NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN
VIỆT NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 177/QĐ-NHPT
|
Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG
SÉC TRONG NƯỚC QUA NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN
VIỆT NAM
Căn cứ
Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng
Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 110/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân
hàng Phát triển Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/07/2006 của Thống đốc ngân
hàng Nhà nước về việc ban hành quy chế cung ứng và sử dụng séc;
Căn cứ Quyết định số 40/QĐ-HĐQL ngày 29/12/2006 của Hội đồng quản lý
về việc ban hành Quy chế hoạt động thanh toán trong nước qua Ngân hàng
Phát triển Việt Nam;
Xét đề nghị của Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính - Kế toán,
Kho quỹ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định cung ứng
và sử dụng Séc trong nước qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2007.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc NHPT chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- HĐQL(để b/c);
- TGĐ, các PTGĐ;
- Trưởng Ban kiểm soát;
- Lưu VP, Ban TCKT.
|
TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Quang Dũng
|
QUY ĐỊNH
CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG SÉC TRONG NƯỚC QUA NGÂN
HÀNG PHÁT TRIÓN VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 177/QĐ-NHPT
ngày 27 tháng 04 năm 2007 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng.
1. Quy định này quy định và hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung
ứng và sử dụng Séc bao gồm:
a. Thủ tục cung ứng, ký phát, chuyển nhượng, đảm bảo thanh toán,
thanh toán, truy đòi Séc do NHPT cung ứng.
b. Kiểm soát, luân chuyển xử lý chứng từ và hạch toán kế toán liên
quan đến việc thanh toán Séc do các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoạt động
trên lãnh thổ Việt Nam cung ứng tại NHPT.
c. Xử lý vi phạm trong thanh toán Séc.
2. Những nội dung khác liên quan đến Séc không nêu tại quy định này
được thực hiện theo Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005 và Quyết định số
30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/7/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế
cung ứng và sử dụng Séc (sau đây gọi tắt là quyết định số 30).
3. Trường hợp NHPT và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác có
ký thoả thuận riêng về Séc thì thực hiện theo thoả thuận và hướng dẫn của NHPT.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
1. Hội sở chính, Sở giao dịch I, các Chi nhánh NHPT (sau đây gọi tắt
là Chi nhánh) có chức năng thu hộ và thanh toán Séc.
2. Các khách hàng sử dụng Séc do NHPT cung ứng, nhờ NHPT thu hộ Séc
và khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán khác liên quan đến Séc của NHPT.
Điều 3. Giải thích từ ngữ.
Trong quy định này một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chi nhánh: Bao gồm các đơn vị có chức năng thanh toán
trong hệ thống NHPTVN (Hội sở chính, Sở giao dịch, các Chi nhánh NHPT).
2. Đình chỉ thanh toán Séc: Là việc người ký phát thông báo bằng
văn bản yêu cầu người bị ký phát không thanh toán tờ Séc do mình đã ký phát.
3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Tuỳ từng trường hợp được hiểu
là Hội sở chính hoặc Sở giao dịch hoặc Chi nhánh.
4. Người bị ký phát: Là người có trách nhiệm thanh toán số tiền
ghi trên Séc theo lệnh của người ký phát, đó là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh
toán nơi người ký phát mở tài khoản tiền gửi thanh toán và được cung ứng Séc.
5. Người ký phát: Là người lập và ký phát hành Séc để ra lệnh
cho người bị ký phát thay mặt mình trả số tiền ghi trên Séc.
6. Người thu hộ: Là Ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh
toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm dịch vụ thu hộ Séc.
7. Người thụ hưởng: Là người sở hữu tờ Séc với tư cách của một
trong những người sau đây:
a. Người được nhận số tiền thanh toán ghi trên Séc theo chỉ định của
người ký phát.
b. Người được nhận chuyển nhượng ghi trên Séc theo các hình thức
chuyển nhượng quy định tại Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005.
c. Người cầm giữ tờ Séc có ghi trả cho người cầm giữ.
8. Phát hành: Là việc người ký phát lập và chuyển giao Séc lần
đầu cho người thụ hưởng.
9. Séc: Là lệnh trả tiền của chủ tài khoản, được lập theo quy
định của pháp luật và theo mẫu do NHPT quy định, yêu cầu NHPT trích một số tiền
từ tài khoản tiền gửi thanh toán của mình để trả cho người thụ hưởng có tên ghi
trên séc hoặc trả cho người cầm séc.
10. Séc bảo chi: Là tờ Séc được người bị ký phát xác nhận đảm
bảo thanh toán khi tờ Séc được xuất trình để thanh toán trong thời hạn xuất
trình.
11. Séc chuyển khoản: Là Séc có ghi cụm từ “Chỉ trả vào tài
khoản” của người thụ hưởng hoặc không cụm từ “Chỉ trả vào tài khoản” nhưng người
thụ hưởng nhận tiền bằng chuyển khoản.
12. Séc lĩnh tiền mặt: Là Séc không ghi cụm từ “Chỉ trả vào
tài khoản” người thụ hưởng có quyền nhận tiền thanh toán Séc bằng tiền mặt.
13. Thời hạn xuất trình: Là khoảng thời gian tính từ ngày ký phát
ghi trên Séc đến ngày mà tờ Séc đó được xuất trình thanh toán tại địa điểm
thanh toán.
14. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán: Là các tổ chức được
phép thực hiện dịch vụ thanh toán theo quy định tại Nghị định số 64/2001/NĐ-CP
ngày 20/09/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua Tổ chức cung ứng dịch
vụ thanh toán.
15. Séc không đủ khả năng thanh toán: Tờ Séc được xuất trình
trong thời hạn xuất trình mà số dư được phép sử dụng trên tài khoản tiền gửi
thanh toán của người ký phát tại người bị ký phát không đủ để thanh toán toàn bộ
số tiền ghi trên Séc thì tờ Séc đó được coi là không đủ khả năng thanh toán.
Một số từ ngữ khác được hiểu theo quy định tại luật các công cụ chuyển
nhượng năm 2005.
Điều 4. Trách nhiệm của Hội sở chính.
Thiết kế mẫu Séc phù hợp với quy định tại điều 58, 59
Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005 và quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN
ngày 11/7/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Đăng ký mẫu Séc trắng theo quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày
11/07/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức in ấn, phân phối Séc trắng cho các Chi nhánh.
Thông báo với các bên liên quan (bao gồm các Tổ chức cung ứng dịch vụ
thanh toán tham gia thực hiện dịch vụ thu hộ Séc, Trung tâm thanh toán bù trừ
Séc) về mẫu Séc trắng NHPT.
Hướng dẫn, kiểm tra các Chi nhánh trong việc thực hiện các nghiệp vụ
liên quan đến việc sử dụng Séc đã cung ứng cho khách hàng.
Điều 5. Trách nhiệm của Giám đốc Chi nhánh.
1. Tổ chức triển khai, kiểm tra việc cung ứng, sử dụng, thanh toán
Séc tại đơn vị.
2. Thông báo, phổ biến cho khách hàng thực hiện đúng, phù hợp với
quy định hiện hành của Pháp luật và của NHPT (niêm yết tại quầy giao dịch, in tờ
rơi hướng dẫn về việc sử dụng Séc).
3. Chịu trách nhiệm bồi hoàn khi vi phạm quy định về kiểm soát Séc dẫn
đến việc lợi dụng, thất thoát tài sản.
4. Đăng ký và phân công cán bộ sử dụng chương trình phần mềm thông
tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước để nhập và khai thác hiệu quả thông tin các
tờ Séc không đủ khả năng thanh toán bị từ chối thanh toán, người ký phát Séc vi
phạm tại Website http:// www.creditinfo.org.vn trang thanh toán Séc.
Điều 6. Nghĩa vụ của người ký phát.
1. Đảm bảo đủ tiền được sử dụng từ tài khoản tiền gửi thanh toán (số
dư khả dụng) tại Chi nhánh đủ để chi trả toàn bộ số tiền ghi trên tờ Séc cho
người thụ hưởng tại thời điểm xuất trình để thanh toán.
Số dư khả dụng được xác định như sau:
Số dư khả dụng
|
=
|
Số dư tài khoản (sổ chi tiết)
|
+
|
Hạn mức thấu chi (nếu có)
|
-
|
Các khoản phong toả (nếu có)
|
2. Ký phát Séc theo đúng quy định tại chương III của quy định này.
Trường hợp Séc được lập không đúng quy định do lỗi của người ký phát khiến người
thụ hưởng bị từ chối thanh toán, người thụ hưởng có quyền yêu cầu người ký phát
ký phát tờ Séc khác thay thế. Người ký phát có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu này của
người thụ hưởng ngay trong ngày làm việc được yêu cầu hoặc ngày làm việc tiếp
theo sau ngày được yêu cầu.
3. Trường hợp tờ Séc bị từ chối thanh toán do không đủ khả năng
thanh toán, người ký phát phải hoàn trả không điều kiện số tiền bị truy đòi
trên Séc cho người thụ hưởng.
4. Chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại do lỗi của mình gây ra hoặc để
Séc bị lợi dụng.
5.Chấp hành đúng các quy định về cung ứng và sử dụng Séc của pháp luật
và của NHPT.
Điều 7. Truy đòi Séc không được thanh toán.
1. Trong trường hợp Séc bị từ chối thanh toán toàn bộ hay một phần số
tiền ghi trên Séc theo quy định, người thụ hưởng có quyền truy đòi số tiền mình
được hưởng hợp pháp. Đối tượng, số tiền, cách thức và thủ tục truy đòi áp dụng
tương tự theo quy định từ Điều 48 đến Điều 52 của Luật Các công
cụ chuyển nhượng năm 2005.
2. Người chuyển nhượng đã trả tiền cho người thụ hưởng được quyền
truy đòi đối với người ký phát hoặc người chuyển nhượng trước mình
Điều 8. Ký phát, thanh toán Séc ghi số tiền bằng
ngoại tệ.
1. Ký phát Séc bằng ngoại tệ:
Trường hợp người ký phát Séc được sử dụng tài khoản tiền gửi thanh
toán bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, người đó
được ký phát Séc bằng ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi thanh toán của mình để
trả cho người thụ hưởng.
2. Thanh toán Séc bằng ngoại tệ:
a. Séc ghi trả bằng ngoại tệ được thanh toán số tiền ghi trên Séc bằng
ngoại tệ khi người thụ hưởng cuối cùng được phép thu ngoại tệ theo quy định của
pháp luật về quản lý ngoại hối.
b. Séc ghi trả bằng ngoại tệ nhưng người thụ hưởng cuối cùng là người
không được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối
thì số tiền ghi trên Séc được thanh toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá hối
đoái (tỷ giá bán) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh
toán.
3. Để thuận lợi cho việc thanh toán Séc bằng ngoại tệ trong trường hợp
chưa có tổ chức thanh toán Séc ngoại tệ và người bị ký phát cùng người thu hộ
là 2 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác hệ thống không có quan hệ đại lý
thì người thu hộ phải thông báo cụ thể chỉ dẫn thanh toán cho người bị ký phát
trên bảng kê nộp Séc.
Chương II
CUNG ỨNG SÉC
Điều 9. Mẫu Séc trắng.
1. NHPT quyết định việc thiết kế mẫu Séc trắng để cung ứng cho khách
hàng trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và của NHPT.
2. Chi nhánh sử dụng mẫu Séc mới do NHPT thống nhất in ấn và phân phối
để cung ứng cho khách hàng.
3. Mẫu Séc mới NHPT được áp dụng từ ngày 01/05/2007 theo mẫu đính
kèm (mẫu số 01).
Điều 10. Đăng ký mẫu Séc trắng.
Trước khi in Séc trắng theo mẫu mới, Hội sở chính NHPT phải tiến
hành đăng ký mẫu Séc trắng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ban Thanh toán).
Điều 11. Việc in ấn, cung cấp, theo dõi, bảo
quản Séc trắng tại NHPT.
Thực hiện theo quyết định số 658/QĐ-NHPT ngày 29/12/2006 của Tổng
Giám đốc NHPT ban hành quy định về giao nhận và bảo quản ấn chỉ quan trọng của
NHPT.
Điều 12. Cung ứng Séc trắng cho khách hàng.
1. Điều kiện khách hàng được NHPT cung ứng Séc trắng.
a. Có tài khoản tiền gửi thanh toán và đang sử dụng tại NHPT.
b. Không thuộc đối tượng cấm sử dụng Séc hoặc không đang trong thời
gian bị đình chỉ quyền ký phát Séc.
2. Số lượng Séc trắng bán ra từng lần cho khách hàng: Bán theo yêu cầu
của khách hàng nhưng tối đa không quá 02 quyển (20 tờ) cho một khách hàng.
3. Thủ tục cung ứng Séc:
a. Khi có nhu cầu sử dụng Séc, chủ tài khoản, người đại diện theo
pháp luật hoặc người được uỷ quyền của chủ tài khoản lập giấy đề nghị cung ứng
Séc (mẫu số 02) nộp cho Chi nhánh.
b. Khi nhận được giấy đề nghị cung ứng Séc, Chi nhánh có trách nhiệm
kiểm tra điều kiện của người đề nghị cung ứng Séc, giấy tờ tuỳ thân của người
nhận Séc (chứng minh nhân dân, hoặc hộ chiếu còn hạn hoặc giấy chứng minh quân
nhân, công nhân và nhân viên quốc phòng hoặc giấy tờ tuỳ thân khác có dán ảnh
và đóng dấu giáp lai).
Để biết thêm thông tin về việc chấp hành kỷ luật thanh toán Séc của
khách hàng trước khi quyết định bán Séc trắng, Chi nhánh tra cứu thông tin này
qua Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước.
c. Trước khi giao Séc cho khách hàng, Chi nhánh cung ứng Séc thực hiện:
- Nhập thông tin về các tờ Séc bán cho khách hàng.
- Mở sổ theo cung ứng Séc (mẫu số 12) để theo dõi số lượng Séc đã
cung ứng và người ký nhận Séc trắng.
- In, dập chữ hoặc ghi sẵn nội dung của các yếu tố: Tên, số hiệu tài
khoản của người ký phát; tên, địa chỉ Chi nhánh NHPT nơi người ký phát mở tài
khoản lên từng tờ Séc.
d. Chi nhánh yêu cầu khách hàng kiểm đếm Séc trước khi ký nhận Séc:
Số lượng tờ Séc, các yếu tố trên bề mặt từng tờ Séc.
Điều 13. Trách nhiệm của người được cung ứng
Séc:
1. Người được cung ứng Séc phải kiểm đếm số lượng tờ Séc, tính chính
xác của các yếu tố trên tờ Séc được cung ứng, nếu sai sót phải báo ngay cho Chi
nhánh cung ứng Séc để đổi lấy tờ Séc khác.
2. Sau khi đã nhận Séc trắng từ Chi nhánh cung ứng Séc, nếu xẩy ra
sai sót hoặc để Séc bị lợi dụng thì chủ tài khoản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm
về các thiệt hại xẩy ra.
Chương III
NỘI DUNG CỦA
SÉC VÀ KÝ PHÁT SÉC
Điều 14. Nội dung trên Séc.
Nội dung của tờ Séc bao gồm những nội dung do NHPT in sẵn được gọi
là Séc trắng và nội dung được in, ghi bổ sung trong quá trình ký phát Séc.
Điều 15. Ký phát Séc:
1. Người ký phát hành Séc phải lập trên mẫu in sẵn do NHPT cung ứng;
nếu Séc được lập trên tờ Séc trắng không phải do NHPT cung ứng thì Chi nhánh có
quyền từ chối thanh toán tờ Séc đó.
2. Những yếu tố trên tờ Séc, ngoài những yếu tố do NHPT in sẵn, phải
được in hoặc ghi rõ bằng bút mực hoặc bút bi không viết bằng bút chì hoặc các
loại mực đỏ, không sửa chữa, tẩy xoá. Chữ viết khi ký phát Séc là tiếng Việt.
Trường hợp Séc có yếu tố nước ngoài thì Séc có thể sử dụng tiếng nước ngoài
theo thoả thuận của các bên.
3. Ngày ký phát: là ngày mà người ký phát ghi trên tờ Séc, được ghi
bằng số thứ tự ngày - tháng - năm (NgNg-TT-NN).
4. Chỉ định về người thụ hưởng (yêu cầu trả cho) được ghi như sau:
a. Cho một người xác định và không cho phép chuyển nhượng Séc bằng
cách ghi rõ tên người thụ hưởng và đánh dấu vào chỉ thị “Không được chuyển nhượng”
ở mặt trước của tờ Séc (xem ví dụ 01 mẫu số 1).
b. Trả cho một người xác định và cho phép chuyển nhượng bằng cách
ghi rõ họ tên người thụ hưởng và không đánh dấu vào chỉ thị “Không được chuyển
nhượng” (xem ví dụ 3 mẫu số 1).
c. Trả cho người cầm giữ Séc bằng cách ghi cụm từ “trả cho người cầm
Séc” hoặc không ghi tên người thụ hưởng (xem ví dụ 2 mẫu số 1) .
d. Trường hợp người thụ hưởng không có tài khoản tiền gửi thì ghi số
chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn trong hạn, ngày cấp, nơi cấp liền sau tên
người thụ hưởng (xem ví dụ 01 mẫu số 1).
5. Séc có thể được ký phát để ra lệnh cho chính người bị ký phát
thanh toán số tiền ghi trên Séc cho chính người ký phát.
6. Để chỉ định số tiền trên tờ Séc không được thanh toán bằng tiền mặt
mà phải thanh toán bằng chuyển khoản vào tài khoản của người thụ hưởng, người
ký phát hoặc người chuyển nhượng đánh dấu vào ô “Chỉ trả vào tài khoản” ở mặt
trước của tờ Séc (xem ví dụ 03 mẫu số 1)..
7. Trường hợp Séc không ghi cụm từ “Chỉ trả vào tài khoản” thì người
bị ký phát thanh toán cho người thụ hưởng bằng tiền mặt nếu người thụ hưởng yêu
cầu. Cụm từ này có hiệu lực với bất kỳ người nào thụ hưởng tờ Séc.
8. Séc gạch chéo:
a. Để chỉ định số tiền trên Séc được thanh toán cho một tổ chức cung
ứng dịch vụ thanh toán hoặc cho người thụ hưởng có tài khoản tại người bị ký
phát, người ký phát hoặc người chuyển nhượng gạch trên mặt trước tờ Séc hai đường
gạch chéo song song ở phía góc phải bên trên của tờ Séc (xem ví dụ 03 2 mẫu số
01).
b. Để chỉ định số tiền ghi trên Séc chỉ được thanh toán cho một ngân
hàng cụ thể hoặc cho người thụ hưởng có tài khoản tại ngân hàng đó, người ký
phát hoặc người chuyển nhượng Séc gạch trên mặt trước tờ Séc hai gạch chéo song
song (ở phía góc phải bên trên của tờ Séc) và ghi tên ngân hàng được chỉ định
giữa hai gạch chéo. Séc có ghi tên hai ngân hàng giữa hai gạch chéo không có
giá trị thanh toán trừ trường hợp một trong hai ngân hàng có tên giữa hai gạch
chéo đó là ngân hàng thu hộ (xem ví dụ 4 2 mẫu số 01).
9. Trường hợp người ký phát Séc là người được chủ tài khoản uỷ quyền
thì chủ tài khoản phải làm đầy đủ thủ tục thông báo, đăng ký chữ ký mẫu, quy định
hạn mức với Chi nhánh NHPT.
10. Số tiền được ghi bằng số và bằng chữ viết phải khớp đúng. Nếu số
tiền ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ thì Séc không có giá trị thanh
toán.
Số tiền bằng số trên Séc là chữ số Ả-Rập: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8,
9; sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm
(.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số
hàng đơn vị. Đối với Séc ký phát bằng ngoại tệ, số tiền bằng số có thể được ghi
theo thông lệ quốc tế.
Số tiền bằng chữ phải viết rõ nghĩa, chữ đầu của số tiền bằng chữ phải
viết hoa và sát đầu dòng đầu tiên, không được viết cách dòng, cách quãng giữa
các chữ, không được viết thêm chữ (khác dòng) vào giữa hai chữ viết liền nhau
trên Séc. Số tiền bằng chữ được ghi theo cách diễn đạt số lượng và đơn vị tiền
tệ thông thường chứ không ghi theo giá trị con số. Ví dụ: số tiền là: 423.543đ;
được ghi bằng chữ là “Bốn trăm hai mươi ba ngàn năm trăm bốn mươi ba đồng./.”
không ghi “bốn hai ba năm bốn ba đồng”.
11. Tên người bị ký phát là tên Chi nhánh NHPT có trách nhiệm thanh toán
số tiền ghi trên Séc theo lệnh của người ký phát.
12. Địa điểm thanh toán là nơi mà tờ Séc được thanh toán và do người
bị ký phát quy định. Nếu trên tờ Séc không ghi địa điểm thanh toán thì tờ Séc được
hiểu là được xuất trình để thanh toán tại địa điểm kinh doanh của người bị ký
phát, cụ thể:
a. Đối với Séc do NHPT cung ứng thì địa điểm thanh toán Séc là tất cả
các điểm giao dịch thanh toán của NHPT .
b. Đối với Séc không do của NHPT cung ứng thì địa điểm thanh toán có
thể là địa chỉ của người bị ký phát hoặc một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh
toán làm đại lý thu hộ Séc cho người bị ký phát. Nếu không rõ địa chỉ của người
bị ký phát thì tờ Séc đó được xuất trình để thanh toán tại trụ sở chính của người
bị ký phát.
13. Chữ ký của người ký phát phải là chữ ký bằng tay trực tiếp trên
tờ Séc bằng bút mực hoặc bút bi theo chữ ký mẫu đã đăng ký tại người bị ký
phát, kèm theo họ tên của người ký và dấu (đối với những Séc do người đại diện
của tổ chức ký).
14. Kế toán trưởng: Áp dụng đối với Séc do pháp nhân ký và có đăng
ký với Chi nhánh. Kế toán trưởng phải ký bằng tay trực tiếp trên tờ Séc bằng
bút mức hoặc bút bi theo chữ ký mẫu đã đăng ký tại Chi nhánh.
Chương IV
CHUYỂN NHƯỢNG,
CHUYỂN GIAO SÉC ĐỂ NHỜ THU
Điều 16. Chuyển nhượng Séc.
1. Việc chuyển nhượng Séc được áp dụng theo quy định về chuyển nhượng
hối phiếu đòi nợ tại Mục IV chương II của Luật Các công cụ chuyển
nhượng năm 2005 trừ trường hợp chuyển giao Séc cho NHPT để nhờ thu.
2. Việc chuyển nhượng Séc được thể hiện ở mặt sau của tờ Séc. Tờ Séc
được ký chuyển nhượng thì tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng thể hiện
như sau: trong giao dịch chuyển nhượng thứ nhất của tờ Séc, người đứng tên chuyển
nhượng phải là tên của người thụ hưởng đã ghi trên mặt trước của tờ Séc; trong
giao dịch chuyển nhượng thứ hai của tờ Séc người đứng tên chuyển nhượng phải là
tên của người đã được chuyển nhượng trong giao dịch chuyển nhượng thứ nhất; và
tiếp tục như vậy cho đến giao dịch chuyển nhượng cuối cùng.
3. Trường hợp người đứng tên chuyển nhượng trong bất kỳ một giao dịch
chuyển nhượng nào mà không phải là tên của người đã được chuyển nhượng trong
giao dịch chuyển nhượng liền trước, thì dãy chữ ký chuyển nhượng đó là không
liên tục.
4. Người thụ hưởng tờ Séc đã qua ký chuyển nhượng là người cuối cùng
được chuyển nhượng trong dãy chữ ký chuyển nhượng liên tục như quy định tại Khoản
2 Điều này.
NHPT khi thanh toán tờ Séc đã qua chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng,
có trách nhiệm kiểm tra tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng để bảo đảm số
tiền trên Séc được chi trả đúng người thụ hưởng.
Điều 17. NHPT nhận chuyển nhượng Séc để nhờ
thu, ký chuyển nhượng Séc cho người thu hộ là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh
toán.
1. Để được thanh toán số tiền trên Séc, người thụ hưởng Séc có thể
chuyển giao Séc để nhờ thu bằng ký chuyển nhượng để nhờ thu tờ Séc đó cho NHPT
(người thu hộ) để nhờ thu theo thoả thuận giữa hai bên. Chi nhánh được quyền
quyết định việc chi trả ngay cho người ký chuyển nhượng để nhờ thu, hoặc chi trả
sau khi có kết quả thanh toán của tờ Séc từ người bị ký phát, trên cơ sở tự chịu
trách nhiệm về khả năng thanh toán của tờ Séc và khả năng truy đòi số tiền trên
Séc trong trường hợp Séc không được thanh toán.
2. Trong trường hợp không thể trực tiếp xuất trình tại địa điểm
thanh toán theo quy định, Chi nhánh có quyền chuyển giao tiếp Séc đó cho người
thu hộ khác là một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán mà mình có quan hệ đại
lý theo thoả thuận giữa hai bên để người thu hộ này xuất trình tờ Séc.
Chương V
BẢO ĐẢM THANH
TOÁN SÉC
Điều 18. Bảo chi Séc.
1. Khi có nhu cầu bảo chi Séc, người ký phát (người yêu cầu bảo chi
Séc) gửi đến Chi nhánh tờ Séc đã được ghi đầy đủ các yếu tố và giấy yêu cầu bảo
chi Séc. Để thực hiện bảo chi, tờ Séc phải đáp ứng đủ những điều kiện sau:
a. Được điền đầy đủ, rõ ràng các yếu tố theo quy định tại chương III
quy định này.
b. Người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để đảm bảo khả năng thanh
toán cho tờ Séc, hoặc nếu không đủ tiền trên tài khoản nhưng được người bị ký
phát chấp thuận cho người ký phát thấu chi đến một hạn mức nhất định để bảo đảm
khả năng thanh toán cho số tiền ghi trên tờ Séc.
c. Người ký phát lập giấy yêu cầu bảo chi tờ Séc (mẫu số 03).
2. Người bị ký phát được từ chối bảo chi Séc nếu tờ Séc không đáp ứng
một trong những điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Thủ tục bảo chi Séc:
Người ký phát Séc lập và nộp vào Chi nhánh 02 liên “Giấy yêu cầu bảo
chi Séc” và tờ Séc đã ghi đầy đủ các yếu tố có đủ chữ ký và dấu (nếu có) ở mặt
trước của tờ Séc. Chi nhánh kiểm soát đối chiếu và kiểm tra các điều kiện để thực
hiện bảo chi tờ Séc theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu đủ điều kiện thì xử
lý:
- Ghi ngày, tháng, năm và ký tên đóng dấu của Chi nhánh vào ô Bảo
chi ở mặt trước của tờ Séc.
- Giao tờ Séc đã làm xong thủ tục bảo chi cho khách hàng.
Xử lý các liên Giấy yêu cầu bảo chi Séc như sau:
- 1 Liên Giấy yêu cầu bảo chi Séc làm chứng từ ghi Nợ Tài khoản tiền
gửi thanh toán của người ký phát, đồng thời ghi Có Tài khoản tiền gửi để đảm bảo
thanh toán Séc của người ký phát.
- 1 liên Giấy yêu cầu bảo chi Séc làm Giấy báo Nợ giao cho người ký
phát Séc.
4. Khi đã bảo chi Séc, Chi nhánh chỉ chịu trách nhiệm bảo đảm khả
năng thanh toán số tiền ghi trên Séc đến hết thời hạn xuất trình của tờ Séc.
5. Sau thời hạn xuất trình mà tờ Séc đó vẫn chưa được xuất trình đòi
thanh toán, người ký phát có quyền yêu cầu Chi nhánh chấm dứt việc tạm giữ số
tiền dùng để bảo đảm khả năng thanh toán cho tờ Séc đó.
6. Thời hạn bảo chi Séc không quá 6 tháng hoặc không quá thời hạn được
phép thấu chi nếu sử dụng thấu chi để bảo chi Séc.
Điều 19. Bảo lãnh Séc.
1. Bảo lãnh Séc là việc người thứ 3 (sau đây gọi là người bảo lãnh)
cam kết với người nhận bảo lãnh sẽ thanh toán toàn bộ hay một phần số tiền ghi
trên Séc khi người được bảo lãnh không thanh toán hoặc không thanh toán đầy đủ
số tiền ghi trên tờ Séc.
2. Để bảo lãnh cho tờ Séc, người bảo lãnh ghi cụm từ “bảo
lãnh”, số tiền bảo lãnh, tên, địa chỉ, chữ ký của người bảo lãnh và tên người
được bảo lãnh trên mặt trước tờ Séc hoặc trên văn bản đính kèm. Trường hợp bảo
lãnh không ghi tên người được bảo lãnh thì việc bảo lãnh được coi là bảo lãnh
cho người ký phát.
3. Người bảo lãnh sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được tiếp nhận
quyền của người được bảo lãnh đối với những người có liên quan đến Séc, xử lý
tài sản đảm bảo của người được bảo lãnh và có quyền yêu cầu người được bảo
lãnh, người ký phát và những người có trách nhiệm với người được bảo lãnh thực
hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo lãnh đã thanh toán.
Chương VI
XUẤT TRÌNH VÀ
THANH TOÁN SÉC
Điều 20. Xuất trình Séc.
Tờ Séc được coi là “xuất trình” nếu tờ Séc dưới dạng chứng từ giấy
(trường hợp xử lý thanh toán bằng chứng từ) hoặc dữ liệu điện tử của tờ Séc
(trường hợp xử lý thanh toán bằng điện tử) tới địa điểm xuất trình quy định tại
Điều 21 Chương VI Quy định này.
1. Tờ Séc được xuất trình trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký phát.
2. Người thụ hưởng được xuất trình thanh toán Séc muộn hơn, nếu việc
chậm xuất trình do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gây ra. Thời
gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời
hạn xuất trình yêu cầu thanh toán nếu có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi
xẩy ra sự kiện.
3. Tờ Séc được xuất trình trong thời hạn xuất trình và người ký phát
có đủ khả năng thanh toán để chi trả số tiền ghi trên Séc thì Chi nhánh có
trách nhiệm thanh toán cho người thụ hưởng hoặc người được thụ hưởng uỷ quyền
ngay trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày xuất trình đó.
4. Tờ Séc được xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán
nhưng chưa quá 06 tháng kể từ ngày ký phát thì Chi nhánh vẫn có thể thanh toán
nếu Chi nhánh không nhận được thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ Séc đó
và người ký phát có đủ khả năng để thanh toán.
5. Người thụ hưởng có thể xuất trình Séc để thanh toán theo hình thức
thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng. Việc xác định thời điểm xuất trình
Séc để thanh toán được tính theo ngày trên dấu bưu điện nơi gửi.
6. Trường hợp Séc được xuất trình để thanh toán trước ngày ký phát
ghi trên Séc thì việc thanh toán chỉ được thực hiện kể từ ngày ký phát trên
Séc.
Điều 21. Địa điểm xuất trình.
Người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng uỷ quyền, người thu
hộ xuất trình Séc tại những địa điểm sau:
1. Địa điểm thanh toán ghi trên tờ Séc;
2. Nếu tờ Séc không ghi địa điểm thanh toán, thì xuất trình Séc tại
địa điểm kinh doanh của người bị ký phát;
3. Trường hợp người xuất trình tờ Séc là một tổ chức cung ứng dịch vụ
thanh toán, thì ngoài những địa điểm xuất trình nói trên, tổ chức đó được xuất
trình tờ Séc tại Trung tâm Thanh toán Bù trừ, nếu tổ chức đó là thành viên trực
tiếp của Trung tâm Thanh toán Bù trừ.
4. Đối với Séc do NHPT cung ứng thì địa điểm xuất trình là tất cả
các Chi nhánh của NHPT.
Điều 22. Thanh toán Séc do NHPT cung ứng.
1. Các chứng từ cần xuất trình:
Để được thanh toán Séc người thụ hưởng hoặc người được uỷ quyền hoặc
người thu hộ xuất trình.
a. Đối với Séc lĩnh tiền mặt (Séc không có ghi côm từ “chỉ trả vào
tài khoản”):
- Séc.
- Chứng minh nhân dân, hộ chiếu còn hạn của người nhận tiền mặt phù
hợp với thông tin ghi trên Séc.
b. Đối với Séc chuyển khoản:
- Séc.
- 03 liên Bảng kê nộp Séc (mẫu số 04) được lập riêng cho từng loại
tiền tệ.
2. Thủ tục kiểm tra nhận Séc tại Chi nhánh:
a. Người yêu cầu được thanh toán là người thụ hưởng hợp pháp của tờ
Séc theo quy định tại điểm 7 điều 3 quy định này (trường hợp người thụ hưởng trực
tiếp xuất trình Séc).
b. Tờ Séc được lập trên mẫu Séc trắng do NHPT cung ứng và được điền
đầy đủ các yếu tố theo quy định.
c. Tờ Séc còn trong thời hạn xuất trình để thanh toán. Nếu tờ Séc được
xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá 06 tháng kể từ
ngày ký phát Chi nhánh vẫn có thể thanh toán nếu không nhận được thông báo đình
chỉ thanh toán đối với tờ Séc đó và người ký phát có đủ tiền trên tài khoản.
d. Chữ ký và dấu (nếu có) của người ký phát Séc hoặc người được uỷ
quyền ký phát Séc khớp đúng với mẫu đã đăng ký tại Chi nhánh.
đ. Không ký phát Séc vượt quá thẩm quyền quy định tại văn bản đại diện
ký phát Séc.
e. Tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng (nếu Séc đã qua chuyển
nhượng) trên tờ Séc.
g. Các yếu tố trên Séc không có sửa chữa, tẩy xoá.
h. Đối chiếu đảm bảo khớp đúng số Séc, số tiền trên tờ Séc với số tiền,
loại tiền được kê trên bảng kê nộp Séc.
i. Cộng lại tổng số tiền trên bảng kê nộp Séc, số tiền bằng chữ phải
khớp đúng với số tiền bằng số.
k. Các yếu tố khác theo quy định có liên quan.
Khi phát hiện bảng kê nộp Séc có sai sót hoặc Séc thiếu một trong
các điều kiện nêu trên thì Chi nhánh phải trả lại tờ Séc đó cho người nộp Séc
và yêu cầu lập lại bảng kê nộp Séc khác thay thế phù hợp với các tờ Séc đủ điều
kiện; Nếu không có gì sai sót thì Chi nhánh xác nhận về việc nhận Séc theo yêu
cầu của người thu hộ hoặc người thụ hưởng.
m. Trường hợp tờ Séc không ghi cụm từ “Chỉ trả vào tài khoản” thì
Chi nhánh có thể thanh toán bằng tiền mặt theo đề nghị của người thụ hưởng tại
các địa điểm xuất trình.
Người lĩnh tiền mặt phải ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc
hộ chiếu còn hạn hoặc giấy chứng minh quân nhân, công nhân và nhân viên quốc
phòng hoặc giấy tờ tuỳ thân khác có dán ảnh và đóng dấu giáp lai của mình vào
phần quy định dùng cho lĩnh tiền mặt ở mặt sau tờ Séc.
n. Trường hợp Séc được xuất trình để thanh toán sau khi người ký
phát bị tuyên bố phá sản, hoặc có quyết định giải thể thì Séc được xử lý theo
quy định của pháp luật.
p. Trường hợp vi phạm quy định về việc kiểm soát Séc gây ra lợi dụng,
thất thoát tài sản thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi hoàn.
q. Kiểm tra khả năng thanh toán của tờ Séc (số dư có đủ để thanh
toán...)
3. Thủ tục thanh toán Séc:
3.1 Thanh toán Séc chuyển khoản:
Căn cứ vào chỉ dẫn thanh toán trên Séc và bảng kê nộp Séc tiến hành
thanh toán chính xác an toàn:
- Ghi ngày, tháng năm thanh toán, ký tên trên các tờ Séc và các liên
bảng kê rồi xử lý:
+ Các tờ Séc làm chứng từ ghi Nợ Tài khoản tiền gửi thanh toán của
người ký phát.
+ Các liên Bảng kê Séc dùng làm chứng từ ghi Có Tài khoản thích hợp
như: Tài khoản tiền gửi thanh toán của người thụ hưởng (trường hợp người thụ hưởng
mở tài khoản tại NHPT); Tiền mặt (trường hợp người thụ hưởng lĩnh tiền mặt);
Thanh toán bù trừ, Tiền gửi Ngân hàng Nhà nước (trường hợp thanh toán bù trừ hoặc
thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước); Tài khoản của người thu hộ (trường hợp
thanh toán theo thoả thuận đại lý) … Đồng thời lập chứng từ thanh toán thích hợp
để chuyển đi bù trừ (nếu người thu hộ có tham gia thanh toán bù trừ) hoặc lập
chứng từ chuyển tiền cho người thu hộ để ghi Có tài khoản người thụ hưởng.
3.2. Thanh toán Séc bảo chi.
a. Trường hợp Séc được bảo chi tại Chi nhánh thanh toán Séc: Chi
nhánh tiến hành thanh toán theo quy định tại điểm 3.1 điều này.
b. Trường hợp Séc được bảo chi tại một Chi nhánh khác cùng hệ thống:
+ Chi nhánh thanh toán Séc lập điện thông báo trong hệ thống thông
tin nội bộ gửi Chi nhánh bảo chi Séc yêu cầu xác nhận thông tin về tờ Séc bảo
chi. Trong nội dung điện thông báo cần nêu rõ thông tin tờ Séc (sê ri, ngày ký
phát, tên người ký phát, số tiền bảo chi, loại tiền, ngày bảo chi....)
+ Chi nhánh bảo chi Séc nhận được điện thông báo cần tiến hành kiểm
tra điện thông báo và tiến hành đối chiếu thông tin về tờ Séc bảo chi đó đồng
thời lập điện thông báo trả lời để xác nhận các thông tin về tờ Séc bảo chi cho
Chi nhánh thanh toán Séc bảo chi.
+ Chi nhánh thanh toán Séc sau khi nhận được điện thông báo trả lời
của Chi nhánh bảo chi Séc tiến hành thanh toán Séc như quy định tại điểm 3.1 điều
này đồng thời căn cứ vào Bảng kê nộp Séc tiến hành lập Lệnh chuyển Nợ qua hệ thống
chuyển tiền điện tử Nội bộ để tiến hành việc báo Nợ cho Chi nhánh Bảo chi Séc
(nội dung của lệnh chuyển Nợ ghi rõ thanh toán Séc Bảo chi số, ngày ký phát,
người ký phát, người thụ hưởng...), hạch toán:
Nợ Thanh toán vốn nội bộ.
Có Tài khoản thích hợp (các khoản chờ thanh toán hoặc tài khoản tiền
gửi khách hàng).
Sau khi nhận được thông báo chấp nhận chuyển Nợ của Chi nhánh bảo
chi Chi nhánh thanh toán sẽ tiến hành lập phiếu chuyển khoản hạch toán:
Nợ Tài khoản các khoản chờ thanh toán
Có Tài khoản người thụ hưởng Séc
+ Tại Chi nhánh bảo chi Séc, khi nhận được lệnh chuyển Nợ qua hệ thống
CTĐT nội bộ chuyển đến báo Nợ về thanh toán Séc Bảo chi tiến hành hạch toán:
Nợ Tài khoản đảm bảo thanh toán Séc.
Có Tài khoản thanh toán vốn nội bộ.
đồng thời lập thông báo chấp nhận chuyển nợ gửi cho Chi nhánh thanh
toán Séc.
4. Khoảng thời gian thực hiện việc lập điện thông báo và trả lời
thông báo không tính vào thời gian xuất trình Séc. Tuy nhiên, các Chi nhánh cần
khẩn trương thực hiện việc xử lý thông báo để đảm bảo tốc độ thanh toán séc.
Điều 23. Xử lý Séc không đủ khả năng thanh
toán.
Trường hợp số dư khả dụng trên tài khoản tiền gửi của người ký phát
tại NHPT không đủ để chi trả cho toàn bộ số tiền ghi trên Séc:
1. Đối với Chi nhánh:
a. Lập thông báo Séc không đủ khả năng thanh toán (mẫu số 05) gửi
cho người ký phát, người xuất trình Séc (người thụ hưởng hoặc người thu hộ) về
việc tờ Séc không đủ khả năng thanh toán ngay trong ngày xuất trình hoặc ngày
làm việc tiếp theo sau ngày xuất trình tờ Séc đó. Việc thông báo này có thể bằng
điện thoại, điện tín hoặc một phương tiện thông tin thích hợp khác. Chi nhánh
thu phí phí dịch vụ này đối với người ký phát theo quy định của Ngân hàng Phát
triển Việt Nam theo từng thời kỳ.
b. Khi nhận được Lệnh thu yêu cầu được thanh toán một phần số tiền
ghi trên Séc của người thụ hưởng thì Chi nhánh tiến hành xử lý:
b1. Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của Lệnh thu. Kiểm tra nội dung,
chữ ký, mẫu dấu trên Lệnh thu với chữ ký, mẫu dấu trên bảng kê nộp Séc của khách
hàng đảm bảo khớp đúng.
b2. Kiểm tra thời gian còn hiệu lực thanh toán của tờ Séc.
b3. Căn cứ chỉ dẫn thanh toán trên lệnh thu để tiến hành thanh toán
cho khách hàng.
- Căn cứ vào Lệnh thu và khả năng thanh toán hiện có của người ký
phát tại thời điểm nhận được yêu cầu, Chi nhánh tiến hành ghi:
Nợ Tài khoản thanh toán của người ký phát Séc;
Có Tài khoản thích hợp (Tài khoản thanh toán của người thụ hưởng; Tiền
mặt; Tài khoản bù trừ; Tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, Tài khoản của
người thu hộ…).
Và lập chứng từ thanh toán bù trừ (nếu người thu hộ có tham gia
thanh toán bù trừ) hoặc lập chứng từ chuyển tiền cho người thu hộ để ghi Có tài
khoản người thụ hưởng đồng thời:
+ Lập 02 liên giấy xác nhận từ chối thanh toán (mẫu số 07) đối với số
tiền chưa được thanh toán của tờ Séc, và ghi cụm từ “đã thanh toán...(số tiền)...”,
từ chối...(số tiền)..., ngày thanh toán…” trên mặt trước tờ Séc, chuyển Giấy
xác nhận từ chối thanh toán kèm tờ Séc và các chứng từ thanh toán khác cho người
thụ hưởng hoặc người thu hộ. Chi nhánh nào do sơ xuất không ghi cụm từ trên thì
phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về thiệt hại nếu tờ Séc bị lợi dụng;
b4. Không được thanh toán tiếp cho các tờ Séc đã được thanh
toán một phần (người ký phát và người thụ hưởng tự thoả thuận với nhau về việc
thanh toán tiếp số tiền bị từ chối trên Séc).
c. Chi nhánh phải mở sổ theo dõi các tờ Séc được thanh toán một phần
(theo mẫu số 13). Các thông tin liên quan đến người ký phát tờ Séc không đủ khả
năng thanh toán phải được xử lý theo quy định tại Chương VIII.
d. Khi thanh toán một phần số tiền ghi trên Séc, Chi nhánh yêu cầu
người thụ hưởng (trường hợp thanh toán vào tài khoản thanh toán của người thụ
hưởng mở tại Chi nhánh hoặc thanh toán tiền mặt) hoặc người thu hộ (trường hợp
thanh toán thông qua người thu hộ) làm giấy biên nhận (theo mẫu số 09) để lưu
chứng từ.
e. Khi nhận được thông báo của người ký phát về việc đã thực hiện
nghĩa vụ thanh toán đủ số tiền trên tờ Séc (số tiền bị từ chối thanh toán) kèm
theo tờ Séc, Chi nhánh lưu trữ tờ Séc như sau:
- Nếu người ký phát sử dụng dịch vụ thanh toán tại Chi nhánh để trả
nốt số tiền còn thiếu: Lưu tờ Séc cùng với giao dịch trả tiền.
- Nếu người ký phát trả tiền bằng hình thức khác: Lưu tờ Séc vào sau
chứng từ đã thanh toán một phần trước đó.
f. Trường hợp có nhiều tờ Séc nộp vào cùng một thời điểm để đòi tiền
từ một người ký phát mà khả năng chi trả của người ký phát không đủ để thanh
toán tất cả các tờ Séc đó thì thứ tự thanh toán Séc được xác định theo ngày ký
phát và theo thứ tự số Séc đã được ký phát, tờ Séc có ngày ký phát trước sẽ được
thanh toán trước và nếu các tờ Séc có cùng ngày ký phát, thì tờ Séc có số thứ tự
nhỏ sẽ được thanh toán trước.
2. Đối với người thụ hưởng:
Khi nhận được thông báo của Chi nhánh về việc tờ Séc không đủ khả
năng thanh toán người thụ hưởng có quyền yêu cầu hoặc thông qua người thu hộ
yêu cầu người bị ký phát tiến hành một trong hai phương thức sau:
- Lập giấy xác nhận từ chối thanh toán đối với toàn bộ số tiền ghi
trên Séc và trả lại tờ Séc cho mình bằng cách ký xác nhận trên thông báo Séc
không đủ khả năng thanh toán (mẫu số 05) đã nhận được từ Chi nhánh và trả lại
cho Chi nh¸nh.
- Lập lệnh thu (mẫu số 06) yêu cầu Chi nhánh thanh toán một phần số
tiền ghi trên tờ Séc tối đa bằng khoản tiền người ký phát được sử dụng tại Chi
nhánh và lập giấy xác nhận từ chối thanh toán đối với phần tiền còn lại chưa được
thanh toán trên Séc;
Điều 24. Đình chỉ thanh toán Séc.
1. Người ký phát có quyền yêu cầu đình chỉ thanh toán Séc mà mình đã
ký phát kèm theo lý do cụ thể bằng việc thông báo bằng văn bản cho Chi nhánh
yêu cầu đình chỉ thanh toán Séc khi Séc được xuất trình yêu cầu thanh toán.
2. Hiệu lực của thông báo đình chỉ thanh toán Séc phụ thuộc vào lý
do đình chỉ:
a. Lý do mất Séc (lý do khách quan gây nên): Có hiệu lực ngay khi Chi
nhánh nhận thông báo.
b. Lý do khác (lý do chủ quan của người ký phát): Có hiệu lực sau thời
hạn xuất trình (sau 30 ngày kể từ ngày ký phát).
3. Giá trị pháp lý của thông báo đình chỉ thanh toán Séc: Theo quy định
tại tiết b khoản 1 điều 27 chương VII quy định này.
4. Người ký phát có nghĩa vụ thanh toán số tiền ghi trên Séc sau khi
Séc bị NHPT từ chối thanh toán theo thông báo đình chỉ thanh toán của mình.
Điều 25. Ngân hàng Phát triển Việt Nam thu hộ
Séc.
1. NHPT cung cấp dịch vụ thu hộ Séc cho khách hàng có quan hệ tài
khoản với Chi nhánh mà những tờ Séc đó do các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh
toán bên ngoài Chi nhánh cung ứng.
2. Mức phí dịch vụ thu hộ Séc đối với người thụ hưởng thực hiện theo
quy định của Tổng Giám đốc NHPT theo từng thời kỳ. Trong trường hợp tờ Séc bị từ
chối thanh toán không do lỗi của Chi nhánh, Chi nhánh không có nghĩa vụ phải
hoàn trả phí thu hộ cho người thụ hưởng.
3. Trường hợp tờ Séc bị từ chối do lỗi của Chi nhánh, Chi nhánh phải
chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng theo thoả thuận giữa
hai bên. Trường hợp không thoả thuận được thì xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Thủ tục giao, nhận và kiểm tra Séc tại Chi nhánh như sau:
a. Căn cứ vào các tờ Séc, người thụ hưởng lập 03 liên Bảng kê nộp
Séc (mẫu số 04). Bảng kê nộp Séc được lập theo từng người bị ký phát kèm theo
các tờ Séc giao cho Chi nhánh. Các yếu tố quy định trên bảng kê nộp Séc phải
ghi đầy đủ, rõ ràng, không được sửa chữa hoặc tẩy xoá.
b. Khi nhận được các liên bảng kê nộp Séc cùng với các tờ Séc được nộp
vào, Chi nhánh phải kiểm tra các yếu tố thể hiện trên tờ Séc để đảm bảo:
- Người yêu cầu được thanh toán Séc là người thụ hưởng hợp pháp tờ
Séc đó theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Các công cụ
chuyển nhượng năm 2005;
- Tờ Séc được điền đầy đủ các yếu tố bắt buộc theo quy định tại
chương III quy định này.
- Tờ Séc còn trong thời hạn xuất trình để thanh toán. Nếu tờ Séc được
xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá 06 tháng kể từ
ngày ký phát Chi nhánh vẫn có quyền thu hộ Séc cho người thụ hưởng với thoả thuận
sẽ không chịu trách nhiệm nếu tờ Séc đó đã bị từ chối thanh toán;
- Tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng (nếu có) trên tờ Séc;
- Đối chiếu đảm bảo khớp đúng số Séc, số tiền trên tờ Séc với số tiền
được kê trên bảng kê nộp Séc;
- Cộng lại tổng số tiền trên bảng kê nộp Séc, số tiền bằng chữ phải
khớp đúng với số tiền bằng số;
c. Khi phát hiện bảng kê nộp Séc có sai sót hoặc các tờ Séc không có
đầy đủ các điều kiện nêu trên thì Chi nhánh phải trả lại Séc cho người nộp Séc
và yêu cầu lập lại bảng kê nộp Séc khác thay thế phù hợp với các tờ Séc đủ điều
kiện;
d. Nếu không có gì sai sót thì Chi nhánh ký xác nhận về việc nhận nhờ
thu theo yêu cầu của người thụ hưởng, tuỳ từng đặc điểm của tờ Séc và cách thức
chấp nhận Séc của người bị ký phát hoặc theo thoả thuận giữa Chi nhánh với người
bị ký phát, lựa chọn hình thức xử lý thích hợp sau:
- Đối với tờ Séc đủ điều kiện thanh toán ngay: Thực hiện ghi có cho
khách hàng và chuyển nợ đi (TTBT...)
- Đối với tờ Séc khác: Ghi vào sổ theo dõi Séc gửi đi (dùng làm cơ sở
để tra cứu xử lý các trường hợp gửi Séc bị thất lạc, chậm trễ) và gửi các tờ
Séc và bảng kê Séc tới địa điểm xuất trình trong thời gian, phương thức thoả
thuận với người thụ hưởng và phù hợp với các quy định hiện hành của NHPT.
e. Việc giao nhận Séc trực tiếp giữa Chi nhánh và người bị ký phát
phải ghi sổ theo dõi giao nhận chứng từ và có ký nhận. Trường hợp Chi nhánh và
người bị ký phát không giao nhận Séc trực tiếp được cho nhau thì có thể áp dụng
các biện pháp giao nhận khác nhưng phải đảm bảo Séc được giao cho người bị ký
phát một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và an toàn.
f. Khi nhận dược thông báo Séc không đủ khả năng thanh toán từ người
bị ký phát Chi nhánh có trách nhiệm gửi thông báo này cho người thụ hưởng và hướng
dẫn khách hàng thực hiện quyền định đoạt tờ Séc theo các điều tương tự chương
VI quy định này.
5. Thủ tục hạch toán tại người thu hộ Séc.
a. Trường hợp thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên Séc.
Khi nhận được chứng từ thanh toán Séc do người bị ký phát gửi đến,
thì Chi nhánh sử dụng các chứng từ đó để hạch toán:
Nợ Tài khoản thích hợp (Thanh toán bù trừ, Tài khoản tiền gửi tại Ngân
hàng Nhà nước, Tiền gửi của người bị ký phát…).
Có Tài khoản tiền gửi thanh toán của người thụ hưởng.
Và gửi Giấy báo Có cho người thụ hưởng.
b. Trường hợp tờ Séc được thanh toán một phần theo thông báo của người
bị ký phát.
Căn cứ vào số tiền đã được thanh toán, Chi nhánh sử dụng các chứng từ
thanh toán một phần tờ Séc do người bị ký phát gửi đến để hạch toán:
Nợ Tài khoản thích hợp (Thanh toán bù trừ, Tài khoản thanh toán tại
Ngân hàng Nhà nước, Tài khoản thanh toán của người bị ký phát….
Có Tài khoản thích hợp (Tài khoản chờ thanh toán khác…)
Người thụ hưởng hoặc Chi nhánh (với tư cách là người được người thụ
hưởng uỷ quyền) phải lập Giấy biên nhận (mẫu số 09) để giao cho người bị ký
phát.
Khi Chi nhánh nhận được Giấy biên nhận của người thụ hưởng nộp vào,
căn cứ vào Giấy biên nhận, Chi nhánh tiến hành lập phiếu chuyển khoản, hạch
toán:
Nợ Tài khoản các khoản chờ thanh toán khác - mở tài khoản chi tiết
cho từng người thụ hưởng Séc.
Có Tài khoản thích hợp (tài khoản tiền gửi thanh toán của người thụ
hưởng; tiền mặt).
Và gửi một liên Giấy biên nhận tới người bị ký phát.
c. Trường hợp sau 05 ngày làm việc kể từ ngày Chi nhánh gửi Giấy báo
Có về việc thanh toán một phần số tiền ghi trên Séc, mà Chi nhánh không nhận được
Giấy biên nhận của người thụ hưởng, thì Chi nhánh phải chuyển trả lại số tiền của
tờ Séc đã được thanh toán một phần cho người bị ký phát, hạch toán:
Nợ Tài khoản các khoản chờ thanh toán khác - mở tài khoản chi tiết
cho từng người thụ hưởng Séc.
Có Tài khoản thích hợp (Thanh toán bù trừ, Tài khoản thanh toán tại
Ngân hàng Nhà nước, Tiền gửi của người bị ký phát…).
Điều 26. Tổ chức thanh toán Séc.
1. Tổng Giám đốc NHPT thoả thuận với Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh
toán khác về việc tổ chức thanh toán Séc cho khách hàng của hai bên.
2. Séc thanh toán qua Trung tâm Thanh toán Bù trừ thực hiện như sau:
a. Việc thanh toán Séc qua các Trung tâm Thanh toán Bù trừ của Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam được áp dụng quy trình thanh toán bù trừ do Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam quy định.
b. Đối với Trung tâm Thanh toán Bù trừ là Tổ chức cung ứng dịch vụ
thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động: Việc thanh
toán Séc qua trung tâm giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thành viên
thực hiện theo thoả thuận giữa trung tâm đó và các thành viên.
Chương VII
KIỂM SOÁT, XỬ
LÝ SÉC MẤT, HƯ HỎNG
Điều 27. Séc bị mất.
1. Đối với người ký phát:
a. Khi người ký phát làm mất tờ Séc trắng hoặc khi nhận được thông
báo mất Séc do mình ký phát từ người thụ hưởng thì người ký phát phải thông báo
ngay việc đình chỉ thanh toán đối với tờ Séc bị mất cho NHPT và phải có nghĩa vụ
ký phát tờ Séc mới có cùng nội dung với tờ Séc đã bị mất theo yêu cầu của người
thụ hưởng Séc.
b. Thông báo mất/đình chỉ thanh toán Séc có giá trị pháp lý khi gửi
bằng văn bản. Ngoài ra để hạn chế rủi ro người ký phát và Chi nhánh có thể thoả
thuận tạm thời chấp nhận thông báo mất Séc bằng điện thoại, Fax hoặc hình thức
khác trong khi chờ nhận văn bản chính thức.
2. Đối với người thụ hưởng Séc:
a. Khi người người thụ hưởng làm mất Séc phải thông báo ngay bằng
văn bản hoặc các hình thức khác theo thoả thuận cho người ký phát để người ký
phát ra thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ Séc đã mất cho Chi nhánh.
Trong thông báo người làm mất phải nêu rõ trường hợp bị mất và phải chịu trách
nhiệm về tính trung thực của việc thông báo mất Séc.
b. Ngoài ra để hạn chế rủi ro, người thụ hưởng có thể thông báo mất
Séc cho Chi nhánh và đề nghị Chi nhánh hỗ trợ tuỳ theo thoả thuận trong khi chờ
nhận thông báo đình chỉ thanh toán Séc của người ký phát.
3. Trường hợp người bị mất Séc không phải là người thụ hưởng thì phải
thông báo ngay cho người thụ hưởng để người thụ hưởng làm các thủ tục tại khoản
2 điều này.
Người làm mất Séc sau khi làm thông báo mất Séc có quyền yêu cầu người
ký phát phát lại tờ Séc có cùng nội dung với tờ Séc đã mất với cam kết bằng văn
bản sẽ trả thay cho người bị ký phát hoặc người ký phát nếu tờ Séc đã được
thông báo mất lại được người thụ hưởng hợp pháp xuất trình để yêu cầu thanh
toán.
4. Đối với Chi nhánh:
a. Khi nhận được thông báo mất/đình chỉ thanh toán Séc bị mất của
người ký phát, phải kiểm tra ngay tờ Séc đã thanh toán chưa trong hệ thống Chi
nhánh. Nếu tờ Séc chưa thanh toán thì Chi nhánh chịu trách nhiệm khai báo các
thông tin của tờ Séc và thông báo cho toàn bộ hệ thống biết về tờ Séc bị mất/đình
chỉ thanh toán.
b. Khi tờ Séc đã được báo mất được xuất trình đòi thanh toán, Chi
nhánh có trách nhiệm lập biên bản giữ lại tờ Séc đó và thông báo cho người ra
thông báo mất Séc đến giải quyết.
c. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng lấy tiền sau khi tờ Séc đã được
thông báo đình chỉ thanh toán. Các cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm đền bù
mọi thiệt hại cho khách hàng và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và
của NHPT.
d. Nếu thời điểm Chi nhánh nhận được thông báo mất/đình chỉ thanh
toán Séc là sau thời điểm Séc đã được thanh toán thì Chi nhánh thông báo ngay
cho người ra thông báo mất/đình chỉ thanh toán biết và người mất Séc phải chịu
trách nhiệm về các thiệt hại do việc mất Séc gây ra.
e. NHPT có trách nhiệm lưu giữ thông tin về Séc bị báo mất và thông
báo bằng văn bản cho Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam (mẫu số 08).
5. Thời điểm Chi nhánh nhận được thông báo mất/đình chỉ thanh toán
Séc được xác định như sau:
a. Là thời điểm Chi nhánh nhận được thông báo mất/đình chỉ thanh
toán Séc do bưu điện gửi đến, c¨n cứ theo số ký nhận của Chi nhánh với bưu điện.
Nếu văn bản được gửi bằng đường văn th bảo đảm trên bì phải ghi rõ “thông báo
mất/đình chỉ thanh toán Séc” để bộ phận văn thư lưu ý chuyển ngay cho bộ phận kế
toán giao dịch.
b. Là thời điểm Chi nhánh xác nhận, nếu người làm mÊt Séc trực tiếp
trao thông báo cho bộ phận kế toán giao dịch tại trụ sở Chi nhánh.
Điều 28. Hư hỏng Séc.
1. Khi tờ Séc bị hư hỏng người thụ hưởng có quyền yêu cầu người ký
phát ký phát lại tờ Séc có cùng nội dung để thay thế.
2. Người ký phát Séc có nghĩa vụ ký phát lại tờ Séc sau khi nhận được
tờ Séc bị hư hỏng nếu tờ Séc còn đủ thông tin hoặc có bằng chứng xác định người
có tờ Séc bị hư hỏng là người thụ hưởng hợp pháp tờ Séc bị hư hỏng.
Chương VIII
VI PHẠM VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 29. Vi phạm ký phát Séc không đủ khả
năng thanh toán.
1. Vi phạm lần thứ nhất.
a. Trường hợp tờ Séc được xuất trình trong thời hạn thanh toán,
nhưng khoản tiền mà người ký phát được sử dụng để ký phát Séc tại Chi nhánh
không đủ để chi trả toàn bộ số tiền trên tờ Séc thì sau khi lập giấy xác nhận từ
chối thanh toán theo quy định, Chi nhánh có trách nhiệm gửi thông báo tới người
ký phát để yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ trả số tiền ghi trên Séc;
b. Sau khi trực tiếp trả tiền cho người thụ hưởng, người ký phát
thông báo cho NHPT về việc đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền, đồng thời gửi kèm
theo tờ Séc đã được thanh toán.
c. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo từ chối
thanh toán tới người ký phát, nếu Chi nhánh không nhận được thông báo về việc
thực hiện nghĩa vụ trả tiền kèm tờ Séc đã được thanh toán như quy định tại Điểm
b Khoản 1 Điều này của người ký phát, thì Chi nhánh có trách nhiệm đình chỉ
ngay và vĩnh viễn quyền ký phát Séc của người vi phạm, đồng thời thông báo cho
Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về người vi phạm
và hình thức xử lý.
2. Vi phạm lần thứ hai.
a. Người ký phát tái phạm cách lần thứ nhất dưới 12 tháng, nếu trong
thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Chi nhánh, người ký
phát thanh toán ngay cho người thụ hưởng và gửi thông báo cho Chi nhánh về việc
đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền kèm tờ Séc đã được thanh toán thì Chi nhánh tạm
thời đình chỉ thanh toán Séc trong vòng 6 tháng, đồng thời thông báo cho Trung
tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về người vi phạm, hình
thức xử lý và thông báo cho người ký phát (mẫu số 08).
b. Nếu trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo từ chối
thanh toán đến người ký phát, Chi nhánh không nhận được thông báo thanh toán tờ
Séc ký phát không đủ khả năng thanh toán kèm tờ Séc đã thanh toán của người ký
phát thì Chi nhánh đình chỉ ngay và vĩnh viễn quyền ký phát Séc của người vi phạm
đồng thời thông báo cho Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam về người vi phạm, hình thức xử lý và thông báo cho người ký phát.
3. Vi phạm lần thứ ba.
Trong 12 tháng nếu người ký phát vi phạm 3 lần, thì Chi nhánh đình
chỉ ngay và vĩnh viễn quyền ký phát Séc của người vi phạm đồng thời thông báo
cho Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về người vi phạm,
hình thức xử lý và thông báo cho người ký phát.
4. Các Chi nhánh có trách nhiệm tra cứu thông tin về người đề nghị
được cung ứng Séc trắng lần đầu trước khi quyết định cung ứng Séc trắng cho người
đó.
Điều 30. Lãi suất phạt.
Lãi suất phạt chậm trả Séc bằng 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm áp dụng. Số tiền phạt chậm trả được trả
cho người thụ hưởng tờ Séc.
Chương IX
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 31. Tổ chức thực hiện.
1. Căn cứ quy định này, Giám đốc các Chi nhánh có trách nhiệm triển
khai thực hiện tại đơn vị và thông báo, hướng dẫn cho khách hàng biết (Phụ lục
số 01)
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, thì các tổ chức, sử
dụng Séc và liên quan đến việc sử dụng Séc phản ánh với Chi nhánh NHPT phục vụ
mình để xử lý; các Chi nhánh NHPT nếu có vướng mắc không xử lý được thì phản ánh
với Hội sở chính NHPT hoặc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương trên cùng địa bàn để xử lý; trường hợp không xử lý được thì phản
ánh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để nghiên cứu, giải quyết.
Điều 32. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này do Tổng Giám đốc NHPT
xem xét quyết định./