|
Bản dịch này thuộc quyền sở hữu của
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Mọi hành vi sao chép, đăng tải lại mà không có sự đồng ý của
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT là vi phạm pháp luật về Sở hữu trí tuệ.
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT has the copyright on this translation. Copying or reposting it without the consent of
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT is a violation against the Law on Intellectual Property.
X
CÁC NỘI DUNG ĐƯỢC SỬA ĐỔI, HƯỚNG DẪN
Các nội dung của VB này được VB khác thay đổi, hướng dẫn sẽ được làm nổi bật bằng
các màu sắc:
: Sửa đổi, thay thế,
hủy bỏ
Click vào phần bôi vàng để xem chi tiết.
|
|
|
Đang tải văn bản...
Bộ luật hình sự 2015 số 100/2015/QH13 áp dụng 2024
Số hiệu:
|
100/2015/QH13
|
|
Loại văn bản:
|
Luật
|
Nơi ban hành:
|
Quốc hội
|
|
Người ký:
|
Nguyễn Sinh Hùng
|
Ngày ban hành:
|
27/11/2015
|
|
Ngày hiệu lực:
|
01/01/2018
|
Ngày công báo:
|
31/12/2015
|
|
Số công báo:
|
Từ số 1263 đến số 1264
|
|
Tình trạng:
|
Còn hiệu lực
|
Bộ luật hình sự 2015 vừa được ban hành ngày 27/11/2015 với các quy định mới về tội phạm; những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; hình phạt; các biện pháp tư pháp; quyết định hình phạt; chấp hành hình phạt; xóa án tích; pháp nhân thương mại phạm tội;…
Bộ luật hình sự 2015 gồm 3 Phần, 26 Chương, 426 Điều (thay vì Bộ Luật Hình sự 1999 gồm 2 Phần, 24 Chương, 344 Điều). Cấu trúc Bộ luật hình sự năm 2015 có nhiều thay đổi so với BLHS cũ như sau:
Phần thứ nhất: Những quy định chung
Chương I. Điều khoản cơ bản
Chương II. Hiệu lực của BLHS 2015
Chương III. Tội phạm
Chương IV. Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự
Chương V. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự
Chương VI. Hình phạt
Chương VII. Các biện pháp tư pháp
Chương VIII. Quyết định hình phạt
Chương IX. Thời hiệu thi hành bản án, Miễn chấp hành hình phạt, Giảm thời hạn chấp hành hình phạt
Chương X. Xóa án tích
Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Chương XII. Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Phần thứ hai: Các tội phạm
Chương XIII. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Chương XIV. Các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người
Chương XV. Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân
Chương XVI. Các tội xâm phạm sở hữu
Chương XVII. Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình
Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
Chương XIX. Các tội phạm về môi trường
Chương XX. Các tội phạm về ma túy
Chương XXI. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng
Chương XXII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính
Chương XXIII. Các tội phạm về chức vụ
Chương XXIV. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Chương XXV. Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu
Chương XXVI. Các Tội phá hoại hòa bình, chống loài người và Tội phạm chiến tranh
Phần thứ ba: Điều khoản thi hành
Theo đó, Bộ luật hình sự 2015 có những điểm sau đáng chú ý:
- Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
+ Điều 12 Luật hình sự 2015 có quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
+ Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều quy định cụ thể ở Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015.
- Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
+ Theo Điều 54 BLHS năm 2015, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật HS 2015.
+ Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
+ Nhưng nếu điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
- Tha tù trước thời hạn có điều kiện
Người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Phạm tội lần đầu;
+ Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
+ Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên;
+ Có nơi cư trú rõ ràng;
+ Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự;
Và một số điều kiện khác tại Điều 66 Luật hình sự 2015.
- Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Điều 75 Bộ luật hình sự 2015 quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
+ Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
+ Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
+ Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS 2015.
- Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
Bộ luật HS năm 2015 quy định người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.
QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 100/2015/QH13
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 11 năm 2015
|
BỘ LUẬT
HÌNH SỰ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Bộ luật hình
sự.
Phần thứ
nhất
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Chương
I
ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN
Điều 1. Nhiệm
vụ của Bộ luật hình sự
Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo
vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa,
quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc,
bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành
vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu
tranh chống tội phạm.
Bộ luật này quy định về tội phạm
và hình phạt.
Điều 2. Cơ
sở của trách nhiệm hình sự
1. Chỉ người nào phạm một tội
đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Chỉ pháp nhân thương mại nào
phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới
phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 3.
Nguyên tắc xử lý
1. Đối với người phạm tội:
a) Mọi hành vi phạm tội do người
thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng
pháp luật;
b) Mọi người phạm tội đều bình
đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo,
thành phần, địa vị xã hội;
c) Nghiêm trị người chủ mưu, cầm
đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ,
quyền hạn để phạm tội;
d) Nghiêm
trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên
nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khoan hồng đối với người tự
thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn
năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;
đ) Đối với người lần đầu phạm tội
ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho
cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;
e) Đối với người bị phạt tù thì
buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập
để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy
định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời
hạn có điều kiện;
g) Người đã chấp hành xong hình
phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng,
khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.
2. Đối với pháp nhân thương mại
phạm tội:
a) Mọi hành vi phạm tội do pháp
nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công
minh theo đúng pháp luật;
b) Mọi pháp nhân thương mại phạm
tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần
kinh tế;
c) Nghiêm trị pháp nhân thương
mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả
đặc biệt nghiêm trọng;
d) Khoan hồng
đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng
trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại
gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.
Điều 4.
Trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm
1. Cơ quan Công an, Viện kiểm
sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực
hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp
đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống
tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng.
2. Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ
giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo
vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ
nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm
trong cơ quan, tổ chức của mình.
3. Mọi công dân có nghĩa vụ
tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.
Chương II
HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT
HÌNH SỰ
Điều 5. Hiệu
lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật hình sự được áp dụng
đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng
đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay,
tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa
của Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm
tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được
hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều
ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập
quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định
của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế
đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ
được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Điều 6. Hiệu
lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Công dân Việt Nam hoặc pháp
nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy
cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.
Quy định này cũng được áp dụng
đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.
2. Người nước ngoài, pháp nhân
thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này
trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân
Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc
theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
thành viên.
3. Đối với hành vi phạm tội hoặc
hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch
Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách
nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế
mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định.
Điều 7. Hiệu
lực của Bộ luật hình sự về thời gian
1. Điều luật được áp dụng đối với
một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà
hành vi phạm tội được thực hiện.
2. Điều luật
quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới
hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách
nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác
không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội
đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật
xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình
phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo,
miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm
hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có
lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện
trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Chương
III
TỘI PHẠM
Điều 8.
Khái niệm tội phạm
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm
cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm
hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc
lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị,
chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền,
lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp
của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ
nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu
của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải
là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Điều 9.
Phân loại tội phạm
Căn cứ vào tính chất và mức độ
nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội
phạm được phân thành bốn loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là
tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất
của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải
tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội
phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung
hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm
tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là
tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của
khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15
năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao
nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15
năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Điều 10. Cố
ý phạm tội
Cố ý phạm tội là phạm tội trong
những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ
hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và
mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ
hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có
thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Điều 11.
Vô ý phạm tội
Vô ý phạm tội là phạm tội trong
những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước
hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả
đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
2. Người phạm tội không thấy
trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải
thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Điều 12.
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên
phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật
này có quy định khác.
2. Người từ
đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về
tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người
khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ
13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản;
về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một
trong các điều sau đây:
a) Điều 143
(tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều
151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
b) Điều 170
(tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội
hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
c) Điều 248
(tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ
trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép
chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy);
Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
d) Điều 265
(tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái
phép);
đ) Điều 285
(tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử
dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán
chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông,
phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn
hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn
thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội
sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi
chiếm đoạt tài sản);
e) Điều 299
(tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở,
phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội
chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ
khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
Điều 13.
Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Người phạm tội trong tình trạng
mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu,
bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 14.
Chuẩn bị phạm tội
1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm,
sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội
phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.
2. Người
chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự:
a) Điều 108
(tội phản bội Tổ quốc); Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều
112 (tội bạo loạn); Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống
chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất
- kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều
117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật
phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều
118 (tội phá rối an ninh); Điều 119 (tội chống phá cơ sở
giam giữ); Điều 120 (tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người
khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân
dân); Điều 121 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước
ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân);
b) Điều 123
(tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);
c) Điều 168
(tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt
tài sản);
d) Điều 299
(tội khủng bố); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302
(tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở,
phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 324 (tội
rửa tiền).
3. Người từ đủ 14 đến dưới 16
tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này thì phải
chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 15.
Phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực
hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý
muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu
trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Điều 16. Tự
ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm
tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt
việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực
tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu
trách nhiệm hình sự về tội này.
Điều 17. Đồng
phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có
hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình
thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người
tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực
tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu,
cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động,
dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều
kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải
chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Điều 18.
Che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước,
nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết,
tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử
lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm
trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
2. Người che giấu tội phạm là
ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội
không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường
hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng
khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Điều 19.
Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm
đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố
giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những
trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông,
bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không
phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không
tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác
quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
3. Người bào chữa không phải chịu
trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố
giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực
hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp
không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm
trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Chương IV
NHỮNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ
TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Điều 20. Sự
kiện bất ngờ
Người thực hiện hành vi gây hậu
quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc
phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 21.
Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm
cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận
thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm
hình sự.
Điều 22.
Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành
vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác
hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần
thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải
là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ
chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với
tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới
hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật
này.
Điều 23.
Tình thế cấp thiết
1. Tình thế cấp thiết là tình
thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình,
của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn
cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong
tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại
gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại
đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 24.
Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
1. Hành vi của người để bắt giữ
người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng
vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do
sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu
trách nhiệm hình sự.
Điều 25. Rủi
ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ
Hành vi gây ra thiệt hại trong
khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật
và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện
pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
Người nào không áp dụng đúng
quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại
thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 26. Thi
hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên
Người thực hiện hành vi gây thiệt
hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực
lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực
hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn
yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong
trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Quy định này không áp dụng đối
với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật
này.
Chương V
THỜI HIỆU TRUY CỨU TRÁCH
NHIỆM HÌNH SỰ, MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Điều 27.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm
hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm
tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu
truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít
nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm
trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất
nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc
biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu
truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu
trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành
vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với
tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực
hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại
khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy
nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Điều 28.
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Không áp dụng thời hiệu truy cứu
trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối
với các tội phạm sau đây:
1. Các tội xâm phạm an ninh quốc
gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
2. Các tội phá hoại hòa bình,
chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật
này;
3. Tội tham ô tài sản thuộc trường
hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này;
tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản
4 Điều 354 của Bộ luật này.
Điều 29.
Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
1. Người phạm tội được miễn
trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy
tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội
không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được
miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy
tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm
cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy
tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây
nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm
tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều
tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập
công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm
trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe,
danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người
đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự,
thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Chương VI
HÌNH PHẠT
Điều 30.
Khái niệm hình phạt
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế
nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết
định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc
hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Điều 31. Mục
đích của hình phạt
Hình phạt không chỉ nhằm trừng
trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo
pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người,
pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội
phạm.
Điều 32.
Các hình phạt đối với người phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Cải tạo không giam giữ;
d) Trục xuất;
đ) Tù có thời hạn;
e) Tù chung thân;
g) Tử hình.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành
nghề hoặc làm công việc nhất định;
b) Cấm cư trú;
c) Quản chế;
d) Tước một số quyền công dân;
đ) Tịch thu tài sản;
e) Phạt tiền, khi không áp dụng
là hình phạt chính;
g) Trục xuất, khi không áp dụng
là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, người
phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số
hình phạt bổ sung.
Điều 33.
Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
1. Hình phạt chính bao gồm:
a) Phạt tiền;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2. Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động
trong một số lĩnh vực nhất định;
b) Cấm huy động vốn;
c) Phạt tiền, khi không áp dụng
là hình phạt chính.
3. Đối với mỗi tội phạm, pháp
nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng
một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Điều 34. Cảnh
cáo
Cảnh cáo được áp dụng đối với
người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức
miễn hình phạt.
Điều 35.
Phạt tiền
1. Phạt tiền được áp dụng là
hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội ít nghiêm trọng,
phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;
b) Người phạm tội rất nghiêm trọng
xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng
và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
2. Hình phạt tiền được áp dụng
là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội
phạm khác do Bộ luật này quy định.
3. Mức tiền phạt được quyết định
căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến
tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được
thấp hơn 1.000.000 đồng.
4. Hình phạt tiền đối với pháp
nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật
này.
Điều 36. Cải
tạo không giam giữ
1. Cải tạo không giam giữ được
áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội
nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi
cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã
hội.
Nếu người bị kết án đã bị tạm
giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành
hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải
tạo không giam giữ.
2. Tòa án giao người bị phạt cải
tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy
ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị
kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã
trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Trong thời gian chấp hành
án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo
không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà
nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng. Trong trường hợp đặc biệt,
Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản
án.
Không khấu trừ thu nhập đối với
người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
4. Trường
hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm
trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao
động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Thời gian lao động phục vụ cộng
đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.
Không áp dụng biện pháp lao động
phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi,
người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật
đặc biệt nặng.
Người bị kết án cải tạo không
giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự.
Điều 37.
Trục xuất
Trục xuất là buộc người nước
ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng
là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Điều 38.
Tù có thời hạn
1. Tù có thời hạn là buộc người
bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định.
Tù có thời hạn đối với người phạm
một tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm.
Thời gian tạm giữ, tạm giam được
trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01
ngày tù.
2. Không áp dụng hình phạt tù
có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư
trú rõ ràng.
Điều 39.
Tù chung thân
Tù chung thân là hình phạt tù
không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng
chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
Không áp dụng hình phạt tù
chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Điều 40. Tử
hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt
chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm
các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về
ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này
quy định.
2. Không
áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có
thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi
phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không
thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp
sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ
đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người
bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án
đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác
tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm
hoặc lập công lớn.
4. Trong
trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử
hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Điều 41. Cấm
đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành
nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết
án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại
cho xã hội.
Thời hạn cấm là từ 01 năm đến
05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực
pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc
trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Điều 42. Cấm
cư trú
Cấm cư trú là buộc người bị kết
án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định.
Thời hạn cấm cư trú là từ 01
năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Điều 43.
Quản chế
Quản chế là buộc người bị kết
án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định
dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời
gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một
số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này
và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Quản chế được áp dụng đối với
người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong
những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
Thời hạn quản chế là từ 01 năm
đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Điều 44.
Tước một số quyền công dân
1. Công dân Việt Nam bị kết án
phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường
hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau
đây:
a) Quyền ứng cử đại biểu cơ
quan quyền lực Nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ
quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Thời hạn tước một số quyền
công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể
từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng
án treo.
Điều 45. Tịch
thu tài sản
Tịch thu tài sản là tước một phần
hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà
nước.
Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng
đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc
tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy,
tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn
để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Chương
VII
CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP
Điều 46.
Các biện pháp tư pháp
1. Biện pháp tư pháp đối với
người phạm tội bao gồm:
a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp
liên quan đến tội phạm;
b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc
bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
c) Bắt buộc chữa bệnh.
2. Biện pháp tư pháp đối với
pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:
a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp
liên quan đến tội phạm;
b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc
bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
c) Khôi phục lại tình trạng ban
đầu;
d) Thực hiện một số biện pháp
nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Điều 47. Tịch
thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
1. Việc tịch thu sung vào ngân sách
nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng
vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc
do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
c) Vật thuộc
loại Nhà nước cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người
phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho
chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền
là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội
sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
Điều 48.
Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi
1. Người phạm tội phải trả lại
tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa
hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
2. Trong trường hợp phạm tội
gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật
chất, công khai xin lỗi người bị hại.
Điều 49. Bắt
buộc chữa bệnh
1. Đối với người thực hiện hành
vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21
của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định
pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều
trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
2. Đối với người phạm tội trong
khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức
mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ
vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định
đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh,
người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với người đang chấp hành
hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển
hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y
tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để
bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp
hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được
trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Chương
VIII
QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT
Mục 1. QUY ĐỊNH
CHUNG VỀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT
Điều 50.
Căn cứ quyết định hình phạt
1. Khi quyết định hình phạt,
Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy
hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết
giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
2. Khi quyết định áp dụng hình
phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình
hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
Điều 51.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các
tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn
hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa
chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt
quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt
quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt
quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị
kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt
hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc
trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe
dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị
hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người
phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người
phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết
tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh
bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm
tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
t) Người phạm
tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;
u) Người phạm tội đã lập công
chuộc tội;
v) Người
phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc
công tác;
x) Người phạm
tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.
2. Khi quyết
định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm
nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được
Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là
tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Điều 52.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới
là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên
nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến
cùng;
g) Phạm tội
02 lần trở lên;
h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy
hiểm;
i) Phạm tội đối với người dưới
16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
k) Phạm tội đối với người ở
trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc
biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt
vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến
tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt
khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt, tàn ác để phạm tội;
n) Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để
phạm tội;
o) Xúi giục
người dưới 18 tuổi phạm tội;
p) Có hành động xảo quyệt hoặc
hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
2. Các tình tiết đã được Bộ luật
này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi
là tình tiết tăng nặng.
Điều 53.
Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị
kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực
hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được
coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất
nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà
lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa
án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Mục 2. QUYẾT
ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
Điều 54.
Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
1. Tòa án có thể quyết định một
hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong
khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai
tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một
hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt
buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm
tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng
kể.
3. Trong
trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng
điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt
nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại
nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Điều 55.
Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội
Khi xét xử cùng 01 lần một người
phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình
phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên
cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt
đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03
năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời
hạn;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên
là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ
được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ
được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định
tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất
trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù
chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất
trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ) Phạt tiền không tổng hợp với
các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt
chung;
e) Trục xuất không tổng hợp với
các loại hình phạt khác;
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên
là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này
quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản
tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên
là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Điều 56. Tổng
hợp hình phạt của nhiều bản án
1. Trong trường hợp một người
đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản
án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết
định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt
của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải
chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định
hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của
bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều
55 của Bộ luật này.
3. Trong
trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà
các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm
quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1
và khoản 2 Điều này.
Điều 57.
Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm
tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ
luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã
hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến
cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị
phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định
trong các điều luật cụ thể.
3. Đối với trường hợp phạm tội
chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung
thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời
hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Điều 58.
Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm
Khi quyết định hình phạt đối với
những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất
và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng
hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối
với người đó.
Điều 59.
Miễn hình phạt
Người phạm tội có thể được miễn
hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2
Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức
được miễn trách nhiệm hình sự.
Chương IX
THỜI HIỆU THI HÀNH BẢN
ÁN, MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT, GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT
Điều 60.
Thời hiệu thi hành bản án
1. Thời hiệu thi hành bản án
hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết
án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2. Thời hiệu thi hành bản án
hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các trường hợp
xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
b) 10 năm đối với các trường hợp
xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
c) 15 năm đối với các trường hợp
xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
d) 20 năm đối với các trường hợp
xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
3. Thời hiệu thi hành bản án
hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.
4. Thời hiệu thi hành bản án
hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy
định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị
kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực
hiện hành vi phạm tội mới.
5. Trong thời hạn quy định tại
khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy
nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
Điều 61.
Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án
Không áp dụng thời hiệu thi
hành bản án đối với các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật
này.
Điều 62.
Miễn chấp hành hình phạt
1. Người bị kết án được miễn chấp
hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
2. Người bị
kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành
hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định
miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau
khi bị kết án đã lập công;
b) Mắc bệnh hiểm nghèo;
c) Chấp
hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người
đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
3. Người bị
kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công
lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa,
thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn
chấp hành toàn bộ hình phạt.
4. Người bị kết án phạt tù đến
03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm
đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt
khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề
nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần
hình phạt còn lại.
5. Người bị kết án phạt tiền đã
tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc
biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà
không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì
theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp
hành phần tiền phạt còn lại.
6. Người bị
phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình
phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện
nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần
hình phạt còn lại.
7. Người được miễn chấp hành
hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân
sự do Tòa án tuyên trong bản án.
Điều 63.
Giảm mức hình phạt đã tuyên
1. Người bị kết án cải tạo
không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành
hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được
một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có
thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thời gian đã chấp hành hình phạt
để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo
không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.
2. Một người có thể được giảm
nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã
tuyên.
Người bị kết án tù chung thân,
lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm
thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
3. Trường hợp người bị kết án về
nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm
lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều
lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
4. Đối với người đã được giảm một
phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý,
thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai
mức hình phạt chung.
5. Đối với người đã được giảm một
phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm
trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người
đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt
chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3
Điều này.
6. Đối với người bị kết án tử hình
được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời
gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm
nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30
năm.
Điều 64.
Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt
Người bị kết án có lý do đáng
được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo,
thì Tòa án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời
gian và mức quy định tại Điều 63 của Bộ luật này.
Điều 65.
Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá 03
năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét
thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và
ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ
trong thời gian thử thách theo quy định của Luật
thi hành án hình sự.
2. Trong thời gian thử thách,
Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc
hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình
người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa
phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Tòa án có thể quyết định áp
dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp
dụng có quy định hình phạt này.
4. Người được hưởng án treo đã
chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề
nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết
định rút ngắn thời gian thử thách.
5. Trong
thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo
quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định
buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường
hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình
phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại
Điều 56 của Bộ luật này.
Điều 66.
Tha tù trước thời hạn có điều kiện
1. Người
đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều
kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức
cải tạo tốt;
c) Đã được giảm thời hạn chấp
hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên;
d) Có nơi cư trú rõ ràng;
đ) Đã chấp hành xong hình phạt
bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự;
e) Đã chấp hành được ít nhất là
một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15
năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Trường hợp người phạm tội là
thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng,
người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng,
phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là
một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân
đã được giảm xuống tù có thời hạn;
g) Không thuộc một trong các
trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Không
áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường
hợp sau đây:
a) Người bị kết án về tội xâm
phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và
tội phạm chiến tranh hoặc người bị kết án từ 10 năm tù trở lên đối với tội cố ý
xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với
các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất trái phép,
mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy;
b) Người bị kết án tử hình được
ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của
Bộ luật này.
3. Theo đề nghị của cơ quan thi
hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều
kiện đối với người bị kết án. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải
thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời
gian còn lại của hình phạt tù.
4. Người
được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc
bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa
án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó
và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Nếu người đó thực hiện hành vi
phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình
phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án
trước theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
5. Người
được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần
hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi
hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử
thách.
Điều 67.
Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể
được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn
cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ
có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ
36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất
trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc
biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm
an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc
biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít
nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
2. Trong thời gian được hoãn chấp
hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành
vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng
hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của
Bộ luật này.
Điều 68. Tạm
đình chỉ chấp hành hình phạt tù
1. Người đang chấp hành hình phạt
tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều
67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
2. Thời gian tạm đình chỉ không
được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù.
Chương X
XÓA ÁN TÍCH
Điều 69.
Xóa án tích
1. Người bị kết án được xóa án
tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ
luật này.
Người được xóa án tích coi như
chưa bị kết án.
2. Người bị
kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người
được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.
Điều 70.
Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích
được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương
XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính,
thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các
điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị
kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính
hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ
sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới
trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị
phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án
treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp
bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị
phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị
phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang
chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn
phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì
thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành
xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên
được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực
hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan
quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình
hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư
pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc
khoản 3 Điều này.
Điều 71.
Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định
của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương
XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính,
thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các
điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Tòa án quyết định việc xóa án
tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và
Chương XXVI của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện,
thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết
định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử
thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định
khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 03 năm trong trong trường hợp
bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;
b) 05 năm trong trường hợp bị
phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
c) 07 năm trong trường hợp bị
phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang
chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân
mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì
thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt
bổ sung.
3. Người bị kết án được Tòa án
quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó
không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều
này.
4. Người bị Tòa án bác đơn xin
xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần
thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.
Điều 72.
Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt
Trong trường hợp người bị kết
án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi
người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì
Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần
ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản
2 Điều 71 của Bộ luật này.
Điều 73.
Cách tính thời hạn để xóa án tích
1. Thời hạn để xóa án tích quy
định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình
phạt chính đã tuyên.
2. Người bị kết án chưa được
xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án
có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày
chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới
hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
3. Người bị kết án trong trường
hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có
tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời
hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này Tòa án quyết định
việc xóa án tích đối với người đó.
4. Người được miễn chấp hành phần
hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.
Chương
XI
NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI
PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI PHẠM TỘI
Điều 74.
Áp dụng quy định của Bộ luật hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Pháp nhân thương mại phạm tội
phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định
khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.
Điều 75.
Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại chỉ phải
chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực
hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực
hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực
hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu
trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của
Bộ luật này.
2. Việc pháp nhân thương mại chịu
trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Điều 76.
Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại chỉ phải
chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau đây:
1. Điều 188
(tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng
hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn
bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm);
Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều
193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực
phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc
chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn
bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ
thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu
cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203
(tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà
nước); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc
che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán);
Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao
túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm
thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy
định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả,
quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công
nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu,
thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các
quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều
234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);
2. Điều 235
(tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng
ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội
vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống
thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239
(tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy
hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật
nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về
quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu,
phát tán các loài ngoại lai xâm hại).
Điều 77.
Phạt tiền
1. Phạt tiền được áp dụng là
hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
2. Mức tiền phạt được quyết định
căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài
chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được
thấp hơn 50.000.000 đồng.
Điều 78.
Đình chỉ hoạt động có thời hạn
1. Đình chỉ hoạt động có thời hạn
là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực
mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người,
môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng
khắc phục trên thực tế.
2. Thời hạn đình chỉ hoạt động
từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 79.
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực
mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt
hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu
đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây
ra.
2. Pháp nhân thương mại được
thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Điều 80. Cấm
kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định
1. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động
trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân
thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì
có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội.
2. Tòa án quyết định lĩnh vực cụ
thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động.
3. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản
án có hiệu lực pháp luật.
Điều 81. Cấm
huy động vốn
1. Cấm huy động vốn được áp dụng
khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ
tiếp tục phạm tội.
2. Các hình thức cấm huy động vốn
bao gồm:
a) Cấm vay vốn
ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư;
b) Cấm phát hành, chào bán chứng
khoán;
c) Cấm huy động vốn khách hàng;
d) Cấm liên doanh, liên kết
trong và ngoài nước;
đ) Cấm hình thành quỹ tín thác
bất động sản.
3. Tòa án quyết định áp dụng một
hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Thời hạn cấm huy động vốn là
từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Điều 82.
Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội
1. Tòa án có thể quyết định áp
dụng các biện tư pháp sau đây đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
a) Các biện pháp tư pháp quy định
tại Điều 47 và Điều 48 của Bộ luật này;
b) Buộc khôi phục lại tình trạng
ban đầu;
c) Buộc thực hiện một số biện
pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
2. Tòa án có thể quyết định áp
dụng biện pháp tư pháp buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải khôi phục lại tình
trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi phạm phạm tội của mình gây ra.
3. Căn cứ vào từng trường hợp
phạm tội cụ thể, Tòa án có thể quyết định buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải
thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả của
tội phạm:
a) Buộc tháo dỡ công trình, phần
công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
b) Buộc khắc phục tình trạng ô
nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện
được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhập khẩu trái với
quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo
đúng quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật
liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về
sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm;
d) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật
phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa
phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo
quy định của pháp luật;
đ) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm
trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
e) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng
hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường.
Điều 83.
Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Khi quyết định hình phạt, Tòa
án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm
cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương
mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với
pháp nhân thương mại.
Điều 84.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại
1. Các tình tiết sau đây là
tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt
tác hại của tội phạm;
b) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường
thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt
hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
d) Tích cực
hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án;
đ) Có nhiều đóng góp trong việc
thực hiện chính sách xã hội.
2. Khi quyết định hình phạt,
Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ
lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được
Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là
tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Điều 85.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới
là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Câu kết với pháp nhân thương
mại khác để phạm tội;
b) Cố ý thực hiện tội phạm đến
cùng;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm hoặc tái phạm nguy
hiểm;
đ) Lợi dụng hoàn cảnh chiến
tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt
khác của xã hội để phạm tội;
e) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm
tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
2. Các tình tiết đã được Bộ luật
này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi
là tình tiết tăng nặng.
Điều 86.
Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội
Khi xét xử cùng 01 lần pháp
nhân thương mại phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và
tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với
hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên
cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Hình phạt đã tuyên là đình
chỉ hoạt động có thời hạn đối với từng lĩnh vực cụ thể thì không tổng hợp;
c) Hình phạt tiền không tổng hợp
với các loại hình phạt khác;
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên
là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này
quy định đối với hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền
được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên
là khác loại thì pháp nhân thương mại bị kết án phải chấp hành tất cả các hình
phạt đã tuyên.
Điều 87. Tổng
hợp hình phạt của nhiều bản án
1. Trường hợp pháp nhân thương
mại đang chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản
án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết
định hình phạt chung theo quy định tại Điều 86 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt
của bản án trước về đình chỉ hoạt động có thời hạn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động
trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn được trừ vào thời hạn chấp
hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một pháp nhân
thương mại đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới,
Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt
chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại
Điều 86 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một pháp
nhân thương mại phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các
hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền
ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và
khoản 2 Điều này.
Điều 88.
Miễn hình phạt
Pháp nhân thương mại phạm tội
có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường
toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Điều 89.
Xóa án tích
Pháp nhân thương mại bị kết án
đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong
hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi
hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi
phạm tội mới.
Chương
XII
NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI
NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI
Mục 1. QUY
ĐỊNH CHUNG VỀ XỬ LÝ HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI
Điều 90. Áp
dụng Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18
tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này;
theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của
Chương này.
Điều 91.
Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi
phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục
đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành
công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi
phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy
hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người
dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình
tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp
quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các
biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới
18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định
tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248
(tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng
trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái
phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma
túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật
này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới
16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2
Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều
123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6
(tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội
hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người
từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người);
Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều
168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản);
Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội
vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma
túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật
này;
c) Người dưới 18 tuổi là người
đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
3. Việc truy cứu trách nhiệm
hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn
cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của
hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét
xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy
việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại
Mục 2 hoặc việc áp dụng biện
pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3
Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục,
phòng ngừa.
5. Không xử phạt tù chung thân
hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt
tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt
và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa
án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối
với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn
nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung
đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Án đã tuyên đối với người
chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm
nguy hiểm.
Mục 2. CÁC
BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC ÁP DỤNG TRONG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN TRÁCH NHIỆM
HÌNH SỰ
Điều 92.
Điều kiện áp dụng
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát
hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển
trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn,
nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với
việc áp dụng một trong các biện pháp này.
Điều 93.
Khiển trách
1. Khiển trách
được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây
nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng,
xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới
18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng;
b) Người dưới 18 tuổi là người
đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối
với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại
diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Người bị khiển trách phải thực
hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, nội quy,
quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có
thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học
tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể
cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm
b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.
Điều 94.
Hòa giải tại cộng đồng
1. Hòa giải
tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường
hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới
18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới
16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2
Điều 91 của Bộ luật này.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng
đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện
hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
3. Người được áp dụng biện pháp
hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi
thường thiệt hại;
b) Nghĩa
vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
Điều 95.
Giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Cơ quan
điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã,
phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong
những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới
18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới
16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2
Điều 91 của Bộ luật này.
2. Người được Cơ quan điều tra,
Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát,
giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về
học tập, lao động;
b) Chịu sự giám sát, giáo dục của
gia đình, xã, phường, thị trấn;
c) Không đi khỏi nơi cư trú khi
không được phép;
d) Các nghĩa vụ theo quy định tại
khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
3. Nếu người
được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn, có
nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm
quản lý, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt
thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Mục 3. BIỆN
PHÁP TƯ PHÁP GIÁO DỤC TẠI TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG
Điều 96.
Giáo dục tại trường giáo dưỡng
1. Tòa án có thể áp dụng biện
pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18
tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân
thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục
có kỷ luật chặt chẽ.
2. Người được giáo dục tại trường
giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động,
sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Điều 97.
Chấm dứt trước thời hạn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
Nếu người được giáo dục tại trường
giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ, thì theo đề
nghị của trường giáo dưỡng được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, Tòa án có
thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Mục 4. HÌNH
PHẠT
Điều 98.
Các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ
bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:
1. Cảnh cáo.
2. Phạt tiền.
3. Cải tạo không giam giữ.
4. Tù có thời hạn.
Điều 99.
Phạt tiền
Phạt tiền được áp dụng là hình
phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập
hoặc có tài sản riêng.
Mức tiền phạt đối với người từ
đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều
luật quy định.
Điều 100.
Cải tạo không giam giữ
1. Hình
phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi
phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng
do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do
cố ý.
2. Khi áp dụng hình phạt cải tạo
không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập
của người đó.
Thời hạn cải tạo không giam giữ
đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật
quy định.
Điều 101.
Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng
đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi
đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù
chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18
năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá
ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi
đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù
chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12
năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá
một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Mục 5. QUYẾT
ĐỊNH HÌNH PHẠT, TỔNG HỢP HÌNH PHẠT, MIỄN GIẢM HÌNH PHẠT, XÓA ÁN TÍCH
Điều 102.
Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
1. Tòa án quyết định hình phạt
đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội
chưa đạt theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 57 của Bộ
luật này.
2. Mức hình phạt cao nhất đối với
người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội không quá một phần ba mức
hình phạt được quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội
trong điều luật được áp dụng.
Mức hình phạt cao nhất đối với
người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chuẩn bị phạm tội không quá một phần hai mức
hình phạt được quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội
trong điều luật được áp dụng.
3. Mức hình phạt cao nhất áp dụng
đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần
ba mức hình phạt quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Bộ luật
này.
Mức hình phạt cao nhất áp dụng
đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần
hai mức hình phạt quy định tại các Điều 99, 100 và 101 của Bộ
luật này.
Điều 103.
Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội
1. Khi xét xử cùng một lần người
dưới 18 tuổi phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và
tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật
này.
Nếu hình phạt chung là cải tạo
không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm. Nếu
hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không
được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội
và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.
2. Đối với người dưới 18 tuổi
phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện
sau khi đủ 16 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:
a) Nếu mức
hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi người đó đủ 16 tuổi nặng
hơn hoặc bằng mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi đủ 16
tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ
đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nếu mức hình phạt đã tuyên đối
với tội được thực hiện sau khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn mức hình phạt đã
tuyên đối với tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không
vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi
theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối với người phạm nhiều tội,
có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18
tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:
a) Nếu mức hình phạt Tòa án
tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng
mức hình phạt áp dụng đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi,
thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản
1 Điều này;
b) Nếu mức hình phạt Tòa án
tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi nặng hơn mức hình
phạt áp dụng đối với tội thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt
chung áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội.
Điều 104.
Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
Việc tổng hợp hình phạt trong
trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã
phạm trước hoặc sau khi có bản án này, được thực hiện theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật này.
Hình phạt chung không được vượt
quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 103 của Bộ luật
này.
Điều 105.
Giảm mức hình phạt đã tuyên
1. Người dưới 18 tuổi phạm tội
bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được
một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi
lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần
năm mức hình phạt đã tuyên.
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội
bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm
nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn
lại.
3. Người dưới 18 tuổi phạm tội
bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do
thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề
nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc
chấp hành phần tiền phạt còn lại.
Điều 106.
Tha tù trước hạn có điều kiện
1. Người dưới 18 tuổi đang chấp
hành án phạt tù, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản
2 Điều 66 của Bộ luật này có thể được tha tù trước hạn khi có đủ các điều
kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức
cải tạo tốt;
c) Đã chấp hành được một phần
ba thời hạn phạt tù;
d) Có nơi cư trú rõ ràng.
2. Việc tha tù trước thời hạn
có điều kiện được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4
và 5 Điều 66 của Bộ luật này.
Điều 107.
Xóa án tích
1. Người dưới 18 tuổi bị kết án
được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 đến dưới 16
tuổi;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới
18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội
phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
c) Người bị áp dụng biện pháp
tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.
2. Người
từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội
phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03
năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi
hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Phần thứ
hai
CÁC TỘI PHẠM
Chương
XIII
CÁC TỘI XÂM PHẠM AN
NINH QUỐC GIA
Điều 108.
Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào câu kết
với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20
năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có
nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 109.
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc
tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục,
người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm
đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị
phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 110.
Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các
hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử
hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại
hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình
báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa
chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động
tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm
cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu
khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít
nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp,
nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ
quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Điều 111.
Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có
hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây
phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động
đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc
tù chung thân;
2. Người đồng phạm khác, thì bị
phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 112.
Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc
dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như
sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động
đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù
chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị
phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 113.
Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người
nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức
hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử
hình.
2. Phạm tội
trong trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức
khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ,
đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng
bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức
khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác.
3. Phạm tội
trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp
tinh thần, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước
ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
5. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 114.
Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam
1. Người nào nhằm chống chính
quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế,
khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù
chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp ít
nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 115.
Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội
1. Người nào nhằm chống chính
quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, thì
bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp ít
nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 116.
Tội phá hoại chính sách đoàn kết
1. Người nào thực hiện một
trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ
07 năm đến 15 năm:
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp
nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân
dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ,
ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
c) Gây chia rẽ người theo tôn
giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau,
chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị
- xã hội;
d) Phá hoại việc thực hiện
chính sách đoàn kết quốc tế.
2. Phạm tội trong trường hợp ít
nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 117.
Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm
chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những
hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị
phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc
tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc
tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang
trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc
tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc
biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 118.
Tội phá rối an ninh
1. Người nào nhằm chống chính quyền
nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người
thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường
hợp quy định tại Điều 112 của Bộ luật này, thì bị phạt tù
từ 05 năm đến 15 năm.
2. Người đồng phạm khác, thì bị
phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 119.
Tội chống phá cơ sở giam giữ
1. Người nào nhằm chống chính
quyền nhân dân mà phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh
tháo người bị giam giữ, người bị áp giải hoặc trốn khỏi cơ sở giam giữ, thì bị
phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
2. Phạm tội trong trường hợp ít
nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 120.
Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại
nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào tổ chức, cưỡng ép,
xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống
chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc
biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 121.
Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân
dân
1. Người nào trốn đi nước ngoài
hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ
03 năm đến 12 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc
biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 122.
Hình phạt bổ sung
Người phạm tội quy định tại
Chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú
từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Chương
XIV
CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG,
SỨC KHỎE, NHÂN PHẨM, DANH DỰ CỦA CON NGƯỜI
Điều 123.
Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung
thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có
thai;
d) Giết người đang thi hành
công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người
nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó
hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc
biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội
phạm khác;
h) Để lấy
bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách
man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng
làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết
người thuê;
n) Có
tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường
hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế
hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 124.
Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng
nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do
mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng
nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con
do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải
tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 125.
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong
trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của
nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt
tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở
lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Điều 126.
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần
thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào giết người trong
trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá
mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến
02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở
lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Điều 127.
Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
1. Người nào trong khi thi hành
công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho
phép, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Đối với người dưới 16 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 128.
Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05
năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở
lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Điều 129.
Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý làm chết người
do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01
năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người
trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 130.
Tội bức tử
1. Người nào đối xử tàn ác, thường
xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát,
thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với người dưới 16 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai.
Điều 131.
Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người
khác tự tước đoạt tính mạng của họ;
b) Tạo điều kiện vật chất hoặc
tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.
2. Phạm tội làm 02 người trở
lên tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 132.
Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác
đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu
giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không
giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người
đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người
mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02
người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 133.
Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người,
nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực
hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến
03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành
công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc
bị xử lý về một tội phạm khác.
Điều 134.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ
11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc
thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4)
hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của
người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở
lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả
năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ,
người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian
đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện
pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện
bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc
gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được
thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành
công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến
30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e,
g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến
60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến
60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e,
g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên,
nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết
người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù
chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61%
trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt
của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
7. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02
năm.
Điều 135.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng
thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào cố ý gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ
31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp
luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của
người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đối với
02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn
đến chết người.
Điều 136.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt
quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người
phạm tội
1. Người nào cố ý gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ
31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần
thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến
20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà
tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội dẫn đến chết người
hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn
thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 137.
Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi
hành công vụ
1. Người nào trong khi thi hành
công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích
hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31%
đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên, mà
tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với người dưới 16 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả
năng tự vệ.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 138.
Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào vô ý gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ
31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà
tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội
đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 139.
Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm
quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp
hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt
tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà
tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội đối với 02 người trở
lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 140.
Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc
làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ
đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả
năng tự vệ;
b) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
Điều 141.
Tội hiếp dâm
1. Người
nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được
của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ
tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm
tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều
người hiếp một người;
d) Phạm
tội 02 lần trở lên;
đ) Đối
với 02 người trở lên;
e) Có
tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc
tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn
phạm tội;
c) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự
sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ
16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức
hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 142.
Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ
lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn
khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13
tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành
vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Đối với người mà người phạm
tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Đối với 02 người trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc
tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội đối với người dưới
10 tuổi;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn
phạm tội;
g) Làm nạn nhân chết hoặc tự
sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 143.
Tội cưỡng dâm
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn
khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn
cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị
phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Nhiều người cưỡng dâm một
người;
b) Cưỡng dâm 02 lần trở lên;
c) Cưỡng dâm 02 người trở lên;
d) Có tính chất loạn luân;
đ) Làm nạn nhân có thai;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
c) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn
phạm tội;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự
sát.
4. Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi
đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức
hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 144.
Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn
khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc
mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng
thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc
tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một
người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn
phạm tội;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự
sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 145.
Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi
đến dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên
mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi
đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều
142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm
tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn
phạm tội.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 146.
Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên
mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc
không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm
tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 147.
Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên
mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp
chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm
tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Có mục đích thương mại;
e) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 148.
Tội lây truyền HIV cho người khác
1. Người nào biết mình bị nhiễm
HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về
tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục, thì bị phạt
tù từ 01 năm đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với
người dưới 18 tuổi;
c) Đối với phụ nữ mà biết là có
thai;
d) Đối với thầy thuốc hoặc nhân
viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình;
đ) Đối
với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Điều 149.
Tội cố ý truyền HIV cho người khác
1. Người nào cố ý truyền HIV
cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều
148 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người đang thi hành
công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với người dưới 18 tuổi;
d) Đối với từ 02 người đến 05
người;
đ) Lợi dụng nghề nghiệp;
e) Gây rối loạn
tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Đối với phụ nữ mà biết là có
thai;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 150.
Tội mua bán người
1. Người
nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện
một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận
người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận
người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa
chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ
thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa
nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với
từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn
nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự
sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ
01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 151.
Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận
người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ
trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận
người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể
hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa
chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b
khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho nhận
con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05
người;
d) Đối với người mà mình có
trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới
của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp
quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn
nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự
sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành
nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm
đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 152.
Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi
1. Người nào
đánh tráo người dưới 01 tuổi này với người dưới 01 tuổi khác, thì bị phạt
tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn,
nghề nghiệp;
c) Đối với người dưới 01 tuổi
mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 153.
Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa
dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người
dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn,
nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có
trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05
người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm
tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm
chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 154.
Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt
mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn,
nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05
người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 155.
Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng
nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ
10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành
công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi
dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng
viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 156.
Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những
điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc
gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội
và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ,
người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành
công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng
viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
h) Vu khống người khác phạm tội
rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chương
XV
CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN
TỰ DO CỦA CON NGƯỜI, QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN
Điều 157.
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người
nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định
tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt
tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công
vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ
nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho gia đình người bị
giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách;
h) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam
trái pháp luật chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng
phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 158.
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1. Người
nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì
bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở
của người khác;
b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ
lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác
phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp
luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc
quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người
khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở
tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 159.
Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức
trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính
về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng
đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện
báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu
chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc
cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản
khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại
trái pháp luật;
d) Khám xét, thu giữ thư tín,
điện tín trái pháp luật;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật
hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi
thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm
đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định
từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 160.
Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước
trưng cầu ý dân
1. Người nào lừa gạt, mua chuộc,
cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền
ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh
cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu
cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 161.
Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân
1. Người nào có trách nhiệm
trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy
tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết
quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù
từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc
bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 162.
Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp
luật
1. Người
nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau
đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình
trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03
tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc
trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với
người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc người
lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến
200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ mà biết là có
thai;
c) Đối với người đang nuôi con
dưới 12 tháng tuổi;
d) Làm người bị buộc thôi việc,
người bị sa thải tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 163.
Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa
dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội
họp hợp pháp, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong
các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm
hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Dẫn đến biểu tình;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 164.
Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa
dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị
xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà
còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03
tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Dẫn đến biểu tình;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 165.
Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
1. Người nào vì lý do giới mà
thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động
trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học
và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật
hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh
cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không
giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc
phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 166.
Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ
lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết
khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết
khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Trả thù người khiếu nại, tố
cáo;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
d) Dẫn đến biểu tình;
đ) Làm người khiếu nại, tố cáo
tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 167.
Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu
tình của công dân
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa
dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ
luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.
Chương
XVI
CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU
Điều 168.
Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa
dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm
vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù
từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện
hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới
16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng
tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ
thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến
tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ
01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 169.
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác
làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc
thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11%
đến 30%;
h) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31%
đến 60%;
c) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc
tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn
thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;
d) Làm chết người.
5. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ
01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 170.
Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ
lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới
16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng
tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh,
tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc
toàn bộ tài sản.
Điều 171.
Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản
của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có
tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng
thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới
16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng
tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn
thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến
tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 172.
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt
tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc
dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc
về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175
và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm
sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật,
di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Hành hung để tẩu thoát;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu
trợ;
đ) Công
nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng
nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c và
d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Công
nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng
nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1
Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Công
nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1
Điều này.
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến
tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 173.
Tội trộm cắp tài sản
1. Người
nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới
50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng
đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc
về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175
và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm
sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ
cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt,
nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ
2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp
quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp
quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp
quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến
tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 174.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian
dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới
50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng
đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc
về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175
và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh
hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm
sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật,
di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm
đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một
trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm
đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một
trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm
đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc
một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến
tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 175.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một
trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ
4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử
phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc
về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174
và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản
là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt
về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến
03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của
người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi
dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản
mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của
người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và
đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại
tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản
trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 176.
Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người
nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không
giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng, di vật, cổ
vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau
khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được
nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000
đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ
03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản
trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01
năm đến 05 năm.
Điều 177.
Tội sử dụng trái phép tài sản
1. Người
nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000
đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính
về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
hoặc tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch
sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định
tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000
đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc
phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tài sản trị giá từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tài sản là bảo vật quốc gia;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ
03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 178.
Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người
nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000
đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử,
văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt
cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này,
chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm
sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ
cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị
giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo
vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy,
nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị
hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị
giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường
hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị
giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị
giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường
hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị
giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị
giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường
hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 179.
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan,
tổ chức, doanh nghiệp
1. Người nào có nhiệm vụ trực
tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,
vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản
của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới
500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03
năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho
tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng
đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho
tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng
trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người
phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất
định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 180.
Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
1. Người nào vô ý gây thiệt hại
cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng,
thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội
gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì
bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Chương
XVII
CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ
HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Điều 181.
Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở
ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết
hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan
hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng
cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn
khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt
cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến
03 năm.
Điều 182.
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng
mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ,
chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ
là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh
cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01
năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của
một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của
một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án
hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với
chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Điều 183.
Tội tổ chức tảo hôn
Người nào tổ chức việc lấy vợ,
lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến
30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Điều 184.
Tội loạn luân
Người nào giao cấu với người mà
biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị
em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 185.
Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có
công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc
có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc
người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị
phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng
đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn
nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng,
khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Điều 186.
Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng
và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có
nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa
vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng,
sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm,
thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03
tháng đến 02 năm.
Điều 187.
Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
1. Người nào tổ chức mang thai
hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000
đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ
quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chương
XVIII
CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ
QUẢN LÝ KINH TẾ
Mục 1. CÁC
TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
Điều 188.
Tội buôn lậu
1. Người
nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại
trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt
tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03
năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại
tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng
hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi
quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190,
191, 192, 193, 194, 195,
196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một
trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường
hợp quy định tại các điều 248, 249, 250,
251, 252, 253, 254, 304, 305, 306,
309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có
giá trị lịch sử, văn hóa.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ
300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc
gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá
1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính
1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên
tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp
nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện
hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ,
kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc
di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm
hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193,
194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này
hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm,
trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng
đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến
7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến
15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03
năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt
động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03
năm.
Điều 189.
Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người
nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại
trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt
tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến
02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại
tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng
hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi
quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190,
191, 192, 193, 194, 195,
196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một
trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường
hợp quy định tại các điều 248, 249, 250,
251, 252, 253, 254, 304, 305, 306,
309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có
giá trị lịch sử, văn hóa.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ
300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc
gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt
tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10
năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp
nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện
hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ,
kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc
di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm
hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193,
194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này
hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm,
trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng
đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến
2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt
động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03
năm.
Điều 190.
Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người
nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử
dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một
trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304,
305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000
đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất,
kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt,
chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm,
thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá
từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá
dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử
phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các
điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200
của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên
giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng
đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới
50.000.000 đồng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng
đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ
300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc
từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân
thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt
tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm
tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ
3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm
tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ
6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn
từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến
03 năm.
Điều 191.
Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người
nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm
sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một
trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304,
305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất,
kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt,
chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm,
thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ
100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới
100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193,
194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này
hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên
giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng
đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới
50.000.000 đồng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến
1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ
300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc
từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua
biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp
nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị
phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm
tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ
1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm
tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ
3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn
từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến
03 năm.
Điều 192.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người
nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm
đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ
20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá
ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số
lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá
từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được
giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới
20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc
hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng
kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm
hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193,
194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này
hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới
20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc
hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng
kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một
trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn
thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà
tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt
hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ
100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá
ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số
lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá
từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định
được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của
01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến
121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế
quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất
100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá
niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số
lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá
từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản
xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở
lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp
nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị
phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm
tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ
3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến
9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến
03 năm.
Điều 193.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán
hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm
đến 05 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc
từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ
100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá
ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số
lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong
trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của
01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến
60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá
niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số
lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác
định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của
01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến
121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc
tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ
1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở
lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp
nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ
1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến
6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến
9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến
18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt
động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03
năm.
Điều 194.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán
hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07
năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc
từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ
100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá
ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số
lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong
trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại
cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá
niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số
lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác
định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ
500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của
01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến
121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc
tử hình:
a) Thu lợi bất chính
2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người
61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành
nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần
hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp
nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ
1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến
9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến
15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến
20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt
động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03
năm.
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống
cây trồng, vật nuôi
1. Người
nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc
thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường
hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc
phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ
20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá
ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số
lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng
đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá
niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới
20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc
hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng
trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi
quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189,
190, 191, 192, 193, 194,
196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một
trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc
từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ
100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá
ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số
lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong
trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá
niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số
lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác
định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ
1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000
đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản
3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính
2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp
nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ
1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến
6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến
9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến
15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt
động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03
năm.
Điều 196.
Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình
khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh,
chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục
mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm
bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt
tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03
năm:
a) Hàng hóa trị giá từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ
1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá
3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính
1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến
1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ
1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến
9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân
thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm
kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ
01 năm đến 03 năm.
Điều 197.
Tội quảng cáo gian dối
1. Người nào quảng cáo gian dối
về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị
kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ
10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03
năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc
nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 198.
Tội lừa dối khách hàng
1. Người nào trong việc mua,
bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch
vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì
bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ
5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000
đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công
việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 199.
Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện
1. Người nào có trách nhiệm mà
thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức
khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, gây thương tích
hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ
thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi
phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án
tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Cắt điện không có căn cứ hoặc
không thông báo theo quy định;
b) Từ chối cung cấp điện không
có căn cứ;
c) Trì hoãn việc xử lý sự cố điện
không có lý do chính đáng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây
tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của
những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người
61% trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn
thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mục 2. CÁC
TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC THUẾ, TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG, CHỨNG KHOÁN, BẢO HIỂM
Điều 200.
Tội trốn thuế
1. Người
nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ
100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử
phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc
về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194,
195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304,
305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền
từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế;
không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định
của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế
toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán
hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh
toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ
không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát
sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được
miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế
được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu
không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được
hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng
hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa
đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai
sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để
nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối
tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà
không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền
trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền
1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến
4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp
nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện
hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành
vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì
bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000
đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt
động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03
năm.
Điều 201.
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch
dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao
nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến
dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc
đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền
từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03
năm.
2. Phạm tội
thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ
200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 202.
Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả
1. Người nào làm, buôn bán các
loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ
30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tem giả, vé giả không có mệnh
giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị;
b) Tem giả, vé giả có mệnh giá
có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm;
d) Thu lợi bất chính từ 30.000.000
đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Tem giả, vé giả không có mệnh
giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên;
d) Tem giả, vé giả có mệnh giá
có tổng trị giá 200.000.000 đồng trở lên;
đ) Thu lợi bất chính
100.000.000 đồng trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 203.
Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
1. Người nào in, phát hành, mua
bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số
đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số
hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt
tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến
03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến
500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng
phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;
đ) Thu lợi bất chính
100.000.000 đồng trở lên;
e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà
nước 100.000.000 đồng trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến
500.000.000 đồng;
b) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ
500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động
vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 204.
Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách
nhà nước
1. Người nào có trách nhiệm bảo
quản, quản lý hóa đơn, chứng từ mà vi phạm quy định của Nhà nước về bảo quản,
quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gây thiệt hại cho ngân
sách Nhà nước hoặc cho người khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng,
thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng
trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 205.
Tội lập quỹ trái phép
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn lập quỹ trái quy định của pháp luật và đã sử dụng quỹ đó gây thiệt hại
cho tài sản của Nhà nước từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị
xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng
đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để
trốn tránh việc kiểm soát;
b) Để thực hiện hành vi vi phạm
pháp luật khác;
c) Gây thiệt hại cho tài sản của
Nhà nước từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho
tài sản của Nhà nước từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến
10 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm,
có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 206. Tội vi phạm quy định trong hoạt
động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
1. Người
nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà
cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng
đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cấp tín dụng cho những trường
hợp không được cấp tín dụng trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín
dụng;
b) Cấp tín dụng không có bảo đảm
hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được cấp tín dụng
theo quy định của pháp luật;
c) Vi phạm các hạn chế để bảo đảm
an toàn cho hoạt động tín dụng theo quy định của Luật
các tổ chức tín dụng hoặc cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm
định giá để cấp tín dụng;
d) Vi phạm quy định của pháp luật
về tổng mức dư nợ tín dụng đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;
đ) Cấp tín dụng vượt giới hạn
so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp
có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
e) Vi phạm quy định của pháp luật
về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng hoặc mua bán
tài sản;
g) Phát hành, cung ứng, sử dụng
các phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương
tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả; tiến
hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
2. Phạm tội gây thiệt hại về
tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03
năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại về
tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07
năm đến 12 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về
tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 207.
Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
1. Người nào làm, tàng trữ, vận
chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền
giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt
tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền
giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến
20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03
năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc
toàn bộ tài sản.
Điều 208.
Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy
tờ có giá giả khác
1. Người nào làm, tàng trữ, vận
chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác,
thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp
công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng
từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10
năm.
3. Phạm tội trong trường hợp
công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng
từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15
năm.
4. Phạm tội trong trường hợp
công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng
từ 300.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc
toàn bộ tài sản.
Điều 209.
Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng
khoán
1. Người nào cố ý công bố thông
tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch,
hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức
thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau đây,
thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không
giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư
từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Đã bị xử
phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu
thông tin trong hoạt động chứng khoán mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính
1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư
3.000.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến
2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng;
c) Pháp
nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực
nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 210.
Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán
1. Người nào biết được thông
tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu
được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán
của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua bán
chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông
tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán
trên cơ sở thông tin này, thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới
1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 500.000.000 đồng đến dưới
1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính
1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư
1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến
10.000.000.000 đồng;
c) Pháp
nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực
nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 211.
Tội thao túng thị trường chứng khoán
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới
1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến
dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000
đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng một hoặc nhiều tài
khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục
mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu
giả tạo;
b) Thông đồng với người khác đặt
lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong
cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền
sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo
giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
c) Liên tục mua hoặc bán chứng
khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm
mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới
cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác
liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán
gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán,
thao túng giá chứng khoán;
đ) Đưa ra ý kiến một cách trực
tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng
khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng
khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch
và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán
đó;
e) Sử dụng các phương thức hoặc
thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng
khoán.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính
1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư
3.000.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến
10.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động
vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 212.
Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán
1. Người nào làm giả tài liệu
trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán
thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng hoặc gây
thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì
bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính
2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư
3.000.000.000 đồng trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 213.
Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
1. Người
nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ
20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng
đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000
đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Thông đồng với người thụ hưởng
quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái
pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm
sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm
đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm
sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản,
sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định
khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm
từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm
500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 1.000.000.000
đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp
nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, với số tiền chiếm đoạt từ 200.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới
2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này, với số tiền chiếm
đoạt từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ
2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ
1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội với số tiền chiếm
đoạt 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên,
thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm
huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 214.
Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng
đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc
phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch
nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo
hiểm xã hội;
b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã
bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ
chức;
b) Có
tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây
thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng
thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng
trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 215.
Tội gian lận bảo hiểm y tế
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến
dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc
phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn
thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ
thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
b) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm
y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ
đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa
bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế
từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000
đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế
500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng
trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 216.
Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người
lao động
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối
hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ
06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm
hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến
200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03
tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ
50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10
người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến
500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ
300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50
người đến dưới 200 người;
d) Không
đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại
điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm
1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200
người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm
đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản
2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến
500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến
1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng.
Mục 3. CÁC
TỘI PHẠM KHÁC XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
Điều 217.
Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
1. Người
nào trực tiếp tham gia hoặc thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cạnh
tranh thuộc một trong các trường hợp sau đây, thu lợi bất chính từ 500.000.000
đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ
1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000
đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt
tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm
không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
b) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị
trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;
c) Thỏa thuận hạn chế cạnh
tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên
quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng
hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường
tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, nguồn cung dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc
kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận
hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho
doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc
doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của
hợp đồng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng
đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
c) Lạm dụng vị trí thống lĩnh
thị trường hoặc vị trí độc quyền thị trường;
d) Thu lợi bất chính
5.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại cho người khác
3.000.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp
nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng,
cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn
từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 218.
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới
300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt
cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập danh sách khống về người
đăng ký mua tài sản bán đấu giá;
b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả
tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;
c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng
giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính
200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho người khác
300.000.000 đồng trở lên;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 219.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
1. Người
nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng
tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng
hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi
phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến
05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
d) Gây thiệt
hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây
thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến
20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch
thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 220.
Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm
trọng
1. Người
nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây
thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng
nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường
hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt
tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm quy định về quyết định
chủ trương đầu tư;
b) Vi phạm quy định về lập, thẩm
định chủ trương đầu tư;
c) Vi phạm quy định về quyết định
đầu tư chương trình, dự án;
d) Vi phạm quy định về tư vấn,
thiết kế chương trình, dự án.
2. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000
đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch
thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 221.
Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người
nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây
thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng
nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Giả mạo, khai man, thỏa thuận
hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán;
b) Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc
người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;
c) Để ngoài sổ kế toán tài sản
của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán;
d) Hủy bỏ
hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ quy định của Luật kế toán;
đ) Lập hai hệ thống sổ kế toán
tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn
vị kế toán.
2. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại
1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch
thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 222.
Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người
nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng
đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật
về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào
hoạt động đấu thầu;
b) Thông thầu;
c) Gian lận trong đấu thầu;
d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật
về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;
e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu
khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
g) Chuyển nhượng thầu trái
phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại
1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch
thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 223.
Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm thất thoát tiền thuế phải nộp từ 100.000.000 đồng đến
dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về
hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Thực hiện việc miễn thuế, giảm
thuế, xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt, hoàn thuế không đúng quy định của Luật quản lý thuế và các quy định khác của pháp
luật về thuế;
b) Xác nhận
việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế không đúng quy định Luật quản lý thuế và
quy định khác của pháp luật về thuế.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
d) Làm thất thoát tiền thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới
1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát tiền thuế từ 1.000.000.000
đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch
thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 224.
Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ
100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã
bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam
giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Quyết định đầu tư xây dựng
không đúng quy định của Luật xây dựng;
b) Lập, thẩm định, phê duyệt
thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của
Nhà nước trái với quy định của Luật xây dựng;
c) Lựa chọn nhà thầu không đủ
điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng;
d) Dàn xếp, thông đồng làm sai
lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công
trình.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại
1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch
thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 225.
Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
1. Người
nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện
một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được
bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000
đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng
đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi
âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản
sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính
300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ thể
quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá
500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp
nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000
đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến
03 năm.
Điều 226.
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
1. Người nào
cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý
đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới
300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa
lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá
từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng
đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính
300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu
nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá
500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp
nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000
đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến
03 năm.
Điều 227. Tội vi phạm các quy định về
nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
1. Người
nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài
nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế,
thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với
nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000
đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên
cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới
500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng
đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên
cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Gây sự cố môi trường;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn
thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
e) Làm chết người.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp
nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này,
chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến
7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến
03 năm.
Điều 228.
Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai
1. Người nào lấn chiếm đất,
chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về
quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc
đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền
từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 229.
Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm
dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng,
cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích từ
5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất
rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2)
đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông
nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét
vuông (m2);
b) Đất có giá trị quyền dụng đất
được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất
nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất
phi nông nghiệp;
c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành
vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đất trồng lúa có diện tích từ
30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất
rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2)
đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi
nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000
mét vuông (m2);
c) Đất có giá trị quyền dụng đất
được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất
nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất
phi nông nghiệp;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích
70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng
sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp
khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở
lên;
b) Đất có giá trị quyền sử dụng
đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc
15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 230.
Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã
bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam
giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm quy định của pháp luật
về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư;
b) Vi phạm quy định của pháp luật
về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.
2. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá
nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại
1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch
thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 231.
Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ gây thiệt
hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ từ
100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ
50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ 300.000.000 đồng trở
lên;
d) Gây ảnh hưởng xấu về an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 232. Tội vi phạm các quy định về
khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
1. Người nào
thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại
Điều 243 của Bộ luật này, thì bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ
đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản
xuất với khối lượng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3)
gỗ loài thực vật thông thường; từ 12,5 mét khối (m3) đến dưới 25 mét
khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng
phòng hộ với khối lượng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3)
gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét
khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng đặc
dụng với khối lượng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3)
gỗ loài thực vật thông thường; từ 5 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối
(m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; thực vật
thuộc Nhóm IIA trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Khai thác trái phép thực vật
rừng ngoài gỗ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Khai thác thực vật thuộc
loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm
IA trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng hoặc từ 01 mét khối (m3)
đến dưới 02 mét khối (m3) gỗ tại rừng sản xuất hoặc từ 0,5 mét khối
(m3) đến dưới 1,5 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ
0,5 mét khối (m3) đến dưới 01 mét khối (m3) gỗ tại rừng đặc
dụng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến,
mua bán trái phép từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3)
đối với gỗ loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài
của loài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc
tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp,
quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét
khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có
nguồn gốc từ nước ngoài của loài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực
vật hoang dã, nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối
(m3) gỗ loài thực vật thông thường;
g) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến,
mua bán trái phép các loài thực vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến
dưới 600.000.000 đồng;
h) Vật phạm pháp có khối lượng
hoặc giá trị dưới mức thấp nhất quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ
hoặc e của khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc
đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến
1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản
xuất với khối lượng từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3)
gỗ loài thực vật thông thường; từ 25 mét khối (m3) đến dưới 50 mét
khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng
phòng hộ với khối lượng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3)
gỗ loài thực vật thông thường; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét
khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng đặc
dụng với khối lượng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3)
gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét
khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép thực vật
rừng ngoài gỗ trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến,
mua bán trái phép từ 03 mét khối (m3) đến dưới 06 mét khối (m3)
đối với gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước
ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục I Công ước
về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc
Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từ 20 mét khối (m3)
đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm
IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực
vật hoang dã, nguy cấp; từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối
(m3) gỗ của loài thực vật thông thường;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến,
mua bán trái pháp luật các loài thực vật hoang dã khác trị giá từ 600.000.000 đồng
đến dưới 1.200.000.000 đồng;
g) Phạm tội qua biên giới hoặc
từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại;
h) Phạm tội có tổ chức;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị tù từ 05 năm đến 10 năm.
a) Khai thác trái phép tại rừng
sản xuất 80 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 50
mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép tại rừng
phòng hộ 60 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 40
mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép tại rừng
đặc dụng 60 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 20
mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép thực vật
rừng khác trị giá 400.000.000 đồng trở lên;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến,
mua bán trái phép 06 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp,
quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ
lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động
vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được
ưu tiên bảo vệ; 40 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp,
quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ
lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động
vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; 80 mét khối (m3) trở lên gỗ
loài thực vật thông thường;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến,
mua bán trái pháp luật các loài thực vật hoang dã khác trị giá 1.200.000.000 đồng
trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính
về hành vi này mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều
này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ
1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ
06 tháng đến 03 năm;
c) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ
3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ
06 tháng đến 03 năm;
d) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến
03 năm.
Điều 233.
Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm
dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Giao rừng, đất trồng rừng,
thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 20.000 mét vuông (m2)
đến dưới 25.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 15.000 mét
vuông (m2) đến dưới 20.000 mét vuông (m2) đối với rừng
phòng hộ hoặc từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 15.000 mét vuông (m2)
đối với rừng đặc dụng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều
229 của Bộ luật này;
b) Cho phép chuyển mục đích sử
dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 10.000 mét vuông (m2) đến
dưới 12.500 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 7.500 mét vuông
(m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ
hoặc từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.500 mét vuông (m2)
đối với rừng đặc dụng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều
229 của Bộ luật này;
c) Cho phép khai thác, vận chuyển
lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 232 của Bộ luật này;
d) Đã bị xử lý kỷ luật về hành
vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Giao rừng, đất trồng rừng,
thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 25.000 mét vuông (m2)
đến dưới 40.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 20.000 mét
vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2) đối với rừng
phòng hộ hoặc từ 15.000 mét vuông (m2) đến dưới 25.000 mét vuông (m2)
đối với rừng đặc dụng;
d) Cho phép chuyển mục đích sử
dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 12.500 mét vuông (m2) đến
dưới 17.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 10.000 mét vuông
(m2) đến 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc
từ 7.500 mét vuông (m2) đến 12.000 mét vuông (m2) đối với
rừng đặc dụng;
đ) Cho phép khai thác, vận chuyển
lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 232 của Bộ luật này.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Giao rừng, đất trồng rừng,
thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 40.000 mét vuông (m2)
trở lên đối với rừng sản xuất; từ 30.000 mét vuông (m2) trở lên đối
với rừng phòng hộ hoặc từ 25.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng
đặc dụng;
b) Cho phép chuyển mục đích sử
dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 17.000 mét vuông (m2) trở
lên đối với rừng sản xuất; từ 15.000 mét vuông (m2) trở lên đối với
rừng phòng hộ hoặc từ 12.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng đặc
dụng.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ nhất
định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 234. Tội vi phạm quy định về quản
lý, bảo vệ động vật hoang dã
1. Người
nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định
tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận
chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ
lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các
loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến
dưới 1.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tàng trữ,
vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể
hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm
Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về
buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ
300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã thông
thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Phạm tội trong trường hợp động
vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật có giá
trị dưới mức quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng đã
bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này,
chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến
1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng
chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng
công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt
trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn
bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng động vật nguy cấp,
quý hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công
ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có
giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; động vật hoang dã
thông thường hoặc bộ phận, sản phẩm của các động vật đó
trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Thu lợi bất chính từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Số lượng động vật nguy cấp,
quý hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công
ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hoặc
bộ phận, sản phẩm của các động vật đó trị giá
2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến
1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ
1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến
6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến
03 năm.
Chương
XIX
CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
Điều 235.
Tội gây ô nhiễm môi trường
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến
1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi
trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo
quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về
các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000
kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;
b) Xả thải ra môi trường từ
5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày
nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất
thải từ 10 lần trở lên;
c) Xả nước thải ra môi trường
có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần
đến dưới 04 lần;
d) Xả ra môi trường từ 5.000
mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước
thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
đ) Thải ra môi trường từ
300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ
bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi
trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000
kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;
g) Chất thải có chứa chất phóng
xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung
bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại
nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
h) Phát tán ra môi trường bức xạ,
phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02
lần đến dưới 04 lần.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi
trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo
quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về
các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật 5.000 kilôgam
trở lên;
b) Xả thải ra môi trường 10.000
mét khối (m3)/ngày trở lên nước thải có các thông số môi trường nguy
hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
c) Xả nước thải ra môi trường
có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật 04 lần trở
lên;
d) Xả ra môi trường 10.000 mét
khối (m3)/ngày nước thải trở lên có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ
12,5 đến 14;
đ) Thải ra môi trường 500.000
mét khối (m3)/giờ trở lên bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật
về chất thải từ 10 lần trở lên;
e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi
trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật 500.000 kilôgam
trở lên;
g) Chất thải có chứa chất phóng
xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên
trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và
phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
h) Phát tán ra môi trường bức xạ,
phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định 04 lần
trở lên.
3. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc
đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền
từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi
trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo
quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về
các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 1.000
kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam;
b) Chuyển giao, cho, mua, bán
chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy thuộc danh mục cấm sử dụng
trái quy định của pháp luật từ 2.000 kilôgam trở lên;
c) Xả thải ra môi trường từ
1.000 mét khối (m3)/ngày đến 10.000 mét khối (m3)/ngày nước
thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải
từ 05 lần đến dưới 10 lần;
d) Xả nước thải ra môi trường
có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép
hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần;
đ) Xả ra môi trường từ 1.000
mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước
thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
e) Thải ra môi trường từ
150.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3)/giờ
bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi
trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 100.000
kilôgam đến 200.000 kilôgam;
h) Chất thải có chứa chất phóng
xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới
trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và
phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
i) Phát tán ra môi trường bức xạ,
phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01
lần đến dưới 02 lần.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đến
10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 236.
Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại
1. Người nào có thẩm quyền mà
cho phép chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật chất thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại
trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước
Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kilôgam đến dưới
5.000 kilôgam; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc
nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn
cho phép, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chất thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại
trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước
Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 5.000 kilôgam đến dưới
10.000 kilôgam; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc
nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn
phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
b) Có tổ chức;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc trường hợp chất
thải nguy hại thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó
phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ
khó phân hủy 10.000 kilôgam trở lên; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm
xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình
theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ -
phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép, thì bị phạt tù từ
05 năm đến 10 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 237.
Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
1. Người
nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng
đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm:
a) Vi phạm quy định về phòng ngừa
sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;
b) Vi phạm quy định về ứng phó,
khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên hoặc
gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến
2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thiệt hại từ
3.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản
7.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ
5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 238.
Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng,
chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông
1. Người
nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên hoặc gây
thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ
50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Xây nhà, công trình trái
phép trong phạm vi bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống
thiên tai;
b) Hủy hoại hoặc làm hư hỏng
công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai
thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và
khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 303 của Bộ luật này;
c) Khoan, đào thăm dò, khảo
sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản,
nước dưới đất trái phép;
d) Sử dụng chất nổ, gây nổ, gây
cháy trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai;
công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước,
công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, trừ trường
hợp có giấy phép hoặc trường hợp khẩn cấp do luật định;
đ) Vận hành hồ chứa nước, liên
hồ chứa nước, công trình phân lũ, làm chậm lũ không đúng với quy trình, quy chuẩn
kỹ thuật cho phép, trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo sự chỉ đạo của người
có thẩm quyền.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến
2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm chết người;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thiệt hại 1.000.000.000
đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công
việc nhất định từ 02 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến
1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ
3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 239.
Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
1. Người
nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng
đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ
06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa chất thải nguy hại hoặc
chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm từ 1.000 kilôgam đến 3.000
kilôgam vào lãnh thổ Việt Nam;
b) Đưa chất thải khác từ 70.000
kilôgam đến dưới 170.000 kilôgam vào lãnh thổ Việt Nam.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng
đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Chất thải nguy hại hoặc chất
hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm có khối lượng từ 3.000
kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;
c) Chất thải khác có khối lượng
từ 170.000 kilôgam đến dưới 300.000 kilôgam.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chất thải nguy hại hoặc chất
hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm có khối lượng 5.000 kilôgam
trở lên;
b) Chất thải khác có khối lượng
300.000 kilôgam trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ
3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc tạm đình chỉ hoạt động từ 06
tháng đến 01 năm;
c) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ
5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn
từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 240.
Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người,
thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01
năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra
khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật
phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp
pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa
vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị
nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch
bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch
thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch
thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 241.
Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật
1. Người
nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm
cho động vật, thực vật gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến
500.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành
vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ
06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa vào, mang ra hoặc cho
phép đưa vào, mang ra khỏi vùng có dịch động vật, thực vật, sản phẩm động vật,
thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh, trừ trường hợp
pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa
vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc diện
kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch
bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
a) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Dẫn đến phải công bố dịch
thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản
1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Dẫn đến phải công bố dịch
thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 242.
Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản
1. Người nào
vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp
sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới
500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành
vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì
bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam
giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ,
các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác
thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
b) Khai thác thủy sản trong khu
vực cấm, khu vực cấm có thời hạn theo quy định của pháp luật;
c) Khai thác các loài thủy sản
bị cấm khai thác theo quy định của pháp luật;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của các
loài thủy sản thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 61%;
e) Vi phạm các quy định khác về
bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến
1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy
sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị
giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn
thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy
sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng
trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến
1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động
vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 243.
Tội hủy hoại rừng
1. Người
nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong
các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc
rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ trên
30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
b) Rừng sản xuất có diện tích từ
trên 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ
trên 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ
trên 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị
giá từ trên 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng
tự nhiên; từ trên 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng đối với rừng sản xuất
là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại
không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại
rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu
khu;
e) Diện tích rừng hoặc giá trị
lâm sản, thực vật dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d và đ khoản
1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc
đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc
rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 50.000 mét
vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);
đ) Rừng sản xuất có diện tích từ
10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
e) Rừng phòng hộ có diện tích từ
7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
g) Rừng đặc dụng có diện tích từ
3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);
h) Gây thiệt hại về lâm sản trị
giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng
tự nhiên; từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng đối với rừng sản xuất
là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại
không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại
rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu
khu;
i) Thực vật thuộc loài nguy cấp,
quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá từ
trên 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá
từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc
rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích 100.000 mét
vuông (m2) trở lên;
b) Rừng sản xuất có diện tích
50.000 mét vuông (m2) trở lên; c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000
mét vuông (m2) trở lên; d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét
vuông (m2) trở lên;
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị
giá 120.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên;
200.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi
tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng
bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán,
rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
e) Thực vật thuộc loài nguy cấp,
quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá
100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở
lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến
2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ
2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến
7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể
bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt
động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03
năm.
Điều 244. Tội vi phạm quy định về quản
lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
1. Người
nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp,
quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc
thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán
quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền
từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05
năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận
chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được
ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ,
vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể
hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản
này; ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có
khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận
chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục
I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động
vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản
này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến
10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác;
d) Tàng trữ,
vận chuyển, buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể
không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú, của 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 đến 15 cá
thể động vật các lớp khác thuộc loài động vật quy định
tại điểm c khoản này;
đ) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận
chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận
chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời
sự sống cùng loại của các động vật có số lượng dưới mức tối thiểu của các
điểm b, c và d khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án
tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng
chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c)
Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt
trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn
bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng
động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng
bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của
từ 07 đến 10 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, lớp bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể lớp khác thuộc danh mục
loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
g) Số lượng động vật nguy cấp,
quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ
phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 đến 11 cá thể thuộc lớp thú, từ 11 đến 15 cá
thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 đến 20 cá thể động vật thuộc các lớp khác;
h) Từ 01 đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể
không thể tách rời sự sống cùng loại; từ 03 đến 05 cá
thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống
cùng loại; ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê
giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật thuộc danh
mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ
08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể
lớp chim, lớp bò sát trở lên hoặc 16 cá thể lớp khác trở lên thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm
được ưu tiên bảo vệ;
b) Số lượng động vật nguy cấp,
quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ
phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của 12 cá
thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở
lên hoặc 21 cá thể động vật trở lên
thuộc các lớp khác;
c) Từ 03
cá thể voi, tê giác hoặc
bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; 06 cá
thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; ngà voi có khối lượng
90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội
thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ
5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến
15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt
động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03
năm.
Điều 245.
Tội vi phạm các quy định
về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên
1. Người nào vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên thuộc một
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến
300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại đến cảnh quan,
hệ sinh thái tự nhiên trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên
nhiên có tổng diện tích từ 300 mét vuông (m2) đến dưới 500 mét vuông
(m2);
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội
này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản
200.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại đến cảnh quan,
hệ sinh thái tự nhiên trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt
của khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích từ 500 mét
vuông (m2) trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Sử dụng công cụ, phương tiện,
biện pháp bị cấm;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến
1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt
động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03
năm.
Điều 246.
Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến
1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01
năm đến 05 năm:
a) Nhập khẩu trái phép loài động
vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy
cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng đến dưới
500.000.000 đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng
nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Phát tán loài động vật, thực
vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại,
gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Nhập khẩu trái phép loài động
vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy
cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phát tán loài động vật, thực
vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại,
gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội
quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến
3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến
5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có
thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm
hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến
03 năm.
Chương
XX
CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY
Điều 247.
Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác
có chứa chất ma túy
1. Người
nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa
chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng
đến 03 năm:
a) Đã được giáo dục 02 lần và
đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm;
c) Với số lượng từ 500 cây đến
dưới 3.000 cây.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Với số lượng 3.000 cây trở
lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Người nào phạm tội thuộc khoản
1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm
quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Điều 248.
Tội sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất trái phép
chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất
ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc
tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có
02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 249.
Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người
nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển,
sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các
chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi
vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc
tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 250.
Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người
nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán,
tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
2. Phạm tội
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi
vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ,
thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca khối lượng từ 10 kilôgam đến
dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc
tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 251.
Tội mua bán trái phép chất ma túy
1. Người nào mua bán trái phép
chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở
lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào
việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ,
thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến
dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái
phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc
tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 252.
Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người
nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường
hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
2. Phạm tội
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi
vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù
chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần
sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain,
Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả
cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối
lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối
lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn
có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng
có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02
chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng
chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 253.
Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản
xuất trái phép chất ma túy
1. Người
nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản
xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt
tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ
50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 300 mililít đối
với thể lỏng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối
lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 300
mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi
vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên
giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1200 gam đối với thể
rắn, từ 750 mililít đến dưới 1.850 mililít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ
13 năm đến 20 năm.
4. Phạm tội
trong trường hợp tiền chất có khối lượng 1.200 gam trở lên đối với thể rắn,
1.850 mililít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung
thân.
5. Trường
hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì quy đổi để
làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn
tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền
chất thuộc điều khoản nào thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo điều khoản đó.
6. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 254.
Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào
việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất, tàng trữ,
vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng
trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ
01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm;
b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến
19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan,
tổ chức;
đ) Vận chuyển
với số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở
lên;
e) Vận chuyển
qua biên giới;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi
vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 255.
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào tổ chức sử dụng
trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến
07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với
02 người trở lên;
c) Đối với người từ đủ 13 tuổi
đến dưới 18 tuổi;
d) Đối với phụ nữ mà biết là có
thai;
đ) Đối với người đang cai nghiện;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của
người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây bệnh nguy hiểm cho người
khác;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của
người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho
02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02
người trở lên;
d) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ
01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 256.
Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào cho thuê, cho mượn
địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất
ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ
luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với người dưới 16 tuổi;
d) Đối với 02 người trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc
toàn bộ tài sản.
Điều 257.
Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa
dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ
phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02
năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư
lợi;
d) Đối với người từ đủ 13 tuổi
đến dưới 18 tuổi;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là có
thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khỏe của
người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người
khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của
người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02
người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp
làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 258.
Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi
giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất
ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư
lợi;
d) Đối với người từ đủ 13 tuổi
đến dưới 18 tuổi;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là có
thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khỏe của
người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người
khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của
người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02
người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp
gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung
thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 259. Tội vi phạm quy định về quản
lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần
1. Người
nào có trách nhiệm trong việc sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán,
phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt
Nam, kê đơn, bán thuốc, giám định, nghiên cứu chất ma túy, tiền chất, thuốc gây
nghiện, thuốc hướng thần mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử
lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã
bị kết án về một trong các tội phạm về ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi
phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt tù
từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm các quy định về xuất
khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh các chất có chứa chất ma túy, thuốc
gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất;
b) Vi phạm các quy định về
nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất;
c) Vi phạm các quy định về giao
nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, tiền chất;
d) Vi phạm các quy định về phân
phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, tiền chất;
đ) Vi phạm các quy định về quản
lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới,
trên biển;
e) Chuyển chất ma túy, chất hướng
thần hoặc chất ma túy khác cho người không được phép cất giữ, sử dụng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chương
XXI
CÁC TỘI XÂM PHẠM AN
TOÀN CÔNG CỘNG, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
Mục 1. CÁC
TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN GIAO THÔNG
Điều 260.
Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao
thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm
đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không
có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong
tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá
mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà
pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để
trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của
người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người
tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ
gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương
cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02
người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến
60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm.
5. Vi phạm quy định về an toàn
giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho
tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời,
thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không
giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 261.
Tội cản trở giao thông đường bộ
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san
lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu,
phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật
khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch,
che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải
phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt
trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè
phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi
phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ thuộc một
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại các đèo, dốc, đường cao
tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người
61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người đào, khoan, xẻ, san lấp
trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế
thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác
gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch,
che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải
phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt
trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè
phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi
phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02
người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến
60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có
khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài
sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ
5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
Điều 262.
Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên
dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông
1. Người nào chịu trách nhiệm
trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử
dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm
tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt từ từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chịu trách nhiệm trực
tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng
phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu
chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông gây thương tích hoặc gây tổn hại cho
sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn
thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03
năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 263.
Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao
thông đường bộ
1. Người có thẩm quyền mà biết
rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển
phương tiện, người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc
hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc
các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương
tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ
đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người có thẩm quyền mà biết
rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển
phương tiện, người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc
hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc
các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương
tiện tham gia giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe
của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của
những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 264.
Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao
thông đường bộ
1. Người chủ sở hữu, quản lý
phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép
lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc
hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc
các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của
pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong
các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chủ sở hữu, quản lý
phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép
lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc
hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc
các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của
pháp luật gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ
tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức
khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ
31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt
cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Điều 265.
Tội tổ chức đua xe trái phép
1. Người nào tổ chức trái phép
việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền
từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đến 500.000.000 đồng hoặc
phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Tổ chức đua xe trái phép cho
từ 10 xe tham gia trở lên hoặc cùng một lúc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên;
b) Tổ chức cá cược;
c) Tổ chức việc chống lại người
có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải
tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tổ chức đua xe nơi tập trung
đông dân cư;
đ) Tháo dỡ các thiết bị an toàn
khỏi phương tiện đua;
e) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội
đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người tổ chức trái phép việc
đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thương tích hoặc tổn
hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc
gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ
tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 01 năm
đến 06 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 266.
Tội đua xe trái phép
1. Người nào đua trái phép xe ô
tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thuộc một trong những trường hợp
sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 31% đến 60%;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc
phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để
trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
e) Tham gia cá cược;
g) Chống lại người có trách nhiệm
bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua
xe trái phép;
h) Đua xe nơi tập trung đông
dân cư;
i) Tháo dỡ các thiết bị an toàn
khỏi phương tiện đua;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 267.
Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt
1. Người nào chỉ huy, điều khiển
phương tiện giao thông đường sắt mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường
sắt thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng
đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01
năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép, bằng hoặc
chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao;
b) Trong tình trạng sử dụng rượu,
bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng
chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để
trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của
người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn
giao thông đường sắt;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Phạm tội trong trường hợp có
khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe
hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền
từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm
hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người chỉ huy, điều khiển
phương tiện giao thông đường sắt mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường
sắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn
thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe
của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31%
đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 268.
Tội cản trở giao thông đường sắt
1. Người nào đặt chướng ngại vật
trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; tự ý khoan, đào, xẻ trái phép nền đường
sắt, mở đường ngang, xây cống hoặc các công trình khác trái phép qua đường sắt;
làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của
công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không theo đúng
quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa
trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt
hoặc phá hoại phương tiện giao thông vận tải đường sắt hoặc lấn chiếm hành lang
an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt cản
trở giao thông đường sắt, gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây,
thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người đặt chướng ngại vật
trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; tự ý khoan, đào, xẻ trái phép nền đường
sắt, mở đường ngang, xây cống hoặc các công trình khác trái phép qua đường sắt;
làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của
công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không theo đúng
quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa
trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt
hoặc phá hoại phương tiện giao thông vận tải đường sắt hoặc lấn chiếm hành lang
an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt cản
trở giao thông đường sắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01
người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây
tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của
những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03
tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có
khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe
hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền
từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm
hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 269.
Tội đưa vào sử dụng các phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt không bảo đảm
an toàn
1. Người nào chịu trách nhiệm
trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao
thông đường sắt mà cho phép đưa vào sử dụng các phương tiện, thiết bị không có
giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm hoặc có nhưng biết là các phương tiện, thiết
bị đó không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn gây thiệt hại thuộc một trong
các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm,
thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chịu trách nhiệm trực
tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông
đường sắt mà cho phép đưa vào sử dụng các phương tiện, thiết bị không có giấy
chứng nhận đăng ký, đăng kiểm hoặc có nhưng biết là các phương tiện, thiết bị
đó không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn
thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc
phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 270.
Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường
sắt
1. Người nào điều động hoặc
giao cho người không có giấy phép lái tàu, hoặc người đang trong tình trạng có
sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định
hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ
các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao
thông đường sắt gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị
xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng
đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01
năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người điều động hoặc giao
cho người không có giấy phép lái tàu hoặc người không đủ sức khỏe; người đang
trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn
vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh
khác điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn
thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật về
hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000
đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02
năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 271.
Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường
sắt
1. Người nào giao cho người
không có giấy phép lái tàu hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu,
bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng
chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác
theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt
hại thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi
này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này là 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người giao cho người không
có giấy phép lái tàu hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà
trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất
ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo
quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ
31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở
lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã
bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000
đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 272.
Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy
1. Người nào điều khiển phương
tiện giao thông đường thủy mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy, gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có bằng, chứng chỉ
chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng
rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc
có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để
trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của
người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn
giao thông đường thủy;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Phạm tội trong trường hợp có
khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe
hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền
từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người điều khiển phương tiện
giao thông đường thủy mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02
người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến
60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 273.
Tội cản trở giao thông đường thủy
1. Người nào khoan, đào trái
phép làm hư hại kết cấu của các công trình giao thông đường thủy; tạo ra chướng
ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu; di
chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu; tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại
công trình giao thông đường thủy; lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng
giao thông đường thủy hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường thủy gây thiệt
hại thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng
đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01
năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người khoan, đào trái phép
làm hư hại kết cấu của các công trình giao thông đường thủy; tạo ra chướng ngại
vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu; di chuyển
làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu; tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công
trình giao thông đường thủy; lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao
thông đường thủy hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường thủy gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ
31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở
lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến
02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có
khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe
hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền
từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm
hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 274.
Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn
1. Người nào chịu trách nhiệm
trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao
thông đường thủy mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy
rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau
đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã
bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ
30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chịu trách nhiệm trực
tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông
đường thủy mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ
ràng không bảo đảm an toàn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01
người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây
tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của
những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 275.
Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường
thủy
1. Người nào điều động người
không có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc
không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy gây
thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử
phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được
xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000
đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người điều động người không
có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc
không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy
gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương
cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02
người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến
60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã
bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ
30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 276.
Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường
thủy
1. Người nào giao cho người
không có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc
không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện
giao thông đường thủy gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc
đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết
án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ
30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người giao cho người không
có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc
không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện
giao thông đường thủy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người
với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người
này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành
vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì
bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 277.
Tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay
1. Người nào chỉ huy, điều khiển
tàu bay mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không, có khả năng
thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của
người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng
đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01
năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 278.
Tội cản trở giao thông đường không
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, cản trở giao thông đường không làm chết 01 người hoặc
gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương
cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02
người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% hoặc gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn
thương cơ thể của những người này từ 62% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản
từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đặt các chướng ngại vật cản
trở giao thông đường không;
b) Di chuyển trái phép, làm sai
lệch, che khuất, hoặc phá hủy các biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường
không;
c) Sử dụng sai hoặc làm nhiễu
các tần số thông tin liên lạc;
d) Cố ý cung cấp thông tin sai
đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất, an toàn của
hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay
và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;
đ) Làm hư hỏng trang thiết bị của
sân bay hoặc trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay;
e) Hành vi khác cản trở giao
thông đường không.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này là 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
e) Là người có trách nhiệm trực
tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không hoặc trực tiếp quản lý các thiết bị
an toàn giao thông đường không.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người đặt các chướng ngại vật
cản trở giao thông đường không; di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất,
hoặc phá hủy các biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không; sử dụng
sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc; cố ý cung cấp thông tin sai đến
mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của
hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay
và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; làm hư hỏng trang thiết
bị của sân bay hoặc trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay hoặc
hành vi khác cản trở giao thông đường không gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn
thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử
phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được
xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000
đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03
năm.
5. Phạm tội có khả năng thực tế
dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người
khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến
50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội
còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 279.
Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường không không bảo đảm an toàn
1. Người nào có trách nhiệm trực
tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao
thông đường không mà cho đưa vào sử dụng các phương tiện rõ ràng không bảo đảm
an toàn kỹ thuật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người có trách nhiệm trực tiếp
về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông đường
không mà cho đưa vào sử dụng các phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn kỹ
thuật, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn
thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe
của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31%
đến 60%, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 280.
Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện
giao thông đường không
1. Người nào điều động hoặc
giao cho người không có giấy phép người lái tàu bay hoặc không đủ các điều kiện
khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường không,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người điều động hoặc giao
cho người không có giấy phép người lái tàu bay hoặc không đủ các điều kiện khác
theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường không gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02
người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến
60%, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 281.
Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông
1. Người nào có trách nhiệm
trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường
sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ
31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở
lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị
phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam
giữ đến 03 năm:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện
không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông
không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình
liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông;
b) Không khắc phục kịp thời đối
với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện
không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc
tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp
hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;
d) Không thường xuyên kiểm tra
và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc
nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có
nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
đ) Không có biện pháp xử lý kịp
thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình
giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;
e) Không đặt hoặc đặt không đủ
các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông;
g) Không thu dọn, thanh thải
các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong;
h) Vi phạm khác về duy tu, bảo
dưỡng, quản lý công trình giao thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 282.
Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa
dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tàu bay hoặc tàu thủy, thì
bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tổ chức;
b) Sử dụng vũ khí hoặc phương
tiện nguy hiểm;
c) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể
61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
500.000.000 đồng trở lên.
4. Người
phạm tội còn bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 283.
Tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào điều khiển tàu bay
vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ
100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng
hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng
hoặc bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người điều khiển tàu bay vào
hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này gây thương tích hoặc gây
tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của
những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến
300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Điều 284.
Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người điều khiển tàu thủy
hay phương tiện hàng hải khác vào hoặc ra khỏi Việt Nam hoặc đi qua lãnh hải Việt
Nam mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn
thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử phạt vi phạm
hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại
Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ
50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03
năm:
a) Chạy quá tốc độ cho phép
trong vùng nước cảng biển;
b) Chạy không đúng vùng được
phép hoạt động theo quy định;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện
không đầy đủ các thủ tục vào cảng, rời cảng, chế độ hoa tiêu, thủ tục neo, đậu,
cập cầu, cập mạn, trật tự - vệ sinh, an toàn cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi
trường do phương tiện hàng hải gây ra;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện
không đúng quy định về đi, tránh nhau, vượt nhau, nhường đường trong hoạt động
giao thông hàng hải hoặc phương tiện giao thông hàng hải không có, không bảo đảm
về còi, chuông, kẻng theo âm lượng quy định;
đ) Không bảo đảm về đèn hành
trình, đèn hiệu theo tiêu chuẩn quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không
đúng về phát tín hiệu về âm hiệu, tín hiệu ánh sáng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc
phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
Mục 2. TỘI
PHẠM TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, MẠNG VIỄN THÔNG
Điều 285.
Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử
dụng vào mục đích trái pháp luật
1. Người nào sản xuất, mua bán,
trao đổi, tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính
năng tấn công mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện
tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng
đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03
tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ
50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản
1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 286.
Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng
viễn thông, phương tiện điện tử
1. Người nào cố ý phát tán
chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện
tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng
đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 50.000.000
đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Làm lây nhiễm từ 50 phương
tiện điện tử đến dưới 200 phương tiện điện tử hoặc hệ thống thông tin có từ 50
người sử dụng đến dưới 200 người sử dụng;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại từ 300.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
d) Làm lây nhiễm từ 200 phương
tiện điện tử đến dưới 500 phương tiện điện tử hoặc hệ thống thông tin có từ 200
người sử dụng đến dưới 500 người sử dụng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc
bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông
tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông
tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000
đồng trở lên;
đ) Làm lây nhiễm 500 phương tiện
điện tử trở lên hoặc hệ thống thông tin có từ 500 người sử dụng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 287.
Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông,
phương tiện điện tử
1. Người nào tự ý xóa, làm tổn
hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền
tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có
hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn
thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không
thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 của Bộ luật
này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù
từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 100.000.000
đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Làm tê liệt, gián đoạn,
ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ
30 phút đến dưới 24 giờ hoặc từ 03 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ;
d) Làm đình trệ hoạt động của
cơ quan, tổ chức từ 24 giờ đến dưới 72 giờ;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng
máy tính, mạng viễn thông;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Thu lợi bất chính từ
200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại từ 500.000.000
đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
e) Làm tê liệt, gián đoạn,
ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ
24 giờ đến dưới 168 giờ hoặc từ 10 lần đến dưới 50 lần trong thời gian 24 giờ;
g) Làm đình trệ hoạt động của
cơ quan, tổ chức từ 72 giờ đến dưới 168 giờ.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc
bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông
tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin, giao dịch tài chính, ngân hàng; hệ thống
thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính
1.000.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.500.000.000
đồng trở lên;
đ) Làm tê liệt, gián đoạn,
ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử 168
giờ trở lên hoặc 50 lần trở lên trong thời gian 24 giờ;
e) Làm đình trệ hoạt động của
cơ quan, tổ chức 168 giờ trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 288.
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt
tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến
03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng
viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một
trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho,
sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ
chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở
hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái
phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng
máy tính, mạng viễn thông;
c) Thu lợi bất chính
200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng
trở lên;
đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn
đến người bị xâm phạm tự sát;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
g) Dẫn đến biểu tình.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 289.
Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện
tử của người khác
1. Người
nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của
người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng
viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can
thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy
hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ
50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển
internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền
quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc
bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông
tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông
tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000
đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 290.
Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành
vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng mạng máy
tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành
vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản,
thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài
khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng,
lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ
hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào
tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện
tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc
giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm
đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái
phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến
dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000
đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000
đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ
đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng
trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở
lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 291.
Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về
tài khoản ngân hàng
1. Người nào thu thập, tàng trữ,
trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của
người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất
chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi,
mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người
khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi,
mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người
khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
b) Thu lợi bất chính
200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 292.
Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào cung cấp một trong
các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc
không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng,
thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo
không giam giữ đến 02 năm:
a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;
b) Sàn giao dịch thương mại điện
tử;
c) Kinh doanh đa cấp;
d) Trung gian thanh toán;
đ) Trò chơi điện tử trên mạng;
e) Các loại dịch vụ khác trên mạng
máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Thu lợi bất chính từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 2.000.000.000 đồng
đến dưới 5.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp
thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng
trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị
phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 293.
Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an
toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh
1. Người nào sử dụng trái phép
tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ,
cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng
đến dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này
hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt
tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến
03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng
trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 294.
Tội cố ý gây nhiễu có hại
1. Người nào cố ý gây nhiễu có
hại, cản trở hoạt động bình thường của hệ thống thông tin vô tuyến điện gây thiệt
hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm
hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích
mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng
trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
Mục 3. CÁC
TỘI PHẠM KHÁC XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG
Điều 295.
Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những
nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về
an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thuộc một
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm
đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể từ 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61%
trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
đ) Là người có trách nhiệm về
an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về an
toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ
31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở
lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ
đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội có khả năng thực tế
gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được
ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù
từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 296.
Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi
1. Người nào sử dụng người dưới
16 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc
hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây,
thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể
61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 61% trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người
61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 122% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 297.
Tội cưỡng bức lao động
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa
dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong
các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 16 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật
đặc biệt nặng;
d) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến
60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 61% trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người
61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 122% trở lên.
4. Người phạm tội có thể bị phạt
tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành
nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 298.
Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vi phạm quy định về
xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu,
vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu
không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của
Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ
50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 62% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về
xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu,
vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu
không thuộc trường hợp quy định tại Điều 225 hoặc Điều 281 của
Bộ luật này, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với
tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người
này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 299.
Tội khủng bố
1. Người nào nhằm gây ra tình
trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy
tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù
chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức
khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ,
đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng
bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức
khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Phạm tội
trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều
này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến
07 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc
tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 300.
Tội tài trợ khủng bố
1. Người nào huy động, hỗ trợ
tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị
phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Người
phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch
thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 301.
Tội bắt cóc con tin
1. Người
nào bắt giữ, giam người khác làm con tin và đe dọa giết, làm bị thương hoặc tiếp
tục giam, giữ người đó nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc
tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện
để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều
113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù
từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người dưới 18 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
d) Phạm tội đối với người thi
hành công vụ;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc
gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ
tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
g) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người
61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
500.000.000 đồng trở lên.
5. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 302.
Tội cướp biển
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Tấn công tàu biển, phương tiện
bay hoặc phương tiện hàng hải khác đang ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền
tài phán của quốc gia nào;
b) Tấn công hoặc bắt giữ người
trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm
a khoản này;
c) Cướp phá tài sản trên tàu biển,
phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá
1.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 303.
Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
1. Người
nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin -
liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình
quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa
và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều
114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến
12 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù
chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở,
phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 200% trở lên;
e) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến tình
hình kinh tế - xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 304.
Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt
vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người
nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt
vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07
năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ
03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ
binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng
B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ
300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn
súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các
loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000
mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên
giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
g) Gây
thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật
phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu
liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao
xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến
30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống;
từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31
kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống
nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc
tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ
31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh
khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41
trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ
3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng
máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ
các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm,
dây nổ trở lên.
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
đ) Gây
thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú
từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 305.
Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật
liệu nổ
1. Người nào
chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật
liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10
kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét
đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận
chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31
kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000
mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm
chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc
tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101
kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây
cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm
chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú
từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 306.
Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt
súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có
tính năng tác dụng tương tự
1. Người
nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt
súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí
khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể
thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội
này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02
năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có 11
đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí
không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng
tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên
giới;
d) Làm chết 01 người trở lên hoặc
gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên với tỷ lệ tổn
thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người
từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản
100.000.000 đồng trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú
từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 307.
Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Người
nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo
quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao,
vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt
tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Phạm tội
gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương
cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02
người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến
60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có
khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài
sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 308.
Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu
quả nghiêm trọng
1. Người nào được giao vũ khí
quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu
trách nhiệm để người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc một
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người được giao vũ khí quân
dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm
để người khác sử dụng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người
với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người
này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 309.
Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm
đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ,
vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ,
vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên
giới;
c) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000
đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người sản xuất, tàng trữ, vận
chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật
liệu hạt nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ
lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức
khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ
31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú
từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 310.
Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào vi phạm quy định về
quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua
bán chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây,
thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về quản
lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán chất
phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của
01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của
những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Phạm tội có khả năng thực tế
gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được
ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù
từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 311.
Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy,
chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ,
vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ
01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên
giới;
c) Hóa chất độc thuộc Bảng 3
Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
d) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 2
Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
5. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 1
Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
6. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú
từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 312.
Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc
1. Người nào vi phạm quy định về
quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển hoặc
mua bán chất cháy, chất độc thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt
tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về quản
lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển hoặc mua bán
chất cháy, chất độc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người
với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người
này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù
từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 313.
Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về
phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người
vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho
sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn
thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không
giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có
khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người
khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo
không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 314.
Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01
người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến
dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về
hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000
đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03
năm:
a) Cho phép xây nhà, công trình
hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình
điện;
b) Gây nổ, gây cháy, đốt rừng
làm nương rẫy, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện;
c) Đào hố,
đóng cọc, xây nhà lên hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm;
d) Thả neo tàu, thuyền trong
hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo
hoặc biển báo;
đ) Lắp các thiết bị điện hoặc
thi công đường điện không bảo đảm an toàn.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến
300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn
thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người
61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở
lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Phạm tội trong trường hợp có
khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài
sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc
phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 315.
Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát
thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về
khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ
y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của
Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật,
xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được
xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến
121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến
200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về
khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ
y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của
Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ
lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật,
xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được
xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc
phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 316.
Tội phá thai trái phép
1. Người
nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường
hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ
01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến
121%;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến
200%.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở
lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ðiều 317.
Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt
tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản
xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết
rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng
sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn
nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy
sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất,
kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường
ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không
đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng
trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho
phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành
vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán
thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về
an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục
được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế
biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn
thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên
mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi
bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn
hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến
121%.
đ) Thu lợi bất chính từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của
02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến
200%;
d) Thu lợi bất chính từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở
lên;
d) Thu lợi bất chính
1.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mục 4. CÁC
TỘI PHẠM KHÁC XÂM PHẠM TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
Điều 318.
Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự
công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử
phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được
xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc
có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông
nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo
vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 319.
Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
1. Người nào đào, phá mồ mả,
chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm
thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt
tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật
có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể,
hài cốt.
Điều 320.
Tội hành nghề mê tín, dị đoan
1. Người nào dùng bói toán, đồng
bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về
hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm,
thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính
200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 321.
Tội đánh bạc
1. Người
nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật
trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã
bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết
án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật
này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền
hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng
mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 322.
Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người
nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau,
thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm
đến 05 năm:
a) Tổ chức, sử dụng địa điểm
thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong
cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc
trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Tổng số tiền hoặc hiện vật
dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;
c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản
cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc;
phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc
đánh bạc;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ
luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều
321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000
đồng trở lên;
c) Tái
phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc
toàn bộ tài sản.
Điều 323.
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước
mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ
đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị
giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ
20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị
giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ
100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị
giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính
300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc
toàn bộ tài sản.
Điều 324.
Tội rửa tiền
1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián
tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn
gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở
để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do
mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện
hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động
khác;
c) Che
giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc
quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở
để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông
tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành
vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có
được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác
thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng
chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm
tội 02 lần trở lên;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Dùng
thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tiền, tài sản phạm tội trị
giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Thu lợi bất chính từ
50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tiền, tài sản phạm tội trị
giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi
bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh
hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
4. Người chuẩn bị phạm tội này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một
phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 325.
Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp
1. Người nào đủ 18 tuổi mà thực
hiện một trong các hành vi sau đây đối với người dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ
01 năm đến 05 năm:
a) Rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, mua
chuộc, kích động, xúi giục người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội, sống sa đọa;
b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực
hoặc có những hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội;
c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi
hoạt động phạm pháp.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, mua
chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, ép buộc, chứa chấp nhiều người;
c) Đối với người dưới 13 tuổi;
d) Rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, mua
chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, ép buộc, chứa chấp người dưới 18
tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Người phạm tội thuộc trường
hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, thì còn có thể bị phạt quản chế từ 01
năm đến 05 năm.
Điều 326.
Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
1. Người
nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến
sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu
dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung
lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Sách in, báo in có số lượng
từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị;
c) Ảnh bản giấy có số lượng từ
100 ảnh đến 200 ảnh;
d) Phổ biến cho 10 người đến 20
người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung
lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Sách in, báo in có số lượng
từ 51 đơn vị đến 100 đơn vị;
d) Ảnh bản giấy có số lượng từ
201 ảnh đến 500 ảnh;
đ) Phổ biến cho 21 người đến
100 người;
e) Đối với người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng
máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung
lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Sách in, báo in có số lượng
101 đơn vị trở lên;
c) Ảnh bản giấy có số lượng 501
ảnh trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở
lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc
nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 327.
Tội chứa mại dâm
1. Người nào chứa mại dâm, thì
bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Cưỡng bức mại dâm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chứa mại dâm 04 người trở
lên;
đ) Đối với người từ đủ 16 tuổi
đến dưới 18 tuổi;
e) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm từ 11% đến 45%;
g) Thu lợi bất chính từ
50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Đối với người từ đủ 13 tuổi
đến dưới 16 tuổi;
b) Thu lợi bất chính từ
200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm 46% trở lên.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Đối với 02 người trở lên từ
đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên;
c) Cưỡng bức mại dâm dẫn đến
người đó chết hoặc tự sát.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến
05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 328.
Tội môi giới mại dâm
1. Người nào làm trung gian dụ
dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Đối với người từ đủ 16 tuổi
đến dưới 18 tuổi;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Thu lợi bất chính từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến
dưới 16 tuổi;
b) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 329.
Tội mua dâm người dưới 18 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên
mua dâm người dưới 18 tuổi trừ trường hợp quy định tại điểm b
khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Mua dâm 02 lần trở lên;
b) Mua dâm người từ đủ 13 tuổi
đến dưới 16 tuổi;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của
nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên đối
với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của
nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
4. Người phạm tội còn bị phạt
tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Chương
XXII
CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ
QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
Điều 330.
Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa
dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện
công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động
người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản
50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 331.
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
1. Người nào lợi dụng các quyền
tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội
và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến
03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến
an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 332.
Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
1. Người nào không chấp hành
đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi
nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về
hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tự gây thương tích hoặc gây
tổn hại cho sức khỏe của mình;
b) Phạm tội trong thời chiến;
c) Lôi kéo người khác phạm tội.
Điều 333.
Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ
1. Người nào là quân nhân dự bị
mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh
động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường
trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tự gây thương tích hoặc gây
tổn hại cho sức khỏe của mình;
b) Lôi kéo người khác phạm tội.
Điều 334.
Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập
trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ
06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong thời chiến,
thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 335.
Tội cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự
1. Người nào cố ý cản trở việc
đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cảnh
cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02
năm.
2. Phạm tội trong trường hợp lợi
dụng chức vụ, quyền hạn hoặc trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05
năm.
Điều 336.
Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật
1. Người nào có nhiệm vụ, quyền
hạn mà thực hiện việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật, đã bị xử
lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch
trái pháp luật cho 02 người trở lên;
b) Giấy tờ về hộ tịch đã được cấp,
đăng ký trái pháp luật được sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước;
tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào
cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại
Điều 110 của Bộ luật này, thì bị
phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội
trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối
mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng,
an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt
mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính
trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 338.
Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật
nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội
trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối
mật, tuyệt mật;
b) Gây tổn
hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa chế độ chính trị, độc lập,
chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 339.
Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác
Người nào giả mạo chức vụ, cấp
bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích
chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù
từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 340.
Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào sửa chữa, làm sai
lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, các loại giấy chứng nhận hoặc
tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện tội phạm hoặc đã
bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa
được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000
đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ
06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Sử dụng giấy tờ, tài liệu đã
bị sửa chữa hoặc làm sai lệch thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc
biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 341.
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu
giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu,
tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu,
giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng
đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ
06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu,
tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc
giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10.000.000
đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc
giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc
giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000
đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 342.
Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào chiếm đoạt, mua
bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc
tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng
đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03
tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 10.000.000
đồng trở lên;
c) Thực hiện
hành vi trái pháp luật;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 343.
Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở
1. Người nào chiếm dụng chỗ ở,
xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã
bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Nhà ở, công trình xây dựng trái
phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.
2. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 344. Tội vi phạm các quy định về hoạt
động xuất bản
1. Người
nào vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không tuân thủ quy định về
biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi
phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
b) In trên 2.000 bản đối với từng
xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản
hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; không có bản thảo đã được ký
duyệt theo quy định của pháp luật;
c) Xuất bản, in hoặc phát hành
xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành,
tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất
bản phẩm;
d) Đăng tải trên phương tiện điện
tử xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật hoặc không có
xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản, không có bản thảo đã
được ký duyệt mà xuất bản xuất bản phẩm đó;
đ) Phạm tội có số lượng xuất bản
phẩm dưới mức quy định tại một trong các điểm b hoặc điểm c khoản này, đã bị xử
phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điểm b và điểm c
khoản này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
e) Không nộp xuất bản phẩm lưu
chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về
hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại
Điều 117 của Bộ luật này, thì bị
phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thay đổi, làm sai lệch nội
dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu
của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản có nội dung bị cấm theo quy định
của Luật xuất bản;
c) Phát hành xuất bản phẩm có nội
dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 345.
Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh
lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vi phạm các quy định
về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây
hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu
thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp
gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ
500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di
tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc
biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Điều 346.
Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới
1. Người nào vi phạm quy định về
cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt vi phạm
hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích
mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Tái phạm
hoặc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực
biên giới, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm cư trú từ một 01 năm đến 05 năm.
Điều 347.
Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Người nào xuất cảnh, nhập cảnh
trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về
hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 348.
Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái
phép
1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức
hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái
phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10
người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu
lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 349.
Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài
trái phép
1. Người nào tổ chức, môi giới
cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không
thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10
người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm
hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 350.
Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
1. Người nào cưỡng ép người
khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường
hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù
từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội
trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với từ 05 người đến 10
người;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Vì động cơ đê hèn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội
trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Làm chết người.
Điều 351.
Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ,
Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Chương
XXIII
CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ
Điều 352.
Khái niệm tội phạm về chức vụ
1. Các tội phạm về chức vụ là
những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức
vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
2. Người
có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức
khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ
nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Mục 1. CÁC
TỘI PHẠM THAM NHŨNG
Điều 353.
Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ
2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành
vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong
các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án
tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt,
nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản
dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với
người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản
trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế
đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt
hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh
hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong
cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ
3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh,
trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ
chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá
1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản
5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000
đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn
trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý
theo quy định tại Điều này.
Điều 354.
Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào
sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc
không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt
tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật
chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới
2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã
bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này,
chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản
hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt
hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản
của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc
dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản
hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ
3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản
hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản
5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000
đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn
trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo
quy định tại Điều này.
Điều 355.
Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
1. Người nào lạm dụng chức vụ,
quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới
100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp
sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành
vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong
các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án
tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt,
nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt
hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
e) Chiếm đoạt tiền, tài sản
dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với
người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản
trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế
đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ
3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ
chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá
1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản
5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000
đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 356.
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người
nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái
công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng
hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến
05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ
200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về
tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000
đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 357.
Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người
nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái
công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng
hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về
tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10
năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về
tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000
đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 358.
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
1. Người
nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ
nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình
thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách
nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được
phép làm, thì bị phạt tù từ 01 đến 06 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật
chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới
2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật
chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt
hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật
chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ
3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật
chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản
5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000
đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 359.
Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động
cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi
sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội
dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có
chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có
trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số
lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số
lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
b) Để thực hiện tội phạm ít
nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số
lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;
b) Để thực hiện tội phạm rất
nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt
tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Mục 2. CÁC
TỘI PHẠM KHÁC VỀ CHỨC VỤ
Điều 360.
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền
hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ
được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại
các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ
thể từ 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%
đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở
lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người
61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những
người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người có chức vụ, quyền hạn
vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được
giao gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn
thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe
của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31%
đến 60%, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376
của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù
từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 361.
Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu
bí mật công tác
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật
công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không
thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ
luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000
đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản
100.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động
của cơ quan, tổ chức;
e) Để người khác sử dụng thực
hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 362.
Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật
công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác thuộc một trong các trường hợp
sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 338 của
Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động
của cơ quan, tổ chức;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Để người khác sử dụng thực
hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản
500.000.000 đồng trở lên;
b) Để người khác sử dụng thực
hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 363.
Tội đào nhiệm
1. Người
nào là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác thuộc một
trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ
300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành
vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết người;
b) Lôi kéo người khác đào nhiệm;
c) Gây thiệt hại về tài sản
1.000.000.000 đồng trở lên;
d) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến
tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác
của xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 364.
Tội đưa hối lộ
1. Người nào trực tiếp hay qua
trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác
hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm
hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì
bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam
giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật
chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để
đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản,
lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của
hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến
dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của
hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở
lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối
lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức
vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại
Điều này.
7. Người
bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi
là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị
ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn
trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối
lộ.
Điều 365.
Tội môi giới hối lộ
1. Người nào môi giới hối lộ mà
của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03
năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật
chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên
nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Biết của hối lộ là tài sản của
Nhà nước;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Của hối lộ trị giá từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc trường hợp của
hối lộ trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù
từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội thuộc trường hợp của
hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
6. Người môi giới hối lộ mà chủ
động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
7. Người nào môi giới hối lộ
trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại
Điều này.
Điều 366.
Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi
1. Người
nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào dưới mọi hình thức
thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này
mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn
làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được
phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06
tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật
chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật
chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền,
tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt
tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Chương
XXIV
CÁC TỘI XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG
TƯ PHÁP
Điều 367.
Khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Các tội xâm phạm hoạt động tư
pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành
án.
Điều 368.
Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội
1. Người nào có thẩm quyền mà
truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt
tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Truy cứu trách nhiệm hình sự
về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Đối với 02 người đến 05 người;
c) Đối với người dưới 18 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
d) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Dẫn đến việc kết án oan người
vô tội về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh,
trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Đối với 06 người trở lên;
b) Dẫn đến việc kết án oan người
vô tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm người bị truy cứu trách
nhiệm hình sự oan tự sát.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 369.
Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội
1. Người nào có thẩm quyền mà
không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt
tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Không truy cứu trách nhiệm
hình sự người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;
b) Đối với 02 người đến 05 người;
c) Người không bị truy cứu
trách nhiệm hình sự bỏ trốn hoặc thực hiện hành vi cản trở điều tra, truy tố,
xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
d) Dẫn đến việc người không bị
truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác, báo tin về tội phạm, người
bị hại, nhân chứng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với 05
người trở lên;
b) Không truy cứu trách nhiệm
hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm
đặc biệt nghiêm trọng;
c) Người không bị truy cứu
trách nhiệm hình sự tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm
đặc biệt nghiêm trọng;
d) Làm người bị hại tự sát.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 370.
Tội ra bản án trái pháp luật
1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản
án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với người dưới 18 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
c) Kết án oan người vô tội về tội
phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;
d) Bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng
hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm nghiêm trọng hoặc tội
phạm rất nghiêm trọng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị
khởi kiện từ 11% đến 45%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ
500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Kết án oan người vô tội về tội
phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Bỏ lọt tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị
khởi kiện 46% trở lên;
d) Dẫn đến bị cáo, người bị hại,
nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;
đ) Gây thiệt hại về tài sản
1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 371.
Tội ra quyết định trái pháp luật
1. Người
nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết
rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ
chức, cá nhân, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật
này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03
năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội
thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với người dưới 18 tuổi,
phụ nữ mà biết có thai, người già yếu;
d) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án,
người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người
bị khởi kiện từ 11% đến 45%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ
200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và
hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án,
người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người
bị khởi kiện 46% trở lên;
b) Làm người bị bắt, người bị tạm
giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại,
nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;
c) Gây thiệt hại về tài sản
1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 372.
Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án làm
trái pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp
của tổ chức, cá nhân hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến ra bản án hoặc quyết
định trái pháp luật;
c) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ
lực hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt khác;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ
200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến
làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản
1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 373.
Tội dùng nhục hình
1. Người nào trong hoạt động tố
tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa
vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục
hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức
nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
d) Đối với người dưới 18 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật
đặc biệt nặng;
đ) Gây thương tích hoặc gây thiệt
hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây thiệt
hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm người bị nhục hình tự
sát.
4. Phạm tội làm người bị nhục
hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 374.
Tội bức cung
1. Người nào trong hoạt động tố
tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc,
thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 18 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật
đặc biệt nặng;
d) Dùng nhục hình hoặc đối xử
tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
e) Làm
sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
g) Ép buộc người bị lấy lời
khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bức cung tự
sát;
b) Dẫn đến
bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm người bị bức cung chết;
b) Dẫn đến làm oan người vô tội;
c) Dẫn đến
bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 375.
Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc
1. Điều
tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, những người khác
có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ
quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng
các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch
nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến việc giải quyết vụ
án, vụ việc bị sai lệch;
c) Gây thiệt hại từ 500.000.000
đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội
thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Dẫn đến việc kết án oan người
vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm;
b) Làm người bị bắt, người bị tạm
giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại,
nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;
c) Gây thiệt hại 1.000.000.000
đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 376.
Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang
chấp hành án phạt tù trốn
1. Người
nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt,
người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù mà không thực hiện
hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người
đó trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam
giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;
b) Người bỏ trốn trả thù người
tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
c) Người bỏ trốn tiếp tục thực
hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 02 năm đến 07 năm:
a) Làm vụ án bị đình chỉ;
b) Người bỏ trốn tiếp tục thực
hiện tội phạm rất nghiêm trọng;
c) Để từ 02 người đến 05 người
bỏ trốn;
d) Để người thực hiện tội phạm
rất nghiêm trọng bỏ trốn;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Người bỏ trốn tiếp tục thực
hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Để 06 người trở lên bỏ trốn;
c) Để người thực hiện tội phạm
đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn
giam, giữ người trái pháp luật
1. Người
nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị
phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không ra quyết định trả tự
do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
b) Quyết định bắt, giữ, giam
người không có căn cứ theo quy định của luật;
c) Không chấp hành quyết định
trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
d) Thực hiện việc bắt, giữ,
giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh,
quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành;
đ) Không ra lệnh, quyết định
gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi
hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ
quá hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Giam, giữ trái pháp luật từ
02 người đến 05 người;
b) Làm người bị giam, giữ trái pháp
luật bị tổn hại về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Làm người bị giam, giữ hoặc
gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
d) Đối với người dưới 18 tuổi,
phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật
đặc biệt nặng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Giam, giữ trái pháp luật 06
người trở lên;
b) Làm người bị giam, giữ trái
pháp luật tổn hại về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc chết;
c) Làm người bị giam, giữ tự
sát;
d) Làm gia đình người bị giam,
giữ ly tán.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 378.
Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người
đang chấp hành án phạt tù
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ,
tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, thì bị phạt
cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tha trái pháp luật người bị
bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm
rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người được tha trái pháp luật
bỏ trốn hoặc có hành vi cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực
hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
c) Người được tha trái pháp luật
trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
d) Tha trái pháp luật từ 02 người
đến 05 người.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Tha trái pháp luật 06 người
trở lên;
b) Người được tha trái pháp luật
thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 379.
Tội không thi hành án
1. Người nào có thẩm quyền mà cố
ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản
án, quyết định của Tòa án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành
vi này mà còn vi phạm;
b) Dẫn đến người bị kết án, người
phải chấp hành án bỏ trốn;
c) Dẫn đến hết thời hiệu thi
hành án;
d) Dẫn đến người bị kết án, người
phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi
hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến người bị kết án, người
phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm
nghiêm trọng;
c) Dẫn đến người bị kết án, người
phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi
hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới
1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến người bị kết án, người
phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc
biệt nghiêm trọng;
b) Dẫn đến người bị kết án, người
phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi
hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 380.
Tội không chấp hành án
1. Người nào có điều kiện mà
không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc
dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử
phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03
tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc
người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội có thể bị phạt
tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 381.
Tội cản trở việc thi hành án
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03
năm:
a) Dẫn đến người bị kết án, người
phải chấp hành án bỏ trốn;
b) Dẫn đến hết thời hiệu thi
hành án;
c) Dẫn đến người bị kết án, người
phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi
hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới
200.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 50.000.000
đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến người bị kết án, người
phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm;
c) Dẫn đến người bị kết án, người
phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành
được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 200.000.000 đồng
trở lên.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm
nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 382.
Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối
1. Người làm chứng, người giám
định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa
nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết
rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm
hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến việc giải quyết vụ
án, vụ việc bị sai lệch.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến
việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
4. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 383.
Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối
cung cấp tài liệu
1. Người làm chứng nếu không
thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này,
người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn
tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản, thẩm định
giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng,
thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03
tháng đến 01 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 384.
Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu
1. Người nào mua chuộc hoặc cưỡng
ép người làm chứng, người bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, hành chính,
dân sự, kinh tế, lao động khai báo gian dối, cung cấp
tài liệu sai sự thật hoặc không khai báo, không cung cấp tài liệu; mua chuộc hoặc
cưỡng ép người giám định, người định giá tài sản kết luận gian dối, người phiên
dịch, người dịch thuật dịch xuyên tạc, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến
03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ
lực hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm khác;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dẫn đến việc giải quyết vụ
án, vụ việc bị sai lệch.
Điều 385.
Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản
1. Người nào được giao giữ, quản
lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong, tài khoản bị
phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không
giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phá hủy niêm phong, giải tỏa
việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền;
b) Tiêu dùng, chuyển nhượng,
đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Dẫn đến việc giải quyết vụ
án, vụ việc bị sai lệch;
b) Dẫn đến bị can, bị cáo, người
bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản
và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở
lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến
05 năm.
Điều 386.
Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử
1. Người nào đang bị tạm giữ, tạm
giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ
06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ lực đối với người
canh gác hoặc người áp giải.
Điều 387.
Tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải,
xét xử, chấp hành án phạt tù
1. Người nào đánh tháo người bị
bắt, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù,
nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 119 của Bộ luật
này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dùng vũ lực đối với người
canh gác hoặc người áp giải;
d) Đánh tháo người bị kết án về
tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc người bị kết án tử hình.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 388.
Tội vi phạm quy định về giam giữ
1. Người
nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, vi phạm quy định của pháp luật về
giam giữ đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã
bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm nếu không thuộc một
trong các trường hợp quy định tại các điều 119, 170, 252, 253, 254 và 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây rối hoặc chống lại mệnh
lệnh của người có thẩm quyền trong quản lý giam giữ;
b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng
tài sản;
c) Cưỡng đoạt tài sản;
d) Đưa vào, tàng trữ, chiếm đoạt
hoặc tổ chức sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện thuốc hướng thần;
đ) Đưa vào, tàng trữ, sử dụng
thiết bị thông tin liên lạc cá nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị
cấm cư trú từ 01 năm đến 03 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 389.
Tội che giấu tội phạm
1. Người
nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều
sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2
Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều từ Điều
108 đến Điều 121 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Điều 123
(tội giết người); Điều 141, các khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp
dâm); Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 146, các khoản 2 và 3 (tội dâm ô đối với người dưới 16
tuổi); Điều 150, các khoản 2 và 3 (tội mua bán người);
c) Điều 151
(tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 152 (tội đánh tráo
người dưới 01 tuổi); Điều 153 (tội chiếm đoạt người dưới
16 tuổi); Điều 154 (tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận
cơ thể người);
d) Điều 168
(tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt
tài sản); Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 (tội trộm cắp tài
sản); Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 (tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản); Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng tín
nhiệm chiếm đoạt tài sản); Điều 178, các khoản 2, 3 và 4
(tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
đ) Điều 188,
các khoản 3 và 4 (tội buôn lậu); Điều 189, khoản 3 (tội
vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều
190, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều
191, các khoản 2 và 3 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều
192, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều
193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực
phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc
chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195, các khoản 2 và 3
(tội sản xuất hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc
bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196, các khoản
2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 205, các khoản 3 và 4 (tội lập
quỹ trái phép); Điều 206, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm
quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài); Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành
tiền giả); Điều 208 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu
hành công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác); Điều
219, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà
nước gây thất thoát, lãng phí); Điều 220, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước
về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 221, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước
về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 222, các khoản 2 và
3 (tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 223, các khoản 2 và 3 (tội thông đồng, bao che cho người
nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 224, các khoản 2 và 3
(tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 243, các khoản 2 và 3 (tội hủy hoại rừng);
e) Điều 248
(tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng
trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái
phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma
túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 253 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt
tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều
254, khoản 2 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện,
dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 255 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 256 (tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 257 (tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma
túy); Điều 258 (tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép
chất ma túy); Điều 259, khoản 2 (tội vi phạm quy định về
quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần);
g) Điều 265,
các khoản 2, 3 và 4 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều
282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy); Điều 299 (tội
chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ
khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 299 (tội
khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều
302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình,
cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304
(tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt
vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 305, các
khoản 2, 3 và 4 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái
phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 309, các khoản 2, 3 và
4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép
hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân); Điều 311,
các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua
bán trái phép chất cháy, chất độc);
h) Điều 329,
các khoản 2 và 3 (tội mua dâm người dưới 18 tuổi);
i) Điều 353,
các khoản 2, 3 và 4 (tội tham ô tài sản); Điều 354, các
khoản 2, 3 và 4 (tội nhận hối lộ); Điều 355, các khoản 2,
3 và 4 (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản); Điều 356, các khoản 2 và 3 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn
trong khi thi hành công vụ); Điều 357, các khoản 2 và 3 (tội
lạm quyền trong khi thi hành công vụ); Điều 358, các khoản 2,
3 và 4 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để
trục lợi); Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 (tội giả mạo
trong công tác); Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 (tội đưa hối
lộ); Điều 365, các khoản 2, 3 và 4 (tội làm môi giới hối lộ);
k) Điều 373,
các khoản 3 và 4 (tội dùng nhục hình); Điều 374, các khoản
3 và 4 (tội bức cung); Điều 386, khoản 2 (tội trốn khỏi
nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải, đang bị xét xử);
l) Các điều từ Điều
421 đến Điều 425 về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm
chiến tranh.
2. Phạm tội trong trường hợp lợi
dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi
khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 390.
Tội không tố giác tội phạm
1. Người
nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều
389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc
đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại
khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ
đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã
có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có
thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Điều 391.
Tội gây rối trật tự phiên tòa
1. Người nào tại phiên tòa mà
thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử,
những người khác có mặt tại phiên tòa hoặc có hành vi đập phá tài sản thì bị phạt
tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến
01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Gây náo loạn phiên tòa dẫn đến
phải dừng phiên tòa;
b) Hành hung thành viên Hội đồng
xét xử.
Chương
XXV
CÁC TỘI XÂM PHẠM NGHĨA
VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA QUÂN NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI PHỐI THUỘC VỚI QUÂN ĐỘI
TRONG CHIẾN ĐẤU, PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU
Điều 392.
Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách
nhiệm của quân nhân
1. Quân nhân tại ngũ, công
nhân, viên chức quốc phòng.
2. Quân nhân dự bị trong thời
gian tập trung huấn luyện.
3. Dân quân, tự vệ trong thời
gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
4. Công dân được trưng tập vào
phục vụ trong quân đội.
Điều 393.
Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật
1. Người nào lợi dụng chức vụ,
quyền hạn ra mệnh lệnh trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải
tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong thực hiện nhiệm vụ cứu
hộ, cứu nạn;
d) Trong tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ
07 năm đến 15 năm.
Điều 394.
Tội chống mệnh lệnh
1. Người nào từ chối chấp hành
hoặc cố ý không thực hiện mệnh lệnh của người có thẩm quyền, thì bị phạt tù từ
06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Dùng vũ lực;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong thực hiện nhiệm vụ cứu
hộ, cứu nạn;
d) Trong tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 395.
Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh
1. Người nào chấp hành mệnh lệnh
của người có thẩm quyền một cách lơ là, chậm trễ, tùy tiện gây hậu quả nghiêm
trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến
03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong thực hiện nhiệm vụ cứu
hộ, cứu nạn;
d) Trong tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 396.
Tội cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ
1. Người nào cản trở đồng đội
thực hiện nhiệm vụ dẫn đến người đó không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy
đủ nhiệm vụ được giao, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt
tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Dùng vũ lực;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc
rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong thực hiện nhiệm vụ cứu
hộ, cứu nạn;
d) Trong tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng.
Điều 397.
Tội làm nhục đồng đội
1. Người nào trong quan hệ công
tác mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự đồng đội, thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Đối với chỉ huy hoặc cấp
trên; c) Vì lý do công vụ của nạn nhân; d) Trong khu vực có chiến sự;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Gây rối
loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
h) Làm nạn nhân tự sát.
Điều 398.
Tội hành hung đồng đội
1. Người nào trong quan hệ công
tác mà cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ
đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Đối với chỉ huy hoặc cấp
trên;
c) Vì lý do công vụ của nạn
nhân;
d) Trong khu vực có chiến sự;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 399.
Tội đầu hàng địch
1. Người nào đầu hàng địch, thì
bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Giao nộp cho địch vũ khí,
phương tiện kỹ thuật quân sự;
c) Giao nộp tài liệu quan trọng
hoặc khai báo bí mật công tác quân sự;
d) Lôi kéo người khác phạm tội;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc
rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Giao nộp cho địch vật, tài
liệu bí mật nhà nước hoặc khai báo bí mật nhà nước;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng.
Điều 400.
Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh
1. Người nào khi bị địch bắt
làm tù binh mà khai báo bí mật công tác quân sự hoặc tự nguyện làm việc cho địch,
thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Đối xử tàn ác với tù binh
khác;
c) Lôi kéo người khác khai báo,
làm việc cho địch;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc
rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Giao nộp cho địch vật, tài
liệu bí mật nhà nước hoặc khai báo bí mật nhà nước;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 401.
Tội bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu
1. Người nào tự ý rời bỏ vị trí
chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu, thì bị phạt tù từ 02 năm đến
07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật
quân sự hoặc tài liệu bí mật công tác quân sự;
c) Lôi kéo người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc
rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Điều 402.
Tội đào ngũ
1. Người nào rời bỏ hàng ngũ
quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về
hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí,
trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ
cứu hộ, cứu nạn;
d) Trong tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng.
Điều 403.
Tội trốn tránh nhiệm vụ
1. Người nào tự gây thương
tích, gây tổn hại cho sức khỏe của mình
hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để trốn tránh nhiệm vụ, thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Trong thời chiến;
d) Trong khi thực hiện nhiệm vụ
cứu hộ, cứu nạn;
đ) Trong tình trạng khẩn cấp;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt từ từ 05 năm đến 10 năm.
Điều 404.
Tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật
công tác quân sự, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 361 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 06
tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong chiến đấu;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 405.
Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác quân sự
1. Người nào chiếm đoạt, mua
bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác quân sự, nếu không thuộc một trong
các trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 361 của Bộ luật
này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong chiến đấu;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 406.
Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật
công tác quân sự, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 338 và Điều 362 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong chiến đấu;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 407.
Tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự
1. Người nào làm mất tài liệu
bí mật công tác quân sự, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 338 và Điều 362 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo
không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong chiến đấu;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 408.
Tội báo cáo sai
1. Người nào cố ý báo cáo sai
trong hoạt động quân sự gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong tình trạng khẩn cấp;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 409.
Tội vi phạm quy định về trực ban, trực chiến, trực chỉ huy
1. Người nào không chấp hành
nghiêm chỉnh chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy gây hậu quả nghiêm trọng,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ
cứu hộ, cứu nạn;
d) Trong tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 410.
Tội vi phạm quy định về bảo vệ
1. Người
nào không chấp hành nghiêm chỉnh quy định về tuần tra, canh gác, áp tải, hộ tổng
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến
03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm người được bảo vệ, hộ tổng bị tổn thương cơ thể;
b) Làm hư hỏng phương tiện kỹ
thuật, thiết bị quân sự;
c) Làm thiệt hại về tài sản từ
100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội
thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm người được bảo vệ, hộ tổng chết;
b) Làm mất phương tiện kỹ thuật,
thiết bị quân sự;
c) Trong chiến đấu;
d) Trong khu vực có chiến sự;
đ) Lôi kéo người khác phạm tội;
e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 411.
Tội vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện
1. Người nào không chấp hành
nghiêm chỉnh những quy định bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện
gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt
tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Điều 412.
Tội vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự
1. Người nào vi phạm quy định về
sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự gây hậu quả nghiêm trọng,
thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05
năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 413.
Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý
làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự, nếu không thuộc một trong
các trường hợp quy định tại Điều 114 và Điều 303 của Bộ luật
này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Trong chiến đấu;
b) Trong khu vực có chiến sự;
c) Lôi kéo người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc
tù chung thân.
Điều 414.
Tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào được giao quản lý,
được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà làm mất hoặc vô
ý làm hư hỏng gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến
03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Điều 415.
Tội quấy nhiễu nhân dân
1. Người nào có hành vi quấy
nhiễu nhân dân đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu
quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ
06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Trong khu vực có chiến sự;
d) Trong khu vực đã có lệnh ban
bố tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 416.
Tội lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ
1. Người nào trong khi thực hiện
nhiệm vụ mà vượt quá phạm vi cần thiết của nhu cầu quân sự gây thiệt hại về tài
sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng của Nhà nước, của tổ chức, cá
nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến
03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại về tài
sản 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Điều 417.
Tội cố ý bỏ thương binh, tử sỹ hoặc không chăm sóc, cứu chữa thương binh
1. Người nào có trách nhiệm mà
cố ý bỏ thương binh, tử sĩ tại trận địa hoặc không chăm sóc, cứu chữa thương
binh dẫn đến không tìm thấy thương binh, tử sỹ hoặc thương binh bị chết, thì bị
phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Đối với 02 thương binh hoặc
02 tử sỹ trở lên.
Điều 418.
Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ
1. Người nào chiếm đoạt hoặc hủy
hoại di vật của tử sỹ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt
tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại di
vật của 02 tử sỹ trở lên.
Điều 419.
Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm
1. Người nào trong chiến đấu hoặc
khi thu dọn chiến trường mà chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm, thì bị phạt
cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến
05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Chiến lợi phẩm trị giá từ
100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến uy tín
quân đội;
d) Chiến lợi phẩm có giá trị
trong quân sự;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc
rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các
trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
a) Chiến lợi phẩm trị giá
500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiến lợi phẩm có giá trị đặc
biệt trong quân sự;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm
trọng.
Điều 420.
Tội ngược đãi tù binh, hàng binh
Người nào ngược đãi tù binh,
hàng binh, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03
tháng đến 02 năm.
Chương
XXVI
CÁC TỘI PHÁ HOẠI HÒA
BÌNH, CHỐNG LOÀI NGƯỜI VÀ TỘI PHẠM CHIẾN TRANH
Điều 421.
Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược
1. Người nào tuyên truyền, kích
động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược
nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một
vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm,
tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp do
bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến
20 năm.
Điều 422.
Tội chống loài người
1. Người nào trong thời bình
hay trong chiến tranh mà thực hiện hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một
khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một quốc
gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, làm đảo lộn nền tảng của một
xã hội nhằm phá hoại xã hội đó hoặc thực hiện hành vi diệt chủng khác hoặc thực
hiện hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến
20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp do
bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến
20 năm.
Điều 423.
Tội phạm chiến tranh
1. Người nào trong thời kỳ chiến
tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị
thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện
hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm hoặc thực hiện hành vi khác vi phạm nghiêm
trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam ký kết hoặc tham gia, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung
thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp do
bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến
20 năm.
Điều 424.
Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê
Người nào tuyển mộ, huấn luyện
hoặc sử dụng lính đánh thuê nhằm chống lại một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ
độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 425.
Tội làm lính đánh thuê
Người nào làm lính đánh thuê nhằm
chống một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù
từ 05 năm đến 15 năm.
Phần thứ
ba
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 426.
Hiệu lực thi hành
Bộ luật này
có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Bộ
luật hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số
37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự hết hiệu lực
thi hành kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành.
Bộ luật này đã được Quốc hội
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày
27 tháng 11 năm 2015./.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Sinh Hùng
|
NATIONAL ASSEMBLY
-------
|
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------
|
No. 100/2015/QH13
|
Hanoi, November 27, 2015
|
CRIMINAL CODE
Pursuant
to Constitution of Socialist Republic of Vietnam;
The
National Assembly promulgates the Criminal Code.
Part
One
GENERAL PROVISIONS
Chapter
I
BASIC CLAUSES
Article
1. Objectives of the Criminal Code
The
Criminal Code is meant to protect Vietnam’s sovereignty and security; protect
the socialism regime, human rights, citizenship rights; protect the equality
among ethnic groups; protect interests of the State; organize and protect the
law; punish crimes; raise people’s awareness of compliance with the law;
prevent and fight crimes.
This
document provides for crimes and sentences.
Article
2. Basis of criminal liability
1. No one
who commits a criminal offence that is not regulated by the Criminal Code has
to incur criminal liability.
2. No
corporate legal entity that commits a criminal offence that is not regulated in
Article 76 hereof has to incur criminal liability.
Article
3. Rules for punishing crimes
1. With
regard to criminals:
a) Every
crime committed by a person must be discovered promptly and dealt with quickly
and fairly in compliance with law;
b) All
criminals are equal before the law regardless of gender, ethnicity, belief,
religion, social class or social status;
c)
Instigation of crimes, masterminds or obstinacy, gangster-like crimes,
dangerous recidivism, abuse of positions or power to commit criminal offences
shall be strictly punished;
d)
Criminal offences committed by employment of deceitful methods; in an organized
manner, in a professional manner or with intent to inflict extremely serious
consequences shall be strictly punished.
Leniency
shall be showed towards criminals who turn themselves in; show cooperative
attitudes; inform on accomplices; made reparation in an effort to atone for
their crimes; express contrition; voluntarily compensate for damage they
inflict;
dd) A
person who commit a less serious crime for the first time may serve a community
sentence (mandatory supervision by family or an organization);
e) People
sentenced to imprisonment shall serve their sentences at prisons and must
improve themselves to become effective and productive citizens; commutation or
conditional parole shall be granted to people who satisfy conditions set out in
this document;
g) People
who have served their sentences are enabled to live and work honesty and fit
into society; criminal records shall be expunged when all conditions are
satisfied.
2. With
regard to corporate legal entities that commit criminal offences:
a) Every
criminal offence committed by a corporate legal entity must be discovered
promptly and dealt with quickly and fairly in compliance with law;
b) All
corporate legal entities that commit criminal offences are equal before the law
regardless of type of business and economic sector;
c)
Criminal offences committed by deceitful methods; organized crimes, deliberate
infliction of extremely serious consequences shall be strictly punished;
d)
Leniency shall be showed towards corporate legal entities that are cooperative
during the proceeding, voluntarily compensate for damage they inflict,
proactively prevent or alleviate consequences.
Article
4. Responsibility for prevention and fight against crimes
1. Police
authorities, the People’s Procuracies, People’s Courts and other authorities
concerned shall perform their functions, duties and authority; provide guidance
and assistance for other state agencies, organizations and individuals in
prevention and fight against crimes, supervision and education of criminals in
the community.
2.
Organizations are responsible for raising the awareness of people under their
management of protection and compliance with the law, respect for socialism
rules; promptly take measures for eliminate causes and conditions of crimes
within their organizations.
3. Every
citizen has the duty to participate in prevention and fight against crimes.
Chapter
II
EFFECT OF THE CRIMINAL CODE
Article
5. Effect of the Criminal Code on criminal offences committed within the
territory of the Socialist Republic of Vietnam
1. The
Criminal Code applies to every criminal offence committed within the territory
of the Socialist Republic of Vietnam.
It also
applies to criminal offences committed on sea-going vessels and airplanes
having Vietnamese nationality or operating in Vietnam’s exclusive economic
zones or continental shelves or consequences thereof.
2.
Criminal liability of foreigners who commit criminal offences within the
territory of Socialist Republic of Vietnam and are granted diplomatic immunity
according to Vietnam’s law or under an international agreement to which
Socialist Republic of Vietnam is a signatory or according to international
practice shall be dealt with in accordance with the international agreement or
practice. If the case is not set out in any international agreement or there is
no such international practice, their criminal liability shall be dealt with in
a diplomatic manner.
Article
6. Effect of the Criminal Code on criminal offences committed outside the
territory of the Socialist Republic of Vietnam
1. Any
Vietnamese citizen or Vietnamese corporate legal entity that commits an act
outside the territory of Socialist Republic of Vietnam which is defined as a
criminal offence by this document shall face criminal prosecution in Vietnam as
prescribed by this document.
This
clause also applies to stateless residents of Vietnam.
2. Any
foreigner or foreign corporate legal entity that commit a criminal offence
outside the territory of Socialist Republic of Vietnam shall face criminal
prosecution as prescribed by this document if such offence infringes the lawful
rights and interests of Vietnamese citizens or interest of Socialist Republic
of Vietnam or under a international agreement to which Vietnam is a signatory.
3. Where
a criminal offence or its consequence occurs on an airplane or sea-going vessel
that does not have Vietnamese nationality at sea or outside Vietnam's airspace,
the offender shall face criminal prosecution under an international agreement
to which Vietnam is a signatory, if any.
Article
7. Chronological effect of Criminal Code
1. A
provision of law effective at the same time as the commission of the criminal
offence shall be applied to such criminal offence.
2. A
provision of law that provides for a new crime, a more severe sentence, a new
aggravating factor or reduce the scope of suspended sentences, exemption from
criminal liability, removal of criminal responsibility, exemption from
sentence, commutation or conviction expungement which is less favorable shall
not be applied to criminal offences committed before such provision of law
comes into force.
3. A
provision of law that removes a new crime, a sentence, a aggravating factor or
provides for a less severe sentence, a new mitigating factor or increase the
scope of suspended sentence, exemption or conviction expungement of criminal
liability, exemption from sentence, commutation, conditional parole or
conviction expungement and other provisions which is more favorable may be
applied to criminal offences committed before such provisions of law comes into
force.
Chapter
III
CRIMES
Article
8. Definition of crime
1. A
crime means an act that is dangerous for society and defined in Criminal Code,
is committed by a person who has criminal capacity of corporate legal entity,
whether deliberately or involuntarily, infringes the sovereignty and
territorial integrity of the nation, infringes the political regime, economic
regime, culture, national defense and security, social order and safety, the
lawful rights and interests of organizations, human rights, the lawful rights
and interests of citizens, other aspects of socialist law and leads to criminal
prosecution as prescribed by this document.
2. An act
that resembles a crime but is actually not remarkably dangerous for society is
not a crime and shall be dealt with otherwise.
Article
9. Classification of crimes
Crimes
defined in this document are classified into four categories according to their
nature and danger to society:
1. Less
serious crime means a crime whose danger to society is not significant and for
which the maximum sentence defined by this document is a fine, community
sentence (non-custodial) or 3 years' imprisonment;
2. Serious
crime means a crime whose danger to society is significant and for which the
maximum sentence of the bracket defined by this document is from over 3 years'
to 7 years' imprisonment;
3. Very
serious crime means a crime whose danger to society is great and for which the
maximum sentence of the bracket defined by this document is from over 7 years'
to 15 years' imprisonment;
4.
Extremely serious crime means a crime whose danger to society is enormous and
for which the maximum sentence of the bracket defined by this document is from
over 15 years' to 20 years' imprisonment, life imprisonment or death.
Article
10. Deliberate crimes
Cases of
deliberate crimes:
1. The
offender is aware of the danger to society of his/her act, foresees
consequences of such act and wants such consequences to occur;
2. The
offender is aware of the danger to society of his/her act, foresees
consequences of such act, does not want such consequences to occur but
deliberately lets them occur.
Article
11. Involuntary crimes
Cases of
involuntary crimes:
1. The
offender is aware of the danger to society of his/her act but believes that
consequences would not occur or could be prevented;
2. The
offender is not aware of the danger to society of his/her act though the
consequences have to be foreseen and could be foreseen.
Article
12. Age of criminal responsibility
1. A
person from 16 years of age and above shall bear criminal responsibility for
every crime, except for those otherwise prescribed by this document.
2. A
person from 14 years of age to be low 16 years of age shall bear criminal
responsibility for murder, deliberate infliction of bodily harm upon other
people, raping, raping people under 16 years of age, sexual abuse of people
from 13 to under 16 years of age, robbery, kidnapping for ransom; very serious
crimes and extremely serious crimes defined in the following Articles:
a)
Article 143 (Sexual abuse); Article 150 (Human trafficking); Article 151
(Trafficking of people under 16 years of age);
b)
Article 170 (Extortion); Article 171 (Snatching); Article 173 (Theft of
property); Article 178 (Vandalism or deliberate destruction of property);
c)
Article 248 (Illegal production of narcotic substances); Article 249 (Illegal
possession of narcotic substances; Article 250 (Illegal trafficking of narcotic
substance; Article 251 (Illegal trading of narcotic substances); Article 252
(Appropriation of narcotic substances);
d)
Article 265 (Organization of illegal racing); Article 266 (Illegal racing);
dd)
Article 285 (Producing, dealing in tools, equipment, software programs serving
illegal purposes); Article 286 (Spreading software programs harmful to computer
networks, telecommunications network or electronic devices); Article 287
(Obstruction or disruption of computer network, telecommunications network or
electronic devices); Article 289 (Illegal access to others' computer network,
telecommunications network or electronic devices); Article 290 (Appropriation
of property by computer network, telecommunications network or electronic
devices);
e)
Article 299 (Terrorism); Article 303 (Destruction of works, facilities or
vehicles important to national security); Article 304 (Illegal fabrication,
possession, trafficking, use, trading or appropriation of military weapons or
military equipment).
Article
13. Crimes committed under the influence of alcohol or other strong stimulants
A person
who has lost his/her awareness or control of his/her acts because of influence
of alcohol or other strong stimulants still has to bear criminal
responsibility.
Article
14. Preparation for crimes
1.
Preparation for a crime means finding, preparing tools, equipment or other
conditions for the crime or establishing, joining a group of criminals, except
in the circumstances specified in Article 109, Point a Clause 2 Article 113 or
Point a Clause 2 Article 299 hereof.
2. A
person who prepares for any of the following crimes shall bear criminal
responsibility:
a)
Article 108 (High treason); Article 110 (Espionage); Article 111 (Infringement
upon territory); Article 112 (Rebellion); Article 113 (Terrorism aimed to
oppose the people's authority); Article 114 (Sabotage of technical facilities
of Socialist Republic of Vietnam); Article 117 (Fabrication, possession,
spreading or dissemination of information, materials, items for opposing the
government of Socialist Republic of Vietnam; Article 118 (Disruption of
security); Article 119 (Disruption of detention facility); Article 120
(Organizing, coercing, instigating illegal emigration for the purpose of
opposing the people's authority); Article 121 (Illegal emigration for the
purpose of opposing the people's authority);
b)
Article 123 (Murder); Article 134 (Deliberate infliction of bodily harm upon
another person);
C)
Article 168 (Robbery); Article 169 (Kidnapping for ransom);
d)
Article 299 (Terrorism); Article 300 (terrorism financing); Article 301 (Taking
hostages); Article 302 (Piracy); Article 303 (Destruction of works, facilities,
vehicles important to national security); Article 324 (Money laundering).
3. A
person from 14 to under 16 years of age who prepares for any of the crimes
specified in Point b and Point c Clause 2 of this Article has to bear criminal
responsibility.
Article
15. Attempts
An
attempt to commit a crime means an intent and conduct towards completion of a
crime that does not occur for reasons not intended by the criminal.
The
person who commits an unsuccessful crime has to take criminal responsibility.
Article
16. Voluntary termination commission of crimes
Voluntary
termination commission of a crime means a person's voluntarily stopping
committing the crime without anything stopping him/her from committing such
crime.
Anyone
who voluntarily terminates the commission of a crime is exempt from criminal
responsibility; if the committed acts constitute another crime, the offender
shall bear criminal responsibility for such other crime.
Article
17. Complicity
1.
Complicity is a situation in which two or more people deliberately commit the
same crime.
2.
Organized crime is a form of complicity in which the accomplices cooperate
closely in committing the crime.
3. An
accomplice means an organizer, perpetrator, instigator or abettor.
Perpetrator
means the person who directly commits the crime.
Organizer
means the mastermind behind the commission of the crime.
Instigator
means the person entice or encourage other people to commit the crime.
Helper
means the person who provides spiritual or material assistance in the
commission of the crime.
4. The
accomplice shall not take criminal responsibility for unjustified force used by
the perpetrator.
Article
18. Concealment of crimes
1. Any
person who, without prior promises and after knowing that a crime has been
committed, harbors the criminal, conceals the traces or exhibits of the crime
or commits other acts that obstruct the discovery, investigation and taking of
actions against the criminal shall bear criminal responsibility for concealment
of crimes in the cases defined by this document.
2. A
person who conceals the crime shall not bear criminal responsibility as specified
in Clause 1 of this Article if he/she is a grandparent, parent, child,
niece/nephew, sibling, spouse of the offender, except for concealment of crimes
against national security or other extremely serious crimes specified in
Article 389 hereof.
Article
19. Misprision
1. Any
person who knows that a crime is being prepared, being carried out or has been
carried out but fails to report it shall bear criminal responsibility for
misprision in the circumstances specified in Article 389 hereof.
2. A
person who fails to report the crime shall not bear criminal responsibility as
specified in Clause 1 of this Article if he/she is a grandparent, parent,
child, niece/nephew, sibling, spouse of the offender, except for failure to
report crimes against national security or other extremely serious crimes
specified in Article 389 hereof.
3. If
defender of an offender has knowledge of the crime that was committed or
participated in by the person he/she defends while performing the defender's
duties, the defender shall not bear criminal responsibility as specified in
Clause 1 of this Article, except for failure to report crimes against national
security or other extremely serious crimes specified in Article 389 hereof.
Chapter
IV
CASES OF EXEMPTION FROM CRIMINAL
RESPONSIBILITY
Article
20. Unexpected events
The
person who commits an act that results in harmful consequences is exempt from
criminal responsibility if such consequences cannot be foreseen or have to be
foreseen.
Article
21. Lack of criminal capacity
A person
who commits an act that is dangerous to society is suffering from a mental
disease or another disease that causes him/her to lose his/her awareness or
control of his/her behaviors is exempt from criminal responsibility.
Article
22. Justifiable force
1.
Justifiable force in self-defense means the a person's use of force which is
reasonably necessary to defend against another person's infringement upon
his/her legitimate rights or interests of himself/herself, other people, the
State, organizations.
The use
of justifiable force does not constitute a criminal offence.
2.
Unjustified force in self-defense means the use of force which is more than
reasonably necessary and not appropriate for the nature and danger to society
posed by the infringement.
The
person who uses unjustified force in self-defense shall take criminal
responsibility as prescribed by this document.
Article
23. Urgent circumstances
1. An
urgent circumstance is a circumstance in which there is no other way but an
amount of damage has to be inflicted in order to prevent a greater damage to
lawful rights and interests of oneself, another person, the State or an
organization.
The act
of inflicting damage in an urgent circumstance does not constitute a criminal
offense.
2. If
the damage inflicted is reasonably unnecessary in the urgent circumstance, the
person who inflicts such damage shall bear criminal responsibility.
Article
24. Infliction of bodily harm while capturing criminals
1. If
violence and infliction of bodily harm to a criminal is the only way to capture
him/her, the use of violence in this case does not constitute a criminal
offence.
2. If the
bodily harm inflicted by the use of violence is obviously more than necessary,
the person who inflicts such damage shall bear criminal responsibility.
Article
25. Risks from researches, experiments, application of technological advances
The
infliction of damage during the conduction of a research, experiment or
application of technological advances does not constitute a criminal offence
provided the procedures and regulations are complied with and all preventive
measures are taken.
The
person who fails to comply with the procedures, regulations or take all
preventive measures and causes damage shall bear criminal responsibility.
Article
26. Following orders of commanders or superiors
A person
who inflicts damage while following an order of his/her commander or superior
in the army to perform national defense and security duties is exempt from
criminal responsibility if he/she complies with procedures for reporting to the
order giver but the order giver still request that the order be followed. In
this case, the order giver shall bear criminal responsibility.
This
provision does not apply to the cases specified in Clause 2 Article 421, Clause
2 Article 422 and Clause 2 Article 423 hereof.
Chapter
V
TIME LIMIT FOR CRIMINAL PROSECUTION;
EXEMPTION FROM CRIMINAL RESPONSIBILITY
Article
27. Time limit for criminal prosecution
1. The
time limit for criminal prosecution is a time limit set out by this document
and upon the expiration of which the offender does not face any criminal
prosecution.
2. Time
limits for criminal prosecution:
a) 05
years for less serious crimes;
b) 10
years for serious crimes;
c) 20
years for very serious crimes;
d) 20
years for extremely serious crimes.
3. The
time limit for criminal prosecution begins from the day on which the crime is
committed. During the time limit set out in Clause 2 of this Article, if the
offender commits another crime for which the maximum sentence is over 1 year's
imprisonment, the time limit for prosecution for the previous crime will be
reset and begins from the day on which the new crime is committed.
During
the time limit set out in Clause 2 of this Article, if the offender
deliberately evades capture and a wanted notice has been issued, the time limit
will begin when he/she turns himself/herself in or gets arrested.
Article
28. Non-application of time limit for criminal prosecution
Time
limit for criminal prosecution does not apply to the following crimes:
1. Infringement
of national security specified in Chapter XIII hereof;
2.
Disturbing the peace, crimes against humanity and war crimes specified in
Chapter XXVI hereof;
3.
Embezzlement in the circumstances specified in Clause 3 and Clause 4 Article
353 hereof; acceptance of bribes in the circumstances specified in Clause 3 and
Clause 4 Article 254 hereof.
Article
29. Basis for exemption from criminal responsibility
1. A
criminal offender shall be exempt from criminal responsibility on one of the
following bases:
a) A
policy or law is changed during the process of investigation, prosecution or
trial and accordingly, the offender's act is no longer dangerous to society;
b) A
general amnesty is granted.
2. A
criminal offender might be exempt from criminal responsibility on one of the
following bases:
a) The
situation is changed during the process of investigation, prosecution or trial
and accordingly, the offender is no longer dangerous to society;
b) The
offender has a fatal disease during the process of investigation, prosecution
or trial and no longer poses a threat to society;
c) The
offender confesses his/her crime, contributes to the crime discovery and
investigation; minimizes the damage inflicted by his/her crime, have made
reparation or special contributions that are recognized by the State and
society.
3. The
person who involuntarily commits a less serious crime or a serious crime and
causes damage to life, health, honor or property of others will be exempt from
criminal responsibility if the aggrieved person or his/he representative
voluntarily seeks reconciliation and requests exemption from criminal
responsibility
Chapter
VI
SENTENCES
Article
30. Definition of sentence
A
sentence means the most severe coercive measure of the State specified in this
document, taken by the Court against a person or corporate legal entity that
commits a crime in order to deprive of or limit their rights and/or interests.
Article
31. Purposes of sentences
Sentences
are meant not only for punishing people and corporate legal entities that
commit criminal offences, but also raising awareness of compliance with law,
preventing them from committing other crimes, educating other people and
corporate legal entities in compliance with the law, prevention of and fight
against crimes.
Article
32. Sentences against criminals
1.
Primary sentences:
a)
Warning;
b) Fine;
c)
Community sentence;
d)
Expulsion;
dd)
Determinate imprisonment;
e) Life
imprisonment;
g) Death
sentence.
2.
Additional sentences:
a)
Prohibition from holding certain positions or doing certain works;
b)
Prohibition from residence;
c)
Mandatory supervision;
d)
Deprivation of certain citizenship rights;
dd)
Confiscation of property;
e) Fine
if no administrative penalties are imposed;
g)
Expulsion if no administrative penalties are imposed.
3. The
offender shall incur only one primary sentence for a crime committed and
possibly one or more additional sentences
Article
33. Sentences against business entities committing crimes
1.
Primary sentences:
b) Fine;
b)
Suspension of operation;
c)
Permanent shutdown.
2.
Additional sentences:
a) Ban
from operating in certain fields;
b)
Prohibition from raising capital;
c) Fine
if no administrative penalties are imposed.
3. The
corporate legal entity shall incur only one primary sentence for a criminal
offence committed and possibly one or more additional sentences.
Article
34. Warning
Warning
is imposed upon people who commit less serious crimes and have multiple
mitigating factors but are not eligible for exemption from sentence.
Article
35. Fine
1. Fine
is imposed as a primary sentence against:
a) People
who commit less serious crimes or serious crimes defined by this document;
b) People
who commit very serious crimes against the law on economics, environment,
public order, public safety and other crimes defined by this document.
2. Fine
is imposed as an additional sentence against people committing crimes related
to corruption, drugs or other crimes defined by this document.
3. The
fine level depends on the nature and level of danger of the crime with account
taken of the offender's property, fluctuation of prices. Nevertheless, the fine
must not fall under VND 1,000,000.
4. Fines
imposed upon corporate legal entities committing crimes are specified in
Article 77 hereof.
Article
36. Community sentence
1.
6-month to 3-year community sentence shall be imposed upon people who commit
less serious crimes or serious crimes defined by this Law and have stable jobs
or fixed residences and do not have to be isolated from society.
If the
convict has been kept in temporary detention, the duration of temporary
detention shall be deducted from the duration of community sentence: 01 day of
temporary detention equals (=) 03 days of community sentence.
2. The
person sentenced to community sentence shall be supervised and educated by the
organization or agency for which he/she works or the People’s Committee of the
commune where he/she resides. The family of the convict has the responsibility
to cooperate with such agency or organization or the People’s Committee of the
commune in supervising and educating him/her.
3. While
serving the sentence, the convict must fulfill certain duties according to
regulations on community sentence and part of his income (5% - 20%) shall be
extracted to pay to state budget on a monthly basis. In special cases, the
court might not require income deduction and specify the reason in the
judgment.
The
income of a sentenced person who is doing his/her military service shall not be
deducted.
4. If the
person sentenced to community sentence is unemployed or loses his/her job while
serving the sentence, he/she must do works serving the community during the
period of community sentence.
The
duration of community serving must not exceeds 04 hours per day and 05 days per
week.
This
measure must not be applied to pregnant women, women raising children under 06
months of age, old and weak people, people having fatal diseases, people having
severe disabilities or extremely severe disabilities.
People
sentenced to community sentence must fulfill the duties specified in the Law on
enforcement of criminal judgments.
Article
37. Expulsion
Expulsion
means the act of forcing sentenced foreigners to leave the territory of
Socialist Republic of Vietnam.
Expulsion
shall be imposed as a primary sentence or additional sentence on a case-by-case
basis.
Article
38. Determinate imprisonment
1.
Determinate imprisonment means forcing the convict to serve his/her sentence in
a detention facility over a certain period of time.
The
duration of determinate imprisonment imposed upon an offender is from 03 months
to 20 years.
The
duration of temporary detention shall be deducted from the imprisonment
duration; 01 day of temporary detention equals (=) 01 day in prison.
2.
Determinate imprisonment shall not be imposed upon a person who commits a less
serious crime for the first time and has a fixed residence.
Article
39. Life imprisonment
Life
imprisonment is an indefinite imprisonment imposed upon people committing
extremely serious crimes but not punishable by death.
Life
imprisonment shall not be imposed upon offenders under 18 years of age
(hereinafter referred to as juvenile offenders).
Article
40. Death sentence
1. Death
sentence is a special sentence imposed upon people committing extremely serious
crimes that infringe national security, human life, drug-related crimes,
corruption-related crimes and some other extremely serious crimes defined by
this document.
2. Life
imprisonment shall not be imposed upon juvenile offenders, women who are
pregnant or raising children under 36 months of age and people from 75 years of
age or older when they commit the crime or during trial.
3. The
life sentence shall not be executed in the following circumstances:
a) The
convict is pregnant or a woman raising a child under 36 months of age;
b) The
sentenced person is 75 years of age or older;
c) The
person sentenced to death for embezzlement or taking bribes, after being
sentenced, has returned at least three quarters of the property embezzled or
bribes taken, closely cooperates with the authorities in the process of
investigation or trial or has made reparation in an effort to atone for the
crime.
4. In the
circumstances specified in Clause 3 of this Article or the death sentence is
commuted, the death sentence shall be replaced with life imprisonment.
Article
41. Prohibition from holding certain positions or doing certain works
Prohibition
from holding certain positions or doing certain works shall be imposed when the
convict is deemed to cause harm to society if he/she is allowed to hold the
positions or do the works.
The
duration of prohibition is from 01 to 05 years from the end of the imprisonment
or from the effective date of the judgment if the primary sentence is a
warning, fine or community sentence or the convict is given a suspended
sentence.
Article
42. Prohibition from residence
Prohibition
from residence means preventing the person sentenced to imprisonment from
temporarily or permanently residing in certain administrative divisions.
The
duration of prohibition is from 01 to 05 years from the end of the
imprisonment.
Article
43. Mandatory supervision
Mandatory
supervision means forcing a person sentenced to imprisonment to reside, work
and live within a defined area under the supervision of the local authority and
local people. During this period, the convict must not leave the commune
without permission, has some citizenship rights deprived of as prescribed in
Article 44 hereof and is banned from doing certain works.
Mandatory
supervision shall be imposed upon people committing crimes against national
security, dangerous recidivism and other crimes prescribed by this document
shall be kept under surveillance.
The
duration of mandatory supervision is from 01 to 05 years from the end of the
imprisonment.
Article
44. Deprivation of certain citizenship rights;
1. A
Vietnamese citizen sentenced to imprisonment for infringement of national
security or other crimes prescribed by this document shall have one or some of
the following citizenship rights derived of:
a) The
right to nominate oneself for a post in the authorities;
b) The
right to work in regulatory agencies and serve in the people's army.
2. The
duration of citizenship right deprivation is from 01 to 05 years from the end
of the imprisonment or from the effective date of the judgment if the convict
given a suspended sentence.
Article
45. Confiscation of property
Confiscation
of property means confiscation and transfer of part of or all of property under
the ownership of the convict to state budget.
Confiscation
of property shall only be imposed upon people who are convicted of serious
crimes, very serious crimes or extremely serious crimes against national
security, drug-related crimes, corruption or other crimes prescribed by this
document.
Confiscation
of property shall be so carried out that the convict and his/her family are
still able to carry on their life.
Chapter
VII
JUDICIAL MEASURES
Article
46. Judicial measures
1.
Judicial measures taken against a person committing a crime include:
a)
Confiscation of money and items directly related to the crime;
b)
Return, repair of property or provision of compensation; offering of public
apology;
c)
Mandatory disease treatment.
2.
Judicial measures taken against a corporate legal entity committing a crime
include:
a)
Confiscation of money and items directly related to the crime;
b)
Return, repair of property or provision of compensation; offering of public
apology;
c)
Restoration of original state;
d)
Implementation of other measures for mitigation and prevention of consequences.
Article
47. Confiscation of money and items directly related to the crime
1.
Expropriation or destruction shall be applied to:
a)
Instruments, vehicles used for the commission of the crime;
b) Items
or money earned from the commission of the crime or from selling, exchanging
them; illegal profits earned from the commission of the crime;
c) Items
banned from trading by the State.
2. Items
and money illegally appropriated or used by the offender shall be returned to
their lawful owners or managers instead of being confiscated.
3. Items,
money under the ownership of a person might be confiscated if such person
allows the offender to use them for the commission of the crime.
Article
48. Return, repair of property or provision of compensation; offering of public
apology
1. The
offender must return appropriated property to its lawful owner or manager, make
repair or provide compensation for the damage caused by the crime.
2. If the
offence results in psychological trauma of the victim, the court shall require
the offender to provide compensation in kind and offer a public apology.
Article
49. Mandatory disease treatment
1. A
person who commits an act dangerous to society while suffering from a disease
specified in Article 21 hereof, the Procuracy or Court, according to the
forensic examination conclusion or mental forensic examination, shall decide to
send him/her to a specialized medical facility for mandatory treatment.
2. If a
person has criminal capacity when committing the crime but loses his/her
awareness or control of his/her acts before conviction, according to the
forensic examination conclusion or mental forensic examination, the Court may
decide to send him/her to a specialized medical facility for mandatory
treatment. After the disease is treated, that person might bear criminal
responsibility.
3. If a
person serving an imprisonment sentence suffers from a diseases that causes
him/her to loses his/her awareness or control of his/her acts, according to the
forensic examination conclusion or mental forensic examination, the Court may
decide to send him/her to a specialized medical facility for mandatory
treatment. After the disease is treated, that person shall keep serving the
sentence if there are no reasons to do otherwise.
The
duration of mandatory treatment shall be deducted from the imprisonment
duration.
Chapter
VIII
DECISION ON SENTENCES
Section
1. GENERAL PROVISIONS
Article
50. Basis for decision on sentences
1. The
Court shall issue the decision on sentences pursuant to this document and in
consideration of the nature and danger of the crime to society, record of the
offender, mitigating factors and aggravating factors.
2. When
imposing a fine, apart from the basis specified in Clause 1 of this Article,
the Court shall also consider the offender's property and ability to pay the
fine.
Article
51. Mitigating factors
1. The
following circumstances are considered mitigating factors:
a) The
offender has prevented or reduced the harm caused by the crime;
b) The
offender voluntarily makes rectification, pays damages or relieves the
consequences;
c) The
crime is considered unjustified force in self-defense;
d) The
crime is considered unjustified force in urgent circumstance;
dd) The
crime is considered unjustified force in capturing a criminal;
e) The
crime is committed under provocation caused by the victim's illegal acts;
g) The
crime is committed because of extreme hardship that is not on the offender's
account;
h) The
crime has not inflicted damage or the damage inflicted is not significant;
i) The
offender commits a less serious crime and does not have prior criminal record;
k) The
crime is committed because the offender threatened or coerced by others;
l) The
offender commits the crime while because of lack of awareness that is not on
his/her account;
m) The crime
is committed due to obsolescence;
n) The
offender is a pregnant woman;
o) The
offender is 70 years of age or older;
p) The
offender has a serious physical disability or extremely serious physical
disability;
g) The
offender has a disease that limits his/her awareness or control of his/her
acts;
r) The
offender turns himself/herself in;
s) The
offender expresses cooperative attitude or contrition;
t) The
offender arduously assisting the agencies concerned in discovery of crimes or
investigation;
u) The offender
has made reparation in an effort to atone for the crime;
v) The
offender is an excellent worker, soldier or student;
x) The
offender is a parent, spouse or child of a war martyr or war veteran.
2. When
issuing a decision on sentences, the Court might consider the offender's
turning himself/herself in or other circumstances as mitigating factors and
specify the reasons in the judgment.
3. If a
circumstance defined as a mitigating factor this document is the basis for
determination of a crime or sentence bracket, it shall not be considered a
mitigating factor in the decision on sentences.
Article
52. Aggravating factors
1. The
following circumstances are considered aggravating factors:
a)
Organized crime;
b) The
crime is committed in a professional manner;
c) The
offender abuses his/her position or power to commit the crime;
d) The
crime is of a gangster-like nature;
dd) The
crime is committed by despicable motives;
e) The
offender is determined to commit the crime to the end;
g) The
offence has been committed more than once;
h)
Recidivism or dangerous recidivism;
i) The
crime is committed against a person under 16 years of age, pregnant woman or a
person aged 70 years or older;
k) The
crime is committed against a defenseless person, a person having a serious
physical disability or extremely serious physical disability, a person whose
awareness is limited or a person who is financially, spiritually,
professionally or otherwise dependent on the offender;
l) The
offender takes advantage of war, state of emergency, natural disaster, epidemic
or other tragic circumstances of society to commit the crime;
m) The
offender makes use of a sophisticated, deceitful or ruthless trick to commit
the crime;
n) The
offender uses a trick or instrument capable of harming many people to commit
the crime;
o) The
offender incites a person aged under 18 to commit the crime;
p) The
offender has deceitful or violent actions to conceal the crime.
2.
Circumstances defined by this document as the basis for determination of a
crime or sentence bracket shall not be considered an aggravating factor.
Article
53. Recidivism and dangerous recidivism
1.
Recidivism is a situation in which a person who has an unspent conviction for
the same offence and deliberately commits a very serious crime or involuntarily
commits an extremely serious crime.
2.
Dangerous recidivism is a situation in which:
a) A
person who has an unspent conviction for a deliberate very serious crime or
extremely serious crime deliberately commits a very serious crime or an
extremely serious crime;
b) A
person who repeated the same offence for which the conviction has not been
expunged deliberately commits another criminal offence.
Section
2. DECISION ON SENTENCES IN PARTICULAR CASES
Article
54. Decision on a sentence below lower limit of the sentence bracket.
1. The
Court may decide a sentence lighter than the lower limit of the current
sentence bracket if it is in the next lighter bracket provided the offender has
at least two mitigating factors specified in Clause 1 Article 51 hereof.
2. The
Court may decide a sentence below the lower limit of the current sentence
bracket and it is not required to belong to the next lighter bracket provided
the offender is an abettor with a minor role in the offense and does not have
prior criminal record.
3. If all
of the conditions specified in Clause 1 or Clause 2 of this Article are
satisfied but there is only one sentence bracket or the current sentence
bracket is already most lenient, the Court may switch over to a lighter
sentence. The reasons for imposition of a lighter sentence must be specified in
the judgment.
Article
55. Decision on sentence for multiple crimes
When a
person is tried for multiple crimes, the Court shall decide the sentence for
each of them and combined sentence as follows:
1.
Primary sentence:
a) If all
of the sentences imposed are community sentence or determinate imprisonment,
they shall be combined. The combined sentence shall not exceed 03 years for
community sentence and 30 years for determinate imprisonment;
b) If the
sentences imposed include community sentence and determinate imprisonment,
community sentence shall be converted into imprisonment. 03 days' community
sentence equals (=) 01 day's imprisonment.
c) If the
most severe sentence among the sentences imposed is life imprisonment, the
combined sentence shall be life imprisonment;
d) If the
most severe sentence among the sentences imposed is death sentence, the
combined sentence shall be death sentence;
dd) Fines
shall be aggregated and shall not be combined with other sentences;
e)
Expulsion shall not be combined with other sentences;
2.
Additional sentence:
a) If all
of the sentences imposed are of the same type, the combined sentence shall not
exceed the limit imposed by this document; fines shall be aggregated;
b) If the
sentences imposed are of various types, the convict must serve all of them.
Article
56. Combination of sentences of multiple judgments
1. If a
person who is serving a sentence is tried for a crime committed before such
sentence is imposed, the Court shall decide the sentence for the crime being
tried and then the combined sentence as prescribed in Article 55 hereof.
The
duration of the previous sentence shall be deducted from that of the combined
sentence.
2. When a
person who is serving a sentence is tried for a new crime, the Court shall
decide the sentence for the new crime, then aggregate it with the unserved part
of the sentence to make the combined sentence as prescribed in Article 55
hereof.
3. If
a person is serving multiple sentences that are not combined, the executive
judge of the Court shall issue a decision on a combined sentence as prescribed
in Clause 1 and Clause 2 of this Article.
Article
57. Decision on sentences for preparation of crimes or unsuccessful crimes
1. A sentence
for preparation of a crime or unsuccessful crime shall be decided in accordance
with Articles on corresponding crimes hereof and vary according to their
nature, danger to society, progress of the crime and other factors that prevent
the crime from being committed to the end.
2. The
sentence for preparation of a crime shall be imposed within the sentence
brackets in particular provisions of law.
3. The
maximum sentence for the unsuccessful crime shall be 20 years if the maximum
sentence provided for by corresponding provision of law is life imprisonment or
death sentence. The maximum sentence for an unsuccessful crime shall not exceed
three quarters of the determinate imprisonment sentence provided for by the
corresponding provision of law.
Article
58. Decision on sentence for complicacy
When
imposing sentences upon accomplices, the Court must consider the nature of
complicacy and the degree of participation of each accomplice.
Mitigating
factors, aggravating factors or from criminal responsibility of an accomplice
shall only apply to that accomplice.
Article
59. Exemption from punishment
The
offender might be exempt from punishment in the circumstances specified in
Clause 1 and Clause 2 Article 54 hereof, provided he/she deserves the leniency
but not to a degree eligible for exemption from criminal responsibility.
Chapter
IX
TIME LIMIT FOR JUDGMENT EXECUTION,
EXEMPTION FROM SERVING SENTENCES, REDUCTION OF SENTENCE DURATION
Article
60. Time limit for judgment execution
1. The
time limit for execution of a criminal judgment means a limited period of time
defined by this document after which the convicted person or corporate legal
entity is no longer required to serve the given sentence.
2. Time
limits for execution of a sentence imposed upon a person:
a) 05
years if the sentence is a fine, community sentence or imprisonment of 03 years
or shorter;
b) 10
years if the sentence is imprisonment of from over 03 years to 15 years;
c) 15
years if the sentence is imprisonment of from over 15 years to 30 years;
d) 20
years if the sentence is life imprisonment or death.
3. Time
limits for execution of a sentence imposed upon a corporate legal entity is 05
years.
4. The
time limit for execution of a sentence begins from its effective date. Within
the time limit set out in Clause 2 and Clause 3 of this Article, if the
convicted person or corporate legal entity commits a new crime, the time limit
will be reset and begins from the day on which the new crime is committed.
5. During
the time limit set out in Clause 2 of this Article, if the convicted
deliberately avoid and has a wanted decision, the time limit will begin when
he/she turns himself/herself in or gets arrested.
Article
61. Non-application of time limit for sentence execution
There are
no time limits for execution of sentences for the crimes specified in Chapter
XIII and Chapter XXVI hereof.
Article
62. Exemption from serving sentences
1. A
convict shall be exempt from serving his/her sentence in the event of a parole
or general amnesty.
2. The
Court, at the request of Director of the Procuracy, might exempt a person who
is sentenced to community sentence or imprisonment of up to 03 years and has
not served that sentence from serving the sentence in any of the following
circumstances:
a) The
convict has made reparation in an effort to atone for the crime after being
convicted;
b) The
convict has a fatal disease;
c) The
convict abides by law, his/her family is facing extreme hardship and he/she is
considered no longer dangerous to society.
3. The
Court, at the request of Director of the Procuracy, might exempt a person who
is sentenced to imprisonment of over 03 years and has not served that sentence
from serving the sentence if he/she has made reparation in an effort to atone
for the crime or has a fatal disease and considered no longer dangerous to
society.
4. If a
person who is sentenced to imprisonment of up to 03 years, has had the sentence
suspended and has made reparation in an effort to atone for the crime during
the suspension period or abides by law or his/her family is facing extreme
hardship and he/she is deemed no longer dangerous to society, the Court, at the
request of Director of the Procuracy, might exempt him/her from serving the
rest of the sentence.
5. If a
fined person has served part of the sentence and is facing prolonged financial
hardship due to a natural disaster, conflagration, accident or disease and thus
no longer able to pay the remaining fine or has made reparation in an effort to
atone for the crime, the Court, at the request of Director of the Procuracy,
might exempt him/her from paying the remaining fine.
6. If a
person prohibited from residence or kept under mandatory supervision has served
at least half the sentence and shows remarkable improvements, the Court, at the
request of the criminal sentence execution authority of the district where
he/she serves the sentence, might exempt him/her from serving the rest of the
sentence.
7. The
person exempt from serving a sentence as set out in this Article must fulfill
the civil obligations specified in the judgment.
Article
63. Commutation of sentence
1. If a
person who is sentenced to community sentence, determinate imprisonment or life
imprisonment has served the sentence for a sufficient period of time, shows
improvements and has fulfilled part of the civil liability, the Court, at the
request of a competent criminal sentence execution authority, might issue a
decision on commutation of the sentence.
The
convict must serve the sentence for a sufficient period of time which is one
third of the duration of community sentence or determinate imprisonment or 12
years of the life sentence.
2. A
person might receive more than one commutation. Nevertheless, at least half of
the sentence must be served.
The first
commutation of a life sentence shall be 30-year imprisonment. Nevertheless, a
life sentence must be served for at least 20 years in reality regardless of the
number of commutations.
3. If a
person is convicted of multiple crimes and the sentence for one of which is
life imprisonment, the Court may only give the first commutation to 30-year
imprisonment after the convict has served the sentence for 15 years.
Nevertheless, he/she must serve the sentence for at least 25 years in reality
regardless of the number of commutations.
4. If a
person who has received a commutation commits a new crime that is less serious,
the Court may only give the first commutation after he/she has served haft of
the combined sentence.
5. If a
person who has received a commutation commits a new crime that is serious, very
serious or extremely serious, the Court may only give the first commutation
after he/she has served two thirds of the combined sentence. If the combined
sentence is life, commutation shall be considered in accordance with Clause 3
of this Article.
6. With regard
a person who is sentenced to death and receives a commutation or a person
sentenced to death in the circumstances specified in Point b or Point c Clause
3 Article 40 hereof, the first commutation may only be given after the convict
has served the sentence for 25 years. Nevertheless, he/she must serve the
sentence for at least 30 years in reality.
Article
64. Commutation under special circumstances
If the
convict deserves further leniency (he/she has made reparation in an effort to
atone for the crime, is too old and weak or has a fatal disease), the Court may
consider giving a commutation sooner or at a greater degree than those set out
in Article 63 hereof.
Article
65. Suspended sentences
1. Where
a person is sentenced to imprisonment of up to 03 years, in consideration of
the offender's records and mitigating factors, the Court might give a suspended
sentence with a probation period of 1 - 5 years and request the convict to
fulfill certain obligations during this period in accordance with the Law on criminal
sentence execution if imprisonment is deem unnecessary.
2. During
the probation period, the convict shall be supervised and educated by the
organization or agency for which he/she works or the local authority. The
family of the convict has the responsibility to cooperate with such agency or
organization or the local authority in supervising and educating him/her.
3. The
court may impose additional sentences upon the convict if provided for by the
applied provision of law.
4. After
the convict has completed half the duration of the probation and shows
improvements, at the request of the supervising agency/organization, the Court
shall consider reducing the probation period.
5. During
the probation period, if the convict deliberately fails to fulfill his/her
obligations twice or more as prescribed by the Law on criminal sentence
execution, the Court might require him/her to serve the sentence. If the
convict commits a new crime, the Court shall force him/her to serve a combined
sentence of the suspended sentenced and the new sentence as prescribed in
Article 56 hereof.
Article
66. Conditional parole
1. A
person serving an imprisonment sentence (prisoner) may be granted parole when
all of the following conditions are satisfied:
a) The
prisoner does not have prior criminal record;
b) The
prisoner shows remarkable improvements;
c) The
prisoner convicted of a serious crime, very serious crime or extremely serious
crime has received a commutation;
d) The
prisoner has a fixed residence;
dd) The
prisoner has paid fines, legal costs and civil compensation in full;
e) The
prisoner has served at least half of determinate imprisonment or at least 15
years of life imprisonment commuted to determinate imprisonment.
A
prisoner who is a wounded soldier, sick soldier, member of a martyr's family,
aged 70 or older, a person suffering from a serious physical disability or
extremely serious physical disability, a woman raising a child under 36 months
of age must serve at least one third of determinate imprisonment or at least 12
years of life imprisonment commuted to determinate imprisonment;
g) The
offence is not committed in any of the circumstances specified in Clause 2 of
this Article.
2. Parole
shall not be granted to:
a) any
prisoner that is convicted of infringement of national security; terrorism,
disruption of peace, crimes against humanity, war crimes; any person sentenced
to 10 years' imprisonment or longer for deliberate infliction of harm to human
life, health or dignity; any person sentenced to 7 years' imprisonment for
robbery, kidnapping for ransom, illegal manufacturing, trading, appropriation
of narcotic substances;
b) any
person sentenced to death and granted commutation or any person in the
circumstances specified in Clause 3 Article 40 hereof.
3. At the
request of a competent criminal sentence execution authority, the Court shall
decide granting parole. The person granted parole must fulfill his/her
obligations during the probation period. The probation period equals (=) the
remaining duration of the imprisonment sentence.
4. If the
person granted parole deliberately fails to fulfill his/her obligations twice
or more or receives 02 or more administrative penalties during the probation
period, the Court might cancel the parole and force him/her to keep serving the
sentence.
If such
person commits a new crime during the probation period, the Court shall force
him/her to serve a combined sentence of the unserved sentenced and the new
sentence as prescribed in Article 56 hereof.
5. After
the person granted parole has served half of the probation period and shows
remarkable improvements, at the request of the competent criminal sentence
execution authority, the Court shall consider reducing the probation period.
Article
67. Deferred imprisonment sentence
1. A
person sentenced to imprisonment (the convict) might have the sentence deferred
in the following cases:
a) A
convict suffering from a serious disease may have the sentence deferred until
he/she recovers;
b) A
convict who is a pregnant woman or raising a child under 36 months of age may
have the sentence deferred until the child reaches the age of 36 months;
c) If the
convict is the sole source of income in the family and his/her imprisonment
causes his/her family to face extreme hardship, he/she may have the sentence
deferred for up to 01 year, unless he/she commits a crime against national
security, a very serious crime or extremely serious crime;
b) A
person convicted of a less serious crime may have the sentence deferred for up
to 01 year if required by his/her official duties.
2. During
the deferment, if the convict commits a new crime, the Court shall require
him/her to serve a sentence which is a combination of the deferred sentence and
the new sentence as prescribed in Article 56 hereof.
Article
68. Suspended imprisonment sentence
1. A
person who is serving an imprisonment sentence may have the sentence suspended
in the circumstances specified in Clause 1 Article 67 hereof.
2. The
duration of suspension shall be included in the imprisonment period.
Chapter
X
CONVICTION EXPUNGEMENT
Article
69. Conviction expungement
1. A
convict may have his conviction expunged in accordance with Article 70 through
73 hereof. A person whose conviction is expunged is treated as if he/she does
not have such conviction.
2. People
convicted of involuntary and less serious crimes or serious crimes and people
exempt from punishments are treated as if they do not have any convictions.
Article
70. Automatic conviction expungement
1.
Automatic conviction expungement is granted to people convicted of crimes other
than those specified in Chapter XIII and Chapter XXVI hereof after they have
served their primary sentences, probation period of a suspended sentence or
when the time limit for sentence execution expires and the conditions specified
in Clause 2 and Clause 3 of this Article are met.
2.
Automatic conviction expungement shall be granted to a convict if he has served
the primary sentence or the probation period of a suspended sentence,
additional punishments, other decisions of the judgment and does not commit any
new crime during the periods specified below:
a) 01
year in case of a warning, fine, community sentence or suspended imprisonment
sentence;
b) 02
years in case of imprisonment of up to 05 years;
c) 03
years in case of imprisonment from over 05 years to 15 years;
d) 05
years in case of imprisonment of over 15 years or commuted life imprisonment.
A convict
serving an additional punishment that is mandatory supervision, prohibition
from residence, prohibition from holding certain positions, prohibition from
doing certain jobs, deprivation of certain citizenship rights for a period
longer than those specified in Point a, b and c of this Clause, automatic
conviction expungement shall be granted when he/she finishes serving the additional
punishment.
3.
Automatic conviction expungement shall be granted to a convict if he/she does
not commit any new crime during the period specified in Clause 2 of this
Article from the end of the time limit for sentence execution.
4. The
agency managing criminal record database shall update information about
criminal records of the convicts and issue criminal records which contains
certification of no convictions on request if all conditions specified in
Clause 2 or Clause 3 of this Article are satisfied.
Article
71. Conviction expungement under a court's decision
1.
Conviction expungement under a court's is granted to people convicted of crimes
specified in Chapter XIII and Chapter XXVI hereof after they have served their
primary sentences, probation period of a suspended sentence or when the time
limit for sentence execution expires and the conditions specified in Clause 2
and Clause 3 of this Article are met.
The court
shall decide whether to grant conviction expungement to people convicted of the
criminal offences specified in Chapter XIII and Chapter XXVI hereof in
consideration of the nature of the crimes committed, the convicts' obedience to
the law and working attitude.
2. The
court shall grant conviction expungement if the convict, after serving the
primary sentence or probation period of a suspended sentence as well as
additional sentences and other decisions of the judgment, does not commit any
new crime over the following periods:
a) 03
years in case of warning, community sentence or imprisonment of up to 05 years;
b) 05
years in case of 05 - 15 years' imprisonment;
c) 07
years in case of > 15 years' imprisonment, life imprisonment or death
sentence that is commuted.
If the
convict is serving an additional sentence which is mandatory supervision, prohibition
from residence or deprivation of certain citizenship rights for a longer period
than that specified in Point a of this Clause, conviction expungement shall be
considered when he/she finishes serving the additional sentence.
3. If a
convict does not commit any new crime during the period specified in Clause 2
of this Article from the expiration of the time limit for sentence execution.
4. If an
application for conviction expungement is rejected for the first time, it may
only be resubmitted after 01 year; if the application for conviction
expungement is rejected for the second time, it may only be resubmitted after
02 years.
Article
72. Special cases of conviction expungement
Where a
convict shows remarkable improvements and has made reparation in an effort to
atone for the crime and conviction expungement is requested by his/her employer
or local authority, the court shall decide to grant conviction expungement if
has served at least one third of the period specified in Clause 2 Article 70
and Clause 2 Article 71 of this Law.
Article
73. Period after which a conviction may be expunged
1. The
period after which a conviction may be expunged specified in Article 70 and
Article 71 hereof depends on the primary sentence.
2. If the
convict who has not had the conviction expunged commits a new crime which leads
to a conviction under an effective judgment, the period after which the
conviction may be expunged shall start over from the day on which the primary
sentence has been served or the end of the probation period of the new judgment
or from the deadline for execution of the new judgment.
3. If the
convict has committed more than one crime and one of which is naturally
eligible for expungement, one of which is eligible for expungement under a
court's decision, the court shall decide expungement according to the period
specified in Article 71 hereof.
4. Where
a person is exempt from serving the remaining sentence, it will be considered
that the sentence has been served.
Chapter
XI
REGULATIONS APPLIED TO COMMERCIAL LEGAL
ENTITIES COMMITTING CRIMINAL OFFENCES
Article
74. Application of Criminal Code to corporate legal entities committing
criminal offences
A
corporate legal entity shall bear criminal responsibility according to this
Chapter, other regulations of Part One hereof that do not contravene this
Chapter.
Article
75. Conditions for a corporate legal entity to bear criminal responsibility
1. A
corporate legal entity shall only bear criminal responsibility if all of the
following conditions are satisfied:
a) The
criminal offence is committed in the name of the corporate legal entity;
b) The
criminal offence is committed in the interests of the corporate legal entity;
c) The
criminal offence is under instructions or approval of the corporate legal
entity;
d) The
time limit for criminal prosecution specified in Clause 2 and Clause 3 Article
27 hereof has not expired.
2. The
fact that corporate legal entity has criminal responsibility does not exempt
criminal responsibility of individuals.
Article
76. Scope of criminal responsibility of corporate legal entities
A
corporate legal entity shall only bear criminal responsibility for the
following criminal offences:
1.
Article 188 (Smuggling); Article 189 (Illegal trafficking of goods or money
across the border); Article 190 (Manufacture or trading of banned commodities);
Article 191 (Possession or transport of banned commodities); Article 192
(manufacture or trading of counterfeit foods, foodstuff or food additives);
Article 194 (Manufacture of trading of counterfeit medicines for treatment or
prevention of diseases); Article 195 (Manufacture or trading of counterfeit
animal feeds, fertilizers, veterinary medicine, pesticides, plant varieties,
animal breeds); Article 196 (Hoarding); Article 200 (Tax evasion); Article 203
(Illegal printing, issuance, trading of invoices or receipts); Article 209
(Deliberate publishing of false information or concealment of information in
securities activities); Article 210 (Use of internal information to deal in
securities); Article 211 (Cornering the stock market); Article 213 (Commission
of frauds in insurance business); Article 216 (Evasion of social insurance,
health insurance, unemployment insurance payment for employees); Article 217
(Violations against regulations on competition); Article 225 (Infringement of
copyrights and relevant rights); Article 226 (Infringement of industrial
property rights); Article 227 (violations against regulations on survey,
exploration and extraction of natural resources); Article 232 (Violations against
regulations on forest extraction and protection); Article 234 (Violations
against regulations on management and protection of wild animals);
2.
Article 235 (Causing environmental pollution); Article 237 (Violations against
regulations on environmental emergency prevention, response and relief);
Article 238 (Violations against regulations on protection of irrigation works,
embankments and works for protection against natural disasters; Violations
against regulations on protection of river banks); Article 239 (Import of
wastes into Vietnam’s territory); Article 22 (Destruction of aquatic
resources); Article 243 (Forest destruction); Article 244 (Violations against
regulations on management and protection of endangered, rare animals); Article
245 (Violations against regulations on management of wildlife sanctuaries);
Article 246 (Import and spread of invasive alien species).
Article
77. Fine
1. Fine
is imposed as a primary punishment or additional punishment against corporate
legal entities committing criminal offences.
2. The
fine level depends on the nature and level of danger of the criminal offence
with account taken of the offender's financial capacity and fluctuation of
prices. Nevertheless, the fine must not fall under VND 50,000,000.
Article
78. Suspension of operation
1.
Suspension of operation means suspension of a corporate legal entity's
activities in one or some fields in which the corporate legal entity harms
human life, health, the environment, social security or order and the damage
can be repaired in reality.
2. The
suspension period is from 06 months to 03 years.
Article
79. Permanent shutdown
1.
Permanent shutdown means termination of a corporate legal entity's activities
in one or some fields in which the corporate legal entity causes damage or
possibly harms life, health of many people, causes environmental emergencies or
negatively impact social security or order and the damage cannot be repaired.
2. A
corporate legal entity is established for the sole purpose of committing the
criminal offence shall have all of its activities permanently terminated.
Article
80. Ban from operating in certain fields
1. Ban
from certain fields shall be imposed if it is considered that the convicted
corporate legal entity might harm human life, health or society if it keeps
operating in such fields.
2. The
court shall decide the fields from which the convicted entity is banned.
3. The
duration of ban is from 01 to 03 years from the effective date of the judgment.
Article
81. Prohibition from raising capital
1. Prohibition
from raising capital shall be applied if it is considered that the convicted
corporate legal entity might harm human life, health or society if it keeps
operating in such fields.
2. Types
of prohibition from raising capital:
a)
Prohibition from taking loans from banks, credit institutions and or investment
funds;
b)
Prohibition from issuance and securities offering;
c)
Prohibition from raising capital from clients;
d)
Prohibition from cooperation and association both in Vietnam and overseas;
dd) Prohibition
from establishing real estate trusts.
3. The
court shall decide on one or some of the types of prohibition specified in
Clause 2 of this Article.
4. The
duration of prohibition from raising capital is from 01 to 03 years from the
effective date of the judgment.
Article
82. Judicial measures taken against corporate legal entities committing
criminal offences
1. The
Court may decide to take the following judicial measures against a corporate
legal entity committing criminal offences:
a) The
judicial measures specified in Article 47 and Article 48 hereof;
b)
Compulsory restoration of original state;
c)
Compulsory implementation of some measures for mitigation and prevention of
consequences.
2. The
court may require the offending entity to restore the original state which was
changed by its criminal offence.
3. The
court, on a case-by-case basis, may require the offending entity to implement
one or some of the following measures for mitigation and prevention of
consequences of the offence:
a)
Compulsory dismantlement of the work or part of the work that is not licensed
or built against the license;
b)
Compulsory relief of environmental pollution or spread of disease;
c)
Compulsory removal from Vietnam’s territory or re-export of goods, vehicles
taken into Vietnam’s territory against regulations of law or those temporarily
imported but have not been re-exported as prescribed by law; imported or
transited goods that infringe intellectual property rights; counterfeit goods;
vehicles, raw materials imported for manufacture or trading of counterfeit
goods after the elements of violation have been removed;
d)
Compulsory destruction of goods or items that harm health of humans, animals,
plants and the environment; obscene materials or other exhibits subject to destruction
as prescribed by law;
dd)
Compulsory removal of violation elements on the goods, goods labels, means of
trading or items;
e)
Compulsory recall of violating products being sold on the market.
Article
83. Basis for deciding punishments against offending corporate legal entities
The
Court, pursuant to this document and in consideration of the nature and danger
of the criminal offence to society, offending entity's observation of law,
mitigating and aggravating factors, to decide the punishment.
Article
84. Mitigating factors mitigating factors and criminal responsibility of
corporate legal entity
1. The
following circumstances are mitigating factors:
a) The
offender has prevented or reduced the harm caused by the criminal offence;
b) The
offender voluntarily makes rectification, pays damages or relieves the
consequences;
c) The
criminal offence has not caused any damage or the damage caused is
insignificant;
d) The
offender offers cooperation with proceeding agencies during the proceedings;
dd) The offender
has considerable contributions to implementation of social policies.
2. When
deciding the punishments, the Court might consider the offender's other
circumstances as mitigating factors and specify the reasons in the judgment.
3. If a
circumstance defined as a mitigating factor this document is the basis for
determination of a crime or punishment bracket, it shall not be considered a
mitigating factor in the decision on punishments.
Article
85. Aggravating factors applied to corporate legal entities
1. The
following circumstances are considered aggravating factors:
a)
Committing the criminal offence in collusion with another corporate legal
entity;
b)
Deliberately committing the criminal offence to the end;
c) The
offence has been committed more than once;
d)
Recidivism or dangerous recidivism;
dd) The
offender takes advantage of war, state of emergency, natural disaster, epidemic
or other tragic circumstances of society to commit the criminal offence;
e) The
offender makes use of sophisticated tricks to commit or conceal the criminal
offence.
2.
Circumstances defined by this document as the basis for determination of a
criminal offence or punishment bracket shall not be considered an aggravating
factor.
Article
86. Decision on punishment for commission of multiple criminal offences
When a
corporate legal entity is tried for multiple criminal offences, the Court shall
decide the punishment for each of them and combined punishment as follows:
1.
Primary punishment:
a) If all
punishments are fines, they shall be aggregated;
b)
Punishments being suspension of activities in specific fields shall not be
combined;
c) Fines
shall not be combined with other punishments;
2.
Additional punishment:
a) If all
of the punishments imposed are the of the same type, the combined punishment
shall not exceed the limits specified in this document applied to such
punishment; fines shall be aggregated;
b) If the
punishments imposed are of various types, the convicted corporate legal entity
must serve all of them.
Article
87. Combination of punishments of multiple judgments
1. If a
corporate legal entity that is serving a sentence is tried for a criminal
offence committed before such sentence is imposed, the Court shall decide the
sentence for the criminal offence being tried and then the combined sentence as
prescribed in Article 86 hereof.
The
duration of the previous sentence that is suspension of operation, prohibition
from operating in certain fields or ban from raising capital shall be deducted
from that of the combined sentence.
2. When a
corporate legal entity that is serving a sentence commits a new criminal
offence, the Court shall decide the sentence for the new offence, then
aggregate it with the unserved part of the sentence to make the combined
sentence as prescribed in Article 86 hereof.
3. If a
corporate legal entity is serving multiple sentences that are not combined, the
executive judge of the Court shall issue a decision on a combined sentence as
prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article.
Article
88. Exemption of punishment
An
offending corporate legal entity may be exempt from punishment after the damage
has been repaired and compensation has been paid.
Article
89. Expungement of conviction
A
convicted corporate legal entity shall automatically have its conviction
expunged if it does not commit any new criminal offence for 02 years from the
day on which the primary punishments, additional punishments, other decisions
of the judgment are served or from the expiration of the time limit for
execution of the judgment.
Chapter
XII
REGULATIONS APPLIED TO JUVENILE OFFENDERS
Section
1. GENERAL REGULATIONS ON CRIMINAL PROSECUTION AGAINST JUVENILE OFFENDERS
Article
90. Application of Criminal Code to juvenile offenders
A person
aged from 14 to under 18 who commits a criminal offence shall take criminal
responsibility in accordance with this Chapter, other regulations of Part One
hereof that do not contravene this Chapter.
Article
91. Rules for taking actions against juvenile offenders
1.
Actions against juvenile offenders must be taken in their best interests and
for the purpose of education, helping them to rectify their wrongdoing, develop
healthily and become a helpful citizen.
Actions
taken against juvenile offenders depend on their ages, awareness of their criminal
acts, reasons and circumstances in which the criminal offences are committed.
2. A
juvenile offender who commits a criminal offence in any of the following
circumstances and has more than one mitigating factors, voluntarily repairs the
most part of the damage caused may be exempt from criminal responsibility and
the measures specified in Section 2 of this Chapter, provided it is not the
case specified in Article 29 hereof:
a) A
person aged from 16 to under 18 commits a less serious crime or serious crime,
except in the circumstances specified in Article 134 (deliberate infliction of
bodily harm upon another person); Article 141 (Rape); Article 171 (Snatching);
Article 248 (Illegal manufacture of narcotic substances); Article 249 (Illegal
possession of narcotic substances); Article 250 (Illegal trafficking of
narcotic substances); Article 251 (Illegal dealing in narcotic substances);
Article 252 (Appropriation of narcotic substances) hereof;
b) A
person aged from 14 to under 16 deliberately commits a very serious crime or
serious crime specified in Clause 2 Article 12 hereof, except in the
circumstances specified in Article 134 (homicide); Article 134, Clause 4
through 6 (Deliberate infliction of bodily harm upon another person); Article
141 (Rape); Article 142 (Rape of a person aged under 16); Article 144
(Non-consensual intercourse with a person aged from 13 to under 16); Article
150 (Human trafficking); Article 151 (Trafficking of a person aged under 16);
Article 168 (Robbery); Article 171 (Snatching); Article 248 (Illegal
manufacture of narcotic substances); Article 249 (Illegal possession of
narcotic substances); Article 250 (Illegal trafficking of narcotic substances);
Article 251 (Illegal dealing in narcotic substances); Article 252
(Appropriation of narcotic substances) hereof;
c) The
juvenile offender is an accomplice who has a minor role in the commission of
the criminal offence.
3.
Criminal prosecution against a juvenile offender shall only be initiated if
necessary with account taken of his/her record, the danger to society of
his/her offence and requirements for crime prevention.
4. At the
trial, the court shall only impose a sentence upon a juvenile offender if it is
considered that the exemption of criminal responsibility and application any of
the measures specified in Section 2 or compulsory education in a correctional
institution specified in Section 3 of this Chapter do not have sufficient
educational and deterrent effects.
5. Life
imprisonment and death sentence shall not be imposed upon a juvenile offender.
6. The
court shall only impose imprisonment upon a juvenile offender if it is
considered that other punishments and educational measures do not have
sufficient deterrent effects.
Where
imprisonment is necessary, it shall be as short as is reasonable and more
lenient that than applied to a person aged 18 and above (hereinafter referred
to as adult offender) who commits a similar crime.
Additional
punishments shall not be shall not be imposed upon a juvenile offender.
7. A
sentence imposed upon an offender aged under 16 shall not be used as the basis
for determination of recidivism or dangerous recidivism.
Section
2. SUPERVISORY AND EDUCATIONAL MEASURES IN CASE OF EXEMPTION FROM CRIMINAL
RESPONSIBILITY
Article
92. Conditions
The
investigating authority, the procuracy or the court shall only grant exemption
of criminal responsibility and issue reprimand, call for reconciliation or
implement compulsory educational measures in the community if the juvenile
offender or his/her legal representative accepts one of such measures.
Article
93. Reprimand
1. A
reprimand shall be issued against a juvenile offender in the following cases in
order to help him/her be aware of his/her criminal act and it consequences for
the community, society and his/her obligations:
a) An
offender aged from 16 to under 18 commits a less serious crime for the first
time;
b) An
offender aged under 18 is an accomplice who has an insignificant role in the
commission of the crime.
2. The
investigating authority, the procuracy or the court shall decide the issuance
of reprimand. The issuance of a reprimand against a juvenile offender must be
witnessed by his/her parent or legal representative.
3. The
reprimanded person has the obligations to:
a) Comply
with the law, rules of his/her community, school and workplace;
b) Report
for duty at the request of a competent authority;
c)
Participate in educational programs and vocational training programs held by
the local government; do appropriate jobs.
4. The
competent authority shall decide the time limit for fulfilling the obligations
specified in Point b and Point c Clause 3 of this Article on a case-by-case
basis, which is from 03 months to 01 year.
Article
94. Reconciliation
1.
Reconciliation shall be applied to a juvenile offender in the following cases:
a) An
offender aged from 16 to under 18 commits a less serious crime or serious
crime;
b) An
offender aged from 14 to under 16 commits a very serious crime specified in
Point b Clause 2 Article 91 hereof.
2. The
investigating authority, the procuracy or the court shall cooperate with the
People’s Committee of the commune to organize the reconciliation when the
victim or his/her legal representative voluntarily seek reconciliation and
request exemption of criminal responsibility.
3. The
person subject to reconciliation has the obligations to:
a) Offer
the victim apologies and pay damages;
b)
Fulfill the obligations specified in Clause 3 Article 93 hereof.
Article
95. Compulsory educational measures in the commune
1. The
investigating authority, the procuracy or the court may apply education in the
commune for 01 to 02 years to a juvenile offender in the following cases:
b) An
offender aged from 16 to under 18 commits a less serious crime or serious crime
specified in Point a Clause 2 Article 91 hereof;
b) An
offender aged from 14 to under 16 commits a very serious crime specified in
Point b Clause 2 Article 91 hereof.
2. The
subject to supervisory and educational measures has the obligations to:
a)
Fulfill his/her study and work duties;
b) Be
supervised and educated by his/her family and commune government;
c) Not
leave the commune without permission;
d)
Fulfill the obligations specified in Clause 3 Article 93 hereof.
3. If the
person subject to educational measures has served one half of the duration and
shows remarkable improvements, the agency that imposes the measures may
terminate the measures at the request of the People’s Committee of the commune.
Section
3. COMPULSORY EDUCATION IN CORRECTIONAL INSTITUTIONS
Article
96. Education in correctional institutions
1. The
court may subject a juvenile offender to compulsory education in correctional
institutions for 01 - 02 years if the criminal act is considered serious or the
measure is necessary because of his/her record or living environment.
2. The
person sent to a correctional institution must fulfill his/her study and work
duties under the supervision of the institution.
Article
97. Early termination of education in correctional institutions
If the
person subject to educational measures has served one half of the duration and
shows remarkable improvements, the court may terminate the measures at the
request of the institution.
Section
4. PUNISHMENTS
Article
98. Punishments imposed upon juvenile offenders
A
juvenile offender shall face one of the following punishments for each criminal
offence committed:
1.
Warning;
2. Fine;
3.
Community sentence;
4.
Imprisonment.
Article
99. Fine
A fine
shall be imposed as an administrative penalty upon an offender aged from 16 to
under 18 if he/she has income or private property.
The fine
incurred by an offender aged from 16 to under 18 shall not exceed one half of
the fine specified by the law.
Article
100. Community sentence
1.
Community sentence shall be imposed upon an offender aged from 16 to under 18
who involuntarily commits a less serious crime, serious crime or very serious
crime or an offender aged from 14 to under 16 who deliberately commits a very
serious crime.
2. When
community sentence is imposed upon a juvenile offender, his/her income must not
be deducted.
The
duration of community sentence imposed upon a juvenile offender shall not
exceed one third of the duration specified by the law.
Article
101. Determinate imprisonment
1. If the
punishment for a crime is life imprisonment or death sentence as prescribed by
law, the heaviest sentence imposed upon an offender aged from 16 to under 18
shall not exceed 18 years; If the punishment for a crime is determinate
imprisonment, the heaviest sentence imposed upon an offender aged from 16 to
under 18 shall not exceed three quarters of the duration prescribed by law;
2. If the
punishment for a crime is life imprisonment or death sentence as prescribed by
law, the heaviest sentence imposed upon an offender aged from 14 to under 16
shall not exceed 12 years; If the punishment for a crime is determinate
imprisonment, the heaviest sentence imposed upon an offender aged from 16 to
under 18 shall not exceed one half of the duration prescribed by law.
Section
5. SENTENCE DECISION, COMBINED DECISION, SENTENCE EXEMPTION OR COMMUTATION,
CONVICTION EXPUNGEMENT
Article
102. Decision on a sentence for preparation of a crime or unsuccessful crime
1. The
court shall impose a sentence upon a juvenile offender for preparation of a
crime or unsuccessful crime in accordance with Clause 1 Article 57 hereof.
2. The
heaviest sentence imposed upon an offender aged from 14 to under 16 for
preparation of a crime shall not exceed one third of the sentence for
preparation of a crime prescribed by law.
The
heaviest sentence imposed upon an offender aged from 16 to under 18 for
preparation of a crime shall not exceed one third of the sentence in the
bracket for preparation of a crime prescribed by law.
3. The
heaviest sentence imposed upon an offender aged from 16 to under 18 for unsuccessful
crime shall not exceed one third of the heaviest sentence specified in Article
100 and Article 101 hereof.
The
heaviest sentence imposed upon an offender aged from 16 to under 18 shall not
exceed one half of the sentence specified in Article 99 through 101 hereof.
Article
103. Combined sentence for multiple crimes
1. Where
a juvenile offender commits multiple crimes, the court shall impose a sentence
for each of them and a combined sentence in accordance with Article 55 hereof.
If the
combined sentence is community sentence, the duration shall not exceed 03
years. If the combined sentence is determinate imprisonment, its duration shall
not exceed 18 years for an offender aged from 16 to under 18 and 12 years for
an offender aged from 14 to under 16.
2. Where
a juvenile offender commits multiple crimes and one or some of which are
committed before he/she reaches the age of 16 and the other afterwards:
a) If the
sentence for the crime committed before the offender reaches the age of 16 is
heavier or the same as that for the crime committed afterwards, the combined
sentence shall not exceed the heaviest sentence imposed upon an offender aged
from 14 to under 16 prescribed in Clause 1 of this Article;
a) If the
sentence for the crime committed after the offender has reached the age of 16
is heavier or the same as that for the crime committed before the offender
reaches the age of 16, the combined sentence shall not exceed the heaviest
sentence imposed upon an offender aged from 14 to under 16 prescribed in Clause
1 of this Article;
3. Where
a juvenile offender commits multiple crimes and one or some of which are
committed when he/she reaches the age of 18 and the other afterwards:
a) If the
sentence for the crime committed before the offender reaches the age of 18 is
heavier or the same as that for the crime committed afterwards, the combined
sentence shall not exceed the heaviest sentence specified in Clause 1 of this
Article;
b) If the
sentence for the crime committed when the offender has reached the age of 18 is
heavier or the same as that for the crime committed before the offender reaches
the age of 18, the combined sentence shall be the same as that imposed upon an
adult offender.
Article
104. Combination of punishments of multiple judgments
If a person
who is serving a sentence is tried for a crime committed before or after such
sentence is imposed, the Court shall impose a combined sentence in accordance
with Article 55 and Article 56 hereof.
The
combined sentence must not exceed the heaviest sentence specified in Article
103 hereof.
Article
105. Sentence commutation
1. If a
juvenile offender who is sentenced to community sentence or imprisonment has
shown improvements and has served one quarter of the sentence, the court shall
consider commuting the sentence. Each commutation may reduce the sentence by up
to 04 years, provided the offender has to serve at least 2/5 of the sentence.
2. If a
juvenile offender who is sentenced to community sentence or imprisonment has
made reparation in an effort to atone for the crime or has a fatal disease,
commutation shall be considered and the remaining sentence may be cancelled.
3. If the
sentence imposed upon a juvenile offender is a fine but he/she is facing
prolonged financial hardship due to a natural disaster, conflagration, accident
or disease or has made reparation in an effort to atone for the crime, the
court, at the request of Director of the Procuracy, might exempt him/her from
paying the remaining fine.
Article
106. Conditional parole
1. A
juvenile offender who is serving an imprisonment sentence may be given a parole
if all of the following conditions are satisfied, except in the circumstances
specified in Clause 2 Article 66 hereof:
a) The
convict does not have prior criminal record;
b) He/she
shows remarkable improvements;
c) The
convict has served one third of the sentence duration;
d) The
prisoner has a fixed residence;
2.
Conditional parole shall be granted in accordance with Clause 3 through 5
Article 66 hereof.
Article
107. Expungement of conviction
1. A
juvenile offender shall be treated as if he/she does not have a conviction in
any of the following circumstances:
a) The
offender is from 14 to under 16 years of age;
b) The
offender aged from 16 to under 18 is convicted of a less serious crime, serious
crime or an involuntary very serious crime;
c)
Judicial measures specified in Section 3 of this Chapter are taken.
2. A
person aged from 16 to under 18 who is convicted of a deliberate very serious
crime or extremely serious crime shall automatically have his/her conviction
expunged if he/she does not commit any new crime for 03 years from the day on
which the primary sentence is served or from the expiration of the time limit
for sentence execution.
Part
Two
CRIMINAL OFFENCES
Chapter
XIII
INFRINGEMENT OF NATIONAL SECURITY
Article
108. High treason
1. Any
Vietnamese citizen who colludes with foreign entities in infringing the
independence, sovereignty and territorial integrity of Vietnam, the socialism
regime and the State of Socialist Republic of Vietnam, its national defense and
security shall face a penalty of 12 - 20 years' imprisonment, life imprisonment
or death.
2. If the
offence involves multiple mitigating factors, imprisonment duration shall be 07
- 15 years.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this criminal offence shall
face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
109. Activities against the people's government
Any
person who establishes or joins an organization that acts against the people's
government shall face the following sentences:
1. The
organizer, instigator or person whose activities cause serious consequences
shall face a penalty of 12 - 20 years' imprisonment, life imprisonment or
death;
2. Any
accomplice shall face a penalty of 05 - 12 years' imprisonment;
3. Any
person who makes preparation for the commission of this criminal offence shall
face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
110. Espionage
1. A
person who commits any of the acts below shall face a penalty of 12 - 20 years'
imprisonment, life imprisonment or death:
a)
Espionage, sabotage or establishment of facilities serving espionage against
Socialist Republic of Vietnam;
b)
Establishment of facilities serving espionage or sabotage under the direction
of foreign entities; spying, informing, concealing, guiding or other acts that
assist foreigners in espionage or sabotage;
c)
Providing or collecting to provide classified information for foreign entities;
collecting, providing other information and/or documents serving foreign entities'
activities against Socialist Republic of Vietnam.
2. A less
serious case of this offence carries a penalty of 05 - 15 years' imprisonment.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this criminal offence shall
face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
4. A
person who operates as a spy, fails to accomplish his/her missions and turns
himself/herself in shall be exempt from criminal responsibility for this
offence.
Article
111. Infringement upon territory
Any
person who infringes upon Vietnam's territory, distorts the national border or
commits any other act for the purpose of infringing the territory of Socialist
Republic of Vietnam shall face the following penalties:
1. The
organizer or person whose activities cause serious consequences shall face a
penalty of 12 - 20 years' imprisonment or life imprisonment;
2. Any
accomplice shall face a penalty of 05 - 15 years' imprisonment;
3. Any
person who makes preparation for the commission of this criminal offence shall
face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
112. Rebellion
Any
person who engages in armed activities or uses organized force to act against
the people's government shall face the following penalties:
1. The
organizer or person whose activities cause serious consequences shall face a
penalty of 12 - 20 years' imprisonment, life imprisonment or death;
2. Any
accomplice shall face a penalty of 05 - 15 years' imprisonment;
3. Any
person who makes preparation for the commission of this criminal offence shall
face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
113. Terrorism to oppose the people's government
1. Any
person who, for the purpose of opposing the people's government, infringes upon
life of officials or other people shall face a penalty of 12 - 20 years' imprisonment,
life imprisonment or death.
2. The
following offences carry 10 - 15 years' imprisonment:
a)
Establishing, joining a terrorist organization or an organization sponsoring
terrorism;
b)
Forcing, persuading other people to participate in terrorism; recruiting,
training terrorists; manufacturing, providing weapons for terrorists;
c)
Infringing upon bodily integrity, health of officials or other people.
3. An
offence that involves death threats or mental intimidation carries a penalty of
5 - 10 years' imprisonment.
4.
Terrorist acts against foreign organizations, individuals or international
organizations for the purpose of destroying the Vietnam's international
relationship also carry the penalties specified in this Article.
5. Any
person who makes preparation for the commission of this criminal offence shall
face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
114. Sabotaging facilities of Socialist Republic of Vietnam;
1. Any
person who, for the purpose of opposing the people's government, sabotages
political, national defense, national security, economic, scientific,
technological, cultural or social facilities of Socialist Republic of shall
face a penalty of 12 - 20 years' imprisonment, life imprisonment or death.
2. A less
serious case of this offence carries a penalty of 05 - 15 years' imprisonment.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this criminal offence shall
face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
115. Sabotaging implementation of socio-economic policies
1. Any
person who, for the purpose of opposing the people's government, sabotages the
implementation of socio-economic policies shall face a penalty of 07 - 15
years' imprisonment.
2. A less
serious case of this offence carries a penalty of 03 - 07 years' imprisonment.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this offence shall face a
penalty of 06 - 36 months'' imprisonment.
Article
116. Sabotaging implementation of solidarity policies
1. Any
person who, for the purposes of opposing the people's government, commits any
of the following acts shall face a penalty of 07 - 15 years' imprisonment:
a) Sowing
divisions between the classes of people, between the people and people's
government, the people’s armed forces or socio-political organizations;
b)
Causing hostility, discrimination, secession, infringement upon equality rights
among the ethnic communities of Vietnam;
c) Sowing
division between religion followers and non-followers, between religions,
between religion followers and people's government or socio-political
organizations;
d)
Sabotaging the implementation of international solidarity policies.
2. A less
serious case of this offence carries a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this offence shall face a
penalty of 06 - 36 months' imprisonment.
Article
117. Making, possessing, spreading information, materials, items for the
purpose of opposing the State of Socialist Republic of Vietnam
1. Any
person who, for the purpose of opposing the State of Socialist Republic of
Vietnam, commits any of the following acts shall face a penalty of 05 - 12
years' imprisonment:
a)
Making, possessing, spreading information, materials, items whose that contains
distorted information about the people's government;
b)
Making, possessing, spreading information, materials, items whose that contains
fabricated information to cause dismay among the people;
c)
Making, possessing, spreading information, materials, items to cause
psychological warfare.
2. An
extremely serious case of this offence carries a penalty of 10 - 20 years'
imprisonment.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this criminal offence shall
face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
118. Disruption of security
1. Any
person who, for the purpose of opposing the people's government, incites,
persuades, gathers other people to disrupt security, resists law enforcement
officers in the performance of their duties, obstruct the operation of agencies
or organizations shall face a penalty of 05 - 15 years' imprisonment, except in
the circumstances specified in Article 112 hereof.
2. Any
accomplice shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this offence shall face a
penalty of 06 - 36 months'' imprisonment.
Article
119. Disruption of detention facilities
1. Any
person who, for the purpose of opposing the people's government, causes
disruption at a detention facility, assisting other people to escape from a
detention facility, replace a detained or escorted person or escapes from a
detention facility shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment or life
imprisonment.
2. A less
serious case of this offence carries a penalty of 03 - 10 years' imprisonment.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this offence shall face a
penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
120. Organizing, coercing, instigating illegal emigration for the purpose of
opposing the people's government
1. Any person
who, for the purpose of opposing the people's government, assists, forces or
persuades other people to emigrate illegally shall face a penalty of 05 - 15
years' imprisonment.
2. An
extremely serious case of this offence carries a penalty of 12 - 20 years'
imprisonment or life imprisonment.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this offence shall face a
penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
121. Illegal emigration for the purpose of opposing the people's government
1. Any
person who, for the purpose of opposing the people's government, emigrates
illegally shall face a penalty of 03 - 12 years' imprisonment.
2. An
extremely serious case of this offence carries a penalty of 12 - 20 years'
imprisonment.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this offence shall face a
penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
122. Additional punishment
A person
who commits an offence specified in this Chapter may have some of his/her
citizenship rights deprived of, be put under mandatory supervision, be
prohibited from residence for 01 - 05 years or have all or part of his/her
property confiscated.
Chapter
XIV
OFFENCES AGAINST THE PERSON AND REPUTATION
Article
123. Murder
1. A
murderer in any of the cases below shall face a penalty of 12 - 20 years'
imprisonment, life imprisonment or death:
a) Murder
of 02 or more people;
b) Murder
of a person aged under 16;
c) Murder
of a woman with the full knowledge of her pregnancy;
d) Murder
of a law enforcement officer in performance of his/her official duties or
murder of a person because of his/her official duties;
dd)
Murder of the murderer's grandparent, parent, caregiver or teacher;
e) Murder
committed right before or after committing a very serious crime or extremely
serious crime;
g) Murder
for the commission or concealment of another crime;
g) Murder
for taking the victim's body parts;
i) Brutal
murder;
k) Murder
by taking advantage of the murderer's profession;
l) Murder
using a method capable of killing many people;
m) Contract
killing;
n) Murder
of a gangster-like nature;
o)
Organized murder;
p)
Dangerous recidivism;
q) Murder
from despicable motives.
2. Murder
in circumstances other than those specified in Clause 1 of this Article carries
a penalty of 07 - 15 years' imprisonment.
3. Any
person who makes preparation for the commission of this offence shall face a
penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
4. The
offender might be forbidden from practicing his/her profession or doing certain
jobs for 01 - 05 years, face mandatory supervision or prohibition from
residence for 01 - 05 years.
Article
124. Murder or abandoning of a newborn child
1. A
mother who kills her own newborn child under the impact of obsolete belief or
in a special objective circumstance shall face a penalty of 06 - 36 months'
imprisonment.
2. A
mother who, under the impact of obsolete belief or in a special and objective
circumstance, abandons her own newborn child within the first 07 days shall
face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment if such abandonment results in the death of the child.
Article
125. Manslaughter under provocation
1. Any
person who commits manslaughter under provocation because of the victim's
serious illegal actions against the perpetrator or the perpetrator’s family
shall face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment.
2. The
manslaughter of 02 or more people under provocation carries a penalty of 03 -
07 years' imprisonment.
Article
126. Involuntary manslaughter because of the use of unjustified force in
self-defense or while capturing a criminal
1. An
involuntary manslaughter because of the use of unjustified force in
self-defense or while capturing a criminal carries a penalty of up to 02 years'
community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. The
involuntary manslaughter of 02 or more people in this case carries a penalty of
02 - 05 years' imprisonment.
Article
127. Manslaughter by a law enforcement officer in performance of his/her
official duties
1. A law
enforcement officer in performance of his/her duty who commits manslaughter
because of violence in circumstances other than those justified by law shall
face a penalty of 05 - 10 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 08
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 or more people;
b) The
offence is committed against a person aged under 16 or a woman with the full
knowledge of her pregnancy.
3. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
128. Involuntary manslaughter
1. A
person who commits an involuntary manslaughter shall face a penalty of up to 03
years' community sentence or 01 - 5 years' imprisonment.
2. This
offence carries a penalty of 03 - 10 years' imprisonment if it results in the
death of 02 or more people.
Article
129. Involuntary manslaughter because of misconduct in professional practice or
administrative rules
1. A
person who commits an involuntary manslaughter because of misconduct in
professional practice or administrative rules shall face a penalty of 01 - 05
years' imprisonment.
2. This
offence carries a penalty of 05 - 12 years' imprisonment if it results in the
death of 02 or more people.
3. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
130. Coercing suicide
1. Any
person who cruelly treats, frequently oppresses, abuses or humiliates his/her
care-dependent to such an extent that the care-dependent commits suicide shall
face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed against 02 or more people;
b) The
offence is committed against a person aged under 16 or a woman with the full
knowledge of her pregnancy.
Article
131. Inciting or aiding another to commit suicide
1. A
person who commits any of the following acts shall face a penalty of up to 03
years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a)
Inciting, counseling, persuading another to commit suicide;
b)
Providing financial or spiritual support for another to commit suicide.
2. An
offence that results in the suicide of 02 or more people carries a penalty of
02 - 07 years' imprisonment.
Article
132. Failure to assist a person in peril
1. Any
person who is capable of but fails to assist a person in peril shall face a
penalty, up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment if
such failure results in the death of that person.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 05 years' imprisonment:
a) The
offender is the one who causes the peril the victim was in;
b) The
offender has a duty to rescue by law or by his/her professional ethics.
3. An
offence that results in the death of 02 or more people carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment.
4. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
133. Threat of murder
1. A
person who threatens to commit a murder shall face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment if there are grounds for the
threatened person to believe that the threat is likely to be carried out.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed against 02 or more people;
b) The
offence involves abuse of the offender's position or power;
c) The
threat is made against a law enforcement officer in performance of his/her
official duties or because of his/her official duties;
d) The
threat is made against a person aged under 16;
dd) The
threat is meant to conceal another criminal offence or avoid punishment for
such offence.
Article
134. Deliberate infliction of bodily harm upon another person
1. A
person who deliberately inflicts bodily harm upon another person and causes 11%
- 33% WPI or under 11% WPI in any of the following circumstances shall face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) A
dangerous weapon or method is used to harm 02 or more people;
b) Sulfuric
acid (H2SO4) or another hazardous chemical is used to
inflict bodily harm upon another person;
c) The
act results in a mild handicap of the victim;
d) The
offence has been committed more than once;
dd) The
offence is committed against 02 or more people;
e) The
victim is a person aged under 16, a woman whose pregnancy is known by the
offender, an old and weak, sick or defenseless person;
g) The
victim is the offender's grandparent, parent, caregiver or teacher;
h) The
offence is committed by an organized group;
i) The
offence involves abuse of the offender's position or power;
k) The
offence is committed while the offender is kept in temporary detention, serving
his/her sentence in a prison or correctional institution or rehabilitation
center;
l) The
offender hires another person or is hired to inflict bodily harm to the victim;
m) The
offence is of a gangster-like nature;
n)
Dangerous recidivism;
o) The
offence is committed against a law enforcement officer in performance of
his/her official duties or because of his/her official duties;
2. A
person who deliberately inflicts bodily harm upon another people and causes 11%
- 33% WPI in any of the circumstances specified in Point a, b, d, dd, e, g, h,
i, k, l, m, n and o Clause 1 of this Article shall face a penalty of 02 - 05
years' imprisonment.
3. A
person who deliberately inflicts bodily harm upon another people and causes 31%
- 60% WPI shall face a penalty of 04 07 years' imprisonment.
4. A
person who deliberately inflicts bodily harm upon another people and causes 31%
- 60% WPI in any of the circumstances specified in Point a, b, d, dd, e, g, h,
i, k, l, m, n and o Clause 1 of this Article shall face a penalty of 07 - 12
years' imprisonment.
5. A
person who deliberately inflicts bodily harm upon another person and causes ≥
61% WPI, except for the case in Point c Clause 6 of this Article or the death
of the victim shall face a penalty of 10 - 15 years' imprisonment.
6. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 or more people;
b) The
offence results in bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers from
≥ 61% WPI;
c) The
offence results in injuries to the victim’s face and causes ≥ 61% WPI;
7. Any
person who makes preparation for the commission of this offence shall face a
penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
Article
135. Deliberate infliction of bodily harm upon others under provocation
1. A
person who deliberately inflicts bodily harm upon another people and causes 31%
- 60% WPI under provocation because of the victim's serious violations of law
against the offender or the offender's family member shall face a fine of VND
10,000,000 - VND 50,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 06
- 36 months'' imprisonment:
a) The
offence results in bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers from
31% - 60% WPI;
b) The
offence causes ≥ 61% WPI or death of the victim.
Article
136. Deliberate infliction of bodily harm because of unjustified force in
capturing criminals
1. Any
person who deliberately inflicts 31% - 60% WPI to another person because of
unjustified force in capturing criminals shall incur a fine of VND 5,000,000 -
VND 20,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 02 years' imprisonment:
a) The
offence results in bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers from
31% - 60% WPI;
b) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim.
3. If
this offence results in the death of a person or bodily harm of 02 or more
people, each of whom suffers from ≥ 61% WPI, the offender shall face a penalty
of 01 - 03 years' imprisonment.
Article
137. Deliberate infliction of bodily harm by a law enforcement officer in
performance of his/her official duties
1. Any
law enforcement officer in performance of his/her official duties who uses
violence under circumstances other than those in which infliction of bodily
harm is permitted by law or deliberately inflicts bodily harm upon another
person and causes 31% - 60% WPI shall face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers from
≥ 31% WPI;
b) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim;
c) The
offence is committed against a person aged under 16, a woman whose pregnancy is
known by the offender, an old and weak, sick or defenseless person.
3. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
138. Involuntary infliction of bodily harm upon others
1. Any
person who involuntarily inflicts 31% - 60% WPI to another person shall receive
a warning, be liable to a fine of VND 5,000,000 - VND 20,000,000 or face a
penalty of up to 03 years' community sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 02 years' imprisonment:
a) The
offence results in bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers from
31% - 60% WPI;
b) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim.
3. If
this offence results in bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers
from ≥ 61% WPI, the offender shall face a penalty of 01 - 03 years'
imprisonment.
Article
139. Involuntary infliction of bodily harm because of professional misconduct
or breach of administrative rules
1. Any
person who, because of misconduct in professional practice or violations
against administrative rules, involuntarily inflicts 31% - 60% WPI upon another
person shall be liable to a fine of VND 20,000,000 - VND 100,000,000 or face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 03 - 12 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 06
- 36 months'' imprisonment:
a) The
offence results in bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers from
31% - 60% WPI;
b) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim.
3. If
this offence results in bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers
from ≥ 61% WPI, the offender shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment.
4. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
140. Abuse
1. A
person who maltreats or humiliates his/her dependent, except in the
circumstances specified in Article 185 hereof, shall face a penalty of up to 03
years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 03 years' imprisonment:
a) The
victim is a person aged under 16, a woman whose pregnancy is known by the
offender, an old and weak, sick or defenseless person;
b) The
victim suffers from ≥ 11% mental and behavioral disability because of the
offence;
c) The
offence is committed against 02 or more people.
Article
141. Rape
1. Any
person who uses violence or threatens to use violence or takes advantage of the
victim's defenselessness or otherwise engages in non-consensual sexual
intercourse or other sexual activities shall face a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed against a person for whom the offender is responsible for
providing care, education or medical treatment;
c) The
offence is committed by more than one person against one person;
d) The
offence has been committed more than once;
dd) The
offence is committed against 02 or more people;
e) The
offence is of an incestuous nature;
g) The
offence results in the victim's pregnancy;
h) The
offence causes 31% - 60% WPI for the victim;
i) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
k)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim;
b) The
offender commits the offence in the knowledge of his HIV infection;
c) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
d) The
offence results in the death or suicide of the victim.
4. The
offence committed against a person aged from 16 to under 18 carries a penalty
of 05 - 10 years' imprisonment.
A person
commits the offence in any of the circumstances specified in Clause 2 or Clause
3 shall face corresponding penalties specified in therein.
5. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
142. Rape of a person under 16
1. A
person who commits any of the following acts shall face a penalty of 07 - 15
years' imprisonment:
a) Use of
violence or threatens to use violence or takes advantage of the victim's
defenselessness or otherwise engages in non-consensual sexual intercourse or
other sexual activities with a person aged from 13 to under 16.
b)
Engaging in sexual intercourse or other sexual activities with a person under
13.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence is of an incestuous nature;
b) The
offence results in the victim's pregnancy;
c) The
offence causes 31% - 60% WPI for the victim;
d) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
dd) The
offence is committed against a person for whom the offender is responsible for
providing care, education or medical treatment;
e) The
offence has been committed more than once;
g) The
offence is committed against 02 or more people;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment, life imprisonment or death:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed by more than one person against one person;
c) The
offence is committed against a person under 10;
d) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim.
dd) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
e) The
offender commits the offence in the knowledge of his HIV infection;
g) The
offence results in the death or suicide of the victim.
4. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
143. Sexual abuse
1. Any
person who employs trickery to make his care-dependent or a person in extreme
need to reluctantly engage in sexual intercourse or other sexual activities
shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by more than one person against one person;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence is committed against 02 or more people;
d) The
offence is of an incestuous nature;
dd) The
offence results in the victim's pregnancy;
e) The
offence causes 31% - 60% WPI for the victim;
g) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 18 years' imprisonment:
a) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim;
b) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability;
c) The
offender commits the offence in the knowledge of his HIV infection;
d) The
offence results in the death or suicide of the victim.
4. If
this offence is committed against a person aged from 16 to under 18, the
offender shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
A person
commits the offence in any of the circumstances specified in Clause 2 or Clause
3 shall face corresponding penalties specified in therein.
5. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
144. Sexual abuse of a person aged from 13 to under 16
1. Any
person who employs trickery to make a person aged from 13 to under 16 who is
his care-dependent or a person in extreme need to reluctantly engage in sexual
intercourse or other sexual activities shall face a penalty of 05 - 10 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is of an incestuous nature;
b) The
offence results in the victim's pregnancy;
c) The
offence causes 31% - 60% WPI for the victim;
d) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
dd) The
offence has been committed more than once;
e) The
offence is committed against 02 or more people;
g)
Dangerous recidivism.
3. This offence
committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12 - 20
years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence is committed by more than one person against one person;
b) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim;
c) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
d) The
offender commits the offence in the knowledge of his HIV infection;
dd) The
offence results in the death or suicide of the victim.
4. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
145. Engaging in sexual intercourse or other sexual activities with a person
aged from 13 to under 16
1. Any
person aged 18 or over who engages in sexual intercourse or other sexual
activities with a person aged from 13 to under 16 in circumstances other than
those specified in Article 142 and Article 144 hereof shall face a penalty of
01 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence is committed against 02 or more people;
c) The
offence is of an incestuous nature;
d) The
offence results in the victim's pregnancy;
dd) The
offence causes 31% - 60% WPI for the victim;
e) The
offence is committed against a person for whom the offender is responsible for
providing care, education or medical treatment.
3. This offence
committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07 - 15
years' imprisonment:
a) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim;
b) The
offender commits the offence in the knowledge of his HIV infection.
4. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
146. Molestation of a person under 16
1. Any
person who molests a person under 16 for purposes other than sexual intercourse
or other sexual activities shall face a penalty of 06 - 36 months'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a)
Organized crime;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence is committed against 02 or more people;
d) The
offence is committed against a person for whom the offender is responsible for
providing care, education or medical treatment;
dd) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
e)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
b) The
offence results in the suicide of the victim.
4. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
147. Employment of a person under 16 for pornographic purposes
1. Any
person aged 18 or over who persuades, entices, forces a person under 16 to
participate in a pornographic performance or watch a pornographic performance
in any shape or form shall face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a)
Organized crime;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence is committed against 02 or more people;
d) The
offence is committed against a person for whom the offender is responsible for
providing care, education or medical treatment;
dd) The
offence is committed for commercial purposes;
e) The victim
suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the offence;
g)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
b) The
offence results in the suicide of the victim.
4. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
148. Transmission of HIV to others
1. A
person who, in the knowledge of his/her HIV infection, deliberately transmits
HIV to another person, unless the victim knows the it and voluntarily engages
in sexual intercourse, shall face a penalty of 01 - 03 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed against 02 or more people;
b) The
offence is committed against a person aged under 18;
c) The
offence is committed against a woman with the full knowledge of her pregnancy;
d) The
offence is committed against the physician or health worker who directly
provides treatment for the offender;
dd) The
offence is committed against a law enforcement officer in performance of
his/her official duties or because of his/her official duties.
Article
149. Deliberate transmission of HIV to others
1. Any
person who deliberately transmits HIV to another person in circumstances other
than those specified in Article 148 hereof shall face a penalty of 03 - 07
years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed against a law enforcement officer in performance of
his/her duty or because of his/her official duties;
c) The
offence is committed against a person under 18;
d) The
offence is committed against 02 - 05 people.
dd) The
offence is committed by taking advantage of the offender's profession;
e) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence is committed against a woman with the full knowledge of her pregnancy;
b) The
offence is committed against 06 or more people;
c) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
d) The
offence results in the suicide of the victim.
4. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
150. Human trafficking
1. Any
person who uses violence, threatens to use violence, deceives or otherwise
commits any of the following acts shall face a penalty of 05 - 10 years'
imprisonment:
a)
Transferring or receiving human people for transfer for money, property or
other financial interests;
b)
Transferring or receiving human people for sexual slavery, coercive labor,
taking body parts or for other inhuman purposes;
c)
Recruiting, transporting, harboring other people for the commission of any of
the acts specified in Point a or Point b of this Clause.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 08
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed by despicable motives;
c) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
d) The
offence causes ≥ 31% WPI for the victim, except in the circumstances specified
in Point b Clause 3 of this Article;
dd) The
victim is taken out of Vietnam’s territory;
e) The
offence is committed against 02 - 05 people;
g) The
offence has been committed more than once.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in a professional manner;
b) The
victim's body part has been taken;
c) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
d) The
offence results in the death or suicide of the victim;
dd) The
offence is committed against 06 or more people;
e)
Dangerous recidivism;
4. The
offender may also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND 100,000,000
, be put under mandatory supervision, prohibited from residence for 01 - 05
years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
151. Trafficking of a person under 16
1. A
person who commits any of the following acts shall face a penalty of 07 - 12
years' imprisonment:
a)
Transferring or receiving a person under 16 for transfer for money, property or
other financial interests, except for humanitarian purposes;
b)
Transferring or receiving a person under 16 for sexual slavery, coercive labor,
taking body parts or for other inhuman purposes;
c)
Recruiting, transporting, harboring a person under 16 for the commission of any
of the acts specified in Point a or Point b of this Clause.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
b) The
offence involves abuse of the offender's position or power;
b) The
offender commits the offence by taking advantage of child adoption;
c) The
offence is committed against 02 - 05 people;
d) The
offence is committed against a person for whom the offender is responsible for
providing care;
dd) The
victim is taken out of Vietnam’s territory;
e) The
offence has been committed more than once;
g) The
offence is committed by despicable motives;
h) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
i) The
offence causes ≥ 31% WPI for the victim, except in the circumstances specified
in Point d Clause 3 of this Article.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 18
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
d) The
victim's body part has been taken;
dd) The
offence results in the death or suicide of the victim;
e) The
offence is committed against 06 or more people;
g)
Dangerous recidivism.
4. The
offender may also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years, be put under mandatory supervision for 01 - 05 years
or have all or part of his/her property confiscated.
Article
152. Swapping a person under 01 year of age
1. Any
person who swaps a person under 01 year of age with another person under 01
year of age shall face a penalty of 02 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves abuse of the offender's position or power;
c) The
offence is committed against a person for whom the offender is responsible for
providing care;
d) The
offence has been committed more than once;
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in a professional manner;
b)
Dangerous recidivism.
4. The
offender may also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 50,000,000,
be prohibited from holding certain positions or doing certain works for 01 - 05
years.
Article
153. Abduction of a person under 16
1. Any
person who uses violence, threatens to use violence, deceives or otherwise
commits any of the following acts shall face a penalty of 05 - 10 years'
imprisonment:
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves abuse of the offender's position or power;
c) The
offence is committed against a person for whom the offender is responsible for
providing care;
d) The
offence is committed against 02 - 05 people.
dd) The
offence has been committed more than once;
e) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
g) The
offence causes ≥ 31% WPI for the victim.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in a professional manner;
b) The
offence is committed against 06 or more people;
c) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
d) The
offence results in the death of the victim;
dd)
Dangerous recidivism.
4. The
offender may also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 50,000,000,
be prohibited from holding certain positions or doing certain works for 01 - 05
years.
Article
154. Trading, appropriation of human tissues or body parts
1. Any
person who deals in or appropriates human tissues or other body parts shall
face a penalty of 03 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed for commercial purposes;
c) The
offence involves abuse of the offender's position or power;
d) The
offence is committed against 02 - 05 people.
dd) The
offence has been committed more than once;
e) The
offence causes 31% - 60% WPI for the victim.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence is committed in a professional manner;
b) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim.
c) The
offence is committed against 06 or more people;
d) The
offence results in the death of the victim;
dd)
Dangerous recidivism.
4. The
offender may also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 100,000,000,
be prohibited from holding certain positions or doing certain works for 01 - 05
years.
Article
155. Insults to another person
1. Any
person who seriously insults another person shall receive a warning, be liable
to a fine of VND 10,000,000 - VND 30,000,000 or face a penalty of up to 03
years' community sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 02 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence is committed against 02 or more people;
c) The
offence involves abuse of the offender's position or power;
d) The
offence is committed against a law enforcement officer in performance of
his/her official duties;
dd) The
offence is committed against a person who cares for, teaches, raises or
provides medical treatment for the offender;
e) The
offence is committed using a computer network, telecommunications network or
electronic device;
g) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 05 years' imprisonment:
a) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
b) The
offence results in the suicide of the victim.
4. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
156. Slander
1. A
person who commits any of the following acts shall be liable for a fine of from
VND 10,000,000 to VND 50,000,000, face a penalty of up to 02 years' community
sentence or 03 - 12 months' imprisonment:
a)
Fabricating information or spreading false information to harm another person's
reputation or infringes upon another person's lawful rights and interests;
b)
Accusing a person of a fabricated crime report it to the authorities.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 03 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves abuse of the offender's her position or power;
c) The
offence is committed against 02 or more people;
d) The
offence is committed against the offender's grandparent, parent or a person who
cares for, teaches, raises or provides medical treatment for the offender;
dd) The
offence is committed against a law enforcement officer in performance of
his/her official duties;
e) The
offence is committed using a computer network, telecommunications network or
electronic device;
g) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
h)
Accusing another person of a very serious crime or extremely serious crime
which is fabricated.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by despicable motives;
b) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability;
c) The
offence results in the suicide of the victim.
4. The
offender may also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 50,000,000,
be prohibited from holding certain positions or doing certain works for 01 - 05
years.
Chapter
XV
CRIMINAL OFFENCES AGAINST PERSONAL
LIBERTY, CITIZENS' RIGHTS TO FREEDOM AND DEMOCRACY
Article
157. Illegal arrest, detention or imprisonment of a person
1. Any
person who arrests, detains or imprisons another person against the law, except
in the circumstances specified in Article 377 hereof, shall face a penalty of
up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves abuse of the offender's her position or power;
c) The
offence is committed against a law enforcement officer in performance of
his/her official duties;
d) The
offence has been committed more than once;
dd) The
offence is committed against 02 or more people;
e) The
offence is committed against a person under 18, a woman whose pregnancy is
known by the offender, an elderly, sick or defenseless person.
g) The
offence results in the victim's extreme hardship or predicament;
h) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence results in the victim's death or suicide;
b) The
victim is tortured or treated in a brutal and inhuman way or the victim's
dignity is destroyed;
c) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence.
4. The
offender might be forbidden from holding certain positions for 01 - 05 years.
Article
158. Home infringement
1. A
person who commits any of the following acts shall face a penalty of up to 02
years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment:
a)
Illegally searching another person's home;
b) Using
violence or threatening to use violence or other illegal tricks to force another
person to leave his/her lawful home;
c) Using
illegal tricks to occupy a home or obstruct its lawful residents or managers
from entering their home;
d)
Breaking in another person's home without the consent of its owner or manager.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves abuse of the offender's her position or power;
c) The
offence has been committed more than once;
d) The
offence results in the suicide of the victim;
dd) The
offence has a negative impact on social safety, order and security.
3. The
offender might be forbidden from holding certain positions for 01 - 05 years.
Article
159. Infringement upon secret information, mail, telephone, telegraph privacy
or other means of private information exchange
1. A
person who recommits any of the following acts despite the fact that he/she has
incurred a disciplinary or administrative penalty shall receive a warning, be
liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty of
up to 03 years' community sentence:
a)
Appropriation of another person's mails, telegraphs, telex, faxes or other
documents which are transmitted on the postal or telecommunications network in
any shape or form;
b)
Deliberately damaging, losing or obtaining another person's mails, telegraphs,
telex, faxes or other documents which are transmitted on the postal or
telecommunications network;
c)
Listening or recording conversations against the law;
d)
Searching, confiscating mails or telegraphs against the law;
dd) Other
acts that infringe upon secret information, mail, telephone, telegraph privacy
or other means of private information exchange.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 03 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves abuse of the offender's her position or power;
c) The
offence has been committed more than once;
d) The
obtained information is disclosed and affects another person's dignity or
reputation;
dd) The
offence results in the suicide of the victim.
3. The
offender may also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 20,000,000,
be prohibited from holding certain positions for 01 - 05 years.
Article
160. Infringement upon citizens' right to vote or self-nominate or vote upon
referendum
1. A
person who uses deception, bribery, coercion or otherwise obstructs a citizen
from exercising his/her right to vote, self-nominate or vote upon a referendum
held by the State shall receive a warning or face a penalty of up to 01 year'
community sentence or 03 - 12 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 02 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves abuse of the offender's her position or power;
c) The
offence results in postponement of the election day, re-election or
postponement of the referendum.
3. The
offender might be forbidden from holding certain positions for 01 - 05 years.
Article
161. Falsification of election or referendum result
1. Any
person who is responsible for organizing, supervising the election or
organizing the referendum and fabricate documents, votes or otherwise falsifies
the election or referendum result shall face a penalty of up to 02 years'
community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 03 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence results in postponement of the election or referendum.
3. The
offender might be forbidden from holding certain positions for 01 - 05 years.
Article
162. Forcing officials to resign or laying off workers against the law
1. Any
person who, for self-seeking purposes or another private motive, commits any of
the following acts which results in the laid off person or his/her family
extreme hardship or strike shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to
VND 100,000,000 or face a penalty of up to 01 year's community sentence or 03 -
12 months' imprisonment:
a)
Issuing illegal decisions on dismissal of an official;
b) Laying
off a worker against the law;
c) Forcing
or threatening an official or worker to resign.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 200,000,000 or a penalty of 01 - 03 years' imprisonment:
a) The
offence is committed against 02 or more people;
b) The
offence is committed against a woman whose pregnancy is known by the offender;
c) The
offence is committed against a woman raising a child under 12 months of age;
d) The
offence results in the suicide of the person who resigns or is laid off.
3. The
offender might be forbidden from holding certain positions for 01 - 05 years.
Article
163. Infringement upon citizens' right to association
1. Any
person who uses violence, threatens to use violence or otherwise obstructs or
forces other people to associate or hold meeting despite the fact that he/she
has incurred a disciplinary or administrative penalty shall face a penalty of
up to 01 year's community sentence or 03 - 12 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 03 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves abuse of the offender's her position or power;
c) The
offence has been committed more than once;
d) The
offence results in a demonstration;
dd) The
offence has a negative impact on social safety, order and security.
3. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
164. Infringement upon the freedom of religion
1. Any
person who uses violence, threatens to use violence or otherwise obstructs a
person from exercising his/her freedom of religion or forces another person to
follow or not to follow a specific religion despite the fact that he/she has
incurred disciplinary or administrative penalty for the same offence shall face
a penalty of up to 01 year's community sentence or 03 - 12 months'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 03 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves abuse of the offender's her position or power;
c) The
offence has been committed more than once;
d) The
offence results in a demonstration;
dd) The
offence has a negative impact on social safety, order and security.
3. The
offender might be prohibited from holding certain positions, practicing his/her
profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
165. Infringement of gender equality
1. A
person who, for reason of gender, obstructs another person from participate in
activities in terms of politics, economics, labour, education, science and
technology, culture, information, sports, healthcare despite the fact that
he/she has incurred a disciplinary or administrative penalty for the same
offence shall be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 50,000,000 or
face a penalty of up to 2 years' community sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 50,000,000 to VND 100,000,000 or a penalty of 03 - 24 months' imprisonment:
a) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence is committed against 02 or more people.
3. The
offender might also be forbidden from holding certain positions, practicing
his/her profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
166. Infringement of the right to complain or denounce
1. A
person who commits any of the following acts shall face a penalty of up to 03
years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) Use of
violence, threat to use violence or other tricks to obstruct the process of
complaining or denunciation, the consideration and settlement of complaints and
denunciation or the taking of actions against the person complained or
denounced against;
b) Abuse
of position or power in obstructing the decision of an authority competent to
consider and settle complaints and denunciations which results in damage
incurred by the complainer or denouncer.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b)
Revenge is taken on the complainer or denouncer;
c) The
act specified in Point a Clause 1 of this Article involves the abuse of the
offender's position or power;
d) The
offence results in a demonstration;
dd) The
offence results in the suicide of the complainer or denouncer.
3. The
offender might be forbidden from holding certain positions for 01 - 05 years.
Article
167. Infringement upon freedom of speech, freedom of the press, the right of
access to information and the right to protest of citizens
1. Any
person who uses of violence, threatens to use violence or otherwise obstructs a
citizen from exercising his/her freedom of speech, freedom of the press, right
of access to information or right to protest despite the fact that he/she has
incurred disciplinary or administrative penalty for the same offence shall face
a penalty of up to 02 year's community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves abuse of the offender's her position or power;
c) The
offence has a negative impact on social safety, order and security.
3. The
offender might be forbidden from holding certain positions for 01 - 05 years.
Chapter
XVI
PROPERTY OWNERSHIP INFRINGEMENT
Article
168. Robbery
1. Any
person who uses violence, threat of immediate violence or commits other acts
that render another person unable to resist in other to obtain his/her property
shall face a penalty of 03 - 10 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
offence causes 11% - 30% WPI for the victim;
d) The
offender uses a dangerous weapon, device or other dangerous methods to commit
the offence;
dd) The
property taken is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
e) The
offence is committed against a person under 16, a woman whose pregnancy is
known by the offender, an old and weak, sick or defenseless person.
g) The
offence has a negative impact on social safety, order and security;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
property taken is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
offence causes 31% - 60% WPI for the victim;
c) The
offender takes advantage of a natural disaster or epidemic to commit the
offence.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 18
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
property taken is assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
offence results in bodily harm of 01 person who suffers from ≥ 61% WPI or
bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers from ≥ 31% WPI of 02 or
more victims;
c) The
offence results in the death of the victim;
d) The
offender takes advantage of a war or state of emergency to commit the offence.
5. Any
person who makes preparation for the commission of this offence shall face a
penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
6. The
offender may also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 100,000,000
, be put under mandatory supervision, prohibited from residence for 01 - 05
years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
169. Kidnapping for ransom
1. Any
person who takes another person hostage for ransom shall face a penalty of 02 -
07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
offender uses a dangerous weapon, device or other dangerous methods to commit
the offence;
d) The
offence is made against a person under 16;
dd) The
offence is committed against 02 or more people;
e) The
ransom demanded is from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
g) The
offence causes 11% - 30% WPI for the hostage;
h) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence;
i) The
offence has a negative impact on social safety, order and security;
k)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 18 years' imprisonment:
a) The
ransom demanded is from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
offence causes 31% - 60% WPI for the hostage;
c) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence;
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
ransom demanded is ≥ VND 500,000,000;
b) The
offence results in bodily harm of 01 person who suffer from ≥ 61% WPI or bodily
harm of 02 or more people, each of whom suffers from ≥ 31% WPI;
c) The
offence results in ≥ 46% mental and behavioral disability of 02 or more people;
d) The
offence results in the death of the victim.
5. Any
person who makes preparation for the commission of this offence shall face a
penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
6. The
offender may also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND 100,000,000
, be put under mandatory supervision, prohibited from residence for 01 - 05
years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
170. Extortion
1. Any
person who uses violence, threat of violence otherwise intimidates another
person to obtain his/her property shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
offence is committed against a person under 16, a woman whose pregnancy is
known by the offender, an old and weak, sick or defenseless person;
d) The
property obtained is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
dd) The
offence has a negative impact on social safety, order and security;
e)
Dangerous recidivism;
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
property obtained is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
offender takes advantage of a natural disaster or epidemic to commit the
offence.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
property obtained is assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
offender takes advantage of a war or state of emergency to commit the offence.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000 or have all or part of his/her property confiscated.
Article
171. Snatching
1. Any
person who snatches another person's property shall face a penalty of 01 - 05
years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
property obtained is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
d) The
offender employs a dangerous method to commit the offence;
dd) The
offender attacks other people to escape;
e) The
offence causes 11% - 30% WPI for another person;
g) The
offence is committed against a person under 16, a woman whose pregnancy is
known by the offender, an old and weak, sick or defenseless person;
h) The
offence has a negative impact on social safety, order and security;
i)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
property obtained is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
offence causes 31% - 60% WPI for another person;
c) The
offender takes advantage of a natural disaster or epidemic to commit the
offence.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
property obtained is assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
offence results in bodily harm of 01 person who suffers from 61% WPI or bodily
harm of 02 or more people, each of whom suffers from ≥ 31% WPI;
c) The
offence results in the death of the victim;
d) The
offender takes advantage of a war or state of emergency to commit the offence.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000.
Article
172. Blatant appropriation of property
1. A
person who indiscriminately takes property assessed at from VND 2,000,000 to
under VND 50,000,000 or property assessed at under VND 2,000,000 in any of the
following circumstances shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty for appropriation of property;
b) The
offender has an unspent conviction for looting or any of the criminal offences
specified in Article 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 and 290 hereof;
c) The
offence has a negative impact on social safety, order and security;
d) The
property illegally obtained is the primary means of livelihood of the victim
and the victim's family; the property illegally obtained is a souvenir, memento
or religious item that has a spiritual value to the victim.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
property obtained is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
b) The
offender attacks other people to escape;
c)
Dangerous recidivism.
d) The
property obtain is emergency or humanitarian relief;
dd) The
property appropriated is assessed at from VND 2,000,000 to under VND 50,000,000
or but the offender commits the offence in any of the circumstances specified
in Point a through d Clause 1 of this Article.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
property obtained is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
property appropriated is assessed at from VND 50,000,000 to under VND
200,000,000 or but the offender commits the offence in any of the circumstances
specified in Point a through d Clause 1 of this Article.
c) The
offender takes advantage of a natural disaster or epidemic to commit the
offence.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
property obtained is ≥ VND 500,000,000;
b) The
property appropriated is assessed at from VND 200,000,000 to under VND
500,000,000 or but the offender commits the offence in any of the circumstances
specified in Point a through d Clause 1 of this Article.
c) The
offender takes advantage of a war or state of emergency to commit the offence.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000.
Article
173. Theft of property
1. A
person who steals another person's property which is assessed at from VND
2,000,000 to under VND 50,000,000 or property assessed at under VND 2,000,000
in any of the following circumstances shall face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty for appropriation of property;
b) The
offender has an unspent conviction for theft of property or any of the criminal
offences specified in Article 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 and 290 hereof;
c) The
offence has a negative impact on social safety, order and security;
d) The
property stolen is the primary means of livelihood of the victim and the
victim's family; the property taken is a souvenir, memento or religious item
that has a spiritual value to the victim.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
property obtained is from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
d) The
offender employs a deceitful method or a dangerous method to commit the
offence;
dd) The
offender attacks other people to escape;
e) The
property stolen is assessed at from VND 2,000,000 to under VND 50,000,000 or
but the offender commits the offence in any of the circumstances specified in
Point a through d Clause 1 of this Article;
g)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
property stolen is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
property stolen is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000 or
but the offender commits the offence in any of the circumstances specified in
Point a through d Clause 1 of this Article;
c) The
offender takes advantage of a natural disaster or epidemic to commit the
offence.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
property stolen is ≥ VND 500,000,000;
b) The
property stolen is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000 or
but the offender commits the offence in any of the circumstances specified in
Point a through d Clause 1 of this Article;
c) The
offender takes advantage of a war or state of emergency to commit the offence.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
50,000,000.
Article
174. Obtaining property by fraud
1. A
person who uses deception to obtain another person's property which is assessed
at from VND 2,000,000 to under VND 50,000,000 or property assessed at under VND
2,000,000 in any of the following circumstances shall face a penalty of up to
03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty for appropriation of property;
b) The
offender has an unspent conviction for theft of property or any of the criminal
offences specified in Article 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 and 290 hereof;
c) The offence
has a negative impact on social safety, order and security;
d) The
property illegally obtained is the primary means of livelihood of the victim
and the victim's family; the property illegally obtained is a souvenir, memento
or religious item that has a spiritual value to the victim.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
property obtained is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
d)
Dangerous recidivism;
dd) The
offence involves abuse of the offender's position or power or committed in the
name of an agency or organization;
e) The
offender employs deceitful methods to commit the offence;
g) The
property obtained is assessed at from VND 2,000,000 to under VND 50,000,000 or
but the offender commits the offence in any of the circumstances specified in
Point a through d Clause 1 of this Article.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
property obtained is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
property obtained is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000
or but the offender commits the offence in any of the circumstances specified
in Point a through d Clause 1 of this Article.
c) The
offender takes advantage of a natural disaster or epidemic to commit the
offence.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
property stolen is ≥ VND 500,000,000;
b) The
property obtained is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000
or but the offender commits the offence in any of the circumstances specified
in Point a through d Clause 1 of this Article.
c) The
offender takes advantage of a war or state of emergency to commit the offence.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
175. Abuse of trust to appropriate property
1. A
person who commits any of the following acts to obtain another person property
which is assessed at from VND 4,000,000 to under VND 50,000,000 or under VND
4,000,000 despite the fact that he/she has incurred an administrative penalty
for property appropriation or has an unspent conviction for this offence or any
of the criminal offences specified in Article 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174
and 290 hereof or obtains a piece of property that is the primary means of
livelihood of the victim or has a spiritual value to the victim shall face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) Taking
a loan, borrowing, leasing property of another person or receiving property of
another person under a contract, then uses deception to appropriate it or
refuses to repay the loan or return the property when the repayment or return
of property is due despite he/she is capable of doing so.
b) Taking
a loan, borrowing, leasing property of another person or receiving property of
another person under a contract and then uses it for illegal purposes which
result in the offender's inability to repay the loan or return the property.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
property obtained is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
d) The
offence involves abuse of the offender's position or power or committed in the
name of an agency or organization;
dd) The
offender employs deceitful methods to commit the offence;
e)
Dangerous recidivism;
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
property obtained is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
offence has a negative impact on social safety, order and security.
4. If the
property obtained is assessed at from ≥ VND 500,000,000, the offender shall
face a penalty of 12 - 20 years' imprisonment.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
176. Illegal impoundment of property
1. Any
person who finds or mistakenly receives a piece of property which is assessed
at from VND 10,000,000 to under VND 200,000,000, a relic, an antique or an item
of historical or cultural value but deliberately fails to return it to its
legitimate owner or fails to submit it a competent authority after the owner or
the competent authority requests the return or submission of such property as
prescribed by law shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment.
2. If the
property obtained is assessed at ≥ VND 200,000,000 or national treasure, the
offender shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
177. Illegal use of property
1. Any
person who, for self-seeking purposes, illegally uses a piece of property of
another person which is assessed at from VND 100,000,000 to under VND
500,000,000 despite the fact that he/she has incurred a disciplinary or
administrative penalty for the same offence or has an unspent conviction for
the same offence; illegally uses a property which is a relic, an antique or an
item of historical or cultural value, except in the circumstances specified in
Article 220 hereof, shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 , face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 50,000,000 to VND 100,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
property illegally used is assessed at from VND 500,000,000 to under VND 1,500,000,000;
b) The
property illegally used is national treasure;
c) The
offence has been committed more than once;
d) The
offence involves abuse of the offender's position or power;
dd)
Dangerous recidivism.
3. If the
property obtained is assessed at ≥ VND 1,500,000,000, the offender shall face a
penalty of 03 - 07 years' imprisonment.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
20,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Article
178. Deliberate destruction of property
1. Any
person who deliberately destroy another person's property which is assessed at
from VND 2,000,000 to under VND 50,000,000 or property which is a relic or item
of historical or cultural value or property which is assessed at under VND
2,000,000 in any of the following circumstances shall be liable to a fine of
from VND 10,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty for appropriation of property;
b) The
offender has an unspent conviction for the same offence;
c) The
offence has a negative impact on social safety, order and security;
dd) The
property destroyed is the primary means of livelihood of the victim and the
victim's family; the property obtained is a souvenir, memento or religious item
that has a spiritual value to the victim.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
property damaged is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
c) The
property damaged is national treasure;
d) The
offence is committed using a flammable substance or other dangerous methods;
dd) The
offence is committed to conceal another crime;
e) The
offence is committed because of the victim's official duties;
g) The
property damaged is assessed at from VND 2,000,000 to under VND 50,000,000 or
but the offender commits the offence in any of the circumstances specified in
Point a through d Clause 1 of this Article;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
property damaged is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
property damaged is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000 or
but the offender commits the offence in any of the circumstances specified in
Point a through d Clause 1 of this Article.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 20 years' imprisonment:
a) The
property damaged is assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
property damaged is assessed at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000
or but the offender commits the offence in any of the circumstances specified
in Point a through d Clause 1 of this Article.
5. The
offender may also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
Article
179. Negligence that results in property damage of the State, an agency,
organization or enterprise
1. Any
person who is responsible for management of property of the State, an agency,
organization or enterprise and causes property damage which is assessed at from
VND 100,000,000 to under VND 500,000,000 because of his/her negligence shall be
liable to a fine of from VND 100,000,000 to VND 500,000,000 , receive a warning
or face a penalty of up to 3 years' community sentence.
2. If the
property damage is assessed at from VND 500,000,000 to under VND 2,000,000,000,
the offender shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
3. If the
property damage is assessed at ≥ VND 2,000,000,000, the offender shall face a
penalty of 05 - 10 years' imprisonment.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions, practicing
his/her profession or doing certain jobs for 01 - 05 years.
Article
180. Involuntary infliction of serious property damage
1. Any
person who involuntarily inflicts a damage to another person's property which
is assessed at from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000 shall receive a
warning or face a penalty of up to 02 years' community sentence.
2. If the
damaged is assessed at ≥ VND 500,000,000, the offender shall face a penalty of
03 - 24 months' imprisonment.
Chapter
XVII
CRIMINAL OFFENCES AGAINST FAMILY LAW
Article
181. Forced marriage or divorce, obstruction of voluntary and civilized marriage,
obstruction of voluntary divorce
Any
person who forces another person to marry against his/her will, obstructs
another person from marrying or maintaining their voluntary and civilized
marriage, forces or obstructs a divorce by means of abuse, mental intimidation,
demand for property or other methods despite the fact that he/she has incurred
a administrative penalty for the same offence shall receive a warning or face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 03 - 36 months' imprisonment.
Article
182. Adultery
1. Any
married person who marries or cohabits with another person, any unmarried
person who marries or cohabits with another person in the knowledge that he/she
is already married and in any of the following circumstances shall receive a warning
or face a penalty of up to 01 year's community sentence or 03 - 12 months'
imprisonment:
a) The
offence results in the divorce of one or both parties;
b) The
offender has incurred an administrative penalty for the same offence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 06
- 36 months'' imprisonment:
a) The
offence results in the suicide of the spouse or child of either party;
b) The
court has issued a decision on dissolution of the marriage or compulsory termination
of the cohabitation but the offender still defies such decision.
Article
183. Organization of child marriage
Any
person who organizes a marriage entered into by a person under the marriageable
age despite the fact that he/she has incurred a administrative penalty for the
same offence shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 30,000,000
or face a penalty of up to 02 years' community sentence.
Article
184. Incest
Any
person who engages in sexual intercourse with another person in the knowledge
that he/she is in a consanguineous relationship, a sibling or half-sibling
shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
Article
185. Maltreatment or abuse of one's grandparent, parent, spouse, child,
grandchild or caregiver
1. Any
person who maltreats or commits violent acts against his/her grandparent,
parent, spouse, child, grandchild or caregiver in any of the following
circumstances shall receive a warning, face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
victim suffers from regular physical and mental pain;
b) The
offender has incurred an administrative penalty for the same offence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed against a person under 16, a woman with the full knowledge
of her pregnancy or an old and weak person;
b) The
offence is committed against a person with severe or extremely severe
disabilities or a person having a fatal disease.
Article
186. Denial or avoidance of obligation to provide support
If a
person who has an obligation to provide support and is capable of providing
support for another person for whom the former is responsible for providing
support under a court decision denies or avoids such obligation and such denial
or avoidance results in serious bodily harm of the recipient or the offender
has incurred an administrative penalty for the same offence, the offender shall
receive a warning, face a penalty of up to 02 year's community sentence or 03 -
24 months' imprisonment.
Article
187. Surrogacy for commercial purposes
1. A
person who organizes surrogacy for commercial purposes shall be liable for a
fine of from VND 50,000,000 to VND 200,000,000, face a penalty of up to 02
years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed against 02 or more people;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
d)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Chapter
XVIII
ECONOMIC OFFENCES
Section
1. CRIMINAL OFFENCES AGAINST REGULATIONS OF LAW ON PRODUCTION, BUSINESS and
TRADE
Article
188. Smuggling
1. Any
person who conducts deals in the following goods across the border or between a
free trade zone and the domestic market against the law shall be liable to a
fine of from VND 50,000,000 to VND 300,000,000 or face a penalty of 06 - 36
months' imprisonment:
a) Goods,
Vietnamese currency, foreign currencies, rare metals, gemstones assessed at
from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000 or under VND 100,000,000 but the
offender has incurred an administrative penalty for the same offence or any of
the offences specified in Article 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 and 200
hereof or has an unspent conviction for any of the aforementioned offences,
except in the circumstances specified in Article 248, 249, 250, 251, 252, 253,
254, 304, 305, 306, 309 and 311 hereof;
b)
Relics, antiques or items of historical or cultural value.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 300,000,000 to VND 1,500,000,000 or a penalty of 03 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
illegal goods are assessed at from VND 300,000,000 to under VND 500,000,000;
d) The
illegal profit reaped is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
dd) The
illegal goods are national treasure;
e) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
g) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
h) The
offence has been committed more than once;
i)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 1,500,000,000 to VND 5,000,000,000 or a penalty of 7 - 15 years'
imprisonment:
a) The
illegal goods are assessed at from VND 500,000,000 to under VND 1,000,000,000;
b) The
illegal profit reaped is from VND 500,000,000 to under VND 1,000,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
illegal goods are assessed at ≥ VND 1,000,000,000;
b) The
illegal profit reaped is ≥ VND 1,000,000,000;
c) The
offender takes advantage of a war, natural disaster, epidemic or other extreme
hardship to commit the offence.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 , be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
6.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits any of the offences specified in Clause 1
of this Article shall be liable to a fine of from VND 300,000,000 to VND
1,000,000,000 if the smuggled items are goods, Vietnamese currency, foreign
currencies, rare metals, gemstones assessed at from VND 200,000,000 to under
VND 300,000,000 or below VND 100,000,000, relics, antiques or items of
historical or cultural values and the offender has incurred an administrative
penalty for the same offence or any of the offences specified in Article 189,
190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 and 200 hereof or the offender has an unspent
conviction for one of the aforementioned offences, except in the circumstances
specified in Point d of this Clause;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
3,000,000,000 to VND 7,000,000,000;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 4 of this Article shall be liable to a fine of from VND
7,000,000,000 to VND 15,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
dd) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
e) The
violating entity might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
300,000,000 , be banned from operating in certain fields or raising capital for
01 - 03 years.
Article
189. Illegal transport of goods or money across the border
1. Any
person who illegally transports the following goods across the border or
between a free trade zone and the domestic market shall be liable to a fine of
from VND 20,000,000 to VND 200,000,000 or face a penalty of up to 02 years
community sentence or 03 - 24 months' imprisonment:
a) Goods,
Vietnamese currency, foreign currencies, rare metals, gemstones assessed at
from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000 or under VND 100,000,000 but the
offender has incurred an administrative penalty for the same offence or any of
the offences specified in Article 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 and
200 hereof or has an unspent conviction for any of the aforementioned offences,
except in the circumstances specified in Article 248, 249, 250, 251, 252, 253,
254, 304, 305, 306, 309 and 311 hereof;
b)
Relics, antiques or items of historical or cultural value.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 02 - 05 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
illegal goods are assessed at from VND 300,000,000 to under VND 500,000,000;
c) The
illegal goods are national treasure;
d) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
dd) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
e) The
offence has been committed more than once;
g)
Dangerous recidivism.
3. If the
illegal goods are assessed at ≥ VND 500,000,000, the offender shall be liable
to a fine of from VND 1,000,000,000 to VND 3,000,000,000 or face a penalty of
05 - 10 years' imprisonment.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits any of the offences specified in Clause 1
of this Article shall be liable to a fine of from VND 200,000,000 to VND
500,000,000 if the illegally transported items are goods, Vietnamese currency,
foreign currencies, rare metals, gemstones assessed at from VND 200,000,000 to
under VND 300,000,000 or relics, antiques or items of historical or cultural
values while having incurred an administrative penalty for the same offence or
any of the offences specified in Article 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196
and 200 hereof or while having an unspent conviction for one of the
aforementioned offences except in the circumstances specified in Point d of
this Clause;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 500,000,000 to
VND 2,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND 2,000,000,000
to VND 5,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36 months;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating entity might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000 , be banned from operating in certain fields or raising capital for
01 - 03 years.
Article
190. Manufacturing and trading of banned goods
1. Any
person who manufactures or deals in goods banned from trading, using or that
have not been permitted for trading or using in Vietnam by the State in the
following cases shall be liable to a fine of from VND 100,000,000 to VND
1,000,000,000 or face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
a) The
illegal goods are chemicals, antibiotics, veterinary medicines, pesticides
banned from farming, breeding, aquaculture, salt production, preparation,
processing, storage of agriculture, forestry, aquaculture products and salts;
b) Other
illegal goods that are assessed at from VND 100,000,000 to under VND
300,000,000;
c) The
illegal profit reaped is from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
d) Other
illegal goods are assessed at under VND 100,000,000 or illegal profit is under
VND 50,000,000 but the offender has incurred an administrative penalty for the
same offence or any of the offences specified in Article 188, 189, 191, 192,
193, 194, 195, 196 and 200 hereof or the offender has an unspent conviction for
any of the aforementioned offences ;
dd)
Banned goods assessed at from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000 are
traded across the border or between a free trade zone and the domestic market,
illegal profit reaped is from VND 20,000,000 to under VND 50,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 1,000,000,000 to VND 3,000,000,000 or a penalty of 05 - 10 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
c) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
d) The
offence is committed in a professional manner;
dd)
Illegal goods are assessed at from VND 300,000,000 to under VND 500,000,000;
e) The
illegal profit earned is from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
g) Banned
goods in the circumstances specified in Point a through d Clause 1 of this
Article are traded across the border or between a free trade zone and the
domestic market;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 08
- 15 years' imprisonment:
a) The
illegal goods are assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 500,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND 1,000,000,000
to VND 3,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 3,000,000,000
to VND 6,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND 6,000,000,000
to VND 9,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36 months;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 200,000,000 , be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
191. Possession and transport of banned goods
1. Any
person who possesses or transports goods banned from trading, using or that
have not been permitted for trading or using in Vietnam by the State in the
following cases, except in the circumstances specified in Article 249, 250,
253, 254, 304, 305, 306, 309 and 311 hereof, shall be liable to a fine of from
VND 50,000,000 to VND 300,000,000 or face a penalty of 06 - 36 months'
imprisonment:
a) The
illegal goods are chemicals, antibiotics, veterinary medicines, pesticides
banned from farming, breeding, aquaculture, salt production, preparation,
processing, storage of agriculture, forestry, aquaculture products and salts;
b) The
illegal goods are assessed at from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000;
c) The
illegal profit reaped is from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
d) Other
illegal goods are assessed at under VND 100,000,000 or illegal profit is under
VND 50,000,000 but the offender has incurred an administrative penalty for the
same offence or any of the offences specified in Article 188, 189, 190, 192,
193, 194, 195, 196 and 200 hereof or the offender has an unspent conviction for
any of the aforementioned offences ;
dd)
Banned goods assessed at from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000 are
trafficked across the border or between a free trade zone and the domestic
market, illegal profit reaped is from VND 20,000,000 to under VND 50,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 300,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 02 - 05 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
c) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
d) The
offence is committed in a professional manner;
dd)
Illegal goods are assessed at from VND 300,000,000 to under VND 500,000,000;
e) The
illegal profit earned is from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
g) Banned
goods in the circumstances specified in Point a through d Clause 1 of this
Article are traded across the border or between a free trade zone and the
domestic market;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
illegal goods are assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
illegal profit reaped is ≥ VND 500,000,000;
c) Banned
goods in the circumstances specified in Point a, b, c, d, dd, e and h Clause 2
of this Article are traded across the border or between a free trade zone and
the domestic market.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND 300,000,000
to VND 1,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 1,000,000,000
to VND 3,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND 3,000,000,000
to VND 5,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36 months;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 200,000,000 , be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
192. Manufacturing and trading of counterfeit goods
1. Any
person who manufactures or deals in counterfeit goods in the following cases
shall be liable to a fine of from VND 100,000,000 to VND 1,000,000,000 or face
a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
counterfeit goods are assessed at from VND 20,000,000 to under VND 100,000,000
according to their selling prices, posted prices or prices on invoices;
b) The
quantity of counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods or
goods of the same specifications or uses assessed at from VND 30,000,000 to
under VND 150,000,000 if selling prices, posted prices or prices on invoices of
counterfeit goods cannot be determined;
c) The
counterfeit goods are assessed at under VND 20,000,000 according to their
selling prices, posted prices or prices on invoices or the quantity of
counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods or goods of the
same specifications or uses assessed at under VND 30,000,000 but the offender
has incurred an administrative penalty for the same offence or any of the
offences specified in Article 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 and 200
hereof or has an unspent conviction for any of the aforementioned offences ;
dd) The
counterfeit goods assessed at under VND 20,000,000 according to their selling
prices, posted prices or prices on invoices or the quantity of counterfeit
goods is equivalent to an amount of genuine goods or goods of the same
specifications or uses assessed at under VND 30,000,000 but they cause
either 31% - 60% WPI for a person, a total WPI of 31% - 60% for 02 or more
people, or property damage assessed at from VND 100,000,000 to under VND
500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
d) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
dd) The
counterfeit goods are assessed at from VND 100,000,000 to under VND 200,000,000
according to their selling prices, posted prices or prices on invoices;
e) The
quantity of counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods or
goods of the same specifications or uses assessed at from VND 150,000,000 to
under VND 500,000,000 if selling prices, posted prices or prices on invoices of
counterfeit goods cannot be determined;
g) The
illegal profit earned is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
h) The
offence results in the death of a person;
i) The
offence causes ≥ 61% WPI for a person;
k) The
offence causes a total WPI of 61% - 121% for 02 or more people;
l) The
property damage is from VND 500,000,000 to under VND 1,500,000,000;
m)
Counterfeit goods in the circumstances specified in Clause 1 of this Article
are traded across the border or between a free trade zone and the domestic
market;
n)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
production cost of counterfeit goods is ≥ VND 100,000,000;
b) The
counterfeit goods are assessed at ≥ VND 200,000,000 according to their selling
prices, posted prices or prices on invoices;
c) The
quantity of counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods or
goods of the same specifications or uses assessed at ≥ VND 500,000,000 if
selling prices, posted prices or prices on invoices of counterfeit goods cannot
be determined;
d) The
illegal profit earned is ≥ VND 500,000,000;
dd) The
offence results in the death of 02 or more people;
e) The
offence results in bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers from
≥ 61% WPI;
g) The
offence causes a total WPI of ≥ 122% for 02 or more people;
h) The
property damage is ≥ VND 1,500,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
50,000,000 , be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND 1,000,000,000
to VND 3,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 3,000,000,000
to VND 6,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND 6,000,000,000
to VND 9,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36 months;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 200,000,000 , be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
193. Manufacturing and trading of counterfeit food or food additives
1. Any
person who manufactures or deals in counterfeit food or food additives shall
face a penalty of 02 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c)
Dangerous recidivism.
d) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
dd) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
e)
Counterfeit goods are trafficked across the border or between a free trade zone
and the domestic market;
g) The
counterfeit goods are assessed at from VND 100,000,000 to under VND 200,000,000
according to their selling prices, posted prices or prices on invoices;
h) The
quantity of counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods
assessed at from VND 150,000,000 to under VND 500,000,000 if selling prices,
posted prices or prices on invoices of counterfeit goods cannot be determined;
i) The
illegal profit earned is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
k) The
offence causes 31% - 60% WPI for a person;
l) The
offence causes a total WPI of 31% - 60% for 02 or more people;
m) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
counterfeit goods are assessed at ≥ VND 200,000,000 according to their selling
prices, posted prices or prices on invoices;
b) The
quantity of counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods
assessed at ≥ VND 500,000,000 if selling prices, posted prices or prices on
invoices of counterfeit goods cannot be determined;
c) The
illegal profit reaped is from VND 500,000,000 to under VND 1,500,000,000;
d) The
offence results in the death of a person;
dd) The
offence causes ≥ 61% WPI for a person;
e) The
offence causes a total WPI of 61% - 121% for 02 or more people;
g) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000;
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
illegal profit earned is ≥ VND 1,500,000,000;
b) The
offence results in the death of 02 or more people;
c) The
offence results in bodily harm of 02 or more people, each of whom suffers from
≥ 61% WPI;
d) The
offence causes a total WPI of ≥ 122% WPI for 02 or more people;
dd) The
property damage is ≥ VND 1,500,000,000.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 , be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
6.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND 1,000,000,000
to VND 3,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 3,000,000,000
to VND 6,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND 6,000,000,000
to VND 9,000,000,000;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 4 of this Article shall be liable to a fine of from VND 9,000,000,000
to VND 18,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36 months;
dd) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
e) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 300,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
194. Manufacturing and trading of counterfeit medicines for treatment or
prevention of diseases
1. Any
person who manufactures or deals in counterfeit medicines for treatment or
prevention of diseases shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c)
Dangerous recidivism.
d) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
dd) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
e)
Counterfeit goods are trafficked across the border or between a free trade zone
and the domestic market;
g) The
counterfeit goods are assessed at from VND 100,000,000 to under VND 200,000,000
according to their selling prices, posted prices or prices on invoices;
h) The
quantity of counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods
assessed at from VND 150,000,000 to under VND 500,000,000 if selling prices,
posted prices or prices on invoices of counterfeit goods cannot be determined;
i) The
illegal profit earned is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
k) The
offence causes 31% - 60% WPI for a person;
l) The
offence results in bodily harm to 02 or more people, each of whom suffers from
31% - 60% WPI;
m) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
counterfeit goods are assessed at ≥ VND 200,000,000 according to their selling
prices, posted prices or prices on invoices;
b) The
quantity of counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods
assessed at ≥ VND 500,000,000 if selling prices, posted prices or prices on
invoices of counterfeit goods cannot be determined;
c) The
illegal profit reaped is from VND 500,000,000 to under VND 2,000,000,000;
d) The
offence results in the death of a person;
dd) The
offence causes ≥ 61% WPI for a person;
e) The
offence results in a total 61% - 121% WPI of 02 or more people;
g) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment, life imprisonment or death:
a) The
illegal profit earned is ≥ VND 2,000,000,000;
b) The
offence results in the death of 02 or more people;
c) The
offence results in bodily harm to 02 or more people, each of whom suffers from
≥ 61% WPI;
dd) The
offence causes a total WPI of ≥ 122% for 02 or more people;
dd) The
property damage is ≥ VND 1,500,000,000.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 , be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
6.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND 1,000,000,000
to VND 4,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 4,000,000,000
to VND 9,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND 9,000,000,000
to VND 15,000,000,000;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 4 of this Article shall be liable to a fine of from VND
15,000,000,000 to VND 20,000,000,000 or has its operation suspended for 01 - 03
years;
dd) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
e) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 300,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
195. Manufacturing and trading of counterfeit animal feeds, fertilizers,
veterinary medicines, pesticides, plant varieties, animal breeds
1. Any
person who manufactures or deals in counterfeit animal feeds, fertilizers,
veterinary medicines, pesticides, plant varieties, animal breeds in the
following cases shall be liable to a fine of from VND 100,000,000 to VND
1,000,000,000 or face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
counterfeit goods are assessed at from VND 20,000,000 to under VND 100,000,000
according to their selling prices, posted prices or prices on invoices;
b) The
quantity of counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods or
goods having the same functions assessed at from VND 30,000,000 to under VND
150,000,000 if selling prices, posted prices or prices on invoices of
counterfeit goods cannot be determined;
c) The
counterfeit goods are assessed at under VND 20,000,000 according to their
selling prices, posted prices or prices on invoices or the quantity of
counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods or goods having
the same functions assessed at under VND 30,000,000 but the offender has
incurred an administrative penalty for the same offence or any of the offences
specified in Article 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 and 200 hereof or
has an unspent conviction for any of the aforementioned offences ;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c)
Dangerous recidivism.
d) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
dd) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
e)
Counterfeit goods are trafficked across the border or between a free trade zone
and the domestic market;
g) The
counterfeit goods are assessed at from VND 100,000,000 to under VND 200,000,000
according to their selling prices, posted prices or prices on invoices;
h) The
quantity of counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods
assessed at from VND 150,000,000 to under VND 500,000,000 if selling prices,
posted prices or prices on invoices of counterfeit goods cannot be determined;
i) The
property damage is from VND 500,000,000 to under VND 1,500,000,000;
k) The
illegal profit earned is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
3. This offence
committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10 - 15
years' imprisonment:
a) The
counterfeit goods are assessed at ≥ VND 200,000,000 according to their selling
prices, posted prices or prices on invoices;
b) The
quantity of counterfeit goods is equivalent to an amount of genuine goods
assessed at ≥ VND 500,000,000 if selling prices, posted prices or prices on
invoices of counterfeit goods cannot be determined;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 1,500,000,000 to
under VND 3,000,000,000;
d) The
illegal profit reaped is from VND 500,000,000 to under VND 2,000,000,000;
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
property damage is ≥ VND 3,000,000,000;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 2,000,000,000.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 , be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
6.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND 1,000,000,000
to VND 3,000,000,000;
b) A corporate
legal entity that commits this offence in the circumstances specified in Clause
2 of this Article shall be liable to fine of from VND 3,000,000,000 to VND
6,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND 6,000,000,000
to VND 9,000,000,000;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 4 of this Article shall be liable to a fine of from VND 9,000,000,000
to VND 15,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36 months;
dd) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
e) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 300,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
196. Hoarding
1. Any
person who takes advantage of the scarcity or fakes scarcity during a natural
disaster, epidemic, war or financial hardship to buy in large quantities and
stockpile goods from a price stabilization program or goods priced by the State
in order to earn illegal profit in any of the following circumstances shall be
liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 300,000,000 or face a penalty of
06 - 36 months' imprisonment:
a) The
goods are assessed at from VND 500,000,000 to under VND 1,500,000,000;
b) The
illegal profit reaped is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 300,000,000 to VND 1,500,000,000 or a penalty of 03 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
c) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
d) The
goods are assessed at from VND 1,500,000,000 to under VND 3,000,000,000;
dd) The
illegal profit earned is from VND 500,000,000 to under VND 1,000,000,000;
e) The
offence has a negative impact on social safety, order and security.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 1,500,000,000 to VND 5,000,000,000 or a penalty of 07 - 15 years'
imprisonment:
a) The
goods are assessed at ≥ VND 3,000,000,000;
b) The
illegal profit reaped is ≥ VND 1,000,000,000;
c)
Dangerous recidivism.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
200,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
300,000,000 to VND 1,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 1,000,000,000
to VND 4,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
4,000,000,000 to VND 9,000,000,000;
d) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 300,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
197. False advertising
1. Any
person who falsely advertises his/her goods or services despite the fact that
he/she has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction for
the same offence shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence.
2. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
50,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Article
198. Deceiving customers
1. Any
person who fraudulently measures goods or services or commits other fraudulent
acts while buying or selling goods/services in any of the following
circumstances shall receive a warning, be liable to a fine of from VND
10,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence:
a) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence;
b) The
illegal profit reaped is from VND 5,000,000 to under VND 50,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
offence involves the use of deceitful methods;
d) The
illegal profit earned is ≥ VND 50,000,000.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
Article
199. Offences related to electricity supply
1. A
person who commits any of the following acts and causes bodily harm for a
person who suffers 31% - 60% WPI, causes bodily harm for 02 or more people who
suffers a total WPI of 31% - 60% or causes property damage assessed at from VND
100,000,000 to under VND 500,000,000 or such person has incurred a disciplinary
or administrative penalty or has an unspent conviction for the same offence
shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 150,000,000, face a
penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment:
a)
Cutting electricity without legitimate reasons or notification as prescribed;
b)
Refuses to supply electricity without legitimate reasons;
c)
Delaying solving an electricity break down without legitimate reasons;
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 150,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of a person;
b) The
offence results in bodily harm to a person who suffers ≥ 61% WPI or bodily harm
to 02 or more people who suffer totally 61% - 121% WPI;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 or more people, each of whom suffers ≥ 61%
WPI or bodily harm to 02 or more people who suffer totally ≥ 122% WPI;
c) The
property damage is ≥ VND 1,500,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Section
2. OFFENCES RELATED TO TAXATION, FINANCE, BANKING, SECURITIES, INSURANCE
Article
200. Tax evasion
1. A
person who commits any of the following acts of tax evasion with an amount of
from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000 or under VND 100,000,000 despite
the fact that he/she has incurred an administrative penalty for tax evasion or
has an unspent conviction for any of the offences specified in Article 188,
189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254,
304, 305, 306, 309 and 311 hereof shall be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 500,000,000 or face a penalty of 03 - 24 months'
imprisonment:
a)
Failure to submit the application for tax registration; failure to submit tax
declaration; failure to submit tax declarations on schedule as prescribed by
law;
b)
Failure to record revenues related to the determination of tax payables in
accounting books;
c)
Failure to issue invoices after selling goods/services or write lower values on
invoices than actual values of goods/services sold;
d) Use of
illegal invoices or vouchers to record purchased goods and raw materials that
results in reduction of tax payable or increase exempt, reduced, deductible or
refundable tax;
dd) Use
of other illegal documents to falsify the amount of tax payable or increase
exempt, reduced, deductible or refundable tax;
e) Making
incorrect declaration of exported or imported goods without making an
additional declaration after customs clearance are granted;
g)
Deliberately omitting tax or declaring incorrect tax on exported or imported
goods;
h)
Colluding with the shipper to import goods;
i) Using
tax-free goods, goods eligible for tax exemption or conditional tax exemption
for improper purposes without notifying the change of purposes to the tax
authority.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 500,000,000 to VND 1,500,000,000 or a penalty of 01 - 03 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
amount of tax evaded is from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000;
c) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
d) The
offence has been committed more than once;
dd)
Dangerous recidivism.
3. If the
evaded tax is ≥ VND 1,000,000,000, the offender shall be liable to a fine of
from VND 1,500,000,000 to VND 4,500,000,000 or face a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 , be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) Any
corporate legal entity that commits an offence specified in Clause 1 of this
Article despite the fact that it has incurred an administrative penalty or has
an unspent conviction for the same offence shall be liable to a fine of from
VND 300,000,000 to VND 1,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
3,000,000,000 to VND 10,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 200,000,000 , be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
201. Usury in civil transactions
1. Any
person who offers loans at an interest rate that is five times higher than the
maximum interest rate specified in the Civil Code and earns an illegal profit
of from VND 30,000,000 to under VND 100,000,000 or recommits this offence
despite the fact that he/she has incurred an administrative penalty or has an
unspent conviction for the same offence shall be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 200,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence.
2. If the
illegal profit earned is ≥ VND 100,000,000, the offender shall be liable to a
fine of from VND 200,000,000 to VND 1,000,000,000 or face a penalty of 06 - 36
months' imprisonment.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
Article
202. Making, dealing in fake stamps or tickets
1. Any
person who makes or deals in fake stamps or tickets in any of the following
circumstances shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36
months' imprisonment:
a) The
quantity of fake stamps or tickets without face values is from 15,000 to under
30,000 pieces;
b) The
value of fake stamps or tickets having face values is from VND 50,000,000 to
under VND 200,000,000;
c) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence;
d) The
illegal profit reaped is from VND 30,000,000 to under VND 100,000,000;
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 02 - 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
c) The
quantity of fake stamps or tickets without face values is ≥ 30,000 pieces;
d) The
value of fake stamps or tickets having face values is ≥ VND 200,000,000;
dd) The
illegal profit earned is ≥ VND 100,000,000;
c)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
50,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Article
203. Printing, issuing, dealing in illegal invoices and receipts for payment of
state revenues
1. Any
person who prints, issues, deals in illegal blank invoices and receipts for
payment of state revenues with a quantity of 50 - 100 or illegal filled
invoices and receipts with a quantity of 10 - 30 or the illegal profit earned
is from VND 30,000,000 to under VND 100,000,000 shall be liable to a fine of
from VND 50,000,000 to VND 200,000,000, face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
d) The
quantity of blank invoices and receipts is ≥ 100; the quantity of filled
invoices an receipts is ≥ 30;
dd) The
illegal profit earned is ≥ VND 100,000,000;
e) The
loss incurred by state budget is ≥ VND 100,000,000;
g)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
4.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 500,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND
500,000,000 to VND 1,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
d) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 200,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
204. Violations against regulations on preservation, management of invoices and
receipts for payment of state revenues
1. Any
person who is responsible for preservation, management of invoices and receipts
and violates regulations of the State on preservation and management of
invoices and receipts and causes a loss of from VND 100,000,000 to under VND
500,000,000 incurred by the state budget or another person shall be liable to a
fine of from VND 10,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03
years community sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 06 - 03 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
loss is ≥ VND 500,000,000.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
205. Establishing illegal funds
1. Any
person who abuses his/her position or power to establish a fund against the law
and the use of such fund results in damage state property from VND 50,000,000
to under VND 200,000,000 or recommits this offence despite the fact that he/she
has incurred a disciplinary penalty for the same offence shall be liable to a
fine of from VND 50,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03
years' community sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a)
Deceitful methods are employed to avoid control;
b) The
fund is established to commit other illegal acts;
c) The
damage to state property is from VND 200,000,000 to under VND 1,000,000,000;
3. If the
damage to state property is ≥ VND 1,000,000,000, the offender shall face a
penalty of 05 - 10 years' imprisonment.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Article
206. Violations against regulations on operation of credit institutions and
branches of foreign banks
1. A
person who deliberately commits any of the following acts that lead to property
damage assessed at from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000 shall be
liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND 300,000,000 or face a penalty of
06 - 36 months' imprisonment:
a)
Extending credit to entities ineligible for credit extension, except for credit
cards;
b)
Extending credits without guarantee or extending credits with preferential
conditions for entities ineligible for credit extension as prescribed by law;
c)
Trespassing credit safety limits prescribed by the Law on credit institutions
or falsely increasing value of collateral during assessment in order to extend
credit;
d) Violations
against regulations on total credit balance applied to entities restricted from
credit extension;
dd)
Extending credits beyond the equity to a client and relevant persons, unless
the approval is granted by a competent person as prescribed by law;
e) Violations
against regulations on capital contribution, capital contribution limit, shares
purchase, conditions for credit extension or asset trading;
g)
Issuing, providing, using of illegal payment facilities; forging payment
documents or payment facilities; using fake payment documents or payment
facilities; engaging in banking operation without permission by a competent
authority.
2. If the
property damage caused by the offence is assessed at from VND 300,000,000 to
under VND 1,000,000,000, the offender shall face a penalty of 03 - 07 years'
imprisonment.
3. If the
property damage caused by the offence is assessed at from VND 1,000,000,000 to
under VND 3,000,000,000, the offender shall face a penalty of 07 - 12 years'
imprisonment.
4. If the
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 3,000,000,000, the
offender shall face a penalty of 12 - 20 years' imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
207. Production, possession, transport of counterfeit money
1. Any
person who produces, possesses or transports counterfeit money shall face a
penalty of 03 - 07 years' imprisonment.
2. If
value of counterfeit money is from VND 5,000,000 to under VND 50,000,000, the
offender shall face a penalty of 05 - 12 years' imprisonment.
3. If
value of counterfeit money is ≥ VND 50,000,000, the offender shall face a
penalty of 10 - 20 years' imprisonment or life imprisonment.
4. A
person who prepares for the commission of this offence shall face a penalty of
up to 03 years' community sentence or 01 - 03 years' imprisonment.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000 or have all or part of his/her property confiscated.
Article
208. Production, possession, transport, circulation of counterfeit negotiable
instruments or other valuable papers
1. Any
person who produces, possesses, transports or circulates counterfeit negotiable
instruments or other valuable papers shall face a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment.
2. If
value of counterfeit negotiable instruments or valuable papers is from VND
10,000,000 to under VND 100,000,000, the offender shall face a penalty of 05 -
10 years' imprisonment.
3. If
value of counterfeit negotiable instruments or valuable papers is from VND
100,000,000 to under VND 300,000,000, the offender shall face a penalty of 10 -
15 years' imprisonment.
4. If
value of counterfeit negotiable instruments or valuable papers is ≥ VND
300,000,000, the offender shall face a penalty of 15 - 20 years' imprisonment.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000 or have all or part of his/her property confiscated.
Article
209. Provision of false information or concealment of information in securities
activities
1. Any
person who deliberately provides false information or conceals information in
offering, listing, trading securities, market organization, registration,
depositing, clearing or paying for securities in any of the following
circumstances shall be liable to a fine of from VND 100,000,000 to VND
500,000,000 or up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment:
a) The
loss incurred by investors is from VND 1,000,000,000 to under VND
3,000,000,000;
b) The
illegal profit reaped is from VND 500,000,000 to under VND 1,000,000,000;
c) The
offender has incurred an administrative penalty for the same offence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 500,000,000 to VND 2,000,000,000 or a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
illegal profit reaped is ≥ VND 1,000,000,000;
c) The
loss incurred by investors is ≥ VND 3,000,000,000;
d)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
4.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
500,000,000 to VND 2,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 2,000,000,000
to VND 5,000,000,000;
c) The
violating corporate legal entity might also be banned from operating in certain
fields or raising capital for 01 - 03 years.
Article
210. Use of internal information for trading securities
1. Any
person who has information about a public company or public fund which has not
been published and could remarkably affect securities price of that public
company or public fund but and uses such information to deal in securities or
discloses it or provides it for another person for trading securities and earns
an illegal profit of from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000 or causes
a loss to investors of from VND 500,000,000 to under VND 1,500,000,000 shall be
liable to a fine of from VND 500,000,000 to VND 2,000,000,000 or face a penalty
of 07 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 2,000,000,000 to VND 5,000,000,000 or a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
illegal profit reaped is ≥ VND 1,000,000,000;
c) The
loss incurred by investors is ≥ VND 1,500,000,000;
d)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
4.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 5,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 5,000,000,000
to VND 10,000,000,000;
c) The
violating corporate legal entity might also be banned from operating in certain
fields or raising capital for 01 - 03 years.
Article
211. Manipulation of securities market
1. A
person who deliberately commits any of the following acts and earns a profit of
from VND 500,000,000 to under VND 1,500,000,000 or causes a loss to investors
of from VND 1,000,000,000 to under VND 3,000,000,000 shall be liable to a fine
of from VND 500,000,000 to VND 2,000,000,000 or face a penalty of 06 - 36
months' imprisonment:
a) Using
one or multiple accounts of the offender or another person or colluding with
another person, to continuously buying and selling securities in order to
create false demand and supply;
b)
Colluding with another person to place orders for purchase and sale of the same
type of securities within the day or selling and buying securities without
actual transfer of ownership or ownership is only transferred within the group
in order to create false demand and supply;
c)
Continuously buying or selling securities with a controlling quantity at the
opening or closing time of the market in order to create a new closing price or
opening price for such type of securities on the market;
d)
Trading securities by colluding with another person or persuade another person
to continuously place securities purchase and sale orders to remarkably affect
the demand, supply and securities prices or manipulate securities prices;
dd) Offer
opinions whether directly or via the media about a type of securities or
securities issuer in order to affect the price of that type of securities after
a transaction has been made in order to have an advantage from it.
e) Using
other methods or commit other acts to create false demand and supply in order
to manipulate securities prices.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 2,000,000,000 to VND 4,000,000,000 or a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
illegal profit reaped is ≥ VND 1,500,000,000;
c) The
loss incurred by investors is ≥ VND 3,000,000,000;
d)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
250,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
4.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
2,000,000,000 to VND 5,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 5,000,000,000
to VND 10,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
d) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
500,000,000 to VND 2,000,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
212. Forging documents in offering or listing profile
1. A
person who forges documents of the offering or listing profile and earns a
profit of from VND 1,000,000,000 to under VND 2,000,000,000 or causes a loss to
investors of from VND 1,000,000,000 to under VND 3,000,000,000 shall be liable
to a fine of from VND 500,000,000 to VND 2,000,000,000 or face a penalty of 06
- 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 2,000,000,000 to VND 5,000,000,000 or a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment:
a) The
illegal profit earned is ≥ VND 2,000,000,000;
b) The
loss incurred by investors is ≥ VND 3,000,000,000;
c) The
offence is committed by an organized group;
d)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
250,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
Article
213. Insurance fraud
1. A
person who commits any of the following acts and illegally obtain an amount of
insurance payout of from VND 20,000,000 to under VND 100,000,000 or causes
damage assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000 shall be liable
to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to
03 years' community sentence:
a)
Colluding with the insured to receive indemnity or insurance payout against the
law;
b)
Forging documents, falsifying information to reject insurance claims in an
occurrence;
c)
Forging documents, falsifying information in the request for indemnity or
insurance payout;
d)
Causing damage to the offender's property or health to receive insurance
benefits unless otherwise prescribed by law.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 300,000,000 or a penalty of 01 - 03 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves the use of deceitful methods;
b) The
amount of insurance payout illegally obtained is from VND 100,000,000 to under
VND 500,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 200,000,000 to
under VND 1,000,000,000;
dd)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
amount of insurance payout illegally obtained is ≥ VND 500,000,000;
b) The
damage is ≥ VND 1,000,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) If
this offence involves any of the factors specified in Clause 1 of this Article
and the amount of insurance payout illegally obtained is from VND 200,000,000
to under VND 1,000,000,000 or the damage inflicted is from VND 400,000,000 to
under VND 2,000,000,000, the offender shall be liable to a fine of from VND
200,000,000 to VND 1,000,000,000;
b) If
this offence involves any of the factors specified in Point a through d Clause
2 of this Article and the amount of insurance payout illegally obtained is from
VND 1,000,000,000 to under VND 3,000,000,000 or the damage inflicted is from
VND 2,000,000,000 to under VND 5,000,000,000, the offender shall be liable to a
fine of from VND 1,000,000,000 to VND 3,000,000,000;
c) If the
insurance payout illegally obtained is ≥ VND 3,000,000,000 or the damage
inflicted is ≥ VND 5,000,000,000, the offender shall be liable to a fine of
from VND 3,000,000,000 to VND 7,000,000,000;
d) The
corporate legal entity that commits this offence might also be banned from
operating in certain fields or raising capital for 01 - 03 years.
Article
214. Social insurance and unemployment insurance fraud
1. A
person who commits any of the following acts and to illegally obtain an amount
of social insurance or unemployment insurance payout of from VND 10,000,000 to
under VND 100,000,000 or causes damage assessed at from VND 20,000,000 to under
VND 200,000,000 except in the circumstances specified in Article 174, 353 and
355 hereof shall be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND 100,000,000
or face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment:
a)
Forging or falsifying social insurance or unemployment insurance documents to
deceive social insurance authorities;
b) Using
forged or falsified documents to deceive social insurance authorities into
providing social insurance or unemployment insurance benefits.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 200,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
amount of social insurance or unemployment insurance payout illegally obtained
is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 200,000,000 to
under VND 500,000,000;
dd) The
offence involves the use of deceitful methods;
c)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
amount of social insurance or unemployment insurance payout illegally obtained
is ≥ VND 500,000,000;
b) The
damage is ≥ VND 500,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
Article
215. Health insurance fraud
1. A
person who commits any of the following acts and to illegally obtain an amount
of health insurance payout of from VND 10,000,000 to under VND 100,000,000 or
causes damage assessed at from VND 20,000,000 to under VND 200,000,000 except
in the circumstances specified in Article 174, 353 and 355 hereof shall be
liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of
up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment:
a)
Forging medical records or prescriptions, falsely increase the quantity or
types of medicines, medical equipment, services, treatment costs and other
costs that are not incurred by the patient;
b)
Forging documents, health insurance cards or using fake, revoked, falsified
health insurance cards, health insurance cards of other people in order to
illegally obtain health insurance benefits.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 200,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
amount of health insurance payout illegally obtained is from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 200,000,000 to
under VND 500,000,000;
dd) The
offence involves the use of deceitful methods;
c)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
amount of health insurance payout illegally obtained is ≥ VND 500,000,000;
b) The
damage is ≥ VND 500,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
Article
216. Evading payment of social insurance, health insurance, unemployment
insurance for workers
1. A
person who is responsible for paying social insurance, health insurance and
unemployment insurance for his/her workers but fails to pay or pays
insufficiently for 06 months or more in any of the following circumstances
despite the fact that he/she has incurred an administrative penalty for the
same offence shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000 or face a penalty of up to 01 year's community sentence or 03 - 12
months' imprisonment:
b) The
amount of insurance contribution evaded is from VND 50,000,000 to under VND
300,000,000;
b) The
offenders evades paying pay insurance for 10 - 49 workers.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 06 - 36 months'
imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
amount of insurance contribution evaded is from VND 300,000,000 to under VND
1,000,000,000;
c) The
offenders fails to pay insurance for 50 - 199 workers;
d) The
offenders collects or deducts insurance contribution from the workers as
prescribed in Point a or Point b Clause 1 of this Article but fails to pay
insurance.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 500,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment:
a) The
amount of insurance contribution evaded is ≥ VND 1,000,000,000;
b) The
offender fails to pay insurance for ≥ 200 workers;
c) The
offenders collects or deducts insurance contribution from the workers as
prescribed in Point b or Point c Clause 2 of this Article but fails to pay
insurance.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
200,000,000 to VND 500,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND 500,000,000 to
VND 1,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000.
Section
3. OTHER CRIMINAL OFFENCES AGAINST ECONOMIC LAW
Article
217. Offences against regulations of law on competition
1. Any person
who participates in or commits any of the following violations against
regulations on competition and earns an illegal profit of from VND 500,000,000
to under VND 3,000,000,000 or causes damage for another person assessed at from
VND 1,000,000,000 to under VND 5,000,000,000 shall be liable to a fine of from
VND 200,000,000 to VND 1000,000,000 or face a penalty of up to 02 years'
community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
a)
Reaching an agreement on preventing another enterprise from participating the
market or developing its business;
b)
Reaching an agreement on eliminating another enterprise which is not a party to
such agreement from the market;
c)
Reaching an agreement on limited competition while the parties to such contract
has a total market share of ≥ 30%, including: agreement on directly or
indirectly pricing goods/services; agreement on division of market,
goods/services supply; agreement on restriction or control of quantity of
goods/services; agreement on restriction on technological development or
investment; agreement on imposition of conditions upon other enterprises for
conclusion of sale contracts or forcing other enterprises to assume obligations
that are not related to the contracts.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 1,000,000,000 to VND 3,000,000,000 or a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence involves the use of deceitful methods;
c) The
offenders takes advantage of its dominant position or monopoly on the market;
d) The
illegal profit earned is ≥ VND 5,000,000,000;
dd) The
damage incurred by other enterprises is ≥ VND 3,000,000,000.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
4.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to a fine of from VND
3,000,000,000 to VND 5,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 24
months;
c) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 500,000,000, banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
218. Offences against regulations of law property auction
1. A
person who commits any of the following violations and earns an illegal profit
of from VND 30,000,000 to under VND 200,000,000 or causes damage for another
person assessed at from VND 50,000,000 to under VND 300,000,000 shall be liable
to a fine of from VND 20,000,000 to VND 200,000,000 or face a penalty of up to
02 years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
a) Making
a fake list of registered bidders;
b)
Forging documents to participate in the auction;
c)
Colluding with other people to decrease or increase prices during a property
auction.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
illegal profit reaped is ≥ VND 200,000,000;
c) The
damage is ≥ VND 300,000,000;
d) The
offence has been committed more than once;
dd) The
offence involves the use of deceitful methods;
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Article
219. Offences against regulations on the management and use of State-owned
property that lead to losses or wastefulness
Any
person who is responsible for the management and use of State-owned property
but causes a loss or wastefulness of from VND 100,000,000 to under VND
300,000,000 or under VND 100,000,000 while having incurred a disciplinary
penalty for the same offence shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 01 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed for self-seeking purposes;
b) The
offence is committed by an organized group;
c) The
offence involves the use of deceitful methods;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 300,000,000 to
under VND 1,000,000,000.
3. If the
property damage caused by the offence is assessed at from ≥ VND 1,000,000,000,
the offender shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property
confiscated.
Article
220. Offences against regulations on the management and use public capital that
lead to serious consequences
1. A
person who abuses his/her position or power to commit any of the following acts
and causes damage assessed at from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000 or
under VND 100,000,000 while having incurred a disciplinary penalty for the same
offence except for the case in Article 224 of hereof shall face a penalty of up
to 03 years' community sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a)
Violations against regulations on decision of investment policies;
b)
Violations against regulations on establishment and assessment of investment
policies;
c)
Violations against regulations on deciding investment in programs/projects;
d)
Violations against regulations on counseling and designing programs/projects.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed for self-seeking purposes;
b) The
offence is committed by an organized group;
c) The
offence involves the use of deceitful methods;
d) The
offence results in damage from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000.
3. If the
damage caused by the offence is assessed at VND 1,000,000,000 to over, the
offender shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property
confiscated.
Article
221. Offences against regulations of law on accounting that lead to serious
consequences
1. A
person who abuses his/her position or power to commit any of the following acts
and causes damage assessed at from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000 or
under VND 100,000,000 while having incurred a disciplinary penalty for the same
offence shall face a penalty of up to 03 years' community sentence or 01 - 05
years' imprisonment:
a)
Forging, falsifying accounting documents or colluding with, forcing another
person to do so;
b)
Inciting, colluding with or forcing another person to provide or certify
incorrect accounting information and data;
c)
Omitting assets of or related to the accounting unit from its accounting books;
d)
Destroying or deliberately damaging accounting documents before expiration of
retention period prescribed in the Law on Accounting;
dd)
Making two or more accounting book systems to omit assets, capital sources,
funds of the accounting unit from its accounting books.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed for self-seeking purposes;
b) The
offence is committed by an organized group;
c) The
offence involves the use of deceitful methods;
d) The
offence results in damage from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000.
3. If the
damage caused by the offence is assessed at VND 1,000,000,000 to over, the
offender shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property
confiscated.
Article
222. Offences against regulations of law on bidding that lead to serious
consequences
1. A
person who commits any of the following acts and causes damage assessed at from
VND 100,000,000 to under VND 300,000,000 or under VND 100,000,000 while having
incurred a disciplinary penalty for the same offence shall face a penalty of up
to 03 years' community sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a)
Illegally interfering with bidding activities;
b)
Colluding with other bidders in bidding;
c) Commit
frauds in bidding;
d)
Obstructing bidding activities;
dd)
Committing regulations of law on assurance of fairness and transparency of
bidding;
e)
Holding contractor selection before capital sources are determined that result
in inability to pay contractors;
g)
Illegally transferring the contract.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed for self-seeking purposes;
b) The
offence is committed by an organized group;
c) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
d) The
offence involves the use of deceitful methods;
dd) The
offence results in damage from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000.
3. If the
damage caused by the offence is assessed at VND 1,000,000,000 to over, the
offender shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property
confiscated.
Article
223. Collusion with taxpayer that lead to serious consequences
1. A
person who abuses his/her position or power to commits any of the following
acts and causes a loss of tax from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000 or
under VND 100,000,000 while having incurred a disciplinary penalty for the same
offence shall face a penalty of up to 03 years' community sentence or 01 - 05
years' imprisonment:
a)
Granting tax exemption or reduction, cancellation of tax debt or fine or refunding
tax against the Law on Tax administration and other regulations of law on
taxation;
b)
Certifying a taxpayer's fulfillment of his/her tax liability against the Law on
Tax administration and other regulations of law on taxation.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed for self-seeking purposes;
b) The
offence is committed by an organized group;
c) The
offence involves the use of deceitful methods;
d) The
amount of tax loss is from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000.
3. If
offence results in a tax loss of VND 1,000,000,000 to over, the offender shall
face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property
confiscated.
Article
224. Offences against regulations of law on investment in construction that
lead to serious consequences
1. A
person who abuses his/her position or power to commits any of the following
acts and causes damage assessed at from VND 100,000,000 to under VND
300,000,000 or under VND 100,000,000 while having incurred a disciplinary
penalty for the same offence shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a)
Deciding investment in construction against the Law on Construction;
b)
Making, assessing, approving a design or budget estimate, adjusting a budget
estimate, accepting a construction funded by the State against the Law on
Construction;
c)
Selecting unqualified contractors to execute the construction;
d)
Colluding with another entities in falsifying the result of project planning,
survey, design, construction supervision.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed for self-seeking purposes;
b) The
offence is committed by an organized group;
c) The
offence involves the use of deceitful methods;
d) The
offence results in damage from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000.
3. If the
damage caused by the offence is assessed at VND 1,000,000,000 to over, the
offender shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property
confiscated.
Article
225. Infringement of copyrights and relevant rights
1. A
person who, without the consent of the holders of copyrights and relevant
rights, deliberately commits any of the following acts which infringe upon
copyrights and relevant rights protected in Vietnam and earns an illegal profit
of from VND 50,000,000 to under VND 300,000,000 or causes a loss of from VND 100,000,000
to under VND 500,000,000 for the holders of such copyrights and relevant rights
or with the violating goods assessed at from VND 100,000,000 to under VND
500,000,000 shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND 300,000,000
or face a penalty of up to 03 years' community sentence:
a) Making
copies of works, video recordings or audio recordings;
b) Making
the copies of works, video recordings or audio recordings publicly available.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 300,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 06 - 03 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
illegal profit reaped is ≥ VND 300,000,000;
d) The
loss incurred by the holders of copyrights and relevant rights is ≥ VND
500,000,000;
dd) The
illegal goods are assessed at ≥ VND 500,000,000.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
200,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
4.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) Any
corporate legal entity that commits an offence specified in Clause 1 of this
Article despite the fact that it has incurred an administrative penalty or has
an unspent conviction for the same offence shall be liable to a fine of from
VND 300,000,000 to VND 1,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 24
months;
c) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 300,000,000 , be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
226. Infringement of industrial property rights
1. A
person who infringes upon industrial property rights to a brand name or
geographical indication protected in Vietnam and earns an illegal profit of
from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000 or causes a loss of from VND
200,000,000 to under VND 500,000,000 to the owner of such brand name or
geographical indication or with the violating goods assessed at from VND
200,000,000 to under VND 500,000,000 shall be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 500,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 500,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 06 - 03 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
illegal profit reaped is ≥ VND 300,000,000;
d) The
loss incurred by the owner of the brand name or geographical indication is ≥
VND 500,000,000;
dd) The
illegal goods are assessed at ≥ VND 500,000,000.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
200,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
4.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) Any
corporate legal entity that commits an offence specified in Clause 1 of this
Article despite the fact that it has incurred an administrative penalty or has
an unspent conviction for the same offence shall be liable to a fine of from
VND 500,000,000 to VND 2,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to a fine of from VND
2,000,000,000 to VND 5,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 24
months;
c) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 500,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
227. Offences against regulations on survey, exploration and extraction of
resources
1. Any
person who violates regulations of the State on survey, exploration and
extraction of resources on land, islands, inland waterway, territorial waters,
exclusive economic zones, continental shelves and airspace of Vietnam without a
license or against the license in any of the following circumstances or
recommits this offence despite the fact that he/she has incurred an
administrative penalty or has an unspent conviction for the same offence shall
be liable to a fine of from VND 300,000,000 to VND 1,500,000,000 or face a
penalty of 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
illegal profit from survey, exploration, extraction of water resources,
petroleum or other resources is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
resources extracted are assessed at from VND 500,000,000 to under VND
1,000,000,000;
c) The
offence causes 31% - 60% WPI for a person.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 1,500,000,000 to VND 5,000,000,000 or a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment:
a) The
illegal profit from survey, exploration, extraction of water resources,
petroleum or other resources is ≥ VND 500,000,000;
b) The
resources extracted are assessed at ≥ VND 1,000,000,000;
c) The
offence is committed by an organized group;
d) The
offence results in an environmental emergency;
dd) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers ≥ 61% WPI; or
bodily harm to 04 people, each of whom suffers ≥ 31% WPI;
e) The
offence results in the death of a person.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
500,000,000.
4.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) Any
corporate legal entity that commits the offence specified in Clause 1 of this
Article despite the fact that it has incurred an administrative penalty or has
an unspent conviction for the same offence shall be liable to a fine of from
VND 1,500,000,000 to VND 3,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to a fine of from VND
3,000,000,000 to VND 7,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
c) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 500,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
228. Offences against regulations on land use
1. Any
person who appropriates land, transfers land use right or uses land against
regulations of law on management and use of land despite the fact that he/she
has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction for the
same offence shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
500,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36
months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 500,000,000 to VND 2,000,000,000 or a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000.
Article
229. Offences against regulations on land management
1. Any
person who abuses his/her position or power to allocate, lease out land or
permit transfer of land use right or permit land repurposing against the law in
any of the following circumstances shall face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offence involves an area of paddy land from 5,000 m2 to under 30,000
m2; specialized forest, protection forest, production forest land
from 10,000 m2 to under 50,000 m2; farming land and
non-agricultural land from 10,000 m2 to under 40,000 m2;
b) The
offence involves an area of farming land whose land use right is assessed at
from VND 500,000,000 to under VND 2,000,000,000; non-agricultural land whose
land use right is assessed at from VND 1,000,000,000 to under VND
5,000,000,000;
c) The
offender has incurred a disciplinary penalty for the same offence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves an area of paddy land from 30,000 m2 to under
70,000 m2; specialized forest, protection forest, production forest
land from 50,000 m2 to under 100,000 m2; farming land and
non-agricultural land from 40,000 m2 to under 80,000 m2;
c) The
offence involves an area of farming land whose land use right is assessed at
from VND 2,000,000,000 to under VND 7,000,000,000; non-agricultural land whose
land use right is assessed at from VND 5,000,000,000 to under VND
15,000,000,000;
d) The
offence has a negative impact on social safety, order and security.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence involves an area of paddy land of ≥ 70,000 m2; specialized
forest, protection forest, production forest land of ≥ 100,000 m2;
farming land and non-agricultural land of 80,000 m2;
b) The
offence involves an area of farming land whose land use right is assessed at ≥
VND 7,000,000,000; non-agricultural land whose land use right is assessed at ≥
VND 5,000,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
150,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Article
230. Offences against regulations on compensation, support and relocation upon
land withdrawal by the State
1. A
person who abuses his/her position or power to commits any of the following
acts and causes property damage assessed at from VND 100,000,000 to under VND
300,000,000 or under VND 100,000,000 while having incurred a disciplinary
penalty for the same offence shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a)
Violations against regulations of law on compensation for loss of land, support
and relocation;
b)
Violations against regulations of law on compensation for property damage and
business operation.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence if committed for self-seeking purposes or other selfish motives;
b) The
offence is committed by an organized group;
c) The
offence involves the use of deceitful methods;
d) The
offence has a negative impact on social safety, order and security;
dd) The
offence results in damage from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000.
3. If the
damage caused by the offence is assessed at VND 1,000,000,000 to over, the
offender shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property
confiscated.
Article
231. Offences against regulations on distribution of relief money or relief
goods
1. Any
person who abuses his/her position or power to act against regulations on
distribution of relief money or relief goods and causes a loss of relief money
or relief goods of from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000 shall receive
a warning, be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND 200,000,000 or
face a penalty of up to 02 years' community sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
loss of relief money or relief goods is ≥ VND 300,000,000;
d) The
offence has a negative impact on social safety, order and security.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
232. Offences against regulations on extraction and protection of forests and
forest product management
1. A
person who commits any of the following acts, except in the circumstances
specified in Article 243 hereof, shall be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 300,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a)
Illegal logging in a production forest with a volume of from 20 m3
to under 40 m3 of timber of common species; from 12.5 m3
to under 25 m3 of timber of endangered, rare species in Group IIA;
b)
Illegal logging in a protection forest with a volume of from 15 m3
to under 30 m3 of timber of common species; from 10 m3 to
under 20 m3 of timber of endangered, rare species in Group IIA;
c)
Illegal logging in a specialized forest with a volume of from 15 m3
to under 30 m3 of timber of common species; from 5 m3 to
under 10 m3 of timber of endangered, rare species in Group IIA;
extraction of species in group IIA assessed at from VND 50,000,000 to under VND
100,000,000;
d)
Illegal extraction of forest plants other than timber assessed at from VND
100,000,000 to under VND 200,000,000;
dd)
Extraction of species in Group IA assessed at from VND 30,000,000 to under VND
60,000,000 or from 1 m3 to under 2 m3 of timber in a
production forest or from 0.5 m3 to under 1.5 m3 of
timber in a protection forest or from 0.5 m3 to under 1 m3
of timber in a specialized forest or a wildlife sanctuary;
e)
Illegal possession, transport, treatment, trading of from 1.5 m3 to
under 3 m3 of timber of species in Group IA or alien species in
Appendix I of CITES or List of endangered and rare species; from 10 m3
to under 20 m3 of timber of endangered, rare species in Group IIA or
alien species in Appendix II of CITES; from 20 m3 to under 40 m3
of timber of common species;
g)
Illegal possession, transport, treatment, trading of other species of wild
flora assessed at from VND 300,000,000 to under VND 600,000,000;
h) The
volume or value of illegal goods is below the lower levels specified in Point a
through e of this Clause but the offender has incurred an administrative
penalty or has an unspent conviction for the same offence ;
2. This offence
committed in any of the following circumstances carries a fine of from VND
300,000,000 to VND 1,500,000,000 or a penalty of 02 - 07 years' imprisonment:
a)
Illegal logging in a production forest with a volume of from 40 m3
to under 80 m3 of timber of common species; from 25 m3 to
under 50 m3 of timber of endangered, rare species in Group IIA;
b)
Illegal logging in a protection forest with a volume of from 30 m3
to under 60 m3 of timber of common species; from 20 m3 to
under 40 m3 of timber of endangered, rare species in Group IIA;
c)
Illegal logging in a specialized forest with a volume of from 30 m3
to under 60 m3 of timber of common species; from 10 m3 to
under 20 m3 of timber of endangered, rare species in Group IIA;
d)
Illegal extraction of forest plants other than timber assessed at from VND
200,000,000 to under VND 400,000,000;
dd)
Illegal possession, transport, treatment, trading of from 3 m3 to
under 6 m3 of timber of species in Group IA or alien species in
Appendix I of CITES or List of endangered and rare species; from 20 m3
to under 40 m3 of timber of endangered, rare species in Group IIA or
alien species in Appendix II of CITES; from 40 m3 to under 80 m3
of timber of common species;
e)
Illegal possession, transport, treatment, trading of other species of wild
flora assessed at from VND 600,000,000 to under VND 1,200,000,000;
g) The
offence is committed across the border or between a free trade zone and the
domestic market;
h) The
offence is committed by an organized group;
i)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a)
Illegal logging in a production forest with a volume of ≥ 80 m3 of
timber of common species; ≥ 50 m3 of timber of endangered, rare
species in Group IIA;
b)
Illegal logging in a protection forest with a volume of ≥ 60 m3 of
timber of common species; ≥ 40 m3 of timber of endangered, rare
species in Group IIA;
c)
Illegal logging in a specialized forest with a volume of ≥ 60 m3 of
timber of common species; ≥ 20 m3 of timber of endangered, rare
species in Group IIA;
d)
Illegal extraction of other forest plants assessed at ≥ VND 400,000,000;
dd)
Illegal possession, transport, treatment, trading of ≥ 6 m3 of
timber of species in Group IA or alien species in Appendix I of CITES or List
of endangered and rare species; ≥ 40 m3 of timber of endangered,
rare species in Group IIA or alien species in Appendix II of CITES; ≥ 80 m3
of timber of common species;
e)
Illegal possession, transport, treatment, trading of other species of wild
flora assessed at VND ≥ 1,200,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in the circumstances specified
in Clause 1 of this Article despite the fact that it has incurred an administrative
penalty for the same offence, except in the circumstances specified in Point g
Clause 1 of this Article, shall be liable to a fine of from VND 300,000,000 to
VND 1,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
3,000,000,000 to VND 6,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
d) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 500,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
233. Offences against regulations on forest management
1. A
person who abuses his/her position or power to commits any of the following
acts shall face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36
months' imprisonment:
a)
Illegal allocation or withdrawal of forest or afforestation land which involves
an area of from 20,000 m2 to under 25,000 m2 of production forest,
from 15,000 m2 to under 20,000 m2 of protection forest or
from 10,000 m2 to under 15,000 m2 of specialized forest,
except for the case in Article 229 hereof;
b)
Permitting illegal repurposing of forest or afforestation land which involves
an area of from 10,000 m2 to under 12,500 m2 of
production forest, from 7,500 m2 to under 10,000 m2 of
protection forests or from 5,000 m2 to under 7,500 m2 of
specialized forest, except for the case in Article 229 hereof;
c)
Permitting illegal extraction or transport of forest products in any of the
circumstances specified in Clause 1 Article 232 hereof;
d) The
offender has incurred a disciplinary for the same offence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c)
Illegal allocation or withdrawal forest or afforestation land which involves an
area of from 25,000 m2 to under 40,000 m2 of production
forest, from 20,000 m2 to under 30,000 m2 of protection
forest or from 15,000 m2 to under 25,000 m2 of
specialized forest;
d)
Permitting illegal repurposing of forest or afforestation land which involves
an area of from 12,500 m2 to under 17,000 m2 of
production forest, from 10,000 m2 to 15,000 m2 of
protection forest or from 7,500 m2 to 12,000 m2 of
specialized forest;
dd)
Permitting illegal extraction or transport of forest products in any of the
circumstances specified in Clause 2 Article 232 hereof.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a)
Illegal allocation or withdrawal forest or afforestation land which involves an
area of ≥ 40,000 m2 of production forest, 30,000 m2 or
over of protection forest or 25,000 m2 or over of specialized
forest;
b)
Permitting illegal repurposing of forest or afforestation land which involves
an area of ≥ 17,000 m2 of production forest, ≥ 15,000 m2
of protection forest or ≥ 12,000 m2 of specialized forest.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Article
234. Offences against regulations on management and protection of wild animals
1. A
person who commits any of the following acts, except in the circumstances
specified in Article 242 and Article 244 hereof, shall be liable to a fine of
from VND 50,000,000 to VND 300,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a)
Illegal hunting, killing, raising, imparking, transporting, trading of
Endangered, rare animals in Group IIB or animals in Appendix II of CITES
assessed at from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000; other common wild
animals assessed at from VND 500,000,000 to under VND 1,500,000,000;
b)
Illegal possession, transport, trading of endangered, rare animals in Group IIB
or animals in Appendix II of CITES or body parts or products thereof assessed
at from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000; common wild animals or body
parts thereof assessed at from VND 500,000,000 to under VND 1,500,000,000;
c) The
value of animals or body parts or products thereof is below the lower limits
specified in Point a and Point b of this Clause but the offender has incurred
an administrative penalty or has an unspent conviction for the same offence .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 300,000,000 to VND 1,500,000,000 or a penalty of 03 - 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
c) The
offence is committed using banned hunting equipment;
d)
Hunting in a no-hunting area or during a no-hunting period;
dd) The
illegal goods are traded or transported across the border;
e) The
quantity of Endangered, rare animals in Group IIB or animals in Appendix II of
CITES is assessed at from VND 1,000,000,000 to under VND 2,000,000,000; the
quantity of common wild animals or body parts or products thereof is assessed
at ≥ VND 1,500,000,000;
g) The
illegal profit reaped is from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
quantity of Endangered, rare animals in Group IIB or animals in Appendix II of
CITES, body parts or products thereof is assessed at ≥ VND 2,000,000,000;
b) The
illegal profit reaped is ≥ VND 500,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
300,000,000 to VND 1,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
3,000,000,000 to VND 6,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 200,000,000 , be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Chapter
XIX
ENVIRONMENTAL OFFENCES
Article
235. Causing environmental pollution
1. A
person who commits any of the following acts shall be liable to a fine of from
VND 100,000,000 to VND 1,000,000,000 or face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment:
a)
Burying, dumping or discharging into the environment from 3,000 kg to under
5,000 kg of hazardous wastes or persistent organic pollutants in Appendix A of
Stockholm Convention on persistent organic pollutants against the law;
b)
Discharging into the environment from 5,000 m3/day to under 10,000 m3/day
of wastewater whose pollution indicators exceed the limits in technical
regulations on wastes 10 times or more;
c)
Discharging into the environment wastewater that contain radioactive substances
that cause contamination from 02 - under 04 times above permissible limits in
technical regulations;
d)
Discharging into the environment from 5,000 m3/day to under 10,000 m3/day
of wastewater whose pH is from 0 to under 2 or from 12.5 to 14;
dd)
Discharging into the environment 300,000 m3/day to under 500,000 m3/day
of dust or exhaust gas exceeding the limits in technical regulations 10 times
or more;
e)
Burying, dumping or discharging into the environment from 200,000 kg to under
500,000 kg of conventional solid wastes against the law;
g) Wastes
contain radioactive substances that are radioactive sources of average danger
according to National Technical Regulation on radiation safety and
categorization of radioactive sources beyond permissible limits;
h)
Dispersing radiation into the environment from 02 to under 04 times above the
limits in technical regulations.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 1,000,000,000 to VND 3,000,000,000 or a penalty of 03 - 07 years'
imprisonment:
a)
Burying, dumping or discharging into the environment ≥ 5,000 kg of hazardous
wastes or persistent organic pollutants in Appendix A of Stockholm Convention
on persistent organic pollutants against the law;
b)
Discharging into the environment ≥ 10,000 m3/day of wastewater with
pollution indicators exceeding the limits in technical regulations on wastes 10
times or more;
c)
Discharging into the environment wastewater that contain radioactive substances
that cause contamination ≥ 04 times above permissible limits in technical regulations;
d)
Discharging into the environment ≥ 10,000 m3/day of wastewater whose
pH is from 0 to under 2 or from 12.5 to 14;
dd)
Discharging into the environment ≥ 500,000 m3/day of dust or exhaust
gas exceeding the limits in technical regulations 10 times or more;
e)
Burying, dumping or discharging into the environment ≥ 500,000 kg of
conventional solid wastes against the law;
g) Wastes
contain radioactive substances that are radioactive sources of above average
danger according to National Technical Regulation on radiation safety and
categorization of radioactive sources beyond permissible limits;
h)
Dispersing radiation into the environment ≥ 04 times above the limits in
technical regulations.
3. A
person that commits any of the following acts despite the fact that he/she has
incurred an administrative penalty or has an unspent conviction for the same
offence shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND 500,000,000 or
face a penalty of 03 - 24 months' imprisonment:
a)
Burying, dumping or discharging into the environment from 1,000 kg to
under 3,000 kg of hazardous wastes or persistent organic pollutants in Appendix
A of Stockholm Convention on persistent organic pollutants against the law;
b)
Transferring, giving, buying, selling ≥ 2,000 kg of banned hazardous wastes or
persistent organic pollutants against the law;
c)
Discharging into the environment from 1,000 m3/day to 10,000 m3/day
of wastewater whose pollution indicators exceed the limits in technical
regulations on wastes from 05 to under 10 times;
d)
Discharging into the environment wastewater that contain radioactive substances
that cause contamination from 01 - under 02 times above permissible limits in
technical regulations;
dd) Discharging
into the environment from 1,000 m3/day to under 10,000 m3/day
of wastewater whose pH is from 0 to under 2 or from 12.5 to 14;
e)
Discharging into the environment from 150,000 m3/day to under
300,000 m3/day of dust or exhaust gas exceeding the limits in
technical regulations 10 times or more;
g)
Burying, dumping or discharging into the environment from 100,000 kg to
under 200,000 kg of conventional solid wastes against the law;
h) Wastes
contain radioactive substances that are radioactive sources of below average
danger according to National Technical Regulation on radiation safety and
categorization of radioactive sources beyond permissible limits;
i)
Dispersing radiation into the environment from 01 to under 02 times above the
limits in technical regulations.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
200,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 5,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to a fine of from VND
5,000,000,000 to VND 10,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
500,000,000 to VND 3,000,000,000;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 500,000,000, banned from operating in certain fields for 01 -
03 years.
Article
236. Offences against regulations on hazardous waste management
1. Any
competent person who permits another entity to bury, dump, discharge from 3,000
kg to under 5,000 kg of hazardous wastes on the list of persistent organic
pollutants in Appendix A of Stockholm Convention on persistent organic
pollutants against the law or wastes containing radioactive substances that are
radioactive sources of below average danger according to National Technical
Regulation on radiation safety and categorization of radioactive sources beyond
permissible limits shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment:
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 02 - 05 years'
imprisonment:
a) The
offence involves from 5,000 kg to under 10,000 kg of hazardous wastes on the
list of persistent organic pollutants in Appendix A of Stockholm Convention on
persistent organic pollutants or wastes containing radioactive substances that
are radioactive sources of average danger according to National Technical
Regulation on radiation safety and categorization of radioactive sources beyond
permissible limits;
b) The
offence is committed by an organized group;
c) The
offence has been committed more than once;
d)
Dangerous recidivism.
3. If the
offence involves 10,000 kg or more of hazardous wastes on the list of
persistent organic pollutants in Appendix A of Stockholm Convention on
persistent organic pollutants or wastes containing radioactive substances that
are radioactive sources of above average danger according to National Technical
Regulation on radiation safety and categorization of radioactive sources above
permissible limits, the offender shall face a penalty of 05 - 10 years'
imprisonment;
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
150,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Article
237. Offences against regulations on prevention, response and relief of
environmental emergencies
1. A
person who commits any of the following acts shall be liable to a fine of from
VND 50,000,000 to VND 500,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a)
Violations against regulations on prevention of environmental emergencies that
lead to an environmental emergency;
b)
Violations against regulations on response to and relief of environmental emergencies
that lead to serious pollution or 31% WPI or more of another person or losses
of from VND 1,000,000,000 to under VND 3,000,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 500,000,000 to VND 2,000,000,000 or a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence results in the death of a person;
b) The
offence results in losses of from VND 3,000,000,000 to under VND 7,000,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 or more people;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 7,000,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND
3,000,000,000 to VND 5,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to fine of from VND
5,000,000,000 to VND 10,000,000,000;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 500,000,000, banned from operating in certain fields for 01
- 03 years.
Article
238. Offences against regulations on protection of irrigation works,
embankments and disaster protection works; offences against regulations on
protection of river banks
1. A
person who commits any of the following violations and causes bodily harm for
another person who suffers from ≥ 31% WPI or causes losses of from VND
100,000,000 to under VND 300,000,000 shall be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 300,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 03 - 24 months' imprisonment:
a)
Illegally building houses or works within the perimeter of irrigation works,
dykes and disaster protection works;
b)
Destroying or damaging irrigation works, dykes and disaster protection works;
works for protection, extraction, monitoring of water resources, works for
protection and relief from harmful effects of water, except in the
circumstances specified in Article 303 hereof;
c)
Illegally drilling, surveying, extracting soil, stones, sand, gravel, minerals,
groundwater;
d) Using
explosives, causing explosion or fire within the perimeter of irrigation works,
dykes and disaster protection works; works for protection, extraction,
monitoring of water resources, works for protection and relief from harmful
effects of water, unless there is a license or in an emergency prescribed by
law;
dd)
operating a reservoir, flood diversion work or flood control work against the
procedures or technical regulations, unless it is requested by a competent
person.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 300,000,000 to VND 2,000,000,000 or a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence results in the death of a person;
d) The
offence results in losses of from VND 300,000,000 to under VND 1,000,000,000;
dd)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 or more people;
b) The
offence results in losses of ≥ VND 1,000,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 02 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
300,000,000 to VND 1,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000;
c) A corporate
legal entity that commits this offence in any of the circumstances specified in
Clause 3 of this Article shall be liable to fine of from VND 3,000,000,000 to
VND 5,000,000,000;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 500,000,000, banned from operating in certain fields for 01
- 03 years.
Article
239. Bringing wastes into Vietnam’s territory
1. A
person who commits any of the following acts shall be liable to a fine of from
VND 200,000,000 to VND 1,000,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a)
Bringing from 1,000 kg to 3,000 kg of hazardous wastes or persistent organic
pollutants in Appendix A of Stockholm Convention into Vietnam’s territory;
b)
Bringing from 70,000 kg to under 170,000 kg of other wastes into Vietnam’s
territory.
2. This offence
committed in any of the following circumstances carries a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 2,000,000,000 or a penalty of 02 - 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
quantity of hazardous wastes or persistent organic pollutants in Appendix A of
Stockholm Convention is from 3,000 kg to under 5,000 kg;
c) The
quantity of other wastes is from 170,000 kg to under 300,000 kg.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
quantity of hazardous wastes or persistent organic pollutants in Appendix A of
Stockholm Convention is ≥ 5,000 kg;
c) The
quantity of other wastes is ≥ 300,000 kg.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to a fine of from VND
3,000,000,000 to VND 5,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 12
months;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
5,000,000,000 to VND 7,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 500,000,000, banned from operating in certain fields for 01
- 03 years.
Article
240. Spreading dangerous infectious diseases in human
1. A
person who commits any of the following acts that spread dangerous infectious
diseases in human shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000 or face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a)
Bringing or allowing another entity to bring animals, plants or products
thereof or other items that are likely to transmit dangerous infectious
diseases in human out of the epidemic zone, unless otherwise prescribed by law;
b)
Bringing or allowing another entity to bring animals, plants or products
thereof or other products that are infected or carry dangerous pathogens that
are likely to be transmitted to human into Vietnam’s territory;
c) Other
acts that spread dangerous infections in human.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in a declaration of an epidemic by the President of the
People’s Committee of a province or the Minister of Health;
b) The
offence results in the death of a person.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence results in a declaration of an epidemic by the Prime Minister;
b) The
offence results in the death of 02 or more people.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Article
241. Spreading dangerous infectious diseases in animals or plants
1. A
person who commits any of the following acts that spread dangerous infectious
diseases in animals or plants and causes property damage assessed at from VND
100,000,000 to under VND 500,000,000 or while having incurred a administrative
penalty for the same offence shall be liable to a fine of from VND 50,000,000
to VND 200,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or
06 - 36 months' imprisonment:
a)
Bringing or allowing another entity to bring animals, plants or products
thereof or other items that are infected or carry pathogens into or out of the
epidemic zone, unless otherwise prescribed by law;
b)
Bringing or allowing another entity to bring animals, plants or products
thereof that are required to undergo quarantine into Vietnam’s territory
without following regulations of law on quarantine;
c) Other
acts that spread dangerous infectious diseases in animals or plants.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 05 years' imprisonment:
a) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,000,000,000;
b) The
offence results in a declaration of an epidemic by the President of the
People’s Committee of a district or province.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
property damage caused by the offence is assessed at from ≥ VND 1,000,000,000;
b) The
offence results in a declaration of an epidemic by the Minister of Agriculture
and Rural development.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Article
242. Destruction of aquatic resources
1. A
person who violates regulations on protection of aquatic resources in any of
the following circumstances and causes losses to aquatic resources of from VND
100,000,000 to under VND 500,000,000 or extracts a quantity of aquatic products
assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000 or commits any of them
while having incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
300,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36
months' imprisonment:
a) Using
poisons, explosives, other chemicals, electricity or banned fishing equipment
for fishing or destructing aquatic resources;
b)
Fishing in a banned area or a temporarily banned area as prescribed by law;
c)
Extracting species banned from fishing as prescribed by law;
d)
Destroying the habitat of aquatic species on the list of endangered species as
prescribed by law;
dd)
Causing bodily harm to another person who suffers from 31% - 61% WPI.
e)
Violations against other regulations on protection of aquatic resources.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 300,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 03 - 05 years'
imprisonment:
a) The
offence results in losses to aquatic resources of from VND 500,000,000 to under
VND 1,500,000,000 the a quantity of aquatic products extracted is assessed at
from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers ≥ 61% WPI; or
bodily harm to 04 people, each of whom suffers ≥ 31% WPI;
c) The
offence results in the death of a person.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in losses to aquatic resources of ≥ VND 1,500,000,000 or the
extracted quantity of aquatic products is assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
offence results in the death of 02 or more people.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
300,000,000 to VND 1,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
3,000,000,000 to VND 5,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
d) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 200,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
243. Forest destruction
1. Any
person who sets fire or destroys forests or otherwise inflicts damage to
forests in any of the following circumstances shall be liable to a fine of from
VND 50,000,000 to VND 500,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offence involves an area of from over 30,000 m2 to under 50,000 m2
of immature forests or contained cultivation site;
b) The
offence involves an area of from over 5,000 m2 to under 10,000 m2
of production forest;
c) The
offence involves an area of from over 3,000 m2 to under 7,000 m2
of protection forest;
d) The
offence involves an area of from over 1,000 m2 to under 3,000 m2
of specialized forest;
dd) The
offence results in losses of forest products assessed at from over VND
30,000,000 to under VND 60,000,000 for natural production forests; from over
VND 50,000,000 to under VND 100,000,000 for planted production forests and
forest restoration sites in case it is not possible to determine the area of
destroyed forest because the offence is not committed within a limited area;
e) The
destroyed forest area or volume of forest products is below the levels
specified in Point a through dd Clause 1 of this Article but the offender has
incurred an administrative penalty or has an unspent conviction for the same
offence .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
c)
Dangerous recidivism.
d) The
offence involves an area of from over 50,000 m2 to under 100,000 m2
of non-forest planted trees or forest restoration site;
dd) The
offence involves an area of from over 10,000 m2 to under 50,000 m2
of production forest;
e) The
offence involves an area of from over 7,000 m2 to under 10,000 m2
of protection forest;
g) The
offence involves an area of from over 3,000 m2 to under 5,000 m2
of specialized forest;
h) The
offence results in losses of forest products assessed at from VND 60,000,000 to
under VND 120,000,000 for natural production forests; from VND 100,000,000 to
under VND 200,000,000 for planted production forests and forest restoration
site in case it is not possible to determine the area of destroyed forest
because the offence is not committed within a limited area;
i) The
offence involves endangered, rare plants that need protection, other Group IA
plants assessed at from over VND 60,000,000 to under VND 100,000,000; Group IIA
plants assessed at from VND 100,000,000 to under VND 200,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves an area of ≥ 100,000 m2 of non-forest planted trees
or forest restoration site;
b) The
offence involves an area of ≥ 50,000 m2 of production forest;
c) The
offence involves an area of ≥ 10,000 m2 of protection forest;
d) The
offence involves an area of ≥ 5,000 m2 of specialized forest;
dd) The
offence results in losses of forest products assessed at ≥ VND 120,000,000 for
natural production forests; ≥ VND 100,000,000 for planted production forests
and forest restoration site in case it is not possible to determine the area of
destroyed forest because the offence is not committed within a limited area;
e) The
offence involves endangered, rare plants that need protection, other Group IA
plants assessed at ≥ VND 100,000,000; Group IIA plants assessed at ≥ VND 200,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
500,000,000 to VND 2,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND
2,000,000,000 to VND 5,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
5,000,000,000 to VND 7,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 200,000,000 , be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
244. Offences against regulations on management and protection of endangered,
rare animals
1. Any
person who violates regulations on management and protection of animals on the
List of endangered and rare species; endangered, rare animals of Group IB or in
Appendix I of CITES in any of the following circumstances shall be liable to a
fine of from VND 500,000,000 to VND 2,000,000,000 or face a penalty of 01 - 05
years' imprisonment:
a)
Illegally hunting, killing, imparking, transporting, trading animals on the List
of endangered and rare species;
b)
Illegally possessing, transporting, trading animals specified in Point a of
this Clause or body parts thereof; from 02 kg to under 20 kg of elephant tusks;
from 0.05 kg to under 01 kg of rhino horns;
c)
Illegal hunting, killing, raising, imparking, trading of Group IB animals or
animals in Appendix I of CITES other than those specified in Point a of this
Clause involving 03 - 07 individuals of class mammalia, 03 - 07 individuals of
class aves or class reptilia or 10 - 15 individuals of other classes;
d)
Illegally possessing, transporting, trading vital body parts of 03 - 07 animals
of class mammalia, vital body parts of 07 - 10 individuals of class aves or
class reptilia or vital body parts of 10 -15 individuals of other classes
specified in Point c of this Clause;
dd) The
quantity of animals illegally hunted, killed, imparked, transported; body parts
of animals illegally possessed, transported, traded is below the lower limit
specified in Point b through d of his Clause but the offender has incurred an
administrative penalty or has an unspent conviction for the same offence .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
c) The
offence is committed using banned hunting equipment;
d)
Hunting in a no-hunting area or during a no-hunting period;
dd) The
illegal goods are traded or transported across the border;
e) The
offence involves a quantity of animals on the List of endangered and rare
species or a quantity of 07 - 10 individuals of class mammalia, 07 - 10
individuals of class aves or class reptilia, 10 -15 individuals of other
classes on the List of endangered and rare species or vital body parts thereof;
g) The
offence involves a quantity of endangered, rare animals specified in Point c
Clause 1 of this Article or a quantity of 08 - 11 individuals of class
mammalia, 11 - 15 individuals of class aves or class reptilia, 16 -20
individuals of other classes or vital body parts thereof;
h) The
offence involves 01 - 02 elephants or vital body parts thereof; 03 - 05 bears,
tigers or vital body parts thereof; from 20 kg to under 90 kg of elephant
tusks; from 01 kg to under 09 kg of rhino horns;
i)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves a quantity of ≥ 08 individuals of class mammalia, ≥ 11
individuals of class aves or class reptilia or ≥ 16 individuals of other
classes of animals on the List of endangered and rare species or vital body
parts thereof;
b) The
offence involves endangered, rare animals specified in Point c Clause 1 of this
Article or a with a quantity of ≥ 12 individuals of class mammalia, ≥ 16
individuals of class aves or class reptilia, ≥ 21 individuals of other classes
or vital body parts thereof;
c) The
offence involves ≥ 03 elephants or vital body parts thereof; ≥ 06 bears, tigers
or vital body parts thereof; ≥ 90 kg of elephant tusks; ≥ 09 kg of rhino horns;
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
5.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 5,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to fine of from VND
5,000,000,000 to VND 10,000,000,000;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 3 of this Article shall be liable to a fine of from VND
10,000,000,000 to VND 15,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
d) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
dd) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
300,000,000 to VND 600,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
245. Offences against regulations on management of wildlife sanctuaries
1. Any
person who violates regulations on wildlife sanctuaries in any of the following
circumstances shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
300,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36
months' imprisonment:
a) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 50,000,000 to
under VND 200,000,000;
b) The
offence results in damage to the landscape, ecology in the strictly restricted
area of the wildlife sanctuary with a total area of from 300 m2 to
under 500 m2;
c) The
offender has incurred an administrative penalty for the same offence or has an
unspent conviction for the same offence .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
property damage caused by the offence is assessed at from ≥ VND 200,000,000;
b) The
offence results in damage to the landscape, ecology in the strictly restricted
area of the wildlife sanctuary with a total area of ≥ 500 m2;
c) The
offence is committed by an organized group;
d)The offence
involves the use of banned instruments or methods;
dd)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
4.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
300,000,000 to VND 1,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
c) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Article 79 hereof shall be permanently shut down;
d) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 500,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Article
246. Importing, spreading invasive species
1. A
person who commits any of the following acts shall be liable to a fine of from
VND 100,000,000 to VND 1,000,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a)
Illegally importing invasive species or potentially invasive species assessed
at from VND 250,000,000 to under VND 500,000,000 or under VND 250,000,000 but
the offender has incurred an administrative penalty for the same offence;
b)
Spreading invasive species or potentially invasive species that causes property
damage assessed at from VND 150,000,000 to under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b)
Illegally importing invasive alien species or potentially invasive species
assessed at ≥ VND 500,000,000;
c)
Spreading invasive species or potentially invasive species that causes property
damage assessed at ≥ VND 500,000,000;
d)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
500,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
4.
Punishments incurred by a corporate legal entity that commits any of the
offences specified in this Article:
a) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 1 of this Article shall be liable to a fine of from VND
1,000,000,000 to VND 3,000,000,000;
b) A
corporate legal entity that commits this offence in any of the circumstances
specified in Clause 2 of this Article shall be liable to a fine of from VND
3,000,000,000 to VND 5,000,000,000 or has its operation suspended for 06 - 36
months;
c) The
violating corporate legal entity might also be liable to a fine of from VND
100,000,000 to VND 1,000,000,000, be banned from operating in certain fields or
raising capital for 01 - 03 years.
Chapter
XX
DRUG-RELATED OFFENCES
Article
247. Growing opium poppy plants, coca plants, cannabis plants or other plants
containing narcotic substances
1. Any
person who grows opium poppy plants, coca plants, cannabis plants or other
plants containing narcotic substances in any of the following circumstances
shall face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offender has been reprimanded twice and enabled to earn decent living;
b) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence ;
c) The
offence involves a quantity of from 500 to under 3,000 plants.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves a quantity of ≥ 3,000 plants;
c)
Dangerous recidivism.
3. The offender
might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 50,000,000.
4. The
person who commits the offence specified in Clause 1 of this Article but
voluntarily destroys the plants or submit them to a competent authority before
harvesting might be exempt from criminal responsibility.
Article
248. Illegal manufacturing of narcotic substances
1. Any
person who manufactures narcotic substances in any shape of form shall face a
penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
d) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
dd) The
offence involves a quantity of from 500 g to under 01 kg of opium poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
e) The
offence involves a quantity of from 05 g to under 30 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
g) The
offence involves a quantity of from 20 g to under 100 g of other solid narcotic
substances;
h) The
offence involves a quantity of from 100 ml under 200 ml of other liquid
narcotic substances;
i) Dangerous
recidivism;
k) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity of which is
equivalent to the quantity of narcotic substances specified in Point dd through
h of this Clause.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in a professional manner;
b) The
offence involves a quantity of from 01 kg to under 05 kg of opium poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
c) The
offence involves a quantity of from 30 g to under 100 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
d) The
offence involves a quantity of from 100 g to under 300 g of other solid
narcotic substances;
dd) The
offence involves a quantity of from 200 ml under 750 ml of other liquid narcotic
substances;
e) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point b through dd of this
Clause.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment, life imprisonment or death:
a) The
offence involves a quantity of ≥ 05 kg of opium poppy resin, cannabis resin or
coca glue;
b) The
offence involves a quantity of ≥ 100 g of heroin, cocaine, methamphetamine,
amphetamine or MDMA;
c) The
offence involves a quantity of ≥ 300 g of other solid narcotic substances;
d) The
offence involves a quantity of ≥ 750 ml of other liquid narcotic substances;
dd) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point a through d of this
Clause.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
500,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
249. Illegal possession of narcotic substances
1. Any
person who possesses narcotic substances for purposes other than trading,
transporting or manufacturing narcotic substances in any of the following
circumstances shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty for the same offence or has an
unspent conviction for the same offence ;
b) The
offence involves a quantity of from 01 g to under 500 g of opium poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
c) The
offence involves a quantity of from 0,1 g to under 05 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
d) The
offence involves a quantity of from 10 kg to under 25 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
dd) The
offence involves a quantity of from 05 kg to under 50 kg of dried opium poppy
fruits;
e) The
offence involves a quantity of from 01 kg to under 10 kg of fresh opium poppy
fruits;
g) The
offence involves a quantity of from 01 g to under 20 g of other solid narcotic
substances;
h) The
offence involves a quantity of from 10 ml under 100 ml of other liquid narcotic
substances;
i) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point b through h of this
Clause.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
d) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
dd) The
offence involves employment of a person under 16 for commission of the offence;
e) The
offence involves a quantity of from 500 g to under 01 kg of poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
g) The
offence involves a quantity of from 05 g to under 30 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
h) The
offence involves a quantity of from 25 kg to under 75 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
i) The
offence involves a quantity of from 50 kg to under 200 kg of dried opium poppy
fruits;
k) The offence
involves a quantity of from 10 kg to under 50 kg of fresh opium poppy fruits;
l) The
offence involves a quantity of from 20 g to under 100 g of other solid narcotic
substances;
m) The
offence involves a quantity of from 100 ml under 250 ml of other liquid
narcotic substances;
n)
Dangerous recidivism;
o) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point e through m of this
Clause.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves a quantity of from 01 kg to under 05 kg of poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
b) The
offence involves a quantity of from 30 g to under 100 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
c) The
offence involves a quantity of from 25 kg to under 75 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
d) The
offence involves a quantity of from 200 kg to under 600 kg of dried opium poppy
fruits;
dd) The
offence involves a quantity of from 50 kg to under 150 kg of fresh opium poppy
fruits;
e) The
offence involves a quantity of from 100 g to under 300 g of other solid
narcotic substances;
g) The
offence involves a quantity of from 250 ml under 750 ml of other liquid
narcotic substances;
h) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point a through g of this
Clause.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence involves a quantity of ≥ 05 kg of poppy resin, cannabis resin or coca
glue;
b) The
offence involves a quantity of ≥ 100 g of heroin, cocaine, methamphetamine,
amphetamine or MDMA;
c) The
offence involves a quantity of ≥ 75 kg of cannabis leaves, roots, branches,
flowers, fruits or coca leaves;
d) The
offence involves a quantity of ≥ 600 kg of dried opium poppy fruits;
dd) The
offence involves a quantity of ≥ 150 kg of fresh opium poppy fruits;
e) The
offence involves a quantity of ≥ 300 g of other solid narcotic substances;
g) The
offence involves a quantity of ≥ 750 ml of other liquid narcotic substances;
h) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point a through g of this
Clause.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
500,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
250. Illegal transport of narcotic substances
1. Any
person who transports narcotic substances for purposes other than
manufacturing, trading or possessing narcotic substances in any of the
following circumstances shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty for the same offence or has an
unspent conviction for the same offence ;
b) The
offence involves a quantity of from 01 g to under 500 g of poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
c) The
offence involves a quantity of from 0,1 g to under 05 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
d) The
offence involves a quantity of from 10 kg to under 25 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
dd) The
offence involves a quantity of from 05 kg to under 50 kg of dried opium poppy
fruits;
e) The
offence involves a quantity of from 01 kg to under 10 kg of fresh opium poppy
fruits;
g) The
offence involves a quantity of from 01 g to under 20 g of other solid narcotic
substances;
h) The
offence involves a quantity of from 10 ml under 100 ml of other liquid narcotic
substances;
i) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point b through h of this
Clause.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
d) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
dd) The
offence involves employment of a person under 16 for commission of the offence;
e)
Narcotic substances are transported across the border;
g) The
offence involves a quantity of from 500 g to under 01 kg of poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
h) The
offence involves a quantity of from 05 g to under 30 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
i) The
offence involves a quantity of from 10 kg to under 25 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
k) The
offence involves a quantity of from 50 kg to under 200 kg of dried opium poppy
fruits;
l) The
offence involves a quantity of from 10 kg to under 50 kg of fresh opium poppy
fruits;
m) The
offence involves a quantity of from 20 g to under 100 g of other solid narcotic
substances;
n) The
offence involves a quantity of from 100 ml under 250 ml of other liquid
narcotic substances;
o) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point g through n of this
Clause.
p)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence involves a quantity of from 01 kg to under 05 kg of poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
b) The
offence involves a quantity of from 30 g to under 100 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
c) The
offence involves a quantity of from 25 kg to under 75 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
d) The
offence involves a quantity of from 200 kg to under 600 kg of dried opium poppy
fruits;
dd) The
offence involves a quantity of from 50 kg to under 150 kg of fresh opium poppy
fruits;
e) The
offence involves a quantity of from 100 g to under 300 g of other solid
narcotic substances;
g) The
offence involves a quantity of from 250 ml under 750 ml of other liquid
narcotic substances;
h) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point a through g of this
Clause.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment, life imprisonment or death:
a) The
offence involves a quantity of ≥ 05 kg of poppy resin, cannabis resin or coca
glue;
b) The
offence involves a quantity of ≥ 100 g of heroin, cocaine, methamphetamine,
amphetamine or MDMA;
c) The
offence involves a quantity of ≥ 75 kg of cannabis leaves, roots, branches, flowers,
fruits or coca leaves;
d) The
offence involves a quantity of ≥ 600 kg of dried opium poppy fruits;
dd) The
offence involves a quantity of ≥ 150 kg of fresh opium poppy fruits;
e) The
offence involves a quantity of ≥ 300 g of other solid narcotic substances;
g) The
offence involves a quantity of ≥ 750 ml of other liquid narcotic substances;
h) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point a through g of this Clause.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
500,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
251. Illegal deal in narcotic substances
1. Any
person who illegally deals in narcotic substances shall face a penalty of 02 -
07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c)
Narcotic substances are traded with more than one person;
d) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
dd) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
e) The
offence involves employment of a person under 16 for commission of the offence;
g) The
offence involves a quantity of from 500 g to under 01 kg of poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
h) The
offence involves a quantity of from 05 g to under 30 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
i) The
offence involves a quantity of from 10 kg to under 25 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
k) The
offence involves a quantity of from 50 kg to under 200 kg of dried opium poppy
fruits;
l) The
offence involves a quantity of from 10 kg to under 50 kg of fresh opium poppy
fruits;
m) The
offence involves a quantity of from 20 g to under 100 g of other solid narcotic
substances;
n) The
offence involves a quantity of from 100 ml under 250 ml of other liquid
narcotic substances;
o) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point a through n of this
Clause;
p)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence involves a quantity of from 01 kg to under 05 kg of poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
b) The
offence involves a quantity of from 30 g to under 100 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
c) The
offence involves a quantity of from 25 kg to under 75 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
d) The
offence involves a quantity of from 200 kg to under 600 kg of dried opium poppy
fruits;
dd) The
offence involves a quantity of from 50 kg to under 150 kg of fresh opium poppy
fruits;
e) The
offence involves a quantity of from 100 g to under 300 g of other solid
narcotic substances;
g) The
offence involves a quantity of from 250 ml under 750 ml of other liquid
narcotic substances;
h) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point a through g of this
Clause.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment, life imprisonment or death:
a) The
offence involves a quantity of ≥ 05 kg of poppy resin, cannabis resin or coca
glue;
b) The
offence involves a quantity of ≥ 100 g of heroin, cocaine, methamphetamine,
amphetamine or MDMA;
c) The
offence involves a quantity of ≥ 75 kg of cannabis leaves, roots, branches,
flowers, fruits or coca leaves;
d) The
offence involves a quantity of ≥ 600 kg of dried opium poppy fruits;
dd) The
offence involves a quantity of ≥ 150 kg of fresh opium poppy fruits;
e) The
offence involves a quantity of ≥ 300 g of other solid narcotic substances;
g) The
offence involves a quantity of ≥ 750 ml of other liquid narcotic substances;
h) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point a through g of this
Clause.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
500,000,000 , be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
252. Appropriation of narcotic substances
1. Any
person who appropriates narcotic substances in any shape or form in any of the
following circumstances shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence;
b) The
offence involves a quantity of from 01 g to under 500 g of poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
c) The
offence involves a quantity of from 0,1 g to under 05 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
d) The
offence involves a quantity of from 10 kg to under 25 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
dd) The
offence involves a quantity of from 05 kg to under 50 kg of dried opium poppy
fruits;
e) The
offence involves a quantity of from 01 kg to under 10 kg of fresh opium poppy
fruits;
g) The
offence involves a quantity of from 01 g to under 20 g of other solid narcotic
substances;
h) The
offence involves a quantity of from 10 ml under 100 ml of other liquid narcotic
substances;
i) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point b through h of this
Clause.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
d) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
dd) The
offence involves employment of a person under 16 for commission of the offence;
e) The
offence involves a quantity of from 500 g to under 01 kg of poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
g) The
offence involves a quantity of from 05 g to under 30 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
h) The
offence involves a quantity of from 10 kg to under 25 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
i) The
offence involves a quantity of from 50 kg to under 200 kg of dried opium poppy
fruits;
k) The
offence involves a quantity of from 10 kg to under 50 kg of fresh opium poppy
fruits;
l) The
offence involves a quantity of from 20 g to under 100 g of other solid narcotic
substances;
m) The
offence involves a quantity of from 100 ml under 250 ml of other liquid
narcotic substances;
n) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point e through m of this
Clause;
o)
Dangerous recidivism;
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves a quantity of from 01 kg to under 05 kg of poppy resin,
cannabis resin or coca glue;
b) The
offence involves a quantity of from 30 g to under 100 g of heroin, cocaine,
methamphetamine, amphetamine or MDMA;
c) The
offence involves a quantity of from 25 kg to under 75 kg of cannabis leaves,
roots, branches, flowers, fruits or coca leaves;
d) The
offence involves a quantity of from 200 kg to under 600 kg of dried opium poppy
fruits;
dd) The
offence involves a quantity of from 50 kg to under 150 kg of fresh opium poppy
fruits;
e) The
offence involves a quantity of from 100 g to under 300 g of other solid
narcotic substances;
g) The
offence involves a quantity of from 250 ml under 750 ml of other liquid
narcotic substances;
h) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point a through g of this
Clause.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence involves a quantity of ≥ 05 kg of poppy resin, cannabis resin or coca
glue;
b) The
offence involves a quantity of ≥ 100 g of heroin, cocaine, methamphetamine,
amphetamine or MDMA;
c) The
offence involves a quantity of ≥ 75 kg of cannabis leaves, roots, branches,
flowers, fruits or coca leaves;
d) The
offence involves a quantity of ≥ 600 kg of dried opium poppy fruits;
dd) The
offence involves a quantity of ≥ 150 kg of fresh opium poppy fruits;
e) The
offence involves a quantity of ≥ 300 g of other solid narcotic substances;
g) The
offence involves a quantity of ≥ 750 ml of other liquid narcotic substances;
h) The
offence involves ≥ 02 narcotic substances the total quantity is equivalent to
the quantity of narcotic substances specified in Point a through g of this
Clause.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
500,000,000 , be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
253. Possession, transport, trading or appropriation of precursors for illegal
manufacturing of narcotic substances
1. Any
person who possesses, transports, deals in or appropriates precursors for
illegal manufacturing of narcotic substances in any of the following
circumstances shall face a penalty of 01 - 06 years' imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence;
b) The
offence involves a quantity of from 50 g to under 200 g of solid precursors or
from 75 ml to under 300 ml of liquid precursors.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 06
- 13 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
d) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
dd) The
offence involves a quantity of from 200 g to under 500 g of solid precursors;
e) The
offence involves a quantity of from 300 ml under 750 ml of liquid precursors;
g) The
offence involves employment of a person under 16 for commission of the offence;
h)
Precursors are transported or traded across the border;
i) Dangerous
recidivism.
3. If the
quantity of solid precursors is from 500 g to under 1,200 g or liquid
precursors from 750 ml to under 1,850 ml, the offender shall face a penalty of
13 - 20 years' imprisonment.
4. If the
quantity of solid precursors is ≥ 1,200 g or liquid precursors ≥ 1,850 ml, the
offender shall face a penalty of 20 years' imprisonment or life imprisonment.
5. If the
offence involves both solid precursors and liquid precursors, 01 g of solid
precursor shall be equivalent to 1.5 ml of liquid precursor. After conversion,
the offender shall be prosecuted accordingly.
6. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
50,000,000, be prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
254. Manufacturing, possession, transport, trading of instruments and equipment
serving illegal manufacturing or use of narcotic substances
1. Any
person who manufactures, possesses, transports or deals in instruments and
equipment serving illegal manufacturing or use of narcotic substances in any of
the following circumstances shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence;
b) The
offence involves 06 - 19 pieces of instruments or equipment of the same type or
various types.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
d) The
offence is committed in the name of an agency or organization;
dd) The
offence involves the transport of ≥ 20 pieces of instruments or equipment of
the same type or various types;
e) The
instruments or equipment are transported across the border;
g) The
offence involves employment of a person under 16 for commission of the offence;
h)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
500,000,000 , be prohibited from holding certain positions or doing certain
works for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
255. Facilitation of illegal use of narcotic substances
1. Any
person who facilitates the use of narcotic substances in any shape of form
shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence involves ≥ 02 users;
c) The
offence involves a user aged from 13 to under 18;
d) The
offence involves a female user whose pregnancy is known by the offender;
dd) The
offence involves a user undergoing rehabilitation;
e) The
offence causes 31% - 60% WPI for a person;
g) The
offence results in infection of a dangerous disease of another person;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence causes ≥ 61% WPI or death of a person;
b) The
offence results in bodily harm to more than one person, each of whom suffers
from 31% - 60% WPI;
c) The
offence results in infection of a dangerous disease of more than one person;
d) The
offence involves a user aged under 13.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence results in bodily harm to more than one person, each of whom suffers
from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in the death of 02 or more people.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
500,000,000, put under o mandatory supervision, prohibited from residence for
01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
256. Concealment of illegal use of narcotic substances
1. Any
person who leases out, lends premises or otherwise conceals the illegal use of
narcotic substances, except for the cases in Article 255 hereof, shall face a
penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves the abuse of the offender's position or power;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence involves a user aged under 16;
d) The
offence involves ≥ 02 users;
dd)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000 or have all or part of his/her property confiscated.
Article
257. Forcing others to use narcotic substances
1. Any
person who uses violence or threatens to use violence or otherwise intimidates
another person into illegally using narcotic substances against that person's
will shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence is committed by despicable motives or self-seeking purpose;
d) The
offence is committed against a person aged from 13 to under 18;
dd) The
offence is committed against a female whose pregnancy is known by the offender;
e) The
offence is committed against more than one person;
g) The
offence is committed against a person undergoing rehabilitation;
h) The
offence causes 31% - 60% WPI for a person;
i) The
offence results in infection of a dangerous disease of a person;
k)
Dangerous recidivism;
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence causes ≥ 61% WPI or death of a person;
b) The
offence results in infection of a dangerous disease of more than one person;
c) The offence
is committed against a person under 13;
4. If
this offence results in the death of more than one person, the offender shall
face a penalty of 20 years' imprisonment or life imprisonment.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
100,000,000.
Article
258. Persuading or inciting others to use narcotic substances
1. Any
person who persuades, incites or otherwise persuades another person to
illegally use narcotic substances shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence is committed by despicable motives or self-seeking purpose;
d) The
offence is committed against a person aged from 13 to under 18;
dd) The
offence is committed against a female whose pregnancy is known by the offender;
e) The
offence is committed against more than one person;
g) The
offence is committed against a person undergoing rehabilitation;
h) The
offence causes 31% - 60% WPI for a person;
i) The
offence results in infection of a dangerous disease of a person;
k)
Dangerous recidivism;
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence causes ≥ 61% WPI or death of a person;
b) The
offence results in infection of a dangerous disease of more than one person;
c) The
offence is committed against a person under 13;
4. If
this offence results in the death of more than one person, the offender shall face
a penalty of 15 - 20 years' imprisonment or life imprisonment.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
100,000,000.
Article
259. Offences against regulations on management, use of narcotic substances,
precursors, narcotic drugs and psychotropic drugs
1. A
person who is responsible for manufacturing, transport, preservation, storage,
trading, distribution, use, processing, exchange, export, import, transit
through Vietnam’s territory, prescription, sale, analysis, research of narcotic
substances, precursors, narcotic drugs or psychotropic drugs but commits any of
the following acts despite the fact that he/she has incurred a disciplinary or
administrative penalty or has an unspent conviction for a drug-related crime shall
be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty
of 01 - 05 years' imprisonment:
a)
Violations against regulations on export, import, temporary import, transit
through Vietnam’s territory substances containing narcotic substances, narcotic
drug, psychotropic drug and precursors;
b)
Violations against regulations on research, analysis, manufacturing, storage of
narcotic substances and/or precursors;
c)
Violations against regulations on delivery, possession, transport of narcotic
substances and/or precursors;
d)
Violations against regulations on distribution, trading, use, exchange of
narcotic substances and/or precursors;
dd)
Violations against regulations on management, control, storage of narcotic
substances and/or precursors in the border checkpoint area or at sea;
e)
Allowing an unqualified person to keep or use narcotic substances or
psychotropic substances or other narcotic substances.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, prohibited from holding certain positions or doing certain works
for 01 - 05 years.
Chapter
XXI
INFRINGEMENT UPON PUBLIC SAFETY, PUBLIC
ORDER
Section
1. INFRINGEMENT UPON TRAFFIC SAFETY
Article
260. Road traffic offences
1. Any
person who violates regulations on road traffic safety in any of the following
circumstances shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 01 - 05
years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to 03 people who suffer from a total WPI of 61%
- 121%;
d) The property
damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to under VND
500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offender does not have a driving license as prescribed;
b) The
offender is under the influence of alcohol with blood or breath alcohol content
above the limit or under the influence of drugs or other strong stimulants
banned by law;
c) The
offender leaves the site after the accident to evade responsibility or refuses
to help the victim;
d) The
offender fails to comply with the traffic controller's commands;
dd) The
offence results in the death of 02 people;
e) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
g) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
h) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000;
3. This offence committed in any of the following circumstances
carries a penalty of 07 - 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%.
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000;
4. If the
offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI or
bodily harm to 02 or more people who suffer from a total WPI of 31% - 60%, the
offender shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or
face a penalty of up to 03 years' community sentence.
5. If a
road traffic offence poses a threat to life, health or property of other people
and is not promptly prevented, the offender shall be liable to a fine of from
VND 10,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty of up to 01 year's community
sentence or 03 - 12 months' imprisonment.
6. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
261. Obstruction of road traffic
1. Any
person who illegally digs, drills, cuts, buries road traffic works; illegally
places or spills materials, wastes, garbage, slippery substances, sharp items
or other obstacles that obstruct road traffic; illegally removes, moves, blocks
or destroys road signs, traffic lights, milestones, road mirrors, median strip
or other road safety equipment; opens illegal crossing; illegally uses sidewalks,
carriageway; illegally uses road safety corridors or commits violations against
regulations on road traffic safety during construction on public roads in any
of the following circumstances shall be liable to a fine of from VND 30,000,000
to VND 100,000,000, up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months'
imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 300,000,000 or a penalty of 02 - 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed on a mountain pass, freeway or dangerous road;
b) The
offence results in the death of 02 people;
c) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
d) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people, each of whom suffers from ≥ 61%
WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%.
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000;
4. Any
person who illegally digs, drills, cuts, buries road traffic works; illegally
places or spills materials, wastes, garbage, slippery substances, sharp items
or other obstacles that obstruct road traffic; illegally removes, moves, blocks
or destroys road signs, traffic lights, milestones, road mirrors, median strip
or other road safety equipment; opens illegal crossing; illegally uses
sidewalks, carriageway; illegally uses road safety corridors or commits
violations against regulations on road traffic safety during construction on
public roads and as a result causes bodily harm for 01 person who suffers from
31% - 60% WPI or bodily harm to more than one person who suffers from a total
WPI of 31% - 60% shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000, up to 03 years' community sentence.
5. If
this offence poses a threat to life, health or property of other people and is
not promptly prevented, the offender shall be liable to a fine of from VND
5,000,000 to VND 20,000,000 or face a penalty of up to 01 year's community
sentence.
Article
262. Allowing the use of unroadworthy road vehicles, heavy-duty vehicles on
public roads
1. Any
person who is responsible for operation or operating conditions of vehicles but
allows the use of unroadworthy road vehicles or heavy-duty vehicles on public
roads in any of the following circumstances shall be liable to a fine of from
VND 20,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%.
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000;
4. Any
person who is responsible for operation or operating conditions of vehicles but
allows the use of unroadworthy road vehicles or heavy-duty vehicles on public
roads and as a results causes bodily harm for 01 person who suffers from 31% -
60% WPI or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of
31% - 60% shall be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND 100,000,000
or face a penalty of up to 03 years' community sentence.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
263. Requesting an unqualified person to operate a vehicle on public roads
1. Any
person who makes use of his/her power to request another person to operate a
vehicle on public roads in the knowledge that he/she does not have a driver
license, does not have capable health, has not reached the driving age or is under
the minimum driving age, is under the influence of alcohol with blood or breath
alcohol content above the limit or under the influence of drugs or other strong
stimulants and as a results causes any of the following consequences shall be
liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of
up to 03 years' community sentence or 01 - 03 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000;
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%.
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000;
4. Any
person who makes use of his/her power to request another person to operate a
vehicle on public roads in the knowledge that he/she does not have a driver
license, capable health or is under the minimum driving age, is under the
influence of alcohol with blood or breath alcohol content above the limit or
under the influence of drugs or other strong stimulants and as a results causes
bodily harm for 01 person who suffers from 31% - 60% WPI or bodily harm to more
than one person who suffer from a total WPI of 31% - 60% shall be liable to a
fine of from VND 20,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03
years' community sentence:
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
30,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
264. Allowing an unqualified person to operate a vehicle on public roads
1. Any
person who owns or manages a road vehicle and allows another person to operate
the vehicle on public roads in the knowledge that he/she does not have a driver
license or is under the minimum driving age or under the influence of alcohol
with blood or breath alcohol content above the limit or under the influence of
drugs or other strong stimulants or otherwise unqualified and as a results
causes any of the following consequences shall be liable to a fine of from VND
10,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 50,000,000 to VND 200,000,000 or a penalty of 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%.
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000;
4. Any
person who owns or manages a road vehicle and allows another person who does
not have a driver license or is under the minimum driving age or under the
influence of alcohol with blood or breath alcohol content above the limit or
under the influence of drugs or other strong stimulants or otherwise
unqualified and as a results causes bodily harm for 01 person who suffers from
31% - 60% WPI or bodily harm to more than one person who suffer from a total
WPI of 31% - 60% shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community sentence.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
30,000,000.
Article
265. Organizing illegal street races
1. Any
person who illegally organizes a street race which involves automobiles,
motorbikes or other motor vehicles shall be liable to a fine of from VND 30,000,000
to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or
01 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 03 - 07 years' imprisonment:
a) The
street race is participated by ≥ 10 vehicles or the offender organizes ≥ 02
street races at the same time;
b) The
street race involves betting;
c) The
offender organizes resistance to people in charge of road traffic safety and
order or people in charge of dismissing the street race;
d) The
street race is held in a crowded area;
dd)
Safety equipment is removed from the racing vehicles;
e) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
g) The
offence results in bodily harm to ≥02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
h) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
i) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
k) This
offence or street racing is recommitted.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000;
dd)
Dangerous recidivism.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%.
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000;
5. If the
offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI or
bodily harm to ≥ 02 who suffer from a total WPI of 31% - 60%, the offender
shall face a penalty of 01 - 06 years' imprisonment.
6. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000.
Article
266. Illegal street racing
1. Any
person who participates in an illegal street race which involves automobiles,
motorbikes or other motor vehicles in any of the following circumstances shall
be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty
of up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment:
a) The
offence results in bodily harm to 01 people who suffers from 31% - 60% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to more than one person who suffer from a total
WPI of 31% - 60%;
c) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 50,000,000 to VND 150,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
dd) The
offender causes an accident and leaves the site to evade responsibility or
refuses to help the victim;
e) The
offender participates in betting;
g) The
offender resists people in charge of road traffic safety and order or people in
charge of dismissing the street race;
h) The
street race is held in a crowded area;
i) Safety
equipment is removed from the racing vehicles;
k)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
4. This offence
committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07 - 15
years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 50,000,000.
Article
267. Offences against regulations on control of railway vehicles
1. The
commander or operator of a railway vehicle who violates regulations on railway
safety in any of the following circumstances shall be liable to a fine of from
VND 50,000,000 to VND 200,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offender does not have a license, qualification or certificate suitable for
his/her duties;
b) The
offender commits the offence under the influence of alcohol with blood or
breath alcohol content above the limit or under the influence of drugs or other
strong stimulants banned by law;
c) The
offender leaves the site after causing the accident to evade responsibility or
refuses to help the victim;
d) The
offender fails to comply with the commands of the commander or person in charge
of railway safety;
dd) The
offence results in the death of 02 people;
e) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
g) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
h) The property
damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to under VND
1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The offence
results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥ 201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence poses a threat to life, health or property of other people and is
not promptly prevented, the offender shall be liable to a fine of from VND
10,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community
sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
5. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to 02 or more people who suffer from a total WPI of 31% - 60%,
the offender shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or up to 03 years' community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment.
6. The offender
might also be prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
268. Obstruction of rail traffic
1. Any
person who places obstacles on the railway; moves the rail or sleepers;
illegally drills, digs, cuts the railway ground, opens crossing, builds drains
or other illegal works across the railway; breaks, changes, moves, blocks
railway signals, signs, milestones; lets animals cross the railway against the
rules or allows animals pulling a vehicle across the railway without a rider;
illegally uses a self-made vehicle or vehicle banned from railway; damages
railway vehicles or illegally occupies railway safety corridors or perimeters
in any of the following circumstances shall be liable to a fine of from VND 30,000,000
to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or
01 - 03 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
dd) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment:
5. If
this offence poses a threat to life, health or property of other people and is
not promptly prevented, the offender shall be liable to a fine of from VND
10,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community
sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
Article
269. Allowing the use of unsafe railway vehicles or equipment
1. Any
person who is responsible for operation or operating conditions of railway
vehicles but allows the use of a vehicle or piece of equipment that does not
have the certificate of registration, inspection or that does not satisfy
technical standards or safety standards and as a result causes any of the
following consequences or does it while having incurred a disciplinary penalty
for the same offence shall be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 01 - 05
years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
270. Requesting an unqualified person to operate railway vehicles
1. Any
person who requests or allows a person who does not have a license for train
operation or a person under the influence of alcohol with blood or breath
alcohol content above the limit or under the influence of drugs or other strong
stimulants or otherwise unqualified to operate a railway vehicle and as a
results causes any of the following consequences or does it while having
incurred a disciplinary penalty for the same offence shall be liable to a fine
of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% - 60%
or the offender has incurred a disciplinary penalty for the same offence, the
offender shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or
face a penalty of up to 03 years' community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
271. Allowing an unqualified person to operate railway vehicles
1. Any
person who allows a person who does not have a license for train operation or a
person under the influence of alcohol with blood or breath alcohol content
above the limit or under the influence of drugs or other strong stimulants or
otherwise unqualified to operate a railway vehicle and as a results causes any
of the following consequences or does it while having incurred a disciplinary
penalty for the same offence shall be liable to a fine of from VND 30,000,000
to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or
06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% - 60%
or the offender has incurred a disciplinary penalty for the same offence, the
offender shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or
face a penalty of up to 03 years' community sentence.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
272. Offences against regulations on control of water-borne vehicles
1. Any
water-borne vehicle operator who violates regulations on waterway traffic
safety and as a result causes any of the following consequences shall be liable
to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to
03 years' community sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offender does not have a license or qualification suitable for his/her position
or the vehicle as prescribed;
b) The
offender is under the influence of alcohol with blood or breath alcohol content
above the limit or under the influence of drugs or other strong stimulants;
c) The
offender leaves the site after causing the accident to evade responsibility or
refuses to help the victim;
d) The
offender fails to comply with the commands of commander or person in charge of
waterway traffic safety;
dd) The
offence results in the death of 02 people;
e) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
g) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
h) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence poses a threat to life, health or property of other people and is
not promptly prevented, the offender shall be liable to a fine of from VND
10,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
5. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment.
6. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
273. Obstruction of waterway traffic
1. Any
person who illegally drills or digs and as a result damages the structure of
waterway traffic works; placing obstacles that obstruct waterway traffic
without putting up and signs; moves the signs; remove the signs or destroy
waterway traffic works; occupies channels or safety corridor of waterway
traffic or otherwise obstructs waterway traffic and causes any of the following
consequences shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 01 - 05
years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment.
5. If
this offence poses a threat to life, health or property of other people and is
not promptly prevented, the offender shall be liable to a fine of from VND
10,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community
sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
Article
274. Allowing the use of unsafe water-borne vehicles
1. Any
person who is responsible for operation or operating conditions of water-borne
vehicles but allows the use of a water-borne vehicle that is obviously unsafe
and as a result causes any of the following consequences or does it while
having incurred a disciplinary or administrative penalty for the same offence
or having an unspent conviction for the same offence shall be liable to a fine
of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% - 60%
or the offender has incurred a disciplinary penalty or administrative penalty
for the same offence or has an unspent conviction for the same offence , the
offender shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or
face a penalty of up to 03 years' community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
275. Requesting an unqualified person to operate water-borne vehicles
1. Any
person who requests a person who does not have an appropriate license,
certificate or qualification or is otherwise unqualified to operate a
water-borne vehicles and as a result causes any of the following consequences
or does it while having incurred a disciplinary or administrative penalty for
the same offence or having an unspent conviction for the same offence shall be
liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of
up to 03 years' community sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% - 60%
or the offender has incurred a disciplinary or administrative penalty for the
same offence or has an unspent conviction for the same offence, the offender
shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
276. Allowing an unqualified person to operate water-borne vehicles
1. Any
person who allows another person who does not have an appropriate license,
certificate or qualification or is otherwise unqualified to operate a
water-borne vehicles and as a result causes any of the following consequences
or does it while having incurred a disciplinary or administrative penalty for
the same offence or has an unspent conviction for the same offence shall be
liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of
up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% - 60%
or the offender has incurred a disciplinary or administrative penalty or has an
unspent conviction for the same offence, the offender shall be liable to a fine
of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
277. Offences against regulations on airplane operation
1. An
airplane commander or operator who commits a violation against regulations on
air traffic safety which poses a threat to life, health or property of other
people and is not promptly prevented shall be liable to a fine of from VND
30,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 01 -05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
278. Obstruction of air traffic
1. A
person who commits any of the following acts which obstruct air traffic and
result in to the death of 01 person or bodily harm to 01 person who suffers
from 31% - 60% WPI or bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI or bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of 62% - 121%
or property damage assessed at from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000 or
does it while having incurred a disciplinary or administrative penalty for the
same offence or has an unspent conviction for the same offence shall be liable
to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to
03 years' community sentence or 01 - 05 years' imprisonment.
a)
Placing obstacles that obstruct air traffic;
b)
Illegally moving, blocking or destroying air traffic signs or signals;
c)
Incorrectly using or jamming communication frequencies;
d)
Deliberately providing false information to an extent that threatens the safety
of the flying airplane or on the ground, safety of passengers, flight crew,
ground crew, people at the airport/airfield or civil aviation equipment;
dd)
Damaging airport equipment or other ancillary equipment serving flight safety;
e) Other
acts obstructing air traffic.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000;
e) The
offender is in charge of air traffic safety assurance or air traffic safety
equipment.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% - 60%
or the offender has incurred a disciplinary or administrative penalty for the
same offence or has an unspent conviction for the same offence, the offender
shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 100,000,000 or face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
5. If
this offence poses a threat to life, health or property of other people and is
not promptly prevented, the offender shall be liable to a fine of from VND
10,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
6. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
279. Allowing the use of unsafe air transport vehicles
1. Any
person who is responsible for operation or operating conditions of air
transport vehicles but allows the use of a vehicle that is obviously unsafe
shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 08
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
5. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment.
6. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
280. Requesting or allowing an unqualified person to operate air transport
vehicles
1. Any
person who requests or allows a person who does not have a license for airplane
operation is otherwise unqualified as prescribed by law to operate air
transport vehicles shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
5. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment.
6. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
281. Offences against regulations of maintenance, repair, management of traffic
works
1. A
person who is in charge of maintenance, repair or management of road traffic,
rail traffic, waterway traffic or air traffic works and commits any of the
following acts which results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% -
60% WPI or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of
31% - 60% shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000
or face a penalty of up to 03 years' community sentence.
a)
Failure to comply with or correctly comply with regulations on maintenance,
repair, management of traffic works which make them fail to assure technical
safety and satisfy technical standards of works related to traffic safety;
b)
Failure to repair damaged traffic works that threaten traffic safety;
c)
Failure to follow or correctly follow instructions on traffic control,
placement of signs, milestones, fences for prevention of accidents when a
traffic work is damaged or under repair or maintenance;
d)
Failure to frequently check and take measures for assurance of traffic safety
on a dangerous mountain pass, road segments where landslide, stone fall or
flood is likely or unsafe road segments;
dd)
Failure to promptly take measures for prevention of accidents when receiving
information about a damaged traffic work under the offender's management;
e)
Failure to place or adequately place warning signals according to regulations
on construction and repair of traffic works;
g)
Failure to clean up warning signs, fences, equipment and materials after the
construction is complete;
h) Other
violations against regulations on maintenance, repair, management of traffic
works.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 06
- 36 months' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of 122%
- 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
282. Hijacking of an airplane or ship
1. Any
person who uses violence, threat of violence or otherwise hijacks an airplane
or ship shall face a penalty of 07 - 15 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves the use of dangerous weapons or equipment;
c) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
d) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
dd) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
e) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
g)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
122%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 500,000,000.
4. The
offender might also be put under mandatory supervision or prohibition from residence
for 01 - 05 years.
Article
283. Operating airplanes against aviation laws of Socialist Republic of Vietnam
1. Any
person who operates an airplane to or from Vietnam against regulations of law
on aviation of Socialist Republic of Vietnam, except for the cases in Article
110 and Article 111 hereof, shall be liable to a fine of from VND 100,000,000
to VND 300,000,000 or face a penalty of 03 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from VND
300,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 500,000,000 to VND 1,500,000,000 or a penalty of 03 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 1,500,000,000 to VND 3,000,000,000 or a penalty of 05 - 12 years'
imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
5. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 100,000,000 to VND
300,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence.
Article
284. Operating maritime vehicles against maritime laws of Socialist Republic of
Vietnam
1. A
person who operates a ship or another maritime vehicle to or from Vietnam or
across Vietnam's territorial sea and commits any of the following acts which
causes 31% - 60% WPI for 01 person or a total WPI of 31% - 60% for more than
one person or does it while having incurred an administrative penalty for the
same offence, except for the cases in Article 110 and Article 111 hereof, the
offender shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND 200,000,000 or
face a penalty of up to 03 years' community sentence:
a)
Exceeding speed limit in port waters;
b)
Failure to operate within permissible areas;
c)
Failure to follow or fully follow procedures for entering, leaving the port,
pilotage regulation, procedures for anchoring, docking, side-by-side docking,
regulations on order and hygiene, fire safety, prevention of environmental
pollution by maritime vehicles;
d)
Failure to comply with or correctly comply with regulations on operating,
evading, overtaking, yielding in maritime traffic or the maritime vehicle does
not have honks, bells, gongs or the volume of which is not conformable;
dd)
Failure to adhere to the route or comply with signals as prescribed; failure to
comply with or correctly comply with regulations on making sound or light
signals.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 50,000,000 to VND 200,000,000 or a penalty of 03 - 24 months' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 01 - 03 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 500,000,000 to VND 1,500,000,000 or a penalty of 03 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence results in the death of 03 or more people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
Section
2. OFFENCES AGAINST REGULATIONS ON INFORMATION TECHNOLOGY AND TELECOMMUNICATIONS
NETWORK
Article
285. Manufacturing, trading, exchanging, giving instruments, equipment,
software serving illegal purposes
1. Any
person who manufactures, deals in, exchanges, gives out instruments, equipment
or software meant to attack a computer network, telecommunications network or
an electronic device serving illegal purposes shall be liable to a fine of from
VND 20,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 02 years'
community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence is committed in a professional manner;
d) The
illegal profit earned is from VND 50,000,000 to under VND 500,000,000;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 1,000,000,000;
e)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 500,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 03 - 07 years'
imprisonment:
e) The
illegal profit earned is ≥ VND 500,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,000,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
100,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years or have part or all of his/her property confiscated.
Article
286. Spreading software programs harmful for computer networks,
telecommunications networks or electronic devices
1. Any
person who deliberately spreads a software program that is harmful for a
computer network, telecommunications network or an electronic device in any of
the following circumstances shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to
VND 200,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 -
36 months' imprisonment:
a) The
illegal profit earned is from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 50,000,000 to
under VND 300,000,000;
c) The
harmful program is infected by 50 - 199 electronic devices or by an information
system with 50 - 199 users;
d) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 03 - 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
illegal profit earned is from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 300,000,000 to
under VND 1,000,000,000;
d) The
harmful program is infected by 200 - 499 electronic devices or by an
information system with 200 - 499 users;
dd)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed against a system of data which is classified information
or an information system serving national defense and security;
b) The
offence is committed against national information infrastructure; national grid
control information system; banking or finance information system; traffic
control information system;
c) The
illegal profit earned is ≥ VND 500,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,000,000,000;
dd) The
harmful program is infected by ≥ 500 electronic devices or by an information
system with ≥ 500 users.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
200,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
287. Obstruction or disturbance of computer networks, telecommunications
networks or electronic devices
1. Any
person who deletes, damages or changes a software program or electronic data or
illegally obstructs the transmission of data of a computer network,
telecommunications network or an electronic device or otherwise obstructs or
disturbs a computer network, telecommunications network or an electronic device
in any of the following circumstances, except for the cases in Article 286 and
Article 289 hereof, shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
200,000,000 or face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
illegal profit earned is from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
c) The
offence results in shutdown or suspension or the computer network,
telecommunications network or electronic device for a period from 30 minutes to
under 24 hours or from 03 to under 10 times within 24 hours;
d) The
offence results in suspension of operation of an organization for a period from
24 hours to under 72 hours;
dd) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 03 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender misuses his/her position as the administrator of the computer network
or telecommunications network;
c)
Dangerous recidivism;
d) The
illegal profit earned is from VND 200,000,000 to under VND 1,000,000,000;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000;
e) The
offence results in suspension or the computer network, telecommunications
network or electronic device for a period from 24 hours to under 168 hours or
from 10 to under 50 times within 24 hours;
g) The
offence results in suspension of operation of an organization for a period from
72 hours to under 168 hours.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed against a system of data which is classified information
or an information system serving national defense and security;
b) The
offence is committed against national information infrastructure; national grid
control information system; banking or finance information system; traffic
control information system;
c) The
illegal profit earned is ≥ VND 1,000,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000;
dd) The
offence results in suspension or the computer network, telecommunications
network or electronic device for ≥ 168 hours or ≥ 50 times within 24 hours;
e) The
offence results in suspension of operation of an organization for ≥ 168 hours.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
200,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
288. Illegal provision or use of information on computer networks or
telecommunications networks
1. A
person who commits any of the following acts and earns an illegal profit of
from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000 or causes property damage assessed
at from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000 or damages reputation of an
organization or individual shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to
VND 200,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 03 -
36 months' imprisonment:
a) Uploading
information on a computer or telecommunications network against regulations of
law, except in the circumstances specified in Article 117, 155, 156 and 326
hereof;
b)
Trading, exchanging, giving, changing or publishing lawfully private
information of an organization or individual on the computer or
telecommunications network without the consent of the information owner;
c) Other
acts that involve illegal use of information on the computer or
telecommunications network.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 02 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender misuses his/her position as the administrator of the computer or
telecommunications network;
c) The
illegal profit earned is ≥ VND 200,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 500,000,000;
dd) The
offence involves infringement of privacy which results in the suicide of the
victim;
e) The
offence has a negative impact on social security, order or safety or Vietnam's
diplomatic relationship;
g) The
offence results in a demonstration.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
200,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
289. Illegal infiltration into the computer network, telecommunications network
or electronic device of another person
1. Any
person who deliberately bypasses the warning, hacks the password or firewall or
uses the administrator’s right of another person to infiltrate another person's
computer network, telecommunications network or electronic device in order to
take control, interfere the operation of the electronic device; steal, change,
destroy, fabricate data or illegally use services shall be liable to a fine of
from VND 50,000,000 to VND 300,000,000 or face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 300,000,000 to VND 1,000,000,000 or a penalty of 03 - 07 years'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
c) The
illegal profit earned is from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 300,000,000 to
under VND 1,000,000,000;
dd) The
offence is committed against a national Internet exchange point, domain name
database system or national domain name server system;
e)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed against a system of data which is classified information
or an information system serving national defense and security;
b) The
offence is committed against a national information infrastructure; national
grid control information system; banking or finance information system; traffic
control information system;
c) The
illegal profit earned is ≥ VND 500,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,000,000,000.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 50,000,000
or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs for 01 - 05
years.
Article
290. Appropriation of property using a computer network, telecommunications
network or electronic device
1. Any
person who uses a computer network, telecommunications network or electronic
device to commit any of the following acts, except for the cases in Article 173
and Article 174 hereof, shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) Using
information about another organization's or individual's bank account or card
to appropriate the account holder's or card holder's property or illegally pay
for the offender's purchases;
b)
Making, possessing, trading, using fake bank cards to steal money of card
holders or illegally pay for the offenders' purchases;
c)
Illegally accessing the account of an organization or individual in order to
appropriate their property;
d) Commit
frauds in electronic commerce, electronic payment, online currency trading,
online capital raising, online multi-level marketing or online securities
trading for the purpose of property appropriation;
dd)
Illegally establishing or providing telecommunications or Internet services for
the purpose of property appropriation;
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence is committed in a professional manner;
d) The
offence involves 50 - 199 fake cards;
dd) The property
appropriated is assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
e) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 50,000,000 to
under VND 300,000,000;
g)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
property appropriated is assessed at from VND 200,000,000 to under VND
500,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 300,000,000 to
under VND 500,000,000;
c) The
offence involves 200 - 499 fake cards.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
property appropriated is assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 500,000,000;
c) The
offence involves ≥ 500 fake cards.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years or have part or all of his/her property confiscated.
Article
291. Illegal collection, possession, exchanging, trading, publishing of
information about bank accounts
1. Any
person who illegally collects, possesses, exchanges, trades, publishes
information about other people's bank accounts with a quantity of 20 - 49
accounts or earns an illegal profit of from VND 20,000,000 to under VND
50,000,000 shall be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND 100,000,000
or face a penalty of up to 03 years' community sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 1000,000,000 to VND 200,000,000 or a penalty of 03 - 24 months'
imprisonment:
a) The
offence involves information about 50 - 199 accounts of other people;
b) The
offence is committed by an organized group;
c) The
offence is committed in a professional manner;
d) The
illegal profit earned is from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
dd)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 02 - 07 years' imprisonment:
a) The
offence involves information about ≥ 200 accounts of other people;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 200,000,000;
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years or have part or all of his/her property confiscated.
Article
292. Illegal provision of services on computer network or telecommunications
network
1. A
person who provides any of the following services on a computer network or
telecommunications network without a license or against the license and earns a
profit of from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000 or a revenue of from VND
500,000,000 to under VND 2,000,000,000 shall be liable to a fine of from VND
200,000,000 to VND 500,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community
sentence:
a)
Trading gold on accounts;
b) Electronic
commerce exchange;
c)
Multi-level marketing;
d)
Payment services;
dd)
Online video games;
e) Other
services on computer networks or telecommunications networks as prescribed by
law.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 500,000,000 to VND 1,500,000,000 or a penalty of 03 - 24 months'
imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence is committed in a professional manner;
d)
Dangerous recidivism.
dd) The
illegal profit earned is from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000 or
illegal revenue of from VND 2,000,000,000 to under VND 5,000,000,000.
3. If the
illegal profit is ≥ 500,000,000 or revenue ≥ VND 5,000,000,000, the offender
shall be liable to a fine of from VND 1,500,000,000 to VND 5000,000,000 or face
a penalty of 02 - 05 years' imprisonment.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years or have part or all of his/her property confiscated.
Article
293. Illegal use of radio frequencies dedicated to emergency services, safety
services, search and rescue or national defense and security
1. Any
person who illegally uses radio frequencies dedicated to emergency services,
safety services, search and rescue or national defense and security and as a
result causes property damage assessed at from VND 200,000,000 to under VND
500,000,000 or does it while having incurred an administrative penalty for the
same offence or having an unspent conviction for the same offence shall be
liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of
up to 03 years' community sentence.
2. This offence
committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01 - 05
years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 500,000,000;
c)
Dangerous recidivism.
Article
294. Deliberate harmful interference of radio frequencies
1. Any
person who deliberately causes harmful interference or obstructs the normal operation
of the radio information system and as a result causes property damage assessed
at from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000 or does it while having
incurred an administrative penalty for the same offence or having an unspent
conviction for the same offence shall be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 500,000,000;
c)
Dangerous recidivism.
Section
3. OTHER OFFENCES AGAINST PUBLIC SAFETY
Article
295. Violations against regulations of law on occupational safety, occupational
hygiene and safety in crowded areas
1. Any
person who violates regulations of law on occupational safety, occupational
hygiene or safety in crowded areas in any of the following circumstances shall
be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty
of up to 03 years' community sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from ≥ 61%
WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000;
dd) The
offender is the person in charge of occupational safety, occupational hygiene
or safety in crowded areas.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment.
5. If
this offence is likely to cause harm to life, health or property of other
people and is not promptly prevented, the offender shall face a penalty of up
to 03 year's community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
6. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
296. Violations against regulations of law on employment of workers under 16
1. Any
person who employs a person under 16 to do hard or dangerous works or works
that involve contact with harmful substances on the list compiled by the State
in any of the following circumstances shall be liable to a fine of from VND
30,000,000 to VND 200,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence;
b) The
offence results in bodily harm to 01 people who suffers from 31% - 60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to more than one person who suffer from a total
WPI of 31% - 60%.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence involves ≥ 02 workers under 16;
c) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
d) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
dd) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
61%.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of more than one person;
b) The
offence results in bodily harm to more than one person, each of whom suffers
from ≥ 61% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
122%.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000.
Article
297. Coercive labor
1. Any
person who uses violence, threat of violence or otherwise forces a person to
work against his/her will in any of the following circumstances shall be liable
to a fine of from VND 50,000,000 to VND 200,000,000 or face a penalty of up to
03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence;
b) The
offence results in bodily harm to 01 people who suffers from 31% - 60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to more than one person who suffer from a total
WPI of 31% - 60%.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves ≥ 02 workers under 16;
c) The
offence is committed against a person under 16, a woman whose pregnancy is
known by the offender, an old and weak person, a person suffering for severe or
extremely severe physical disability;
d) The offence
results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who suffers from
≥ 61% WPI;
dd) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
e) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
61%;
g)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of more than one person;
b) The
offence results in bodily harm to more than one person, each of whom suffers
from ≥ 61% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
122%.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
298. Offences against regulations of law on construction that lead to serious
consequences
1. Any
person who violates regulations of law on construction in terms of survey,
design, construction, use of materials, machinery, construction supervision,
acceptance or other issues in any of the following circumstances, except for
the cases in Article 224 or 281 hereof, shall be liable to a fine of from VND
50,000,000 to VND 500,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
62% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offender is the person in charge;
b) The
offence results in the death of 02 people;
c) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
d) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 08
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36
months' imprisonment.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
299. Terrorism
1. Any
person who harms other people's life or destroy property of another
organization or individual to bring terror to the public shall face a penalty
of 10 - 20 years' imprisonment, life imprisonment or death.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 15 years' imprisonment:
a)
Establishing or participating in a terrorist organization or
terrorism-financing organization;
b)
Forcing, persuading, recruiting, training terrorists; manufacturing or
providing weapons for terrorists;
c)
Infringing upon bodily integrity, health or appropriating, damaging property of
another organization or individual.
3. A
person that threatens to commit any of the acts specified in Clause 1 of this
Article or uses other methods to cause mental intimidation shall face a penalty
of 02 - 07 years' imprisonment.
4. A
person that prepares for the commission of this offence shall face a penalty of
01 - 05 years' imprisonment.
5. The
offender might also have some citizenship rights deprived of, be put under
mandatory supervision or prohibition from residence for 01 - 05 years or have
all or part of his/her property confiscated.
Article
300. Terrorism financing
1. Any
person who raises or provides money or property in any shape or form to a
terrorist or terrorist organization shall face a penalty of 05 - 10 years'
imprisonment.
2. A
person that prepares for the commission of this offence shall face a penalty of
01 - 05 years' imprisonment.
3. The
offender might also be put under mandatory supervision or prohibition from
residence for 01 - 05 years or have all or part of his/her property confiscated.
Article
301. Taking hostages
1. Any
person who takes another person hostage and threatens to kill, hurt the hostage
or detains the hostage to force a nation, territory, international organization
or another organization or individual to act or not to act as a condition for
releasing the hostage, except for the cases in Article 113 and Article 299
hereof, shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
c) The
offence is committed against a person under 18, a woman whose pregnancy is
known by the offender or a person aged ≥ 70;
d) The
offence is committed against a law enforcement officer in performance of
his/her official duties;
dd) The
offence is committed against more than one person;
e) The
offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI or
bodily harm to ≥ 02 who suffer from a total WPI of 31% - 60%;
g) The
victim suffers from 11% - 45% mental and behavioral disability because of the
offence.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
e) The
victim suffers from ≥ 46% mental and behavioral disability because of the
offence.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of more than one person;
b) The
offence results in bodily harm to more than one person, each of whom suffers
from ≥ 61% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
122%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 500,000,000.
5. A
person that prepares for the commission of this offence shall face a penalty of
06 - 36 months' imprisonment.
Article
302. Piracy
1. A
person who commits any of the following acts shall face a penalty of 05 - 10
years' imprisonment:
a)
Attacking a ship, aircraft or another maritime vehicle at sea or in an area
which is not under any nation's jurisdiction;
b)
Attacking or capturing people on a ship, aircraft or another maritime vehicle
specified in Point a of this Clause;
c)
Robbing or destroying property on a ship, aircraft or another maritime vehicle
specified in Point a of this Clause.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
d) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
dd) The
property appropriated is assessed at from VND 50,000,000 to under VND
300,000,000;
e) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property appropriated is assessed at from VND 300,000,000 to under VND
1,000,000,000;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property appropriated is assessed at ≥ VND 1,000,000,000;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
5. A
person that prepares for the commission of this offence shall face a penalty of
01 - 05 years' imprisonment.
Article
303. Destruction of work, facility, equipment important for national security
1. Any person
who destroys a work, facility, means of transport, means of communications,
electricity work, fuel transport work, irrigation work or another work that is
important for national security, of economic, technological or cultural and
social importance, except for the cases in Article 114 hereof, shall face a
penalty of 03 - 12 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence results in damage or breakdown of the work, facility or equipment
important for national security;
c) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
d) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
dd) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
200%;
e) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000;
g) The
offence has a negative impact of socio-economic situation;
h)
Dangerous recidivism.
3. A
person that prepares for the commission of this offence shall face a penalty of
01 - 05 years' imprisonment.
4. The
offender might also be put under mandatory supervision for 01 - 05 years.
Article
304. Illegal manufacture, possession, transport, use or appropriation of
military weapons or devices
1. Any
person who illegally manufactures, possesses, transports, uses or appropriates
a military weapon or device shall face a penalty of 01 - 07 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves: 03 - 10 pistols, rifles or sub machine guns; 01 - 05 infantry
guns of other types such as light machine guns, machine guns, 12.7 mm - 25 mm
anti-aircraft guns, B40 or B41 guns; 05 - 15 mines or grenades; 03 - 10 mortar
bombs or mortar shells; 300 - 1,000 bullets ≤ 11.43 mm; 200 - 600 bullets of
12.7 mm - 25 mm anti-aircraft guns; 10 kg - 30 kg of explosives or 1,000 -
3,000 detonators; from 1,000 m to under 10,000 m of delay fuse.
c)
Illegal goods are transported or traded across the border;
d) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
dd) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
e) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
g) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
dd) The
offence involves: 11 - 30 pistols, rifles or sub machine guns; 06 - 20 infantry
guns of other types such as light machine guns, machine guns, 12.7 mm - 25 mm
anti-aircraft guns, B40 or B41 guns; 16 - 45 mines or grenades; 11 - 30 mortar
bombs or mortar shells; 1,001 - 3,000 bullets ≤ 11.43 mm; 601 - 2,000 bullets
of 12.7 mm - 25 mm anti-aircraft guns; 31 kg - 100 kg of explosives or 3,001 -
10,000 detonators; from 10,000 m to under 30,000 m of delay fuse.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence involves: ≥ 31 pistols, rifles or sub machine guns; ≥ 21 guns of other
types such as light machine guns, machine guns, 12.7 mm - 25 mm anti-aircraft
guns, B40 or B41 guns; ≥ 46 mines or grenades; ≥ 31 mortar bombs or mortar
shells; ≥ 3,001 bullets ≤ 11.43 mm; ≥ 2,001 bullets of 12.7 mm - 25 mm
anti-aircraft guns; ≥ 101 kg of explosives or ≥ 10,001 detonators; ≥ 30,000 m
of delay fuse.
b) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
c) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
d) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000, put under mandatory supervision or prohibited from residence for 01
- 05 years.
Article
305. Illegal manufacture, possession, transport, use, trading or appropriation
of explosive materials
1. Any
person who illegally manufactures, possesses, transports, uses, deals in or
appropriates explosive materials shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves 10 kg - 30 kg of explosive or 1,000 - 3,000 detonators or from
3,000 m to under 10,000 m of delay fuse;
c)
Illegal goods are transported or traded across the border;
d) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
dd) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
e) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
g) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves 31 kg - 100 kg of explosive or 3,001 - 10,000 detonators or
from 10,000 m to under 30,000 m of delay fuse;
b) The
offence results in the death of 02 people;
c) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
d) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
b) The
offence involves ≥ 101 kg of explosive or ≥ 10,001 detonators or ≥ 30,000 m of
delay fuse;
b) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
c) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
d) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
5. The offender
might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 50,000,000, put
under mandatory supervision or prohibited from residence for 01 - 05 years.
Article
306. Illegal manufacture, possession, transport, use, trading or appropriation
of hunting rifles, cold weapons, sporting weapons, combat gears and other
weapons with similar functions
1. Any
person who illegally manufactures, possesses, transports, uses, deals in or
appropriates a hunting rifle, cold weapon, sporting weapon, combat gear or another
weapon with similar functions despite the fact that he/she has incurred an
administrative penalty for the same offence or has an unspent conviction for
the same offence shall face a penalty of 03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves ≥ 11 hunting rifles, cold weapons, sporting weapons, combat
gears or other weapons that are not on the list of weapons compiled by the
Government but have similar functions as military weapons;
c)
Illegal goods are transported or traded across the border;
d) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
dd) The
offence results in bodily harm to more than one person, each of whom suffers
from 31% - 60% WPI;
e) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
g) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 100,000,000;
h)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 50,000,000,
put under mandatory supervision or prohibited from residence for 01 - 05 years.
Article
307. Offences against regulations of law on management of weapons, explosive
materials and combat gears
1. Any
person who violates regulations of law on management of the manufacture,
repair, provision, use, preservation, storage, transport, trading of military
weapons, hunting rifles, sporting weapons, explosive materials and combat gears
in any of the following circumstances shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36
months' imprisonment.
5. If
this offence poses a threat to life, health or property of other people and is
not promptly prevented, the offender shall face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
6. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
308. Negligence in management of weapons, explosive materials and combat gears
that results in serious consequences
1. Any
person who is responsible for management of military weapons, hunting rifles,
sporting weapons, explosive materials or combat gears but negligently allows
another person to use them in any of the following circumstances shall face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
309. Illegal manufacture, possession, transport, use, spreading, trading or
appropriation of radioactive substances or nuclear materials
1. Any
person who illegally manufactures, possesses, transports, uses, spreads, deals
in or appropriates radioactive substances or nuclear materials shall face a
penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b)
Illegal goods are transported or traded across the border;
c) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
d) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
dd) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
e) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
g)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
5. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36
months' imprisonment.
6. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
50,000,000, put under mandatory supervision or prohibited from residence for 01
- 05 years.
Article
310. Offences against regulations of law on management of radioactive
substances and nuclear materials
1. Any
person who violates regulations of law on manufacture, provision, use,
preservation, storage, transport, trading of radioactive substances or nuclear
materials in any of the following circumstances shall face a penalty of 03 - 10
years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000
or face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
5. If
this offence is likely to cause harm to life, health or property of other
people and is not promptly prevented, the offender shall face a penalty of up
to 03 year's community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
6. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
311. Illegal manufacture, possession, transport, use or trading of flammable or
toxic substances
1. Any
person who illegally manufactures, possesses, transports, uses or deals in
flammable or toxic substances shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in bodily harm to 01 people who suffers from 31% - 60% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to more than one person who suffer from a total
WPI of 31% - 60%.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b)
Illegal goods are transported or traded across the border;
c) The
offence involves Schedule 3 chemicals of Convention on the Prohibition of the Development,
Production, Stockpiling and Use of Chemical Weapons and on their Destruction;
d) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
dd) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
e) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
g) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
h)
Dangerous recidivism.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves Schedule 2 chemicals of Convention on the Prohibition of the
Development, Production, Stockpiling and Use of Chemical Weapons and on their
Destruction;
b) The
offence results in the death of 02 people;
c) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
d) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
5. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence involves Schedule 1 chemicals of Convention on the Prohibition of the
Development, Production, Stockpiling and Use of Chemical Weapons and on their
Destruction;
b) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
c) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
d) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
6. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
50,000,000, put under mandatory supervision or prohibited from residence for 01
- 05 years.
Article
312. Offences against regulations of law on management of flammable substances
and toxic substances
1. Any
person who violates regulations of law on manufacture, provision, use,
preservation, storage, transport, trading of flammable substances or toxic
substances in any of the following circumstances shall face a penalty of 01 -
05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall face a penalty of up to 02 year's community sentence or
03 - 24 months' imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
313. Offences against regulations of law on fire safety and fire fighting
1. Any
person who violates regulations of law on fire safety or fire fighting in any
of the following circumstances shall face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 02 - 05 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 08 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, the offender shall face a penalty of up to 02 year's community sentence or
03 - 24 months' imprisonment.
5. If
this offence is likely to cause harm to life, health or property of other
people and is not promptly prevented, the offender shall face a penalty of up
to 01 year's community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
6. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
314. Offences against regulations of law on electricity work safety
1. A
person who commits any of the following acts which result in bodily harm to 01
person who suffers from 31% - 60% WPI or bodily harm to more than one person
who suffer from a total WPI of 31% - 60% or property damage assessed at from
VND 100,000,000 to under VND 500,000,000 or commits them while having incurred
a disciplinary or administrative penalty for the same offence or having an
unspent conviction for the same offence shall be liable to a fine of from VND
20,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a)
Allowing the construction of a house or work or building a house or work within
the safety corridor of the electricity work;
b)
Negligence that results in explosion, fire, slash-and-burn or falling trees
affecting electricity work safety;
c)
Digging, driving piles, building houses on the safety corridor of underground
electric cables;
d)
Anchoring a ship in the safety corridor of underground electric cables under
the river bed or sea bed despite the warning sign;
dd)
Installing electrical equipment or building electrical line unsafely.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 100,000,000 to VND 300,000,000 or a penalty of 02 - 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of a person;
b) The
offence results in bodily harm to 01 person who suffers from ≥ 61% WPI or
bodily harm to ≥ 02 who suffer from a total WPI of 61% - 121%;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of more than one person;
b) The
offence results in bodily harm to more than one person, each of whom suffers from
≥ 61% WPI or bodily harm to ≥ 02 who suffer from a total WPI of ≥ 122%;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence poses a threat to life, health or property of other people and is
not promptly prevented, the offender shall be liable to a fine of from VND
20,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community
sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
315. Offences against regulations on medical examination, medical treatment,
manufacture, concoction, dispense of medicines, selling medicines or other
medical services
1. Any
person who violates regulations of law on medical examination, medical
treatment, manufacture, concoction, dispense of medicines, selling medicines or
other medical services in any of the following circumstances, except for the
cases in Article 259 hereof, or commits the offence while having incurred a
disciplinary or administrative penalty for the same offence or having an
unspent conviction for the same offence shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from ≥ 61%
WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from ≥ 61%
WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm of 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% - 60%
or the offender has incurred a disciplinary or administrative penalty for the
same offence or has an unspent conviction for the same offence, the offender shall
face a penalty of up to 02 year's community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
316. Illegal abortion
1. Any
person who illegally performs an abortion on another person in any of the
following circumstances shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 01 - 03 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
offender has incurred a disciplinary or administrative penalty or has an
unspent conviction for the same offence .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from ≥ 61%
WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to 03 people, each of whom suffers from ≥ 61%
WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 50,000,000
or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs for 01 - 05
years.
Article
317. Offences against regulations of law on food safety and hygiene
1. A
person who commits any of the following violations against regulations of law
on food safety shall be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
200,000,000 or a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) Using
banned substances in manufacture, preparation, processing, preservation of food
or selling, providing food in the knowledge that it contains banned substances;
b) Using
chemicals, antibiotics, veterinary medicines, pesticides banned from farming,
breeding, aquaculture, salt production, preparation, processing, preservation
of agricultural, forestry, aquaculture products and salt creating an amount of
residue beyond permissible limit in products;
c) Using
chemicals, antibiotics, veterinary medicines, pesticides, environment recovery
substances that are not on the list of permissible substances or of unknown
origins or against regulations on preparation, processing, preservation of
agricultural, forestry, aquaculture products creating an amount of residue
beyond permissible limit in products; or committing the offence while having
incurred an administrative penalty for any of the offences specified in this
Point or Point a of this Clause;
d)
Processing, providing or selling food in the knowledge that it does not comply
with technical regulations or regulations on food safety; using chemicals,
additives, processing agents that are not on the list of permissible substances
or of unknown origins for manufacture, preparation, processing or preservation
of food causing bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI or
bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% - 60% or
earning an illegal profit of from 50,000,000 - VND 100,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a fine of from
VND 200,000,000 to VND 500,000,000 or a penalty of 03 - 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who
suffers from ≥ 61% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
d) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%.
dd) The
illegal profit earned is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
e) The
offence has been committed more than once;
g)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from ≥ 61%
WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
illegal profit earned is from VND 500,000,000 to under VND 1,000,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people, each of whom suffers from ≥ 61%
WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
200%;
d) The
illegal profit earned is ≥ VND 1,000,000,000.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Section
4. OTHER OFFENCES AGAINST PUBLIC ORDER
Article
318. Disturbance of public order
1. Any
person who causes disturbance of public order which negatively impacts social
safety, order or security or does it while having incurred an administrative
penalty for the same offence or having an unspent conviction for the same
offence shall be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 50,000,000 or
face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves use of weapons or vandalism;
c) The
offence results in serious traffic congestion or suspension of public
activities;
d) The
offender incites other people to cause disturbance;
dd) The
offender attacks the person who intervenes to maintain public order;
e)
Dangerous recidivism.
Article
319. Infringement upon human bodies, graves or remains
1. Any
person who commits grave robbery or otherwise infringes upon a dead body, grave
or human remains shall face a penalty of up to 02 years' community sentence or
03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence has a negative impact on social security, order or safety;
b) The
offence involves appropriation or destruction of historically or culturally
valuable items;
c) The
offender is committed by despicable motives;
d) The
offence is for the purpose of taking part of the body or remains.
Article
320. Practicing superstitions
1. Any
person who practices fortune-telling, witchcraft or other types of
superstitions despite the fact that he/she has incurred an administrative
penalty for the same offence or has an unspent conviction for the same offence
shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 100,000,000 or face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of a person;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 200,000,000;
c) The
offence has a negative impact on social security, order or safety.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000.
Article
321. Illegal gambling
1. Any
person who illegally gambles in any shape or form with the stakes (in cash or
kind) assessed at from VND 5,000,000 to under VND 50,000,000 or under VND
5,000,000 despite the fact that he/she has incurred an administrative penalty
or has an unspent conviction for the same offence or any of the offences
specified in Article 322 hereof shall face a penalty of up to 03 year's
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in a professional manner;
b) The
stake is assessed at VND ≥ 50,000,000;
c) The
offence is committed using the Internet, a computer network, telecommunications
network or electronic device;
d)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000.
Article
322. Organizing gambling or running gambling-dens
1. Any
person who organizes gambling or runs a gambling den in any of the following
circumstances carries be liable to a fine of from VND 50,000,000 to VND
300,000,000 or face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a) The
offender uses a place under his/her ownership or management for ≥ 10 people to
gamble at the same time or for ≥ 02 gambling mats with the stakes of ≥ VND
5,000,000;
b) The
total value of stakes at a time is ≥ VND 20,000,000;
c) The
offender provides pawnbroker services for gamblers; installs equipment serving
the gambling; appoint people to guard or serve; prepares escape in case of
raid; uses equipment for assisting the gambling;
d) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence or any of the offences specified in Article 321 hereof .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in a professional manner;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 50,000,000;
c)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 or have part or all of his/her property confiscated.
Article
323. Storing or buying property obtained by crime
1. Any
person who, without prior promise, stores or buys a piece of property in the
knowledge that it is obtained through another person's commission of a crime
shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 100,000,000 or face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
illegal piece of property is assessed at from VND 100,000,000 to under VND
300,000,000;
d) The
illegal profit earned is from VND 20,000,000 to under VND 100,000,000;
dd)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 10 years' imprisonment:
a) The
illegal piece of property is assessed at from VND 300,000,000 to under VND
1,000,000,000;
b) The
illegal profit earned is from VND 100,000,000 to under VND 300,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
illegal piece of property is assessed at ≥ VND 1,000,000,000;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 300,000,000;
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 50,000,000
or have all or part of his/her property confiscated.
Article
324. Money laundering
1. A
person who commits any of the following acts shall face a penalty of 01 - 05
years' imprisonment:
a)
Directly or indirectly participating in finance transactions, banking
transactions or other transactions to conceal the illegal origin of the money
or property obtained through his/her commission of a crime or obtained through
another person's commission of a crime to his/her knowledge;
b) Using
money or property obtained through his/her commission of a crime or obtained
through another person's commission of a crime to his/her knowledge for doing
business or other activities;
c)
Concealing information about the true origin, nature, location, movement or
ownership of money or property obtained through his/her or commission of a
crime or obtained through another person's commission of a crime to his/her
knowledge or obstructing the verification of such information;
d)
Committing any of the offences specified in Point a through c of this Clause in
the knowledge that the money or property is obtained through transfer,
conversion of money or property obtained through another person's commission of
a crime.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
c) The
offence has been committed more than once;
d) The
offence is committed in a professional manner;
dd) The
offence involves deceitful methods;
e) The
illegal money or property is assessed at from VND 200,000,000 to under VND
500,000,000;
g) The
illegal profit earned is from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
illegal money or property is assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 100,000,000;
c) The
offence has a negative impact on security of the national currency or finance
system.
4. A
person that prepares for the commission of this offence shall face a penalty of
01 - 05 years' imprisonment.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years or have part or all of his/her property confiscated.
Article
325. Persuading, forcing a person under 18 to commit a criminal offence or
harboring a person under 18 who committed a criminal offence
1. Any
person aged 18 or over who commits any of the following violations against a
person under 18 shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment:
a)
Persuading, inciting a person under 18 to commit a criminal offence or indulge
in debauchery;
b)
Threatening, using violence or otherwise forcing a person under 18 to commit a
criminal offence;
c)
Harboring a person under 18 who committed a offence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves more than one person under 18;
c) The
offence involves a person under 13;
d) The
offence involves very serious crime or extremely serious crime committed by the
person under 18;
dd)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000.
The
person who commits this offence in the circumstances in Point dd Clause 2 of
this Article might also be put under mandatory supervision for 01 - 05 years.
Article
326. Distribution pornographic materials
1. Any
person who makes, duplicates, publishes, transports, deals in or possesses
books, magazines, pictures, films, music or other items that contain
pornographic contents for the purpose of distributing them or distributes
pornographic materials in any of the following circumstances shall be a fine of
from VND 10,000,000 to VND 100,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offence involves an amount of digital data from 01 GB to under 05 GB in size;
b) The
offence involve 50 - 100 physical books or magazines;
c) The
offence involves 100 - 200 physical pictures;
d)
Pornographic materials are distributed among 10 - 20 people;
dd) The
offender has incurred an administrative penalty or has an unspent conviction
for the same offence .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves an amount of digital data from 05 GB to under 10 GB in size;
c) The
offence involve 51 - 100 physical books or magazines;
d) The
offence involves 201 - 500 physical pictures;
d)
Pornographic materials are distributed among 21 - 100 people;
e)
Pornographic materials are distributed to people under 18;
g) The
offence is committed using the Internet, a computer network, telecommunications
network or electronic device;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves an amount of digital data ≥ 10 GB;
b) The
offence involve ≥ 101 physical books or magazines;
c) The
offence involves ≥ 501 physical pictures;
d)
Pornographic materials are distributed among ≥ 101 people;
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 30,000,000
or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs for 01 - 05
years.
Article
327. Harboring prostitutes
1. Any
person who harbors prostitutes shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) Forced
prostitution;
c) The
offence has been committed more than once;
d) The
offence involves ≥ 04 people engaged in prostitution;
dd) The
offence involves a person aged from 16 to under 18 engaged in prostitution;
e) The
offence results in 11% - 45% mental and behavioral disability of the aged from
16 to under 18;
g) The
illegal profit earned is from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000;
h)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves a person aged from 13 to under 16 engaged in prostitution;
b) The
illegal profit earned is from VND 200,000,000 to under VND 500,000,000;
c) The
offence results in ≥ 46% mental and behavioral disability of the person engaged
in prostitution.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence involves more than one person aged from 13 to under 16engaged in
prostitution;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 500,000,000;
c) Forced
prostitution that results in the victim's death or suicide.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000 or put under mandatory supervision for 01 - 05 years or have part
or all of his/her property confiscated.
Article
328. Procuring
1. Any
person who encourages or assists the prostitution of others shall face a
penalty of 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence involves a person aged from 16 to under 18 engaged in prostitution;
b) The
offence is committed by an organized group;
c) The
offence is committed in a professional manner;
d) The
offence has been committed more than once;
dd) The
offence involves more than one person;
e) The
illegal profit earned is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
g)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves a person aged from 13 to under 16 engaged in prostitution;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 500,000,000;
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000.
Article
329. Engaging in prostitution with a person under 18
1. Any
person aged ≥ 18 who engages in prostitution with a person under 18, except for
the case in Point b Clause 1 Article 142 hereof, shall face a penalty of 01 -
05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
person engaged in prostitution is from 13 to under 16 years of age;
c) The
offence causes 31% - 60% WPI for the victim.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once and the person engaged in
prostitution is from 13 to under 16 years of age;
b) The
offence causes ≥ 61% WPI for the victim.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000.
Chapter
XXII
OFFENCES AGAINST ADMINISTRATIVE MANAGEMENT
ORDER
Article
330. Resisting a law enforcement officer in performance of his/her official
duties
1. Any
person who uses violence, threat of violence or otherwise obstructs a law
enforcement officer from performing his/her official duties or forces a law
enforcement officer to act against the law shall face a penalty of up to 03
years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offender persuades or incites another person to commit the offence;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 50,000,000;
dd) Dangerous
recidivism.
Article
331. Abusing democratic freedoms to infringe upon the interests of the State,
lawful rights and interests of organizations and/or citizens
1. Any
person who abuses the freedom of speech, freedom of the press, freedom of
religion, freedom of association and other democratic freedoms to infringe upon
the interests of the State, lawful rights and interests of organizations and/or
citizens shall receive a warning or face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. If the
offence has a negative impact on social security, order or safety, the offender
shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
Article
332. Avoiding conscription
1. Any
person who fails to comply with regulations of law on conscription, defies an
enlistment order or military training order despite the fact that he/she has
incurred an administrative penalty or has an unspent conviction for the same
offence shall face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 05 years' imprisonment:
a) The
offender injures himself/herself to avoid conscription;
b) The
offence is committed in wartime;
c) The
offender drags another person into committing the offence.
Article
333. Defying order for enlistment of military reserve force members
1. Any
person who is a member of a military reserve force but defies the enlistment
order in case of a general mobilization order or local mobilization order, war
or necessary enhancement of the standing army to protect the local territory or
the nation's sovereignty shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offender injures himself/herself to avoid enlistment;
b) The
offender drags another person into committing the offence.
Article
334. Violation against regulations of law on conscription
1. Any
person who abuses his/her position to commit a violation against regulations of
law on conscription, enlistment, military training order shall face a penalty
of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. If
this offence is committed in wartime, the offender shall face a penalty of 02 -
07 years' imprisonment.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
335. Obstruction of conscription
1. Any
person who deliberately obstructs conscription, enlistment, military training
order shall receive a warning or face a penalty of up to 02 years' community
sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. If
this offence involves the offender's abuse of his/her power or position or is
committed in wartime, the offender shall face a penalty of 02 - 05 years'
imprisonment.
Article
336. Illegal civil registration
1. Any
person who abuses his/her position or power to register or issue civil
registration documents against the law despite the fact that he/she has
incurred a disciplinary penalty for the same offence shall receive a warning or
face a penalty of up to 03 years' community sentence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 24 months' imprisonment:
a)
Registering or issuing civil registration documents to more than one person;
b) The
civil registration documents issued or registered against the law are used for
commission of illegal acts.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
337. Deliberate disclosure of classified information; appropriation, trading,
destruction of classified documents
1. Any
person who deliberately discloses or deals in classified information, except in
the circumstances specified in Article 110 hereof, shall face a penalty of 02 -
07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
information is classified as second-degree top secret;
b) The
offender misuses his/her position or power to commit the offence;
c) The
offence causes losses in terms of national defense and security or results in
diplomatic, economic or cultural damage.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
information is classified as first-degree top secret;
c) The
offence has been committed more than once;
d) The
offence infringes upon the political regime, independence, sovereignty and
territorial integrity of Vietnam.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
338. Involuntary disclosure of classified information; loss of classified
documents or items
1. Any
person who involuntarily discloses classified information or loses a classified
document or item shall face a penalty of up to 03 years' community sentence or
06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
information is classified as top secret;
b) The offence
results in losses in terms of national defense and security; causes diplomatic,
economic or cultural damages; infringes upon the political regime,
independence, sovereignty and territorial integrity.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
339. Criminal impersonation
Any
person who assumes a false position or rank to commit illegal acts other than
appropriation of property shall face a penalty of up to 02 years' community
sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
Article
340. Falsification and use of certificates or documents of organizations
1. Any
person who falsifies the content of a passport, visa, household registration
book, civil registration document, certificate or another document of an agency
or organization and uses it to commits a criminal offence or does it while
having incurred an administrative penalty for the same offence or having an
unspent conviction for the same offence shall receive a warning, be liable to a
fine of from VND 10,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty of up to 03
years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 05 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
falsified document is used to commit a very serious crime or extremely serious
crime.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 20,000,000
or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs for 01 - 05
years.
Article
341. Fabricating an organization's seal or documents and use thereof
1. Any
person who fabricates an organization's seal or document or use it to commit an
illegal act shall be liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND 100,000,000
or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months'
imprisonment:
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence involves 02 - 05 fabricated seals or documents;
d) The
fabricated seal or document is used to commit a criminal offence;
dd) The
illegal profit earned is from VND 10,000,000 to under VND 50,000,000;
e)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence involves ≥ 6 fabricated seals or documents;
b) The
fabricated seal or document is used to commit a very serious crime or extremely
serious crime;
c) The
illegal profit earned is ≥ VND 50,000,000
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
50,000,000.
Article
342. Appropriation, trading, destruction of an organization's seal or document
1. Any
person who appropriates, sells, buys or illegally destroys an organization's
seal or document which is not a classified information or work secret shall be
liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty of
up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 05 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 10,000,000;
c) The
offence is meant to commit an illegal act;
d)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 20,000,000
or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs for 01 - 05
years.
Article
343. Offences against regulations of law on housing management
1. Any
person who illegally occupies a residence or builds a house despite the fact
that he/she has incurred an administrative penalty for the same offence or has
an unspent conviction for the same offence shall face a penalty of up to 02
years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
The house
or work illegally built might be demolished, requisitioned or confiscated.
2. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
50,000,000.
Article
344. Offences against regulations of law on publishing
1. Any
person who violates regulations of law on publishing in any of the following
circumstances shall receive a warning, be liable to a fine of from VND
20,000,000 to VND 200,000,000 or face a penalty of up to 02 years' community
sentence or 03 - 24 months' imprisonment:
a) The
offender fails to comply with regulations on editing and approving drafts but
still allows the publishing of the work despite the fact that he/she has
incurred an administrative penalty for the same offence;
b) The
offender has 2,000 copies of each work printed without certification of
publishing registration, publishing decision or license for non-commercial
publishing; without an approved draft bearing the editor's signature as
prescribed by law;
c) The
offender permits the publishing or printing of a work which has been suspended
from publishing, recalled, confiscated, banned, destroyed or illegally imported
with ≥ 500 copies;
d) The
offender posts on electronic media a work which is banned or without
certification of publishing registration, publishing decision or license for
publishing of non-business documents; without an approved draft bearing the
editor's signature as prescribed by law;
dd) The
quantity of copies is below the levels specified in Point b or Point c of this
Clause but the offender has incurred an administrative penalty for any of the
offences specified in therein or has an unspent conviction for the same offence
;
e) The
offender has a work published without submitting its deposit despite the fact
that he/she has incurred an administrative penalty for the same offence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances, except in the
circumstances specified in Article 117 hereof, shall face a penalty of 02 - 05
years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender falsifies the approved draft or draft of a non-commercial document
bearing the seal of the issuer of the license for publishing in order to
publish banned contents according to the law on publishing;
c)
Publishing works having banned contents according to the Law on Publishing.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
100,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
345. Offences against regulations on protection and use of historic - cultural
sites or famous landscapes that lead to serious consequences
1. Any
person who violates regulations of law on protection and use of historic -
cultural sites or famous landscapes and cause damage assessed at from VND
100,000,000 to under VND 500,000,000 to the site or landscape; destroys or
change the contributing factors of the site or landscape classified as
provincial heritage or does it while having incurred an administrative penalty
for the same offence or having an unspent conviction for the same offence shall
receive a warning, be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36
months' imprisonment.
2. If the
damage inflicted is assessed at ≥ VND 500,000,000 or the site or landscape is classified
as national heritage or special national heritage, the offender shall face 03 -
07 years' imprisonment.
Article
346. Offences against regulations of law on bordering area
1. Any
person who commits violations against regulations on residence, travel or
regulations on bordering areas despite the fact that he/she has incurred an
administrative penalty for the same offence or has an unspent conviction for
the same offence shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000 or face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment.
2. In
case of recidivism or the offence has a negative impact on social safety, order
security of the bordering area, the offender shall face a penalty of 02 - 07
years' imprisonment.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or prohibited from residence for 01 - 05 years.
Article
347. Offences against regulations of law on immigration; illegal stay in
Vietnam
Any
person who illegally enters, exits Vietnam or stays in Vietnam despite the fact
that he/she has incurred an administrative penalty for the same offence shall
be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND 50,000,000 or face a penalty
of 06 - 36 months' imprisonment.
Article
348. Brokering illegal entry, exit or stay in Vietnam
1. Any
person who, for self-seeking purposes, brokers the illegal entry, exit or stay
in Vietnam of another person shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence involves 05 - 10 people;
d) The
offence is committed in a professional manner;
dd) The
illegal profit earned is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
e)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves ≥ 11 people;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 500,000,000;
c) The
offence results in the death of a person.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
349. Organizing, brokering illegal emigration
1. Any
person who organizes or brokers illegal emigration of another person, except
for the case in Article 120 hereof, shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment.
2. This offence
committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05 - 10
years' imprisonment:
a) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
offence involves 05 - 10 people;
d) The
offence is committed in a professional manner;
dd) The
illegal profit earned is from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
e)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves ≥ 11 people;
b) The
illegal profit earned is ≥ VND 500,000,000;
c) The
offence results in the death of a person.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000 or prohibited from holding certain positions or doing certain jobs
for 01 - 05 years.
Article
350. Forcing another person to illegally emigrate
1. Any
person who forces another person to illegally emigrate, except for the case in
Article 120 hereof, shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence involves 05 - 10 people;
c) The
offence is committed in a professional manner;
d) The
offender is committed by despicable motives;
dd)
Dangerous recidivism.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence involves ≥ 11 people;
b) The
offence results in the death a person.
Article
351. Desecration of national flag, national emblem, national anthem
Any
person who deliberately desecrates the national flag, national emblem, national
anthem shall receive a warning or face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
Chapter
XXIII
OFFENCES RELATED TO ABUSE OF POWER
Article
352. Concept
1. Abuse
of power means acts of infringement upon rightful activities of an agency or
organization committed by an officer-holder in performance of his/her official
duties.
2. An
office-holder means a person who is given certain duties and power through
appointment, election, contract conclusion or another method. An office-holder
might or might not receive salaries.
Section
1. CORRUPTION-RELATED CRIMES
Article
353. Embezzlement
1. Any
person who abuses his/her position or power to embezzle property under his/her
management assessed at from VND 2,000,000 to under VND 100,000,000 or under VND
2,000,000 in any of the following circumstances shall face a penalty of 02 - 07
years' imprisonment:
a) The
offender was disciplined for the same offence;
b) The
offender has an unspent conviction for any of the offences specified in Section
1 of this Chapter .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves deceitful or dangerous methods;
c) The
offence has been committed more than once;
d) The
property appropriated is assessed at from VND 100,000,000 to under VND
500,000,000;
dd) The
money or property embezzled was meant for poverty reduction, provision of
benefits for wartime contributors, contribution to reserve funds, provision of
emergency aid for people in areas suffering from a natural disaster or epidemic
or extremely disadvantaged areas;
e) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 1,000,000,000 to
under VND 3,000,000,000;
g) The
offence has a negative impact on life of officials, public employees and
workers of an agency or organization.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
property embezzled is assessed at from VND 500,000,000 to under VND
1,000,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 3,000,000,000 to
under VND 5,000,000,000;
c) The
offence has a negative impact on social security, order or safety;
d) The
offence result in bankruptcy or shutdown of another enterprise or organization.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment, life imprisonment or death:
a) The
property embezzled is assessed at ≥ VND 1,000,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 5,000,000,000.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years, liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or have part or all of his/her property confiscated.
6.
Officer-holders in enterprises and organizations other than state organizations
who take bribes shall be dealt with in accordance with this Article.
Article
354. Taking bribes
1. Any
person who abuses his/her power to directly or through an intermediary receive
or promise to receive any of the following benefits for himself/herself or for
another person or organization as a condition to act or not to act in the
interests of or at the request of the bribe giver shall face a penalty of 02 -
07 years' imprisonment:
a) Money,
property or other tangible benefit assessed at from VND 2,000,000 to under VND
100,000,000 or under VND 2,000,000 but the bribe recipient has incurred a
disciplinary penalty for the same offence or has an unspent conviction for any
of the offences specified in Section 1 of this Chapter ;
b)
Intangible benefits.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
c) The
bribe is money, property or other tangible benefits assessed at from VND
100,000,000 to under VND 500,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 1,000,000,000 to
under VND 3,000,000,000;
dd) The
offence has been committed more than once;
e) The
offender knows that the bribe is state property;
g) The
offender solicits bribes or employ a deceitful method to take bribes.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 15
- 20 years' imprisonment:
a) The
bribe is money, property or other tangible benefits assessed at from VND
500,000,000 to under VND 1,000,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 3,000,000,000 to
under VND 5,000,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment, life imprisonment or death:
a) The
bribe is money, property or other tangible benefits assessed at ≥ VND
1,000,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 5,000,000,000.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years, liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or have part or all of his/her property confiscated.
6.
Officer-holders in enterprises and organizations other than state organizations
who take bribes shall be dealt with in accordance with this Article.
Article
355. Abuse of power or position for appropriation of property
1. Any
person who abuses his/her position or power to appropriate another person's
property assessed at from VND 2,000,000 to under VND 100,000,000 or under VND
2,000,000 in any of the following circumstances shall face a penalty of 01 - 06
years' imprisonment:
a) The
offender has incurred a disciplinary penalty for the same offence;
b) The
offender has an unspent conviction for any of the offences specified in Section
1 of this Chapter .
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 06
- 13 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves deceitful or dangerous methods;
c) The
offence has been committed more than once;
d) The
property appropriated is assessed at from VND 100,000,000 to under VND
500,000,000;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 1,000,000,000 to
under VND 3,000,000,000;
e) The
money or property appropriated was meant for poverty reduction, provision of
benefits for wartime contributors, contribution to reserve funds, provision of
emergency aid for people in areas suffering from a natural disaster or epidemic
or extremely disadvantaged areas.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 13
- 20 years' imprisonment:
a) The
property embezzled is assessed at from VND 500,000,000 to under VND
1,000,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 3,000,000,000 to
under VND 5,000,000,000;
c) The
offence result in bankruptcy or shutdown of another enterprise or organization;
d) The
offence has a negative impact on social security, order or safety.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
property embezzled is assessed at ≥ VND 1,000,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 5,000,000,000.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years, liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000 or have part or all of his/her property confiscated.
Article
356. Abuse of power or position in performance of official duties
1. Any
person who, for personal gain or other self-seeking purposes, abuses his/her
power or position in performance of official duties to act against his/her
official duties and as a result causes property damage assessed at from VND
10,000,000 to under VND 200,000,000 or otherwise infringes upon state
interests, lawful rights and interests of another organization or individual
shall face a penalty of up to 03 years' community sentence or 01 - 05 years'
imprisonment.
2. This offence
committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05 - 10
years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 200,000,000 to
under VND 1,000,000,000.
3. If The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,000,000,000, the
offender shall face a penalty of 10 - 15 years' imprisonment.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years, liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000.
Article
357. Acting beyond authority in performance of official duties
1. Any
person who, for personal gain or other self-seeking purposes, acts against
his/her official duties beyond his/her authority and as a result causes
property damage assessed at from VND 10,000,000 to under VND 100,000,000 or
otherwise infringes upon state interests, lawful rights and interests of
another organization or individual shall face a penalty of 01 - 07 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
3. If The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000, the offender shall face a penalty of 10 - 15 years'
imprisonment.
4. If The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000, the
offender shall face a penalty of 15 - 20 years' imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years, liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
100,000,000.
Article
358. Abuse of power or position to influence another person for personal gain
1. Any
person who abuses his/her position or power to directly or through an
intermediary request, receive or promise to receive any of the following
benefits in order to influence an office-holder to perform or not to perform
certain duties or tasks or to commit a prohibited act shall face a penalty of
01 - 06 years' imprisonment:
a) Money,
property or other tangible benefits assessed at from VND 2,000,000 to under VND
100,000,000 or under VND 2,000,000 but the offender was disciplined for the
same offence;
b)
Intangible benefits.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 06
- 13 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
money, property or other tangible benefits are assessed at from VND 100,000,000
to under VND 500,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 1,000,000,000 to
under VND 3,000,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 13
- 20 years' imprisonment:
a) The
money, property or other tangible benefits are assessed at from VND 500,000,000
to under VND 1,000,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 3,000,000,000 to
under VND 5,000,000,000.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 20
years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
money, property or other tangible benefits are assessed at ≥ VND 1,000,000,000;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 5,000,000,000.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years, liable to a fine of from VND 30,000,000 to VND
100,000,000.
Article
359. Commission of fraud in performance of duties
1. Any
person who, for personal gain or other self-seeking purposes, abuses his/her
position or power to commit any of the following acts shall face a penalty of
01 - 05 years' imprisonment:
a)
Falsifying a document;
b)
Fabricating a document or issuing a fabricated document;
c)
Forging an office holder's signature.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender is the person in charge of making or issuing documents;
c) The
offence involves 02 - 05 fabricated documents.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence involves 05 - 10 fabricated documents;
b) The
offence is meant to serve the commission of a less serious crime or serious
crime.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
offence involves ≥ 11 fabricated documents;
b) The
offence is meant to serve the commission of very serious crime or extremely
serious crime.
5. The
offender might also be liable to a fine of VND 10,000,000 - VND 100,000,000 or
prohibited from holding certain positions or doing certain jobs for 01 - 05
years.
Section
2. OTHER OFFENCES RELATED TO ABUSE OF POWER
Article
360. Negligence that results in serious consequences
1. Any
person who negligently fails to perform or correctly perform his/her in any of
the following circumstances, except for the cases in Article 179, Article 308
and Article 376 hereof, shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 60 months' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 01 person or bodily harm to 01 person who suffers
from ≥ 61% WPI;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 31% -
60% WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
61% - 121%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of 02 people;
b) The
offence results in bodily harm to 02 people, each of whom suffers from 61% WPI
or more;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of
122% - 200%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,500,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of ≥ 03 people;
b) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people, each of whom suffers from ≥ 61%
WPI;
c) The
offence results in bodily harm to ≥ 03 people who suffer from a total WPI of ≥
201%;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,500,000,000.
4. If
this offence results in bodily harm to 01 person who suffers from 31% - 60% WPI
or bodily harm to more than one person who suffer from a total WPI of 31% -
60%, except for the cases in Article 179, 308 and 376 hereof, the offender
shall face a penalty of up to 02 year's community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
361. Deliberate revelation of work secrets; appropriation, trading, destruction
of work secret documents
1. Any
person who deliberately discloses, appropriates, buys, sells or destroys work
secrets, except in the circumstances specified in Article 110, 337 and 342
hereof, shall face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 35
months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence has been committed more than once;
c) The
illegal profit earned is ≥ VND 50,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 100,000,000;
dd) The
offence has a negative impact on the operation of an agency or organization;
e) The
secrets are used by another person to commit violations of law.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
362. Involuntary revelation of work secrets; loss of work secret documents
1. Any
person who involuntarily discloses work secrets or loses work secret documents
in any of the following circumstances, except in the circumstances specified in
Article 338 hereof, shall receive a warning or face a penalty of up to 03
years' community sentence:
a) The
offence has a negative impact on the operation of an agency or organization;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
under VND 500,000,000;
c) The
secrets are used by another person to serve the commission of a less serious
crime or serious crime.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 24 months' imprisonment:
a) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
secrets are used by another person to serve the commission of very serious
crime or extremely serious crime.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
363. Abandonment of duties
1. Any
official or public employee who abandons his/her duties in any of the following
circumstances shall face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06
- 36 months' imprisonment:
a) The
offence causes ≥ 31% WPI for another person;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 300,000,000 to
under VND 1,000,000,000;
c) The
offender has incurred a disciplinary penalty for the same offence.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of a person;
b) The
offender persuades another person to abandon his/her duty;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,000,000,000;
d) The
offence is committed in wartime, occurrence of a natural disaster, epidemic or
hardship of society.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
364. Giving bribes
1. Any
person who directly or through an intermediary gives or promises to give any of
the following benefits to an office holder or another person or organization in
order to influence him/her to perform or not to perform certain tasks in the
interests of or at the request of the bribe giver shall be liable to a fine of
from VND 20,000,000 to VND 200,000,000 or face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) Money,
property or other tangible benefits assessed at from VND 2,000,000 to under VND
100,000,000;
b)
Intangible benefits.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence involves deceitful methods;
c) The
bribe is state property;
d) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
dd) The
offence has been committed more than once;
e) The
bribe is money, property or other tangible benefits assessed at from VND
100,000,000 to under VND 500,000,000.
3. If the
bribe is money, property or other tangible benefits assessed at from VND
500,000,000 to under VND 1,000,000,000, the offender shall face a penalty of 07
- 12 years' imprisonment.
4. If the
bribe is money, property or other tangible benefits assessed at ≥ VND
1,000,000,000, the offender shall face a penalty of 12 - 20 years'
imprisonment.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000.
6. Any
person who promises to bribe a foreign official, an official of a public
international organization or an office holder in an enterprise or organization
other than state organizations shall be dealt with in accordance with this
Article.
7. Any
person who is forced to give bribes but voluntarily reports the bribery before
being discovered shall be acquitted and have the money or property used as
bribe returned. Any person who is not forced to give bribes but voluntarily
report the bribery before being discovered might be exempt from criminal
responsibility and have all or part of the money or property used as bribe
returned.
Article
365. Brokering bribery
1. Any
person who brokers a bribery in any of the following circumstances shall be
liable to a fine of from VND 20,000,000 to under VND 200,000,000 or face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
bribe is money, property or other tangible benefits assessed at from VND
2,000,000 to under VND 100,000,000;
b) The
bribe is intangible benefits.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence is committed in a professional manner;
c) The
offence involves deceitful methods;
d) The
offender knows that the bribe is state property;
dd) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
e) The
offence has been committed more than once;
g) The
bribe is assessed at from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000.
3. If the
bribe is assessed at from VND 500,000,000 to under VND 1,000,000,000, the
offender shall face a penalty of 05 - 10 years' imprisonment.
4. If the
bribe is assessed at ≥ VND 1,000,000,000, the offender shall face a penalty of
08 - 15 years' imprisonment.
5. The
offender might also be liable to a fine of from VND 20,000,000 to VND
200,000,000.
6. The
bribe broker who voluntarily reports the bribery before being discovered might
be exempt from criminal responsibility.
7. Any
person who brokers bribery in an enterprise or organization other than state
organizations shall be dealt with in accordance with this Article.
Article
366. Abuse of influence over an office holder for personal gain
1. Any
person who directly or through an intermediary receives any of the following
benefits in order to use his/her influence over an office-holder to urge
him/her to perform or not to perform certain duties or tasks or to commit a
prohibited act, or does it while having incurred a disciplinary penalty for the
same offence shall face a penalty of up to 03 years' community sentence 06 - 36
months' imprisonment:
a) Money,
property or other tangible benefits assessed at from VND 2,000,000 to under VND
100,000,000;
b)
Intangible benefits.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
bribe is money, property or other tangible benefits assessed at from VND
100,000,000 to under VND 500,000,000;
c)
Dangerous recidivism.
3. If the
bribe is money, property or other tangible benefits assessed at ≥ VND
500,000,000, the offender shall face a penalty of 05 - 10 years' imprisonment.
4. The
offender might also be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND
50,000,000.
Chapter
XXIV
PUBLIC JUSTICE OFFENCES
Article
367. Concept
Public
justice offences are acts of infringement upon the righteousness of proceedings
and enforcement of judgments.
Article
368. Bringing criminal prosecution against an innocent person
1. Any
competent person who brings criminal prosecution against a person in the
knowledge that the person is innocent shall face a penalty of 01 - 05 years'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
innocent person is prosecuted for infringement upon national security or
another extremely serious crime;
b) The
offence is committed against 02 - 05 people;
c) The
offence is committed against a person under 18, a woman whose pregnancy is
known by the offender or an old and weak person;
d) The
offence results in 11% - 45% mental and behavioral disability of the victim;
dd) The
offence results in a wrongful conviction of an innocent person for a less
serious crime or serious crime;
e) The
offence has a negative impact on social security, order or safety.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed against ≥ 06 people;
b) The
offence results in a wrongful conviction of an innocent person for a very
serious crime or extremely serious crime;
c) The
offence results in ≥ 46% mental and behavioral disability of the victim;
d) The
offence results in the suicide of the person wrongly prosecuted.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
369. Failure to bring criminal prosecution against a guilty person
1. Any
competent person who fails to bring criminal prosecution against a person in
the knowledge that the person is guilty shall face a penalty of 06 - 36 months'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
person who escapes criminal prosecution committed a very serious crime;
b) The
offence involves 02 - 05 people who escape criminal prosecution;
c) The
person who escapes criminal prosecution has fled or obstructs the process of
investigation, prosecution, trial or continues to commit another less serious
crime or serious crime;
d) The
offence results in the person who escapes criminal prosecution taking revenge
on the person(s) who reported the crime, the victim or witness;
dd) The
offence has a negative impact on social security, order or safety.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence involves ≥ 05 people who escape criminal prosecution;
b) The
person who escapes criminal prosecution committed infringement upon national
security or an extremely serious crime;
c) The
person who escapes criminal prosecution continues to commit another very
serious crime or extremely serious crime;
d) The
offence results in the suicide of the victim.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
370. Passing an illegal judgment
1. Any
judge or jury member who passes a judgment in the knowledge that it is illegal
shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence is committed against a person under 18, a woman whose pregnancy is
known by the offender or an old and weak person;
c) The
offence results in a wrongful conviction of an innocent person for a serious
crime or very serious crime;
d) The
offence results in omission of a serious crime or very serious crime or a
perpetrator of a serious crime or very serious crime;
dd) The
offence result in 11% - 45% mental and behavioral disorder of the defendant,
victim or plaintiff;
e) The
property damage caused by the offence is assessed at VND 500,000,000 - VND
1,000,000,000;
g) The
offence has a negative impact on social security, order or safety.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in a wrongful conviction of an innocent person for an extremely
serious crime;
b) The
offence results in omission of an extremely serious crime or a perpetrator of
an extremely serious crime;
c) The
offence result in ≥ 46% mental and behavioral disorder of the defendant, victim
or plaintiff;
d) The
offence result in the suicide of the defendant, victim or plaintiff;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,000,000,000.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
371. Issuing an illegal decision
1. Any
competent person who, in the course of proceedings or enforcement of judgment,
issues a decision in the knowledge that it is illegal and as a result causes
property damage assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000 or
infringes upon lawful rights and interests of the State or another organization
or individual, except for the cases in Article 368, 369, 370, 377 and 378
hereof, shall face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36
months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The offence
has been committed more than once;
c) The
offence is committed against a person under 18, a woman whose pregnancy is
known by the offender or an old and weak person;
d) The
offence result in 11% - 45% mental and behavioral disorder of the person who is
arrested, taken into police custody, the suspect, the defendant, the convict,
the person required to serve the judgment, the victim or the plaintiff;
dd) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 200,000,000 to
under VND 1,000,000,000;
e) The
offence has a negative impact on social security, order or safety.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence result in ≥ 46% mental and behavioral disorder of the person who is
arrested, taken into police custody, the suspect, the defendant, the convict,
the person required to serve the judgment, the victim or the plaintiff;
b) The
offence result in the suicide of the person who is arrested, taken into police
custody, the suspect, the defendant, the convict, the person required to serve
the judgment, the victim or the plaintiff;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,000,000,000.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
372. Forcing a judicial officer to act against the law
1. Any
person who abuses his/her position or power to force a judicial officer to act
against the law and as a results infringes upon the interest of the State or
the lawful rights and interests or another organization or individual or causes
property damage assessed at from VND 50,000,000 to under VND 200,000,000 shall
face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 05 years' imprisonment:
b) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence results in an illegal judgment or decision;
c) The
offence involves the use of violence, threat of violence or other dangerous or
deceitful methods;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 200,000,000 to
under VND 1,000,000,000;
dd) The
offence has a negative impact on social security, order or safety.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence results in wrongful conviction of an innocent person or omission of a
crime;
b) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,000,000,000.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
373. Use of torture
1. Any
person who, in the course of proceedings, trial or implementation of measures
including mandatory attendance at a correctional institution or rehabilitation
center, uses torture or brutally treats or insults another person in any shape
or form shall face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence is committed against more than one person;
c) The
offence involves deceitful methods;
d) The
offence is committed against a person under 18, a woman whose pregnancy is known
by the offender, an old and weak person or a person having a serious physical
disability or extremely serious physical disability;
dd) The
offence causes 11% - 60% WPI for another person.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence causes ≥ 61% WPI for another person;
b) The
offence results in the suicide of the tortured person.
4. If the
offence results in the death of the tortured person, the offender shall face a
penalty of 12 - 20 years' imprisonment or life imprisonment.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
374. Obtainment of testimony by duress
1. Any
person who, in the course of proceedings, employs illegal methods to force an
interrogated person to provide information about the case shall face a penalty
of 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence is committed against more than one person;
c) The
offence is committed against a person under 18, a woman whose pregnancy is
known by the offender, an old and weak person or a person having a serious
physical disability or extremely serious physical disability;
d) The
offender uses torture, maltreats or insults the interrogated person;
dd) The
offence involves deceitful methods;
e) The
offence results in falsification of the result of accusation, investigation,
prosecution or trial;
g) The
interrogated person is forced to provide false statements.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence results in the suicide of the interrogated person;
b) The
offence results in omission of a less serious crime or serious crime.
4. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offence results in the suicide of the interrogated person;
b) The
offence results in wrongful conviction of an innocent person;
c) The
offence results in omission of a very serious crime or extremely serious crime.
5. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
375. Falsification of case files
1. Any
investigator, prosecutor, judge, jury member, court clerk or any other judicial
officer, advocates of litigant who falsifies, swaps, destroys or damages
documents or evidence of the case or otherwise falsifies the content of the
case shall face a penalty of 01 - 05 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence results in wrong result of the case;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 500,000,000 to
under VND 1,000,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 10
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence results in wrongful conviction of an innocent person or omission of a
crime;
b) The
offence result in the suicide of the person who is arrested, taken into police
custody, the suspect, the defendant, the convict, the person required to serve
the judgment, the victim or the plaintiff;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 1,000,000,000.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05 years.
Article
376. Negligence resulting in escape of a detainee or prisoner
1. Any
person who is responsible for guarding or escorting a detainee or prisoner but
negligently lets him/her escape in any of the following circumstances shall
face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months'
imprisonment:
a) The
offence results in the suspension of the case;
b) The
escapee takes revenge on the proceeding officer or participant;
c) The
escapee continues to commit another less serious crime or serious crime.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the termination of the case;
b) The
escapee continues to commit another very serious crime;
c) The offence
involves 02 - 05 escapees;
d) The
escapee committed a very serious crime;
dd) The
offence has a negative impact on social security, order or safety.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
escapee continues to commit another extremely serious crime;
b) The
offence involves ≥ 06 escapees;
c) The
escapee committed a extremely serious crime.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
377. Abuse of position or power to hold a person in detention or custody
against the law
1. Any
person who abuses his/her position or power to commit any of the following acts
shall face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment:
a)
Failure to issue a decision to release a person who is released as prescribed
by law;
b)
Issuing a decision to arrest or hold a person in detention or custody without
any basis as prescribed by law;
c)
Failure to implement the decision to release a person who is released as
prescribed by law;
d)
Arresting, holding a person in detention or custody without an order or
decision as prescribed by law or without an effective one;
dd)
Failure to issue an order or decision to extend the period of detention or
custody; changing, cancelling the temporary detention method at the end of the
temporary detention period causing the detainee to be held in detention behind
schedule.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence involves 02 - 05 people held in detention or custody against the law;
b) The
offence result in 31% - 60% WPI of the person held in detention or custody
against the law;
c) The
offence results in extreme hardship of the detainee or his/her family;
d) The
offence is committed against a person under 18, a woman whose pregnancy is
known by the offender, an old and weak person or a person having a serious
physical disability or extremely serious physical disability.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence involves ≥ 06 people held in detention or custody against the law;
b) The
offence result in ≥ 61% WPI or death of the person held in detention or custody
against the law;
c) The
offence results in the suicide of the detainee;
d) The
offence results in separation of the detainee's family.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
378. Illegally releasing a person under arrest, a person held in temporary
detention or a prisoner
1. Any
person who abuses his/her position or power to illegally release a person under
arrest, a person held in temporary detention or a prisoner shall face a penalty
of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment;
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a)
Illegally releasing a person under arrest, a person held in temporary detention
or a prisoner who committed a very serious crime or extremely serious crime;
b) The
illegally released person escapes or obstructs the process of investigation,
prosecution, trial or continues to commit another less serious crime or serious
crime;
c) The
illegally released person takes revenge on the proceeding officer or
participant;
dd) The
offence involves 02 - 05 people illegally released.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence involves ≥ 06 people illegally released;
b) The
illegally released person committed a very serious crime or extremely serious
crime.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
379. Failure to execute a judgment
1. Any
competent person who deliberately omits to issue a decision to execute a
judgment or fails to execute a judgment or decision of a court in any of the
following circumstances shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offender has incurred a disciplinary penalty for the same offence;
b) The
offence results in the escape of the convict;
c) The
time limit for judgment execution expires;
d) The
offence gives an opportunity for the convict to liquidate or hide his/her
property and thus fails to implement the judgment with an amount of from VND
50,000,000 to under VND 200,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
convict continues to commit another less serious crime or serious crime;
c) The
offence gives an opportunity for the convict to liquidate or hide his/her
property and thus fails to implement the judgment with an amount of from VND
200,000,000 to under VND 1,000,000,000.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
convict continues to commit another very serious crime or extremely serious
crime;
b) The
offence gives an opportunity for the convict to liquidate or hide his/her
property and thus fails to implement the judgment with an amount of ≥ VND
1,000,000,000.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
380. Failure to serve a judgment
1. If a
person who is capable of but fails to serve a judgment or decision of the court
which has taken effect despite the fact that enforcement measures have been
taken as prescribed by law or an administrative penalty for the same offence
was imposed, such person shall face a penalty of 03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 05 years' imprisonment:
a) The
offender resists the bailiff or a law enforcement officer;
b) The
offence involves deceitful methods;
c) The
offender liquidates or hides his/her property.
3. The
offender might also be liable to a fine of from VND 5,000,000 to VND
50,000,000.
Article
381. Obstruction of judgment execution
1. Any
person who abuses his/her position or power to obstruct the execution of a
judgment in any of the following circumstances shall face a penalty of up to 03
years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment:
a) The
offence results in the escape of the convict;
b) The
time limit for judgment execution expires;
c) The
offence gives an opportunity for the convict to liquidate or hide his/her
property and thus fails to implement the judgment with an amount of from VND
50,000,000 to under VND 200,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 50,000,000 to
under VND 200,000,000.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 05 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
convict continues to commit another crime;
c) The
offence gives an opportunity for the convict to liquidate or hide his/her
property and thus fails to implement the judgment with an amount of ≥ VND
200,000,000;
d) The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 200,000,000.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
382. Providing false documents or giving false statements
1. A
witness, expert, valuator, translator, interpreter, advocate who gives a false
conclusion, makes a false translation or provides documents in the knowledge
that they are untruthful shall receive a warning or face a penalty of up to 01
year's community sentence or 03 - 12 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 03 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offence results in misjudgment of the case.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence has been committed more than once;
b) The
offence results in wrongful conviction of an innocent person or omission of a
crime.
4. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
383. Refusal to give testimony, expert's conclusion, valuator's conclusion or
refusal to provide documents
1. A
witness other than those specified in Clause 2 Article 19 hereof, an expert,
valuator, translator or interpreter who refuses to or avoid giving expert's
conclusion or valuator's conclusion or refuses to provide documents without
acceptable reasons shall receive a warning or face a penalty of up to 01 year's
community sentence or 03 - 12 months' imprisonment.
2. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
384. Bribing or forcing another person to give testimony or provide documents
1. Any
person who bribes or forces the witness, victim, litigant in a criminal,
administrative or civil case to give false testimony or provide untruthful
documents or not to give testimony or provide documents; bribes or forces the
expert or valuator to give a false conclusion or the translator or interpreter
to make incorrect translation shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 03 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence involves the use of violence, threat of violence or other dangerous
methods;
b) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
c) The
offence results in misjudgment of the case.
Article
385. Offenses against regulations on sealing, distraining property, freezing
accounts
1. Any
person who is responsible for management of distrained property, sealed
property, sealed exhibits or frozen accounts but commits any of the following
acts shall face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24
months' imprisonment:
a)
Breaking the seal or unfreezing the account without a decision of a competent
person;
b) Using,
transferring, swapping, hiding or destroying distrained property.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in misjudgment of the case;
b) The
offence results in the failure of the suspect, the convict or the person
responsible for executing the judgment to execute the judgment with an amount
of ≥ VND 100,000,000.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions or doing
certain jobs for 01 - 05 years.
Article
386. Escape from detention facility or during escort or trial
1. Any
person who escapes while being kept in detention, escorted, tried or serving an
imprisonment shall face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender uses violence against the guards of escorters.
Article
387. Swapping a person under arrest, a person held in temporary detention or a
prisoner
1. Any
person who swaps a person under arrest, a person held in temporary detention or
a prisoner, except in the circumstances specified in Article 119 hereof, shall
face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
c) The
offender uses violence against the guards of escorters;
d) The
person swap committed a criminal offence against national security or is
sentenced to death.
3. The
offender might also be prohibited from holding certain positions for 01 - 05
years.
Article
388. Violations against regulations on detention
1. A
person who commits any of the following violations against regulations of law
on detention despite the fact that he/she has incurred a disciplinary or
administrative penalty for the same offence or has an unspent conviction for
the same offence , except for the cases in Article 119, 170, 252, 253, 254 and
255 hereof, shall face a penalty of 06 - 36 months' imprisonment:
a)
Causing disruption or defying orders of the competent person in detention
management;
b)
Destroying or deliberately damaging property;
c)
Extortion of property;
d)
Bringing in, possessing, appropriating or organizing the use of narcotic
substances, narcotic drugs or psychotropic drugs;
dd)
Bringing in, possessing or using personal communications devices.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed by an organized group;
b) The
offender abuses his/her position or power to commit the offence;
c) The
offence involves deceitful methods;
d)
Dangerous recidivism.
3. The
offender might also be prohibited residence for 01 - 03 years, prohibited from
holding certain positions for 01 - 03 years.
Article
389. Concealment of crimes
1. Any
person who, without prior promises, conceals any of the following crimes,
except for the cases in Clause 2 Article 18 hereof, shall face a penalty of up
to 03 years' community sentence or 06 - 60 months' imprisonment:
a) The
crimes against national security specified in Article 108 through 121;
b)
Article 123 (Murder); Article 141, Clause 2 through 4 (Rape); Article 142 (Rape
of a person under 16); Article 144 (Forcible sexual intercourse with a person
aged from 13 to under 16) Article 146, Clause 2 and 3 (Obscenity towards a
person under 16); Article 150, Clause 2 and 3 (Human trafficking);
c)
Article 151 (Trafficking of a person under 16); Article 152 (Swapping a person
under 01 year of age); Article 153 (Abduction of a person under 16); Article
154 (Trading, appropriation of human tissues or body parts);
d)
Article 168 (Robbery); Article 169 (Kidnapping for ransom); Article 174, Clause
2 through 4 (Theft of property); Article 174, Clause 2 through 4 (Obtaining
property by fraud); Article 175, Clause 2 through 4 (Abuse of trust to
appropriate property); Article 178, Clause 2 through 4 (Deliberate destruction
of property);
dd)
Article 188, Clause 3 and 4 (Smuggling); Article 189, Clause 3 (Illegal
transport of goods or money across the border); Article 190, Clause 2 and 3
(Manufacturing and trading of banned goods); Article 191, Clause 2 and 3
(Possession, transport of banned goods); Article 192, Clause 2 and 3 (producing
and trading counterfeit goods); Article 193 (Manufacturing and trading of
counterfeit food or food additives); Article 194 (Manufacturing and trading of
counterfeit medicines for treatment or prevention of diseases); Article 195,
Clause 2 and 3 (Manufacturing and trading of counterfeit animal feeds,
fertilizers, veterinary medicines, pesticides, plant varieties, animal breeds);
Article 196, Clause 2 and 3 (Hoarding); Article 205, Clause 3 and 4
(Establishing illegal funds); Article 206, Clause 2 and 3 (Violations against
regulations on operation of credit institutions and branches of foreign banks);
Article 207 (Production, possession, transport of counterfeit money); Article
208 (Production, possession, transport, circulation of counterfeit negotiable
instruments or other valuable papers); Article 219, Clause 2 and Clause 3
(Offences against regulations on the management and use of State-owned property
that lead to losses or wastefulness); Article 220, Clause 2 and 3 (Offences
against regulations on the management and use public capital that lead to
serious consequences); Article 221, Clause 2 and 3 (Offences against
regulations of law on accounting that lead to serious consequences); Article
222, Clause 2 and 3 (Offences against regulations of law on bidding that lead
to serious consequences); Article 223, Clause 2 and 3 (Collusion with taxpayer
that lead to serious consequences); Article 224, Clause 2 and 3 (Offences
against regulations of law on investment in construction that lead to serious
consequences); Article 243, Clause 2 and 3 (Forest destruction);
e)
Article 248 (Illegal manufacturing of narcotic substances); Article 249 (Illegal
possession of narcotic substances(; Article 250 (Illegal transport of narcotic
substances); Article 251 (Illegal trading of narcotic substances); Article 252
(Appropriation of narcotic substances); Article 253. (Possession, transport,
trading or appropriation of precursors for illegal manufacturing of narcotic
substances); Article 254, Clause 2 (Manufacturing, possession, transport,
trading of instruments and equipment serving illegal manufacturing or use of
narcotic substances); Article 255 (Illegal organization of use of narcotic
substances); Article 256 (Concealment of illegal use of narcotic substances);
Article 257 (Forcing others to use narcotic substances); Article 258.
(Persuading or inciting others to use narcotic substances); Article 259, Clause
2 (Offences against regulations on management, use of narcotic substances,
precursors, narcotic drugs and psychotropic drugs);
g)
Article 265, Clause 2 through 4 (Organizing illegal street races); Article 282
(Hijacking of an airplane or ship); Article 304 (Illegal manufacture,
possession, transport, use or appropriation of military weapons or devices);
Article 299 (Terrorism); Article 301 (Taking hostages); Article 302 (Piracy);
Article 303 (Destruction of work, facility, equipment important for national
security); Article 304 (Illegal manufacture, possession, transport, use or
appropriation of military weapons or devices); Article 305, Clause 2 through 4
(Illegal manufacture, possession, transport, use, trading or appropriation of
explosive materials); Article 309, Clause 2 through 4 (Illegal manufacture,
possession, transport, use, spreading, trading or appropriation of radioactive
substances or nuclear materials); Article 311, Clause 2 through 4 (Illegal
manufacture, possession, transport, use or trading of flammable or toxic
substances);
h)
Article 329, Clause 2 and 3 (Procuring a minor for prostitution);
i)
Article 353, Clause 2 through 4 (Embezzlement); Article 354, Clause 2 through 4
(Taking bribes); Article 355, Clause 2 through 4 (Abuse of power or position
for appropriation of property); Article 356, Clause 2 and 3 (Abuse of power or
position in performance of official duties); Article 357, Clause 2 and 3
(Acting beyond authority in performance of duties); Article 358, Clause 2
through 4 (Abuse of power or position to influence another person for personal
gain); Article 359, Clause 2 through 4 (Commission of fraud in performance of
duties); Article 364, Clause 2 through 4 (Giving bribes); Article 365, Clause 2
through 4 (Brokering bribery);
k) Article
373, Clause 3 and 4 (Use of torture); Article 374, Clause 3 and 4 (Obtainment
of testimony by force); Article 386, Clause 2 (Escape from detention facility
or during escort or trial);
l)
Disruption of peace, crimes against humanity and war crimes specified in
Article 421 through 425.
2. If the
offence involves the offender's abuse of power or other acts of protecting the
criminal, the offender shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
Article
390. Misprision
1. Any
person who knows about the preparation or commission of any of the crimes
specified in Article 389 hereof but fails to report it, except for the cases in
Clause 2 Article 19 hereof, shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. The person
who fails to report the crime but does try to stop the criminal or reduce the
consequences of the crime might be exempt from criminal responsibility or
punishment.
Article
391. Disruption in court
1. Any
person who insults jury members or other people present at the court or damages
property shall be liable to a fine of from VND 10,000,000 to VND 100,000,000,
face a penalty of up to 01 year's community sentence or 03 - 12 months'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 03 years' imprisonment:
a) The
court session has to be suspended;
b) A
member of the trial panel is attacked.
Chapter
XXV
INFRINGEMENTS UPON DUTIES AND
RESPONSIBILITIES OF SERVICEMEN AND COOPERATORS WITH THE ARMY IN WARTIME
Article
392. People having criminal responsibility for infringement upon duties and
responsibilities of servicemen
1.
Servicemen, military workers and employees.
2.
Reserve servicemen during training period.
3.
Militia members in cooperation with the army in wartime.
4.
Citizens recruited to the army.
Article
393. Giving orders against the law
1. Any
person who abuses his/her position to give order against the law and as a
result causes serious consequences shall face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 60 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in battle;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed during a rescue mission;
d) The
offence is committed in time of emergency;
dd) The
offence results in very serious consequences.
3. If the
offence results in extremely serious consequences or in other extremely serious
cases, the offender shall face a penalty of 07 - 15 years' imprisonment.
Article
394. Insubordination
1. Any
person who defies or deliberately fails to follow an order given by a competent
person shall face a penalty of 06 - 60 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offender drags another person into committing the offence;
c) The
offence involves the use of violence;
d) The
offence results in very serious consequences.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in battle;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed during a rescue mission;
d) The
offence is committed in time of emergency;
dd) The
offence results in very serious consequences.
4. If the
offence results in extremely serious consequences, the offender shall face a
penalty of 12 - 20 years' imprisonment or life imprisonment.
Article
395. Failure to strictly follow orders
1. Any
person who follows an order given by a competent person in an inattentive,
tardy or arbitrary manner and as a result causes serious consequences shall
face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in battle;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed during a rescue mission;
d) The
offence is committed in time of emergency;
dd) The
offence results in very serious consequences or extremely serious consequences.
Article
396. Obstruction of companions from carrying out their duties
1. Any
person who obstructs a companion from carrying out his/her mission and causes
him/her to fail to accomplish or fully accomplish the mission shall face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 03 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offender drags another person into committing the offence;
c) The
offence involves the use of violence;
d) The
offence results in serious consequences or very serious consequences.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in battle;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed during a rescue mission;
d) The
offence is committed in time of emergency;
dd) The
offence results in extremely serious consequences.
Article
397. Insulting companions
1. Any
person who seriously insult his/her companion in their working relationship
shall face a penalty of up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 05 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offence is committed against a commander or superior officer;
c) The
offence is committed because of the victim's official duties;
dd) The
offence is committed in a warzone;
dd) The
offence has been committed more than once;
e) The
offence is committed against more than one person;
g) The
offence results in ≥ 46% mental and behavioral disability of the victim;
h) The
offence result in the suicide of the victim.
Article
398. Assaulting companions
1. Any
person who deliberately inflicts bodily harm to his/her companion in working
relationship, except for the cases in Article 135 hereof, shall face a penalty
of up to 03 years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. This offence
committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02 - 07
years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offence is committed against a commander or superior officer;
c) The
offence is committed because of the insulted person's official duties;
dd) The
offence is committed in a warzone;
dd) The
offence results in serious consequences, very serious consequences or extremely
serious consequences.
Article
399. Surrendering to enemy
1. Any
person who surrenders himself/herself to the enemy shall face a penalty of 03 -
10 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 15 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offender surrender a weapon or military equipment to the enemy;
c) The
offender provides important documents or discloses military secrets to the
enemy;
d) The
offender drags another person into committing the offence;
dd) The
offence results in serious consequences or very serious consequences.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment or life imprisonment:
a) The
offender provides or classified documents or items or discloses classified
information to the enemy;
b) The
offence results in extremely serious consequences.
Article
400. Providing information or voluntarily working for the enemy as a prisoner
of war
1. Any
person who provides secret military information or voluntarily works for the
enemy while being captured as a prisoner of war shall face a penalty of 01 - 07
years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offender treats other prisoners cruelly;
c) The
offender persuades another person to commit this offence;
d) The
offence results in serious consequences or very serious consequences.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 12
- 20 years' imprisonment:
a) The
offender provides or classified documents or items or discloses classified
information to the enemy;
b) The
offence results in extremely serious consequences.
Article
401. Abandonment of combat position or failure to discharge duties in battle
1. Any
person who abandons his/her combat position or fails to discharge his/her
duties in battle shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offender abandons military equipment or military secret documents;
c) The
offender drags another person into committing the offence;
d) The
offence results in serious consequences or very serious consequences.
3. If the
offence results in extremely serious consequences, the offender shall face a
penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
Article
402. Desertion
1. Any
person who leaves the unit to evade military service whether in wartime or
while having incurred a disciplinary penalty for the same offence or causing
serious consequences shall face a penalty of up to 03 years' community sentence
or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offender drags another person into committing the offence;
c) The
offender carries, abandons military weapons or equipment or secret documents;
d) The
offence results in very serious consequences.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in battle;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed during a rescue mission;
d) The
offence is committed in time of emergency;
dd) The
offence results in extremely serious consequences.
Article
403. Breaches of duty
1. Any
person who injures himself/herself or employs other deceitful methods to evade
discharging his/her duties shall face a penalty of up to 02 years' community
sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offender drags another person into committing the offence;
c) The
offence is committed in wartime;
d) The
offence is committed during a rescue mission;
dd) The
offence is committed in time of emergency;
e) The
offence results in very serious consequences.
3. If the
offence results in very serious consequences or extremely serious consequences,
the offender shall face a penalty of 05 - 10 years' imprisonment.
Article
404. Deliberate disclosure of military secrets
1. Any
person who deliberately discloses military secrets, except in the circumstances
specified in Article 110, 337 and 361 hereof, shall face a penalty of 06 - 60
months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed in battle;
d) The
offence results in serious consequences, very serious consequences or extremely
serious consequences.
Article
405. Appropriation, trading or destruction of military secret documents
1. Any
person who appropriates, buys, sells or destroys military secret documents,
except in the circumstances specified in Article 110, 337 and 361 hereof, shall
face a penalty of 06 - 60 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed in battle;
d) The
offence results in serious consequences, very serious consequences or extremely
serious consequences.
Article
406. Involuntary disclosure of military secrets
1. Any
person who involuntarily discloses military secrets, except in the
circumstances specified in Article 338 and 362 hereof, shall face a penalty of
up to 02 years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 05 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed in battle;
d) The
offence results in serious consequences, very serious consequences or extremely
serious consequences.
Article
407. Loss of military secret documents
1. Any
person who loses military secret documents, except in the circumstances
specified in Article 338 and 362 hereof, shall face a penalty of up to 02
years' community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 01
- 05 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed in battle;
d) The
offence results in serious consequences, very serious consequences or extremely
serious consequences.
Article
408. Making false records
1. Any
person who deliberately makes false records on military operations and causes
serious consequences shall face a penalty of up to 03 years' community sentence
or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in battle;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed in time of emergency;
d) The
offence results in very serious consequences or extremely serious consequences.
Article
409. Breaches of guard duty
1. Any
person who fails to strictly discharge his guard duty and causes serious
consequences shall face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 -
60 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in battle;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence is committed during a rescue mission;
d) The
offence is committed in time of emergency;
dd) The
offence results in very serious consequences or extremely serious consequences.
Article
410. Offences against regulations of law on protection
1. Any
person who fails to strictly comply with regulations on patrol, guard or escort
in any of the following circumstances shall face a penalty of up to 03 years'
community sentence or 06 - 60 months' imprisonment:
a) The
guarded or escorted person is injured;
b) The
offence results in damage of military equipment;
c) The
property damage caused by the offence is assessed at from VND 100,000,000 to
VND 500,000,000;
d) The
offence results in very serious consequences.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offence results in the death of the guarded or escorted person;
b) The
offence results in loss of military equipment;
c) The
offence is committed in battle;
dd) The
offence is committed in a warzone;
dd) The
offender persuades another person to commit the offence;
e) The
offence results in very serious consequences or extremely serious consequences.
Article
411. Offences against regulations of law on safety in battle or training
1. Any
person who fails to strictly comply with regulations on safety in battle or
training and causes serious consequences shall face a penalty of up to 03
years' community sentence or 01 - 05 years' imprisonment.
2. If the
offence results in very serious consequences or extremely serious consequences,
the offender shall face a penalty of 03 - 10 years' imprisonment.
Article
412. Offences against regulations of law on use of military weapons or
equipment
1. Any
person who violates regulations on use of military weapons or equipment and
causes serious consequences shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 60 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in battle;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offence results in very serious consequences or extremely serious consequences.
Article
413. Infliction of damage or deliberate destruction of military weapons or
equipment
1. Any
person who damages or deliberately destroys a military weapon or a piece of
military equipment, except in the circumstances specified in Article 114 and
303 hereof, shall face a penalty of 02 - 07 years' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 07
- 12 years' imprisonment:
a) The
offence is committed in battle;
b) The
offence is committed in a warzone;
c) The
offender drags another person into committing the offence;
d) The
offence results in very serious consequences.
3. If the
offence results in very serious consequences or extremely serious consequences,
the offender shall face a penalty of 12 - 20 years' imprisonment or life
imprisonment.
Article
414. Loss or involuntary destruction of military weapons or equipment
1. Any person
who is responsible for management of military weapons or equipment but loses or
involuntary damages them and causes serious consequences shall face a penalty
of up to 03 years' community sentence or 06 - 60 months' imprisonment.
2. If the
offence results in very serious consequences or extremely serious consequences,
the offender shall face a penalty of 03 - 07 years' imprisonment.
Article
415. Harassment of the people
1. Any
person who harasses the people after despite the fact that he/she has incurred
a disciplinary penalty for the same offence or causing serious consequences
shall face a penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months'
imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offender drags another person into committing the offence;
c) The
offence is committed in a warzone;
d) The
offence is committed in an area where state of emergency is declared;
dd) The
offence results in very serious consequences or extremely serious consequences.
Article
416. Abuse of military authority in performance of duties
1. Any
person who, in performance of his/her official duties, abuses military
authority and causes property damage assessed at from VND 100,000,000 to under
VND 500,000,000 to the State or an organization or individual shall face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. If The
property damage caused by the offence is assessed at ≥ VND 500,000,000, the
offender shall face a penalty of 03 - 07 years' imprisonment.
Article
417. Abandonment of wounded or dead soldiers or failure to treat wounded
soldiers
1. Any
person who is responsible but deliberately abandons a wounded or dead soldier
in the battlefield or fails to treat a wounded soldier and causes the missing
or death of such soldier shall face a penalty of up to 03 years' community
sentence or 06 - 60 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 10 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offence involves ≥ 02 wounded or dead soldiers.
Article
418. Appropriation or destruction of dead soldiers' mementos
1. Any
person who appropriates or destroys a dead soldier's memento shall face a
penalty of up to 03 years' community sentence or 06 - 36 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 02
- 07 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
offence involves mementos of ≥ dead soldiers.
Article
419. Appropriation or destruction of war trophies
1. Any
person who appropriates or destroys war trophies in battle or during
battlefield clean-up shall face a penalty of up to 03 years' community sentence
or 06 - 60 months' imprisonment.
2. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 03
- 07 years' imprisonment:
a) The
offender is a commander or commissioned officer;
b) The
war trophies are assessed at from VND 100,000,000 to under VND 500,000,000;
c) The
offence had a negative impact on the army's reputation;
d) The
war trophies have military value;
dd) The
offence results in serious consequences or very serious consequences.
3. This
offence committed in any of the following circumstances carries a penalty of 05
- 10 years' imprisonment:
a) The
war trophies are assessed at ≥ VND 500,000,000;
b) The
war trophies have special military value;
c) The
offence results in extremely serious consequences.
Article
420. Maltreatment of prisoners of war
Any
person who maltreats a prisoner of war shall face a penalty of up to 01 year's
community sentence or 03 - 24 months' imprisonment.
Chapter
XXVI
DISTURBING THE PEACE, CRIMES AGAINST
HUMANITY AND WAR CRIMES
Article
421. Disruption of peace, provocation of war of aggression
1. Any
person who advocates or provokes a war of aggression or prepares, carries out
or participates in an war of aggression against the independence, sovereignty
and territorial integrity of a nation or sovereign territory shall face a
penalty of 12 - 20 years' imprisonment, life imprisonment or death.
2. This
offence is committed under pressure or order given by superior officers, the
offender shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
Article
422. Crimes against humanity
1. Any
person who, whether in peacetime or wartime, commits genocide against
population of an area, destroys sources of living, cultural or spiritual life
of a nation or sovereign territory, upsets the foundation of a society in order
to sabotage it or commits other acts of genocide or destroys of the environment
shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment, life imprisonment or death.
2. This
offence is committed under pressure or order given by superior officers, the
offender shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
Article
423. War crimes
1. Any
person in wartime who orders or directly commits the murder of civilians, wounded
people or prisoner of wars; pillages; destroys residential areas; uses banned
war instruments or methods or commits other acts that seriously violate
international law or an international agreement to which Socialist Republic of
Vietnam is a signatory shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment,
life imprisonment or death
2. This
offence is committed under pressure or order given by superior officers, the
offender shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment.
Article
424. Recruiting, training or employing mercenaries
Any
person who recruits, trains or employs mercenaries to fight against a nation or
sovereign territory shall face a penalty of 10 - 20 years' imprisonment or life
imprisonment.
Article
425. Working as a mercenary
Any person
who works as a mercenary to fight against a nation or sovereign territory shall
face a penalty of 05 - 15 years' imprisonment.
Part
Three
IMPLEMENTATION
Article
426. Effect
This
document comes into force from July 01, 2016.
Criminal
Code No. 15/1999/QH10 and Law No. 37/2009/QH12 on amendment to Criminal Code
are null and void from the effective date of this document.
This
document was passed by the 13th National Assembly of the Socialist
Republic of Vietnam, at its 6th session on November 27, 2015.
|
CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY
Nguyen Sinh Hung
|
------------------------------------------------------------------------------------------------------
This translation is made by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, Ho Chi Minh City, Vietnam and
for reference purposes only. Its copyright is owned by THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
and protected under Clause 2, Article 14 of the Law on Intellectual Property.Your comments are always welcomed
4.665.003
|
NỘI DUNG SỬA ĐỔI, HƯỚNG DẪN
Văn bản bị thay thế
Văn bản thay thế
Chú thích
Trang 6, 7, 201 và 223 của Bộ luật này được đính chính bởi Công văn 3613/UBPL13 năm 2016 có hiệu lực từ ngày 11/01/2016 Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Bộ luật hình sự đã được gửi đến Phòng Công báo, Văn phòng Chính phủ để đăng Công báo. Tuy nhiên, do sơ xuất về mặt kỹ thuật nên trang 6, 7, 201 và 223 của bản Bộ luật hình sự gửi đến Quý cơ quan có sự sai sót.
Vì vậy, Ủy ban pháp luật trân trọng đề nghị Quý cơ quan giúp thay thế trang 6, 7, 201 và 223 của Bộ luật hình sự để đăng Công báo.
Xin chân thành cảm ơn./.
(Xem nội dung chi tiết tại văn bản) Xem nội dung VBViệc áp dụng Bộ luật này được hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 05/07/2017 Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
...
Điều 2. Việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau:
a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;
c) Tội phạm mới quy định tại các Điều 147, 154, 167, 187, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 217a, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 của Bộ luật Hình sự năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; các điều luật quy định hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết;
d) Quy định tại điểm b và điểm c khoản này cũng được áp dụng đối với các điều luật mới quy định tội được tách ra từ các tội ghép trong Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 1999);
đ) Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”, “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”, “quy mô lớn” của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
e) Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội hoạt động phỉ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
g) Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không được căn cứ vào những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
h) Các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại tại Bộ luật Hình sự năm 2015 không áp dụng đối với những hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;
i) Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13.
2. Kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây gọi là Luật số 12/2017/QH14) được công bố, tiếp tục thực hiện các quy định sau đây:
a) Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
b) Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
c) Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không thi hành án và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
d) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa. Nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
đ) Đối với các trường hợp đã áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà Luật số 12/2017/QH14 không quy định là tội phạm nữa: nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
e) Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm các tội mà không được quy định tại khoản 2 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015; nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
g) Người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản này thì đương nhiên được xóa án tích;
h) Thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm b khoản 1 Điều này;
i) Áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội. Xem nội dung VBBỘ LUẬT HÌNH SỰ Việc áp dụng Bộ luật này được hướng dẫn bởi Công văn 04/TANDTC-PC năm 2018 có hiệu lực từ ngày 09/01/2018 Để triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) và Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 (sau đây gọi là Nghị quyết số 41), Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp và các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình giải quyết vụ án hình sự và thi hành án hình sự cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 (ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành), khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm và thi hành án hình sự cần áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;
c) Tội phạm mới quy định tại các Điều 147, 154, 167, 187, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 217a, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 của Bộ luật Hình sự năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; các điều luật quy định hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết;
d) Các điều luật mới quy định tội được tách ra từ các tội ghép trong Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12 (sau đây gọi Bộ luật Hình sự năm 1999), nếu có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết; nếu không có lợi cho người phạm tội thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết;
đ) Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”, “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”, “quy mô lớn” của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41;
e) Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội hoạt động phỉ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
g) Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không được căn cứ vào những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41;
h) Các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại tại Bộ luật Hình sự năm 2015 không áp dụng đối với những hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018.
2. Theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 377 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì trong mọi trường hợp người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện việc không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc không thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự các đồng chí Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán và Hội đồng xét xử các cấp phải hết sức lưu ý, không để xảy ra tình trạng do sơ suất dẫn đến việc giam, giữ không có Quyết định tạm giữ, tạm giam.
Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao ngay khi nhận được Công văn này cần tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc trong cơ quan, đơn vị mình. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có sự giải thích, hướng dẫn kịp thời./. Xem nội dung VBBỘ LUẬT HÌNH SỰ Việc triển khai thi hành Bộ luật này được hướng dẫn bởi Công văn 148/TANDTC-PC năm 2017 có hiệu lực từ ngày 12/07/2017 Ngày 20-6-2017, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây gọi là Luật số 12/2017/QH14) và Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 (sau đây gọi là Nghị quyết số 41). Nghị quyết số 41 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05-7-2017. Để triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) và Nghị quyết số 41, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện các công việc sau đây:
1. Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Vụ Giám đốc kiểm tra I và các đơn vị khác có liên quan thuộc Tòa án nhân dân tối cao:
a) Rà soát các vụ án hình sự mà Tòa án, đơn vị mình đang thụ lý, giải quyết, nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41 thì tiếp tục thực hiện việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41.
b) Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, các cơ sở giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự rà soát các đối tượng người bị kết án mà thuộc diện được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân hoặc được miễn chấp hành hình phạt theo Nghị quyết số 41 để làm thủ tục chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân hoặc miễn chấp hành hình phạt cho họ.
c) Xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình.
d) Thông qua thực tiễn xét xử, phản ánh vướng mắc, kiến nghị về Tòa án nhân dân tối cao để có giải thích, hướng dẫn kịp thời.
2. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao:
a) Dự thảo Công văn quán triệt thi hành quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41 và Công văn hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký ban hành.
b) Xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký ban hành.
c) Tham mưu cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn” và các điều, khoản, điểm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
d) Là đầu mối phối hợp tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tham mưu, đề xuất việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015;
đ) Tiếp nhận phản ánh của Tòa án các cấp về các vướng mắc liên quan đến triển khai, thi hành Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 41; tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hướng giải quyết.
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các Hội nghị triển khai, tập huấn chuyên sâu và các hoạt động khác có liên quan đến việc tổ chức, thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41.
3. Cục Kế hoạch - Tài chính Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 trong Tòa án nhân dân.
4. Học viện Tòa án biên soạn, chỉnh lý hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; tổ chức giảng dạy, tập huấn về các quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, cần phản ánh kịp thời những ý kiến, vướng mắc liên quan đến triển khai, thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41.
5. Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41.
6. Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao đăng tải Kế hoạch triển khai thi hành, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật, công văn hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41; tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41.
7. Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị quyết số 41 và đăng tải Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao ngay khi nhận được Công văn này cần tổ chức, quán triệt đến các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trong cơ quan, đơn vị mình thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần giải thích, hướng dẫn thì báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có sự giải thích, hướng dẫn kịp thời./. Xem nội dung VBBỘ LUẬT HÌNH SỰ Trang 6, 7, 201 và 223 của Bộ luật này được đính chính bởi Công văn 3613/UBPL13 năm 2016 có hiệu lực từ ngày 11/01/2016 Việc áp dụng Bộ luật này được hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 05/07/2017 Việc áp dụng Bộ luật này được hướng dẫn bởi Công văn 04/TANDTC-PC năm 2018 có hiệu lực từ ngày 09/01/2018 Việc triển khai thi hành Bộ luật này được hướng dẫn bởi Công văn 148/TANDTC-PC năm 2017 có hiệu lực từ ngày 12/07/2017 Nội dung này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 có hiệu lực từ ngày 30/06/2016 (VB hết hiệu lực: 05/07/2017) Điều 1
...
2. Lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13... đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này.
...
4. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016:
a) Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Xem nội dung VBĐiều 426. Hiệu lực thi hành
Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành. Nội dung này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 có hiệu lực từ ngày 30/06/2016 (VB hết hiệu lực: 05/07/2017) Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 như sau:
“d) Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;”; Xem nội dung VBĐiều 3. Nguyên tắc xử lý
1. Đối với người phạm tội:
...
d) Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 3 như sau:
“d) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.”. Xem nội dung VBĐiều 3. Nguyên tắc xử lý
...
2. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
...
d) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra. Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.”. Xem nội dung VBĐiều 9. Phân loại tội phạm
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 như sau:
“2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”. Xem nội dung VBĐiều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
...
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);
đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự). Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:
“Điều 14. Chuẩn bị phạm tội
1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.
2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.”. Xem nội dung VBĐiều 14. Chuẩn bị phạm tội
1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.
2. Người chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự:
a) Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc); Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (tội bạo loạn); Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 118 (tội phá rối an ninh); Điều 119 (tội chống phá cơ sở giam giữ); Điều 120 (tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 121 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân);
b) Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);
c) Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản);
d) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 324 (tội rửa tiền).
3. Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:
“Điều 19. Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”. Xem nội dung VBĐiều 19. Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 51 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm s ... khoản 1 Điều 51 như sau:
“s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Xem nội dung VBĐiều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
...
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 51 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm t ... khoản 1 Điều 51 như sau:
...
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;”; Xem nội dung VBĐiều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
...
t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 51 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm x khoản 1 Điều 51 như sau:
“x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.”. Xem nội dung VBĐiều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
...
x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng. Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 54 như sau:
“3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.”. Xem nội dung VBĐiều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
...
3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 61 như sau:
“Điều 61. Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án
Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, khoản 3 và khoản 4 Điều 353, khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.”. Xem nội dung VBĐiều 61. Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án
Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 66 như sau:
“1. Người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
c) Có nơi cư trú rõ ràng;
d) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;
đ) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn;
e) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này. Xem nội dung VBĐiều 66. Tha tù trước thời hạn có điều kiện
1. Người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
c) Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên;
d) Có nơi cư trú rõ ràng;
đ) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự;
e) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn;
g) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
9. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 2 Điều 66 như sau:
...
2. Không áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299 của Bộ luật này; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.”. Xem nội dung VBĐiều 66. Tha tù trước thời hạn có điều kiện
...
2. Không áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh hoặc người bị kết án từ 10 năm tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy;
b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 71 như sau:
“Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.”. Xem nội dung VBĐiều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;
b) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
c) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 76 như sau:
“Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này.”. Xem nội dung VBĐiều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau đây:
1. Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);
2. Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại). Điều này được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
12. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 84 như sau:
“d) Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;”. Xem nội dung VBĐiều 84. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
...
d) Tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 86 như sau:
“1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt tiền không tổng hợp với các hình phạt khác;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực hoặc hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong lĩnh vực đó;
c) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực thì được tổng hợp thành hình phạt chung nhưng không vượt quá 04 năm;
d) Nếu trong số các hình phạt đã tuyên có hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của Bộ luật này thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với toàn bộ hoạt động;
đ) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau thì không tổng hợp.”. Xem nội dung VBĐiều 86. Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội
Khi xét xử cùng 01 lần pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với từng lĩnh vực cụ thể thì không tổng hợp;
c) Hình phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 91 như sau:
“2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.”. Xem nội dung VBĐiều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
...
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
15. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 93 như sau:
“1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.”. Xem nội dung VBĐiều 93. Khiển trách
1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
16. Sửa đổi, bổ sung Điều 94 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 94 như sau:
“1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.”; Xem nội dung VBĐiều 94. Hòa giải tại cộng đồng
1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
17. Sửa đổi, bổ sung Điều 95 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 95 như sau:
“1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.”; Xem nội dung VBĐiều 95. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
17. Sửa đổi, bổ sung Điều 95 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 95 như sau:
“3. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”. Xem nội dung VBĐiều 95. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn
...
3. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 100 như sau:
“1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.”. Xem nội dung VBĐiều 100. Cải tạo không giam giữ
1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
19. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 107 như sau:
“2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 107. Xóa án tích
...
2. Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
20. Sửa đổi, bổ sung Điều 112 như sau:
“Điều 112. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 112. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
21. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 113 như sau:
“1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Xem nội dung VBĐiều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
21. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 113 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Xem nội dung VBĐiều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
...
2. Phạm tội trong trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
21. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 113 như sau:
...
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
...
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
22. Sửa đổi, bổ sung Điều 134 như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
23. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 141 như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Xem nội dung VBĐiều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
23. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 141 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 141. Tội hiếp dâm
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
k) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
23. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 141 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.”. Xem nội dung VBĐiều 141. Tội hiếp dâm
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
24. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 ... Điều 142 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Đối với 02 người trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
24. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 3 Điều 142 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; Xem nội dung VBĐiều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
25. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 ... Điều 143 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Có tính chất loạn luân;
đ) Làm nạn nhân có thai;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 143. Tội cưỡng dâm
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Cưỡng dâm 02 lần trở lên;
c) Cưỡng dâm 02 người trở lên;
d) Có tính chất loạn luân;
đ) Làm nạn nhân có thai;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
25. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 3 Điều 143 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.”. Xem nội dung VBĐiều 143. Tội cưỡng dâm
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
c) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
26. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 ... Điều 144 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
26. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 3 Điều 144 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.”. Xem nội dung VBĐiều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
27. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 150 như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này. Xem nội dung VBĐiều 150. Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
27. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 150 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;
e) Phạm tội 02 lần trở lên. Xem nội dung VBĐiều 150. Tội mua bán người
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
27. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 150 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.”. Xem nội dung VBĐiều 150. Tội mua bán người
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
28. Sửa đổi, bổ sung Điều 151 như sau:
“Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”. Xem nội dung VBĐiều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
...
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Chương I NHỮNG HƯỚNG DẪN CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Về một số tình tiết định tội
...
Điều 3. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
Chương II TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
Điều 4. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài
...
Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
...
Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi
...
Điều 8. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành Xem nội dung VBĐiều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
29. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 ... Điều 153 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Xem nội dung VBĐiều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
29. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 ... Điều 153 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
29. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 4 Điều 153 như sau:
...
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
...
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
30. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 157 như sau:
“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Xem nội dung VBĐiều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
30. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 157 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Xem nội dung VBĐiều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
30. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 157 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.”. Xem nội dung VBĐiều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
31. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 158 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.”. Xem nội dung VBĐiều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 32 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
32. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 162 như sau:
“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc. Xem nội dung VBĐiều 162. Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 32 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 32 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
32. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 2 Điều 162 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.”. Xem nội dung VBĐiều 162. Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 32 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
33. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 ... Điều 169 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
k) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
33. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 ... Điều 169 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Xem nội dung VBĐiều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
33. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 4 Điều 169 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.”. Xem nội dung VBĐiều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;
d) Làm chết người. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
34. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 173 như sau:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật. Xem nội dung VBĐiều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
34. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 173 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 173. Tội trộm cắp tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
34. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 ... Điều 173 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Xem nội dung VBĐiều 173. Tội trộm cắp tài sản
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
34. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 4 Điều 173 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”. Xem nội dung VBĐiều 173. Tội trộm cắp tài sản
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
35. Sửa đổi, bổ sung Điều 175 như sau:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”. Xem nội dung VBĐiều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
36. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 178 như sau:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật. Xem nội dung VBĐiều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
36. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 178 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
36. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 ... Điều 178 như sau:
...
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Xem nội dung VBĐiều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
36. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 4 Điều 178 như sau:
...
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
37. Sửa đổi, bổ sung Điều 186 như sau:
“Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.” Xem nội dung VBĐiều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
38. Sửa đổi, bổ sung Điều 188 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 188 như sau:
“1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.”; Xem nội dung VBĐiều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
38. Sửa đổi, bổ sung Điều 188 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 188 như sau:
“6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 188. Tội buôn lậu
...
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
39. Sửa đổi, bổ sung Điều 189 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 189 như sau:
“1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.”; Xem nội dung VBĐiều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
39. Sửa đổi, bổ sung Điều 189 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 189 như sau:
“3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.”; Xem nội dung VBĐiều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
39. Sửa đổi, bổ sung Điều 189 như sau:
...
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 189 như sau:
“5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
40. Sửa đổi, bổ sung Điều 190 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 190 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Xem nội dung VBĐiều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
40. Sửa đổi, bổ sung Điều 190 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 190 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
40. Sửa đổi, bổ sung Điều 190 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 190 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
40. Sửa đổi, bổ sung Điều 190 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm a ... khoản 5 Điều 190 như sau:
“a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Xem nội dung VBĐiều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
40. Sửa đổi, bổ sung Điều 190 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm ... b ... khoản 5 Điều 190 như sau:
...
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng; Xem nội dung VBĐiều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
40. Sửa đổi, bổ sung Điều 190 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm ... c khoản 5 Điều 190 như sau:
...
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;”. Xem nội dung VBĐiều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
41. Sửa đổi, bổ sung Điều 191 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 191 như sau:
“1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Xem nội dung VBĐiều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
41. Sửa đổi, bổ sung Điều 191 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 191 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
41. Sửa đổi, bổ sung Điều 191 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 191 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
41. Sửa đổi, bổ sung Điều 191 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm a ... khoản 5 Điều 191 như sau:
“a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Xem nội dung VBĐiều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
41. Sửa đổi, bổ sung Điều 191 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm ... b ... khoản 5 Điều 191 như sau:
...
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Xem nội dung VBĐiều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
41. Sửa đổi, bổ sung Điều 191 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm ... c khoản 5 Điều 191 như sau:
...
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;”. Xem nội dung VBĐiều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
42. Sửa đổi, bổ sung Điều 192 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 192 như sau:
“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
42. Sửa đổi, bổ sung Điều 192 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 192 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
42. Sửa đổi, bổ sung Điều 192 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 192 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
42. Sửa đổi, bổ sung Điều 192 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a ... khoản 5 Điều 192 như sau:
“a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Xem nội dung VBĐiều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
42. Sửa đổi, bổ sung Điều 192 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung ... điểm b khoản 5 Điều 192 như sau:
...
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;”. Xem nội dung VBĐiều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
43. Sửa đổi, bổ sung Điều 193 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 ... Điều 193 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
43. Sửa đổi, bổ sung Điều 193 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 ... Điều 193 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%. Xem nội dung VBĐiều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
43. Sửa đổi, bổ sung Điều 193 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 4 Điều 193 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
43. Sửa đổi, bổ sung Điều 193 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 193 như sau:
“6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
...
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
44. Sửa đổi, bổ sung Điều 194 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 ... Điều 194 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
44. Sửa đổi, bổ sung Điều 194 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 ... Điều 194 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
44. Sửa đổi, bổ sung Điều 194 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 4 Điều 194 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
44. Sửa đổi, bổ sung Điều 194 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 194 như sau:
“6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
...
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Tên Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
45. Sửa đổi, bổ sung Điều 195 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên ... Điều 195 như sau:
“Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi Xem nội dung VBĐiều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Tên Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
45. Sửa đổi, bổ sung Điều 195 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản 1 ... Điều 195 như sau:
...
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
45. Sửa đổi, bổ sung Điều 195 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản ... 2 ... Điều 195 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
45. Sửa đổi, bổ sung Điều 195 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản ... 3 Điều 195 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.”; Xem nội dung VBĐiều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
45. Sửa đổi, bổ sung Điều 195 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 195 như sau:
“6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
...
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 46 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
46. Sửa đổi, bổ sung Điều 199 như sau:
“Điều 199. Tội vi phạm quy định về cung ứng điện
1. Người nào có trách nhiệm mà đóng điện, cắt điện, từ chối cung cấp điện trái quy định của pháp luật hoặc trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 199. Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện
1. Người nào có trách nhiệm mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo theo quy định;
b) Từ chối cung cấp điện không có căn cứ;
c) Trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 46 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
47. Sửa đổi, bổ sung Điều 200 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 200 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.”; Xem nội dung VBĐiều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
47. Sửa đổi, bổ sung Điều 200 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 200 như sau:
“5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 200. Tội trốn thuế
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Tên Điều này được sửa đổi bởi Khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
48. Sửa đổi, bổ sung tên ... Điều 206 như sau:
“Điều 206. Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng Xem nội dung VBĐiều 206. Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
1. Người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;
c) Vi phạm các hạn chế để bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng hoặc cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng;
d) Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ tín dụng đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;
đ) Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
e) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng hoặc mua bán tài sản;
g) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả; tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
2. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tên Điều này được sửa đổi bởi Khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
48. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 1 Điều 206 như sau:
...
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;
c) Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng;
d) Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;
e) Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
g) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;
h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;
i) Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;
k) Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng.”. Xem nội dung VBĐiều 206. Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
1. Người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;
c) Vi phạm các hạn chế để bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng hoặc cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng;
d) Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ tín dụng đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;
đ) Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
e) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng hoặc mua bán tài sản;
g) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả; tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
49. Sửa đổi, bổ sung Điều 213 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 213 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.”; Xem nội dung VBĐiều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
49. Sửa đổi, bổ sung Điều 213 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 213 như sau:
“5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều này hoặc chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, với số tiền chiếm đoạt từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này, với số tiền chiếm đoạt từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội với số tiền chiếm đoạt 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
50. Sửa đổi, bổ sung Điều 217 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 217 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
b) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;
c) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng. Xem nội dung VBĐiều 217. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
1. Người nào trực tiếp tham gia hoặc thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh thuộc một trong các trường hợp sau đây, thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
b) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;
c) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, nguồn cung dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
50. Sửa đổi, bổ sung Điều 217 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản 2 Điều 217 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền;
d) Thu lợi bất chính 3.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại cho người khác 5.000.000.000 đồng trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 217. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền thị trường;
d) Thu lợi bất chính 5.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại cho người khác 3.000.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
50. Sửa đổi, bổ sung Điều 217 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 Điều 217 như sau:
“c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 217. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
...
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
52. Sửa đổi, bổ sung Điều 225 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 225 như sau:
“1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.”; Xem nội dung VBĐiều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
52. Sửa đổi, bổ sung Điều 225 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 225 như sau:
“a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;”. Xem nội dung VBĐiều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
...
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
53. Sửa đổi, bổ sung Điều 226 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 226 như sau:
“1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”; Xem nội dung VBĐiều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
53. Sửa đổi, bổ sung Điều 226 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 226 như sau:
“a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;”. Xem nội dung VBĐiều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
...
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Tên Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
54. Sửa đổi, bổ sung Điều 227 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên ... Điều 227 như sau:
“Điều 227. Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên Xem nội dung VBĐiều 227. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên Tên Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
54. Sửa đổi, bổ sung Điều 227 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản 1 ... Điều 227 như sau:
...
1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Xem nội dung VBĐiều 227. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
54. Sửa đổi, bổ sung Điều 227 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản 2 Điều 227 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Gây sự cố môi trường;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 227. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Gây sự cố môi trường;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
e) Làm chết người. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
54. Sửa đổi, bổ sung Điều 227 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 227 như sau:
“a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;”. Xem nội dung VBĐiều 227. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
...
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Tên Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
55. Sửa đổi, bổ sung Điều 232 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên ... Điều 232 như sau:
“Điều 232. Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản Xem nội dung VBĐiều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản Tên Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
55. Sửa đổi, bổ sung Điều 232 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản 1 ... Điều 232 như sau:
...
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng trồng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 07 mét khối (m3) đến dưới 15 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng trồng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên từ 07 mét khối (m3) đến dưới 15 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 05 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
đ) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng trồng từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 05 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 03 mét khối (m3) đến dưới 08 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
g) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật rừng thông thường ngoài gỗ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
h) Khai thác trái phép gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA từ 01 mét khối (m3) đến dưới 02 mét khối (m3) tại rừng sản xuất, từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 1,5 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 01 mét khối (m3) tại rừng đặc dụng;
i) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng;
k) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng thông thường;
l) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép loài thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;
m) Khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép gỗ hoặc thực vật rừng ngoài gỗ có khối lượng hoặc trị giá dưới mức quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm l khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Xem nội dung VBĐiều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất với khối lượng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 12,5 mét khối (m3) đến dưới 25 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng đặc dụng với khối lượng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 5 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Khai thác thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 02 mét khối (m3) gỗ tại rừng sản xuất hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 1,5 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 01 mét khối (m3) gỗ tại rừng đặc dụng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) đối với gỗ loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường;
g) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép các loài thực vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;
h) Vật phạm pháp có khối lượng hoặc giá trị dưới mức thấp nhất quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ hoặc e của khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
55. Sửa đổi, bổ sung Điều 232 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản ... 2 ... Điều 232 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng trồng từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 30 mét khối (m3) đến dưới 50 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng trồng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
đ) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng trồng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 08 mét khối (m3) đến dưới 15 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 03 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
g) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; thực vật rừng thông thường ngoài gỗ trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
h) Khai thác trái phép gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA từ 02 mét khối (m3) đến dưới 04 mét khối (m3) tại rừng sản xuất, từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 02 mét khối (m3) tại rừng đặc dụng;
i) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng;
k) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép từ 03 mét khối (m3) đến dưới 06 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng thông thường;
l) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép loài thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.200.000.000 đồng;
m) Có tổ chức;
n) Mua bán, vận chuyển qua biên giới;
o) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất với khối lượng từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 25 mét khối (m3) đến dưới 50 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng đặc dụng với khối lượng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép từ 03 mét khối (m3) đến dưới 06 mét khối (m3) đối với gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ của loài thực vật thông thường;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái pháp luật các loài thực vật hoang dã khác trị giá từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.200.000.000 đồng;
g) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại;
h) Phạm tội có tổ chức;
i) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
55. Sửa đổi, bổ sung Điều 232 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản ... 3 Điều 232 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng trồng 80 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 50 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên 40 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 30 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng trồng 60 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 40 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên 30 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 20 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
đ) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng trồng 40 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 20 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên 15 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 10 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
g) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên; thực vật rừng thông thường ngoài gỗ trị giá 400.000.000 đồng trở lên;
h) Khai thác trái phép gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA 04 mét khối (m3) trở lên tại rừng sản xuất, 03 mét khối (m3) trở lên tại rừng phòng hộ hoặc 02 mét khối (m3) trở lên tại rừng đặc dụng;
i) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 120.000.000 đồng trở lên;
k) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép 06 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; 40 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; 80 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật rừng thông thường;
l) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép loài thực vật rừng ngoài gỗ trị giá 1.200.000.000 đồng trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị tù từ 05 năm đến 10 năm.
a) Khai thác trái phép tại rừng sản xuất 80 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 50 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép tại rừng phòng hộ 60 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 40 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép tại rừng đặc dụng 60 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 20 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép thực vật rừng khác trị giá 400.000.000 đồng trở lên;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép 06 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; 40 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; 80 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái pháp luật các loài thực vật hoang dã khác trị giá 1.200.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
55. Sửa đổi, bổ sung Điều 232 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm a ... khoản 5 Điều 232 như sau:
“a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Xem nội dung VBĐiều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
55. Sửa đổi, bổ sung Điều 232 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm ... b ... khoản 5 Điều 232 như sau:
...
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm; Xem nội dung VBĐiều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
55. Sửa đổi, bổ sung Điều 232 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm ... c khoản 5 Điều 232 như sau:
...
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;”. Xem nội dung VBĐiều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 56 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
56. Sửa đổi, bổ sung Điều 233 như sau:
“Điều 233. Tội vi phạm quy định về quản lý rừng
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng trái pháp luật từ 20.000 mét vuông (m2) đến dưới 25.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 15.000 mét vuông (m2) đến dưới 20.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 12.500 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 7.500 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.500 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;
c) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 232 của Bộ luật này;
d) Giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật hoặc cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này và các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 1 Điều 232 của Bộ luật này nhưng đã bị xử lý kỷ luật về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng trái pháp luật từ 25.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 20.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 15.000 mét vuông (m2) đến dưới 25.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;
d) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật từ 12.500 mét vuông (m2) đến dưới 17.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 7.500 mét vuông (m2) đến dưới 12.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;
đ) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm l khoản 2 Điều 232 của Bộ luật này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Giao rừng, thu hồi rừng, cho thuê rừng trái pháp luật 40.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng sản xuất; 30.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc 25.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng đặc dụng;
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật 17.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng sản xuất; 15.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc 12.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng đặc dụng;
c) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 232 của Bộ luật này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 233. Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 20.000 mét vuông (m2) đến dưới 25.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 15.000 mét vuông (m2) đến dưới 20.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 229 của Bộ luật này;
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 12.500 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 7.500 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.500 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 229 của Bộ luật này;
c) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 232 của Bộ luật này;
d) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 25.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 20.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 15.000 mét vuông (m2) đến dưới 25.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;
d) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 12.500 mét vuông (m2) đến dưới 17.000 mét vuông (m2) đối với rừng sản xuất; từ 10.000 mét vuông (m2) đến 15.000 mét vuông (m2) đối với rừng phòng hộ hoặc từ 7.500 mét vuông (m2) đến 12.000 mét vuông (m2) đối với rừng đặc dụng;
đ) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 232 của Bộ luật này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 40.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng sản xuất; từ 30.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc từ 25.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng đặc dụng;
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật từ 17.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng sản xuất; từ 15.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng phòng hộ hoặc từ 12.000 mét vuông (m2) trở lên đối với rừng đặc dụng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 56 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Tên Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
57. Sửa đổi, bổ sung Điều 234 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên ... Điều 234 như sau:
“Điều 234. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã Xem nội dung VBĐiều 234. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2018 Để áp dụng đúng và thống nhất Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự và Điều 106 về xử lý vật chứng trong giai đoạn xét xử của Bộ luật Tố tụng hình sự;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự và Điều 106 về xử lý vật chứng trong giai đoạn xét xử của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều 2. Hướng dẫn áp dụng một số tình tiết định tội
1. Động vật hoang dã quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
2. Động vật hoang dã khác quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
3. Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
4. Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể (ví dụ: cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá thể hổ đã chết thiếu chân).
5. Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan...).
6. Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (ví dụ: thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng...); động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến (ví dụ: cao nấu từ xương động vật hoang dã; túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật hoang dã).
7. Động vật lớp khác quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là động vật nguy cấp, quý, hiếm ngoài lớp thú, lớp chim, lớp bò sát nhưng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
8. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này theo điểm c khoản 1 Điều 234 của Bộ luật Hình sự là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự.
9. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này theo điểm e khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.
Điều 3. Hướng dẫn áp dụng một số tình tiết định khung hình phạt
1. Săn bắt trong khu vực bị cấm là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm trong khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan hoặc săn bắt trong các khu vực khác có quy định cấm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Săn bắt vào thời gian bị cấm là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
3. Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm là sử dụng các loại vũ khí, tên tẩm thuốc độc, chất nổ, chất độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy cắm chông, bẫy gài lao, bẫy điện, bẫy sập, khúc gỗ lớn, răng sắt lớn hoặc các công cụ, phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng để săn bắt.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 234 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 234 của Bộ luật Hình sự.
5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại điểm e khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.
6. Vận chuyển, buôn bán qua biên giới là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc ngược lại. Cũng được coi là buôn bán, vận chuyển qua biên giới nếu đã hoàn thành các thủ tục thông quan đối với động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng.
Điều 4. Về hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm
1. Đối với hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 (ngày Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành) nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự.
2. Đối với hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm có từ trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm nhằm mục đích buôn bán, thu lợi bất chính.
Điều 5. Về hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm
1. Người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm của người khác nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự.
2. Người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm sau đó lại thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A trộm cắp 10 kilôgam ngà voi trị giá 130 triệu đồng, sau đó A đi bán cho Nguyễn Văn B thì bị bắt quả tang. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Ví dụ 2: Nguyễn Văn C trộm cắp 10 kilôgam ngà voi trị giá 130 triệu đồng. Trong khi C đang vận chuyển đi cất giấu thì bị phát hiện bắt giữ. Trường hợp này, C chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Điều 6. Về trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau
Trường hợp trong cùng một vụ việc, nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự, thì người có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Điều 7. Về việc xử lý vật chứng
1. Việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện như sau:
a) Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
b) Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Vật chứng khác không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
2. Đối với vật chứng đã được xử lý theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, khi xét xử, Tòa án căn cứ vào biên bản thu giữ, bản ảnh, dữ liệu điện tử, biên bản giám định, biên bản giao nhận, quyết định xử lý vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan trong hồ sơ vụ án để giải quyết.
3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 27 tháng 9 năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2018. Xem nội dung VBĐiều 234. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Phạm tội trong trường hợp động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật có giá trị dưới mức quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường hoặc bộ phận, sản phẩm của các động vật đó trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hoặc bộ phận, sản phẩm của các động vật đó trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Tên Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
57. Sửa đổi, bổ sung Điều 234 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản 1 Điều 234 như sau:
...
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thu lợi bất chính hoặc trị giá dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Xem nội dung VBĐiều 234. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Phạm tội trong trường hợp động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật có giá trị dưới mức quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
57. Sửa đổi, bổ sung Điều 234 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản ... 2 ... Điều 234 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
đ) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
e) Vận chuyển, buôn bán qua biên giới;
g) Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 234. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường hoặc bộ phận, sản phẩm của các động vật đó trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
57. Sửa đổi, bổ sung Điều 234 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản ... 3 Điều 234 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc của động vật hoang dã khác trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 234. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hoặc bộ phận, sản phẩm của các động vật đó trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
57. Sửa đổi, bổ sung Điều 234 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 234 như sau:
“b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;”. Xem nội dung VBĐiều 234. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 58 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
58. Sửa đổi, bổ sung Điều 235 như sau:
“Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;
b) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 500 kilôgam đến dưới 1.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 1.500 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Xả thải ra môi trường từ 500 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
d) Xả thải ra môi trường 500 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần hoặc từ 300 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 100 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 300 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Thải ra môi trường từ 150.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 100.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 150.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
e) Thải ra môi trường 150.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần hoặc từ 100.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 150.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 50.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 100.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 100.000 kilôgam đến dưới 200.000 kilôgam hoặc từ 70.000 kilôgam đến dưới 100.000 kilôgam nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
h) Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều từ 50 milisivơ (mSv) trên năm đến dưới 200 milisivơ (mSv) trên năm hoặc giá trị suất liều từ 0,0025 milisivơ (mSv) trên giờ đến dưới 0,01 milisivơ (mSv) trên giờ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 10.000 kilôgam đến dưới 50.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;
b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 500 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
c) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 150.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
d) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;
đ) Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều từ 200 milisivơ (mSv) trên năm đến dưới 400 milisivơ (mSv) trên năm hoặc giá trị suất liều từ 0,01 milisivơ (mSv) trên giờ đến dưới 0,02 milisivơ (mSv) trên giờ;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật 5.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc 50.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại khác;
b) Xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc 5.000 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
c) Thải ra môi trường 500.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc 300.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
d) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường 500.000 kilôgam trở lên;
đ) Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều 400 milisivơ (mSv) trên năm trở lên hoặc giá trị suất liều 0,02 milisivơ (mSv) trên giờ trở lên;
e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 12.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 12.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;
b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần;
d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;
g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật 5.000 kilôgam trở lên;
b) Xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày trở lên nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật 04 lần trở lên;
d) Xả ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải trở lên có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
đ) Thải ra môi trường 500.000 mét khối (m3)/giờ trở lên bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật 500.000 kilôgam trở lên;
g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định 04 lần trở lên.
3. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam;
b) Chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy thuộc danh mục cấm sử dụng trái quy định của pháp luật từ 2.000 kilôgam trở lên;
c) Xả thải ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần đến dưới 10 lần;
d) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần;
đ) Xả ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
e) Thải ra môi trường từ 150.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 100.000 kilôgam đến 200.000 kilôgam;
h) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
i) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 58 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
59. Sửa đổi, bổ sung Điều 237 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 237 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;
b) Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;
b) Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
59. Sửa đổi, bổ sung Điều 237 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 237 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thiệt hại từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
59. Sửa đổi, bổ sung Điều 237 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 237 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại 7.000.000.000 đồng trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 7.000.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
59. Sửa đổi, bổ sung Điều 237 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5 Điều 237 như sau:
“c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;”. Xem nội dung VBĐiều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
60. Sửa đổi, bổ sung Điều 238 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 238 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 303 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Xây nhà, công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống thiên tai;
b) Làm hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;
c) Khoan, đào thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép;
d) Sử dụng chất nổ, gây nổ, gây cháy trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, trừ trường hợp có giấy phép hoặc trường hợp khẩn cấp do luật định;
đ) Vận hành hồ chứa nước không đúng quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa; vận hành công trình phân lũ, làm chậm lũ không đúng với quy trình, quy chuẩn kỹ thuật cho phép, trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền. Xem nội dung VBĐiều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Xây nhà, công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai;
b) Hủy hoại hoặc làm hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 303 của Bộ luật này;
c) Khoan, đào thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép;
d) Sử dụng chất nổ, gây nổ, gây cháy trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai; công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, trừ trường hợp có giấy phép hoặc trường hợp khẩn cấp do luật định;
đ) Vận hành hồ chứa nước, liên hồ chứa nước, công trình phân lũ, làm chậm lũ không đúng với quy trình, quy chuẩn kỹ thuật cho phép, trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo sự chỉ đạo của người có thẩm quyền. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
60. Sửa đổi, bổ sung Điều 238 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản ... 2 ... Điều 238 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm chết người;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
60. Sửa đổi, bổ sung Điều 238 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản ... 3 Điều 238 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
60. Sửa đổi, bổ sung Điều 238 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5 Điều 238 như sau:
“c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;”. Xem nội dung VBĐiều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
61. Sửa đổi, bổ sung Điều 239 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 239 như sau:
“1. Người nào đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;
b) Đưa từ 70.000 kilôgam đến dưới 170.000 kilôgam chất thải khác. Xem nội dung VBĐiều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm từ 1.000 kilôgam đến 3.000 kilôgam vào lãnh thổ Việt Nam;
b) Đưa chất thải khác từ 70.000 kilôgam đến dưới 170.000 kilôgam vào lãnh thổ Việt Nam. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
61. Sửa đổi, bổ sung Điều 239 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản ... 2 ... Điều 239 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đưa từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 10.000 kilôgam đến dưới 50.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;
c) Đưa từ 170.000 kilôgam đến dưới 300.000 kilôgam chất thải khác. Xem nội dung VBĐiều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm có khối lượng từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;
c) Chất thải khác có khối lượng từ 170.000 kilôgam đến dưới 300.000 kilôgam. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
61. Sửa đổi, bổ sung Điều 239 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 239 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Đưa 5.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc 50.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại khác;
b) Đưa 300.000 kilôgam trở lên chất thải khác.”; Xem nội dung VBĐiều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm có khối lượng 5.000 kilôgam trở lên;
b) Chất thải khác có khối lượng 300.000 kilôgam trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
61. Sửa đổi, bổ sung Điều 239 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b ... khoản 5 Điều 239 như sau:
“b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 01 năm; Xem nội dung VBĐiều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc tạm đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 01 năm; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
61. Sửa đổi, bổ sung Điều 239 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung ... điểm c khoản 5 Điều 239 như sau:
...
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;”. Xem nội dung VBĐiều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
62. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 242 như sau:
“1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;
c) Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của Bộ luật này;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Xem nội dung VBĐiều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản
1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm, khu vực cấm có thời hạn theo quy định của pháp luật;
c) Khai thác các loài thủy sản bị cấm khai thác theo quy định của pháp luật;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thủy sản thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 61%;
e) Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản
1. Người nào khai thác thủy sản mà vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại Điều 242 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
2. Phương tiện, ngư cụ bị cấm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự là các phương tiện, ngư cụ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản.
3. Khai thác thủy sản trong khu vực cấm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự là khai thác thủy sản trong vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc khai thác trong các khu vực khác có quy định cấm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Khai thác thủy sản trong khu vực cấm có thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự là khai thác thủy sản trong khu vực quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản.
5. Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác quy định tại điểm c khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự là khai thác loài thủy sản thuộc Nhóm I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Thủy sản thuộc Nhóm II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản cũng được coi là loài thủy sản bị cấm khai thác nếu việc khai thác chúng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
6. Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự là hành vi làm suy giảm, gây tổn hại hoặc mất đi môi trường sống, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Xem nội dung VBĐiều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản
1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm, khu vực cấm có thời hạn theo quy định của pháp luật;
c) Khai thác các loài thủy sản bị cấm khai thác theo quy định của pháp luật;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thủy sản thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 61%;
e) Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
62. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 2 ... Điều 242 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%. Xem nội dung VBĐiều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
62. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 3 Điều 242 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.”. Xem nội dung VBĐiều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
63. Sửa đổi, bổ sung Điều 243 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 243 như sau:
“1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
g) Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Xem nội dung VBĐiều 243. Tội hủy hoại rừng
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ trên 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
b) Rừng sản xuất có diện tích từ trên 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ trên 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ trên 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
e) Diện tích rừng hoặc giá trị lâm sản, thực vật dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
63. Sửa đổi, bổ sung Điều 243 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản ... 2 ... Điều 243 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);
đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);
h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
i) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 243. Tội hủy hoại rừng
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);
đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);
h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
i) Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá từ trên 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
63. Sửa đổi, bổ sung Điều 243 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản ... 3 Điều 243 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên;
c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên;
d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 243. Tội hủy hoại rừng
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên; c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên; d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 120.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; 200.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
e) Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
63. Sửa đổi, bổ sung Điều 243 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 243 như sau:
“b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;” Xem nội dung VBĐiều 243. Tội hủy hoại rừng
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Tên Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
64. Sửa đổi, bổ sung Điều 244 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên ... Điều 244 như sau:
“Điều 244. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm Xem nội dung VBĐiều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2018 Để áp dụng đúng và thống nhất Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự và Điều 106 về xử lý vật chứng trong giai đoạn xét xử của Bộ luật Tố tụng hình sự;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự và Điều 106 về xử lý vật chứng trong giai đoạn xét xử của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Điều 2. Hướng dẫn áp dụng một số tình tiết định tội
1. Động vật hoang dã quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
2. Động vật hoang dã khác quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
3. Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
4. Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể (ví dụ: cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá thể hổ đã chết thiếu chân).
5. Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan...).
6. Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (ví dụ: thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng...); động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến (ví dụ: cao nấu từ xương động vật hoang dã; túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật hoang dã).
7. Động vật lớp khác quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là động vật nguy cấp, quý, hiếm ngoài lớp thú, lớp chim, lớp bò sát nhưng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
8. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này theo điểm c khoản 1 Điều 234 của Bộ luật Hình sự là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự.
9. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này theo điểm e khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.
Điều 3. Hướng dẫn áp dụng một số tình tiết định khung hình phạt
1. Săn bắt trong khu vực bị cấm là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm trong khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan hoặc săn bắt trong các khu vực khác có quy định cấm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Săn bắt vào thời gian bị cấm là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
3. Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm là sử dụng các loại vũ khí, tên tẩm thuốc độc, chất nổ, chất độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy cắm chông, bẫy gài lao, bẫy điện, bẫy sập, khúc gỗ lớn, răng sắt lớn hoặc các công cụ, phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng để săn bắt.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 234 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 234 của Bộ luật Hình sự.
5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại điểm e khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.
6. Vận chuyển, buôn bán qua biên giới là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc ngược lại. Cũng được coi là buôn bán, vận chuyển qua biên giới nếu đã hoàn thành các thủ tục thông quan đối với động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng.
Điều 4. Về hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm
1. Đối với hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 (ngày Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành) nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự.
2. Đối với hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm có từ trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm nhằm mục đích buôn bán, thu lợi bất chính.
Điều 5. Về hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm
1. Người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm của người khác nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự.
2. Người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm sau đó lại thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A trộm cắp 10 kilôgam ngà voi trị giá 130 triệu đồng, sau đó A đi bán cho Nguyễn Văn B thì bị bắt quả tang. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Ví dụ 2: Nguyễn Văn C trộm cắp 10 kilôgam ngà voi trị giá 130 triệu đồng. Trong khi C đang vận chuyển đi cất giấu thì bị phát hiện bắt giữ. Trường hợp này, C chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Điều 6. Về trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau
Trường hợp trong cùng một vụ việc, nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự, thì người có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Điều 7. Về việc xử lý vật chứng
1. Việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện như sau:
a) Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
b) Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Vật chứng khác không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
2. Đối với vật chứng đã được xử lý theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, khi xét xử, Tòa án căn cứ vào biên bản thu giữ, bản ảnh, dữ liệu điện tử, biên bản giám định, biên bản giao nhận, quyết định xử lý vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan trong hồ sơ vụ án để giải quyết.
3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 27 tháng 9 năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2018. Xem nội dung VBĐiều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản này; ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác;
d) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú, của 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác thuộc loài động vật quy định tại điểm c khoản này;
đ) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật có số lượng dưới mức tối thiểu của các điểm b, c và d khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 07 đến 10 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, lớp bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể lớp khác thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
g) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 đến 11 cá thể thuộc lớp thú, từ 11 đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 đến 20 cá thể động vật thuộc các lớp khác;
h) Từ 01 đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; từ 03 đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, lớp bò sát trở lên hoặc 16 cá thể lớp khác trở lên thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật trở lên thuộc các lớp khác;
c) Từ 03 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; 06 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
Người nào khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Điều 37 của Luật Đa dạng sinh học hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Xem nội dung VBĐiều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản này; ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác;
d) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú, của 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác thuộc loài động vật quy định tại điểm c khoản này;
đ) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật có số lượng dưới mức tối thiểu của các điểm b, c và d khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 07 đến 10 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, lớp bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể lớp khác thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
g) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 đến 11 cá thể thuộc lớp thú, từ 11 đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 đến 20 cá thể động vật thuộc các lớp khác;
h) Từ 01 đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; từ 03 đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, lớp bò sát trở lên hoặc 16 cá thể lớp khác trở lên thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật trở lên thuộc các lớp khác;
c) Từ 03 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; 06 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Tên Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2018 Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
64. Sửa đổi, bổ sung Điều 244 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản 1 ... Điều 244 như sau:
...
1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;
c) Ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam;
d) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;
e) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Xem nội dung VBKhoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
64. Sửa đổi, bổ sung Điều 244 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản ... 2 ... Điều 244 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 08 cá thể đến 11 cá thể lớp thú, từ 11 cá thể đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 cá thể đến 20 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác; từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ;
d) Ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
g) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
h) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
i) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
k) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 07 đến 10 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, lớp bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể lớp khác thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
g) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 đến 11 cá thể thuộc lớp thú, từ 11 đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 đến 20 cá thể động vật thuộc các lớp khác;
h) Từ 01 đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; từ 03 đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
i) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
64. Sửa đổi, bổ sung Điều 244 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung ... khoản ... 3 Điều 244 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 16 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Từ 03 cá thể voi, tê giác trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 03 cá thể voi, tê giác trở lên; 06 cá thể gấu, hổ trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 06 cá thể gấu, hổ trở lên;
d) Ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.”; Xem nội dung VBĐiều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, lớp bò sát trở lên hoặc 16 cá thể lớp khác trở lên thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật trở lên thuộc các lớp khác;
c) Từ 03 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; 06 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
64. Sửa đổi, bổ sung Điều 244 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 244 như sau:
“b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;”. Xem nội dung VBĐiều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng; Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
65. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 ... Điều 248 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này. Xem nội dung VBĐiều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
65. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 3 ... Điều 248 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này. Xem nội dung VBĐiều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
65. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 4 Điều 248 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.”. Xem nội dung VBĐiều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
66. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 249 như sau:
“1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này. Xem nội dung VBĐiều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
66. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 2 ... Điều 249 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
66. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 3 ... Điều 249 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Xem nội dung VBĐiều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
66. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 4 Điều 249 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.”. Xem nội dung VBĐiều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
67. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 250 như sau:
“1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này. Xem nội dung VBĐiều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
67. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 2 ... Điều 250 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
...
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
67. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 3 ... Điều 250 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Xem nội dung VBĐiều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
67. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 4 Điều 250 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.”. Xem nội dung VBĐiều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
68. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 ... Điều 251 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Qua biên giới;
h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
p) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này;
q) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
...
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
68. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 3 ... Điều 251 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Xem nội dung VBĐiều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
68. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 4 Điều 251 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.”. Xem nội dung VBĐiều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
69. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 252 như sau:
“1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này. Xem nội dung VBĐiều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
69. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 2 ... Điều 252 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
...
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
69. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 3 ... Điều 252 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Xem nội dung VBĐiều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
69. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 4 Điều 252 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.”. Xem nội dung VBĐiều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
70. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 253 như sau:
“1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;
c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít. Xem nội dung VBĐiều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 300 mililít đối với thể lỏng. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
70. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 2 ... Điều 253 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
70. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 3 ... Điều 253 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít. Xem nội dung VBĐiều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
...
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1200 gam đối với thể rắn, từ 750 mililít đến dưới 1.850 mililít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
70. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 4 ... Điều 253 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên. Xem nội dung VBĐiều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng 1.200 gam trở lên đối với thể rắn, 1.850 mililít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
70. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 5 Điều 253 như sau:
...
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.”. Xem nội dung VBĐiều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
...
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc điều khoản nào thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản đó. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Tên Điều này được sửa đổi bởi Khoản 71 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
71. Sửa đổi, bổ sung tên ... Điều 259 như sau:
“Điều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần Xem nội dung VBĐiều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần Tên Điều này được sửa đổi bởi Khoản 71 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 71 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
71. Sửa đổi, bổ sung ... Khoản 1 Điều 259 như sau:
...
1. Người nào có trách nhiệm trong quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XX của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
b) Vi phạm quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
c) Vi phạm quy định về giao nhận, vận chuyển chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
d) Vi phạm quy định về phân phối, mua bán, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
đ) Vi phạm quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới, trên biển;
e) Vi phạm quy định về cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.”. Xem nội dung VBĐiều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần
1. Người nào có trách nhiệm trong việc sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, kê đơn, bán thuốc, giám định, nghiên cứu chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh các chất có chứa chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất;
b) Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất;
c) Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, tiền chất;
d) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, tiền chất;
đ) Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển;
e) Chuyển chất ma túy, chất hướng thần hoặc chất ma túy khác cho người không được phép cất giữ, sử dụng. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 71 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
72. Sửa đổi, bổ sung Điều 260 như sau:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 73 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
73. Sửa đổi, bổ sung Điều 261 như sau:
“Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại các đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 73 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 74 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
74. Sửa đổi, bổ sung Điều 262 như sau:
“Điều 262. Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 262. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt từ từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 74 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 75 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
75. Sửa đổi, bổ sung Điều 263 như sau:
“Điều 263. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật mà vẫn điều động người đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 263. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện, người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện, người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 75 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 76 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
76. Sửa đổi, bổ sung Điều 264 như sau:
“Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.”. Xem nội dung VBĐiều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 76 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 77 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
77. Sửa đổi, bổ sung Điều 265 như sau:
“Điều 265. Tội tổ chức đua xe trái phép
1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm:
a) Tổ chức cho 10 xe tham gia trở lên trong cùng một lúc hoặc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên trong cùng một lúc;
b) Tổ chức cá cược;
c) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tại nơi tập trung đông dân cư;
đ) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
e) Làm chết người;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”. Xem nội dung VBĐiều 265. Tội tổ chức đua xe trái phép
1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Tổ chức đua xe trái phép cho từ 10 xe tham gia trở lên hoặc cùng một lúc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên;
b) Tổ chức cá cược;
c) Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư;
đ) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
e) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 77 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 78 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
78. Sửa đổi, bổ sung Điều 266 như sau:
“Điều 266. Tội đua xe trái phép
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
e) Tham gia cá cược;
g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
h) Tại nơi tập trung đông dân cư;
i) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”. Xem nội dung VBĐiều 266. Tội đua xe trái phép
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
e) Tham gia cá cược;
g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
h) Đua xe nơi tập trung đông dân cư;
i) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 78 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 79 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
79. Sửa đổi, bổ sung Điều 267 như sau:
“Điều 267. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt
1. Người nào chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 267. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt
1. Người nào chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường sắt thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao;
b) Trong tình trạng sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường sắt;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người chỉ huy, điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường sắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 79 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 80 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
80. Sửa đổi, bổ sung Điều 268 như sau:
“Điều 268. Tội cản trở giao thông đường sắt
1. Người nào đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt; mở đường ngang, xây cống hoặc công trình khác trái phép qua đường sắt; làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt; phá hoại phương tiện giao thông đường sắt; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Cản trở giao thông đường sắt trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 268. Tội cản trở giao thông đường sắt
1. Người nào đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; tự ý khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường ngang, xây cống hoặc các công trình khác trái phép qua đường sắt; làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không theo đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt hoặc phá hoại phương tiện giao thông vận tải đường sắt hoặc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt cản trở giao thông đường sắt, gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; tự ý khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường ngang, xây cống hoặc các công trình khác trái phép qua đường sắt; làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không theo đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt hoặc phá hoại phương tiện giao thông vận tải đường sắt hoặc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt cản trở giao thông đường sắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 80 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 81 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
81. Sửa đổi, bổ sung Điều 269 như sau:
“Điều 269. Tội đưa vào sử dụng phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 269. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường sắt mà cho phép đưa vào sử dụng các phương tiện, thiết bị không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm hoặc có nhưng biết là các phương tiện, thiết bị đó không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường sắt mà cho phép đưa vào sử dụng các phương tiện, thiết bị không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm hoặc có nhưng biết là các phương tiện, thiết bị đó không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 81 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 82 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
82. Sửa đổi, bổ sung Điều 270 như sau:
“Điều 270. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt
1. Người nào điều động người không có giấy phép lái tàu hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Xem nội dung VBĐiều 270. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt
1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép lái tàu, hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người điều động hoặc giao cho người không có giấy phép lái tàu hoặc người không đủ sức khỏe; người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 82 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 83 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
83. Sửa đổi, bổ sung Điều 271 như sau:
“Điều 271. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt
1. Người nào giao cho người không có giấy phép lái tàu hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 271. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt
1. Người nào giao cho người không có giấy phép lái tàu hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người giao cho người không có giấy phép lái tàu hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 83 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 84 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
84. Sửa đổi, bổ sung Điều 272 như sau:
“Điều 272. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thủy;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 272. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy, gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thủy;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 84 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 85 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
85. Sửa đổi, bổ sung Điều 273 như sau:
“Điều 273. Tội cản trở giao thông đường thủy
1. Người nào khoan, đào trái phép làm hư hại kết cấu của công trình giao thông đường thủy; tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu; di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu; tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thủy; lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Cản trở giao thông đường thủy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 273. Tội cản trở giao thông đường thủy
1. Người nào khoan, đào trái phép làm hư hại kết cấu của các công trình giao thông đường thủy; tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu; di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu; tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thủy; lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường thủy gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người khoan, đào trái phép làm hư hại kết cấu của các công trình giao thông đường thủy; tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu; di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu; tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thủy; lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường thủy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 85 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 86 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
86. Sửa đổi, bổ sung Điều 274 như sau:
“Điều 274. Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 274. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thủy mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thủy mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 86 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 87 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
87. Sửa đổi, bổ sung Điều 275 như sau:
“Điều 275. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy
1. Người nào điều động người không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 275. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy
1. Người nào điều động người không có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người điều động người không có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 87 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 88 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
88. Sửa đổi, bổ sung Điều 276 như sau:
“Điều 276. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy
1. Người nào giao cho người không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 276. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy
1. Người nào giao cho người không có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây thiệt hại thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người giao cho người không có giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường thủy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 88 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 89 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
89. Sửa đổi, bổ sung Điều 277 như sau:
“Điều 277. Tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay
1. Người nào chỉ huy, điều khiển tàu bay mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường không, có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 277. Tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay
1. Người nào chỉ huy, điều khiển tàu bay mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không, có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 89 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 90 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
90. Sửa đổi, bổ sung Điều 278 như sau:
“Điều 278. Tội cản trở giao thông đường không
1. Người nào đặt chướng ngại vật; di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không; sử dụng sai hoặc làm nhiễu tần số thông tin liên lạc; làm hư hỏng trang bị, thiết bị của sân bay hoặc trang bị, thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay; cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay, an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; điều khiển, đưa phương tiện mặt đất không đáp ứng điều kiện kỹ thuật vào khai thác tại khu bay hoặc có hành vi khác cản trở giao thông đường không gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không hoặc trực tiếp quản lý thiết bị an toàn giao thông đường không.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Cản trở giao thông đường không trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 278. Tội cản trở giao thông đường không
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, cản trở giao thông đường không làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 62% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đặt các chướng ngại vật cản trở giao thông đường không;
b) Di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất, hoặc phá hủy các biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không;
c) Sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc;
d) Cố ý cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất, an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;
đ) Làm hư hỏng trang thiết bị của sân bay hoặc trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay;
e) Hành vi khác cản trở giao thông đường không.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
e) Là người có trách nhiệm trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không hoặc trực tiếp quản lý các thiết bị an toàn giao thông đường không.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người đặt các chướng ngại vật cản trở giao thông đường không; di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất, hoặc phá hủy các biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không; sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc; cố ý cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; làm hư hỏng trang thiết bị của sân bay hoặc trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường không gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Phạm tội có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 90 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 91 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
91. Sửa đổi, bổ sung Điều 279 như sau:
“Điều 279. Tội đưa vào sử dụng tàu bay, thiết bị bảo đảm hoạt động bay không bảo đảm an toàn
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng tàu bay, thiết bị bảo đảm hoạt động bay rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 279. Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường không không bảo đảm an toàn
1. Người nào có trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông đường không mà cho đưa vào sử dụng các phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn kỹ thuật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người có trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông đường không mà cho đưa vào sử dụng các phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn kỹ thuật, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 91 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 92 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
92. Sửa đổi, bổ sung Điều 280 như sau:
“Điều 280. Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển tàu bay
1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép người lái tàu bay hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển tàu bay, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 280. Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường không
1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép người lái tàu bay hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường không, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người điều động hoặc giao cho người không có giấy phép người lái tàu bay hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường không gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 92 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 93 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
93. Sửa đổi, bổ sung Điều 281 như sau:
“Điều 281. Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông
1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, dẫn đến hậu quả làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật;
b) Không khắc phục kịp thời đối với công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại mà chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
đ) Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;
e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đặt tín hiệu phòng vệ khi thi công, sửa chữa công trình giao thông;
g) Không thu dọn, thanh thải biển hiệu phòng vệ, rào chắn, phương tiện, vật liệu khi thi công xong;
h) Vi phạm quy định khác về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 281. Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông
1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông;
b) Không khắc phục kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;
d) Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
đ) Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;
e) Không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông;
g) Không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong;
h) Vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 93 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 94 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
94. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 ... Điều 282 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tổ chức;
b) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 282. Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tổ chức;
b) Sử dụng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm;
c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 94 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 94 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
94. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 ... Điều 282 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản 500.000.000 đồng trở lên. Xem nội dung VBĐiều 282. Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 94 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 94 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
94. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 4 Điều 282 như sau:
...
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”. Xem nội dung VBĐiều 282. Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy
...
4. Người phạm tội còn bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 94 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 95 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
95. Sửa đổi, bổ sung Điều 283 như sau:
“Điều 283. Tội điều khiển tàu bay vi phạm quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 283. Tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 95 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 96 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
96. Sửa đổi, bổ sung Điều 284 như sau:
“Điều 284. Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào điều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi Việt Nam hoặc đi qua lãnh hải Việt Nam mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chạy quá tốc độ cho phép trong vùng nước cảng biển;
b) Chạy không đúng vùng được phép hoạt động theo quy định;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thủ tục vào cảng, rời cảng, chế độ hoa tiêu, thủ tục neo, đậu, cập cầu, cập mạn, quy định về trật tự vệ sinh, an toàn cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đi, tránh nhau, vượt nhau, nhường đường trong hoạt động giao thông hàng hải hoặc phương tiện giao thông hàng hải không có, không bảo đảm về còi, chuông, kẻng theo âm lượng quy định;
đ) Không bảo đảm về đèn hành trình, đèn hiệu theo tiêu chuẩn quy định, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc phát tín hiệu về âm hiệu, tín hiệu ánh sáng.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 284. Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người điều khiển tàu thủy hay phương tiện hàng hải khác vào hoặc ra khỏi Việt Nam hoặc đi qua lãnh hải Việt Nam mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chạy quá tốc độ cho phép trong vùng nước cảng biển;
b) Chạy không đúng vùng được phép hoạt động theo quy định;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các thủ tục vào cảng, rời cảng, chế độ hoa tiêu, thủ tục neo, đậu, cập cầu, cập mạn, trật tự - vệ sinh, an toàn cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do phương tiện hàng hải gây ra;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đi, tránh nhau, vượt nhau, nhường đường trong hoạt động giao thông hàng hải hoặc phương tiện giao thông hàng hải không có, không bảo đảm về còi, chuông, kẻng theo âm lượng quy định;
đ) Không bảo đảm về đèn hành trình, đèn hiệu theo tiêu chuẩn quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng về phát tín hiệu về âm hiệu, tín hiệu ánh sáng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 96 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 97 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
97. Sửa đổi, bổ sung Điều 295 như sau:
“Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
đ) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 97 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 98 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
98. Sửa đổi, bổ sung Điều 296 như sau:
“Điều 296. Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi
1. Người nào sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 296. Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi
1. Người nào sử dụng người dưới 16 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 61% trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 98 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 99 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
99. Sửa đổi, bổ sung Điều 297 như sau:
“Điều 297. Tội cưỡng bức lao động
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 297. Tội cưỡng bức lao động
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 61% trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
4. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 99 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 100 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
100. Sửa đổi, bổ sung Điều 298 như sau:
“Điều 298. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 281 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 298. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 62% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 225 hoặc Điều 281 của Bộ luật này, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 100 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
103. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 301 như sau:
“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người khác làm con tin nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 04 năm. Xem nội dung VBĐiều 301. Tội bắt cóc con tin
1. Người nào bắt giữ, giam người khác làm con tin và đe dọa giết, làm bị thương hoặc tiếp tục giam, giữ người đó nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
103. Sửa đổi, bổ sung các khoản .. 2 ... Điều 301 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. Xem nội dung VBĐiều 301. Tội bắt cóc con tin
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
d) Phạm tội đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
103. Sửa đổi, bổ sung các khoản .. 3 ... Điều 301 như sau:
...
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Xem nội dung VBĐiều 301. Tội bắt cóc con tin
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
103. Sửa đổi, bổ sung các khoản .. 4 ... Điều 301 như sau:
...
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 301. Tội bắt cóc con tin
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
104. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 ... Điều 302 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 302. Tội cướp biển
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
104. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 ... Điều 302 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 302. Tội cướp biển
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
104. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 4 Điều 302 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.”. Xem nội dung VBĐiều 302. Tội cướp biển
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
105. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 303 như sau:
“1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm. Xem nội dung VBĐiều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
105. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 2 Điều 303 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.”. Xem nội dung VBĐiều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 200% trở lên;
e) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
106. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 ... Điều 304 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 9 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
9. “Vận chuyển, mua bán qua biên giới” quy định tại khoản 2 các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc ngược lại.
Cũng được coi là “vận chuyển, mua bán qua biên giới” nếu đã hoàn thành các thủ tục thông quan đối với vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ. Xem nội dung VBĐiều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 9 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
106. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 ... Điều 304 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn. Xem nội dung VBĐiều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
106. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 4 Điều 304 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.”. Xem nội dung VBĐiều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
107. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 ... Điều 305 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 9 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
9. “Vận chuyển, mua bán qua biên giới” quy định tại khoản 2 các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc ngược lại.
Cũng được coi là “vận chuyển, mua bán qua biên giới” nếu đã hoàn thành các thủ tục thông quan đối với vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.
Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 9 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
107. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 ... Điều 305 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
107. Sửa đổi, bổ sung các khoản ...4 Điều 305 như sau:
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
108. Sửa đổi, bổ sung Điều 306 như sau:
“Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại các điều 128, 138, 180 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 412 của Bộ luật Hình sự; nếu không phải là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định “sử dụng vũ khí”, “dùng vũ khí” là tình tiết định khung hình phạt thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
3. Người nào thực hiện hành vi quy định tại các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.
4. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
a) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
b) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
5. Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
6. Người nào đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì tùy trường hợp cụ thể xử lý như sau:
a) Trường hợp người đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định Điều 63 và Điều 67 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Thiệt hại do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản;
b) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn;
c) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
8. Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh như sau:
a) Nếu bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự;
b) Nếu bom, mìn đã bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 của Bộ luật Hình sự.
9. Trường hợp người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, phụ kiện nổ, đạn bộ binh, dây cháy chậm, dây nổ với số lượng hoặc giá trị nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc được xử lý bằng các biện pháp khác. Xem nội dung VBĐiều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 109 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
109. Sửa đổi, bổ sung Điều 307 như sau:
“Điều 307. Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 307. Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 109 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 110 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
110. Sửa đổi, bổ sung Điều 308 như sau:
“Điều 308. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 308. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 110 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 111 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
111. Sửa đổi, bổ sung Điều 309 như sau:
“Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 111 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 112 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
112. Sửa đổi, bổ sung Điều 310 như sau:
“Điều 310. Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc xử lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 310. Tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Phạm tội có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 112 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 113 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
113. Sửa đổi, bổ sung Điều 311 như sau:
“Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Hóa chất độc thuộc Bảng 3 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 2 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 1 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 113 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 114 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
114. Sửa đổi, bổ sung Điều 312 như sau:
“Điều 312. Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc xử lý chất cháy, chất độc gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 312. Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển hoặc mua bán chất cháy, chất độc thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển hoặc mua bán chất cháy, chất độc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 114 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
115. Sửa đổi, bổ sung Điều 313 như sau:
“Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 18/06/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự) về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Điều 2. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự bao gồm:
1. Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy;
2. Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Điều 3. Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự
Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Thực hiện một hoặc nhiều hành vi hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết này;
2. Có thiệt hại xảy ra theo quy định tại một trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự;
3. Hành vi vi phạm phải có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Điều 4. Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 313 của Bô luật Hình sự
1. “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời” quy định tại khoản 4 Điều 313 của Bộ luật Hình sự là hành vi vi phạm hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết này mà thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chưa xảy ra cháy nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ cháy và dẫn đến thiệt hại quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự;
b) Đã xảy ra cháy và tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự nhưng do được ngăn chặn kịp thời nên thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1 Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
2. “Ngăn chặn kịp thời” là trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp ngăn chặn ngay sau khi có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như: dập tắt đám cháy, di chuyển chất nguy hiểm về cháy ra khỏi nơi đông người, mang nguồn lửa, nguồn nhiệt ra khỏi nơi có quy định cấm,... để không xảy ra cháy hoặc đã xảy ra cháy nhưng thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1 Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
Ví dụ: khi vào đổ xăng, A đang hút thuốc lá (lúc này tại cây xăng có 10 người). B yêu cầu A ra ngoài dập tắt thuốc nhưng A không thực hiện mà còn ném điếu thuốc lá đang cháy xuống đất làm lửa bùng cháy, ngay lập tức B đã dùng bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy nên chưa có hậu quả xảy ra. Hành vi của A vi phạm quy định về “mang nguồn lửa vào nơi có quy định cấm lửa” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội thực hiện công việc bắt buộc phải tuân theo quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người nhưng trong quá trình thực hiện họ vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người xảy ra cháy và gây thiệt hại thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 295 của Bộ luật Hình sự.
Ví dụ: A được B thuê hàn mái nhà các phòng Karaoke. Trong quá trình hàn, A không trang bị tấm chắn tia kim loại nóng chảy bắn ra, đồng thời không theo dõi quá trình hàn một cách an toàn nên khi các hạt kim loại nóng mang nhiệt độ cao bắn ra xung quanh đã hình thành các đám cháy lớn gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng. Hành vi của A đã vi phạm quy định tại Mục 2.2.12 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2011/BLĐTBXH ngày 29 tháng 7 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về an toàn lao động đối với máy hàn điện và công việc hàn điện. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội, nếu mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số thiệt hại của các lần phạm tội, còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội từ 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 24 tháng 4 năm 2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 6 năm 2024./.A Xem nội dung VBĐiều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 18/06/2024 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 116 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
116. Sửa đổi, bổ sung Điều 314 như sau:
“Điều 314. Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực
1. Người nào cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang an toàn của công trình điện lực; gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, trồng cây, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện lực; đào hố, đóng cọc, xây nhà trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm; thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo; lắp các thiết bị điện hoặc thi công đường điện không bảo đảm an toàn hoặc các hành vi khác gây mất an toàn vận hành công trình điện lực theo quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện lực trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 314. Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình điện;
b) Gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện;
c) Đào hố, đóng cọc, xây nhà lên hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm;
d) Thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo;
đ) Lắp các thiết bị điện hoặc thi công đường điện không bảo đảm an toàn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 116 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 117 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
117. Sửa đổi, bổ sung Điều 315 như sau:
“Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 117 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 118 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
118. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 316 như sau:
“1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Xem nội dung VBĐiều 316. Tội phá thai trái phép
1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 118 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 118 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
118. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 316 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%. Xem nội dung VBĐiều 316. Tội phá thai trái phép
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 118 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 118 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
118. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 316 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.”. Xem nội dung VBĐiều 316. Tội phá thai trái phép
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 118 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
119. Sửa đổi, bổ sung Điều 317 như sau:
“Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
e) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm chết người;
c) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
g) Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
h) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
đ) Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
đ) Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBÐiều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
120. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 321 như sau:
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 321. Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
121. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 322 như sau:
“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Xem nội dung VBĐiều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;
c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
121. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 2 Điều 322 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.”. Xem nội dung VBĐiều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 122 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
122. Sửa đổi, bổ sung Điều 324 như sau:
“Điều 324. Tội rửa tiền
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 324. Tội rửa tiền
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Việc áp dụng Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 07/07/2019 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.
Điều 2. Về một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự
1. Tiền bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ; có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản.
2. Tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
3. Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội. Việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ vào một trong các tài liệu sau đây:
a) Bản án, quyết định của Tòa án;
b) Tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ: Quyết định khởi tố vụ án, Kết luận điều tra, Cáo trạng...);
c) Tài liệu, chúng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (ví dụ: tài liệu, chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự... ).
4. Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có);
b) Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin);
c) Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền);
d) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó).
Điều 3. Tội phạm nguồn
1. Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền (ví dụ: Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội mua bán người; Tội mua bán người dưới 16 tuổi; Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội trộm cắp tài sản; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội trốn thuế; Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội khủng bố; Tội tài trợ khủng bố; Tội bắt cóc con tin; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội đánh bạc; Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...). Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm.
2. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.
Điều 4. Về một số tình tiết định tội
1. Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có:
a) Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức;
c) Rút tiền với bất kỳ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như: séc, hối phiếu, các phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật.
d) Cầm cố, thế chấp tài sản;
đ) Cho vay, cho thuê tài chính;
e) Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị;
g) Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác;
h) Tham gia phát hành chứng khoán;
i) Bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng;
k) Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể;
l) Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác;
m) Quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác;
n) Các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật.
2. Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có:
a) Hoạt động (chơi, kinh doanh) casino;
b) Tham gia (chơi, kinh doanh) trò chơi có thưởng;
c) Mua bán cổ vật;
d) Các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng.
3. Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng tiền, tài sản thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
4. Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.
5. Hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có quy định tại điểm c khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản (ví dụ: cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ...).
Điều 5. Về một số tình tiết định khung hình phạt
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Điều 4 của Nghị quyết này.
2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Ngày 15-5-2018, Nguyễn Văn A có hành vi rửa tiền. Ngày 15-2-2019, A lại có hành vi rửa tiền và bị bắt giữ. Cả hai lần phạm tội trên, Nguyễn Văn A đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm về tội rửa tiền theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự.
3. Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc rửa tiền làm nguồn thu nhập.
4. Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
5. Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia quy định tại điểm c khoản 3 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp hành vi phạm tội làm ảnh hưởng đến tính ổn định hoặc gây ra nguy cơ mất ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia (ví dụ: làm mất lòng tin của công chúng, làm mất khả năng thanh khoản, mất cân bằng hệ thống tài chính, tiền tệ...).
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 23 tháng 5 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 7 năm 2019. Xem nội dung VBĐiều 324. Tội rửa tiền
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 122 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Việc áp dụng Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 07/07/2019 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 123 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
123. Sửa đổi, bổ sung Điều 325 như sau:
“Điều 325. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động hoặc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;
b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc sống sa đọa;
c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi;
d) Chứa chấp, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”. Xem nội dung VBĐiều 325. Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp
1. Người nào đủ 18 tuổi mà thực hiện một trong các hành vi sau đây đối với người dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội, sống sa đọa;
b) Đe dọa, uy hiếp, dùng vũ lực hoặc có những hành vi khác ép buộc người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội;
c) Chứa chấp người dưới 18 tuổi hoạt động phạm pháp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, ép buộc, chứa chấp nhiều người;
c) Đối với người dưới 13 tuổi;
d) Rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, kích động, xúi giục, đe dọa, uy hiếp, ép buộc, chứa chấp người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, thì còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 123 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
124. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 326 như sau:
“1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Xem nội dung VBĐiều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Sách in, báo in có số lượng từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị;
c) Ảnh bản giấy có số lượng từ 100 ảnh đến 200 ảnh;
d) Phổ biến cho 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
124. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 2 ... Điều 326 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;
d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;
đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;
e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm. Xem nội dung VBĐiều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Sách in, báo in có số lượng từ 51 đơn vị đến 100 đơn vị;
d) Ảnh bản giấy có số lượng từ 201 ảnh đến 500 ảnh;
đ) Phổ biến cho 21 người đến 100 người;
e) Đối với người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
124. Sửa đổi, bổ sung khoản ... 3 Điều 326 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên.”. Xem nội dung VBĐiều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Sách in, báo in có số lượng 101 đơn vị trở lên;
c) Ảnh bản giấy có số lượng 501 ảnh trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
125. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 1 ... Điều 337 như sau:
...
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Xem nội dung VBĐiều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Tên Điều này được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
125. Sửa đổi, bổ sung tên ... Điều 337 như sau:
“Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước Xem nội dung VBĐiều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước Tên Điều này được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
125. Sửa đổi, bổ sung ... khoản ... 2 ... Điều 337 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa. Xem nội dung VBĐiều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
...
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
125. Sửa đổi, bổ sung ... khoản ...3 Điều 337 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.”. Xem nội dung VBĐiều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
...
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
126. Sửa đổi, bổ sung Điều 341 như sau:
“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”. Xem nội dung VBĐiều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản được hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 9. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản
1. Người nào vi phạm quy định về xuất cảnh hoặc tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép mà còn làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh quy định tại Điều 347 hoặc tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
2. Tài liệu giả, giấy tờ giả quy định tại khoản 1 Điều này là một trong những tài liệu giả, giấy tờ giả sau đây:
a) Giấy tờ tùy thân, hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
b) Giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC;
c) Hồ sơ đăng ký đối với tàu cá;
d) Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
đ) Chứng nhận kiểm dịch;
e) Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền nuôi trồng thủy sản với loài có tên trong danh mục loại thủy sản xuất khẩu có điều kiện hoặc thủy sản cấm xuất khẩu;
g) Hồ sơ, tài liệu giả khác nhằm hợp thức hóa hồ sơ xuất khẩu thủy sản;
h) Giấy phép hoặc giấy chấp thuận khai thác thủy sản;
i) Giấy tờ, tài liệu khác để hỗ trợ việc khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Xem nội dung VBĐiều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản được hướng dẫn bởi Điều 9 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Tên Điều này được sửa đổi bởi Khoản 127 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
127. Sửa đổi, bổ sung tên ... Điều 344 như sau:
“Điều 344. Tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản Xem nội dung VBĐiều 344. Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản Tên Điều này được sửa đổi bởi Khoản 127 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 127 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
127. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 1 ... Điều 344 như sau:
...
1. Người nào vi phạm quy định về hoạt động xuất bản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) In 2.000 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm mà không có quyết định xuất bản, không có giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh hoặc không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật;
b) Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm;
c) Xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử có nội dung bị cấm, không có quyết định xuất bản hoặc không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật. Xem nội dung VBĐiều 344. Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản
1. Người nào vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
b) In trên 2.000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật;
c) Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm;
d) Đăng tải trên phương tiện điện tử xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật hoặc không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản, không có bản thảo đã được ký duyệt mà xuất bản xuất bản phẩm đó;
đ) Phạm tội có số lượng xuất bản phẩm dưới mức quy định tại một trong các điểm b hoặc điểm c khoản này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điểm b và điểm c khoản này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
e) Không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 127 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 127 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
127. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 2 Điều 344 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản bản thảo có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản;
c) Phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản.”. Xem nội dung VBĐiều 344. Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản;
c) Phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 127 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 128 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
128. Sửa đổi, bổ sung Điều 360 như sau:
“Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 128 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 129 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
129. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 363 như sau:
“1. Người nào là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Xem nội dung VBĐiều 363. Tội đào nhiệm
1. Người nào là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 129 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 129 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
129. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 2 Điều 363 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Lôi kéo người khác đào nhiệm;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
c) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc trong trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội.”. Xem nội dung VBĐiều 363. Tội đào nhiệm
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết người;
b) Lôi kéo người khác đào nhiệm;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên;
d) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 129 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 130 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
130. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 366 như sau:
“1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.”. Xem nội dung VBĐiều 366. Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi
1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào dưới mọi hình thức thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 130 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 131 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
131. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 ... Điều 370 như sau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
c) Kết án oan người vô tội về tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;
d) Bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Xem nội dung VBĐiều 370. Tội ra bản án trái pháp luật
...
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
c) Kết án oan người vô tội về tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;
d) Bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện từ 11% đến 45%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 131 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 131 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
131. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 3 Điều 370 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Dẫn đến bị cáo, người bị hại, đương sự tự sát;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.”. Xem nội dung VBĐiều 370. Tội ra bản án trái pháp luật
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện 46% trở lên;
d) Dẫn đến bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 131 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 132 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
132. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 ... Điều 371 như sau:
“1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Xem nội dung VBĐiều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật
1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 132 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 132 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
132. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 2 ... Điều 371 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Xem nội dung VBĐiều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật
...
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết có thai, người già yếu;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện từ 11% đến 45%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 132 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 132 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
132. Sửa đổi, bổ sung các khoản ... 3 Điều 371 như sau:
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Dẫn đến người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.”. Xem nội dung VBĐiều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện 46% trở lên;
b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 132 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 133 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
133. Sửa đổi, bổ sung Điều 375 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 375 như sau:
“1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”; Xem nội dung VBĐiều 375. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc
1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 133 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 133 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
133. Sửa đổi, bổ sung Điều 375 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 375 như sau:
“3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội;
b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát;
c) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.”. Xem nội dung VBĐiều 375. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc
...
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm;
b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;
c) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên. Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 133 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 134 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
134. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 376 như sau:
“1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;
b) Người bỏ trốn trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Xem nội dung VBĐiều 376. Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn
1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người đó trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;
b) Người bỏ trốn trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 134 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 134 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
134. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 2 Điều 376 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm vụ án bị đình chỉ;
b) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;
c) Để từ 02 người đến 05 người bỏ trốn;
d) Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”. Xem nội dung VBĐiều 376. Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 02 năm đến 07 năm:
a) Làm vụ án bị đình chỉ;
b) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;
c) Để từ 02 người đến 05 người bỏ trốn;
d) Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 134 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Tên Điều này được sửa đổi bởi Khoản 135 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
135. Sửa đổi, bổ sung tên ... Điều 377 như sau:
“Điều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật Xem nội dung VBĐiều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật Tên Điều này được sửa đổi bởi Khoản 135 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 135 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
135. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 1 Điều 377 như sau:
...
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
b) Ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật;
c) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành;
đ) Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.”. Xem nội dung VBĐiều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
b) Quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật;
c) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành;
đ) Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 135 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 136 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
136. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 388 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định của pháp luật về giam giữ, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây rối hoặc chống lại mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong quản lý giam giữ;
b) Không có trách nhiệm mà đưa vào, tàng trữ, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc cá nhân hoặc phương tiện ghi âm, ghi hình trong cơ sở giam giữ.”. Xem nội dung VBĐiều 388. Tội vi phạm quy định về giam giữ
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, vi phạm quy định của pháp luật về giam giữ đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 119, 170, 252, 253, 254 và 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây rối hoặc chống lại mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong quản lý giam giữ;
b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản;
c) Cưỡng đoạt tài sản;
d) Đưa vào, tàng trữ, chiếm đoạt hoặc tổ chức sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện thuốc hướng thần;
đ) Đưa vào, tàng trữ, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc cá nhân. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 136 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 137 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
137. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 389 như sau:
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;
b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;
c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;
d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;
đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;
e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;
g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303 và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;
h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;
i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;
k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.”. Xem nội dung VBĐiều 389. Tội che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều từ Điều 108 đến Điều 121 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Điều 123 (tội giết người); Điều 141, các khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm); Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 146, các khoản 2 và 3 (tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi); Điều 150, các khoản 2 và 3 (tội mua bán người);
c) Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 152 (tội đánh tráo người dưới 01 tuổi); Điều 153 (tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi); Điều 154 (tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người);
d) Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 (tội trộm cắp tài sản); Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); Điều 178, các khoản 2, 3 và 4 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
đ) Điều 188, các khoản 3 và 4 (tội buôn lậu); Điều 189, khoản 3 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191, các khoản 2 và 3 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196, các khoản 2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 205, các khoản 3 và 4 (tội lập quỹ trái phép); Điều 206, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả); Điều 208 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác); Điều 219, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí); Điều 220, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 221, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 222, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 223, các khoản 2 và 3 (tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 224, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 243, các khoản 2 và 3 (tội hủy hoại rừng);
e) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 253 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 254, khoản 2 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 255 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 256 (tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 257 (tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 258 (tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 259, khoản 2 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần);
g) Điều 265, các khoản 2, 3 và 4 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy); Điều 299 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 299 (tội khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân); Điều 311, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc);
h) Điều 329, các khoản 2 và 3 (tội mua dâm người dưới 18 tuổi);
i) Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 (tội tham ô tài sản); Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 (tội nhận hối lộ); Điều 355, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản); Điều 356, các khoản 2 và 3 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); Điều 357, các khoản 2 và 3 (tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ); Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi); Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 (tội giả mạo trong công tác); Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 (tội đưa hối lộ); Điều 365, các khoản 2, 3 và 4 (tội làm môi giới hối lộ);
k) Điều 373, các khoản 3 và 4 (tội dùng nhục hình); Điều 374, các khoản 3 và 4 (tội bức cung); Điều 386, khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải, đang bị xét xử);
l) Các điều từ Điều 421 đến Điều 425 về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 137 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 138 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
138. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 390 như sau:
“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 390. Tội không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 138 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được sửa đổi bởi Khoản 139 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
139. Sửa đổi, bổ sung Điều 391 như sau:
“Điều 391. Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp
1. Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp;
b) Hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này.”. Xem nội dung VBĐiều 391. Tội gây rối trật tự phiên tòa
1. Người nào tại phiên tòa mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử, những người khác có mặt tại phiên tòa hoặc có hành vi đập phá tài sản thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Gây náo loạn phiên tòa dẫn đến phải dừng phiên tòa;
b) Hành hung thành viên Hội đồng xét xử. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 139 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 140 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
140. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 410 như sau:
“1. Người nào không chấp hành quy định về tuần tra, canh gác, áp tải, hộ tống thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm người được bảo vệ, hộ tống bị tổn thương cơ thể;
b) Làm hư hỏng phương tiện kỹ thuật, thiết bị quân sự;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. Xem nội dung VBĐiều 410. Tội vi phạm quy định về bảo vệ
1. Người nào không chấp hành nghiêm chỉnh quy định về tuần tra, canh gác, áp tải, hộ tổng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm người được bảo vệ, hộ tổng bị tổn thương cơ thể;
b) Làm hư hỏng phương tiện kỹ thuật, thiết bị quân sự;
c) Làm thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 140 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 140 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
140. Sửa đổi, bổ sung ... khoản 2 Điều 410 như sau:
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm người được bảo vệ, hộ tống chết;
b) Làm mất phương tiện kỹ thuật, thiết bị quân sự;
c) Trong chiến đấu;
d) Trong khu vực có chiến sự;
đ) Lôi kéo người khác phạm tội;
e) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
g) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.”. Xem nội dung VBĐiều 410. Tội vi phạm quy định về bảo vệ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm người được bảo vệ, hộ tổng chết;
b) Làm mất phương tiện kỹ thuật, thiết bị quân sự;
c) Trong chiến đấu;
d) Trong khu vực có chiến sự;
đ) Lôi kéo người khác phạm tội;
e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 140 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 141 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
141. Bãi bỏ Điều 292. Xem nội dung VBĐiều 292. Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;
b) Sàn giao dịch thương mại điện tử;
c) Kinh doanh đa cấp;
d) Trung gian thanh toán;
đ) Trò chơi điện tử trên mạng;
e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 141 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
a) Thay thế cụm từ “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý” bằng cụm từ “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng” tại khoản 3 Điều 29; Xem nội dung VBNgười thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Dấu phẩy tại cụm từ này bị thay thế bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
b) Thay thế dấu “,” bằng từ “hoặc” trước cụm từ “người đủ 70 tuổi trở lên” tại điểm i khoản 1... Điều 52 Xem nội dung VB, người đủ 70 tuổi trở lên Dấu phẩy tại cụm từ này bị thay thế bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Dấu phẩy tại cụm từ này bị thay thế bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
b) Thay thế dấu “,” bằng từ “hoặc” ... trước cụm từ “tàn ác để phạm tội” tại điểm m khoản 1 ... Điều 52 Xem nội dung VB, tàn ác để phạm tội Dấu phẩy tại cụm từ này bị thay thế bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Dấu phẩy tại cụm từ này bị thay thế bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
b) Thay thế dấu “,” bằng từ “hoặc” ... trước cụm từ “phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người” tại điểm n khoản 1 Điều 52; Xem nội dung VB, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội Dấu phẩy tại cụm từ này bị thay thế bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm c Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
c) Thay thế cụm từ “Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư” bằng cụm từ “Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư” tại điểm a khoản 2 Điều 81; Xem nội dung VBCấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm c Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm d Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
d) Thay thế cụm từ “Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%” bằng cụm từ “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên” tại điểm a khoản 2 Điều 135; Xem nội dung VBĐối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm d Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
đ) Thay thế cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” bằng cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm” tại khoản 1 Điều 138; Xem nội dung VBphạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
đ) Thay thế ... cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” bằng cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm” tại khoản 1 Điều 139 Xem nội dung VBphạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
đ) Thay thế ... cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” bằng cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm” tại ... khoản 1 Điều 362 Xem nội dung VBphạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
đ) Thay thế ... cụm từ “phạt tù từ 01 năm đến 05 năm” bằng cụm từ “phạt tù từ 02 năm đến 05 năm” tại khoản 3 Điều 139; Xem nội dung VBphạt tù từ 01 năm đến 05 năm Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
đ) Thay thế ... cụm từ “phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” bằng cụm từ “phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm” tại khoản 1 Điều 241; Xem nội dung VBphạt tù từ 06 tháng đến 03 năm Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
đ) Thay thế ... cụm từ “phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm” bằng cụm từ “phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” tại khoản 1 Điều 419; Xem nội dung VBphạt tù từ 06 tháng đến 05 năm Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên” tại điểm b khoản 2 Điều 140; Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” tại điểm đ khoản 2 Điều 146 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” tại ... điểm e khoản 2 Điều 147 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” tại ... điểm e khoản 2 Điều 149 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” tại ... điểm g khoản 2 Điều 155 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” tại ... điểm g khoản 2 Điều 156 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” tại ... điểm d khoản 2 Điều 368 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” tại điểm a khoản 3 Điều 146 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” tại ... điểm a khoản 3 Điều 147 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” tại ... điểm c khoản 3 Điều 149 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” tại ... điểm a khoản 3 Điều 155 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” tại ... điểm b khoản 3 Điều 156 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” tại ... điểm c khoản 3 Điều 368 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” tại ... điểm g khoản 2 Điều 397; Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm g Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
g) Thay thế cụm từ “Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi này với người dưới 01 tuổi khác” bằng cụm từ “Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi” tại Điều 152; Xem nội dung VBNgười nào đánh tráo người dưới 01 tuổi này với người dưới 01 tuổi khác Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm g Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
h) Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” tại điểm b khoản 5 Điều 196; Xem nội dung VBPhạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm i Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
i) Thay thế cụm từ “lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất” bằng cụm từ “lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất” tại khoản 1...Điều 201; Xem nội dung VBlãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm i Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm k Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
k) Thay thế cụm từ “100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng” bằng cụm từ “200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng” tại khoản 2 ... Điều 203 Xem nội dung VB100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm k Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm k Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
k) Thay thế ... cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 2 Điều này” tại điểm b khoản 4 Điều 203; Xem nội dung VBPhạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm k Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm l Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
l) Thay thế cụm từ “gây thiệt hại về tài sản” bằng cụm từ “gây thất thoát, lãng phí” tại điểm d khoản 2 ... Điều 219 Xem nội dung VBgây thiệt hại về tài sản Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm l Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm l Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
l) Thay thế cụm từ “gây thiệt hại về tài sản” bằng cụm từ “gây thất thoát, lãng phí” tại khoản 3 Điều 219; Xem nội dung VBgây thiệt hại về tài sản Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm l Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm m Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
m) Thay thế cụm từ “thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại” bằng cụm từ “có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo” tại khoản 1 ... Điều 236 Xem nội dung VBthuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm m Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm m Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
m) Thay thế cụm từ “thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại” bằng cụm từ “có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo” tại ... điểm a khoản 2 ... Điều 236 Xem nội dung VBthuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm m Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm m Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
m) Thay thế cụm từ “thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại” bằng cụm từ “có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo” tại ... khoản 3 Điều 236 Xem nội dung VBthuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm m Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm m Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
m) Thay thế ... từ “quy chuẩn” bằng từ “Quy chuẩn” tại điểm a khoản 2 ... Điều 236; Xem nội dung VBquy chuẩn Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm m Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm m Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
m) Thay thế ... từ “quy chuẩn” bằng từ “Quy chuẩn” tại ... khoản 3 Điều 236; Xem nội dung VBquy chuẩn Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm m Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm n Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
n) Thay thế cụm từ “phân khu bảo tồn nghiêm ngặt” bằng cụm từ “phân khu bảo vệ nghiêm ngặt” tại điểm b khoản 2 Điều 245; Xem nội dung VBphân khu bảo tồn nghiêm ngặt Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm n Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
o) Thay thế cụm từ “Vận chuyển với số lượng” bằng cụm từ “Có số lượng” tại điểm đ khoản 2 ... Điều 254 Xem nội dung VBVận chuyển với số lượng Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
o) Thay thế ... cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” bằng cụm từ “Vận chuyển, mua bán qua biên giới” tại điểm e khoản 2 Điều 254; Xem nội dung VBVận chuyển qua biên giới Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm p Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
p) Thay thế từ “viễn thông” bằng cụm từ “mạng viễn thông” ... tại khoản 1 Điều 285; Xem nội dung VBviễn thông Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm p Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Dấu phẩy tại cụm từ này bị thay thế bởi Điểm p Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
p) Thay thế ... dấu “,” bằng từ “hoặc” sau từ “trao đổi”tại khoản 1 Điều 285; Xem nội dung VBtrao đổi, Dấu phẩy tại cụm từ này bị thay thế bởi Điểm p Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm q Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
q) Thay thế cụm từ “hệ thống thông tin, giao dịch tài chính” bằng cụm từ “hệ thống thông tin tài chính” tại điểm b khoản 3 Điều 287; Xem nội dung VBhệ thống thông tin, giao dịch tài chính Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm q Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm r Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
r) Thay thế cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” tại điểm e khoản 2 ... Điều 327 Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm từ 11% đến 45% Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm r Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm r Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
r) Thay thế ... cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” tại điểm c khoản 3 Điều 327; Xem nội dung VBGây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm 46% trở lên Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm r Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm s Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
s) Thay thế cụm từ “Phạm tội trong những trường hợp sau đây” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây” tại khoản 2 Điều 338 Xem nội dung VBPhạm tội trong những trường hợp sau đây Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm s Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm s Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
s) Thay thế cụm từ “Phạm tội trong những trường hợp sau đây” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây” tại ... khoản 2 ... Điều 350; Xem nội dung VBPhạm tội trong những trường hợp sau đây Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm s Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm s Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
s) Thay thế cụm từ “Phạm tội trong những trường hợp sau đây” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây” tại ... khoản 3 Điều 350; Xem nội dung VBPhạm tội trong những trường hợp sau đây Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm s Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
t) Thay thế cụm từ “05 giấy tờ giả” bằng cụm từ “06 giấy tờ giả” tại điểm a khoản 3 Điều 359 Xem nội dung VB05 giấy tờ giả Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
t) Thay thế ... cụm từ “05 người trở lên” bằng cụm từ “06 người trở lên” tại điểm a ... khoản 3 Điều 369; Xem nội dung VB05 người trở lên Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
t) Thay thế ... cụm từ “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” bằng cụm từ “tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” tại điểm b khoản 3 Điều 369; Xem nội dung VBtội phạm đặc biệt nghiêm trọng Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm u Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
u) Thay thế từ “hỏi cung” bằng cụm từ “người bị hỏi cung” tại khoản 1 ... Điều 374; Xem nội dung VBhỏi cung Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm u Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm u Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
u) Thay thế từ “hỏi cung” bằng cụm từ “người bị hỏi cung” tại ... điểm d khoản 2 Điều 374 Xem nội dung VBhỏi cung Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm u Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm u Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
u) Thay thế ... cụm từ “người đang chấp hành hình phạt tù” bằng cụm từ “người đang chấp hành án phạt tù” tại khoản 1 ... Điều 378 Xem nội dung VBngười đang chấp hành hình phạt tù Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm u Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm u Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
u) Thay thế ... cụm từ “người tiến hành tố tụng” bằng cụm từ “người có thẩm quyền tiến hành tố tụng” tại điểm c khoản 2 Điều 378; Xem nội dung VBngười tiến hành tố tụng Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm u Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm v Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
v) Thay thế cụm từ “Điều 135” bằng cụm từ “Điều 134” tại khoản 1 Điều 398; Xem nội dung VBĐiều 135 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm v Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm x Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
x) Thay thế cụm từ “ngày 01 tháng 7 năm 2016” bằng cụm từ “ngày 01 tháng 01 năm 2018” tại Điều 426. Xem nội dung VBngày 01 tháng 7 năm 2016 Cụm từ này bị thay thế bởi Điểm x Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
a) Bỏ cụm từ “; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” tại điểm d khoản 1 Điều 172 Xem nội dung VB; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
a) Bỏ cụm từ “; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” tại ... điểm d khoản 1 Điều 174; Xem nội dung VB; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm b Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
b) Bỏ cụm từ “hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa” tại khoản 1 Điều 176 Xem nội dung VBhoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm b Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm b Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
b) Bỏ cụm từ “hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa” tại ... khoản 1 Điều 177 Xem nội dung VBhoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm b Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
c) Bỏ điểm đ khoản 2 ... Điều 172 Xem nội dung VBĐiều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
...
đ) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
c) Bỏ ... điểm b khoản 3 ... Điều 172 Xem nội dung VBĐiều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
c) Bỏ ... điểm b khoản 4 Điều 172 Xem nội dung VB4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
...
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
c) Bỏ ... điểm g khoản 2 ... Điều 174 Xem nội dung VBĐiều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
...
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
c) Bỏ ... điểm b khoản 3 ... Điều 174 Xem nội dung VBĐiều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
c) Bỏ ... điểm b khoản 4 Điều 174; Xem nội dung VBĐiều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
...
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; Điểm này bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Dấu phẩy tại cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm d Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
d) Bỏ dấu “,” sau cụm từ “200.000.000 đồng” tại khoản 1 Điều 176; Xem nội dung VB200.000.000 đồng, Dấu phẩy tại cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm d Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm đ Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
đ) Bỏ cụm từ “của Nhà nước” tại tên điều Điều 220 Xem nội dung VBcủa Nhà nước Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm đ Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm đ Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
đ) Bỏ cụm từ “của Nhà nước” tại tên điều ... Điều 221 Xem nội dung VBcủa Nhà nước Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm đ Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm e Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Bỏ từ “các” trước cụm từ “quy định về quản lý khu bảo tồn” tại tên ... Điều 245 Xem nội dung VBcác Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm e Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm e Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Bỏ từ “các” trước cụm từ “quy định về quản lý khu bảo tồn” tại ... khoản 1 ... Điều 245 Xem nội dung VBcác Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm e Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm e Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) ... bỏ từ “từ” trước cụm từ “500 mét vuông (m2) trở lên” tại điểm b khoản 2 Điều 245; Xem nội dung VBtừ Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm e Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm g Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
g) Bỏ từ “một” tại khoản 3 Điều 346; Xem nội dung VBmột Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm g Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm h Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
h) Bỏ từ “từ” trước cụm từ “1.000.000.000 đồng” tại khoản 3 Điều 223 Xem nội dung VBtừ Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm h Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm h Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
h) Bỏ từ “từ” ... trước cụm từ “11 giấy tờ giả trở lên” tại điểm a khoản 4 Điều 359; Xem nội dung VBtừ Từ này bị bãi bỏ bởi Điểm h Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm i Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
i) Bỏ cụm từ “, thẩm định giá tài sản” tại khoản 1 Điều 383; Xem nội dung VB, thẩm định giá tài sản Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm i Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm k Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
3. Bỏ từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
k) Bỏ cụm từ “, kinh tế, lao động” sau cụm từ “các vụ án hình sự, hành chính, dân sự” tại khoản 1 Điều 384. Xem nội dung VB, kinh tế, lao động Cụm từ này bị bãi bỏ bởi Điểm k Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Cụm từ này bị thay thế bới Điểm i Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
2. Thay thế từ, cụm từ, dấu phẩy tại các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
i) Thay thế cụm từ...“Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên” bằng cụm từ “Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên” tại khoản 2 Điều 201; Xem nội dung VBPhạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên Cụm từ này bị thay thế bới Điểm i Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
16. Sửa đổi, bổ sung Điều 94 như sau:
...
b) Bổ sung khoản 4 vào Điều 94 như sau:
“4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 94. Hòa giải tại cộng đồng
1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này. Thủ tục giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
...
Chương II TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
...
Mục 2. THỦ TỤC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC TRONG TRƯỜNG HỢP ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHIỂN TRÁCH, HÒA GIẢI TẠI CỘNG ĐỒNG
Điều 12. Nội dung và hình thức giám sát, giáo dục
1. Nội dung giám sát, giáo dục:
a) Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;
b) Trang bị các kỹ năng sống cơ bản; hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, học nghề, tìm việc làm;
c) Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
d) Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác quy định tại Điều 71 Luật trẻ em nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
2. Hình thức giám sát, giáo dục:
a) Yêu cầu người được giám sát, giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giám sát, giáo dục;
b) Hướng dẫn, động viên người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp học về kỹ năng sống, học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề;
c) Thông báo cho gia đình người được giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành của người đó;
d) Yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện trước cơ quan có thẩm quyền.
Điều 13. Cam kết của người được giám sát, giáo dục
1. Người được giám sát, giáo dục phải làm bản cam kết về việc chấp hành các nghĩa vụ và gửi cho người trực tiếp giám sát, giáo dục.
2. Nội dung cam kết gồm:
a) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định của địa phương nơi cư trú; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; nghiêm túc sửa chữa sai phạm;
b) Tham gia Chương trình học văn hóa, dạy nghề hoặc lao động do địa phương tổ chức phù hợp với Điều kiện, hoàn cảnh của mình;
c) Tham gia các Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;
d) Trình diện khi được yêu cầu.
3. Ngoài các nội dung cam kết quy định tại Khoản 2 Điều này, người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng còn phải cam kết hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có).
4. Cam kết của người được giám sát, giáo dục phải có ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Điều 14. Thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục
1. Căn cứ Kế hoạch giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục có trách nhiệm phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên người được giám sát, giáo dục nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và thực hiện cam kết; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giám sát, giáo dục để có biện pháp giúp đỡ kịp thời;
b) Hướng dẫn người được giám sát, giáo dục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình quy định tại Điều 25 của Nghị định này;
c) Liên hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan để tạo Điều kiện cho người được giám sát, giáo dục tham gia các Chương trình học văn hóa, học nghề, tham gia lao động phù hợp, ổn định cuộc sống;
d) Hướng dẫn, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục thực hiện các thủ tục đăng ký tạm vắng, tạm trú, cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, trợ giúp pháp lý;
đ) Phối hợp tổ chức các buổi lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
e) Liên hệ, giới thiệu người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao sẵn có tại địa phương;
g) Lập và ghi Sổ theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ hàng tháng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về kết quả giám sát, giáo dục.
2. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục, nếu xét thấy biện pháp giám sát, giáo dục không phù hợp hoặc việc thực hiện gặp khó khăn thì người trực tiếp giám sát, giáo dục đề xuất hướng giải quyết hoặc Điều chỉnh Kế hoạch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.
Điều 15. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia Chương trình học tập
1. Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tiếp nhận người được giám sát, giáo dục vào học tập theo Kế hoạch giám sát, giáo dục.
2. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên căn cứ vào nhu cầu, trình độ của người được giám sát, giáo dục và khả năng thực tế của cơ sở để bố trí người hỗ trợ, giúp đỡ họ hòa nhập, hoàn thành Chương trình học tập.
Điều 16. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia Chương trình dạy nghề
1. Trên cơ sở Kế hoạch giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để đề xuất việc hỗ trợ dạy nghề cho người được giám sát, giáo dục.
2. Căn cứ vào Điều kiện về sức khỏe, khả năng và nguyện vọng của người được giám sát, giáo dục, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm liên hệ với các cơ sở dạy nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm, các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để thu xếp cho người được giám sát, giáo dục tham gia Chương trình dạy nghề phù hợp.
Điều 17. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia lao động tại cộng đồng
Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ hoặc đoàn thể xã hội, cơ quan, tổ chức khác tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia các buổi lao động tại cộng đồng, giúp đỡ người già, người tàn tật, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc các hoạt động tình nguyện khác nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm và sự gắn kết, chia sẻ với cộng đồng của người được giám sát, giáo dục.
Việc lao động tại cộng đồng phải tuân thủ pháp luật về lao động, phù hợp với độ tuổi, sức khỏe của người được giám sát, giáo dục, không làm ảnh hưởng đến việc học tập của người đó.
Điều 18. Việc thực hiện nghĩa vụ trình diện của người được giám sát, giáo dục
1. Trong thời gian giám sát, giáo dục, nếu người được giám sát, giáo dục vi phạm nghĩa vụ hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật thì theo đề nghị của người trực tiếp giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện.
2. Khi có yêu cầu trình diện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người trực tiếp giám sát, giáo dục phải thông báo cho người được giám sát, giáo dục và cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ biết về địa điểm, thời gian trình diện.
3. Việc trình diện phải được lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ.
Điều 19. Việc thay đổi nơi cư trú của người được giám sát, giáo dục
1. Trường hợp người được giám sát, giáo dục thay đổi nơi đăng ký thường trú, đi học tập, có việc làm ổn định hoặc theo gia đình chuyển đến địa phương khác thì phải làm đơn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, trong đó ghi rõ lý do, nơi đến thường trú hoặc tạm trú. Đơn phải có ý kiến của người trực tiếp giám sát, giáo dục; đối với người dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ phải làm đơn.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn quy định tại Khoản 1 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xem xét, báo cáo và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục để làm các thủ tục tiếp tục thi hành biện pháp giám sát, giáo dục tại nơi thường trú hoặc tạm trú mới.
Điều 20. Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp khiển trách, biện pháp hòa giải tại cộng đồng
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục làm Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và báo cáo kết thúc nhiệm vụ.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp khiển trách, biện pháp hòa giải tại cộng đồng cho người được giám sát, giáo dục theo Mẫu số 05a và 05b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Xem nội dung VBĐiều 94. Hòa giải tại cộng đồng
1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này. Điều này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Thủ tục giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 Mục này được bổ sung bởi Khoản 51 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
51. Bổ sung Điều 217a như sau:
“Điều 217a. Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”. Xem nội dung VBPhần thứ hai CÁC TỘI PHẠM
...
Chương XVIII CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
...
Mục 3. CÁC TỘI PHẠM KHÁC XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ Mục này được bổ sung bởi Khoản 51 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Khoản 101 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
101. Bổ sung điểm d vào khoản 2 Điều 299 như sau:
“d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”. Xem nội dung VBĐiều 299. Tội khủng bố
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khoản này được bổ sung bởi Khoản 101 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được bổ sung bởi Khoản 102 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
...
102. Bổ sung khoản 4 vào Điều 300 như sau:
“4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”. Xem nội dung VBĐiều 300. Tội tài trợ khủng bố
1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 5, 6 Điều 3 Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2019 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Về một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự
...
5. “Huy động tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố” quy định tại khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi vận động, kêu gọi cá nhân, tổ chức cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
6. “Hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố” quy định tại khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố. Xem nội dung VBĐiều 300. Tội tài trợ khủng bố
1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều này được bổ sung bởi Khoản 102 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 5, 6 Điều 3 Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2019 Điểm này được bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
a) Bổ sung cụm từ “Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác,” vào đầu điểm c khoản 2 ... Điều 29 Xem nội dung VBĐiều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
...
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
...
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Điểm này được bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
a) Bổ sung ... cụm từ “, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” vào sau cụm từ “tài sản của người khác” và từ “hợp pháp” vào sau từ “đại diện” tại khoản 3 Điều 29; Xem nội dung VBĐiều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
...
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Khoản này được bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
b) Bổ sung cụm từ “cấm tàng trữ,” vào trước cụm từ “cấm lưu hành” tại điểm c khoản 1 Điều 47; Xem nội dung VBĐiều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
...
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành. Điểm này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm c Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
c) Bổ sung cụm từ “, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 145 của Bộ luật này” vào sau cụm từ “người dưới 18 tuổi” tại điểm b khoản 2 Điều 148 Xem nội dung VBĐiều 148. Tội lây truyền HIV cho người khác
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
...
b) Đối với người dưới 18 tuổi; Điểm này được bổ sung bởi Điểm c Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
c) Bổ sung ... từ “đang” vào trước cụm từ “thi hành công vụ” tại điểm đ khoản 2 Điều 148; Xem nội dung VBĐiều 148. Tội lây truyền HIV cho người khác
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
...
đ) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Điểm này được bổ sung bởi Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
d) Bổ sung cụm từ “hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là” vào trước cụm từ “di vật, cổ vật” tại khoản 1 Điều 176; Xem nội dung VBĐiều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khoản này được bổ sung bởi Điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm d, đ Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
d) Bổ sung ... cụm từ “dưới 100.000.000 đồng nhưng” vào trước cụm từ “tài sản là di vật, cổ vật” tại khoản 1 Điều 177;
đ) Bổ sung cụm từ “Điều 219 và” vào trước cụm từ “Điều 220 của Bộ luật này” tại khoản 1 Điều 177; Xem nội dung VBĐiều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khoản này được bổ sung bởi Điểm d, đ Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
e) Bổ sung từ “bị” vào trước cụm từ “cấm đảm nhiệm chức vụ” tại khoản 4 Điều 179; Xem nội dung VBĐiều 179. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
...
4. Người phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Khoản này được bổ sung bởi Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
g) Bổ sung cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc” vào trước cụm từ “phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm” tại khoản 2 ... Điều 138 Xem nội dung VBĐiều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Khoản này được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
g) Bổ sung ... cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc” vào trước cụm từ “phạt tù từ 01 năm đến 03 năm” tại khoản 3 Điều 138; Xem nội dung VBĐiều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
...
3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Khoản này được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
g) Bổ sung ... cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc” vào trước cụm từ “phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” tại khoản 2 Điều 139; Xem nội dung VBĐiều 139. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Khoản này được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
g) Bổ sung ... cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc” vào trước cụm từ “phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm” tại khoản 2 Điều 180 Xem nội dung VBĐiều 180. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
...
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khoản này được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
g) Bổ sung ... cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc” vào trước cụm từ “phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm” tại khoản 2 Điều 362; Xem nội dung VBĐiều 362. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
b) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khoản này được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm h Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
h) Bổ sung cụm từ “hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích” vào sau cụm từ “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” tại điểm c khoản 1 Điều 209; Xem nội dung VBĐiều 209. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán
1. Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
...
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán mà còn vi phạm. Điểm này được bổ sung bởi Điểm h Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
i) Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” tại điểm d khoản 5 Điều 196, Xem nội dung VBĐiều 196. Tội đầu cơ
...
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
...
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điểm này được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
i) Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” tại ... điểm c khoản 4 Điều 209 Xem nội dung VBĐiều 209. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán
...
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điểm này được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
i) Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” tại ... điểm c khoản 4 Điều 210; Xem nội dung VBĐiều 210. Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán
...
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
...
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điểm này được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
k) Bổ sung cụm từ “hoặc xử phạt vi phạm hành chính” vào sau cụm từ “đã bị xử lý kỷ luật” tại khoản 1 Điều 219 Xem nội dung VBĐiều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khoản này được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
k) Bổ sung cụm từ “hoặc xử phạt vi phạm hành chính” vào sau cụm từ “đã bị xử lý kỷ luật” tại ... khoản 1 Điều 220 Xem nội dung VBĐiều 220. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư;
b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư;
c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án;
d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án. Khoản này được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
k) Bổ sung cụm từ “hoặc xử phạt vi phạm hành chính” vào sau cụm từ “đã bị xử lý kỷ luật” tại ... khoản 1 Điều 221 Xem nội dung VBĐiều 221. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán;
b) Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;
c) Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán;
d) Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ quy định của Luật kế toán;
đ) Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán. Khoản này được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
k) Bổ sung cụm từ “hoặc xử phạt vi phạm hành chính” vào sau cụm từ “đã bị xử lý kỷ luật” tại ... khoản 1 Điều 222 Xem nội dung VBĐiều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
b) Thông thầu;
c) Gian lận trong đấu thầu;
d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;
e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
g) Chuyển nhượng thầu trái phép. Khoản này được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
k) Bổ sung ... từ “theo” vào trước từ “quy định” tại điểm d khoản 1 Điều 221; Xem nội dung VBĐiều 221. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
...
d) Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ quy định của Luật kế toán; Điểm này được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm l Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
l) Bổ sung từ “của” vào trước cụm từ “Luật quản lý thuế” tại điểm b khoản 1 Điều 223; Xem nội dung VBĐiều 223. Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm thất thoát tiền thuế phải nộp từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
...
b) Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế không đúng quy định Luật quản lý thuế và quy định khác của pháp luật về thuế. Điểm này được bổ sung bởi Điểm l Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm m Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
m) Bổ sung từ “dưới” vào trước cụm từ “500.000.000 đồng” tại khoản 1 Điều 241; Xem nội dung VBĐiều 241. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Khoản này được bổ sung bởi Điểm m Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm n Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
n) Bổ sung cụm từ “do Chính phủ quy định” vào sau cụm từ “cây khác có chứa chất ma túy” tại khoản 1 Điều 247; Xem nội dung VBĐiều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy
1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây. Khoản này được bổ sung bởi Điểm n Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm o Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
o) Bổ sung dấu “,” vào sau từ “văn hóa” tại điểm b khoản 2 Điều 338; Xem nội dung VBĐiều 338. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước
...
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
...
b) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điểm này được bổ sung bởi Điểm o Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm p Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
p) Bổ sung từ “Để” vào đầu điểm c khoản 2 Điều 342; Xem nội dung VBĐiều 342. Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
...
c) Thực hiện hành vi trái pháp luật; Điểm này được bổ sung bởi Điểm p Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm q Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
q) Bổ sung từ “nguy hiểm” vào sau từ “Tái phạm” tại khoản 2 Điều 346; Xem nội dung VBĐiều 346. Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới
...
2. Tái phạm hoặc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Khoản này được bổ sung bởi Điểm q Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
r) Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000” tại điểm e khoản 2 Điều 353 Xem nội dung VBĐiều 353. Tội tham ô tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng; Điểm này được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
r) Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000” tại ... điểm d khoản 2 Điều 354 Xem nội dung VBĐiều 354. Tội nhận hối lộ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng; Điểm này được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
r) Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000” tại ... điểm đ khoản 2 Điều 355 Xem nội dung VBĐiều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
...
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng; Điểm này được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
r) Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000” tại ... điểm d khoản 2 Điều 358; Xem nội dung VBĐiều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
...
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng. Điểm này được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
r) ... bổ sung từ “năm” vào sau cụm từ “từ 01” tại khoản 1 Điều 358; Xem nội dung VBĐiều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 đến 06 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất. Khoản này được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm s Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
s) Bổ sung từ “khác” vào sau cụm từ “hoặc gây thiệt hại” tại khoản 1 Điều 356 Xem nội dung VBĐiều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khoản này được bổ sung bởi Điểm s Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Khoản này được bổ sung bởi Điểm s Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
s) Bổ sung từ “khác” vào sau cụm từ “hoặc gây thiệt hại” tại ... khoản 1 Điều 357 Xem nội dung VBĐiều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Khoản này được bổ sung bởi Điểm s Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm t Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
t) Bổ sung cụm từ “Dẫn đến” vào đầu điểm e khoản 2 ... Điều 374 Xem nội dung VBĐiều 374. Tội bức cung
...
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
...
e) Làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; Điểm này được bổ sung bởi Điểm t Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm t Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
t) Bổ sung ... cụm từ “; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng” vào sau cụm từ “tội phạm nghiêm trọng” tại điểm b khoản 3 ... Điều 374; Xem nội dung VBĐiều 374. Tội bức cung
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
...
b) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Điểm này được bổ sung bởi Điểm t Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm t Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
t) Bổ sung ... cụm từ “; người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” vào sau cụm từ “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” tại điểm c khoản 4 Điều 374; Xem nội dung VBĐiều 374. Tội bức cung
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
...
c) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điểm này được bổ sung bởi Điểm t Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm u Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
u) Bổ sung cụm từ “hoặc người phạm tội” vào sau cụm từ “bỏ lọt tội phạm” tại điểm a khoản 3 Điều 372 Xem nội dung VBĐiều 372. Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; Điểm này được bổ sung bởi Điểm u Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm u Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
u) Bổ sung cụm từ “hoặc người phạm tội” vào sau cụm từ “bỏ lọt tội phạm” tại ... điểm b khoản 3 Điều 382. Xem nội dung VBĐiều 382. Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
...
b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Điểm này được bổ sung bởi Điểm u Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điểm này được bổ sung bởi Điểm c Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
c) Bổ sung cụm từ “đang” vào trước cụm từ “thi hành công vụ” tại điểm đ khoản 2 Điều 148; Xem nội dung VBĐiều 148. Tội lây truyền HIV cho người khác
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
...
đ) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Điểm này được bổ sung bởi Điểm c Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 109/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 27/11/2015 (VB hết hiệu lực: 05/07/2017) Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
...
Điều 1
1. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016, Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự năm 2015) được áp dụng như sau:
a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016;
b) Các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;
c) Tội phạm mới quy định tại các điều 147, 154, 167, 187, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 292, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 của Bộ luật hình sự năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 để giải quyết;
d) Quy định tại điểm b và điểm c khoản này cũng được áp dụng đối với các điều luật mới quy định tội được tách ra từ các tội ghép trong Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự năm 1999);
đ) Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn” đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
e) Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án, thì không được căn cứ vào việc Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội hoạt động phỉ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 để giải quyết; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng;
g) Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016, thì không được căn cứ vào những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trong trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
i) Các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của Bộ luật hình sự năm 2015 không áp dụng đối với những hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Kể từ ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố:
a) Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
b) Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
c) Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự năm 2015, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
d) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
đ) Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và các điểm b, c khoản 2 Điều 14 của Bộ luật hình sự năm 2015; nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
e) Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản này, thì đương nhiên được xóa án tích.
Điều 2
1. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp tổ chức việc rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, bảo đảm hiệu lực của Bộ luật hình sự năm 2015 từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ luật hình sự năm 2015 trong Nhân dân, cán bộ, công chức và viên chức, nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Bộ luật hình sự năm 2015 trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015. Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 109/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 27/11/2015 (VB hết hiệu lực: 05/07/2017) Điều này được hướng dẫn bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 41/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 05/07/2017 Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
...
Điều 1. Về hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và các bộ luật, luật có liên quan
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, các bộ luật, luật sau đây có hiệu lực thi hành:
a) Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015); Xem nội dung VBĐiều 426. Hiệu lực thi hành
Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 109/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 27/11/2015 (VB hết hiệu lực: 05/07/2017) Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
...
Điều 1
1. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016, Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự năm 2015) được áp dụng như sau:
a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016;
b) Các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;
c) Tội phạm mới quy định tại các điều 147, 154, 167, 187, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 292, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 của Bộ luật hình sự năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 để giải quyết;
d) Quy định tại điểm b và điểm c khoản này cũng được áp dụng đối với các điều luật mới quy định tội được tách ra từ các tội ghép trong Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự năm 1999);
đ) Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn” đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
e) Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án, thì không được căn cứ vào việc Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội hoạt động phỉ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 để giải quyết; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng;
g) Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016, thì không được căn cứ vào những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trong trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
i) Các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của Bộ luật hình sự năm 2015 không áp dụng đối với những hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Kể từ ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố:
a) Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
b) Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
c) Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự năm 2015, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
d) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
đ) Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và các điểm b, c khoản 2 Điều 14 của Bộ luật hình sự năm 2015; nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
e) Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản này, thì đương nhiên được xóa án tích.
Điều 2
1. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp tổ chức việc rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, bảo đảm hiệu lực của Bộ luật hình sự năm 2015 từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ luật hình sự năm 2015 trong Nhân dân, cán bộ, công chức và viên chức, nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Bộ luật hình sự năm 2015 trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015. Xem nội dung VBĐiều 426. Hiệu lực thi hành
Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành. Điều này được hướng dẫn bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 41/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 05/07/2017 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 109/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 27/11/2015 (VB hết hiệu lực: 05/07/2017) Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;
...
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 1. Về việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã bỏ hình phạt tử hình
...
Điều 2. Về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13
...
Điều 3. Về việc không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm
...
Điều 4. Về việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
...
Điều 5. Về việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13
...
Điều 6. Về việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này
...
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Tổ chức thực hiện Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Thực hiện Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 và 03 đạo luật khác có liên quan (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 144), ngày 13-9-2016, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 276/TANDTC-PC kèm theo Danh mục một số quy định có nội dung có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để việc áp dụng các nội dung có lợi cho người phạm tội bảo đảm đúng quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 109), Nghị quyết số 144 của Quốc hội và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01), Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì có 06 trường hợp[1] được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015 (ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố).
2. Ngày 30-6-2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01 hướng dẫn bổ sung thêm 02 trường hợp áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015, đó là: (1) Người thực hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố định tội và cấu thành tội phạm đó (nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109); và (2) Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội trừ các tội quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015.
3. Tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định:
“4. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016:
a) Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13”.
Như vậy, theo các quy định và hướng dẫn nêu trên thì chỉ có 08 trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015; các quy định khác có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và được thống kê tại Danh mục kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao áp dụng kể từ ngày 01-7-2016. Tuy nhiên, cần lưu ý việc áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể phải bảo đảm quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 là có lợi cho người phạm tội.
4. Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì nếu các hành vi này xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 (thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành) mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng. Tuy nhiên, tại điểm c khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định: “Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự... có ghi thời điểm “ngày 01 tháng 7 năm 2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành””. Do đó, đối với các hành vi hoạt động phỉ, đăng ký kết hôn trái pháp luật, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật hình sự năm 2015) và Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Hai Bộ luật này đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016, Quốc hội đã quyết định lùi hiệu lực thi hành của hai Bộ luật này từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Đồng thời giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết về các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để áp dụng đúng, thống nhất và kịp thời các quy định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau đây:
1. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.
2. Quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 bao gồm các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình Tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình Tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có Điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội. Những quy định nêu trên được tập hợp trong Danh Mục ban hành kèm theo Công văn này.
3. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 là các quy định về thủ tục tố tụng áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015; các Điểm a, b và Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội và hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Tha tù trước thời hạn có Điều kiện;
c) Xóa án tích;
d) Xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
4. Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao ngay khi nhận được Công văn này phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, thống nhất nhằm bảo đảm áp dụng đúng các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015. Ngoài các quy định trong Danh Mục, khi giải quyết các vụ án, vụ việc về hình sự, nếu nhận thấy quy định khác của Bộ luật hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội thì Tòa án các cấp xem xét áp dụng quy định đó, bảo đảm đúng pháp luật. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc phát hiện quy định có lợi khác ngoài Danh Mục thì tập hợp, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để chỉ đạo hướng dẫn kịp thời./.
(Danh Mục một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao).
...
DANH MỤC MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÓ LỢI CHO NGƯỜI PHẠM TỘI TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;
...
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 1. Về việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã bỏ hình phạt tử hình
...
Điều 2. Về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13
...
Điều 3. Về việc không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm
...
Điều 4. Về việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
...
Điều 5. Về việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13
...
Điều 6. Về việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này
...
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Tổ chức thực hiện Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Thực hiện Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 và 03 đạo luật khác có liên quan (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 144), ngày 13-9-2016, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 276/TANDTC-PC kèm theo Danh mục một số quy định có nội dung có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để việc áp dụng các nội dung có lợi cho người phạm tội bảo đảm đúng quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 109), Nghị quyết số 144 của Quốc hội và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01), Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì có 06 trường hợp[1] được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015 (ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố).
2. Ngày 30-6-2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01 hướng dẫn bổ sung thêm 02 trường hợp áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015, đó là: (1) Người thực hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố định tội và cấu thành tội phạm đó (nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109); và (2) Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội trừ các tội quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015.
3. Tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định:
“4. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016:
a) Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13”.
Như vậy, theo các quy định và hướng dẫn nêu trên thì chỉ có 08 trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015; các quy định khác có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và được thống kê tại Danh mục kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao áp dụng kể từ ngày 01-7-2016. Tuy nhiên, cần lưu ý việc áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể phải bảo đảm quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 là có lợi cho người phạm tội.
4. Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì nếu các hành vi này xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 (thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành) mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng. Tuy nhiên, tại điểm c khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định: “Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự... có ghi thời điểm “ngày 01 tháng 7 năm 2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành””. Do đó, đối với các hành vi hoạt động phỉ, đăng ký kết hôn trái pháp luật, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật hình sự năm 2015) và Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Hai Bộ luật này đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016, Quốc hội đã quyết định lùi hiệu lực thi hành của hai Bộ luật này từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Đồng thời giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết về các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để áp dụng đúng, thống nhất và kịp thời các quy định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau đây:
1. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.
2. Quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 bao gồm các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình Tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình Tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có Điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội. Những quy định nêu trên được tập hợp trong Danh Mục ban hành kèm theo Công văn này.
3. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 là các quy định về thủ tục tố tụng áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015; các Điểm a, b và Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội và hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Tha tù trước thời hạn có Điều kiện;
c) Xóa án tích;
d) Xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
4. Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao ngay khi nhận được Công văn này phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, thống nhất nhằm bảo đảm áp dụng đúng các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015. Ngoài các quy định trong Danh Mục, khi giải quyết các vụ án, vụ việc về hình sự, nếu nhận thấy quy định khác của Bộ luật hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội thì Tòa án các cấp xem xét áp dụng quy định đó, bảo đảm đúng pháp luật. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc phát hiện quy định có lợi khác ngoài Danh Mục thì tập hợp, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để chỉ đạo hướng dẫn kịp thời./.
(Danh Mục một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao).
...
DANH MỤC MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÓ LỢI CHO NGƯỜI PHẠM TỘI TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;
...
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 1. Về việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã bỏ hình phạt tử hình
...
Điều 2. Về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13
...
Điều 3. Về việc không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm
...
Điều 4. Về việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
...
Điều 5. Về việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13
...
Điều 6. Về việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này
...
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Tổ chức thực hiện Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Thực hiện Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 và 03 đạo luật khác có liên quan (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 144), ngày 13-9-2016, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 276/TANDTC-PC kèm theo Danh mục một số quy định có nội dung có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để việc áp dụng các nội dung có lợi cho người phạm tội bảo đảm đúng quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 109), Nghị quyết số 144 của Quốc hội và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01), Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì có 06 trường hợp[1] được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015 (ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố).
2. Ngày 30-6-2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01 hướng dẫn bổ sung thêm 02 trường hợp áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015, đó là: (1) Người thực hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố định tội và cấu thành tội phạm đó (nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109); và (2) Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội trừ các tội quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015.
3. Tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định:
“4. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016:
a) Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13”.
Như vậy, theo các quy định và hướng dẫn nêu trên thì chỉ có 08 trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015; các quy định khác có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và được thống kê tại Danh mục kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao áp dụng kể từ ngày 01-7-2016. Tuy nhiên, cần lưu ý việc áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể phải bảo đảm quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 là có lợi cho người phạm tội.
4. Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì nếu các hành vi này xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 (thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành) mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng. Tuy nhiên, tại điểm c khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định: “Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự... có ghi thời điểm “ngày 01 tháng 7 năm 2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành””. Do đó, đối với các hành vi hoạt động phỉ, đăng ký kết hôn trái pháp luật, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật hình sự năm 2015) và Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Hai Bộ luật này đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016, Quốc hội đã quyết định lùi hiệu lực thi hành của hai Bộ luật này từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Đồng thời giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết về các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để áp dụng đúng, thống nhất và kịp thời các quy định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau đây:
1. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.
2. Quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 bao gồm các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình Tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình Tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có Điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội. Những quy định nêu trên được tập hợp trong Danh Mục ban hành kèm theo Công văn này.
3. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 là các quy định về thủ tục tố tụng áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015; các Điểm a, b và Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội và hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Tha tù trước thời hạn có Điều kiện;
c) Xóa án tích;
d) Xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
4. Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao ngay khi nhận được Công văn này phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, thống nhất nhằm bảo đảm áp dụng đúng các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015. Ngoài các quy định trong Danh Mục, khi giải quyết các vụ án, vụ việc về hình sự, nếu nhận thấy quy định khác của Bộ luật hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội thì Tòa án các cấp xem xét áp dụng quy định đó, bảo đảm đúng pháp luật. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc phát hiện quy định có lợi khác ngoài Danh Mục thì tập hợp, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để chỉ đạo hướng dẫn kịp thời./.
(Danh Mục một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao).
...
DANH MỤC MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÓ LỢI CHO NGƯỜI PHẠM TỘI TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;
...
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 1. Về việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã bỏ hình phạt tử hình
...
Điều 2. Về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13
...
Điều 3. Về việc không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm
...
Điều 4. Về việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
...
Điều 5. Về việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13
...
Điều 6. Về việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này
...
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Tổ chức thực hiện Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Thực hiện Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 và 03 đạo luật khác có liên quan (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 144), ngày 13-9-2016, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 276/TANDTC-PC kèm theo Danh mục một số quy định có nội dung có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để việc áp dụng các nội dung có lợi cho người phạm tội bảo đảm đúng quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 109), Nghị quyết số 144 của Quốc hội và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01), Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì có 06 trường hợp[1] được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015 (ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố).
2. Ngày 30-6-2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01 hướng dẫn bổ sung thêm 02 trường hợp áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015, đó là: (1) Người thực hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố định tội và cấu thành tội phạm đó (nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109); và (2) Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội trừ các tội quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015.
3. Tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định:
“4. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016:
a) Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13”.
Như vậy, theo các quy định và hướng dẫn nêu trên thì chỉ có 08 trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015; các quy định khác có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và được thống kê tại Danh mục kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao áp dụng kể từ ngày 01-7-2016. Tuy nhiên, cần lưu ý việc áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể phải bảo đảm quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 là có lợi cho người phạm tội.
4. Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì nếu các hành vi này xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 (thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành) mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng. Tuy nhiên, tại điểm c khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định: “Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự... có ghi thời điểm “ngày 01 tháng 7 năm 2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành””. Do đó, đối với các hành vi hoạt động phỉ, đăng ký kết hôn trái pháp luật, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật hình sự năm 2015) và Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Hai Bộ luật này đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016, Quốc hội đã quyết định lùi hiệu lực thi hành của hai Bộ luật này từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Đồng thời giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết về các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để áp dụng đúng, thống nhất và kịp thời các quy định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau đây:
1. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.
2. Quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 bao gồm các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình Tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình Tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có Điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội. Những quy định nêu trên được tập hợp trong Danh Mục ban hành kèm theo Công văn này.
3. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 là các quy định về thủ tục tố tụng áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015; các Điểm a, b và Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội và hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Tha tù trước thời hạn có Điều kiện;
c) Xóa án tích;
d) Xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
4. Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao ngay khi nhận được Công văn này phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, thống nhất nhằm bảo đảm áp dụng đúng các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015. Ngoài các quy định trong Danh Mục, khi giải quyết các vụ án, vụ việc về hình sự, nếu nhận thấy quy định khác của Bộ luật hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội thì Tòa án các cấp xem xét áp dụng quy định đó, bảo đảm đúng pháp luật. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc phát hiện quy định có lợi khác ngoài Danh Mục thì tập hợp, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để chỉ đạo hướng dẫn kịp thời./.
(Danh Mục một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao).
...
DANH MỤC MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÓ LỢI CHO NGƯỜI PHẠM TỘI TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;
...
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 1. Về việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã bỏ hình phạt tử hình
...
Điều 2. Về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13
...
Điều 3. Về việc không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm
...
Điều 4. Về việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
...
Điều 5. Về việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13
...
Điều 6. Về việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này
...
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Tổ chức thực hiện Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Thực hiện Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 và 03 đạo luật khác có liên quan (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 144), ngày 13-9-2016, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 276/TANDTC-PC kèm theo Danh mục một số quy định có nội dung có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để việc áp dụng các nội dung có lợi cho người phạm tội bảo đảm đúng quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 109), Nghị quyết số 144 của Quốc hội và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01), Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì có 06 trường hợp[1] được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015 (ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố).
2. Ngày 30-6-2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01 hướng dẫn bổ sung thêm 02 trường hợp áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015, đó là: (1) Người thực hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố định tội và cấu thành tội phạm đó (nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109); và (2) Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội trừ các tội quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015.
3. Tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định:
“4. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016:
a) Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13”.
Như vậy, theo các quy định và hướng dẫn nêu trên thì chỉ có 08 trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015; các quy định khác có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và được thống kê tại Danh mục kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao áp dụng kể từ ngày 01-7-2016. Tuy nhiên, cần lưu ý việc áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể phải bảo đảm quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 là có lợi cho người phạm tội.
4. Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì nếu các hành vi này xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 (thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành) mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng. Tuy nhiên, tại điểm c khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định: “Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự... có ghi thời điểm “ngày 01 tháng 7 năm 2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành””. Do đó, đối với các hành vi hoạt động phỉ, đăng ký kết hôn trái pháp luật, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật hình sự năm 2015) và Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Hai Bộ luật này đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016, Quốc hội đã quyết định lùi hiệu lực thi hành của hai Bộ luật này từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Đồng thời giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết về các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để áp dụng đúng, thống nhất và kịp thời các quy định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau đây:
1. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.
2. Quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 bao gồm các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình Tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình Tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có Điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội. Những quy định nêu trên được tập hợp trong Danh Mục ban hành kèm theo Công văn này.
3. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 là các quy định về thủ tục tố tụng áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015; các Điểm a, b và Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội và hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Tha tù trước thời hạn có Điều kiện;
c) Xóa án tích;
d) Xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
4. Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao ngay khi nhận được Công văn này phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, thống nhất nhằm bảo đảm áp dụng đúng các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015. Ngoài các quy định trong Danh Mục, khi giải quyết các vụ án, vụ việc về hình sự, nếu nhận thấy quy định khác của Bộ luật hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội thì Tòa án các cấp xem xét áp dụng quy định đó, bảo đảm đúng pháp luật. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc phát hiện quy định có lợi khác ngoài Danh Mục thì tập hợp, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để chỉ đạo hướng dẫn kịp thời./.
(Danh Mục một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao).
...
DANH MỤC MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÓ LỢI CHO NGƯỜI PHẠM TỘI TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;
...
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 1. Về việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã bỏ hình phạt tử hình
...
Điều 2. Về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13
...
Điều 3. Về việc không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm
...
Điều 4. Về việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
...
Điều 5. Về việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13
...
Điều 6. Về việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này
...
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Tổ chức thực hiện Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Thực hiện Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 và 03 đạo luật khác có liên quan (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 144), ngày 13-9-2016, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 276/TANDTC-PC kèm theo Danh mục một số quy định có nội dung có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để việc áp dụng các nội dung có lợi cho người phạm tội bảo đảm đúng quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 109), Nghị quyết số 144 của Quốc hội và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01), Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì có 06 trường hợp[1] được áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015 (ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố).
2. Ngày 30-6-2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01 hướng dẫn bổ sung thêm 02 trường hợp áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015, đó là: (1) Người thực hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố định tội và cấu thành tội phạm đó (nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109); và (2) Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội trừ các tội quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015.
3. Tại điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định:
“4. Kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2016:
a) Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13”.
Như vậy, theo các quy định và hướng dẫn nêu trên thì chỉ có 08 trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 09-12-2015; các quy định khác có lợi cho người phạm tội theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và được thống kê tại Danh mục kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao áp dụng kể từ ngày 01-7-2016. Tuy nhiên, cần lưu ý việc áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể phải bảo đảm quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 là có lợi cho người phạm tội.
4. Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109 thì nếu các hành vi này xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01-7-2016 (thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành) mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng. Tuy nhiên, tại điểm c khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định: “Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự... có ghi thời điểm “ngày 01 tháng 7 năm 2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành””. Do đó, đối với các hành vi hoạt động phỉ, đăng ký kết hôn trái pháp luật, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật hình sự năm 2015) và Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 (sau đây viết tắt là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Hai Bộ luật này đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016, Quốc hội đã quyết định lùi hiệu lực thi hành của hai Bộ luật này từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Đồng thời giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết về các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
Để áp dụng đúng, thống nhất và kịp thời các quy định nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau đây:
1. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.
2. Quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 bao gồm các quy định về xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình Tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình Tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có Điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội. Những quy định nêu trên được tập hợp trong Danh Mục ban hành kèm theo Công văn này.
3. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 là các quy định về thủ tục tố tụng áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015; các Điểm a, b và Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội và hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Tha tù trước thời hạn có Điều kiện;
c) Xóa án tích;
d) Xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
4. Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao ngay khi nhận được Công văn này phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, thống nhất nhằm bảo đảm áp dụng đúng các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015. Ngoài các quy định trong Danh Mục, khi giải quyết các vụ án, vụ việc về hình sự, nếu nhận thấy quy định khác của Bộ luật hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội thì Tòa án các cấp xem xét áp dụng quy định đó, bảo đảm đúng pháp luật. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc phát hiện quy định có lợi khác ngoài Danh Mục thì tập hợp, báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để chỉ đạo hướng dẫn kịp thời./.
(Danh Mục một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao).
...
DANH MỤC MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÓ LỢI CHO NGƯỜI PHẠM TỘI TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 Xem nội dung VBĐiều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
...
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 Việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 301/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 07/10/2016 Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội được hướng dẫn bởi Công văn 276/TANDTC-PC năm 2016 có hiệu lực từ ngày 13/09/2016 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
...
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
...
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
...
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
...
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
...
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
...
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
...
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
...
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này; Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
...
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
...
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
...
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này; Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
...
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
...
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
...
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
...
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
...
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này; Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
...
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 5. Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015
...
Điều 6. Phụ lục
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
...
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
I. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY ĐỀU ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 4 CỦA NGHỊ ĐỊNH)
...
II. VỀ VIỆC TÍNH TỔNG KHỐI LƯỢNG HOẶC THỂ TÍCH CÁC CHẤT MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỢP CÁC CHẤT MA TÚY KHÔNG ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG CÙNG MỘT ĐIỂM THUỘC CÁC KHOẢN CỦA MỘT TRONG CÁC ĐIỀU 248, 249, 250, 251, 252 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 (QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 5 CỦA NGHỊ ĐỊNH) Xem nội dung VBĐiều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
..
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này. Việc tính tổng khối lượng, thể tích chất ma túy tại Điểm này được hướng dẫn bởi Nghị định 19/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018 Mục này được hướng dẫn bởi Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh, đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Các nguyên tắc thực hiện việc giám sát, giáo dục
...
Điều 4. Tính thời hạn giám sát, giáo dục
...
Điều 5. Kinh phí thực hiện việc giám sát, giáo dục
...
Điều 6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục
...
Chương II TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
Mục 1. THÔNG BÁO VIỆC THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC; PHÂN CÔNG NGƯỜI TRỰC TIẾP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC VÀ LẬP HỒ SƠ THI HÀNH BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
Điều 7. Lập hồ sơ ban đầu, phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục
...
Điều 8. Thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục
...
Điều 9. Xây dựng Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục
...
Điều 10. Xây dựng, ban hành Kế hoạch giám sát, giáo dục
...
Điều 11. Lập, quản lý hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục
...
Mục 2. THỦ TỤC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC TRONG TRƯỜNG HỢP ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHIỂN TRÁCH, HÒA GIẢI TẠI CỘNG ĐỒNG
Điều 12. Nội dung và hình thức giám sát, giáo dục
...
Điều 13. Cam kết của người được giám sát, giáo dục
...
Điều 14. Thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục
...
Điều 15. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia Chương trình học tập
...
Điều 16. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia Chương trình dạy nghề
...
Điều 17. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia lao động tại cộng đồng
...
Điều 18. Việc thực hiện nghĩa vụ trình diện của người được giám sát, giáo dục
...
Điều 19. Việc thay đổi nơi cư trú của người được giám sát, giáo dục
...
Điều 20. Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp khiển trách, biện pháp hòa giải tại cộng đồng
...
Mục 3. THỦ TỤC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC TRONG TRƯỜNG HỢP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Điều 21. Thủ tục giám sát, giáo dục
...
Điều 22. Việc vắng mặt của người được giám sát, giáo dục tại nơi cư trú
...
Điều 23. Chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn
...
Điều 24. Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
...
Chương III QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC; TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG, CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN TRONG VIỆC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục
...
Điều 26. Trách nhiệm và quyền của người trực tiếp giám sát, giáo dục
...
Điều 27. Trách nhiệm của gia đình người được giám sát, giáo dục
...
Điều 28. Trách nhiệm của nhà trường
...
Điều 29. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
...
Điều 30. Trách nhiệm của Công an cấp xã
...
Điều 31. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện việc giám sát, giáo dục
...
Chương IV TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG VIỆC TỔ CHỨC THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
Điều 32. Trách nhiệm của các bộ
...
Điều 33. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 34. Hiệu lực thi hành
...
Điều 35. Trách nhiệm thi hành
...
Mẫu số 01 QUYẾT ĐỊNH Phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục
...
Mẫu số 02 BÁO CÁO THU THẬP THÔNG TIN, XÁC ĐỊNH CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ, NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN VI PHẠM PHÁP LUẬT CỦA NGƯỜI ĐƯỢC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
...
Mẫu số 03 KẾ HOẠCH GIÁM SÁT, GIÁO DỤC ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
...
Mẫu số 04 SỔ THEO DÕI TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
...
Mẫu số 05a GIẤY CHỨNG NHẬN Đã chấp hành xong biện pháp khiển trách
...
Mẫu số 05b GIẤY CHỨNG NHẬN Đã chấp hành xong biện pháp hòa giải tại cộng đồng
...
Mẫu số 05c GIẤY CHỨNG NHẬN Đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn Xem nội dung VBChương XII NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI
...
Mục 2. CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC ÁP DỤNG TRONG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ Mục này được hướng dẫn bởi Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 Thủ tục giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp khiển trách được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
...
Chương II TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
...
Mục 2. THỦ TỤC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC TRONG TRƯỜNG HỢP ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHIỂN TRÁCH, HÒA GIẢI TẠI CỘNG ĐỒNG
Điều 12. Nội dung và hình thức giám sát, giáo dục
1. Nội dung giám sát, giáo dục:
a) Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;
b) Trang bị các kỹ năng sống cơ bản; hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, học nghề, tìm việc làm;
c) Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
d) Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác quy định tại Điều 71 Luật trẻ em nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
2. Hình thức giám sát, giáo dục:
a) Yêu cầu người được giám sát, giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giám sát, giáo dục;
b) Hướng dẫn, động viên người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp học về kỹ năng sống, học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề;
c) Thông báo cho gia đình người được giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành của người đó;
d) Yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện trước cơ quan có thẩm quyền.
Điều 13. Cam kết của người được giám sát, giáo dục
1. Người được giám sát, giáo dục phải làm bản cam kết về việc chấp hành các nghĩa vụ và gửi cho người trực tiếp giám sát, giáo dục.
2. Nội dung cam kết gồm:
a) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định của địa phương nơi cư trú; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; nghiêm túc sửa chữa sai phạm;
b) Tham gia Chương trình học văn hóa, dạy nghề hoặc lao động do địa phương tổ chức phù hợp với Điều kiện, hoàn cảnh của mình;
c) Tham gia các Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;
d) Trình diện khi được yêu cầu.
3. Ngoài các nội dung cam kết quy định tại Khoản 2 Điều này, người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng còn phải cam kết hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có).
4. Cam kết của người được giám sát, giáo dục phải có ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Điều 14. Thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục
1. Căn cứ Kế hoạch giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục có trách nhiệm phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên người được giám sát, giáo dục nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và thực hiện cam kết; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giám sát, giáo dục để có biện pháp giúp đỡ kịp thời;
b) Hướng dẫn người được giám sát, giáo dục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình quy định tại Điều 25 của Nghị định này;
c) Liên hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan để tạo Điều kiện cho người được giám sát, giáo dục tham gia các Chương trình học văn hóa, học nghề, tham gia lao động phù hợp, ổn định cuộc sống;
d) Hướng dẫn, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục thực hiện các thủ tục đăng ký tạm vắng, tạm trú, cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, trợ giúp pháp lý;
đ) Phối hợp tổ chức các buổi lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
e) Liên hệ, giới thiệu người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao sẵn có tại địa phương;
g) Lập và ghi Sổ theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ hàng tháng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về kết quả giám sát, giáo dục.
2. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục, nếu xét thấy biện pháp giám sát, giáo dục không phù hợp hoặc việc thực hiện gặp khó khăn thì người trực tiếp giám sát, giáo dục đề xuất hướng giải quyết hoặc Điều chỉnh Kế hoạch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.
Điều 15. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia Chương trình học tập
1. Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tiếp nhận người được giám sát, giáo dục vào học tập theo Kế hoạch giám sát, giáo dục.
2. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên căn cứ vào nhu cầu, trình độ của người được giám sát, giáo dục và khả năng thực tế của cơ sở để bố trí người hỗ trợ, giúp đỡ họ hòa nhập, hoàn thành Chương trình học tập.
Điều 16. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia Chương trình dạy nghề
1. Trên cơ sở Kế hoạch giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để đề xuất việc hỗ trợ dạy nghề cho người được giám sát, giáo dục.
2. Căn cứ vào Điều kiện về sức khỏe, khả năng và nguyện vọng của người được giám sát, giáo dục, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm liên hệ với các cơ sở dạy nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm, các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để thu xếp cho người được giám sát, giáo dục tham gia Chương trình dạy nghề phù hợp.
Điều 17. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia lao động tại cộng đồng
Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ hoặc đoàn thể xã hội, cơ quan, tổ chức khác tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia các buổi lao động tại cộng đồng, giúp đỡ người già, người tàn tật, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc các hoạt động tình nguyện khác nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm và sự gắn kết, chia sẻ với cộng đồng của người được giám sát, giáo dục.
Việc lao động tại cộng đồng phải tuân thủ pháp luật về lao động, phù hợp với độ tuổi, sức khỏe của người được giám sát, giáo dục, không làm ảnh hưởng đến việc học tập của người đó.
Điều 18. Việc thực hiện nghĩa vụ trình diện của người được giám sát, giáo dục
1. Trong thời gian giám sát, giáo dục, nếu người được giám sát, giáo dục vi phạm nghĩa vụ hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật thì theo đề nghị của người trực tiếp giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện.
2. Khi có yêu cầu trình diện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người trực tiếp giám sát, giáo dục phải thông báo cho người được giám sát, giáo dục và cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ biết về địa điểm, thời gian trình diện.
3. Việc trình diện phải được lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ.
Điều 19. Việc thay đổi nơi cư trú của người được giám sát, giáo dục
1. Trường hợp người được giám sát, giáo dục thay đổi nơi đăng ký thường trú, đi học tập, có việc làm ổn định hoặc theo gia đình chuyển đến địa phương khác thì phải làm đơn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, trong đó ghi rõ lý do, nơi đến thường trú hoặc tạm trú. Đơn phải có ý kiến của người trực tiếp giám sát, giáo dục; đối với người dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ phải làm đơn.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn quy định tại Khoản 1 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xem xét, báo cáo và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục để làm các thủ tục tiếp tục thi hành biện pháp giám sát, giáo dục tại nơi thường trú hoặc tạm trú mới.
Điều 20. Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp khiển trách, biện pháp hòa giải tại cộng đồng
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục làm Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và báo cáo kết thúc nhiệm vụ.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp khiển trách, biện pháp hòa giải tại cộng đồng cho người được giám sát, giáo dục theo Mẫu số 05a và 05b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Xem nội dung VBĐiều 93. Khiển trách
1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm. Thủ tục giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp khiển trách được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 Thủ tục giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp khiển trách được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
...
Chương II TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
...
Mục 2. THỦ TỤC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC TRONG TRƯỜNG HỢP ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHIỂN TRÁCH, HÒA GIẢI TẠI CỘNG ĐỒNG
Điều 12. Nội dung và hình thức giám sát, giáo dục
1. Nội dung giám sát, giáo dục:
a) Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;
b) Trang bị các kỹ năng sống cơ bản; hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, học nghề, tìm việc làm;
c) Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
d) Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác quy định tại Điều 71 Luật trẻ em nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
2. Hình thức giám sát, giáo dục:
a) Yêu cầu người được giám sát, giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giám sát, giáo dục;
b) Hướng dẫn, động viên người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp học về kỹ năng sống, học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề;
c) Thông báo cho gia đình người được giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành của người đó;
d) Yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện trước cơ quan có thẩm quyền.
Điều 13. Cam kết của người được giám sát, giáo dục
1. Người được giám sát, giáo dục phải làm bản cam kết về việc chấp hành các nghĩa vụ và gửi cho người trực tiếp giám sát, giáo dục.
2. Nội dung cam kết gồm:
a) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định của địa phương nơi cư trú; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; nghiêm túc sửa chữa sai phạm;
b) Tham gia Chương trình học văn hóa, dạy nghề hoặc lao động do địa phương tổ chức phù hợp với Điều kiện, hoàn cảnh của mình;
c) Tham gia các Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;
d) Trình diện khi được yêu cầu.
3. Ngoài các nội dung cam kết quy định tại Khoản 2 Điều này, người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng còn phải cam kết hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có).
4. Cam kết của người được giám sát, giáo dục phải có ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Điều 14. Thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục
1. Căn cứ Kế hoạch giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục có trách nhiệm phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên người được giám sát, giáo dục nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và thực hiện cam kết; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giám sát, giáo dục để có biện pháp giúp đỡ kịp thời;
b) Hướng dẫn người được giám sát, giáo dục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình quy định tại Điều 25 của Nghị định này;
c) Liên hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan để tạo Điều kiện cho người được giám sát, giáo dục tham gia các Chương trình học văn hóa, học nghề, tham gia lao động phù hợp, ổn định cuộc sống;
d) Hướng dẫn, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục thực hiện các thủ tục đăng ký tạm vắng, tạm trú, cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, trợ giúp pháp lý;
đ) Phối hợp tổ chức các buổi lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
e) Liên hệ, giới thiệu người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao sẵn có tại địa phương;
g) Lập và ghi Sổ theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ hàng tháng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về kết quả giám sát, giáo dục.
2. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục, nếu xét thấy biện pháp giám sát, giáo dục không phù hợp hoặc việc thực hiện gặp khó khăn thì người trực tiếp giám sát, giáo dục đề xuất hướng giải quyết hoặc Điều chỉnh Kế hoạch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.
Điều 15. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia Chương trình học tập
1. Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm tiếp nhận người được giám sát, giáo dục vào học tập theo Kế hoạch giám sát, giáo dục.
2. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên căn cứ vào nhu cầu, trình độ của người được giám sát, giáo dục và khả năng thực tế của cơ sở để bố trí người hỗ trợ, giúp đỡ họ hòa nhập, hoàn thành Chương trình học tập.
Điều 16. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia Chương trình dạy nghề
1. Trên cơ sở Kế hoạch giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để đề xuất việc hỗ trợ dạy nghề cho người được giám sát, giáo dục.
2. Căn cứ vào Điều kiện về sức khỏe, khả năng và nguyện vọng của người được giám sát, giáo dục, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm liên hệ với các cơ sở dạy nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm, các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để thu xếp cho người được giám sát, giáo dục tham gia Chương trình dạy nghề phù hợp.
Điều 17. Tổ chức cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia lao động tại cộng đồng
Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ hoặc đoàn thể xã hội, cơ quan, tổ chức khác tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia các buổi lao động tại cộng đồng, giúp đỡ người già, người tàn tật, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc các hoạt động tình nguyện khác nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm và sự gắn kết, chia sẻ với cộng đồng của người được giám sát, giáo dục.
Việc lao động tại cộng đồng phải tuân thủ pháp luật về lao động, phù hợp với độ tuổi, sức khỏe của người được giám sát, giáo dục, không làm ảnh hưởng đến việc học tập của người đó.
Điều 18. Việc thực hiện nghĩa vụ trình diện của người được giám sát, giáo dục
1. Trong thời gian giám sát, giáo dục, nếu người được giám sát, giáo dục vi phạm nghĩa vụ hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật thì theo đề nghị của người trực tiếp giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện.
2. Khi có yêu cầu trình diện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người trực tiếp giám sát, giáo dục phải thông báo cho người được giám sát, giáo dục và cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ biết về địa điểm, thời gian trình diện.
3. Việc trình diện phải được lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ.
Điều 19. Việc thay đổi nơi cư trú của người được giám sát, giáo dục
1. Trường hợp người được giám sát, giáo dục thay đổi nơi đăng ký thường trú, đi học tập, có việc làm ổn định hoặc theo gia đình chuyển đến địa phương khác thì phải làm đơn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, trong đó ghi rõ lý do, nơi đến thường trú hoặc tạm trú. Đơn phải có ý kiến của người trực tiếp giám sát, giáo dục; đối với người dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ phải làm đơn.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn quy định tại Khoản 1 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xem xét, báo cáo và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục để làm các thủ tục tiếp tục thi hành biện pháp giám sát, giáo dục tại nơi thường trú hoặc tạm trú mới.
Điều 20. Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp khiển trách, biện pháp hòa giải tại cộng đồng
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục làm Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và báo cáo kết thúc nhiệm vụ.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp khiển trách, biện pháp hòa giải tại cộng đồng cho người được giám sát, giáo dục theo Mẫu số 05a và 05b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Xem nội dung VBĐiều 93. Khiển trách
1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm. Thủ tục giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp khiển trách được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 Thủ tục giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 Căn cứ Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
...
Chương II TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC
...
Mục 3. THỦ TỤC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC TRONG TRƯỜNG HỢP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Điều 21. Thủ tục giám sát, giáo dục
1. Thủ tục giám sát, giáo dục đối với người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được thực hiện theo quy định tại Mục này và quy định tại Điều 12, các Khoản 1, 2, 4 Điều 13, từ Điều 14 đến Điều 19 của Nghị định này.
2. Ngoài các nội dung cam kết quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Nghị định này, người được giám sát, giáo dục còn phải cam kết:
a) Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động;
b) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép.
Điều 22. Việc vắng mặt của người được giám sát, giáo dục tại nơi cư trú
1. Người được giám sát, giáo dục được phép vắng mặt tại nơi cư trú, nếu có lý do chính đáng và phải thực hiện khai báo tạm vắng.
Việc vắng mặt tại nơi cư trú có thể được thực hiện nhiều lần nhưng mỗi lần không quá 30 ngày và tổng thời gian vắng mặt không được vượt quá một Phần ba thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Trước khi đi khỏi nơi cư trú, người được giám sát, giáo dục phải thực hiện theo quy định sau:
a) Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú dưới 15 ngày thì phải thông báo với người trực tiếp giám sát, giáo dục về lý do, thời gian vắng mặt tại nơi cư trú và nơi đến tạm trú. Người trực tiếp giám sát, giáo dục phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người được giám sát, giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú;
b) Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú từ 15 ngày đến 30 ngày thì phải làm đơn xin phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó ghi rõ lý do, thời gian vắng mặt, nơi đến tạm trú và ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đơn xin phép được gửi đến người trực tiếp giám sát, giáo dục.
Ngay sau khi nhận được đơn xin phép, người trực tiếp giám sát, giáo dục phải có ý kiến và chuyển đơn đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn xin phép, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và thông báo cho người làm đơn biết. Trường hợp không cho phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày về lại nơi cư trú, người được giám sát, giáo dục phải trực tiếp báo cáo với người trực tiếp giám sát, giáo dục và tiếp tục chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại nơi cư trú. Người trực tiếp giám sát, giáo dục báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người được giám sát, giáo dục đã về lại nơi cư trú.
5. Nếu người được giám sát, giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú mà không tuân thủ quy định tại Điều này thì thời gian vắng mặt không được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Điều 23. Chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Khi nhận được đề nghị của người trực tiếp giám sát, giáo dục hoặc đơn đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Công an cùng cấp tổ chức cuộc họp xem xét việc đề nghị cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chấm dứt thời hạn giáo dục cho người được giám sát, giáo dục.
Thành Phần tham gia cuộc họp gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; người trực tiếp giám sát, giáo dục; đại diện Công an cấp xã; Ban bảo vệ trẻ em cấp xã; người được giám sát, giáo dục; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giám sát, giáo dục.
Tại cuộc họp, người trực tiếp giám sát, giáo dục nhận xét về quá trình thực hiện nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục; người tham gia cuộc họp phát biểu ý kiến; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kết luận.
2. Trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, công an cấp xã có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp lập hồ sơ đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn, gửi cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Hồ sơ đề nghị gồm có:
a) Đơn đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giám sát, giáo dục;
b) Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đề nghị cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chấm dứt thời hạn giám sát, giáo dục cho người được giám sát, giáo dục;
c) Bản nhận xét về quá trình thực hiện nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục.
Điều 24. Cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn giám sát, giáo dục hoặc khi nhận được Quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của cơ quan có thẩm quyền, người trực tiếp giám sát, giáo dục làm Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và báo cáo kết thúc nhiệm vụ.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giám sát, giáo dục theo Mẫu số 05c tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Xem nội dung VBĐiều 95. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
2. Người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động;
b) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn;
c) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép;
d) Các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
3. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thủ tục giám sát, giáo dục trong trường hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Nghị định 37/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 09/06/2018 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
Điều 1. Tha tù trước thời hạn có điều kiện
...
Điều 2. Điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
...
Điều 3. Điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng
...
Điều 4. Điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù
...
Điều 5. Hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện
...
Điều 6. Điều kiện rút ngắn thời gian thử thách
...
Điều 7. Mức rút ngắn thời gian thử thách
...
Điều 8. Hiệu lực thi hành Xem nội dung VBĐiều 66. Tha tù trước thời hạn có điều kiện
1. Người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
c) Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên;
d) Có nơi cư trú rõ ràng;
đ) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự;
e) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn;
g) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Không áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh hoặc người bị kết án từ 10 năm tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy;
b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.
3. Theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù.
4. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
5. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 09/06/2018 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 09/06/2018 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
Điều 1. Tha tù trước thời hạn có điều kiện
...
Điều 2. Điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
...
Điều 3. Điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng
...
Điều 4. Điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù
...
Điều 5. Hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện
...
Điều 6. Điều kiện rút ngắn thời gian thử thách
...
Điều 7. Mức rút ngắn thời gian thử thách
...
Điều 8. Hiệu lực thi hành Xem nội dung VBĐiều 106. Tha tù trước hạn có điều kiện
1. Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 66 của Bộ luật này có thể được tha tù trước hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
c) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù;
d) Có nơi cư trú rõ ràng.
2. Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 66 của Bộ luật này. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 09/06/2018 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
...
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
Điều 1. Án treo
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Điều 2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo
Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
2. Có nhân thân tốt.
Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.
*Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2022
2. Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
a) Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
b) Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
c) Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.*
3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.
Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Điều 3. Những trường hợp không cho hưởng án treo
1. Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
2. Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.
*Khoản này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2022
2. Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.*
3. Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
4. Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
*Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2022
4. Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
b) Người phạm tội bị xét xử và kết án về 02 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể.*
5. Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
*Khoản này được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2022
5. Người phạm tội 02 lần trở lên, trừ một trong các trường hợp sau:
a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
b) Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng;
c) Các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể;
d) Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú.*
6. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Điều 4. Ấn định thời gian thử thách
Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.
*Điều 4a được bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2022
Điều 4a. Xác định thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo đã bị tạm giữ, tạm giam
Thời gian đã tạm giữ, tạm giam đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù để ấn định thời gian thử thách. Trường hợp trong thời gian thử thách nếu họ phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết Tòa án trừ thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam này vào thời gian chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới.*
Điều 5. Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách
Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách được xác định như sau:
1. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
2. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
3. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.
4. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
5. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.
6. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
7. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.
8. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
*Khoản 9 Điều 5 được bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2022
9. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lần sau.*
Điều 6. Nội dung của bản án tuyên người bị kết án phạt tù được hưởng án treo
Ngoài những nội dung theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật Tố tụng hình sự, bản án cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo phải có nội dung sau đây:
1. Về việc giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách:
a) Khi cho người phạm tội được hưởng án treo, Tòa án phải ghi rõ trong phần Quyết định của bản án việc giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
b) Khi giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án tên Ủy ban nhân dân cấp xã; tên huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; đồng thời, ghi rõ trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
c) Khi giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án tên và địa chỉ đầy đủ của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; đồng thời, ghi rõ trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi làm việc thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Trường hợp cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo thuộc lực lượng quân đội nhân dân thì trong phần quyết định của bản án phải ghi tên của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.
2. Về việc tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách.
Trong phần quyết định của bản án cho người phạm tội được hưởng án treo, Tòa án phải tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự, cụ thể như sau:
“Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.
Điều 7. Quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách hoặc phạm tội khác trước khi được hưởng án treo
1. Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật Hình sự; nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời gian bị tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
2. Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Điều 8. Điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo.
1. Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;
b) Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ theo Luật Thi hành án hình sự; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.
c) Được Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.
2. Mỗi năm người được hưởng án treo chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.
3. Trường hợp người được hưởng án treo đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, nhưng không được Tòa án chấp nhận, nếu những lần tiếp theo mà họ có đủ điều kiện thì Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho họ.
4. Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại.
Lập công là trường hợp người được hưởng án treo có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng của nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có sáng kiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.
Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Điều 9. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án treo làm việc phải thành lập Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp.
Thời hạn mở phiên họp không quá 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.
Trường hợp cần phải bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.
2. Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo gồm 03 Thẩm phán. Phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát cùng cấp.
3. Trình tự, thủ tục xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo tiến hành như sau:
a) Một thành viên của Hội đồng phiên họp trình bày nội dung văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo;
b) Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến;
c) Hội đồng thảo luận và quyết định.
4. Trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo có quyền:
a) Chấp nhận toàn bộ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Trường hợp chấp nhận toàn bộ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo mà thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng, thì Hội đồng có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại;
b) Chấp nhận một phần đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo;
c) Không chấp nhận đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.
5. Quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo thực hiện theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này và có các nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Thành phần của Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân; Thư ký phiên họp;
d) Họ tên, nơi cư trú hoặc nơi làm việc và các thông tin cần thiết khác của người được đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo;
đ) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo;
e) Quyết định của Tòa án về việc chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Trường hợp Tòa án quyết định không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.
6. Việc gửi quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
7. Quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo có thể bị Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Việc phúc thẩm quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo được thực hiện theo thủ tục phúc thẩm quyết định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyết định giải quyết kháng nghị đối với quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo thực hiện theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
8. Quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
*Điều 9 bị bãi bỏ bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2022*
Điều 10. Trường hợp người được hưởng án treo bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo do cố ý vi phạm nghĩa vụ
Người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên.
*Điều này được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2022
Điều 10. Trường hợp người được hưởng án treo bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo do cố ý vi phạm nghĩa vụ
1. Người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại điều 87 của Luật Thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên.
2. Vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên đối với trường hợp người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú không xin phép được xác định như sau:
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú không xin phép, cơ quan có thẩm quyền căn cứ Điều 87, Điều 91 và Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, nhắc nhở lần 01 và triệu tập người này để tiếp tục thi hành án nhưng họ vẫn không có mặt theo giấy triệu tập nên cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm vắng mặt và lập biên bản kiểm điểm vắng mặt. Trường hợp này được xác định là vi phạm nghĩa vụ lần 01.
Căn cứ Điều 93 của Luật Thi hành án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triệu tập người được hưởng án treo nhưng người này vẫn không có mặt nên bị lập biên bản nhắc nhở lần 02. Cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triệu tập người được hưởng án treo nếu người này vẫn không có mặt thì lập biên bản xác nhận sự vắng mặt. Trường hợp này được coi là vi phạm nghĩa vụ lần 02.*
Điều 11. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án treo công tác phải thành lập Hội đồng phiên họp xét buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo và thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp.
Thời hạn mở phiên họp không quá 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Trường hợp cần phải bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần làm rõ thêm.
2. Hội đồng phiên họp xét buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo gồm 03 Thẩm phán. Phiên họp xét buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát cùng cấp.
3. Trình tự, thủ tục xét buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo tiến hành như sau:
a) Một thành viên của Hội đồng phiên họp trình bày nội dung văn bản đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo;
b) Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến;
c) Hội đồng thảo luận và quyết định.
4. Trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, Hội đồng phiên họp xét buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có quyền:
a) Chấp nhận đề nghị chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
b) Không chấp nhận đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
5. Quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thực hiện theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị quyết này và có các nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Thành phần của Hội đồng phiên họp; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân; Thư ký phiên họp;
d) Họ tên, nơi cư trú hoặc nơi làm việc và các thông tin cần thiết khác của người bị đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo;
đ) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo;
e) Quyết định của Tòa án về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người bị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, cơ quan đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, Viện Kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở.
7. Quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Việc phúc thẩm quyết định giải quyết đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo được thực hiện theo thủ tục phúc thẩm quyết định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyết định giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thực hiện theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
8. Quyết định giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mà không có kháng cáo hoặc kháng nghị.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 15 tháng 5 năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo. Các hướng dẫn khác của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về án treo trái với Nghị quyết này đều bãi bỏ.
3. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các văn bản hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
4. Đối với các trường hợp cho hưởng án treo trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết này để buộc người được hưởng án treo chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên.
5. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị các Tòa án, cá nhân, cơ quan, tổ chức phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
...
Mẫu số 01-HS QUYẾT ĐỊNH Giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo
*Mẫu số 01-HS bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 10/05/2022*
...
Mẫu số 02-HS QUYẾT ĐỊNH Giải quyết đề nghị buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo
...
Mẫu số 03-HS QUYẾT ĐỊNH Giải quyết(4) ……… Xem nội dung VBĐiều 65. Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này. Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP nay được sửa đổi bởi Điều 1, Điều 2 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 10/5/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:
“2. Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
a) Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
b) Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
c) Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo”.
b) Bổ sung khoản 6 Điều 2 như sau:
“6. Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các trường hợp hướng dẫn tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị quyết này”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau:
“2. Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 3 như sau:
“4. Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
b) Người phạm tội bị xét xử và kết án về 02 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể”.
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 3 như sau:
“5. Người phạm tội 02 lần trở lên, trừ một trong các trường hợp sau:
a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
b) Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng;
c) Các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể;
d) Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú”.
3. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:
“Điều 4a. Xác định thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo đã bị tạm giữ, tạm giam
Thời gian đã tạm giữ, tạm giam đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù để ấn định thời gian thử thách. Trường hợp trong thời gian thử thách nếu họ phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết Tòa án trừ thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam này vào thời gian chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới”.
4. Bổ sung khoản 9 vào Điều 5 như sau:
“9. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lần sau”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
“Điều 10. Trường hợp người được hưởng án treo bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo do cố ý vi phạm nghĩa vụ
1. Người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại điều 87 của Luật Thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên.
2. Vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên đối với trường hợp người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú không xin phép được xác định như sau:
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú không xin phép, cơ quan có thẩm quyền căn cứ Điều 87, Điều 91 và Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, nhắc nhở lần 01 và triệu tập người này để tiếp tục thi hành án nhưng họ vẫn không có mặt theo giấy triệu tập nên cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm vắng mặt và lập biên bản kiểm điểm vắng mặt. Trường hợp này được xác định là vi phạm nghĩa vụ lần 01.
Căn cứ Điều 93 của Luật Thi hành án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triệu tập người được hưởng án treo nhưng người này vẫn không có mặt nên bị lập biên bản nhắc nhở lần 02. Cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triệu tập người được hưởng án treo nếu người này vẫn không có mặt thì lập biên bản xác nhận sự vắng mặt. Trường hợp này được coi là vi phạm nghĩa vụ lần 02”.
Điều 2. Bãi bỏ điều, biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo
1. Bãi bỏ Điều 9.
2. Bãi bỏ Mẫu số 01-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo. Xem nội dung VBĐiều 65. Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP nay được sửa đổi bởi Điều 1, Điều 2 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 10/5/2022 Điểm này được hướng dẫn bởi Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 có hiệu lực từ ngày 04/09/2018 Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao nhận được ý kiến phản ánh của một số Tòa án về vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật việc áp dụng tình tiết nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
“Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc).
Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber.... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự.
Trên đây là ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao để các tòa án nghiên cứu, bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử./. Xem nội dung VBĐiều 321. Tội đánh bạc
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
...
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Điểm này được hướng dẫn bởi Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 có hiệu lực từ ngày 04/09/2018 Điểm này được hướng dẫn bởi Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 có hiệu lực từ ngày 04/09/2018 Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao nhận được ý kiến phản ánh của một số Tòa án về vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật việc áp dụng tình tiết nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
“Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc).
Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber.... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự.
Trên đây là ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao để các tòa án nghiên cứu, bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử./. Xem nội dung VBĐiều 321. Tội đánh bạc
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
...
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Điểm này được hướng dẫn bởi Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 có hiệu lực từ ngày 04/09/2018 Điểm này được hướng dẫn bởi Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 có hiệu lực từ ngày 04/09/2018 Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao nhận được ý kiến phản ánh của một số Tòa án về vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật việc áp dụng tình tiết nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
“Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc).
Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber.... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự.
Trên đây là ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao để các tòa án nghiên cứu, bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử./. Xem nội dung VBĐiều 321. Tội đánh bạc
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
...
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Điểm này được hướng dẫn bởi Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 có hiệu lực từ ngày 04/09/2018 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
...
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Chương I NHỮNG HƯỚNG DẪN CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Về một số tình tiết định tội
...
Điều 3. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
Chương II TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
Điều 4. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài
...
Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
...
Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi
...
Điều 8. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành Xem nội dung VBĐiều 150. Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
...
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Chương I NHỮNG HƯỚNG DẪN CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Về một số tình tiết định tội
...
Điều 3. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
Chương II TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
Điều 4. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài
...
Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
...
Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi
...
Điều 8. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành Xem nội dung VBĐiều 150. Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
...
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Chương I NHỮNG HƯỚNG DẪN CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Về một số tình tiết định tội
...
Điều 3. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
Chương II TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
Điều 4. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài
...
Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
...
Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi
...
Điều 8. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội
...
Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành Xem nội dung VBĐiều 150. Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2, Khoản 15 Điều 2, Khoản 1, 2 Điều 3, Điều 4, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/09/2019 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14; Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 2. Về một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự
1. Lập hồ sơ giả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự là hành vi lập hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong đó có giấy tờ, tài liệu giả (ví dụ: giấy tờ, tài liệu không có thật, không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc cấp không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn...) để thanh toán các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động và chế độ khác theo quy định của pháp luật.
...
15. Thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bị chiếm đoạt.
...
Điều 3. Về một số tình tiết định khung hình phạt
1. Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.
2. Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ khoản 2 các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
...
Điều 4. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền bảo hiểm của các lần bị chiếm đoạt bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần bị chiếm đoạt, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
2. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền của các lần bị thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần gây thiệt hại, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
3. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vừa gây thiệt hại mà số tiền bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản.
Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 150.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.
b) Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn.
Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.
c) Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả hai tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Nguyễn Văn B thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 150.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn B bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.
4. Người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm y tế để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc gây thiệt hại, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại các điều 214 hoặc 215 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
...
Điều 6. Xác định tư cách tố tụng của cơ quan bảo hiểm xã hội
Trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 214 của Bộ luật Hình sự; tội gian lận bảo hiểm y tế theo Điều 215 của Bộ luật Hình sự; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia tố tụng với tư cách là bị hại.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Việc gửi văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Xem nội dung VBĐiều 214. Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;
b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2, Khoản 15 Điều 2, Khoản 1, 2 Điều 3, Điều 4, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/09/2019 Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2 đến Khoản 9 Điều 2, Khoản 15 Điều 2, Khoản 1, 2 Điều 3, Điều 4, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/09/2019 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14; Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 2. Về một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự
...
2. Lập hồ sơ bệnh án khống quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng họ không phải điều trị mà vẫn lập hồ sơ bệnh án cho họ.
3. Kê đơn thuốc khống quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp không có sự việc khám bệnh, chữa bệnh hoặc có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng không có việc sử dụng thuốc mà vẫn kê đơn thuốc cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
4. Kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp có sự việc khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế nhưng kê số lượng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn số lượng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật mà thực tế người bệnh sử dụng hoặc kê thêm các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật mà thực tế người bệnh không sử dụng; kê tăng số lượng ngày điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc kê không đúng tên thuốc, vật tư y tế, loại giường và các dịch vụ kỹ thuật khác mà thực tế người bệnh đã sử dụng để làm tăng tiền chi phí khám bệnh, chữa bệnh thanh toán với quỹ bảo hiểm y tế.
5. Chi phí khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là các chi phí phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bao gồm chi phí tiền thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chi phí giường bệnh (ví dụ: tiền công khám, chi phí vận chuyển người bệnh...).
6. Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là hành vi lập, sử dụng hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế của người khác để hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
7. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người không đóng hoặc không thuộc diện được các tổ chức, nguồn quỹ khác đóng bảo hiểm y tế theo quy định.
8. Thẻ bảo hiểm y tế giả quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là thẻ bảo hiểm y tế không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
9. Thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa quy định tại điểm b khoản 1 Điều 215 của Bộ luật Hình sự là thẻ bảo hiểm y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế nhưng đã bị thu hồi theo quy định của pháp luật và bảo hiểm y tế hoặc thẻ đã bị sửa chữa, làm sai lệch thông tin của người có thẻ.
...
15. Thiệt hại do hành vi phạm tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bị chiếm đoạt.
...
Điều 3. Về một số tình tiết định khung hình phạt
1. Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.
2. Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ khoản 2 các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
...
Điều 4. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền bảo hiểm của các lần bị chiếm đoạt bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần bị chiếm đoạt, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
2. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tổng số tiền của các lần bị thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng số tiền của các lần gây thiệt hại, nếu các hành vi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
3. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vừa gây thiệt hại mà số tiền bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản.
Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 150.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.
b) Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn.
Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 20.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.
c) Nếu số tiền bảo hiểm bị chiếm đoạt, số tiền bị thiệt hại cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả hai tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Nguyễn Văn B thực hiện hành vi lập hồ sơ giả bảo hiểm xã hội chiếm đoạt 150.000.000 đồng và gây thiệt hại 250.000.000 đồng thì Nguyễn Văn B bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.
4. Người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm y tế để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc gây thiệt hại, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại các điều 214 hoặc 215 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
...
Điều 6. Xác định tư cách tố tụng của cơ quan bảo hiểm xã hội
Trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 214 của Bộ luật Hình sự; tội gian lận bảo hiểm y tế theo Điều 215 của Bộ luật Hình sự; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia tố tụng với tư cách là bị hại.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Việc gửi văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Xem nội dung VBĐiều 215. Tội gian lận bảo hiểm y tế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
b) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2 đến Khoản 9 Điều 2, Khoản 15 Điều 2, Khoản 1, 2 Điều 3, Điều 4, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/09/2019 Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 10 đến Khoản 14 Điều 2, Khoản 3 khoản 4 Điều 3, Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/09/2019 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14; Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 2. Về một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự
...
10. Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
11. Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.
12. Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người sử dụng lao động không gửi hồ sơ đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
13. Không đóng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
14. 06 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên.
Ví dụ: Trong thời gian từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019, Doanh nghiệp A không đóng bảo hiểm xã hội 04 tháng trong năm 2018 (gồm các tháng 5, 7, 9 và 11) và 02 tháng trong năm 2019 (tháng 01 và tháng 02) là không đóng bảo hiểm xã hội 06 tháng cộng dồn trở lên.
...
Điều 3. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
3. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm a khoản 2 Điều 216 của Bộ luật Hình sự; là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người sử dụng lao động đã thu hoặc đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm.
...
Điều 5. Xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018
1. Đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự mà tùy từng trường hợp xử lý như sau:
a) Trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
b) Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
c) Trường hợp gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
2. Không coi việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự.
...
Điều 6. Xác định tư cách tố tụng của cơ quan bảo hiểm xã hội
Trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 214 của Bộ luật Hình sự; tội gian lận bảo hiểm y tế theo Điều 215 của Bộ luật Hình sự; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia tố tụng với tư cách là bị hại.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Việc gửi văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Xem nội dung VBĐiều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng. Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 10 đến Khoản 14 Điều 2, Khoản 3 khoản 4 Điều 3, Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/09/2019 Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 7, 8, 9 Điều 3, Khoản 1, 2, 3 Điều 4, Điều 6,Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Để áp dụng đúng, thống nhất một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Về một số tình tiết định tội
1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
2. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
...
7. Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:
a) Ngưòi bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật... dẫn đến không thể chống cự được);
b) Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác... dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).
8. Thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự bao gồm các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
9. Trái với ý muốn của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và điểm a khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là người bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung
1. Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141, điểm a khoản 2 Điều 142, điểm d khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 2 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;
b) Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;
c) Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;
d) Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;
đ) Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.
2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Nhiều người hiếp một người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141 và điểm b khoản 3 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là trường hợp 02 người trở lên hiếp dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau hiếp dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi hiếp dâm.
Không coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người hiếp dâm (trường hợp này là đồng phạm).
...
Điều 6. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
2. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
3. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.
Điều 7. Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;
b) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
2. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:
a) Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;
b) Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
c) Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;
d) Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
đ) Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:
a) Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...).
b) Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
c) Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
d) Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
đ) Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
4. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:
a) Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
b) Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
c) Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
d) Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
đ) Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
e) Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
g) Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
5. Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.
6. Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng hình sự; hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan. Xem nội dung VBĐiều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 7, 8, 9 Điều 3, Khoản 1, 2, 3 Điều 4, Điều 6,Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 7, 8, 9 Điều 3, Khoản 1, 2, 3 Điều 4, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Để áp dụng đúng, thống nhất một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Về một số tình tiết định tội
1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
2. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
...
7. Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:
a) Ngưòi bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật... dẫn đến không thể chống cự được);
b) Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác... dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).
8. Thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự bao gồm các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
9. Trái với ý muốn của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và điểm a khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là người bị hại không đồng ý, phó mặc hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí của mình đối với hành vi quan hệ tình dục cố ý của người phạm tội.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung
1. Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141, điểm a khoản 2 Điều 142, điểm d khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 2 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;
b) Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;
c) Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;
d) Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;
đ) Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.
2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Nhiều người hiếp một người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141 và điểm b khoản 3 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là trường hợp 02 người trở lên hiếp dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau hiếp dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi hiếp dâm.
Không coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người hiếp dâm (trường hợp này là đồng phạm).
...
Điều 6. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
2. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
3. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.
Điều 7. Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;
b) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
2. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:
a) Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;
b) Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
c) Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;
d) Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
đ) Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:
a) Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...).
b) Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
c) Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
d) Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
đ) Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
4. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:
a) Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
b) Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
c) Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
d) Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
đ) Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
e) Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
g) Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
5. Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.
6. Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng hình sự; hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan. Xem nội dung VBĐiều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Đối với 02 người trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 7, 8, 9 Điều 3, Khoản 1, 2, 3 Điều 4, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 10, 11 Điều 3, Khoản 1, 2, 4 Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Để áp dụng đúng, thống nhất một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Về một số tình tiết định tội
1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
2. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
...
10. Người lệ thuộc quy định tại khoản 1 Điều 143 và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình quy định tại khoản 1 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày...) hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng (ví dụ: người bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội; người bị hại là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn...).
11. Người đang ở trong tình trạng quẫn bách quy định tại khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị hại đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách nhưng không tự mình khắc phục được mà cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác (ví dụ: không có tiền chữa bệnh hiểm nghèo; không có tiền để chuộc con mình đang bị bắt cóc...).
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung
1. Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141, điểm a khoản 2 Điều 142, điểm d khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 2 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;
b) Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;
c) Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;
d) Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;
đ) Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.
2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
4. Nhiều người cưỡng dâm một người quy định tại điểm a khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 3 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp 02 người trở lên cưỡng dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người cưỡng dâm một người” nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau cưỡng dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi cưỡng dâm.
Không coi là “nhiều người cưỡng dâm một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người cưỡng dâm (trường hợp này là đồng phạm).
...
Điều 6. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
2. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
3. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.
Điều 7. Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;
b) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
2. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:
a) Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;
b) Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
c) Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;
d) Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
đ) Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:
a) Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...).
b) Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
c) Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
d) Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
đ) Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
4. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:
a) Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
b) Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
c) Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
d) Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
đ) Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
e) Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
g) Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
5. Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.
6. Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng hình sự; hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan. Xem nội dung VBĐiều 143. Tội cưỡng dâm
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Cưỡng dâm 02 lần trở lên;
c) Cưỡng dâm 02 người trở lên;
d) Có tính chất loạn luân;
đ) Làm nạn nhân có thai;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
c) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 10, 11 Điều 3, Khoản 1, 2, 4 Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 10, 11 Điều 3, Khoản 1, 2, 4 Điều 4, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Để áp dụng đúng, thống nhất một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Về một số tình tiết định tội
1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
2. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
...
10. Người lệ thuộc quy định tại khoản 1 Điều 143 và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình quy định tại khoản 1 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày...) hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng (ví dụ: người bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội; người bị hại là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn...).
11. Người đang ở trong tình trạng quẫn bách quy định tại khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị hại đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách nhưng không tự mình khắc phục được mà cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác (ví dụ: không có tiền chữa bệnh hiểm nghèo; không có tiền để chuộc con mình đang bị bắt cóc...).
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung
1. Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141, điểm a khoản 2 Điều 142, điểm d khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 2 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;
b) Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;
c) Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;
d) Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;
đ) Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.
2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
4. Nhiều người cưỡng dâm một người quy định tại điểm a khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 3 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp 02 người trở lên cưỡng dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người cưỡng dâm một người” nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau cưỡng dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi cưỡng dâm.
Không coi là “nhiều người cưỡng dâm một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người cưỡng dâm (trường hợp này là đồng phạm).
...
Điều 6. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
2. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
3. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.
Điều 7. Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;
b) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
2. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:
a) Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;
b) Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
c) Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;
d) Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
đ) Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:
a) Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...).
b) Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
c) Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
d) Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
đ) Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
4. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:
a) Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
b) Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
c) Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
d) Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
đ) Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
e) Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
g) Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
5. Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.
6. Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng hình sự; hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan. Xem nội dung VBĐiều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 10, 11 Điều 3, Khoản 1, 2, 4 Điều 4, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, Khoản 2 Điều 3, Khoản 2 Điều 4, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Để áp dụng đúng, thống nhất một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Về một số tình tiết định tội
1. Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
2. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung
...
2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
Điều 6. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
2. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
3. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.
Điều 7. Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;
b) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
2. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:
a) Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;
b) Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
c) Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;
d) Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
đ) Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:
a) Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...).
b) Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
c) Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
d) Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
đ) Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
4. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:
a) Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
b) Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
c) Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
d) Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
đ) Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
e) Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
g) Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
5. Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.
6. Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng hình sự; hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan. Xem nội dung VBĐiều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Có tính chất loạn luân;
d) Làm nạn nhân có thai;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, Khoản 2 Điều 3, Khoản 2 Điều 4, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 3, Khoản 2 Điều 4, Khoản 1 Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Để áp dụng đúng, thống nhất một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Về một số tình tiết định tội
...
3. Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung
...
2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
Điều 5. Các trường hợp loại trừ xử lý hình sự
1. Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...);
b) Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước...).
...
Điều 6. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
2. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
3. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.
Điều 7. Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;
b) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
2. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:
a) Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;
b) Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
c) Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;
d) Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
đ) Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:
a) Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...).
b) Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
c) Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
d) Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
đ) Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
4. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:
a) Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
b) Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
c) Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
d) Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
đ) Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
e) Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
g) Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
5. Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.
6. Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng hình sự; hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan. Xem nội dung VBĐiều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 3, Khoản 2 Điều 4, Khoản 1 Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 4, 5, 6 Điều 3, Khoản 2 Điều 4, Khoản 2 Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Để áp dụng đúng, thống nhất một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Về một số tình tiết định tội
...
4. Trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức.
5. Trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến người khác trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.
6. Các hình thức biểu hiện trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Hình sự:
a) Trực tiếp trình diễn khiêu dâm trước mặt người dưới 16 tuổi hoặc dụ dỗ người dưới 16 tuổi trực tiếp trình diễn khiêu dâm;
b) Chiếu trực tiếp cảnh trình diễn khiêu dâm có sự tham gia của người dưới 16 tuổi;
c) Dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi tự chụp, quay lại cảnh trình diễn khiêu dâm của mình sau đó phát tán;
d) Dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi khỏa thân và truyền tải trực tiếp âm thanh, hình ảnh qua internet (livestream);
đ) Trình chiếu các ấn phẩm đồi trụy có sử dụng người dưới 16 tuổi hoặc hình ảnh mô phỏng người dưới 16 tuổi (hoạt hình, nhân vật được tạo ra bằng công nghệ số);
e) Mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết này;
g) Các hình thức biểu hiện khác của trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung
...
2. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
Điều 5. Các trường hợp loại trừ xử lý hình sự
...
2. Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người làm công tác giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người vì mục đích giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế.
Điều 6. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
2. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
3. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.
Điều 7. Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;
b) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
2. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:
a) Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;
b) Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
c) Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;
d) Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
đ) Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:
a) Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...).
b) Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
c) Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
d) Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
đ) Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
4. Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:
a) Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
b) Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
c) Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
d) Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
đ) Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
e) Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
g) Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
5. Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.
6. Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng hình sự; hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan. Xem nội dung VBĐiều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Có mục đích thương mại;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 4, 5, 6 Điều 3, Khoản 2 Điều 4, Khoản 2 Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019 Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2019 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Về một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự
1. “Tình trạng hoảng sợ trong công chúng” quy định tại khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là trạng thái tâm lý lo lắng, sợ hãi, hoang mang của người dân về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ (ví dụ: hành vi gây nổ ở khu vực bến xe làm cho người dân lo lắng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ khi tham gia giao thông).
Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người (ví dụ: quảng trường, trung tâm thương mại, nơi giao cắt đường giao thông, tại nhà ga các phương tiện giao thông, trên các phương tiện giao thông, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện, khu dân cư, tại các tòa nhà,...).
Hành vi được thực hiện ở những địa điểm có tính biệt lập, không phải nơi công cộng (ví dụ: tại nhà riêng hoặc trong trụ sở cơ quan...) nhưng nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo Điều 299 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.
2. “Phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi làm cho tài sản mất giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được.
3. “Đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này” quy định tại khoản 3 Điều 299 của Bộ luật Hình sự có thể được thực hiện bằng lời nói, gửi tin nhắn, hình ảnh hoặc bằng các hành vi khác làm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân biết được và lo sợ về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.
4. “Hành vi khác uy hiếp tinh thần” quy định tại khoản 3 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi lôi kéo, kích động, cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị uy hiếp hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của thân nhân người bị uy hiếp hoặc các hành vi khác nhằm làm cho người bị uy hiếp lo sợ, cản trở khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ một cách bình thường.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
1. “Chiếm giữ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi chiếm đoạt, nắm giữ, chi phối trái phép quyền quản lý, sở hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. “Làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi cố ý làm giảm giá trị sử dụng của tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản nhưng có thể khôi phục lại được.
3. Tấn công, xâm hại mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm d khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động bình thường, an toàn và bảo mật của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
b) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
c) Xâm nhập, làm tổn hại, chiếm đoạt dữ liệu được lưu trữ, truyền đưa qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
d) Xâm nhập, tạo ra hoặc khai thác điểm yếu, lỗ hổng bảo mật và dịch vụ hệ thống của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
đ) Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của các cơ quan, tổ chức thiết yếu, cơ mật (ví dụ: Chính phủ, cơ quan Quân sự, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,...);
e) Chiếm quyền điều hành hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
đ) Hành vi khác gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
4. Cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm d khoản 2 Điều 299 Bộ luật Hình sự là hành vi xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
...
Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người thực hiện một hành vi phạm tội vừa có dấu hiệu của tội khủng bố vừa có dấu hiệu của tội phạm khác nhẹ hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố.
Ví dụ: Nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, Nguyễn Văn A và đồng phạm đã dùng mìn phá hủy một số xe ô tô đang để trong sân của Công ty B. Trong trường hợp này, A và đồng phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi phạm tội, trong đó có hành vi có dấu hiệu tội khủng bố, có hành vi có dấu hiệu của tội phạm khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố và tội phạm khác, nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.
Ví dụ: Nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, Nguyễn Văn A và đồng phạm đã dùng mìn phá hủy một số xe ô tô đang để trong sân của Công ty H. Sau đó, Nguyễn Văn A lại lấy trộm xe máy trị giá 40 triệu đồng của anh Trần Văn C (là nhân viên của Công ty B) để cùng đồng phạm bỏ trốn. Trong trường hợp này, A và đồng phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự và tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật Hình sự.
3. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng không nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố mà tùy từng trường hợp cụ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.
Ví dụ: Do mâu thuẫn cá nhân, Nguyễn Văn A đã giết và phân xác chị Nguyễn Thị C ra làm nhiều phần rồi đem đi phi tang. Hành vi của Nguyễn Văn A gây hoang mang trong dư luận, nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội A không nhằm mục đích gây hoảng sợ trong công chúng mà chỉ nhằm trả thù cá nhân. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 của Bộ luật Hình sự. Xem nội dung VBĐiều 299. Tội khủng bố
1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2019 Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2019 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Về một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự
1. “Tình trạng hoảng sợ trong công chúng” quy định tại khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là trạng thái tâm lý lo lắng, sợ hãi, hoang mang của người dân về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ (ví dụ: hành vi gây nổ ở khu vực bến xe làm cho người dân lo lắng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ khi tham gia giao thông).
Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người (ví dụ: quảng trường, trung tâm thương mại, nơi giao cắt đường giao thông, tại nhà ga các phương tiện giao thông, trên các phương tiện giao thông, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện, khu dân cư, tại các tòa nhà,...).
Hành vi được thực hiện ở những địa điểm có tính biệt lập, không phải nơi công cộng (ví dụ: tại nhà riêng hoặc trong trụ sở cơ quan...) nhưng nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo Điều 299 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.
2. “Phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi làm cho tài sản mất giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được.
3. “Đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này” quy định tại khoản 3 Điều 299 của Bộ luật Hình sự có thể được thực hiện bằng lời nói, gửi tin nhắn, hình ảnh hoặc bằng các hành vi khác làm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân biết được và lo sợ về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.
4. “Hành vi khác uy hiếp tinh thần” quy định tại khoản 3 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi lôi kéo, kích động, cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị uy hiếp hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của thân nhân người bị uy hiếp hoặc các hành vi khác nhằm làm cho người bị uy hiếp lo sợ, cản trở khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ một cách bình thường.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
1. “Chiếm giữ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi chiếm đoạt, nắm giữ, chi phối trái phép quyền quản lý, sở hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. “Làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi cố ý làm giảm giá trị sử dụng của tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản nhưng có thể khôi phục lại được.
3. Tấn công, xâm hại mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm d khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động bình thường, an toàn và bảo mật của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
b) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
c) Xâm nhập, làm tổn hại, chiếm đoạt dữ liệu được lưu trữ, truyền đưa qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
d) Xâm nhập, tạo ra hoặc khai thác điểm yếu, lỗ hổng bảo mật và dịch vụ hệ thống của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
đ) Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của các cơ quan, tổ chức thiết yếu, cơ mật (ví dụ: Chính phủ, cơ quan Quân sự, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,...);
e) Chiếm quyền điều hành hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
đ) Hành vi khác gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
4. Cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm d khoản 2 Điều 299 Bộ luật Hình sự là hành vi xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
...
Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người thực hiện một hành vi phạm tội vừa có dấu hiệu của tội khủng bố vừa có dấu hiệu của tội phạm khác nhẹ hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố.
Ví dụ: Nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, Nguyễn Văn A và đồng phạm đã dùng mìn phá hủy một số xe ô tô đang để trong sân của Công ty B. Trong trường hợp này, A và đồng phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi phạm tội, trong đó có hành vi có dấu hiệu tội khủng bố, có hành vi có dấu hiệu của tội phạm khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố và tội phạm khác, nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.
Ví dụ: Nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, Nguyễn Văn A và đồng phạm đã dùng mìn phá hủy một số xe ô tô đang để trong sân của Công ty H. Sau đó, Nguyễn Văn A lại lấy trộm xe máy trị giá 40 triệu đồng của anh Trần Văn C (là nhân viên của Công ty B) để cùng đồng phạm bỏ trốn. Trong trường hợp này, A và đồng phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự và tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật Hình sự.
3. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng không nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố mà tùy từng trường hợp cụ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.
Ví dụ: Do mâu thuẫn cá nhân, Nguyễn Văn A đã giết và phân xác chị Nguyễn Thị C ra làm nhiều phần rồi đem đi phi tang. Hành vi của Nguyễn Văn A gây hoang mang trong dư luận, nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội A không nhằm mục đích gây hoảng sợ trong công chúng mà chỉ nhằm trả thù cá nhân. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 của Bộ luật Hình sự. Xem nội dung VBĐiều 299. Tội khủng bố
1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Một số nội dung tại Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3, Điều 4, Điều 5 Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/12/2019 Áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ được hướng dẫn bởi Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/02/2021 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự) về các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ; xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra; xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm.
Điều 2. Về một số từ ngữ
1. “Cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 1 Điều 352 của Bộ luật Hình sự bao gồm cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
2. “Cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước” là cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 9 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.
3. “Doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước” quy định tại các điều 353, 354, 364 và 365 của Bộ luật Hình sự là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều này.
4. “Người có chức vụ” quy định tại khoản 2 Điều 352 của Bộ luật Hình sự là những người quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
5. “Do một hình thức khác” quy định tại khoản 2 Điều của 352 Bộ luật Hình sự là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó.
Ví dụ: Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia trực tại chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19.
6. “Chủ động khai báo trước khi bị phát giác” quy định tại khoản 7 Điều 364 và khoản 6 Điều 365 của Bộ luật Hình sự là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.
7. “Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.
Đối với trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 4.000.000.000 đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 2.000.000.000 đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã chuyển nhượng nhà đất là tài sản riêng của mình để thay A nộp lại số tiền 3.000.000.000 đồng thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô.
8. “Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi phạm tội tham nhũng hoặc các tội phạm khác về chức vụ, người phạm tội đã chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.
9. “Lập công lớn” là trường hợp người phạm tội đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân trong thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.
Điều 3. Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội
1. “Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại điểm a khoản 1 các điều 353, 354, 355 và 358 của Bộ luật Hình sự là trường hợp trước đó người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tương ứng nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về hành vi tham ô số tiền 500.000 đồng nhưng 06 tháng sau, A lại thực hiện hành vi tham ô số tiền 1.500.000 đồng.
Trường hợp người có hành vi vi phạm đã bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật, sau đó lại bị cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự về chính hành vi này thì việc bị xử lý kỷ luật trước đó không bị coi là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản, sau đó A lại bị xem xét khởi tố về chính hành vi tham ô này thì không được áp dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” đối với A.
2. “Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” quy định tại khoản 1 các điều 353, 354 và 355 của Bộ luật Hình sự là trước đó người phạm tội đã bị kết án trong 01 lần về một hoặc nhiều tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê tại khoản 1 của một trong các điều 353, 354 và 355 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp ngoài tiền án nêu trên, người phạm tội còn có tiền án khác thì tiền án này được sử dụng để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, trừ trường hợp các tiền án đều đã được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội trong các lần kết án trước đó.
Ví dụ: Trước khi thực hiện hành vi phạm tội nhận hối lộ số tiền là 1.500.000 đồng, A đã có 02 tiền án, trong đó tiền án thứ nhất, A bị kết án về tội tham ô tài sản với số tiền chiếm đoạt là 5.000.000 đồng; tiền án thứ hai, A bị kết án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt là 1.000.000 đồng. Trường hợp này, tiền án thứ hai được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội đối với tội tham ô tài sản. Đối với tiền án thứ nhất, do trước đó đã được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (với số tiền chiếm đoạt là 1.000.000 đồng) nên không được tiếp tục sử dụng để xác định tái phạm.
3. “Lợi ích vật chất khác” quy định tại các điều 354, 358, 364 và 366 của Bộ luật Hình sự là lợi ích vật chất không phải là tài sản quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự.
Ví dụ: Hối lộ bằng cách tài trợ kinh phí đi du học, đi du lịch, ...
4. “Lợi ích phi vật chất” quy định tại điểm b khoản 1 các điều 354, 358, 364, 365 và 366 của Bộ luật Hình sự là những lợi ích không phải lợi ích vật chất.
Ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục,...
5. “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.
Ví dụ: Nguyễn Văn A là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. A chỉ được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội, không được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai nhưng A vần ra quyết định thu hồi đất của Công ty X để giao cho Công ty Y (là Công ty của gia đình A). Trường hợp này hành vi của A đã vượt quá chức trách, nhiệm vụ được giao.
6. “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 356 của Bộ luật Hình sự là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.
Ví dụ: Nguyễn Văn A là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B đã thực hiện hành vi trái công vụ, trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện B ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
7. “Vụ lợi” quy định tại khoản 1 các điều 356, 357 và 359 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
8. “Động cơ cá nhân khác” quy định tại khoản 1 các điều 356, 357 và 359 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm khẳng định, củng cố, nâng cao địa vị, uy tín, quyền lực của mình một cách không chính đáng.
9. Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra quy định tại các điều 353, 354, 355 và 358 của Bộ luật Hình sự là thiệt hại thực tế xảy ra và có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội, không bao gồm tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác mà người phạm tội đã hoặc sẽ chiếm đoạt.
Ví dụ: Nguyễn Văn A là Thủ kho của Công ty B có hành vi tham ô số tiền thuốc phòng dịch trị giá 200.000.000 đồng. Do không có thuốc phòng dịch nên dẫn đến hậu quả là toàn bộ số gia cầm trị giá 10.000.000.000 đồng của Công ty B bị chết. Trong trường hợp này, phải xác định số tiền A chiếm đoạt là 200.000.000 đồng và thiệt hại thực tế do hành vi phạm tội của A là 10.000. 000.000 đồng.
10. “Bí mật công tác” quy định tại Điều 361 và Điều 362 của Bộ luật Hình sự là thông tin công tác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào (ví dụ: văn bản, dự thảo văn bản, bài phát biểu, hình ảnh...) mà cơ quan, tổ chức quy định không được để lộ cho người khác biết và các thông tin này không thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
1. Tình tiết “dùng thủ đoạn xảo quyệt” hoặc “dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại khoản 2 các điều 353, 354, 355, 364 và 365 của Bộ luật Hình sự:
a) “Dùng thủ đoạn xảo quyệt” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá một cách tinh vi, sử dụng công nghệ cao đê thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc người phạm tội có hành vi tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
b) “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng khác để chiếm đoạt tài sản hoặc che giấu tội phạm.
2. Tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại khoản 2 các điều 353, 354, 355, 356, 357, 358, 361, 364, 365 và 366 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điều này từ 02 lần trở lên và mỗi hành vi đều cấu thành tội phạm, nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Ngày 15-8-2018, Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 10.000.000 đồng. Ngày 25-9-2019, A lại có hành vi tham ô số tiền 20.000.000 đồng. Các hành vi phạm tội của A đều chưa bị xử lý hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản và bị áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 353 của Bộ luật Hình sự.
3. Tình tiết “ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 353 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau:
a) Làm mất hoặc giảm sút thu nhập thường xuyên, thu nhập tăng thêm hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
b) Gây khiếu nại, tố cáo bức xúc, làm mất đoàn kết, mất niềm tin trong nội bộ cơ quan, tổ chức ảnh hưởng đến tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
4. Tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại khoản 3 các điều 353, 355 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau:
a) Gây khiếu kiện đông người, biểu tình, gây rối để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước;
b) Gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân;
c) Gây khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ví dụ: Nguyễn Văn A tham ô tiền hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế dẫn đến Ủy ban nhân dân xã B gặp khó khăn trong việc triển khai chính sách xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Điều 5. Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ
1. Việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.
2. Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
3. Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
b) Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;
c) Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;
d) Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Điều 6. Xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt trong trường hợp tách vụ án
Trường hợp vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) thì việc xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt được thực hiện như sau:
1. Không coi việc người phạm tội đã bị kết án trong vụ án trước đó là căn cứ xác định “phạm tội 02 lần trở lên”, trừ trường hợp các hành vi phạm tội bị xem xét, xử lý hình sự trong các giai đoạn là độc lập với nhau;
2. Không coi việc người phạm tội đã bị kết án trong vụ án trước đó là có nhân thân không tốt để không cho hưởng án treo, nếu họ có đủ các điều kiện khác đổ được hưởng án treo;
3. Việc quyết định hình phạt trong từng bản án, quyết định phải bảo đảm khi tổng hợp hình phạt của các bản án không được vượt quá mức cao nhất của khung hình phạt tương ứng với tổng trị giá tài sản bị chiếm đoạt, của hối lộ hoặc thiệt hại do tội phạm gây ra.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi lạm quyền trong thi hành công vụ. Do bước đầu chỉ chứng minh được A gây thiệt hại tài sản trị giá 100.000.000 đồng nên cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết định tách thành 02 vụ án, xử lý trước đối với A về hành vi gây thiệt hại số tiền 100.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó ở giai đoạn 2 cơ quan tiến hành tố tụng lại chứng minh được hành vi của A còn gây thiệt hại tài sản trị giá 350.000.000 đồng. Tại giai đoạn 1, Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Hình sự kết án A 05 năm tù về tội lạm quyền trong thi hành công vụ. Khi xét xử vụ án ở giai đoạn 2, A tiếp tục bị truy tố theo khoản 2 Điều của 357 của Bộ luật Hình sự, để bảo đảm khi tổng hợp hình phạt của cả 02 bản án không vượt quá mức cao nhất của khoản này thì Tòa án chỉ được quyết định hình phạt không quá 05 năm tù đối với A.
Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người sử dụng tài sản do tham nhũng mà có để thực hiện một trong các hành vi rửa tiền
Trường hợp người sử dụng tài sản do tham nhũng mà có để thực hiện một trong các hành vi rửa tiền quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm tương ứng quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 5.000.000.000 đồng, sau đó A dùng số tiền này đầu tư, kinh doanh bất động sản để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền đã tham ô. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự vê tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 và tội rửa tiền quy định tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự.
Điều 8. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự
1. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, nhưng mỗi lần trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ, gây thiệt hại về tài sản dưới mức tối thiểu quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi đó chưa có lần nào bị xử lý kỷ luật và chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật, nếu tống trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc thiệt hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản chiếm đoạt tài sản, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại.
Ví dụ: Ngày 15-8-2019, Nguyễn Văn A có hành vi nhận hối lộ số tiền 1.500.000 đồng; ngày 15-9-2019, A tiếp tục nhận hối lộ số tiền 2.500.000 đồng; ngày 30-12-2019, A lại tiếp tục nhận hối lộ số tiền 4.500.000 đồng bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Các hành vi này của A đều chưa bị xử lý kỷ luật và chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Trường hợp này, tổng số tiền nhận hối lộ của A được xác định là 8.500.000 đồng nên A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 354 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm và tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại của các lần vi phạm thuộc khung hình phạt tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại, họ còn bị áp dụng tình tiết định khung tặng nặng hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:
a) Nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại thuộc khoản 2 của điều luật tương ứng thì người phạm tội bị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”.
Ví dụ: Ngày 15-8-2019, Nguyễn Văn A có hành vi nhận hối lộ số tiền 50.000.000 đồng; ngày 30-6-2020, A lại tiếp tục nhận hối lộ số tiền 100.000.000 đồng bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Trường hợp này, A bị áp dụng 02 tình tiết tăng nặng định khung là: “của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” và “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm c và điểm đ khoản 2 Điều 354 của Bộ luật Hình sự.
b) Nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt hoặc của hối lộ nhận hoặc tài sản thiệt hại thuộc khung hình phạt tăng nặng khác thì người phạm tội bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên”.
Ví dụ: Ngày 11-3-2019, Nguyễn Văn A có hành vi nhận hối lộ số tiền 400.000. 000 đồng; ngày 30-7-2020, A lại tiếp tục nhận hối lộ số tiền 200.000. 000 đồng bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết tặng nặng định khung hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 354 và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Điều 9. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội vừa chiếm đoạt tài sản, nhận của hối lộ vừa gây thiệt hại về tài sản
Trường hợp người phạm tội vừa chiếm đoạt tài sản, nhận của hối lộ, vừa gây thiệt hại về tài sản mà trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ và trị giá tài sản thiệt hại thuộc các điểm trong cùng một khung hình phạt thì truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo các điểm tương ứng của khung hình phạt đó. Trường hợp trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ và trị giá tài sản thiệt hại thuộc các khung hình phạt khác nhau thì truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo khung hình phạt cao hơn.
Điều 10. Xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra
1. Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn.
2. Thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự tùy từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:
a) Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.
b) Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.
c) Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.
3. Việc xem xét trách nhiệm dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Điều 11. Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm
1. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải xem xét áp dụng ngay biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội nếu các tài sản này chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn điều tra, truy tố.
2. Tòa án xem xét, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu hủy hoặc buộc trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật đối với tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, bao gồm:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Tiền, tài sản bị chiếm đoạt;
c) Của hối lộ;
d) Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
đ) Khoản thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội;
e) Lợi nhuận, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản do phạm tội mà có;
g) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
3. Tài sản thuộc trường hợp bị tịch thu sung ngân sách nhà nước không còn tại thời điểm giải quyết vụ án thì Tòa án quyết định tịch thu trị giá tài sản theo kết luận định giá của cơ quan có thẩm quyền.
4. Trường hợp tài sản có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ đã được nhập vào khối tài sản thuộc sở hữu chung thì Tòa án chỉ tịch thu hoặc buộc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với phần tài sản có nguồn gốc từ tội phạm. Lợi nhuận thu được từ khối tài sản chung này cùng được chia theo tỷ lệ để tịch thu hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 30 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
2. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Xem nội dung VBChương XXIII CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ Áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ được hướng dẫn bởi Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/02/2021 Điều này được hướng dẫn bởi Mục 2.1, Mục 2.3 đến Mục 2.9 Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 có hiệu lực từ ngày 20/04/2021 Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân các cấp (VKSND) đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, góp phần phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật để xử lý các tội phạm trong lĩnh vực này gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Trên cơ sở báo cáo của VKSND địa phương, ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối cao (Vụ 1, Vụ 14), Bộ Công an (A09) và Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học), VKSND tối cao hướng dẫn nghiệp vụ như sau:
...
2. Một số vấn đề cụ thể
2.1. Phân biệt hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” (Điều 348 BLHS) với hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” (Điều 349 BLHS)
Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 BLHS là vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới. Ví dụ: A được trả tiền để dẫn 03 người qua đường mòn khu vực biên giới Việt Nam sang Trung Quốc.
Còn hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài quy định tại Điều 349 BLHS là tổ chức, môi giới cho người khác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với mục đích để người đó trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tổng kết thực tiễn thấy, người trốn đi nước ngoài chủ yếu nhằm trốn tránh pháp luật Việt Nam (trốn truy nã, trốn nợ,...) hoặc để lao động, cư trú trái phép ở nước ngoài...; người phạm tội thường thực hiện một chuỗi hành vi, như: Thỏa thuận với khách (chi phí, thời gian, địa điểm đi, đến, phương tiện, thủ đoạn trốn,...).
Ví dụ 1: A biết B đang bị cấm xuất cảnh, đã thuê người dẫn B qua đường mòn, lối mở để trốn sang Trung Quốc.
Ví dụ 2: C có mục đích đưa D đi Hàn Quốc để lao động bất hợp pháp nên đã làm thủ tục (thành lập Công ty, làm hồ sơ để D là nhân viên của Công ty, làm Visa cho D,...) để D đi Hàn Quốc và ở lại lao động bất hợp pháp.
...
2.3. Việc xử lý trong trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại Điều 348 BLHS
Điều 348 BLHS quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau (tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép). Trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội độc lập mà mỗi hành vi đều cấu thành một tội độc lập thì xử lý về nhiều tội. Ví dụ 1: A tổ chức cho B xuất cảnh trái phép, sau đó A lại tổ chức cho B nhập cảnh trái phép, thì bị xử lý về 02 tội.
Trường hợp người phạm tội có mục đích cho người khác ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho người đó nhập cảnh trái phép để ở lại Việt Nam (hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép là điều kiện để thực hiện hành vi tổ chức ở lại Việt Nam trái phép), thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Ví dụ 2: C có mục đích cho E ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho E nhập cảnh trái phép để E ở lại Việt Nam, thì C bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 BLHS.
2.4. Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348 BLHS) đối với người đã nhập cảnh hợp pháp hoặc nhập cảnh trái phép
Việc người đã nhập cảnh hợp pháp hoặc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không ảnh hưởng đến việc định tội đối với người tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
2.5. Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép (Điều 348 BLHS) hoặc tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài (Điều 349 BLHS) nhưng chưa đưa được qua biên giới thì bị phát hiện, bắt giữ
Đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hoặc trốn đi nước ngoài nhưng chưa đưa được qua biên giới, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đưa được qua biên giới mà bị phát hiện, bắt giữ, nhưng người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt.
2.6. Việc xử lý đối với trường hợp đưa người đã nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam
Trường hợp đưa dẫn người nhập cảnh trái phép đi sâu vào nội địa Việt Nam, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì xử lý về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm. Trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Ví dụ 1: A biết B sẽ tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua biên giới Lạng Sơn để vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì vụ lợi vẫn giúp B đưa người nước ngoài từ Lạng Sơn vào Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp này, A bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm.
Ví dụ 2: C hành nghề lái xe ô tô Grab, biết rõ một số người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đang có nhu cầu đi từ khu vực biên giới vào TP. Hà Nội để tìm việc làm. Vì vụ lợi, C đồng ý chở các đối tượng này và bị bắt giữ trên đường. Trường hợp này, xem xét xử lý C về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
2.7. Về việc xử lý hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 341 BLHS) của người tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
Trường hợp người có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, thì tùy trường hợp cụ thể để phân loại, xử lý. Nếu hành vi xâm phạm nhiều khách thể khác nhau và cấu thành các tội phạm cụ thể thì xử lý về nhiều tội (vận dụng điểm 10 mục 1 phần I Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TAND tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử).
2.8. Việc xác định yếu tố “vụ lợi” quy định tại Điều 348 BLHS
Yếu tố “vụ lợi” quy định tại khoản 1 Điều 348 BLHS là động cơ người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Qua thực tiễn thấy, động cơ của người phạm tội chủ yếu vì lợi ích vật chất; trường hợp người phạm tội vì lợi ích phi vật chất thì cần phải chứng minh rõ lợi ích phi vật chất đó để bảo đảm việc buộc tội có căn cứ.
2.9. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS
Trường hợp người phạm tội thu tiền để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép hoặc trốn đi nước ngoài, đã chi phí một số khoản tiền thì tùy trường hợp cụ thể để xem xét, xác định là thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS. Đối với số tiền đã chi thực tế và hợp lý cho việc tổ chức, môi giới như: Chi phí làm visa, mua vé máy bay, thuê dịch vụ vận tải,... thì không tính vào số tiền đã thu lợi bất chính. Xem nội dung VBĐiều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi khoản 1 đến khoản 3 và khoản 5 Điều 4 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 4. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam
1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép quy định tại Điều 348 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm:
a) Không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;
b) Làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản không đúng khu vực được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chấp thuận hoặc giấy phép khai thác hết hạn.
2. Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam hướng dẫn tại khoản 1 Điều này là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chỉ huy, phân công, điều hành không làm thủ tục xuất cảnh theo quy định hoặc có làm thủ tục xuất cảnh nhưng sau khi xuất cảnh đã tẩy, xóa số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng với thông tin do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Chỉ huy, phân công, điều hành đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam;
c) Chỉ huy, phân công, điều hành sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên của tổ chức nghề cá khu vực;
d) Chỉ huy, phân công, điều hành việc thay đổi, xóa bỏ nhật ký hành trình trên máy định vị vệ tinh;
đ) Chuẩn bị, cung cấp tàu cá; tạo các điều kiện vật chất, hậu cần như ứng tiền, lương thực, thực phẩm, cung cấp dụng cụ, ngư cụ đánh bắt thủy sản và các điều kiện khác cho ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam;
e) Tuyển ngư dân và đưa họ đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam;
g) Thực hiện những công việc khác để đưa tàu cá và ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.
3. Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam hướng dẫn tại khoản 1 Điều này là việc cá nhân làm trung gian để hỗ trợ, chuẩn bị thực hiện một hoặc nhiều hành vi hướng dẫn tại khoản 2 Điều này nhằm mục đích hưởng lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất.
...
5. Người nào chỉ đạo, sắp xếp, bố trí, điều hành ngư dân không làm thủ tục xuất cảnh theo quy định và thực hiện một hoặc nhiều hành vi khai thác thủy sản hướng dẫn tại các điểm a, b, c, d, đ, n và o khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại Điều 242 hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Xem nội dung VBĐiều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được hướng dẫn bởi Mục 2.1, Mục 2.3 đến Mục 2.9 Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 có hiệu lực từ ngày 20/04/2021 Truy cứu trách nhiệm hình sự tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi khoản 1 đến khoản 3 và khoản 5 Điều 4 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Điều này được hướng dẫn bởi Mục 2.1, 2.5, 2.6, 2.7, 2.9 Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 có hiệu lực từ ngày 20/04/2021 Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân các cấp (VKSND) đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, góp phần phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật để xử lý các tội phạm trong lĩnh vực này gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Trên cơ sở báo cáo của VKSND địa phương, ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối cao (Vụ 1, Vụ 14), Bộ Công an (A09) và Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học), VKSND tối cao hướng dẫn nghiệp vụ như sau:
...
2. Một số vấn đề cụ thể
2.1. Phân biệt hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” (Điều 348 BLHS) với hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” (Điều 349 BLHS)
Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 BLHS là vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới. Ví dụ: A được trả tiền để dẫn 03 người qua đường mòn khu vực biên giới Việt Nam sang Trung Quốc.
Còn hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài quy định tại Điều 349 BLHS là tổ chức, môi giới cho người khác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với mục đích để người đó trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tổng kết thực tiễn thấy, người trốn đi nước ngoài chủ yếu nhằm trốn tránh pháp luật Việt Nam (trốn truy nã, trốn nợ,...) hoặc để lao động, cư trú trái phép ở nước ngoài...; người phạm tội thường thực hiện một chuỗi hành vi, như: Thỏa thuận với khách (chi phí, thời gian, địa điểm đi, đến, phương tiện, thủ đoạn trốn,...).
Ví dụ 1: A biết B đang bị cấm xuất cảnh, đã thuê người dẫn B qua đường mòn, lối mở để trốn sang Trung Quốc.
Ví dụ 2: C có mục đích đưa D đi Hàn Quốc để lao động bất hợp pháp nên đã làm thủ tục (thành lập Công ty, làm hồ sơ để D là nhân viên của Công ty, làm Visa cho D,...) để D đi Hàn Quốc và ở lại lao động bất hợp pháp.
...
2.5. Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép (Điều 348 BLHS) hoặc tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài (Điều 349 BLHS) nhưng chưa đưa được qua biên giới thì bị phát hiện, bắt giữ
Đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hoặc trốn đi nước ngoài nhưng chưa đưa được qua biên giới, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đưa được qua biên giới mà bị phát hiện, bắt giữ, nhưng người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt.
2.6. Việc xử lý đối với trường hợp đưa người đã nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam
Trường hợp đưa dẫn người nhập cảnh trái phép đi sâu vào nội địa Việt Nam, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì xử lý về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm. Trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Ví dụ 1: A biết B sẽ tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua biên giới Lạng Sơn để vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì vụ lợi vẫn giúp B đưa người nước ngoài từ Lạng Sơn vào Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp này, A bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm.
Ví dụ 2: C hành nghề lái xe ô tô Grab, biết rõ một số người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đang có nhu cầu đi từ khu vực biên giới vào TP. Hà Nội để tìm việc làm. Vì vụ lợi, C đồng ý chở các đối tượng này và bị bắt giữ trên đường. Trường hợp này, xem xét xử lý C về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
2.7. Về việc xử lý hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 341 BLHS) của người tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
Trường hợp người có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, thì tùy trường hợp cụ thể để phân loại, xử lý. Nếu hành vi xâm phạm nhiều khách thể khác nhau và cấu thành các tội phạm cụ thể thì xử lý về nhiều tội (vận dụng điểm 10 mục 1 phần I Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TAND tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử).
...
2.9. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS
Trường hợp người phạm tội thu tiền để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép hoặc trốn đi nước ngoài, đã chi phí một số khoản tiền thì tùy trường hợp cụ thể để xem xét, xác định là thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS. Đối với số tiền đã chi thực tế và hợp lý cho việc tổ chức, môi giới như: Chi phí làm visa, mua vé máy bay, thuê dịch vụ vận tải,... thì không tính vào số tiền đã thu lợi bất chính. Xem nội dung VBĐiều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam mà biết ngư dân sẽ trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được hướng dẫn bởi khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 4. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam
...
4. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam mà biết ngư dân sẽ trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép quy định tại Điều 349 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Xem nội dung VBĐiều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được hướng dẫn bởi Mục 2.1, 2.5, 2.6, 2.7, 2.9 Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 có hiệu lực từ ngày 20/04/2021 Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam mà biết ngư dân sẽ trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được hướng dẫn bởi khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” tại Điều này được hướng dẫn bởi Mục 2.2 Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 có hiệu lực từ ngày 20/04/2021 Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân các cấp (VKSND) đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, góp phần phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật để xử lý các tội phạm trong lĩnh vực này gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Trên cơ sở báo cáo của VKSND địa phương, ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối cao (Vụ 1, Vụ 14), Bộ Công an (A09) và Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học), VKSND tối cao hướng dẫn nghiệp vụ như sau:
...
2. Một số vấn đề cụ thể
...
2.2. Việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” trong “Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép” (Điều 347 BLHS)
Điều 347 BLHS quy định: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm...”. Do Điều luật quy định 03 hành vi phạm tội độc lập (xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép), nên tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” được hiểu là đã bị xử phạt hành chính về hành vi tương ứng. Xem nội dung VBĐiều 347. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam và hành vi người nước ngoài đưa tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Điều 3, Điều 7 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 3. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam
Người chỉ huy cao nhất trên tàu cá không làm thủ tục xuất cảnh cho tàu cá, thành viên tàu cá và ngư dân theo quy định hoặc có làm thủ tục xuất cảnh nhưng sau khi xuất cảnh đã tẩy, xóa số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng với thông tin do cơ quan có thẩm quyền cấp để thành viên tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh quy định tại Điều 347 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
...
Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự người nước ngoài về hành vi đưa tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Việt Nam
1. Người nước ngoài sử dụng tàu cá đi vào vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản mà không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về nhập cảnh quy định tại Điều 347 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
2. Trường hợp người nước ngoài sử dụng tàu cá đi vào vùng biển Việt Nam hợp pháp nhưng khai thác thủy sản trái phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại Bộ luật Hình sự và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Xem nội dung VBĐiều 347. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Việc áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” tại Điều này được hướng dẫn bởi Mục 2.2 Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 có hiệu lực từ ngày 20/04/2021 Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam và hành vi người nước ngoài đưa tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Việt Nam được hướng dẫn bởi Điều 3, Điều 7 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 08/2021/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 14/01/2022 Căn cứ Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14
Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 01 năm 2022.
2. Nghị quyết này được áp dụng cùng với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14. Xem nội dung VBĐiều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác
1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 08/2021/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 14/01/2022 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 Để áp dụng đúng và thống nhất Điều 201 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự) và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Điều 2. Về một số từ ngữ
1. “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
2. “Thu lợi bất chính” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.
Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
2. Xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, hoạt động dưới hình thức băng, ổ nhóm thì xem xét áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính.
3. Trường hợp hình phạt chính được áp dụng không phải hình phạt tiền thì phải xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt bổ sung là hình phạt tiền.
Điều 4. Xác định tư cách tố tụng của người vay
Trong vụ án hình sự, người cho vay bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 của Bộ luật Hình sự thì người vay tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Điều 5. Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm
1. Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với:
a) Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay;
b) Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay.
c) Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác.
2. Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.
Điều 6. Xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự
1. Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.
2. Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.
Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
3. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
4. Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,...) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
5. Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết này. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 30 tháng 9 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 12 năm 2021.
2. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Xem nội dung VBĐiều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 Để áp dụng đúng và thống nhất Điều 201 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự) và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Điều 2. Về một số từ ngữ
1. “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
2. “Thu lợi bất chính” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.
Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
2. Xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, hoạt động dưới hình thức băng, ổ nhóm thì xem xét áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính.
3. Trường hợp hình phạt chính được áp dụng không phải hình phạt tiền thì phải xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt bổ sung là hình phạt tiền.
Điều 4. Xác định tư cách tố tụng của người vay
Trong vụ án hình sự, người cho vay bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 của Bộ luật Hình sự thì người vay tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Điều 5. Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm
1. Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với:
a) Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay;
b) Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay.
c) Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác.
2. Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.
Điều 6. Xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự
1. Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.
2. Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.
Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
3. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
4. Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,...) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
5. Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết này. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 30 tháng 9 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 12 năm 2021.
2. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Xem nội dung VBĐiều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 Để áp dụng đúng và thống nhất Điều 201 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây viết tắt là Bộ luật Hình sự) và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Điều 2. Về một số từ ngữ
1. “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
2. “Thu lợi bất chính” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.
Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
2. Xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, hoạt động dưới hình thức băng, ổ nhóm thì xem xét áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính.
3. Trường hợp hình phạt chính được áp dụng không phải hình phạt tiền thì phải xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt bổ sung là hình phạt tiền.
Điều 4. Xác định tư cách tố tụng của người vay
Trong vụ án hình sự, người cho vay bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 của Bộ luật Hình sự thì người vay tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Điều 5. Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm
1. Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với:
a) Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay;
b) Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay.
c) Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác.
2. Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.
Điều 6. Xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự
1. Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.
2. Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.
Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
3. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
4. Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,...) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
5. Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết này. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự về phạm tội chưa đạt.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 30 tháng 9 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 12 năm 2021.
2. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Xem nội dung VBĐiều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều này được hướng dẫn bởi Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 2 và Khoản 1 đến khoản 6 Điều 3 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 2. Về một số từ ngữ
1. “Vũ khí” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. “Vũ khí quân dụng” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
3. “Phương tiện kỹ thuật quân sự” là các loại xe, khí tài, phương tiện khác được thiết kế, chế tạo và trang bị cho lực lượng vũ trang để huấn luyện, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
4. “Vật liệu nổ” là vật liệu quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
5. “Súng săn” là súng quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
6. “Vũ khí thô sơ” là vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
7. “Vũ khí thể thao” là vũ khí quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
8. “Công cụ hỗ trợ” là phương tiện, động vật nghiệp vụ quy định tại khoản 11 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
9. “Vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ” là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ.
Điều 3. Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội
1. “Chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là làm mới hoàn toàn hoặc lắp ráp từ những bộ phận chi tiết của vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và có giá trị sử dụng theo tính năng tác dụng của chúng mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Cũng được coi là chế tạo trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp cơ sở sản xuất của lực lượng vũ trang và những cơ sở khác có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (theo danh mục) nhưng lại sản xuất, lắp ráp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự loại khác (ngoài danh mục) hoặc chế tạo nhiều hơn số lượng cho phép, trừ trường hợp nghiên cứu cải tiến sản xuất vũ khí mới theo đề tài khoa học đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
2. “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là cất giữ vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nơi tàng trữ có thể là nơi ở, nơi làm việc, mang theo trong người, trong hành lý hoặc cất giấu bất kỳ ở một vị trí nào khác mà người phạm tội đã chọn.
Cũng được coi là tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có từ bất kỳ nguồn nào (ví dụ: cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, đào được, nhặt được) mà không khai báo, giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. “Vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác hoặc hành vi khác chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác mà không có mệnh lệnh của người có thẩm quyền hoặc giấy phép vận chuyển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng bất kỳ phương tiện nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng không nhằm mục đích mua bán.
4. “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phát huy tác dụng của vũ khí, phương tiện đó. Ví dụ: Hành vi sử dụng súng quân dụng là lên đạn, bóp cò; hành vi sử dụng lựu đạn là rút chốt, giật nụ xùy.
5. “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự bao gồm các hành vi cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, tham ô, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hoặc các hành vi chiếm đoạt khác.
Cũng được coi là chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khi quân nhân, nhân viên, công nhân quốc phòng và những người khác được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian công tác đến khi xuất ngũ, phục viên, nghỉ việc về hưu hoặc chuyển sang công tác khác không còn được phép sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự nhưng đã cố ý không giao nộp lại theo quy định của Nhà nước. Xem nội dung VBĐiều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 2 và Khoản 1 đến khoản 6 Điều 3 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 2 và Khoản 2 đến khoản 8 Điều 3 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 2. Về một số từ ngữ
1. “Vũ khí” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. “Vũ khí quân dụng” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
3. “Phương tiện kỹ thuật quân sự” là các loại xe, khí tài, phương tiện khác được thiết kế, chế tạo và trang bị cho lực lượng vũ trang để huấn luyện, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
4. “Vật liệu nổ” là vật liệu quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
5. “Súng săn” là súng quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
6. “Vũ khí thô sơ” là vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
7. “Vũ khí thể thao” là vũ khí quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
8. “Công cụ hỗ trợ” là phương tiện, động vật nghiệp vụ quy định tại khoản 11 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
9. “Vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ” là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ.
Điều 3. Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội
...
2. “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là cất giữ vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nơi tàng trữ có thể là nơi ở, nơi làm việc, mang theo trong người, trong hành lý hoặc cất giấu bất kỳ ở một vị trí nào khác mà người phạm tội đã chọn.
Cũng được coi là tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đối với trường hợp vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có từ bất kỳ nguồn nào (ví dụ: cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, đào được, nhặt được) mà không khai báo, giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. “Vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác hoặc hành vi khác chuyển dịch vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác mà không có mệnh lệnh của người có thẩm quyền hoặc giấy phép vận chuyển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng bất kỳ phương tiện nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng không nhằm mục đích mua bán.
4. “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phát huy tác dụng của vũ khí, phương tiện đó. Ví dụ: Hành vi sử dụng súng quân dụng là lên đạn, bóp cò; hành vi sử dụng lựu đạn là rút chốt, giật nụ xùy.
5. “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự là hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại khoản 1 Điều 304 của Bộ luật Hình sự bao gồm các hành vi cướp, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, tham ô, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hoặc các hành vi chiếm đoạt khác.
Cũng được coi là chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khi quân nhân, nhân viên, công nhân quốc phòng và những người khác được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian công tác đến khi xuất ngũ, phục viên, nghỉ việc về hưu hoặc chuyển sang công tác khác không còn được phép sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự nhưng đã cố ý không giao nộp lại theo quy định của Nhà nước.
7. “Chế tạo trái phép vật liệu nổ” quy định tại khoản 1 Điều 305 của Bộ luật Hình sự là hành vi làm ra, chế biến, pha chế tạo ra vật liệu nổ mà không được sự cho phép của cơ quan, người có thẩm quyền.
Cũng được coi là chế tạo trái phép vật liệu nổ đối với những cơ sở, doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng lại chế tạo vật liệu nổ khác nằm ngoài danh mục hoặc chế tạo nhiều hơn số lượng cho phép. Trừ một số trường hợp đặc biệt được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
8. Các hành vi “tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại khoản 1 Điều 305 và “tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” quy định tại khoản 1 Điều 306 của Bộ luật Hình sự được áp dụng theo hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 2 và Khoản 2 đến khoản 8 Điều 3 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 2 và Khoản 9 Điều 3 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 2. Về một số từ ngữ
1. “Vũ khí” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. “Vũ khí quân dụng” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện quy định tại khoản 2 và khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
3. “Phương tiện kỹ thuật quân sự” là các loại xe, khí tài, phương tiện khác được thiết kế, chế tạo và trang bị cho lực lượng vũ trang để huấn luyện, chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
4. “Vật liệu nổ” là vật liệu quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
5. “Súng săn” là súng quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
6. “Vũ khí thô sơ” là vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
7. “Vũ khí thể thao” là vũ khí quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
8. “Công cụ hỗ trợ” là phương tiện, động vật nghiệp vụ quy định tại khoản 11 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
9. “Vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ” là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ.
Điều 3. Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội
...
9. “Vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” quy định tại khoản 1 Điều 307 của Bộ luật Hình sự là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Xem nội dung VBĐiều 307. Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 2 và Khoản 9 Điều 3 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
2. “Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn” quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 304 của Bộ luật Hình sự:
a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 11 đến 30 khẩu;
b) Đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống: từ 1.001 đến 3.000 viên;
c) Đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly: từ 601 đến 2.000 viên;
d) Bom, mìn, lựu đạn: từ 21 đến 50 quả;
đ) Súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu: từ 06 đến 30 khẩu;
e) Súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân: từ 03 đến 20 khẩu;
g) Đạn cối, đạn pháo: từ 11 đến 30 quả;
h) Thủy lôi: từ 03 đến 10 quả;
i) Ngư lôi: từ 01 đến 02 quả;
k) Pháo mặt đất, pháo phòng không: từ 01 đến 02 khẩu;
l) Vật phạm pháp có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
m) Vật phạm pháp khác có số lượng rất lớn theo quy định của pháp luật. Xem nội dung VBĐiều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
...
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ. Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
3. “Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn” quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 304 của Bộ luật Hình sự:
a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 31 khẩu trở lên;
b) Đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống: từ 3.001 viên trở lên;
c) Đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly: từ 2.001 viên trở lên;
d) Bom, mìn, lựu đạn: từ 51 quả trở lên;
đ) Súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu: từ 31 khẩu trở lên;
e) Súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân: từ 21 khẩu trở lên;
g) Đạn cối, đạn pháo: từ 31 quả trở lên;
h) Thủy lôi: từ 11 quả trở lên;
i) Ngư lôi: từ 03 quả trở lên;
k) Pháo mặt đất, pháo phòng không: từ 03 khẩu trở lên;
l) Máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang: từ 01 chiếc trở lên;
m) Xe tăng, xe thiết giáp: từ 01 chiếc trở lên;
n) Tàu chiến, tàu ngầm: từ 01 chiếc trở lên;
o) Tên lửa: từ 01 quả trở lên;
p) Vật phạm pháp có giá trị là từ 1.000.000.000 đồng trở lên;
q) Vật phạm pháp khác có số lượng đặc biệt lớn theo quy định của pháp luật. Xem nội dung VBĐiều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
...
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
4. “Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 305 của Bộ luật Hình sự:
a) Dây cháy chậm, dây nổ: từ 3.000 mét đến dưới 15.000 mét;
b) Kíp mìn, nụ xùy: từ 1.001 cái đến 10.000 cái;
c) Các loại phụ kiện nổ khác có số lượng lớn theo quy định của pháp luật. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
...
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới; Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 5 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
5. “Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 305 của Bộ luật Hình sự:
a) Dây cháy chậm, dây nổ: từ 15.000 mét đến dưới 50.000 mét;
b) Kíp mìn, nụ xùy: từ 10.001 cái đến 30.000 cái;
c) Các loại phụ kiện nổ khác có số lượng rất lớn theo quy định của pháp luật. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
b) Làm chết 02 người; Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 5 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 6 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
6. “Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn” quy định tại điểm b khoản 4 Điều 305 của Bộ luật Hình sự:
a) Dây cháy chậm, dây nổ: từ 50.000 mét trở lên;
b) Kíp mìn, nụ xùy: từ 30.001 cái trở lên;
c) Các loại phụ kiện nổ khác có số lượng đặc biệt lớn theo quy định của pháp luật. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
...
b) Làm chết 03 người trở lên; Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 6 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
7. “Vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 306 của Bộ luật Hình sự:
a) Từ 11 đến 100 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng;
b) Vật phạm pháp khác có số lượng lớn theo quy định của pháp luật. Xem nội dung VBĐiều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
...
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên; Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
7. “Vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 306 của Bộ luật Hình sự:
a) Từ 11 đến 100 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng;
b) Vật phạm pháp khác có số lượng lớn theo quy định của pháp luật. Xem nội dung VBĐiều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
...
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên; Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
7. “Vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 306 của Bộ luật Hình sự:
a) Từ 11 đến 100 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng;
b) Vật phạm pháp khác có số lượng lớn theo quy định của pháp luật. Xem nội dung VBĐiều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
...
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên; Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 9 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 4. Về một số tình tiết định khung hình phạt
...
9. “Vận chuyển, mua bán qua biên giới” quy định tại khoản 2 các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc ngược lại.
Cũng được coi là “vận chuyển, mua bán qua biên giới” nếu đã hoàn thành các thủ tục thông quan đối với vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ. Xem nội dung VBĐiều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm. Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 9 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 5. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác theo quy định tại khoản 4 Điều 307 của Bộ luật Hình sự
Người nào thực hiện một trong các hành vi hướng dẫn tại khoản 9 Điều 3 Nghị quyết này có khả năng dẫn đến hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 307 của Bộ luật Hình sự tất yếu xảy ra nếu không được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngăn chặn kịp thời thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 307 của Bộ luật Hình sự. Xem nội dung VBĐiều 307. Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
...
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại các điều 128, 138, 180 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 412 của Bộ luật Hình sự; nếu không phải là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định “sử dụng vũ khí”, “dùng vũ khí” là tình tiết định khung hình phạt thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
3. Người nào thực hiện hành vi quy định tại các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.
4. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
a) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
b) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
5. Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
6. Người nào đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì tùy trường hợp cụ thể xử lý như sau:
a) Trường hợp người đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định Điều 63 và Điều 67 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Thiệt hại do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản;
b) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn;
c) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
8. Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh như sau:
a) Nếu bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự;
b) Nếu bom, mìn đã bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 của Bộ luật Hình sự.
9. Trường hợp người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, phụ kiện nổ, đạn bộ binh, dây cháy chậm, dây nổ với số lượng hoặc giá trị nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc được xử lý bằng các biện pháp khác. Xem nội dung VBĐiều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại các điều 128, 138, 180 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 412 của Bộ luật Hình sự; nếu không phải là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định “sử dụng vũ khí”, “dùng vũ khí” là tình tiết định khung hình phạt thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
3. Người nào thực hiện hành vi quy định tại các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.
4. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
a) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
b) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
5. Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
6. Người nào đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì tùy trường hợp cụ thể xử lý như sau:
a) Trường hợp người đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định Điều 63 và Điều 67 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Thiệt hại do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản;
b) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn;
c) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
8. Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh như sau:
a) Nếu bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự;
b) Nếu bom, mìn đã bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 của Bộ luật Hình sự.
9. Trường hợp người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, phụ kiện nổ, đạn bộ binh, dây cháy chậm, dây nổ với số lượng hoặc giá trị nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc được xử lý bằng các biện pháp khác. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại các điều 128, 138, 180 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 412 của Bộ luật Hình sự; nếu không phải là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định “sử dụng vũ khí”, “dùng vũ khí” là tình tiết định khung hình phạt thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
3. Người nào thực hiện hành vi quy định tại các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.
4. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
a) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
b) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
5. Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
6. Người nào đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì tùy trường hợp cụ thể xử lý như sau:
a) Trường hợp người đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định Điều 63 và Điều 67 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Thiệt hại do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản;
b) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn;
c) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
8. Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh như sau:
a) Nếu bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự;
b) Nếu bom, mìn đã bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 của Bộ luật Hình sự.
9. Trường hợp người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, phụ kiện nổ, đạn bộ binh, dây cháy chậm, dây nổ với số lượng hoặc giá trị nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc được xử lý bằng các biện pháp khác. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại các điều 128, 138, 180 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 412 của Bộ luật Hình sự; nếu không phải là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định “sử dụng vũ khí”, “dùng vũ khí” là tình tiết định khung hình phạt thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
3. Người nào thực hiện hành vi quy định tại các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.
4. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
a) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
b) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
5. Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
6. Người nào đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì tùy trường hợp cụ thể xử lý như sau:
a) Trường hợp người đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định Điều 63 và Điều 67 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Thiệt hại do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản;
b) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn;
c) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
8. Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh như sau:
a) Nếu bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự;
b) Nếu bom, mìn đã bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 của Bộ luật Hình sự.
9. Trường hợp người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, phụ kiện nổ, đạn bộ binh, dây cháy chậm, dây nổ với số lượng hoặc giá trị nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc được xử lý bằng các biện pháp khác. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại các điều 128, 138, 180 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 412 của Bộ luật Hình sự; nếu không phải là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định “sử dụng vũ khí”, “dùng vũ khí” là tình tiết định khung hình phạt thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
3. Người nào thực hiện hành vi quy định tại các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.
4. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
a) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
b) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
5. Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
6. Người nào đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì tùy trường hợp cụ thể xử lý như sau:
a) Trường hợp người đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định Điều 63 và Điều 67 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Thiệt hại do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản;
b) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn;
c) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
8. Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh như sau:
a) Nếu bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự;
b) Nếu bom, mìn đã bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 của Bộ luật Hình sự.
9. Trường hợp người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, phụ kiện nổ, đạn bộ binh, dây cháy chậm, dây nổ với số lượng hoặc giá trị nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc được xử lý bằng các biện pháp khác. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại các điều 128, 138, 180 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 412 của Bộ luật Hình sự; nếu không phải là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định “sử dụng vũ khí”, “dùng vũ khí” là tình tiết định khung hình phạt thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
3. Người nào thực hiện hành vi quy định tại các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.
4. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
a) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
b) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
5. Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
6. Người nào đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì tùy trường hợp cụ thể xử lý như sau:
a) Trường hợp người đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định Điều 63 và Điều 67 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Thiệt hại do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản;
b) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn;
c) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
8. Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh như sau:
a) Nếu bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự;
b) Nếu bom, mìn đã bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 của Bộ luật Hình sự.
9. Trường hợp người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, phụ kiện nổ, đạn bộ binh, dây cháy chậm, dây nổ với số lượng hoặc giá trị nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc được xử lý bằng các biện pháp khác. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại các điều 128, 138, 180 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 412 của Bộ luật Hình sự; nếu không phải là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định “sử dụng vũ khí”, “dùng vũ khí” là tình tiết định khung hình phạt thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
3. Người nào thực hiện hành vi quy định tại các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.
4. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
a) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
b) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
5. Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
6. Người nào đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì tùy trường hợp cụ thể xử lý như sau:
a) Trường hợp người đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định Điều 63 và Điều 67 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Thiệt hại do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản;
b) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn;
c) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
8. Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh như sau:
a) Nếu bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự;
b) Nếu bom, mìn đã bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 của Bộ luật Hình sự.
9. Trường hợp người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, phụ kiện nổ, đạn bộ binh, dây cháy chậm, dây nổ với số lượng hoặc giá trị nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc được xử lý bằng các biện pháp khác. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại các điều 128, 138, 180 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 412 của Bộ luật Hình sự; nếu không phải là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định “sử dụng vũ khí”, “dùng vũ khí” là tình tiết định khung hình phạt thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
3. Người nào thực hiện hành vi quy định tại các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.
4. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
a) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
b) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
5. Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
6. Người nào đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì tùy trường hợp cụ thể xử lý như sau:
a) Trường hợp người đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định Điều 63 và Điều 67 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Thiệt hại do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản;
b) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn;
c) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
8. Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh như sau:
a) Nếu bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự;
b) Nếu bom, mìn đã bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 của Bộ luật Hình sự.
9. Trường hợp người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, phụ kiện nổ, đạn bộ binh, dây cháy chậm, dây nổ với số lượng hoặc giá trị nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc được xử lý bằng các biện pháp khác. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
...
Điều 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
1. Trường hợp người phạm tội có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ gây hậu quả chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội quy định tại các điều 128, 138, 180 của Bộ luật Hình sự.
2. Trường hợp người sử dụng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 412 của Bộ luật Hình sự; nếu không phải là những người được quy định tại Điều 392 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128 của Bộ luật Hình sự mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người được trang bị vũ khí quân dụng đã sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được trang bị thực hiện tội phạm hoặc người tuy không được trang bị nhưng đã dùng vũ khí quân dụng thực hiện tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự và tội phạm đã thực hiện theo điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Nếu tội phạm đã thực hiện mà điều luật có quy định “sử dụng vũ khí”, “dùng vũ khí” là tình tiết định khung hình phạt thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về khoản tương ứng của điều luật.
3. Người nào thực hiện hành vi quy định tại các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự với mục đích là chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện một tội phạm tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội.
4. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 55 của Bộ luật Hình sự để tổng hợp hình phạt chung, cụ thể như sau:
a) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người chế tạo vũ khí quân dụng rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
b) Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện.
Ví dụ: Một người tàng trữ 02 khẩu súng quân dụng và mua 05 quả lựu đạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
5. Trường hợp một người biết là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ giả nhưng làm cho người khác tưởng là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 304, 305, 306 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
6. Người nào đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì tùy trường hợp cụ thể xử lý như sau:
a) Trường hợp người đã tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định Điều 63 và Điều 67 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Trường hợp chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Thiệt hại do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:
a) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản;
b) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn;
c) Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
8. Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh như sau:
a) Nếu bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự;
b) Nếu bom, mìn đã bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 của Bộ luật Hình sự.
9. Trường hợp người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc nổ, phụ kiện nổ, đạn bộ binh, dây cháy chậm, dây nổ với số lượng hoặc giá trị nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc được xử lý bằng các biện pháp khác. Xem nội dung VBĐiều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 Truy cứu trách nhiệm các hành vi sau đây gây cản trở hoặc rối loạn khả năng quản lý, giám sát, điều hành của cơ quan có thẩm quyền nhằm khai thác thủy sản trái phép được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 8. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm khai thác thủy sản trái phép
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây cản trở hoặc rối loạn khả năng quản lý, giám sát, điều hành của cơ quan có thẩm quyền nhằm khai thác thủy sản trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
1. Tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển từ 02 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác trở lên;
2. Xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu hoặc gây rối loạn hoạt động của thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Xem nội dung VBĐiều 287. Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
1. Người nào tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 30 phút đến dưới 24 giờ hoặc từ 03 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ;
d) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 24 giờ đến dưới 72 giờ;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
e) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 24 giờ đến dưới 168 giờ hoặc từ 10 lần đến dưới 50 lần trong thời gian 24 giờ;
g) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 72 giờ đến dưới 168 giờ.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin, giao dịch tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử 168 giờ trở lên hoặc 50 lần trở lên trong thời gian 24 giờ;
e) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức 168 giờ trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm các hành vi sau đây gây cản trở hoặc rối loạn khả năng quản lý, giám sát, điều hành của cơ quan có thẩm quyền nhằm khai thác thủy sản trái phép được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Truy cứu trách nhiệm các hành vi sau đây gây cản trở hoặc rối loạn khả năng quản lý, giám sát, điều hành của cơ quan có thẩm quyền nhằm khai thác thủy sản trái phép được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 8. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm khai thác thủy sản trái phép
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây cản trở hoặc rối loạn khả năng quản lý, giám sát, điều hành của cơ quan có thẩm quyền nhằm khai thác thủy sản trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
1. Tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển từ 02 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác trở lên;
2. Xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu hoặc gây rối loạn hoạt động của thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Xem nội dung VBĐiều 287. Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
1. Người nào tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 30 phút đến dưới 24 giờ hoặc từ 03 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ;
d) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 24 giờ đến dưới 72 giờ;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
e) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 24 giờ đến dưới 168 giờ hoặc từ 10 lần đến dưới 50 lần trong thời gian 24 giờ;
g) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 72 giờ đến dưới 168 giờ.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin, giao dịch tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử 168 giờ trở lên hoặc 50 lần trở lên trong thời gian 24 giờ;
e) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức 168 giờ trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm các hành vi sau đây gây cản trở hoặc rối loạn khả năng quản lý, giám sát, điều hành của cơ quan có thẩm quyền nhằm khai thác thủy sản trái phép được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi buôn bán thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà không có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản được hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 10. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản
1. Người nào buôn bán thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà không có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản hoặc không đúng với nội dung giấy phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu quy định tại Điều 188 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Xem nội dung VBĐiều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi buôn bán thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà không có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản được hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vận chuyển thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc vào vùng biển Việt Nam nhưng không có giấy phép, không đúng với nội dung giấy phép, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ được hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 10. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản
...
2. Người nào vận chuyển thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc vào vùng biển Việt Nam nhưng không có giấy phép, không đúng với nội dung giấy phép, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy định tại Điều 189 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Xem nội dung VBĐiều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vận chuyển thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc vào vùng biển Việt Nam nhưng không có giấy phép, không đúng với nội dung giấy phép, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ được hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi dùng thủ đoạn gian dối như hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản khai thác trái phép để mua, bán được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 10. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản
...
3. Người nào dùng thủ đoạn gian dối như hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản khai thác trái phép để mua, bán thì bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đánh bắt trái phép cá ngừ tại vùng biển Việt Nam nhưng làm hồ sơ, hợp thức hóa số cá ngừ nêu trên có nguồn gốc xuất xứ từ nước B để xuất khẩu đi nước C. Trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 của Bộ luật Hình sự. Xem nội dung VBĐiều 198. Tội lừa dối khách hàng
1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi dùng thủ đoạn gian dối như hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản khai thác trái phép để mua, bán được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2, Điều 3 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 2. Về một số từ ngữ
1. “Cố tình trốn tránh” quy định tại khoản 5 Điều 60 của Bộ luật Hình sự là cố tình giấu hoặc khai không đúng nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại; thay đổi thông tin cá nhân, nhân dạng hoặc giới tính nhằm gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc nhận dạng, xác định nơi ở hiện tại.
Thông tin cá nhân gồm quốc tịch; họ tên, ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp; chứng minh nhân dân, căn cước công dân, căn cước hoặc hộ chiếu; thông tin khác gắn liền với việc xác định danh tính của một người cụ thể.
...
Điều 3. Về thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự
1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự là thời hiệu thi hành bản án về quyết định hình phạt.
Thời hiệu thi hành bản án đối với quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và quyết định khác về tài sản trong bản án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 60 của Bộ luật Hình sự, người bị kết án, pháp nhân thương mại lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Ví dụ: ngày 01/02/2024, Nguyễn Văn A bị Tòa án phạt 02 năm tù về tội cố ý gây thương tích tại Bản án số 01/2024/HS-ST (đã có hiệu lực pháp luật). Nguyễn Văn A chưa chấp hành hình phạt tù. Ngày 10/3/2024, Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản. Như vậy, thời hiệu thi hành Bản án số 01/2024/HS-ST ngày 01/02/2024 là 05 năm tính từ ngày 10/3/2024; thời hiệu thi hành bản án đối với tội trộm cắp tài sản tính từ ngày bản án kết án về tội trộm cắp tài sản có hiệu lực pháp luật.
3. Trường hợp bản án hình sự tổng hợp hình phạt của nhiều tội thì thời hiệu thi hành bản án được tính theo hình phạt chung của hình phạt chính nặng nhất.
Ví dụ: tại Bản án hình sự phúc thẩm số 01/2024/HS-PT ngày 10/01/2024, Tòa án nhân dân cấp cao quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn H và giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 60/2023/HS-ST ngày 02/9/2023 của Toà án nhân dân tỉnh T; tuyên bị cáo Nguyễn Văn H phạm tội giết người, tội cố ý gây thương tích và tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H 12 năm tủ về tội giết người, 02 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 70.000.000 đồng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Nguyễn Văn H phải chấp hành hình phạt chung là 14 năm tù và 70.000.000 đồng. Trường hợp này, căn cứ vào hình phạt chung của hình phạt chính nặng nhất là 14 năm tù để tính thời hiệu thi hành Bản án hình sự phúc thẩm số 01/2024/HS-PT. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 60 của Bộ luật Hình sự thì thời hiệu thi hành bản án phúc thẩm này là 10 năm.
4. Trường hợp bản án hình sự có nhiều người bị kết án thì căn cứ vào mức hình phạt đối với từng người để tính thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với họ.
5. Trường hợp bản án hình sự tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì căn cứ vào mức hình phạt trong từng bản án để tính thời hiệu thi hành cho mỗi bản án hình sự đó mà không căn cứ vào mức tổng hợp hình phạt chung.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị Tòa án phạt 01 năm 06 tháng tù về tội trộm cắp tài sản tại Bản án số 01/2024/HS-ST (đã có hiệu lực pháp luật). Tại Bản án số 15/2024/HS-ST phạt Nguyễn Văn A 07 năm tù về tội cố ý gây thương tích và tổng hợp với hình phạt của Bản án số 01/2024/HS-ST, buộc Nguyễn Văn A phải chấp hành hình phạt chung là 08 năm 06 tháng tù (đã có hiệu lực pháp luật). Theo đó, thời hiệu thi hành bản án đối với Bản án số 01/2024/HS-ST là 05 năm; Bản án số 15/2024/HS-ST là 10 năm.
6. Trường hợp người bị kết án cố tình trốn tránh, nhưng cơ quan công an không ra quyết định truy nã hoặc có ra quyết định truy nã nhưng không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trừ những việc không thể thực hiện được (ví dụ: phải dán ảnh kèm theo nhưng không có ảnh) thì thời gian trốn tránh vẫn được tính để xác định thời hiệu thi hành bản án hình sự.
7. Trường hợp người bị kết án phạt tù được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được hoãn hoặc tạm đình chỉ không được trừ vào thời hiệu thi hành bản án, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ để áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính kể từ ngày hết thời hạn hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và căn cứ vào mức hình phạt tù còn lại mà người bị kết án chưa chấp hành.
Ví dụ: Nguyễn Văn A chấp hành hình phạt 04 năm tù về tội cố ý gây thương tích từ ngày 01/01/2023. Ngày 01/01/2024, Nguyễn Văn A được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Ngày 01/5/2024, Nguyễn Văn A hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Trường hợp này, thời hiệu thi hành bản án hình sự là 05 năm được tính kể từ ngày 01/5/2024 và căn cứ vào hình phạt tù còn lại chưa chấp hành là 03 năm. Xem nội dung VBĐiều 60. Thời hiệu thi hành bản án
1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
b) 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
c) 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
d) 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
3. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.
4. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
5. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ. Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2, Điều 3 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Điều này được hướng dẫn bởi khoản 2, 3, 4, 6, 7, 8 Điều 2 và Điều 4 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 2. Về một số từ ngữ
2. “Lập công” quy định tại điểm a khoản 2, khoản 4 Điều 62, Điều 64 và khoản 2 Điều 105 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu, giúp được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, tập thể, cá nhân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có sáng kiến, phát minh, sáng chế hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.
3. “Lập công lớn” quy định tại các khoản 3, 5 Điều 62 và khoản 3 Điều 105 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, tập thể, cá nhân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có sáng kiến, phát minh, sáng chế hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.
4. “Mắc bệnh hiểm nghèo” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 62, Điều 64, khoản 2 Điều 105 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị (ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV, lao nặng độ 4 kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên) hoặc mắc bệnh khác dẫn đến không có khả năng tự phục vụ bản thân, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
...
6. “Chấp hành tốt pháp luật” quy định tại điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 62 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó xác nhận đã chấp hành đúng và đầy đủ nội quy, quy chế; chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của Nhà nước tại nơi cư trú.
7. “Không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 62 của Bộ luật Hình sự được chứng minh bằng việc họ đã hoàn lương, chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội hoặc họ đã quá già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
8. “Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn” quy định tại điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 62, “gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Gia đình của người bị kết án gặp tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng dưới mức chuẩn hộ nghèo;
b) Bố, mẹ, vợ, chồng, con của người bị kết án ốm đau kéo dài mà không có người chăm sóc.
...
Điều 4. Về miễn chấp hành hình phạt quy định tại Điều 62 của Bộ luật Hình sự
1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn chưa chấp hành hình phạt quy định tại khoản 2, 3 Điều 62 của Bộ luật Hình sự là trường hợp họ đã có quyết định thi hành án nhưng chưa chấp hành án.
2. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt quy định tại khoản 5 Điều 62 của Bộ luật Hình sự là trường hợp họ đã chấp hành được ít nhất một phần ba mức hình phạt tiền.
3. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế cải tạo tốt quy định tại khoản 6 Điều 62 của Bộ luật Hình sự là trường hợp họ chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, hối cải, tích cực lao động, học tập và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú có văn bản xác nhận. Xem nội dung VBĐiều 62. Miễn chấp hành hình phạt
1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị kết án đã lập công;
b) Mắc bệnh hiểm nghèo;
c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
7. Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án. Điều này được hướng dẫn bởi khoản 2, 3, 4, 6, 7, 8 Điều 2 và Điều 4 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Điều này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 5. Về giảm mức hình phạt đã tuyên quy định tại Điều 63 của Bộ luật Hình sự
1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt lần đầu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn; 12 năm đối với tù chung thân; 15 năm đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân;
b) Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thành thật hối cải, tích cực lao động, học tập.
Đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân phải có nhiều tiến bộ, thể hiện ở việc chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên, cụ thể như sau:
Người bị kết án phạt tù chung thân phải có ít nhất 16 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. Trường hợp người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân phải có ít nhất 20 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên.
Người bị kết án phạt tù từ trên 20 năm đến 30 năm phải có ít nhất 14 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên.
Người bị kết án phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm phải có ít nhất 12 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên.
Người bị kết án phạt tù từ trên 10 năm đến 15 năm phải có ít nhất 08 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên.
Người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm đến 10 năm phải có ít nhất 04 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên.
Người bị kết án phạt tù từ trên 03 năm đến 05 năm phải có ít nhất 02 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên.
Người bị kết án phạt tù từ 03 năm trở xuống phải có ít nhất 01 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên. Trường hợp chưa có kết quả xếp loại quý liền kề do chưa đến thời điểm xếp loại quý nhưng có 03 tháng liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại khá thì vẫn có thể được xét giảm.
c) Đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án.
Người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của người được thi hành án, người đại diện hợp pháp của người được thi hành án (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự.
Người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hướng dẫn tại khoản 8 Điều 2 của Nghị quyết này được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xác nhận thì mức bồi thường nghĩa vụ dân sự có thể thấp hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng Tòa án phải ghi rõ trong quyết định.
Người bị kết án về tội tham nhũng, chức vụ thì phải bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự.
d) Được cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền đề nghị bằng văn bản xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
2. Mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt được thực hiện như sau nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành hình phạt quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 63 của Bộ luật Hình sự:
a) Người bị kết án cải tạo không giam giữ thì mỗi lần có thể được giảm từ 03 tháng đến 09 tháng;
b) Người bị kết án phạt tù từ 30 năm trở xuống hoặc người bị kết án phạt tù chung thân đã được giảm xuống 30 năm tù thì mỗi lần có thể được giảm từ 01 tháng đến 03 năm. Trường hợp giảm đến 03 năm thì phải là người có thành tích đặc biệt xuất sắc.
3. Người bị kết án phạt tù chung thân, người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân có thể được Tòa án xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù chung thân xuống hình phạt tù có thời hạn. Người bị kết án phạt tù chung thân lần đầu được giảm xuống 30 năm tù. Thời hạn 30 năm tù này được tính kể từ ngày thi hành án phạt tù chung thân và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm tù đối với người bị kết án phạt tù chung thân; 25 năm tù đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân.
4. Người bị kết án phạt tù đang chấp hành hình phạt được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt hoặc người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu chưa đủ thời gian chấp hành án tại cơ sở giam giữ nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì cũng được coi là có đủ số kỳ xếp loại hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này:
a) Đối với người bị kết án phạt tù từ trên 15 năm trở lên được thiếu 04 quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên của thời gian liền kề thời điểm xét giảm;
b) Đối với người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm được thiếu 02 quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên;
c) Đối với người bị kết án phạt tù từ trên 03 năm đến 05 năm được thiếu 01 quý đầu tiên xếp loại từ khá trở lên;
d) Đối với người bị kết án phạt tù từ 03 năm trở xuống chưa được xếp loại chấp hành án phạt tù.
Đối với các trường hợp nêu trên, thời gian bị tạm giữ, tạm giam hoặc thời gian ở trại giam phải được nhận xét là chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ sở giam giữ.
5. Người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm nhưng không liên tục được xếp loại khá trở lên, nếu có đủ các điều kiện khác hướng dẫn tại Nghị quyết này và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì vẫn có thể được xét giảm:
a) Có tổng số quý xếp loại khá trở lên nhiều hơn từ 02 quý trở lên so với các quy định đối với người bị kết án phạt tù từ trên 10 năm tại điểm b khoản 1 Điều này và có ít nhất 04 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên;
b) Có tổng số quý xếp loại khá trở lên nhiều hơn 01 quý trở lên so với các quy định đối với người bị kết án phạt tù từ trên 05 năm đến 10 năm tại điểm b khoản 1 Điều này và có ít nhất 02 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên.
6. Người bị kết án có tiền án phải có số kỳ xếp loại từ khá trở lên nhiều hơn so với những người bị kết án chưa có tiền án, ứng với mỗi tiền án là 02 quý xếp loại từ khá trở lên. Trường hợp người bị kết án bị phạt tù từ 03 năm trở xuống thì ứng với mỗi tiền án là 01 quý xếp loại từ khá trở lên.
7. Người bị kết án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù phải liên tục được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên mới được tiếp tục xem xét, đề nghị giảm thời hạn đúng đợt. Trường hợp không đủ điều kiện để được xét giảm đúng đợt thì có thể được xét giảm thời hạn khi có đủ 04 quý xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên (trong đó phải có ít nhất 02 quý liền kề thời điểm xét giảm).
8. Người bị kết án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà vi phạm nội quy cơ sở giam giữ bị xử lý kỷ luật, sau khi được Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện công nhận đã cải tạo tiến bộ và có đủ 04 quý liền kề (đối với người bị kết án bị kỷ luật khiển trách 02 lần hoặc kỷ luật cảnh cáo) hoặc 05 quý liền kề (đối với người bị kết án bị giam tại buồng kỷ luật) được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên thì mới được tiếp tục xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
9. Người bị kết án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà lại phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý thì phải chấp hành được ít nhất một phần hai mức hình phạt chung và phải có đủ điều kiện hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 1 và khoản 6 Điều này thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
10. Người bị kết án đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải chấp hành được ít nhất hai phần ba mức hình phạt chung hoặc 25 năm nếu là tù chung thân và phải có đủ các điều kiện hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 1 và khoản 6 Điều này thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
11. Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc người đang được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được bảo lưu kết quả chấp hành án phạt tù và được tính liên tục liền kề với thời gian sau khi trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án. Khi những người này trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án, nếu có đủ điều kiện quy định tại các khoản của Điều này và trong thời gian được tạm đình chỉ hoặc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, được chính quyền địa phương nơi người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù về cư trú hoặc cơ sở y tế điều trị cho người được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh xác nhận thì mới được xem xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Xem nội dung VBĐiều 63. Giảm mức hình phạt đã tuyên
1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.
2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.
Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
3. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
4. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung.
5. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm. Điều này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2, 4, 9 Điều 2 và Điều 6 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 2. Về một số từ ngữ
...
2. “Lập công” quy định tại điểm a khoản 2, khoản 4 Điều 62, Điều 64 và khoản 2 Điều 105 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu, giúp được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên của Nhà nước, tập thể, cá nhân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có sáng kiến, phát minh, sáng chế hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.
...
4. “Mắc bệnh hiểm nghèo” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 62, Điều 64, khoản 2 Điều 105 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị (ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV, lao nặng độ 4 kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên) hoặc mắc bệnh khác dẫn đến không có khả năng tự phục vụ bản thân, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
...
9. “Đã quá già yếu” quy định tại Điều 64 của Bộ luật Hình sự là người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Từ đủ 70 tuổi trở lên;
b) Từ đủ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau, phải nằm điều trị tại bệnh viện liên tục từ 03 tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng phải nằm điều trị tại bệnh viện từ 03 lần trở lên (mỗi lần từ 01 tháng trở lên), không có khả năng tự phục vụ bản thân, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên hoặc bệnh viện.
...
Điều 6. Về giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 64 của Bộ luật Hình sự
1. Người bị kết án đã chấp hành được ít nhất một phần tư thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ 30 năm trở xuống; 10 năm đối với tù chung thân; 12 năm đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân và có đủ điều kiện hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 1, khoản 4, khoản 6 Điều 5 Nghị quyết này thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nếu người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã lập công; trong đó, mỗi lần lập công, người bị kết án chỉ được xét giảm thời hạn một lần;
b) Đã quá già yếu;
c) Mắc bệnh hiểm nghèo.
2. Mức giảm mỗi lần cao nhất cho các trường hợp hướng dẫn tại khoản 1 Điều này có thể là 01 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 04 năm đối với hình phạt tù có thời hạn, hình phạt tù chung thân, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành hình phạt ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên hoặc 15 năm đối với hình phạt tù chung thân; trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì thời gian thực tế chấp hành hình phạt ít nhất là 20 năm.
3. Trường hợp đặc biệt, khi có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì người bị kết án có thể được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Xem nội dung VBĐiều 64. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt
Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Tòa án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 63 của Bộ luật này. Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2, 4, 9 Điều 2 và Điều 6 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 5, 8, 10 Điều 2 và Điều 7 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 2. Về một số từ ngữ
...
5. “Bị bệnh nặng” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị xử phạt tù đang bị bệnh hiểm nghèo hướng dẫn tại khoản 4 Điều này hoặc đang bị bệnh khác tới mức không thể chấp hành hình phạt và nếu phải chấp hành hình phạt sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
...
8. “Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn” quy định tại điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 62, “gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng và thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Gia đình của người bị kết án gặp tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng dưới mức chuẩn hộ nghèo;
b) Bố, mẹ, vợ, chồng, con của người bị kết án ốm đau kéo dài mà không có người chăm sóc.
...
10. “Do nhu cầu công vụ” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự là trường hợp cơ quan có thẩm quyền thấy cần thiết phải có người bị xử phạt tù để thực hiện công vụ nhất định và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ.
...
Điều 7. Về hoãn chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 67 của Bộ luật Hình sự
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không phân biệt là con đẻ hay con nuôi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
b) Có nơi cư trú rõ ràng.
Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người bị xử phạt tù về cư trú, sinh sống thường xuyên;
c) Sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn.
2. Tòa án cũng có thể cho người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự nhưng không đáp ứng một trong các điều kiện hướng dẫn tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được hoãn chấp hành hình phạt tù nhưng phải gắn với hoàn cảnh đặc biệt và phải xem xét thận trọng, chặt chẽ.
Ví dụ: Nguyễn Thị B bị xử phạt 04 năm tù về tội cố ý gây thương tích, không có nơi cư trú rõ ràng, đang nuôi con 12 tháng tuổi nhưng con bị mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị trong bệnh viện mà không có người chăm sóc thì Tòa án có thể xem xét cho Nguyễn Thị B được hoãn chấp hành hình phạt tù.
3. Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù được xác định như sau:
a) Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự được tính từ ngày Tòa án ban hành quyết định cho đến khi sức khỏe của người bị xử phạt tù được hồi phục;
b) Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù đối với trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự được tính từ ngày Tòa án ban hành quyết định cho đến khi kết thúc thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù mà Tòa án quyết định.
4. Giải quyết một số trường hợp sau khi được hoãn chấp hành hình phạt tù:
a) Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người được hoãn chấp hành hình phạt tù lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì Tòa án có thể quyết định cho họ được hoãn đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi;
b) Người được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự thì có thể được hoãn một hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được hoãn tối đa đến 01 năm. Xem nội dung VBĐiều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này. Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 5, 8, 10 Điều 2 và Điều 7 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Điều này được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
...
Điều 8. Về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 68 của Bộ luật Hình sự
1. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự và có nơi cư trú rõ ràng thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
2. Thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù là lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được tạm đình chỉ tối đa là 01 năm. Xem nội dung VBĐiều 68. Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù
1. Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
2. Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù. Điều này được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/07/2024
Chú thích:
Rà chuột vào nội dụng văn bản để sử dụng.
<Nội dung> = Nội dung hai
văn bản đều có;
<Nội dung> =
Nội dung văn bản cũ có, văn bản mới không có;
<Nội dung> = Nội dung văn
bản cũ không có, văn bản mới có;
<Nội dung> = Nội dung được sửa đổi, bổ
sung.
Click trái để xem cụ thể từng nội dung cần so sánh
và cố định bảng so sánh.
Click phải để xem những nội dung sửa đổi, bổ sung.
Double click để xem tất cả nội dung không có thay
thế tương ứng.
Tắt so sánh [X] để
trở về trạng thái rà chuột ban đầu.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
FILE ATTACHED TO DOCUMENT
“Điều 217a. Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.|~|Điều 217a được bổ sung bởi Khoản 51 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017|~|https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-sua-doi-Bo-luat-Hinh-su-2017-354053.aspx?anchor=khoan_51_1 4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.|~|Khoản 4 được bổ sung bởi Điểm b Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017|~|https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-sua-doi-Bo-luat-Hinh-su-2017-354053.aspx?anchor=khoan_16_1 4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.|~|Khoản 4 được bổ sung bởi Khoản 102 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017|~|https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-sua-doi-Bo-luat-Hinh-su-2017-354053.aspx?anchor=khoan_102_1
Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau đây:
1. Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);
2. Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).
*Điều 76 được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này.* Điều 77. Phạt tiền
1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
2. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng. Điều 143. Tội cưỡng dâm
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Cưỡng dâm 02 lần trở lên;
c) Cưỡng dâm 02 người trở lên;
d) Có tính chất loạn luân;
đ) Làm nạn nhân có thai;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 143 được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Có tính chất loạn luân;
đ) Làm nạn nhân có thai;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
c) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
*Khoản 3 Điều 143 này được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.*
4. Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 150. Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
*Khoản 1 Điều 150 được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
*Khoản 2 Điều 150 được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;
e) Phạm tội 02 lần trở lên.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 3 Điều 150 được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
*Điều 151 được sửa đổi bởi Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.* Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Khoản 1 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
*Khoản 3 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
*Khoản 4 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Khoản 1 Điều 178 được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 178 được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
*Khoản 3 Điều 178 được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
*Khoản 4 Điều 178 được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
*Khoản 2 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
*Khoản 3 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
*Khoản 4 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này.
*Khoản 2 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Qua biên giới;
h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
p) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này;
q) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản1 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 265. Tội tổ chức đua xe trái phép
1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Tổ chức đua xe trái phép cho từ 10 xe tham gia trở lên hoặc cùng một lúc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên;
b) Tổ chức cá cược;
c) Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư;
đ) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
e) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
*Điều 265 được sửa đổi bởi Khoản 77 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 265. Tội tổ chức đua xe trái phép
1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm:
a) Tổ chức cho 10 xe tham gia trở lên trong cùng một lúc hoặc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên trong cùng một lúc;
b) Tổ chức cá cược;
c) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tại nơi tập trung đông dân cư;
đ) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
e) Làm chết người;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.* Điều 266. Tội đua xe trái phép
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
e) Tham gia cá cược;
g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
h) Đua xe nơi tập trung đông dân cư;
i) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
*Điều 266 được sửa đổi bởi Khoản 78 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 266. Tội đua xe trái phép
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
e) Tham gia cá cược;
g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
h) Tại nơi tập trung đông dân cư;
i) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.* Điều 285. Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật
1. Người nào sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
*Cụm từ “viễn thông” và dấu “,” sau từ “trao đổi” tại Khoản 1 Điều 285 bị thay thế bởi Điểm p Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “viễn thông” bằng cụm từ “mạng viễn thông” và dấu “,” bằng từ “hoặc” sau từ “trao đổi” *
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 286. Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
1. Người nào cố ý phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Làm lây nhiễm từ 50 phương tiện điện tử đến dưới 200 phương tiện điện tử hoặc hệ thống thông tin có từ 50 người sử dụng đến dưới 200 người sử dụng;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
d) Làm lây nhiễm từ 200 phương tiện điện tử đến dưới 500 phương tiện điện tử hoặc hệ thống thông tin có từ 200 người sử dụng đến dưới 500 người sử dụng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm lây nhiễm 500 phương tiện điện tử trở lên hoặc hệ thống thông tin có từ 500 người sử dụng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 287. Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
1. Người nào tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 30 phút đến dưới 24 giờ hoặc từ 03 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ;
d) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 24 giờ đến dưới 72 giờ;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
e) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 24 giờ đến dưới 168 giờ hoặc từ 10 lần đến dưới 50 lần trong thời gian 24 giờ;
g) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 72 giờ đến dưới 168 giờ.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin, giao dịch tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
*Cụm từ “hệ thống thông tin, giao dịch tài chính” tại Điểm b Khoản 3 Điều 287 bị thay thế bởi Điểm q Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “hệ thống thông tin, giao dịch tài chính” bằng cụm từ “hệ thống thông tin tài chính”*
c) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử 168 giờ trở lên hoặc 50 lần trở lên trong thời gian 24 giờ;
e) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức 168 giờ trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác
1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 299. Tội khủng bố
1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
*Điểm d Khoản 2 Điều 299 được bổ sung bởi Khoản 101 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.*
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
*Khoản 1 Điều 303 được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 200% trở lên;
e) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 303 được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm. Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
*Khoản 3 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 299. Tội khủng bố
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 110. Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này. Điều 111. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 112. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 12 được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 112. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
...
2. Phạm tội trong trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
*Điểm a Khoản 2 Điều 113 được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;* Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
*Khoản 1 Điều 113 được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.*
2. Phạm tội trong trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác.
*Khoản 2 Điều 113 được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.*
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 113 được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 118. Tội phá rối an ninh
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 112 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Điều 119. Tội chống phá cơ sở giam giữ
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải hoặc trốn khỏi cơ sở giam giữ, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
*Điều 134 được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.* Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
k) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
*Khoản 3 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;
d) Làm chết người.
*Khoản 4 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.*
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 299. Tội khủng bố
1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
*Điểm d Khoản 2 Điều 299 được bổ sung bởi Khoản 101 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.*
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 300. Tội tài trợ khủng bố
1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
*Khoản 4 Điều 300 được bổ sung bởi Khoản 102 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 301. Tội bắt cóc con tin
1. Người nào bắt giữ, giam người khác làm con tin và đe dọa giết, làm bị thương hoặc tiếp tục giam, giữ người đó nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
*Khoản 1 Điều 301 được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người khác làm con tin nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 04 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
d) Phạm tội đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
*Khoản 2 Điều 301 được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
*Khoản 3 Điều 301 được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 301 được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.*
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Điều 302. Tội cướp biển
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Tấn công tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác đang ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào;
b) Tấn công hoặc bắt giữ người trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này;
c) Cướp phá tài sản trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 302 được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 302 được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 302 được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.*
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
*Khoản 1 Điều 303 được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 200% trở lên;
e) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 303 được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm. Điều 324. Tội rửa tiền
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
*Điều 324 được sửa đổi bởi Khoản 122 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 324. Tội rửa tiền
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 389. Tội che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều từ Điều 108 đến Điều 121 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Điều 123 (tội giết người); Điều 141, các khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm); Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 146, các khoản 2 và 3 (tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi); Điều 150, các khoản 2 và 3 (tội mua bán người);
c) Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 152 (tội đánh tráo người dưới 01 tuổi); Điều 153 (tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi); Điều 154 (tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người);
d) Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 (tội trộm cắp tài sản); Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); Điều 178, các khoản 2, 3 và 4 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
đ) Điều 188, các khoản 3 và 4 (tội buôn lậu); Điều 189, khoản 3 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191, các khoản 2 và 3 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196, các khoản 2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 205, các khoản 3 và 4 (tội lập quỹ trái phép); Điều 206, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả); Điều 208 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác); Điều 219, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí); Điều 220, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 221, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 222, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 223, các khoản 2 và 3 (tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 224, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 243, các khoản 2 và 3 (tội hủy hoại rừng);
e) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 253 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 254, khoản 2 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 255 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 256 (tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 257 (tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 258 (tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 259, khoản 2 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần);
g) Điều 265, các khoản 2, 3 và 4 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy); Điều 299 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 299 (tội khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân); Điều 311, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc);
h) Điều 329, các khoản 2 và 3 (tội mua dâm người dưới 18 tuổi);
i) Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 (tội tham ô tài sản); Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 (tội nhận hối lộ); Điều 355, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản); Điều 356, các khoản 2 và 3 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); Điều 357, các khoản 2 và 3 (tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ); Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi); Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 (tội giả mạo trong công tác); Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 (tội đưa hối lộ); Điều 365, các khoản 2, 3 và 4 (tội làm môi giới hối lộ);
k) Điều 373, các khoản 3 và 4 (tội dùng nhục hình); Điều 374, các khoản 3 và 4 (tội bức cung); Điều 386, khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải, đang bị xét xử);
l) Các điều từ Điều 421 đến Điều 425 về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
*Khoản 1 Điều 389 được sửa đổi bởi Khoản 137 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;
b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;
c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;
d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;
đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;
e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;
g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303 và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;
h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;
i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;
k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.*
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Điều 389. Tội che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều từ Điều 108 đến Điều 121 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Điều 123 (tội giết người); Điều 141, các khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm); Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 146, các khoản 2 và 3 (tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi); Điều 150, các khoản 2 và 3 (tội mua bán người);
c) Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 152 (tội đánh tráo người dưới 01 tuổi); Điều 153 (tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi); Điều 154 (tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người);
d) Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 (tội trộm cắp tài sản); Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); Điều 178, các khoản 2, 3 và 4 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
đ) Điều 188, các khoản 3 và 4 (tội buôn lậu); Điều 189, khoản 3 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191, các khoản 2 và 3 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196, các khoản 2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 205, các khoản 3 và 4 (tội lập quỹ trái phép); Điều 206, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả); Điều 208 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác); Điều 219, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí); Điều 220, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 221, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 222, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 223, các khoản 2 và 3 (tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 224, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 243, các khoản 2 và 3 (tội hủy hoại rừng);
e) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 253 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 254, khoản 2 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 255 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 256 (tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 257 (tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 258 (tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 259, khoản 2 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần);
g) Điều 265, các khoản 2, 3 và 4 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy); Điều 299 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 299 (tội khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân); Điều 311, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc);
h) Điều 329, các khoản 2 và 3 (tội mua dâm người dưới 18 tuổi);
i) Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 (tội tham ô tài sản); Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 (tội nhận hối lộ); Điều 355, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản); Điều 356, các khoản 2 và 3 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); Điều 357, các khoản 2 và 3 (tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ); Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi); Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 (tội giả mạo trong công tác); Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 (tội đưa hối lộ); Điều 365, các khoản 2, 3 và 4 (tội làm môi giới hối lộ);
k) Điều 373, các khoản 3 và 4 (tội dùng nhục hình); Điều 374, các khoản 3 và 4 (tội bức cung); Điều 386, khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải, đang bị xét xử);
l) Các điều từ Điều 421 đến Điều 425 về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
*Khoản 1 Điều 389 được sửa đổi bởi Khoản 137 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;
b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;
c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;
d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;
đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;
e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;
g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303 và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;
h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;
i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;
k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.*
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Điều 389. Tội che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều từ Điều 108 đến Điều 121 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Điều 123 (tội giết người); Điều 141, các khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm); Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 146, các khoản 2 và 3 (tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi); Điều 150, các khoản 2 và 3 (tội mua bán người);
c) Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 152 (tội đánh tráo người dưới 01 tuổi); Điều 153 (tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi); Điều 154 (tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người);
d) Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 (tội trộm cắp tài sản); Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); Điều 178, các khoản 2, 3 và 4 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
đ) Điều 188, các khoản 3 và 4 (tội buôn lậu); Điều 189, khoản 3 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191, các khoản 2 và 3 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196, các khoản 2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 205, các khoản 3 và 4 (tội lập quỹ trái phép); Điều 206, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả); Điều 208 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác); Điều 219, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí); Điều 220, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 221, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 222, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 223, các khoản 2 và 3 (tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 224, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 243, các khoản 2 và 3 (tội hủy hoại rừng);
e) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 253 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 254, khoản 2 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 255 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 256 (tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 257 (tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 258 (tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 259, khoản 2 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần);
g) Điều 265, các khoản 2, 3 và 4 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy); Điều 299 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 299 (tội khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân); Điều 311, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc);
h) Điều 329, các khoản 2 và 3 (tội mua dâm người dưới 18 tuổi);
i) Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 (tội tham ô tài sản); Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 (tội nhận hối lộ); Điều 355, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản); Điều 356, các khoản 2 và 3 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); Điều 357, các khoản 2 và 3 (tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ); Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi); Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 (tội giả mạo trong công tác); Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 (tội đưa hối lộ); Điều 365, các khoản 2, 3 và 4 (tội làm môi giới hối lộ);
k) Điều 373, các khoản 3 và 4 (tội dùng nhục hình); Điều 374, các khoản 3 và 4 (tội bức cung); Điều 386, khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải, đang bị xét xử);
l) Các điều từ Điều 421 đến Điều 425 về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
*Khoản 1 Điều 389 được sửa đổi bởi Khoản 137 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;
b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;
c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;
d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;
đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;
e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;
g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303 và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;
h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;
i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;
k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.*
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Điều 389. Tội che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều từ Điều 108 đến Điều 121 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Điều 123 (tội giết người); Điều 141, các khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm); Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 146, các khoản 2 và 3 (tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi); Điều 150, các khoản 2 và 3 (tội mua bán người);
c) Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 152 (tội đánh tráo người dưới 01 tuổi); Điều 153 (tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi); Điều 154 (tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người);
d) Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 (tội trộm cắp tài sản); Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); Điều 178, các khoản 2, 3 và 4 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
đ) Điều 188, các khoản 3 và 4 (tội buôn lậu); Điều 189, khoản 3 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191, các khoản 2 và 3 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196, các khoản 2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 205, các khoản 3 và 4 (tội lập quỹ trái phép); Điều 206, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả); Điều 208 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác); Điều 219, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí); Điều 220, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 221, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 222, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 223, các khoản 2 và 3 (tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 224, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 243, các khoản 2 và 3 (tội hủy hoại rừng);
e) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 253 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 254, khoản 2 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 255 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 256 (tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 257 (tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 258 (tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 259, khoản 2 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần);
g) Điều 265, các khoản 2, 3 và 4 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy); Điều 299 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 299 (tội khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân); Điều 311, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc);
h) Điều 329, các khoản 2 và 3 (tội mua dâm người dưới 18 tuổi);
i) Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 (tội tham ô tài sản); Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 (tội nhận hối lộ); Điều 355, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản); Điều 356, các khoản 2 và 3 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); Điều 357, các khoản 2 và 3 (tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ); Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi); Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 (tội giả mạo trong công tác); Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 (tội đưa hối lộ); Điều 365, các khoản 2, 3 và 4 (tội làm môi giới hối lộ);
k) Điều 373, các khoản 3 và 4 (tội dùng nhục hình); Điều 374, các khoản 3 và 4 (tội bức cung); Điều 386, khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải, đang bị xét xử);
l) Các điều từ Điều 421 đến Điều 425 về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
*Khoản 1 Điều 389 được sửa đổi bởi Khoản 137 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;
b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;
c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;
d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;
đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;
e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;
g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303 và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;
h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;
i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;
k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.*
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược
...
2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Điều 422. Tội chống loài người
...
2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Điều 423. Tội phạm chiến tranh
...
2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Điều 353. Tội tham ô tài sản
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. Điều 354. Tội nhận hối lộ
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. Điều 44. Tước một số quyền công dân
1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo. Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
*Điểm s Khoản 1 Điều 51 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;*
t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;
*Điểm t Khoản 1 Điều 51 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;*
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.
*Điểm x Khoản 1 Điều 51 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.* Điều 55. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội
Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên. Điều 55. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội
Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên. Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Điều 40. Tử hình
...
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
...
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Điều 63. Giảm mức hình phạt đã tuyên
1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.
2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.
Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
3. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
4. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung.
5. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm. Điều 56. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Điều 40. Tử hình
...
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Điều 56. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Điều 56. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm. Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;
b) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
c) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.
*Điều 71 được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.*
Điều 72. Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt
Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
Điều 73. Cách tính thời hạn để xóa án tích
1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.
2. Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.
3. Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó.
4. Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt. Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
...
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung. Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
...
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;
b) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
c) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
* Khoản 2 Điều 71 được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.* Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;
b) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
c) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.
*Điều 71 được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.* Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm;
b) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
c) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản này thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.
*Điều 71 được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.* Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
...
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
*Khoản 3 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
*Tên Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi*
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 5 Điều 196 bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm d Khoản 5 Điều 196 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” * Điều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
*Khoản 1 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
*Cụm từ “100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng” tại Khoản 2 Điều 203 bị thay thế bởi Điểm k Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng” bằng cụm từ “200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng” *
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;
đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 4 Điều 203 bị thay thế bởi Điểm k Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 209. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán
1. Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán mà còn vi phạm.
*Điểm c Khoản 1 Điều 209 được bổ sung bởi Điểm h Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
1. Bổ sung một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy vào các điều, khoản, điểm sau đây của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:
...
h) Bổ sung cụm từ “hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích” vào sau cụm từ “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” tại điểm c khoản 1 Điều 209;*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm c Khoản 4 Điều 209 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” * Điều 210. Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán
1. Người nào biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin này, thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm c Khoản 4 Điều 210 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định”* Điều 211. Tội thao túng thị trường chứng khoán
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
b) Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.
*Khoản 1 Điều 213 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, với số tiền chiếm đoạt từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này, với số tiền chiếm đoạt từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội với số tiền chiếm đoạt 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 213 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều này hoặc chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng. Điều 217. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
1. Người nào trực tiếp tham gia hoặc thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh thuộc một trong các trường hợp sau đây, thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
b) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;
c) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, nguồn cung dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
*Khoản 1 Điều 217 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
b) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;
c) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền thị trường;
d) Thu lợi bất chính 5.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại cho người khác 3.000.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 2 Điều 217 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền;
d) Thu lợi bất chính 3.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại cho người khác 5.000.000.000 đồng trở lên.*
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm
*Điểm c Khoản 4 Điều 217 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
*Khoản 1 Điều 225 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 4 Điều 225 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
*Khoản 1 Điều 226 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 4 Điều 226 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 227. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
*Tên Điều 227 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 227. Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên*
1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
*Khoản 1 Điều 227 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Gây sự cố môi trường;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
e) Làm chết người.
*Khoản 2 Điều 227 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Gây sự cố môi trường;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 4 Điều 227 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
*Tên Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 232. Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản*
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất với khối lượng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 12,5 mét khối (m3) đến dưới 25 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng đặc dụng với khối lượng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 5 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Khai thác thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 02 mét khối (m3) gỗ tại rừng sản xuất hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 1,5 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 01 mét khối (m3) gỗ tại rừng đặc dụng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) đối với gỗ loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường;
g) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép các loài thực vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;
h) Vật phạm pháp có khối lượng hoặc giá trị dưới mức thấp nhất quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ hoặc e của khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Khoản 1 Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng trồng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 07 mét khối (m3) đến dưới 15 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng trồng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên từ 07 mét khối (m3) đến dưới 15 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 05 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
đ) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng trồng từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 05 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 03 mét khối (m3) đến dưới 08 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
g) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật rừng thông thường ngoài gỗ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
h) Khai thác trái phép gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA từ 01 mét khối (m3) đến dưới 02 mét khối (m3) tại rừng sản xuất, từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 1,5 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 01 mét khối (m3) tại rừng đặc dụng;
i) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng;
k) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng thông thường;
l) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép loài thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;
m) Khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép gỗ hoặc thực vật rừng ngoài gỗ có khối lượng hoặc trị giá dưới mức quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm l khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất với khối lượng từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 25 mét khối (m3) đến dưới 50 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng đặc dụng với khối lượng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép từ 03 mét khối (m3) đến dưới 06 mét khối (m3) đối với gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ của loài thực vật thông thường;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái pháp luật các loài thực vật hoang dã khác trị giá từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.200.000.000 đồng;
g) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại;
h) Phạm tội có tổ chức;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng trồng từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 30 mét khối (m3) đến dưới 50 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng trồng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
đ) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng trồng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 08 mét khối (m3) đến dưới 15 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 03 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
g) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; thực vật rừng thông thường ngoài gỗ trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
h) Khai thác trái phép gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA từ 02 mét khối (m3) đến dưới 04 mét khối (m3) tại rừng sản xuất, từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 02 mét khối (m3) tại rừng đặc dụng;
i) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng;
k) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép từ 03 mét khối (m3) đến dưới 06 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng thông thường;
l) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép loài thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.200.000.000 đồng;
m) Có tổ chức;
n) Mua bán, vận chuyển qua biên giới;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị tù từ 05 năm đến 10 năm.
a) Khai thác trái phép tại rừng sản xuất 80 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 50 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép tại rừng phòng hộ 60 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 40 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép tại rừng đặc dụng 60 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 20 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép thực vật rừng khác trị giá 400.000.000 đồng trở lên;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép 06 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; 40 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; 80 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái pháp luật các loài thực vật hoang dã khác trị giá 1.200.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng trồng 80 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 50 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên 40 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 30 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng trồng 60 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 40 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên 30 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 20 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
đ) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng trồng 40 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 20 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên 15 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường hoặc 10 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
g) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên; thực vật rừng thông thường ngoài gỗ trị giá 400.000.000 đồng trở lên;
h) Khai thác trái phép gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA 04 mét khối (m3) trở lên tại rừng sản xuất, 03 mét khối (m3) trở lên tại rừng phòng hộ hoặc 02 mét khối (m3) trở lên tại rừng đặc dụng;
i) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 120.000.000 đồng trở lên;
k) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép 06 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; 40 mét khối (m3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; 80 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật rừng thông thường;
l) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép loài thực vật rừng ngoài gỗ trị giá 1.200.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm b Khoản 5 Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;*
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 234. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã
*Tên Điều 234 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 234. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã*
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Phạm tội trong trường hợp động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật có giá trị dưới mức quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Khoản 1 Điều 234 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thu lợi bất chính hoặc trị giá dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường hoặc bộ phận, sản phẩm của các động vật đó trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 234 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
đ) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
e) Vận chuyển, buôn bán qua biên giới;
g) Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hoặc bộ phận, sản phẩm của các động vật đó trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 234 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc của động vật hoang dã khác trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 234 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;
b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần;
d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;
g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật 5.000 kilôgam trở lên;
b) Xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày trở lên nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật 04 lần trở lên;
d) Xả ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải trở lên có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
đ) Thải ra môi trường 500.000 mét khối (m3)/giờ trở lên bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật 500.000 kilôgam trở lên;
g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định 04 lần trở lên.
3. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam;
b) Chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy thuộc danh mục cấm sử dụng trái quy định của pháp luật từ 2.000 kilôgam trở lên;
c) Xả thải ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần đến dưới 10 lần;
d) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần;
đ) Xả ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
e) Thải ra môi trường từ 150.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 100.000 kilôgam đến 200.000 kilôgam;
h) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
i) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
*Điều 235 được sửa đổi bởi Khoản 58 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;
b) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 500 kilôgam đến dưới 1.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 1.500 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Xả thải ra môi trường từ 500 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
d) Xả thải ra môi trường 500 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần hoặc từ 300 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 500 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 100 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 300 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Thải ra môi trường từ 150.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 100.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 150.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
e) Thải ra môi trường 150.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần hoặc từ 100.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 150.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 50.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 100.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 100.000 kilôgam đến dưới 200.000 kilôgam hoặc từ 70.000 kilôgam đến dưới 100.000 kilôgam nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
h) Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều từ 50 milisivơ (mSv) trên năm đến dưới 200 milisivơ (mSv) trên năm hoặc giá trị suất liều từ 0,0025 milisivơ (mSv) trên giờ đến dưới 0,01 milisivơ (mSv) trên giờ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 10.000 kilôgam đến dưới 50.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;
b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 500 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
c) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 150.000 mét khối (m3) trên giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
d) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;
đ) Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều từ 200 milisivơ (mSv) trên năm đến dưới 400 milisivơ (mSv) trên năm hoặc giá trị suất liều từ 0,01 milisivơ (mSv) trên giờ đến dưới 0,02 milisivơ (mSv) trên giờ;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật 5.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc 50.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại khác;
b) Xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc 5.000 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
c) Thải ra môi trường 500.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc 300.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;
d) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường 500.000 kilôgam trở lên;
đ) Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều 400 milisivơ (mSv) trên năm trở lên hoặc giá trị suất liều 0,02 milisivơ (mSv) trên giờ trở lên;
e) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 12.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 12.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;
b) Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 237 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;
b) Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thiệt hại từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 237 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 7.000.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 237 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại 7.000.000.000 đồng trở lên.”;*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
*Điểm c Khoản 5 Điều 237 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm. Điều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Xây nhà, công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai;
b) Hủy hoại hoặc làm hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 303 của Bộ luật này;
c) Khoan, đào thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép;
d) Sử dụng chất nổ, gây nổ, gây cháy trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai; công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, trừ trường hợp có giấy phép hoặc trường hợp khẩn cấp do luật định;
đ) Vận hành hồ chứa nước, liên hồ chứa nước, công trình phân lũ, làm chậm lũ không đúng với quy trình, quy chuẩn kỹ thuật cho phép, trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo sự chỉ đạo của người có thẩm quyền.
*Khoản 1 Điều 238 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 303 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Xây nhà, công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống thiên tai;
b) Làm hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;
c) Khoan, đào thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép;
d) Sử dụng chất nổ, gây nổ, gây cháy trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, công trình phòng, chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, trừ trường hợp có giấy phép hoặc trường hợp khẩn cấp do luật định;
đ) Vận hành hồ chứa nước không đúng quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa; vận hành công trình phân lũ, làm chậm lũ không đúng với quy trình, quy chuẩn kỹ thuật cho phép, trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm chết người;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 238 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 238 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 02 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
*Điểm c Khoản 5 Điều 238 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 60 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm. Điều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm từ 1.000 kilôgam đến 3.000 kilôgam vào lãnh thổ Việt Nam;
b) Đưa chất thải khác từ 70.000 kilôgam đến dưới 170.000 kilôgam vào lãnh thổ Việt Nam.
*Khoản 1 Điều 239 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;
b) Đưa từ 70.000 kilôgam đến dưới 170.000 kilôgam chất thải khác.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm có khối lượng từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;
c) Chất thải khác có khối lượng từ 170.000 kilôgam đến dưới 300.000 kilôgam.
*Khoản 2 Điều 239 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đưa từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 10.000 kilôgam đến dưới 50.000 kilôgam chất thải nguy hại khác;
c) Đưa từ 170.000 kilôgam đến dưới 300.000 kilôgam chất thải khác.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm có khối lượng 5.000 kilôgam trở lên;
b) Chất thải khác có khối lượng 300.000 kilôgam trở lên.
*Khoản 3 Điều 239 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Đưa 5.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc 50.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại khác;
b) Đưa 300.000 kilôgam trở lên chất thải khác.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc tạm đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 01 năm;
*Điểm b Khoản 5 Điều 239 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 01 năm;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 239 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 61 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm. Điều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản
1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm, khu vực cấm có thời hạn theo quy định của pháp luật;
c) Khai thác các loài thủy sản bị cấm khai thác theo quy định của pháp luật;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thủy sản thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 61%;
e) Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
*Khoản 1 Điều 242 được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;
c) Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của Bộ luật này;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người.
*Khoản 2 Điều 242 được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên.
*Khoản 3 Điều 242 được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 243. Tội hủy hoại rừng
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ trên 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
b) Rừng sản xuất có diện tích từ trên 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ trên 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ trên 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
e) Diện tích rừng hoặc giá trị lâm sản, thực vật dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Khoản 1 Điều 243 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
g) Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);
đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);
h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
i) Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá từ trên 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 243 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);
đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);
h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
i) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên; c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên; d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 120.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; 200.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
e) Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 243 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên;
c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên;
d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 243 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
*Tên Điều 244 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 244. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm*
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản này; ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác;
d) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú, của 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác thuộc loài động vật quy định tại điểm c khoản này;
đ) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật có số lượng dưới mức tối thiểu của các điểm b, c và d khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Khoản 1 Điều 244 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;
c) Ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam;
d) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;
e) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 07 đến 10 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, lớp bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể lớp khác thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
g) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 đến 11 cá thể thuộc lớp thú, từ 11 đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 đến 20 cá thể động vật thuộc các lớp khác;
h) Từ 01 đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; từ 03 đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 244 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 08 cá thể đến 11 cá thể lớp thú, từ 11 cá thể đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 cá thể đến 20 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác; từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ;
d) Ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
g) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
h) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
i) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
k) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, lớp bò sát trở lên hoặc 16 cá thể lớp khác trở lên thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật trở lên thuộc các lớp khác;
c) Từ 03 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; 06 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.
*Khoản 3 Điều 244 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 16 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Từ 03 cá thể voi, tê giác trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 03 cá thể voi, tê giác trở lên; 06 cá thể gấu, hổ trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 06 cá thể gấu, hổ trở lên;
d) Ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 244 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 245. Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên
*Từ "các" tại tên Điều 245 bị bãi bỏ bởi Điểm e Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
1. Người nào vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
*Từ "các" tại Khoản 1 Điều 245 bị bãi bỏ bởi Điểm e Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
a) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại đến cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích từ 300 mét vuông (m2) đến dưới 500 mét vuông (m2);
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 200.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại đến cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích từ 500 mét vuông (m2) trở lên;
*Cụm từ “phân khu bảo tồn nghiêm ngặt” tại Điểm b Khoản 2 Điều 245 bị thay thế bởi Điểm n Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay cụm từ “phân khu bảo tồn nghiêm ngặt” bằng cụm từ “phân khu bảo vệ nghiêm ngặt”
Từ "từ" tại Điểm b Khoản 2 Điều 245 bị bãi bỏ bởi Điểm e Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Có tổ chức;
d) Sử dụng công cụ, phương tiện, biện pháp bị cấm;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 246. Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
*Điểm c Khoản 1 Điều 47 được bổ sung bởi Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung cụm từ “cấm tàng trữ,” vào trước cụm từ “cấm lưu hành” *
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
Điều 48. Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi
1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại. Điều 86. Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội
Khi xét xử cùng 01 lần pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với từng lĩnh vực cụ thể thì không tổng hợp;
c) Hình phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác;
*Khoản 1 Điều 86 được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt tiền không tổng hợp với các hình phạt khác;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực hoặc hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong lĩnh vực đó;
c) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực thì được tổng hợp thành hình phạt chung nhưng không vượt quá 04 năm;
d) Nếu trong số các hình phạt đã tuyên có hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của Bộ luật này thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với toàn bộ hoạt động;
đ) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau thì không tổng hợp.*
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì pháp nhân thương mại bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên. Điều 86. Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội
Khi xét xử cùng 01 lần pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với từng lĩnh vực cụ thể thì không tổng hợp;
c) Hình phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác;
*Khoản 1 Điều 86 được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt tiền không tổng hợp với các hình phạt khác;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực hoặc hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong lĩnh vực đó;
c) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực thì được tổng hợp thành hình phạt chung nhưng không vượt quá 04 năm;
d) Nếu trong số các hình phạt đã tuyên có hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của Bộ luật này thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với toàn bộ hoạt động;
đ) Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau thì không tổng hợp.*
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì pháp nhân thương mại bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên. Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
*Cụm từ “Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác,” tại Điểm c Khoản 2 Điều 29 được bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung cụm từ “Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác,” vào đầu điểm c khoản 2 ... Điều 29*
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
*Cụm từ “, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” và từ “hợp pháp” tại Khoản 3 Điều 29 được bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung cụm từ “, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” vào sau cụm từ “tài sản của người khác” và từ “hợp pháp” vào sau từ “đại diện”* Chương XII NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI
...
Mục 2. CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC ÁP DỤNG TRONG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Điều 92. Điều kiện áp dụng
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này.
Điều 93. Khiển trách
1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
*Khoản 1 Điều 93 được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.*
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.
Điều 94. Hòa giải tại cộng đồng
1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
*Khoản 1 Điều 94 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.*
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
*Điều 94 được bổ sung bởi Điểm b Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.*
Điều 95. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
*Khoản 1 Điều 95 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.*
2. Người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động;
b) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn;
c) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép;
d) Các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
3. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
*Khoản 3 Điều 95 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.* Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
*Điều 134 được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.* Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
*Khoản 1 Điều 141 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
k) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 141 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
*Khoản 3 Điều 141 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.*
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
*Khoản 2 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
*Khoản 3 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
*Khoản 4 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này.
*Khoản 2 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Qua biên giới;
h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
p) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này;
q) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
...
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);
đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
*Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.* Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Chương XII NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI
...
Mục 2. CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC ÁP DỤNG TRONG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Điều 92. Điều kiện áp dụng
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này.
Điều 93. Khiển trách
1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
*Khoản 1 Điều 93 được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.*
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.
Điều 94. Hòa giải tại cộng đồng
1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
*Khoản 1 Điều 94 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.*
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
*Điều 94 được bổ sung bởi Điểm b Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.*
Điều 95. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
*Khoản 1 Điều 95 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.*
2. Người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động;
b) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn;
c) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép;
d) Các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.
3. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
*Khoản 3 Điều 95 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.* Chương XII NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI
...
Mục 3. BIỆN PHÁP TƯ PHÁP GIÁO DỤC TẠI TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG
Điều 96. Giáo dục tại trường giáo dưỡng
1. Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.
2. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Điều 97. Chấm dứt trước thời hạn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
Nếu người được giáo dục tại trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của trường giáo dưỡng được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, Tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại trường giáo dưỡng. Chương XII NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI
...
Mục 3. BIỆN PHÁP TƯ PHÁP GIÁO DỤC TẠI TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG
Điều 96. Giáo dục tại trường giáo dưỡng
1. Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.
2. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Điều 97. Chấm dứt trước thời hạn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
Nếu người được giáo dục tại trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của trường giáo dưỡng được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, Tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại trường giáo dưỡng. Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
...
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
*Khoản 4, 5 và 6 Điều 134 được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.* Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
*Khoản 1 Điều 141 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
k) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 141 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
*Khoản 3 Điều 141 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.*
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Đối với 02 người trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 142 được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
*Khoản 3 Điều 142 được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;*
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 144 được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
*Khoản 3 Điều 144 được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.*
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 150. Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
*Khoản 1 Điều 150 được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
*Khoản 2 Điều 150 được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;
e) Phạm tội 02 lần trở lên.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 3 Điều 150 được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.”.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
*Điều 151 được sửa đổi bởi Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.* Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
*Khoản 2 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
*Khoản 3 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
*Khoản 4 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này.
*Khoản 2 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
...
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
...
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
*Điểm b Khoản 2 Điều 91 được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;* Điều 93. Khiển trách
...
3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
...
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
*Điểm a Khoản 2 Điều 91 được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;* Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
...
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
...
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
*Điểm b Khoản 2 Điều 91 được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;* Điều 93. Khiển trách
...
3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Điều 100. Cải tạo không giam giữ
1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý.
*Khoản 1 Điều 100 được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.*
2. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.
Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.
Điều 101. Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Điều 99. Phạt tiền
Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Điều 100. Cải tạo không giam giữ
1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý.
*Khoản 1 Điều 100 được sửa đổi bởi Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.*
2. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.
Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.
Điều 101. Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Điều 55. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội
Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên. Điều 55. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội
Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Điều 56. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Điều 103. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội
1. Khi xét xử cùng một lần người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm. Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.
2. Đối với người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:
a) Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:
a) Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt áp dụng đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi nặng hơn mức hình phạt áp dụng đối với tội thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội. Điều 66. Tha tù trước thời hạn có điều kiện
...
2. Không áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh hoặc người bị kết án từ 10 năm tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy;
b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.
*Khoản 2 Điều 66 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Không áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299 của Bộ luật này; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.* Điều 66. Tha tù trước thời hạn có điều kiện
...
3. Theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù.
4. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
5. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Điều 112. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 112 được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 112. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo. Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Đối với 02 người trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 142 được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
*Khoản 3 Điều 142 được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;*
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 144 được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
*Khoản 3 Điều 144 được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.*
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 148. Tội lây truyền HIV cho người khác
1. Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với người dưới 18 tuổi;
*Điểm b Khoản 2 Điều 148 được bổ sung bởi Điểm c Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung cụm từ “, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 145 của Bộ luật này” vào sau cụm từ “người dưới 18 tuổi” *
c) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
d) Đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
*Cụm từ “đang” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 148 được bổ sung bởi Điểm c Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung cụm từ “đang” vào trước cụm từ “thi hành công vụ”* Điều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật
*Tên Điều 377 được sửa đổi bởi Khoản 135 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật*
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
b) Quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật;
c) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành;
đ) Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.
*Khoản 1 Điều 377 được sửa đổi bởi Khoản 135 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
b) Ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật;
c) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành;
đ) Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Giam, giữ trái pháp luật từ 02 người đến 05 người;
b) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật bị tổn hại về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Làm người bị giam, giữ hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Giam, giữ trái pháp luật 06 người trở lên;
b) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật tổn hại về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc chết;
c) Làm người bị giam, giữ tự sát;
d) Làm gia đình người bị giam, giữ ly tán.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
k) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
*Khoản 3 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;
d) Làm chết người.
*Khoản 4 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.*
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Khoản 1 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
*Khoản 3 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
*Khoản 3 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Cụm từ "; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại" tại Điểm d Khoản 1 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
*Điểm g Khoản 2 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
*Điểm b Khoản 3 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
*Điểm b Khoản a Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
*Điều 175 được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.*
...
Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
k) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
*Khoản 3 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;
d) Làm chết người.
*Khoản 4 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.*
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Cụm từ "; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại" tại Điểm d Khoản 1 Điều 172 bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Hành hung để tẩu thoát;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;
đ) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
*Điểm b Khoản 3 Điều 172 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
*Điểm b Khoản 4 Điều 172 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
...
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Cụm từ "; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại" tại Điểm d Khoản 1 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
*Điểm g Khoản 2 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
*Điểm b Khoản 3 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
*Điểm b Khoản a Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
*Điều 175 được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.*
...
Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
k) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
*Khoản 3 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;
d) Làm chết người.
*Khoản 4 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.*
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Cụm từ "; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại" tại Điểm d Khoản 1 Điều 172 bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Hành hung để tẩu thoát;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;
đ) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
*Điểm b Khoản 3 Điều 172 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
*Điểm b Khoản 4 Điều 172 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Khoản 1 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
*Khoản 3 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
*Khoản 3 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
*Điều 175 được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.*
...
Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
k) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
*Khoản 3 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;
d) Làm chết người.
*Khoản 4 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.*
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Cụm từ "; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại" tại Điểm d Khoản 1 Điều 172 bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Hành hung để tẩu thoát;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;
đ) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
*Điểm b Khoản 3 Điều 172 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
*Điểm b Khoản 4 Điều 172 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Khoản 1 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
*Khoản 3 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
*Khoản 3 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Cụm từ "; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại" tại Điểm d Khoản 1 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
*Điểm g Khoản 2 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
*Điểm b Khoản 3 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
*Điểm b Khoản a Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
...
Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 220. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
*Cụm từ "của Nhà nước" tại tên Điều 220 bị bãi bỏ bởi Điểm đ Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
*Cụm từ “hoặc xử phạt vi phạm hành chính” tại Khoản 1 Điều 220 được bổ sung bởi Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung cụm từ “hoặc xử phạt vi phạm hành chính” vào sau cụm từ “đã bị xử lý kỷ luật”*
a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư;
b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư;
c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án;
d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
*Khoản 3 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
*Tên Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi*
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 5 Điều 196 bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm d Khoản 5 Điều 196 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” * Điều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
*Khoản 1 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
*Khoản 2 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
*Khoản 3 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
*Khoản 4 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này.
*Khoản 2 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Qua biên giới;
h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
p) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này;
q) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 300 mililít đối với thể lỏng.
*Khoản 1 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;
c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1200 gam đối với thể rắn, từ 750 mililít đến dưới 1.850 mililít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.
*Khoản 3 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít.*
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng 1.200 gam trở lên đối với thể rắn, 1.850 mililít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
*Khoản 4 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.*
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc điều khoản nào thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản đó.
*Khoản 5 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.*
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển với số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
*Cụm từ “Vận chuyển với số lượng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển với số lượng” bằng cụm từ “Có số lượng”*
e) Vận chuyển qua biên giới;
*Cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” tại Điểm e Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” bằng cụm từ “Vận chuyển, mua bán qua biên giới”*
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
*Khoản 3 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 306 được sửa đổi bởi Khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 309 được sửa đổi bởi Khoản 111 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.*
...
Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Hóa chất độc thuộc Bảng 3 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 2 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 1 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 311 được sửa đổi bởi Khoản 113 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
*Khoản 3 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
*Tên Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi*
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 5 Điều 196 bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm d Khoản 5 Điều 196 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” * Điều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
*Khoản 1 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
...
Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
*Khoản 3 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
*Tên Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi*
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 5 Điều 196 bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm d Khoản 5 Điều 196 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” * Điều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
*Khoản 1 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
*Khoản 2 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
*Khoản 3 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
*Khoản 4 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này.
*Khoản 2 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Qua biên giới;
h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
p) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này;
q) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 300 mililít đối với thể lỏng.
*Khoản 1 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;
c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1200 gam đối với thể rắn, từ 750 mililít đến dưới 1.850 mililít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.
*Khoản 3 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít.*
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng 1.200 gam trở lên đối với thể rắn, 1.850 mililít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
*Khoản 4 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.*
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc điều khoản nào thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản đó.
*Khoản 5 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.*
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển với số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
*Cụm từ “Vận chuyển với số lượng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển với số lượng” bằng cụm từ “Có số lượng”*
e) Vận chuyển qua biên giới;
*Cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” tại Điểm e Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” bằng cụm từ “Vận chuyển, mua bán qua biên giới”*
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
*Khoản 3 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 306 được sửa đổi bởi Khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 309 được sửa đổi bởi Khoản 111 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.*
...
Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Hóa chất độc thuộc Bảng 3 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 2 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 1 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 311 được sửa đổi bởi Khoản 113 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
...
Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
*Khoản 3 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
*Tên Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi*
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 5 Điều 196 bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm d Khoản 5 Điều 196 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” * Điều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
*Khoản 1 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
*Khoản 2 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
*Khoản 3 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
*Khoản 4 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Qua biên giới;
h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
p) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này;
q) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
...
Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 300 mililít đối với thể lỏng.
*Khoản 1 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;
c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1200 gam đối với thể rắn, từ 750 mililít đến dưới 1.850 mililít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.
*Khoản 3 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít.*
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng 1.200 gam trở lên đối với thể rắn, 1.850 mililít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
*Khoản 4 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.*
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc điều khoản nào thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản đó.
*Khoản 5 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.*
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển với số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
*Cụm từ “Vận chuyển với số lượng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển với số lượng” bằng cụm từ “Có số lượng”*
e) Vận chuyển qua biên giới;
*Cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” tại Điểm e Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” bằng cụm từ “Vận chuyển, mua bán qua biên giới”*
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
*Khoản 3 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 306 được sửa đổi bởi Khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 309 được sửa đổi bởi Khoản 111 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.*
...
Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Hóa chất độc thuộc Bảng 3 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 2 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 1 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 311 được sửa đổi bởi Khoản 113 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
*Khoản 3 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
*Tên Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi*
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 5 Điều 196 bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm d Khoản 5 Điều 196 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” * Điều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
*Khoản 1 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này.
*Khoản 2 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 300 mililít đối với thể lỏng.
*Khoản 1 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;
c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1200 gam đối với thể rắn, từ 750 mililít đến dưới 1.850 mililít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.
*Khoản 3 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít.*
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng 1.200 gam trở lên đối với thể rắn, 1.850 mililít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
*Khoản 4 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.*
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc điều khoản nào thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản đó.
*Khoản 5 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.*
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển với số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
*Cụm từ “Vận chuyển với số lượng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển với số lượng” bằng cụm từ “Có số lượng”*
e) Vận chuyển qua biên giới;
*Cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” tại Điểm e Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” bằng cụm từ “Vận chuyển, mua bán qua biên giới”*
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
*Khoản 3 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 306 được sửa đổi bởi Khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 309 được sửa đổi bởi Khoản 111 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.*
...
Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Hóa chất độc thuộc Bảng 3 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 2 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 1 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 311 được sửa đổi bởi Khoản 113 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
...
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
*Tên Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi*
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 5 Điều 196 bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm d Khoản 5 Điều 196 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” * Điều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
*Khoản 1 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
*Khoản 3 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
*Tên Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi*
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 5 Điều 196 bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm d Khoản 5 Điều 196 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” * Điều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
*Khoản 1 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
*Khoản 3 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
...
Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 5 Điều 196 bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm d Khoản 5 Điều 196 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” * Điều 200. Tội trốn thuế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
h) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
*Khoản 1 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 200 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 188 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này;
b) Di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
*Khoản 1 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 5 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Vận chuyển hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
*Khoản 3 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
*Điểm c Khoản 5 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;*
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.*
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
*Tên Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi*
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 1 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 196. Tội đầu cơ
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
*Cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” tại Điểm b Khoản 5 Điều 196 bị thay thế bởi Điểm h Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này” *
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Điểm d Khoản 5 Điều 196 được bổ sung bởi Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “cấm” vào trước cụm từ “hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định” *
...
Điều 202. Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả
1. Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị;
b) Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên;
d) Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200.000.000 đồng trở lên;
đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
*Khoản 2 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
*Khoản 3 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
*Khoản 4 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này.
*Khoản 2 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Qua biên giới;
h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
p) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này;
q) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 300 mililít đối với thể lỏng.
*Khoản 1 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;
c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1200 gam đối với thể rắn, từ 750 mililít đến dưới 1.850 mililít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.
*Khoản 3 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít.*
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng 1.200 gam trở lên đối với thể rắn, 1.850 mililít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
*Khoản 4 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.*
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc điều khoản nào thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản đó.
*Khoản 5 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.*
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển với số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
*Cụm từ “Vận chuyển với số lượng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển với số lượng” bằng cụm từ “Có số lượng”*
e) Vận chuyển qua biên giới;
*Cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” tại Điểm e Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” bằng cụm từ “Vận chuyển, mua bán qua biên giới”*
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
*Khoản 3 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 306 được sửa đổi bởi Khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 309 được sửa đổi bởi Khoản 111 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.*
...
Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Hóa chất độc thuộc Bảng 3 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 2 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 1 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 311 được sửa đổi bởi Khoản 113 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Cụm từ “; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” tại điểm d khoản 1 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
...
Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Điểm e Khoản 2 Điều 353 được bổ sung nội dung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
...
Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Điểm đ Khoản 2 Điều 355 được bổ sung nội dung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Cụm từ “; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” tại điểm d khoản 1 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
...
Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Điểm e Khoản 2 Điều 353 được bổ sung nội dung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
...
Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Điểm đ Khoản 2 Điều 355 được bổ sung nội dung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Khoản 1 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
*Khoản 3 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
*Khoản 4 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
*Cụm từ “; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” tại điểm d khoản 1 Điều 174 bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
*Khoản 3 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
*Khoản 4 Điều 173 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.* Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng quy định của Luật xây dựng;
b) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật xây dựng;
c) Lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng;
d) Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 243. Tội hủy hoại rừng
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ trên 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
b) Rừng sản xuất có diện tích từ trên 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ trên 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ trên 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
e) Diện tích rừng hoặc giá trị lâm sản, thực vật dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Khoản 1 Điều 243 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
c) Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);
d) Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
g) Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);
đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);
h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
i) Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá từ trên 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 243 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);
đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);
h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
i) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên; c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên; d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 120.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; 200.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
e) Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 243 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên;
c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên;
d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 243 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);
b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2);
c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);
b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2);
c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
*Tên Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 232. Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản*
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất với khối lượng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 12,5 mét khối (m3) đến dưới 25 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng đặc dụng với khối lượng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 5 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Khai thác thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 02 mét khối (m3) gỗ tại rừng sản xuất hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 1,5 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 01 mét khối (m3) gỗ tại rừng đặc dụng hoặc khu bảo tồn thiên nhiên;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) đối với gỗ loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường;
g) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép các loài thực vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;
h) Vật phạm pháp có khối lượng hoặc giá trị dưới mức thấp nhất quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ hoặc e của khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Khoản 1 Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng trồng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 07 mét khối (m3) đến dưới 15 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng trồng từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên từ 07 mét khối (m3) đến dưới 15 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 05 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
đ) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng trồng từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 05 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 03 mét khối (m3) đến dưới 08 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
g) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật rừng thông thường ngoài gỗ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
h) Khai thác trái phép gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA từ 01 mét khối (m3) đến dưới 02 mét khối (m3) tại rừng sản xuất, từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 1,5 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ 0,5 mét khối (m3) đến dưới 01 mét khối (m3) tại rừng đặc dụng;
i) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng;
k) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng thông thường;
l) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép loài thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;
m) Khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép gỗ hoặc thực vật rừng ngoài gỗ có khối lượng hoặc trị giá dưới mức quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm l khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.* Điều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
*Tên Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 232. Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản*
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất với khối lượng từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 25 mét khối (m3) đến dưới 50 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng phòng hộ với khối lượng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng đặc dụng với khối lượng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường; từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép từ 03 mét khối (m3) đến dưới 06 mét khối (m3) đối với gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài của loài thực vật thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ của loài thực vật thông thường;
e) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái pháp luật các loài thực vật hoang dã khác trị giá từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.200.000.000 đồng;
g) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại;
h) Phạm tội có tổ chức;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 232 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 55 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng trồng từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 30 mét khối (m3) đến dưới 50 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
b) Khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
c) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng trồng từ 30 mét khối (m3) đến dưới 60 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
d) Khai thác trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên từ 15 mét khối (m3) đến dưới 30 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
đ) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng trồng từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 08 mét khối (m3) đến dưới 15 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 03 mét khối (m3) đến dưới 10 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA;
g) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; thực vật rừng thông thường ngoài gỗ trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
h) Khai thác trái phép gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA từ 02 mét khối (m3) đến dưới 04 mét khối (m3) tại rừng sản xuất, từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) tại rừng phòng hộ hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 02 mét khối (m3) tại rừng đặc dụng;
i) Khai thác trái phép thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng;
k) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép từ 03 mét khối (m3) đến dưới 06 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA hoặc gỗ có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; từ 40 mét khối (m3) đến dưới 80 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng thông thường;
l) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép loài thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.200.000.000 đồng;
m) Có tổ chức;
n) Mua bán, vận chuyển qua biên giới;
o) Tái phạm nguy hiểm.* Điều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản
1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm, khu vực cấm có thời hạn theo quy định của pháp luật;
c) Khai thác các loài thủy sản bị cấm khai thác theo quy định của pháp luật;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thủy sản thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 61%;
e) Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
*Khoản 1 Điều 242 được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;
c) Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của Bộ luật này;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người.
*Khoản 2 Điều 242 được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên.
*Khoản 3 Điều 242 được sửa đổi bởi Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
...
Điều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
*Tên Điều 244 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 244. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm*
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật quy định tại điểm a khoản này; ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 0,05 kilôgam đến dưới 01 kilôgam;
c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác;
d) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép từ 03 đến 07 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật lớp thú, của 07 đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 đến 15 cá thể động vật các lớp khác thuộc loài động vật quy định tại điểm c khoản này;
đ) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của các động vật có số lượng dưới mức tối thiểu của các điểm b, c và d khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Khoản 1 Điều 244 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;
c) Ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam;
d) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;
đ) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;
e) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
e) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 07 đến 10 cá thể lớp thú, từ 07 đến 10 cá thể lớp chim, lớp bò sát hoặc từ 10 đến 15 cá thể lớp khác thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
g) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 đến 11 cá thể thuộc lớp thú, từ 11 đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 đến 20 cá thể động vật thuộc các lớp khác;
h) Từ 01 đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; từ 03 đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại; ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 244 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 08 cá thể đến 11 cá thể lớp thú, từ 11 cá thể đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 cá thể đến 20 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác; từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ;
d) Ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 09 kilôgam;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
g) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
h) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
i) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới;
k) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của từ 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, lớp bò sát trở lên hoặc 16 cá thể lớp khác trở lên thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này hoặc số lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật trở lên thuộc các lớp khác;
c) Từ 03 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; 06 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại trở lên; ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.
*Khoản 3 Điều 244 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 16 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Từ 03 cá thể voi, tê giác trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 03 cá thể voi, tê giác trở lên; 06 cá thể gấu, hổ trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 06 cá thể gấu, hổ trở lên;
d) Ngà voi có khối lượng 90 kilôgam trở lên; sừng tê giác có khối lượng 09 kilôgam trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
*Điểm b Khoản 5 Điều 244 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 64 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;*
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
*Khoản 1 Điều 303 được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 200% trở lên;
e) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 303 được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
đ) Đối với người đang cai nghiện;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
d) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 110. Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Điều 111. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 110. Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Điều 111. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 110. Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Điều 111. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 286. Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
1. Người nào cố ý phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Làm lây nhiễm từ 50 phương tiện điện tử đến dưới 200 phương tiện điện tử hoặc hệ thống thông tin có từ 50 người sử dụng đến dưới 200 người sử dụng;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
d) Làm lây nhiễm từ 200 phương tiện điện tử đến dưới 500 phương tiện điện tử hoặc hệ thống thông tin có từ 200 người sử dụng đến dưới 500 người sử dụng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm lây nhiễm 500 phương tiện điện tử trở lên hoặc hệ thống thông tin có từ 500 người sử dụng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác
1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
*Cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” tại Điểm g Khoản 2 Điều 155 bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” *
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
*Cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” tại Điểm a Khoản 3 Điều 155 bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”*
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
*Cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” tại Điểm g Khoản 2 Điều 156 bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” *
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
*Cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” tại Điểm b Khoản 3 Điều 156 bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” *
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Sách in, báo in có số lượng từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị;
c) Ảnh bản giấy có số lượng từ 100 ảnh đến 200 ảnh;
d) Phổ biến cho 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Khoản 1 Điều 326 được sửa đổi bởi Khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Sách in, báo in có số lượng từ 51 đơn vị đến 100 đơn vị;
d) Ảnh bản giấy có số lượng từ 201 ảnh đến 500 ảnh;
đ) Phổ biến cho 21 người đến 100 người;
e) Đối với người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 326 được sửa đổi bởi Khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;
d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;
đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;
e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Sách in, báo in có số lượng 101 đơn vị trở lên;
c) Ảnh bản giấy có số lượng 501 ảnh trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên.
*Khoản 3 Điều 326 được sửa đổi bởi Khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng quy định của Luật xây dựng;
b) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật xây dựng;
c) Lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng;
d) Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
...
Điều 281. Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông
1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông;
b) Không khắc phục kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;
d) Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
đ) Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;
e) Không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông;
g) Không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong;
h) Vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 281 được sửa đổi bởi Khoản 93 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 281. Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông
1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, dẫn đến hậu quả làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật;
b) Không khắc phục kịp thời đối với công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại mà chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
đ) Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;
e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đặt tín hiệu phòng vệ khi thi công, sửa chữa công trình giao thông;
g) Không thu dọn, thanh thải biển hiệu phòng vệ, rào chắn, phương tiện, vật liệu khi thi công xong;
h) Vi phạm quy định khác về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
*Khoản 1 Điều 225 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
*Điểm a Khoản 4 Điều 225 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;*
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
...
Điều 281. Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông
1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông;
b) Không khắc phục kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;
d) Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
đ) Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;
e) Không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông;
g) Không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong;
h) Vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 281 được sửa đổi bởi Khoản 93 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 281. Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông
1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, dẫn đến hậu quả làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật;
b) Không khắc phục kịp thời đối với công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại mà chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
đ) Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;
e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đặt tín hiệu phòng vệ khi thi công, sửa chữa công trình giao thông;
g) Không thu dọn, thanh thải biển hiệu phòng vệ, rào chắn, phương tiện, vật liệu khi thi công xong;
h) Vi phạm quy định khác về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
*Khoản 1 Điều 113 được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.*
2. Phạm tội trong trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác.
*Khoản 2 Điều 113 được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.*
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 113 được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 299. Tội khủng bố
1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
*Điểm d Khoản 2 Điều 299 được bổ sung bởi Khoản 101 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.*
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần
*Tên Điều 259 được sửa đổi bởi Khoản 71 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần*
1. Người nào có trách nhiệm trong việc sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, kê đơn, bán thuốc, giám định, nghiên cứu chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh các chất có chứa chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất;
b) Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất;
c) Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, tiền chất;
d) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, tiền chất;
đ) Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển;
e) Chuyển chất ma túy, chất hướng thần hoặc chất ma túy khác cho người không được phép cất giữ, sử dụng.
*Khoản 1 Điều 259 được sửa đổi bởi Khoản 71 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào có trách nhiệm trong quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XX của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
b) Vi phạm quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
c) Vi phạm quy định về giao nhận, vận chuyển chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
d) Vi phạm quy định về phân phối, mua bán, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
đ) Vi phạm quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới, trên biển;
e) Vi phạm quy định về cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần
*Tên Điều 259 được sửa đổi bởi Khoản 71 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần*
1. Người nào có trách nhiệm trong việc sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, kê đơn, bán thuốc, giám định, nghiên cứu chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh các chất có chứa chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất;
b) Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất;
c) Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, tiền chất;
d) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, tiền chất;
đ) Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển;
e) Chuyển chất ma túy, chất hướng thần hoặc chất ma túy khác cho người không được phép cất giữ, sử dụng.
*Khoản 1 Điều 259 được sửa đổi bởi Khoản 71 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào có trách nhiệm trong quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XX của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
b) Vi phạm quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
c) Vi phạm quy định về giao nhận, vận chuyển chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
d) Vi phạm quy định về phân phối, mua bán, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;
đ) Vi phạm quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới, trên biển;
e) Vi phạm quy định về cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;
c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Khoản 1 Điều 322 được sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 322 được sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;
c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
*Khoản 1 Điều 322 được sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 322 được sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 321. Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
*Khoản 1 Điều 321 được sửa đổi bởi Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Điều 321. Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
*Khoản 1 Điều 321 được sửa đổi bởi Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
...
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi. Điều 110. Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này. Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Chương XXIII CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ
Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ
1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Mục 1. CÁC TỘI PHẠM THAM NHŨNG
Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm e Khoản 2 Điều 353 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm d khoản 2 Điều 354 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 355 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
*Từ “khác” tại Khoản 1 Điều 356 được bổ sung bởi Điểm s Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “khác” vào sau cụm từ “hoặc gây thiệt hại”*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
*Từ “khác” tại Khoản 1 Điều 357 được bổ sung bởi Điểm s Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “khác” vào sau cụm từ “hoặc gây thiệt hại”*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 đến 06 năm:
*Từ “năm” tại Khoản 1 Điều 358 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “năm” vào sau cụm từ “từ 01”*
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.
*Từ “đồng” tại Điểm d Khoản 2 Điều 358 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
*Cụm từ “05 giấy tờ giả” tại Điểm a Khoản 3 Điều 359 bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “05 giấy tờ giả” bằng cụm từ “06 giấy tờ giả”*
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;
*Từ này “từ” tại Điểm a Khoản 4 Điều 359 bị bãi bỏ bởi Điểm h Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Chương XXIII CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ
Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ
1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Mục 1. CÁC TỘI PHẠM THAM NHŨNG
Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm e Khoản 2 Điều 353 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm d khoản 2 Điều 354 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 355 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
*Từ “khác” tại Khoản 1 Điều 356 được bổ sung bởi Điểm s Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “khác” vào sau cụm từ “hoặc gây thiệt hại”*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
*Từ “khác” tại Khoản 1 Điều 357 được bổ sung bởi Điểm s Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “khác” vào sau cụm từ “hoặc gây thiệt hại”*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 đến 06 năm:
*Từ “năm” tại Khoản 1 Điều 358 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “năm” vào sau cụm từ “từ 01”*
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.
*Từ “đồng” tại Điểm d Khoản 2 Điều 358 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
*Cụm từ “05 giấy tờ giả” tại Điểm a Khoản 3 Điều 359 bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “05 giấy tờ giả” bằng cụm từ “06 giấy tờ giả”*
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;
*Từ này “từ” tại Điểm a Khoản 4 Điều 359 bị bãi bỏ bởi Điểm h Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Chương XXIII CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ
Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ
1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Mục 1. CÁC TỘI PHẠM THAM NHŨNG
Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm e Khoản 2 Điều 353 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm d khoản 2 Điều 354 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 355 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
*Từ “khác” tại Khoản 1 Điều 356 được bổ sung bởi Điểm s Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “khác” vào sau cụm từ “hoặc gây thiệt hại”*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
*Từ “khác” tại Khoản 1 Điều 357 được bổ sung bởi Điểm s Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “khác” vào sau cụm từ “hoặc gây thiệt hại”*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 đến 06 năm:
*Từ “năm” tại Khoản 1 Điều 358 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “năm” vào sau cụm từ “từ 01”*
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.
*Từ “đồng” tại Điểm d Khoản 2 Điều 358 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
*Cụm từ “05 giấy tờ giả” tại Điểm a Khoản 3 Điều 359 bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “05 giấy tờ giả” bằng cụm từ “06 giấy tờ giả”*
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;
*Từ này “từ” tại Điểm a Khoản 4 Điều 359 bị bãi bỏ bởi Điểm h Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Điều 179. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
*Từ “bị” tại Khoản 4 Điều 179 được bổ sung bởi Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “bị” vào trước cụm từ “cấm đảm nhiệm chức vụ”*
...
Điều 308. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 308 được sửa đổi bởi Khoản 110 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 308. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.*
...
Điều 376. Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn
1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người đó trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;
b) Người bỏ trốn trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
*Khoản 1 Điều 376 được sửa đổi bởi Khoản 134 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;
b) Người bỏ trốn trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 02 năm đến 07 năm:
a) Làm vụ án bị đình chỉ;
b) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;
c) Để từ 02 người đến 05 người bỏ trốn;
d) Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
*Khoản 2 Điều 376 được sửa đổi bởi Khoản 134 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm vụ án bị đình chỉ;
b) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;
c) Để từ 02 người đến 05 người bỏ trốn;
d) Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Để 06 người trở lên bỏ trốn;
c) Để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 179. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
*Từ “bị” tại Khoản 4 Điều 179 được bổ sung bởi Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “bị” vào trước cụm từ “cấm đảm nhiệm chức vụ”*
...
Điều 308. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 308 được sửa đổi bởi Khoản 110 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 308. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.*
...
Điều 376. Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn
1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người đó trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;
b) Người bỏ trốn trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
*Khoản 1 Điều 376 được sửa đổi bởi Khoản 134 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;
b) Người bỏ trốn trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 02 năm đến 07 năm:
a) Làm vụ án bị đình chỉ;
b) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;
c) Để từ 02 người đến 05 người bỏ trốn;
d) Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
*Khoản 2 Điều 376 được sửa đổi bởi Khoản 134 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm vụ án bị đình chỉ;
b) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;
c) Để từ 02 người đến 05 người bỏ trốn;
d) Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Để 06 người trở lên bỏ trốn;
c) Để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 110. Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
...
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
*Tên Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước*
1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
*Khoản 1 Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.*
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
*Khoản 2 Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.*
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
*Khoản 3 Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 342. Tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng trở lên;
c) Thực hiện hành vi trái pháp luật;
*Từ "Để" tại Điểm c Khoản 2 Điều 342 được bổ sung bởi Điểm p Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “Để” vào đầu điểm c khoản 2 Điều 342*
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 338. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
*Cụm từ “Phạm tội trong những trường hợp sau đây” tại Khoản 2 Điều 338 bị thay thế bởi Điểm s Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội trong những trường hợp sau đây” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây”*
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật;
b) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
*Dấu “,” tại Điểm b Khoản 2 Điều 338 được bổ sung bởi Điểm o Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung dấu “,” vào sau từ “văn hóa”*
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 368. Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội
1. Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Đối với 02 người đến 05 người;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
*Cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” tại Điểm d Khoản 2 Điều 368 bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%”*
đ) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Đối với 06 người trở lên;
b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
*Cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” tại Điểm c Khoản 3 Điều 368 bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”*
d) Làm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan tự sát.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 369. Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội
1. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;
b) Đối với 02 người đến 05 người;
c) Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bỏ trốn hoặc thực hiện hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
d) Dẫn đến việc người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị hại, nhân chứng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với 05 người trở lên;
*Cụm từ “05 người trở lên” tại Điểm a Khoản 3 Điều 369 bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “05 người trở lên” bằng cụm từ “06 người trở lên”*
b) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
*Cụm từ “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” tại Điểm b Khoản 3 Điều 369 bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” bằng cụm từ “tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”*
c) Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Làm người bị hại tự sát.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 370. Tội ra bản án trái pháp luật
1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
c) Kết án oan người vô tội về tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;
d) Bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện từ 11% đến 45%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
*Khoản 2 Điều 370 được sửa đổi bởi Khoản 131 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
c) Kết án oan người vô tội về tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;
d) Bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện 46% trở lên;
d) Dẫn đến bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 370 được sửa đổi bởi Khoản 131 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Dẫn đến bị cáo, người bị hại, đương sự tự sát;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật
*Tên Điều 377 được sửa đổi bởi Khoản 135 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật*
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
b) Quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật;
c) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành;
đ) Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.
*Khoản 1 Điều 377 được sửa đổi bởi Khoản 135 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
b) Ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật;
c) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành;
đ) Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Giam, giữ trái pháp luật từ 02 người đến 05 người;
b) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật bị tổn hại về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Làm người bị giam, giữ hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Giam, giữ trái pháp luật 06 người trở lên;
b) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật tổn hại về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc chết;
c) Làm người bị giam, giữ tự sát;
d) Làm gia đình người bị giam, giữ ly tán.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 378. Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
*Cụm từ “người đang chấp hành hình phạt tù” tại Khoản 1 Điều 378 bị thay thế bởi Điểm u Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “người đang chấp hành hình phạt tù” bằng cụm từ “người đang chấp hành án phạt tù”*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người được tha trái pháp luật bỏ trốn hoặc có hành vi cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
c) Người được tha trái pháp luật trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
*Cụm từ “người tiến hành tố tụng” tại Điểm c Khoản 2 Điều 378 bị thay thế bởi Điểm u Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “người tiến hành tố tụng” bằng cụm từ “người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”*
d) Tha trái pháp luật từ 02 người đến 05 người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Tha trái pháp luật 06 người trở lên;
b) Người được tha trái pháp luật thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 19. Không tố giác tội phạm
...
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
*Khoản 2 Điều 19 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.* Điều 119. Tội chống phá cơ sở giam giữ
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải hoặc trốn khỏi cơ sở giam giữ, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 119. Tội chống phá cơ sở giam giữ
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải hoặc trốn khỏi cơ sở giam giữ, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 300 mililít đối với thể lỏng.
*Khoản 1 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;
c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1200 gam đối với thể rắn, từ 750 mililít đến dưới 1.850 mililít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.
*Khoản 3 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít.*
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng 1.200 gam trở lên đối với thể rắn, 1.850 mililít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
*Khoản 4 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.*
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc điều khoản nào thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản đó.
*Khoản 5 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.*
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển với số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
*Cụm từ “Vận chuyển với số lượng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển với số lượng” bằng cụm từ “Có số lượng”*
e) Vận chuyển qua biên giới;
*Cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” tại Điểm e Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” bằng cụm từ “Vận chuyển, mua bán qua biên giới”*
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
đ) Đối với người đang cai nghiện;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
d) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 18. Che giấu tội phạm
...
2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này. Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 110. Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Điều 111. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 112. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều 112 được sửa đổi bởi Khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 112. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.*
Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
*Khoản 1 Điều 113 được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.*
2. Phạm tội trong trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác.
*Khoản 2 Điều 113 được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.*
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 113 được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 115. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;
d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 118. Tội phá rối an ninh
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 112 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 119. Tội chống phá cơ sở giam giữ
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải hoặc trốn khỏi cơ sở giam giữ, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Điều 141. Tội hiếp dâm
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
k) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 141 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
*Khoản 3 Điều 141 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.*
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó. Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Đối với 02 người trở lên;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 142 được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
*Khoản 3 Điều 142 được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;*
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 144 được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
*Khoản 3 Điều 144 được sửa đổi bởi Khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.*
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
*Cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 146 bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%”*
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
*Cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” tại Điểm a Khoản 3 Điều 146 bị thay thế bởi Điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” bằng cụm từ “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”*
b) Làm nạn nhân tự sát. Điều 150. Tội mua bán người
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
*Khoản 2 Điều 150 được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;
e) Phạm tội 02 lần trở lên.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 3 Điều 150 được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.* Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
*Điều 151 được sửa đổi bởi Khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.* Điều 152. Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi
1. Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi này với người dưới 01 tuổi khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
*Cụm từ “Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi này với người dưới 01 tuổi khác” tại Khoản 1 Điều 152 bị thay thế bởi Điểm g Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi này với người dưới 01 tuổi khác” bằng cụm từ “Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi”*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người dưới 01 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên.
*Khoản 2 Điều 153 được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 3 Điều 153 được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
*Khoản 4 Điều 153 được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.* Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
i) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
k) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
*Khoản 3 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;
d) Làm chết người.
*Khoản 4 Điều 169 được sửa đổi bởi Khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.*
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
*Khoản 2, 3 và 4 Điều 175 được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.* Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 178 được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
*Khoản 3 Điều 178 được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
*Khoản 4 Điều 178 được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.* Điều 188. Tội buôn lậu
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác. Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
...
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
*Khoản 3 Điều 189 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 39 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.* Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 190 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.* Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 2 Điều này mà qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại.
*Khoản 3 Điều 191 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.* Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 192 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.* Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 193 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
*Khoản 6 Điều 194 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.* Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
*Tên Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi*
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
k) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Buôn bán qua biên giới;
g) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 195 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng.* Điều 196. Tội đầu cơ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm. Điều 205. Tội lập quỹ trái phép
...
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Điều 206. Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
*Tên Điều 206 được sửa đổi bởi Khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 206. Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng*
...
2. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm. Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 208. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 300.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
*Cụm từ “gây thiệt hại về tài sản” tại Điểm d Khoản 2 Điều 2019 bị thay thế bởi Điểm l Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “gây thiệt hại về tài sản” bằng cụm từ “gây thất thoát, lãng phí”*
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
*Cụm từ “gây thiệt hại về tài sản” tại Khoản 3 Điều 219 bị thay thế bởi Điểm l Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “gây thiệt hại về tài sản” bằng cụm từ “gây thất thoát, lãng phí”* Điều 220. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
*Cụm từ “của Nhà nước” tại tên Điều 220 bị bãi bỏ bởi Điểm đ Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
...
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Điều 221. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng
*Cụm từ “của Nhà nước” tại tên Điều 221 bị bãi bỏ bởi Điểm đ Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
...
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
...
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Điều 223. Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Làm thất thoát tiền thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát tiền thuế từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
*Từ “từ” trước cụm từ “1.000.000.000 đồng” tại Khoản 3 Điều 223 bị bãi bỏ bởi Điểm h Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017* Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Điều 243. Tội hủy hoại rừng
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);
đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);
h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 120.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
i) Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá từ trên 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 243 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);
đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);
e) Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);
g) Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);
h) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
i) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên; c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên; d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 120.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; 200.000.000 đồng trở lên đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu;
e) Thực vật thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loại thực vật khác thuộc Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 243 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 63 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên;
c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên;
d) Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;
đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;
e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.* Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
*Khoản 2 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
*Khoản 3 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
*Khoản 4 Điều 248 được sửa đổi bởi Khoản 65 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này.
*Khoản 2 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 249 được sửa đổi bởi Khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 250 được sửa đổi bởi Khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Qua biên giới;
h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
p) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này;
q) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 251 được sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.
*Khoản 1 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;
i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.*
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;
o) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 3 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
*Khoản 4 Điều 252 được sửa đổi bởi Khoản 69 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam đối với thể rắn, từ 75 mililít đến dưới 300 mililít đối với thể lỏng.
*Khoản 1 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;
c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;
e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1200 gam đối với thể rắn, từ 750 mililít đến dưới 1.850 mililít đối với thể lỏng, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm.
*Khoản 3 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít.*
4. Phạm tội trong trường hợp tiền chất có khối lượng 1.200 gam trở lên đối với thể rắn, 1.850 mililít trở lên đối với thể lỏng, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
*Khoản 4 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;
b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.*
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc điều khoản nào thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản đó.
*Khoản 5 Điều 253 được sửa đổi bởi Khoản 70 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó.*
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển với số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
*Cụm từ “Vận chuyển với số lượng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển với số lượng” bằng cụm từ “Có số lượng”*
e) Vận chuyển qua biên giới;
*Cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” tại Điểm e Khoản 2 Điều 254 bị thay thế bởi Điểm o Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Vận chuyển qua biên giới” bằng cụm từ “Vận chuyển, mua bán qua biên giới”*
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm. Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
đ) Đối với người đang cai nghiện;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
d) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 256. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với người dưới 16 tuổi;
d) Đối với 02 người trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 257. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;
d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Điều 258. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;
d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Điều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần
*Tên Điều 259 được sửa đổi bởi Khoản 71 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần*
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm. Điều 265. Tội tổ chức đua xe trái phép
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Tổ chức đua xe trái phép cho từ 10 xe tham gia trở lên hoặc cùng một lúc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên;
b) Tổ chức cá cược;
c) Tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư;
đ) Tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
e) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 2,3 và 4 Điều 265 được sửa đổi bởi Khoản 77 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm:
a) Tổ chức cho 10 xe tham gia trở lên trong cùng một lúc hoặc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên trong cùng một lúc;
b) Tổ chức cá cược;
c) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tại nơi tập trung đông dân cư;
đ) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
e) Làm chết người;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.* Điều 282. Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tàu bay hoặc tàu thủy, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tổ chức;
b) Sử dụng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm;
c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 282 được sửa đổi bởi Khoản 94 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tổ chức;
b) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 3 Điều 282 được sửa đổi bởi Khoản 94 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản 500.000.000 đồng trở lên.*
4. Người phạm tội còn bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
*Khoản 4 Điều 282 được sửa đổi bởi Khoản 94 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.* Điều 299. Tội khủng bố
1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
*Điểm d Khoản 2 Điều 299 được bổ sung bởi Khoản 101 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.*
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 299. Tội khủng bố
1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
*Điểm d Khoản 2 Điều 299 được bổ sung bởi Khoản 101 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.*
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 301. Tội bắt cóc con tin
1. Người nào bắt giữ, giam người khác làm con tin và đe dọa giết, làm bị thương hoặc tiếp tục giam, giữ người đó nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
*Khoản 1 Điều 301 được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người khác làm con tin nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 04 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
d) Phạm tội đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
*Khoản 2 Điều 301 được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
*Khoản 3 Điều 301 được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 301 được sửa đổi bởi Khoản 103 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.*
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Điều 302. Tội cướp biển
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Tấn công tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác đang ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào;
b) Tấn công hoặc bắt giữ người trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này;
c) Cướp phá tài sản trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
*Khoản 2 Điều 302 được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 302 được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 302 được sửa đổi bởi Khoản 104 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.*
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Điều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
*Khoản 1 Điều 303 được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 200% trở lên;
e) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 303 được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm. Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng: từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 01 đến 05 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 05 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 03 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam thuốc nổ các loại hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;
h) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
đ) Vật phạm pháp có số lượng: từ 11 đến 30 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 6 đến 20 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 16 đến 45 quả mìn, lựu đạn; từ 11 đến 30 quả đạn cối, đạn pháo; từ 1.001 đến 3000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 601 đến 2.000 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam thuốc nổ các loại; từ 3.001 đến 10.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ.
*Khoản 3 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng: từ 31 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên trở lên; từ 21 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; từ 46 quả mìn, lựu đạn trở lên; từ 31 quả đạn cối, đạn pháo trở lên; từ 3001 viên đạn trở lên (đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống); từ 2.001 viên đạn súng máy cao xạ trở lên (đạn cỡ 12,7 ly đến 25 ly); từ 101 kilôgam trở lên thuốc nổ các loại; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên.
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 304 được sửa đổi bởi Khoản 106 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.*
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến 30 kilôgam hoặc từ 1.000 đến 3.000 nụ xùy hoặc ống nổ; từ 3.000 mét đến dưới 10.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ trên 31 kilôgam đến 100 kilôgam; từ 3.001 đến 10.000 nụ xùy hoặc ống nổ hoặc từ 10.000 mét đến dưới 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 3 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại từ 101 kilôgam trở lên; từ 10.001 nụ xuỳ hoặc ống nổ trở lên hoặc từ 30.000 mét dây cháy chậm, dây nổ trở lên;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 4 Điều 305 được sửa đổi bởi Khoản 107 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.* Điều 309. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
*Khoản 2, 3 và 4 Điều 309 được sửa đổi bởi Khoản 111 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.* Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
c) Hóa chất độc thuộc Bảng 3 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hóa chất độc thuộc Bảng 2 Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
*Khoản 2, 3 và 4 Điều 311 được sửa đổi bởi Khoản 113 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.* Điều 329. Tội mua dâm người dưới 18 tuổi
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Mua dâm 02 lần trở lên;
b) Mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Điều 353. Tội tham ô tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm e Khoản 2 Điều 353 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm d Khoản 2 Điều 354 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này. Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
*Từ “đồng” tại Điểm đ Khoản 2 Điều 355 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.
*Từ “đồng” tại Điểm d Khoản 2 Điều 358 được bổ sung bởi Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung từ “đồng” vào sau cụm từ “từ 1.000.000.000”*
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
*Cụm từ “05 giấy tờ giả” tại Điểm a Khoản 3 Điều 359 bị thay thế bởi Điểm t Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “05 giấy tờ giả” bằng cụm từ “06 giấy tờ giả”*
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;
*Từ “từ” tại Điểm a Khoản 4 Điều 359 bị bãi bỏ bởi Điểm h Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017*
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điều 364. Tội đưa hối lộ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm. Điều 365. Tội môi giới hối lộ
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Của hối lộ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm. Điều 373. Tội dùng nhục hình
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm người bị nhục hình tự sát.
4. Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Điều 374. Tội bức cung
...
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bức cung tự sát;
b) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
*Cụm từ “; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng” tại Điểm b Khoản 3 Điều 374 được bổ sung bởi Điểm t Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung cụm từ “; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng” vào sau cụm từ “tội phạm nghiêm trọng”*
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm người bị bức cung chết;
b) Dẫn đến làm oan người vô tội;
c) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
*Cụm từ “; người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” tại Điểm c Khoản 4 Điều 374 được bổ sung bởi Điểm t Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung cụm từ “; người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” vào sau cụm từ “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”* Điều 386. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải. Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược
1. Người nào tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược hoặc chuẩn bị, tiến hành, tham gia chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Điều 422. Tội chống loài người
1. Người nào trong thời bình hay trong chiến tranh mà thực hiện hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó hoặc thực hiện hành vi diệt chủng khác hoặc thực hiện hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Điều 423. Tội phạm chiến tranh
1. Người nào trong thời kỳ chiến tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm hoặc thực hiện hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Điều 424. Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê
Người nào tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê nhằm chống lại một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Điều 425. Tội làm lính đánh thuê
Người nào làm lính đánh thuê nhằm chống một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm. Điều 389. Tội che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều từ Điều 108 đến Điều 121 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Điều 123 (tội giết người); Điều 141, các khoản 2, 3 và 4 (tội hiếp dâm); Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 146, các khoản 2 và 3 (tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi); Điều 150, các khoản 2 và 3 (tội mua bán người);
c) Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 152 (tội đánh tráo người dưới 01 tuổi); Điều 153 (tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi); Điều 154 (tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người);
d) Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 (tội trộm cắp tài sản); Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản); Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); Điều 178, các khoản 2, 3 và 4 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
đ) Điều 188, các khoản 3 và 4 (tội buôn lậu); Điều 189, khoản 3 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191, các khoản 2 và 3 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196, các khoản 2 và 3 (tội đầu cơ); Điều 205, các khoản 3 và 4 (tội lập quỹ trái phép); Điều 206, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả); Điều 208 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác); Điều 219, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí); Điều 220, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 221, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 222, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 223, các khoản 2 và 3 (tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 224, các khoản 2 và 3 (tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng); Điều 243, các khoản 2 và 3 (tội hủy hoại rừng);
e) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 253 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 254, khoản 2 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 255 (tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 256 (tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 257 (tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 258 (tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 259, khoản 2 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần);
g) Điều 265, các khoản 2, 3 và 4 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy); Điều 299 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 299 (tội khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân); Điều 311, các khoản 2, 3 và 4 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc);
h) Điều 329, các khoản 2 và 3 (tội mua dâm người dưới 18 tuổi);
i) Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 (tội tham ô tài sản); Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 (tội nhận hối lộ); Điều 355, các khoản 2, 3 và 4 (tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản); Điều 356, các khoản 2 và 3 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); Điều 357, các khoản 2 và 3 (tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ); Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi); Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 (tội giả mạo trong công tác); Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 (tội đưa hối lộ); Điều 365, các khoản 2, 3 và 4 (tội làm môi giới hối lộ);
k) Điều 373, các khoản 3 và 4 (tội dùng nhục hình); Điều 374, các khoản 3 và 4 (tội bức cung); Điều 386, khoản 2 (tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải, đang bị xét xử);
l) Các điều từ Điều 421 đến Điều 425 về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
*Khoản 1 Điều 389 được sửa đổi bởi Khoản 137 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;
b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;
c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;
d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;
đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;
e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;
g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303 và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;
h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;
i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;
k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.*
2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Điều 19. Không tố giác tội phạm
...
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
*Khoản 2 Điều 19 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.* Điều 110. Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
...
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
*Tên Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước*
1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
*Khoản 1 Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.*
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
*Khoản 2 Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.*
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
*Khoản 3 Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 361. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;
e) Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 110. Tội gián điệp
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
...
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
*Tên Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước*
1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
*Khoản 1 Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.*
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
*Khoản 2 Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.*
3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
*Khoản 3 Điều 337 được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.*
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 361. Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;
e) Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 338. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
*Cụm từ “Phạm tội trong những trường hợp sau đây” tại Khoản 2 Điều 338 bị thay thế bởi Điểm s Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội trong những trường hợp sau đây” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây”*
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật;
b) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
*Dấu “,” tại Điểm b Khoản 2 Điều 338 được bổ sung bởi Điểm o Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung dấu “,” vào sau từ “văn hóa”*
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 362. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 338 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
*Cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” tại Khoản 1 Điều 362 bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” bằng cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”*
a) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
*Cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc” tại Khoản 2 Điều 362 được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc” vào trước cụm từ “phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”*
a) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
b) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 338. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
*Cụm từ “Phạm tội trong những trường hợp sau đây” tại Khoản 2 Điều 338 bị thay thế bởi Điểm s Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “Phạm tội trong những trường hợp sau đây” bằng cụm từ “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây”*
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật;
b) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
*Dấu “,” tại Điểm b Khoản 2 Điều 338 được bổ sung bởi Điểm o Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung dấu “,” vào sau từ “văn hóa”*
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 362. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 338 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
*Cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” tại Khoản 1 Điều 362 bị thay thế bởi Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Thay thế cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” bằng cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”*
a) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
*Cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc” tại Khoản 2 Điều 362 được bổ sung bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
Bổ sung cụm từ “phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc” vào trước cụm từ “phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”*
a) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
b) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
...
Điều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
*Khoản 1 Điều 303 được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
1. Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.*
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 200% trở lên;
e) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
*Khoản 2 Điều 303 được sửa đổi bởi Khoản 105 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.*
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
|
|
|
Địa chỉ:
|
17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
|
Điện thoại:
|
(028) 3930 3279 (06 lines)
|
E-mail:
|
info@ThuVienPhapLuat.vn
|
Mã số thuế:
|
0315459414
|
|
|
TP. HCM, ngày 31/05/2021
Thưa Quý khách,
Đúng 14 tháng trước, ngày 31/3/2020, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã bật Thông báo này, và nay 31/5/2021 xin bật lại.
Hơn 1 năm qua, dù nhiều khó khăn, chúng ta cũng đã đánh thắng Covid 19 trong 3 trận đầu. Trận 4 này, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn chúng ta lại thắng.
Là sản phẩm online, nên 250 nhân sự chúng tôi vừa làm việc tại trụ sở, vừa làm việc từ xa qua Internet ngay từ đầu tháng 5/2021.
Sứ mệnh của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT là:
sử dụng công nghệ cao để tổ chức lại hệ thống văn bản pháp luật,
và kết nối cộng đồng Dân Luật Việt Nam,
nhằm:
Giúp công chúng “…loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu…”,
và cùng công chúng xây dựng, thụ hưởng một xã hội pháp quyền trong tương lai gần;
Chúng tôi cam kết dịch vụ sẽ được cung ứng bình thường trong mọi tình huống.
THÔNG BÁO
về Lưu trữ, Sử dụng Thông tin Khách hàng
Kính gửi: Quý Thành viên,
Nghị định 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân (hiệu lực từ ngày 01/07/2023) yêu cầu xác nhận sự đồng ý của thành viên khi thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin mà quý khách đã cung cấp trong quá trình đăng ký, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Quý Thành viên xác nhận giúp THƯ VIỆN PHÁP LUẬT được tiếp tục lưu trữ, sử dụng những thông tin mà Quý Thành viên đã, đang và sẽ cung cấp khi tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Thực hiện Nghị định 13/2023/NĐ-CP, chúng tôi cập nhật Quy chế và Thỏa thuận Bảo về Dữ liệu cá nhân bên dưới.
Trân trọng cảm ơn Quý Thành viên.
Tôi đã đọc và đồng ý Quy chế và Thỏa thuận Bảo vệ Dữ liệu cá nhân
Tiếp tục sử dụng
Cảm ơn đã dùng ThuVienPhapLuat.vn
- Bạn vừa bị Đăng xuất khỏi Tài khoản .
-
Hiện tại có đủ người dùng cùng lúc,
nên khi người thứ vào thì bạn bị Đăng xuất.
- Có phải do Tài khoản của bạn bị lộ mật khẩu
nên nhiều người khác vào dùng?
- Hỗ trợ: (028) 3930.3279 _ 0906.229966
- Xin lỗi Quý khách vì sự bất tiện này!
Tài khoản hiện đã đủ người
dùng cùng thời điểm.
Quý khách Đăng nhập vào thì sẽ
có 1 người khác bị Đăng xuất.
Tài khoản của Quý Khách đẵ đăng nhập quá nhiều lần trên nhiều thiết bị khác nhau, Quý Khách có thể vào đây để xem chi tiết lịch sử đăng nhập
Có thể tài khoản của bạn đã bị rò rỉ mật khẩu và mất bảo mật, xin vui lòng đổi mật khẩu tại đây để tiếp tục sử dụng
|
|