2
|
Cổng/Trang thông tin điện tử
CQNN cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của
Chính phủ
|
|
|
|
|
|
|
|
2.1
|
Cấp sở, ban, ngành; UBND các
huyện, thành, thị
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
2.2
|
Cấp xã, phường, thị trấn
|
0%
|
0%
|
0%
|
7.6%
|
43.1%
|
100%
|
100%
|
3
|
Hệ thống phần mềm theo dõi
tình trạng xử lý phản ánh kiến nghị
|
Không
|
Không
|
Không
|
Không
|
Có
|
Duy trì
|
Duy trì
|
PHỤ LỤC 04
KẾT QUẢ THỰC HIỆN XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN
2016 - 2020; DỰ KIẾN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(CQĐT trong nội bộ cơ quan nhà nước)
STT
|
NỘI DUNG/CHỈ TIÊU
|
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI
|
DỰ KIẾN GIAI ĐOẠN 2021- 2025
|
DỰ KIẾN ĐẾN 2030
|
2016
|
2017
|
2018
|
2019
|
2020
|
1
|
Ứng dụng hệ thống quản lý văn
bản và điều hành
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Tỷ lệ đơn vị cấp sở ứng dụng
phần mềm quản lý văn bản điều hành
|
78.9%
|
89.5%
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
1.2
|
Tỷ lệ đơn vị cấp huyện ứng
dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành
|
46.2%
|
61.5%
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
100%
|
1.3
|
Tỷ lệ đơn vị cấp xã ứng dụng
phần mềm quản lý văn bản điều hành
|
0%
|
6.1%
|
18.1%
|
56.0%
|
98%
|
100%
|
100%
|
1.4
|
Kết nối liên thông hệ thống
gửi nhận văn bản điện tử từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã
|
Không
|
Không
|
Không
|
Không
|
Có
|
Duy trì
|
Duy trì
|
1.5
|
Tỷ lệ các cơ quan, đơn vị gửi
nhận văn bản điện tử tích tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy
|
0%
|
0%
|
0%
|
15%
|
98%
|
100%
|
100%
|
2
|
Ứng dụng Chữ ký số
|
37
|
629
|
1,882
|
2,835
|
4,336
|
|
|
2.1
|
Tổng số Chữ ký số tổ chức
|
5
|
97
|
235
|
352
|
691
|
|
|
2.2
|
Tổng số Chữ ký số cá nhân
|
32
|
532
|
1,647
|
2,483
|
3,494
|
|
|
2.3
|
Tổng số Sim ký số
|
0
|
0
|
0
|
0
|
151
|
|
|
3
|
Hệ thống hội nghị trực tuyến
|
|
|
|
|
|
|
|
3.1
|
Tỷ lệ cơ quan nhà nước có
hệ thống hội nghị trực tuyến
|
7.0%
|
7.0%
|
7.0%
|
7.0%
|
94.6%
|
100%
|
100%
|
3.2
|
Tỷ lệ các cuộc họp trực tuyến
giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh
|
2%
|
2%
|
3%
|
3%
|
5%
|
10%
|
30%
|
4
|
Hệ thống báo cáo trực tuyến
|
|
|
|
|
|
|
|
4.1
|
Kết nối tích hợp chia sẻ dữ
liệu hệ thống báo cáo quốc gia
|
Không
|
Không
|
Không
|
Không
|
Có
|
Duy trì
|
Duy trì
|
4.2
|
Tỷ lệ các báo cáo, chỉ tiêu
báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được kết nối, chia sẻ dữ
liệu Hệ thống báo cáo Quốc gia
|
0%
|
0%
|
0%
|
0%
|
100%
|
100%
|
100%
|
5
|
Tỷ lệ cơ quan nhà nước triển
khai hệ thống điện tử lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát công việc
|
0%
|
0%
|
0%
|
0%
|
8%
|
100%
|
100%
|
6
|
Trung tâm điều hành thông
minh tỉnh Phú Thọ
|
Không
|
Không
|
Không
|
Không
|
Có
|
Nâng
cấp
|
Hoàn
thiện
|
PHỤ LỤC 05
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN
TỬ, CHÍNH QUYỀN SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020; DỰ KIẾN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021 -
2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Hạ tầng CNTT)
STT
|
NỘI DUNG/CHỈ TIÊU
|
|
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI
|
DỰ KIẾN GIAI ĐOẠN 2021- 2025
|
DỰ KIẾN ĐẾN 2030
|
2016
|
2017
|
2018
|
2019
|
2020
|
1
|
Trung tâm tích hợp dữ liệu số
của tỉnh
|
Mức cơ bản
|
Mức trung bình
|
Mức nâng cao
|
2
|
Hệ thống mạng diện rộng của tỉnh
|
Chưa hình thành
|
Tỉnh, huyện
|
Tỉnh, huyện, xã
|
Tỉnh, huyện, xã
|
3
|
Tỷ lệ cán bộ công chức được
trang bị máy tính làm việc
|
|
|
|
|
|
|
|
3.1
|
Cấp sở, ban, ngành; UBND
các huyện, thành, thị
|
90%
|
92%
|
95%
|
97%
|
98%
|
100%
|
100%
|
3.2
|
Cấp xã, phường, thị trấn
|
48%
|
55%
|
60%
|
65%
|
70%
|
90%
|
100%
|
4
|
Tỷ lệ đơn vị có hệ thống mạng
nội bộ đạt chuẩn (Máy chủ, máy trạm)
|
31%
|
38%
|
49%
|
49%
|
51%
|
100%
|
100%
|
5
|
Trung tâm điều hành thông minh
tỉnh Phú Thọ
|
Chưa có
|
Xây dựng ban đầu
|
Nâng cấp
|
Hoàn thiện
|
PHỤ LỤC 06
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN
TỬ, CHÍNH QUYỀN SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020; DỰ KIẾN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021 -
2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Nguồn nhân lực công nghệ thông tin)
STT
|
NỘI DUNG/CHỈ TIÊU
|
|
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI
|
DỰ KIẾN GIAI ĐOẠN 2021- 2025
|
DỰ KIẾN ĐẾN 2030
|
2016
|
2017
|
2018
|
2019
|
2020
|
1
|
Tổ chức đào tạo, tập huấn
nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức
|
|
|
|
|
|
|
|
1.1
|
Hình thức đào tạo
|
Trực tiếp
|
Trực tuyến
|
Trực tiếp, Trực tuyến
|
Trực tuyến
|
Trực tuyến
|
1.2
|
Tổng số CBCCVC được đào tạo
hằng năm
|
300
|
300
|
400
|
850
|
1,200
|
2,000
|
3,000
|
2
|
Tổng số cán bộ chuyên trách
CNTT trong cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện
|
85
|
87
|
90
|
92
|
92
|
92
|
92
|
3
|
Bố trí cán bộ phụ trách CNTT
cấp xã
|
Không
|
Có
|
Có
|
Có
|
Có
|
PHỤ LỤC 07
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN
TỬ, CHÍNH QUYỀN SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020; DỰ KIẾN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021 -
2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(An toàn thông tin mạng)
STT
|
NỘI DUNG/CHỈ TIÊU
|
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI
|
DỰ KIẾN GIAI ĐOẠN 2021- 2025
|
DỰ KIẾN NĂM 2030
|
2016
|
2017
|
2018
|
2019
|
2020
|
1
|
Trung tâm giám sát an toàn
thông tin mạng SOC của tỉnh
|
Chưa có
|
Xây dựng ban đầu
|
Nâng cấp hoàn thiện
|
Nâng cấp hoàn thiện
|
2
|
Số lượng cơ quan đơn vị cấp sở,
cấp huyện trang bị giải pháp đảm bảo an toàn thông tin
|
12
|
13
|
15
|
15
|
18
|
32
|
32
|
3
|
Tỷ lệ máy tính được trang bị
phần mềm diệt virus
|
42%
|
46%
|
50%
|
55%
|
70%
|
100%
|
100%
|
PHỤ LỤC 08
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN
TỬ, CHÍNH QUYỀN SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020; DỰ KIẾN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021 -
2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Xây dựng cơ sở dữ liệu)
STT
|
NỘI DUNG/CHỈ TIÊU
|
|
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI
|
DỰ KIẾN GIAI ĐOẠN 2021- 2025
|
DỰ KIẾN ĐẾN 2030
|
2016
|
2017
|
2018
|
2019
|
2020
|
1
|
Hệ thống nền tảng tích hợp
chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Phú Thọ
|
Không
|
Có
|
Nâng cấp
|
Hoàn thiện
|
2
|
Xây dựng kho dữ liệu dùng
chung của tỉnh
|
Không
|
Đầu tư xây dựng
|
Nâng cấp, hoàn thiện
|
3
|
Triển khai kết nối liên
thông, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành của tỉnh với hệ thống thông tin cơ sở dữ
liệu quốc gia
|
Không
|
Đang triển khai
|
Hoàn thành
|
Khai thác sử dụng
|
4
|
Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên
ngành
|
Dân cư, Đất đai, Tài nguyên môi trường, Y tế, giáo dục, Tài chính Đầu
tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông
|
Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện CSDL chuyên ngành đảm bảo kết nối
Trung ương
|
PHỤ LỤC 09
CHI TIẾT MỘT SỐ MỤC TIÊU VỀ PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN
TỬ, HƯỚNG TỚI CHÍNH QUYỀN SỐ ĐẾN NĂM 2025
STT
|
Mục tiêu đến năm 2025
|
1.
|
100% các cơ quan nhà nước cấp
tỉnh, cấp huyện triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc
|
2.
|
50% hoạt động kiểm tra của cơ
quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống
thông tin của cơ quan quản lý
|
3.
|
60% các quy trình và tài liệu
liên quan đến nghiệp vụ của các hoạt động trong các cơ quan nhà nước được số
hóa; 30% các nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường mạng
|
4.
|
100% các cơ quan nhà nước được
trang bị Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến
|
5.
|
100% Cổng/Trang thông tin điện
tử của cơ quan hành chính nhà nước các cấp được xây dựng đáp ứng đầy đủ yêu cầu
theo quy định của Chính phủ, tích hợp các kênh thông tin hỗ trợ người dân và
doanh nghiệp dễ dàng giao tiếp với cơ quan nhà nước thông qua môi trường điện
tử
|
6.
|
100% các hệ thống thông tin
trọng yếu của tỉnh được triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn
thông tin
|
7.
|
50% người dân và doanh nghiệp
có tài khoản thanh toán điện tử
|
8.
|
Triển khai hệ thống thông tin
hỗ trợ ra quyết định trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu
lớn kết hợp với các thiết bị thông minh để tổng hợp, báo cáo nhanh thông tin
phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Triển khai hệ thống cung cấp và
quản lý thông tin cơ sở dựa trên CNTT và viễn thông; hệ thống quản lý thông
tin trên báo điện tử và mạng xã hội
|
9.
|
Thử nghiệm các dịch vụ đô thị
thông minh tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ
|
10.
|
Triển khai mạng 5G đến các
khu công nghiệp và trung tâm đô thị
|
PHỤ LỤC 10
DANH MỤC CÁC NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN
CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH QUYỀN SỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG
ĐẾN 2030
Đơn
vị tính: Tỷ đồng.
STT
|
Nội dung
|
Tổng Kinh phí giai đoạn 2021- 2025
|
Nguồn vốn
|
Đơn vị chủ trì
|
Đơn vị phối hợp
|
Ghi chú
|
Tỉnh
|
Huyện
|
Xã
|
Cân đối ngân sách
|
Xã hội hóa
|
Cân đối ngân sách
|
Xã hội hóa
|
Cân đối ngân sách
|
Xã hội hóa
|
Đầu tư
|
Thường xuyên
|
|
Đầu tư
|
Thường xuyên
|
|
Đầu tư
|
Thường xuyên
|
|
I
|
Triển khai mới
|
223,5
|
82,5
|
56
|
51
|
0
|
14
|
1
|
0
|
18
|
1
|
|
|
|
1
|
Triển
khai đồng bộ hệ thống điện tử quản lý, chỉ đạo, điều hành, giám sát công việc
03 cấp tỉnh, huyện, xã
|
14,5
|
14,5
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
2
|
Triển
khai Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Quốc gia
|
5
|
|
5
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
3
|
Triển
khai hệ thống phần mềm quản lý tài liệu điện tử của tỉnh.
|
6
|
|
6
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
4
|
Xây
dựng kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh Phú Thọ.
|
28
|
28
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
5
|
Triển
khai Hệ thống quản lý thông tin trên báo điện tử và mạng xã hội
|
10
|
|
10
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
6
|
Thực
hiện rà soát, đánh giá, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
|
4
|
|
4
|
|
|
|
|
|
|
|
Văn phòng UBND tỉnh
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
7
|
Số
hóa quy trình nghiệp vụ và thực hiện quản lý trên môi trường mạng
|
8
|
|
4
|
|
|
2
|
|
|
2
|
|
Các CQNN
|
Sở TT&TT
|
|
8
|
Triển
khai tập trung, thống nhất các kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý ý kiến của
người dân, doanh nghiệp.
|
3
|
|
3
|
|
|
|
|
|
|
|
Văn phòng UBND tỉnh
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
9
|
Triển
khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin tỉnh
Phú Thọ
|
5
|
|
1
|
|
|
2
|
|
|
2
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
10
|
Hỗ
trợ doanh nghiệp vừa vả nhỏ ứng dụng công nghệ số; Triển khai Hệ thống quản
lý dự án đầu tư trong toàn tỉnh
|
8
|
8
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở KH&ĐT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
11
|
Nâng
cấp Trung tâm dữ liệu số của tỉnh đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn
kỹ thuật theo quy định
|
32
|
32
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
12
|
Triển
khai Trung tâm dữ liệu nguồn quản lý thông tin cơ sở
|
10
|
|
10
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
13
|
Chuẩn
hóa Cổng/Trang Thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước các cấp
|
6
|
|
3
|
|
|
2
|
|
|
1
|
|
Các cơ quan
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
14
|
Tuyên
truyền nâng cao nhận thức về Chính quyền điện tử, Chính quyền số đến cán bộ,
công chức, viên chức người dân và doanh nghiệp
|
5
|
|
|
1
|
|
1
|
1
|
|
1
|
1
|
Các CQNN
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
15
|
Xây
dựng các hệ thống thông tin hỗ trợ ra quyết định
|
10
|
|
10
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
16
|
Hỗ
trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, khai thác thông tin và thực hiện giao dịch
với Chính quyền các cấp trên môi trường mạng
|
3
|
|
|
|
|
1
|
|
|
2
|
|
Các CQNN
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
17
|
Nâng
cấp hệ thống trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan hành
chính nhà nước cấp huyện, xã
|
16
|
|
|
|
|
6
|
|
|
10
|
|
UBND cấp huyện, xã
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
18
|
Triển
khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ
thống thông tin quốc gia.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Văn phòng UBND tỉnh
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
Căn cứ nhu cầu thực tế
|
19
|
Triển
khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Văn phòng UBND tỉnh
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
20
|
Đào
tạo các kỹ năng về CQĐT, CQS cho cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ chuyên
trách; cán bộ lãnh đạo các đơn vị
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở Nội vụ
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
21
|
Xây
dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Doanh nghiệp... trên địa
bàn tỉnh
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Các CQNN
|
Sở TT&TT
|
|
22
|
Xây
dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về Y tế, Giáo dục, Cán bộ công chức,...
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Các CQNN
|
Sở TT&TT
|
|
23
|
Xây
dựng đô thị thông minh tại Thành phố Việt Trì, Thị xã Phú Thọ
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
UBND TP Việt Trì, Thị xã Phú Thọ
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
24
|
Triển
khai phát triển thương mại điện tử, ứng dụng kết nối chia sẽ dữ liệu của
Chính quyền hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở Công Thương
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
25
|
Triển
khai mạng 5G tại các khu công nghiệp, khu đô thị
|
50
|
|
|
50
|
|
|
|
|
|
|
Các doanh nghiệp viễn thông
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
II
|
Duy trì các hệ thống
|
51,5
|
2
|
49,5
|
0
|
0
|
0
|
0
|
0
|
0
|
0
|
|
|
|
1
|
Duy
trì hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh
|
12,9
|
|
12,9
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
2
|
Duy
trì, phát triển hệ thống họp trực tuyến phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành
của tỉnh.
|
7,9
|
|
7,9
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
3
|
Duy
trì Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện trong cơ quan nhà nước của tỉnh
|
10,4
|
|
10,4
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
4
|
Duy
trì, nâng cấp hoàn thiện Hệ thống SOC của tỉnh
|
8
|
2
|
6
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
5
|
Duy
trì mạng diện rộng của tỉnh kết nối các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh
đến cấp huyện, xã
|
12,3
|
|
12,3
|
|
|
|
|
|
|
|
Sở TT&TT
|
Các cơ quan, đơn vị liên quan
|
|
6
|
Duy
trì hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành của tỉnh
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Các CQNN
|
Sở TT&TT
|
Căn cứ nhu cầu thực tế
|
Tổng cộng
|
275,0
|
84,5
|
105,5
|
51,0
|
0,0
|
14,0
|
1,0
|
0,0
|
18,0
|
1,0
|
|
|
|
(Số
tiền bằng chữ: Hai trăm bẩy mươi lăm tỷ đồng chẵn.)
PHỤ LỤC 11
PHÂN KỲ KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH QUYỀN SỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025,
ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Đơn
vị tính: Tỷ đồng.
STT
|
Nội dung
|
Tổng kinh phí giai đoạn 2021- 2025
|
Năm 2021
|
Năm 2022
|
Năm 2023
|
Năm 2024
|
Năm 2025
|
I
|
Triển khai mới
|
170,5
|
13,6
|
51,5
|
41,5
|
38,5
|
25,4
|
1
|
Triển khai đồng bộ Hệ thống
điện tử quản lý, chỉ đạo, điều hành, giám sát công việc 03 cấp tỉnh, huyện,
xã
|
14,5
|
3,6
|
2,5
|
2,5
|
2,5
|
3,4
|
2
|
Triển khai Hệ thống thông tin
báo cáo của tỉnh, quốc gia
|
5
|
1
|
1
|
1
|
1
|
1
|
3
|
Triển khai Hệ thống phần mềm
quản lý tài liệu điện tử của tỉnh.
|
6
|
1
|
2
|
1
|
1
|
1
|
4
|
Xây dựng kho dữ liệu và Cổng
chuyển đổi số của tỉnh Phú Thọ.
|
28
|
3
|
20
|
5
|
|
|
5
|
Triển khai Hệ thống quản lý thông
tin trên báo điện tử và mạng xã hội
|
10
|
2
|
2
|
2
|
2
|
2
|
6
|
Thực hiện rà soát, đánh giá,
cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
|
4
|
1
|
1
|
1
|
1
|
|
7
|
Số hóa quy trình nghiệp vụ và
thực hiện quản lý trên môi trường mạng
|
8
|
|
2
|
2
|
2
|
2
|
8
|
Triển khai tập trung, thống nhất
các kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý ý kiến của người dân, doanh nghiệp.
|
3
|
|
2
|
1
|
|
|
9
|
Triển khai các giải pháp bảo
đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin tỉnh Phú Thọ
|
5
|
1
|
1
|
1
|
1
|
1
|
10
|
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa vả nhỏ
ứng dụng công nghệ số; Triển khai Hệ thống quản lý dự án đầu tư trong toàn tỉnh
|
8
|
|
3
|
3
|
1
|
1
|
11
|
Nâng cấp Trung tâm dữ liệu số
của tỉnh đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định
|
32
|
|
|
10
|
15
|
7
|
12
|
Triển khai Trung tâm dữ liệu nguồn
quản lý thông tin cơ sở
|
10
|
|
3
|
3
|
4
|
|
13
|
Chuẩn hóa Cổng/Trang Thông
tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước các cấp
|
6
|
|
2
|
2
|
1
|
1
|
14
|
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
về Chính quyền điện tử, Chính quyền số đến cán bộ, công chức, viên chức, người
dân và doanh nghiệp
|
2
|
|
1
|
1
|
|
|
15
|
Xây dựng các hệ thống thông
tin hỗ trợ ra quyết định
|
10
|
0
|
2
|
2
|
3
|
3
|
16
|
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
tiếp cận, khai thác thông tin và thực hiện giao dịch với Chính quyền các cấp
trên môi trường mạng
|
3
|
|
3
|
|
|
|
17
|
Nâng cấp hệ thống trang thiết
bị hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện,
xã
|
16
|
1
|
4
|
4
|
4
|
3
|
18
|
Triển khai kết nối, chia sẻ dữ
liệu giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin Quốc
gia.
|
|
|
|
|
|
|
19
|
Triển khai Hệ thống thông tin
phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ
|
|
|
|
|
|
|
20
|
Đào tạo các kỹ năng về Chính
quyền điện tử, Chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ chuyên
trách; cán bộ lãnh đạo các đơn vị
|
|
|
|
|
|
|
21
|
Xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc
gia về Dân cư, Đất đai, Doanh nghiệp... trên địa bàn tỉnh
|
|
|
|
|
|
|
22
|
Xây dựng các cơ sở dữ liệu
chuyên ngành về Y tế, Giáo dục, Cán bộ công chức,...
|
|
|
|
|
|
|
23
|
Xây dựng đô thị thông minh tại
Thành phố Việt Trì, Thị xã Phú Thọ
|
|
|
|
|
|
|
24
|
Triển khai phát triển thương
mại điện tử, ứng dụng kết nối chia sẽ dữ liệu của Chính quyền hỗ trợ người
dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh
|
|
|
|
|
|
|
II
|
Duy trì các hệ thống
|
51,5
|
7,8
|
12
|
10,8
|
10,8
|
10,1
|
1
|
Duy trì hệ thống nền tảng
tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh
|
12,9
|
2
|
3,1
|
2,6
|
2,6
|
2,6
|
2
|
Duy trì, phát triển hệ thống
họp trực tuyến phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
|
7,9
|
1,2
|
1,9
|
1,6
|
1,6
|
1,6
|
3
|
Duy trì Cổng dịch vụ công và
hệ thống một cửa điện trong cơ quan nhà nước của tỉnh
|
10,4
|
2
|
2,4
|
2
|
2
|
2
|
4
|
Duy trì, nâng cấp hoàn thiện
Hệ thống SOC của tỉnh
|
8
|
0,7
|
2
|
2
|
2
|
1,3
|
5
|
Duy trì mạng diện rộng của tỉnh
kết nối các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã
|
12,3
|
1,9
|
2,6
|
2,6
|
2,6
|
2,6
|
6
|
Duy trì hệ thống phần mềm quản
lý văn bản điều hành của tỉnh
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng
|
222
|
21,4
|
63,5
|
52,3
|
49,3
|
35,5
|