Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 52/2013/TT-BGTVT quản lý bảo trì công trình đường bộ

Số hiệu: 52/2013/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Đinh La Thăng
Ngày ban hành: 12/12/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 52/2013/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao; Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý và bảo trì công trình, đường bộ,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quản lý và bảo trì công trình đường bộ, bao gồm quy trình bảo trì và khai thác công trình đường bộ; nội dung quản lý và tổ chức thực hiện bảo trì công trình đường bộ. Thông tư này không điều chỉnh việc quản lý, khai thác và bảo trì đối với công trình đường cao tốc.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo trì công trình đường bộ là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong suốt quá trình khai thác, sử dụng.

2. Quy trình bảo trì công trình đường bộ là quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc bảo trì công trình đường bộ.

3. Hệ thống đường trung ương bao gồm quốc lộ và các tuyến đường bộ khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải.

4. Hệ thống đường địa phương bao gồm đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường khác thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã).

5. Cơ quan quản lý đường bộ là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.

6. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ là doanh nghiệp dự án BOT, doanh nghiệp dự án khác và doanh nghiệp được Nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường bộ.

7. Chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng là tổ chức, cá nhân sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng theo quy định của pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng ủy quyền quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì công trình đường bộ chuyên dùng theo quy định của pháp luật.

8. Nhà thầu bảo trì công trình đường bộ là các tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý đường bộ, doanh nghiệp đầu tư và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng thực hiện một hoặc một số công việc bảo trì và khai thác công trình, đường bộ. Nhà thầu bảo trì công trình đường bộ bao gồm: nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình đường bộ; nhà thầu thi công sửa chữa và các nhà thầu khác tham gia thực hiện các công việc bảo trì công trình đường bộ.

Điều 3. Yêu cầu về quản lý, bảo trì công trình đường bộ

1. Công trình đường bộ khi đưa vào khai thác, sử dụng phải được quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây viết tắt là Nghị định số 11/2010/NĐ-CP), Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 (sau đây viết tắt là Nghị định số 100/2013/NĐ-CP), Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định số 114/2010/NĐ-CP), Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây viết tắt là Nghị định số 10/2013/NĐ-CP), các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư này.

2. Bảo trì công trình đường bộ phải thực hiện theo quy định của quy trình bảo trì, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì công trình đường bộ được cơ quan có thẩm quyền công bố áp dụng. Tổ chức thực hiện bảo trì theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư này.

3. Quy trình bảo trì công trình đường bộ được lập phù hợp với các bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, loại công trình (đường, cầu, hầm, bến phà, cầu phao và công trình khác), cấp công trình và mục đích sử dụng công trình.

Quy trình bảo trì được thể hiện rõ ràng, công khai bằng tiếng Việt trên giấy, đĩa từ hoặc các phương tiện khác. Trường hợp quy trình bảo trì của công trình đầu tư xây dựng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do tổ chức tư vấn, nhà thầu nước ngoài lập bằng tiếng Anh, chủ đầu tư hoặc ban quản lý dự án có trách nhiệm dịch ra tiếng Việt trước khi bàn giao công trình đưa vào khai thác, sử dụng.

4. Việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ phải bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt, an toàn cho người và tài sản, an toàn công trình, phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

5. Việc quản lý, bảo trì các công trình dưới đây được thực hiện theo quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật khác có liên quan, cụ thể:

a) Đối với công trình dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị: thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;

b) Đối với công trình cấp điện, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông: thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo trì loại công trình, thiết bị đó; công tác quản lý, trồng và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan;

c) Đối với thiết bị lắp đặt vào công trình: thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cung cấp thiết bị và quy định của pháp luật có liên quan;

d) Đối với công trình chống va trôi, chỉnh trị dòng chảy và các công trình có liên quan đến chuyên ngành đường thủy nội địa, thủy lợi và các công trình khác: thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 4. Nội dung bảo trì công trình đường bộ

Nội dung bảo trì công trình đường bộ bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình đường bộ.

1. Kiểm tra công trình đường bộ là việc xem xét bằng trực quan hoặc bằng thiết bị chuyên dụng để đánh giá hiện trạng công trình nhằm phát hiện hư hỏng, dấu hiệu hư hỏng của công trình để có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Quan trắc công trình đường bộ là sự theo dõi, quan sát, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình theo yêu cầu của thiết kế trong quá trình sử dụng.

a) Việc quan trắc công trình được thực hiện trong các trường hợp có yêu cầu phải theo dõi sự làm việc của công trình đường bộ nhằm tránh xảy ra sự cố dẫn tới thảm họa về người, tài sản, môi trường và các trường hợp khác theo yêu cầu của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, cơ quan quản lý đường bộ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Ngoài các trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, quan trắc công trình bắt buộc áp dụng đối với các công trình, hạng mục công trình đường bộ quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.

c) Việc quan trắc thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

3. Kiểm định chất lượng công trình đường bộ bao gồm các hoạt động kiểm tra và xác định chất lượng hoặc đánh giá sự phù hợp chất lượng của công trình so với yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thông qua việc xem xét hiện trạng công trình bằng trực quan kết hợp với phân tích, đánh giá các số liệu thử nghiệm công trình. Việc kiểm định chất lượng công trình phục vụ bảo trì công trình đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

4. Bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ là các hoạt động theo dõi, chăm sóc, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, duy tu thiết bị lắp đặt vào công trình đường bộ, được tiến hành thường xuyên, định kỳ để duy trì công trình đường bộ ở trạng thái khai thác, sử dụng bình thường và hạn chế phát sinh các hư hỏng công trình đường bộ.

5. Sửa chữa công trình đường bộ là các hoạt động khắc phục hư hỏng của công trình được phát hiện trong quá trình khai thác, sử dụng nhằm đảm bảo sự làm việc bình thường, an toàn của công trình đường bộ. Sửa chữa công trình đường bộ bao gồm sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất, cụ thể:

a) Sửa chữa định kỳ công trình đường bộ là hoạt động sửa chữa được thực hiện theo kế hoạch nhằm khôi phục, cải thiện tình trạng kỹ thuật của công trình đường bộ mà bảo dưỡng thường xuyên công trình không đáp ứng được, bao gồm: sửa chữa hư hỏng; thay thế bộ phận công trình, thiết bị công trình và thiết bị công nghệ bị hư hỏng được thực hiện định kỳ theo quy định của quy trình bảo trì công trình đường bộ;

b) Sửa chữa đột xuất công trình đường bộ là hoạt động sửa chữa phải thực hiện bất thường khi bộ phận công trình, công trình bị hư hỏng do chịu các tác động đột xuất như mưa bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy nổ hoặc những tác động thiên tai đột xuất khác hoặc khi có biểu hiện có thể gây hư hỏng đột biến ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, khai thác công trình hoặc có khả năng xảy ra sự cố dẫn tới thảm họa.

Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về quản lý, bảo trì công trình đường bộ

1. Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

a) Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước về quản lý, bảo trì công trình đường bộ trong phạm vi cả nước;

b) Tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải;

c) Kiểm tra các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải nhận ủy thác quản lý quốc lộ trong việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định của pháp luật và kế hoạch được giao;

d) Kiểm tra các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ trong việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường trung ương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP , Nghị định số 100/2013/NĐ-CP , pháp luật có liên quan và Thông tư này;

đ) Hàng năm, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do các Cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông vận tải báo cáo, báo cáo Bộ Giao thông vận tải theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP;

e) Đình chỉ nhà thầu thi công trên tuyến đường đang khai thác khi phát hiện vi phạm nội dung giấy phép thi công trên đường bộ, vi phạm việc đảm bảo giao thông, an toàn giao thông trên tuyến đường thuộc phạm vi quản lý;

g) Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông khẩn cấp trên các tuyến đường thuộc hệ thống đường trung ương trong trường hợp cần thiết;

h) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ trên hệ thống đường trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải;

k) Thực hiện quyền, trách nhiệm khác đối với công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trách nhiệm của các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải nhận ủy thác quản lý quốc lộ:

a) Trực tiếp tổ chức thực hiện việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ đối với các tuyến đường được giao quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt;

b) Lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà thầu bảo trì công trình đường bộ theo quy định của pháp luật; tổ chức giám sát, kiểm tra nhà thầu bảo trì công trình đường bộ thực hiện các nội dung quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo đảm giao thông và bảo vệ môi trường; bảo đảm các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì và quy định của Thông tư này;

c) Tổng hợp và lập báo cáo tình hình quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ trong phạm vi quản lý;

d) Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 10 tháng 01 hàng năm;

đ) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

e) Thực hiện quyền, trách nhiệm trong quản lý, bảo trì đường bộ theo quy định của Thông tư này, quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

3. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải đối với hệ thống đường địa phương:

a) Căn cứ quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Thực hiện quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hệ thống đường địa phương; tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy định của pháp luật;

c) Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc địa phương quản lý, gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 10 tháng 01 hàng năm;

d) Thực hiện quyền, trách nhiệm khác đối với công tác quản lý và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã: thực hiện quản lý, khai thác và bảo trì các tuyến đường huyện, đường xã và đường khác trên địa bàn theo quy định cửa Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy định của pháp luật; hàng năm báo cáo Sở Giao thông vận tải tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

5. Trách nhiệm của các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng, khai thác công trình, quan trắc và các hoạt động khác để bảo trì công trình đường bộ:

a) Thực hiện việc quản lý, bảo dưỡng công trình đường bộ được giao theo quy định của Thông tu này, quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì hoặc quy trình bảo trì công trình, quy trình khai thác (đối với các công trình có quy trình khai thác), nội dung quy định trong hợp đồng ký với cơ quan quản lý đường bộ (hoặc chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ) và quy định của pháp luật có liên quan;

b) Báo cáo cơ quan quản lý đường bộ (hoặc chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ) về tình hình quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình đường bộ theo quy định của Thông tư này và quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo dưỡng thường xuyên, quy trình bảo trì và quy định khác có liên quan.

6. Trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ:

a) Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý đường bộ và các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ do mình quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt và đúng quy định của pháp luật;

b) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Thông tư này, quy định của pháp luật có liên quan;

c) Định kỳ, đột xuất báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với công trình đường bộ thuộc hệ thống đường trung ương), Sở Giao thông vận tải (đối với công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương) về tình hình quản lý, khai thác và bảo trì công trình do mình quản lý theo quy định của Thông tư này và các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Ngoài việc thực hiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 6 Điều này, doanh nghiệp dự án BOT, doanh nghiệp dự án khác chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án về việc thực hiện Dự án phù hợp với Giấy chứng nhận đầu tư và các điều kiện thỏa thuận trong Hợp đồng dự án.

7. Chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng có trách nhiệm thực hiện các quy định tại điểm a, điểm b khoản 6 Điều này và quy định của pháp luật có liên quan.

8. Trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ đang khai thác:

a) Bảo trì công trình đường bộ kể từ ngày nhận bàn giao để thực hiện dự án;

b) Thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông, trực đảm bảo giao thông, tham gia xử lý khi có tai nạn giao thông và sự cố công trình theo quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan;

c) Chấp hành việc xử lý, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

Chương 2.

QUY TRÌNH BẢO TRÌ VÀ QUY TRÌNH KHAI THÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ

Điều 6. Trách nhiệm lập quy trình bảo trì công trình đường bộ

1. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ:

a) Nhà thầu thiết kế kỹ thuật (đối với công trình thiết kế 3 bước), nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công (đối với công trình thiết kế 1 hoặc 2 bước) có trách nhiệm lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì công trình, bộ phận công trình do mình thiết kế cùng với hồ sơ thiết kế;

b) Nhà thầu cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình có trách nhiệm lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì thiết bị do mình cung cấp trước khi nghiệm thu, bàn giao thiết bị đưa vào khai thác, sử dụng;

c) Trường hợp nhà thầu thiết kế, nhà thầu cung cấp thiết bị quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này không lập được quy trình bảo trì, chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật để lập quy trình bảo trì. Kinh phí thuê tổ chức tư vấn lập quy trình bảo trì lấy từ kinh phí trong hợp đồng ký kết với nhà thầu thiết kế hoặc nhà thầu cung cấp thiết bị.

2. Đối với các công trình đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì, cơ quan quản lý đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng tổ chức lập hoặc thuê tư vấn lập quy trình bảo trì công trình đường bộ.

3. Không bắt buộc lập quy trình bảo trì đối với các công trình, hạng mục công trình sau:

a) Công trình tạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với trường hợp này, cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng vẫn phải tổ chức thực hiện bảo trì theo quy định của Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và quy định của Thông tư này;

b) Công trình, hạng mục công trình đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 7. Nội dung và căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường bộ

1. Nội dung quy trình bảo trì công trình được lập phải bảo đảm bao quát toàn bộ các bộ phận công trình theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

2. Căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường bộ bao gồm:

a) Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình;

b) Quy trình bảo trì của công trình tương tự (nếu có);

c) Hồ sơ thiết kế (kể cả hồ sơ thiết kế điều chỉnh, nếu có), chỉ dẫn kỹ thuật thi công xây dựng công trình;

d) Chỉ dẫn của nhà sản xuất, cung cấp và lắp đặt thiết bị vào công trình;

đ) Điều kiện tự nhiên nơi xây dựng công trình;

e) Kinh nghiệm quản lý, sử dụng công trình và thiết bị lắp đặt vào công trình;

g) Các quy định có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Đối với công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì, ngoài quy định tại khoản 2 Điều này, việc lập quy trình bảo trì còn phải căn cứ vào hồ sơ hoàn thành công trình, bản vẽ hoàn công và khả năng khai thác thực tế của công trình.

Điều 8. Thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì công trình đường bộ

1. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, việc thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

2. Đối với các công trình đã đưa vào khai thác nhưng chưa có quy trình bảo trì, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt như sau:

a) Đối với hệ thống đường trung ương sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì những công trình sau: đường cấp đặc biệt, hầm đường bộ sử dụng thiết bị thông gió và công trình cầu cấp đặc biệt, cấp I, công trình cầu, hầm sử dụng công nghệ mới, kết cấu mới, vật liệu mới.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì đối với các công trình đường bộ sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước, trừ các công trình do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải được giao đầu tư xây dựng, khai thác và bảo trì công trình đường bộ thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì đối với các công trình sử dụng vốn của doanh nghiệp.

b) Đối với hệ thống đường địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc tổ chức thẩm định, phê duyệt hoặc phân cấp thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì công trình, đường bộ;

c) Đối với các công trình đường bộ đầu tư xây dựng và khai thác theo hình thức Hợp đồng BOT và các hình thức Hợp đồng dự án khác, doanh nghiệp dự án (nhà đầu tư) có trách nhiệm tổ chức, thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì sau khi đã thỏa thuận với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án;

d) Đối với đường chuyên dùng, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng chịu trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy trình bảo trì theo quy định của Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và quy định của Thông tư này.

3. Tổ chức có trách nhiệm phê duyệt quy trình bảo trì có thể thuê tư vấn thẩm tra một phần hoặc toàn bộ quy trình bảo trì công trình, trước khi phê duyệt.

Điều 9. Điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường bộ

Trong quá trình thực hiện, nếu thấy những yếu tố bất hợp lý, ảnh hưởng tới an toàn, khả năng khai thác, chất lượng và tuổi thọ công trình đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ được quyền điều chỉnh quy trình bảo trì và trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này phê duyệt điều chỉnh quy trình bảo trì.

Điều 10. Quy trình khai thác công trình đường bộ

1. Quy trình khai thác công trình đường bộ là các chỉ dẫn, hướng dẫn của tư vấn thiết kế, nhà cung cấp thiết bị, công nghệ quy định cách thức, trình tự, nội dung khai thác và sử dụng công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình nhằm bảo đảm cho việc khai thác công trình đúng công suất, công năng, bảo đảm an toàn, duy trì tuổi thọ công trình, thiết bị công trình theo thiết kế.

Nội dung quy trình khai thác công trình đường bộ phải bảo đảm bao quát các quy định về tổ chức giao thông, tải trọng khai thác, tốc độ, thành phần xe, bố trí làn xe, trình tự lên, xuống bến phà, cầu phao, trình tự vận hành thiết bị lắp đặt vào công trình, các quy định về cứu hộ, an toàn cháy nổ và các nội dung khác có liên quan.

2. Các công trình bắt buộc phải có quy trình khai thác:

a) Cầu quay, cầu cất, cầu có sử dụng thiết bị nâng, hạ;

b) Bến phà đường bộ, cầu phao đường bộ;

c) Hầm đường bộ có sử dụng thiết bị để phục vụ quản lý, khai thác công trình;

d) Thiết bị công nghệ lắp đặt tại trạm thu phí;

đ) Thiết bị công nghệ lắp đặt tại trạm kiểm tra tải trọng xe;

e) Hệ thống giám sát giao thông, thiết bị công nghệ điều khiển giao thông;

g) Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình.

3. Trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy trình khai thác, điều chỉnh quy trình khai thác thực hiện như đối với quy trình bảo trì công trình đường bộ quy định tại các Điều 6, 8 và Điều 9 của Thông tư này.

4. Căn cứ lập quy trình khai thác, gồm:

a) Hồ sơ thiết kế;

b) Công năng, công suất, đặc điểm, tính chất thiết bị lắp đặt trong công trình;

c) Sổ tay, tài liệu hướng dẫn, đào tạo vận hành thiết bị và công trình;

d) Các quy định về bảo đảm giao thông, an toàn giao thông, an toàn lao động và bảo vệ môi trường;

đ) Các nội dung khác theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.

Điều 11. Tài liệu phục vụ quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ

1. Các tài liệu phục vụ quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ, bao gồm:

a) Các văn bản pháp lý, các biên bản nghiệm thu có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng và hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng;

b) Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (kể cả thiết kế điều chỉnh, nếu có);

c) Bản vẽ hoàn công;

d) Các tài liệu hướng dẫn sử dụng, vận hành thiết bị, dây chuyền công nghệ lắp đặt vào công trình (nếu có);

đ) Hồ sơ cọc mốc đã đền bù giải phóng mặt bằng thực tế; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công trình hạ tầng phục vụ quản lý công trình đường bộ, nếu có; hệ thống cọc mốc hành lang an toàn đường bộ;

e) Hồ sơ tài liệu thẩm tra an toàn giao thông (nếu có);

g) Quy trình bảo trì; quy trình khai thác công trình (nếu có);

h) Hồ sơ tài liệu về tổ chức giao thông (nếu có);

i) Hồ sơ trạng thái ban đầu (trạng thái “0”) của các công trình cầu, hầm (nếu có).

k) Nhật ký tuần đường, hồ sơ lý lịch cầu, hầm, hồ sơ đăng ký đường bộ, bình đồ duỗi thẳng; các tài liệu thống kê báo cáo tình hình khai thác công trình đường bộ; các băng, đĩa ghi hình, chụp ảnh về tình trạng công trình và các tài liệu sao chụp khác;

l) Các biên bản, văn bản xử lý vi phạm hành chính liên quan đến đất dành cho đường bộ (nếu có);

m) Các tài liệu liên quan đến kiểm tra, kiểm định, quan trắc, sửa chữa và các hoạt động khai thác, bảo trì công trình đường bộ;

n) Số liệu đếm xe trên đường bộ, lưu lượng xe qua phà, cầu phao.

2. Trách nhiệm lập, cung cấp, tiếp nhận các hồ sơ tài liệu trong giai đoạn đầu tư xây dựng để phục vụ khai thác và bảo trì công trình đường bộ như sau:

a) Đối với công trình đường bộ được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, chủ đầu tư tổ chức lập, bàn giao tài liệu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và điểm i của khoản 1 Điều này cho cơ quan quản lý đường bộ trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Khi bàn giao, bên giao và bên nhận phải kiểm tra xác định tình trạng hồ sơ bàn giao và lập danh mục hồ sơ bàn giao;

b) Đối với các dự án sửa chữa công trình đường bộ do mình làm chủ đầu tư, cơ quan quản lý đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng thực hiện các công việc quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Đối với công trình đường bộ đang khai thác, nhà thầu bảo trì công trình đường bộ chịu trách nhiệm lập hồ sơ tài liệu theo quy định tại các điểm k, l, m và điểm n khoản 1 Điều này và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng.

Chương 3.

QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ

Điều 12. Nội dung công tác quản lý công trình đường bộ

1. Quản lý, sử dụng bản vẽ hoàn công, quy trình bảo trì công trình đường bộ.

2. Lập, quản lý, sử dụng hồ sơ trong giai đoạn khai thác công trình đường bộ.

3. Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

4. Theo dõi, cập nhật tình trạng hư hỏng, xuống cấp công trình đường bộ.

5. Tổ chức giao thông, trực đảm bảo giao thông, đếm xe, xử lý khi có tai nạn giao thông và khi có sự cố công trình.

6. Công tác quản lý tải trọng xe, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích lưu thông trên đường bộ được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan

Điều 13. Quản lý, sử dụng bản vẽ hoàn công, quy trình bảo trì công trình đường bộ

1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ:

a) Lưu giữ bản gốc bản vẽ hoàn công, quy trình bảo trì và hồ sơ tài liệu khác sau khi nhận của chủ đầu tư dự án xây dựng theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này;

b) Sao chụp bản vẽ hoàn công, quy trình bảo trì và các hồ sơ tài liệu khác để bàn giao cho nhà thầu bảo trì công trình đường bộ;

c) Chỉ đạo nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trách nhiệm của nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình: lưu trữ, sử dụng bản vẽ hoàn công, quy trình bảo trì công trình, quy trình khai thác (nếu có) và các tài liệu được giao để quản lý, khai thác và bảo trì công trình.

3. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng thực hiện trách nhiệm như quy định đối với cơ quan quản lý đường bộ quy định tại khoản 1 Điều này đối với công trình đường bộ do mình quản lý.

Điều 14. Lập, quản lý, sử dụng hồ sơ trong giai đoạn bảo trì công trình đường bộ

1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ:

a) Chỉ đạo, kiểm tra các nhà thầu trong giai đoạn bảo trì thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Lưu trữ, sử dụng hồ sơ tài liệu trong giai đoạn bảo trì theo quy định của Thông tư này.

2. Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình có trách nhiệm, lập, quản lý và sử dụng các hồ sơ tài liệu sau:

a) Hồ sơ lý lịch cầu, hầm, hồ sơ đăng ký đường bộ; cập nhật, bổ sung tình trạng thay đổi công trình cầu, hầm, đường bộ;

b) Lập hồ sơ quản lý (bình đồ duỗi thẳng) hành lang an toàn đường bộ; định kỳ 3 tháng một lần cập nhật, bổ sung các phát sinh về tình hình vi phạm, giải tỏa, tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ và đất của đường bộ; lập hồ sơ quản lý vị trí đấu nối và các công trình thiết yếu trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ;

c) Ghi nhật ký tuần đường (đối với đường và cầu, cống); ghi sổ hoặc nhật trình khai thác hầm, bến phà, cầu phao, cầu quay, cầu cất và các công trình đặc thù khác;

d) Lập báo cáo tình hình quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

đ) Lập, quản lý và sử dụng các hồ sơ tài liệu khác theo quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì và quy trình bảo trì được duyệt.

3. Trách nhiệm của các nhà thầu khác:

a) Nhà thầu khảo sát thiết kế, nhà thầu thi công sửa chữa công trình có trách nhiệm lập hồ sơ khảo sát, thiết kế, bản vẽ hoàn công và thực hiện các nội dung khác theo quy định của phát luật đối với dự án xây dựng công trình đường bộ;

b) Nhà thầu kiểm định, kiểm tra, quan trắc công trình lập báo cáo kết quả thực hiện theo đề cương được duyệt; thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng công trình,

4. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng thực hiện trách nhiệm như quy định đối với cơ quan quản lý đường bộ quy định tại khoản 1 Điều này đối với công trình đường bộ do mình quản lý.

Điều 15. Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ công trình đường bộ

1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ:

a) Tổ chức tuần kiểm đường bộ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

b) Thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP , Nghị định số 100/2013/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và các quy định của Thông tư này;

c) Thực hiện các nội dung về quản lý, bảo trì công trình đường bộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì và quy trình bảo trì công trình đường bộ;

d) Tổ chức lập, trình kế hoạch bảo trì theo quy định của pháp luật; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án sửa chữa công trình đường bộ theo quy định của pháp luật; tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch bảo trì và ký kết hợp đồng giao nhà thầu thực hiện bảo trì công trình;

đ) Kiểm tra, giám sát nhà thầu bảo trì công trình đường bộ thực hiện các quy định của hợp đồng.

2. Trách nhiệm của nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình:

a) Tổ chức tuần tra, kiểm tra và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

b) Thực hiện các nội dung khác về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP , Nghị định số 100/2013/NĐ-CP và quy định của Bộ Giao thông vận tải; thực hiện phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão theo quy định của pháp luật và quy định của Thông tư này;

c) Thực hiện các nội dung về quản lý, bảo trì công trình đường bộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì, quy trình bảo trì công trình đường bộ và hợp đồng ký với cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ.

3. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng thực hiện trách nhiệm như quy định đối với cơ quan quản lý đường bộ quy định tại khoản 1 Điều này đối với công trình đường bộ do mình quản lý.

Điều 16. Theo dõi, cập nhật tình trạng hư hỏng, xuống cấp công trình đường bộ

1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ:

a) Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất và đánh giá tình trạng hư hỏng, xuống cấp của công trình;

b) Kiểm tra, giám sát đôn đốc nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình thực hiện các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Cập nhật, tổng hợp tình hình hư hỏng các công trình thuộc phạm vi quản lý để xây dựng kế hoạch bảo trì, báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức sửa chữa, khắc phục hư hỏng để đảm bảo giao thông đường bộ an toàn, thông suốt.

2. Trách nhiệm của nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình:

a) Theo dõi thường xuyên và cập nhật tình trạng chất lượng các công trình được giao quản lý, kịp thời phát hiện các hiện tượng hư hỏng, xuống cấp của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình;

b) Lập báo cáo định kỳ hàng quý về tình hình chất lượng công trình đường bộ được giao quản lý, bảo dưỡng; báo cáo đột xuất khi xuất hiện hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình;

c) Thực hiện các công việc khác theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì và quy trình bảo trì công trình đường bộ.

3. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng thực hiện trách nhiệm như quy định đối với cơ quan quản lý đường bộ quy định tại khoản 1 Điều này đối với công trình đường bộ do mình quản lý.

Điều 17. Tổ chức giao thông, trực đảm bảo giao thông, đếm xe và xử lý khi có tai nạn giao thông, xử lý khi có sự cố công trình đường bộ

1. Tổ chức giao thông:

a) Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan có liên quan khác trong công tác tổ chức giao thông, nội dung công tác tổ chức giao thông thực hiện theo quy định tại Điều 37 Luật Giao thông đường bộ;

b) Chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu thi công sửa chữa trên đường bộ đang khai thác có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP , Nghị định số 100/2013/NĐ-CP và quy định, của Bộ Giao thông vận tải;

c) Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình đường bộ có trách nhiệm thực hiện các công việc về tổ chức giao thông theo quy định của hợp đồng quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình đường bộ.

2. Trực đảm bảo giao thông:

a) Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình đường bộ trong việc trực đảm bảo giao thông và thực hiện biện pháp đảm bảo giao thông khi có ùn tắc giao thông, sự cố công trình;

b) Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng trên đường bộ đang khai thác, nhà thầu thi công sửa chữa công trình đường bộ có trách nhiệm trực đảm bảo giao thông và thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông đối với các đoạn đường đang thi công trong các trường hợp: mặt đường bị thắt hẹp, các đoạn đường phải sử dụng đường tránh, cầu tạm, đường tràn và ngầm trên bộ; các vị trí nguy hiểm và ùn tắc giao thông; thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường;

c) Các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện việc trực đảm bảo giao thông, trực phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

d) Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng thực hiện trách nhiệm như quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này.

3. Đếm xe:

a) Cơ quan quản lý đường bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này của nhà thầu; tổng hợp, lưu giữ số liệu đếm xe trên các tuyến đường trong phạm vi quản lý;

b) Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung sau: đếm xe trên đường bộ, lập sổ theo dõi số phương tiện tham gia giao thông đi trên từng chuyến phà, số chuyến phà trong ngày, tháng, quý và năm; báo cáo kết quả đếm xe cho cơ quan quản lý đường bộ;

c) Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức đếm xe đối với tuyến đường được giao quản lý khai thác, báo cáo kết quả đếm xe cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án, cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

4. Khi có tai nạn giao thông xảy ra, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện theo quy định tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ.

5. Khi có sự cố công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ

Điều 18. Lập, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình đường bộ

1. Lập kế hoạch bảo trì công trình đường bộ sử dụng vốn nhà nước:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì hệ thống đường trung ương sử dụng vốn nhà nước (theo Biểu mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này), bao gồm: Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, các nguồn vốn từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nguồn vốn hợp pháp;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc lập kế hoạch bảo trì đối với hệ thống đường địa phương thuộc phạm vi quản lý;

c) Nội dung kế hoạch bảo trì công trình đường bộ hàng năm bao gồm: kế hoạch bảo dưỡng thường xuyên công trình, kế hoạch sửa chữa công trình đường bộ theo từng tuyến (đoạn tuyến) và các công tác khác (nếu có). Kế hoạch bảo trì công trình đường bộ phải nêu được đầy đủ các thông tin sau: tên công trình, hạng mục công trình chủ yếu; đơn vị, khối lượng, kinh phí thực hiện; thời gian thực hiện; phương thức thực hiện và mức độ ưu tiên.

2. Phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường bộ sử dụng vốn nhà nước;

a) Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch bảo trì hệ thống đường trung ương do Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập, trình và các trường hợp khác theo thẩm quyền;

b) Việc phê duyệt kế hoạch bảo trì hệ thống đường địa phương sử dụng các nguồn vốn ngân sách của địa phương và Quỹ bảo trì đường bộ địa phương thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy định của pháp luật.

3. Trình tự, thủ tục phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường trung ương:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường bộ, trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 6 hàng năm;

b) Bộ Giao thông vận tải thẩm định, chấp thuận kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường bộ trước ngày 15 tháng 7; tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, trình Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 8 hàng năm;

c) Trên cơ sở Quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải thông báo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước gửi cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong đó có phần kinh phí dành cho bảo trì công trình đường bộ;

d) Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức rà soát danh mục dự án, hạng mục và khối lượng công trình cấp thiết phải làm, chịu trách nhiệm về lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường bộ, trình Bộ Giao thông vận tải chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo quy định tại điểm c khoản này;

đ) Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường bộ, giao dự toán thu chi ngân sách cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

4. Điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình đường bộ sử dụng vốn nhà nước:

a) Kế hoạch bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường trung ương được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tế. Bộ Giao thông vận tải quyết định việc điều chỉnh kế hoạch bảo trì hệ thống đường trung ương.

b) Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì hệ thống đường địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

5. Việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch bảo trì đối với công trình đường bộ do doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác nhưng không theo hình thức Hợp đồng dự án thực hiện như sau: doanh nghiệp tổ chức lập, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt trong trường hợp sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước để quản lý bảo trì; doanh nghiệp tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch bảo trì trong trường hợp sử dụng vốn của doanh nghiệp.

6. Đối với công trình BOT và công trình dự án khác, kế hoạch bảo trì và chi phí bảo trì công trình đường bộ hằng năm phải được quy định trong Hợp đồng dự án, làm căn cứ cho việc bảo trì công trình đường bộ trong giai đoạn khai thác công trình. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án lập kế hoạch bảo trì công trình đường bộ hàng năm, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án để thỏa thuận trước khi phê duyệt triển khai thực hiện.

Trường hợp Hợp đồng dự án chưa quy định kế hoạch bảo trì và chi phí bảo trì công trình đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án căn cứ định mức kinh tế-kỹ thuật hiện hành, suất vốn bảo trì của công trình đường bộ tương tự để bổ sung vào Hợp đồng dự án.

7. Việc lập, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình đường bộ không thuộc phạm vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

Điều 19. Thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ

1. Đối với hệ thống đường trung ương do Bộ Giao thông vận tải quản lý, việc thực hiện kế hoạch bảo trì như sau:

a) Căn cứ kế hoạch bảo trì công trình đường bộ hàng năm được phê duyệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

b) Trường hợp công trình đường bộ do doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng và quản lý khai thác nhưng không theo hình thức Hợp đồng dự án, doanh nghiệp căn cứ kế hoạch bảo trì được duyệt để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định;

c) Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này và các trường hợp là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì hệ thống đường địa phương do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định.

3. Đối với công trình BOT và công trình dự án khác, doanh nghiệp dự án căn cứ kế hoạch và chi phí bảo trì quy định tại khoản 6 Điều 18 của Thông tư này để tổ chức thực hiện bảo trì công trình đường bộ, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án có trách nhiệm giám sát, kiểm tra doanh nghiệp dự án thực hiện bảo trì theo đúng kế hoạch bảo trì quy định trong Hợp đồng dự án; phát hiện và xử lý doanh nghiệp dự án nếu có vi phạm quy định về quản lý và bảo trì công trình đường bộ theo quy định của pháp luật và Hợp đồng dự án đã ký kết.

4. Đối với công trình đường bộ chuyên dùng, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ do mình đầu tư và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

5. Sửa chữa đột xuất công trình đường bộ thuộc hệ thống đường trung ương do Bộ Giao thông vận tải quản lý được thực hiện như sau:

a) Đối với công trình, bộ phận công trình bị hư hỏng do chịu các tác động đột xuất như mưa bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy nổ hoặc những tác động thiên tai đột xuất khác, cần thiết phải tiến hành sửa chữa khẩn cấp mà không có trong kế hoạch bảo trì được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông và an toàn công trình;

b) Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí và phương thức thực hiện đối với các trường hợp sửa chữa đột xuất quy định tại điểm a khoản này; báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện sửa chữa đột xuất công trình đường bộ.

Điều 20. Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và đánh giá sự an toàn công trình đường bộ

1. Nhà thầu bảo trì công trình đường bộ thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường bộ theo Hợp đồng bảo trì và quy trình bảo trì công trình được duyệt; tổ chức đánh giá sự an toàn công trình khi cần thiết.

2. Việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường bộ thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 11 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này.

3. Đánh giá sự an toàn công trình đường bộ thông qua kiểm định chất lượng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

Điều 21. Quản lý chất lượng trong công tác bảo trì công trình đường bộ

1. Cơ quan quản lý đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng, chủ đầu tư dự án bảo trì công trình đường bộ, nhà thầu bảo trì công trình đường bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác bảo trì công trình đường bộ chịu trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng công trình đường bộ theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP , Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án kiểm tra doanh nghiệp dự án trong việc thực hiện công tác bảo trì, đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật, quy định trong Hợp đồng dự án và quy định tại Thông tư này; nếu phát hiện vi phạm chất lượng khi thực hiện bảo trì công trình, phải xử lý theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định trong Hợp đồng dự án. Trường hợp vi phạm chất lượng ảnh hưởng đến an toàn giao thông nhưng không được khắc phục kịp thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án quyết định đình chỉ việc khai thác công trình, đình chỉ thu phí nếu cần thiết cho đến khi doanh nghiệp dự án hoàn thành việc khắc phục vi phạm chất lượng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình.

3. Hồ sơ bảo trì công trình đường bộ được lập theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và quy định của Thông tư này.

4. Thời hạn bảo hành công tác sửa chữa công trình đường bộ theo quy định của khoản 3 Điều 14 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP .

Điều 22. Thực hiện bảo trì đối với công trình đường bộ đang khai thác nhưng chưa có quy trình bảo trì

1. Đối với công trình đường bộ đang khai thác nhưng chưa có quy trình bảo trì, cơ quan quản lý đường bộ thực hiện các công việc sau:

a) Lập, trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 8 của Thông tư này phê duyệt kế hoạch xây dựng quy trình bảo trì đối với các công trình đường bộ đã đưa vào khai thác nhưng chưa có quy trình bảo trì theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này;

b) Khảo sát, kiểm tra và đánh giá chất lượng hiện trạng công trình đường bộ;

c) Tổ chức lập quy trình bảo trì, trình cơ quan có thẩm quyền quy định, tại Điều 8 của Thông tư này để thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì;

d) Trong thời hạn chưa ban hành quy trình bảo trì, cơ quan quản lý đường bộ, nhà thầu bảo trì công trình đường bộ thực hiện bảo trì công trình theo quy định của Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và quy định của Thông tư này.

2. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng thực hiện các công việc quy định tại các điểm b, c và điểm d khoản 1 Điều này đối với công trình do mình quản lý.

Điều 23. Xử lý đối với công trình, bộ phận công trình đường bộ hư hỏng không bảo đảm an toàn cho khai thác, công trình hết tuổi thọ thiết kế

1. Cơ quan quản lý đường bộ khi phát hiện công trình hoặc bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 18 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và các quy định sau:

a) Tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng công trình;

b) Chỉ đạo, kiểm tra nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình thực hiện các quy định, tại khoản 2 Điều này;

c) Tổ chức sửa chữa khắc phục hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình khi sử dụng, khai thác công trình;

d) Báo cáo cơ quan cấp trên và cơ quan có thẩm quyền;

2. Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình có trách nhiệm:

a) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình và thực hiện tuần đường để kịp thời phát hiện công trình, bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình hư hỏng, xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng và báo cáo ngay với cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ;

b) Khi có hư hỏng, xuống cấp về chất lượng ảnh hưởng đến an toàn khai thác, phải thực hiện các công việc: tổ chức trực đảm bảo giao thông, điều tiết giao thông khi cần thiết; thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục các hư hỏng để đảm bảo giao thông; trường hợp cần thiết, đề nghị cơ quan quản lý đường bộ tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng, tốc độ phương tiện, thực hiện các biện pháp thích hợp để hạn chế hoặc tạm ngừng khai thác công trình nếu không đảm bảo an toàn;

c) Khi thực hiện các biện pháp hạn chế hoặc tạm ngừng khai thác công trình công trình đường bộ quy định tại điểm b khoản này, nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình có trách nhiệm tham gia thực hiện các biện pháp phân luồng, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông theo sự phân công, chỉ đạo của cơ quan quản lý đường bộ, cảnh sát giao thông và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này; thực hiện hoặc chỉ đạo nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và công trình đường bộ thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Việc báo cáo về công trình đường bộ có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, không bảo đảm an toàn giao thông thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

5. Trường hợp công trình đường bộ xảy ra sự cố trong quá trình khai thác, sử dụng, việc giải quyết sự cố thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

6. Trường hợp công trình đường bộ hết tuổi thọ thiết kế nhưng có nhu cầu tiếp tục sử dụng, cơ quan quản lý đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng tổ chức thực hiện các quy định tại Điều 16 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép tiếp tục sử dụng công trình đường bộ hết tuổi thọ thiết kế theo quy định tại điểm d khoản 1, khoản 2 Điều 16 và điểm d khoản 2 Điều 26 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

Điều 24. Thủ tục chấp thuận tiếp tục sử dụng đối với công trình đường bộ hết tuổi thọ thiết kế

1. Việc xử lý đối với các công trình đường bộ từ cấp III trở xuống thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.

2. Đối với công trình đường bộ từ cấp II trở lên, cơ quan quản lý đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng gửi trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện 01 bộ hồ sơ tới Bộ Giao thông vận tải để được xem xét và chấp thuận việc kéo dài thời hạn sử dụng công trình. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này;

b) Báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình, kết quả sửa chữa công trình;

c) Biên bản hoặc tài liệu thể hiện kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình;

d) Kết quả sửa chữa công trình nếu có hư hỏng để bảo đảm công năng và an toàn sử dụng trước khi xem xét, quyết định việc tiếp tục sử dụng công trình;

đ) Hồ sơ xây dựng và bảo trì của công trình đường bộ.

3. Quy định về xử lý hồ sơ:

a) Trường hợp hồ sơ không đủ theo quy định tại khoản 2 Điều này, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Giao thông vận tải có văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ;

b) Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận việc tiếp tục sử dụng công trình trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp chưa đủ điều kiện chấp thuận, Bộ Giao thông vận tải có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ lý do;

c) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan Bộ hoặc qua đường bưu điện.

Điều 25. Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo trì và khai thác công trình đường bộ

1. Công tác bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ được áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở về bảo trì công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.

2. Công tác sửa chữa công trình đường bộ phải áp dụng quy chuẩn quốc gia; áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật về sửa chữa công trình và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định.

3. Đối với công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình có tiêu chuẩn cơ sở hoặc quy trình bảo trì riêng, ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn được áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, quy trình bảo trì riêng để bảo dưỡng, sửa chữa và bào trì công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình.

4. Áp dụng định mức kinh tế-kỹ thuật đối với công tác bảo trì như sau:

a) Công tác bảo trì công trình sử dụng vốn nhà nước phải áp dụng các định mức kinh tế-kỹ thuật về bảo trì do cơ quan có thẩm quyền ban hành;

b) Khuyến khích các công trình sử dụng các nguồn vốn khác áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật bảo trì quy định tại điểm a khoản này.

Điều 26. Chế độ báo cáo thực hiện công tác bảo trì công trình đường bộ

1. Đối với hệ thống đường trung ương do Bộ Giao thông vận tải quản lý, việc báo cáo thực hiện như sau:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ định kỳ hàng quý trước ngày 22 của tháng cuối quý, hàng năm trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo;

b) Cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông vận tải nhận ủy thác quản lý quốc lộ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ đối với các tuyến đường trong phạm vi quản lý của của mình định kỳ hàng quý trước ngày 15 của tháng cuối quý và hàng năm trước ngày 08 tháng 01 của năm tiếp theo;

c) Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình báo cáo Cục Quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải nhận ủy thác quản lý quốc lộ kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ định kỳ hàng quý trước ngày 10 của tháng cuối quý và hàng năm trước ngày 31 tháng 12;

d) Doanh nghiệp BOT, doanh nghiệp dự án khác (đối với công trình đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng dự án), tổ chức được Nhà nước chuyển nhượng hoặc cho thuê quản lý, khai thác đường bộ, doanh nghiệp được Nhà nước cho đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý, khai thác công trình đường bộ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ định kỳ hàng quý trước ngày 15 của tháng cuối quý và hàng năm trước ngày 08 tháng 01 của năm tiếp theo.

2. Đối với hệ thống đường địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nội dung và trách nhiệm báo cáo của các cơ quan quản lý đường bộ ở địa phương.

3. Chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng báo cáo Sở Giao thông vận tải định kỳ hàng năm về tình hình quản lý, bảo trì đường chuyên dùng.

Sở Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tình hình quản lý, bảo trì hệ thống đường địa phương, đường chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý định kỳ hàng năm trước ngày 08 tháng 01 của năm tiếp theo.

4. Ngoài báo cáo định kỳ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan, đơn vị quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này có trách nhiệm báo cáo đột xuất khi có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến công trình đường bộ hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

5. Nội dung báo cáo phải nêu đầy đủ các thông tin sau: tên công trình, hạng mục công trình thực hiện; khối lượng và kinh phí thực hiện; thời gian hoàn thành; những điều chỉnh, phát sinh so với kế hoạch được duyệt; đánh giá kết quả thực hiện (theo kế hoạch được duyệt); đề xuất và kiến nghị trong quá trình thực hiện công tác bảo trì công trình đường bộ (theo Biểu mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục III của Thông tư này).

Điều 27. Nguồn kinh phí quản lý, bảo trì công trình đường bộ

1. Quỹ bảo trì đường bộ theo quy định tại Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, các nguồn vốn từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

2. Vốn của chủ sở hữu đường chuyên dùng, vốn trong các Hợp đồng BOT, Hợp đồng dự án, vốn của doanh nghiệp được giao xây dựng, quản lý khai thác công trình đường bộ.

3. Các nguồn vốn của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 49 Luật Giao thông đường bộ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP .

4. Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì công trình đường bộ thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 28. Chi phí bảo trì công trình đường bộ

1. Nội dung các khoản mục chi phí liên quan đến thực hiện bảo trì công trình đường bộ bao gồm

a) Chi phí lập; thẩm tra, thẩm định quy trình bảo trì công trình và định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ công tác bảo trì công trình đường bộ;

b) Chi phí lập kế hoạch bảo trì công trình đường bộ (bao gồm cả chi phí khảo sát; chi phí lập, thẩm tra và thẩm định kế hoạch bảo trì công trình đường bộ);

c) Chi phí kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ và đột xuất;

d) Chi phí quan trắc công trình đường bộ đối với công trình có yêu cầu quan trắc;

đ) Chi phí bảo dưỡng công trình đường bộ;

e) Chi phí kiểm định chất lượng công trình khi cần thiết;

g) Chi phí sửa chữa công trình định kỳ và đột xuất;

h) Chi phí lập, quản lý hồ sơ bảo trì công trình đường bộ và cập nhật cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

i) Chi phí thực hiện các công việc khác liên quan đến quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ theo quy định của pháp luật.

2. Việc xác định chi phí thực hiện bảo trì công trình đường bộ theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2014 và thay thế Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì đường bộ.

Điều 30. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản, gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để hướng dẫn hoặc tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Như khoản 1 Điều 30;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ,
Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Trang thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo GT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KCHT (20 bản).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

PHỤ LỤC I

CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ BẮT BUỘC PHẢI QUAN TRẮC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

TT

Công trình

Ghi chú

1

Cầu cấp đặc biệt (chiều dài nhịp lớn nhất > 150 m hoặc trụ cao ≥ 50 m).

2

Hầm đường bộ và hầm cho người đi bộ cấp đặc biệt (chiều dài > 1500 m).

3

Theo quyết định của Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quy định trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.

4

Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng quyết định và các trường hợp cần thiết quan trắc đối với các công trình đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng dự án khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án thỏa thuận thống nhất với Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

PHỤ LỤC II

BIỂU MẪU KẾ HOẠCH BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

BẢNG TỔNG HỢP KẾ HOẠCH BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ NĂM ....

Đơn vị thực hiện:

TT

Hạng mục công việc

Đơn vị

Khối lượng

Dự toán kinh phí (triệu đồng)

Thời gian thực hiện

Phương thức thực hiện

Mức độ ưu tiên

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

TỔNG SỐ (A+B+C)

A

Bảo dưỡng thường xuyên

B

Sửa chữa định kỳ (1+2)

1

Chuẩn bị đầu tư

a

Công trình chuyển tiếp

b

Công trình làm mới

2

Thực hiện đầu tư

a

Công trình chuyển tiếp

b

Công trình làm mới

C

Công tác khác

CHI TIẾT

A

Bảo dưỡng thường xuyên

1

Tên đường bộ

BDTX đường

BDTX cầu

Điện chiếu sáng

Cây xanh

…..

2

Tên đường bộ ....

BDTX đường

BDTX cầu

Điện chiếu sáng

Cây xanh

…..

B

Sửa chữa định kỳ (I+II)

I

Chuẩn bị đầu tư

1

Tên đường bộ ....

a

Công trình chuyển tiếp

……………….

b

Công trình làm mới

………………….

2

Tên đường bộ ....

a

Công trình chuyển tiếp

……………..

b

Công trình làm mới

………………

II

Thực hiện đầu tư

1

Tên đường bộ .......

a

Công trình chuyển tiếp

……………..

b

Công trình làm mới

………………..

2

Tên đường bộ .........

a

Công trình chuyển tiếp

………………..

b

Công trình làm mới

…………….

C

Công tác khác

Hoạt động của đơn vị

Thanh tra giao thông

Lập quy trình bảo trì CT

Lập quy trình khai thác CT

Xây dựng định mức KT-KT

Cập nhật cơ sở dữ liệu

Quản lý hồ sơ bảo trì CT

………………….

………………….

Ghi chú:

Cột (8) Mức độ ưu tiên trong Phụ lục: Ghi mức độ ưu tiên 1 (rất cần thiết); 2 (cần thiết).

PHỤ LỤC III

MẪU BÁO CÁO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

BÁO CÁO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ (tháng/năm)

Đơn vị thực hiện:

TT

Hạng mục công việc

Đơn vị

Khối lượng

Kinh phí (triệu đồng)

Thời gian thực hiện

Những điều chỉnh so với kế hoạch được giao

Mức độ hoàn thành (%)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

PHỤ LỤC IV

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ
(kèm theo Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

V/v Xử lý công trình hết tuổi thọ thiết kế

Kính gửi: ………………………………

1. Tên tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo trì:

- Người đại diện: ………………………………………………. Chức vụ: ………………

- Địa chỉ liên hệ: ………………………………………………... Số điện thoại: …………

2. Tên công trình:

- Địa điểm: ……………………………………………………………………………………

3. Loại công trình: ………………………………………………. Cấp công trình: ………

4. Tên tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng công trình:

- Địa chỉ: …………………………………………………………. Điện thoại: ……………

5. Nội dung báo cáo và đề nghị xử lý công trình đường bộ hết tuổi thọ thiết kế:

a) Kết quả đánh giá chất lượng công trình

…………………………………………………………………………………………………

b) Đề nghị về việc xử lý công trình (tiếp tục sử dụng công trình hoặc chuyển đổi công năng sử dụng, sửa chữa công trình nếu cần thiết; sử dụng hạn chế một phần công trình; hạn chế sử dụng công trình; ngừng sử dụng hoàn toàn công trình)

…………………………………………………………………………………………………

c) Các nội dung liên quan khác

…….., ngày ... tháng ... năm ……
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)

Tài liệu gửi kèm:

- Báo cáo đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình;

- Báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình, kết quả sửa chữa công trình;

- Biên bản hoặc tài liệu thể hiện kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình;

- Kết quả sửa chữa công trình nếu có hư hỏng để bảo đảm công năng và an toàn sử dụng trước khi xem xét, quyết định việc tiếp tục sử dụng công trình;

- Hồ sơ xây dựng và bảo trì của công trình đường bộ.

THE MINISTRY OF TRANSPORT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No.: 52/2013/TT-BGTVT

Hanoi, December 12, 2013

 

CIRCULAR

REGULATIONS ON MANAGEMENT, OPERATION AND MAINTENANCE OF ROAD CONSTRUCTION WORKS

Pursuant to the Law on Construction dated November 26, 2003;

Pursuant to the Law on Road Traffic dated November 13, 2008;

Pursuant to the Government’s Decree No. 107/2012/NĐ-CP dated December 20, 2012 defining the functions, tasks, entitlements and organizational structure of the Ministry of Transport;

Pursuant to the Government’s Decree No. 114/2010/NĐ-CP dated December 06, 2010 on maintenance of construction works;

Pursuant to the Government’s Decree No. 11/2010/NĐ-CP dated February 24, 2010 regulating the management and protection of road traffic infrastructure; the Decree No. 100/2013/NĐ-CP dated September 03, 2013 amending and supplementing a number of articles of the Decree No. 11/2010/NĐ-CP;

Pursuant to the Government’s Decree No. 10.2013/NĐ-CP dated January 11, 2013 regulating the management, employment and operation of road traffic infrastructure properties;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Pursuant to the Government’s Decree No. 15/2013/NĐ-CP dated February 06, 2013 on construction quality management;

Pursuant to the Government’s Decree No. 108/2009/NĐ-CP dated November 27, 2009 on investment in the form of build-operate-transfer, build-transfer-operate and build-transfer contracts; the Government’s Decree No. 24/2011/NĐ-CP dated April 05, 2011 amending and supplementing a number of articles of the Decree No. 108/2009/NĐ-CP;

At the request of Director General of Department of Transport Infrastructure and Director General of Directorate for Roads of Vietnam;

The Minister of Transport promulgates the Circular regulating the management and maintenance of road construction works.

Chapter 1.

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and regulated entities

1. This Circular regulates the management and maintenance of road works including the process of maintenance and operation of road works; subject matters of the management and maintenance of road works. This Circular does not regulate management, operation and maintenance of highway works.

2. This Circular applies to organizations or individuals relating to management, operation and maintenance of road works across the territory of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In this Circular, some terms are construed as follows:

1. Road work maintenance means a collection of tasks aimed at ensuring normal and safe operation of the works as designed during the operation period.

2. Process of road work maintenance means regulations on sequence, subject matters and guidelines for the implementation of road work maintenance.

3. Central road network includes national roads and other road routes within the management of the Ministry of Transport.

4. Local road network includes provincial roads, district roads, urban roads and other roads within the management of People’s committees of central-affiliated cities and provinces (hereinafter referred to as People’s Committees of provinces), People’s committees of provincial-affiliated districts, communes (hereinafter referred to as People’s committees of districts).

5. Road management agencies include Directorate for Roads of Vietnam, Road Management Department, the Services of Transport and People’s committees of districts.

6. Road work investment, construction, management and operation enterprises means BOT project management enterprises, other project management enterprises and enterprises assigned by the State to engage in investment, construction, management and operation of road works.

7. Owners of specialized road works mean organizations or individuals that own specialized works as regulated by the law, or organizations or individuals that are authorized by the owners to carry out the management, operation and maintenance of specialized works as regulated by the law.

8. Road works management contractors include organizations or individuals that are assigned by or enter a contract with the road management agency, road works investment and operation enterprises, owners of specialized road works for implementing one or some tasks of the maintenance and operation of road works. Road work management, care and operation contractors include road works management, maintenance and operation contractors, repair and construction contractors and other contractors who engage in the implementation of road works maintenance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Any road works that is put into operation must be managed, operated and maintained under the Law on Road Traffic, the Government’s Decree No. 11/2010/NĐ-CP, the Government's Decree No. 114/2010/NĐ-CP, the Government’s Decree No. 10/2013/NĐ-CP, other relevant legal documents and provisions set out hereof.

2. Road works maintenance must be done in accordance with the process of maintenance, technical regulations and standards on road works maintenance issued by competent agencies. The maintenance tasks must be organized in accordance with relevant regulations and provisions set out hereof.

3. The process of road works maintenance must be established in conformity with works’ components, equipment installed and types of works (roads, bridges, tunnels, ferries, floating bridges and other works), grades of works and purposes of use.

The process of maintenance is clearly and publicly expressed in Vietnamese on papers, magnetic tapes, discs and other media. In case the process of maintenance of the ODA funded construction works is prepared in English by foreign consultants or contractors, the Investor or project management board shall be responsible for translating it into Vietnamese before the works is handed over and put into operation.

4. Management, operation and maintenance of road works must ensure safety to traffic, people, properties, construction works, fire prevention and fighting, environmental protection.

5. Management and maintenance of the following works shall be done in accordance with this Circular and relevant regulations:

a) Civil works, urban technical infrastructure works: implemented in accordance with the law on maintenance of civil works, building material industrial works and urban technical infrastructure works;

b) Power, lighting, traffic lights supply works: implemented in accordance with the law on maintenance of such works, facilities; management, planting and care for green trees, carpets shall be done in accordance with relevant regulations;

c) With respect to equipment installed to the works: implemented under the guidelines of equipment supplier, manufacturer and relevant regulations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 4. Subject matters of road work maintenance

Road work maintenance includes one, some or whole of the following tasks: inspection, monitoring, quality evaluation, maintenance and repair of road works.

1. Road work inspection is to conduct the examination by means of visual methods or specialized equipment in order to assess current conditions of the works and detect damage or signs of damage of the works for early handling.

2. Road work monitoring is to monitor and measure technical specifications of the works according to design during the operation period.

a) Road work monitoring shall be carried out at the request of the investor, owner, road management agency and competent state agencies for avoiding possible incidents that may result in catastrophic effects on people, properties, environment and other events.

b) In addition to the cases as prescribed in Point a, Clause 2 of this Article, road work monitoring shall be compulsory for road works or work items as defined in the Appendix I hereof.

c) Road work monitoring shall be done in accordance with Article 13 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP.

3. Road work quality assessment includes inspection and determination of quality or assessment of quality conformity of the works in comparison with design, technical regulations and standards via visual examination of current conditions of the works in combination with analysis and assessment of test data. Road work quality assessment to serve road work maintenance shall be done in accordance with Article 12 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP.

4. Regular road work care includes activities of monitoring, caring and repairing minor damage and carrying out maintenance of the equipment installed to road works that are regularly and periodically conducted to maintain normal operation of road works and to minimize possible damage.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Regular repair work means repair activities to be performed as planned in order to restore and improve technical conditions of road works that can not be met by regular road work care, including repair work, replacement for damaged components, equipment and technological equipment that are regularly carried out in accordance with the process of road work maintenance;

b) Unregular repair work means repair activities to be performed unregularly on the damage caused to the works or components by sudden impact of floods, storms, earthquake, collision, fire, explosion or other sudden natural disasters, or upon detection of signs of potential negative effects on the operation of the works or any incident may result in disaster.

Article 5. Responsibilities of organizations, individuals for management and maintenance of road works

1. Responsibilities of Directorate for Roads of Vietnam:

a) Act as an advisor for the Minister of Transport in state management of management and maintenance of road works;

b) Organize management, operation and maintenance of central road network within the management of the Ministry of Transport;

c) Inspect Road Management Department, the Services of Transport entrusted with the management, operation and maintenance of road works in accordance with technical regulations and standards, law provisions and assigned plans;

d) Inspect the road work investment, construction, management and operation enterprises in the implementation of management, operation and maintenance of road works that belong to central road network to ensure traffic safety and smoothness according to the Law on Road Traffic, the Decree No. 11/2010/NĐ-CP, the Decree No. 100/2013/NĐ-CP, relevant regulations and this Circular;

dd) Annually, work out the management and use of road traffic infrastructure properties reported by the road management department and the Services of Transport, and make submission to the Ministry of Transport as prescribed in Article 33 of the Decree No. 10/2013/NĐ-CP;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Make decision and take appropriate measures to ensure traffic safety in case of emergency on the routes that belong to central road network if necessary;

h) Handle within competence or make proposals to competent state agencies for handling organizations, individuals violating management, operation and maintenance of road works on the routes that belong to central road network;

k) Exercise authority and responsibilities for the management, operation and maintenance of road works according to relevant law provisions;

2. Responsibilities of the road management department, the Services of Transport entrusted with the management of national road:

a) Organize the implementation of management, operation and maintenance of the assigned routes ensuring traffic safety and smoothness;

b) Select and sign a contract with road work maintenance contractor as regulated; monitor and inspect the management, operation and maintenance of road works carried out by the contractor to ensure quality, progress, traffic and environmental protection safety; ensure all technical regulations and standards, maintenance process and provisions of this Circular are executed;

c) Work out and establish reports on management, operation and maintenance of road works within scope of management;

d) Report the management and use of road traffic infrastructure properties within scope of management to Directorate for Roads of Vietnam before January 10 annually;

dd) Handle within competence or make proposals to competent state agencies for handling violations of management, operation and maintenance of road works committed by organizations, individuals;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Responsibilities of the Services of Transport for local road network:

a) Act as an advisor for People’s committees of provinces in management, operation and maintenance of road works within scope of management of People’s committees of provinces in reliance on this Circular and relevant law provisions;

b) Exercise authority, responsibilities in state management for local road network; organize management and maintenance of road routes within scope of management as regulated by People's committees of provinces and law provisions;

c) Report the management and use of road traffic infrastructure properties within management of local authority to Directorate for Roads of Vietnam before January 10 annually;

d) Exercise authority, responsibilities for management and maintenance of road works within local road network according to relevant law provisions;

4. People’s committees of provinces shall be responsible for managing, operating and maintaining district roads and other roads in the administrative division as regulated by People’s committees of provinces and law provisions, making annual reports on management and use of road traffic infrastructure properties within scope of management to the Services of Transport.

5. Responsibilities of the contractors for the maintenance of road works:

a) Carry out the management and care of assigned road works according to this Circular, technical regulations and standards on maintenance, maintenance process and operation process (with respect to the works included with an operation process), terms and conditions under the contract signed with the road management agency (or owner of specialized road works, road work construction and management enterprises) and relevant law provisions;

b) Report management, care and operation of road works according to this Circular and technical regulations and standards on regular care, maintenance process and relevant law provisions to the road management agency (or owner of specialized road works, road work construction and management enterprises).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Be responsible to the road management agency and competent agencies for management, operation and maintenance of road work within scope of management, meeting the regulations on traffic safety and smoothness and law provisions;

b) Comply with investigation and inspection conducted by competent state agencies and exercise authority and responsibilities as regulated hereof and by relevant law provisions;

c) Make regular, unregular reports to Directorate for Roads of Vietnam (with respect to the road works that belong to central road network), the Services of Transport (with respect to the road works that belong to local road network) on management, operation and maintenance of the works within scope of management according to this Circular and regulations of competent state agencies;

d) In addition to provisions set out in Points a, b and c, Clause 6 of this Article, BOT project enterprises and other enterprises shall be responsible to state agencies that have authority to sign the project contract (hereinafter referred to as contracting state agencies) for executing a project contract in conformity with Investment certificate, terms and conditions agreed under the project contract.

7. Owners of specialized road works shall be responsible for executing provisions set out in Points a, b, Clause 6 of this Article and relevant law provisions;

8. Responsibilities of the investor and contractors (construction, renovation, expansion of road works in operation):

a) Carry out maintenance of road works since taking delivery of the project;

b) Take measures to ensure traffic safety, keep watch and handle traffic accidents and work incidents according to this Circular and relevant law provisions;

c) Comply with investigation, inspection and handling conducted by the road management agency, competent state agencies during the execution of this Circular and relevant law provisions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ROAD WORK MAINTENANCE AND OPERATION PROCESSES

Article 6. Responsibilities for establishment of road work maintenance process

1. As for road work construction projects:

a) Technical design contractors (with respect to the works of three-step design), shop drawing design contractors (with respect to the works of one- or two-step design) shall be responsible for establishing and handing over to the investor the works or components maintenance process designed by their own along with the design documents;

b) Equipment suppliers shall be responsible for establishing and handing over to the investor the equipment maintenance process before acceptance and putting the equipment into use;

c) In case design contractors and equipment suppliers as prescribed in Points a, b, Clause 1 of this Article are unable to establish the maintenance process, the investor shall hire a consultant qualified as regulated for the establishment of maintenance process. Expenses paid to the consultant for the establishment of maintenance process are taken away from the expenses under the contract signed with the design contractor or equipment supplier.

2. As for the works that are currently in operation yet to have a maintenance process, the road management agency, road work construction and management enterprises, owners of specialized road works shall organize the establishment or hire a consultant to establish the road work maintenance process.

3. Establishment of maintenance process is not required for the following works or work components:

a) Temporary works except otherwise as regulated by the law; In this case, the road management agency, owner of specialized road works are still required to carry out the maintenance as regulated in the Decree No. 114/2010/NĐ-CP and this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 7. Content and bases for establishment of road work maintenance process

1. Content of the maintenance process to be established must ensure entire coverage of work components as prescribed in Clause 3, Article 6 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP.

2. Bases for establishment of road work maintenance process include:

a) Technical regulations and standards applied to the works;

b) Maintenance process of similar works (if any);

c) Design documents (including revised design documents if any), technical instructions on construction;

d) Instructions from equipment manufacturers, suppliers and installers;

dd) Natural conditions of construction site;

e) Experiences in management and operation of the works and equipment installed to the works;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. As for the works that are already put into operation but yet to have maintenance process, apart from the provisions set out in Clause 2 of this Article, establishment of maintenance process shall be also based on the work completion documents, as-built drawings and actual operation capacity of the works.

Article 8. Assessment and approval of road work maintenance process

1. As for road work construction investment projects, assessment and approval of the maintenance process shall be done according to Article 7 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP.

2. As for the works that are already put into operation but yet to have maintenance process, responsibilities for assessment and approval are as follows:

a) As for central road network using central road maintenance funds, state budget capital and state budget based capital, the Ministry of Transport shall carry out assessment and approval of maintenance process for the following works: road works of special grades, road tunnels using ventilation equipment, bridge works of special and first grades, bridge & tunnel works using new technology, structure and material.

Directorate for Roads of Vietnam shall carry out assessment and approval of maintenance process for road works using central road maintenance funds, state budget capital and state budget based capital except the works approved by the Ministry of Transport.

State owned enterprises (affiliated to the Ministry of Transport) assigned to carry out investment, construction and maintenance of road works shall assess and approve the maintenance process for road works using corporate capital.

b) As for local road network, the People’s committees of provinces shall regulate assessment and approval or decentralize assessment and approval of the maintenance process of road works;

c) As for the works invested, constructed and operated in the form of BOT contracts and other project contracts, project management enterprises (the investor) shall be responsible for carrying out assessment and approval of the maintenance process after signing a project contract with the contracting state agency;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Organizations responsible for approving the maintenance process may hire a consultant to assess part or whole of the maintenance process before approval.

Article 9. Adjustment of road work maintenance process

During the implementation, upon finding any illogical factor that is likely to affect safety, capacity, quality and longevity of the road works, the road management agency, owners of road works shall have the right to adjust the maintenance process and make submission to competent agencies as prescribed in Clause 2, Article 8 hereof for approval.

Article 10. Road work operation process

1. Road work operation process is the guidance provided by design consultants, equipment & technology suppliers on manner, sequence and subject matters of operation of the works, equipment installed to the works to ensure proper operation and use of the works, to ensure safety and longevity of the works and equipment according to the design.

Subject matters of operation process of road works must cover regulations on traffic organization, operation loads, speed, vehicle components, lane arrangement, ferries, floating bridges, installation of equipment to the works, rescue operation, fire, explosion safety and other relevant issues.

2. The following works are required to have operation process:

a) Swing bridges, drawbridge, bridges using overhead lifting equipment;

b) Road ferries, floating bridge;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Technological equipment installed at tollbooths;

dd) Technological equipment installed at weigh stations;

e) Traffic monitoring system, traffic control technological equipment;

g) Other cases as regulated by competent state agencies, investors or owners of the works;

3. Responsibilities for establishment, assessment and approval of the operation process, revised operation process are instructed as in the case of road work maintenance process prescribed in Articles 6, 8 and 9 hereof.

4. Bases for establishment of the operation process include:

a) Design documents;

b) Capacity, use, characteristics and nature of equipment installed to the works;

c) Handbooks, user manuals, operator manuals;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Other matters as regulated in Clause 2, Article 7 hereof;

Article 11. Documents serving management, operation and maintenance of road works

1. Documents serving management, operation and maintenance of road works include:

a) Legal documents, taking-over certificates concerning construction investment projects;

c) Shop drawing design documents (including revised design if any);

c) As-built drawings;

d) User manuals, operator manuals for equipment, technological line installed to the works (if any);

dd) Site clearance benchmark documents, land use right certificate of infrastructural constructions serving management of road works (if any); road safety corridor benchmark system;

e) Traffic safety assessment documents (if any);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Traffic organization documents (if any);

i) Documents concerning initial conditions of bridge, tunnel works (if any);

k) Diaries of road patrols, records of bridges, tunnels, road registration documents, topographical maps; statistical reports on operation of road works; magnetic tapes, discs about conditions of the works and other media;

l) Records, documents concerning the handling of administrative violations of road lands (if any);

m) Documents concerning inspection, assessment, monitoring, repair work, operation and maintenance of road works:

n) Road, ferry and floating bridge vehicle count data;

2. Responsibilities for establishing, supplying and receiving documents during the phase of investment and construction to serve operation and maintenance of road work as follows:

a) As for road works that are constructed, renovated, upgraded or expanded, the investor shall establish and hand over the documents as prescribed in Points a, b, c, d, dd, e, g, h and i, Clause 1 of this Article to the road management agency before putting the works into operation. Upon handover, the two parties should inspect status of the documents and make a list of documents handed over;

b) As for road work repair projects, the road management agency, road work construction and management enterprises, owners of specialized road works as the investor thereof shall execute the tasks as prescribed in Point a, Clause 2 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 3.

MANAGEMENT OF ROAD WORKS

Article 12. Contents of road work management task

1. Manage and use as-built drawings, road work maintenance process;

2. Establish, manage and use the documents during the operation of road works;

3. Organize management and protection of road traffic infrastructure;

4. Monitor, update conditions of damage and degradation of road works.

5. Organize traffic, keep watch, count vehicle and handle accidents and incidents;

6. Management of vehicle loads, oversized vehicles, tracked vehicles traveling on the roads shall be done according to relevant legal documents;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Responsibilities of the road management agency:

a) File originals of as-built drawings, maintenance process and other documents after receiving from the investor construction projects as prescribed in Article 11 hereof;

b) Photocopy as-built drawings, maintenance process and other documents for handing over to the maintenance contractor;

c) Instruct the road work management, care and operation contractor to perform the duties as prescribed in Clause 2 of this Article.

2. The road work management, care and operation contractor shall be responsible for filing and using as-built drawings, maintenance process, operation process (if any) and other documents;

3. Road work construction and management enterprises, owners of specialized road works shall take responsibilities as prescribed in Clause 1 of this Article with respect to the road works under their own management.

Article 14. Establishment, management and use of documents during road work maintenance;

1. Responsibilities of the road management agency:

a) Instruct and inspect the execution of the provisions set out in Clauses 2, 3 of this Article by contractors during the maintenance period;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Road work management, care and operation contractor shall be responsible for establishing, managing and using the following documents:

a) Records of bridges, tunnels, road registration documents, update conditions of bridges, tunnels and roads;

b) Establish management documents (topographical map), road safety corridor; on a three-month basis, update violations, site clearance, removal of works that violate road safety and road lands; establish documents concerning connecting positions and essential works within road safety corridor;

c) Record road patrols in dairy (roads, bridges and sewage); take notes of daily operation of tunnels, ferries, floating bridges, swing bridges, drawbridges and other specific bridges;

d) Establish and report management, operation and maintenance of road works;

dd) Establish, manage and use other documents as prescribed in technical regulations and standards on maintenance and approved maintenance process.

3. Responsibilities of other contractors:

a) Design surveying contractors and work construction and repair contractors shall be responsible for establishing documents concerning survey, design, as-built drawings and executing other law provisions with respect to road construction projects;

b) Work assessing, inspecting and monitoring contractors shall be responsible for establishing performance reports according to the approved outline; executing other law provisions with respect to work construction projects.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 15. Management and protection of road works

1. Responsibilities of the road management agency:

a) Organize road patrols as regulated by the Ministry of Transport;

b) Execute provisions on management and protection of road traffic infrastructure as prescribed in the Decree No. 11/2010/NĐ-CP, the Decree No. 100/2013/NĐ-CP and relevant law provisions; carry out floods, storms prevention and control as regulated by the Ministry of Transport and provisions of this Circular;

c) Execute provisions on management and maintenance of road works as prescribed in technical regulations and standards on maintenance and road work operation process;

d) Organize establishment and submission of maintenance plan according to law provisions; organize establishment, assessment and approval of economic-technical reports or road work repair projects according to law provisions; organize tenders, place orders, hand over maintenance plan and sign contracts for work maintenance;

dd) Inspect and monitor the execution of the contract performed by road work maintenance contractors;

2. Responsibilities of road work management, care and operation contractor:

a) Organize road patrol, inspection and protection of road traffic infrastructure as regulated by the Ministry of Transport;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Execute provisions on management and maintenance of road works as prescribed in technical regulations and standards on maintenance, road work operation process and contracts signed with the road management agency, owner of road works;

3. Road work construction and management enterprises, owners of specialized road works shall take responsibilities as prescribed in Clause 1 of this Article with respect to the road works under their own management.

Article 16. Monitor, update conditions of damage and degradation of road works

1. Responsibilities of the road management agency:

a) Organize regular, unregular inspection and assessment of conditions of damage, degradation of the works;

b) Inspect, monitor and speed up the execution of provisions set out in Clause 2 of this Article performed by road work management, care and operation contractors

c) Update and summarize damage of the works within management as the base to build the maintenance plan; make the report to competent agencies and organize remedial work to ensure traffic safety and smoothness;

2. Responsibilities of road work management, care and operation contractor:

a) Carry out regular monitoring and updates of quality conditions of the assigned road works; punctually detect damage, degradation of the works and equipment installed to the works;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Execute other provisions as prescribed in technical regulations and standards on maintenance and road work operation process;

3. Road work construction and management enterprises, owners of specialized road works shall take responsibilities as prescribed in Clause 1 of this Article with respect to the road works under their own management.

Article 17. Traffic organization, watchkeeping, vehicle count and handling of accidents and incidents

1. Traffic organization:

a) The road management agency and other relevant agencies shall be responsible for executing provisions set out in Article 37 of the Law on Road Traffic:

b) The investor, construction contractors and road work construction and repair contractors shall be responsible for taking measures to ensure traffic safety according to regulations of the Law on Road Traffic, the Decree No. 11/2010/NĐ-CP, the Decree No. 100/2013/NĐ-CP and regulations of the Ministry of Transport;

c) The road work management, care and operation contractors shall be responsible for performing traffic organization tasks as stated in the contract for management, care and operation of road woks;

2. Watchkeeping:

a) The road work management agency shall be responsible for instructing and inspecting watchkeeping duties performed by the road work management, care and operation contractors and taking appropriate measures to ensure traffic in case of congestion or work incidents;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Relevant organizations, individuals shall carry out watchkeeping duties to ensure traffic, prevent and control floods, storms as regulated by the Ministry of Transport;

d) Road work construction and management enterprises, owners of specialized road works shall take responsibilities as prescribed in Point b, Clauses 1 and 2 of this Article.

3. Vehicle count:

a) The road management agency shall be responsible for inspecting and monitoring the execution of provisions set out in Point b of this Clause by the contractor; summarize and store vehicle count data on the routes within scope of management;

b) Road work management, care and operation contractors shall be responsible for carrying out road vehicle count, establishing records of the number of vehicle on each ferry, number of ferries per day, month, quarter and year; making the report on vehicle counting to the road management agency;

c) Road work construction and management enterprises shall be responsible for organizing vehicle counting on the road sections assigned for management and operation; making the report on vehicle counting to contracting state agencies, the road management agency and other competent agencies.

4. When accidents happen, relevant organizations or individuals must execute provisions set out in Article 38 of the Law on Road Traffic.

5. When an incident happens, relevant organizations, individuals must execute provisions of the Law on Construction, the Government’s Decree No. 15/2013/NĐ-CP dated February 06, 2013 on construction quality control and other relevant law provisions.

Chapter 4.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 18. Establishment, approval and adjustment of road work maintenance plan

1. Establishment of road work maintenance plan using state budget capital:

a) Directorate for Roads of Vietnam shall be responsible for establishing central road network maintenance plan using state budget capital (according to the form as shown in the Appendix II hereof), including: central road maintenance funds, state budget capital, ODA capital, capital sources from operation of road traffic infrastructure and legal capital sources;

b) People’s committees of provinces shall regulate the establishment of maintenance plan for local road network within scope of management;

c) Contents of annual road work maintenance plan include regular care plan, road work repair plan for each route (road section) and other tasks (if any). Road work maintenance plan must cover the following information: name of the works, main work components, unit mass, maintenance cost, period, methods and level of priority.

2. Approval of road work maintenance plan using state budget capital;

a) The Ministry of Transport shall approve central road network maintenance plan established by Directorate for Roads of Vietnam and other cases within competence;

b) The approval of local road work maintenance plan using local budget capital sources and local road maintenance funds shall be done according to regulations of People's committees of provinces and law provisions;

3. Sequence and procedures for approval of central road network maintenance plan:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The Ministry of Transport shall assess and approve road work maintenance plan and cost estimates before July 15; work out and enter the maintenance plan and cost estimates into annual state budget accounting estimates of the Ministry of Transport and make the submission to the Ministry of Finance before August 30 annually;

c) Based on the decision on assignment of state budget accounting estimates issued by the Ministry of Finance, the Ministry of Transport shall make the notice to Directorate for Roads of Vietnam about the estimates a part of which is intended for road maintenance;

d) Directorate for Roads of Vietnam shall organize checking lists of projects, work items and work quantities that need to be dealt with immediately; be responsible for establishing road work maintenance plan and cost estimates and making submission to the Ministry of Transport within 15 days at the latest since receipt of the notice as prescribed in Point c of this Clause;

dd) The Ministry of Transport shall assess and approve the road work maintenance cost estimates and assign budget accounting estimates to Directorate for Roads of Vietnam.

4. Adjustment of road work maintenance plan using state budget capital:

a) The central road network maintenance plan shall be adjusted and supplemented during the implementation to suit real-life circumstances. The Ministry of Transport shall decide the adjustment of central road network maintenance plan;

b) Adjustments and supplements made to local road network maintenance plan shall be decided by People’s committees of provinces;

5. Establishment, assessment and approval of road work maintenance plan shall be executed by state owned enterprises (that carry out the investment, construction, management and operation but not in the form of project contracts) affiliated to the Ministry of Transport as follows: the enterprises shall establish and make submission of the plan to the Ministry of Transport for approval in case state budget capital, state budget-based capital for maintenance is used; the enterprises shall approve the plan in case corporate capital is used.

6. As for BOT projects and others, annual maintenance plan and costs must be stated in the project contract as the bases for road work maintenance during the operation phase. The investor and project management enterprises shall establish annual road work maintenance plan and make submission to contracting state agencies for negotiation prior to approval for implementation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Establishment, approval and adjustment of the plan for maintenance of road works as not defined in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6 of this Article shall be done according to provisions set out in Article 10 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP.

Article 19. Implementation of road work maintenance plan

1. As for central road network managed by the Ministry of Transport, maintenance plan shall be executed as follows:

a) Based on approved annual road work maintenance plan, Directorate for Roads of Vietnam shall organize the implementation as regulated.

b) In case the road works are invested, constructed, managed and operated by state owned enterprises affiliated to the Ministry of Transport (but not in the form of project contracts), the enterprises shall rely on the approved maintenance plan to organize the implementation as regulated.

c) The Ministry of Transport shall inspect and monitor the implementation of road work maintenance plan with respect to the cases as prescribed in Points a, b, Clause 1 of this Article or in case a project contract is executed by a competent state agency as prescribed in Clause 3 of this Article.

2. Implementation of local road network maintenance plan shall be regulated by People's committees within competence.

3. As for BOT projects and others, project management enterprises shall rely on maintenance plan and costs as prescribed in Clause 6, Article 18 hereof to organize the implementation of the maintenance plan ensuring traffic safety and smoothness.

Contracting state agencies shall be responsible for monitoring and inspecting project management enterprises in implementing the maintenance in accordance with the plan as stated in the project contract; detecting and handling violations committed by the project management enterprise to the regulations on road work management and maintenance and terms of the signed project contract.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Unregular repair work to central road networks managed by the Ministry of Transport shall be done as follows:

a) As for works, components damaged under sudden impact of floods, storms, earthquake, collision, fire and explosion or other sudden natural impacts that need urgent repair work, the Ministry of Transport shall authorize Directorate for Roads of Vietnam to approve and organize the implementation to ensure traffic and work safety;

b) Directorate for Roads of Vietnam shall be responsible for using expenses and implementation method with respect to unregular repair works as prescribed in Point a of this Clause; reporting results of repair works to the Ministry of Transport.

Article 20. Inspection, maintenance, repair and assessment of road work safety

1. The road work maintenance contractor shall carry out the inspection, maintenance, repair of road works under the maintenance contract and approved maintenance process; organize work safety if necessary;

2. Inspection, care and repair of road works shall be done according to provisions as prescribed in Clauses 2, 3, 4 and 5, Article 11 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP and this Circular;

3. Assessment of road work safety through work quality assessment shall be done according to provisions of Article 12 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP.

Article 21. Quality management in road work maintenance

1. The road management agency, road work construction and management enterprises, owners of specialized road works, investors, maintenance contractors, and relevant organizations, individuals shall be responsible for executing road work quality management according to the Law on Construction, Decree No. 15/2013/NĐ-CP, Decree No. 114/2010/NĐ-CP and other relevant law provisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Road work maintenance documents shall be formed as regulated in Clause 2, Article 11 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP and this Circular;

4. Road repair work maintenance period is instructed in Clause 3, Article 14 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP;

Article 22. Maintenance to road works in operation without maintenance process

1. As for road works that in operation but yet to have the maintenance process, the road management agency shall carry out the followings:

a) Establish and submit to competent agencies as prescribed in Article 8 hereof the plan for road work maintenance procedure construction with respect to road works that have been put into operation but yet to have a maintenance process as prescribed in Clause 2, Article 6 hereof;

b) Make survey, inspect and assess current quality conditions of road works;

c) Organize the establishment of maintenance process and make submission to competent agencies for assessment and approval as regulated in Article 8 hereof;

d) In case the maintenance procedures are not issued, the road management agency, road work maintenance contractor shall carry out the implementation of maintenance as prescribed in the Decree No. 114/2010/NĐ-CP and this Circular.

2. Road work construction and management enterprises, owners of specialized road works shall execute the tasks as prescribed in Points b, c and d, Clause 1 of this Article with respect to the works under their management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Upon finding road works, components, or equipment installed to the works show signs of degradation in quality, failing to ensure safety for operation, the road management agency shall be responsible for executing provisions set out in Article 18 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP and the following provisions:

a) Organize inspection and assessment of current quality conditions of the works;

b) Instruct and inspect the road work management and operation contractor in executing provisions as prescribed in Clause 2 of this Article.

c) Carry out remedial work to the damage to ensure traffic and work safety during the operation;

d) Make the report to superior and competent agencies;

2. Responsibilities of the road work management, care and operation contractor:

a) Carry out regular monitoring and inspection of the works, perform road patrols to detect any damage or degradation in quality, make immediate reports to the road management agency and owner of road works;

b) Upon detection of any damage, degradation in quality that is likely to affect operation safety, carry out keeping watch and regulating traffic if necessary, take measures to remedy damage to ensure traffic circulation; if necessary, send proposal to the road management agency for setting up signs to restrict loads, speed and taking appropriate measures to minimize or temporarily suspend operation of the works if found unsafe;

c) When taking measures to minimize or temporarily suspend operation of the road works as prescribed in Point b of this Clause, the road work management, care and operation contractor shall be responsible for directing traffic to ensure traffic circulation under the assignment and instruction of the road management agency, traffic police and competent state agencies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Reporting signs of degradation in quality that are likely to cause loss of safety to traffic shall be done according to provisions set out in Point b, Clause 1, Article 13 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP.

5. In case the road works has an incident during the operation, the handling of such incident shall be done according to provisions on construction quality management.

6. In case the road works runs out of design life but operation of such works is still needed, the road management agency, road work construction and management enterprises, owners of specialized road works shall execute provisions set out in Article 16 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP; send proposal to competent state agencies for permission to continue operation of the works running out of design life as prescribed in Point d, Clauses 1, 2, Article 16, and Point d, Clause 2 of Article 26 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP.

Article 24. Procedures for approval of continued operation of works out of design life

1. Handling of the works from grade III and under shall be done according to Points a, b and c, Clause 1 of Article 16 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP.

2. As for road works from grade II and over, the road management agency, road work construction and management enterprises, owners of specialized road works shall send a set of documents to the Ministry of Transport for consideration and approval of extended operation of the works. The set of documents include:

a) Request form according to the form shown in the Appendix IV hereof;

b) Reports on results of inspection and assessment of work quality, results of repair work;

c) Written records of results of inspection and assessment of current quality conditions of the works;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Road work construction and maintenance documents;

3. Regulations on handling of documents:

a) In case the documents are found not adequate as prescribed in Clause 2 of this Article, within five working days, the Ministry of Transport shall issue a written request for supplements.

b) In case the documents are found adequate as prescribed in Clause 2 of this Article, the Ministry of Transport shall issue a written approval of continued operation of the works within 45 working days since receipt of the documents. In case conditions for approval are not met, the Ministry of Transport shall issue a written notice with reasons stated;

c) Receiving documents and returning the results shall be done at the head office of ministerial office or by post.

Article 25. Application of technical regulations and standards, economic-technical norms on road work maintenance and operation

1. Regular maintenance of road works must conform to national technical regulations and standards, internal standards on work maintenance issued by competent agencies according to law provisions.

2. Road repair work must conform to national technical regulations and standards on works repair, technical regulations and standards on construction issued by competent agencies according to law provisions.

3. As for works, equipment installed to the works that have internal standards or maintenance process, in addition to the provisions set out in Clauses 1, 2 of this Article, the internal standards and maintenance process shall be also based on for maintenance, care, repair of the works and equipment installed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Maintenance of the works using state capital must conform to economic-technical norms on maintenance issued by competent agencies;

b) Application of economic-technical norms to maintenance of the works using other capital sources as prescribed in Point a of this Clause is encouraged.

Article 26. Road work maintenance reporting

1. As for central road network managed by the Ministry of Transport, road work maintenance reporting shall be carried out as follows:

a) Directorate for Roads of Vietnam shall make quarterly and annual reports on performance of maintenance plan before 22nd of quarter’s last month, and before January 15 of the following year;

b) Road Management Department and the Services of Transport entrusted with the management of national road shall report to Directorate for Roads of Vietnam on performance of road work maintenance plan with respect to routes within scope of management before 15th of each quarter’s last month and before January 08 of the following year;

c) The road work management, care and operation contractor shall report to Directorate for Roads of Vietnam or the Services of Transport entrusted with the management of national road on performance of road work maintenance plan before 10th of each quarter’s last month, and before December 31 annually;

d) BOT enterprises, project management enterprises (with respect to the road works invested in the form of project contract), organizations transferred or rented to by the state the management and operation of road works, enterprises permitted by the state to carry out investment, construction management, operation of road works shall report to Directorate for Roads of Vietnam on performance of road work maintenance plan before 15th of each quarter's last month and before January 08 of the following year.

2. As for local road network, People’s committees of provinces shall regulate reporting and responsibilities of local road management agencies for reporting.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Services of Transport shall summarize and report to Directorate for Roads of Vietnam on the management and maintenance of local road network and specialized roads within scope of management before January 08 of the following year;

4. In addition to regular reports as prescribed in Clause 1 of this Article, agencies, organizations as prescribed in Clauses 1, 2 and 3 of this Article shall be responsible for making unexpected reports in case of force majeure events or at the request of competent agencies.

5. Reports must include name of the works, work items, quantity and costs, completion time, adjustments and variations compared with approved plan; evaluation of results (according to approved plan), proposals and petitions during the maintenance (according to the form as shown in the Appendix III hereof).

Article 27. Expenses for road work management and maintenance

1. Road maintenance funds as prescribed in the Government’s Decree No. 18/2012/NĐ-CP dated March 13, 2012 on road maintenance funds, state budget capital, ODA capital and other capital sources from the operation of road traffic infrastructure properties according to law provisions;

2. Capital from owners of specialized road works, BOT contract capital, project contracts, capital from enterprises assigned for construction, management and operation of road works.

3. Capital sources from organizations, individuals as prescribed in Article 49 of the Law on Road Traffic and other legal capital sources as prescribed in Article 19 of the Decree No. 114/2010/NĐ-CP.

4. Management and use of expenditure for road work maintenance shall be done according to applicable regulations.

Article 28. Road work maintenance costs

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Costs for establishment and assessment of work maintenance procedures and economic-technical norms serving road work maintenance;

b) Costs for establishment of work maintenance plan (including survey, establishment and assessment of road work maintenance plan);

c) Costs for regular and unregular inspection of the works;

d) Costs for monitoring of road works as requested;

dd) Costs for road work care;

e) Costs for quality assessment if necessary;

g) Costs for regular and unregular repair work;

h) Costs for establishment and management of road work maintenance documents and updating of road traffic infrastructure database;

i) Costs for performing tasks relating to management, operation and maintenance of road works according to law provisions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 5.

IMPLEMENTATION

Article 29. Effect

This Circular takes effect since February 01, 2014 and replaces the Circular No. 10/2010/TT-BGTVT dated April 19, 2010 of the Minister of Transport regulating management and maintenance of road works.

Article 30. Implementation

1. Chief of the Ministry Office, the Chief Inspector, director generals of ministries, Director General of Directorate for Roads of Vietnam, directors of the Services of Transport of central-affiliated provinces and cities, heads of relevant agencies, organizations and individuals shall be responsible for executing this Circular.

2. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to Directorate for Roads of Vietnam for instruction, or to the Ministry of Transport for consideration and handling./.

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 52/2013/TT-BGTVT ngày 12/12/2013 quy định về quản lý và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


48.779

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.227.199
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!