Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 42/2022/TT-BCT kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện

Số hiệu: 42/2022/TT-BCT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Đặng Hoàng An
Ngày ban hành: 30/12/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Tiêu chuẩn của Kiểm tra viên điện lực

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 42/2022/TT-BCT ngày 30/12/2022 quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện.

Theo đó, Kiểm tra viên điện lực phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

- Có trình độ trung cấp trở lên chuyên ngành điện hoặc công nhân kỹ thuật điện từ bậc 5/7 trở lên.

- Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối từ 03 năm trở lên với Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải, phân phối điện; có thời gian công tác trong lĩnh vực kinh doanh điện từ 03 năm trở lên đối với Kiểm tra viên điện lực của đơn vị bán buôn, bán lẻ điện.

- Đã được tập huấn kiến thức pháp luật về hoạt động điện lực, sử dụng điện và bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện, các tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật điện, an toàn điện và có kết quả sát hạch khi kết thúc tập huấn đạt yêu cầu.

- Có khả năng nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp, đề xuất biện pháp giải quyết theo chức năng của công tác kiểm tra.

- Đủ sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh, khách quan.

- Chưa bị xử lý hình sự hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng đã được xóa án tích; chưa bị xử lý VPHC hoặc đã được coi là chưa bị xử lý VPHC trong lĩnh vực điện lực theo Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

(Hiện hành, tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực chia thành: Kiểm tra viên điện lực Bộ Công Thương; Kiểm tra viên điện lực Sở Công Thương và Kiểm tra viên điện lực cấp huyện; Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện, đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện)

Thông tư 42/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 16/02/2023 thay thế Thông tư 27/2013/TT-BCT , Thông tư 31/2018/TT-BCT .

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2022/TT-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực.

2. Kiểm tra hoạt động điện lực trong các lĩnh vực: Tư vấn chuyên ngành điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện.

3. Phương pháp xác định sản lượng điện trộm cắp, số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi trộm cắp điện để trả lại cho tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt, bồi thường thiệt hại và cách thức tổ chức thực hiện, thi hành hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi trộm cắp điện.

4. Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực: Tư vấn chuyên ngành điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.

2. Các tổ chức, cá nhân sử dụng điện.

3. Kiểm tra viên điện lực và các cá nhân tham gia công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện và bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện.

4. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực được quy định tại Điều 33 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sau đây viết tắt là Nghị định số 134/2013/NĐ-CP), đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 38 Điều 2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (sau đây viết tắt là Nghị định số 17/2022/NĐ-CP).

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hợp đồng mua bán điện là một trong các loại hợp đồng sau đây (không bao gồm các hợp đồng giữa các đơn vị điện lực là đối tượng tham gia thị trường phát điện, bán buôn điện cạnh tranh và hợp đồng mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà):

a) Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt hoặc ngoài sinh hoạt được ký kết giữa khách hàng sử dụng điện (bao gồm cả khách hàng sử dụng điện lớn) với đơn vị bán lẻ điện nhằm mục đích mua điện để sử dụng;

b) Hợp đồng mua buôn, bán lẻ điện được ký kết giữa đơn vị bán lẻ điện với đơn vị bán buôn điện nhằm mục đích mua điện để bán lại cho bên thứ ba (trừ hợp đồng giữa các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc hợp đồng giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các đơn vị thành viên).

2. Kiểm tra viên điện lực là cá nhân thuộc đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện, đơn vị bán buôn điện và đơn vị bán lẻ điện được tập huấn, sát hạch và cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Thông tư này.

3. Đơn vị truyền tải điện là đơn vị điện lực được cấp phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện.

4. Đơn vị phân phối điện là đơn vị điện lực được cấp phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối điện.

5. Đơn vị bán buôn điện là đơn vị điện lực được cấp phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn điện.

6. Đơn vị bán lẻ điện là đơn vị điện lực được cấp phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán lẻ điện.

7. Số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi trộm cắp điện là số lợi mà bên vi phạm có được từ sản lượng điện năng trộm cắp (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra (nếu có)).

Chương II

KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực

Kiểm tra viên điện lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra trong phạm vi quản lý của đơn vị mình như sau:

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện

a) Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện;

b) Kiểm tra và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn điện được quy định tại Điều 7 Luật Điện lực;

c) Thông báo kịp thời cho đơn vị trực tiếp quản lý vận hành lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối trong trường hợp phát hiện có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và an toàn trang thiết bị;

d) Lập Biên bản kiểm tra theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này khi tiến hành kiểm tra các nội dung về bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;

đ) Trường hợp Kiểm tra viên điện lực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo kế hoạch đối với nội dung kiểm tra bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện mà không phát hiện vi phạm thì không phải lập Biên bản kiểm tra theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này nhưng nội dung, kết quả kiểm tra phải được ghi nhận trên hệ thống quản lý của đơn vị điện lực .

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực của đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện

a) Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện của bên sử dụng điện;

b) Kiểm tra việc sử dụng điện an toàn của bên sử dụng điện;

c) Kiểm tra việc ngừng sử dụng điện, giảm mức tiêu thụ điện của bên sử dụng điện;

d) Kiểm tra và ngăn chặn kịp thời các hành vi bị cấm trong sử dụng điện được quy định tại Điều 7 Luật Điện lực;

đ) Yêu cầu bên sử dụng điện ngừng sử dụng điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và an toàn trang thiết bị;

e) Yêu cầu bên sử dụng điện cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra;

g) Lập Biên bản kiểm tra sử dụng điện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này khi tiến hành kiểm tra các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

h) Trường hợp Kiểm tra viên điện lực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo kế hoạch đối với các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này và không phát hiện vi phạm thì không phải lập Biên bản kiểm tra sử dụng điện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này nhưng nội dung, kết quả kiểm tra phải được ghi nhận trên hệ thống quản lý của đơn vị điện lực.

Điều 5. Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực

Kiểm tra viên điện lực phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

1. Có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành điện hoặc là công nhân kỹ thuật điện từ bậc 5/7 trở lên.

2. Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối từ 03 năm trở lên đối với Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện; có thời gian công tác trong lĩnh vực kinh doanh điện từ 03 năm trở lên đối với Kiểm tra viên điện lực của đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện.

3. Đã được tập huấn kiến thức pháp luật về hoạt động điện lực, sử dụng điện và bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện, các tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật điện, an toàn điện và có kết quả sát hạch khi kết thúc tập huấn đạt yêu cầu.

4. Có khả năng nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp và đề xuất biện pháp giải quyết theo chức năng của công tác kiểm tra.

5. Đủ sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh và khách quan.

6. Chưa bị xử lý hình sự hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng đã được xóa án tích; chưa bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực hoặc đã được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 6. Tập huấn, sát hạch, cấp thẻ, thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực

1. Các đơn vị truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện chịu trách nhiệm tổ chức hoặc phân cấp cho các đơn vị trực thuộc tổ chức tập huấn, sát hạch, cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực cho công nhân viên của đơn vị mình để thực hiện công tác kiểm tra căn cứ nhu cầu thực tế của đơn vị.

2. Nội dung tập huấn, sát hạch do đơn vị xây dựng căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này. Việc tổ chức sát hạch do đơn vị cấp thẻ quyết định theo tình hình thực tế nhưng không quá 05 năm một lần đối với tất cả các cá nhân trước khi cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực (bao gồm cả cấp mới, cấp lại thẻ trong trường hợp thẻ đã cấp sắp hết hoặc hết thời hạn sử dụng).

3. Thẻ Kiểm tra viên điện lực chỉ được cấp (bao gồm cả cấp mới và cấp lại) khi cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực quy định tại Điều 5 Thông tư này.

4. Trường hợp cấp lại thẻ Kiểm tra viên điện lực:

a) Thẻ Kiểm tra viên điện lực đã cấp sắp hết hoặc hết thời hạn sử dụng;

b) Khi có sự thay đổi phạm vi, nội dung ghi trong thẻ của cá nhân đã được cấp thẻ;

c) Thẻ Kiểm tra viên điện lực đã cấp bị mất, bị rách, bị mờ, bị hỏng.

5. Trường hợp phải được thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực:

a) Người được cấp thẻ không còn đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực quy định tại Điều 5 Thông tư này;

b) Phạm vi, nội dung ghi trong thẻ không còn phù hợp;

c) Thẻ hết thời hạn sử dụng hoặc bị rách, bị mờ, bị hỏng;

d) Người được cấp thẻ chuyển công tác hoặc không còn thực hiện nhiệm vụ của Kiểm tra viên điện lực.

6. Đơn vị cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực có trách nhiệm thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 7. Mẫu thẻ và thời hạn sử dụng thẻ Kiểm tra viên điện lực

1. Thẻ Kiểm tra viên điện lực có kích thước 58 mm x 90 mm, mẫu thẻ được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Thẻ Kiểm tra viên điện lực có màu vàng cam.

3. Thẻ Kiểm tra viên điện lực có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp thẻ. Trường hợp cấp lại thẻ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 4 Điều 6 Thông tư này, thời hạn thẻ cấp lại theo thời hạn ghi trong thẻ cũ đã cấp.

Điều 8. Trách nhiệm của Kiểm tra viên điện lực

1. Kiểm tra viên điện lực có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật, các quy chế hoặc nội quy lao động của đơn vị điện lực khi thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định các quy chế, nội quy lao động, tuỳ theo mức độ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật, quy chế hoặc nội quy lao động của đơn vị điện lực.

2. Kiểm tra viên điện lực chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.

3. Đơn vị trực tiếp quản lý Kiểm tra viên điện lực phải bồi thường trong trường hợp Kiểm tra viên điện lực gây thiệt hại khi thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; Đơn vị trực tiếp quản lý Kiểm tra viên điện lực đã thực hiện bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản này có quyền yêu cầu Kiểm tra viên điện lực gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền tương ứng theo quy định của pháp luật.

Chương III

KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC, SỬ DỤNG ĐIỆN, BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC VÀ LƯỚI ĐIỆN

Điều 9. Hình thức kiểm tra

Việc kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực và việc kiểm tra sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện của Kiểm tra viên điện lực được tiến hành theo hình thức sau:

1. Kiểm tra theo kế hoạch là hoạt động kiểm tra thực hiện theo kế hoạch đã được thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì kiểm tra hoặc cơ quan cấp trên phê duyệt hàng năm bao gồm:

a) Hình thức kiểm tra có thông báo trước cho bên được kiểm tra;

b) Hình thức kiểm tra thường xuyên của Đơn vị điện lực đối với tài sản (công trình điện lực, lưới điện và các thiết bị khác) thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý sử dụng của đơn vị mình.

2. Kiểm tra đột xuất là hình thức kiểm tra không thông báo trước cho bên được kiểm tra, được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

b) Khi có phản ánh của tổ chức, cá nhân về các dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực, sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện;

c) Phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực, sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện.

Điều 10. Quy định chung về hoạt động kiểm tra của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực

1. Kế hoạch kiểm tra hằng năm

a) Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra hằng năm dựa trên một trong các căn cứ sau đây: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị; chỉ đạo, yêu cầu của cấp có thẩm quyền; hướng dẫn, định hướng về công tác kiểm tra hằng năm của cơ quan cấp trên; các vấn đề được xã hội quan tâm;

b) Kế hoạch kiểm tra hằng năm có thể được điều chỉnh phù hợp với thực tế triển khai hoạt động của đơn vị.

2. Quy định về thành lập đoàn kiểm tra

a) Thành phần đoàn kiểm tra phải có từ 03 thành viên trở lên, bao gồm: trưởng đoàn, phó trưởng đoàn (nếu thấy cần thiết) và các thành viên khác, trong đó, trưởng đoàn kiểm tra phải là người có kinh nghiệm công tác ít nhất 03 năm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về điện lực. Khi tiến hành kiểm tra phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Đoàn kiểm tra;

b) Thành viên của đoàn kiểm tra phải không trong thời gian chấp hành kỷ luật hoặc bị tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật;

c) Công chức, viên chức không được tham gia đoàn kiểm tra trong trường hợp có vợ, chồng, bố, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của mình, của chồng/vợ mình là đối tượng giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của tổ chức hoặc là thành viên hộ sử dụng điện là đối tượng được kiểm tra trực tiếp.

3. Thời hạn tiến hành kiểm tra

a) Không quá 10 ngày làm việc thực tế tại một đối tượng. Trường hợp phải làm việc với các đơn vị trực thuộc đối tượng được kiểm tra, thời gian kiểm tra không quá 05 ngày làm việc thực tế tại mỗi đơn vị trực thuộc, thời gian làm việc tại đơn vị trực thuộc không được tính vào thời gian làm việc của đối tượng được kiểm tra đó;

b) Trường hợp đối tượng kiểm tra cố tình trốn tránh, trì hoãn, không phối hợp với Đoàn kiểm tra thì thời gian trì hoãn không được tính vào thời gian làm việc;

c) Trường hợp cần thiết, trưởng đoàn kiểm tra có quyền đề xuất người ra Quyết định kiểm tra kéo dài thời gian kiểm tra, thời gian kéo dài không quá thời gian quy định tại điểm a khoản này.

4. Quyền hạn, trách nhiệm của đoàn kiểm tra

a) Quyền hạn của đoàn kiểm tra:

- Yêu cầu đối tượng được kiểm tra trực tiếp làm việc hoặc cử người đại diện làm việc với đoàn kiểm tra;

- Yêu cầu đối tượng được kiểm tra cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu, thiết bị, phương tiện và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra;

b) Trách nhiệm của đoàn kiểm tra:

- Tổ chức thực hiện kiểm tra theo Quyết định kiểm tra;

- Sử dụng thông tin; sử dụng, bảo quản hồ sơ, tài liệu, thiết bị, tang vật, phương tiện có liên quan đến nội dung kiểm tra theo quy định của pháp luật; không làm hư hỏng hoặc thất thoát tài sản hợp pháp của đối tượng được kiểm tra;

- Báo cáo kết quả kiểm tra (trong đó có đề xuất phương án xử lý vi phạm, hạn chế nếu cần thiết);

- Thực hiện theo dõi, đôn đốc đối tượng được kiểm tra thực hiện kiến nghị của đoàn kiểm tra tại Biên bản làm việc hoặc Kết luận kiểm tra hoặc công văn chỉ đạo. Trường hợp đối tượng được kiểm tra không hoàn thành việc thực hiện kiến nghị, đoàn kiểm tra phải báo cáo người ra Quyết định kiểm tra để có văn bản chỉ đạo đối tượng được kiểm tra thực hiện báo cáo giải trình kết quả thực hiện kiến nghị hoặc Kết luận kiểm tra hoặc tổ chức kiểm tra việc thực hiện kiến nghị (nếu cần thiết);

c) Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm:

- Công bố Quyết định kiểm tra đến đối tượng được kiểm tra; tổ chức điều hành việc kiểm tra theo đúng nội dung tại Quyết định kiểm tra; phân công công việc cho các thành viên đoàn kiểm tra; chịu trách nhiệm trước người ra Quyết định kiểm tra và trước pháp luật về hoạt động của Đoàn kiểm tra;

- Thực hiện chế độ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của người ra Quyết định kiểm tra đối với những vấn đề, nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết;

- Tổng hợp báo cáo của các thành viên đoàn kiểm tra để lập và ký Biên bản làm việc sau khi kết thúc kiểm tra để ghi nhận kết quả kiểm tra; trình người ra Quyết định kiểm tra ban hành Kết luận kiểm tra hoặc công văn chỉ đạo đơn vị thực hiện kiến nghị của đoàn kiểm tra (nếu cần);

d) Phó Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm:

- Thực hiện các nhiệm vụ của thành viên đoàn kiểm tra quy định tại điểm đ khoản này theo phân công của Trưởng đoàn kiểm tra;

- Thực hiện các nhiệm vụ của Trưởng đoàn kiểm tra trong trường hợp Trưởng đoàn kiểm tra ủy quyền. Người được ủy quyền chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn kiểm tra, người ra Quyết định kiểm tra và trước pháp luật về hoạt động của đoàn kiểm tra;

đ) Thành viên đoàn kiểm tra có trách nhiệm:

- Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo sự phân công của Trưởng đoàn kiểm tra và theo đúng nội dung của Quyết định kiểm tra;

- Báo cáo Trưởng đoàn kiểm tra kết quả kiểm tra đối với nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực của nội dung báo cáo;

- Trường hợp cần thiết, thành viên đoàn kiểm tra được quyền bảo lưu ý kiến có liên quan đến nội dung kiểm tra được Trưởng đoàn kiểm tra phân công; đề xuất với Trưởng đoàn kiểm tra các biện pháp cần thiết để đảm bảo hoạt động kiểm tra có hiệu quả, đúng pháp luật.

5. Quyền và trách nhiệm của đối tượng được kiểm tra

a) Quyền của đối tượng được kiểm tra:

- Được thông báo bằng văn bản về Kế hoạch, Quyết định kiểm tra trừ trường hợp đối tượng bị kiểm tra đột xuất; kiến nghị, giải trình nội dung có liên quan đến nội dung kiểm tra được ghi tại Biên bản làm việc; giải trình các nội dung có liên quan tại dự thảo Kết luận kiểm tra khi người ra Quyết định kiểm tra yêu cầu (nếu có);

- Khiếu nại đối với Kết luận kiểm tra hoặc công văn chỉ đạo và các hành vi vi phạm hành chính của người có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại;

- Tố cáo các hành vi vi phạm hành chính của người có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra theo quy định của pháp luật về tố cáo;

- Từ chối yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra;

b) Trách nhiệm của đối tượng được kiểm tra:

- Phối hợp và tạo điều kiện cho đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ trong quá trình kiểm tra;

- Nghiêm túc thực hiện báo cáo theo yêu cầu của đoàn kiểm tra; cung cấp thông tin, tài liệu trung thực, kịp thời; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo cáo, thông tin và tài liệu phục vụ cho quá trình kiểm tra và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra;

- Chấp hành kiến nghị của đoàn kiểm tra tại Biên bản làm việc; Kết luận kiểm tra, công văn chỉ đạo (nếu có);

- Báo cáo bằng văn bản về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục các tồn tại hạn chế theo kiến nghị của đoàn kiểm tra hoặc kết luận kiểm tra hoặc công văn chỉ đạo đúng thời hạn yêu cầu;

- Chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kiến nghị của đoàn kiểm tra hoặc kết luận kiểm tra hoặc công văn chỉ đạo.

Điều 11. Quy định chung về hoạt động kiểm tra của Kiểm tra viên điện lực

1. Hoạt động kiểm tra theo kế hoạch phải được thủ trưởng đơn vị chủ trì kiểm tra hoặc đơn vị cấp trên phê duyệt hằng năm; Kế hoạch kiểm tra hằng năm có thể được điều chỉnh phù hợp với thực tế triển khai hoạt động của đơn vị.

2. Kiểm tra viên điện lực chỉ thực hiện kiểm tra khi được giao nhiệm vụ. Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm ngoài phạm vi nhiệm vụ được giao thì phải báo cáo kịp thời cho người trực tiếp quản lý để có hình thức kiểm tra phù hợp.

3. Khi tiến hành kiểm tra, đơn vị chủ trì kiểm tra phải thành lập tổ kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra bao gồm ít nhất 03 thành viên, có tổ trưởng hoặc trưởng đoàn kiểm tra (có Quyết định kiểm tra hoặc văn bản phân công nhiệm vụ trừ trường hợp kiểm tra đột xuất không yêu cầu bắt buộc); trong tổ hoặc đoàn kiểm tra ít nhất phải có 01 (một) Kiểm tra viên điện lực. Kiểm tra viên điện lực có trách nhiệm xuất trình thẻ Kiểm tra viên điện lực với bên được kiểm tra và thông báo nội dung kiểm tra cho bên được kiểm tra biết.

4. Việc kiểm tra phải được tiến hành với sự có mặt của đại diện bên được kiểm tra trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

Trường hợp kiểm tra yêu cầu phải có đại diện bên được kiểm tra nhưng đại diện bên được kiểm tra vắng mặt, bên kiểm tra phải mời ít nhất 01 người chứng kiến có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hoặc đại diện chính quyền địa phương hoặc công an để chứng kiến việc kiểm tra.

5. Các thiết bị đo điện được bên kiểm tra sử dụng trong quá trình kiểm tra phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định.

6. Trường hợp đột xuất phải vào địa điểm của các khách hàng để kiểm tra sử dụng điện trong khoảng thời gian từ 22 giờ 00 đêm ngày hôm trước đến 06 giờ 00 sáng ngày hôm sau, bên kiểm tra phải phối hợp với chính quyền địa phương hoặc công an để chứng kiến việc kiểm tra và tiến hành kiểm tra theo quy định tại Thông tư này.

Điều 12. Nội dung kiểm tra hoạt động điện lực

Nội dung kiểm tra hoạt động điện lực bao gồm việc thực hiện các quy định của Luật Điện lực (đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn thi hành về một hoặc các nội dung sau:

1. Kiểm tra điều kiện hoạt động điện lực đối với các lĩnh vực hoạt động được cấp phép hoạt động điện lực.

2. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về vận hành hệ thống điện.

3. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về thị trường điện (đối với các đối tượng tham gia thị trường cạnh tranh các cấp độ).

4. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá điện, mua bán điện (bao gồm cả ngừng, giảm mức cung cấp điện) và hợp đồng mua bán điện.

5. Kiểm tra công tác bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện.

6. Kiểm tra các quy định khác của pháp luật về điện lực.

Điều 13. Nội dung kiểm tra sử dụng điện

Khi thực hiện kiểm tra sử dụng điện, tùy phạm vi và thẩm quyền kiểm tra, Bên kiểm tra tiến hành kiểm tra một hoặc các nội dung sau:

1. Kiểm tra điện áp.

2. Kiểm tra công suất và hệ số công suất thực hiện như sau:

a) Công suất và hệ số công suất được xác định qua dữ liệu ghi nhận trong công tơ điện tử hoặc bằng cách đo trực tiếp hoặc gián tiếp qua các thiết bị đo khác tại thời điểm kiểm tra;

b) Trường hợp có căn cứ nghi ngờ hệ thống đo đếm hoạt động không chính xác, công suất và hệ số công suất phải được xác định qua các thiết bị đo khác ;

c) Trường hợp đo công suất giờ cao điểm bằng cách đo trực tiếp hoặc gián tiếp qua các thiết bị đo khác cần thực hiện đo 03 lần trong thời gian tiến hành kiểm tra, sau đó lấy trị số công suất lớn nhất của 01 trong 03 lần đo .

3. Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng và các hồ sơ liên quan, bao gồm: công tơ, máy biến điện áp đo lường, máy biến dòng điện đo lường, sơ đồ đấu dây, tính nguyên vẹn của niêm phong và thời hạn kiểm định của hệ thống đo đếm điện năng; biên bản treo tháo công tơ, thiết bị đo đếm điện năng và các tài liệu có liên quan khác.

4. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn trong sử dụng điện.

5. Kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ ghi trong hợp đồng mua bán điện và các nghĩa vụ khác được quy định trong Luật Điện lực (đã được sửa đổi, bổ sung) và văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 14. Nội dung kiểm tra bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện của Kiểm tra viên điện lực

Kiểm tra việc thực hiện các quy định từ Điều 50 đến Điều 53 Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn thi hành về một hoặc các nội dung sau:

1. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

2. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.

3. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm.

4. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ an toàn trạm điện.

Điều 15. Trình tự kiểm tra của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực

1. Kiểm tra theo kế hoạch

Căn cứ kế hoạch kiểm tra hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoạt động kiểm tra theo kế hoạch được tiến hành theo trình tự sau:

a) Ban hành Quyết định kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này bao gồm các nội dung chính sau đây: ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; căn cứ ban hành quyết định; đối tượng kiểm tra; thời kỳ kiểm tra, nội dung, phạm vi kiểm tra, thời hạn tiến hành kiểm tra; thành phần đoàn kiểm tra, quyền hạn và trách nhiệm của đoàn kiểm tra; quyền hạn và trách nhiệm của đối tượng được kiểm tra (nếu cần thiết);

b) Đoàn kiểm tra hoặc đơn vị được giao chủ trì thực hiện có trách nhiệm trình người có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch tiến hành kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Đơn vị chủ trì kiểm tra phải có văn bản thông báo cụ thể chương trình kiểm tra cho bên được kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này bao gồm các nội dung chính như nội dung kiểm tra, thời gian tiến hành kiểm tra, kèm theo các tài liệu đơn vị phải chuẩn bị phục vụ đoàn kiểm tra (trường hợp đề cương yêu cầu báo cáo không được ban hành kèm theo Quyết định kiểm tra thì phải được ban hành kèm theo Công văn thông báo kiểm tra). Chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày thực hiện kiểm tra, Công văn thông báo kèm theo Quyết định kiểm tra và đề cương yêu cầu báo cáo phải được gửi cho đối tượng được kiểm tra;

d) Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra theo Quyết định kiểm tra và kế hoạch tiến hành kiểm tra đã được phê duyệt. Kết thúc cuộc kiểm tra, Đoàn kiểm tra và đối tượng được kiểm tra phải lập Biên bản làm việc theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản được lập thành 02 bản, bên kiểm tra giữ 01 bản, bên được kiểm tra giữ 01 bản. Nếu bên được kiểm tra không thống nhất với nội dung ghi trong Biên bản thì được quyền ghi ý kiến của mình vào phần cuối biên bản. Biên bản phải có đủ chữ ký của đại diện bên kiểm tra, đại diện của bên được kiểm tra (nếu không ký được thì có thể điểm chỉ) và của người chứng kiến (nếu có). Trường hợp bên được kiểm tra không chịu ký hoặc điểm chỉ vào biên bản, người lập biên bản phải ghi rõ lý do bên được kiểm tra không ký hoặc điểm chỉ vào biên bản. Biên bản này vẫn có giá trị pháp lý để xử lý khi có chữ ký của đại diện chính quyền địa phương hoặc công an hoặc ít nhất

01 người chứng kiến có đầy đủ năng lực hành vi dân sự xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản;

đ) Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, ngoài việc lập Biên bản làm việc, đoàn kiểm tra phải lập Biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

e) Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo người ra Quyết định kiểm tra. Báo cáo kết quả kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này bao gồm các nội dung chính sau đây: Khái quát chung về đối tượng được kiểm tra; kết quả kiểm tra theo đề cương; các biện pháp đã xử lý theo thẩm quyền (nếu có); kiến nghị của đối tượng được kiểm tra (nếu có); kiến nghị của đoàn kiểm tra;

g) Trường hợp cần thiết, người ra Quyết định kiểm tra ban hành Kết luận kiểm tra hoặc Công văn chỉ đạo đối tượng được kiểm tra thực hiện các kiến nghị của đoàn kiểm tra (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này);

h) Trường hợp đoàn kiểm tra phải lập Biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển biên bản vi phạm hành chính kèm theo Hồ sơ và tang vật, phương tiện (nếu có) của vụ vi phạm đến người có thẩm quyền theo quy định.

2. Kiểm tra đột xuất

a) Việc kiểm tra đột xuất được thực hiện ngay sau khi có Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra và không phải thông báo trước thời gian, nội dung kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra;

b) Quy định về Đoàn kiểm tra, thời gian kiểm tra, Biên bản làm việc, báo cáo kết quả kiểm tra và Kết luận kiểm tra hoặc Công văn chỉ đạo (nếu có) thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g và điểm h khoản 1 Điều này và Điều 10 Thông tư này.

Điều 16. Trình tự kiểm tra của đơn vị phân phối điện, truyền tải điện, bán buôn điện, bán lẻ điện

1. Kiểm tra theo kế hoạch

Căn cứ kế hoạch kiểm tra hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoạt động kiểm tra theo kế hoạch được tiến hành theo trình tự sau:

a) Đơn vị chủ trì kiểm tra phải thông báo cho bên được kiểm tra biết trước thời điểm kiểm tra ít nhất 05 ngày làm việc, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư này. Thông báo phải do người có thẩm quyền ký, trong đó nêu rõ nội dung, phạm vi, địa điểm, thời gian kiểm tra, thành phần tổ hoặc đoàn kiểm tra;

b) Bên kiểm tra thực hiện kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra hằng năm được duyệt và văn bản phân công nhiệm vụ hoặc Quyết định kiểm tra (nếu có);

c) Bên được kiểm tra khi được thông báo phải chuẩn bị đầy đủ theo nội dung yêu cầu và cử người có trách nhiệm làm việc với bên kiểm tra. Bên được kiểm tra có quyền từ chối các nội dung không đúng hoặc không có trong các nội dung đã được bên kiểm tra thông báo;

d) Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm trong quá trình kiểm tra, bên kiểm tra phải có biện pháp phù hợp ngăn chặn kịp thời. Trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc nội dung, phạm vi kiểm tra, phải thông báo ngay cho người có thẩm quyền để có biện pháp kiểm tra phù hợp;

đ) Khi thực hiện kiểm tra, bên kiểm tra phải lập Biên bản kiểm tra hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện, ghi đầy đủ các nội dung kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 và điểm h khoản 2 Điều 4 Thông tư này); Biên bản được lập thành 03 bản, bên kiểm tra giữ 02 bản, bên được kiểm tra giữ 01 bản;

e) Quy định về Biên bản kiểm tra hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện áp dụng đối với hoạt động kiểm tra do Kiểm tra viên điện lực thực hiện:

- Biên bản phải có dấu treo của đơn vị trực tiếp quản lý Kiểm tra viên điện lực và đánh số thứ tự để quản lý; Biên bản đã sử dụng, kể cả biên bản ghi sai hoặc hủy bỏ đều phải được quản lý và lưu giữ đầy đủ theo quy định;

- Biên bản phải ghi rõ họ và tên người tham gia kiểm tra, đại diện của bên được kiểm tra và người chứng kiến (nếu có). Nếu bên được kiểm tra không thống nhất với nội dung ghi trong Biên bản thì được quyền ghi ý kiến của mình vào phần cuối biên bản;

- Biên bản phải có đủ chữ ký của đại diện bên kiểm tra (Kiểm tra viên điện lực), đại diện của bên được kiểm tra (nếu không ký được thì có thể điểm chỉ) và của người chứng kiến (nếu có);

- Trường hợp bên được kiểm tra không chịu ký hoặc điểm chỉ vào biên bản, người lập biên bản phải ghi rõ lý do bên được kiểm tra không ký vào biên bản. Biên bản này vẫn có giá trị pháp lý để xử lý khi có chữ ký của đại diện chính quyền địa phương hoặc công an hoặc ít nhất 01 người chứng kiến có đầy đủ năng lực hành vi dân sự xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản;

- Trường hợp phát hiện có nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực, trong Biên bản phải mô tả rõ, đầy đủ, chính xác từng hành vi vi phạm.

2. Kiểm tra đột xuất

a) Thủ trưởng đơn vị chủ trì kiểm tra có thể ra Quyết định kiểm tra hoặc văn bản phân công nhiệm vụ kiểm tra đột xuất đảm bảo nguyên tắc kiểm tra tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này;

b) Trường hợp tự phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm khi chưa được giao nhiệm vụ kiểm tra, Kiểm tra viên điện lực phải báo cáo kịp thời cho người trực tiếp quản lý để tổ chức kiểm tra kịp thời;

c) Việc kiểm tra đột xuất được thực hiện ngay sau khi Kiểm tra viên điện lực xuất trình thẻ Kiểm tra viên điện lực và nêu rõ mục đích, nội dung kiểm tra với đối tượng được kiểm tra; Bên kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất theo quy định tại điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này; Bên được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ theo nội dung yêu cầu và cử người có trách nhiệm làm việc với bên kiểm tra.

3. Trường hợp trong quá trình kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực thì tổ hoặc đoàn kiểm tra thực hiện theo trình tự như sau:

a) Bên kiểm tra được quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ hiện trường và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình;

b) Trường hợp tổ hoặc đoàn kiểm tra có thành viên là người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực được quy định tại Điều 33 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 38 Điều 2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) thì thành viên tổ hoặc đoàn kiểm tra là người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có trách nhiệm căn cứ Biên bản kiểm tra hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện để lập Biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Thông tư này;

c) Trường hợp trong tổ kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra không có người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, bên kiểm tra lập Biên bản kiểm tra hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm và tang vật, phương tiện có liên quan (nếu có) đến người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Thông tư này.

Điều 17. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình kiểm tra có phát hiện hệ thống đo đếm điện năng có bất thường

1. Trường hợp trong quá trình kiểm tra sử dụng điện, bên kiểm tra phát hiện công tơ điện bị mất, hệ thống đo đếm điện năng bị hư hỏng, sai lệch vị trí hoặc có dấu hiệu không bình thường phải ghi rõ hiện trạng và kiến nghị biện pháp xử lý trong Biên bản làm việc (đối với hoạt động kiểm tra của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực) hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện (đối với hoạt động kiểm tra của Kiểm tra viên điện lực).

2. Việc tháo gỡ thiết bị đo đếm điện năng để kiểm tra trong trường hợp hệ thống đo đếm điện năng bị hư hỏng hoặc có dấu hiệu không bình thường phải thực hiện các quy định sau:

a) Thông báo cho bên bán điện về việc tháo gỡ hệ thống đo đếm điện năng để bên bán điện biết và cử người thực hiện;

b) Phải giữ nguyên niêm phong của tổ chức kiểm định. Thiết bị đo đếm điện, niêm phong khác phải được thu giữ, bao gói và niêm phong (Giấy niêm phong phải có chữ ký của Kiểm tra viên điện lực hoặc công chức, viên chức đang thi hành công vụ, đại diện bên mua điện và bên bán điện). Trường hợp bên mua điện từ chối ký niêm phong, bên kiểm tra phải lấy chữ ký của 01 người chứng kiến có đầu đủ năng lực hành vi dân sự hoặc đại diện chính quyền địa phương hoặc công an chứng kiến việc đại diện bên mua điện không ký giấy niêm phong;

c) Lập Biên bản làm việc (đối với hoạt động kiểm tra của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực) hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện (đối với hoạt động kiểm tra của Kiểm tra viên điện lực), trong đó, phải ghi rõ thời gian, địa điểm kiểm tra, mô tả chi tiết hiện trạng, biểu hiện không bình thường của hệ thống đo đếm điện năng và lý do tháo hệ thống đo đếm điện năng.

3. Sau khi kết thúc kiểm tra, khi thực hiện công tác kiểm định thiết bị đo đếm điện tại tổ chức kiểm định, các bên liên quan có trách nhiệm cùng chứng kiến việc kiểm tra, xác minh thiết bị đo đếm điện của tổ chức kiểm định, nếu vắng mặt trong quá trình kiểm tra mà không có lý do chính đáng thì vẫn phải công nhận kết quả kiểm tra.

4. Cách xác định sản lượng điện năng trong trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác so với tiêu chuẩn quy định, hệ thống thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng làm cho công tơ điện ngừng hoạt động, công tơ điện bị mất được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 20 Nghị định số 137/2013/NĐ - CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Điều 18. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi kiểm tra, xử lý hành vi trộm cắp điện

1. Trường hợp trong quá trình kiểm tra sử dụng điện, bên kiểm tra phát hiện hành vi trộm cắp điện, trong Biên bản làm việc (đối với hoạt động kiểm tra của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực) hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện (đối với hoạt động kiểm tra của Kiểm tra viên điện lực) phải nêu rõ những nội dung sau:

a) Mô tả hành vi trộm cắp điện và các thông số liên quan tới việc tính toán, xử lý vi phạm;

b) Vẽ sơ đồ trộm cắp điện;

c) Các chứng cứ khác như phương tiện trộm cắp, ảnh chụp, băng ghi hình, dữ liệu điện tử khác (nếu có);

d) Việc giao nhận tang vật, phương tiện có liên quan đến hành vi trộm cắp điện giữa bên được kiểm tra cho bên kiểm tra trong trường hợp phát hiện tang vật, phương tiện liên quan đến hành vi tại thời điểm kiểm tra.

2. Trách nhiệm của bên bán điện hoặc Kiểm tra viên điện lực của bên bán điện

a) Trong trường hợp kiểm tra phát hiện hành vi trộm cắp điện và trong tổ hoặc đoàn kiểm tra có người có thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp điện, Kiểm tra viên điện lực của bên bán điện hoặc đại diện bên bán điện tham gia đoàn kiểm tra có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu tính toán sản lượng điện trộm cắp, số tiền có được từ hành vi trộm cắp điện và số lợi bất hợp pháp cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang thụ lý vụ việc;

b) Trong trường hợp kiểm tra phát hiện dấu hiệu vi phạm trộm cắp điện và trong tổ hoặc đoàn kiểm tra không có người có thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp điện, bên bán điện hoặc Kiểm tra viên điện lực của bên bán điện có trách nhiệm chuyển biên bản kiểm tra sử dụng điện, hồ sơ, tài liệu, số liệu tính toán sản lượng điện trộm cắp, số tiền có được từ hành vi trộm cắp điện và số lợi bất hợp pháp và toàn bộ tang vật, phương tiện liên quan đến vụ việc có dấu hiệu về hành vi trộm cắp điện cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

3. Trong quá trình kiểm tra phát hiện hành vi trộm cắp điện hoặc sau khi kết thúc kiểm tra, trên cơ sở Biên bản làm việc hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện được lập và thông tin cung cấp của bên bán điện về hồ sơ, tài liệu, số liệu tính toán trộm cắp điện, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực quy định tại Điều 33 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 38 Điều 2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) có trách nhiệm:

a) Xác định sản lượng điện trộm cắp và số tiền điện trộm cắp có được từ hành vi trộm cắp điện theo quy định tại Điều 21 Thông tư này;

b) Lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp điện tại thời điểm kiểm tra hoặc sau khi nhận được hồ sơ vụ việc có dấu hiệu về hành vi trộm cắp điện của đơn vị điện lực chuyển đến (bao gồm cả trường hợp giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên) và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc

a) Xem xét quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định (nếu có);

b) Xem xét, ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hoặc chuyển hồ sơ vụ vi phạm theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 20 Thông tư này;

c) Thông báo bằng văn bản cho bên bán điện để thực hiện ngừng cung cấp điện ngay nhưng không quá 24 giờ kể từ thời điểm nhận được Biên bản vi phạm hành chính.

Điều 19. Hồ sơ hoạt động kiểm tra

Đơn vị chủ trì kiểm tra có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ hoạt động kiểm tra bao gồm các tài liệu dưới đây, trừ trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho người có thẩm quyền thì lưu trữ bản sao hồ sơ:

1. Hồ sơ đối với kiểm tra về hoạt động điện lực và sử dụng điện của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực

a) Quyết định kiểm tra (có thể kèm theo đề cương yêu cầu báo cáo);

b) Kế hoạch kiểm tra được duyệt;

c) Thông báo kiểm tra (trường hợp đề cương yêu cầu báo cáo không ban hành kèm Quyết định kiểm tra thì phải ban hành kèm Thông báo kiểm tra);

d) Báo cáo của đối tượng được kiểm tra theo đề cương (trừ trường hợp kiểm tra sử dụng điện đối với hộ gia đình);

đ) Biên bản làm việc;

e) Báo cáo, giải trình của đối tượng được kiểm tra (nếu có);

g) Báo cáo kết quả kiểm tra;

h) Kết luận kiểm tra hoặc công văn chỉ đạo (nếu có);

i) Văn bản về việc xử lý, kiến nghị việc xử lý (trường hợp có kiến nghị đơn vị phải thực hiện);

k) Trường hợp khi kiểm tra phát hiện có hành vi vi phạm hành chính hoặc dấu hiệu hình sự, hồ sơ phải bổ sung thêm: Biên bản vi phạm hành chính (bản chính trong trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan chủ trì kiểm tra hoặc bản sao trong trường hợp chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt); Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện (nếu có); Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc Công văn chuyển hồ sơ vụ việc;

l) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

2. Hồ sơ kiểm tra sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện của Kiểm tra viên điện lực

a) Quyết định thành lập Tổ kiểm tra hoặc Đoàn kiểm tra hoặc văn bản phân công nhiệm vụ của đơn vị chủ trì kiểm tra (áp dụng trong trường hợp kiểm tra theo kế hoạch và có báo trước cho đối tượng hoặc trường hợp kiểm tra đột xuất có ban hành Quyết định hoặc văn bản phân công nhiệm vụ) và các văn bản cử thành phần tham gia của các đơn vị có liên quan (nếu có);

b) Thông báo kiểm tra (trong trường hợp thực hiện kiểm tra theo kế hoạch và có báo trước cho đối tượng);

c) Biên bản kiểm tra hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện (trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 và điểm h khoản 2 Điều 4 Thông tư này); dữ liệu điện tử hoặc dữ liệu giấy ghi nhận nội dung, kết quả kiểm tra trên hệ thống quản lý của đơn vị điện lực (đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 và điểm h khoản 2 Điều 4 Thông tư này);

d) Ảnh, băng ghi hình, dữ liệu điện tử ghi nhận, mô tả hành vi vi phạm (nếu có);

đ) Biên bản kiểm tra thiết bị đo đếm điện năng trong trường hợp kiểm tra sử dụng điện (nếu có). Trường hợp lập Biên bản kiểm tra thiết bị đo đếm điện năng thì phải có Biên bản kiểm định thiết bị đo đếm điện năng kèm theo; Thiết bị đo đếm điện năng tháo về (trong trường hợp cần lưu giữ thiết bị cùng hồ sơ) hoặc tài liệu về việc xử lý thiết bị (nếu có);

e) Sơ đồ trộm cắp điện trong trường hợp phát hiện hành vi trộm cắp điện;

g) Bản tính toán xác định sản lượng điện trộm cắp và số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi trộm cắp điện do đơn vị tổ chức kiểm tra xác định trong trường hợp phát hiện hành vi trộm cắp điện;

h) Bản sao Biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp tổ kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm và lập Biên bản;

i) Bản tính toán tiền bồi thường thiệt hại, tiền phạt đối với hành vi vi phạm (nếu có);

k) Các giấy tờ, tài liệu và hiện vật khác có liên quan.

Điều 20. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm

1. Trường hợp Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ lập Biên bản kiểm tra hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện

a) Trường hợp bên mua điện có hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, hồ sơ vụ vi phạm phải được lưu giữ tại đơn vị điện lực để xử lý hoặc chuyển cho đơn vị điện lực có liên quan để xử lý theo quy định trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản;

b) Trường hợp bên mua điện có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) mà trong tổ kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra có người có thẩm quyền đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính thì sau khi kết thúc kiểm tra, bên kiểm tra chủ trì và phối hợp với người lập Biên bản vi phạm hành chính để hoàn thiện hồ sơ vụ việc và chuyển hồ sơ (kèm tang vật, phương tiện có liên quan (nếu có)) đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản;

c) Trường hợp bên mua điện có dấu hiệu vi phạm hành chính quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) mà trong tổ kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra không có người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, hồ sơ vụ việc (bao gồm cả tài liệu, số liệu tính toán trộm cắp điện) phải được gửi cho cơ quan có người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản; người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính khi nhận được hồ sơ do bên kiểm tra chuyển đến có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư này.

2. Trường hợp công chức, viên chức thuộc cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực lập Biên bản làm việc, trong đó, có phát hiện hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện quy định tại Điều 13 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, hồ sơ vụ vi phạm phải được chuyển cho bên bị vi phạm để xử lý trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.

3. Trường hợp nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm (bao gồm cả Biên bản vi phạm hành chính) đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4. Hồ sơ vụ trộm cắp điện chuyển cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự bao gồm:

a) Văn bản chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện;

b) Biên bản vi phạm hành chính;

c) Bản tính giá trị sản lượng điện bị trộm cắp, số lợi bất hợp pháp; Bản tính bồi thường thiệt hại do hành vi trộm cắp điện gây ra (nếu có);

d) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với vụ việc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau đó lại phát hiện có dấu hiệu tội phạm);

đ) Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với vụ việc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đang trong quá trình thi hành nhưng sau đó lại phát hiện có dấu hiệu tội phạm);

e) Biên bản kiểm tra sử dụng điện hoặc Biên bản làm việc;

g) Biên bản kiểm tra thiết bị đo đếm điện năng (nếu có), Biên bản kiểm định thiết bị đo đếm điện năng (nếu có);

h) Sơ đồ trộm cắp điện, ảnh, băng ghi hình, dữ liệu điện tử ghi nhận và mô tả hành vi vi phạm (nếu có);

i) Các giấy tờ, tài liệu và đồ vật khác có liên quan.

Chương IV

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SẢN LƯỢNG ĐIỆN NĂNG TRỘM CẮP, SỐ LỢI BẤT HỢP PHÁP CÓ ĐƯỢC TỪ HÀNH VI TRỘM CẮP ĐIỆN VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Điều 21. Phương pháp xác định số tiền trộm cắp điện từ sản lượng điện năng trộm cắp

1. Số tiền trộm cắp điện từ sản lượng điện năng trộm cắp được xác định theo công thức sau:

a) Đối với trộm cắp điện sử dụng cho mục đích ngoài sinh hoạt:

Trong đó:

Ttc: Số tiền trộm cắp điện (đồng);

i: Số thứ tự chu kỳ hóa đơn sử dụng điện có xảy ra trộm cắp điện;

AHDi: Sản lượng điện năng sử dụng của bên vi phạm đã thanh toán tại kỳ hóa đơn thứ i (kWh);

ASDi: Sản lượng điện năng sử dụng của bên vi phạm tại kỳ hóa đơn thứ i có trộm cắp điện tính toán theo quy định tại khoản 2 Điều này (kWh).

g: Giá điện kỳ hóa đơn thứ i (đ/kWh) được xác định như sau:

- Đối với hành vi trộm cắp điện sử dụng cho mục đích kinh doanh: Tính theo mức giá giờ cao điểm kỳ hóa đơn thứ i;

- Đối với hành vi trộm cắp điện sử dụng cho mục đích sản xuất: Tính theo mức giá giờ cao điểm kỳ hóa đơn thứ i;

- Trường hợp bên mua điện sử dụng cho mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được cấp điện qua máy biến áp chuyên dùng dưới 25 kVA hoặc có sản lượng điện sử dụng trung bình 03 tháng liên tục dưới 2.000 kWh/tháng mà chưa mua điện theo hình thức 03 (ba) giá thì áp dụng giá bán điện theo giờ bình thường;

- Đối với hành vi trộm cắp điện sử dụng cho mục đích hành chính sự nghiệp: Áp dụng biểu giá bán lẻ điện kỳ hóa đơn thứ i.

b) Đối với trộm cắp điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt:

Trong đó:

Ttc: Số tiền trộm cắp điện (đồng);

i: Số thứ tự chu kỳ hóa đơn sử dụng điện có xảy ra trộm cắp điện;

j: Số thứ tự bậc trong biểu giá điện bậc thang cho sinh hoạt;

AHDij: Sản lượng điện năng phân bổ theo định mức sử dụng điện sinh hoạt tại bậc thang thứ j của bên vi phạm đã thanh toán tại kỳ hóa đơn thứ i (kWh), AHDij được phân bổ từ sản lượng điện năng hóa đơn của kỳ hóa đơn thứ i (AHDi);

ASDij: Sản lượng điện năng phân bổ theo định mức sử dụng điện sinh hoạt tại bậc thang thứ j của bên vi phạm trong kỳ hóa đơn thứ i (kWh). ASDij được phân bổ từ sản lượng điện năng sử dụng trong kỳ hóa đơn thứ i (ASDi) có trộm cắp điện tính toán theo quy định tại khoản 2 Điều này;

gj: Giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang thứ j theo biểu giá điện bậc thang sinh hoạt (đ/kWh).

c) Trường hợp bên được kiểm tra có hành vi trộm cắp điện để sử dụng cho nhiều mục đích thì số tiền trộm cắp điện là tổng số tiền trộm cắp điện tính toán thông qua sản lượng điện năng trộm cắp của từng mục đích sử dụng; giá điện được áp dụng phù hợp với từng trường hợp theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Giá điện áp dụng cho mỗi mục đích sử dụng căn cứ theo tỷ lệ phần trăm thực tế sử dụng với từng mục đích;

- Giá điện áp dụng cho từng mục đích sử dụng căn cứ tỷ lệ phần trăm thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện đã ký;

- Giá điện toàn bộ theo giá sinh hoạt bậc thang.

2. Sản lượng điện năng sử dụng của kỳ hóa đơn thứ i (ASDi) có trộm cắp điện được xác định như sau:

a) Phương pháp xác định sản lượng điện năng sử dụng (ASDi) theo sai số được kiểm định của công tơ điện

Trường hợp bên vi phạm dùng cách thức duy nhất là can thiệp làm sai số công tơ để trộm cắp điện và sai số này xác định được thông qua việc kiểm định, sản lượng điện năng sử dụng của kỳ hóa đơn thứ i được xác định như sau:

Trong đó:

ASDi: Sản lượng điện năng sử dụng trong kỳ hóa đơn thứ i có trộm cắp điện (kWh);

i: Số thứ tự chu kỳ hóa đơn sử dụng điện có xảy ra trộm cắp điện;

mi: Số ngày sử dụng điện của kỳ hóa đơn thứ i (ngày);

ni: Số ngày xảy ra trộm cắp điện của kỳ hóa đơn thứ i (ngày), được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này;

 : Sản lượng điện năng sử dụng trong những ngày không xảy ra trộm cắp điện của kỳ hóa đơn thứ i (kWh). Sản lượng điện năng trong những ngày không xảy ra trộm cắp điện được tính bằng số ngày không xảy ra trộm cắp điện (Ti - ni) nhân với điện năng bình quân ngày theo hóa đơn c ủa kỳ hóa đơn thứ i (AHDi chia cho Ti) qua công thức sau:

 : Sản lượng điện năng sử dụng trong những ngày xảy ra trộm cắp điện của kỳ hóa đơn thứ i (kWh), được tính căn cứ sai số công tơ áp dụng theo công thức sau:

s: Giá trị sai số lớn nhất trong các giá trị kiểm định của công tơ điện căn cứ kết quả kiểm định của cơ quan kiểm định độc lập (tính theo %);

b) Phương pháp xác định sản lượng điện năng sử dụng đối với các cách thức trộm cắp điện khác hoặc không áp dụng được phương pháp quy định tại điểm a khoản này hoặc kết quả tính toán sản lượng điện năng sử dụng theo phương pháp quy định tại điểm a khoản này không phù hợp với thực tế sử dụng điện. Sản lượng điện năng sử dụng của kỳ hóa đơn thứ i (ASDi) được xác định như sau:

Trong đó:

i: Số thứ tự chu kỳ hóa đơn sử dụng điện có xảy ra trộm cắp điện;

mi: Số ngày sử dụng điện của kỳ hóa đơn thứ i (ngày);

ni: Số ngày xảy ra trộm cắp điện của kỳ hóa đơn thứ i (ngày), được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này;

 : Sản lượng điện năng sử dụng trong những ngày không xảy ra trộm cắp điện của kỳ hóa đơn thứ i (kWh). Sản lượng điện năng trong những ngày không xảy ra trộm cắp điện được tính bằng số ngày không xảy ra trộm cắp điện (mi - ni) nhân với điện năng bình quân ngày theo hóa đơn của kỳ hóa đơn thứ I (AHDi chia cho mi) qua công thức sau:

: Sản lượng điện năng sử dụng trong những ngày xảy ra trộm cắp điện của kỳ hóa đơn thứ i (kWh), được xác định theo trình tự quy định tại điểm c khoản này;

c) Trình tự xác định sản lượng điện năng sử dụng trong những ngày xảy ra trộm cắp điện của kỳ hóa đơn thứ i (Atc ) như sau:

Bước 1: Xác định công suất đối với những ngày trộm cắp: Căn cứ thực tế kiểm tra để xác định trị số công suất cao nhất, phù hợp thực tế trong các trị số công suất có thể xác định được bằng các cách sau:

- Cách 1: Công suất tổng đo được tại thời điểm kiểm tra, phát hiện vi phạm;

- Cách 2: Công suất cao nhất trong biểu đồ phụ tải đăng ký trong hợp đồng mua bán điện;

- Cách 3: Công suất của các thiết bị sử dụng điện tại bảng kê công suất thiết bị đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (đối với hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ);

- Cách 4: Công suất của các thiết bị tiêu thụ điện ghi trong Biên bản kiểm tra (có thể lấy công suất ghi trên nhãn mác thiết bị của nhà chế tạo);

Bước 2: Xác định sản lượng điện năng sử dụng đối với những ngày trộm cắp

- Trường hợp xác định công suất theo cách 1 hoặc cách 2, áp dụng công thức tính  như sau:

i: Số thứ tự chu kỳ hóa đơn sử dụng điện có xảy ra trộm cắp điện;

P: Công suất tổng (kW) đo được tại thời điểm kiểm tra, phát hiện vi phạm hoặc công suất cao nhất (kW) trong biểu đồ phụ tải đăng ký trong hợp đồng mua bán điện;

ttb: Thời gian sử dụng bình quân trong ngày của toàn bộ các thiết bị tiêu thụ điện (giờ/ngày) được xác định căn cứ vào Biên bản làm việc hoặc Biên bản kiểm tra hoặc biểu đồ phụ tải đã đăng ký, nếu không xác định được thì áp dụng quy định tại mục 11 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

ni: Số ngày xảy ra trộm cắp điện của kỳ hóa đơn thứ i (ngày), được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này;

- Trường hợp xác định công suất theo cách 3 hoặc cách 4 tại Bước 1, áp dụng công thức tính  như sau:

Trong đó:

i: Số thứ tự chu kỳ hóa đơn sử dụng điện có xảy ra trộm cắp điện;

k: Số thứ tự của thiết bị điện;

P1, P2, Pk : Công suất (kW) của từng thiết bị sử dụng điện tại bảng kê công suất thiết bị đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện hoặc công suất (kW) của từng thiết bị tiêu thụ điện ghi trong Biên bản làm việc hoặc Biên bản kiểm tra;

t1, t2, tk: Thời gian sử dụng trong ngày của từng thiết bị (giờ/ngày), được xác định căn cứ vào Biên bản kiểm tra; nếu không xác định được thì áp dụng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

ni: Số ngày xảy ra trộm cắp điện của kỳ hóa đơn thứ i (ngày), được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Số ngày trộm cắp điện (n) và số ngày trộm cắp điện của chu kỳ hóa đơn thứ i (ni) quy định tại khoản 2 Điều này được xác định như sau:

a) Xác định số ngày trộm cắp điện (n):

- Được tính từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến khi phát hiện, trừ thời gian ngừng cấp điện và ngừng sử dụng điện có lý do;

- Trường hợp không xác định được theo quy định tại điểm a khoản này, số ngày trộm cắp điện được tính từ ngày kiểm tra điện gần nhất hoặc từ lần thay thế, sửa chữa hay kiểm tra định kỳ hệ thống đo đếm điện năng gần nhất đến khi phát hiện, nhưng không quá 365 ngày, trừ thời gian ngừng cấp điện và ngừng sử dụng điện có lý do;

b) Xác định số ngày trộm cắp điện của chu kỳ hóa đơn i (ni) bằng cách so sánh thời gian của chu kỳ hóa đơn i với thời gian trộm cắp điện đã xác định tại

điểm a khoản này và đảm bảo theo công thức sau: .

Điều 22. Số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi trộm cắp điện và bồi thường thiệt hại

1. Tổ chức, cá nhân trộm cắp điện phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi trộm cắp điện để hoàn trả cho bên bán điện, bao gồm:

a) Số tiền trộm cắp điện từ sản lượng điện trộm cắp được xác định tại Điều 21 Thông tư này;

b) Mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra bao gồm: Chi phí để sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn hoặc bồi hoàn giá trị của thiết bị, hệ thống đo đếm bị hư hại do hành vi vi phạm gây ra; chi phí phát sinh mà bên bị vi phạm phải chi trả trong quá trình xử lý hành vi vi phạm và các chi phí khác có liên quan theo quy định của pháp luật (nếu có).

2. Ngoài việc nộp lại số lợi bất hợp pháp quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân trộm cắp điện nếu gây ra thiệt hại khác cho bên bán điện thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Điều 23. Thi hành quyết định xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi trộm cắp điện

1. Việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp điện để tổ chức thi hành thực hiện theo quy định tại Điều 71 và Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức, cá nhân có hành vi trộm cắp điện phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trộm cắp điện (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra) theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Thông tư này để hoàn trả cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt theo quy định tại điểm b khoản 11 Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 15 Điều 2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP).

2. Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp điện nhưng sau đó lại phát hiện có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền phải ra Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ra một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 62 và Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung), người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt tiền quy định tại điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 15 Điều

2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP). Trường hợp không ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung), người có thẩm quyền phải ra Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi trộm cắp điện theo quy định.

4. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi trộm cắp điện phải chấp hành quyết định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định; trường hợp quyết định có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

5. Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính không tuân thủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì người có thẩm quyền chịu trách nhiệm tổ chức thi hành cưỡng chế quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế sau này.

Chương V

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

Điều 24. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

1. Sở Công Thương có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp đến 110 kV nếu các bên chưa tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự hoặc trọng tài thương mại và có thoả thuận đề nghị Sở Công Thương giải quyết tranh chấp.

2. Cục Điều tiết điện lực có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp trên 110 kV nếu các bên chưa tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự hoặc trọng tài thương mại và có thỏa thuận đề nghị Cục Điều tiết điện lực giải quyết tranh chấp.

3. Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương chỉ giải quyết tranh chấp trong trường hợp hai bên không tự thương lượng được và có thỏa thuận đề nghị Cục Điều tiết điện lực hoặc Sở Công Thương giải quyết.

Điều 25. Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

1. Trước khi đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp, các bên phải tiến hành tự thương lượng.

2. Trường hợp tự thương lượng không thành, một bên hoặc hai bên có quyền gửi văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền.

3. Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp

a) Văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp;

b) Biên bản làm việc hoặc tài liệu khác chứng minh các bên không tự giải quyết tranh chấp được và thỏa thuận đề nghị Sở Công Thương hoặc Cục Điều tiết điện lực giải quyết;

c) Bản sao Hợp đồng mua bán điện;

d) Bản sao Giấy phép hoạt động điện lực (nếu có);

đ) Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu giải quyết tranh chấp là có căn cứ và hợp pháp;

e) Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc .

4. Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo tới các bên liên quan về việc tiếp nhận xử lý tranh chấp. Trường hợp từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có quyền yêu cầu các bên liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu; kiểm tra thực tế (trong trường hợp cần thiết) và xác minh hoàn thiện hồ sơ.

6. Chậm nhất sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức họp hoà giải.

7. Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức họp hòa giải, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo về kết quả giải quyết tranh chấp.

8. Đối với vụ việc có tính chất phức tạp, việc tổ chức họp hòa giải và ban hành văn bản thông báo về kết quả giải quyết tranh chấp không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

9. Nếu một trong hai bên không nhất trí với kết quả giải quyết tranh chấp của Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương thì có quyền đưa ra Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại Toà án để giải quyết.

Điều 26. Trách nhiệm các bên liên quan trong giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

1. Trách nhiệm của các bên có tranh chấp hợp đồng mua bán điện

a) Đảm bảo tính trung thực của tài liệu, thông tin sự việc được cung cấp cho cơ quan giải quyết tranh chấp;

b) Phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan giải quyết tranh chấp thu thập đầy đủ thông tin và kiểm tra thực tế (trong trường hợp cần thiết);

c) Thực hiện các biện pháp trong khả năng cho phép hoặc theo yêu cầu của cơ quan giải quyết tranh chấp nhằm hạn chế thiệt hại.

2. Trách nhiệm của cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

a) Kết luận khách quan trên cơ sở hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp và chứng cứ của các bên cung cấp trong quá trình giải quyết tranh chấp;

b) Tôn trọng thỏa thuận không trái pháp luật và quyền tự thương lượng giữa các bên có tranh chấp hợp đồng mua bán điện trong suốt quá trình giải quyết;

c) Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật không thuộc thẩm quyền giải quyết, phải thông báo và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và bồi thường thiệt hại

1. Mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo thỏa thuận trong hợp đồng, phù hợp quy định của pháp luật.

Trường hợp các bên không có thoả thuận phạt vi phạm, bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thoả thuận phạt vi phạm, bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.

2. Mức bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo thoả thuận trong hợp đồng, nếu không thỏa thuận trong hợp đồng thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cách xác định giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, giá trị bồi thường thiệt hại đối với từng hành vi vi phạm được quy định tại Điều 28, Điều 29 Thông tư này, nếu phát sinh thiệt hại khác thì hai bên tự thoả thuận.

4. Thời hạn trả tiền bồi thường thiệt hại do hai bên tự thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu quá thời hạn trên, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trong hợp đồng, nếu không thỏa thuận trong hợp đồng thì theo quy định của pháp luật.

5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu nộp tiền phạt vi phạm hợp đồng, bên vi phạm phải thanh toán tiền phạt cho bên bị vi phạm; nếu quá thời hạn trên, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền phạt theo thỏa thuận trong hợp đồng, nếu không thỏa thuận trong hợp đồng thì thực hiện theo quy định pháp luật.

6. Bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm đối với các hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Điều 28. Phương pháp tính giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm đối với hành vi vi phạm của bên bán điện

1. Trì hoãn việc cấp điện theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện đã ký

a) Bồi thường cho bên mua điện bằng khoản thiệt hại trực tiếp mà bên mua điện phải chịu do hành vi vi phạm gây ra;

b) Mức phạt vi phạm hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng và được căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm được xác định bằng giá trị sản lượng điện đã thoả thuận trong hợp đồng và được tính toán căn cứ vào công suất đăng ký, thời gian đăng ký mua điện trong ngày, giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện và số ngày trì hoãn được xác định từ thời điểm cam kết cấp điện cho đến thời điểm được cấp điện, theo công thức sau:

T = A x g x n

Trong đó:

T: Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (đồng);

A: Điện năng ngày xác định căn cứ vào các thông số đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (kWh/ngày);

g: Giá điện (đ/kWh) để tính bồi thường, được tính theo giá cao nhất trong hợp đồng mua bán điện đã ký;

n: Số ngày trì hoãn.

2. Bán điện không đảm bảo chất lượng, không đủ số lượng điện năng theo hợp đồng đã ký gây thiệt hại cho bên mua điện

a) Bồi thường thiệt hại cho bên mua điện bằng giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên mua điện phải chịu do bên bán điện gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên mua điện đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm;

b) Mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng và được căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm được xác định bằng giá trị sản lượng điện đã thoả thuận trong hợp đồng và được tính toán căn cứ vào công suất đăng ký, giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện và thời gian bán điện không đảm bảo chất lượng, không đủ số lượng điện năng, theo công thức sau:

T = P x t x g

Trong đó:

T: Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (đồng);

P: Công suất đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (kW);

t: Thời gian bán điện không đảm bảo chất lượng, không đủ số lượng điện năng (giờ);

g: Giá điện (đ/kWh) để tính bồi thường, được tính theo giá cao nhất trong hợp đồng mua bán điện đã ký.

3. Ghi chỉ số điện năng sai, tính toán hoá đơn sai gây thiệt hại cho bên mua điện

a) Bên bán điện phải hoàn trả cho bên mua điện số tiền điện đã thu thừa cộng với lãi suất do hai bên thoả thuận trong hợp đồng;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

4. Không thực hiện điều chỉnh khi bên mua điện có thông báo và đáp ứng đủ điều kiện tăng số hộ sử dụng điện dùng chung công tơ hoặc có thông báo và đáp ứng đủ điều kiện tăng định mức sử dụng điện sinh hoạt

a) Bên bán điện phải hoàn trả cho bên mua điện số tiền chênh lệch đã thu thừa trong thời gian vi phạm. Thời gian vi phạm được tính từ kỳ hóa đơn liền kề sau khi bên mua điện có thông báo và đủ điều kiện tăng số hộ sử dụng điện dùng chung công tơ hoặc có thông báo và đáp ứng đủ điều kiện tăng định mức sử dụng điện sinh hoạt đến thời điểm bên bán điện thực hiện điều chỉnh tăng;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.

Điều 29. Phương pháp tính giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm đối với hành vi vi phạm của bên mua điện

1. Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký gây thiệt hại cho bên bán điện

a) Bồi thường cho bên bán điện bằng khoản thiệt hại trực tiếp mà bên bán điện phải chịu do hành vi vi phạm gây ra;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện và được căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm được xác định bằng giá trị sản lượng điện theo thoả thuận trong hợp đồng và được tính toán căn cứ vào công suất đăng ký, thời gian đăng ký mua điện trong ngày, giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện và số ngày trì hoãn được xác định từ thời điểm cam kết thực hiện hợp đồng cho đến thời điểm hợp đồng được thực hiện theo công thức sau:

T = A x g x n

Trong đó:

T: Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (đồng);

A: Điện năng ngày xác định căn cứ vào các thông số đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (công suất nhân với thời gian mua điện trong ngày);

g: Giá điện (đ/kWh) để tính bồi thường, được tính theo giá cao nhất trong hợp đồng mua bán điện đã ký;

n: Số ngày trì hoãn.

2. Sử dụng điện sai mục đích có mức giá cao hơn mức giá đã thoả thuận trong hợp đồng

a) Bồi thường thiệt hại cho bên bán điện bằng khoản tiền chênh lệch giá trong thời gian vi phạm mục đích sử dụng điện cộng với lãi suất của khoản tiền chênh lệch giá do hai bên thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp không xác định rõ thời điểm vi phạm mục đích sử dụng điện được tính với thời gian là 365 ngày;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

3. Sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm

a) Bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện trong trường hợp gây thiệt hại cho bên bán điện;

b) Mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng và được căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm được xác định theo công thức sau:

T= ∆P x t x g

Trong đó:

T: Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (đồng);

∆P là phần công suất vi phạm trong giờ cao điểm bằng công suất sử dụng lớn nhất trừ công suất đăng ký trong biểu đồ phụ tải tại thời gian tương ứng;

t: Số giờ vi phạm thực tế (nếu dưới 01 giờ thì được tính là 01 giờ);

g: Giá bán điện trong giờ cao điểm theo biểu giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian tính bồi thường (đ/kWh).

4. Không kịp thời cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện khi nhận được thông báo của bên bán điện trong các trường hợp quy định tại Điều 27 Luật Điện lực .

a) Bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện trong trường hợp gây thiệt hại cho bên bán điện;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.

5. Chậm thanh toán tiền điện

a) Việc xử lý chậm thanh toán tiền điện thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 23 Luật Điện lực;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.

6. Không thông báo cho bên bán điện khi giảm số hộ sử dụng điện dùng chung công tơ hoặc giảm định mức sử dụng điện sinh hoạt hoặc kê khai không đúng số người sử dụng điện để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt nhiều hơn thực tế

a) Bên mua điện phải trả cho bên bán điện số tiền chênh lệch trong thời gian vi phạm. Thời gian vi phạm được tính từ kỳ hóa đơn mà bên mua điện giảm số hộ sử dụng điện dùng chung công tơ hoặc giảm định mức sử dụng điện sinh hoạt nhưng không thông báo cho bên bán điện hoặc kê khai không đúng số người sử dụng điện để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt nhiều hơn thực tế đến thời điểm bên bán điện thực hiện điều chỉnh. Trường hợp bên mua điện không xuất trình được tài liệu chứng minh thời điểm giảm số hộ sử dụng điện dùng chung công tơ hoặc giảm định mức sử dụng điện sinh hoạt thì thời gian vi phạm được tính từ thời điểm kiểm tra số hộ sử dụng điện dùng chung công tơ hoặc định mức sử dụng điện sinh hoạt gần nhất của bên bán điện đến thời điểm bên bán điện thực hiện điều chỉnh giảm nhưng không quá 365 ngày;

b) Phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 30. Trách nhiệm của Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương

1. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm

a) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện của Sở Công Thương, Phòng chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và công tác kiểm tra sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện của các đơn vị điện lực;

b) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tập huấn, sát hạch và cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực quy định tại Thông tư này trên phạm vi toàn quốc.

2. Sở Công Thương có trách nhiệm

a) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện của Phòng chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và công tác kiểm tra sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện của các đơn vị điện lực trong địa bàn tỉnh;

b) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tập huấn, sát hạch và cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực quy định tại Thông tư này trên địa bàn tỉnh.

Điều 31. Chế độ báo cáo

1. Chậm nhất ngày 15 tháng 02 hằng năm, các đơn vị điện lực trong phạm vi địa bàn tỉnh có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản qua phương thức gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống thư điện tử (nếu có) đến Sở Công Thương về công tác tập huấn, sát hạch và cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực; công tác kiểm tra sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện của Kiểm tra viên điện lực thuộc đơn vị điện lực theo mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Chậm nhất ngày 01 tháng 3 hằng năm, Sở Công Thương có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản qua phương thức gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống thư điện tử (nếu có) đến Cục Điều tiết điện lực về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện; công tác giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện theo mẫu số 02 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Chậm nhất ngày 01 tháng 3 hằng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia và các Tổng công ty Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản qua phương thức gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống thư điện tử (nếu có) đến Cục Điều tiết điện lực về công tác tập huấn, sát hạch và cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực; công tác kiểm tra sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện của Kiểm tra viên điện lực thuộc đơn vị mình cấp thẻ theo mẫu số 03 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 32. Trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 02 năm 2023.

2. Các văn bản hoặc một phần văn bản sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:

a) Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện;

b) Thông tư số 31/2018/TT-BCT ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 10 năm 2013 quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện;

c) Điều 28 và mục 12, mục 13 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 42/2019/TT-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế độ báo cáo định kỳ tại các Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc liên tịch ban hành;

d) Bãi bỏ khoản 3 Điều 7 và khoản 3 Điều 10 Thông tư số 22/2020/TT- BCT ngày 09 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.

3. Thẻ Kiểm tra viên điện lực đã cấp cho cá nhân là công chức, viên chức thuộc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực hết hiệu lực khi Thông tư này có hiệu lực. Thẻ Kiểm tra viên điện lực của cá nhân thuộc đơn vị truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện đã được cấp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực tiếp tục được sử dụng đến hết thời hạn được ghi trên thẻ.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, vấn đề mới phát sinh, yêu cầu các đơn vị có liên quan phản ánh về Cục Điều tiết điện lực để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Công Thương giải quyết./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Công Thương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Kiểm toán nhà nước;
- Website: Chính phủ, Bộ Công Thương;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Lưu: VT, PC, ĐTĐL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đặng Hoàng An

PHỤ LỤC I

MẪU THẺ KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 42/2022/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện)

... (Đơn vị cấp thẻ)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Ảnh

2 x 3

THẺ KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC

Số: ...........

Họ tên:……………………Năm sinh. ……….

Đơn vị:……………………………………….

…, ngày … tháng … năm …
Giám đốc (Lãnh đạo đơn vị)

Có giá trị hết ngày :

.....………......…........

(ký tên, đóng dấu)

- Phạm vi kiểm tra: ……………………………………..….......

- Nội dung kiểm tra: ...................................................................

....................................................................................................

- Kiểm tra viên điện lực phải xuất trình thẻ khi kiểm tra và chỉ kiểm tra trong phạm vi được ghi trên thẻ.

- Tổ chức cá nhân sử dụng điện và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Kiểm tra viên điện lực hoàn thành nhiệm vụ.

- Kiểm tra viên điện lực phải lập biên bản và tuân thủ đúng quy định pháp luật về kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện.


PHỤ LỤC II

BẢNG THỜI GIAN ÁP DỤNG TRONG TÍNH TOÁN XỬ LÝ VI PHẠM SỬ DỤNG ĐIỆN (BAO GỒM CẢ HÀNH VI TRỘM CẮP ĐIỆN)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 42/2022/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện)

STT

Phân loại thiết bị tiêu thụ điện

Sinh hoạt gia đình

Kinh doanh dịch vụ

Cơ quan hành chính

Sản xuất 1 ca

Sản xuất 2 ca

Sản xuất 3 ca

Thời gian sử dụng của thiết bị điện trong từng loại hình phụ tải (giờ/ngày)

1

Thiết bị chiếu sáng

6

16

8

8

16

24

2

Thiết bị tạo và thông gió

10

12

8

8

16

24

3

Thiết bị lạnh

24

24

20

20

22

24

4

Điều hoà không khí

8

16

8

8

16

24

5

Đồ dùng điện tử dân dụng

6

12

6

6

Thiết bị gia nhiệt dân dụng

2

8

4

7

Thiết bị có động cơ điện

4

8

6

8

14

22

8

Máy hàn điện

4

10

6

8

16

20

9

Thiết bị thông tin liên lạc

8

12

14

10

Thiết bị nạp điện

8

12

8

16

24

Thời gian sử dụng bình quân của các thiết bị điện (ttb), (giờ/ngày)

11

6

12

8

8

16

24

Ghi chú:

- Khi tính toán cần lưu ý thời gian sử dụng thực tế hoặc theo mùa; nếu thời gian sử dụng thực tế không phù hợp thì áp dụng theo thời gian trong bảng.

- Động cơ điện khi tính toán lấy cosφ theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; máy hàn khi tính toán lấy cosφ = 0,65.


PHỤ LỤC III

MỘT SỐ BIỂU MẪU ÁP DỤNG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM TRA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 42/2022/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện)

Mã số

Mẫu biểu

I

Biểu mẫu áp dụng đối với cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực

BM-01.01

Quyết định kiểm tra

BM-01.02

Kế hoạch tiến hành kiểm tra

BM-01.03

Thông báo kiểm tra

BM-01.04

Biên bản làm việc

BM-01.05

Báo cáo kết quả kiểm tra

BM-01.06

Kết luận kiểm tra

II

Biểu mẫu áp dụng đối với Kiểm tra viên điện lực

BM-02.01

Biên bản kiểm tra (được sử dụng cho Kiểm tra viên điện lực của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện khi kiểm tra bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện)

BM-02.02

Biên bản kiểm tra sử dụng điện (được sử dụng cho Kiểm tra viên điện lực của đơn vị bán buôn điện, đơn vị bán lẻ điện khi kiểm tra sử dụng điện)

BM-01.01. Mẫu Quyết định kiểm tra

[TÊN CƠ QUAN CẤP TRÊN]
[CƠ QUAN CHỦ TRÌ KIỂM TRA]

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /QĐ-…

……………, ngày … tháng … năm …

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ……………………………….

[THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CHỦ TRÌ KIỂM TRA]

Căn cứ Quyết định …………………….. quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của [tên cơ quan chủ trì kiểm tra];

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ [Quyết định số ……/QĐ-… ngày … tháng … năm ….. của ……. về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra năm ……..; Quyết định số ……/QĐ -… ngày … tháng … năm ….. của ……. về việc điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra năm ……..;] (nếu có);

Căn cứ khác (nếu có)………………………………………………………………… Theo đề nghị của [người đứng đầu của đơn vị đề xuất chủ trì kiểm tra].

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Kiểm tra việc…………………………………tại [tên đơn vị được kiểm tra] bao gồm các nội dung sau:

a) ……………………………………………………………………….;

b) ……………………………………………………………………….;

Thời kỳ kiểm tra: Từ ngày …/…/… đến……………

Thời hạn kiểm tra là ….. ngày, kể từ ngày công bố Quyết định kiểm tra.

Điều 2. Thành lập Đoàn kiểm tra, gồm các ông (bà) có tên sau đây:

1. Ông / bà ………………, chức vụ: ………., Trưởng đoàn;

2. Ông / bà ………………, chức vụ: ………., Phó Trưởng đoàn (nếu có);

3. Ông / bà ………………, chức vụ: ………., thành viên;

……………………………………………………………………………….

Điều 3. Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định này và [theo quy định tại Thông tư số ……quy định về kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện và giải quyết tranh chấp].

Điều 4. Quyền hạn và trách nhiệm của đối tượng được kiểm tra (nếu cần thiết).

Điều 5. [Người đứng đầu các bộ phận thuộc cơ quan chủ trì kiểm tra có liên quan]; các ông/bà có tên tại Điều 2 và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- …………….;
- Lưu:...

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
CHỦ TRÌ KIỂM TRA
1
(Ký, ghi rõ tên và đóng dấu)

___________________

1 Ghi chức vụ của người ký. Trường hợp cấp phó được giao phụ trách hoặc tương đương ký quyết định thì ghi chữ viết tắt “KT.” vào trước chức vụ của Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra.

BM-01.02. Kế hoạch tiến hành kiểm tra

[TÊN CƠ QUAN CHỦ TRÌ
KIỂM TRA]
[TÊN ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ
TRỰC THUỘC]

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

………., ngày … tháng … năm 20..

KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH KIỂM TRA Về việc …………………………

Kính gửi: [Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra]

Thực hiện Quyết định số …../QĐ-… ngày … tháng … năm … của … về việc ……………………., [tên đơn vị chủ trì trực thuộc] kính báo cáo [Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra] về kế hoạch tiến hành kiểm tra …..…., cụ thể như sau:

1. Đối tượng được kiểm tra:

…..…………………………………………………………..………………..

2. Nội dung kiểm tra

………………………………………………………………………………………….

3. Thời gian và thời kỳ tiến hành kiểm tra

- Thời gian tiến hành kiểm tra: Từ ngày …/…/… đến ngày …/…/…………..

- Thời kỳ kiểm tra: Từ ngày …/…/… đến ngày ……………………………..

4. Thành phần đoàn kiểm tra

………………………………………………………………………………..

5. Phương thức tiến hành kiểm tra

- Đoàn kiểm tra ban hành thông báo kiểm tra (kèm theo Quyết định kiểm tra và Đề cương kiểm tra kèm theo) gửi cho đối tượng được kiểm tra chậm nhất là … ngày làm việc trước ngày thực hiện kiểm tra tại đơn vị và tiến hành công bố Quyết định kiểm tra theo quy định;

- Đối tượng được kiểm tra báo cáo bằng văn bản với Đoàn kiểm tra theo Đề cương kiểm tra đã được thông báo khi Đoàn tiến hành kiểm tra;

- Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra theo quy định; lập biên bản làm việc với đơn vị và tổng hợp báo cáo người ra quyết định kiểm tra kết quả kiểm tra;

- Trường hợp cần thiết, người ra quyết định kiểm tra ban hành kết luận kiểm tra hoặc công văn chỉ đạo đối tượng kiểm tra.

5. Kinh phí tiến hành kiểm tra

………………………………………………………………………………..

6. Tổ chức thực hiện

………………………………………………………………………………..

[tên đơn vị chủ trì trực thuộc] kính trình [Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra] xem xét, phê duyệt./.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
CHỦ TRÌ KIỂM TRA

LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ
CHỦ TRÌ TRỰC THUỘC

BM-01.03. Mẫu Thông báo thực hiện Kế hoạch kiểm tra

[TÊN CƠ QUAN CẤP TRÊN]
[TÊN CƠ QUẢN CHỦ TRÌ
KIỂM TRA]

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /…-…
V/v thực hiện kiểm tra theo Quyết định số………

………….., ngày … tháng … năm …

Kính gửi: [Tên đơn vị được kiểm tra]

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra năm … được phê duyệt tại Quyết định số …./QĐ-… ngày … tháng … năm … của ……….. và Quyết định số …/QĐ-…ngày … tháng … năm … của [tên cơ quan chủ trì kiểm tra], [tên cơ quan chủ trì kiểm tra] chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra ………………, cụ thể như sau:

1. Nội dung kiểm tra: …………….. (đề cương yêu cầu báo cáo có thể đính kèm thông báo này trong trường hợp không được ban hành kèm theo Quyết định kiểm tra).

2. Thời gian kiểm tra: …. ngày, từ …h… ngày ………...

3. Địa điểm làm việc: Trụ sở ……………….

Để công tác kiểm tra đạt hiệu quả, đề nghị: [Tên đơn vị được kiểm tra] chuẩn bị báo cáo bằng văn bản (quy định số lượng); cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra; bố trí thành phần, thời gian, địa điểm làm việc để phục vụ việc kiểm tra.

(Gửi kèm Công văn này là Quyết định số …/QĐ-…….. ngày … tháng … năm … của [cơ quan chủ trì kiểm tra]).

Trường hợp cần thiết, đề nghị liên hệ với ông/ bà: … - chức vụ … (số điện thoại: … email: …………..)./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- …;
- Lưu:....

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
CHỦ TRÌ KIỂM TRA
2
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

____________________

2 Ghi chức vụ của người ký. Trường hợp cấp phó được giao phụ trách hoặc tương đương ký quyết định thì ghi chữ viết tắt “KT.” vào trước chức vụ của Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra.

BM-01.04. Mẫu Biên bản làm việc

[CƠ QUAN CHỦ TRÌ KIỂM TRA]
ĐOÀN KIỂM TRA THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ …/QĐ-…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……, ngày … tháng … năm …

BIÊN BẢN LÀM VIỆC

Thực hiện Quyết định số …/QĐ-… ngày … tháng … năm … của [tên cơ quan chủ trì kiểm tra], từ ngày … tháng … năm …. đến ngày … tháng … năm … tại [địa chỉ của đơn vị được kiểm tra], Đoàn kiểm tra tiến hành làm việc với [tên đơn vị được kiểm tra] về việc ……………………………….

I. THÀNH PHẦN

1. Đoàn kiểm tra:

- Ông (bà) ……………… chức vụ ……………, Trưởng đoàn

- Ông (bà) ……………… chức vụ ……………, Phó Trưởng đoàn (nếu có)

- Ông (bà) ……………… chức vụ ………….…, thành viên

- …

2. Bên được kiểm tra [tên đơn vị được kiểm tra]:

2.1. Đại diện theo pháp luật của [tên đơn vị được kiểm tra]

- Ông (bà) ………………… chức vụ ……………

- Ông (bà) ………………… chức vụ ……………

- Ông (bà) ………………… chức vụ ………….…,

(Lưu ý: Trong trường hợp đại diện đơn vị được kiểm tra được đại diện theo pháp luật của đơn vị được kiểm tra ủy quyền làm việc với đoàn kiểm tra, phải ghi rõ nội dung Giấy ủy quyền, ngày tháng năm ban hành).

2.2. Địa chỉ trụ sở chính: (không bắt buộc)

2.3. Mã số doanh nghiệp: (không bắt buộc)

2.4. Số Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư / doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập / đăng ký hoạt động (không bắt buộc)

3. Người làm chứng (nếu có):

II. NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Đoàn kiểm tra công bố Quyết định kiểm tra số …/QĐ-… ngày … tháng … năm … của [tên cơ quan chủ trì kiểm tra] về việc kiểm tra [tên đơn vị được kiểm tra].

2. Đoàn kiểm tra đã nêu rõ mục đích, nội dung, ý nghĩa của cuộc kiểm tra và thống nhất chương trình làm việc với [tên đơn vị được kiểm tra]

3. [tên đơn vị được kiểm tra] đã cung cấp các tài liệu, số liệu theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, [tên đơn vị được kiểm tra] chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các tài liệu đã cung cấp cho đoàn kiểm tra.

4. Các nội dung kiểm tra (theo đề cương kiểm tra đã thông báo cho đơn vị): (không bắt buộc)

Nội dung 1:

Nội dung 2:

5. Phụ lục Biên bản làm việc (nếu có):

III. KẾT QUẢ KIỂM TRA

1. Nội dung 1:

2. Nội dung 2:

IV. Ý KIẾN CÁC BÊN

1. Ý kiến của Đoàn kiểm tra

…………………………………………………………………………...…

2. Ý kiến của đơn vị được kiểm tra

…………………………………………………………………………...…

3. Ý kiến của người làm chứng (nếu có)

…………………………………………………………………………...…

Biên bản lập xong vào hồi .... giờ …… ngày …../..../….., gồm … tờ, được lập thành 03 bản có giá trị như nhau; đã được đọc lại cho những người có tên nêu trên nghe, công nhận là đúng và cùng ký xác nhận dưới đây; bên kiểm tra giữ 02 bản, bên được kiểm tra giữ 01 bản để thực hiện theo nội dung Biên bản./.

Lý do …………………….không ký biên bản (nếu có).

BÊN ĐƯỢC KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

NGƯỜI LÀM CHỨNG
(nếu có)
(Ký, ghi rõ họ tên)

TRƯỞNG ĐOÀN
KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

BM-01.05. Mẫu Báo cáo kết quả kiểm tra

[CƠ QUAN CHỦ TRÌ KIỂM TRA]
ĐOÀN KIỂM TRA THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ …/QĐ-…

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……, ngày … tháng … năm …

BÁO CÁO

Kết quả kiểm tra ……………

Kính gửi: ..........................................................................

Thực hiện Quyết định số …/QĐ-… ngày … tháng … năm … của [tên đơn vị chủ trì kiểm tra], từ ngày … tháng … năm …. đến ngày … tháng … năm … , Đoàn kiểm tra tiến hành làm việc tại [địa chỉ của đơn vị được kiểm tra].

Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã làm việc với [tên đơn vị được kiểm tra] và tiến hành kiểm tra các nội dung theo đề cương.

Sau đây là kết quả kiểm tra:

1. Khái quát chung về đối tượng kiểm tra;

2. Kết quả kiểm tra theo đề cương;

3. Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã áp dụng (nếu có);

4. Kiến nghị của đối tượng kiểm tra (nếu có);

5. Kiến nghị của Đoàn kiểm tra.

Trên đây là Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra./.


Nơi nhận:
- ……..;
- Lưu: ….

TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

BM-01.06. Mẫu Kết luận kiểm tra

CƠ QUẢN QUẢN LÝ CẤP TRÊN
[CƠ QUAN CHỦ TRÌ KIỂM TRA]

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /KL-…..

…….., ngày ….. tháng ….. năm ……

KẾT LUẬN KIỂM TRA

Về việc ……………………..

Thực hiện Quyết định số ….. ngày …../…./….. của …….. về …………; từ ngày ...../…./….. đến ngày .../..../….. Đoàn kiểm tra …………… đã tiến kiểm tra tại ……………………………………………………………………………………….

Xét báo cáo kết quả kiểm tra …….. ngày ….../..../…… của Trưởng đoàn kiểm tra, [tên cơ quan chủ trì kiểm tra] kết luận như sau:

1. Khái quát chung

2. Kết quả kiểm tra

3. Kết luận

4. Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã áp dụng (nếu có)

5. Kiến nghị các biện pháp xử lý (nếu có)


Nơi nhận:
- Đơn vị được kiểm tra;
- ……….
- Lưu: ….

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
CHỦ TRÌ KIỂM TRA
1
(Ký, đóng dấu)

____________________

1 Ghi chức vụ của người ký. Trường hợp cấp phó được giao phụ trách hoặc tương đương ký quyết định thì ghi chữ viết tắt “KT.” vào trước chức vụ của Thủ trưởng cơ quan chủ trì kiểm tra.

BM-02.01. Mẫu Biên bản kiểm tra

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
[TÊN ĐƠN VỊ KIỂM TRA]

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ............./BB - ...

 

BIÊN BẢN KIỂM TRA

Vào hồi …giờ… ngày ……tháng … năm ....….. tại ……………...…………

I. THÀNH PHẦN

1. Tổ/Đoàn kiểm tra:

1.1 ......................................... Chức vụ .........................................................

(Số thẻ Kiểm tra viên điện lực (KTV Điện lực):.........................……

Đơn vị cấp: ………………Ngày cấp………..…)

1.2......................................... Chức vụ .........................................................

1.3 ......................................... Chức vụ .........................................................

.................................................................................................... .........................

2. Bên được kiểm tra:(2)

-<Người đại diện hộ gia đình/Tên cá nhân>: .....................Giới tính: ..............

Ngày, tháng, năm sinh:..../..../........................ Quốc tịch: ..................................

Nghề nghiệp:.......................................................................................................

Nơi ở hiện tại: .....................................................................................................

Số CCCD/CMND/Hộ chiếu:………......................; ngày cấp:......../......../…......;

nơi cấp:................................................................................................................

- Thành viên khác (n................(nêu rõ mn khác (n......................Mã khách hàng: ..................................................................................................

<Tên tổ chức>:...................................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính:............................................................................................

Mã số doanh nghiệp: .......................................................... ................................

Số GCN đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động:............................................................................................................................

Ngày cấp:..../..../ .............................................; nơi cấp: ....................................

Người đại diện theo pháp luật(3):.................... Giới tính: ...................................

Chức danh(4): ......................................................................................................

3. Người chứng kiến: (nếu có)

3.1........................................................................... .............................................

3.2........................................................................................................................

II. NỘI DUNG KIỂM TRA

.............................................................................................................................

.............................................................................................................................

III. PHỤ LỤC BIÊN BẢN KIỂM TRA (nếu có)

.............................................................................................................................

.............................................................................................................................

IV. KẾT LUẬN KIỂM TRA

.............................................................................................................................

.............................................................................................................................

Trong quá trình kiểm tra, <đại diện bên được kiểm tra/hộ sử dụng điện/người chứng kiến>(5) luôn có mặt tại hiện trường và chứng kiến toàn bộ quá trình kiểm tra, những người tham gia kiểm tra không xâm phạm hoặc làm hư hại đến tài sản của bên được kiểm tra.

Biên bản kết thúc vào.......giờ.....ngày......tháng…..năm......................................

Biên bản được đọc lại cho những người có mặt cùng nghe, công nhận là đúng và cùng ký tên dưới đây.

Biên bản này lập thành 03 bản; bên được kiểm tra giữ 01 bản để thực hiện theo nội dung biên bản, bên kiểm tra giữ 02 bản./.

BÊN ĐƯỢC KIỂM TRA
(ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN
(nếu có)
(ký, ghi rõ họ tên,chức vụ)

KTV ĐIỆN LỰC
(ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Ý kiến bên được kiểm tra: (nếu có)

……………………………………………………….…………………………

.…………………………………………………………………………………

….…………………………………………………………............……............

____________________

2 Chọn 01 trong 02 đối tượng thích hợp

3 Ghi họ và tên của người đại diện theo pháp luật nếu là Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần; ghi họ và tên của chủ doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp tư nhân; ghi họ và tên của người đứng đầu tổ chức không phải là doanh nghiệp.

4 Ghi chức danh của người đại diện theo pháp luật nếu là Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần; ghi chức danh chủ doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp tư nhân; ghi chức danh của người đứng đầu tổ chức không phải là doanh nghiệp.

5 Trường hợp bên được kiểm tra không có mặt hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản, thì người có thẩm quyền lập biên bản phải mời đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm hoặc công an hoặc 01 người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để chứng kiến. Trường hợp có nhiều thành phần cùng tham gia chứng kiến có thể ghi tất cả những người này.

BM-02.02. Mẫu Biên bản kiểm tra sử dụng điện

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
[TÊN ĐƠN VỊ KIỂM TRA]

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ............./BB - KTSDĐ

 

BIÊN BẢN KIỂM TRA SỬ DỤNG ĐIỆN

Vào hồi ….giờ… ngày ……tháng … năm ...... tại …......................…...…..

I. THÀNH PHẦN

1. Đoàn kiểm tra:

1.1.................................................Chức vụ:.................................................

Số thẻ KTVĐL:…………………Đơn vị cấp: …………Ngày cấp…….…

1.2................................................Chức vụ: …………………………........

1.3................................................Chức vụ:………………………...……..

2. Bên được kiểm tra:(1)

-<Người đại diện hộ gia đình/Tên cá nhân>: ............ Giới tính: ...........

Ngày, tháng, năm sinh:..../..../........................ Quốc tịch: ...............................

Nghề nghiệp:.....................................................................................................

Nơi ở hiện tại: ...................................................................................................

Số CCCD/CMND/Hộ chiếu:.................................; ngày cấp:…..../……../........; nơi cấp:........................................................................

- Thành viên khác (nếu có):……………….. (nêu rõ mối quan hệ với người đại diện)

Mã khách hàng: ...............................................................................................

<Tên tổ chức>:................................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính:..........................................................................................

Mã số doanh nghiệp: ........................................................................................

Số GCN đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động:....................; Ngày cấp:..../..../...................; nơi cấp: ..............................

Người đại diện theo pháp luật(2):.................... Giới tính: ............................... Chức danh(3): ...................................................................................................

3. Người chứng kiến: (nếu có)(4)

3.1..................................................................………………..………………

3.2.........................................................................…………..………………

II. NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra sử dụng điện tại: .........................

Mã khách hàng ……………………….............................................………

Địa chỉ ……………………………………...........................................……

Điện thoại ……………………….................................................................

2. Hiện trạng hệ thống đo đếm:

Công tơ loại: …………Nước sản xuất………No……….......................…..

Dòng điện:……….Điện áp:……….TU......…...TI...................................….

Hệ số nhân .....................................................................................................

Chỉ số công tơ tại thời điểm kiểm tra:.................................………………

3. Hiện trạng lúc kiểm tra:........................................................................

4. Phụ lục kèm theo biên bản kiểm tra sử dụng điện (gồm sơ đồ đấu dây, sơ đồ vi phạm, bảng kê công suất thiết bị điện…): (nếu có)

.........................................................................................................................

III. KẾT LUẬN KIỂM TRA

.........................................................................................................................

Trong quá trình kiểm tra, hộ sử dụng điện, người chứng kiến (nếu có) luôn có mặt tại hiện trường và chứng kiến toàn bộ quá trình kiểm tra. Những người tham gia kiểm tra không xâm phạm hoặc làm hư hại đến tài sản của bên sử dụng điện.

Biên bản kết thúc vào.......giờ......ngày......tháng…..năm...............................

Biên bản được đọc lại cho những người có mặt cùng nghe, công nhận là đúng và cùng ký tên dưới đây.

Biên bản này lập thành 03 bản; bên được kiểm tra giữ 01 bản để thực hiện theo nội dung biên bản, bên kiểm tra giữ 02 bản.

BÊN ĐƯỢC KIỂM TRA
(ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN
(nếu có)
(ký, ghi rõ họ tên)

KTV ĐIỆN LỰC
(ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Ý kiến bên sử dụng điện: (nếu có)...............................................................

____________________

1 Chọn 01 trong 02 đối tượng thích hợp

2 Ghi họ và tên của người đại diện theo pháp luật nếu là Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần; ghi họ và tên của chủ doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp tư nhân; ghi họ và tên của người đứng đầu tổ chức không phải là doanh nghiệp.

3 Ghi chức danh của người đại diện theo pháp luật nếu là Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần; ghi chức danh chủ doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp tư nhân; ghi chức danh của người đứng đầu tổ chức không phải là doanh nghiệp.

4 Trường hợp bên được kiểm tra không có mặt hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản, thì người có thẩm quyền lập biên bản phải mời đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm hoặc công an hoặc 01 người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để chứng kiến. Trường hợp có nhiều thành phần cùng tham gia chứng kiến có thể ghi tất cả những người này.

PHỤ LỤC IV

BIỂU MẪU VỀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 42/2022/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện)

Mã số

Mẫu biểu

MBC01

Báo cáo công tác tổ chức tập huấn, sát hạch, cấp, thu hồi Thẻ kiểm tra viên điện lực; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện (được sử dụng cho đơn vị truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ tại địa phương)

MBC02

Báo cáo kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện; công tác giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện (được sử dụng cho Sở Công Thương)

MBC03

Báo cáo công tác tổ chức tập huấn, sát hạch, cấp, thu hồi Thẻ kiểm tra viên điện lực; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện (được sử dụng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam)

MBC01. Mẫu báo cáo số 01

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN ĐƠN VỊ ĐIỆN LỰC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ............./BC - ...

……., ngày…..tháng….năm……

BÁO CÁO

V/v công tác tổ chức tập huấn, sát hạch, cấp, thu hồi Thẻ kiểm tra viên điện lực; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện

Kính gửi: Sở Công Thương ……….

Thực hiện Thông tư số .../2022/TT-BCT ngày ... tháng ... năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện, ...(tên đơn vị điện lực) báo cáo công tác tổ chức tập huấn, sát hạch, cấp, thu hồi Thẻ kiểm tra viên điện lực; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện như sau:

I. BÁO CÁO CÔNG TÁC TỔ CHỨC, TẬP HUẤN, SÁT HẠCH, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẠT YÊU CẦU SÁT HẠCH VÀ CÔNG TÁC CẤP, THU HỒI THẺ KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC

1. Công tác tổ chức, tập huấn, sát hạch Kiểm tra viên điện lực:

Nêu rõ số lớp, số lượng học viên và kết quả sát hạch đối tượng học viên tập huấn cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực thuộc đơn vị.

2. Công tác cấp, thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực:

- Số lượng thẻ Kiểm tra viên điện lực đã cấp (cấp mới, cấp đổi) thuộc đơn vị.

- Số lượng thẻ đã thu hồi (nêu rõ lý do).

II. BÁO CÁO CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM SỬ DỤNG ĐIỆN, BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC VÀ LƯỚI ĐIỆN CỦA NĂM TRƯỚC

1. Công tác kiểm tra sử dụng điện:

- Số cuộc kiểm tra, hình thức (theo kế hoạch/ đột xuất).

- Đối tượng được kiểm tra.

- Nội dung kiểm tra.

- Số vụ vi phạm quy định về sử dụng điện đã phát hiện, đã xử lý, chưa xử lý (nguyên nhân).

- Những hành vi vi phạm phổ biến.

- Đánh giá kết quả kiểm tra và việc thực hiện các kiến nghị kiểm tra.

2. Công tác kiểm tra bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện:

- Số cuộc kiểm tra, hình thức (theo kế hoạch hay đột xuất).

- Đối tượng được kiểm tra.

- Nội dung kiểm tra.

- Số vụ vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện đã phát hiện, đã xử lý, chưa xử lý (nguyên nhân).

- Những hành vi vi phạm phổ biến.

- Đánh giá kết quả kiểm tra và việc thực hiện các kiến nghị kiểm tra.


Nơi nhận:
- Như trên;
- …
- Lưu:....

LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ
(Ký tên, đóng dấu)

MBC02. Mẫu báo cáo số 02

UBND TỈNH...
SỞ CÔNG THƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ............./BC - ...

……., ngày…..tháng….năm……

BÁO CÁO

V/v kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện; công tác giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

Kính gửi: Cục Điều tiết điện lực

Thực hiện Thông tư số .../2022/TT-BCT ngày ... tháng ... năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện, Sở Công Thương tỉnh ... báo cáo công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động điện lực, sử dụng điện; công tác giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện như sau:

I. BÁO CÁO CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Tình hình hoạt động điện lực, công tác kiểm tra xử lý vi phạm hoạt động điện lực trên địa bàn tỉnh…

1. Công tác kiểm tra hoạt động điện lực1:

- Số cuộc kiểm tra, hình thức (theo kế hoạch/ đột xuất).

- Đối tượng được kiểm tra.

- Nội dung kiểm tra.

- Đánh giá kết quả kiểm tra (nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân).

- Việc thực hiện kiến nghị kiểm tra của các đơn vị.

2. Công tác xử lý vi phạm về hoạt động điện lực:

- Số vụ vi phạm quy định về hoạt động điện lực đã phát hiện, đã xử lý, chưa xử lý (nguyên nhân chưa xử lý).

- Hành vi vi phạm phổ biến.

- Tình hình chấp hành các quyết định xử lý vi phạm của các đơn vị (thống kê số liệu cụ thể).

- Đánh giá về công tác xử lý vi phạm về hoạt động điện lực (nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân).

II. BÁO CÁO TÌNH HÌNH KIỂM TRA KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM SỬ DỤNG ĐIỆN

1. Công tác kiểm tra sử dụng điện2:

- Số cuộc kiểm tra, hình thức (theo kế hoạch/ đột xuất).

- Đối tượng được kiểm tra.

- Nội dung kiểm tra.

- Đánh giá kết quả kiểm tra (nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân).

- Việc thực hiện kiến nghị kiểm tra của các đơn vị.

2. Công tác xử lý vi phạm về sử dụng điện

- Số vụ vi phạm quy định về sử dụng điện đã phát hiện, đã xử lý, chưa xử lý (nguyên nhân).

- Những hành vi vi phạm phổ biến.

- Tình hình chấp hành các quyết định xử lý vi phạm của các đơn vị (thống kê số liệu cụ thể).

- Đánh giá về công tác xử lý vi phạm về sử dụng điện (nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân).

3. Công tác kiểm tra sử dụng điện do Kiểm tra viên điện lực của các Đơn vị điện lực tại địa phương thực hiện:

- Số cuộc kiểm tra, hình thức (theo kế hoạch hay đột xuất).

- Đối tượng được kiểm tra.

- Nội dung kiểm tra.

- Số vụ vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện đã phát hiện, đã xử lý, chưa xử lý (nguyên nhân).

- Những hành vi vi phạm phổ biến.

- Việc thực hiện các kiến nghị kiểm tra.

III. BÁO CÁO CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

- Số lượng vụ việc đã giải quyết theo thẩm quyền/số lượng vụ việc đã tiếp nhận.

- Số lượng vụ việc chưa giải quyết (nguyên nhân).

- Nội dung, kết quả vụ việc đã giải quyết.

- Việc thực hiện kết luận giải quyết tranh chấp.


Nơi nhận:
- Như trên;
- …
- Lưu:....

LÃNH ĐẠO SỞ CÔNG THƯƠNG
(họ tên, chức vụ, ký tên và đóng dấu)

___________________

1 Bao gồm cả vi phạm về an toàn trong hoạt động điện lực

2 Bao gồm cả vi phạm về an toàn trong sử dụng điện

MBC03. Mẫu báo cáo số 03

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN ĐƠN VỊ ĐIỆN LỰC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ............./BC - ...

……., ngày…..tháng….năm……

BÁO CÁO

V/v công tác tổ chức tập huấn, sát hạch, cấp, thu hồi Thẻ kiểm tra viên điện lực; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện

Kính gửi: Cục Điều tiết điện lực

Thực hiện Thông tư số .../2022/TT-BCT ngày ... tháng ... năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo công tác tổ chức tập huấn, sát hạch, cấp, thu hồi Thẻ kiểm tra viên điện lực; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện, bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện như sau:

I. BÁO CÁO CÔNG TÁC TỔ CHỨC, TẬP HUẤN, SÁT HẠCH VÀ CÔNG TÁC CẤP, THU HỒI THẺ KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC

1. Công tác tổ chức, tập huấn, sát hạch và cấp Giấy chứng nhận đạt yêu cầu sát hạch Kiểm tra viên điện lực (nêu rõ thông tin của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia và các tổng công ty điện lực trực thuộc):

Nêu rõ số lớp, số lượng học viên và số lượng giấy chứng nhận đã cấp cho đối tượng học viên tập huấn cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực.

2. Công tác cấp, thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực (nêu rõ thông tin của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia và các tổng công ty điện lực trực thuộc):

- Số lượng thẻ Kiểm tra viên điện lực đã cấp (cấp mới, cấp đổi) thuộc đơn vị.

- Số lượng thẻ đã thu hồi (nêu rõ lý do).

II. BÁO CÁO CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM SỬ DỤNG ĐIỆN, BẢO VỆ AN TOÀN CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC VÀ LƯỚI ĐIỆN

1. Công tác kiểm tra sử dụng điện (nêu rõ thông tin của các tổng công ty điện lực trực thuộc):

- Số cuộc kiểm tra, hình thức (theo kế hoạch/ đột xuất).

- Đối tượng được kiểm tra.

- Nội dung kiểm tra.

- Số vụ vi phạm quy định về sử dụng điện đã phát hiện, đã xử lý, chưa xử lý (nguyên nhân).

- Những hành vi vi phạm phổ biến.

- Đánh giá kết quả kiểm tra và việc thực hiện kiến nghị của các đoàn kiểm tra.

2. Công tác kiểm tra bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện (nêu rõ thông tin của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia và các tổng công ty điện lực trực thuộc):

- Số cuộc kiểm tra, hình thức (theo kế hoạch hay đột xuất).

- Đối tượng được kiểm tra.

- Nội dung kiểm tra.

- Số vụ vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình điện lực và lưới điện đã phát hiện, đã xử lý, chưa xử lý (nguyên nhân).

- Những hành vi vi phạm phổ biến.

- Đánh giá kết quả kiểm tra và việc thực hiện kiến nghị của các đoàn kiểm tra.


Nơi nhận:
- Như trên;
- …
- Lưu:....

LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ
(họ tên, chức vụ, ký tên và đóng dấu)

MINISTRY OF INDUSTRY AND TRADE OF VIETNAM
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

No. 42/2022/TT-BCT

Hanoi, December 30, 2022

 

CIRCULAR

ON INSPECTION OF ELECTRICTY OPERATIONS AND USE, AND SETTLEMENT OF DISPUTES PERTAINING TO POWER PURCHASE AGREEMENT

Pursuant to Decree 96/2022/ND-CP dated November 29, 2022 of the Government on functions, tasks, powers, and organizational structure of the Ministry of Industry and Trade;

Pursuant to the Law on Electricity dated December 3, 2004; the Law on amendment to the Law on Electricity dated November 20, 2012;

Pursuant to Decree No. 137/2013/ND-CP dated October 21, 2013 of the Government elaborating the Law on Electricity and the Law on amendment to the Law on Electricity; Decree No. 08/2018/ND-CP dated January 15, 2018 of the Government on amendment to Decrees relating to conditions for business and investment within the field of management of Ministry of Industry and Trade; Decree No. 17/2020/ND-CP dated February 5, 2020 of the Government on amendment to Decrees relating to conditions for business and investment within the field of management of Ministry of Industry and Trade;

Pursuant to Decree No. 134/2013/ND-CP dated October 17, 2013 of the Government on administrative penalties in the field of electricity, safety of hydroelectric dam, thrifty and effective use of energy; Decree No. 17/2022/ND-CP dated January 31, 2022 of the Government on amendment to Decrees on administrative penalties in the field of chemical and industrial explosive materials; electricity, hydroelectricity dam safety, effective and efficient use of energy; commercial, production, sale of counterfeits, prohibited goods, and protection of consumer’s rights; petroleum-related operations and sale of oil and gas;

At request of the Director of Electricity Regulatory Authority of Vietnam,

The Minister of Industry and Trade promulgates Circular on inspection of electricity operations and use and settlement of disputes pertaining to power purchase agreement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Circular prescribes:

1. Standards, tasks, and powers of Electricity inspectors.

2. Inspection of electricity operations in fields such as: Counseling in the field of electricity, electricity generation, electricity transmission, electricity distribution, electricity wholesale, electricity retail; inspection of compliance with regulations on electricity use, safety assurance of electric utilities, and electrical grids.

3. Solutions for determining amount of electricity stolen, illegal profits generated by electricity theft in order to compensate for organizations and individuals that are stolen from, damages and methods for organizing implementation of penalties and remedial measures in regard to electricity theft.

4. Settlement of disputes pertaining to power purchase agreements.

Article 2. Regulated entities

1. Organizations and individuals engaging in electricity operations such as: Counseling in the field of electricity, generating electricity, transmitting electricity, distributing electricity, wholesaling electricity, and retailing electricity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Electricity inspectors and individuals engaging in electricity inspection, electricity use, and safety assurance of electric utilities and electrical grids.

4. Competent individuals entitled to produce administrative offence notice in the field of electricity as stated under Article 33 of Decree No. 134/2013/ND-CP dated October 17, 2013 of the Government which is amended by Clause 38 Article 2 of Decree No. 17/2022/ND-CP dated January 31, 2022 of the Government.

5. Other agencies, organizations, and individuals.

Article 3. Definitions

In this Circular, the terms below are construed as follows:

1. “power purchase agreement” (hereinafter referred to as “PPA”) refers to any of the following agreements (excluding agreements between units engaging in electricity operations that engage in electricity generation market, competitive wholesale electricity market and PPAs for electricity produced by rooftop photovoltaic installation):

a) PPAs for domestic or non-domestic purposes signed between electricity users (including large electricity users) and electricity retailers for immediate use;

b) Electricity wholesale, retail agreements signed between electricity retailers and electricity wholesalers for selling to a third party (except for agreements between member entities of Vietnam Electricity or agreements between Vietnam Electricity and member entities).

2. “electricity inspector” refers to an individual affiliated to transmission system operator, distribution system operator, electricity wholesaler, or electricity retailer who has been trained and obtained Electricity inspector card in accordance with this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. “distribution system operator” (hereinafter referred to as “DSO”) refers to an electricity unit licensed to distribute electricity.

5. “electricity wholesaler” refers to an electricity unit licensed to engage in electricity wholesaling.

6. “electricity retailer” refers to an electricity unit licensed to engage in electricity retailing.

7. “illegal profits generated by electricity theft” refers to profits gained by the offender from the stolen amount of electricity (including all costs that arise due to the theft (if any)).

Chapter II

ELECTRICITY INSPECTOR

Article 4. Tasks and powers of Electricity inspector

Electricity inspectors shall exercise their tasks and powers within the field of operation of their units as follows

1. Tasks and powers of Electricity inspectors affiliated to TSOs, DSOs:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Examine and promptly prevent electrical safety violations under Article 7 of the Law on Electricity;

c) Promptly inform entities managing electricity transmission grids, distribution grids upon discovering risk to human lives and safety of equipment;

d) Produce Inspection records using forms under this Circular after inspecting safety assurance of electric utilities and electrical grids, except for cases under Point dd of this Clause;

dd) Electricity inspectors shall not produce Inspection record if no violation is found but instead log inspection details and contents on management system of electricity units.

2. Tasks and powers of Electricity inspectors of electricity wholesalers, electricity retailers

a) Inspect execution of PPAs of electricity users;

b) Inspect electrical safety of electricity users;

c) Inspect the suspension of electricity use, reduction of electricity consumption of electricity users;

d) Inspect and promptly prevent prohibited acts in electricity use under Article 7 of the Law on Electricity;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Request electricity users to provide necessary information and documents for the purpose of inspection;

g) Produce Inspection log of electricity use using forms under this Circular when inspecting details mentioned under Points a, b, c, and d of this Clause, except for cases under Point h of this Clause;

h) Electricity inspectors shall not produce Inspection log of electricity use using forms under this Circular if no violation is found but instead log inspection contents and results on management system of electricity units.

Article 5. Standards of Electricity inspectors

Electricity inspectors must:

1. Have intermediate level or higher in the field of electricity or be electrical engineering technical at level 5/7 or higher; and

2. Have spent at least 3 years managing transmission electrical grid, distribution electrical grid in regard to Electricity inspectors of TSOs, DSOs respectively; have spent at least 3 years working in electricity trading in regard to Electricity inspectors of electricity wholesalers, electricity retailers; and

3. Have received training regarding regulations on electricity operations, electricity use, and safety assurance of electric utilities and electrical grid, standards, procedures, regulations pertaining to electrical engineering, electrical safety, and passed exam; and

4. Be capable of researching, detecting, analyzing, consolidating, and proposing solutions depending on the type of inspection; and

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Have not been met with criminal prosecutions or have had their criminal records expunged; have not been met with administrative penalties in the field of electricity or have been considered to have not met with administrative penalties in the field of electricity in accordance with Article 7 of the Law on Administrative Penalties.

Article 6. Training, exam, Electricity inspector card issuance and revocation

1. TSOs, DSOs, electricity wholesalers, and electricity retailers are responsible for organizing or authorizing affiliated entities to organize training, exam, and issue Electricity inspector card for their employees depending on practical demands of the units.

2. Training and exam shall be developed by the units in accordance with Clause 3 Article 5 hereof. Interval between exams shall be decided by card issuing entities and does not exceed 5 years in all cases. Trainees must pass the exam in order to obtain Electricity inspector card (including new issue, re-issue when previous card is close to expiry or has expired).

3. Electricity inspector card shall only be issued (including issued anew and reissued) if trainees meet all standards under Article 5 hereof.

4. Cases where Electricity inspector card is reissued:

a) Previous Electricity inspector card is close to expiry date or has expired;

b) Changes to scope, details specified in the card take place;

c) Previously issued Electricity inspector card is missing, or damaged, or blurred.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Card holder no longer meets any of the standards under Article 5 hereof;

b) Scope or details of the card are no longer appropriate;

c) The card expires or is damaged or blurred;

d) Card holder is reassigned, reassigns, or is no longer exercising tasks of Electricity inspector;

6. Card issuing entities are responsible for revoking Electricity inspector card for all cases under Clause 5 of this Article.

Article 7. Card sample and valid period of Electricity inspector card

1. Electricity inspector card has dimension of 58 mm x 90 mm and sample prescribed under Appendix I attached hereto.

2. Electricity inspector card is yellow-orange in color.

3. Electricity inspector card remains valid for 5 years from the date of issue. If Electricity inspector card is reissued in accordance with Point b and Point c Clause 4 Article 6 hereof, the new card shall share the expiry date as the old card.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Electricity inspector is responsible for complying with the law, internal regulations or rules of electricity units in the performance of their tasks. Violation of the law or internal regulations or rules shall be met with penalties prescribed by the law or internal regulations or rules of electricity units.

2. Electricity inspect shall be legally responsible for their behaviors in the performance of inspection task.

3. Entities overseeing Electricity inspectors are responsible for compensating in case Electricity inspectors cause damage in the performance of their duty as per the law; entities overseeing Electricity inspectors which have compensated according to this Clause have the right to request the Electricity inspectors who have caused the damage to incur part of the damages as per the law.

Chapter III

INSPECTION OF ELECTRICITY OPERATIONS, ELECTRICITY USE, SAFETY ASSURANCE OF ELECTRIC UTILITIES AND ELECTRICAL GRIDS

Article 9. Inspection forms

Inspection of electricity operations and electricity use carried out by competent authorities specializing in the field of electricity and inspection of electricity use, safety assurance of electric utilities and electrical grids carried out by Electricity inspectors shall be carried out as follows:

1. A planned inspection means an inspection carried out according to plan approved on an annual basis by heads of inspecting entities or superior authority, including:

a) Inspection in which the inspected party is informed of the inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. An irregular inspection means an inspection in which the inspected party is not informed of the inspection and is carried out in any of the following cases:

a) Competent authority requests an inspection;

b) Organizations, individuals report signs of violations in electricity operations, electricity use, safety assurance of electric utilities and electrical grids;

c) Signs of violations of the law pertaining to electricity operations, electricity use, safety assurance of electric utilities and electrical grids are found.

Article 10. General regulations pertaining to inspection of competent authorities specializing in the field of electricity

1. Annual inspection plan

a) Annual inspection plan shall be developed on the basis of: Functions, tasks, and powers of entities; or direction, request of competent authorities; or guidelines, orientation regarding annual inspection of superior authorities; or social issues;

b) Annual inspection plans can be adjusted to meet practical operation of entities.

2. Establishment of inspectorates

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Inspectorate members must not be under effective disciplinary actions or temporary suspension as per the law;

c) Public officials and public employees are not eligible for participating in inspectorates if their spouses, biological parents, sibling, or their in-laws hold managerial, directorial positions of inspected organizations or are electricity users which are to be inspected.

3. Duration of inspection

a) No more than 10 working days at each inspected entity. If cooperation with entities affiliated to subjects of inspection is required, inspection at each affiliated entities shall not exceed 5 working days and duration of cooperation shall not add to total inspection duration;

b) If subjects of inspection delay or refuse to cooperate with the inspectorate, the delay shall not add to total inspection duration;

c) If necessary, chief of inspectorate has the right to request person who issue decision on inspection to extend inspection duration. The extended duration shall not exceed the duration under Point a of this Clause.

4. Powers and responsibilities of inspectorate

a) Inspectorate has the power to:

- request inspected entities to cooperate or assign representative to cooperate with the inspectorate;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Inspectorate has the responsibility to:

- organize the inspection in accordance with the decision on inspection;

- use information; use, secure documents, records, equipment, exhibits, instruments relating to inspection details as per the law; refrain from damaging or costing legal property of inspected entities;

- produce inspection report (which proposes penalties and damage mitigation solutions if necessary);

- Monitor and urge inspected entities to implement propositions of inspectorate under inspection log or inspection conclusion or guiding official dispatch. If inspected entities fail to fulfill the proposition, inspectorate must request persons issuing decision on inspection to order the inspected entities to produce presentation on implementation results of the proposition or inspection conclusion or organize inspection of proposition implementation (if necessary);

c) Chief of inspectorate has responsibility to:

- publicize and send decision on inspection to inspected entities; coordinate inspection in accordance with the decision on inspection; assign tasks to members of inspectorate; be responsible to persons issuing decision on inspection and the law for operation of inspectorate;

- produce report, request order from persons issuing decision on inspection regarding issues and details that extend beyond competence;

- consolidate reports of members of the inspectorate in order to produce then sign inspection log as soon as the inspection concludes in order to acknowledge inspection results; request persons issuing decision in inspection to promulgate inspection conclusion or official dispatch requesting entities to implement propositions of inspectorate (if necessary);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- exercise tasks of members of inspectorate under Point dd of this Clause if authorized by chief of inspectorate;

- exercise tasks of chief of inspectorate if authorized by chief of inspectorate. Authorized individuals are responsible to chief of inspectorate, persons issuing decisions on inspection, and the law for operation of inspectorate;

dd) Members of inspectorate have responsibility to:

- carry out inspection tasks according to authorization of chief of inspectorate and decision on inspection;

- submit reports on implementation results of their tasks to chief of inspectorate and be responsible for accuracy, veracity of the reports;

- retain remarks pertaining to the inspection details authorized by chief of inspectorate if necessary; request chief of inspectorate to take necessary measures to ensure effective and law-compliant inspection.

5. Rights and responsibilities of inspected entities

a) Inspected entities have the right to:

- receive written notice regarding inspection plan, decision on inspection except for irregular inspection; propose and present details relating to inspection details specified in the inspection log; present relevant details under draft Inspection conclusion at request of persons issuing decision on inspection (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- denounce administrative violations of competent individuals during inspection process in accordance with regulations and law on denunciation;

- Refuse to provide information and documents that are not related to inspection details;

b) Inspected entities have the responsibility to:

- cooperate and enable inspectorate to exercise their task during the inspection;

- produce reports at request of the inspectorate; promptly provide adequate information and documents; assume legal responsibility for reports, information, and documents serving inspection, and provide explanation for issues relating to inspection details;

- Comply with propositions of inspectorate under inspection log; inspection conclusion, guiding official dispatch (if any);

- produce written report on situation and solution results in order to remediate drawbacks according to propositions of inspectorate or inspection conclusion or guiding official dispatch in a timely manner;

- be accountable for failure to adequately implement propositions of inspectorate or inspection conclusion or guiding official dispatch.

Article 11. General regulations on inspection operation of Electricity inspector

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Electricity inspectors shall only carry out inspections when they are assigned to do so. If Electricity inspectors discover signs of violations beyond the scope of their assigned tasks, Electricity inspectors must promptly report to persons in charge in order to adopt appropriate form of inspection.

3. Upon carrying out inspection, inspecting entities must establish inspection team or inspectorate which contains at least 3 members, including the chief or deputy chief of inspectorate (with decision on inspection or written assignment of tasks, except for the case of irregular inspection where decision on inspection and written assignment of tasks are not required); and at least 1 Electricity inspector. The Electricity inspector is responsible for presenting his/her Electricity inspector card to the inspected entities and notifying the inspected entities of the inspection details.

4. The inspection must be carried out in the presence of representative of the inspected entities, except for cases under Point b Clause 1 Article 9 hereof.

If the inspection requires the presences of representative of the inspected entities who is absent, the inspected entities must assigns at least 1 witness with full legal capacity or representative of the local authority or police authority to observe the inspection.

5. Electrical measuring instruments used by inspecting entities for the purpose of inspection must be evaluated and calibrated as per the law.

6. If entering electricity user’s property to inspect electricity use from 10 p.m. to 6 a.m. the following day is required, inspecting entities must cooperate with local authority or police authority in observing the inspection and inspecting in accordance with this Circular.

Article 12. Inspection of electricity operations

Inspection of electricity operations involves inspecting compliance with the Law on Electricity (and amendments thereof) and guiding documents pertaining to any of the following:

1. Inspecting electricity operation conditions in fields that require license to operate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Inspecting compliance with regulations on electricity market (in regard to participants to competitive electricity market of all levels).

4. Inspecting compliance with regulations on electricity price, electricity trading (including suspension, reduction of electricity supply), and power purchase agreement.

5. Inspecting protection of electrical appliances, electric utilities, and electrical safety.

6. Inspecting compliance with other regulations on electricity.

Article 13. Inspection of electricity use

Depending on inspection scope and competence, inspection of electricity use involves the following:

1. Inspecting voltage.

2. Inspecting power and power factor as follows:

a) Power and power factor is determined by data recorded in electronic meter or measured directly or indirectly by other measuring instruments at the time of inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) When measuring power in peak hours either directly or indirectly by other measuring instruments, measure 3 times throughout inspection duration and the highest measurement shall prevail.

3. Inspecting electricity measuring system and relevant documents, including: electricity meters, voltage transformer, current transformers, wiring diagram, integrity of seal, and inspection period of electricity measuring system; installation and dismantlement record of electricity meter, electricity measuring instruments, and other relevant documents.

4. Inspecting compliance with regulations on safety in electricity use.

5. Inspecting compliance with obligations under PPAs and other obligations stated in the Law on Electricity (and amendments thereof) and guiding documents.

Article 14. Inspection of safety assurance of electric utilities and electrical grids of Electricity inspectors

Inspect compliance with Articles 50 through 53 of the Law on Electricity and guiding documents pertaining to:

1. Inspecting compliance with regulations on safety corridor of high-voltage grid.

2. Inspecting compliance with safety assurance of overhead lines.

3. Inspecting compliance with regulations on safety assurance of underground cables.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 15. Inspection procedures of competent authorities specializing in the field of electricity

1. Planned inspection

Based on annual inspection plan approved by competent authorities, planned inspection shall be carried out as follows:

a) Issue decision on inspection using form under Appendix III attached hereto which consists of: date of issue; basis for issuance; inspected entities; inspection duration, details, scope, time; composition of inspectorate, powers and responsibilities of inspectorate; powers and responsibilities of inspected entities (if necessary);

b) Inspectorate or authorized entities are responsible for requesting competent individual to approve inspection plan using form under Appendix III attached hereto;

c) Inspecting entities must inform inspected entities of inspection program in details using form under Appendix III attached hereto, including: inspection details, inspection time, documents to be prepared for the purpose of the inspection (if report request is not attached to decision on inspection, it must be attached to official dispatch notifying inspection). Notifying official dispatch attached to decision on inspection and report request must be sent to inspected entities at least 7 working days before inspection date;

d) Inspectorate shall carry out inspection in accordance with decision on inspection and approved inspection plan. At the end of each inspection, inspectorate and inspected entities must produce inspection log using form under Appendix III attached hereto. The log shall be made into 2 copies where the inspecting entities shall keep 1 copy and the inspected copy shall keep the other copy. If inspected party disagrees about contents in the log, they shall specify their remarks at the end of the record. The log must contain signatures of representatives of inspecting entities and inspected entities (or appending fingerprint instead of signing) and of witnesses (if any). If inspected party refuses to sign or append fingerprints in the log, person producing the record must specify the reason in the record. This log is still legitimate if representative of local authority or police authority or at least 1 witness with full legal capacity signs and verifies that violating organization, individual refuses to sign the log;

dd) If administrative violation in the field of electricity is found, in addition to the inspection log, inspectorate must produce administrative offence notice in accordance with Article 12 of Decree No. 118/2021/ND-CP dated December 23, 2021 of the Government elaborating the Law on Administrative Penalties;

e) Within 10 working days from the date on which the inspection ends, chief of inspectorate is responsible for submitting report to person issuing decision on inspection. Inspection report shall use form under Appendix III attached hereto and include: Overview on the inspected entities; inspection results according to the outline; solutions taken within competence (if any); propositions of inspected entities (if any); propositions of inspectorate;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) If inspectorate must produce administrative offence notice as per administrative penalty laws, head of inspecting entities shall take actions within his/her competence or transfer the administrative offence notice, dossiers, exhibits, instruments (if any) of the violation to competent individual as per the law.

2. Irregular inspection

a) Irregular inspection shall be carried out as soon as decision on establishment of inspectorate is promulgated and inspected entities shall not be informed of inspection time or inspection details;

b) Regulations on inspectorate, inspection time, inspection log, inspection report, inspection conclusion, guiding official dispatch (if any) shall conform to Points a, b, d, dd, e, g, and h Clause 1 of this Article and Article 10 hereof.

Article 16. Inspection procedures of DSOs, TSOs, electricity wholesalers, electricity retailers

1. Planned inspection

Based on annual inspection plan approved by competent authorities, planned inspection shall be carried out as follows:

a) Inspecting entities must notify inspected entities of inspection time at least 5 working days in advance, except for cases under Point b Clause 1 Article 9 hereof. The notice must be signed by competent individual and specify inspection details, scope, location, time, composition of inspectorate or inspection teams;

b) Inspecting entities shall carry out inspection in accordance with approved annual plan and assigning document or decision on inspection (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) If violations are found during inspection, inspecting entities must take appropriate preventive measures. Violations that exceed inspecting entities’ competence or inspection details or inspection scope, inspecting entities must immediately inform competent individual;

dd) While carrying out inspection, inspecting entities must produce inspection record or electricity use inspection record containing all inspection details using form under Appendix III attached hereto (except for cases under Point dd Clause 1 and Point h Clause 2 Article 4 hereof); the record shall be made into 3 copies where the inspecting entities keep 2 copies and the inspected entities keep 1 copy;

e) Regulations on inspection record or electricity use inspection record apply to inspection carried out by Electricity inspectors:

- Records must bear adjoining seals of entities overseeing Electricity inspectors and be numbered for administration purposes; used records, including records that are written incorrectly or discarded must be managed and stored adequately as per the law;

- Records must contain full name of people participating in the inspection, representatives of inspected entities and witnesses (if any). If inspected party disagrees about contents in the record, they shall specify their remarks at the end of the record;

- The record must contain signatures of representatives of inspecting entities (Electricity inspectors) and inspected entities (or appending fingerprint instead of signing) and of witnesses (if any);

- If inspected parties refuse to sign or append fingerprints in the record, person producing the record must specify the reason in the record. This record is still legitimate if representative of local authority or police authority or at least 1 witness with full legal capacity signs and verifies that violating organization, individual refuses to sign the record;

- If multiple violations in the field of electricity are found, all violations must be described in detail individually in the record.

2. Irregular inspection

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) If signs of violations are found while not performing inspection tasks, Electricity inspectors must promptly report to persons in charge in order to organize inspections;

c) Irregular inspection shall be carried out as soon as Electricity inspectors present Electricity inspection card, state reason, and inspection scope to inspected entities; inspecting entities shall carry out inspection in accordance with Point d, Point dd, and Point e Clause 1 of this Article; inspected entities shall prepare in accordance with request and assign personnel to cooperate with inspecting entities.

3. If administrative violations in the field of electricity are found during inspection, chief of inspection team or inspectorate shall follow the procedures below:

a) Inspecting entities have the right to take necessary measures to protect the scene and are legally responsible for their actions;

b) If members of inspection teams or inspectorates are entitled to produce administrative offence notice in the field of electricity according to Article 33 of Decree No. 134/2013/ND-CP (amended under Clause 38 Article 2 of Decree No. 17/2022/ND-CP), these members are responsible for producing administrative offence notice based on inspection record or electricity use inspection record in accordance with Article 12 of Decree No. 118/2021/ND-CP dated December 23, 2021 of the Government and sending documents to competent individuals entitled to impose administrative penalties in accordance with Point b Clause 1 Article 20 hereof;

c) If none of the members of inspection teams or inspectorates are entitled to produce administrative offence notice in the field of electricity, inspecting entities shall produce inspection record or electricity use inspection record using form under Appendix III attached hereto and send case files, exhibits, and related instruments (if any) to competent individuals entitled to produce administrative offence notice in the field of electricity in accordance with Point c Clause 1 Article 20 hereof.

Article 17. Responsibilities of organizations and individuals if irregularities in electricity measuring system are found in violation

1. If inspecting entities discover missing electricity meter, damaged or displaced or abnormal electricity measuring system during electricity use inspection, inspecting entities must specify the current conditions and proposed solutions in the inspection log (in regard to inspections carried by competent authorities specializing in the field of electricity) or inspection record (in regard to inspections carried out by Electricity inspectors).

2. The dismantlement of electricity measuring instrument in case of damaged or unusual electricity measuring system shall be implemented as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Retain seals of inspecting organization. Other electricity measuring instruments and seals must be gathered, packaged, and sealed (seals must bear signatures of Electricity inspectors or public officials, employees performing their duty, representatives of electricity buyers and electricity vendors). If electricity buyers refuse to sign the seal, inspecting entities must request a witness with full legal capacity or representative of local authority or police authority to witness, sign the seal, and verify the refusal of electricity buyers;

c) Produce inspection log (in regard to inspections carried by competent authorities specializing in the field of electricity) or inspection record (in regard to inspections carried out by Electricity inspectors), which states inspection time, location, detailed description of current conditions, irregularities of electricity measuring system and reason for dismantlement of electricity measuring system.

3. Once the inspection ends and electricity measuring instruments are inspected by inspecting organizations, related parties are responsible for witnessing the inspection and verification of electricity measuring instruments. If related parties are absent from the inspection process without justifiable reasons, they are required to acknowledge the results.

4. Methods of determining electricity production in case electricity measuring instruments are inaccurate or damaged in a way that causes electricity meter to stop working or in case electricity meter is missing shall conform to Clause 2, Clause 3, Clause 4 Article 20 of Decree No. 137/2013/ND-CP dated October 21, 2013 of the Government.

Article 18. Responsibilities of organizations and individuals when inspecting and taking actions against electricity theft

1. If inspecting entities discover electricity theft during electricity use inspection, inspection log (in regard to inspections carried by competent authorities specializing in the field of electricity) or inspection record (in regard to inspections carried out by Electricity inspectors) must contain the following details:

a) Description of electricity theft and parameters relating to calculation and penalties;

b) Drawing of electricity theft diagram;

c) Other evidence such as tools involved, photos, video recordings, other electronic data (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Responsibilities of electricity vendors or Electricity inspectors of electricity vendors

a) If members of inspection team or inspectorate are entitled to produce administrative offence notice for electricity theft, Electricity inspectors affiliated to electricity vendors or representatives of electricity vendors participating in the inspectorate are responsible for providing documents, calculation figures relating to amount of electricity stolen, revenues generated by electricity theft, and illegal profits for competent individuals entitled to produce administrative offence notice and accepting the case;

b) If none of the members of inspection team or inspectorate are entitled to produce administrative offence notice for electricity theft, electricity vendors or Electricity inspectors affiliated to electricity vendors are responsible for transferring electricity use inspection record, documents, calculation figures relating to amount of electricity stolen, revenues generated by electricity theft, illegal profits, and all exhibits, instruments relating to the case to competent individuals entitled to impose administrative penalties.

3. If electricity theft is discovered during or after inspection process, on the basis of inspection log or electricity use inspection record and information provided by electricity vendors pertaining to documents and electricity theft figures, competent individuals entitled to produce administrative offence notice in the field of electricity according Article 33 of Decree No. 134/2013/ND-CP (amended by Clause 38 Article 2 of Decree No. 17/2022/ND-CP) are responsible for:

a) determining amount of electricity stolen and value thereof in accordance with Article 21 hereof;

b) producing administrative offence notice for electricity theft at the time of inspection or after receiving case files regarding electricity theft transferred to by electricity units (including the case where value of stolen electricity is at least 2.000.000 VND) and transferring to competent individuals entitled to impose administrative violations.

4. Responsibilities of competent individuals entitled to impose administrative penalties dealing with the case

a) Temporarily suspending exhibits, instruments of violations as per the law (if any);

b) Promulgating decision on administrative penalties as per the law or transferring case files in accordance with Clause 3 and Clause 4 Article 20 hereof;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 19. Inspection documents

Inspecting entities are responsible for storing inspection documents or copies of inspection documents below if case files are transferred to competent individuals:

1. Documents on electricity operation inspection and electricity use inspection of competent authorities specializing in the field of electricity

a) Decision on inspection (may include request for report);

b) Approved inspection plan;

c) Notice of inspection (if the request for report is not attached to decision on inspection, it must be attached to notice of inspection);

d) Report of inspected entities according to the outline (except for inspection of electricity use of households);

dd) Inspection log;

e) Report, presentation of inspected entities (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Inspection conclusion or guiding official dispatch (if any);

i) Documents on implementation, requesting implementation (if there are propositions to be fulfilled);

k) In case of administrative violations or criminal intent: Administrative offence notice (main copies if the case is within capacity of inspecting entities or duplicate copies in case the case files are transferred to competent individuals); decision on suspension of exhibits, instruments (if any); decision on administrative penalties or official dispatch on case file transfer;

l) Other relevant documents (if any).

2. Inspection documents on electricity use, safety assurance of electric utilities and electrical grid of Electricity inspectors

a) Decision on establishment of inspection teams or inspectorates or assigning documents of inspecting entities (applicable to planned inspections and notified inspections or irregular inspections where decision on inspection or assigning documents are issued) and documents of relevant entities assigning participants (if any);

b) Notice on inspection (in case of planned inspection and notified inspection);

c) Inspection record or electricity use inspection record (except for cases under Point dd Clause 1 and Point h Clause 2 Article 4 hereof); electronic or physical data recording inspection details and results on management system of electricity units (for cases under Point dd Clause 1 and Point h Clause 2 Article 4 hereof);

d) Photos, video recordings, electronic data recording and depicting the violation (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Electricity theft diagram if electricity theft is found;

g) Spreadsheet of stolen electricity and illegal profits gained by electricity theft determined by inspecting entities in case of electricity;

h) Duplicates of administrative offence notice if inspection teams or inspectorates discover and record violations;

i) Spreadsheet of damages and fines for violations (if any);

k) Other relevant papers, documents, and exhibits.

Article 20. Transfer of case files

1. If Electricity inspectors affiliated to DSOs, TSOs, wholesalers, retailers produce inspection records or electricity use inspection records

a) If electricity buyers infringe PPAs according to Clause 2 Article 13 of Decree No. 137/2013/ND-CP dated October 21, 2013 of the Government, case files must be stored at electricity units or transferred to relevant electricity units within 2 working days from the date of producing inspection record;

b) If electricity buyers commit administrative violations under Clauses 1 through 8 Article 12 of Decree No. 134/2013/ND-CP (amended by Clause 15 Article 2 of Decree No. 17/2022/ND-CP) and competent individuals in inspecting teams or inspectorate have produce administrative offence notice, once the inspection ends, inspecting entities shall cooperate with individuals producing administrative offence notice in finalizing the case files and transferring the case files (and relevant exhibits and instruments (if any)) to competent individuals entitled to impose administrative penalties within 2 working days from the date on which inspection record is produced;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If public officials and employees affiliated to competent authorities specializing in the field of electricity produce inspection logs which reveal infringement of PPAs according to Article 13 of Decree No. 137/2013/ND-CP dated October 21, 2013 of the Government, the case files must be sent to the infringed parties within 2 working days from the date on which inspection log is produced.

3. If signs of violations of criminal laws are present, competent individuals entitled to impose penalties accepting the case must transfer the case files (including administrative offence notice) to competent authorities entitled to press criminal charges as per the law.

4. Case files of electricity theft transferred to competent authorities entitled to press criminal charges include:

a) Documents on transfer of electricity theft case files;

b) Administrative offence notice;

c) Spreadsheet containing calculation of value of stolen electricity, illegal profits; Spreadsheet containing damages incurred as a result of electricity theft (if any);

d) Decision on administrative penalties (if administrative penalties have been issued after which point signs of violations of criminal laws are found);

dd) Decision on suspension of decision on administrative penalties (if signs of violation of criminal laws are found while administrative penalties are being complied with);

e) Electricity use inspection record or inspection log;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Electricity theft diagrams, images, video recordings, electronic data recording and depicting the violation (if any);

i) Other relevant documents and items.

Chapter IV

METHODS FOR DETERMINING AMOUNT OF STOLEN ELECTRICITY, PROFITS GENERATED BY ELECTRICITY THEFT, AND DAMAGES

Article 21. Methods for determining value of stolen electricity

1. Value of stolen electricity shall be determined using the formula below:

a) Electricity theft for non-domestic purpose:

In which:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



i: Numbers of electricity bills where electricity theft occurs;

AHDi: Amount of electricity used by the offender incurred in the ith electricity bill (kWh);

ASDi: Amount of electricity used by the offender according to the ith electricity bill that involves electricity theft, calculated in accordance with Clause 2 of this Article (kWh).

g: Electricity rate of the ith electricity bill (VND/kWh), determined as follows:

- If stolen electricity serves business purposes: Use peak-hour rate of the ith electricity bill;

- If stolen electricity serves manufacturing purposes: Use peak-hour rate of the ith electricity bill;

- If electricity vendors use electricity for manufacturing, business, service purposes, are provided with electricity by specialized transformers below 25 kVA or have average electricity consumption in the last 3 consecutive months below 2.000 kWh/month and have not purchased electricity using three-band rates, use standard rate;

- If stolen electricity serves administrative purposes: Use retail rate of the ith electricity bill.

b) Electricity theft for domestic purpose:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In which:

Ttc: Value of stolen electricity (VND);

i: Numbers of electricity bills where electricity theft occurs;

j: Number of tier in electricity tiered rate for domestic purpose;

AHDij: Amount of electricity used for domestic purposes corresponding to the jth tier and incurred by the offender in the ith electricity bill (kWh), AHDij is derived from amount of electricity incurred in the ith electricity bill (AHDi);

ASDij: Amount of electricity used for domestic purposes corresponding to the jth tier by the offender in the ith electricity bill (kWh). ASDij is derived from amount of electricity used during the ith electricity bill (ASDi) where electricity theft occurs and is calculated in accordance with Clause 2 of this Article;

gj: Electricity retail rate corresponding to the jth tier according to electricity tariff tier (VND/kWh).

c) If inspected entity uses stolen electricity for multiple purposes, profit generated by electricity theft shall be total profit generated by stolen electricity used for each purpose and electricity rate which is applied on a case-by-case basis with the following order of priority:

- Electricity rate for each purpose relies on percentage of said purpose;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Electricity rate under tariff tier.

2. Amount of electricity used in the ith electricity bill (ASDi) where electricity theft occurs is determined as follows:

a) Methods for determining amount of electricity used (ASDi) based on inspected variation of electricity meters

If the offender only tampers in order to cause electricity meters to produce incorrect reading which can be verified by inspection, amount of electricity used in the ith electricity bill shall be determined as follows:

In which:

ASDi: Amount of electricity used in the ith electricity bill where electricity theft occurs (kWh);

i: Numbers of electricity bills where electricity theft occurs;

mi: Number of days where electricity is used in the ith electricity bill (day);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 : Amount of electricity used in days where electricity theft does not occur of the ith electricity bill (kWh). Amount of electricity used in days where electricity theft does not occur shall equal number of days where electricity theft does not occur (Ti - ni) multiplied by average electricity usage according to the ith electricity bill (AHDi divided by Ti) as seen in the formula below:

 : Amount of electricity used in days where electricity theft occurs in the ith electricity bill (kWh), determined based on variation of electricity meter reading and the following formula:

s: The greatest variation according to inspection results of independent inspecting agencies (in %);

b) Methods for determining amount of electricity used in case of other electricity theft schemes or in case methods under Point a of this Clause cannot be applied or calculation results under Point a of this Clause do not fit the situation. Amount of electricity used in the ith electricity bill (ASDi) is determined as follows:

In which:

i: Numbers of electricity bills where electricity theft occurs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



ni: Number of days where electricity theft occurs in the ith electricity bill (day), determined in accordance with Clause 3 of this Article;

 : Amount of electricity used in days where electricity theft does not occur of the ith electricity bill (kWh). Amount of electricity used in days where electricity theft does not occur shall equal number of days where electricity theft does not occur (mi - ni) multiplied by average electricity usage according to the ith electricity bill (AHDi divided by mi) as seen in the formula below:

: Amount of electricity used in days where electricity theft occurs in the ith electricity bill (kWh), determined in accordance with Point c of this Clause;

c) Amount of electricity used in days where electricity theft occurs in the ith electricity bill (kWh) shall be determined as follows:

Step 1: Determine electricity consumption of days where electricity theft occurs: Based on inspection results, determine the highest electricity consumption among all electricity consumption values using the following methods:

- Method 1: Total electricity consumption at the time of inspection or violation discovery;

- Method 2: The highest electricity consumption in load profile registered under PPAs;

- Method 3: Electricity consumption of all electric appliances under manifest of electricity consumption of electric appliances registered in PPAs (in regard to PPAs serving manufacturing, business, and/or service);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Step 2: Determine amount of electricity in days where electricity theft occurs

- If electricity consumption is determined using either method 1 or method 2, apply formula below:

i: Numbers of electricity bills where electricity theft occurs;

P: Total consumption (kW) measured at the time of inspection or discovery of violation or the highest consumption (kW) in the load profile registered under PPAs;

ttb: Average number of hours of use per day of all electric appliances (hour/day), determined in accordance with inspection log or inspection record or registered load profile, if unidentifiable, Section 11 of Appendix II attached hereto prevails;

ni: Number of days where electricity theft occurs in the ith electricity bill (day), determined in accordance with Clause 3 of this Article;

- If electricity consumption is determined using either method 3 or method 4, apply formula below:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



i: Numbers of electricity bills where electricity theft occurs;

k: Number of each electric appliance;

P1, P2, …, Pk: Electricity consumption (kW) of each electric appliance under manifest of electricity consumption of electric appliances registered under PPAs or electricity consumption (kW) of each electric appliance specified in inspection log or inspection record;

t1, t2, …, tk: Number of hours of use per day of each appliance (hour/day), determined in accordance with inspection record; if unidentifiable, Appendix II attached hereto prevails;

ni: Number of days where electricity theft occurs in the ith electricity bill (day), determined in accordance with Clause 3 of this Article.

3. Number of days where electricity theft occurs (n) and number of days where electricity theft occurs in the ith electricity bill (ni) under Clause 2 of this Article is determined as follows:

a) Determine number of days where electricity theft occurs (n):

- Starting from the date on which violation is committed until the date on which it is discovered, minus periods of electricity shortage and temporary suspension of electricity use with justifiable reasons;

- If solution under Point a of this Clause is not viable, number of days where electricity theft occurs shall start from the latest electricity inspection date or the latest replacement, repair, or periodic inspection of electricity measuring system until the date of discovery without exceeding 365 days and shall not include periods of electricity shortage and temporary suspension of electricity use with justifiable reasons;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 22. Illegal profits generated by electricity theft and damages

1. Organizations and individuals committing electricity theft must return illegal profits generated by electricity theft to electricity vendors, including:

a) Value of stolen electricity determined under Article 21 hereof;

b) All costs that arise as a result of the violation, including: Costs for repairing, inspecting, calibrating, or compensating for the damaged measuring instruments or system; costs that arise and are incurred by the offender during adoption of penalties and other relevant costs as per the law (if any).

2. In addition to returning illegal profits as specified under Clause 1 of this Article, organizations and individuals committing electricity theft must compensate for other damage that they have caused to electricity vendors in accordance with civil laws.

Article 23. Implementation of decision on penalties and remedial measures of electricity theft

1. The sending of decisions on penalties for electricity theft for the purpose of organizing implementation shall conform to Article 71 and Article 73 of the Law on Administrative Penalties (and amendments thereof) and guiding documents. Organizations and individuals committing electricity theft must adopt a remedial measure which is mandated return of illegal profits generated by electricity theft (including all costs that arise as a result of the violation) in accordance with Clause 1 Article 22 hereof to the affected organizations and individuals in accordance with Point b Clause 11 Article 12 of Decree No. 134/2013/ND-CP (amended by Clause 15 Article 2 of Decree No. 17/2022/ND-CP).

2. If signs of criminal activities are found during implementation of decision on administrative penalties for electricity theft, competent individuals must issue decision on temporary suspension of decision on administrative penalties and transfer the case file to competent authorities entitled to initiate criminal proceeding in accordance with Article 62 of the Law on Administrative Penalties (and amendments thereto) and guiding documents.

3. If criminal proceeding authorities issue either decision on no criminal prosecution or decision on cancellation of decision on criminal prosecution or decision on temporary suspension of investigation or decision on temporary suspension of the case or decision on temporary suspension of the case against the defendant or exempt the offender from criminal liabilities according to judgment if the case involves administrative penalties and transfer the case file to competent individuals entitled to impose administrative penalties in accordance with Clause 3 Article 62 and Article 62 of the Law on Administrative Penalties (and amendments thereto), competent individuals entitled to impose administrative penalties are responsible for issuing decision on administrative penalties based on fine under Point b Clause 8 Article 12 of Decree No. 134/2013/ND-CP (amended by Clause 15 Article 2 of Decree No. 17/2022/ND-CP). If decision on administrative penalties is not issued in accordance with Article 125 of the Law on Administrative Penalties (and amendments thereof), competent individuals must issue decision on adoption of remedial measures for electricity theft as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. If organizations and individuals committing administrative violations fail to comply with decision on administrative penalties or decision on adoption of remedial measures, competent individuals are responsible for organizing enforcement in accordance with Decree No. 166/2013/ND-CP dated November 12, 2013 of the Government or later amending documents.

Chapter V

SETTLEMENT OF DISPUTES PERTAINING TO POWER PURCHASE AGREEMENTS

Article 24. Entitlement to settle disputes in PPAs

1. Departments of Industry and Trade are entitled to settle disputes pertaining to PPAs relating to up to 100 kV of voltage if the parties have not initiated civil proceeding or trade arbitration but have agreed upon requesting Departments of Industry and Trade to settle disputes.

2. Electricity Regulatory Authority of Vietnam is entitled to settle disputes pertaining to PPAs relating to exceeding 110 kV if the parties have not initiated civil proceedings or trade arbitration but have agreed upon requesting Electricity Regulatory Authority of Vietnam to settle disputes.

3. Electricity Regulatory Authority of Vietnam and Departments of Industry and Trade shall only settle disputes if the parties fail to reach a consensus and have requested Electricity Regulatory Authority of Vietnam and Departments of Industry and Trade to settle disputes.

Article 25. Procedures for settling disputes pertaining to PPAs

1. The parties must attempt to negotiate before requesting Electricity Regulatory Authority of Vietnam or Departments of Industry and Trade to settle disputes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Request for dispute settlement

a) Written request for dispute settlement;

b) Inspection log or other documents proving the parties’ inability to settle the disputes and agreement on requesting Electricity Regulatory Authority of Vietnam or Departments of Industry and Trade to settle;

c) Copies of PPAs;

d) Copies of license to engage in electricity operations (if any);

dd) Documents proving grounded basis and legitimacy of the request for dispute settlement;

e) Documents and evidence relating to the case.

4. Within 5 working days from the date on which written request for dispute settlement is received, Electricity Regulatory Authority of Vietnam and Departments of Industry and Trade are responsible for informing relevant parties. If request for dispute settlement is rejected, Electricity Regulatory Authority of Vietnam or Departments of Industry and Trade must respond in writing and state reason.

5. Electricity Regulatory Authority of Vietnam and Departments of Industry and Trade have the right to request relevant parties to provide documents, conduct physical inspection (if necessary), and verify documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Within 5 days from the date on which meeting for dispute settlement is held, Electricity Regulatory Authority of Vietnam or Departments of Industry and Trade are responsible for promulgating notice on settlement results.

8. In regard to complicated cases, meetings for settlement of dispute and promulgation of dispute settlement results must be done within 40 working days from the date on which adequate request is received.

9. If either party disagrees with settlement results of Electricity Regulatory Authority of Vietnam or Departments of Industry and Trade, they have the right to request trade arbitration or press charges.

Article 26. Responsibilities of relevant parties in settling disputes pertaining to PPAs

1. Parties having disputes pertaining to PPAs have the responsibility to

a) ensure accuracy of documents and information provided for dispute settlement authorities;

b) cooperate and enable dispute settlement authorities to collect adequate information and carry out physical inspection (if necessary);

c) take actions within their powers or at request of dispute settlement authorities in order to minimize damage.

2. Dispute settlement authorities have the responsibility to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) respect the agreement without contradicting the law and the right to negotiation between parties with disputes pertaining to PPAs;

c) Notify and transfer case files to competent authorities in order to deal with violations that exceed their powers as per the law.

Article 27. Penalties for contract breach and damages

1. Penalties for contract breach shall depend on agreement under contract and conform to regulations and law.

If parties have not agreed on penalties for contract breach, the non-breaching party only has the right to demand damages.

If the parties have agreed on penalties for contract breach, the non-breaching party has the right to impose penalties and demand damages.

2. Damages of contract breach shall depend on regulations and law unless otherwise agreed upon under the contract.

3. Value of the breached obligations and damages of each violation shall be determined in accordance with Article 28 and Article 29 hereof. Other damage shall be agreed upon by both parties.

4. The time limit for paying damages shall be agreed upon by both parties but no more than 15 days from the date on which damages request is accepted. If breaching party fails to pay damages within the aforementioned time limit, they shall incur late payment interest on the damages as per the law or otherwise agreed upon in the contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Breaching party shall compensate for all losses of the non-breaching party that originate from the breach. Damages include compensation for actual losses and direct losses sustained by the non-breaching party as a result of the breach and profits which the non-breaching party would have gained if the breach had not occurred. The party that requests damages must prove the losses and level thereof caused by the breach and profits which they would have gained if the breach had not occurred.

Article 28. Methods for determining value of breached contract obligations in regard to violation of electricity vendors

1. Delaying electricity supply as agreed upon in PPAs

a) Compensate electricity buyers for damage sustained by the buyers as a result of the breach;

b) Penalties for contract breach shall be agreed upon by the parties in the contract and based on value of the breached contract obligations.

Value of breached contract obligations shall be determined by amount of electricity agreed upon in the contract and calculated based on registered power, the duration of power usage in a day, electricity rate specified in PPAs, and number of days in which electricity supply is delayed which is determined from the date on which electricity vendors produce commitment to supply electricity to the date on which electricity is supplied and formula below:

T = A x g x n

In which:

T: Value of breached contract obligations (VND);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g: Electricity rate (VND/kWh) for the purpose of calculating compensation, calculated using the highest rates among signed PPAs;

n: Number of days where electricity supply is delayed.

2. Failing to maintain quality or quantity of electricity as per signed contracts thereby causing damage to electricity buyers

a) Compensate electricity buyers for damage sustained by the electricity buyers as a result of electricity vendor’s failure and profits which electricity vendors would have gained if the breach had not occurred;

b) Penalties for contract breach shall be agreed upon by the parties in the contract and based on value of the breached contract obligations.

Value of breached contract obligations shall be determined by amount of electricity agreed upon in the contract and calculated based on registered consumption, electricity rate in PPAs, and period in which electricity quality or quantity is compromised and formula below:

T = P x t x g

In which:

T: Value of breached contract obligations (VND);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



t: Period in which electricity quality or quantity is compromised (hour);

g: Electricity rate (VND/kWh) for the purpose of calculating compensation, calculated using the highest rates among signed PPAs.

3. Incorrectly recording electricity reading or incorrectly calculating electricity bill thereby causing damage to electricity buyers

a) Electricity vendors must return any amount overpaid by the electricity buyers together with interest rate agreed upon by the parties in the contract;

b) Electricity vendors must be met with penalties for contract breach agreed upon in PPAs.

4. Failing to adjust when electricity buyers notify and fulfill requirements for increasing the number of households sharing an electricity meter or notify and fulfill requirements for increasing domestic electricity usage

a) Electricity vendors must return any amount overpaid by electricity buyers during the duration of the violation. The duration of the violation starts from the electricity bill period that follows the period in which electricity buyers notify and fulfill requirements for increasing the number of households sharing an electricity meter or notify and fulfill requirements for increasing domestic electricity usage to the date on which electricity vendors adjust accordingly;

b) Electricity vendors must be met with penalties for contract breach agreed upon in PPAs.

Article 29. Methods for determining value of breached contract obligations in regard to violation of electricity buyers

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Compensate electricity vendors for damage sustained by the vendors as a result of the breach;

b) Penalties for contract breach shall be agreed upon by the parties in the contract and based on value of the breached contract obligations.

Value of breached contract obligations shall be determined by amount of electricity agreed upon in the contract and calculated based on registered capacity, the duration of power usage in a day, electricity rate specified in PPAs, and number of days in which contract execution is delayed which is determined from the date on which electricity buyers produce commitment to execute the contract to the date on which the contract is executed and formula below:

T = A x g x n

In which:

T: Value of breached contract obligations (VND);

A: Daily power usage, determined by parameters registered under PPAs (consumption multiplied by duration of electricity usage in a day);

g: Electricity rate (VND/kWh) for the purpose of calculating compensation, calculated using the highest rates among signed PPAs;

n: Number of days where contract execution is delayed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Compensate electricity vendors for the difference between electricity rates for the entire duration of the violation plus interest thereof agreed upon under PPAs. If time of violation cannot be clearly identified, duration of the violation shall be considered 365 days;

b) Electricity buyers must be met with penalties for contract breach agreed upon in PPAs.

3. Exceeding the consumption registered in load profile under PPAs during peak hours

a) Electricity buyers must compensate electricity vendors for damage caused to the vendors;

b) Penalties for contract breach shall be agreed upon by the parties in the contract and based on value of the breached contract obligations.

Value of breached contract obligations shall be determined using the following formula:

T= ∆P x t x g

In which:

T: Value of breached contract obligations (VND);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



t: Duration of the violation in hours (count as 1 hour if less than 1 hour);

g: Peak-hour electricity rate according to tariff prescribed by competent authorities during the period for which compensation is calculated (VND/kWh).

4. Failing to cut power or reduce electricity consumption upon receiving notice of electricity vendors for cases under Article 27 of the Law on Electricity.

a) Electricity buyers must compensate electricity vendors for damage caused to the vendors;

b) Electricity buyers shall be met with penalties for contract breached agreed upon in the contract.

5. Failing to pay electricity bill in a timely manner

a) Conform to Clause 2 and Clause 4 Article 23 of the Law on Electricity;

b) Electricity buyers shall be met with penalties for contract breached agreed upon in the contract.

6. Failing to notify electricity vendors upon reducing number of households sharing an electricity meter or reducing domestic electricity usage or failing to correctly declare quantity of electricity users in order to obtain higher electricity usage

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Electricity buyers must be met with penalties for contract breach agreed upon in PPAs.

Chapter VI

ORGANIZING IMPLEMENTATION

Article 30. Responsibilities of Electricity Regulatory Authority of Vietnam and Departments of Industry and Trade

1. Electricity Regulatory Authority of Vietnam has the responsibility to:

a) guide, inspect, and supervise the implementation of regulations on inspection of electricity operations and electricity use of Departments of Industry and Trade, specialized Departments affiliated to People’s Committees of districts, towns, cities, and inspection of electricity use, safety assurance of electric utilities and electrical grids of electricity units;

b) guide, inspect, and supervise training, examination, and issuance of electricity inspector card in accordance with this Circular on a nationwide scale.

2. Departments of Industry and Trade are responsible for:

a) guide, inspect, and supervise the implementation of regulations on inspection of electricity operations and electricity use of specialized Departments affiliated to People’s Committees of districts, towns, cities, and inspection of electricity use, safety assurance of electric utilities and electrical grids of electricity units in the provinces;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 31. Report

1. By the end of February 15 each year, provincial electricity units are responsible for submitting reports on training, examination, and issuance of electricity inspector card; inspection of electricity use and safety assurance of electric utilities and electrical grids in person or via pos or via email (if any) to Departments of Industry and Trade using form No. 1 under Appendix IV attached hereto.

2. By the end of March 1 each year, Departments of Industry and Trade are responsible for submitting reports on inspection and penalties for violations in electricity operations, electricity use, and settlement of disputes pertaining to PPAs in person or via post or via email (if any) to Electricity Regulatory Authority of Vietnam using form No. 2 under Appendix IV attached hereto.

3. By the end of March 1 each year, Vietnam Electricity, National Power Transmission Corporation and Power Corporations affiliated to Vietnam Electricity are responsible for submitting reports on training, examination, and issuance of electricity inspector card, inspection of electricity use, safety assurance of electric utilities and electrical grids of electricity inspectors holding cards that they have issued in person or via post or via email (if any) to Electricity Regulatory Authority of Vietnam using form No. 3 under Appendix IV attached hereto.

Article 32. Responsibilities for implementation

1. This Circular comes into force from February 16, 2023.

2. The following documents or parts of documents expire from the effective date hereof:

a) Circular No. 27/2013/TT-BCT dated October 31, 2013 of the Minister of Industry and Trade;

b) Circular No. 31/2018/TT-BCT dated October 5, 2018 of the Minister of Industry and Trade on amendment to Circular No. 27/2013/TT-BCT dated October 31, 2013;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Clause 3 Article 7 and Clause 3 Article 10 of Circular No. 22/2020/TT-BCT dated September 9, 2020 of the Minister of Industry and Trade.

3. Electricity inspector cards issued to public officials and public employees working in competent authorities specializing in the field of electricity shall expire from the effective date hereof. Electricity inspector cards issued to personnel of DSOs, TSOs, electricity wholesalers, and electricity retailers before the effective date hereof shall remain effective for the remaining duration.

4. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to Electricity Regulatory Authority of Vietnam or the Ministry of Industry and Trade./.

 

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Dang Hoang An

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 42/2022/TT-BCT ngày 30/12/2022 quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


18.047

DMCA.com Protection Status
IP: 18.189.180.76
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!