CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
45/NQ-CP
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP TRIỂN KHAI CÔNG VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ SAU KHI ĐƯỢC KIỆN TOÀN TẠI
KỲ HỌP THỨ 11, QUỐC HỘI KHÓA XIV
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Thông báo kết luận số 01-TB/TW ngày 12 tháng 4 năm 2021 của Bộ Chính trị về một số tình hình và kết quả nổi bật thời gian gần đây; Kết luận của Lãnh đạo chủ chốt tại Thông báo số 03-TB/VPTW ngày 12 tháng
4 năm 2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết quả làm việc của Lãnh đạo chủ
chốt tháng 4 năm 2021;
Trên cơ sở thảo luận của Thành
viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp vào ngày 15
tháng 4 năm 2021 để triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ
11, Quốc hội khóa XIV,
QUYẾT NGHỊ:
I. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM,
ĐỊNH HƯỚNG TRONG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
1. Quán triệt và triển khai thực hiện
nghiêm, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục kế thừa, tập trung
xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm
chính, dân chủ đi đối với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực,
hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; thực hiện
tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải
trình, đề cao trách nhiệm nêu gương và tinh thần gương mẫu
của người đứng đầu. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới,
sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong
hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.
2. Chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ
phải rõ ràng, cụ thể về chủ thể chịu trách nhiệm và đảm bảo tính khả thi; đồng
thời phải thường xuyên đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát đến kết quả cuối
cùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân gắn
với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh
trong thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đối với tạo môi trường
đổi mới, sáng tạo và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm vì lợi ích chung. Chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tăng cường
phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh phô
trương, hình thức.
3. Tiếp tục phát huy những kết quả
công tác, khí thế thời gian qua, không thỏa mãn, chủ quan, tự mãn với thành
tích đã đạt được; kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; quán triệt, thực
hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục
vụ Nhân dân. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu
quả và không hình thức, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên
quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân
và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
4. Tư tưởng chỉ đạo trong xử lý công
việc là suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực
phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm,
làm việc nào dứt việc đó. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc
tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt
hiệu quả cao nhất. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là
đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những
vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa
rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
5. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết
liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo
các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01
tháng 01 năm 2021 của Chính phủ; chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định
kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học
công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số,
xã hội số; phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản và thị trường
chứng khoán. Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính
sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp; chủ động
xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài.
6. Phát huy giá trị văn hóa và con
người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế
- xã hội. Quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội và
đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm mọi
người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã
hội của đất nước. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi
khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị - xã hội và
an toàn, an ninh cho nhân dân; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ
vững độc lập, chủ quyền; tiếp tục xây dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định
cho phát triển đất nước.
II. VỀ MỘT SỐ NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO
1. Về Chương
trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xây dựng
Chương trình là phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của Chính phủ, yêu cầu phát triển và tình hình thực tế đất nước.
Yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về dự thảo Chương
trình hành động của Chính phủ; trong đó lưu ý rà soát, đề xuất các nhiệm vụ, đề
án lớn cần triển khai thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng
điểm, khả thi, hiệu quả, nhất là đối với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến
lược, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 22 tháng 4 năm 2021 để tổng hợp,
hoàn thiện, trình Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2021.
2. Về việc tổng kết
Quy chế làm việc của Chính phủ
a) Chính phủ thống nhất cần tổng kết,
đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ để sớm sửa đổi,
bổ sung trên cơ sở bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, kế thừa những ưu điểm,
khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những bài học kinh nghiệm quý trong
quá trình tổ chức thực hiện. Trước mắt yêu cầu các thành viên Chính phủ quán
triệt thực hiện theo hướng:
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành
chính, công khai, minh bạch trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước. Chính
phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ giải quyết những việc thuộc
thẩm quyền; không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc
thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương.
- Tăng cường phân cấp, phân quyền cho
các bộ, cơ quan, địa phương xử lý công việc; xác định rõ trách nhiệm tập thể,
cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; cá thể hóa hơn nữa
trách nhiệm cá nhân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu các
bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường phân cấp cho cấp dưới trực tiếp, cho địa phương
xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành
chính.
- Thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm
trực tiếp và toàn diện trong xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc
khi được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, phân công, giao nhiệm vụ, không được né
tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nghiêm quy định về thời hạn xử lý công việc,
bảo đảm chất lượng; phải làm hết trách nhiệm tham mưu, nêu rõ quan điểm, phương
án xử lý khi đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp Chính
phủ; tham gia họp Thường trực Chính phủ khi được mời đích danh theo chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ; trường hợp cử cấp Thứ trưởng dự thay phải được sự đồng ý của
Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm thông báo, quản lý chặt
chẽ nội dung và thành phần dự họp; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong các cuộc họp
và tuyệt đối an ninh, an toàn thông tin về nội dung họp theo quy định. Đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc và chỉ đạo, điều hành của
Chính phủ, các thành viên Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung
ương đến địa phương.
b) Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì,
phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương tổng kết đánh giá và sửa
đổi Quy chế làm việc của Chính phủ; trình Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Về việc tiếp tục
rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn
bản quy phạm pháp luật
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trực
tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền
chủ động nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo,
thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; khuyến khích và bảo
vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám
đương đầu với khó khăn, thách thức và quyết liệt trong hành động vì lợi ích
chung. Việc xây dựng hoặc tham gia ý kiến về văn bản pháp luật phải bám sát yêu
cầu phát triển và đổi mới của ngành, lĩnh vực quản lý; tránh để tình trạng
không có ý kiến dẫn đến văn bản ban hành không khả thi hoặc phát sinh vướng mắc
mới.
b) Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục
và khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước
được phân công, theo dõi, tổ chức thực hiện để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền
hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tháo gỡ những
khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển. Trên cơ sở kết quả ban đầu đã rà soát
và thống nhất giữa các bộ, ngành, Bộ Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc việc gửi
báo cáo trước ngày 15 tháng 5 năm 2021 để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Quyết định
và Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới với
tiến độ và nội dung cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối tháng 5
năm 2021 và làm cơ sở để đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật
năm 2021, 2022 và các năm tiếp theo.
c) Yêu cầu các bộ, cơ quan được giao
chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của năm 2021 bám sát
Chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình làm việc của
Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, báo cáo Thường trực
Chính phủ trước khi trình Chính phủ, nhất là dự án Luật đất đai (sửa đổi), các
vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của Luật ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch và các
nghị định liên quan...; không để tình trạng nợ, chậm, chất lượng kém khi ban
hành văn bản quy định chi tiết thi hành. Sớm hoàn thiện, ban hành các nghị định
để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, như sửa đổi
Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Nghị định về
đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án đầu tư; Nghị định số
167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công...
4. Về phục vụ
công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2021-2026
Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục
thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo phân công tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày
14 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm dân
chủ, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và đúng tiến độ, kế hoạch
đã đề ra và chọn được những người xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân
các cấp; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Phối hợp chuẩn bị tốt việc tổ chức
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người
ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo thẩm quyền.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở Trung
ương và địa phương. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, trả lời các cơ
quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương về công tác bầu cử. Triển khai cấp
phát kinh phí kịp thời, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết
phục vụ bầu cử theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm được phân
công.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu
cử đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và có chiều sâu; chủ động đấu
tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về
nhân sự và tổ chức bầu cử.
- Triển khai thực hiện tốt công tác bảo
vệ an ninh chính trị nội bộ, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho cuộc bầu
cử và ngày bầu cử; chủ động phương án phòng ngừa, đối phó với các hành vi gây mất
ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạt động chống phá cuộc bầu cử; kịp
thời xem xét, xác minh và giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất
là các khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự các cấp.
- Có phương án, kịch bản phòng, chống
dịch bệnh Covid-19, thiên tai, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, hiệu quả để
bảo đảm tổ chức ngày bầu cử thành công, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.
5. Về phòng, chống
dịch Covid-19 và tiêm phòng vắc-xin Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn
tiếp tục diễn biến phức tạp, số người mắc mới, số người phải nhập viện và số tử
vong chưa giảm; nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát tại Việt Nam vẫn ở mức
cao từ nguồn nhập cảnh trái phép tại các tuyến biên giới, nhất là tuyến biên giới
Tây Nam. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện
nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “phòng ngừa tích cực,
phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn
định tình hình”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi
tình huống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt
yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng đối với cá nhân. Các bộ, ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, dịch vụ
(cơ sở y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, nhà máy, xí nghiệp, công sở...)
thực hiện nghiêm biện pháp an toàn Covid; cập nhật lên hệ thống bản đồ an toàn
dịch bệnh; kiên quyết xử lý (kể cả dừng hoạt động) các cơ sở vi phạm. Ban chỉ đạo
phòng, chống dịch các cấp thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các yêu cầu này
tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt
động xuất nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép, nhất là ở
các tỉnh biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 ở
các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trước mắt do nguồn cung vắc-xin còn
khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế cần khẩn trương thực hiện Nghị quyết số
21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ nhằm có vắc-xin sớm nhất; đồng
thời xây dựng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn để các
doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, tiêm vắc-xin dịch vụ; tổ chức tiêm vắc-xin
khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vắc-xin không được
tiêm kịp thời, phải hủy bỏ. Giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và
nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vắc-xin” đối với từng loại đối tượng, từng
nước, góp phần thực hiện mục tiêu kép; đồng thời, có phương án cụ thể tạo điều
kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thử nghiệm và sản xuất vắc-xin trong nước.
6. Về thúc đẩy giải
ngân vốn đầu tư công
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải
ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời tạo
ra năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm
trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch,
trong đó tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm theo tinh
thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn
trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổng kết, đánh
giá công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, xác định rõ những
khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề
xuất giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả để khắc phục, phấn đấu đạt tỷ lệ giải
ngân cao nhất; đồng thời bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu
tư công theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thường trực Chính phủ trong
tháng 4 năm 2021.
7. Về Nghị định
gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021 và việc triển khai thực hiện
Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19
a) Đồng ý ban hành Nghị định gia hạn
thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021 như đề nghị của Bộ Tài chính. Giao
Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban
hành ngay sau phiên họp.
b) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Ngoại giao, Phòng Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện
Nghị định số 109/2020/NĐ-CP , báo cáo đề xuất Thường trực Chính phủ trong thời
gian sớm nhất để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch
bệnh Covid-19.
c) Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ
trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan sơ kết, đánh giá hiệu quả việc
thực hiện các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 và
số 154/NQ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 về các biện pháp hỗ
trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gói 62 nghìn tỷ); báo cáo Thường
trực Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 2021.
8. Về tổ chức kỳ
thi trung học phổ thông quốc gia
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách
nhiệm toàn diện về kỳ thi, trực tiếp các khâu: đề thi, tổ chức chấm thi, thanh
tra, kiểm tra; tiếp tục hoàn thiện quy chế thi bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật,
tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thi trên địa bàn bảo đảm kỳ thi
nghiêm túc, an toàn, trung thực, công bằng, khách quan nhưng không gây căng thẳng,
áp lực không cần thiết cho thí sinh, phụ huynh học sinh và phù hợp với tình
hình dịch bệnh.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Các thành viên Chính phủ khẩn
trương xử lý, giải quyết ngay công việc, bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong
thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ; sớm kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng và
công tác nhân sự; rà soát, sửa đổi quy chế làm việc theo tinh thần tăng cường kỷ
cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm; nỗ lực phấn đấu
hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và
đúng quy định pháp luật.
2. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan,
địa phương tập trung quán triệt ngay và triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả
Nghị quyết này trong tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, theo chức
năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả
thực hiện; kịp thời báo cáo và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những
vấn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền.
3. Chính phủ trân trọng đề nghị các
cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các
tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước luôn đồng
hành, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tăng cường
giám sát thực thi công vụ và đóng góp ý kiến xây dựng, góp phần tạo đồng thuận
xã hội để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn đời sống xã hội./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các
đoàn thể;
- VPCP: BTCN; các PCN; Trợ lý, Thư ký TTg, PTTg; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo, TGĐ Cổng TTĐTCP;
- Lưu: Văn thư, TH (2b).VH
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Phạm Minh Chính
|