Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 13/2014/TT-BTC thủ tục hải quan hàng hóa gia công thương nhân nước ngoài

Số hiệu: 13/2014/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Ngày ban hành: 24/01/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Giảm thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản HĐ gia công

Vừa qua, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 13/2014/TT-BTC nhằm quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài.

Trong đó, thù tục thanh khoản được chia thành hai giai đoạn khác biệt so với Thông tư 17/2011/TT-BTC .

Theo đó, tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc, thương nhân phải có văn bản đề nghị Chi cục hải quan xem xét và chấp thuận phương án giải quyết nguyên vật liệu dư thừa, máy móc thuê...

Tiếp đến, chậm nhất 30 ngày làm việc kể từ ngày hải quan chấp thuận phương án giải quyết trên thì doanh nghiệp phải thực hiện xong thủ tục hải quan và nộp đủ hồ sơ thanh khoản hợp đồng.

Đối với những hợp đồng có nhiều phụ lục thì thời hạn thanh khoản tính tương tự như trên đối với từng phụ lục riêng còn những quy định khác về gia hạn hay nội dung hồ sơ thanh khoản không thay đổi.

Thông tư này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/03/2014.

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 13/2014/TT-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2014

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA GIA CÔNG VỚI THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan;

Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005; Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

Căn cứ Bộ Luật dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

Căn cứ Bộ Luật Hình sự số 15/1999/QH10 ngày 21/12/1999;

Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài như sau:

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhận gia công tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài và thủ tục hải quan đối với hàng hóa đặt gia công ở nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đối tượng được gọi chung là thương nhân dưới đây:

a) Doanh nghiệp Việt Nam được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật đầu tư;

c) Hợp tác xã được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã;

d) Hộ kinh doanh cá thể được đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

2. Cơ quan hải quan, công chức hải quan.

3. Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. “Nguyên liệu gia công” bao gồm nguyên liệu chính và phụ liệu:

a) “Nguyên liệu chính” là nguyên liệu tạo nên thành phần chính của sản phẩm.

b) “Phụ liệu” là phần nguyên liệu tham gia tạo nên sản phẩm gia công nhưng không phải thành phần chính của sản phẩm.

2. “Vật tư gia công” là các loại sản phẩm, bán thành phẩm tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm gia công nhưng không trực tiếp cấu thành sản phẩm gia công. Vật tư gia công bao gồm cả bao bì hoặc vật liệu làm bao bì chứa sản phẩm gia công.

3. “Phế liệu gia công” là nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị bị loại ra trong quá trình gia công được thu hồi để làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.

4. “Phế thải gia công” là nguyên liệu, vật tư bị loại ra trong quá trình gia công nhưng không còn giá trị sử dụng.

5. “Phế phẩm gia công” là sản phẩm, bán thành phẩm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật (quy cách, kích thước, phẩm chất,...) theo thỏa thuận của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công, bị loại ra trong quá trình gia công.

6. Định mức thực tế sản xuất sản phẩm gia công (dưới đây viết tắt là định mức), bao gồm:

a) “Định mức sử dụng nguyên liệu” là lượng nguyên liệu cần thiết, hợp lý thực tế sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm gia công;

b) “Định mức vật tư tiêu hao” là lượng vật tư tiêu hao thực tế cho sản xuất một đơn vị sản phẩm gia công;

c) “Tỷ lệ hao hụt nguyên liệu hoặc vật tư” là lượng nguyên liệu hoặc vật tư thực tế hao hụt bao gồm hao hụt tự nhiên, hao hụt do tạo thành phế liệu, phế phẩm, phế thải gia công (trừ phế liệu, phế thải đã tính vào định mức sử dụng) tính theo tỷ lệ % so với định mức sử dụng nguyên liệu hoặc định mức vật tư tiêu hao.

7. “Định mức tách nguyên liệu thành phần từ nguyên liệu ban đầu” là lượng nguyên liệu thành phần được tách ra từ một nguyên liệu ban đầu.

8. “Máy móc, thiết bị, dụng cụ trực tiếp phục vụ gia công” là những máy móc, thiết bị, dụng cụ nằm trong dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm gia công, do bên đặt gia công cho bên nhận gia công thuê, mượn để thực hiện hợp đồng gia công.

9. “Hàng hóa gia công” quy định tại Điều 28 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ (dưới đây viết tắt Nghị định số 187/2013/NĐ-CP) là sản phẩm hoàn chỉnh của một quy trình sản xuất, chế biến và đảm bảo được yêu cầu của bên đặt gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công.

10. “Thương nhân nhận gia công lần đầu” là thương nhân chưa từng được cơ quan hải quan tiếp nhận hợp đồng gia công tính từ thời điểm thông báo hợp đồng gia công trở về trước.

Điều 4. Hình thức hợp đồng gia công

1. Hợp đồng gia công được lập thành văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

2. Về chữ ký và con dấu trên hợp đồng:

Đối với thương nhân nước ngoài phải có chữ ký; đối với thương nhân Việt Nam ký, đóng dấu theo quy định của pháp luật Việt Nam; đối với thương nhân là hộ kinh doanh cá thể thì ký, ghi rõ họ tên; số, ngày, nơi cấp chứng minh nhân dân của chủ hộ kinh doanh.

3. Các chứng từ kèm theo hợp đồng do bên đặt gia công là thương nhân nước ngoài phát hành bằng hình thức điện tử thì bên nhận gia công là thương nhân Việt Nam ký, đóng dấu xác nhận.

Đối với thương nhân Việt Nam là hộ kinh doanh cá thể thì thực hiện theo khoản 2 Điều này.

Điều 5. Nội dung hợp đồng gia công

Nội dung hợp đồng gia công thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.

Trường hợp bên đặt gia công và bên nhận gia công phát sinh giao dịch qua bên thứ ba như bên đặt gia công chỉ định bên nhận gia công nhận nguyên liệu, vật tư từ đối tác thứ ba hoặc chỉ định giao sản phẩm gia công xuất khẩu cho đối tác thứ ba thì phải thể hiện trên hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng hoặc văn bản, tài liệu có liên quan để chứng minh.

Điều 6. Phụ lục hợp đồng gia công

1. Trường hợp một hợp đồng gia công có thời hạn hiệu lực trên một năm thì có thể tách thành nhiều phụ lục hợp đồng để thực hiện; thời gian thực hiện một phụ lục hợp đồng không quá một năm. Trường hợp đặc biệt thời gian gia công một sản phẩm vượt quá một năm thì hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công thực hiện theo từng sản phẩm (như gia công đóng tàu, sửa chữa tàu biển,...).

2. Phụ lục hợp đồng gia công là một bộ phận không tách rời của hợp đồng gia công.

3. Mọi sự sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các điều khoản của Hợp đồng gia công (kể cả gia hạn hợp đồng) được thể hiện bằng phụ lục hợp đồng trước thời điểm hợp đồng gia công hết hiệu lực và thông báo phụ lục này với cơ quan hải quan trước hoặc cùng thời điểm thương nhân Việt Nam (sau đây gọi tắt là thương nhân) làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng đầu tiên theo phụ lục hợp đồng đó. Phụ lục hợp đồng gia công có đầy đủ chữ ký, con dấu như hợp đồng gia công theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Khi hợp đồng gia công đã thực hiện xong và sản phẩm gia công đã xuất khẩu hết đồng thời hợp đồng gia công đã hết hiệu lực thì thương nhân không được tiếp tục gia hạn hợp đồng gia công.

Đối với trị giá nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công khi có thay đổi, bổ sung thì chấp nhận trị giá ghi trên hóa đơn thương mại của hồ sơ nhập khẩu, không bắt buộc mở phụ lục để điều chỉnh.

Điều 7. Địa điểm làm thủ tục hải quan

Việc thực hiện thủ tục hải quan đối với một hợp đồng gia công được thực hiện tại một Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố do thương nhân lựa chọn, cụ thể:

1. Tại Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan nơi thương nhân có cơ sở sản xuất hoặc cơ sở sản xuất nơi gia công lại;

2. Tại Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan nơi thương nhân có trụ sở chính được thành lập theo quy định của pháp luật;

3. Tại Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan nơi có Chi nhánh của thương nhân; chi nhánh này được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng, nhiệm vụ làm thủ tục hải quan theo quy định và đóng trên địa bàn có cửa khẩu thực tế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để thực hiện hợp đồng gia công;

4. Trường hợp thương nhân được tổ chức theo mô hình Tập đoàn, Tổng công ty (Công ty mẹ - Công ty con) có đơn vị chuyên trách thực hiện việc nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để cung cấp cho các đơn vị trực thuộc hoặc có cơ sở sản xuất tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì được lựa chọn một Chi cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất hoặc một Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để thực hiện hợp đồng gia công;

5. Trường hợp tại nơi có cơ sở sản xuất hoặc nơi có trụ sở chính của thương nhân không có tổ chức hải quan thì thương nhân được lựa chọn một Chi cục Hải quan thuận tiện thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố để đăng ký làm thủ tục hải quan.

Điều 8. Trách nhiệm của thương nhân, cơ quan hải quan

1. Đối với thương nhân:

Thương nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của thương nhân trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật về:

ạ) Sử dụng đúng mục đích, đúng định mức nguyên liệu, vật tư gia công theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.

b) Thông báo hợp đồng gia công; làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư; thông báo, điều chỉnh định mức; làm thủ tục gia công chuyển tiếp; làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công; thanh khoản hợp đồng gia công và các thủ tục khác liên quan đến hợp đồng gia công với cơ quan hải quan.

c) Xây dựng, quản lý, theo dõi nguyên liệu, vật tư trên hệ thống sổ kế toán của thương nhân từ khi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư cho đến khi thanh khoản xong hợp đồng gia công và lưu trữ theo thời hạn quy định của pháp luật.

d) Phối hợp với cơ quan hải quan trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hợp đồng gia công và làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa gia công.

2. Đối với cơ quan hải quan:

a) Thực hiện thủ tục hải quan, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng gia công của thương nhân;

b) Kiểm tra việc sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gia công của thương nhân để đảm bảo sử dụng đúng mục đích đã đăng ký với cơ quan hải quan;

c) Kiểm tra cơ sở sản xuất của thương nhân đối với trường hợp phải kiểm tra cơ sở sản xuất;

d) Áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp đối với trường hợp thương nhân có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản theo quy định tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn liên quan;

đ) Ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi và quản lý chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng gia công của thương nhân.

MỤC 2. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬN GIA CÔNG TẠI VIỆT NAM CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Điều 9. Thủ tục thông báo hợp đồng gia công

1. Trách nhiệm của thương nhân:

Chậm nhất 01 ngày làm việc đối với trường hợp không phải kiểm tra cơ sở sản xuất, 08 ngày làm việc đối với trường hợp phải kiểm tra cơ sở sản xuất trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên của hợp đồng gia công, thương nhân thông báo hợp đồng gia công với cơ quan hải quan. Hồ sơ gồm:

a) Hợp đồng gia công và các phụ lục hợp đồng (nếu có): nộp 02 bản chính (01 bản Hải quan lưu và 01 bản trả lại cho thương nhân sau khi tiếp nhận hợp đồng) và 01 bản dịch tiếng Việt (áp dụng đối với tiếng nước ngoài, trừ tiếng Anh).

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài (áp dụng đối với trường hợp làm thủ tục thông báo hợp đồng gia công lần đầu): nộp 01 bản chụp có xác nhận của chính thương nhân.

c) Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (áp dụng đối với trường hợp làm thủ tục đăng ký lần đầu): nộp 01 bản chụp có xác nhận của chính thương nhân.

d) Giấy phép của Bộ Công Thương đối với sản phẩm gia công thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép: nộp 01 bản chụp có xác nhận của chính thương nhân, xuất trình bản chính để đối chiếu.

đ) Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (đối với trường hợp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu gia công) theo quy định của pháp luật: nộp 01 bản chụp có xác nhận của chính thương nhân, xuất trình bản chính để đối chiếu.

e) Văn bản thông báo cơ sở sản xuất đối với thương nhân nhận gia công lần đầu: nêu rõ địa chỉ trụ sở của thương nhân, địa chỉ cơ sở sản xuất, mặt hàng sản xuất, dây chuyền trang thiết bị (gồm chủng loại, số lượng máy móc, thiết bị hiện có), công suất hoạt động của dây chuyền máy móc, thiết bị, năng lực sản xuất (số lượng sản phẩm tối đa có thể sản xuất trong tháng/quý/năm; tình hình nhân lực...(áp dụng cả trường hợp thuê gia công lại); số tài khoản và tên ngân hàng thương nhân giao dịch với nước ngoài: nộp 01 bản chính.

Thương nhân chỉ thông báo một lần và thông báo bổ sung khi có sự thay đổi về các nội dung đã thông báo. Trường hợp có sự thay đổi về pháp nhân, địa chỉ trụ sở làm việc, địa chỉ cơ sở sản xuất (từ khi thông báo hợp đồng gia công đến khi thanh khoản xong hợp đồng gia công) thì trước thời điểm hoạt động theo pháp nhân mới hoặc trước thời điểm chuyển về hoạt động tại địa chỉ trụ sở làm việc, địa chỉ trụ sở sản xuất mới, thương nhân có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công biết.

g) Hợp đồng thuê gia công lại (đối với trường hợp thuê gia công lại một phần hoặc toàn bộ sản phẩm gia công): nộp 01 bản chụp có xác nhận của chính thương nhân, xuất trình bản chính để đối chiếu.

h) Hợp đồng thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất đối với trường hợp thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất: nộp 01 bản chụp có xác nhận của chính thương nhân, xuất trình bản chính để đối chiếu.

2. Nhiệm vụ của cơ quan hải quan khi làm thủ tục tiếp nhận hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công:

2.1. Đối với tiếp nhận hợp đồng gia công:

a) Trường hợp không kiểm tra cơ sở sản xuất trước khi tiếp nhận hợp đồng gia công:

a1) Kiểm tra điều kiện được nhận hợp đồng gia công;

a2) Kiểm tra tính đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ của hợp đồng gia công;

a3) Nhập các thông tin liên quan đến hợp đồng gia công vào hệ thống máy tính; trả lại cho thương nhân 01 bản chính hợp đồng gia công, các chứng từ bản chính đã xuất trình;

a4) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan hải quan thông báo ngay cho thương nhân bằng Phiếu yêu cầu nghiệp vụ để hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp có nhiều hồ sơ tiếp nhận cùng một thời điểm, không thể thông báo ngay cho thương nhân thì chậm nhất 02 giờ làm việc kể từ khi tiếp nhận, cơ quan hải quan thông báo cho thương nhân bằng Phiếu yêu cầu nghiệp vụ để hoàn thiện hồ sơ.

a5) Chậm nhất 08 giờ làm việc kể từ khi thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan hải quan hoàn thành thủ tục tiếp nhận hợp đồng gia công.

b) Trường hợp kiểm tra cơ sở sản xuất trước khi tiếp nhận hợp đồng gia công:

b1) Thực hiện các công việc nêu tại điểm a1, a2, a3, a4 khoản 2 Điều này;

b2) Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan hải quan tiến hành xong kiểm tra cơ sở sản xuất và hoàn thành việc tiếp nhận hợp đồng gia công (hoặc từ chối tiếp nhận bằng Phiếu yêu cầu nghiệp vụ nếu không đủ điều kiện).

Đối với trường hợp thương nhân có cơ sở sản xuất ở tỉnh, thành phố khác với nơi thông báo hợp đồng gia công thì chậm nhất là 08 ngày làm việc kể từ khi thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan hải quan tiến hành xong kiểm tra cơ sở sản xuất và hoàn thành việc tiếp nhận hợp đồng gia công (hoặc từ chối tiếp nhận bằng Phiếu yêu cầu nghiệp vụ nếu không đủ điều kiện).

Việc kiểm tra cơ sở sản xuất thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

c) Trường hợp cơ quan hải quan không có ý kiến phản hồi trong thời gian quy định tại điểm 2.1, khoản 2 Điều này thì thương nhân mặc nhiên được phép thực hiện hợp đồng gia công.

2.2. Đối với tiếp nhận phụ lục hợp đồng gia công:

Khi tiếp nhận phụ lục hợp đồng gia công, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra, đối chiếu nội dung phụ lục hợp đồng với hợp đồng gia công. Trường hợp các điều khoản của phụ lục phù hợp với nội dung các điều khoản của hợp đồng thì thực hiện tiếp nhận phụ lục hợp đồng gia công.

Nhập các thông tin được thông báo tại phụ lục vào hệ thống máy tính; trả lại cho thương nhân 01 bản chính phụ lục hợp đồng gia công, các chứng từ bản chính đã xuất trình (nếu có).

2.3. Cấp số tiếp nhận hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công:

Sau khi tiếp nhận, kiểm tra các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, công chức hải quan cấp số tiếp nhận, ghi rõ ngày, tháng, năm tiếp nhận, ký tên, đóng dấu số hiệu công chức lên trang đầu tiên của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công và các chứng từ kèm theo (nếu có); nhập số tiếp nhận hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công vào hệ thống để theo dõi, quản lý.

Điều 10. Kiểm tra cơ sở sản xuất

1. Các trường hợp kiểm tra cơ sở sản xuất:

a) Thương nhân thông báo thực hiện hợp đồng gia công lần đầu với cơ quan hải quan hoặc thương nhân đã thông báo hợp đồng gia công tại Chi cục Hải quan khác nhưng Chi cục Hải quan nơi đã tiếp nhận hợp đồng gia công chưa kiểm tra cơ sở sản xuất;

b) Thương nhân nhận gia công nhưng không thực hiện mà thuê thương nhân khác gia công lại một phần hoặc toàn bộ hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công;

c) Thương nhân thuê lại toàn bộ nhà xưởng, mặt bằng sản xuất, máy móc, thiết bị của thương nhân khác để thực hiện hợp đồng gia công;

d) Quá 02 tháng (hoặc quá chu kỳ sản xuất một sản phẩm đối với gia công sản phẩm đặc thù như đóng tàu, cơ khí...) kể từ khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu lô nguyên liệu, vật tư lần đầu tiên của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công nhưng không có sản phẩm xuất khẩu.

đ) Thương nhân đã được Chi cục Hải quan tiếp nhận và đang thực hiện hợp đồng gia công nhưng liên tục thông báo nhiều hợp đồng gia công khác vượt quá năng lực sản xuất thực tế của chính thương nhân và/hoặc của thương nhân nhận gia công lại;

e) Cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra trên cơ sở kết quả quản lý rủi ro và kiểm tra xác suất để đánh giá sự tuân thủ pháp luật của thương nhân.

2. Thời điểm kiểm tra cơ sở sản xuất:

a) Sau khi thương nhân nộp đầy đủ hồ sơ thông báo hợp đồng gia công, hoặc

b) Trong quá trình thương nhân sản xuất sản phẩm.

3. Thẩm quyền quyết định kiểm tra cơ sở sản xuất của thương nhân là lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công; nội dung kiểm tra được thông báo bằng văn bản cho thương nhân biết trước 03 ngày làm việc. Trường hợp thương nhân lần đầu thông báo hợp đồng gia công hoặc đang thực hiện hợp đồng gia công nhưng cơ quan hải quan có nghi vấn về năng lực sản xuất thì việc kiểm tra được thực hiện ngay sau khi lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công quyết định kiểm tra.

4. Nội dung kiểm tra cơ sở sản xuất:

a) Kiểm tra địa chỉ cơ sở sản xuất: Kiểm tra tại địa chỉ do thương nhân khai trong văn bản giải trình đối với thương nhân nhận gia công lần đầu hoặc địa chỉ cơ sở sản xuất do thương nhân cung cấp; có thể kiểm tra trực tiếp tại địa chỉ cơ sở sản xuất kết hợp với kiểm tra thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất thông qua chính quyền sở tại như Sở Kế hoạch đầu tư, Công an, cơ quan Thuế địa phương, Tổ dân phố,...

b) Kiểm tra quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp về nhà xưởng, mặt bằng sản xuất; máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất:

b1) Kiểm tra giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp về nhà xưởng, mặt bằng sản xuất. Trường hợp đi thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất, máy móc, thiết bị thì thời hạn hiệu lực của hợp đồng thuê phải bằng hoặc kéo dài hơn thời hạn hiệu lực của hợp đồng gia công;

b2) Kiểm tra quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất với khai của thương nhân trong văn bản thông báo để xác định quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của thương nhân đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất. Nội dung kiểm tra: kiểm tra các tờ khai nhập khẩu (nếu nhập khẩu); hóa đơn, chứng từ mua máy móc, thiết bị (nếu mua trong nước); hợp đồng thuê tài chính (nếu thuê tài chính). Đối với hợp đồng thuê tài chính thì thời hạn hiệu lực của hợp đồng thuê bằng hoặc kéo dài hơn thời hạn hiệu lực của hợp đồng gia công;

c) Kiểm tra tình hình nhân lực thực hiện hợp đồng gia công:

Trường hợp không kiểm tra được qua các thông tin do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp thì cơ quan hải quan kiểm tra như sau:

c1) Đối với thương nhân đã hoạt động từ 02 tháng trở lên:

c1.1) Kiểm tra hợp đồng lao động; hoặc

c1.2) Kiểm tra bảng trả lương cho công nhân tháng gần nhất với đợt kiểm tra.

c2) Đối với thương nhân mới bắt đầu hoạt động sản xuất nhưng chưa đủ 02 tháng: việc kiểm tra tình hình nhân lực được thực hiện trong quá trình sản xuất sản phẩm gia công.

d) Kiểm tra năng lực sản xuất của thương nhân:

d1) Kiểm tra số lượng máy móc, dây chuyền, trang thiết bị hiện có tại cơ sở sản xuất;

d2) Kiểm tra tình trạng máy móc, thiết bị (mới, đã qua sử dụng,...);

Đối chiếu số lượng, công suất hoạt động của máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện có tại cơ sở sản xuất với tình hình nhân lực tại thời điểm kiểm tra để đánh giá số lượng sản phẩm tối đa thương nhân có thể sản xuất được trong tháng/quý/năm, đồng thời để xác định sự phù hợp với mặt hàng, lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công hàng hóa xuất khẩu.

Kết thúc kiểm tra, công chức hải quan lập Biên bản kiểm tra cơ sở sản xuất theo các nội dung đã kiểm tra. Nội dung Biên bản kiểm tra cơ sở sản xuất phản ánh đầy đủ, trung thực với thực tế kiểm tra, có chữ ký của công chức hải quan thực hiện kiểm tra và người đại diện theo pháp luật của thương nhân được kiểm tra. Mẫu Biên bản kiểm tra cơ sở sản xuất do Tổng cục Hải quan hướng dẫn.

6. Trên cơ sở Biên bản kiểm tra cơ sở sản xuất, lập Kết luận kiểm tra cơ sở sản xuất (02 bản). Kết luận kiểm tra cơ sở sản xuất do lãnh đạo Chi cục ký và gửi 01 bản cho thương nhân để thực hiện. Mẫu Kết luận kiểm tra cơ sở sản xuất do Tổng cục Hải quan hướng dẫn.

7. Xử lý kết quả kiểm tra cơ sở sản xuất đối với các trường hợp không đảm bảo điều kiện thực hiện hợp đồng gia công:

a) Trường hợp chưa tiếp nhận hợp đồng gia công: cơ quan hải quan trả lại hồ sơ thông báo hợp đồng gia công và nêu rõ lý do.

b) Trường hợp cơ quan hải quan đã tiếp nhận hợp đồng gia công:

b1) Trường hợp có cơ sở sản xuất nhưng chưa đảm bảo các điều kiện sản xuất theo quy trình sản xuất sản phẩm thì yêu cầu thương nhân có văn bản cam kết khắc phục trong thời hạn nhất định. Đồng thời cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục nhập khẩu các lô nguyên liệu, vật tư tiếp theo của hợp đồng gia công đó cho đến khi thương nhân đảm bảo các điều kiện về cơ sở sản xuất phù hợp với mặt hàng gia công và giải trình của thương nhân trong bản giải trình cơ sở sản xuất.

b2) Trường hợp không có cơ sở sản xuất thì cơ quan hải quan dừng làm thủ tục nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư để thực hiện hợp đồng gia công đó; yêu cầu thương nhân giải trình; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để chuyển hồ sơ cho đơn vị hải quan làm nhiệm vụ kiểm soát chống buôn lậu hoặc kiểm tra sau thông quan để xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Thủ tục thông báo định mức

1. Nguyên tắc chung:

a) Việc thông báo định mức thực tế sản phẩm xuất khẩu được thực hiện cho từng mã sản phẩm. Định mức tách nguyên liệu thành phần từ nguyên liệu ban đầu được thông báo theo từng mã nguyên liệu ban đầu.

Trường hợp một loại nguyên liệu sản xuất ra nhiều loại sản phẩm, nguyên liệu loại ra khi sản xuất một loại sản phẩm được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm xuất khẩu khác thì không được coi là phế liệu, không được tính vào tỷ lệ hao hụt và được coi là nguyên liệu thành phần.

b) Đối với những mã hàng có nhiều kích cỡ (nhiều size) thì khai định mức theo từng kích cỡ (từng size) hoặc khai định mức bình quân cho từng mã hàng. Cách tính định mức bình quân và giải trình thực hiện theo hướng dẫn tại mẫu số 03/TBĐM-GC/2014 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp thương nhân thông báo định mức của mã hàng theo định mức bình quân nhưng trong quá trình xuất khẩu sản phẩm gia công có sự điều chỉnh về lượng sản phẩm xuất khẩu theo từng kích cỡ so với lượng sản phẩm của từng kích cỡ trong bảng giải trình thông số tính định mức bình quân khi thông báo ban đầu thì thương nhân tính lại định mức bình quân theo thực tế sản phẩm xuất khẩu và thông báo với cơ quan hải quan nơi đã tiếp nhận định mức ban đầu.

c) Đơn vị tính trong Bảng thông báo định mức thực hiện theo đơn vị tính trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính và thống nhất với đơn vị tính trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công đã thông báo, trên tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu, các chứng từ, tài liệu liên quan.

Trường hợp đơn vị tính trong Bảng thông báo định mức không thể sử dụng được theo đơn vị tính trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 156/2011/TT-BTC dẫn trên thì thương nhân có trách nhiệm quy đổi lượng hàng trên tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu theo đơn vị tính tại Bảng thông báo định mức và phải thống nhất với đơn vị tính tại hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công và chứng từ, tài liệu liên quan.

d) Khi điều chỉnh định mức của mã hàng, thương nhân không phải thay đổi mã hàng đã thông báo với cơ quan hải quan. Thương nhân và đơn vị hải quan làm thủ tục cho hợp đồng gia công thống nhất bổ sung thêm mã phụ cho mã hàng đó trên bảng điều chỉnh định mức và trên tờ khai xuất khẩu đối với mã hàng có định mức điều chỉnh. Riêng đối với điều chỉnh định mức sau khi xuất khẩu sản phẩm, thương nhân và đơn vị hải quan làm thủ tục cho hợp đồng gia công thống nhất bổ sung thêm mã phụ cho mã hàng đó trên bảng điều chỉnh định mức.

đ) Định mức thương nhân đã thông báo, đã điều chỉnh, đã tính lại với cơ quan hải quan là định mức để thanh khoản hợp đồng gia công.

2. Thông báo định mức

a) Trách nhiệm của thương nhân:

a1) Xây dựng định mức để sản xuất sản phẩm gia công xuất khẩu;

a2) Thông báo định mức thực tế sử dụng với cơ quan hải quan theo mẫu số 03/TBĐM-GC/2014 - Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; trong bản thông báo định mức phải thể hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật của sản phẩm liên quan đến việc xác định định mức;

a3) Lưu định mức thực tế; sơ đồ thiết kế mẫu sản phẩm hoặc quy trình sản xuất (nếu có), sơ đồ giác mẫu hoặc mẫu rập (đối với lĩnh vực dệt may và da giày) tại trụ sở doanh nghiệp; thời hạn lưu theo quy định của Luật Hải quan và xuất trình khi cơ quan hải quan có yêu cầu.

b) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

b1) Chậm nhất 01 giờ kể từ khi thương nhân nộp Bảng thông báo định mức, cơ quan hải quan phải hoàn thành việc tiếp nhận thông báo định mức. Trường hợp trong bảng thông báo định mức thương nhân không thể hiện đầy đủ thông số kỹ thuật theo quy định tại điểm a2 khoản này thì từ chối tiếp nhận và đề nghị thương nhân bổ sung đầy đủ.

b2) Lưu định mức do thương nhân thông báo cùng hồ sơ hải quan theo quy định của Luật Hải quan;

b3) Thực hiện kiểm tra định kỳ định mức thương nhân đã thông báo; kiểm tra đột xuất áp dụng đối với trường hợp có thông tin nghi vấn định mức đã thông báo với cơ quan hải quan không đúng với định mức thực tế sản xuất.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể việc tiếp nhận, kiểm tra định mức quy định tại điều này.

3. Thời điểm thông báo định mức:

a) Đối với mã hàng xuất khẩu 01 lần hết lượng hàng của mã hàng đó trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng: chậm nhất 05 ngày trước ngày đăng ký tờ khai làm thủ tục xuất khẩu mã hàng đó.

b) Đối với mã hàng xuất khẩu nhiều lần hết lượng hàng của mã hàng đó trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng: trước hoặc cùng thời điểm đăng ký tờ khai làm thủ tục xuất khẩu lần đầu tiên của mã hàng đó.

Điều 12. Thủ tục điều chỉnh định mức

1. Các trường hợp điều chỉnh định mức:

a) Do nhầm lẫn trong tính toán (nhầm lẫn về phương pháp tính; đơn vị tính; về dấu chấm, dấu phẩy; nhầm lẫn kết quả tính).

b) Trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công trường hợp do thay đổi tính chất nguyên liệu, điều kiện gia công, yêu cầu của từng đơn hàng xuất khẩu dẫn đến thay đổi định mức thực tế (được thỏa thuận trong phụ lục hợp đồng gia công) thì thương nhân nộp bảng điều chỉnh định mức mới của mã hàng kèm văn bản nêu rõ lý do gửi Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công xem xét, quyết định cụ thể cho từng trường hợp.

2. Thời điểm điều chỉnh định mức:

a) Đối với mã hàng xuất khẩu 01 lần hết lượng hàng của mã hàng đó trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng: chậm nhất 02 ngày trước khi làm thủ tục đăng ký tờ khai xuất khẩu.

b) Đối với mã hàng xuất khẩu nhiều lần hết lượng hàng của mã hàng đó trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng: chậm nhất 02 ngày trước khi làm thủ tục đăng ký tờ khai xuất khẩu lần cuối cùng của mã hàng (trường hợp điều chỉnh định mức do nhầm lẫn trong tính toán) hoặc chậm nhất 02 ngày trước khi làm thủ tục đăng ký tờ khai xuất khẩu sản phẩm có điều chỉnh định mức (trường hợp điều chỉnh với lý do nêu tại điểm b, khoản 1 Điều 12 Thông tư này).

c) Thời điểm thông báo định mức bình quân đã tính lại theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 11 Thông tư này là chậm nhất 15 ngày sau khi xuất khẩu hết lượng hàng của mã hàng có định mức bình quân.

3. Điều chỉnh định mức sau khi xuất khẩu sản phẩm:

a) Các trường hợp điều chỉnh định mức: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Điều kiện điều chỉnh định mức:

b1) Thương nhân còn lưu định mức thực tế sử dụng kèm thông số kỹ thuật, sơ đồ thiết kế mẫu sản phẩm hoặc quy trình sản xuất (nếu có), sơ đồ giác mẫu hoặc mẫu rập (đối với lĩnh vực dệt may và da giày);

b2) Thương nhân có đủ cơ sở để chứng minh (còn phế liệu, phế phẩm hoặc hóa đơn, chứng từ, tài liệu kỹ thuật) và cơ quan hải quan có đủ cơ sở, điều kiện kiểm tra, xác định tính trung thực, chính xác và hợp pháp của việc đề nghị điều chỉnh định mức;

c) Thời điểm điều chỉnh định mức: trước khi thương nhân nộp hồ sơ thanh khoản hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công.

d) Trách nhiệm của thương nhân:

d1) Có văn bản đề nghị được điều chỉnh định mức gửi cơ quan hải quan, trong đó giải trình rõ lý do được điều chỉnh.

d2) Xuất trình đầy đủ cơ sở để chứng minh nêu tại điểm b2, khoản 3 Điều này để cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu.

d3) Định mức điều chỉnh thực hiện theo kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan.

đ) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

đ1) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều chỉnh định mức;

đ2) Kiểm tra điều kiện điều chỉnh định mức;

đ3) Chấp nhận định mức điều chỉnh của thương nhân trong trường hợp đáp ứng đầy đủ điều kiện điều chỉnh định mức sau khi xuất khẩu sản phẩm.

đ4) Kiểm tra định mức: kiểm tra toàn bộ các trường hợp khai tăng định mức so với định mức đã thông báo với cơ quan hải quan; kiểm tra khi có nghi vấn đối với trường hợp khai giảm định mức so với định mức đã thông báo với cơ quan hải quan. Trường hợp cơ quan hải quan không xác định được định mức thì đề nghị trưng cầu giám định tại tổ chức giám định chuyên ngành.

Điều 13. Thủ tục kiểm tra định mức

1. Các trường hợp kiểm tra định mức:

a) Thương nhân thông báo điều chỉnh tăng định mức;

b) Có dấu hiệu nghi vấn gian lận định mức;

c) Thương nhân đã bị xử phạt gian lận định mức trong thời hạn 365 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Quá thời gian này thì thực hiện kiểm tra định mức theo hướng dẫn tại điểm a, b khoản này.

2. Thẩm quyền quyết định kiểm tra định mức: Lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công, Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Kiểm tra sau thông quan. 

3. Địa điểm kiểm tra định mức:

a) Kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan và/hoặc

b) Kiểm tra tại cơ sở sản xuất của thương nhân.

4. Phương pháp kiểm tra định mức:

a) Cơ quan hải quan, trực tiếp kiểm tra;

b) Kiểm tra thông qua tổ chức giám định chuyên ngành.

5. Thời điểm kiểm tra định mức:

a) Sau khi thương nhân nộp Bảng thông báo định mức hoặc bảng thông báo điều chỉnh định mức, hoặc

b) Khi thanh khoản hợp đồng gia công, hoặc

c) Khi kiểm tra sau thông quan.

6. Nguyên tắc kiểm tra định mức:

Nguyên tắc kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ (dưới đây viết tắt là Nghị định số 154/2005/NĐ-CP), việc kiểm tra được giới hạn ở mức phù hợp với kết quả phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan.

4. Trách nhiệm của thương nhân trong quá trình kiểm tra định mức:

a) Giải trình cụ thể, chi tiết về cơ sở, phương pháp xây dựng định mức của mã hàng đã thông báo với cơ quan hải quan và kèm mẫu sản phẩm (nếu có), tài liệu thiết kế kỹ thuật của sản phẩm (ví dụ như sơ đồ cắt, sơ đồ giác mẫu hoặc mẫu rập đối với hàng may mặc và da giày) hoặc quy trình sản xuất (nếu có).

b) Xuất trình sổ, chứng từ kế toán khi cơ quan hải quan yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan kiểm tra định mức được nhanh chóng, chính xác.

c) Thực hiện quyết định của cơ quan hải quan liên quan đến việc kiểm tra định mức.

8. Nhiệm vụ của công chức Hải quan khi kiểm tra định mức:

a) Kiểm tra đúng quy trình, không gây phiền hà, cản trở quá trình sản xuất của thương nhân;

b) Thực hiện đúng thời gian kiểm tra:

b1) Đối với trường hợp kiểm tra trên hồ sơ tại trụ sở cơ quan hải quan: chậm nhất 08 giờ làm việc kể từ khi bắt đầu kiểm tra phải thực hiện xong việc kiểm tra định mức.

Trường hợp một hợp đồng/phụ lục hợp đồng có trên 20 mã hàng cần kiểm tra định mức hoặc một mã hàng có trên 20 nguyên phụ liệu cấu thành nên sản phẩm thì thời gian kiểm tra do Chi cục trưởng xem xét, quyết định phù hợp với số lượng mã hàng và số lượng nguyên phụ liệu cấu thành sản phẩm trong bảng định mức đã thông báo của thương nhân.

b2) Đối với trường hợp kiểm tra hồ sơ kết hợp với kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân: chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi bắt đầu kiểm tra phải thực hiện xong việc kiểm tra định mức. Trường hợp sản phẩm sản xuất có tính đặc thù cần phối hợp với các tổ chức giám định chuyên ngành thì thời gian kiểm tra không quá 02 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được kết quả của tổ chức giám định chuyên ngành;

c) Niêm phong mẫu sản phẩm đã thực hiện kiểm tra định mức (trong trường hợp còn mẫu sản phẩm) và giao thương nhân tự bảo quản, ghi rõ số niêm phong trên Biên bản kiểm tra định mức;

d) Lập Biên bản xác nhận kết quả kiểm tra khi kết thúc kiểm tra. Nội dung Biên bản phản ánh đầy đủ, trung thực với thực tế kiểm tra, có chữ ký của công chức hải quan thực hiện kiểm tra và người đại diện theo pháp luật của thương nhân được kiểm tra. Mẫu Biên bản kiểm tra định mức do Tổng cục Hải quan hướng dẫn.

đ) Trên cơ sở Biên bản kiểm tra định mức, lập Kết luận kiểm tra định mức (02 bản). Kết luận kiểm tra định mức do lãnh đạo Chi cục ký và gửi 01 bản cho thương nhân để thực hiện. Mẫu Kết luận kiểm tra định mức do Tổng cục Hải quan hướng dẫn.

e) Biện pháp xử lý trong trường hợp kết luận định mức thương nhân thông báo, điều chỉnh không đúng so với thực tế:

e1) Lập Biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;

e2) Trường hợp hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công chưa thanh khoản: định mức kiểm tra là định mức để làm cơ sở thanh khoản.

e3) Trường hợp hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công đã thanh khoản: định mức kiểm tra là định mức để làm cơ sở ấn định thuế, truy thu thuế.

Điều 14. Thông báo mã nguyên liệu, vật tư

1. Đối với các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, thanh khoản hợp đồng gia công thì trước hoặc cùng thời điểm làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, thương nhân thông báo mã nguyên liệu, vật tư theo mẫu 01/TBNVL-GC/2014-Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 02 bản chính. Mã nguyên liệu, vật tư này được thể hiện trên tờ khai hải quan nhập khẩu để phục vụ công tác thanh khoản trên hệ thống.

Trường hợp một loại nguyên liệu ban đầu được tách ra thành nhiều nguyên liệu để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm, sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng là sản phẩm tạo nên từ bản thân nguyên liệu thành phần hoặc từ sự kết hợp giữa nguyên liệu thành phần với các nguyên liệu khác thì cả nguyên liệu ban đầu và nguyên liệu thành phần đều được đăng ký trên danh mục nguyên liệu nhập khẩu.

Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công lưu mẫu 01/TBNVL-GC/2014 theo hợp đồng để thuận tiện theo dõi, quản lý.

2. Trường hợp có phát sinh mã mới trong quá trình thực hiện hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công thì thương nhân thông báo bổ sung cho cơ quan hải quan.

3. Đối với đơn vị chưa ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, thanh khoản hợp đồng gia công thì thương nhân sử dụng các chữ số tự nhiên liên tiếp bắt đầu từ số 01 để đặt cho mã nguyên liệu, vật tư.

Điều 15. Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư gia công

1. Đối với nguyên liệu, vật tư gia công do bên đặt gia công cung cấp từ nước ngoài:

a) Thực hiện theo quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu thương mại quy định tại phần II Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính (dưới đây viết tắt là Thông tư số 128/2013/TT-BTC).

b) Đối với nguyên liệu, vật tư do bên đặt gia công mua và chỉ định đối tác thứ ba gửi cho bên nhận gia công thì trong hồ sơ hải quan nhập khẩu lô hàng có thêm văn bản của bên đặt gia công thông báo cho bên nhận gia công về việc nhận hàng từ đối tác thứ ba.

c) Đối với sản phẩm hoàn chỉnh do bên đặt gia công cung cấp để gắn hoặc đóng chung với sản phẩm gia công thành mặt hàng đồng bộ và xuất khẩu ra nước ngoài thì thủ tục hải quan thực hiện như đối với nguyên liệu gia công và phải đáp ứng các điều kiện sau:

c1) Tên sản phẩm hoàn chỉnh và mục đích cung cấp sản phẩm hoàn chỉnh để gắn hoặc đóng chung với sản phẩm gia công thành mặt hàng đồng bộ và xuất khẩu ra nước ngoài được ghi rõ trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công;

c2) Được quản lý như nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công;

c3) Khi làm thủ tục nhập khẩu khai rõ tên, lượng sản phẩm hoàn chỉnh gắn hoặc đóng chung với sản phẩm gia công xuất khẩu trên tờ khai hải quan nhập khẩu.

2. Đối với nguyên liệu, vật tư gia công do bên đặt gia công cung cấp theo hình thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ: thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP và quy định tại Điều 45 Thông tư số 128/2013/TT-BTC, riêng tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư này.

3. Trường hợp nguyên liệu, vật tư gia công nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh và thương nhân kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh đã đăng ký tờ khai theo loại hình phải nộp thuế thì trên cơ sở đề nghị của chủ hàng, Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công thực hiện đăng ký lại tờ khai cho chủ hàng trên cơ sở tờ khai khai chưa đúng loại hình và có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi quản lý hàng chuyển phát nhanh để thực hiện việc hoàn trả tiền thuế cho thương nhân (nếu có). Thủ tục, hồ sơ hoàn trả lại số tiền thuế đã nộp cho thương nhân thực hiện theo quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

Trường hợp biết trước hàng hóa đã về đến Việt Nam thì chủ hàng đăng ký tờ khai hải quan theo đúng loại hình tại Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công, sau đó chuyển hồ sơ cho thương nhân kinh doanh chuyển phát nhanh để làm tiếp thủ tục hải quan với Chi cục Hải quan nơi quản lý hàng chuyển phát nhanh; thủ tục chuyển cửa khẩu thực hiện theo quy định đối với hàng chuyển phát nhanh. Trường hợp lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra thực tế, chủ hàng có văn bản đề nghị được kiểm tra thực tế hàng hóa tại địa điểm kiểm tra hàng chuyển phát nhanh thì Chi cục Hải quan nơi quản lý hàng chuyển phát nhanh thực hiện kiểm tra theo đề nghị của thương nhân và Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công.

Điều 16. Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư do bên nhận gia công tự cung ứng cho hợp đồng gia công

1. Đối với nguyên liệu, vật tư do bên nhận gia công tự sản xuất hoặc mua tại thị trường Việt Nam:

a) Phải được thỏa thuận trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công về tên gọi, định mức, tỷ lệ hao hụt, lượng hàng, đơn giá, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán.

Không được cung ứng nguyên liệu, vật tư thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu;

b) Đối với nguyên liệu, vật tư tự cung ứng thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu có giấy phép: nộp 01 bản chụp có xác nhận của chính thương nhân, xuất trình bản chính giấy phép để đối chiếu.

c) Thủ tục hải quan:

Bên nhận gia công không phải làm thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư tự cung ứng từ nguồn do bên nhận gia công tự sản xuất hoặc mua tại thị trường Việt Nam bao gồm cả nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc nhập khẩu (trừ DNCX). Khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công, bên nhận gia công thực hiện khai, tính thuế xuất khẩu, các loại thuế khác (nếu có) trên phụ lục Tờ khai hàng hóa xuất khẩu.

Cơ quan hải quan không thực hiện thanh khoản đối với nguồn nguyên liệu, vật tư tự cung ứng từ nguồn do bên nhận gia công tự sản xuất hoặc mua tại thị trường Việt Nam nhưng khi xuất khẩu sản phẩm gia công thương nhân thực hiện kê khai tất cả các nguồn cung ứng theo mẫu 02/NVLCƯ-GC/2014-Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Chính sách thuế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ và Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

2. Đối với nguyên liệu, vật tư do bên nhận gia công trực tiếp mua từ nước ngoài để cung ứng cho hợp đồng gia công:

a) Được thỏa thuận trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công về tên gọi, định mức, tỷ lệ hao hụt, lượng hàng, đơn giá, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán.

b) Phải xin phép cơ quan có thẩm quyền đối với nguyên liệu, vật tư cung ứng thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có giấy phép; không được cung ứng nguyên liệu, vật tư thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu.

c) Thủ tục hải quan, chính sách thuế, thủ tục hoàn thuế thực hiện như sau:

c1) Đối với nguyên liệu, vật tư tự cung ứng được nhập khẩu sau khi có thỏa thuận trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công: đăng ký tờ khai nhập khẩu theo loại hình gia công; cách ghi trên tờ khai nhập khẩu như sau: Tờ khai số……………/NK/GC-CƯ/……

Khi làm thủ tục nhập khẩu, bên nhận gia công nộp 01 bản chụp hợp đồng mua bán hàng hóa; chính sách thuế thực hiện theo loại hình gia công.

c2) Đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu trước khi ký kết hợp đồng gia công: Thương nhân được sử dụng để cung ứng cho hợp đồng gia công, chính sách thuế, thủ tục hoàn thuế thực hiện theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC trong trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

c2.1) Phù hợp với nguyên liệu, vật tư cung ứng thỏa thuận trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công về lượng hàng, quy cách, chủng loại.

c2.2) Thời gian nhập khẩu không quá 02 năm kể từ khi đăng ký tờ khai nhập khẩu đến khi đăng ký tờ khai xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu, vật tư cung ứng.

Đối với sản phẩm sản xuất xuất khẩu có chu kỳ sản xuất trên 02 năm thì thực hiện theo từng sản phẩm xuất khẩu. Thương nhân phải có văn bản giải trình, xuất trình chứng từ chứng minh chu kỳ sản xuất sản phẩm và được lãnh đạo Chi cục Hải quan nơi thông báo hợp đồng gia công chấp thuận. Chính sách thuế thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ.

d) Khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công, bên nhận gia công khai theo mẫu 02/NVLCƯ-GC/2014-Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; mẫu này được lưu cùng tờ khai xuất khẩu.

3. Đối với trường hợp mua bán hàng hóa giữa nội địa và doanh nghiệp chế xuất để cung ứng: thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC và điểm a, b, d khoản 2 Điều này.

Điều 17. Thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công

1. Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị thuê, mượn để thực hiện hợp đồng gia công phải tuân thủ các quy định về chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

2. Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị thuê, mượn để thực hiện gia công của thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/4/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương).

3. Thủ tục hải quan:

a) Đối với máy móc, thiết bị thuê, mượn để trực tiếp phục vụ gia công thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu thì thực hiện theo loại hình tạm nhập-tái xuất và làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công.

b) Đối với máy móc, thiết bị bên đặt gia công cho thuê, mượn nhưng không trực tiếp phục vụ gia công thì thủ tục hải quan thực hiện theo loại hình tạm nhập - tái xuất, nộp thuế; chính sách thuế thực hiện theo quy định Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

Điều 18. Thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu để làm mẫu gia công (hàng mẫu không thanh toán)

1. Thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu để làm mẫu gia công thực hiện theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại quy định tại phần III Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

2. Hàng mẫu để làm mẫu gia công đáp ứng các điều kiện sau:

a) Chỉ có thể sử dụng làm mẫu để gia công, không có giá trị thương mại (ví dụ: hàng bị đục lỗ hoặc đóng dấu “hàng mẫu”, giày một chiếc, áo một tay);

b) Bộ chứng từ lô hàng thể hiện là hàng mẫu;

c) Mỗi mã hàng mẫu chỉ được xuất/nhập tối đa 10 đơn vị.

Điều 19. Thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công ra nước ngoài

1. Hồ sơ hải quan:

a) Tờ khai hải quan: nộp 02 bản chính;

b) Bảng kê chi tiết hàng hóa đối với trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất: nộp 01 bản chụp;

c) Giấy phép xuất khẩu đối với hàng hóa có giấy phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật: nộp 01 bản chính (xuất khẩu một lần) hoặc bản chụp (xuất khẩu nhiều lần) và xuất trình bản chính để đối chiếu, lập phiếu theo dõi trừ lùi;

d) Các chứng từ khác có liên quan theo quy định của pháp luật: nộp 01 bản chính.

2. Thủ tục hải quan xuất khẩu thực hiện tại Chi cục Hải quan nơi thông báo hợp đồng gia công và theo quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu thương mại quy định tại phần II Thông tư số 128/2013/TT-BTC nhưng không thực hiện việc khai thuế, kiểm tra tính thuế đối với sản phẩm xuất khẩu; ngoài ra thực hiện thêm một số nội dung sau:

a) Trường hợp sản phẩm gia công xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu, vật tư tự cung ứng thì thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

b) Trường hợp hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công có sử dụng sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu gắn vào sản phẩm gia công xuất khẩu thì khai rõ trên tờ khai hải quan xuất khẩu.

c) Trường hợp sản phẩm gia công xuất khẩu cho đối tác thứ ba nhưng trong hợp đồng gia công chưa thể hiện cụ thể tên, địa chỉ của đối tác này thì khi làm thủ tục đăng ký tờ khai xuất khẩu, thương nhân nộp cho cơ quan hải quan bản chụp văn bản của bên đặt gia công chỉ định giao hàng cho đối tác thứ ba.

d) Đối với lô hàng xuất khẩu thuộc diện kiểm tra thực tế hàng hóa, thương nhân xuất trình bảng định mức đã thông báo khi cơ quan hải quan yêu cầu.

đ) Cơ quan hải quan chỉ làm thủ tục đăng ký tờ khai xuất khẩu cho những mã hàng thương nhân đã thông báo định mức.

3. Thủ tục hải quan đối với lô hàng gia công xuất khẩu chuyển cửa khẩu thực hiện theo thủ tục hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu quy định tại Điều 16, Điều 18 Nghị định số 154/NĐ-CP và quy định tại Điều 61 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

4. Thủ tục hải quan đối với sản phẩm gia công đã xuất khẩu bị trả lại để sửa chữa, tái chế thực hiện theo quy định tại Điều 55 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

Điều 20. Thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ đối với sản phẩm gia công

1. Điều kiện xuất nhập khẩu tại chỗ thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.

2. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày thương nhân xuất khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan và giao hàng hóa, thương nhân nhập khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan. Trường hợp quá thời hạn trên thương nhân nhập khẩu tại chỗ chưa làm thủ tục hải quan thì Cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về hải quan, làm tiếp thủ tục hải quan.

3. Thủ tục hải quan thực hiện như sau:

3.1. Đối với sản phẩm gia công nhập khẩu tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất:

a) Thủ tục xuất khẩu tại chỗ:

a1) Trách nhiệm của thương nhân làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ:

a1.1) Khai đầy đủ thông tin trên tờ khai xuất khẩu theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 15/2012/TT-BTC ngày 08/02/2012 của Bộ Tài chính ban hành mẫu tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây viết tắt là Thông tư số 15/2012/TT-BTC). Tại ô số 3 tờ khai xuất khẩu ghi cụ thể tên người chỉ định giao hàng; tại ô số 8 ghi số, ngày hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn GTGT (trong trường hợp sử dụng hóa đơn GTGT); tại ô số 9 tờ khai xuất khẩu ghi cụ thể địa điểm nhận hàng và Chi cục Hải quan dự kiến làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ do thương nhân nhập khẩu tại chỗ cung cấp.

a1.2) Nộp hồ sơ hải quan cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ, gồm:

a1.2.1) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu: 02 bản chính;

a1.2.2) Hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn giá trị gia tăng: nộp 01 bản chụp;

a1.2.3) Chỉ định giao hàng của bên đặt gia công;

a1.2.4) Giấy phép xuất khẩu (áp dụng đối với mặt hàng xuất khẩu có giấy phép).

a2) Trách nhiệm của Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ:

a2.1) Tiếp nhận, đăng ký tờ khai; kiểm tra thực tế hàng hóa đối với trường hợp hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra; kiểm tra tính thuế đối với nguyên vật liệu tự cung ứng (nếu có);

a2.2) Lưu 01 tờ khai và chứng từ thương nhân nộp, trả lại cho thương nhân xuất khẩu 01 tờ khai và các chứng từ thương nhân xuất trình;

a2.3) Fax cho Chi cục Hải quan nhập khẩu tại chỗ (Chi cục Hải quan dự kiến làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ do doanh nghiệp khai trên tờ khai hải quan xuất khẩu) tờ khai hải quan đã làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ để theo dõi, làm tiếp thủ tục hải quan.

a2.4) Phối hợp với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ để xác minh làm rõ trong trường hợp quá thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều này mà thương nhân làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ chưa làm thủ tục hải quan.

b) Thủ tục nhập khẩu tại chỗ:

b1) Trách nhiệm của thương nhân làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ:

b1.1) Khai đầy đủ thông tin trên tờ khai nhập khẩu theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 15/2012/TT-BTC. Tại ô số 3 tờ khai nhập khẩu ghi cụ thể tên người chỉ định nhận hàng.

b1.2) Cung cấp thông tin về địa điểm nhận hàng, Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ cho thương nhân xuất khẩu tại chỗ biết để khai trên tờ khai hải quan xuất khẩu;

b1.3) Nộp hồ sơ hải quan cho Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ, gồm:

b1.3.1) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu tại chỗ: 02 bản chính;

b1.3.2) Hợp đồng mua bán với bên đặt gia công có điều khoản nhận hàng từ bên nhận gia công;

b1.3.3) Các giấy tờ khác theo quy định đối với từng loại hình nhập khẩu (trừ vận tải đơn);

b2) Trách nhiệm của Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ:

b2.1) Tiếp nhận bản fax tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ đã hoàn thành thủ tục hải quan do Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ gửi đến. Trường hợp quá thời hạn làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phối hợp với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ để kiểm tra, xác minh làm rõ;

b2.2) Tiếp nhận hồ sơ hải quan theo quy định;

b2.3) Tiến hành các bước đăng ký tờ khai, kiểm tra tính thuế (đối với hàng hóa có thuế); kiểm tra thực tế hàng hóa khi có dấu hiệu nghi vấn thương nhân giao, nhận hàng hóa không đúng với khai trên tờ khai hải quan; trường hợp thương nhân đã đưa hàng hóa vào sản xuất thì kiểm tra sổ, chứng từ kế toán, chứng từ liên quan đến lô hàng; tại ô 35 (ghi chép khác) trên tờ khai nhập khẩu ghi: nhập khẩu tại chỗ theo tờ khai xuất khẩu tại chỗ số..., ngày...tháng...năm...; theo hợp đồng giao số..., ngày...tháng...năm...; xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan, ký, đóng dấu công chức vào tờ khai hải quan;

b2.4) Lưu 01 tờ khai cùng các chứng từ thương nhân nộp, trả thương nhân 01 tờ khai và các chứng từ do thương nhân xuất trình;

b2.5) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp thương nhân nhập khẩu tại chỗ biết để theo dõi hoặc thông báo gửi qua mạng máy tính trong trường hợp giữa Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu và cơ quan thuế địa phương đã nối mạng.

c) Trường hợp thương nhân giao, nhận sản phẩm gia công nhập khẩu tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm gia công xuất khẩu được thực hiện nhiều lần trong ngày hoặc tuần hoặc tháng thì được khai gộp trên 01 tờ khai hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ trên cơ sở các chứng từ giao, nhận từng lần như hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn GTGT, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ với điều kiện hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn GTGT, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ gộp lại để khai chỉ giới hạn trong ngày hoặc tuần hoặc tháng cho 01 tờ khai của ngày hoặc tuần hoặc tháng đó. Trường hợp tại thời điểm giao, nhận hàng có sự thay đổi về chính sách thuế hoặc tỷ giá thì thực hiện khai trên tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ riêng, không gộp chung với chứng từ không có thay đổi về chính sách thuế hoặc tỷ giá.

Thời điểm đăng ký tờ khai hải quan gộp theo ngày là giờ làm việc cuối cùng của ngày đó. Thời điểm đăng ký tờ khai hải quan gộp theo tuần hoặc tháng là ngày làm việc cuối cùng của tuần hoặc tháng đó.

3.2. Đối với sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu tại chỗ để kinh doanh nội địa:

a) Địa điểm làm thủ tục hải quan: tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công có sản phẩm xuất khẩu tại chỗ.

b) Hồ sơ hải quan, thủ tục hải quan: thực hiện theo quy định tại Điều 45 Thông tư số 128/2013/TT-BTC; riêng tờ khai hải quan, thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại khoản 3.1 Điều này; chính sách thuế, chính sách quản lý nhập khẩu hàng hóa thực hiện theo quy định hiện hành.

c) Sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu tại chỗ để kinh doanh nội địa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

3.3. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ đối với trường hợp thương nhân nhận gia công cho thương nhân nước ngoài đồng thời là thương nhân nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công thì thương nhân này thực hiện cả thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công.

3.4. Đối với sản phẩm gia công dùng để thanh toán tiền gia công:

Thủ tục hải quan như thủ tục hải quan đối với sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu tại chỗ để kinh doanh nội địa. Hợp đồng mua bán thay bằng văn bản thỏa thuận giữa bên đặt và bên nhận gia công về việc thanh toán tiền gia công bằng sản phẩm gia công.

Thương nhân thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu, chính sách thuế như đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài và quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Sản phẩm gia công này được đưa vào để thanh khoản hợp đồng gia công.

3.5. Tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ có giá trị để thanh khoản khi:

Tờ khai hải quan được khai đầy đủ, có xác nhận, ký tên, đóng dấu của thương nhân xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu, Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu, Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu.

Điều 21. Thủ tục hải quan đối với trường hợp thuê gia công lại

Trường hợp thương nhân Việt Nam ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài nhưng không trực tiếp gia công mà thuê thương nhân khác gia công (thuê gia công lại) theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP thì thương nhân ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài là người làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, thanh khoản hợp đồng gia công với cơ quan hải quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện hợp đồng gia công này. Thương nhân ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về tên thương nhân, địa chỉ trụ sở và địa chỉ cơ sở sản xuất của chính thương nhân và thương nhân nhận gia công lại để cơ quan hải quan kiểm tra khi cần thiết.

Hàng hóa giao, nhận giữa các thương nhân Việt Nam với nhau không phải làm thủ tục hải quan.

Điều 22. Thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp

1. Trách nhiệm của thương nhân:

a) Trên cơ sở văn bản chỉ định của các bên đặt gia công, thương nhân giao sản phẩm gia công chuyển tiếp (Bên giao) phải có văn bản đề nghị được làm thủ tục chuyển tiếp đối với sản phẩm gia công gửi Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công giao, trong đó nêu rõ mặt hàng, số lượng thuộc hợp đồng gia công số... chuyển sang hợp đồng gia công số…, bên nhận gia công. Sau khi được Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công giao chấp thuận, thương nhân giao sản phẩm gia công chuyển tiếp và thương nhân nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp (Bên nhận) thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều này.

b) Người đại diện theo pháp luật của thương nhân Bên giao, Bên nhận chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sản phẩm gia công chuyển tiếp được sản xuất từ nguyên phụ liệu của hợp đồng gia công và được sử dụng đúng mục đích gia công phù hợp với quy định tại Điều 33 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.

c) Trường hợp hợp đồng gia công có sản phẩm gia công chuyển tiếp (hợp đồng gia công giao) và hợp đồng gia công sử dụng sản phẩm gia công chuyển tiếp làm nguyên liệu gia công (hợp đồng gia công nhận) cùng một thương nhân nhận gia công thì thương nhân thực hiện nhiệm vụ của cả Bên giao và Bên nhận.

2. Thủ tục hải quan: Thực hiện như thủ tục hải quan quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư này.

Điều 23. Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công

1. Các trường hợp được chuyển:

a) Máy móc, thiết bị đã thực hiện xong công đoạn của hợp đồng gia công trước được chuyển sang thực hiện công đoạn của hợp đồng gia công tiếp theo cùng hoặc khác đối tác nhận, đặt gia công;

b) Nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu cho hợp đồng gia công nhưng không phù hợp để thực hiện hợp đồng gia công này (do thay đổi mẫu mã sản phẩm), bên đặt gia công yêu cầu chuyển sang thực hiện cho hợp đồng gia công khác cùng hoặc khác đối tác nhận, đặt gia công;

c) Nguyên liệu, vật tư của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công này nhưng bên đặt gia công giao nhầm cho hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công khác cùng đối tác đặt gia công;

d) Các trường hợp khác nếu thương nhân có văn bản giải trình lý do chính đáng thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công xem xét, chấp thuận cho chuyển, trừ trường hợp nêu tại điểm c2, khoản 2 Điều 27 Thông tư này.

2. Thủ tục hải quan:

Áp dụng như thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công để làm nguyên liệu sản xuất quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư này, trừ việc yêu cầu thương nhân xuất trình hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn GTGT.

Điều 24. Thủ tục xuất trả nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tạm nhập gia công ra nước ngoài trong thời gian thực hiện hợp đồng gia công

1. Hồ sơ hải quan:

a) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu: nộp 02 bản chính;

b) Văn bản giải trình của thương nhân (nêu rõ lý do tái xuất; số, ngày, tháng, năm của tờ khai nhập khẩu và của hợp đồng gia công có hàng trả lại): nộp 01 bản chính kèm bản chụp tờ khai nhập khẩu tương ứng;

c) Văn bản đề nghị trả lại hàng của bên đặt gia công: nộp 01 bản chính.

2. Thủ tục hải quan: thực hiện như thủ tục xuất trả ra nước ngoài nguyên liệu, vật tư gia công dư thừa quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 27 Thông tư này.

Điều 25. Thanh khoản hợp đồng gia công

1. Thời hạn nộp, gia hạn nộp hồ sơ thanh khoản:

a) Thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản:

a1) Chậm nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực, thương nhân có văn bản đề nghị Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; phế liệu, phế phẩm, phế thải (theo mẫu ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư này) và được Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công xem xét, chấp thuận theo đề nghị của thương nhân.

a2) Chậm nhất 30 ngày làm việc kể từ ngày Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công chấp thuận phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn, phế liệu, phế phẩm, phế thải trên văn bản đề nghị của thương nhân, thương nhân phải thực hiện xong thủ tục hải quan để giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn, phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) và nộp đầy đủ hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công cho cơ quan hải quan.

a3) Đối với hợp đồng gia công tách ra thành nhiều phụ lục để thực hiện thì thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản đối với từng phụ lục hợp đồng gia công thực hiện như thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công.

b) Gia hạn nộp hồ sơ thanh khoản:

b1) Các trường hợp được gia hạn nộp hồ sơ thanh khoản:

b1.1) Thương nhân đồng thời thực hiện nhiều hợp đồng gia công và các hợp đồng này đều hết hiệu lực thực hiện tại một thời điểm;

b1.2) Đang có tranh chấp giữa bên đặt gia công và bên nhận gia công liên quan đến hợp đồng gia công;

b1.3) Các trường hợp vì lý do bất khả kháng khác thương nhân không thực hiện đúng thời hạn hồ sơ thanh khoản.

b2) Thẩm quyền và thời hạn gia hạn:

Căn cứ văn bản giải trình của thương nhân, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công xem xét, gia hạn thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này. Thời hạn gia hạn chỉ được 01 lần và không quá 30 ngày.

2. Hồ sơ thanh khoản gồm:

a) Đơn đề nghị thanh khoản theo mẫu ĐNTK-GC/2014-Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 02 bản chính;

b) Bảng tổng hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo mẫu 01/HSTK-GC/2014-Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 01 bản chính;

c) Bảng tổng hợp sản phẩm gia công xuất khẩu theo mẫu 02/HSTK-GC/2014-Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 01 bản chính;

d) Bảng tổng hợp nguyên liệu, vật tư xuất trả ra nước ngoài và chuyển sang hợp đồng gia công khác trong khi đang thực hiện hợp đồng gia công theo mẫu 03/HSTK-GC/2014-Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 01 bản chính;

đ) Bảng tổng hợp nguyên liệu, vật tư do bên nhận gia công cung ứng (nếu có) theo mẫu 04/HSTK-GC/2014-Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 01 bản chính;

Trường hợp cơ quan hải quan có nghi vấn việc kê khai nguồn nguyên liệu mua trong nước để cung ứng không đúng thì yêu cầu thương nhân xuất trình hóa đơn mua hàng, chứng từ thanh toán nguyên liệu cung ứng của bên đặt gia công;

e) Bảng tổng hợp nguyên liệu, vật tư đã sử dụng để sản xuất thành sản phẩm xuất khẩu theo mẫu 05/HSTK-GC/2014-Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 01 bản chính;

g) Bảng thanh khoản hợp đồng gia công theo mẫu 06/HSTK-GC/2014- Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 02 bản chính (trả thương nhân 01 bản sau khi tiếp nhận hồ sơ thanh khoản);

h) Bảng tổng hợp máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất theo mẫu 07/HSTK-GC/2014-Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 02 bản chính (trả thương nhân 01 bản sau khi tiếp nhận hồ sơ thanh khoản);

i) Bảng thống kê sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn hoặc đóng chung với sản phẩm gia công xuất khẩu (nếu có) theo mẫu 08/SPHC-GC/2014-Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 02 bản chính (trả thương nhân 01 bản sau khi tiếp nhận hồ sơ thanh khoản);

k) Bảng kê tờ khai xuất khẩu sản phẩm gia công (bao gồm cả tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ; tờ khai giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp) đã làm xong thủ tục hải quan, đủ cơ sở xác định hàng hóa đã xuất khẩu theo quy định tại Điều 30 Thông tư số 128/2013/TT-BTC, theo mẫu 09/HSTK-GC/2014-Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: nộp 01 bản chính;

Người đại diện theo pháp luật của thương nhân ký tên, đóng dấu (trường hợp là hộ kinh doanh cá thể thì ký, ghi rõ họ tên; số, ngày chứng minh nhân dân, nơi cấp) vào các bảng biểu nêu trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các số liệu thanh khoản.

3. Trách nhiệm của thương nhân:

a) Nộp hồ sơ thanh khoản đầy đủ, đúng thời gian quy định;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ số liệu đưa vào thanh khoản;

c) Xử lý nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị dư thừa; phế liệu, phế phẩm theo đúng quy định của pháp luật;

d) Phối hợp với cơ quan hải quan trong trường hợp cần làm rõ về số liệu thanh khoản.

4. Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

4.1. Tiếp nhận hồ sơ thanh khoản:

a) Tiếp nhận hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công do thương nhân nộp;

b) Kiểm tra tính đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ và thời hạn của bộ hồ sơ thanh khoản:

b1) Trường hợp hồ sơ thanh khoản đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ và nộp đúng thời hạn:

b1.1) Kiểm tra tình hình tồn đọng hợp đồng gia công; trường hợp xác định, thương nhân còn hợp đồng gia công chưa thanh khoản thì đề nghị thương nhân có trách nhiệm thanh khoản xong các hợp đồng gia công còn tồn đọng và thực hiện các nghĩa vụ về thuế (nếu có);

b1.2) Xác nhận vào 02 bản Đơn đề nghị thanh khoản của thương nhân (mẫu ĐNTK-GC/2014 Phụ lục II Thông tư này), lưu 01 bản, trả thương nhân 01 bản để lưu theo quy định;

b2) Trường hợp hồ sơ thanh khoản đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ nhưng nộp không đúng thời hạn:

b2.1) Lập biên bản vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản và xử lý theo quy định;

b2.2) Thực hiện các nội dung quy định tại tiết b1.1, b1.2 khoản 4 Điều này.

b3) Trường hợp hồ sơ thanh khoản chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa hợp lệ: Từ chối tiếp nhận bằng Phiếu yêu cầu nghiệp vụ, trong đó nêu rõ lý do từ chối hoặc yêu cầu bổ sung các chứng từ còn thiếu.

b4) Căn cứ để cơ quan hải quan tính thời hạn phạt chậm nộp hồ sơ thanh khoản và xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn là kể từ thời điểm thương nhân nộp đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ hồ sơ thanh khoản.

4.2. Kiểm tra hồ sơ thanh khoản sau khi hoàn thành thủ tục tiếp nhận:

Chậm nhất 30 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thủ tục tiếp nhận hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công do thương nhân nộp, trên cơ sở đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của thương nhân, cơ quan hải quan thực hiện phân loại hồ sơ thanh khoản để áp dụng biện pháp kiểm tra phù hợp; kiểm tra, đối chiếu chi tiết hồ sơ thanh khoản áp dụng đối với trường hợp:

a) Hồ sơ thanh khoản của thương nhân không tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật về thuế.

b) Hồ sơ thanh khoản của thương nhân tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế nhưng có dấu hiệu nghi vấn về nhập khẩu nguyên liệu, vật tư; về định mức; về xuất khẩu sản phẩm; các nghi vấn khác khi tiếp nhận hồ sơ thanh khoản.

c) Kiểm tra xác suất 05% hợp đồng gia công của thương nhân tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế để đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của thương nhân. Cách tính 05% lấy theo tổng số hợp đồng gia công đã thanh khoản của thương nhân chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế của năm trước liền kề, trường hợp kết quả nhỏ hơn 01 hợp đồng thì lấy tròn 01 hợp đồng.

4.3. Trường hợp qua kiểm tra, đối chiếu chi tiết hồ sơ thanh khoản xét thấy có dấu hiệu nghi vấn, cần thiết phải kiểm tra sâu để phát hiện vi phạm thì chuyển hồ sơ cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan để thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định.

4.4. Kiểm tra hàng tồn kho:

a) Trường hợp phải kiểm tra hàng tồn kho:

a1) Khi có thông tin thương nhân tiêu thụ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu vào nội địa;

a2) Khi xác định có hành vi vi phạm định mức;

a3) Khi có nghi vấn số lượng nguyên liệu, vật tư hoặc số lượng sản phẩm gia công chuyển tiếp đề nghị chuyển sang hợp đồng gia công khác không đúng;

a4) Khi số liệu thanh khoản của thương nhân có sự chênh lệch bất thường so với số liệu trên hệ thống của cơ quan hải quan.

b) Việc kiểm tra thực hiện như sau:

b1) Trước khi quyết định kiểm tra hàng tồn kho, Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công có văn bản đề nghị thương nhân giải trình cụ thể các nội dung nghi vấn liên quan đến xác định số lượng hàng tồn kho thực tế đồng thời xuất trình đầy đủ hồ sơ chứng từ liên quan để chứng minh.

b2) Trường hợp thương nhân không giải trình, chứng minh được các nội dung nghi vấn liên quan đến xác định số lượng hàng tồn kho thực tế thì tiến hành kiểm tra để xác định; nội dung kiểm tra thực hiện như sau:

b2.1) Kiểm tra hệ thống sổ kế toán, hồ sơ, chứng từ theo dõi tình hình xuất khẩu, nhập khẩu; xuất kho, nhập kho; định mức sử dụng nguyên liệu, vật tư.

b2.2) Kiểm tra thực tế lượng hàng còn tồn trong kho;

b2.3) Đối chiếu số liệu còn tồn kho thực tế với số liệu còn tồn trên hệ thống sổ kế toán, chứng từ theo dõi tình hình xuất khẩu, nhập khẩu và trên hồ sơ thanh khoản nguyên liệu, vật tư của thương nhân.

c) Xử lý kết quả kiểm tra: căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Điều 26. Xử lý quá hạn nộp hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công và quá thời hạn làm thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn:

1. Xử lý quá hạn nộp hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công:

a) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ thanh khoản (kể cả thời gian gia hạn), Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công thực hiện các công việc sau:

a1) Có văn bản mời thương nhân đến cơ quan hải quan lập biên bản vi phạm để xử lý theo quy định: mời 02 lần;

a2) Triển khai các biện pháp đôn đốc yêu cầu thương nhân thực hiện thanh khoản hợp đồng gia công;

a3) Phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, xác minh, truy tìm trong trường hợp thương nhân có dấu hiệu bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

b) Biện pháp xử lý sau khi đã thực hiện đôn đốc, điều tra, xác minh, truy tìm:

b1) Đối với thương nhân chây ỳ không thanh khoản hợp đồng gia công nhưng vẫn còn hoạt động: chuyển hồ sơ cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan để thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định;

b2) Đối với thương nhân bỏ trốn, mất tích: hoàn chỉnh và chuyển toàn bộ hồ sơ hải quan cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra về tội buôn lậu, trốn thuế theo quy định của Bộ Luật hình sự.

2. Xử lý quá hạn thời hạn làm thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa và máy móc, thiết bị thuê, mượn:

Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công thực hiện:

a) Lập biên bản vi phạm để xử lý theo quy định;

b) Chuyển hồ sơ cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan để thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định.

Điều 27. Thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm (nằm ngoài định mức sử dụng nguyên liệu, định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt), phế thải; máy móc, thiết bị thuê, mượn

1. Các hình thức xử lý:

Tùy theo sự thỏa thuận trong hợp đồng gia công và quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, phế thải, máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công được xử lý như sau:

a) Bán tại thị trường Việt Nam (thực hiện theo phương thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ);

b) Xuất khẩu trả ra nước ngoài;

c) Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam;

d) Biếu, tặng tại Việt Nam;

e) Tiêu hủy tại Việt Nam.

2. Thủ tục hải quan:

a) Thủ tục hải quan bán nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn tại thị trường Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.

b) Thủ tục hải quan xuất khẩu trả ra nước ngoài theo chỉ định của bên đặt gia công thực hiện như đối với lô hàng xuất khẩu thương mại. Khi làm thủ tục hải quan, công chức hải quan kiểm tra thực tế lô hàng, đối chiếu chủng loại, ký, mã hiệu của máy móc, thiết bị ghi trên tờ khai tạm nhập với máy móc, thiết bị xuất trả.

c) Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn sang hợp đồng gia công khác theo chỉ định của bên đặt gia công thực hiện như thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công để làm nguyên liệu sản xuất quy định tại Điều 20 Thông tư này, trừ việc yêu cầu thương nhân xuất trình hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn GTGT; ngoài ra, thực hiện thêm các công việc sau:

c1) Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn sang hợp đồng gia công khác chỉ được thực hiện sau khi lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công xác nhận vào công văn đề nghị của thương nhân theo quy định tại tiết a1, điểm a, khoản 1 Điều 25 Thông tư này.

c2) Các trường hợp không được chuyển nguyên liệu, vật tư sang hợp đồng gia công khác:

c2.1) Thương nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư nhưng không thực hiện hợp đồng gia công mà đề nghị chuyển toàn bộ nguyên liệu, vật tư này cho thương nhân khác;

c2.2) Thương nhân nhận nguyên liệu, vật tư từ hợp đồng gia công trước nhưng không đưa vào gia công mà tiếp tục đề nghị chuyển sang hợp đồng gia công khác; trường hợp nguyên liệu, vật tư nhận từ hợp đồng gia công trước đã đưa vào sản xuất gia công nhưng không sử dụng hết cho hợp đồng gia công này thì được tiếp tục chuyển sang và sử dụng tại hợp đồng gia công sau của cùng hoặc khác đối tác đặt gia công, không được tiếp tục chuyển sang hợp đồng gia công tiếp theo.

d) Thủ tục hải quan biếu, tặng máy móc, thiết bị thuê, mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm:

Hồ sơ hải quan gồm:

d1) Tờ khai hải quan (sử dụng tờ khai hàng hóa phi mậu dịch): trên tờ khai ghi rõ “hàng thuộc hợp đồng gia công số...ngày....tháng....năm... Thương nhân nhận gia công...”: nộp 02 bản chính.

d2) Văn bản biếu, tặng của bên đặt gia công: nộp 01 bản chính;

d3) Văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương nếu hàng biếu, tặng thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Công Thương hoặc văn bản cho phép của cơ quan chuyên ngành nếu hàng nhập khẩu có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành: nộp 01 bản chính.

Thủ tục hải quan và chính sách thuế thực hiện theo quy định đối với hàng biếu, tặng. Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, cơ quan hải quan sao 02 bản tờ khai, 01 bản lưu cùng hợp đồng gia công, 01 bản giao cho thương nhân nhận gia công (trong trường hợp người được biếu tặng không là thương nhân nhận gia công).

đ) Thủ tục hải quan giám sát việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải tại Việt Nam:

đ1) Việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải được tiến hành trong quá trình thực hiện hoặc sau khi kết thúc hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công.

đ2) Thủ tục hải quan giám sát việc tiêu hủy:

đ2.1) Thương nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công thông báo thời gian, địa điểm tiêu hủy trong đó nêu rõ phương pháp, biện pháp tiêu hủy kèm theo văn bản thỏa thuận của bên đặt gia công và văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền về quản lý môi trường trong trường hợp thương nhân trực tiếp tiêu hủy.

Trường hợp thương nhân thuê thương nhân khác có chức năng xử lý phế liệu, phế phẩm, phế thải thì phải có hợp đồng tiêu hủy (01 bản chính) và văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền đối với thương nhân này (01 bản chụp).

đ2.2) Thương nhân chủ động tổ chức việc tiêu hủy và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tác động của toàn bộ quá trình tiêu hủy đối với môi trường.

đ2.3) Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công cử 02 công chức Hải quan giám sát quá trình tiêu hủy.

đ2.4) Khi kết thúc tiêu hủy, các bên tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu hủy theo đúng quy định. Biên bản này phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của thương nhân, dấu của thương nhân có hàng tiêu hủy, họ tên, chữ ký của công chức hải quan giám sát việc tiêu hủy và người được người đại diện theo pháp luật giao tham gia vào quá trình tiêu hủy.

đ3) Trường hợp tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải không thực hiện tại thương nhân phát sinh phế liệu, phế phẩm, phế thải mà phải vận chuyển đến một địa điểm khác để tiêu hủy thì thực hiện như sau:

đ3.1) Việc vận chuyển phế liệu, phế phẩm, phế thải đến địa điểm tiêu hủy phải thực hiện đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

đ3.2) Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công thực hiện niêm phong hải quan đối với phương tiện chứa phế liệu, phế phẩm, phế phẩm vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy. Trường hợp địa điểm tiêu hủy thuộc cùng một địa bàn tỉnh/thành phố thì Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công chịu trách nhiệm giám sát tiêu hủy.

Trường hợp địa điểm tiêu hủy thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác thì Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công có văn bản đề nghị đơn vị hải quan nơi có địa điểm tiêu hủy giám sát việc tiêu hủy theo quy định tại tiết đ2, điểm đ, khoản 2 Điều này. Kết thúc việc tiêu hủy, Chi cục Hải quan giám sát tiêu hủy gửi Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công 01 Biên bản tiêu hủy (có chữ ký đầy đủ của các bên liên quan).

Thủ tục giám sát, bàn giao nhiệm vụ giám sát thực hiện theo quy định đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu hướng dẫn tại quy trình nghiệp vụ thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

3. Đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa do thương nhân tự cung ứng bằng hình thức nhập khẩu từ nước ngoài theo loại hình gia công:

a) Trường hợp bên đặt gia công đã thanh toán tiền mua nguyên liệu, vật tư: thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

b) Trường hợp bên đặt gia công chưa thanh toán tiền mua nguyên liệu, vật tư: được chuyển cung ứng cho hợp đồng gia công tiếp theo trong trường hợp đáp ứng điều kiện cung ứng quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

4. Đối với hợp đồng gia công có cùng đối tác đặt gia công và cùng đối tác nhận gia công, thương nhân được bù trừ nguyên liệu cùng chủng loại, cùng quy cách, phẩm chất, cùng đơn giá.

Điều 28. Xử lý đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; sản phẩm gia công không xuất trả được do bên đặt gia công từ bỏ

Thương nhân nhận gia công chịu trách nhiệm nộp thuế để tiêu thụ nội địa đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn; sản phẩm gia công không xuất trả được do bên đặt gia công từ bỏ như quy định tại khoản 2 Điều 43 Thông tư số 128/2013/TT-BTC hoặc làm thủ tục tiêu hủy theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 27 Thông tư này. Căn cứ tính thuế được xác định tại thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

MỤC 3. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA ĐẶT GIA CÔNG Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 29. Thủ tục thông báo hợp đồng gia công

1. Trách nhiệm của thương nhân:

Trước khi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên của hợp đồng gia công, thương nhân thực hiện thông báo hợp đồng. Hồ sơ gồm:

a) Hợp đồng gia công và phụ lục hợp đồng (nếu có): nộp 02 bản chính;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (trong trường hợp làm thủ tục lần đầu): nộp 01 bản chụp;

c) Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (trong trường hợp làm thủ tục lần đầu): nộp 01 bản chụp;

d) Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu để thực hiện hợp đồng gia công và sản phẩm gia công nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có giấy phép: nộp 01 bản chụp, xuất trình bản chính.

2. Nhiệm vụ của cơ quan hải quan: thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Thông tư này, trừ việc kiểm tra cơ sở sản xuất.

Điều 30. Thủ tục xuất khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa đặt gia công ở nước ngoài

1. Hồ sơ hải quan như hồ sơ lô hàng xuất khẩu sản phẩm gia công; ngoài ra, trường hợp nguyên liệu, vật tư xuất khẩu thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu có giấy phép của Bộ Công Thương hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thì xuất trình thêm giấy phép của cơ quan có thẩm quyền để cơ quan hải quan trừ lùi.

2. Thủ tục hải quan thực hiện như đối với hàng hóa xuất khẩu thương mại quy định tại Phần II Thông tư số 128/2013/TT-BTC, trừ việc khai thuế, kiểm tra tính thuế.

Điều 31. Thủ tục thông báo, điều chỉnh và kiểm tra định mức

Thực hiện như thủ tục thông báo, điều chỉnh và kiểm tra định mức đối với nhận gia công cho thương nhân nước ngoài quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 Thông tư này.

Điều 32. Thủ tục nhập khẩu sản phẩm đặt gia công ở nước ngoài

1. Hồ sơ hải quan như loại hình nhập khẩu thương mại; tờ khai hải quan đăng ký theo loại hình nhập gia công.

2. Thủ tục hải quan thực hiện như thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu thương mại.

a) Tính thuế và kiểm tra tính thuế:

a1) Việc xác định giá tính thuế, thuế suất, xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC .

a2) Căn cứ định mức đã thông báo với cơ quan hải quan và thực tế hàng nhập khẩu để xác định lượng nguyên liệu, vật tư đã xuất khẩu từ Việt Nam đưa vào gia công cho sản phẩm nhập khẩu.

Điều 33. Thủ tục tạm xuất sản phẩm gia công ra nước ngoài để tái chế sau đó tái nhập khẩu trở lại Việt Nam

1. Điều kiện được tạm xuất sản phẩm gia công ra nước ngoài để tái chế sau đó tái nhập khẩu trở lại Việt Nam:

a) Sản phẩm gia công tạm xuất để tái chế trong thời hạn tối đa ba trăm sáu mươi lăm ngày (365) kể từ ngày đăng ký tờ khai nhập khẩu.

b) Sản phẩm chưa qua quá trình sản xuất, gia công, sửa chữa hoặc sử dụng ở Việt Nam.

2. Nơi làm thủ tục hải quan: Tại Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công.

3. Thủ tục tạm xuất sản phẩm gia công để tái chế:

a) Hồ sơ hải quan gồm:

a1) Văn bản đề nghị tạm xuất hàng hóa, nêu rõ hàng hóa thuộc tờ khai nhập khẩu nào, lý do tạm xuất để tái chế, nội dung tái chế: nộp 01 bản chính;

a2) Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu; bản kê chi tiết hàng hóa như đối với hàng hóa xuất khẩu thương mại;

a3) Tờ khai hải quan nhập khẩu sản phẩm gia công của lô hàng tái chế: nộp 01 bản chụp;

a4) Văn bản nhận lại hàng để tái chế của đối tác nước ngoài: 01 bản chính;

b) Thủ tục hải quan áp dụng như thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu thương mại và phải kiểm tra thực tế hàng hóa.

c) Thời hạn tái chế do thương nhân đăng ký với cơ quan hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tạm xuất.

4. Thủ tục tái nhập sản phẩm gia công đã tái chế:

a) Hồ sơ hải quan gồm:

a1) Tờ khai hàng hóa nhập khẩu: nộp 02 bản chính;

a2) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu (để tái chế): nộp 01 bản chụp;

a3) Thủ tục hải quan áp dụng như thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu thương mại (trừ giấy phép nhập khẩu, khai thuế, kiểm tra tính thuế).

Trường hợp bán sản phẩm gia công tái chế tại thị trường nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Thông tư này.

Điều 34. Thủ tục gia công chuyển tiếp ở nước ngoài

Đối với trường hợp gia công chuyển tiếp ở nước ngoài thì thương nhân Việt Nam không phải làm thủ tục gia công chuyển tiếp với cơ quan hải quan.

Điều 35. Thanh khoản hợp đồng gia công

1. Hồ sơ thanh khoản, gồm:

a) Bảng kê tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu: nộp 01 bản chính;

b) Bảng tổng hợp nguyên liệu, vật tư xuất khẩu: nộp 01 bản chính;

c) Bảng tổng hợp sản phẩm gia công nhập khẩu: nộp 01 bản chính;

d) Bảng tổng hợp sản phẩm gia công bán, biếu tặng, tiêu hủy (nếu có) tại nước ngoài: nộp 01 bản chính;

đ) Bảng tổng hợp nguyên liệu, vật tư sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công đã nhập khẩu: nộp 01 bản chính;

e) Bảng tổng hợp nguyên liệu mua ở nước ngoài (nếu có) để sản xuất sản phẩm gia công đã nhập khẩu: nộp 01 bản chính;

g) Bảng thanh khoản hợp đồng gia công: nộp 02 bản chính (trả thương nhân 01 bản sau khi thanh khoản);

Nội dung các bảng biểu nêu trên tương tự như bảng biểu tương ứng của hồ sơ thanh khoản hợp đồng nhận gia công cho thương nhân nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 25 Thông tư này.

2. Thủ tục thanh khoản:                                        

Thời hạn thương nhân nộp, gia hạn nộp hồ sơ thanh khoản; phương pháp kiểm tra đối chiếu hồ sơ thanh khoản; thời hạn kiểm tra, xác nhận hồ sơ thanh khoản; xử lý quá hạn nộp hồ sơ thanh khoản thực hiện như đối với hợp đồng nhận gia công cho thương nhân nước ngoài.

Điều 36. Thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm, phế thải; máy móc, thiết bị tạm xuất phục vụ gia công

1. Các hình thức xử lý:

Tùy theo sự thỏa thuận trong hợp đồng gia công và quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, phế thải, máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công được xử lý như sau:

a) Bán, biếu tặng, tiêu hủy tại thị trường nước ngoài;

b) Nhập khẩu về Việt Nam;

c) Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại nước ngoài;

2. Thủ tục hải quan:

a) Thủ tục hải quan bán, biếu tặng, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn tại thị trường nước ngoài thực hiện theo quy định tại nước nhận gia công; không đăng ký tờ khai hải quan với hải quan Việt Nam nhưng khai thuế, nộp thuế xuất khẩu (nếu có) đối với nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị đưa từ Việt Nam ra nước ngoài để gia công.

b) Thủ tục hải quan nhập khẩu về Việt Nam:

b1) Trường hợp nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị được xuất khẩu từ Việt Nam; phế liệu, phế phẩm phát sinh từ nguyên liệu, vật tư xuất khẩu từ Việt Nam thì làm thủ tục tái nhập;

b2) Trường hợp nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị mua ở nước ngoài; phế liệu, phế phẩm phát sinh từ nguyên liệu, vật tư mua từ nước ngoài thì thực hiện như đối với lô hàng nhập khẩu kinh doanh;

b3) Khi làm thủ tục hải quan, công chức Hải quan kiểm tra thực tế lô hàng thực hiện; đối chiếu chủng loại, ký, mã hiệu của máy móc, thiết bị ghi trên tờ khai tạm xuất với máy móc, thiết bị tái nhập trở lại.

c) Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn sang hợp đồng gia công khác:

c1) Thương nhân có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công, nội dung thông báo gồm: tên, quy cách phẩm chất nguyên liệu, vật tư; lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn thuộc hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công số, ngày tháng năm được chuyển sang hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công số, ngày tháng năm ký với đối tác nước ngoài (ghi rõ tên bên nhận gia công ở nước ngoài).

c2) Thương nhân chỉ được làm thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê, mượn sang hợp đồng gia công khác sau khi Lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công xác nhận vào văn bản đề nghị của thương nhân khi thanh khoản hợp đồng gia công.

MỤC 4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 37. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2014 thay thế Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn trước đây của Bộ Tài chính trái với Thông tư này.

2. Đối với thương nhân thực hiện thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài thì thủ tục hải quan điện tử thực hiện theo qui định tại Thông tư số 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính; chính sách, chế độ quản lý, hồ sơ giấy thực hiện theo qui định tại Thông tư này.

3. Đối với hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công thông báo và được tiếp nhận vào thời điểm Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 có hiệu lực nhưng thanh khoản vào thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì thương nhân được lựa chọn thanh khoản hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công theo hướng dẫn tại Thông tư số 117/2011/TT-BTC hoặc thanh khoản theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 38. Trách nhiệm thực hiện

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ qui định tại Thông tư này ban hành quy trình thủ tục hải quan hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất, vừa tạo thuận lợi vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động gia công xuất khẩu, nhập khẩu đúng qui định của pháp luật.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./

Nơi nhận:
- VP TƯ Đảng và các ban của Đảng;
- VP Tổng Bí thư; VP Chủ tịch nước,
- VP Quốc hội; VP Chính phủ;
- Viện kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng chống tham nhũng;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; Website Bộ Tài chính;
- Cục Hải quan tỉnh, thành phố;
- Website Tổng cục Hải quan;
- Lưu: VT; TCHQ (203).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

PHỤ LỤC I

CÁC BIỂU MẪU KHI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2014/TT-BTC NGÀY 24/1/2014 QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA GIA CÔNG VỚI THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Stt

Biểu mẫu

Điều

1

Mẫu 01/TBNVL-GC/2014: Bảng thông báo nguyên liệu, vật tư nhập khẩu.

Điều 14

2

Mẫu 02/NVLCƯ-GC/2014: Bảng khai nguyên liệu, vật tư do bên nhận gia công tự cung ứng.

Điều 16

3

Mẫu 03/TBĐM-GC/2014: Bảng thông báo định mức từng mã hàng.

Điều 11


Mẫu 01/TBNVL-GC/2014, Khổ A4

BẢNG THÔNG BÁO NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ CHO HỢP ĐỒNG/PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG GIA CÔNG

Trang số:………

Hợp đồng gia công số: ……………………………………… Ngày:………………...Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Phụ lục hợp đồng gia công số: …………………………….. Ngày:………………...Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Bên thuê gia công: …………………………………………….. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Bên nhận gia công: ……………………………………………. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Mặt hàng gia công: ……………………………………………. Số lượng: ................................................................................................................................................................................

Đơn vị Hải quan làm thủ tục: ................................................................................................................................................................................

STT

Tên nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị

Mã nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị

Lượng nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị

Đơn vị tính

Loại nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị

Hình thức cung cấp

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

Ngày ….. tháng …… năm ……….
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

- Bảng này thương nhân thông báo trước hoặc cùng thời điểm làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị.

- Trên cơ sở các khái niệm nêu tại Thông tư này, thương nhân tự xác định nguyên liệu chính, phụ liệu, vật tư và ghi vào cột (6) tương ứng với tên nguyên liệu, vật tư ghi tại cột (2).

- Hình thức cung cấp tại cột (7) ghi: “Bên thuê gia công cung cấp” hoặc “tự cung ứng”.

Mẫu 02/NVLCƯ-GC/2014, Khổ A4

BẢNG KHAI NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ DO BÊN NHẬN GIA CÔNG CUNG ỨNG SỬ DỤNG ĐỂ SẢN XUẤT SẢN PHẨM TƯƠNG ỨNG VỚI TỪNG TỜ KHAI XUẤT KHẨU

Trang số: ………

Tờ khai xuất khẩu số…………………………………………………………… ; ngày ................................................................................................................................................................................

Giấy phép xuất khẩu số …………ngày ………………; Cơ quan cấp ................................................................................................................................................................................

Hợp đồng gia công số …………………………………… Ngày: ………………………… Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Phụ lục hợp đồng gia công số: …………………………. Ngày: ………………………… Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Bên thuê gia công: ……………………………………….. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Bên nhận gia công: ……………………………………… Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Mặt hàng gia công: ……………………………………… Lượng hàng gia công: ................................................................................................................................................................................

Đơn vị Hải quan làm thủ tục: ................................................................................................................................................................................

STT

Nguyên liệu, vật tư cung ứng

Mã nguyên liệu, vật tư

Đơn vị tính

Lượng cung ứng

Đơn giá

Trị giá

Hình thức cung ứng

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

Ngày ….. tháng …… năm ………..
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

1. Thương nhân phải kê khai đầy đủ nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tự cung ứng từ tất cả các nguồn.

2. Mã nguyên liệu, vật tư ghi tại cột (3) chỉ áp dụng đối với những Chi cục Hải quan quyết toán bằng máy vi tính.

3. Tại cột (5) ghi: Lượng nguyên liệu, vật tư cung ứng để sản xuất ra lượng sản phẩm xuất khẩu của tờ khai xuất khẩu kèm theo Bảng này.

4. Tại cột (8) ghi: Trường hợp hình thức cung ứng theo loại hình gia công thì phải ghi rõ số, ngày tờ khai như sau ……./NK/GC-CƯ/……….; nếu dùng nguyên liệu theo loại hình NSXXK để cung ứng thì ghi rõ số, ngày tờ khai như sau ……../NK/SXXK/...; nếu dùng nguyên liệu trong nước để cung ứng thì ghi nguồn trong nước.

Mẫu 03/TBĐM-GC/2014, Khổ A4

BẢNG THÔNG BÁO ĐỊNH MỨC TỪNG MÃ HÀNG

Trang số: ………………

Hợp đồng gia công số …………………………………… Ngày: …………………… Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Phụ lục Hợp đồng gia công số: …………………………. Ngày: …………………… Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Bên thuê gia công: …………………………………………Địa chỉ ................................................................................................................................................................................

Bên nhận gia công: ………………………………………..Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Mặt hàng gia công: ………………………………………. Số lượng: ................................................................................................................................................................................

Mã hàng: …………………….Size: ……………………… Số lượng: ………………………. Đơn vị tính ................................................................................................................................................................................

Đơn vị Hải quan làm thủ tục: ................................................................................................................................................................................

STT

Tên nguyên liệu, vật tư

Mã nguyên liệu, vật tư

Đơn vị tính

Định mức

Nguồn nguyên liệu

Ghi chú

Định mức sử dụng nguyên liệu
Đs

Định mức vật tư tiêu hao
Đt

Tỷ lệ hao hụt H
(%)

Định mức kể cả hao hụt
Đc

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

Thông báo các thông số của sản phẩm liên quan đến việc xác định định mức (VD: Sơ đồ giác mẫu hoặc mẫu rập đối với lĩnh vực dệt may và da giày):

................................................................................................................................................................................

................................................................................................................................................................................

................................................................................................................................................................................

................................................................................................................................................................................

................................................................................................................................................................................

Ngày....tháng...năm…….
Công chức Hải quan tiếp nhận định mức
(ký, đóng dấu công chức)

Ngày ….. tháng …… năm ….
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(Ký tên, đóng dấu)


HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG

1. Mục Size... áp dụng cho trường hợp 01 mã hàng có nhiều size, thương nhân thông báo định mức theo từng size; trường hợp 01 size cho 01 mã hàng có nhiều size nhưng thương nhân chỉ thông báo 01 định mức thì phải thông báo theo định mức bình quân. Cách tính và giải trình định mức bình quân theo hướng dẫn tại điểm 5 và 6 dưới đây.

2. Cột (3) chỉ áp dụng đối với những Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công bằng máy vi tính.

3. Tên nguyên liệu và mã nguyên liệu ghi tại cột (2), (3) phải phù hợp với tên nguyên liệu và mã nguyên liệu khai trên tờ khai hải quan.

4. Định mức kể cả hao hụt (cột 8) được tính như sau:

a. Đối với nguyên liệu: Đc = Đs + Đs x H

b. Đối với vật tư: Đc = Đt + Đt x H

5. Hướng dẫn thông báo định mức tách nguyên liệu thành phần:

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A nhập khẩu 10 kg lá thuốc lá chưa tách cọng để sản xuất ra 02 sản phẩm xuất khẩu với lượng tương ứng là 05 kg lá thuốc lá đã tách cọng và 04 kg cọng lá thuốc lá, 01 kg hao hụt. Việc thông báo định mức phải được thực hiện qua 02 bước sau:

Bước 1: Công đoạn tách (lượng hao hụt của công đoạn tách được phân bổ vào 1 trong 2 hoặc cả hai nguyên liệu thành phần).

10 kg lá thuốc lá chưa tách cọng = 5 kg lá thuốc lá đã tách cọng + 5 kg cọng lá thuốc lá (phân bổ vào nguyên liệu cọng lá thuốc lá), hoặc 10 kg lá thuốc lá chưa tách cọng = 6 kg lá thuốc lá đã tách cọng + 4 kg cọng lá thuốc lá (phân bổ vào nguyên liệu lá thuốc lá đã tách cọng), hoặc 10 kg lá chưa tách cọng = 5.5 kg lá thuốc lá đã tách cọng + 4.5 kg cọng lá thuốc lá (phân bổ vào cả 2 nguyên liệu).

Bước 2: Thông báo định mức như thông thường đối với từng sản phẩm xuất khẩu (trường hợp phân bổ lượng hao hụt vào nguyên liệu cọng lá thuốc lá).

Stt

Tên nguyên liệu, vật tư

Mã NL, VT

Đơn vị tính

Định mức

Nguồn NL

Ghi chú

Định mức sử dụng nguyên liệu Đs

Định mức VT tiêu hao Đt

Tỷ lệ hao hụt H (%)

Định mức kể cả hao hụt Đc

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

1

Lá thuốc lá chưa tách cọng

NL1

kg

05

0

05

NK

Không có hao hụt

2

Lá thuốc lá chưa tách cọng

NL1

kg

04

25

05

NK

Phân bổ hao hụt vào nguyên liệu cọng lá thuốc lá

3

Ví dụ 2: Doanh nghiệp B nhập khẩu 10 kg cá nguyên con để sản xuất ra 02 sản phẩm xuất khẩu với lượng tương ứng là 05 kg Phi lê và 03 kg Chả cá. Theo đó, 10 kg cá nguyên con được tách ra thành 5.5 kg thịt cá, 3.5 kg xương, đầu cá và 01 kg hao hụt. Từ 5.5 kg thịt cá sản xuất được 05 kg Phi lê xuất khẩu (0.5 kg bị hao hụt). Từ 3.5 kg xương, đầu cá sản xuất được 3 kg Chả cá xuất khẩu (0.5 kg hao hụt). Việc thông báo định mức phải được thực hiện qua 02 bước sau:

Bước 1: Công đoạn tách (lượng hao hụt của công đoạn tách được phân bổ vào 1 trong 2 hoặc cả hai nguyên liệu thành phần).

10 kg cá nguyên con = 5.5 kg thịt cá + 4.5 kg đầu xương cá (phân bổ vào nguyên liệu đầu xương cá), hoặc 10 kg cá nguyên con = 6.5 kg thịt cá + 3.5 kg đầu xương cá (phân bổ vào nguyên liệu thịt cá), hoặc 10 kg cá nguyên con = 6 kg thịt cá + 4 kg đầu xương cá (phân bổ vào cả 2 nguyên liệu).

Bước 2: Thông báo định mức như thông thường đối với từng sản phẩm xuất khẩu (trường hợp phân bổ lượng hao hụt vào nguyên liệu đầu xương cá).

Stt

Tên nguyên liệu, vật tư

Mã NL, VT

Đơn vị tính

Định mức

Nguồn NL

Ghi chú

Định mức sử dụng nguyên liệu Đs

Định mức VT tiêu hao Đt

Tỷ lệ hao hụt H (%)

Định mức kể cả hao hụt Đc

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

1

Cá nguyên con

NL1

kg

05

10

5.5

NK

Đối với sản phẩm là Phi lê xuất khẩu

2

Cá nguyên con

NL1

kg

03

50

4.5

NK

Đối với sản phẩm là Chả cá xuất khẩu

3

6. Cách tính định mức bình quân cho 01 mã hàng trên cơ sở định mức từng size và số lượng sản phẩm từng size tính theo công thức sau:

Trong đó:

ĐMBQ là định mức bình quân cho cả mã hàng.

ĐMS1, ĐMS2, ĐMSn là định mức của từng size S1, S2...Sn.

LS1, LS2,..., LSn là lượng sản phẩm của từng size S1, S2....Sn.

7. Bảng giải trình định mức bình quân:

Stt

Nguyên vật liệu

Sizel (S1)

Sizel (S2)

Sizel (Sn)

Size bình quân

Định mức kể cả hao hụt (ĐMS1)

Số lượng SP xuất khẩu (LS1)

Định mức kể cả hao hụt (ĐMS2)

Số lượng SP xuất khẩu (LS2)

...

...

Định mức kể cả hao hụt (ĐMSn)

Số lượng SP xuất khẩu (LSn)

Định mức bình quân kể cả hao hụt (ĐMBQ)

Tổng lượng SP xuất khẩu (LS1+ LS2+ ...+LSn)

...

8. Cột (9) "Nguồn nguyên liệu": Thương nhân ghi tất cả các nguồn.

9. Đại diện theo pháp luật của thương nhân (ký tên, đóng dấu): trường hợp là hộ gia đình thì ký và ghi rõ họ tên, số chứng minh thư nhân dân.

PHỤ LỤC II

CÁC BIỂU MẪU KHI THANH KHOẢN HỢP ĐỒNG GIA CÔNG BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 13/2014/TT-BTC NGÀY 24/01/2014 CỦA BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA GIA CÔNG VỚI THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Stt

Biểu mẫu

Điều

1

Mẫu ĐNXL-GC/2014: Công văn đề nghị xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê mượn.

Điều 25

2

Mẫu ĐNTK-GC/2014: Công văn đề nghị thanh khoản hợp đồng gia công.

Điều 25

3

Mẫu 01/HSTK-GC/2014: Bảng tổng hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu.

Điều 25

4

Mẫu 02/HSTK-GC/2014: Bảng tổng hợp sản phẩm gia công xuất khẩu.

Điều 25

5

Mẫu 03/HSTK-GC/2014: Bảng tổng hợp nguyên liệu, vật tư xuất trả ra nước ngoài và chuyển sang hợp đồng gia công khác.

Điều 25

6

Mẫu 04/HSTK-GC/2014: Bảng tổng hợp nguyên liệu, vật tư do bên nhận gia công tự cung ứng.

Điều 25

7

Mẫu 05/HSTK-GC/2014: Bảng tổng hợp nguyên liệu, vật tư đã sử dụng để sản xuất thành sản phẩm xuất khẩu.

Điều 25

8

Mẫu 06/HSTK-GC/2014: Bảng thanh khoản hợp đồng gia công.

Điều 25

9

Mẫu 07/HSTK-GC/2014: Bảng thanh khoản máy móc, thiết bị tạm nhập-tái xuất.

Điều 25

10

Mẫu 08/SPHC-GC/2014: Bảng thống kê sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn hoặc đóng chung với sản phẩm gia công xuất khẩu.

Điều 25

11

Mẫu 09/HSTK-GC/2014: Bảng kê tờ khai xuất khẩu sản phẩm gia công.

Điều 25

ĐNXLNVT-SPHC-MMTB-GC/2014

- Tên doanh nghiệp: ……..;
- Địa chỉ: ………………….;
- Điện thoại: ……………...;
- Fax: ……………………..;
- Mã số thuế: ……………….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: ……..……./…………..

………., ngày … tháng …. năm ……..

ĐỀ NGHỊ XỬ LÝ NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ DƯ THỪA; MÁY MÓC THIẾT BỊ THUÊ MƯỢN

Kính gửi: Chi cục Hải quan ………………. thuộc Cục Hải quan ………………..

- Ngày .... Công ty đã thông báo hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công số..... ngày …. năm ….. và đã được Chi cục tiếp nhận hợp đồng tại phiếu tiếp nhận số ………..  ngày.... tháng.... năm …..

- Đến nay, Công ty đã thực hiện xong hợp đồng gia công số.... ngày.... tháng.... năm …… và đã tiến hành thanh lý hợp đồng theo Biên bản thanh lý số..... ngày ….. tháng …. năm (kèm theo).

- Căn cứ Biên bản thanh lý hợp đồng gia công dẫn trên, đề nghị Chi cục Hải quan làm ….. thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; máy móc, thiết bị thuê mượn như sau:

+ Về nguyên liệu, vật tư dư thừa: …………….. (nêu rõ phương án xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Thông tư …………/2014/TT-BTC);

+ Về máy móc, thiết bị thuê mượn: …………………… (nêu rõ phương án xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Thông tư ………../2014/TT-BTC).

Chúng tôi cam kết chậm nhất 30 ngày kể từ ngày được Chi cục Hải quan .... chấp thuận sẽ làm xong thủ tục để xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê mượn và nộp đầy đủ hồ sơ thanh khoản cho cơ quan Hải quan.

........, ngày …… tháng ….. năm ….
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký, ghi rõ họ tên; đóng dấu)

Ý kiến của Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công:
Trên cơ sở đề nghị của thương nhân, Lãnh đạo Chi cục phê duyệt ý kiến.
Lãnh đạo Chi cục
(ghi ngày tháng năm, ký tên, đóng dấu)

ĐNTK-GC/2014

- Tên doanh nghiệp: ……..;
- Địa chỉ: ………………….;
- Điện thoại: ……………...;
- Fax: ……………………..;
- Mã số thuế: ……………….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: ……..……./…………..

………., ngày … tháng …. năm ……..

ĐỀ NGHỊ THANH KHOẢN HỢP ĐỒNG GIA CÔNG

Kính gửi: Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan

- Ngày .... Công ty chúng tôi đã thông báo hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công số ….. ngày …… năm ….. và đã được Chi cục tiếp nhận hợp đồng tại phiếu tiếp nhận số …… ngày.... tháng.... năm ………..

- Ngày ….. Công ty chúng tôi có Đơn đề nghị xử lý nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và đã được Chi cục Hải quan …………… đồng ý phương án xử lý.

- Nay, Công ty chúng tôi đã xử lý xong nguyên vật liệu, sản phẩm hoàn chỉnh, máy móc thiết bị thuộc hợp đồng gia công số.... ngày.... tháng.... năm ….. (nêu rõ kết quả đã xử lý, chẳng hạn đã mở tờ khai xuất khẩu số... ngày....tháng.... năm ........ và tờ khai nhập khẩu số …. ngày... tháng... năm ………).

Công ty chúng tôi gửi kèm đơn này và toàn bộ bảng biểu hồ sơ thanh khoản theo quy định tại Điều 25 Thông tư số ………../2014/TT-BTC đề nghị Chi cục Hải quan tiếp nhận, làm thủ tục thanh khoản hợp đồng gia công số ………….. nêu trên theo quy định.

Chúng tôi cam kết các số liệu và thông tin kê khai trong bộ hồ sơ thanh khoản là chính xác.

........, ngày …… tháng ….. năm ….
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký, ghi rõ họ tên; đóng dấu)

Ý kiến của Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công:

1. Căn cứ Thông tư số ......./2013/TT-BTC ngày …./ …/2013 của Bộ Tài chính, Chi cục Hải quan nơi quản lý hợp đồng gia công tiến hành kiểm tra hồ sơ thanh khoản, nếu đồng bộ, hợp lệ thì công chức được phân công xác nhận “Đã tiếp nhận hồ sơ thanh khoản” vào đơn này và cấp số tiếp nhận, ký ghi rõ họ tên, dấu công chức, ngày, tháng, năm tiếp nhận.

2. Trên cơ sở xác nhận của công chức, Lãnh đạo Chi cục có ý kiến, xác nhận vào 02 Đơn, trả thương nhân 01 bản.

Lãnh đạo Chi cục
(Ghi ngày tháng năm, ký tên, đóng dấu)


Công chức được phân công sau khi đã kiểm tra,
đối chiếu sự đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì xác
nhận “Đã tiếp nhận hồ sơ thanh khoản", ghi
ngày tháng, cấp số tiếp nhận, ký tên, đóng dấu vào ô này.

 Mẫu: 01/HSTK-GC/2014, Khổ A4

BẢNG TỔNG HỢP NGUYÊN LỆU, VẬT TƯ NHẬP KHẨU

Trang số:………………..

Hợp đồng gia công số: ……………………………………… Ngày:………………...Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Phụ lục hợp đồng gia công số: …………………………….. Ngày: ……………….. Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Bên thuê gia công: …………………………………………….. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Bên nhận gia công: ……………………………………………. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Mặt hàng gia công: ……………………………………………. Số lượng: ................................................................................................................................................................................

Đơn vị Hải quan làm thủ tục: ................................................................................................................................................................................

STT

Số Tờ khai nhập khẩu

Ngày đăng ký

Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu

Tên nguyên liệu, vật tư

Mã nguyên liệu, vật tư

Đơn vị tính

Lượng hàng

Tổng lượng

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

Ngày ….. tháng …… năm ………..
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú: Tại biểu này thống kê cả nguyên liệu, vật tư nhập khẩu tại chỗ; nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp để làm nguyên liệu, vật tư gia công; nguyên liệu, vật tư dư thừa chuyển từ hợp đồng gia công khác sang.

Công chức được phân công sau khi đã kiểm tra,
đối chiếu sự đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì xác
nhận “Đã tiếp nhận hồ sơ thanh khoản", ghi
ngày tháng, cấp số tiếp nhận, ký tên, đóng dấu
vào ô này.

 Mẫu: 02/HSTK-GC/2014, Khổ A4

BẢNG TỔNG HỢP SẢN PHẨM GIA CÔNG XUẤT KHẨU

Trang số:………………..

Hợp đồng gia công số: ……………………………………… Ngày:………………...Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Phụ lục hợp đồng gia công số: …………………………….. Ngày: ……………….. Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Bên thuê gia công: …………………………………………….. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Bên nhận gia công: ……………………………………………. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Mặt hàng gia công: ……………………………………………. Lượng hàng gia công: ................................................................................................................................................................................

Đơn vị Hải quan làm thủ tục: ................................................................................................................................................................................

Số TT

Số Tờ khai xuất khẩu

Ngày đăng ký

Sản phẩm gia công xuất khẩu

Mã hàng

Tên hàng

Đơn vị tính

Lượng hàng

Tổng cộng

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

Ngày ….. tháng …… năm ………..
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú: Tại biểu này thống kê cả sản phẩm gia công xuất khẩu tại chỗ; giao sản phẩm gia công chuyển tiếp để làm nguyên liệu, vật tư gia công cho hợp đồng khác.

Công chức được phân công sau khi đã kiểm tra,
đối chiếu sự đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì xác
nhận “Đã tiếp nhận hồ sơ thanh khoản", ghi
ngày tháng, cấp số tiếp nhận, ký tên, đóng dấu
vào ô này.

 Mẫu: 03/HSTK-GC/2014, Khổ A4

BẢNG TỔNG HỢP NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ XUẤT TRẢ RA NƯỚC NGOÀI VÀ CHUYỂN SANG HỢP ĐỒNG GIA CÔNG KHÁC TRONG KHI ĐANG THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG GIA CÔNG

Trang số:………………..

Hợp đồng gia công số: ……………………………………… Ngày:………………...Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Phụ lục hợp đồng gia công số: …………………………….. Ngày: ……………….. Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Bên thuê gia công: …………………………………………….. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Bên nhận gia công: ……………………………………………. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Mặt hàng gia công: ……………………………………………. Lượng hàng gia công: ................................................................................................................................................................................

Đơn vị Hải quan làm thủ tục: ................................................................................................................................................................................

Stt

Tờ khai số

Nguyên liệu, vật tư

Tên nguyên phụ liệu

Mã NPL

Đơn vị tính

Lượng hàng từng tờ khai

Tổng lượng

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

Ngày ….. tháng …… năm ………..
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Công chức được phân công sau khi đã kiểm tra,
đối chiếu sự đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì xác
nhận “Đã tiếp nhận hồ sơ thanh khoản", ghi
ngày tháng, cấp số tiếp nhận, ký tên, đóng dấu
vào ô này.

 Mẫu: 04/HSTK-GC/2014, Khổ A4

BẢNG TỔNG HỢP NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ DO BÊN NHẬN GIA CÔNG CUNG ỨNG

Trang số:………………..

Hợp đồng gia công số: ……………………………………… Ngày:………………...Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Phụ lục Hợp đồng gia công số: …………………………….. Ngày: ……………….. Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Bên thuê gia công: …………………………………………….. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Bên nhận gia công: ……………………………………………. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Mặt hàng gia công: ……………………………………………. Số lượng: ................................................................................................................................................................................

Đơn vị Hải quan làm thủ tục: ................................................................................................................................................................................

STT

Tên nguyên liệu, vật tư

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá

Tổng trị giá

Hình thức cung ứng

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

Ngày ….. tháng …… năm ………..
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

1. Mẫu này để tổng hợp nội dung thương nhân khai nguyên liệu, phụ liệu, vật tư cung ứng theo mẫu 02/NVLCƯ-GC/2014, Phụ lục I.

2. Tại cột (7) ghi cụ thể từ nguồn nào.

Công chức được phân công sau khi đã kiểm tra,
đối chiếu sự đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì xác
nhận “Đã tiếp nhận hồ sơ thanh khoản", ghi
ngày tháng, cấp số tiếp nhận, ký tên, đóng dấu
vào ô này.

 Mẫu: 05/HSTK-GC/2014, Khổ A4

BẢNG TỔNG HỢP NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ ĐÃ SỬ DỤNG ĐỂ SẢN XUẤT THÀNH SẢN PHẨM XUẤT KHẨU
(Qui đổi từ lượng sản phẩm đã thực xuất khẩu)

Trang số:...

Hợp đồng gia công số: ……………………………………… Ngày:………………...Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Phụ lục Hợp đồng gia công số: …………………………….. Ngày: ……………….. Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Bên thuê gia công: …………………………………………….. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Bên nhận gia công: ……………………………………………. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Mặt hàng gia công: ……………………………………………. Lượng hàng gia công: ................................................................................................................................................................................

Đơn vị Hải quan làm thủ tục:  ................................................................................................................................................................................

STT

Lượng nguyên liệu, vật tư đã sử dụng để sản xuất thành sản phẩm xuất khẩu theo từng mã hàng

Tên NL, VT

Mã NL, VT

Tên sản phẩm đã xuất khẩu

Mã sản phẩm

Đơn vị tính

Số lượng sản phẩm đã xuất khẩu (M)

Định mức sử dụng (Đs)

Tỷ lệ hao hụt (H)

Định mức kể cả hao hụt (Đc)

Lượng sử dụng (L)

Tổng lượng NL, VT đã sử dụng

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

Ngày ….. tháng …… năm ………..
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Hướng dẫn sử dụng

1. Công thức tính tổng lượng sử dụng của từng loại nguyên liệu, vật tư để sản xuất tất cả các mã hàng:

åL = L1 + L2 + ...+ Ln

2. Công thức tính lượng sử dụng của từng loại nguyên liệu, vật tư để sản xuất từng mã hàng i:

Li = M* Đc

Trong đó:

- Cột (7): M là lượng sản phẩm của mã hàng tại cột (4) có định mức Đc đã được thực xuất khẩu (Số liệu lấy ở Bảng 02/HSTK-GC/2014).

- Cột (8): Đc là định mức kể cả hao hụt của mã hàng tại cột (4) tính cho 1 đơn vị sản phẩm.

- Cột (11): Li là lượng sử dụng của loại nguyên liệu, vật tư tại cột (2) để sản xuất ra mã hàng i có định mức Đc.

2. Cột (3) và (5) - Mã nguyên liệu, vật tư (NL,VT) và sản phẩm: thương nhân chỉ khai khi thanh khoản tại những đơn vị Hải quan áp dụng công nghệ thông tin để thanh khoản hàng gia công.

Công chức được phân công sau khi đã kiểm tra,
đối chiếu sự đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì xác
nhận “Đã tiếp nhận hồ sơ thanh khoản", ghi
ngày tháng, cấp số tiếp nhận, ký tên, đóng dấu
vào ô này.

 Mẫu: 06/HSTK-GC/2014, Khổ A4

BẢNG THANH KHOẢN HỢP ĐỒNG GIA CÔNG

Trang số: ……

Hợp đồng gia công số: ……………………………………… Ngày:………………...Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Phụ lục Hợp đồng gia công số: …………………………….. Ngày: ……………….. Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Bên thuê gia công: …………………………………………….. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Bên nhận gia công: ……………………………………………. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Mặt hàng gia công: ……………………………………………. Lượng hàng.........................................................................................................................................................................

Đơn vị Hải quan làm thủ tục:  ................................................................................................................................................................................

Stt

Tên nguyên liệu, vật tư

Mã nguyên liệu, VT

Đơn vị tính

Tổng lượng NK

Tổng lượng cung ứng

Tổng lượng xuất trả và chuyển sang hợp đồng khác

Tổng lượng XK

Nguyên liệu, vật tư dư thừa

Biện pháp xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

Nêu rõ phương án đã xử lý theo quy định tại khoản ... Điều …. Thông tư số .../2014/TT-BTC (VD: đã chuyển sang hợp đồng gia công số... ngày...tháng ...năm theo tờ khai XK, NK số.... ngày ... tháng... năm....)

Ngày ….. tháng …… năm ………..
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Hướng dẫn sử dụng

Công thức tính lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa:

Lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa (Cột 9)

=

Tổng lượng nhập khẩu (Cột 5)

+

Tổng lượng cung ứng (Cột 6)

-

Tổng lượng xuất trả và chuyển sang hợp đồng gia công khác (Cột 7)

-

Tổng lượng xuất khẩu (Cột 8)

- Tổng lượng nhập khẩu lấy tại Cột 8, Bảng 01/HSTK-GC/2014.

Bao gồm: (Tổng lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu) + (Tổng lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu tại chỗ) + (Tổng lượng nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp để làm nguyên liệu, vật tư gia công) + (Tổng lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa chuyển từ hợp đồng gia công khác sang).

- Tổng lượng cung ứng: Lấy số liệu ở Cột 4, Bảng 04/HSTK-GC/2014.

- Tổng lượng xuất trả và chuyển sang hợp đồng gia công khác trong quá trình thực hiện lấy ở Cột 7, Bảng 03/HSTK-GC/2014.

- Tổng lượng xuất khẩu lấy số liệu ở Cột 12, Bảng 05/HSTK-GC/2014;

Công chức được phân công sau khi đã kiểm tra,
đối chiếu sự đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì xác
nhận “Đã tiếp nhận hồ sơ thanh khoản", ghi
ngày tháng, cấp số tiếp nhận, ký tên, đóng dấu
vào ô này.

 Mẫu: 07/HSTK-GC/2014, Khổ A4

BẢNG THANH KHOẢN MÁY MÓC, THIẾT BỊ TẠM NHẬP, TÁI XUẤT

Trang số:

Hợp đồng gia công số: ……………………………………… Ngày:………………...Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Phụ lục hợp đồng gia công số: …………………………….. Ngày: ……………….. Thời hạn: ................................................................................................................................................................................

Bên thuê gia công: …………………………………………….. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Bên nhận gia công: ……………………………………………. Địa chỉ: ................................................................................................................................................................................

Mặt hàng gia công: ……………………………………………. Lượng hàng gia công: ................................................................................................................................................................................

Đơn vị Hải quan làm thủ tục:  ............................................................................................................................................................................... :

STT

Tên máy móc, thiết bị tạm nhập

Đơn vị tính

Số lượng tạm nhập

Đã xuất hoặc chuyển sang hợp đồng gia công khác trong khi thực hiện hợp đồng gia công

Máy móc thiết bị còn lại chưa tái xuất

Biện pháp xử lý đối với máy móc thiết bị chưa tái xuất

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

Nêu rõ phương án đã xử lý theo quy định tại khoản... Điều... Thông tư số .../2014/TT-BTC (VD: đã chuyển sang hợp đồng gia công số... ngày... tháng ...năm theo tờ khai XK, NK số.... ngày ... tháng ... năm....)

Ngày ….. tháng …… năm ………..
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Công chức được phân công sau khi đã kiểm tra,
đối chiếu sự đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì xác
nhận “Đã tiếp nhận hồ sơ thanh khoản", ghi
ngày tháng, cấp số tiếp nhận, ký tên, đóng dấu
vào ô này.

 Mẫu: 08/SPHC-GC/2014, Khổ A4

BẢNG THỐNG KÊ SẢN PHẨM HOÀN CHỈNH NHẬP KHẨU ĐỂ GẮN HOẶC ĐÓNG CHUNG VỚI SẢN PHẨM GIA CÔNG XUẤT KHẨU

Trang số:...

Stt

Tên hàng

Đơn vị tính

Mã nguyên liệu

Hàng hóa nhập khẩu

Hàng hóa xuất khẩu

Số lượng tồn

Biện pháp xử lý đối với sản phẩm hoàn chỉnh chưa tái xuất

Số, ký hiệu, ngày tờ khai nhập khẩu

Lượng

Số, ký hiệu, ngày tờ khai xuất khẩu

Lượng

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

Nêu rõ phương án đã xử lý theo quy định tại khoản... Điều... Thông tư số .../2014/TT-BTC (VD: đã chuyển sang hợp đồng gia công số... ngày...tháng ...năm theo tờ khai XK, NK số.... ngày ... tháng... năm....)

Tổng cộng

….

…..

….

Ngày ….. tháng …… năm ………..
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

1. Mẫu này thương nhân khai khi thanh khoản hợp đồng gia công.

2. Xuất trình trong bộ hồ sơ thanh khoản.

Công chức được phân công sau khi đã kiểm tra,
đối chiếu sự đầy đủ, đồng bộ, hợp lệ thì xác
nhận “Đã tiếp nhận hồ sơ thanh khoản", ghi
ngày tháng, cấp số tiếp nhận, ký tên, đóng dấu
vào ô này.

Mẫu: 09/HSTK-GC/2014, Khổ A4

BẢNG KÊ TỜ KHAI XUẤT KHẨU SẢN PHẨM GIA CÔNG

Trang số: ……………

TT

Số, ngày tờ khai

Tên sản phẩm hoặc nguyên liệu

Số lượng

Trị giá

Hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công (số, ngày ký, ngày hết hạn)

Cửa khẩu xuất

Số, ngày B/L

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

Ngày ….. tháng …… năm ………..
Đại diện theo pháp luật của thương nhân
(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

Đối với tờ khai xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông; tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ, tờ khai gia công chuyển tiếp không phải ghi số B/L (cột 8).

THE MINISTRY OF FINANCE
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
IndependenceFreedom – Happiness

---------------

No. 13/2014/TT-BTC

Hanoi, January 24, 2014

 

CIRCULAR

PRESCRIBING CUSTOMS PROCEDURES FOR GOODS PROCESSED WITH FOREIGN TRADERS1

Pursuant to Customs Law No. 29/2001/QH10 of June 29, 2001, and Law No. 42/2005/QH11 of June 14, 2005, Amending and Supplementing a Number of Articles of the Customs Law;

Pursuant to Import Duty and Export Duty Law No. 45/2005/QH11 of June 14, 2005; Tax Administration Law No. 78/2006/QH11 of November 29, 2006; and Law No. 21/2012/QH13 of November 20, 2012, Amending and Supplementing a Number of Articles of the Tax Administration Law; Pursuant to Commercial Law No. 36/2005/QH11 of June 14, 2005; Pursuant to Civil Code No. 33/2005/QH11 of June 14, 2005; Pursuant to Penal Code No. 15/1999/QH10 of December 21, 1999;

Pursuant to the Government’s Decree No. 154/2005/ND-CP of December 15, 2005, detailing a number of articles of the Customs Law on customs procedures and customs inspection and supervision;

Pursuant to the Government’s Decree No. 187/2013/ND-CP of November 20, 2013, detailing the Commercial Law’s provisions on international purchase and sale of goods and agency for purchase, sale, processing and transit of goods with foreign partners;

Pursuant to the Government’s Decree No. 87/2010/ND-CP of August 13, 2010, detailing a number of articles of the Import Duty and Export Duty Law;

Pursuant to the Government’s Decree No. 118/2008/ND-CP of November 27, 2008, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Minister of Finance promulgates the Circular prescribing customs procedures for goods processed with foreign traders as follows:

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Circular prescribes customs procedures for goods received for processing in Vietnam for foreign traders and customs procedures for goods ordered for overseas processing.

Article 2. Subjects of application

1. Subjects that are below collectively referred to as traders:

a/ Vietnamese enterprises established and having made business registration in accordance with the Enterprise Law;

b/ Foreign-invested enterprises established in accordance with the Investment Law;

c/ Cooperatives established and having made business registration in accordance with the Cooperative Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Customs offices and customs officers.

3. Other state agencies involved in the state management of customs.

Article 3. Interpretation of terms

1. Processing raw materialsinclude principal raw materials and auxiliary raw materials:

a/ Principal raw materials are raw materials constituting the principal component of a product.

b/ Auxiliary raw materials are raw materials used for the creation of a processed product but not constituting the principal component of the product.

2. Processing suppliesmeans products and semi-finished products used in the process of producing a processed product but not directly constituting the product. Processing supplies include also packages or materials used for packaging processed products.

3. Processing scraps” means raw materials, supplies, machines and equipment discarded in the process of processing but recovered and used as raw materials for another process of production.

4. Processing wastesmeans raw materials and supplies discarded in the process of processing and unusable.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Actual production norms of processed products (below referred to as norms) include:

a/ Raw material use norm”, which is the necessary and reasonable amount of raw materials to produce a processed product unit;

b/ Supplies consumption norm”, which is the amount of supplies consumed in order to produce a processed product unit;

c/ Raw material or supplies wastage percentage”, which is the amount of raw material or supplies wastage, including natural wastage and wastage due to the creation of processing scraps, defective processed products and processing wastes (excluding scraps and wastes already included in use norms) calculated in a percentage (%) of the raw material use norm or supplies consumption norm.

7. Norm of separation of component raw materials from original raw materials means the amount of component raw materials separated from an original raw material;

8. Machines, equipment and instruments directly used for processingmeans those in a technological line to turn out processed products, which are leased or lent by the principal to the processor for the performance of a processing contract.

9. Processed goods” referred to in Article 28 of the Governments Decree No. 187/2013/ND-CP of November 20, 2013 (below referred to as Decree No. 187/2013/ND-CP) are finished products of a process of production or processing which satisfy the requirements of the principal agreed upon in a processing contract.

10. Trader undertaking the processing for the first time” means a trader that has no processing contract ever received by a customs office by the time of notification of the processing contract.

Article 4. Forms of processing contracts

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Signatures and seals in contracts:

Foreign traders shall sign while Vietnamese traders shall sign and seal contracts in accordance with Vietnamese law; for traders being private business households, heads of households shall sign and write their full names and numbers and dates of issuance of their identity cards.

3. For electronic documents accompanying contracts issued by principals being foreign traders, the processors being Vietnamese traders shall sign and append their seals for certification.

Vietnamese traders being private business households shall comply with Clause 2 of this Article.

Article 5. Contents of processing contracts

The contents of a processing contract must comply with Article 29 of Decree No. 187/2013/ND-CP.

In case the principal and processor conduct transactions via a third party, e.g. the principal designates the processor to receive raw materials and supplies from a third partner or to deliver export processed products to a third partner, such must be expressed in the contract, contract annex or relevant document as proof.

Article 6. Annexes to processing contracts

1. For a processing contract which is valid for more than one year, different annexes may be made for performance. The period of performance of each annex must not exceed one year. In special cases in which the period of processing of a product lasts for more than one year, the processing contract/annex may be performed for each product (e.g., seagoing ship building or repair).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Any modifications, supplementations or adjustments to the terms of a processing contract (including contract validity term extension) must be expressed in a contract annex made before the processing contract expires and notified to the customs office before or when the Vietnamese trader (below referred to as trader for short) carries out export or import procedures for the first goods shipment under such annex. Each annex to a processing contract must contain the signature and seal as the processing contract as provided in Article 4 of this Circular.

Upon the complete performance of a processing contract and export of all processed products, the trader may not extend the validity term of the processing contract which has expired.

Particularly for the value of raw materials and supplies imported for processing, when it is changed or added, the value indicated on the commercial invoice of the import dossier will be accepted and no adjustment annex is required.

Article 7. Customs clearance places

Customs procedures for a specific processing contract shall be carried out at a Customs Branch under a provincial-level Customs Department chosen by the trader concerned. Specifically:

1. At the Customs Branch of the provincial-level Customs Department of the locality where the traders production establishment performing the processing contract (including sub-processing establishment) is based.

2. At the Customs Branch of the provincial-level Customs Department of the locality where the traders lawfully established head office is based.

3. At the Customs Branch of the provincial-level Customs Department of the locality where the traders branch, which has been lawfully established and has the function and task of carrying out customs procedures under regulations, is based. This locality has a border gate for actual import of raw materials and supplies for performance of the processing contract.

4. A trader that is organized as a business group or corporation (parent company-affiliated company) and has a specialized unit to import raw materials and supplies for supply to other attached units or has production establishments in different provinces or cities may choose a Customs Branch of the locality where a production establishment is based or where raw materials and supplies are imported for performance of the processing contract.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 8. Responsibilities of traders and customs offices

1. Traders:

Traders or their at-law representatives shall take personal responsibility before law for:

a/ Using processing raw materials and supplies for proper purposes and according to norms under Article 30 of Decree No. 187/2013/ND-CP;

b/ Notifying their processing contracts; carrying out import procedures for raw materials and supplies; notifying and adjusting norms; carrying out procedures for intermediary processing; carrying out export procedures for processed products; and liquidating processing contracts and carrying out other procedures related to processing contracts with customs offices;

c/ Managing and monitoring raw materials and supplies on their accounting books from their importation to the complete liquidation of processing contracts and preserve such books for a duration prescribed by law;

d/ Coordinating with customs offices in applying information technology in managing processing contracts and carrying out import and export procedures for processed goods.

2. Customs offices shall:

a/ Carry out customs procedures, monitor, examine and supervise the performance of processing contracts by traders;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Examine production establishments of traders in case it is necessary to examine production establishments;

d/ Apply appropriate coercive measures in case traders flee away or disperse property under Clause 26, Article 1 of the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Tax Administration Law and relevant guiding documents;

dd/ Apply information technology to facilitate and strictly manage the performance of processing contracts by traders.

Section 2. CUSTOMS PROCEDURES FOR GOODS RECEIVED FOR PROCESSING IN VIETNAM FOR FOREIGN TRADERS

Article 9. Procedures for notification of processing contracts

1. Responsibilities of traders:

At least 1 working day, for cases not subject to examination of production establishments, or 8 working days for cases subject to examination of production establishments, before carrying out import procedures for the first goods shipment under the processing contract, the trader shall notify the processing contract to the customs office. A dossier comprises:

a/ The processing contract and its annexes (if any): To submit 2 originals (1 to be kept by the customs office and 1 to be returned to the trader after the contract is received) and 1 Vietnamese version (if the contract is made in a foreign language other than English);

b/ The business registration certificate or enterprise registration certificate or investment license or investment certificate, for traders being foreign-invested enterprises (if carrying out procedures for notification of processing contracts for the first time): To submit 1 copy certified by the trader;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ The permit of the Ministry of Industry and Trade, for processed products on the list of imports and exports subject to permits: To submit 1 copy certified by the trader and produce the original for comparison;

dd/ The certificate of eligibility for scrap import (in case of importing scraps for use as processing raw materials) as provided by law: To submit 1 copy certified by the trader and produce the original for comparison;

e/ A document notifying the production establishment, for traders undertaking the processing for the first time, indicating the address of the traders head office, the address of the production establishment, goods items and equipment line (including types and quantities of existing machines and equipment), design capacity of the machinery and equipment line, production capacity (the maximum quantity of products which may be produced in a month/quarter/year; workforce, etc. (even for cases of processing outsourcing); the account number and the name of the bank with which the trader deposits its money: To submit 1 original.

The trader is required to make notification only once and make additional notification when there are any changes in the explained contents. In case of change in the legal person status, address of its working office or production establishment (from the time of submitting the processing contract to the time of completing the liquidation of the contract), before the time of commencement of operation of the new legal person or the time of commencement of operation at the address of the new working office or production establishment, the trader shall notify such changes in writing to the Customs Branch managing the processing contract.

g/ The processing outsourcing contract (for the case of outsourcing the processing of some or all products): To submit 1 copy certified by the trader and produce the original for comparison;

h/ The workshop or production ground rent contract, for the case of rent of workshops or production grounds: To submit 1 copy certified by the trader and produce the original for comparison.

2. Tasks of customs offices when carrying out procedures for receiving processing contracts/annexes:

2.1. For the receipt of processing contracts:

a/ For cases in which inspection of production establishments is not conducted before receiving processing contracts:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a2/ To check the completeness, consistency and validity of the processing contract;

a3/ To enter in a computer system information related to the processing contract; return to the trader 1 original of the processing contract and original documents already produced;

a4/ If a dossier is invalid, the customs office shall immediately notify such in an operational requirement card to the trader for dossier completion.

In case of receiving multiple dossiers at a time and it is unable to immediately make such notification to the trader, within 2 working hours after receiving an invalid dossier, the customs office shall notify such in an operational request card to the trader for dossier completion;

a5/ Within 8 working hours after the trader submits a complete and valid dossier, the customs office shall complete the procedures for receiving the processing contract.

b/ For cases in which inspection of production establishments is conducted before receiving processing contracts:

b1/ To perform the jobs specified at Points a1, a2, a3 and a4, Clause 2 of this Article;

b2/ Within 5 working days after the trader submits a complete and valid dossier, the customs office shall complete the inspection of its production establishments and the receipt of the processing contract (or it shall state its refusal to receive the contract in an operational request card if conditions are not fully met).

For a trader having a production establishment in a province or city other than the locality in which it notifies its processing contract, within 8 working days after the trader submits a complete and valid dossier, the customs office shall complete the inspection of the production establishment and the receipt of the processing contract (or it shall state its refusal to receive the contract in an operational request card if conditions are not fully met).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ If the customs office gives no feedback within the time limit specified at Point 2.1, Clause 2 of this Article, the trader will be automatically permitted to perform the processing contract.

2.2. For the receipt of processing contract annexes:

When receiving a processing contract annex, the customs office shall examine and compare its contents with the processing contract. If their terms are consistent, it shall receive the annex, enter information notified therein in a computer system and return to the trader the original annex and the original documents (if any).

2.3. Issuance of receipt numbers of processing contracts/processing contract annexes:

After receiving a processing contract/processing contract annex and examining the conditions specified in Clause 2 of this Article, the customs officer shall issue a receipt number, clearly writing the date of receipt, sign and append a stamp showing his/her officer identification number on the first page of the processing contract/processing contract annex and accompanying documents (if any); and enter such receipt number into the system for monitoring and management.

Article 10. Inspection of production establishments

1. Cases in which inspection of production establishments is required:

a/ Traders notify the performance of processing contracts for the first time to customs offices or traders have notified their processing contracts to other Customs Branches but the Customs Branches that have received such processing contracts have not yet conducted the inspection of production establishments;

b/ Traders undertake the processing but outsource a part of or the entire processing under the processing contract/processing contract annex to other traders;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ No product is exported after 2 months (or after the cycle of production of a product for processing special products like ships, mechanical engineering products, etc.) from the date of clearance of the import procedures for the first shipment of raw materials and supplies under the processing contract/processing contract annex;

dd/ Traders have had their processing contracts received by Customs Branches and are performing such processing contracts but keep notifying many other processing contracts in excess of their own actual production

capacity and/or the actual production capacity of traders subcontracted with the processing;

e/ Customs offices conduct inspection on the basis of results of risk management and probability examination to assess the law observance by traders.

2. Time of inspection of production establishments:

a/ After the trader submits a complete dossier of notification of the processing contract; or

b/ During the production process.

3. The leaders of Customs Branches managing the processing contracts are competent to decide on the inspection of the tradersproduction establishments and shall notify in writing the traders of inspection contents within 3 working days before the inspection. In case traders notify their processing contracts for the first time or are performing processing contracts but customs offices have doubts over the production capacity, the inspection may be conducted immediately right after the leaders of Customs Branches managing the processing contracts decide on the inspection.

4. Contents of inspection of production establishments:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Checking the lawful right to own or use workshops, production grounds, machines and equipment at production establishments:

b1/ Checking papers proving the lawful right to use workshops and production grounds. In case of rent of workshops, production grounds, machines and equipment, the validity term of rent contracts must be equal to or longer than the validity term of the processing contracts;

b2/ Checking the right to own or use machines and equipment at production establishments against the tradersdeclarations in their written notifications in order to determine the traders lawful right to own or use such machines and equipment at production establishments. Checking contents: checking import declarations (for imported machines and equipment); purchase invoices and documents (for locally procured machines and equipment); or financial leasing contracts (for financially leased machines and equipment). For financial leasing contracts, their validity term must be equal to or longer than that of the processing contracts;

c/ Checking the state of the workforce to perform the processing contracts;

If unable to check through information provided by the provincial-level Labor, Ward Invalids and Social Affairs Department, the customs office shall:

c1/ For traders having operated for 2 months or longer:

c1.1/ Checking labor contracts; or

c1.2/ Checking workers payroll of the month preceding the inspection.

c2/ For traders having commenced production for less than 2 months, checking the state of the workforce during the process of production.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d1/ Checking the number of existing machines, production lines and equipment at production establishments;

d2/ Checking the state of machines and equipment (brand-new, used, etc.);

Comparing the number and operation capacity of existing machines, equipment and production lines at production establishments with the state of the workforce at the time of inspection to assess the maximum quantity of products which can be produced by traders in a month/quarter/year, and concurrently to determine the compatibility of these products with the items and quantity of raw materials and supplies imported for the processing of exports.

Upon completion of the inspection, customs officers shall make written inspection records which must fully and truthfully reflect what has been actually inspected and bear the signatures of customs officers conducting the inspection and the at-law representative of the inspected trader. The form of written record of inspection of production establishment shall be guided by the General Department of Customs.

6. On the basis of written records of inspection of production establishments, to make conclusions on inspection of production establishments (2 copies), which shall be signed by a leader of the Customs Branch and sent (1 copy) to the trader for compliance. The form of this conclusion shall be guided by the General Department of Customs.

7. Handling of results of inspection of a pr