CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
95/2022/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2022
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ
CHỨC CỦA BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số
123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số
101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Y tế;
Chính phủ ban hành Nghị định
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Điều 1.
Vị trí và chức năng
Bộ Y tế là cơ quan của Chính
phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, bao gồm các lĩnh vực: Y tế dự
phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp
y tâm thần; y, dược cổ truyền; trang thiết bị y tế; dược,
mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số, sức khỏe sinh sản; quản lý
nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Điều 2.
Nhiệm vụ và quyền hạn
Bộ Y tế thực hiện các nhiệm
vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm
2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ -CP ngày 01
tháng 9 năm 2016 của Chính phủ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ dự án luật,
dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch
xây dựng pháp luật hằng năm của Bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự
phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hằng năm và
các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia về y tế - dân số thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
2. Trình Thủ tướng Chính phủ
dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý nhà nước của Bộ hoặc theo phân công.
3. Ban hành thông tư, quyết
định, chỉ thị và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực
thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các
chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, công trình quan trọng
quốc gia sau khi được phê duyệt; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các
lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
5. Về y tế dự phòng:
a) Xây dựng, ban hành theo
thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định chuyên môn, các
tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về
các lĩnh vực: Giám sát, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh
không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích; tiêm chủng; an toàn
sinh học tại phòng xét nghiệm y tế; kiểm dịch y tế biên giới; vệ sinh sức khỏe
môi trường, vệ sinh lao động, vệ sinh sức khỏe trường học; dinh dưỡng cộng đồng;
phòng, chống tác hại của thuốc lá; phòng, chống tác hại của rượu, bia; chất lượng
nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn
trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;
b) Ban hành, sửa đổi, bổ
sung danh mục bệnh truyền nhiễm thuộc các nhóm, danh mục bệnh truyền nhiễm bắt
buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng
vắc xin và sinh phẩm y tế cho các đối tượng bắt buộc theo quy định của pháp luật;
c) Chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành liên quan ban hành, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn sức khỏe cho từng loại
nghề, công việc, danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày được hưởng chế độ ốm đau
và danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam;
d) Tổ chức thực hiện việc
giám sát đối với bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh không rõ nguyên
nhân, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các vấn đề y tế công cộng
khác; phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch và tổ chức thực hiện công bố
dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các
cơ quan có liên quan cung cấp chính xác và kịp thời thông tin về bệnh truyền
nhiễm;
đ) Trình cấp có thẩm quyền quyết
định hoặc quyết định theo thẩm quyền việc tổ chức thực hiện các biện pháp đặc
biệt để phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị, địa
phương trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xây dựng
kế hoạch và tổ chức thực hiện việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về y tế
công cộng;
e) Hướng dẫn, tổ chức triển
khai thực hiện hoạt động kiểm dịch y tế biên giới tại các cửa khẩu; thông tin,
báo cáo kịp thời tình hình bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các vấn đề y tế công
cộng trên thế giới để chủ động phòng, chống;
g) Quản lý, hướng dẫn và tổ
chức thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động, chỉ
đạo quan trắc môi trường lao động tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nguy
cơ cao gây bệnh nghề nghiệp; đánh giá, kiểm soát, quản lý các yếu tố có hại tại
nơi làm việc; xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động quan trắc môi trường lao động,
công bố tổ chức quan trắc môi trường lao động đủ điều kiện hoạt động và tổ chức
quan trắc môi trường bị đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật;
h) Hướng dẫn theo thẩm quyền
công tác quản lý vệ sinh lao động, khám sức khỏe người lao động, khám phát hiện
bệnh nghề nghiệp, quản lý sức khỏe người lao động tại nơi làm việc; chủ trì quản
lý về công tác cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, huấn luyện
sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;
i) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức
thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại cộng đồng;
k) Thẩm định, cấp mới, cấp lại
và thu hồi giấy chứng nhận cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp
III và cấp IV, trừ các cơ sở xét nghiệm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc
phòng;
l) Cấp, cấp lại, bổ sung,
gia hạn, đình chỉ, thu hồi số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng
nhận lưu hành tự do đối với hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng
trong lĩnh vực gia dụng và y tế; cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện
thực hiện kiểm nghiệm, thực hiện khảo nghiệm hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng,
diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; cấp giấy xác nhận nội dung quảng
cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng
và y tế theo quy định của pháp luật;
m) Tổ chức thực hiện việc cấp,
cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định
các trường hợp HIV dương tính và đình chỉ hoạt động xét nghiệm khẳng định các
trường hợp HIV dương tính đối với các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế và các bộ,
ngành;
n) Chỉ định các tổ chức chứng
nhận hợp quy đối với thuốc lá; cấp, đình chỉ, thu hồi, cấp lại giấy tiếp nhận bản
công bố hợp quy đối với thuốc lá theo quy định của pháp luật;
o) Quản lý, hướng dẫn tổ chức
thực hiện hoạt động điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và điều trị nghiện
thuốc lá trong phạm vi cả nước;
p) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra, thanh tra việc thực hiện các quy định chuyên môn, các quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về lĩnh vực y tế dự phòng trong phạm vi cả nước;
q) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức
thực hiện và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
trong phạm vi cả nước.
6. Về khám bệnh, chữa bệnh
và phục hồi chức năng, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm
thần:
a) Xây dựng, ban hành theo
thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định chuyên môn, các
tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các định mức kinh tế - kỹ thuật,
các tiêu chí chất lượng về lĩnh vực: khám bệnh, chữa bệnh, an toàn truyền máu, điều
dưỡng, phục hồi chức năng, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn; phẫu thuật
thẩm mỹ; hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; giám định y khoa, giám định
pháp y, giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật;
b) Phê duyệt quy hoạch hệ thống
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành; quy định chi tiết phân tuyến chuyên
môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo từng tuyến;
c) Quản lý việc cấp, cấp lại,
thu hồi chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khám bệnh, chữa
bệnh; tổ chức thực hiện việc cấp lần đầu, cấp điều chỉnh, cấp lại, thu hồi chứng
chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc
các bộ khác (trừ thuộc Bộ Quốc phòng), người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh,
chữa bệnh tại Việt Nam; cấp lần đầu, cấp điều chỉnh, cấp lại và thu hồi giấy
phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, bệnh viện
tư nhân hoặc bệnh viện thuộc các bộ khác (trừ thuộc Bộ Quốc phòng) theo quy định
của pháp luật;
d) Thẩm định và cho phép các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng các kỹ thuật mới, phương pháp mới lần đầu
tiên được áp dụng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
đ) Cấp giấy xác nhận nội
dung quảng cáo hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền theo quy định của
pháp luật;
e) Chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về giá dịch vụ khám bệnh, chữa
bệnh theo quy định của pháp luật;
g) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra, thanh tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định chuyên
môn, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực khám bệnh, chữa
bệnh, phục hồi chức năng, phẫu thuật thẩm mỹ, giám định y khoa, giám định pháp
y, giám định pháp y tâm thần.
7. Về y, dược cổ truyền:
a) Xây dựng, ban hành hoặc
trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định chuyên môn, tiêu chuẩn quốc gia,
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực y, dược cổ truyền;
b) Xây dựng và trình cấp có
thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thực hiện việc kế thừa, bảo tồn, phát
triển, hiện đại hóa y, dược cổ truyền và kết hợp y, dược cổ truyền với y, dược
hiện đại;
c) Xây dựng, ban hành danh mục
loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát; phát triển vùng
nuôi trồng dược liệu và tổ chức triển khai các biện pháp bảo tồn, khai thác, sử
dụng hợp lý và bền vững nguồn dược liệu;
d) Cấp lần đầu, cấp điều chỉnh,
cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền
đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, người làm
việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ khác (trừ thuộc Bộ Quốc
phòng), người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền tại
Việt Nam; cấp lần đầu, cấp điều chỉnh, cấp lại và thu hồi giấy phép hoạt động đối
với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền thuộc Bộ Y tế, bệnh viện
y học cổ truyền tư nhân hoặc bệnh viện y học cổ truyền thuộc các bộ khác (trừ
thuộc Bộ Quốc phòng) theo quy định của pháp luật;
đ) Cấp, gia hạn, thay đổi, bổ
sung, thu hồi giấy đăng ký lưu hành dược liệu, thuốc cổ truyền theo quy định của
pháp luật; cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung và thu hồi: giấy chứng nhận đủ điều
kiện kinh doanh dược đối với các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền;
giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu
(GACP) theo quy định của pháp luật;
e) Cấp, cấp lại giấy xác nhận
nội dung quảng cáo hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; giấy
xác nhận nội dung thông tin, nội dung quảng cáo thuốc cổ truyền và điều chỉnh nội
dung thông tin, nội dung quảng cáo thuốc cổ truyền theo quy định của pháp luật;
g) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra, thanh tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp
luật, quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về y, dược cổ truyền, kết
hợp y, dược cổ truyền với y, dược hiện đại.
8. Về trang thiết bị và công
trình y tế:
a) Xây dựng và trình cấp có
thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn quốc gia, quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia, chiến lược, chính sách, kế hoạch về trang
thiết bị y tế;
b) Ban hành quy định chi tiết
hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ
hoạt động sự nghiệp y tế; ban hành danh mục trang thiết bị y
tế phải được kiểm định và quy trình kiểm định đối với từng loại trang thiết bị y tế trong danh mục;
c) Cấp mới, đình chỉ, thu hồi
số lưu hành trang thiết bị y tế; cấp mới, thu hồi giấy chứng
nhận lưu hành tự do đối với trang thiết bị y tế; ban hành
văn bản thu hồi và công khai văn bản thu hồi kết quả phân loại trang
thiết bị y tế; cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế;
công khai thông tin và hồ sơ công bố đối với nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế và chất ngoại kiểm có chứa chất ma túy
và tiền chất;
d) Công khai thông tin và hồ
sơ công bố đủ điều kiện thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật trang
thiết bị y tế; cấp mới, cấp lại, cấp bổ sung, thu hồi giấy chứng nhận đăng
ký hoạt động kiểm định trang thiết bị y tế trong phạm vi
được phân công quản lý theo quy định của pháp luật;
đ) Hướng dẫn, tổ chức thực
hiện việc công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế các thông tin về:
giá trang thiết bị y tế mà doanh nghiệp kê khai; giá
trúng thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế
Nhà nước trên phạm vi toàn quốc; danh sách các trang thiết bị
y tế đã bị thu hồi số lưu hành;
e) Chủ trì, phối hợp với các
cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thanh tra việc thực hiện các văn
bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
trong lĩnh vực trang thiết bị y tế;
g) Chủ trì, phối hợp với các
cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật và các tiêu chuẩn
thiết kế các công trình y tế; tiêu chuẩn thiết kế các khoa, phòng chuyên ngành
trong công trình y tế.
9. Về dược và mỹ phẩm:
a) Xây dựng, ban hành hoặc
trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về dược, mỹ phẩm; bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc; ban hành và cập nhật Dược
điển Việt Nam và Dược thư quốc gia Việt Nam;
b) Ban hành danh mục thuốc,
dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực; danh
mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt; danh mục thuốc hiếm;
danh mục thuốc thiết yếu; danh mục thuốc không kê đơn; danh mục thuốc trong nước
sản xuất được đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp; danh
mục thuốc đấu thầu; danh mục thuốc đấu thầu tập trung; danh mục thuốc được áp dụng
hình thức đàm phán giá;
c) Cấp, gia hạn, thay đổi, bổ
sung và thu hồi: giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; giấy phép
xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với
thuốc; cấp giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm cho các đơn vị kinh doanh thuốc
theo quy định của pháp luật. Duyệt đơn hàng mua thuốc gây nghiện, thuốc hướng
thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất
hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc;
d) Cấp, cấp lại, điều chỉnh
nội dung và thu hồi: chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức thi; giấy chứng nhận
đủ điều kiện kinh doanh dược đối với các cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm
thuốc, cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ sở kinh
doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ sở kinh doanh dịch vụ
kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc
trên lâm sàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc; giấy
chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất (GMP) đối với thuốc,
nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc, thực hành tốt phòng
kiểm nghiệm (GLP) thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thực hành tốt bảo quản (GSP)
thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP) theo
quy định của pháp luật; công bố danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc,
nguyên liệu làm thuốc nước ngoài đăng ký cung cấp thuốc, nguyên liệu làm thuốc
vào Việt Nam; đánh giá việc đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc của các cơ sở
sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài khi đăng ký lưu hành tại Việt
Nam theo quy định của pháp luật;
đ) Cấp, thu hồi số tiếp nhận
phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu; phê duyệt thay đổi các nội dung đã
công bố trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi
giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP) theo
quy định của pháp luật;
e) Quản lý chất lượng thuốc,
nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm; quyết định việc đình chỉ lưu hành, thu hồi
thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm theo quy định của pháp luật; phối hợp với
các cơ quan có liên quan phòng, chống các hành vi sản xuất, lưu thông thuốc,
nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ
và phòng, chống nhập lậu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm theo quy định của
pháp luật;
g) Tổ chức hệ thống thông
tin thuốc và cảnh giác dược; cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung giấy xác nhận nội
dung thông tin thuốc; giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc theo quy định của
pháp luật;
h) Chủ trì, phối hợp với Bộ
Tài chính và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý giá thuốc và công bố giá thuốc theo quy định
của pháp luật;
i) Hướng dẫn thực hiện việc
đấu thầu thuốc phục vụ công tác phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh từ nguồn
ngân sách nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác
trong các cơ sở y tế; tổ chức mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia và chủ trì đàm
phán giá thuốc theo quy định của pháp luật;
k) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức
thực hiện và kiểm tra việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả;
l) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức
thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật
trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm.
10. Về an toàn thực phẩm:
a) Chủ trì, xây dựng, ban
hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực được
phân công quản lý; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về mức giới
hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm theo đề nghị của các bộ quản lý chuyên
ngành; ban hành danh mục các chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm;
b) Xây dựng, trình cấp có thẩm
quyền ban hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản
xuất, cơ sở kinh doanh: thực phẩm chức năng, nước khoáng thiên nhiên, nước uống
đóng chai, nước đá dùng liền, vi chất bổ sung vào thực phẩm, phụ gia thực phẩm,
hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng
tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; bếp ăn tập thể, nhà hàng tại khách sạn, khu
nghỉ duỡng, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường
phố;
c) Chủ trì tổ chức thực hiện
công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an
toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
d) Chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành có liên quan xây dựng hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; quy
định cụ thể việc khai báo sự cố về an toàn thực phẩm; tổ chức thực hiện việc
giám sát, phân tích nguy cơ, phòng ngừa, điều tra và phối hợp ngăn chặn ngộ độc
thực phẩm, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
đ) Quản lý an toàn thực phẩm
trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu,
nhập khẩu, kinh doanh đối với sản phẩm thực phẩm: phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ
chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng
liền, vi chất bổ sung vào thực phẩm, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác
theo quy định của pháp luật; quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu
bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trong quá trình sản xuất,
chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý;
e) Tổ chức tiếp nhận, quản
lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo
vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa
có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối
tượng sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định; cấp giấy xác nhận nội dung
quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe; cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do
đối với sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; cấp giấy chứng
nhận y tế và các giấy chứng nhận khác đối với các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu
khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;
g) Cấp giấy chứng nhận cơ sở
đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh: phụ gia thực
phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục các chất
phụ gia được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm do
Bộ Y tế quy định; cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực
phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo
quy định của pháp luật;
h) Chỉ định cơ sở kiểm nghiệm
thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng thuộc phạm vi
được phân công quản lý; chỉ định cơ sở làm kiểm nghiệm trọng tài và kết luận cuối
cùng khi có sự khác biệt về kết quả kiểm nghiệm của các cơ sở kiểm nghiệm thực
phẩm trong và ngoài ngành Y tế;
i) Chỉ định cơ quan kiểm tra
nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản
lý của Bộ;
k) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức
thực hiện, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật,
tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm thuộc phạm
vi quản lý nhà nước của Bộ;
l) Tổng hợp, thống kê, báo
cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở giám sát
và tổng hợp báo cáo của các bộ quản lý ngành, địa phương.
11. Về dân số và sức khỏe
sinh sản:
a) Xây dựng trình cấp có thẩm
quyền ban hành chính sách về dân số bao gồm: Quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất
lượng dân số;
b) Xây dựng, ban hành hoặc
trình cấp có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về dân số, kế hoạch
hóa gia đình, sức khỏe sinh sản và sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, ban hành
hệ thống chỉ tiêu, chỉ báo về dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe người cao tuổi;
quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ dân số, kế hoạch
hóa gia đình, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và dịch vụ chăm sóc sức khỏe
người cao tuổi ở cộng đồng;
c) Quyết định cho phép thực
hiện dịch vụ tư vấn đối với các cơ sở hành nghề dịch vụ tư vấn về dân số, kế hoạch
hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cộng đồng theo quy định của
pháp luật;
d) Thẩm định và quyết định
công nhận các cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ
thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quyết định cho phép các cơ sở y tế được
thực hiện việc xác định lại giới tính
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức
thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định
chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chính sách, chương trình, dự án về
lĩnh vực dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc
sức khỏe người cao tuổi ở cộng đồng.
12. Về bảo hiểm y tế:
a) Xây dựng, ban hành hoặc
trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính
sách về bảo hiểm y tế;
b) Chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành liên quan ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với
thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của
người tham gia bảo hiểm y tế;
c) Ban hành gói dịch vụ y tế
cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả;
d) Ban hành quy định chuyên
môn kỹ thuật, quy trình khám bệnh, chữa bệnh, chuyển tuyến liên quan đến khám bệnh,
chữa bệnh bảo hiểm y tế;
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ
Tài chính ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa
các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc;
e) Xây dựng trình cấp có thẩm
quyền ban hành các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế;
g) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức
thực hiện, kiểm tra các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện
các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
13. Về bảo vệ môi trường
trong hoạt động y tế:
a) Xây dựng, ban hành quy định
về quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong khuôn viên cơ sở y tế và vệ
sinh trong mai táng, hỏa táng đối với các trường hợp chết do dịch bệnh nguy hiểm;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức
thực hiện nội dung kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con
người: xác định và công bố về giới hạn của các chất ô nhiễm trong cơ thể con
người có nguy cơ tác động đến sức khỏe con người; xác định, đánh giá, cảnh báo,
theo dõi và phát hiện triệu chứng, nguyên nhân của bệnh tật và các vấn đề về sức
khỏe con người có liên quan trực tiếp đến các chất ô nhiễm; các biện pháp bảo vệ
sức khỏe con người trước tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và
các yếu tố môi trường bất lợi; quản lý, thống kê, chia sẻ, công bố thông tin về
các vấn đề bệnh tật liên quan đến các chất ô nhiễm; đánh giá chi phí và thiệt hại
kinh tế do bệnh tật, các vấn đề về sức khỏe liên quan đến ô nhiễm môi trường;
xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai biện pháp giám sát, dự phòng bệnh tật,
các vấn đề về sức khỏe con người do các chất ô nhiễm gây ra; quản lý, chia sẻ,
trao đổi, công bố thông tin về các chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con
người
c) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức
thực hiện việc đánh giá phạm vi, đối tượng, mức độ tác động của sự cố môi trường
đến sức khỏe con người; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do dịch bệnh truyền
nhiễm nguy hiểm; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động của sự cố
môi trường đến sức khỏe con người;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức
thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về
phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế và chất thải khác, bảo vệ
môi trường trong khuôn viên cơ sở y tế, vệ sinh trong mai táng, hỏa táng đối với
các trường hợp chết do dịch bệnh nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
14. Về quản lý viên chức
chuyên ngành y, dược, dân số:
a) Xây dựng, ban hành, sửa đổi,
bổ sung quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành y,
dược, dân số sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ;
b) Hướng dẫn về vị trí việc
làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp chuyên ngành
y, dược, dân số, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng
người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập sau khi có ý kiến thống
nhất của Bộ Nội vụ;
c) Chủ trì, phối hợp với cơ
quan có liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung ban hành các quy định cụ thể về
tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và nội dung,
hình thức, việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh
nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số sau khi thống nhất với Bộ Nội
vụ; tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y,
dược, dân số theo quy định của pháp luật;
d) Chủ trì, phối hợp với cơ
quan có liên quan xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung
chế độ, chính sách đối với viên chức chuyên ngành y, dược, dân số;
đ) Quy định chi tiết về nội
dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng viên chức chuyên ngành y, dược,
dân số theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành y, dược,
dân số và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện.
15. Về đào tạo nhân lực y tế:
a) Xây dựng, ban hành theo
thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch đào tạo
nhân lực ngành y tế và cơ chế, chính sách đặc thù trong đào tạo nhân lực ngành
y tế và hướng dẫn tổ chức thực hiện;
b) Xây dựng và ban hành tiêu
chuẩn năng lực nghề nghiệp y tế làm cơ sở xây dựng và phát triển chuẩn chương
trình đào tạo, chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo nhân lực y tế; phối hợp với
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện xây dựng
chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của từng ngành, từng trình độ đào tạo
nhân lực y tế;
c) Xây dựng và ban hành các điều
kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra đối với đào tạo chuyên khoa đặc thù
ngành y tế và đào tạo liên tục nguồn nhân lực y tế;
d) Quản lý đào tạo chuyên
khoa đặc thù và đào tạo liên tục nguồn nhân lực y tế theo quy định của pháp luật;
đ) Hướng dẫn, kiểm tra, đánh
giá theo thẩm quyền việc thực hiện các quy định của pháp luật trong đào tạo nguồn
nhân lực y tế; kiểm tra, rà soát việc bảo đảm yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực
hành đối với cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục trong đào tạo khối ngành sức khỏe;
e) Quy định, hướng dẫn tổ chức
thực hiện việc thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y tế theo quy
định của pháp luật.
16. Về khoa học, công nghệ
trong lĩnh vực y tế:
a) Xây dựng, trình cấp có thẩm
quyền ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch nghiên cứu khoa học,
phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản
lý nhà nước của Bộ Y tế;
b) Quản lý, hướng dẫn, tổ chức
thực hiện các nghiên cứu y sinh học trên đối tượng con người;
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc
thực hiện các quy định của pháp luật trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học
và công nghệ; chuyển giao công nghệ và phổ biến, ứng dụng các kết quả nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ
Y tế; quản lý, sử dụng nguồn lực khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực được phân
công phụ trách;
d) Tổ chức thực hiện quy định
của pháp luật về sở hữu trí tuệ, hoạt động sáng kiến thuộc phạm vi quản lý của
Bộ Y tế;
đ) Quản lý việc xây dựng và
ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp
luật; hướng dẫn, theo dõi, quản lý việc phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia,
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực y tế;
e) Tổ chức thực hiện hiệp định
về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) thuộc lĩnh vực y tế.
17. Về công nghệ thông tin:
a) Xây dựng, ban hành hoặc
trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về ứng dụng, phát triển
công nghệ thông tin, an toàn thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế;
b) Xây dựng, ban hành hoặc
trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật, tiêu
chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ứng dụng, phát triển công nghệ
thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và bảo đảm an ninh, an toàn thông
tin y tế trên môi trường mạng;
c) Xây dựng, duy trì, cập nhật,
tổ chức thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Y tế hướng tới Chính phủ số;
xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông
tin y tế và cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, các hệ thống thông tin y tế; quản
lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số y tế theo quy định của pháp luật;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức
triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, quy định,
quy trình kỹ thuật trong ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng trí
tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, bảo đảm an ninh mạng, an toàn
hệ thống thông tin y tế trên phạm vi toàn quốc theo quy định của pháp luật.
18. Xây dựng chương trình, kế
hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện công
tác truyền thông, giáo dục sức khỏe và công tác cung cấp thông tin hoạt động
ngành y tế.
19. Quản lý nhà nước các dịch
vụ công trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định
của pháp luật; xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm
quyền cơ chế, chính sách về cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực
y tế; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự
nghiệp y tế do Nhà nước quản lý; quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch
vụ sự nghiệp y tế; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự
nghiệp y tế và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
20. Chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan phòng, chống, cấp cứu và điều trị nạn nhân trong thiên
tai, thảm họa.
21. Xây dựng kế hoạch và tổ
chức thực hiện dự trữ quốc gia về thuốc, hóa chất, trang thiết
bị y tế, phương tiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai thảm họa theo danh mục
dự trữ quốc gia đã được Chính phủ quyết định và theo các quy định của pháp luật.
22. Quản lý hội, tổ chức phi
Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo
quy định của pháp luật.
23. Xây dựng và chỉ đạo thực
hiện kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Y tế theo mục tiêu và nội dung của
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ.
24. Quản lý về tổ chức bộ
máy, biên chế công chức, số lượng viên chức, vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công
chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quyết định luân chuyển, điều
động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thôi giữ
chức vụ, từ chức, cách chức,
biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu; thực hiện chế độ tiền
lương và các chính sách đãi ngộ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ theo quy định
của pháp luật.
25. Thực hiện hợp tác quốc tế
về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
26. Quản lý tài chính, tài sản
được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật;
quản lý Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá theo quy định của pháp luật.
27. Thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện các quy định của pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị
liên quan đến các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện
phòng, chống tham nhũng và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực
thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
28. Xây dựng, ban hành hệ thống
chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê của ngành y tế theo quy định của
pháp luật; tổ chức thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý và lưu trữ thông tin
thống kê ngành y tế; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ngành y tế.
29. Thực hiện các nhiệm vụ,
quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp
luật.
Điều 3.
Cơ cấu tổ chức
1. Vụ Bảo hiểm y tế.
2. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ
em.
3. Vụ Tổ chức cán bộ.
4. Vụ Kế hoạch - Tài chính.
5. Vụ Pháp chế.
6. Vụ Hợp tác quốc tế.
7. Văn phòng Bộ.
8. Thanh tra Bộ.
9. Cục Khoa học công nghệ và
Đào tạo.
10. Cục Y tế dự phòng.
11. Cục Phòng, chống
HIV/AIDS.
12. Cục Quản lý Môi trường y
tế.
13. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
14. Cục Quản lý Y, Dược cổ
truyền.
15. Cục Quản lý Dược.
16. Cục An toàn thực phẩm.
17. Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết
bị y tế.
18. Cục Dân số.
19. Viện Chiến lược và Chính
sách y tế.
20. Trung tâm Thông tin y tế
Quốc gia.
21. Báo Sức khỏe và Đời sống.
Các tổ chức quy định từ khoản
1 đến khoản 18 Điều này là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản
lý nhà nước, các tổ chức quy định từ khoản 19 đến khoản 21 Điều này là các đơn
vị sự nghiệp trực thuộc, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Vụ Kế hoạch - Tài chính có 5
phòng.
Bộ trưởng Bộ Y tế trình Thủ
tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc Bộ Y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc Bộ.
Điều 4.
Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực
thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2022.
Nghị định này thay thế Nghị
định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Tổng cục Dân số, Vụ Trang
thiết bị và Công trình y tế, Cục Công nghệ thông tin, Tạp chí Y Dược học tiếp tục
thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo các quy định hiện
hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dân số, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Trung
tâm Thông tin y tế Quốc gia thuộc Bộ Y tế.
Điều 5.
Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2b).
|
TM. CHÍNH
PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Bình Minh
|