Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 38/QĐ-TTg 2021 Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu

Số hiệu: 38/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Bình Minh
Ngày ban hành: 12/01/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

07 cải cách trong kiểm tra chất lượng, ATTP hàng hóa nhập khẩu

Thủ tướng ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hoá nhập khẩu (Đề án).

Theo đó, Đề án đề ra 07 nội dung cải cách bao gồm:

- Cải cách 1: Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu.

- Cải cách 2: Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm) cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra.

- Cải cách 3: Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu.

- Cải cách 4: Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.

-  Cải cách 5: Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước, nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.

- Cải cách 6: Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

- Cải cách 7: Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.

Xem chi tiết 07 nội dung cải cách tại Quyết định 38/QĐ-TTg (có hiệu lực kể từ ngày 12/01/2021).

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CẢI CÁCH MÔ HÌNH KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG, KIỂM TRA AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 99/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2019 ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi, đối tượng của Đề án

a) Phạm vi của Đề án

Phạm vi của Đề án bao gồm hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, trừ các hàng hóa sau:

- Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra, quản lý liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch, văn hóa...;

- Hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;

- Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng sau khi hàng hóa đã thông quan, hoặc hàng hóa thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định việc kiểm tra thực hiện thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy của người nhập khẩu theo biện pháp: (i) kết quả tự đánh giá phù hợp của tổ chức, cá nhân; (ii) kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật (biện pháp 2a, 2b theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).

Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng sau thông quan, trường hợp doanh nghiệp không áp dụng quy trình thủ tục kiểm tra chất lượng theo mô hình mới tại Đề án thì được lựa chọn áp dụng kiểm tra sau thông quan.

b) Đối tượng của Đề án

- Bộ quản lý ngành, lĩnh vực được phân công thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm.

- Cơ quan hải quan.

- Tổ chức, cá nhân thực hiện nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

- Tổ chức đánh giá sự phù hợp.

- Đại lý làm thủ tục hải quan.

- Các tổ chức, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

2. Mục tiêu và nguyên tắc của Đề án

a) Mục tiêu

- Mục tiêu chung: Đề án nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức;

+ Cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu;

+ Tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng;

+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế;

+ Tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).

b) Nguyên tắc

- Tuân thủ đúng theo quy định của các Luật: Hải quan; Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; An toàn thực phẩm; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Chăn nuôi; Trồng trọt; Thủy sản; Quản lý ngoại thương.

- Bám sát các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiều năm qua về cải cách toàn diện công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu; cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực về chất lượng của hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.

- Kế thừa các quy định đã được triển khai thực hiện tốt tại các Nghị định: 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; 85/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và áp dụng thống nhất cho hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thông qua tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

- Ứng dụng tối đa các hệ thống công nghệ thông tin hiện có để đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra và đảm bảo minh bạch thông tin.

- Đảm bảo áp dụng đầy đủ, hiệu quả các phương pháp kiểm tra tiên tiến như truy xuất nguồn gốc, quản lý rủi ro, phù hợp với thông lệ quốc tế, Công ước/Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

3. Nội dung cải cách của Đề án

a) Cải cách 1: Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

Cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, cụ thể như sau:

- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu;

- Quyết định phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm);

- Thực hiện kiểm tra hồ sơ;

- Trường hợp hàng hóa phải lấy mẫu để chứng nhận hợp quy/giám định thì thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định tại tổ chức chứng nhận/giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định theo lựa chọn của người khai hải quan. Các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được thực hiện chứng nhận hợp quy/giám định khi có bộ máy tổ chức và năng lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp, được công nhận hoạt động theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định.

- Khi xác định hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, về an toàn thực phẩm, cơ quan hải quan dừng thông quan hàng hóa và thông báo cho các cơ quan, tổ chức liên quan để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.

Kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan là cơ sở để người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan. Trường hợp không nhất trí với kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan, người khai hải quan thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

b) Cải cách 2: Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra

- Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra đối với lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra, cụ thể:

+ Phương thức kiểm tra chặt: Là việc kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm;

+ Phương thức kiểm tra thông thường: Là việc kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm;

+ Phương thức kiểm tra giảm: Là việc kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm của năm liền kề trước đó.

- Chuyển đổi phương thức kiểm tra: Hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt được chuyển sang phương thức kiểm tra thông thường; hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm. Doanh nghiệp không phải gửi văn bản yêu cầu để được áp dụng kiểm tra giảm mà hệ thống công nghệ thông tin và cơ quan kiểm tra nhà nước tự động xác định hàng hóa được miễn giảm kiểm tra. Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra phụ thuộc vào mức độ rủi ro, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa nhập khẩu (ví dụ, đối với hàng hóa có độ rủi ro cao như vật liệu nổ, thuốc thú y... phải kiểm tra chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa).

Bộ Tài chính thống nhất với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để xác định cụ thể các mặt hàng cần kiểm soát đặc biệt để áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra phù hợp trong quá trình xây dựng Nghị định quy định chi tiết quy trình, thủ tục kiểm tra.

c) Cải cách 3: Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

- Cơ quan hải quan thực hiện đồng thời thủ tục nhập khẩu hàng hóa và thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, doanh nghiệp chỉ thực hiện với một đầu mối là cơ quan hải quan.

- Hàng hóa nhập khẩu được phân loại vào các quy trình kiểm tra khác nhau dựa trên các phương thức kiểm tra theo hướng đơn giản dần trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ thông tin.

- Hệ thống tự động quyết định đối tượng được miễn, giảm kiểm tra, doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn, giảm kiểm tra.

- Cắt giảm trình tự, thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa (cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình kiểm tra chất lượng, cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm).

d) Cải cách 4: Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra

Áp dụng phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm thực hiện đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu để cắt giảm một số bước kiểm tra không cần thiết và cắt giảm tỷ lệ kiểm tra đối với cùng một mặt hàng. Người nhập khẩu chịu trách nhiệm với lô hàng nhập khẩu và sẽ bị xử lý theo quy định nếu hàng hóa không đạt chất lượng.

đ) Cải cách 5: Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp

Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm:

- Đánh giá theo tiêu chí lựa chọn đối với nhà xuất khẩu, nhà sản xuất ở nước ngoài;

- Đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp;

- Xây dựng Danh mục hàng hóa rủi ro của từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành;

- Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp cung cấp cho cơ quan hải quan các thông tin rủi ro để thực hiện áp dụng quản lý rủi ro “tích hợp” trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm;

- Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc ngẫu nhiên (không quá 5%) để đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

e) Cải cách 6: Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm

Áp dụng thống nhất các trường hợp miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực thẩm trên cơ sở tổng hợp các trường hợp miễn kiểm tra tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP , Nghị định số 74/2018/NĐ-CP , Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ; bổ sung, mở rộng một số trường hợp miễn phù hợp với thực tiễn; công nhận, thừa nhận hàng hóa đã được kiểm tra tại nguồn, hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao. Các trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm gồm:

(1) Tài sản di chuyển của tổ chức cá nhân trong định mức miễn thuế; quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế;

(2) Hàng hóa nhập khẩu trong định lượng miễn thuế theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác và sinh hoạt của cá nhân/tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao;

(3) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, từ nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài;

(4) Hàng hóa là mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng, hàng mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân;

(5) Hàng hóa tạm nhập để trưng bày hội chợ, triển lãm;

(6) Hàng hóa tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế;

(7) Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới trong định mức miễn thuế;

(8) Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

(9) Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ;

(10) Hàng nhập khẩu để sửa chữa, tái chế;

(11) Hàng nhập khẩu chuyên dùng cho mục đích an ninh, quốc phòng;

(12) Hàng hóa đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm);

(13) Hàng hóa là sản phẩm, nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu;

(14) Hàng hóa là sản phẩm, nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất của người nhập khẩu;

(15) Hàng hóa nhập khẩu là hàng đơn lẻ để bảo hành, thay thế; hàng hóa là bộ phận của dây chuyền thiết bị đồng bộ;

(16) Hàng hóa nhập khẩu từ nhà sản xuất đã được cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam kiểm tra tại nguồn, do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố theo từng thời kỳ;

(17) Hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao thể hiện qua các nhãn chất lượng (ví dụ: hàng hóa được gắn nhãn CE, KC, FDA...) do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố theo từng thời kỳ;

(18) Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

(19) Hàng hóa nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).

g) Cải cách 7: Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới

- Kế thừa lại phần thiết kế các chức năng xử lý dữ liệu thuộc hệ thống xử lý chuyên ngành và chuyển luồng dữ liệu từ Cổng thông tin một cửa quốc gia trực tiếp tới hệ thống thông quan hải quan, các hệ thống chuyên ngành tiếp tục chia sẻ thông tin hiện có và chia sẻ thêm thông tin thông quan từ phía cơ quan hải quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

- Nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro để bổ sung các tính năng mới (Hỗ trợ doanh nghiệp xác định hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn/quy chuẩn áp dụng đối với hàng hóa; kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; phân luồng kiểm tra chuyên ngành kết hợp với phân luồng kiểm tra hải quan; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan; lấy mẫu, giao nhận mẫu và quản lý mẫu...)

4. Nội dung mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

Hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo mô hình mới được thực hiện tại bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc cơ quan hải quan theo lựa chọn của tổ chức, doanh nghiệp. Trường hợp thực hiện tại cơ quan hải quan, cơ quan hải quan giải quyết đồng thời thủ tục hải quan và thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

a) Mô hình mới về kiểm tra chất lượng

- Phương thức kiểm tra:

Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được thực hiện theo 03 phương thức sau:

+ Phương thức kiểm tra chặt: Áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau:

(i) Hàng hóa chưa có chứng nhận hợp quy;

(ii) Hàng hóa không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó;

(iii) Hàng hóa không đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra (nếu có);

(iv) Có cảnh báo của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất.

+ Phương thức kiểm tra thông thường: Áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau:

(i) Hàng hóa đã có chứng nhận hợp quy;

(ii) Hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt.

+ Phương thức kiểm tra giảm: Áp dụng đối hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường.

Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ chặt sang thông thường, từ thông thường sang giảm) áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được áp dụng trong thời hạn nhất định.

- Cơ quan kiểm tra:

Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được thực hiện kiểm tra chất lượng tại bộ quản lý ngành, lĩnh vực và cơ quan hải quan, cụ thể như sau:

+ Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt và kiểm tra thông thường, cụ thể như sau:

(i) Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra chặt, bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện kiểm tra chất lượng theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng;

(2) Đề nghị tổ chức chứng nhận/giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định thực hiện chứng nhận/giám định (cơ quan/tổ chức này do doanh nghiệp lựa chọn và thông báo cho bộ quản lý ngành, lĩnh vực);

(3) Kiểm tra chứng nhận hợp quy/kết quả giám định;

(4) Ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng;

(5) Chuyển kết quả kiểm tra chất lượng cho cơ quan hải quan để thông quan.

(ii) Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện kiểm tra chất lượng theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng;

(2) Kiểm tra chứng nhận hợp quy/kết quả giám định;

(3) Ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng;

(4) Chuyển kết quả kiểm tra chất lượng cho cơ quan hải quan để thông quan.

+ Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm, cụ thể như sau:

(i) Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra chặt, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kèm hồ sơ hải quan;

(2) Đề nghị tổ chức chứng nhận/giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định thực hiện chứng nhận/giám định (cơ quan/tổ chức này do doanh nghiệp lựa chọn và thông báo cho cơ quan hải quan);

(3) Kiểm tra chứng nhận hợp quy/kết quả giám định;

(4) Ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng và thông quan.

(ii) Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kèm hồ sơ hải quan;

(2) Kiểm tra chứng nhận hợp quy/kết quả giám định;

(3) Ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng và thông quan.

(iii) Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra giảm, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kèm hồ sơ hải quan;

(2) Kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong vòng 12 tháng;

(3) Ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng và thông quan.

b) Mô hình mới về kiểm tra an toàn thực phẩm

- Phương thức kiểm tra:

Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện theo 03 phương thức sau:

+ Phương thức kiểm tra chặt: Áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau:

(i) Hàng hóa không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó;

(ii) Hàng hóa không đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra (nếu có);

(iii) Có cảnh báo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất.

+ Phương thức kiểm tra thông thường: Áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau:

(i) Không thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt và phương thức kiểm tra giảm;

(ii) Đã có 03 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt.

+ Phương thức kiểm tra giảm: Áp dụng đối hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đã ký kết Điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm mà Việt Nam là thành viên; có kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đối với lô hàng, mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam;

(ii) Đã có 03 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường;

(iii) Được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương.

Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ chặt sang thông thường, từ thông thường sang giảm) áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được áp dụng trong thời hạn nhất định.

- Cơ quan kiểm tra:

Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao/chỉ định (sau đây gọi tắt là cơ quan được bộ giao/chỉ định) và cơ quan hải quan, cụ thể như sau:

+ Cơ quan được bộ giao/chỉ định thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt và kiểm tra thông thường, cụ thể như sau:

(i) Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra chặt, cơ quan được bộ giao/chỉ định thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm;

(2) Kiểm tra hồ sơ; lấy mẫu, kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm;

(3) Ra thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm;

(4) Chuyển kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm cho cơ quan hải quan để thông quan.

(ii) Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, cơ quan được bộ giao/chỉ định thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm;

(2) Kiểm tra hồ sơ an toàn thực phẩm;

(3) Ra thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm;

(4) Chuyển kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm cho cơ quan hải quan để thông quan.

+ Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm, cụ thể như sau:

(i) Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra chặt, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm;

(2) Kiểm tra hồ sơ; đề nghị tổ chức chứng nhận/giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao/chỉ định thực hiện lấy mẫu, kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm (cơ quan/tổ chức này do doanh nghiệp lựa chọn và thông báo cho cơ quan hải quan);

(3) Ra thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan.

(ii) Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm;

(2) Kiểm tra hồ sơ an toàn thực phẩm;

(3) Ra thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan.

(iii) Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra giảm, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo trình tự, thủ tục như sau:

(1) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm;

(2) Kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong vòng 12 tháng;

(3) Ra thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan.

5. Các giải pháp triển khai mô hình mới

a) Giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp lý

Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện phương án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

b) Giải pháp về hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin

Nâng cấp, bổ sung một số chức năng của hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu sau:

- Tự động xác định đối tượng hàng hóa thuộc hoặc không thuộc diện miễn kiểm tra; được áp dụng hoặc không được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường trên cơ sở các nguyên tắc kiểm tra được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật;

- Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu, với những thông tin cơ bản bao gồm: hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; tờ khai hải quan; kết quả đánh giá sự phù hợp; kết quả kiểm tra của các cơ quan kiểm tra; danh mục các mặt hàng phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; thông tin liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp trong quá trình hậu kiểm;

- Công khai, minh bạch các thông tin về chất lượng hàng hóa với những thông tin cơ bản sau: danh mục các mặt hàng phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra; danh sách hàng hóa được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường, từ đó xác định hàng hóa không đủ điều kiện để được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường mà phải áp dụng phương thức kiểm tra chặt;

- Tích hợp Hệ thống thông quan tự động hải quan với Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, trong đó:

+ Kế thừa phần thiết kế các chức năng xử lý dữ liệu thuộc hệ thống xử lý chuyên ngành và chuyển luồng dữ liệu từ Cổng thông tin một cửa quốc gia trực tiếp tới hệ thống thông quan hải quan, các hệ thống chuyên ngành tiếp tục chia sẻ thông tin hiện có và chia sẻ thêm thông tin thông quan từ phía cơ quan hải quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành;

+ Nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro để bổ sung các tính năng mới (Kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; phân luồng kiểm tra chuyên ngành kết hợp với phân luồng kiểm tra hải quan; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan...).

c) Giải pháp về nguồn lực thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

- Nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ quan hải quan:

+ Cơ cấu, tổ chức lại nhân lực của cơ quan hải quan để thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu;

+ Phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đào tạo, hướng dẫn cho công chức hải quan để đảm bảo chuyên môn thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu;

+ Chuẩn hóa quy trình, thủ tục, trang bị bổ sung máy móc, thiết bị của cơ quan hải quan để đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định:

+ Rà soát, chuẩn hóa năng lực, quy trình nghiệp vụ của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định;

+ Tăng cường năng lực của các đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm định, phân tích, giám định,... của cơ quan hải quan đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp, được công nhận hoạt động, chỉ định để tham gia thực hiện chứng nhận/giám định hàng hóa.

d) Giải pháp về hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

- Hoàn thiện cơ chế áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

- Xây dựng, nâng cấp các chức năng của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, đối với hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

đ) Giải pháp tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan

Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tăng cường cảnh báo đối với hàng hóa có rủi ro, nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm, kịp thời thông báo cho cơ quan hải quan để ngăn chặn, phòng ngừa ngay tại cửa khẩu. Đồng thời thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, trung tâm quản lý rủi ro liên ngành, thông tin về việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trước thông quan được công khai minh bạch để các cơ quan kiểm tra thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa.

6. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực được giao tại Đề án được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

Kinh phí đảm bảo cho việc xây dựng, hệ thống thông tin để kết nối trên Cổng thông tin một cửa quốc gia của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.

7. Tổ chức thực hiện

a) Giao Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) nhiệm vụ chỉ đạo triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, cụ thể các nhiệm vụ sau:

- Chỉ đạo rà soát các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thuộc quản lý của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để cắt giảm và khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo trong quản lý và kiểm tra giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực;

- Chỉ đạo các bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát, xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành như các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định; chỉ đạo xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để làm cơ sở pháp lý triển khai các nội dung cơ bản cải cách trong Đề án;

- Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu;

- Chỉ đạo đánh giá, báo cáo công tác triển khai hàng quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan; đánh giá kết quả, tác động của Đề án sau khi tổ chức thực hiện giai đoạn 1, báo cáo Chính phủ và đề xuất giải pháp thực hiện tiếp theo.

b) Thành lập Tổ triển khai thực hiện Đề án

- Thành phần:

+ Tổ trưởng: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

+ Thành viên: đại diện lãnh đạo cấp tổng cục, vụ, cục thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

- Nhiệm vụ:

+ Tổ chức, triển khai Đề án theo đúng các mục tiêu Đề án, đảm bảo hiệu quả và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;

+ Tham mưu xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền Nghị định và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai Đề án;

+ Xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu;

+ Xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan và các cơ quan kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của bộ quản lý ngành, lĩnh vực;

+ Xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN để đảm bảo thông tin trên hệ thống được minh bạch đầy đủ. Công khai kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, công bố danh sách hàng hóa, nhà nhập khẩu được chuyển đổi phương thức kiểm tra trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;

+ Bố trí nguồn lực để thực hiện việc kiểm tra chất lượng, việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu;

+ Xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo mô hình mới;

+ Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hiện đại, điều kiện làm việc và nguồn lực tương xứng với nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu tại các cửa khẩu;

+ Phân công nhiệm vụ cụ thể khác cho các thành viên và các đơn vị có liên quan;

+ Chịu trách nhiệm và báo cáo Ủy ban 1899.

c) Phân công nhiệm vụ và phối hợp thực hiện

- Bộ Tài chính:

+ Xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án;

+ Chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan: Tổ chức thực hiện Đề án; giám sát việc triển khai thực hiện Đề án;

+ Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu;

+ Chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương tổng hợp, đánh giá hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu theo mô hình mới từ năm 2021 đến năm 2023, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất sửa đổi các Luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm trên cơ sở thông lệ quốc tế tốt nhất;

+ Đầu tư trang thiết bị, máy móc và nhân lực cho đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp, được công nhận hoạt động theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thực hiện hoạt động giám định/chứng nhận hàng hóa nhập khẩu theo quy định;

+ Thông báo cho bộ quản lý ngành, lĩnh vực về các trường hợp cơ quan hải quan phát hiện kết quả chứng nhận/giám định của tổ chức chứng nhận/giám định không phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

- Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực:

+ Xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án;

+ Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện của tổ chức chứng nhận/giám định theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

+ Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Đề án ở các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương mình;

+ Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng, về an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu; xây dựng chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa;

+ Phối hợp với Bộ Tài chính: Triển khai thực hiện Đề án; triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để chia sẻ, tích hợp thông tin giữa các bên tham gia về chất lượng, an toàn thực phẩm và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những lô hàng nhập khẩu không đạt chất lượng, an toàn thực phẩm; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu;

+ Ban hành và công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia: Danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm kèm mã HS ở cấp độ chi tiết nhất; tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục;

+ Chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp/giám định và các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan có đủ năng lực thực hiện chứng nhận/giám định theo quy định;

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của các cơ quan liên quan, tổ chức và doanh nghiệp....;

+ Nghiên cứu, áp dụng truy xuất nguồn gốc, kiểm tra tại nguồn; áp dụng việc thừa nhận, công nhận chất lượng của những mặt hàng nhập khẩu được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao để giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra.

8. Lộ trình thực hiện

a) Giai đoạn 1: Từ năm 2020 đến năm 2023

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu trong quý II năm 2021.

- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

- Đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn 2.

b) Giai đoạn 2: Từ năm 2023 đến năm 2026

Rà soát, sửa đổi bổ sung các luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KSTT(2b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Bình Minh

THE PRIME MINISTER
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence-Freedom-Happiness
-----------------

No.: 38/QD-TTg

Hanoi, January 12, 2021

 

DECISION

APPROVING PROJECT ON REFORM OF QUALITY AND FOOD SAFETY INSPECTION MODEL FOR IMPORTED GOODS

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015 and the Law on Amendments to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Resolution No. 19/NQ-CP in 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 on solutions for improving business environment and enhancing national competitiveness;

Pursuant to the Government’s Resolution No. 01/NQ-CP dated January 01, 2019 on main tasks and solutions for implementing the Social - economic development plan and the State budget estimate in 2019;

Pursuant to the Resolution No. 02/NQ-CP dated January 01, 2020 on main tasks and solutions for improving business environment and enhancing national competitiveness in 2020;

Pursuant to the Resolution No. 99/NQ-CP dated November 13, 2019 on the Government’s Regular Meeting in October, 2019;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



HEREBY DECIDES:

Article 1. The Project on “Reform of quality and food safety inspection model for imported goods” (hereinafter referred to as “Project”) is hereby given approval and consists of the following primary contents:

1. Scope and entities of the Project

a) Scope

This Project applies to the quality and food safety inspection of imported goods at border checkpoints, except the following goods:

- Goods subject to inspection and management in the fields of security, national defense, quarantine, culture, etc.;

- Goods subject to both quarantine and other specialized inspection under the management of the Ministry of Agriculture and Rural Development;

- Goods on the List of goods subject to state quality inspection of imported goods after customs clearance, or goods subject to state quality inspection which, as regulated by the supervisory ministry, is performed by consideration of the importer’s declaration of conformity according to: (i) conformity self-assessment results; (ii) certification/inspection results given by the certification/inspection body registered or accredited in accordance with regulations of law (methods 2a, 2b prescribed in Clause 3 Article 1 of the Government’s Decree No. 74/2018/ND-CP dated May 15, 2018 amending Clause 2 Article 7 of the Government’s Decree No. 132/2008/ND-CP dated December 31, 2008 providing guidelines for the Law on quality of goods and products).

With regard to imported goods on the List of goods subject to state quality inspection of imported goods after customs clearance, importers are entitled to apply either quality inspection procedures under the new model in the Project or post-clearance inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Supervisory ministries that are assigned to perform state management of quality of goods and products, and safety of foods.

- Customs authorities.

- Importers of goods subject to quality and food safety inspection.

- Conformity assessment bodies.

- Customs brokerage agents.

- Other entities that have rights and obligations involved in the import of goods subject to quality and food safety inspection.

2. Objectives and rules of the Project

a) Objectives

- General objectives: The Project will facilitate enterprises; protect legitimate rights and benefits of traders and consumers; improve efficiency of quality and food safety inspection of imported goods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+ Carry out a comprehensive reform of regulations on quality and food safety inspection of imported goods towards promotion of application of information technology, risk management, simplification of procedures for quality and food safety inspection of imported goods, and reduction of contact points between enterprises, agencies and organizations;

+ Reduce costs and time for clearance of imported goods;

+ Create environment and conditions necessary for private sector involvement in quality and food safety inspection; properly protect the domestic production, environmental protection, community interests and health;

+ Improve effectiveness and efficiency of quality and food safety inspection of imported goods with the aims of ensuring strict and lawful management of imported goods and contributing to the guarantee of the national and economic security;

+ Re-organize the quality and food safety inspection model for imported goods towards simplification, efficiency and reasonable, clear and transparent assignment of tasks between parties (including supervisory ministries, customs authorities and designated conformity assessment bodies).

b) Rules

- Strictly comply with regulations of the Law on customs, the Law on quality of goods and products, the Law on food safety, the Law on technical regulations and standards, the Law on animal husbandry, the Law on crop production, the Law on fisheries, and the Law on foreign trade management.

- Comply with the Government’s and the Prime Minister’s directions and orientations given in the past years on comprehensive reform of specialized management and inspection of imported goods; actual reform of specialized inspection of imported goods in order to facilitate enterprises while ensuring the efficiency of state management performed by supervisory ministries of quality of imported goods, protecting people life and health, and protecting environment, economic and national security.

- Inherit effectively implemented regulations of Decree No. 15/2018/ND-CP dated February 02, 2018, Decree No. 74/2018/ND-CP dated May 15, 2018, Decree No. 85/2019/ND-CP dated November 14, 2019, and Decree No. 17/2020/ND-CP dated February 05, 2020, and consistently apply them to goods subject to quality and food safety inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Take the full advantage of existing IT systems for simplifying and modernizing inspection procedures, and ensuring information transparency.

- Ensure adequate and effective application of advanced inspection methods such as origin tracing and risk management in conformity with international practices, international conventions/agreements to which Vietnam is a signatory.

3. Reform contents of the Project

a) Reform 1: Assign customs authorities to play leading roles in quality and food safety inspection of imported goods

Customs authorities play the leading roles in quality and food safety inspection of imported goods at border checkpoints. To be specific:

- Receive applications for quality and food safety inspection of imported goods;

- Decide inspection methods (tightened inspection, normal inspection or reduced inspection);

- Check received applications;

- If samples are required to serve conformity certification/inspection, carry out conformity certification/inspection at certification/inspection bodies or units of customs authorities designated by supervisory ministries at the request of customs declarants. Units of customs authorities may carry out conformity certification/inspection when they have organizational structure and capacity meeting national/international standards for conformity certification bodies, are accredited according to the Law on technical regulations and standards, and designated by supervisory ministries.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Quality and food safety inspection results given by customs authorities are used as the basis for declarants to follow customs procedures. If disagreeing with quality and food safety inspection results given by customs authorities, declarants may make complaints or file lawsuits in accordance with regulations of law.

b) Reform 2: Uniformly apply all of 3 methods for both quality and food safety inspections in order to decrease the number of import shipments subject to inspection

- Uniformly apply all of 3 methods for quality and food safety inspections in order to decrease the number of import shipments subject to inspection. To be specific:

+ Tightened inspection means the combination of documentation examination and sampling for certification, inspection and testing;

+ Normal inspection means the inspection of an application for quality and food safety inspection;

+ Reduced inspection means the random inspection of documents of not exceeding 5% of total import shipments subject to the reduced inspection in the previous year.

- Conversion of inspection method: If goods are satisfactory after at least 03 consecutive tightened inspections, normal inspection may be applied. The reduced inspection shall be applied after goods are satisfactory after at least 03 consecutive normal inspections. Enterprises must not submit the written request for application of reduced inspection, the IT system and inspecting authority shall automatically determine goods subject to reduced or exempted inspection. The application and conversion of inspection methods shall depend on the level of risks and the possibility to cause unsafe situations by imported goods (e.g. goods with high level of risks such as explosives, veterinary drugs, etc. must bear tightened inspection to ensure quality of goods).

The Ministry of Finance shall reach an agreement with supervisory ministries on determination of specific goods requiring special control for properly applying and converting inspection methods during the formulation of Decree providing detailed regulations on inspection procedures.

c) Reform 3: Simplifying quality and food safety inspection procedures for imported goods

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Imported goods are classified into different inspection procedures based on inspection methods towards simplification by means of applying information technology.

- Goods eligible for exempted or reduced inspection shall be automatically determined by the system. Enterprises are not required to apply for exemption or reduction of inspection.

- Reduce procedures and time for clearance of imported goods (10-step procedures for quality inspection are reduced by 3 steps; 5-step procedures for food safety inspection are reduced by 2 steps).

d) Reform 4: Carry out commodity-specific inspection in order to decrease the number of shipments subject to inspection

Apply inspection methods, and convert from the tightened inspection into normal inspection and from normal inspection into reduced inspection for the like goods irrespective of their importers for reducing certain unnecessary inspection steps and inspection percentage of the same product. Importers are responsible for their import shipments and will face penalties as prescribed for unsatisfactory goods.

dd) Reform 5: Fully and substantially apply the principles of management risks arising from quality and food safety inspections of imported goods in order to ensure the roles of state management and improve enterprises’ compliance

Fully and substantially apply the principles of management of risks arising from quality and food safety inspections of imported goods, including:

- Assess foreign exporters and manufacturers according to selection criteria;

- Assess the compliance with law by enterprises;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Supervisory ministries shall cooperate to provide for customs authorities with risk-related information for applying risk manage “integrated” with quality and food safety inspection;

- Customs authorities shall carry out quality and food safety inspections if detecting any signs of violation or at random (but not exceeding 5%) for assessing declarants’ compliance with law.

e) Reform 6: Add more cases of exemption from quality and food safety inspection requirements

Consistently apply cases of exemption from quality and food safety inspection requirements on the basis of consolidating cases of inspection exemption in Decree No. 15/2018/ND-CP, Decree No. 74/2018/ND-CP and Decree No. 85/2019/ND-CP; add new cases of inspection exemption in conformity with actual conditions; recognize, accredit goods which have been inspected at source, goods manufactured by adopting advanced technologies and originating from countries/territories in which goods meet high quality standards. Cases where the quality and food safety inspections are exempted:

(1) Personal belongings of entities within tax-free allowance; gifts within tax-free allowance imported in accordance with regulations of the Law on taxation;

(2) Goods imported within tax-free quantity as prescribed by law to serve working and daily activities of foreign entities granted diplomatic immunity;

(3) Goods in transit, transshipped, temporarily imported or exported, or sent to bonded warehouses for exporting;

(4) Samples for advertising purpose only; samples serving testing or research whose import quantity is appropriate for such testing or research purpose with entities' certification;

(5) Temporarily imported goods for displaying at a trade fair or exhibition;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(7) Goods exchanged by border residents within tax-free allowance;

(8) Goods imported through postal or express delivery services whose customs values are eligible for tax exemption in accordance with regulations of the Law on taxation;

(9) Goods imported on the spot;

(10) Goods imported for repair or recycling;

(11) Goods imported to serve national defense and security purposes;

(12) Goods granted certificate of registered product declaration (with respect to goods subject to food safety inspection);

(13) Products, materials or components imported for production or processing of exported goods;

(14) Products, materials or components imported to directly serve importers’ production;

(15) LCL goods imported for warranty or replacement; imported goods which are parts of an integrated equipment/line;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 (17) Goods which are manufactured by adopting advanced technologies and originating from countries/territories in which goods meet high quality standards according to quality marks (e.g. goods labeled with CE, KC, FDA...) as announced by supervisory ministries in each period;

(18) Goods imported to serve emergency demands according to the Government’s or Prime Minister’s directives;

(19) Other imported goods as prescribed by specialized laws (if any).

g) Reform 7: Apply information technology systems to put new inspection model into use

- Inherit designs of data processing functions of specialized processing systems, and change data flows from the National single-window portal to customs clearance systems and specialized systems for sharing existing information and other information from customs authorities to serve the performance of state management by supervisory ministries.

- Upgrade the National single-window portal, automatic customs clearance system and risk management system for adding new functions (Assist enterprises in determining goods subject to specialized inspections; assist enterprises in declaring national regulations/standards applicable to goods; connect and share documents/data to relevant parties; assign lanes for specialized inspections in combination with customs inspection; provide instructions for enterprises to follow specialized inspections in combination with customs inspection; take, deliver and manage samples, etc.).

4. Contents of the new quality and food safety inspection model for imported goods

Quality and food safety inspections for imported goods under the new model shall be carried out at supervisory ministries or customs authorities according to the selection of organizations and enterprises. If quality and food safety inspections are carried out at the customs authorities, the customs authorities shall carry out customs procedures and quality and food safety inspection procedures at the same time.

a) New quality inspection model

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Imported goods subject to quality inspection shall be inspected by adopting 03 inspection methods as follows:

+ Tightened inspection: Tightened inspection shall be carried out in one of the following cases:

(i) Goods are not yet granted conformity certification;

(ii) Goods do not meet imported requirements in the previous inspection;

(iii) Goods do not meet requirements in inspections (if any);

(iv) Goods are given warning by supervisory ministries, provincial People’s Committees or foreign competent authorities or manufacturers.

+ Normal inspection: Normal inspection shall be carried out in one of the following cases:

(i) Goods have been granted conformity certification;

(ii) Goods meet import requirements in 03 consecutive tightened inspections within the last 12 months.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Application and conversion of inspection methods (from tightened inspection to normal inspection, and from normal inspection to reduced inspection) shall be applied to the like goods irrespective of importers. Conversion of inspection methods shall be applied for a given period.

- Inspecting authorities:

Quality inspections of imported goods which are subject to quality inspection shall be carried out at supervisory ministries and customs authorities. To be specific:

+ Supervisory ministries shall carry out quality inspections of imported goods which are subject to tightened inspection and normal inspection. To be specific:

(i) With regard to imported goods subject to tightened inspection, supervisory ministries shall carry out the quality inspection according to the following procedures:

(1) Receive the application for quality inspection;

(2) Request the certification/inspection body or unit of the customs authority designated by the supervisory ministry to carry out certification/inspection (this agency/unit is selected and announced by the supervisory ministry);

(3) Examine the conformity certification/inspection results;

(4) Issue the notice of quality inspection results;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(ii) With regard to imported goods subject to normal inspection, supervisory ministries shall carry out the quality inspection according to the following procedures:

(1) Receive the application for quality inspection;

(2) Examine the conformity certification/inspection results;

(3) Issue the notice of quality inspection results;

(4) Transfer quality inspection results to the customs authority for granting clearance.

+ Customs authorities shall carry out quality inspections of imported goods which are subject to tightened inspection, normal inspection and reduced inspection. To be specific:

(i) With regard to imported goods subject to tightened inspection, customs authorities shall carry out the quality inspection according to the following procedures:

(1) Receive the application for quality inspection which is enclosed with customs dossier;

(2) Request the certification/inspection body or unit of the customs authority designated by the supervisory ministry to carry out certification/inspection (this agency/unit is selected and announced by the supervisory ministry);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(4) Issue the notice of quality inspection results and grant clearance.

(ii) With regard to imported goods subject to normal inspection, customs authorities shall carry out the quality inspection according to the following procedures:

(1) Receive the application for quality inspection which is enclosed with customs dossier;

(2) Examine the conformity certification/inspection results;

(3) Issue the notice of quality inspection results and grant clearance.

(iii) With regard to imported goods subject to reduced inspection, customs authorities shall carry out the quality inspection according to the following procedures:

(1) Receive the application for quality inspection which is enclosed with customs dossier;

(2) Carry out random inspection of documents of not exceeding 5% of total import shipments subject to reduced inspection within the past 12 months;

(3) Issue the notice of quality inspection results and grant clearance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Inspection methods:

Imported goods subject to food safety inspection shall be inspected by adopting 03 inspection methods as follows:

+ Tightened inspection: Normal inspection shall be carried out in one of the following cases:

(i) Goods do not meet imported requirements in the previous inspection;

(ii) Goods do not meet requirements in inspections (if any);

(iii) Goods are given warning by the Ministry of Health, Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Provincial People’s Committees or foreign competent authorities or manufacturers.

+ Normal inspection: Normal inspection shall be carried out in one of the following cases:

(i) Goods are subject to neither tightened inspection nor reduced inspection;

(ii) Goods meet import requirements in 03 consecutive tightened inspections within the last 12 months.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(i) Goods meet food safety requirements as certified by competent authorities of the country that has entered into a mutual recognition agreement regarding food safety inspection to which Vietnam is a signatory; shipments/goods are given satisfactory inspection results by competent authorities of the exporting country in accordance with the law of Vietnam;

(ii) Goods meet import requirements in 03 consecutive normal inspections within the last 12 months;

(iii) Goods are manufactured by manufacturers that apply GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 or another equivalent quality management system.

Application and conversion of inspection methods (from tightened inspection to normal inspection, and from normal inspection to reduced inspection) shall be applied to the like goods irrespective of importers. Conversion of inspection methods shall be applied for a given period.

- Inspecting authorities:

Inspections of imported goods subject to food safety inspection shall be carried out at authorities responsible for inspection of imported foods assigned/designated by Ministry of Health, Ministry of Industry and Trade or Ministry of Agriculture and Rural Development (hereinafter referred to as “assigned/designated inspecting authorities”) and customs authorities. To be specific:

+ Assigned/designated inspecting authorities shall carry out food safety inspections of imported goods which are subject to tightened inspection and normal inspection. To be specific:

(i) With regard to imported goods subject to tightened inspection, assigned/designated inspecting authorities shall carry out the food safety inspection according to the following procedures:

(1) Receive the application for food safety inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(3) Issue the notice of food safety inspection results;

(4) Transfer food safety inspection results to the customs authority for granting clearance.

(ii) With regard to imported goods subject to normal inspection, assigned/designated inspecting authorities shall carry out the food safety inspection according to the following procedures:

(1) Receive the application for food safety inspection;

(2) Examine the received application for food safety inspection;

(3) Issue the notice of food safety inspection results;

(4) Transfer food safety inspection results to the customs authority for granting clearance.

+ Customs authorities shall carry out food safety inspections of imported goods which are subject to tightened inspection, normal inspection and reduced inspection. To be specific:

(i) With regard to imported goods subject to tightened inspection, customs authorities shall carry out the food safety inspection according to the following procedures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



(2) Examine the received application; request the certification/inspection body or unit of the customs authority assigned/designated by the supervisory ministry to take samples for testing of food safety indicators (this agency/unit is selected and announced to the customs authority);

(3) Issue the notice of food safety inspection results and grant clearance.

(ii) With regard to imported goods subject to normal inspection, customs authorities shall carry out the food safety inspection according to the following procedures:

(1) Receive the application for food safety inspection;

(2) Examine the received application for food safety inspection;

(3) Issue the notice of food safety inspection results and grant clearance.

(iii) With regard to imported goods subject to reduced inspection, customs authorities shall carry out the food safety inspection according to the following procedures:

(1) Receive the application for food safety inspection;

(2) Carry out random inspection of documents of not exceeding 5% of total import shipments subject to reduced inspection within the past 12 months;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Solutions for implementing new models

a) Solutions for completing legal framework

Formulate the Government’s Decree prescribing management, methods and procedures for quality and food safety inspection for imported goods for implementing the project on reform of quality and food safety inspection model for imported goods at border checkpoints.

b) Solutions for completing information technology systems

Upgrade and add new functions to information technology systems to meet the following requirements:

- Automatically determine whether goods are eligible for inspection exemption or not; goods subject to whether reduced inspection or normal inspection according to inspection rules specified in legislative documents;

- Connect and share the following information between import authorities, including: applications for quality/food safety inspections; customs declarations; conformity assessment results; inspection results given by inspecting authorities; lists of goods subject to quality/food safety inspections; information relating to violations committed by enterprises through post-clearance inspections;

- Make the following information about quality of goods publicly available, including: lists of goods subject to quality/food safety inspections; quality and food safety inspection results; goods eligible for inspection exemption; lists of goods subject to reduced inspection/normal inspection which are used as the basis for determining goods subject to tightened inspection;

- Integrate the automatic customs clearance system with the National single-window portal and the ASEAN single-window portal, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+ Upgrade the National single-window portal, automatic customs clearance system and risk management system for adding new functions (connect and share documents/data to relevant parties; assign lanes for specialized inspections in combination with customs inspection; provide instructions for enterprises to follow specialized inspections in combination with customs inspection, etc.).

c) Solutions for personnel performing quality and food safety inspection of imported goods

- Improve capacity for quality and food safety inspection of imported goods of customs authorities:

+ Restructure personnel of customs authorities for performing quality and food safety inspection of imported goods at border checkpoints;

+ Cooperate with supervisory ministries in training and instructing customs officials in performing quality and food safety inspection of imported goods at border checkpoints;

+ Standardize procedures and equip machinery and equipment of customs authorities to meet requirements for quality and food safety inspection of imported goods according to technical regulations/standards adopted by supervisory ministries.

- Expand and improve quality of services provided by designated conformity assessment bodies:

+ Review and standardize capacity and operational process of designated conformity assessment bodies;

+ Improve capacity of organizations providing testing, analytical and inspection services, etc. of customs authorities to meet national/international standards for conformity assessment bodies, and to be accredited or designated to provide goods certification/inspection services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Perfect the mechanism for management of risks arising from quality and food safety inspections of imported goods.

- Build and upgrade functions of the information technology system serving the collection of information, analysis and assessment of risks arising from quality and food safety inspections of imported goods.

dd) Solutions for intensifying cooperation, connection and sharing of information between pre-clearance inspection and post-clearance inspection

Supervisory ministries shall intensify warning for goods with high risk of quality and food safety, and promptly notify them to customs authorities for taking appropriate preventive measures at border checkpoints. By means of information technology applications, the center in charge of managing interdisciplinary risks and information about quality and food safety inspection before clearance is entitled to make information publicly available so that inspecting authorities affiliated to supervisory ministries can carry out specialized inspections of goods sold on the domestic market.

6. Funding

Funding for performance of tasks by supervisory ministries as assigned in the Project is included in the annual estimates of state budget expenditures of ministries/central agencies in accordance with regulations of the Law on state budget and its guiding documents.

Funding shall be provided for establishment and operation of information systems of supervisory ministries which shall be connected with the National single-window portal with the approval of competent authorities.

7. Implementation organization

a) Assign the Chairperson of the National steering committee on ASEAN single window system, National single-window system and trade facilitation (the 1899 Committee) to direct the implementation of the Project, including the following tasks:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Direct supervisory ministries to review, formulate and request the Government/National Assembly to amend legislative documents stipulating specialized inspections such as laws, ordinances and decrees; direct the formulation of a Decree prescribing management, methods and procedures for quality and food safety inspection for imported goods as the basis for implementing basic tasks of the Project;

- Direct and inspect the implementation of the Project;

- Direct quarterly reporting on the Project implementation to the Prime Minister to give specific directives to relevant supervisory ministries; assess results and impacts of the Project after the first stage of the Project, submit reports thereof to the Government and propose appropriate solutions for the next period.

b) Establish the Project implementation team

- Composition:

+ Team leader: Director General of General Department of Customs.

+ Members: senior representatives of general departments/ departments/divisions of supervisory ministries; representatives of units affiliated to General Department of Customs.

- Tasks:

+ Organize the implementation of the Project according to its objectives to ensure its efficiency and facilitate import and export of goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+ Formulate procedures for quality and food safety inspection of imported goods at border checkpoints;

+ Formulate regulations on cooperation and sharing of information between customs authorities and authorities in charge of quality and food safety inspections of supervisory ministries;

+ Build and operate information technology systems, perfect National single-window system and ASEAN single-window system for ensuring the adequacy and transparency of information on such systems. Publish quality and food safety inspection results and lists of goods and importers eligible for conversion of inspection methods on the National single-window portal;

+ Arrange personnel for performing quality and food safety inspections at border checkpoints;

+ Formulate plans and provide professional training for officials performing quality and food safety inspections of imported goods under new models;

+ Perfect infrastructure facilities, equipment and means used for quality and food safety inspections, provide working conditions and personnel corresponding to state management tasks of imported goods at border checkpoints;

+ Assign other specific tasks to relevant members and units;

+ Assume responsibility and submit reports to the 1899 Committee.

c) Assign tasks and cooperate in implement the Project

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+ Formulate plans for implementing assigned tasks of the Project;

+ Take charge and cooperate with supervisory ministries and local governments to organize and supervise the implementation of the Project;

+ Take charge of formulating and requesting the Government to promulgate a Decree prescribing management, methods and procedures for quality and food safety inspection for imported goods;

+ Take charge and cooperate with supervisory ministries and local governments in consolidating and assessing efficiency of quality inspection of imported goods under the new model in 2021 to 2023, and cooperate with supervisory ministries to propose amendments to Laws on quality and food safety according to international practices;

+ Make investments in equipment, machinery and personnel of units of customs authorities to meet national/international standards for conformity certification bodies, and to be accredited according to the Law on national regulations and standards for providing inspection/certification of imported goods as prescribed;

+ Notify supervisory ministries of cases in which customs authorities detect that certification/inspection results given by certification/inspection bodies are not conformable with actual status of imported goods or violate regulations on quality and food safety inspection.

- Supervisory ministries shall:

+ Formulate plans for implementing assigned tasks of the Project;

+ Carry out inspection of operation of certification/inspection bodies in accordance with regulations of specialized laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+ Perform state management of quality and food safety of imported goods; formulate policies for management of quality and food safety of imported goods;

+ Cooperate with the Ministry of Finance to: organize the Project implementation; formulate Government’s Decree prescribing management, methods and procedures for quality and food safety inspection for imported goods; establish the concentrated database on management of risks arising from quality and food safety inspections of imported goods for sharing and integrating information by relevant parties, and promptly preventing and handling import shipments that fail to meet quality and food safety requirements; improve and provide training for customs officials performing quality and food safety inspections of imported goods;

+ Promulgate and publish the followings on the National single-window portal: Lists of imported goods subject to quality and food safety inspections, enclosed with their HS codes; national regulations/standards applied to imported goods on such lists;

+ Designate conformity assessment/inspection bodies and qualified units of customs authorities to provide certification/inspection services as prescribed;

+ Intensify inspection of quality and food safety inspections by relevant agencies, organizations and enterprises, etc.;

+ Apply origin tracing and inspection at source; accreditation and recognition of quality of imported goods manufactured under advanced technologies and originating from countries/territories with high quality standards for reducing the number of import shipments to be inspected.

8. Implementation roadmap

a) Stage 1: from 2020 to 2023

- + Request the Government to promulgate a Decree prescribing management, methods and procedures for quality and food safety inspection for imported goods in Quarter II in 2021.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Assess the Project implementation and propose solutions for stage 2.

b) Stage 2: from 2023 to 2026

Review and amend specialized laws and relevant legislative documents, and report competent authorities towards applying the best international practices and reach agreement that customs authorities shall act as contact points for quality and food safety inspections of imported goods at border checkpoints.

Article 2. This Decision comes into force from the date on which it is signed.

Article 3. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, chairpersons of people’s committees of provinces and central-affiliated cities and heads of relevant agencies and units shall implement this Decision.

 

 

PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Pham Binh Minh

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 về phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.425

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.62.5
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!