Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 10/2013/NĐ-CP quản lý sử dụng khai thác tài sản kết cấu hạ tầng

Số hiệu: 10/2013/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 11/01/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 10/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả và tạo nguồn vốn phục vụ bảo trì và phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Đối với những tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mà việc quản lý, sử dụng phải thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

4. Các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là tài sản hạ tầng đường bộ) gồm: Công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ và các công trình khác phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ.

2. Công trình đường bộ gồm: Đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ công trình đường bộ khác.

3. Đường bộ gồm: Đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.

4. Đất của đường bộ là phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.

5. Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

6. Quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ là các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm bảo vệ, duy trì hoạt động bình thường của tài sản hạ tầng đường bộ.

7. Cơ quan quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ, cơ quan trung ương); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

8. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ là chủ thể được Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ; gồm: Khu quản lý đường bộ; Sở Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã); cơ quan, đơn vị được Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ.

9. Tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ là chủ thể thực hiện việc bảo trì, khai thác và sử dụng theo Hợp đồng ký với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Khoản 8 Điều này.

10. Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ là tập hợp các hoạt động bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của thiết kế để đảm bảo hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng; cụ thể:

a) Bảo dưỡng thường xuyên là hoạt động theo dõi, chăm sóc, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, duy tu thiết bị đã lắp đặt vào công trình được tiến hành thường xuyên, định kỳ để duy trì tài sản hạ tầng đường bộ ở trạng thái khai thác, sử dụng bình thường và hạn chế phát sinh hư hỏng;

b) Sửa chữa định kỳ là hoạt động được thực hiện theo kế hoạch nhằm khôi phục, cải thiện tình trạng kỹ thuật của tài sản hạ tầng đường bộ mà bảo dưỡng thường xuyên không đáp ứng được;

c) Sửa chữa đột xuất là hoạt động phải thực hiện bất thường khi tài sản hạ tầng đường bộ bị hư hỏng đột xuất do các tác động của thiên tai, địch họa, những tác động đột xuất khác hoặc khi có biểu hiện có thể gây hư hỏng đột biến cần khắc phục kịp thời để bảo đảm duy trì hoạt động bình thường.

11. Tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng là tài sản do tổ chức, đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng phục vụ cho hoạt động giao thông đường bộ đặc thù của một hoặc một số tổ chức, đơn vị, cá nhân.

12. Tài sản hạ tầng đường bộ trong thời hạn thực hiện Hợp đồng dự án là tài sản đang được đầu tư xây dựng hoặc đang khai thác, sử dụng trong thời hạn quy định tại Hợp đồng đã ký kết của các hình thức: Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (sau đây gọi chung là BOT), Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (sau đây gọi chung là BTO), Xây dựng - Chuyển giao (sau đây gọi chung là BT), đối tác công - tư (sau đây gọi chung là PPP) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

13. Tổ chức, cá nhân thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn là các tổ chức kinh tế, Quỹ đầu tư không phân biệt trong và ngoài nước, có tư cách pháp nhân và có đủ điều kiện hoạt động thực hiện đầu tư theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ

1. Mọi tài sản hạ tầng đường bộ được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quản lý, sử dụng và khai thác.

2. Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

3. Hiện đại hóa công tác quản lý tài sản hạ tầng đường bộ và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

4. Khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

5. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi tham gia quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ; đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện bảo trì và phát triển tài sản hạ tầng đường bộ.

6. Tài sản hạ tầng đường bộ phải được hạch toán đầy đủ về hiện vật và giá trị theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

7. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hạ tầng đường bộ dưới mọi hình thức.

2. Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

3. Sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ để kinh doanh trái pháp luật.

4. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hạ tầng đường bộ.

5. Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

6. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

7. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chương 2.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ

1. Ban hành các quy định về:

a) Tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản hạ tầng đường bộ;

b) Định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ;

c) Chế độ bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ;

d) Chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ để có biện pháp quản lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ hiện có.

4. Quản lý các nguồn tài chính phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Chủ trì xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về:

a) Tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản hạ tầng đường bộ, trừ các công trình kiến trúc là nhà, trạm;

b) Định mức kinh tế - kỹ thuật về bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ;

c) Chế độ bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ;

d) Khung giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý.

3. Quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc lập danh mục tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ.

4. Thống kê, lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

5. Quyết định cho thuê quyền khai thác, thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý; quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

6. Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

7. Tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ trong phạm vi cả nước.

8. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Chủ trì xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về:

a) Chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ;

b) Phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Quyết định xác lập sở hữu nhà nước, chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quyết định phương án quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý được đầu tư theo hình thức Hợp đồng dự án BOT, BTO, BT, PPP và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật.

3. Quyết định việc bán quyền thu phí, chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý; quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ giữa bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về:

a) Cụ thể hóa quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý;

b) Khung giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

3. Tổ chức việc quản lý và phân cấp trách nhiệm quản lý quỹ đất thuộc hành lang an toàn đường bộ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

5. Thống kê, lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi tỉnh quản lý.

6. Quyết định xác lập sở hữu nhà nước, quyết định phương án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý được đầu tư theo hình thức Hợp đồng dự án BOT, BTO, BT, PPP và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật.

7. Quyết định điều chuyển, thanh lý, bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

8. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện bảo trì, việc bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

9. Quyết định các biện pháp thuộc thẩm quyền nhằm huy động nguồn vốn phục vụ bảo trì và phát triển tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

10. Tạo quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

11. Tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

12. Chỉ đạo, kiểm tra việc lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

13. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi tỉnh quản lý.

14. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

2. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

3. Thống kê, lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

4. Quyết định điều chuyển, thanh lý, bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

5. Tổ chức ký Hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán kinh phí cho tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định.

6. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện bảo trì, việc bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật và việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

7. Chịu trách nhiệm quản lý quỹ đất thuộc hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật về đất đai và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

8. Lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

9. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

10. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

2. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

3. Thống kê, lập danh mục, phân loại tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

4. Quyết định điều chuyển, thanh lý, bán quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

5. Quyết định thực hiện các biện pháp thuộc thẩm quyền để huy động nhân lực; vật chất thực hiện bảo trì và quản lý việc sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

6. Tổ chức ký Hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán kinh phí cho tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định.

7. Chịu trách nhiệm quản lý quỹ đất thuộc hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật về đất đai và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

8. Lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

9. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

10. Kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ

1. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện các quy định sau:

a) Tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổ chức ký Hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán kinh phí cho tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định;

c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

d) Lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

2. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ là Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định này.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ

1. Bảo trì, khai thác và sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật, Hợp đồng đã ký kết với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đối với tài sản hạ tầng đường bộ.

3. Chịu trách nhiệm về chất lượng tài sản hạ tầng đường bộ bị xuống cấp do không thực hiện việc bảo trì theo quy định.

4. Chủ động thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn của tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật.

5. Được Nhà nước ưu đãi về vốn, thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

MỤC 1. HỒ SƠ TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 14. Hồ sơ tài sản hạ tầng đường bộ

1. Hồ sơ tài sản hạ tầng đường bộ gồm:

a) Hồ sơ liên quan đến việc hình thành, biến động tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

b) Báo cáo kê khai; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định tại Điều 32, 33 Nghị định này;

c) Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ chịu trách nhiệm lập hồ sơ về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 15. Quản lý, lưu trữ hồ sơ tài sản hạ tầng đường bộ

1. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ chịu trách nhiệm quản lý, lưu trữ đầy đủ hồ sơ về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, lưu trữ các hồ sơ tài sản hạ tầng đường bộ sau đây:

a) Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý;

b) Cơ sở dữ liệu về tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

3. Bộ Giao thông vận tải quản lý, lưu trữ các hồ sơ tài sản hạ tầng đường bộ sau đây:

a) Báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ trong phạm vi cả nước;

c) Quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản hạ tầng đường bộ trong phạm vi cả nước.

4. Bộ Tài chính quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (trong đó có tài sản hạ tầng đường bộ) trên phạm vi cả nước.

MỤC 2. HẠCH TOÁN TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 16. Tiêu chuẩn nhận biết tài sản hạ tầng đường bộ để ghi sổ hạch toán

1. Tài sản hạ tầng đường bộ đủ tiêu chuẩn để ghi sổ hạch toán là những tài sản có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chí dưới đây:

a) Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên;

b) Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) trở lên.

2. Tài sản hạ tầng đường bộ ghi sổ hạch toán gồm:

a) Đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường (bao gồm cả cầu đường bộ dài dưới 25 m, cống);

b) Cầu đường bộ dài từ 25 m trở lên và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ;

c) Hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ;

d) Bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ;

đ) Trạm kiểm tra tải trọng xe;

e) Trạm thu phí đường bộ;

g) Bến xe;

h) Bãi đỗ xe;

i) Nhà hạt quản lý đường bộ;

k) Trạm dừng nghỉ;

l) Các công trình khác phục vụ giao thông đường bộ.

Điều 17. Đối tượng ghi sổ hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ

1. Mỗi tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Điều 16 Nghị định này là một đối tượng ghi sổ hạch toán.

2. Trường hợp một tài sản hạ tầng đường bộ do nhiều cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý thì đối tượng ghi sổ hạch toán của mỗi cơ quan, đơn vị là phần tài sản thuộc phạm vi được giao quản lý.

Điều 18. Cơ quan, đơn vị thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ

1. Khu quản lý đường bộ hoặc cơ quan, đơn vị được Bộ, cơ quan trung ương giao trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý.

2. Sở Giao thông vận tải thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi tỉnh quản lý.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi huyện quản lý.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi xã quản lý.

Điều 19. Hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ

1. Cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 18 Nghị định này có trách nhiệm:

a) Mở sổ và thực hiện hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về kế toán thống kê và quy định tại Nghị định này;

b) Thực hiện báo cáo tình hình tăng, giảm tài sản hạ tầng đường bộ hàng năm.

2. Việc hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc hạch toán, tính hao mòn và báo cáo đối với từng loại tài sản hạ tầng đường bộ.

Điều 20. Xác định nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ để ghi sổ hạch toán

1. Nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ được xác định theo nguyên tắc:

a) Đối với tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện quyết toán từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ để ghi sổ hạch toán là giá trị quyết toán dự án hoàn thành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Đối với tài sản hạ tầng đường bộ đã thực hiện quyết toán trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì nguyên giá để ghi sổ hạch toán là giá trị được xác định theo bảng giá của tài sản hạ tầng đường bộ có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương;

c) Trường hợp tài sản hạ tầng đường bộ chưa hoặc không được quy định trong bảng giá thì sử dụng giá tạm tính do cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp quy định để ghi sổ.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng ban hành bảng giá tài sản hạ tầng đường bộ.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xác định nguyên giá, mở sổ và hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 21. Hạch toán tăng, giảm nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ

1. Khi tài sản hạ tầng đường bộ có sự thay đổi nguyên giá thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này thì cơ quan; đơn vị quy định tại Điều 18 Nghị định này phải thực hiện hạch toán tăng, giảm nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Các trường hợp tăng, giảm nguyên giá tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Đánh giá lại nguyên giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Được nâng cấp, mở rộng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Bị hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, địch họa, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác phải hạch toán giảm nguyên giá theo quy định của pháp luật.

MỤC 3. BẢO TRÌ TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 22. Giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ

1. Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu và năng lực đều được Nhà nước xem xét giao thực hiện việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Định kỳ hàng năm cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tải sản hạ tầng đường bộ có trách nhiệm lập và công bố công khai Danh mục và kế hoạch bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

3. Danh mục và kế hoạch bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Khoản 2 Điều này gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Loại tài sản hạ tầng đường bộ;

b) Yêu cầu của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ;

c) Khối lượng công việc cần thực hiện; đơn giá cho từng khối lượng công việc; tổng kinh phí; nguồn kinh phí; phương thức nghiệm thu và thanh toán;

đ) Cơ chế ưu đãi (nếu có) áp dụng cho tổ chức, cá nhân được giao bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ;

đ) Những nội dung khác có liên quan.

4. Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân để bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật; trừ trường hợp giao việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng quy định tại Điều 23 Nghị định này.

5. Việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện thông qua Hợp đồng kinh tế theo các phương thức quy định tại Điều 24, 25 Nghị định này.

Điều 23. Giao việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng

1. Nhà thầu thi công dự án đầu tư xây dựng mới tài sản hạ tầng đường bộ được giao thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ do nhà thầu thi công; trừ trường hợp nhà thầu thi công xây dựng từ chối thực hiện việc bảo trì.

2. Việc giao bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng được áp dụng đối với hoạt động bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ; cụ thể như sau:

a) Căn cứ đơn giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định này; người quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới tài sản hạ tầng đường bộ có trách nhiệm:

- Xác định tổng mức kinh phí phục vụ bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ trong một thời gian nhất định;

- Quyết định giao cho nhà thầu thi công xây dựng thực hiện việc bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ theo phương thức quy định tại Điều 24 Nghị định này.

b) Kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được chi trả theo tiến độ và kết quả chất lượng thực hiện trong thời hạn bảo dưỡng thường xuyên.

c) Căn cứ quyết định giao trách nhiệm bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ của người quyết định đầu tư dự án; chủ đầu tư có trách nhiệm:

- Ký Hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ với nhà thầu thi công xây dựng theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hợp đồng;

- Nghiệm thu và thanh toán kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu xây dựng theo Hợp đồng ký kết.

3. Trong thời gian thực hiện Hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên có phát sinh hoạt động sửa chữa đột xuất hoặc sửa chữa định kỳ; căn cứ chất lượng bảo dưỡng thường xuyên mà nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện; cơ quan nhà nước có thẩm quyền ưu tiên giao cho nhà thầu thi công xây dựng thực hiện sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất theo phương thức quy định tại Điều 25 Nghị định này. Thẩm quyền quyết định cụ thể như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải quyết định giao cho nhà thầu thi công xây dựng thực hiện sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao cho nhà thầu thi công xây dựng thực hiện sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

4. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công xây dựng khi thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện bảo trì; được chủ động thực hiện các biện pháp trong hoạt động bảo trì nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo Hợp đồng ký kết; được thanh toán tiền bảo trì theo Hợp đồng ký kết; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm;

b) Thực hiện bảo trì đảm bảo đúng quy định tại Hợp đồng ký kết; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.

5. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hành chính về giao việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ cho nhà thầu thi công xây dựng.

Điều 24. Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện

1. Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện là việc Nhà nước giao khoán cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động bảo trì theo các tiêu chuẩn chất lượng đã được xác định trước trong một thời gian nhất định với một số tiền nhất định theo quy định tại Hợp đồng kinh tế.

2. Bảo trì theo chất lượng thực hiện áp dụng đối với hoạt động bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ.

3. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ có trách nhiệm xác định cụ thể đơn giá bảo dưỡng thường xuyên cho từng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi được giao quản lý; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Đơn giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ được xác định bằng một trong các phương pháp sau:

a) Xác định theo định mức kinh tế - kỹ thuật của hoạt động bảo dưỡng thường xuyên;

b) Xác định trên cơ sở mức giá bình quân của hoạt động bảo dưỡng thường xuyên 3 năm liền kề trước đó cộng với yếu tố trượt giá (nếu có);

c) Kết hợp hai phương pháp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này.

5. Thẩm quyền quyết định đơn giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Bộ Giao thông vận tải quyết định hoặc phân cấp quyết định đơn giá bảo dưỡng thường xuyên đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp quyết định đơn giá bảo dưỡng thường xuyên đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

6. Căn cứ quyết định phê duyệt đơn giá bảo dưỡng thường xuyên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 5 Điều này; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ có trách nhiệm:

a) Lựa chọn tổ chức, cá nhân để ký Hợp đồng thực hiện bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hợp đồng;

c) Nghiệm thu và thanh toán kinh phí bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ theo Hợp đồng ký kết.

7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện:

a) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện bảo trì; được chủ động thực hiện các biện pháp trong hoạt động bảo trì nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo Hợp đồng ký kết; định kỳ được thanh toán một khoản kinh phí cố định theo Hợp đồng; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm;

b) Thực hiện bảo trì đảm bảo đúng yêu cầu quy định tại Hợp đồng ký kết; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.

8. Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện; hướng dẫn việc xác định đơn giá bảo dưỡng thường xuyên cho phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại tài sản hạ tầng đường bộ.

Điều 25. Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế

1. Bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế là việc Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ và thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân theo khối lượng công việc thực tế đã thực hiện.

2. Bảo trì theo khối lượng thực tế áp dụng đối với hoạt động sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.

3. Căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá bảo trì và khối lượng công việc cần thực hiện; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lập hồ sơ và dự toán kinh phí phục vụ sửa chữa định kỳ hoặc sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi được giao quản lý; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

4. Căn cứ quyết định phê duyệt dự toán kinh phí của cơ quan nhà nuớc có thẩm quyền; cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lựa chọn tổ chức, cá nhân để ký Hợp đồng thực hiện sửa chữa định kỳ hoặc sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật.

5. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ được quyết định và chịu trách nhiệm về kinh phí, phương thức thực hiện sửa chữa đột xuất đối với những trường hợp sửa chữa đột xuất cần thiết phải khắc phục ngay.

6. Việc sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí sửa chữa định kỳ hoặc sửa chữa đột xuất tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế được thực hiện theo quy định của pháp luật.

7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo khối lượng thực tế:

a) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm;

b) Thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo Hợp đồng ký kết; được thanh toán kinh phí bảo trì theo công việc thực tế thực hiện; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.

8. Bộ Giao thông vận tải quy định danh mục những trường hợp sửa chữa đột xuất cần thiết phải khắc phục ngay quy định tại Khoản 5 Điều này.

MỤC 4. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT GẮN LIỀN VỚI TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 26. Quỹ đất thuộc tài sản hạ tầng đường bộ

1. Quỹ đất thuộc tài sản hạ tầng đường bộ gồm:

a) Đất gắn liền với tài sản hạ tầng đường bộ, cụ thể:

- Đất thuộc đường bộ và đất thuộc bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí;

- Đất thuộc hành lang an toàn đường bộ.

b) Đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ gồm: Đất trạm bảo dưỡng, sửa chữa, kinh doanh phụ tùng thay thế; trạm cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ khác có liên quan.

2. Hình thức sử dụng đất đối với quỹ đất thuộc tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với quỹ đất thuộc tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Khoản 1 Điều này không nhằm mục đích kinh doanh;

b) Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất đối với quỹ đất thuộc tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Khoản 1 Điều này có mục đích kinh doanh; trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về tiêu chuẩn định mức quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ nêu tại Điểm b Khoản 1 Điều này đối với đường quốc lộ đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về tiêu chuẩn định mức quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ nêu tại Điểm b Khoản 1 Điều này đối với đường tỉnh, đường đô thị đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

4. Việc quy định tiêu chuẩn định mức quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ nêu tại Điểm b Khoản 1 Điều này cụ thể như sau:

a) Đối với đường quốc lộ xây dựng mới phải đảm bảo nguyên tắc trên mỗi 70 km đường quốc lộ bố trí tối thiểu một khu đất dịch vụ với diện tích không thấp hơn 1.000 m2. Riêng đối với đường quốc lộ đã được xây dựng thì căn cứ tình hình thực tế Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tiêu chuẩn định mức và khoảng cách bố trí quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ;

b) Đối với đường tỉnh, đường đô thị thì căn cứ tình hình thực tế Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tiêu chuẩn định mức và khoảng cách bố trí quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ nhưng phải đảm bảo nguyên tắc trên mỗi 50 km đường tỉnh, đường đô thị bố trí tối thiểu một khu đất dịch vụ.

5. Căn cứ tiêu chuẩn định mức quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ quy định tại Khoản 4 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xác định vị trí và diện tích cụ thể từng khu đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ đối với đường quốc lộ;

b) Xác định vị trí và diện tích cụ thể từng khu đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ đối với đường tỉnh, đường đô thị.

Điều 27. Giao đất hoặc cho thuê đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ cho tổ chức, cá nhân

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ quy định tại Điều 23, 24 và Điều 25 Nghị định này được Nhà nước ưu tiên giao đất hoặc cho thuê đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ thuộc phạm vi đường bộ được giao bảo trì để thực hiện kinh doanh dịch vụ.

2. Căn cứ quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ được xác định theo quy định tại Điều 26 Nghị định này; Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai có trách nhiệm:

a) Thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật đối với quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ;

b) Giao đất hoặc cho thuê đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ cho tổ chức, cá nhân theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (đối với đường quốc lộ), theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải (đối với đường tỉnh, đường đô thị) theo quy định tại pháp luật về đất đai.

3. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với quỹ đất dịch vụ hỗ trợ giao thông đường bộ theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được tính vào vốn đầu tư của dự án (đối với dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường bộ), được ngân sách nhà nước đảm bảo (đối với đường bộ đã được xây dựng).

MỤC 5. XỬ LÝ TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 28. Xác lập sở hữu nhà nước đối với tài sản hạ tầng đường bộ

1. Bộ Tài chính quyết định xác lập sở hữu nhà nước và quyết định phương án quản lý, sử dụng, khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý được đầu tư theo hình thức Hợp đồng dự án BTO, BOT, BT, PPP khi Hợp đồng hết hạn chuyển giao cho nhà nước Việt Nam và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xác lập sở hữu nhà nuớc và quyết định phương án quản lý, sử dụng, khai thác đối với tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý được đầu tư theo hình thức Hợp đồng dự án BTO, BOT, BT, PPP khi Hợp đồng hết hạn chuyển giao cho nhà nước Việt Nam và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Tài chính quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác lập sở hữu nhà nước và phương án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản hạ tầng đường bộ sau khi được xác lập sở hữu nhà nước.

Điều 29. Điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ

1. Tài sản hạ tầng đường bộ được điều chuyển khi có sự thay đổi về phân cấp quản lý, phân loại, điều chỉnh hoặc các trường hợp đặc biệt khác theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ giữa bộ, cơ quan trung ương, cơ quan khác ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đề nghị của các cơ quan có liên quan. Riêng việc điều chuyển đường bộ từ trung ương về địa phương và ngược lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều chuyển trên cơ sở quyết định điều chỉnh hệ thống đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các địa phương có liên quan;

b) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định hoặc phân cấp quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

c) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

3. Việc điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ chỉ được thực hiện giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Bộ Tài chính quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ.

Điều 30. Thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ

1. Tài sản hạ tầng đường bộ được thanh lý trong các trường hợp sau:

a) Tài sản hạ tầng đường bộ bị hư hỏng không thể sử dụng hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả;

b) Phá dỡ tài sản hạ tầng đường bộ cũ để đầu tư xây dựng tài sản hạ tầng đường bộ mới;

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch giao thông đường bộ làm cho một phần hoặc toàn bộ tài sản hạ tầng đường bộ không sử dụng được vào mục đích ban đầu.

2. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định hoặc phân cấp quyết định thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

3. Tài sản hạ tầng đường bộ được thanh lý theo các phương thức sau:

a) Bán tài sản hạ tầng đường bộ;

b) Phá dở, hủy bỏ tài sản hạ tầng đường bộ.

4. Việc thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện theo hình thức đấu giá; trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Số tiền thu được từ việc thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ, sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

6. Bộ Tài chính quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thanh lý tài sản hạ tầng đường bộ.

MỤC 6. BÁO CÁO, THANH TRA, KIỂM TRA TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 31. Báo cáo tài sản hạ tầng đường bộ

1. Tất cả tài sản hạ tầng đường bộ đều phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về tài sản hạ tầng đường bộ để quản lý thống nhất, tập trung.

2. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn thì bị xử lý theo quy định.

3. Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:

a) Quy định chế độ báo cáo tài sản hạ tầng đường bộ;

b) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản hạ tầng đường bộ.

Điều 32. Báo cáo kê khai tài sản hạ tầng giao thông đường bộ

1. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện báo cáo kê khai trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được giao quản lý tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành;

b) Có thay đổi về tài sản hạ tầng đường bộ;

c) Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thay đổi tên gọi, chia tách, sáp nhập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Thời hạn báo cáo kê khai tài sản hạ tầng đường bộ;

a) Trước ngày 31 tháng 12 năm 2013 đối với các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;

b) Không quá 30 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều này.

Điều 33. Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ

1. Hàng năm cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ của năm trước và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Thời hạn báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ hàng năm quy định như sau:

a) Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ lập báo cáo gửi Bộ, cơ quan trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 28 tháng 02;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi địa phương quản lý gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 31 tháng 3;

c) Bộ Giao thông vận tải tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ trong phạm vi cả nước trước ngày 30 tháng 4.

Điều 34. Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

2. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước.

3. Cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán xuất trình các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quyền xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

MỤC 7. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ CHUYÊN DÙNG

Điều 35. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng

1. Đối với tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng là đường lâm nghiệp, đường khai thác mỏ, đường chuyên dùng khác và tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng khác thì tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia về đường bộ hoặc tiêu chuẩn riêng của ngành đó.

2. Việc phân loại và điều chỉnh đường chuyên dùng đấu nối vào quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã phải có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 36. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng

1. Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo tiêu chuẩn của quốc gia và tiêu chuẩn riêng của ngành quy định.

2. Thực hiện bảo trì, khai thác, bảo vệ tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng theo quy định và chịu trách nhiệm về nguồn tài chính phục vụ bảo trì, bảo vệ.

3. Thực hiện phân loại và điều chỉnh hệ thống đường chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý.

4. Lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 37 Nghị định này.

Điều 37. Hồ sơ, báo cáo, hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng

Việc lập hồ sơ; quản lý, lưu trữ hồ sơ; báo cáo; báo cáo kê khai; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán đối với tài sản hạ tầng đường bộ chuyên dùng được thực hiện theo quy định tại Điều 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 31, 32 và Điều 33 Nghị định này.

MỤC 8. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ KHAI THÁC TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ TRONG THỜI HẠN THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG DỰ ÁN

Điều 38. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ trong thời hạn thực hiện Hợp đồng dự án

1. Đối với tài sản hạ tầng trong thời hạn thực hiện Hợp đồng dự án thì việc quản lý, sử dụng và khai thác được thực hiện theo các nội dung tại Hợp đồng ký kết.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các nội dung tại Hợp đồng ký kết.

Điều 39. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao thực hiện các Hợp đồng dự án

1. Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định tại Hợp đồng ký kết.

2. Thực hiện bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định và chịu trách nhiệm về nguồn tài chính phục vụ bảo trì.

3. Báo cáo, báo cáo kê khai tài sản hạ tầng đường bộ trong thời hạn thực hiện Hợp đồng dự án BOT, BTO thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 40 Nghị định này.

Điều 40. Báo cáo tài sản hạ tầng đường bộ trong thời hạn thực hiện Hợp đồng dự án BOT, BTO

Việc báo cáo kê khai tài sản hạ tầng đường bộ trong thời hạn thực hiện Hợp đồng dự án BOT, BTO được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.

Chương 4.

KHAI THÁC TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ VÀ KHAI THÁC QUỸ ĐẤT ĐỂ TẠO VỐN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG BỘ

MỤC 1. KHAI THÁC TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 41. Bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ

1. Bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ cho tổ chức, cá nhân thực hiện trong một thời hạn nhất định theo Hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

2. Việc bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ được áp dụng đối với đường bộ đã được xây dựng.

3. Căn cứ lưu lượng vận tải thực tế, tác động của việc thu phí đến sự phát triển kinh tế xã hội và khả năng thu phí của từng tài sản hạ tầng đường bộ; định kỳ hàng năm Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thống kê, rà soát, lập phương án bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

4. Việc bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện theo hình thức đấu giá; trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Thẩm quyền quyết định bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Bộ Tài chính quyết định việc bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định việc bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

6. Thời hạn bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cho từng Hợp đồng nhưng tối đa không quá 10 năm.

7. Số tiền thu được từ bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ sau khi trừ các chi phí có liên quan được sử dụng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

8. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đã mua quyền thu phí tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Được thu phí theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; được chủ động thực hiện các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản hạ tầng đường bộ khi bán theo Hợp đồng ký kết phù hợp với quy định của pháp luật; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm;

b) Thực hiện bảo trì đảm bảo đúng yêu cầu quy định tại Hợp đồng ký kết; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.

9. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hành chính về bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ.

Điều 42. Cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ

1. Cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ cho tổ chức, cá nhân thực hiện trong một thời hạn nhất định theo Hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

2. Việc cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ được áp dụng đối với tài sản hạ tầng đường bộ đã được xây dựng gồm:

a) Bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ;

b) Các công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp (điện lực, chiếu sáng, thông tin liên lạc), đường ống (cấp nước, thoát nước, cấp nhiên liệu) và các công trình khác lắp đặt vào đường bộ và hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật.

3. Căn cứ khả năng khai thác của từng tài sản hạ tầng đường bộ; định kỳ hàng năm Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện thống kê, rà soát, lập phương án cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

4. Việc cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện theo hình thức đấu thầu; trừ trường hợp cho thuê theo hình thức chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

5. Thẩm quyền quyết định cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Bộ Giao thông vận tải quyết định hoặc phân cấp quyết định việc cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định việc cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

6. Thời hạn cho thuê tài sản hạ tầng đường bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 5 Điều này xác định cụ thể trong từng Hợp đồng cho thuê.

7. Số tiền thu được từ cho thuê tài sản hạ tầng đường bộ sau khi trừ các chi phí có liên quan được sử dụng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

8. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đã thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Được thực hiện khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo Hợp đồng ký kết phù hợp với quy định của pháp luật; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm;

b) Thực hiện bảo trì đảm bảo đúng yêu cầu quy định tại Hợp đồng ký kết (trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này); chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.

9. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hành chính về cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ.

Điều 43. Chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ

1. Chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền đầu tư nâng cấp, mở rộng và quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ trong một thời hạn nhất định theo Hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

2. Việc chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ áp dụng đối với tài sản hạ tầng đường bộ hiện có đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng (chi tiết về quy mô, tổng mức vốn đầu tư, kế hoạch triển khai dự án); gồm:

a) Công trình đường bộ;

b) Bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ.

3. Căn cứ quy hoạch phát triển và kế hoạch nâng cấp, mở rộng tài sản hạ tầng đường bộ hiện có; định kỳ hàng năm Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phân loại để lập phương án chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

4. Việc chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện thông qua hình thức đấu giá; trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Thẩm quyền quyết định chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Bộ Tài chính quyết định việc chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định việc chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ thuộc địa phương quản lý.

6. Thời hạn chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ được xác định cụ thể trong từng Hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa không quá 49 năm.

7. Số tiền thu được từ chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ sau khi trừ các chi phí có liên quan được sử dụng để đầu tư phát triển và bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

8. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ:

a) Được quyết định khai thác, thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo Hợp đồng ký kết và được điều chỉnh theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; được khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu quyền và lợi ích bị xâm phạm;

b) Thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản hạ tầng đường bộ đã nhận chuyển nhượng theo quy hoạch, đúng lộ trình cam kết tại Hợp đồng; thực hiện bảo trì đảm bảo đúng yêu cầu quy định tại Hợp đồng ký kết; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi vi phạm quy định trong Hợp đồng ký kết.

9. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hành chính về chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ.

Điều 44. Khai thác tài sản hạ tầng đường bộ đối với các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT

Đối với các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản hạ tầng đường bộ hiện có thực hiện theo hình thức Hợp đồng BOT thì việc khai thác tài sản hạ tầng đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

MỤC 2. KHAI THÁC QUỸ ĐẤT ĐỂ TẠO VỐN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG BỘ

Điều 45. Chuẩn bị điều kiện khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ

1. Khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mở rộng phạm vi thu hồi đất ngoài phần diện tích phục vụ dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường bộ nhằm tạo quỹ đất để tạo nguồn vốn phát triển đường bộ.

2. Việc khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ áp dụng bắt buộc đối với các Dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng đường bộ theo quy hoạch phát triển đô thị hoặc quy hoạch khu dân cư nông thôn.

Đối với Dự án nâng cấp đường bộ hoặc Dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng đường bộ khác; căn cứ tình hình thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều này quyết định việc khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ.

3. Định kỳ hàng năm, căn cứ quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện các Dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường bộ:

a) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan lập Danh mục Dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường bộ áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ (sau đây gọi chung là Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn); trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đối với dự án thuộc trung ương quản lý);

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập và phê duyệt Danh mục dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn sau khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua (đối với dự án thuộc địa phương quản lý).

4. Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn quy định tại Khoản 3 Điều này gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, địa điểm thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn.

b) Phạm vi thu hồi đất phục vụ Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn.

c) Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi. Trong đó:

- Diện tích đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường bộ;

- Diện tích quỹ đất dự kiến để tạo vốn.

d) Tổng mức vốn thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn dự kiến. Trong đó:

- Vốn đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường bộ;

- Kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với quỹ đất để tạo vốn.

đ) Mục đích sử dụng đất theo quy hoạch đối với quỹ đất để tạo vốn.

e) Các nội dung khác có liên quan.

5. Danh mục Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn sau khi được phê duyệt phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 46. Thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn

1. Việc lập, phê duyệt Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

2. Căn cứ Danh mục Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn được phê duyệt; người quyết định đầu tư lựa chọn phương thức thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn quy định tại Khoản 3 Điều này.

3. Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn được thực hiện bằng một trong hai phương thức theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn;

b) Nhà nước đầu tư vốn và thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn có trách nhiệm:

a) Thu hồi đối với toàn bộ diện tích đất của Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn;

b) Phê duyệt hoặc phân cấp phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với toàn bộ diện tích đất thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với toàn bộ diện tích đất thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn;

d) Phê duyệt và công bố công khai quy hoạch chi tiết đối với quỹ đất để tạo vốn;

đ) Quyết định giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tính tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với quỹ đất để tạo vốn trong trường hợp thực hiện theo phương thức quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này;

e) Quyết định giá khởi điểm để thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê trong trường hợp thực hiện theo phương thức quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này;

g) Các công việc khác có liên quan.

Điều 47. Cơ chế tài chính đối với Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn do Nhà nước thực hiện

1. Người quyết định đầu tư quyết định giao cho chủ đầu tư thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn theo quy định của pháp luật.

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm:

a) Đề xuất ứng vốn, tiếp nhận, sử dụng và hoàn trả vốn ứng để thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn theo quy định của pháp luật;

b) Chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với toàn bộ diện tích đất của Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Quản lý, bảo vệ và tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất đối quỹ đất để tạo vốn;

d) Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng công trình đường bộ theo quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

3. Căn cứ tiến độ hoàn thành và khả năng tạo vốn từ quỹ đất để tạo vốn; cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ứng vốn cho chủ đầu tư để thực hiện Dự án. Thẩm quyền quyết định ứng vốn cho chủ đầu tư cụ thể như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định ứng vốn theo đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải (đối với Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn thuộc trung ương quản lý);

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ứng vốn theo đề nghị của Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải (đối với Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn thuộc địa phương quản lý).

4. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với diện tích đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường bộ theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được tính vào vốn đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật.

5. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với quỹ đất để tạo vốn theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được hoàn trả từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với quỹ đất để tạo vốn.

6. Việc xác định giá khởi điểm, tổ chức đấu giá, phê duyệt kết quả và ký Hợp đồng với tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với quỹ đất để tạo vốn được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá và theo quy định của pháp luật đất đai.

7. Số tiền thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với quỹ đất để tạo vốn được nộp vào tài khoản riêng tại kho bạc nhà nước do chủ đầu tư làm chủ tài khoản và sử dụng theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Hoàn trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với quỹ đất để tạo vốn theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chi trả các chi phí liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với quỹ đất để tạo vốn;

c) Hỗ trợ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đường bộ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Nộp ngân sách địa phương theo quy định.

8. Bộ Tài chính hướng dẫn hạch toán các khoản thu chi từ quỹ đất để tạo vốn theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 48. Cơ chế tài chính đối với Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn do tổ chức, cá nhân thực hiện

1. Việc chuẩn bị, tổ chức, phê duyệt kết quả và ký Hợp đồng với tổ chức, cá nhân trúng thầu thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn được thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật về đấu thầu.

2. Căn cứ để lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn ngoài quy định tại pháp luật về đấu thầu còn phải đáp ứng đủ hai điều kiện sau:

a) Giá trị của Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn đề nghị trúng thầu thấp nhất so với dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tính tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với quỹ đất để tạo vốn đề nghị trúng thầu cao nhất so với giá đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Giá trúng thầu của Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê được giữ ổn định trong suốt thời gian thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn (trừ các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật).

4. Khi giá trúng thầu của Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê có phát sinh chênh lệch thì xử lý như sau:

a) Trường hợp giá trị của Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn nhỏ hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với quỹ đất để tạo vốn thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp vào ngân sách địa phương phần chênh lệch này;

b) Trường hợp giá trị của Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn lớn hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với quỹ đất để tạo vốn thì ngân sách trung ương (đối với dự án thuộc trung ương quản lý), ngân sách địa phương (đối với dự án thuộc địa phương quản lý) hoàn trả cho tổ chức, cá nhân thực hiện Dự án phần chênh lệch này.

5. Tổ chức, cá nhân thực hiện Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn có trách nhiệm:

a) Chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với toàn bộ diện tích đất của Dự án áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất để tạo vốn;

b) Thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ;

c) Nộp ngân sách địa phương phần chênh lệch quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;

d) Bàn giao công trình đường bộ theo tiến độ cam kết tại Hợp đồng;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác quy định tại Hợp đồng ký kết.

6. Thời điểm thanh toán tiền chênh lệch quy định tại Khoản 4 Điều này là thời điểm kết thúc Hợp đồng ký kết (tính theo ngày kết thúc ghi trong Hợp đồng ký kết).

7. Bộ Tài chính hướng dẫn hạch toán các khoản thu chi từ quỹ đất để tạo vốn theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 49. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013.

Điều 50. Điều khoản thi hành

1. Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

THE GOVERNMENT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness

----------------

No. 10/2013/ND-CP

Hanoi, January 11th 2013

 

DECREE

PROVIDING THE MANAGEMENT AND USE OF ROAD TRANSPORT INFRASTRUCTURE ASSETS

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated December 25th 2001;

Pursuant to the Law on Management and Use of State Assets dated June 03rd 2008;

Pursuant to the Law on Road Traffic dated November 13th 2008;

At the request of the Minister of Finance,

The Government promulgates a Decree on the management and use of road transport infrastructure assets.

Chapter 1

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope of regulation

1. This Decree specifies the management, use and operation of road transport infrastructure assets aiming to strictly manage, effectively operate and generate capital sources for the maintenance and development of these assets.

2. For road transport infrastructure assets of which the management and use must comply with treaties to which Vietnam is a signatory that contain regulations different from those of this Decree, such treaties apply.

Article 2. Scope of application

1. State management agencies in charge of road transport infrastructure assets.

2. Managing authorities.

3. Organizations and individuals assigned to maintain, operate and use road transport infrastructure assets.

4. Other subjects relating to the management and use of road transport infrastructure assets.

Article 3. Interpretation of terms

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Road transport infrastructure assets include road works, bus stations, parking lots, road administration offices, rest stops and other works serving road transport and safety corridors.

2. Road works include roads, car stops and parking lots, traffic lights, signs, road surface markings, markers, barriers, traffic islands, road separators, milestones, walls, embankments, water drainage systems, weigh stations, toll booths and other auxiliary works and equipment of road works.

3. Roads include roads, bridges, road tunnels and ferry terminals.

4. Road land covers the land area on which a road is constructed and the land strips along both sides of the road, which is used for the management, maintenance and protection of road works.

5. Road safety corridor is the land strips along both sides of a road, from the outer edges of the road outward, for assuring road traffic safety.

6. The management and use of road transport infrastructure assets are activities serving the protection and maintenance of normal operation of road transport infrastructure assets.

7. State management agencies in charge of road transport infrastructure assets are ministries, ministerial agencies, governmental agencies (hereinafter referred to as ministries and central agencies) and People’s Committees of provinces and centrally run cities (hereinafter referred to as provincial People’s Committees).

8. Agencies and units directly managing road transport infrastructure assets (hereinafter referred to as managing authorities) are those assigned by the State to directly manage road transport infrastructure assets, including road administration offices, provincial Transport Departments; People’s Committees of districts, towns and provincial cities (hereinafter referred to as People’s Committees of districts); People’s Committees of communes, wards and small towns (hereinafter referred to as People’s Committees of communes); agencies and units assigned by ministries, central agencies or provincial People’s Committees to directly manage road transport infrastructure assets.

9. Organizations and individuals assigned to maintain, operate and use road transport infrastructure assets are in charge of the maintenance, operation and use under contracts signed with managing authorities as prescribed in Clause 8 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Regular maintenance is monitoring, taking care of and repairing minor damage and maintaining installed equipment, which are carried out regularly and periodically to maintain the normal operation of road transport infrastructure assets and limit their damage;

b/ Periodical repair is a scheduled activity aiming to restore and improve the technical condition of road transport infrastructure assets, which cannot be assured by regular maintenance;

c/ Irregular repair means an unscheduled activity when a road infrastructure asset suffers from damage due to natural disaster, vandalism, other unexpected impacts or when it shows signs of potential and need timely rectification in order to assure normal operation.

11. Specialized road transport infrastructure assets are assets invested any built by certain organizations and individuals to serve their special activities.

12. Road transport infrastructure assets during the execution of a project contract are assets which are built or operated or used in the period prescribed in a signed contract in the form of: Build-Operate-Transfer (BOT), Build-Transfer-Operate (BTO), Build-Transfer (BT), Public-Private Partnership (PPP) or another form as prescribed by law.

13. Organizations and individuals executing capital generation projects are domestic or foreign economic organizations and investment funds having the legal status and eligible for making investment as prescribed by law.

Article 4. Rules for the management, use and operation of road transport infrastructure assets

1. All road transport infrastructure assets are managed, used, and operated by agencies, units and individuals.

2. The management, use and operation of road transport infrastructure assets must be uniform. Responsibilities and entitlements of each agency, organization, unit and individual must be clearly defined.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. All organizations, units and individuals are encouraged to participate in the management, use and operation of road transport infrastructure assets.

5. Lawful rights and interests of participants in the management, use and operation of road transport infrastructure assets are assured; sources of capital for the maintenance and development of road transport infrastructure assets are diversified.

6. Road transport infrastructure assets must be fully accounted in kind and value in accordance with this Decree and relevant laws.

7. The management, use and operation of road transport infrastructure assets must be open and transparent; all violations against the laws on the management, use and operation of road transport infrastructure assets shall be promptly and strictly penalized according to law.

Article 5. Prohibited acts

1. Taking advantage of and abusing one’s position and powers to appropriate road transport infrastructure assets in any shape or form.

2. Deliberately violating regulations on the management, use and operation of road transport infrastructure assets.

3. Using road transport infrastructure assets for illegal business.

4. Destroying or deliberately damaging road transport infrastructure assets.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Failing to fulfill obligations toward the to manage, use, and operate road transport infrastructure assets.

7. Other acts prohibited by relevant laws.

Chapter 2

STATE MANAGEMENT OF ROAD TRANSPORT INFRASTRUCTURE ASSETS

Article 6. State management of road transport infrastructure assets

1. Issue regulations on:

a/ Technical standards of road transport infrastructure assets;

b/ Economic – technical standards of asset maintenance;

c/ The rules for the asset maintenance;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Provide guidance on the management, use and operation of road transport infrastructure assets in accordance with this Decree and relevant laws.

3. Enumerate and classify road transport infrastructure assets based on technical standards of each road infrastructure asset in order to take appropriate managerial measures to increase the effectiveness of the management, use and operation of existing road transport infrastructure assets.

4. Manage financial sources arising in the management, use and operation of road transport infrastructure assets.

5. Carry out inspections, settle complaints and denunciations, and penalize violations against the laws on the management, use and operation of road transport infrastructure assets.

Article 7. Responsibilities of the Ministry of Transport

1. Formulate and promulgate legislative documents on:

a/ Technical standards of road transport infrastructure assets, excluding houses and stations;

b/ Economic – technical standards of the asset maintenance;

c/ The rules for asset maintenance;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Provide guidance and organize the state management of road transport infrastructure assets under the management of central agencies.

3. Provide guidance and organize the enumeration of road transport infrastructure assets according to technical standards applicable to each type of asset.

4. Make statistics, and enumerate, and classify road transport infrastructure assets according to technical standards applicable to each type of asset under its management.

5. Decide to lease out the right to operate, or to liquidate road transport infrastructure assets under the management of central agencies; to decide to transfer road transport infrastructure assets among agencies, organizations and units under its management.

6. Make reports on the management and use of road transport infrastructure assets under its management.

7. Summarize the management and use of road transport infrastructure assets nationwide.

8. Carry out inspections, settle complaints and denunciations, and penalize violations of the law on management, use and operation of road transport infrastructure assets.

Article 8. Responsibilities of the Ministry of Finance

1. Formulate and promulgate or request competent authorities to promulgate legislative documents on:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Charges for using road transport infrastructure assets.

2. Decide to establish state ownership over, cooperate with the Ministry of Transport in deciding plans for the management, use and operation of road transport infrastructure assets under the management of central agencies which are invested in the form of BOT, BTO, BT and PPP contracts and other forms of transfer as prescribed by law.

3. Decide to sell the right to collect charges for and make terminable transfer of road transport infrastructure assets under the management of central agencies; decide to circulate road transport infrastructure assets among ministries, central agencies, central-affiliated cities and provinces.

Article 9. Responsibilities of provincial People’s Committees

1. Promulgate legislative documents on:

a/ Specific regulations on the management, use and operation of road transport infrastructure assets under the management of local governments;

b/ The price bracket for regular asset maintenance under the management of local governments.

2. Formulate and implement plans an the management, use and operation of road transport infrastructure assets under the management of local governments.

3. Organize the management of and delegate the responsibility to manage land within the road safety corridors to People’s Committees of communes and districts.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Make statistics, enumerate and classify road transport infrastructure assets according to technical standards applicable to each type of asset under the management of provincial governments.

6. Decide to establish state ownership and plan for the management, use and operation of road transport infrastructure assets under the management of local governments which are invested in the form of BOT, BTO, BT and PPP contracts and other forms of transfer as prescribed by law.

7. Decide to circulate, liquidate, sell the right to collect charges for and lease out the right to operate or transfer for specified periods road transport infrastructure assets under the management of local governments according to the appointment made by provincial People’s Councils.

8. Provide guidance and inspect the maintenance, assurance of technical standards and compliance with the rules for management, use and operation of road transport infrastructure assets under the management of local governments.

9. Decide measures for raising capital serving the maintenance and development of road transport infrastructure assets under the management of local governments.

10. Spare land for road transport in accordance with Article 26 of this Decree.

11. Summarize the management and use of road transport infrastructure assets under the management of local governments.

12. Provide instructions and inspect the compilation and retention of dossiers; make reports on the management, use and accounting of road transport infrastructure assets under the management of local governments.

13. Take responsibility before law for the management, use and operation of road transport infrastructure assets under the management of provincial governments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 10. Responsibilities of People’s Committees of districts

1. Formulate and implement plans for the management, use and operation of road transport infrastructure assets under their management.

2. Manage road transport infrastructure assets under their management.

3. Make statistics, enumerate, and classify road transport infrastructure assets according to technical standards applicable to each type of asset under their management.

4. Decide to circulate, liquidate, sell the right to collect charges for and lease the right to operate or transfer for specified periods road transport infrastructure assets under the management of local governments according to the appointment made by provincial People’s Councils.

5. Sign contracts, make assessment and make payments to organizations and individuals assigned to maintain, operate and use road transport infrastructure assets according to regulations.

6. Provide guidance and inspect the maintenance, assurance of technical standards, and compliance with the rules for the management, use and operation of road transport infrastructure assets under their management.

7. Manage land within road safety corridors in accordance with the land law and the appointment made by provincial People’s Committees.

8. Compile and retain dossiers; make reports on the management and use of transport infrastructure assets under their management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10. Carry out inspections, settle complaints and denunciations, and penalize violations against the law on management, use and operation of road transport infrastructure assets under their management.

Article 11. Responsibilities of People’s Committees of communes

1. Formulate and implement plans for the management, use and operation of road transport infrastructure assets under their management.

2. Manage road transport infrastructure assets under their management.

3. Make statistics, enumerate and classify road transport infrastructure assets according to technical standards applicable to each type of asset under their management.

4. Decide to circulate, liquidate, sell the right to collect charges for and lease the right to operate or transfer road transport infrastructure assets under the management of local governments according to the appointment made by provincial People’s Councils.

5. Decide to take measures within their competence to mobilize human and material resources for the maintenance, management, and operation of road transport infrastructure assets under their management.

6. Sign contracts, make assessment and make payment to organizations and individuals assigned to maintain, operate and use road transport infrastructure assets according to regulations.

7. Manage land within road safety corridors in accordance with the land law and the appointment made by provincial People’s Committees.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Take responsibility before law for the management, use and operation of road transport infrastructure assets under their management.

10. Carry out inspections and settle complaints and denunciations, and penalize violations against the law on the management, use and operation of road transport infrastructure assets under their management.

Article 12. Responsibilities of managing authorities

1. Managing authorities under the Ministry of Transport and provincial Transport Departments shall:

a/ Organize the management, use and operation of road transport infrastructure assets under their management;

b/ Sign contracts, make assessment and pay expenses to organizations and individuals assigned to maintain, operate and use road transport infrastructure assets according to regulations.

c/ Handle according to their competence or report to competent authorities for handling violations in the management, use and operation of road transport infrastructure assets under their management;

d/ Compile and maintain dossiers; make reports on the management, use and accounting of road transport infrastructure assets under their management;

e/ Take responsibility before law for the management, use and operation of road transport infrastructure assets under their management;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Managing authorities being People’s Committees of communes and districts shall comply with Articles 10 and 11 of this Decree.

Article 13. Responsibilities of organizations and individuals assigned to maintain, operate and use road transport infrastructure assets

1. Maintain, operate and use road transport infrastructure assets in accordance with law and contracts signed with managing authorities.

2. Detect, stop and promptly handle infringements of road transport infrastructure assets.

3. Take responsibility for the deterioration in quality road transport infrastructure assets due to disrepair.

4. Take measures for maintaining the technical standards and safety of road transport infrastructure assets in accordance with law.

5. Enjoy preferential treatment in terms of capital, tax, land levy, land rent and other incentives as prescribed by law.

Chapter 3

MANAGEMENT AND USE OF ROAD TRANSPORT INFRASTRUCTURE ASSETS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 14. Dossiers of road transport infrastructure assets

1. Dossiers of road transport infrastructure assets include:

a/ Dossiers related to the formation and change of road transport infrastructure assets according to regulations of the Ministry of Transport;

b/ Declaration; make reports on the management and use of road transport infrastructure assets as prescribed in Articles 32 and 33 of this Decree;

c/ Databases on road transport infrastructure assets.

2. Managing authorities shall compile dossiers of road transport infrastructure assets under their management as prescribed in Clause 1 of this Article.

Article 15. Management and maintenance of dossiers of road transport infrastructure assets

1. Managing authorities shall manage and maintain adequate dossiers of road transport infrastructure assets under their management as prescribed in this Decree.

2. Provincial People’s Committees shall manage and maintain the following documents on road transport infrastructure assets:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Databases on road transport infrastructure assets under the management of local governments.

3. The Ministry of Transport shall manage and maintain the following documents on road transport infrastructure assets:

a/ Summary reports on the management and use of road transport infrastructure assets under its management;

b/ Summary reports on the management and use of road transport infrastructure assets nationwide;

c/ The management and operation of the national database on road transport infrastructure assets nationwide.

4. The Ministry of Finance shall manage and operate the national database on state assets (including road transport infrastructure assets) nationwide.

Section 2: RECORDING ROAD TRANSPORT INFRASTRUCTURE ASSETS

Article 16. Criteria for identifying road transport infrastructure assets for recording

1. Road transport infrastructure assets eligible for recording are independent assets or a system composed of multiple separate assets to perform certain functions, and satisfy both requirements below:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ The input value reaches at least VND 10,000,000 (ten million dong).

2. Recorded road transport infrastructure assets include:

a/ Roads and auxiliary facilities attached thereto (including road bridges of under 25 m and drains);

b/ Road bridges that reach at least 25 m in length auxiliary works attached thereto;

c/ Road tunnels and auxiliary works attached thereto;

d/ Ferry terminals and auxiliary works attached thereto;

e/ Weigh stations;

f/ Toll booths;

g/ Bus stations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i/ Road administration offices;

j/ Rest stops;

k/ Other works serving road transport.

Article 17. Object of recording road transport infrastructure assets

1. Each and every road infrastructure asset specified in Article 16 of this Decree is an object of recording

2. For a road infrastructure asset directly managed by various agencies and units, the objects of recording is the proportion under their management.

Article 18. Agencies and units in charge of recording road transport infrastructure assets

1. Road administration departments or agencies or units assigned by ministries or central agencies to directly manage road transport infrastructure assets shall record road transport infrastructure assets under the management of central agencies.

2. Provincial Transport Departments shall record road transport infrastructure assets under the management of provincial governments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. People’s Committees of communes shall record road transport infrastructure assets under the management of communes.

Article 19. Recording road transport infrastructure assets

1. Agencies and units specified in Article 18 of this Decree shall:

a/ Open a register and record road transport infrastructure assets under their management in accordance with the laws on accounting and statistics and this Decree;

b/ Annually make reports on increases and decreases in road transport infrastructure assets.

2. The recording of road transport infrastructure assets as prescribed in this Decree starts from January 1st 2014.

3. The Ministry of Finance shall cooperate with the Ministry of Transport in, guiding the accounting, calculation of the wear-out and reporting of each road infrastructure asset.

Article 20. Determination of input values of road transport infrastructure assets for recording

1. The input value of a road infrastructure asset is determined as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ For road transport infrastructure assets of which the value is finalized before the effective date of this Decree, their input values for recording is determined based on the price list of road transport infrastructure assets with equivalent technical standards;

c/ For road transport infrastructure assets not yet or not included in the price list, the agencies or units directly managing them shall reach agreement with the finance agencies of the same level on their temporary prices for recording in the register;

2. The Ministry of Finance shall cooperate with the Ministry of Transport and the Ministry of Construction in, promulgating the price list of road transport infrastructure assets.

3. The Minister of Transport and provincial People’s Committee chairpersons shall direct and organize the determination of input values, opening of the register and recording of road transport infrastructure assets as prescribed by this Decree and relevant laws.

Article 21. Recording the increases and decreases in input values of road transport infrastructure assets

1. Agencies and units specified in Article 18 of this Decree shall record the increase or decrease in the input values of road transport infrastructure assets if they are changed in the cases specified in Clause 2 of this Article.

2. The cases in which input values of road transport infrastructure assets increase or decrease:

a/ Re-assessment of input values under decisions of competent state agencies;

b/ Upgrading or expansion under projects approved by competent authorities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 3: ASSET MAINTENANCE

Article 22. Appointing organizations and individuals to maintain road transport infrastructure assets

1. All organizations and individuals having demand and capability may be considered and assigned by the State to maintain road transport infrastructure assets.

2. Annually, managing authorities shall make and publish lists of road transport infrastructure assets under their management and maintenance plans.

3. The lists of road transport infrastructure assets and maintenance plans mentioned in Clause 2 of this Decree have the following major contents:

a/ Types of road transport infrastructure assets;

b/ Requirements of the agency or unit directly managing road transport infrastructure assets;

c/ The workload to be taken; unit price for each work volume; total fund; funding sources; methods of assessment and payment;

d/ Incentives (if any) applicable to the organization or individual assigned to maintain road transport infrastructure assets;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The selection of organizations and individuals to maintain road transport infrastructure assets complies with relevant law, except the case in which the asset maintenance is assigned to the building contractors prescribed in Article 23 of this Decree.

5. The asset maintenance is carried out under economic contracts by the methods prescribed in Articles 24 and 25 of this Decree.

Article 23. Assignment of the asset maintenance to building contractors

1. Contractors to construct new road transport infrastructure assets under investment projects may be assigned to maintain road transport infrastructure assets they have constructed, unless they refuse to do so.

2. Assignment for asset maintenance to building contractors is applied to the regular asset maintenance, specifically as follows:

a/ Based on the unit price of regular asset maintenance determined under Clause 3, Article 24 of this Decree, persons who make decisions on investment projects to construct new road transport infrastructure assets shall:

- Determine the total fund for regular asset maintenance for a specified period;

- Decide to assign the building contractor to carry out regular maintenance, using the methods specified in Article 24 of this Decree.

b/ The fund for regular asset maintenance is assured by the state budget in accordance with the state budget law and paid according to the progress and quality of implementation in the period of regular maintenance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Sign a contract on regular asset maintenance with the building contractor in accordance with law;

- Examine and supervise the execute of the contract;

- Organize tests before acceptance and make payments for the regular asset maintenance to the building contractor under the signed contract.

3. During the execution of regular maintenance contracts, if irregular or periodical repairs are needed, based on the quality of regular maintenance carried out by the building contractors, competent state agencies may give priority to these contractors to make such repairs using the methods prescribed in Article 25 of this Decree. The competence to make decision is specifically as follows:

a/ The Ministry of Transport may decide to assign building contractors to carry out irregular and periodical repairs for road transport infrastructure assets under the management of central agencies;

b/ Provincial People’s Committees may decide to assign building contractors to carry out irregular and periodical repairs for road transport infrastructure assets under the management of local governments.

4. The rights and obligations of building contractors when preserving road transport infrastructure assets:

a/ Have their rights and legitimate interests protected by the State when carrying out maintenance; take the initiative in taking maintenance measures to assure quality standards as prescribed in signed contracts; receive payments for maintenance work under signed contracts; and lodge complaints and lawsuits in accordance with law when their rights or interests are infringed upon;

b/ Carry out maintenance in accordance with signed contracts; take responsibility before law for violations of signed contracts.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 24. Quality-based asset maintenance according to their quality

1. Quality-based asset maintenance according to their quality is the maintenance contracted by the State to organizations or individuals according to pre-determined quality standards during a specified period with a specified sum of money prescribed in an economic contract.

2. Quality-based maintenance applies to regular asset maintenance.

3. Managing authorities shall determine specific unit prices of regular maintenance of each road infrastructure asset under their assigned management, and submit them to competent state agencies for approval.

4. Unit prices of regular asset maintenance are determined using one of the following methods:

a/ Determining based on economic – technical norms of regular maintenance activities;

b/ Determining based on average prices of regular maintenance activities of three preceding years plus inflation (if any);

c/ Combining two methods referred to at Points a and b of this Clause.

5. The competence to make decisions on unit prices of regular asset maintenance:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Provincial People’s Committees may decide or decentralize the competence to make decisions on unit prices of regular maintenance for road transport infrastructure assets under the management of local governments.

6. Based on the decisions approving unit prices of regular maintenance issued by competence state agencies prescribed in Clause 5 of this Article, managing authorities shall:

a/ Select organizations and individuals to sign contracts on regular asset maintenance under their management in accordance with law;

b/ Examine and supervise the execution of the contracts;

c/ Organize tests before acceptance and make payments for the regular asset maintenance under the signed contracts.

7. The rights and obligations of organizations and individuals that carry out quality-based maintenance:

a/ Have their rights and legitimate interests protected by the State when carrying out maintenance; take the initiative in taking maintenance measures to assure quality standards as prescribed in signed contracts; periodically receive fixed payments under signed contracts; and file complaints and lawsuits in accordance with law when their rights or interests are infringed upon;

b/ Carry out maintenance in accordance with signed contracts; and take responsibility before law for breaches of signed contracts.

8. The Ministry of Transport shall prescribe criteria for the supervision and testing before acceptance of results of regular quality-based maintenance; and guide the determination of unit prices of regular maintenance in conformity with technical standards of each type of road infrastructure asset.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Volume-based asset maintenance is the asset maintenance assigned by the State to organizations and individuals for which they will receive payments based on the actual workload.

2. Volume-based maintenance is applied to periodical and irregular repairs.

3. Based on technical standards, norms, unit prices of maintenance and the workload, managing authorities shall prepare dossiers and estimate funds for periodical or irregular repairs of road transport infrastructure assets under their assigned management, and report them to competent state agencies for approval according to regulations.

4. Based on the decisions approving the estimated funds issued by competent state agencies, managing authorities shall select organizations and individuals to sign contracts on periodical repair or irregular repair of road transport infrastructure assets in accordance with law.

5. Heads of managing authorities may make decisions on and take responsibility for the funds and methods of irregular repair when irregular repairs need to be done without delay.

6. The use, payment and settlement of funds for periodical or irregular repairs of road transport infrastructure assets according to the actual workload must comply with relevant laws.

7. The rights and obligations of organizations and individuals that carry out volume-based asset maintenance:

a/ Have their rights and legitimate interests protected by the State when carrying out maintenance; and file complaints and lawsuits in accordance with law when their rights or interests are infringed upon;

b/ Carry out maintenance under signed contracts; receive payments for the actual maintenance works; and take responsibility before law for breaches of signed contracts.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 4: MANAGEMENT AND USE OF LAND ATTACHED TO ROAD TRANSPORT INFRASTRUCTURE ASSETS

Article 26. Land belonging to road transport infrastructure assets

1. Land belonging to road transport infrastructure assets cover:

a/ Land attached to road transport infrastructure assets, specifically:

- Land belonging to the road and land belonging to bus stations, parking lots, road administration offices, rest stops, weigh stations

and toll booths;

- Land within the road safety corridor.

b/ Road transport support service land, covering land of maintenance, repair and spare part sale stations, fuel filling stations and other related road transport support services.

2. Uses of land belonging to road transport infrastructure assets

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ The State allocates land and collects land levy or leases out land, for land belonging to road transport infrastructure assets specified in Clause 1 of this Article for commercial purposes, except special cases decided by the Prime Minister.

3. The Ministry of Transport shall promulgate regulations on allocating land serving road transport mentioned at Point b, Clause 1 of this Article for highways in conformity with technical standards prescribed by competent state agencies.

Provincial People’s Committees shall promulgate regulations on allocating land serving raod transport mentioned at Point b, Clause 1 of this Article for provincial roads and urban roads in conformity with technical standards prescribed by competent state agencies.

4. The rules for on allocating land serving road transport mentioned in Point b, Clause 1 of this Article:

a/ For new highways, there must be at least one service land lot of at least 1,000 m2 per 70 km of highway. Particularly for existing highways, depending on the practical situation, the Ministry of Transport shall cooperate with provincial People’s Committees in, deciding on standards and norms and distance for allocate land serving road transport.

b/ For provincial roads and urban roads, depending on the practical situation, provincial People’s Committees shall make decisions on standards and norms and distance for allocating land serving road transport, ensuring that there is at least one service land lot per 50 km of provincial road or urban road.

5. Based on the regulations on allocating land serving road transport specified in Clause 4 of this Article, provincial People’s Committees shall:

a/ Cooperate with the Ministry of Transport in determining specific locations and areas for each road transport service land lot for highways;

b/ Determine specific locations and areas for each road transport support service land lot for provincial roads and urban roads.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The State shall prioritize the allocation or lease of road transport support service land belonging to the roads assigned to organizations or individuals for maintenance as prescribed in Articles 23, 24 and 25 of this Decree to these organizations or individuals.

2. Based on the land serving road transport determined under Article 26 of this Decree, competent People’s Committees prescribed by the land law shall:

a/ Recover land, pay compensations and supports and resettle local people in accordance with regulations applicable to land serving road transport;

b/ Allocate or lease road transport service land to organizations and individuals at the request of the Ministry of Transport (for highways) or of the provincial Transport Departments (for provincial roads and urban roads) in accordance with the land law.

3. Compensation and resettlement funds according to plans approved by competent state agencies with regard to land serving road transport are included in investment capital of projects to construct, upgrade or expand roads or are, for existing roads, assured by the state budget.

Section 5: HANDLING OF ROAD TRANSPORT INFRASTRUCTURE ASSETS

Article 28. Establishment of state ownership over road transport infrastructure assets

1. The Ministry of Finance shall decide to establish state ownership over and make decisions on management, use and operation plans for road transport infrastructure assets under the management of central agencies which are invested under BTO, BOT, BT or PPP contracts when these contracts expire and these assets are transferred to the Vietnamese State, and other forms of transfer as prescribed by law.

2. Provincial People’s Committees shall decide to establish state ownership over and make decisions on management, use and operation plans for road transport infrastructure assets under the management of local governments which are invested under BTO, BOT, BT or PPP contracts when these contracts expire and these assets are transferred to the Vietnamese State, and other forms of transfer as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 29. Circulation of road transport infrastructure assets

1. Road transport infrastructure assets shall be circulated when there are changes in the decentralization, classification, adjustment or other special cases as prescribed by law.

2. Competence to decide the circulation of road transport infrastructure assets:

a/ The Minister of Finance may decide to circulate road transport infrastructure assets among ministries, central agencies and other agencies at the central level and in provinces and centrally run cities at the request of related agencies. Particularly for the circulation of roads from the central to local level and vice versa, the Minister of Finance shall decide the circulation on the basis of road system adjustment decisions of the Minister of Transport and opinions of related localities;

b/ The Minister of Transport may decide or delegate authority to decide the circulation of road transport infrastructure assets among agencies, organizations and units under his management;

c/ Provincial People’s Councils may delegate authority to decide the circulation of road transport infrastructure assets among agencies, organizations and units under their management.

3. Road transport infrastructure assets may only be transferred among state agencies, people’s armed force units, public non-business units, political organizations and socio-political organizations, except special cases decided by the Prime Minister.

4. The Ministry of Finance shall prescribe the dossier, order and procedures for circulating road transport infrastructure assets.

Article 30. Liquidation of road transport infrastructure assets

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Road transport infrastructure assets are so seriously damaged that they are irreparable or their repair is inefficient;

b/ Old road transport infrastructure assets are dismantled for constructing new ones;

c/ Competent state agencies adjust the road transport planning, resulting in part or the whole of a road infrastructure asset unusable for its original purpose.

2. Competence to make decisions on liquidation of road transport infrastructure assets:

a/ The Minister of Transport may decide or decentralize the competence to make decisions on the liquidation of road transport infrastructure assets under the management of central agencies;

b/ Provincial People’s Councils may decentralize the competence to make decisions on the liquidation of road transport infrastructure assets under the management of local governments.

3. Road transport infrastructure assets are liquidated by:

a/ Selling;

b/ Dismantling or destroying.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The proceeds from the liquidation of road transport infrastructure assets, after subtracting liquidation expenses, must be managed and used in accordance with law.

6. The Ministry of Finance shall prescribe the dossier, order and procedures for liquidating road transport infrastructure assets.

Section 6: REPORTING AND INSPECTION OF ROAD TRANSPORT INFRASTRUCTURE ASSETS

Article 31. Reporting road transport infrastructure assets

1. All road transport infrastructure assets must be reported to state management agencies in charge of road transport infrastructure assets for uniform and centralized management.

2. Managing authorities that fail to report or report late shall be handled according to regulations.

3. The Ministry of Finance and the Ministry of Transport shall:

a/ Prescribe the rules for reporting on road transport infrastructure assets;

b/ Build and manage a national database on road transport infrastructure assets.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Managing authorities shall make declarations in the following cases:

a/ Road transport infrastructure assets are assigned for management at the time this Decree takes effects;

b/ There is a change in road transport infrastructure assets;

c/ Managing authorities are renamed, separated, split up or merged under decisions of competent state agencies.

2. Deadline for making declaration of road transport infrastructure assets:

a/ Before December 31st 2013, for cases referred to at Point a, Clause 1 of this Article;

b/ Within 30 days from the date of the change referred to at Point b or c, Clause 1 of this Article.

Article 33. Reporting the management and use of road transport infrastructure assets

1. Annually, managing authorities shall make reports on the management and use of road transport infrastructure assets in the previous year or make irregular reports at the request of competent state agencies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Managing authorities shall make and send reports to ministries, central agencies or provincial People’s Committees before February 28th.

b/ Provincial People’s Committees shall make and send reports on the management and use of road transport infrastructure assets under the management of local governments to the Ministry of Transport before March 31;

c/ The Ministry of Transport shall summarize the management and use of road transport infrastructure assets nationwide before April 30th.

Article 34. Inspection and audit of the compliance with the rules for management, use and operation of road transport infrastructure assets

1. Competent state agencies shall make decisions on the inspection of the compliance with the rules for management, use and operation of road transport infrastructure assets.

2. The State Audit shall audit the management, use and operation of road transport infrastructure assets in accordance with the law on state audit.

3. Inspection and audit agencies may request inspected or audited subjects to produce dossiers and documents related to the management, use and operation of road transport infrastructure assets. If detecting any violations, inspection or audit agencies may handle or propose competent agencies to handle these violations in accordance with law.

Section 7: MANAGEMENT, USE AND OPERATION OF SPECIALIZED ROAD TRANSPORT INFRASTRUCTURE ASSETS

Article 35. Management, use and operation of specialized road transport infrastructure assets

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The classification and adjustment of specialized roads connected to highways, provincial roads, urban roads, district roads and commune roads are subject to permission of competent state agencies.

Article 36. Responsibilities of agencies, organizations, units and individuals managing, using and operating specialized road transport infrastructure assets

1. Manage, use and operate road transport infrastructure assets according to national standards and specific standards applied by relevant sectors.

2. Maintain, operate and protect specialized road transport infrastructure assets according to regulations and take responsibility for financial sources for the maintenance and protection.

3. Classify and adjust the system of specialized roads under their management.

4. Compile and maintain dossiers; make reports on the management and use; and account specialized road transport infrastructure assets under their management as prescribed in Article 37 of this Decree.

Article 37. Dossiers, reports, and accounting of specialized road transport infrastructure assets

The compilation of dossiers, management and maintenance of dossiers; reports, declarations; reports on the management and use; and accounting of specialized road transport infrastructure assets shall comply with Articles 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 31, 32 and 33 of this Decree.

Section 8: MANAGEMENT, USE AND OPERATION OF ROAD TRANSPORT INFRASTRUCTURE ASSETS DURING THE EXECUTION OF PROJECT CONTRACTS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Road transport infrastructure assets during the execution of project contracts must be managed, used and operated in accordance with the provisions of the signed contracts.

2. Competent state agencies shall examine and control the execution of the signed contacts.

Article 39. Responsibilities of agencies, organizations, units and individuals assigned to execute project contracts

1. Manage, use and operate road transport infrastructure assets in accordance with the signed contracts.

2. Maintain road transport infrastructure assets according to regulations and take responsibility for financial sources for the maintenance.

3. Make reports and declarations during the execution of BOT or BTO project contracts under their management as prescribed in Article 40 of this Decree.

Article 40. Reporting on road transport infrastructure assets during the execution of BOT or BTO project contracts

Declarations of road transport infrastructure assets during the execution of BTO or BOT project contracts must be made in accordance with Article 32 of this Decree.

Chapter 4

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 1: OPERATION OF ROAD TRANSPORT INFRASTRUCTURE ASSETS

Article 41. Sale of the right to collect charges for using road infrastructure assets

1. Sale of the right to collect charges for using road infrastructure assets is the transfer by the State of the right to collect charges for using road infrastructure assets to organizations or individuals for a period specified in a contract in order to receive a corresponding sum of money.

2. The sale of the right to collect charges for using road infrastructure assets is applied to roads already constructed.

3. On the basis of the actual traffic flow, the impacts of the collection of charges on the socio-economic development and the charge collection capacity of each type of road infrastructure asset, annually the Ministry of Transport and provincial People’s Committees shall make statistics, review and make plans for sale of the right to collect charges for using road infrastructure assets under their respective management.

4. The right to collect charges for using road infrastructure assets is sold through auction, except special cases decided by the Prime Minister.

5. Competence to make decisions on the sale of the right to collect charges for using road infrastructure assets:

a/ The Ministry of Finance may make decisions on the sale of the right to collect use charges for road transport infrastructure assets under the management of central agencies at the request of the Ministry of Transport;

b/ Provincial People’s Councils may decentralize the competence to make decisions on the sale of the right to collect use charges for road transport infrastructure assets under the management of local governments.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. The proceeds from the sale of the right to collect charges for using road infrastructure assets after subtracting related expenses may be used for development investment in and asset maintenance in accordance with the state budget law.

8. Rights and obligations of organizations and individuals that purchased the right to collect charges for using road infrastructure assets:

a/ Collect charges as decided by competent state agencies; take the initiative in taking managerial measures to assure technical standards of road transport infrastructure assets at the time of sale as prescribed in signed contracts in accordance with law; and file complaints and lawsuits in accordance with law when their rights or interests are infringed upon;

b/ Carry out maintenance in accordance with signed contracts; and take responsibility before law for the violations of signed contracts.

9. The Ministry of Finance shall provide guidance on administrative procedures for selling the right to collect charges for using road infrastructure assets.

Article 42. Lease of the right to operate road transport infrastructure assets

1. Lease of the right to operate road transport infrastructure assets is the transfer by the State of the right to operate road transport infrastructure assets to organizations or individuals for a period specified in a contract in order to receive a corresponding sum of money.

2. The lease of the right to operate road transport infrastructure assets is applied to road transport infrastructure assets already constructed, including:

a/ Bus stations, parking lots, road administration offices and rest stops;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Based on the operation capacity of each type of road infrastructure asset, annually the Ministry of Transport and provincial People’s Committees shall provide instructions on making statistics, reviewing and planning of the lease of the right to operate road transport infrastructure assets under their respective management.

4. The right to operate road transport infrastructure assets is leased through bidding, except the case of lease to designated lessees as guided by the Ministry of Finance.

5. Competence to decide to lease the right to operate road transport infrastructure assets:

a/ The Ministry of Transport may decide or decentralize the competence to make decisions on the lease of the right to operate road transport infrastructure assets under the management of central agencies;

b/ Provincial People’s Councils may decentralize the competence to make decisions on the lease of the right to operate road transport infrastructure assets under the management of local governments.

6. The period of lease of the right to operate road transport infrastructure assets is determined by competent state agencies specified in Clause 5 of this Article in each lease contract.

7. The proceeds from the lease of the right to operate road transport infrastructure assets, after subtracting related expenses, must be used for development investment in and asset maintenance in accordance with the state budget law.

8. Rights and obligations of organizations and individuals leasing the right to operate road transport infrastructure assets:

a/ Operate road transport infrastructure assets under signed contracts in accordance with law; and file complaints and lawsuits in accordance with law when their rights or interests are infringed upon;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. The Ministry of Finance shall guide administrative procedures for leasing the right to operate road transport infrastructure assets.

Article 43. Transfer of road transport infrastructure assets for a specified period

1. Transfer of road transport infrastructure assets for a specified period is the transfer by the State of the right to upgrade and expand and the right to operate road transport infrastructure assets for a specified period under a contract in order to receive a corresponding sum of money.

2. The transfer of road transport infrastructure assets for a specified period is applied to existing road transport infrastructure assets for which upgrading or expansion projects have been approved by competent state agencies (with details on the size, total investment capital and implementation plan of the project), including:

a/ Road works;

b/ Bus stations, parking lots, road administration offices and rest stops.

3. Based on the development master plan and plans for upgrading and expansion of existing road transport infrastructure assets, annually the Ministry of Transport and provincial People’s Committees shall classify road transport infrastructure assets under their respective management for making plans for transfer for a specified period.

4. Road transport infrastructure assets are transferred for a specified period through auction, except special cases decided by the Prime Minister.

5. Competence to decide to transfer road transport infrastructure assets for a specified period:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Provincial People’s Councils may decentralize the competence to make decisions on the transfer of road transport infrastructure assets under the management of local governments.

6. The period of transfer of road transport infrastructure assets for a specified period is determined in each transfer contract, but must not exceed 49 years.

7. The proceeds from the transfer of road transport infrastructure assets for a specified period after subtracting related expenses must be used for development investment in and asset maintenance in accordance with the state budget law.

8. Rights and obligations of organizations and individuals that are transferred road transport infrastructure assets for a specified period:

a/ Decide to operate and collect charges for using road transport infrastructure assets under signed contracts and adjust these charges according to plans approved by competent state agencies; and lodge complaints and lawsuits in accordance with law when their rights or interests are infringed upon;

b/ Upgrade and expand transferred road transport infrastructure assets according to planning and roadmap committed in the contracts; maintain these assets according to the requirements set in the signed contracts; and take responsibility before law for breaches of signed contracts.

9. The Ministry of Finance shall guide administrative procedures for transferring road transport infrastructure assets for a specified period.

Article 44. Operation of road transport infrastructure assets for investment projects under BOT contracts

For investment projects to upgrade and expand existing road transport infrastructure assets under BOT contracts, the operation of these assets complies with relevant laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 45. Preparation for using land to generate capital for road development

1. The use of land to generate capital for road development is the decision by a competent state agency to recover a land area beyond the area serving an investment project to construct, upgrade or expand a road in order to acquire more land to generate capital for road development.

2. The use of land to generate capital for road development is compulsory for investment projects to construct or expand roads according to urban development plans or rural residential quarter plans.

For investment projects to upgrade roads or to construct new roads or expand other roads, based on the actual situation, competent state agencies specified in Clause 3 of this Article may make decisions on the use of land to generate capital for road development.

3. Annually, based on the master plan and plans for executing investment projects to construct, upgrade and expand roads:

a/ The Ministry of Transport shall cooperate with related provincial People’s Committees in, making lists of investment projects on building, upgrading, and expanding roads according to the land use mechanism to generate capital for road development (hereinafter referred to as capital generation projects), and submit them to the Prime Minister for approval (for projects under the management of central agencies);

b/ Provincial People’s Committees shall make and approve lists of capital generation projects after submitting them to provincial People’s Councils for adoption (for projects under the management of central agencies).

4. A capital generation project prescribed in Clause 3 of this Article includes:

a/ The name and location of the project.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Total land area expected to be recovered, including:

- The area of land for executing projects on building, upgrading, and expanding roads ;

- The area of land for capital generation.

d/ Total capital for executing the project, including:

- The investment in executing the project;

- Funding for compensation and resettlement.

e/ Land use purposes according to the land planning for capital generation.

f/ Other related contents.

5. The list of approved capital generation projects shall be published in the mass media.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The formulation and approval of capital generation projects must comply with relevant laws.

2. Based on the list of approved capital generation projects, the persons that decide the investment shall select the method of executing these projects as prescribed in Clause 3 of this Article.

3. Capital generation projects may be executed by either of the following methods arranged in priority order:

a/ The State shall appoint organizations or individuals to execute capital generation projects;

b/ The State shall make investment in and execute capital generation projects.

4. Provincial People’s Committees of the localities where capital generation projects are executed shall:

a/ Withdraw the area of land for such projects;

b/ Approve or delegate authority to approve plans for compensation and resettlement for the area of land for executing capital generation projects in accordance with law;

c/ Organize compensation and resettlement for the area of land for executing such projects;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e/ Make decisions on the land prices used for calculating land use levies, calculating land rents to be paid in a lump sum for the whole land lease term applicable to land for capital generation in case of employing the method specified at Point a, Clause 3 of this Article;

f/ Make decisions on the reserve price for auctioning land use rights or the right to lease land and pay land rents in a lump sum for the whole lease term in case of implementing the method specified at Point b, Clause 3 of this Article;

g/ Do other related activities.

Article 47. Financial mechanism applicable to capital generation projects which executed by the State

1. Persons that decide the investment shall appoint investors to execute capital generation projects in accordance with law.

2. The investors shall:

a/ Request the provision of capital; receive, use, and reimburse capital provided for executing capital generation projects in accordance with law;

b/ Pay for the compensation and resettlement for the area of land serving the capital generation projects according to approved plans;

c/ Manage and protect land and organize auctions of rights to use or the right to lease out land for capital generation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Based on the completion deadline and capital-generating capacity of land, competent state agencies shall decide to advance capital to investors for implementing the projects. The competence to decide to advance capital to investors is specified as follows:

a/ The Prime Minister shall decide to provide capital at the request of the Ministry of Finance and the Ministry of Transport (for capital generation projects under the management of central agencies);

b/ Provincial People’s Committees shall decide to provide capital at the request of the provincial Finance Departments and Transport Departments (for capital generation projects under the management of local governments).

4. Funds for compensation and resettlement for land areas for executing investment projects to construct, upgrade and expand roads according to approved plans are included in investment capital of the projects in accordance with law.

5. Funding for compensation and resettlement for land for capital generation according to approved plans will be refunded from the proceeds from the auction of the rights to use or the right to lease out land for capital generation and pay rents in a lump sum for the whole lease term.

6. The determination of reserve prices, organization of auctions, approval of auction results and signing of contracts with organizations and individuals that win the right to use or rent land for capital generation and pay rents in a lump sum must comply with the auction and land laws.

7. The proceeds from the auction of the rights to use or the right to rent land for capital generation and pay land rents in a lump sum for the whole lease term must be remitted into a separate state treasury account in the name of the investor, and used in the following priority order:

a/ Refunding compensation and resettlement money already paid for the land according to approved plans;

b/ Paying expenses related to the auction of the rights to use or the right to rent land for capital generation and pay land rents in a lump sum;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ Paying to the local budget according to regulations.

8. The Ministry of Finance shall guide the accounting of revenues and expenditures from land for capital generation in accordance with the accounting and state budget laws.

Article 48. Financial mechanism applicable to capital generation projects executed by organizations and individuals

1. The preparation, organization, approval of results and conclusion of contracts with organizations and individuals that win contracts to execute capital generation projects must comply with this Decree and the laws on bidding.

2. Apart from the laws on bidding, the organizations and individuals appointed to execute capital generation projects must satisfy both conditions below:

a/ The value of the capital generation project is the lowest in comparison with the estimated value approved by a competent state agency;

b/ The land price for calculating land levy or calculating the land rent to be paid in a lump sum is the highest in comparison with the land price approved by a competent state agency.

3. The successful bid of the capital generation project and the land levy or land rent paid in a lump sum must remain unchanged throughout the project execution (except in force majeure circumstances prescribed by law).

4. Where the successful bid of a capital generation project is different from the land levy or land rent paid in a lump sum:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ If the value of the project is higher than the land levy or land rent paid in a lump sum, this difference shall be refunded by the central budget (for projects under the management of central agencies) or local budget (for projects under the management of local governments).

5. Organizations and individuals executing capital generation projects shall:

a/ Pay for the compensation and resettlement for the area of land use for the projects.

b/ Execute projects on building road works;

c/ Remit the difference to the local budget specified at Point a, Clause 4 of this Article;

d/ Transfer road works in accordance with the contractual schedule;

e/ Perform other tasks specified in the signed contracts.

6. The time of paying the difference specified in Clause 4 of this Article is the time of completion of the signed contract (the date of completion indicated in the contract)

7. The Ministry of Finance shall provide guidance on recording of revenues and expenditures from land for capital generation in accordance with the laws on accounting and state budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

IMPLEMENTATION

Article 49. Effect

This Decree takes effect on March 01st 2013.

Article 50. Implementation provisions

1. The Ministry of Finance and the Ministry of Transport shall elaborate and provide guidance on the implementation of this Decree within their competence.

2. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of governmental agencies, Presidents of provincial People’s Committees and heads of involved agencies are responsible for the implementation of this Decree.-

 

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


25.991

DMCA.com Protection Status
IP: 18.226.214.1
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!