THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/2016/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 03 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
THỰC HIỆN THỦ TỤC BIÊN PHÒNG ĐIỆN TỬ CẢNG BIỂN
Căn cứ Luật Tổ chức chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6
năm 2003;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11
năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ
thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư
trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ngày 28 tháng
3 năm 1997;
Căn cứ Nghị định
số 50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng
biển;
Căn cứ Nghị định
số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
Thủ tướng Chính
phủ ban hành Quyết định về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định thực hiện thủ tục biên
phòng điện tử tại các cảng biển do Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quyết định này áp
dụng đối với:
a) Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, đồn Biên
phòng cửa khẩu cảng và trạm Biên phòng cửa khẩu cảng thuộc đồn Biên phòng (sau
đây gọi chung là Biên phòng cửa khẩu cảng);
b) Chủ tàu hoặc người quản lý tàu, người thuê tàu,
người khai thác tàu, thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền (sau đây gọi chung
là người làm thủ tục); các tổ chức, cá
nhân Việt Nam, nước ngoài có liên quan trong thực hiện thủ tục biên phòng điện
tử cảng biển;
c) Tàu, thuyền Việt Nam nhập cảnh, xuất cảnh; tàu,
thuyền, thuyền viên nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng (bao
gồm cả các tàu thăm dò, khai thác, dịch vụ dầu khí hoạt động ngoài khơi; tàu biển
nước ngoài được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép vận tải nội địa; tàu, thuyền
thuộc sở hữu của Việt Nam mang cờ quốc tịch nước ngoài);
d) Tàu, thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng
lượng hạt nhân hoặc tàu, thuyền vận chuyển chất phóng xạ; tàu, thuyền nước
ngoài đến cảng thực hiện các hoạt động về nghiên cứu khoa học, nghề cá, cứu hộ,
trục vớt tài sản chìm đắm, lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển, văn hóa,
thể thao, xây dựng công trình biển, khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên và
các hoạt động khác về môi trường trong
vùng biển Việt Nam sau khi có giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có
thẩm quyền của Việt Nam cho phép tàu, thuyền đến cảng.
2. Quyết định này không áp dụng
đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
tàu, thuyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi,
miễn trừ theo quy định của pháp luật Việt Nam; tàu cá Việt Nam; tàu, thuyền Việt
Nam hoạt động tuyến nội địa; tàu, thuyền nước ngoài vì lý do khẩn cấp xin vào
tránh, trú bão hoặc bị tai nạn.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Thủ tục biên phòng điện tử cảng biển (sau đây viết
gọn là thủ tục biên phòng điện tử) là các thủ tục biên phòng, trong đó người
làm thủ tục khai báo và Biên phòng cửa khẩu cảng tiếp nhận, xử lý, trao đổi
thông tin và xác nhận hoàn thành thủ tục biên phòng cho tàu, thuyền, thuyền
viên, hành khách nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng thông qua Cổng
thông tin thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.
Thủ tục quá cảnh, chuyển cảng chỉ áp dụng cho tàu
thuyền nước ngoài.
Thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh áp dụng chung cho cả
tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài.
2. Cổng thông tin thủ tục biên
phòng điện tử cảng biển (sau đây viết gọn là Cổng thông tin) là điểm truy cập
trên môi trường mạng, tích hợp các thông tin, các dịch vụ và ứng dụng, phục vụ
cho việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử mà qua đó người dùng có thể khai
thác, sử dụng và cá nhân hóa việc hiển thị thông tin.
3. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử biên phòng cảng
biển là hệ thống thiết bị phần mềm và cơ sở dữ liệu do Bộ đội Biên phòng quản
lý tập trung, thống nhất, sử dụng để thực hiện thủ tục biên phòng điện tử.
4. Bản khai điện tử là biểu mẫu tờ khai dưới dạng
điện tử mà người làm thủ tục phải khai báo khi thực hiện thủ tục biên phòng điện
tử.
5. Hồ sơ biên phòng điện tử cảng biển (sau đây viết
gọn là hồ sơ điện tử) là tập hợp các bản khai
điện tử mà người làm thủ tục phải khai báo khi thực hiện thủ tục biên phòng điện
tử, bao gồm: Bản khai chung; Danh sách thuyền viên; Danh sách hành khách (nếu
có); Bản khai hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ (nếu có); Bản khai người
trốn trên tàu (nếu có).
6. Khai báo thủ tục biên phòng điện tử là việc người
làm thủ tục sử dụng mạng internet thực hiện khai báo các bản khai điện tử và gửi
hồ sơ điện tử cho Biên phòng cửa khẩu cảng qua cổng thông tin.
7. Xác nhận hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử
là việc Biên phòng cửa khẩu cảng sử dụng mạng internet và mạng nội bộ để tiếp
nhận, kiểm tra, xử lý thông tin, gửi
thông báo kết quả hoàn thành thủ tục biên phòng đối với tàu, thuyền, thuyền
viên nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng cho người làm thủ tục qua Cổng
thông tin.
8. Hồ sơ giấy là tập hợp các loại giấy tờ mà người
làm thủ tục phải nộp và xuất trình theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4
năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển.
9. Từ chối thực hiện thủ tục biên phòng điện tử là
việc Biên phòng cửa khẩu cảng gửi thông báo cho người làm thủ tục về việc chuyển
hình thức thực hiện thủ tục biên phòng qua Cổng thông tin sang hình thức kiểm
tra, thực hiện thủ tục biên phòng trực tiếp tại tàu, thuyền.
10. Tàu, thuyền chuyển cảng là tàu, thuyền mang cờ
quốc tịch nước ngoài (bao gồm cả tàu, thuyền thuộc sở hữu của Việt Nam mang cờ
quốc tịch nước ngoài) đã làm thủ tục nhập cảnh tại một cảng biển của Việt Nam
sau đó di chuyển đến một cảng biển khác trong nước.
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện thủ
tục biên phòng điện tử
Phải đảm bảo sự bình đẳng, an toàn, công khai, minh
bạch, nhanh chóng, thuận tiện và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về
giao dịch điện tử và xuất nhập cảnh và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên
quan mà Việt Nam là thành viên.
Điều 5. Xác nhận hoàn thành và
từ chối thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển
1. Biên phòng cửa khẩu cảng xác nhận hoàn thành thủ
tục biên phòng trên cơ sở khai báo thủ tục biên phòng điện tử của người làm thủ
tục.
2. Biên phòng cửa khẩu cảng từ
chối thực hiện thủ tục biên phòng điện tử vì các lý do:
a) Quốc phòng, an ninh;
b) Các lý do đặc biệt ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội
hoặc vì lý do đảm bảo an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
c) Tàu, thuyền có dấu hiệu rõ ràng vi phạm pháp luật;
d) Người làm thủ tục khai báo thủ tục biên phòng điện
tử không đầy đủ, không chính xác.
Điều 6. Nội dung thực hiện thủ
tục biên phòng điện tử
1. Thủ tục biên phòng điện tử được thực hiện 24/24
giờ hàng ngày. Khi Cổng thông tin được kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc
gia, người làm thủ tục thực hiện khai báo các bản khai điện tử và gửi hồ sơ điện
tử cho Biên phòng cửa khẩu cảng, tiếp nhận xác nhận hoàn thành thủ tục biên
phòng điện tử cảng biển thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo các quy
định về thủ tục điện tử đối với tàu, thuyền
vào rời cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Trường hợp Cổng thông tin một cửa quốc gia có sự cố
(thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu, đường truyền kết nối tại hệ thống xử lý dữ
liệu điện tử biên phòng cảng biển bị hỏng, bị lỗi), người làm thủ tục thực hiện
thủ tục biên phòng điện tử cảng biển qua Cổng thông tin.
2. Khuôn dạng các bản khai điện tử do Bộ Quốc phòng
quy định. Nội dung các bản khai điện tử phải thống nhất với nội dung các bản
khai giấy theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý cảng biển và luồng
hàng hải và các bản khai tương ứng đăng tải trên Cổng thông tin một cửa quốc
gia.
3. Tàu, thuyền nhập cảnh, quá cảnh,
chuyển cảng đến sau khi hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử và thủ tục của
các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng biển:
a) Được phép thực hiện các hoạt động phục vụ xếp, dỡ
hàng hóa và các hoạt động khác theo
chương trình, kế hoạch;
b) Thuyền viên thuộc tàu, thuyền đó được phép đi bờ
ngay sau khi tàu, thuyền neo đậu an toàn tại cảng. Việc đi bờ của thuyền viên
thực hiện theo các quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 44 Luật Nhập
cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16
tháng 6 năm 2014 và Điều 18 Nghị định số 50/2008/NĐ-CP
ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển.
4. Sau khi hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử,
tàu, thuyền xuất cảnh, chuyển cảng đi
a) Tiếp tục được thực hiện các hoạt động phục vụ xếp,
dỡ hàng hóa và các hoạt động khác theo chương trình, kế hoạch cho đến khi rời cảng;
b) Trường hợp có sự thay đổi về thuyền bộ hoặc vi
phạm các quy định của pháp luật Việt Nam phải xử lý thì phải làm lại thủ tục
biên phòng. Tàu, thuyền chỉ được phép rời cảng khi mọi vấn đề liên quan đến con
tàu, thuyền viên, hành khách, hàng hóa đã được xử lý, giải quyết xong.
5. Sau khi hoàn thành thủ tục
biên phòng điện tử, người làm thủ tục phải nộp và xuất trình các loại giấy tờ
theo thời hạn quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Quyết định này như sau:
a) Đối với tàu, thuyền nhập cảnh:
- Giấy tờ phải nộp (01 bản chính): Bản khai chung;
Danh sách thuyền viên; Danh sách hành khách (nếu có); Bản khai hàng
hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ (nếu có); Bản khai người trốn trên tàu
(nếu có).
- Giấy tờ phải xuất trình (bản chính): Sổ thuyền
viên, hộ chiếu thuyền viên hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của thuyền
viên; hộ chiếu của hành khách (nếu có).
b) Đối với tàu, thuyền xuất cảnh:
- Giấy tờ phải nộp (01 bản chính): Bản khai chung;
Danh sách thuyền viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh); Danh sách hành
khách (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh); Bản khai hàng
hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh).
- Giấy tờ phải xuất trình (bản chính): Sổ thuyền
viên, hộ chiếu thuyền viên hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của thuyền
viên; hộ chiếu của hành khách (nếu có).
c) Đối với tàu, thuyền quá cảnh: Tại cửa khẩu cảng
nhập cảnh thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản này, tại cửa khẩu cảng xuất
cảnh thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản này.
d) Sau khi Cổng thông tin áp dụng chữ ký điện tử,
người làm thủ tục sử dụng chữ ký điện tử không phải nộp cho Biên phòng cửa khẩu
cảng các loại giấy tờ: Bản khai chung, Danh sách thuyền viên, Danh sách hành
khách, Bản khai hàng hóa nguy hiểm, vũ khí, vật liệu nổ; Bản khai người trốn
trên tàu.
Đối với các loại giấy tờ phải xuất trình (Sổ thuyền
viên, hộ chiếu thuyền viên hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của thuyền
viên; hộ chiếu của hành khách), người làm thủ tục thực hiện theo quy định tại
Điểm a Khoản 2 Điều 7 Quyết định này.
6. Trường hợp người làm thủ tục phát hiện sai sót hoặc cập nhật được
thông tin cần khai báo bổ sung, thông tin phải khai báo theo quy định nhưng
phát sinh sau thời điểm đã nhận được xác nhận hoàn thành thủ tục biên phòng điện
tử, người làm thủ tục được phép sửa chữa, bổ sung nội dung khai báo trong hồ sơ
điện tử theo thời hạn quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 Quyết định này nhưng
phải được sự chấp thuận của Biên phòng cửa khẩu cảng.
7. Trường hợp không thể thực hiện
thủ tục biên phòng điện tử do hệ thống xử lý dữ liệu điện tử biên phòng cảng biển
có sự cố (thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu, đường truyền kết nối tại hệ thống
xử lý dữ liệu điện tử biên phòng cảng biển bị hỏng, bị lỗi):
a) Biên phòng cửa khẩu cảng phải thông báo cho người
làm thủ tục bằng văn bản, điện thoại hoặc
thư điện tử để làm thủ tục biên phòng cho tàu, thuyền đến, rời cảng theo quy định
tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định số
50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an
ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển.
b) Người làm thủ tục khai báo, nộp bản khai giấy;
Biên phòng cửa khẩu cảng xác nhận hoàn thành thủ tục biên phòng theo thời hạn
quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 7 Quyết định này.
Đối với tàu, thuyền nhập cảnh, quá cảnh đến cảng,
chuyển cảng đến, người làm thủ tục được sửa chữa, bổ sung hồ sơ giấy theo quy định
như đối với hồ sơ điện tử.
c) Sau khi Biên phòng cửa khẩu cảng xác nhận hoàn
thành thủ tục biên phòng, hoạt động của tàu, thuyền, thuyền viên thực hiện theo
quy định tại Khoản 3 Khoản 4 Điều này.
d) Biên phòng cửa khẩu cảng từ chối thực hiện thủ tục
biên phòng tại trụ sở Biên phòng cửa khẩu cảng hoặc tại trụ sở Cảng vụ hàng hải
(hoặc văn phòng đại diện Cảng vụ hàng hải), chuyển sang thực hiện thủ tục trực
tiếp tại tàu vì các lý do: Quốc phòng, an ninh; các lý do đặc biệt ảnh hưởng đến
kinh tế - xã hội hoặc vì lý do đảm bảo an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi
trường; tàu, thuyền có dấu hiệu rõ ràng vi phạm pháp luật; người làm thủ tục
khai báo các loại giấy tờ không đầy đủ, không chính xác.
Điều 7. Địa điểm, thời hạn thực
hiện thủ tục biên phòng điện tử
1. Địa điểm
a) Người làm thủ tục khai báo và nhận xác nhận hoàn
thành thủ tục biên phòng điện tử tại bất kỳ nơi nào có thể truy cập internet;
b) Biên phòng cửa khẩu cảng thực
hiện thủ tục biên phòng điện tử tại trụ sở Biên phòng cửa khẩu cảng; tiếp nhận
hồ sơ giấy tại trụ sở Biên phòng cửa khẩu cảng hoặc tại trụ sở Cảng vụ hàng hải
(hoặc văn phòng đại diện Cảng vụ hàng hải).
2. Thời hạn
a) Thời hạn khai báo và xác nhận hoàn thành thủ tục
biên phòng điện tử; nộp và xuất trình hồ sơ giấy:
- Chậm nhất 04 (bốn) giờ trước khi tàu, thuyền dự
kiến đến cảng và 02 (hai) giờ trước khi tàu, thuyền dự kiến rời cảng, người làm
thủ tục phải khai báo thủ tục biên phòng điện tử. Thời gian bắt đầu thực hiện
thủ tục biên phòng điện tử được xác định từ thời điểm Biên phòng cửa khẩu cảng
tiếp nhận đầy đủ hồ sơ điện tử qua Cổng thông tin.
Chậm nhất 01 (một) giờ kể từ khi tiếp nhận đầy đủ hồ
sơ điện tử, Biên phòng cửa khẩu cảng phải xác nhận hoàn thành thủ tục biên
phòng điện tử. Thời điểm xác định hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử là thời
điểm người làm thủ tục nhận được xác nhận hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử
qua Cổng thông tin;
- Đối với
tàu, thuyền nhập cảnh; tàu, thuyền quá cảnh đến cảng, chậm nhất 10 (mười) giờ
sau khi tàu, thuyền neo đậu an toàn tại cảng, người làm thủ tục phải nộp và xuất
trình các loại giấy tờ theo quy định cho Biên phòng cửa khẩu cảng.
Đối với tàu, thuyền xuất cảnh; tàu, thuyền quá cảnh
rời cảng, chậm nhất ngay trước khi tàu, thuyền rời cảng, người làm thủ tục phải
nộp và xuất trình các loại giấy tờ theo quy định cho Biên phòng cửa khẩu cảng.
- Đối với tàu, thuyền thời gian neo đậu tại cảng dưới
24 (hai bốn) giờ, không thay đổi về thuyền viên, hành khách (nếu có), người làm
thủ tục được phép khai báo thủ tục xuất cảnh cho tàu, thuyền ngay sau khi khai
báo thủ tục nhập cảnh; nộp, xuất trình hồ sơ giấy của thủ tục nhập cảnh và thủ
tục xuất cảnh cho Biên phòng cửa khẩu cảng một lần.
b) Thời hạn gửi và xác nhận
hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử đối với hồ sơ điện tử sửa chữa, bổ sung:
- Chậm nhất 02 (hai) giờ sau khi đến cảng kể từ thời
điểm neo đậu an toàn tại cảng, đối với tàu, thuyền nhập cảnh, quá cảnh, chuyển
cảng, người làm thủ tục phải gửi hồ sơ điện tử sửa chữa, bổ sung cho Biên phòng
cửa khẩu cảng. Chậm nhất 30 (ba mươi) phút kể từ khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ điện
tử sửa chữa, bổ sung, Biên phòng cửa khẩu
cảng phải xác nhận hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử đối với hồ sơ điện tử
sửa chữa, bổ sung.
- Chậm nhất 01 (một) giờ trước khi rời cảng đối với
tàu, thuyền xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng, người làm thủ tục phải gửi hồ sơ
điện tử sửa chữa, bổ sung cho Biên phòng cửa khẩu cảng. Chậm nhất ngay trước
khi tàu, thuyền rời cảng, Biên phòng cửa khẩu cảng phải xác nhận hoàn thành thủ
tục biên phòng điện tử đối với hồ sơ điện tử sửa chữa, bổ sung.
c) Thời hạn thực hiện thủ tục biên phòng trong trường
hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử biên phòng cảng biển có sự cố:
- Chậm nhất 02 (hai) giờ trước khi tàu, thuyền dự
kiến đến, rời cảng, người làm thủ tục khai báo, nộp các loại giấy tờ quy định tại
Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều 6 Quyết định này cho Biên phòng cửa khẩu cảng.
Chậm nhất 01 (một) giờ kể từ khi tiếp nhận đầy đủ
các loại giấy tờ, Biên phòng cửa khẩu cảng phải xác nhận hoàn thành thủ tục
biên phòng.
- Chậm nhất 10 (mười) giờ sau khi tàu, thuyền neo đậu
an toàn tại cảng, chậm nhất 02 (hai) giờ trước khi tàu thuyền dự kiến rời cảng
người làm thủ tục phải xuất trình các loại giấy tờ theo quy định tại Điểm a và
Điểm b Khoản 5 Điều 6 Quyết định này cho Biên phòng cửa khẩu cảng.
Điều 8. Trách nhiệm của các Bộ,
ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên
quan trong thực hiện thủ tục biên phòng điện tử
1. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương liên quan; phối hợp với Ban chỉ đạo thực hiện Cơ chế một cửa quốc
gia của Chính phủ trong triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử và tích
hợp thủ tục biên phòng điện tử cảng biển với Hệ
thống một cửa quốc gia.
b) Ban hành văn bản hướng dẫn
thực hiện thủ tục biên phòng điện tử, các mẫu biểu trong hồ sơ biên phòng điện
tử cảng biển và các mẫu biểu bổ trợ liên quan phù hợp với Công ước tạo thuận lợi
trong giao thông hàng hải quốc tế (Công ước Fal 65); sửa chữa, bổ sung trong
khai báo hồ sơ biên phòng điện tử; công tác kiểm tra, giám sát, cấp các loại giấy
phép cho người, phương tiện ra vào, hoạt động tại khu vực cửa khẩu cảng biển; bảo
mật thông tin; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo; cấp tài khoản
truy cập cho người làm thủ tục để truy cập Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện
tử; hướng dẫn thực hiện các vấn đề phát sinh, trong quá trình hoàn thiện kết nối
với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
c) Đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách, lộ
trình, kinh phí, cơ sở hạ tầng trang thiết bị để triển khai chính thức thủ tục
biên phòng điện tử trên hệ thống cảng biển toàn quốc do Bộ Quốc phòng quản lý.
d) Tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ
chức, cá nhân liên quan tham gia thực hiện thủ tục biên phòng điện tử; phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, xử lý các vướng mắc phát sinh;
đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này.
e) Đảm bảo kinh phí và các điều kiện cần thiết về
cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc triển khai thực hiện thủ tục biên phòng
điện tử;
g) Sơ kết, tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ kết quả thực hiện thủ tục biên phòng điện tử.
h) Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng
- Xây dựng, triển khai dự án thực hiện thủ tục biên
phòng điện tử đối với Biên phòng cửa khẩu
cảng; xây dựng lộ trình nâng cấp, hoàn thiện hệ thống xử lý dữ liệu điện tử biên phòng cảng biển, áp dụng
chữ ký số, loại bỏ các loại giấy tờ phải nộp trong thực hiện thủ tục biên phòng
điện tử; tổ chức đào tạo, tập huấn, bố trí cán bộ có đủ trình độ, năng lực,
kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục biên phòng điện tử;
- Thẩm định, kiểm tra cho phép tổ chức, cá nhân
tham gia thực hiện thủ tục biên phòng điện tử; cung cấp tài khoản truy cập Cổng
thông tin; hướng dẫn cài đặt, khai báo thông tin cho người làm thủ tục tham gia
thực hiện thủ tục biên phòng điện tử;
- Cung cấp, chia sẻ thông tin liên quan đến tàu,
thuyền, thuyền viên, hành khách cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại
cảng biển;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước
chuyên ngành tại cảng biển, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền,
thực hiện thủ tục biên phòng điện tử;
- Xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi vi
phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục biên phòng điện
tử.
2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan
a) Bộ Tài chính
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm chỉ
đạo, hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc phối hợp với
Bộ đội Biên phòng trong thực hiện thủ tục biên phòng điện tử; chủ trì, phối hợp
với Bộ Quốc phòng hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan thực
hiện thủ tục điện tử (bao gồm cả thủ tục biên phòng điện tử cảng biển) đối với
tàu, thuyền đến, rời cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa
quốc gia.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận
tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm chỉ
đạo, hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc phối hợp với
Bộ đội Biên phòng trong thực hiện thủ tục biên phòng điện tử.
3. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thủ tục
biên phòng điện tử
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành chức năng địa
phương nơi thực hiện thủ tục biên phòng điện tử phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi
cho Biên phòng cửa khẩu cảng triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại
địa phương.
4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia thực
hiện thủ tục biên phòng điện tử; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo
trong thực hiện thủ tục biên phòng điện tử
a) Tổ chức,
cá nhân, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện thủ tục biên phòng điện tử
phải tuân thủ các quy định tại Quyết định này và các quy định khác của pháp luật
Việt Nam về xuất nhập cảnh; quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại cửa khẩu cảng
biển; quản lý cảng biển và luồng hàng hải; giao dịch điện tử. Mọi hành vi vi phạm
sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại,
tố cáo trong thực hiện thủ tục biên phòng điện tử, được thực hiện theo quy định
của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
18 tháng 4 năm 2016.
2. Bãi bỏ Quyết định số 22/2011/QĐ-TTg ngày 15
tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm thủ tục biên
phòng điện tử cảng biển.
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc
hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (3b). XH
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|