Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 85/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Đầu Thanh Tùng
Ngày ban hành: 01/04/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 01 tháng 4 năm 2024

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA NĂM 2024

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 21/3/2022 về ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 4924/QĐ-UBND ngày 23/12/2023 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2024 tỉnh Thanh Hóa; các Quyết định của UBND tỉnh phân bổ chi tiết vốn đầu tư phát triển và Quyết định phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2024, với các nội dung sau:

A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2023

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững luôn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm; được sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 2747-QĐ/TU ngày 08/8/2023 và Quyết định số 2924-QĐ/TU ngày 07/11/2023, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng ban, Phó chủ tịch thường trực HĐND, lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh là thành viên; Trưởng BCĐ đã phân công nhiệm vụ thành viên BCĐ (Quyết định số 04-QĐ/BCĐ ngày 29/11/2023).

HĐND tỉnh đã sửa đổi bổ sung 04 văn bản, gồm: (i) Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025[1]; (ii) Mức hỗ trợ cho một dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa[2]; (iii) Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa[3]; (iv) Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình MTQG; cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa[4]; UBND tỉnh ban hành Danh mục loại dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được áp dụng cơ chế đặc thù trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa[5].

- HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh[6]; Nghị quyết về việc phân bổ vốn đầu tư, vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình.

- UBND tỉnh đã ban hành: Kế hoạch thực hiện Chương trình và các Tiểu dự án thuộc Chương trình năm 2023[7]; Kế hoạch hỗ trợ huyện Bá thước, huyện Thường Xuân thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2022-2025[8]; Kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2023[9]; Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo[10]; Kế hoạch sơ kết giữa kỳ Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025[11],... và một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác.

UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Thường trực Chương trình (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với các ngành có liên quan, các cơ quan được giao chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình.

Quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Thanh Hóa đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ và sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan quản lý Chương trình. Các Bộ, ngành Trung ương đã hướng dẫn và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình thực hiện, góp phần tích cực trong việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023

- Giai đoạn 2022 - 2023, tổng tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,26% (năm 2022 giảm 1,79%, năm 2023 giảm 1,47%); bình quân giai đoạn 2022 - 2023 mỗi năm toàn tỉnh giảm gần 1,63%; vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX[12] và chỉ tiêu giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ[13].

- Hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2023: Còn 35.320 hộ, tỷ lệ: 3,52%; (giảm 14.573 hộ, tương ứng giảm 1,47% so với 49.893 hộ (4,99%) cuối năm 2022). Hộ cận nghèo cuối năm 2023: Còn 55.797 hộ, tỷ lệ: 5,57%; (giảm 13.149 hộ, tương ứng giảm 1,32% so với 68.946 hộ (6,89%) cuối năm 2022). Cụ thể:

+ Khu vực miền núi: số hộ nghèo: 25.651 hộ, chiếm tỷ lệ 11,04%; số hộ cận nghèo: 32.551 hộ, chiếm tỷ lệ 14,01% (giảm 4,15% hộ nghèo; 3,06% hộ cận nghèo so với cuối năm 2022).

+ Hộ nghèo dân tộc thiểu số cuối năm 2023 còn 23.541 hộ, chiếm tỷ lệ 14,75% (giảm: 8.632 hộ, tỷ lệ giảm 5,11% so với cuối năm 2022) vượt mục tiêu Chương trình đề ra (mục tiêu đề ra là giảm 3%).

+ Các huyện nghèo: số hộ nghèo còn 18.942 hộ, chiếm tỷ lệ 20,91%; số hộ cận nghèo: 24.514 hộ, chiếm tỷ lệ 27,06% (giảm 6,57% hộ nghèo; 4,84% hộ cận nghèo so với cuối năm 2022) vượt kế hoạch đề ra (mục tiêu đề ra hộ nghèo giảm từ 4 - 5%).

2. Kết quả thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể khác của Chương trình

100% huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, gồm 06 huyện nghèo, 02 xã bãi ngang ven biển và hải đảo (riêng xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn chưa được giao vốn đầu tư phát triển do có dự kiến di dời sang địa điểm khác).

Khoảng 60% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, đạt kế hoạch đề ra.

100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.

100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế (hộ nghèo được hỗ trợ 100%; hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% mức đóng).

Trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, đã triển khai thực hiện.

Các kết quả trên đã góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

Công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đã thường xuyên phối hợp, theo dõi, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để có phương án hỗ trợ kịp thời; năm 2023 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 62.850 lao động, vượt 8,36% kế hoạch năm và tăng 5% so với cuối năm 2022; trong đó: đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 14.710 lao động, gấp 2,94 lần kế hoạch năm và tăng 25,1% so với năm 2022 góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn 2,8%; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn còn 5,8%; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội xuống còn 31,1% vượt 0,4% mục tiêu kế hoạch năm.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức thẩm định cho vay ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, năm 2023 doanh số cho vay đạt 2.276 tỷ đồng, với 32.593 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 1.682,4 tỷ đồng, tổng dư nợ đến ngày 30/11/2023 đạt 7.450 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách phần lớn được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chú trọng ưu tiên, tập trung vốn cho vay hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn giúp người dân có vốn để sản xuất, cải thiện đời sống, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các chính sách hỗ trợ về giáo dục, bảo hiểm y tế, tiếp cận thông tin như cấp học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ bán trú, hỗ trợ gạo; cho vay học sinh, sinh viên,… được thực hiện đầy đủ, kịp thời góp phần hỗ trợ con em các hộ nghèo, hộ DTTS vùng khó khăn để có thể đến trường. Các mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú THCS được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm học tập.

IV. KẾT QUẢ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO

1. Kết quả phân bổ kế hoạch vốn

- Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 1.640.539 triệu đồng[14]. Trong đó, Trung ương đã giao 945.033 triệu đồng (năm 2022 là 486.183 triệu đồng, năm 2023 là 458.850 triệu đồng)[15]. Trong tổng vốn Trung ương giao, có 1.249.507 triệu đồng hỗ trợ 06 huyện nghèo (để thực hiện 59 dự án: 28 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020; 31 dự án khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025); 202.000 triệu đồng hỗ trợ 02 huyện Thường Xuân và Bá Thước thoát nghèo (để thực hiện 07 dự án); 57.500 triệu đồng hỗ trợ Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn; 41.410 triệu đồng hỗ trợ Trường Trung cấp nghề Nga Sơn; 29.622 triệu đồng hỗ trợ Trung tâm Dịch vụ việc làm; 60.000 triệu đồng hỗ trợ 03 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển, xã đảo thuộc huyện Hậu Lộc và thị xã Nghi Sơn.

HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định phân bổ 100% kế hoạch vốn cho các đơn vị, địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh đã giao vốn chi tiết cho các huyện, các dự án là 915.142 triệu đồng, đạt 96,84%; còn lại 29.891 triệu đồng chưa giao do chưa phê duyệt được dự án (dự án Trường cao đẳng nghề Nghi sơn, Trung tâm Dịch vụ việc làm)[16].

- Tổng kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa năm 2022 là 132.965 triệu đồng; năm 2023 là 514.715 triệu đồng[17]. HĐND, UBND tỉnh đã giao 100% kinh phí sự nghiệp Trung ương phân bổ cho các đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện[18].

2. Kết quả giải ngân vốn của Chương trình

2.1 Vốn đầu tư phát triển

Kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển được trung ương giao lũy kế đến tháng 01/2024 được khoảng 547.330 triệu đồng/945.033 triệu đồng, đạt 58% so với kế hoạch vốn. Trong đó: đã giải ngân năm 2022 được 256.909 triệu đồng; giải ngân năm 2023 được 290.421 triệu đồng/688.123 triệu đồng đạt 42,2% (giải ngân vốn năm 2022 chuyển nguồn sang 2023 được 99.273 triệu đồng, vốn năm 2023 được 191.148 triệu đồng).

2.2. Vốn sự nghiệp

Kết quả giải ngân vốn sự nghiệp năm 2023 đến ngày 23/01/2024 được khoảng 300.476 triệu đồng/621.539 triệu đồng đạt 48,3% (trong đó giải ngân vốn năm 2022 chuyên sang là 47.990 triệu đồng, giải ngân vốn năm 2023 là 252.486 triệu đồng).

3. Ngân sách địa phương và huy động khác

Vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí từ ngân sách tỉnh sau khi các dự án thuộc Chương trình được phê duyệt quyết toán dự án, nhu cầu vốn còn thiếu sẽ bổ sung cho các huyện theo hình thức bổ sung có mục tiêu để thanh toán khối lượng hoàn thành các dự án theo quy định của pháp luật và Nghị quyết số 257/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh Thanh Hóa và Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ[19].

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng, tham gia các hoạt động chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp ở từng địa phương, vận động Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế; đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng dân cư.

Hưởng ứng phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, công tác vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" hàng năm được triển khai có hiệu quả, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Tháng cao điểm “Vì người nghèo” được tổ chức với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả từ các địa phương đã tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực. 11 tháng đầu năm 2023, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã vận động đạt hơn 40 tỷ đồng để làm nhà cho người nghèo; hỗ trợ sản xuất, khám chữa bệnh, giúp học sinh nghèo học tập,…

V. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những kết quả đạt được

Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng Chương trình đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, như: (1) Hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh đầy đủ; các khó khăn, vướng mắc được giải đáp; (2) Cơ chế quản lý, điều hành được đảm bảo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; (3) Các dự án sử dụng vốn đầu tư công đã được phê duyệt và giải ngân đảm bảo tiến độ; (4) Một số dự án, tiểu dự án sử dụng vốn sự nghiệp đã được triển khai thực hiện hỗ trợ đến người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo; (5) Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã lồng ghép các hoạt động của Chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,… Qua đó, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo (năm 2022 giảm 1,79%, năm 2023 giảm 1,47% vượt kế hoạch đề ra bình quân là 1,5%/năm).

Tuy nhiên, kết quả tổng thể, tiến độ tổ chức thực hiện Chương trình mới cơ bản đạt so với yêu cầu đề ra; còn một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình làm cho các hoạt động chậm được triển khai, chậm giải ngân vốn đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu thực hiện Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Những tồn tại, hạn chế

- Thiết kế của Chương trình, cơ chế, chính sách, hướng dẫn của cơ quan Trung ương, tỉnh chậm được ban hành hoặc ban hành nhưng chưa phù hợp phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình.

- Công tác khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ dự án đầu tư, hồ sơ dự án bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh chậm; một số dự án đầu tư chưa đủ cơ sở để thẩm định, trình phê duyệt. Một số dự án giao thông đã phê duyệt nhưng phải dừng thi công do dự án đi qua đất rừng phải lập hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

- Thời gian thẩm định hồ sơ các dự án khởi công mới của các cơ quan chuyên môn chưa được rút ngắn; một số hồ sơ phải thẩm định nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

- Đa số các đơn vị, địa phương được giao vốn sự nghiệp để thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình đều tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân vốn chậm hoặc giải ngân rất thấp làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn, người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo và các nhóm đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn chậm được tiếp cận nguồn lực để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo nhất là các nội dung thuộc Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

- Các huyện, các đơn vị chậm xây dựng kế hoạch, lập dự toán chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

Các vướng mắc nêu trên, đến nay cơ bản đã được giải quyết, tạo điều kiện cho các đơn vị địa phương tổ chức thực hiện trong thời gian tới (Hiện chỉ còn vướng mắc về cơ chế của nội dung đào tạo nghề tại Dự án 4).

B. KẾ HOẠCH NĂM 2024

I. BỐI CẢNH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NĂM 2024

1. Bối cảnh quốc tế và khu vực

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về kinh tế, chính trị và an ninh; quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục điều chỉnh, kinh tế toàn cầu ngày càng bất định; thị trường thế giới, nhất là thị trường vốn, năng lượng, nguyên liệu,... liên tục thay đổi và dễ bị tổn thương do các chính sách của các nước lớn.

2. Bối cảnh trong nước và trong tỉnh

Trong nước, tuy còn gặp nhiều thách thức thức nhưng nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi; khả năng điều hành, ứng phó với những biến động bất thường được nâng lên; làn sóng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, làm tăng khả năng, cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta.

Trong tỉnh, những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh đã được đầu tư và đưa vào sử dụng; một số dự án lớn, có sức lan tỏa đã đi vào hoạt động; các quy hoạch lớn đã được phê duyệt; một số vướng mắc về thể chế đã được Chính phủ và cấp ủy, chính quyền trong tỉnh sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ, là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng tiếp tục gặp khó khăn do giá nguyên, vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, một số thị trường truyền thống bị thu hẹp; hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền núi, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ; nguồn vốn, chất lượng nguồn nhân lực; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu khó lường, số lượng người nghèo, cận nghèo còn cao, tập trung tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin...; doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa... là những yếu tố tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội, đến công tác giảm nghèo của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

2. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo

a) Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5% trở lên.

b) Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% trở lên.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo

1.1. Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo

a) Mục tiêu: Xây dựng cơ sở hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hỗ trợ các địa bàn nghèo phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

b) Đối tượng:

- Các huyện nghèo: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh và Thường Xuân.

- Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo: Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc; xã Nghi Sơn, xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn.

c) Nội dung thực hiện: Hỗ trợ đầu tư và duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 (gồm: Vốn đầu tư phát triển 339.989 triệu đồng, vốn sự nghiệp 47.232 triệu đồng) và vốn năm 2022, vốn năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024. Trong đó vốn năm 2024 gồm:

- Hoạt động 1: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo: Vốn đầu tư phát triển 330.989 triệu đồng, vốn sự nghiệp 39.972 triệu đồng.

- Hoạt động 2: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo: Vốn đầu tư phát triển 9.000 triệu đồng, vốn sự nghiệp 900 triệu đồng.

Số vốn còn lại chưa phân bổ của hoạt động 2 (Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, gồm: Vốn đầu tư phát triển 3.000 triệu đồng, vốn sự nghiệp 300 triệu đồng), giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu báo cáo, trình cấp có thẩm quyền phương án phân bổ theo quy định của pháp luật.

1.2. Tiểu dự án 2: Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

a) Mục tiêu: Hỗ trợ huyện Bá Thước, huyện Thường Xuân thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.

b) Đối tượng: Huyện Bá Thước, huyện Thường Xuân.

c) Nội dung hỗ trợ: Đầu tư trọng tâm, trọng điểm một số công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (công trình đầu tư cấp huyện, liên xã) nhằm tạo sự đột phá, thúc đẩy hiệu quả phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân theo Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được phân bổ năm 2024 (gồm: Vốn đầu tư phát triển 60.600 triệu đồng, vốn sự nghiệp 6.005 triệu đồng) và vốn năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

1.3. Phân công thực hiện

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị có liên quan, hướng dẫn các huyện nghèo triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- Đối với số vốn đầu tư phát triển chưa đủ điều kiện giao kế hoạch chi tiết của các huyện nghèo: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan căn cứ tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư và quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh giao kế hoạch chi tiết cho các dự án ngay sau khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

- Đối với nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông thuộc tiểu dự án 2 của các huyện Bá Thước, Thường Xuân chưa phân bổ, do hết nhiệm vụ chi (55 triệu đồng), giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương tham mưu báo cáo, trình cấp có thẩm quyền phương án phân bổ theo quy định của pháp luật.

- UBND các huyện nghèo (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân): Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- UBND huyện Hậu Lộc, UBND thị xã Nghi Sơn: Căn cứ tổng mức vốn đầu tư phát triển được phân bổ chủ trì giao chi tiết kế hoạch đến danh mục và mức vốn từng dự án cho xã Ngư Lộc, xã Nghi Sơn và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

a) Mục tiêu: Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

b) Đối tượng

- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi toàn tỉnh; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

- Hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; trung tâm, viện nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo. Ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; mô hình, dự án giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ trì thực hiện.

- Tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo.

c) Nội dung hỗ trợ

- Thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ: Số 27/2022/NĐ- CP, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ; Thông tư số 55/2023/BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính; các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh: Số 06/2022/NQ- HĐND ngày 11/12/2022, số 08/2022/NQ-HĐND ngày 11/12/2022, số 09/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023, số 10/2023/NQHĐND ngày 29/9/2023; Hướng dẫn số 293/HD-UBND ngày 11/12/2023 của UBND tỉnh, Quyết định số 3957/QĐ-UBND ngày 26/10/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật khác có liên quan. Ưu tiên phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế theo hình thức liên kết chuỗi giá trị nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (trong đó, đối với dự án liên kết chuỗi giá trị do các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh chủ trì thực hiện trong phạm vi một địa phương cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt dự án bao gồm cả dự toán chi tiết kèm theo).

- Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 là 134.970 triệu đồng và vốn năm 2022, vốn năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan để tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- Các cơ quan cấp tỉnh được giao vốn triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế theo hình thức liên kết chuỗi giá trị đảm bảo theo các quy định của pháp luật có liên quan.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; báo cáo định kỳ 6 tháng, năm kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng

3.1. Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp

a) Mục tiêu: Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.

b) Đối tượng

- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi toàn tỉnh; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

- Hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

c) Nội dung hỗ trợ

Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp: Tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định; phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng; tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả,... theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP , Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 55/2023/BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính; các Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 11/12/2022, số 08/2022/NQ-HĐND ngày 11/12/2022, số 09/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023, số 10/2023/NQHĐND ngày 29/9/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Hướng dẫn số 293/HD-UBND ngày 11/12/2023 của UBND tỉnh, Quyết định số 3957/QĐ-UBND ngày 26/10/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật khác có liên quan.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 là 55.795 triệu đồng và vốn năm 2022, vốn năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục phát triển nông thôn: Tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3.2. Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng

a) Mục tiêu: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

b) Đối tượng

- Trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

- Phụ nữ mang thai và cho con bú, hộ gia đình, cơ sở y tế, trường học trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

c) Nội dung hỗ trợ

- Hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

- Tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi).

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 là 17.540 triệu đồng và vốn năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở y tế có liên quan tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở y tế có liên quan: Tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Sở Y tế, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững

4.1. Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn

a) Mục tiêu: Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

b) Đối tượng

- Người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp.

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan.

c) Nội dung hỗ trợ

- Về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp (gồm: tiêu chuẩn kỹ năng nghề; định mức kinh tế - kỹ thuật; quy định kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau tốt nghiệp; danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu; tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong thực hành, thực nghiệm và thí nghiệm; giá tối đa dịch vụ giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước); phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình, học liệu; phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với đối tượng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

- Khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

- Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

- Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 (gồm: Vốn đầu tư phát triển 27.835 triệu đồng, Vốn sự nghiệp 51.338 triệu đồng) và vốn năm 2021, năm 2022, năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Đối với vốn đầu tư phát triển chưa giao chi tiết cho Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan căn cứ tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư và quy định của pháp luật, xây dựng phương án phân bổ chi tiết báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ cho đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện dự án.

- Đối với vốn sự nghiệp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Đối với nội dung do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập cấp tỉnh thực hiện, giao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, lập dự toán chi tiết, lấy ý kiến thống nhất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung thực hiện, gửi về Sở Tài chính để thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

4.2. Tiểu dự án 2: Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

a) Mục tiêu: Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

b) Đối tượng

- Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cư trú trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

- Cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các tổ chức, cá nhân tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

c) Nội dung hỗ trợ

- Người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo (bao gồm cả thời gian tham gia giáo dục định hướng), trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp; giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động.

- Một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 là 6.969 triệu đồng và vốn năm 2022, vốn năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã có liên quan tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- UBND các huyện nghèo, huyện, thị xã có xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

4.3. Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững

a) Mục tiêu: Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

b) Đối tượng

- Người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

- Người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

- Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

c) Nội dung hỗ trợ

- Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc.

- Hỗ trợ giao dịch việc làm.

- Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.

- Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động.

- Hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 (gồm: Vốn đầu tư phát triển: 10.836 triệu đồng, Vốn sự nghiệp: 20.652 triệu đồng) và vốn năm 2022, vốn năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Đối với vốn đầu tư phát triển: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan căn cứ tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư và quy định của pháp luật, xây dựng phương án chi tiết báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh giao kế hoạch chi tiết cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức triển khai thực hiện dự án.

- Đối với vốn sự nghiệp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo

a) Mục tiêu: hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

b) Đối tượng hỗ trợ

Theo quy định tại Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh và các văn bản khác có liên quan.

c) Nội dung hỗ trợ

Xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có; đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 là 266.085 triệu đồng (trong đó phân bổ đợt 1 là 40.460 triệu đồng) và vốn năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo đảm bảo đúng đối tượng, đảm bảo tiến độ, hiệu quả; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Chủ trì đề xuất phương án phân bổ số vốn sự nghiệp trung ương năm 2024 còn lại chưa phân bổ là 225.625 triệu đồng gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi Sở Tài Chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh.

- UBND các huyện nghèo tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Sở Xây dựng; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

6.1. Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin

a) Mục tiêu

- Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin.

- Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cung cấp thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

- Tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư; đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.

b) Đối tượng

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

- Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; khu vực biên giới.

- Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

c) Nội dung hỗ trợ

- Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông.

- Tiếp tục thực hiện việc thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội dung thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới; tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở (bao gồm cơ sở vật chất cho hoạt động của Đài truyền thanh xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo) để cung cấp nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội (hoạt động từ năm 2023 chuyển sang).

- Cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo.

- Sản xuất mới các sản phẩm cung cấp nội dung thông tin thiết yếu.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 là 6.932 triệu đồng và vốn năm 2022, vốn năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6.2. Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều

a) Mục tiêu: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.

b) Đối tượng: Người nghèo, người dân tại các địa bàn toàn tỉnh; các tổ chức và cá nhân có liên quan.

c) Nội dung

- Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, sự kiện, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông về giảm nghèo bền vững.

- Tổ chức hội thi cấp tỉnh, cấp huyện về giảm nghèo bằng các hình thức sân khấu hóa nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo.

- Hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.

- Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo.

- Tổ chức các hội nghị truyền thông nhằm cung cấp cho người dân thông tin về các nội dung, hoạt động thuộc Chương trình MTQG GNBV tại các xã, thôn để định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới và tăng cường công tác giám sát của người dân.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 là 7.109 triệu đồng và vốn năm 2022, năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị truyền thông về giảm nghèo cấp tỉnh năm 2024 (bằng hình thức sân khấu hóa).

- Các đơn vị cấp tỉnh là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh và Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo tỉnh được phân bổ kinh phí tại Tiểu dự án 2, dự án 6; UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan (trong đó, UBND các huyện xây dựng kế hoạch, bố trí một phần kinh phí để tổ chức Hội thi truyền thông về giảm nghèo cấp huyện năm 2024 (bằng hình thức sân khấu hóa); định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

7. Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình

7.1. Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình

a) Mục tiêu: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói; bảo đảm thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững; nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới nhằm hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.

b) Đối tượng: Cán bộ làm công tác giảm nghèo, cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý, công tác xã hội, bình đẳng giới các cấp, nhất là cấp cơ sở (cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín), chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; các tổ chức và cá nhân có liên quan.

c) Nội dung

- Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, cán bộ làm công tác xã hội, bình đẳng giới các cấp và các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số; chú trọng các nội dung văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện Chương trình.

- Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương, các tỉnh; tổ chức hội thảo, hội nghị và các hoạt động khác về công tác giảm nghèo.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 là 17.946 triệu đồng và vốn năm 2022, năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm thực hiện Chương trình MTQG GNBV tại các tỉnh, thành trong cả nước (dự kiến 03 đoàn tại miền Bắc, miền Nam và miền Trung) bằng nguồn vốn được giao cho Sở trực tiếp thực hiện.

- Các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, cán bộ làm công tác xã hội, bình đẳng giới và tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương, các tỉnh nhằm nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

7.2. Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá

a) Mục tiêu:

- Thiết lập quy trình, hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình theo quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

-Tổ chức giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng và quy định của pháp luật.

b) Đối tượng

- Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh, cấp huyện; cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình các cấp, các cơ quan chủ trì các dự án, tiểu dự án thành phần các cấp; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn.

- Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

c) Nội dung thực hiện

- Xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá; nội dung, cơ chế báo cáo; cách thức sử dụng thông tin của hệ thống giám sát và đánh giá cho quản lý và tổ chức thực hiện.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo định kỳ, hằng năm hoặc đột xuất.

- Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; tổ chức điều tra, đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ ở các cấp.

d) Kinh phí thực hiện: Vốn được giao năm 2024 là 10.786 triệu đồng và vốn năm 2022, năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024.

e) Phân công thực hiện

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- Các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện giám sát, đánh giá theo địa bàn được phân công.

- Các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Từ nguồn Trung ương

Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và nguồn năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) và năm 2023 thuộc Chương trình chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024 tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 và khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.

2. Nguồn ngân sách địa phương

Bố trí vốn đối ứng bằng 10% theo đúng quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 257/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

3. Vốn tín dụng, vốn huy động, lồng ghép khác

Huy động tối đa nguồn vốn tín dụng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thông qua các chính sách tín dụng cho từng đối tượng, nội dung thuộc phạm vi đầu tư từng chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Lồng ghép nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo nội dung và nguyên tắc quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ; Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 11/12/2022 và Nghị quyết số 14/2023/NQ-NĐND ngày 14/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh[20] thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

V. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về giảm nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

2. Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành quản lý chương trình

Kịp thời, tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tế triển khai thực hiện trên địa bàn toàn toàn tỉnh.

3. Bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để đối ứng thực hiện Chương trình

Ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng bằng 10% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.

4. Chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình

Cơ quan Thường trực Chương trình; các cơ quan chủ trì các dự án, tiểu dự án thành phần nâng cao trách nhiệm tích cực đầu mối với các bộ ngành Trung ương, các sở, ngành có liên quan để tranh thủ những giải pháp, hướng dẫn nhằm chủ động hướng dẫn các đơn vị, địa phương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

5. Tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội giảm nghèo.

6. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo bền vững các cấp, đảm bảo đủ năng lực để tham mưu thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý hằng năm.

8. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, huy động tối đa nguồn lực, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án, bản, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế của người nghèo, cận nghèo.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh

1.1. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại từng hoạt động, tiểu dự án, dự án của Kế hoạch này khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, thiết thực, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định. Tiếp tục tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tích cực vận động cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan tích cực tham gia, ủng hộ các đợt phát động ủng hộ “Ngày vì người nghèo”.

1.2. Các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Y tế : Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ, rà soát, xác định địa bàn, đối tượng thụ hưởng để tổ chức thực hiện nội dung thành phần thuộc chương trình được phân công chủ trì bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp với các chương trình, dự án, đề án khác và nhiệm vụ thường xuyên của các Sở chủ trì. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ báo cáo kết quả thực hiện dự án, tiểu dự án thành phần, gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo theo quy định.

1.3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, đơn vị có liên quan hướng dẫn việc thanh, quyết toán việc sử dụng vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và việc chuyển nguồn năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) và năm 2023 thuộc Chương trình chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024 tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 và khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội đảm bảo đúng quy định.

1.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, đơn vị liên quan thông báo vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 cho từng đơn vị, chủ đầu tư.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp: Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia thực hiện Chương trình; tăng cường giám sát quá trình tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2024 để tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn, trong đó ưu tiên nguồn vốn để tham gia Hội thi về công tác giảm nghèo cấp tỉnh; ban hành các văn bản liên quan đến chỉ đạo điều hành, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình ở địa phương; thực hiện các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình; thực hiện việc thanh, quyết toán việc sử dụng vốn theo quy định; việc chuyển nguồn năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) và năm 2023 thuộc Chương trình chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được phép chuyển nguồn sang năm 2024 tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 và khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội đảm bảo đúng quy định, hạn chế việc hủy dự toán được giao; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

b) Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong việc xây dựng, triển khai, thực hiện Kế hoạch trên địa bàn. Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh và UBND tỉnh về thực hiện nội dung hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh được giao hằng năm của địa phương.

c) Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo, nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo ở cơ sở.

d) Thực hiện huy động và lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo nội dung và nguyên tắc quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ; Nghị quyết số 07/2022/NQ- HĐND ngày 11/12/2022 và Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 14/12/2023 của HĐND tỉnh; việc lồng ghép các nguồn vốn phải đảm bảo theo Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, có mục tiêu và nội dung đầu tư sát đúng với mục tiêu và nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia và phù hợp với các văn bản quy định liên quan. Lồng ghép nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động, nội dung có cùng mục tiêu và trên cùng một địa bàn cấp xã, cấp huyện. Việc huy động và lồng ghép phải được xác định khi phê duyệt dự án, dự toán, phải phân định rõ tỷ lệ huy động, cơ cấu từng nguồn vốn được lồng ghép, tránh chồng chéo, trùng lắp; quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán vốn lồng ghép được thực hiện theo quy định hiện hành.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch này, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Kế hoạch để phù hợp với thực tiễn, các quy định hiện hành của pháp luật hoặc có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị chủ động đề xuất (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.


Nơi nhận:
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (để b/c).
- Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (để b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, VXBTXH42

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đầu Thanh Tùng



[1] Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 sửa đổi một số nội dung tại Điều 5 của Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 257/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022;

[2] Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 11/12/2022;

[3] Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 11/12/2022;

[4] Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 14/12/2023 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình MTQG; cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ban hành kèm theo Nghị quyết số 07/2022/NQHĐND ngày 11/12/2022 của HĐND tỉnh;

[5] Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND ngày 12/9/2023;

[6] Nghị quyết số 365/NQ-HĐND ngày 24/3/2023; Nghị quyết số 369/NQ-HĐND ngày 24/3/2023;

[7] Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 21/3/2022; Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 05/5/2023;

[8] Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 17/02/2023;

[9] Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 02/6/2023;

[10] Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 15/6/2023;

[11] Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 05/7/2023.

[12] Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025, “Chỉ tiêu Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm theo tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025 từ 1,5% trở lên;

[13] Tại Phụ lục II Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2022 - 2025 của tỉnh Thanh Hóa là 1,5%.

[14] Theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 và Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày

22/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

[15] Theo các Quyết định: số 2722/QĐ-UBND ngày 11/8/2022 và số 4662/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh.

[16] Theo Tờ trình số 462/TTr-BCS ngày 31/8/2023 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh; Kết luận số 2500-KL/TU ngày 12/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Công văn số 6060/KHĐT-THQH ngày 22/9/2023 của Sở KHĐT.

[17] Theo các quyết định: Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 08/12/2021; Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022; Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022.

[18] Theo các quyết định: Quyết định số 1422/QĐ-UBND ngày 26/4/2022; Quyết định số 2751/QĐ- UBND ngày 15/8/2022; Quyết định số 1185/QĐ-UBND ngày 11/4/2023.

[19] Công văn số 16165/UBND-THKH ngày 26/10/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bố trí vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

[20] Quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 85/KH-UBND ngày 01/04/2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


55

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.161.102
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!